Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 4 - Phần 2
Cụm từ “các lò rèn đúc nhân tài” một hoán dụ chỉ được dùng cho các trường nổi tiếng nhất ở Hà Nội hay Hành Thiện, đã nói lên rõ ràng nhất tính hiệu lực của một hệ thống nhằm đào tạo tinh hoa cho ngạch cai trị. Truyền thống hiếu học chỉ có giá trị quan sát chỉ là biểu hiện của kết quả nhưng không giải thích được tại sao lại như vậy. Vì vậy cần phải tìm thêm những động lực mới: mật độ của các trường học, tinh thần ganh đua học tập giữa các học trò ở ngay trong từng trường, thầy vừa hay chữ vừa có kinh nghiệm thực hành giỏi (cựu quan lại) sẵn sàng truyền dạy tri thức hướng về đạt kết quả tốt trong thi cử, có nhiều sách và dễ dàng cho học trò tham khảo (các tủ sách của các trường hay của các thầy), điều kiện kinh tế.
Việc có nhiều trường trong một địa phương là nhân tố thành công đầu tiên. Hành Thiện cũng như Hà Nội trong một không gian đã có đủ các cấp học từ khai tâm đến tiểu tập, trung tập, đại tập, đứa trẻ luôn luôn thấy có mặt những người anh đi trước học ở các bậc học trên tạo nên một yếu tố kích thích tinh thần ham học và học cao hơn. Chúng ta hãy quan tâm đến cấp học cuối cùng (đại tập) chuẩn bị đi thi để phân tích sự hình thành cái vốn sư phạm. Để thấy hết ảnh hưởng của cấp học này, cần phân xét đến theo hai bình diện đồng đại và lịch đại từ những nhân tố đã trình bày trên đây. Xét theo bình diện lịch đại có ba thế hệ giáo sư có thể nhận diện ở Hà Nội và Hành Thiện. Từ Phạm Quý Thích đến Lê Đình Diên trong trường hợp thứ nhất và từ Nguyễn Bá Huống đến Nguyễn Ngọc Liên ở trường hợp thứ hai. Mỗi thế hệ đều tích luỹ được cái vốn sư phạm của thế hệ đi trước. Trong cùng một dòng môn sinh thì việc tích luỹ thực hiện dễ dàng, học trò đi theo thầy học như trường hợp của Nguyễn Huy Đức môn sinh của Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu và Trần Văn Vi đều là đồng môn dễ dàng chia sẻ những lý tưởng trí tuệ vì không chỉ giới hạn dạy dỗ ở riêng trường của mình. Họ còn đi thăm các trường khác của bạn bè và các môn sinh đều được phép tham dự các cuộc bàn luận thường diễn ra giữa các thầy. Cũng có khi thầy mời bạn đồng nghiệp hay đồng môn về giảng bài ở trường mình. Ngoài các trường ở Hà Nội cần nhấn mạnh đến tính đa dạng của các bài giảng trong một trường. Nói cách khác trái với các ý kiến vẫn đưa ra xưa nay là việc đào tạo không chỉ thu hẹp vào cuộc nói chuyện tay đôi giữa thầy và trò. Chu Thiên trong cuốn tiểu thuyết Bút nghiên của mình, cuốn sách được miêu tả kỹ nhất về hệ thống giáo dục xưa, đã nói lên thành công của trường là mời được các quan đến để giảng bài, chữa các bài tập[314]. Hơn nữa các thầy học cho phép học trò trường mình và cả trường khác được sử dụng các công cụ dạy học của trường mình.
[314] Chu Thiên, sđd, tr.143.
Các thầy còn đề nghị các học sinh đến đọc sách tham khảo trong tủ sách riêng của thầy và những thư viện này còn mở cửa cho các trường khác nữa. Dưới triều Nguyễn ngoài thư viện lớn nhất là của trường Quốc tử giám còn có hai tủ sách có số lượng sách khá lớn của tư nhân là thư viện Long Cương của Cao Xuân Dục (ở Huế), thư viện Hi Long của Đặng Xuân Bảng ở Hành Thiện[315]. Các tác phẩm, công trình sao lục dễ dàng tiếp cận cũng được phổ biến rộng rãi nhờ sao lục hay in lại. Như Đặng Xuân Bảng thường xuyên dùng trong nhà hai người thợ ở Liễu Tràng[316] huyện Gia Lộc để chuyên khắc bản in[317]. Rất nhiều sĩ phu Hành Thiện và Hà Nội đỗ nhất, nhị trường các kỳ thi hương đều chuyên làm việc ấn loát nhân bản các công trình hay khắc các bản mẫu cho các trường học của Đặng Xuân Bảng và Nguyễn Ngọc Liên bán cho các sĩ phu, các nhà nho và các sĩ tử đi thi. Hệ thống ấn loát này đã kích thích mạnh mẽ hoạt động kinh tế của làng Hành Thiện và các phường có trường học ở Hà Nội. Nhu cầu học tập kích thích sự phát triển hay xuất hiện các nghề mới. Như có một số gia đình chuyên sống bằng nấu cơm trọ các học trò đến học hay vãng lai.
[315] Bản thân Cao Xuân Dục đã dạy nhiều người làm quan có chức lớn như hai anh em Từ Đạm và Từ Thiệp, tổng đốc Bắc Ninh và Quảng Nam. “Ngoài chức vụ chính, ông còn tổ chức nhiều cuộc thi (thử) để khuyến khích học trò”. Patris, Ch. “Notice nécrologique S.E. Cao Xuân Dục”, sđd, tr.439.
[316] Liễu Tràng cùng với Hồng Lục là 2 làng nổi tiếng về in sách. Cả 2 làng đều thuộc tỉnh Hải Dương được Lương Như Hộc đi sứ Trung Hoa về truyền lại nghề in thế kỷ XV.
[317] Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện và các nhà nho Hành Thiện triều Nguyễn, (1992), tr.295.
Việc dạy ở các trường đó được gọi đúng hơn là lớp luyện thi dựa trên sự khắc sâu vào trí não một khuôn khổ một mẫu mực về lập luận. Đa số các thầy trước khi mở trường dạy học đều có kinh nghiệm đào tạo các quan, họ là giáo thụ ở tỉnh, ở phủ, huấn đạo ở huyện và ngay trong các lớp đào tạo của Triều đình. Đặng Đức Dịch đã làm ở Viện tập hiền ở Huế trước khi về Hành Thiện mở trường. Vũ Tông Phan cũng là giáo thụ ở phủ Thuận An. Các thầy có nhiều chức danh là những thầy đã làm quan giám khảo trong các kỳ thi, cần phải nói thêm điều này là họ có thể chỉ bảo để dạy cho sĩ tử ở Hành Thiện cách học thế nào là thích hợp nhất để thi đỗ. Như Đặng Đức Địch là phó chủ khảo trường thi hương ở Thừa Thiên năm 1879 rồi ở kỳ thi hương ở Hà Nội cùng năm đó và năm 1884 lại là chánh chủ khảo trường thi hương tỉnh Thừa Thiên[318]. Vũ Tông Phan cũng vậy, ông là quan phúc khảo của thi hội năm 1829.
Chính nền tảng của cách giáo dục này phải được hiểu rõ mới thi đậu. Các thầy làm các bài văn để dạy cho học trò làm mẫu và sao chép lại. Có hai loại văn mẫu. Đó là bản sao các bài học trò cũ của thầy đã làm trong các kỳ thi và đã được quan giám khảo khác sửa chữa và cho điểm hoặc là các bản sao các bài văn được thầy khen trong lớp. Theo Trần Huy Liệu đó là chìa khóa đưa đến thành công của các trường học ở Hành Thiện. Tuy nhiên thành công của thí sinh còn tùy thuộc vào tài khéo léo trong lập luận hơn là thuộc lòng các bài văn mẫu. Rất nguy hiểm là chỉ học thuộc các bản sao các bài thi mà đề tài thường rất quen thuộc. Trong các kỳ thi các quan giám khảo có thể loại bỏ các bài làm giống nhau như bản sao là do học trò chỉ học thuộc văn mẫu mà không tập biện luận gì. Với các bài này quan giám khảo thường phê “trùng kiến” nghĩa là được xem nhiều lần[319].
[318] QTHKL, tr.452, 458 và 471.
[319] Trần Huy Liệu, Hồi ký…, sđd, tr.15.
Hệ thống dạy và học truyền thống này không hề bị đảo lộn vì các vụ biến loạn xảy ra sau cuộc chinh phục Pháp. Hệ thống này đã tồn tại lâu vì có thể thích nghi được. Những cải cách của các trò học ở Hành Thiện cùng việc xuất hiện các trường mới dựa trên việc dạy học cải cách chung quanh Hà Nội chứng tỏ điều đó. Đặng Xuân Bảng đã không làm cho Triều đình phải chuẩn nhận những lời tâu của mình về cải cách giáo dục. Ông đã đem áp dụng ở làng ông dự án cải cách này, ông thường phê phán cái yếu kém của các nhà nho chỉ một mực đam mê cách học sách vở cốt để đi thi mà không góp gì vào việc chấn hưng kinh tế để làm giàu cho nước theo chân các nước phương Tây mà ông theo dõi sát những sáng chế kỹ thuật của họ[320]. Vì vậy trước khi về hưu năm 1888 ông tổ chức tại làng Hành Thiện nhiều buổi diễn giảng về hiện đại hoá công nghiệp và thương nghiệp. Những ý tưởng của ông gây dấu ấn mạnh mẽ cho các thế hệ đi sau đặc biệt Đặng Văn Nhã, Đặng Hữu Nữu và Đặng Hữu Đài. Đặng Văn Nhã đỗ tú tài năm 1891 rồi đầu xứ kỳ thi hương Nam Định năm 1897, đã khiến Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khâm phục. Ông này đã yêu cầu Nhã cho biết mong muốn điều gì nhất, Nhã trả lời xin được sang Pháp để học tập nền văn minh Pháp, và để biết tường tận cái gì làm nên sức mạnh của phương Tây trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, kỹ thuật, tài chính và quân sự. Vì Nhã biết quân ngũ nên hai tháng sau, Toàn quyền Doumer bổ nhiệm ông làm ký lục tại phủ toàn quyền rồi năm 1900 đưa vào đoàn các quan sang công du bên Pháp với Vũ Quang Nhạ, tổng đốc Bắc Ninh, Hoàng Trọng Phu, con trai Hoàng Cao Khải và đốc học trường hậu bổ, Từ Đạm, tri phủ Xuân Trường[321]. Sau chuyến công du đó, Nhạ được bổ làm quan[322]. Sau thời gian làm tri phủ ứng Hòa, ông cho quan về nghỉ năm 1908. Đặng Hữu Nữu em ruột quan án sát Hà Nội, Đặng Hữu Dương, đỗ cử nhân năm 1886 được bổ tri huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang năm 1894, ông đã học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp và đọc báo viết bằng chữ quốc ngữ và tiếng Pháp ấn hành tại Sài Gòn. Còn con trai Đặng Hữu Dương là Đặng Hữu Đài một thời gian học chữ nho và theo lối khoa cử ở trường của Nguyễn Ngọc Liên, ông đi về Hiệp Hòa xin với chú là Đặng Hữu Nữu dạy cho tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, toán học và vật lý[323]. Sau đó có nhiều sĩ tử gốc Hành Thiện dự thi hương bắt đầu từ 1909 song song với học kinh sách còn học thêm chữ quốc ngữ, tiếng Pháp, toán và vật lý[324]hoặc ở trường phủ Xuân Trường mở từ 1887 gần làng Hành Thiện hoặc trường tư thục của cử nhân Đặng Vũ Tức. Quan huyện nào đọc và viết thạo chữ quốc ngữ và tiếng Pháp hay ít nhất nắm vững một trong hai thứ chữ chắc chắn sẽ thăng quan tiến chức rất nhanh. Tuy vậy có lẽ là đơn giản nếu coi Hành Thiện là nơi duy nhất đã có các quan bắt đầu học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Cụ nghè Vân Đình Dương Lâm (1851-1920) sau khi làm tổng đốc Bình Định, Phú Yên từ 1900 đến 1903 đã tham gia ban tu thư, soạn sách giáo khoa dạy chữ nho (1906-1909), cụ về hưu tại Vân Đình (huyện Sơn Lãng) mở trường dạy học (1909). Cụ dạy theo phương pháp mới theo như các bài chép mẫu còn để lại đến ngày nay[325].
[320] Đặng Xuân Bảng, Hi Long di tặng, trong Hoàng Văn Lâu, Khảo sát văn bản…, sđd, tr.18. Cũng xem Phan Đại Doãn, “Les lettrés humanistes”,Etudes vietnamiennes, 56 (1979), tr.125-126.
[321] Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện…, sđd, tr.198-199.
[322] Bản thảo chuyến công cán - Lãm tây ký lược (Vhv. 1784) - hiện được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[323] Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện…, sđd, tr.162.
[324] Từ 1909 các bài thi về chữ quốc ngữ và tiếng Pháp đã được đưa vào chương trình thi hương.
[325] Xem ở dưới.
Chìa khóa của thắng lợi không phải chỉ là có một trường dạy chữ quốc ngữ hay tiếng Pháp cho những người đỗ đạt đi làm quan mà phải có thêm những mối quan hệ giữa các cá nhân.
Các trường như là nơi tạo mối quan hệ
Một khi đã phân tích những động lực đem lại tính hiệu quả các trường học, cần phải nắm được những thể thức đầu tư của đương sự. Sự thừa nhận đã thi đỗ ở kỳ thi hương hay thi hội, thi đình là kết quả, là sản phẩm của một quá trình “đầu tư chín chắn” nghĩa là chọn những trường tốt, theo thuật ngữ của Pierre Bourdieu và cả một chuỗi kết quả học tập từ khi học ở trường làng cho đến lúc thi hương hay thi hội. Có nhiều bằng chứng cho biết phải biết chọn thầy mà học. Hãy lấy trường của Nguyễn Ngọc Liên ở làng Hành Thiện làm thí dụ hay trường của cụ nghè Trần Tiến Thanh hay trường Phạm Xá, mẫu lý tưởng của vườn ươm các nhà khoa bảng[326]. Một vị quan to chọn một thầy hay chữ làm gia sư cho con mình cũng là một việc nằm trong lôgic như thế. Đặng Đức Nhu đỗ cử nhân năm 1886 bị cách chức tri huyện Tam Nông[327] năm 1899 nhưng đã được Phan Văn Toán, tổng đốc tỉnh nhà mời làm gia sư cho các con. Từ 1910 đến 1913, Đặng Đức Cương, tổng đốc Hưng Yên cũng mời Nhu về làm gia sư ở nhà mình.
[326] Chu Thiên, Bút nghiên, sđd, tr.143.
[327] Ông không đủ uy tín đối với nha lại dưới quyền (ANV-RST 15283).
Vậy những “đầu tư” như thế xuất phát từ một chiến lược tổng thể (làng xã hay họ mạc) hơn là chiến lược cá nhân. Cái vốn liếng xã hội của anh khóa sinh là chủ yếu dù dựa trên những quan hệ trong làng xóm quê hương hay giữa cha mình đang làm quan với các bạn đồng niên. Tương tự như vậy, mọi chiến lược học tập dựa trên nền tảng toàn bộ các mối quan hệ nho giáo trong xã hội Việt Nam tiếp nối những mối quan hệ giữa các dòng họ. Có những từ ngữ kỳ chính xác diễn đạt mức độ mật thiết của những mối quan hệ đó: giữa thầy và trò (sư-đệ), giữa bạn bè đồng học trong một trường (đồng môn), giữa đồng nghiệp trong bộ máy quan lại (đồng liêu) giữa người trong một làng (đồng hương).
Chúng ta hãy đề cập trước tiên chiến lược học tập. Những học trò xuất thân gia đình không giàu có lắm có thể dành một phần thời gian làm gia sư hay giám hộ cho con nhà giàu. Nếu đó là những người học xuất sắc họ có thể được một nhà giàu trong làng mình đứng ra nâng đỡ hay ở một phú hộ ở một làng khác hay do chính làng lấy ngân sách của làng ra nuôi[328].
Những người bảo trợ cho học trò đó đều ý thức được rằng việc làm của họ như những nhà mạnh thường quân hay bà đỡ cho nghệ thuật là một sự đầu tư cho tương lai. Nếu kẻ được bảo trợ thi đỗ và đi làm quan họ có thể dựa vào uy tín, quyền lợi vật chất của các ông quan đó để nhờ vả sau này. Mặc dù các quan chức, theo quy định hồi tỵ không thể nhậm chức ở nơi sinh quán nhưng việc trong làng có một người đi làm quan là người đem lại vinh quang và lợi ích cho cả làng theo ngạn ngữ “một người làm quan cả họ được nhờ”. Phan Thanh Giản xuất thân con nhà nghèo là một thí dụ sáng tỏ. Vào tuổi hai mươi, ông đi Vĩnh Long, nơi người cha đang bị giam và ông xin được gặp quan án sát. Thấy ông là một thanh niên sáng dạ, quan án sát rủ lòng thương khuyên ông nên ở lại Vĩnh Long để tiếp tục học lên. Ông gửi Giản vào một trường của một thầy đồ tên là Võ. Nhờ một gia đình giàu có ở Vĩnh Long nuôi cho ăn học Phan Thanh Giản dùi mài kinh sử đến khi thi đậu tại khoa thi hương năm 1825 ở Gia Định và năm sau đỗ tiến sĩ[329]. Trường hợp của Phạm Hy Lượng quê xã Nam Ngư huyện Thọ Xương cũng không kém ý nghĩa. Mồ côi cha từ nhỏ, ông được một gia đình giàu có ở làng Thiết Trụ huyện Đồng Yên nhận làm con nuôi để tiếp tục có điều kiện theo đuổi đèn sách. Ông đậu phó bảng năm 1862 trở thành một trong những thầy giáo nổi tiếng đất Thăng Long, là thầy học của Vũ Phạm Hàm, án sát Hưng Hoá từ 1882 đến 1884 và của Chu Mạnh Trinh, án sát tỉnh Hưng Yên năm 1896.
[328] Việc đầu tư cho học trò người làng học cho đến khi thi đỗ làm quan rất mạnh ở một số làng ở vùng đồng bằng sông Hồng hay trong một tỉnh như Nghệ An như đã được chứng minh ở thế kỷ XIX, trong làng có nhiều ruộng công dành cho việc học gọi là học điền.
[329] Trương Bửu Lâm, New Lamps for old. The Transformation of the Vietnamese Administrative Elite, (1982).
Chiến lược học tập cũng có thể dựa trên tình đoàn kết keo sơn giữa các nhà nho là bạn bè thân thiết hoặc vốn là thầy học cũ. Một ông quan giới thiệu, gửi gắm con mình cho thầy học cũ của mình, cho một người bạn đồng liêu hay đồng môn của mình không phải là chuyện hiếm. Ví như đầu thế kỷ XIX Vũ Tông Cửu đã gửi con trai mình là Vũ Tông Phan đến học thầy giáo cũ của mình là Phạm Quý Thích đến khi Phan thi đậu tú tài năm 1819. Từ đó Phạm Quý Thích tiếp tục dạy Phan học cho đến khi đậu cử nhân năm 1825, rồi năm sau đậu tiến sĩ. Chú ruột của nhà văn Nguyễn Công Hoan là Nguyễn Đạo Quán, học trò cũ của Dương Lâm mở trường ở Xuân Cầu dạy cho các con của thầy học cũ là Dương Tự Phan, Dương Tự Trác, Dương Tự Đại, cả ba người sau này đều đi làm quan[330].
[330] Nguyễn Công Hoan, Nhớ gì ghi nấy, sđd, tr.336-337.
Mối quan hệ giữa thầy và trò thường được nhân đôi bằng quan hệ hôn nhân. Việc học trò yêu con gái hay em gái thầy là chuyện thường tình, trở thành môtip cho văn học dân gian như trong truyện Trầu Cau[331]. Vũ Tông Cửu cưới Phạm Thị Đôi em gái của thầy học cũ là Phạm Quý Thích. Quan hệ thông gia này có thể kéo dài đến thế hệ sau: Nguyễn Khuyến gả con trai Nguyễn Hoan, tri phủ Thường Tín năm 1896 cho cháu gái của thầy học cũ là Vũ Văn Lý, nguyên là tế tửu Quốc tử giám[332]. Và cuối cùng là Chu Mạnh Trinh, án sát Hưng Yên năm 1896 đã lấy con gái thứ hai của Phạm Hy Lượng là thầy học cũ của mình. Mối liên hệ giữa hai gia đình đã có từ lâu. Phú Thị, làng của Chu Mạnh Trinh và Thiết Trụ quê của cha mẹ nuôi Phạm Hy Lượng rất gần nhau. Chu Duy Tĩnh đã kết bạn với Phạm Hy Lượng và yêu cầu Lượng nhận con mình đến học khi Lượng mở trường ở Thăng Long.
[331] Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng truyện dân gian, (1998), tr.70-71.
[332] Thơ văn Nguyễn Khuyến (1979), tr. 8, 176.
Ảnh 5 - Lễ vinh quy bái tổ của một cử nhân năm Tự Đức thứ ba mươi ba (1880) và của một tiến sĩ năm Tự Đức thứ ba mươi lăm (1882)
Nguồn: Trung tâm lưu trữ Đà Lạt,
Phông Toàn quyền Đông Dương, A.1015.
Trong việc xây dựng các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân việc lựa chọn và bổn phận không loại trừ nhau. Cần nhắc lại, trong luân lý Khổng giáo, ngôi thứ của thầy học còn cao hơn cha, chỉ đứng sau vua (quân - sư - phụ). Quan hệ thầy giáo - học trò là một trong năm quan hệ làm điều kiện (ngũ luân) tồn tại của cuộc sống tinh thần mỗi con người: vua và thần dân (quân - thần), thầy và trò (sư - đệ), cha và con (phu - tử), chồng và vợ (phu - phụ) anh và em (huynh - đệ) bạn bè với nhau (bằng - hữu). Trò không được trốn tránh nghĩa vụ tinh thần là phải giúp đỡ thầy như trong trường hợp của Nguyễn Ngọc Quỳnh, đậu cử nhân năm 1850, năm 1876 vì bị cách tuột mọi tước chức phẩm hàm vì người nhà đánh nhau với dân làng Ngọc Cục bên cạnh làng Hành Thiện. Ông lui về quê để dạy học. Học trò cũ của ông là Nguyên Đôn Thi đậu cử nhân, thuộc quyền các quan tỉnh Nam Định và Nguyễn Ngọc Liên, tiến sĩ, cả hai được Đào Trọng Kỳ ủng hộ đã cùng làm đơn xin phục chức cho thầy học cũ vào năm 1893[333]. Một người học trò cũng không thể thoái thác bổn phận đối với con thầy mà anh ta gọi là thế huynh vì coi con thầy như anh cả của mình. Nguyễn Công Hoan trong hồi ký đã kể lại tấm gương của nhiều thế huynh đã được học trò cũ của cha mình nay đã làm quan đón rước trọng thể[334].
[333] Thư ngày 7/6/1893 của thống sứ Bắc Kỳ gửi công sứ Nam Định trong ANV-RST 1545, hồ sơ làng Hành Thiện (1887-1900). ANV-RST 18329, hồ sơ hành trạng của Nguyên Đôn Thi.
[334] Nguyễn Công Hoan, Nhớ gì ghi nấy, sđd, tr.337-338.
Việc đào tạo không phải là con đường duy nhất vào quan trường ở cuối thế kỷ XIX. Thập kỷ đầu tiên của chế độ thuộc địa cho biết còn có nhiều thể thức tuyển dụng khác nữa.
Những đề bạt bên cạnh được khẳng định
Một tình thế thuận lợi
Có nhiều thể thức đi vào quan trường trong những năm 1884-1893. Đó cuộc chiến tranh chinh phục không còn ba cơ chế kiểm soát hiện hành có hiệu lực đầu thế kỷ XIX như: đòi hỏi mỗi quan phải đỗ trong các kỳ thi văn, có một thời gian tập sự như đã được làm hậu bổ hay hành tẩu, trước khi được bổ nhiệm làm quan, hạn chế gửi gắm tiến cử. Thời kỳ có nhiều biến loạn trong quá trình chinh phục hay “bình định” chắc hẳn đã mở rộng cơ sở tuyển người làm quan tắt. Nhưng việc cáo quan về trí sĩ hay do bị cách chức một số quan cũ không phải là lý do duy nhất mở đường cho các chánh tổng, các nha lại hay nhân viên làm việc trong bộ máy chính quyền bảo hộ như ký lục, thông sự. Sự cần thiết phải ứng phó với việc tổ chức lại bộ máy cai trị trong thời kỳ nhiều biến động[335] đã tạo nên nhiều cơ hội mới để nhiều người làm quan mà không qua đỗ đạt các khoa thi hay lựa chọn khắt khe như trước đây. Hiệp ước Patenôtre (6/6/1884) để lại cho Triều đình Huế quyền được tuyển dụng người vào các ngạch quan lại tại các tỉnh từ biên giới với Nam Kỳ cho đến Ninh Bình đã rõ ràng chọn hình thức hành chính bảo hộ:
Các quan An nam, từ biên giới Nam Kỳ đến Ninh Bình tiếp tục cai tri các tỉnh trong phạm vi nói trên, trừ ngạch thương chính, công chính và nói chung các ngành đòi hỏi một sự lãnh đạo duy nhất hoặc việc sử dụng kỹ sư và nhân viên kỹ thuật người Âu lãnh đạo (cuối điếu khoản III).
[335] Về điểm này xem Daniel Hémery, Structures d’une domination, trong Brocheux, P., Hémery., D., Indochine la colonisation ambiguë 1858-1954, (2001), tr.75-l 16.
Còn ở Bắc Kỳ, Hiệp ước 6/6/1884 quy định:
Các công sứ hay phó công sứ sẽ do chính phủ nước Cộng hòa (Pháp) cắt đặt tại các tỉnh lỵ nơi nào xét ra sự có mặt của họ là có lợi. Họ làm việc dưới quyền tổng trú sứ… (điều khoản VI). Các công sứ đều tránh không đi vào chi tiết công việc cai trị ở các tỉnh và các quan tiếp tục cai trị dưới quyền kiểm soát của họ (điều khoản VIII)[336].
[336] Xem văn bản hiệp ước 1884 trong Taboulet, G., La geste française en Indochine, (1956), t.2, tr.809-812.
Thực tế trong thời kỳ 1884-1894 giới trách nhiệm chính trị do dự trước hai mô hình cai trị: bảo hộ và trực trị. Một phần do tình hình chính trị địa phương gây tình trạng bất ổn có nghĩa là Triều đình và bộ máy quan lại nhất trí tán thưởng hay kháng cự lại và phần khác có sự bất đồng giữa các quan chức Pháp. Các công chức cao cấp Pháp được bổ nhiệm sang Đông Dương đều trực thuộc hai bộ: bộ ngoại giao và bộ thuộc địa, có quan niệm chính trị đối lập. Bộ ngoại giao chủ trương một chế độ bảo hộ thật sự trong khi bộ thuộc địa lại coi đó là giai đoạn quá độ đi đến cai trị trực tiếp. Một chính sách muốn đi đến thành công dù là phương hướng chung cũng đòi hỏi phải có tính liên tục và quyền lực thống nhất. Vậy mà cho đến thời kỳ Lanessan không một điều kiện nào được xem là đáng hài lòng. Bằng chứng sự quay vòng rất nhanh vì có nhiều trung tâm quyền lực. Ở cấp cao nhất chính sách của người này mâu thuẫn với người đi trước. Nhiều khi việc bổ nhiệm các công chức là kết quả của sự thỏa hiệp giữa hai bộ nhưng có khi lại tăng thêm mâu thuẫn. Những công chức cấp cao được đi kèm với một người thứ hai làm phó, với quan niệm căn bản là đối lập nhau. Cuối cùng là mâu thuẫn thường xuyên về quyền lực giữa quân sự và chính trị. Không đi vào chi tiết các sự kiện chỉ cần nhắc lại các tình huống trong chính sách thuộc địa đủ hiểu rõ tình trạng mâu thuẫn này.
Sau khi Rivière tử trận năm 1883, quyền lực tối cao được giao cho Harmand, một thầy thuốc hải quân do bộ ngoại giao chọn lựa và áp đặt. Còn quân đội đặt dưới quyền thống lĩnh của tướng Bouet (7/6/1883). Quan hệ giữa hai người rất tồi tệ và từ tháng 9/1883 Harmand đuổi Bouet về nước. Rút bài học thất bại đó, chính quốc lập lại quyền lực thống nhất giao cho đô đốc Courbet (tháng 9/1883 - tháng 1/1884) rồi tướng Millot (tháng 1/1884 - tháng 9/1884). Đến tháng 9/1884 lại tái lập lưỡng quyền dân sự và quân sự song song. Tướng Brière de l’Isle nắm quyền chỉ huy quân đội nhân danh bộ hải quân còn quyền lực dân sự thì giao cho Lemaire, do bộ ngoại giao bổ nhiệm làm khâm sứ bên cạnh Triều đình Huế. Song bên cạnh Lemaire lại có Silvestre là phó, ông này đồng quan điểm chính trị của Brière de l’Isle nghĩa là cai trị trực tiếp.
Như vậy việc tách rời giữa hai quyền dân sự và quân sự tuy ghi rõ trong chỉ thị của hai bộ chỉ là chữ nghĩa trên giấy tờ và quan hệ giữa một bên là Brière de l’Isle và bên kia là Lemaire ngày càng xấu. Việc phục hồi một quyền lực duy nhất được giao cho tướng Courcy tháng 4/1885 đã không giải quyết được mâu thuẫn vì êkíp quân nhân gồm Brière de l’Isle và Négrier và nhóm công chức dân sự gồm Silvestre và Champeaux luôn luôn mâu thuẫn kình địch nhau trong việc thực hiện đường lối chính sách của chính quốc.
Chức vụ Tổng trú sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ được giao Paul Bert. Các khâm sứ Trung Kỳ và thống sứ Bắc Kỳ đều đặt dưới quyền của Tổng trú sứ Paul Bert. Chính sách của Paul Bert là công khai phá bỏ quyền lực của các quan người Việt. Constans người kế tục Paul Bert làm Toàn quyền (tháng 11/1887 – tháng 4/1888) chủ trương thành lập Liên hiệp Đông Đương có nghĩa là một nền bảo hộ lỏng lẻo cho Bắc Kỳ, ít công chức người Pháp, ít quân nhân, càng ít tốn phí càng tốt. Chính sách này đòi hỏi phải liên kết với Triều đình Huế và các quan người Việt.Dưới thời Constans, mỗi khi thông qua ngân sách và các chủ trương lớn về chính trị lại nổi lên mâu thuẫn giữa quân sự và dân sự.
Người kế nhiệm Constans là Richaud (4/1888 - 5/1889) lại đi ngược với chính sách của người tiền nhiệm. Ông tỏ ra gần gũi với đám tướng tá và thiếu tin cậy Triều đình và các quan người Việt. Tháng 8/1889, Parreau trở thành thống sứ Bắc Kỳ. Ông đồng ý với Richaud muốn thi hành chế độ trực trị. Nhưng quan điểm của Rheinart, Piquet (5/1889 - 4/1891) rồi Lanessan (4/1891 - 12/1894) là trở lại với chính sách của Constans: chống lại cai trị trực tiếp và phải dựa vào Triều đình và bộ máy quan lại. Chính sách này đòi hỏi phải làm sáng tỏ thể chế. Sắc lệnh bổ nhiệm (ngày 21/4/1891) đã xóa bỏ cuộc xung đột có từ thời Paul Bert giữa tổng trú sứ (nay là toàn quyền) với chỉ huy tối cao quân đội, có lợi cho phe dân sự. Ông chủ trương quyền chỉ huy quân sự phải phụ thuộc vào Toàn quyền Đông Dương. Ngoài ra không có đối trọng nào đặt bên cạnh toàn quyền. Chính sách của Lanessan, dựa vào quan trường để cai trị Bắc Kỳ và Trung Kỳ đi ngược lại chính sách đã được các giáo sĩ thừa sai trong hội truyền giáo trước đây ủng hộ.