Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 4 - Phần 1
Chương
4
CHIẾN
LƯỢC LÀM QUAN
(1884 -
1896)
Con đường làm quan diễn ra dưới nhiều dạng khiến
chúng ta đặt câu hỏi về các trình tự bước vào quan trường diễn ra như thế nào?
Làm thế nào để trở thành lại viên hay quan vào thập kỷ đầu của thời kỳ thuộc
địa. Còn đường đi vào quan trường có tuân theo những kế hoạch cá nhân hay cộng
đồng (của dòng họ hay của làng). Có gì khác so với các quan sau này vào nửa đầu
của thế kỷ XIX?
Chọn
lọc thường xuyên ở các trường
Những quan đương chức năm 1896 ở các tỉnh Bắc Kỳ chủ
yếu là được tuyển chọn chung quanh Hà Nội và trong tỉnhNam Định. Địa
phương nào lắm quan thì cũng là nơi có nhiều nhà khoa bảng đỗ trong các kỳ thi
hương hay các kỳ thi hội, thi đình. Đâu là động lực đã đưa đến những thành công
của các sĩ phu ở các huyện chung quanh Hà Nội hayNam Định?
Những “lò rèn đúc nhân tài”
Có hai con đường cho các khóa sinh để được thi đỗ:
học ở các trường được coi là trường công do các quan chuyên trong nghề dạy học,
huyện thì do các huấn đạo, phủ thì do giáo thụ, tỉnh thì do đốc học mở trường
và dạy học, một loại trường được coi là trường tư do những người đỗ đạt đi làm
quan chức hay không đi làm quan tổ chức và dạy học.
Một khóa đào tạo kinh điển thường kéo dài mười năm
theo câu ngạn ngữ “thập niên đăng hỏa”, hai từ cuối đăng hỏa (đèn và lửa) dùng
để chỉ công việc trí óc, thường được dịch là “mười năm đèn sách”. Chương trình
gồm bốn cấp học:
- Lớp khai tâm (vỡ lòng): bốn năm. Đứa trẻ được cha
mẹ dẫn đến gửi gắm cho một thầy đồ trong làng nói chung là những người đã đỗ
nhất, nhị trường tại các kỳ thi hương. Gia đình đứa trẻ tùy theo khả năng kinh
tế có thể nuôi thày, trả lương thầy… Cha đẻ đứa trẻ có thể là thày đồ dạy chính
con mình, như trường hợp của Trần Huy Liệu, cắp sách đến lớp từ năm lên sáu[294].
Nội dung lớp khai tâm là học thuộc liên tiếp bốn sách giáo khoa cơ bản của Tàu
hay Việt: Tam tự kinh[295],
các sách Sơ học vấn tân[296],
viết dưới dạng câu bốn chữ, Ấu học ngũ ngôn thi[297],
viết dưới dạng câu năm chữ, Minh tâm bảo giám[298].
Những sách này còn được bổ sung bằng các sách từ ngữ xếp theo đề tài cứ mỗi chữ
Hán là có chữ Nôm tương ứng kèm theo như Nhất thiên tự, Tam
thiên tự, Ngũ thiên tự[299].
Học sinh phải học thuộc lòng các quyển sách trên đây và học tô mực đen lên các
nét theo chữ son thầy viết sẵn, hoặc viết theo chữ mẫu thầy viết đặt dưới giấy
trắng mỏng (gọi là tờ phóng) sau đó tự viết không phải tô trên chữ mẫu gọi là
viết buông. Khi đã viết thạo chúng sẽ chép lại các sách trên hoặc viết lại theo
trí nhớ hoặc dưới dạng ám tả. Đến giai đoạn sau, chúng phải học các quy tắc làm
thơ theo vần luật, tập làm thơ, câu đối và các thể phú[300].
[294] Trần Huy Liệu. Hồi ký…, sđd, (1991), tr. 12.
[295] Sanzi jing (Tam tự kinh), sách gồm mỗi câu 3 chữ
của Vương Ứng Lâm đời Tống soạn từ thế kỷ XII, dưới thời Minh lại xem lại, dạy
cho trẻ biết về thiên nhiên, về các phẩm hạnh, thứ bậc trên dưới trong xã hội
và rút ra những gương nghĩa liệt trong lịch sử các triều vua. Quyển Tam tự kinh dạy cho học sinh có
một quan niệm chân chính về con người và xã hội.
[296] Sơ học vấn tân do Đặng Huy Trứ
soạn gồm ba phần: giản yếu lịch sử Trung Hoa từ nguồn gốc đến 1821, tóm tắt
lịch sử Việt Nam từ Hồng Bàng đến triều Nguyễn, tập hợp các lời
khuyên trẻ học tập và giữ hạnh kiểm tốt.
[297] Cũng gọi là Trạng nguyên thư. Ấu học ngũ ngôn thi đề cao việc
học và ai học giỏi sẽ có địa vị cao trong xã hội.
[298] Mingxin baojian (Minh tâm bảo giám), sách dạy về luân
lý của Trung Hoa bằng văn xuôi dưới dạng hội thoại, bao gồm 20 chương có từ đời
Tống, du nhập vào Việt Nam năm 1836 dưới triều Minh Mạng đề cao ưu thế của văn
học Trung Quốc trong giáo dục.
[299] Sách 1000 từ, Sách
3000 từ, Sách 5000 từ. Trẻ con xưa khi mới đi học đều thuộc lòng các câu đầu
của những sách này như: Thiên trời, địa đất, tử mất, tồn còn, tử con, tôn cháu,
lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau…
[300] Để có một nhận định
chung về sách giáo khoa thời kỳ đó, xem Phạm Quỳnh, “Cours de philologie et
littérature sino-annamite professé à l’École des Hautes Études
indochinoises”, Bulletin Général
de l’Instruction Publique, (1930).
- Trường tiểu tập, chia ra nhiều lớp theo các thể
loại: thơ, phú, văn sách. Học sinh tập làm các bài văn ngắn nhưng không bình
luận. Có đầu bài rồi học sinh về làm từ ba đến mười hai bài tập mỗi tháng và
thầy chữa ngay tại lớp. Chữa xong rồi thày cho trò nào giỏi hùng biện, có giọng
tốt đọc các bài hay nhất cho cả lớp nghe.
- Trường trung tập là một giai đoạn quá độ. Học sinh
ít học thêm được điều gì mới nhưng phải học cách nắm vững cách làm các thể
loại. Lớp học ở trường trung tập do các bậc tú tài hay cử nhân dạy. Học sinh
học xong được gọi là khóa sinh hay thí sinh chuẩn bị đi thi.
- Trường đại tập trực tiếp đào tạo các sĩ tử để dự
thi hương hoặc về kinh đô ứng thí. Có thể dưới dạng trường công do các huấn đạo
ở huyện, giáo thụ ở phủ hay đốc học ở tỉnh dạy học hoặc trường tư ít nhất do
các thầy đồ đỗ cử nhân dạy. Chương trình học là đi sâu phân tích và giải thích
sách Tứ Thư, Ngũ Kinh. Hàng tháng thầy cho học trò làm ba bài kinh nghĩa, hai
bài văn sách, hai bài thơ và phú và hai bài tứ lục. Trong lớp, thầy yêu cầu một
học sinh đứng lên bình luận bài thi mẫu rồi thầy dựa vào bài bình đó để xây
dựng bài dạy. Lớp này không những nhằm đào tạo các ông quan tương lai mà đến
thế kỷ XIX đào tạo lại viên.
Cuốn sách nói kỹ về cách dạy và cách học chắc hẳn
phải là cuốn Bút nghiên xuất bản năm 1942. Tác giả là Chu
Thiên, bút danh của Hoàng Minh Giám thuật lại hành trình của một nhà khoa bảng
tên là Nguyễn Đức Tâm từ khi cắp sách đến học thầy đồ trong làng đến khi thi
đình tại kinh đô Huế, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) ở tuổi hai mươi ba[301].
[301] Chu Thiên, Bút nghiên, sđd.
Các trường Hà Nội và Hành Thiện cần được nghiên cứu
riêng. Chắc chắn không phải tất cả các nhà khoa bảng đều từ các trường Hà Nội
và Hành Thiện, tuy nhiên hai trường này quy tụ được nhiều học trò xuất sắc của
toàn bộ các tỉnh phía Bắc và ngay từ sau 1884 vẫn tiếp tục đào tạo nhiều vị
quan tương lai.
Trường Hà Nội dựa trên nền tảng truyền thống lâu
đời. Các trường của các học quan tổ chức và trường Quốc tử giám không phải là
những trường học duy nhất đào tạo sĩ tử. Dưới triều Lê đã có nhiều trường học
của nhà nước.Chiêu văn quán là trường dạy học dành cho con các quan
đệ nhất và đệ nhị phẩm và các con trưởng của các quan tam phẩm. Tú lâm
cục nhận vào học con các quan từ tứ phẩm trở xuống đến bát phẩm. Sùng
văn quán dành cho con cháu gia đình hoàng tộc cho đến con cháu các bậc
khai quốc công thần, con các quan văn võ từ nhất phẩm đến tam phẩm không đủ học
lực để theo các trường bình thường[302].
Khó mà xác định được trường nổi tiếng thuộc địa phương nào nhưng các nguồn tư
liệu để lại cho phép có thể định ranh giới cho “khu La tinh” của Việt Nam ở
thời trung đại, tức là thế kỷ XVII và XVIII theo cách gọi của Nguyễn Thừa Hỷ[303],
đó là trường Quốc tử giám - Văn miếu ở Thăng Long và vùng quanh đó như các xóm
Bích Câu và hồ Thái Hồ[304],
các xóm Minh Giám và Văn Hương. Trong những năm 1850 dân ở đây làm những nhà
trọ để tiếp các khóa sinh không phải quê ở Thăng Long gọi là nho sinh quán
(quán anh đồ). Tuy nhiên các quán đó không phải là nơi duy nhất để đón các khóa
sinh về thủ đô. Thực vậy trường công không thể thỏa mãn đầy đủ yêu cầu của
nhiều sĩ tử đến Thăng Long ứng thí. Đó là nguồn gốc của các trường tư mở từ thế
kỷ XVII do các quan về hưu hoặc các nhà nho không bao giờ màng tới công danh
nơi quan trường mở. Nổi tiếng là trường Vũ Thạnh, phường Hào Nam trên
bờ hồ Bảy Mẫu mà học trò đến theo học đông đến mức phải thuê thuyền để đến lớp nghe
giảng[305].
Đầu thế kỷ XIX khu “Đại học” chuyển về hồ Hoàn Kiếm.
Một trong các trường đầu tiên có uy tín nhất là trường của Phạm Quý Thích
(1760-1825) quê ở Đường An (Hải Dương) đã làm quan dưới triều Lê nhưng rất được
các vua triều Nguyễn ngưỡng mộ. Ông đỗ hương cống năm 1777, tiến sĩ năm 1779,
làm quan đốc học phủ Phụng Thiên (Thăng Long) dưới triều Minh Mạng. Về hưu năm
1813, Phạm Quý Thích dọn về xóm đền Báo Thiên gần Bờ Hồ. Ông lập ra trường Lập
Trai (biệt hiệu của Phạm Quý Thích) đào tạo các quan chức bậc cao và các nhà
nho lỗi lạc như Hà Tông Quyền, Vũ Tông Phan, Bùi Quỹ, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Văn
Lý, Lê Duy Trung, Nguyễn Văn Siêu, Trần Văn Vi, Lê Hoàng Diễm, Chu Đoàn Trí[306].
Các trường tư nở rộ trong những năm 1820-1830 phản
ánh một sự đổi mới về văn hóa của Hà Nội, phản ứng lại chính sách của Minh
Mạng. Tiếp tục chính sách của vua cha Gia Long, Minh Mạng chắc chắn không muốn
để cố đô Thăng Long giữ được địa vị ưu việt về chính trị và văn hóa bằng cách
phá bỏ hệ thống đào tạo các sĩ phu miền Bắc. Chính sách này không chỉ giới hạn
bằng việc chuyển Quốc tử giám từ Hà Nội vào Huế năm 1803[307].
Bốn biện pháp được xem như một thách thức thật sự đối với sĩ phu Bắc hà: mở
rộng Quốc tử giám ở Huế năm 1821, hai năm sau hạ chức đốc học của Hoài Đức và
Bắc Thành cho làm giáo thụ. Năm 1824 bổ nhiệm Hoàng Kim Hoàn, quê ở Thừa Thiên
không có bằng cấp gì làm thị lang bộ Lễ rồi làm Tế tửu (hiệu trưởng) Quốc tử
giám và cuối cùng chuyển phần lớn thư viện tại Văn miếu Hà Nội về trường Quốc
tử giám Huế năm 1827.
[302] Thời gian học là 3 năm
được công nhận qua một kỳ thi sát hạch do bộ Lại tổ chức gồm một bài ám tả và 2
bài kinh nghĩa trích trong Tứ thư.
Những người trúng tuyển được bổ thẳng làm quan mà không cần phải qua thi hương
hay thi hội hoặc thi đình. Những đặc ân này đã bị lạm dụng vì vậy trường đã bị
bãi bỏ dưới triều Lê.
[303] Nguyễn Thừa Hỷ, Thăng Long Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX.
(1993), tr. 134.
[304] Hồ nay về sau có tên
là Văn Hồ, dần dần đã bị lấp. Ngày nay chỉ còn một phần gọi là Hồ Giám.
[305] CM, chb., XXXIV, 46.
[306] QTHKL, tr.94, 101,
106.
[307] Vua Minh Mạng làm nốt
việc này bằng chuyển các bản khắc in của trường Quốc tử giám từ cố đô Thăng
Long về kinh đô mới ở Huế.
Không có gì tả được nỗi luyến tiếc của sĩ phu Hà
thành như trong bài thơ “Quan cựu Quốc tử giám” (Thăm Quốc tử giám cũ) của Vũ
Tông Phan năm 1831[308].
[308] Quan cựu quốc tử giám trích tập
thơ Lỗ am thi tập trong
Vũ Thế Khôi, Vũ Tông Phan tuyển
tập thơ văn (2001), tr. 132-134.
Hiền quan tân yếm Đại Nam kỳ
Cựu Giám cung tường bán dĩ phi
Ngô đạo bất duyên tang lỗ cục
Thử bang thiên quản phế hưng ki
Bách vương ảnh hưởng hàn nha thụ
Thiên cổ phong thanh triện điểu bi
Trùng ức thiếu niên du học xứ
Xiển Do đường hạ phòng tà huy.
Dịch nghĩa
Cửa hiền tài mới được dùng ở kinh kỳ nước
Đại Nam
Lầu tường Quốc tử giám cũ đã điêu tàn quá nửa
Đạo ta không liên quan cuộc dâu bể đổi thay
Riêng đất nước này gắn bó với cơ trời thịnh suy
Bóng dáng và âm hưởng của trăm đời đế vương
chỉ còn là hàng cây cổ thụ quạ đậu
Phong hóa và tiếng tăm của nghìn xưa
chỉ thấy trên những tấm bia rạn nứt như in dấu chân
chim
Nhớ lại nơi từng du học thời niên thiếu (ta lại đến
đây)
(Nhưng) dưới mái giảng đường Xiển Do
chỉ còn biết hỏi bóng chiều tà.
Dịch thơ
Cửa hiền mới dựng tại kinh kỳ
Giám cũ cung, tường hoang phế đi
Đạo thánh vô can trò dâu bể
Đất này riêng gắn phận hưng suy
Trăm vua hình bóng tàn cây cổ
Ngàn thuở phong văn nát đá bia
Trở lại thiếu thời nơi trọ học
Xiển Do cô tịch bóng triều đi.
Một nhóm các tiến sĩ cựu quan phần lớn là đồng môn
sinh của Phạm Quý Thích như Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Lê Duy
Trung, Trần Văn Vi mở trường dạy học chung quanh hồ Hoàn Kiếm vào đầu những năm
1830. Lần lượt là Cao Bá Quát và Lê Duy Trung rồi Vũ Tông Phan (1833), Nguyễn
Văn Siêu (1838) và Trần Văn Vi. Hồ Đình, trường của Vũ Tông Phan ở thôn Tự Tháp
(phường Báo Thiên), Phương Đình do Nguyễn Văn Siêu đứng ra thành lập trường ở
phường Dũng Thọ gần sông Tô Lịch trong con phố nhỏ ngày nay mang tên ông (phố
Nguyễn Văn Siêu)[309].
Trần Văn Vi thành lập trường trước trường của Nguyễn Văn Siêu.
[309] Về các trường này xem
thêm Nguyễn Thừa Hỷ, Thăng Long…,sđd, tr. 135.
Song song với việc thành lập các trường đó, nhóm sĩ
phu này còn có hai tổ chức nữa tượng trưng cho việc làm sống lại các hoạt động
văn hoá - trí thức ở Hà Nội. Văn hội Thọ Xương thành lập năm
1832 xây dựng văn chỉ Thọ Xương vừa làm trụ sở hội vừa là nơi trao đổi giữa các
sĩ phu trong huyện. Thấy khuôn khổ còn chật hẹp những sáng lập viên của hội còn
lập thêm hội Hướng Thiện để mở rộng phạm vi ảnh hưởng và
truyền bá những lý tưởng trong cả cố đô. Năm 1841 họ xin mua lại đền Ngọc Sơn
biến thành văn miếu, nơi tổ chức kỳ thi văn thơ làm trụ sở của hội. Vũ Tông
Phan được bầu làm hội trưởng[310].
[310] Ngày nay còn thấy tấm
bia khánh thành hội (1843) văn bia do Vũ Tông Phan làm: Ngọc sơn đế quân từ ký, Vũ Thế
Khôi, Vũ Tông Phan…,sđd, tr.233-235.
Các trường là trung tâm trao đổi tri thức. Các sĩ
phu đến họp ở Hồ Đình hay Phương Đình để thảo luận thơ ca kinh điển, đạo đức
Khổng Tử. Nhưng việc lập trường học cũng diễn ra trong thời gian ngắn, tập
trung ở một nơi có truyền thống học. Hà Nội thể hiện một phong trào thật sự
khác với mẫu hình cổ điển “tiến vi quan, thoái vi sư”, có chung mục đích là làm
rạng rỡ truyền thống hiếu học ở cố đô, giác ngộ giới nho sĩ và dân chúng cố đô.
Một số nhà lịch sử đã lập mối liên hệ các trường với lý tưởng nghĩa thục sau
này. Nhưng có khá nhiều nguồn tài liệu về phong trào Đông Kinh nghĩa thục thì
trái lại, khó mà xác định ranh giới cho những lý tưởng của Vũ Tông Phan, Nguyễn
Văn Siêu và Trần Văn Vi mà ngày nay chỉ để lại cho chúng ta những bài thơ. Tuy
nhiên, trào lưu cách tân thời Tự Đức rồi sau đó là Đông Kinh nghĩa thục đã gắn
với thế hệ sĩ phu đầu tiên đó biểu hiện rõ rệt là chính các thế hệ môn sinh
xuất sắc nhất của Phạm Quý Thích đã mở rộng các trường đó.
Hình 32 - Các thế hệ học trò
của Phạm Quý Thích
Trong các thế hệ trên xuất hiện hai gương mặt nổi
tiếng của trào lưu cách tân: Nguyễn Tư Giản môn sinh của Vũ Tông Phan và là nhà
cải cách dưới triều Tự Đức từ năm 1867; Lương Văn Can (1854-1927) sáng lập viên
của Đông Kinh nghĩa thục. Trừ Nguyễn Tư Giản, toàn bộ học trò của Vũ Tông Phan
đều mở trường gần hồ Hoàn Kiếm. Nổi tiếng nhất có Lê Đình Diên tư nghiệp Quốc
tử giám đã lập một trường tư thục ở chỗ nay gọi là phố Hàng Đậu. Vũ Duy Ninh và
Nguyễn Thượng Phiên, thân phụ Nguyễn Thượng Hiền, cũng mở trường. Sau này có
hai môn sinh nữa là Ngô Văn Dạng và Nguyễn Huy Đức thành lập hai trường ở hai
phường Kim Cổ và Vũ Thạch. Việc trụ sở Đông Kinh nghĩa thục (số mười Hàng Đào)
ở gần hồ Hoàn Kiếm có ý nghĩa tượng trưng: Lương Văn Can sáng lập viên Đông
Kinh nghĩa thục tháng ba năm 1907 chính là một môn đệ cũ của Nguyễn Huy Đức mà
Nguyễn Huy Đức đã là môn sinh xuất sắc của Vũ Tông Phan.
Là nơi rèn luyện tư tưởng canh tân văn hóa của Hà
Nội, các trường nói trên đặc biệt là Hồ Đình và Phương Đình thật sự là những
vườn ươm quan trường như một văn bia được phân tích gần đây đã chứng tỏ: Phương
Đình chí đạo tiên sinh thần đạo. Tấm bia dựng năm 1894 để tưởng nhớ Nguyễn
Văn Siêu gần mộ của ông ở xã Kim Lũ gồm hai phần: một bài của Nguyễn Trọng Hợp
và danh sách của ba mươi tư môn sinh góp tiền dựng bia[311].
Tuy tấm bia không nói được hết mọi chuyện những cũng nêu bật được vai trò người
thầy trong việc đào tạo các quan ở Bắc Kỳ trong nửa sau thế kỷ thứ XIX. Trong
bảng dưới đây có bốn vị đã về hưu, trong lúc mười hai vị còn lại đương nhiệm ở
các nơi trong cùng thời gian đó.
[311] Chúng tôi đã bổ sung
những thông tin về tấm bia này tên người, tên huyện quê quán, năm đỗ cử nhân
dựa vào các hồ sơ hành trạng (RST) và các bản lý lịch (KLT) các quan đương chức
năm 1894 và QTHKL. Trần Lê Sáng “Về tấm bia thần đạo ở làng Phương Đình Nguyễn
Siêu”, Thông báo Hán Nôm học năm
1995, (1996), tr. 305-313.
Bảng 29 - Danh sách những
người quyên tiền dựng bia Phương Đình năm 1894
Tên |
Làng |
Huyện |
Bằng |
Trật |
Chức |
Vũ Cẩn |
Đồng Lạc |
Thọ Xương |
cn (1876) |
3b |
cựu tuần phủ (Ninh Bình) |
Nguyễn Giáp |
Đồng Hoàng |
Thanh Oai |
cn (1868) |
cựu án sát (Hải Dương) |
|
Lê Văn Xuân |
Kim Bài |
Thanh Oai |
cn (1867) |
cựu ngự sử |
|
Cao Duy Trân |
Đông Ngạc |
Từ Liêm |
cn (1879) |
cựu tri phủ (Khoái Châu) |
|
Trần Lưu Huệ |
Vĩnh Xương |
Phong Điền |
cn (1867) |
1b |
tổng đốc (Hà Yên) |
Nguyễn Khắc Vĩ |
Bình Hồ |
Đông Yên |
cn (1867) |
thự 1b |
thương tá nha kinh lược |
Trịnh Tiên Sính |
Định Công |
Thanh Trì |
cn (1884) |
4b |
án sát (Hải Dương) |
Nguyễn Chất |
? |
Thanh Trì |
5a |
giáo thụ (Quảng Oai) |
|
Lê Như Nhạc |
Hoạch Trạch |
Đường An |
cn (1867) |
cựu tri phủ (Phú Bình) |
|
Đinh Gia Phong |
Kim Quan |
Gia Lâm |
cn (1870) |
5b |
đồng tri phủ (Ý Yên) |
Cung Đạo Thành |
Kim Lũ |
Thanh Trì |
? |
6b |
giáo thụ (Đa Phúc) |
Nguyễn Doãn |
Tây Tựu |
Từ Liêm |
cn (1886) |
6b |
huấn đạo (Phúc Thọ) |
Ngô Ái |
? |
Thanh Oai |
giáo thụ (Trường Khánh) |
||
Nguyễn Trác |
Mai Lĩnh |
? |
cn (1876) |
7a |
huấn đạo (Gia Lâm) |
Cung Hữu Khác |
Kim Lũ |
Thanh Trì |
tú tài |
huấn đạo (Cẩm Khê) |
|
Nguyễn Trang |
Phù Diễn |
Từ Liêm |
8b |
tri huyện (Lập Thạch) |
|
Nguyễn Thế Đồng |
Thượng Đình |
Thanh Trì |
tri huyện (Việt Yên) |
||
Nguyễn Khắc Chước |
Nhân Mục |
Thanh Trì |
cn (1876) |
5a |
|
Vũ Gia Cẩn |
Tự Tháp |
Thọ Xương |
8a |
||
Nguyễn Nghi Vịnh |
Phú Thị |
Đông Yên |
8b |
||
Nguyễn Chiêu |
Nhân Mục |
Thanh Trì |
9a |
||
Nguyễn Hữu Kiêm |
Nhân Mục |
Thanh Trì |
tú tài |
||
Đặng Hiển Ngoạn |
Yên Trung |
Trực Ninh |
tú tài |
||
Nguyễn Cẩn |
Thiết Trụ |
Đông Yên |
tú tài |
||
Vũ Duy Khôi |
Bùi Nhiễm |
Duy Tiên |
tú tài |
||
Nguyễn Phấn |
Hữu Miện |
? |
tú tài |
||
Trịnh Đình Vũ |
Định Công |
Thanh Trì |
|||
Đàm Thận Vĩnh |
? |
? |
|||
Phạm Phẩm |
Tam Ngọc |
? |
|||
Nguyễn Xuân Huy |
Vô Song |
Thái Ninh (phủ) |
|||
Vũ Tá Thiện |
Tự Tháp |
Thọ Xương |
|||
Nguyễn Huy Kỳ |
Tây Hồ |
Từ Liêm |
|||
Đào Vĩnh Ngôn |
Cổ Lưng |
? |
|||
Nguyễn Văn Hướng |
Xuân Lôi |
? |
|||
Hoàng Bảng |
Nghi Tàm |
Vĩnh Thuận |
Làng Hành Thiện là trọng điểm đào tạo thứ hai ở miền
Bắc. Chỉ nhìn qua bảng thống kê cũng thấy địa phương này thành công như thế
nào. Trong số đó có các nhà khoa bảng (cử nhân, phó bảng, tiến sĩ) từ 1807 đến
1919 là năm tổ chức khoa thi đình cuối cùng đã nêu bật lên sáu làng có nhiều
người đỗ đạt nhất: Hành Thiện (88), Đông Ngạc (42), La Hà (32), Yên Đồng (23),
Võ Liệt (22), Cổ Am (18)[312].
Số nhà khoa bảng quê ở Hành Thiện chiếm 39% tổng số của 6 làng kia. Nếu chỉ
tính những người đỗ cử nhân ở Hành Thiện là 81/192 chiếm tỷ lệ 42,2%. Nhưng
cũng như ở Hà Nội, Hành Thiện không phải chỉ có một tham vọng duy nhất là sản
sinh những tinh hoa tại địa phương. Phạm vi tuyển các quan mở rộng ra ngoài
tỉnh Nam Định. Ví như Nguyễn Ngọc Liên một trong những thầy học có uy
tín nhất từ năm 1892 đến năm 1937, là năm ông mất, đã có 421 học sinh trong đó
có 44 người ở Hành Thiện và 377 người của hầu hết các tỉnh Bắc Kỳ: Nam Định, Hà
Nội, Hà Nam, Thái Bình, Sơn Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Yên, Kiến An, Hải
Dương, Ninh Bình. Cách tổ chức trường học của ông đã đáp ứng tính đa dạng đó,
có chế độ nội trú và ngoại trú.
[312] Đông Ngạc thuộc huyện
Từ Liêm tỉnh Hà Nội. La Hà huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, Yên Đồng huyện La
Sơn tỉnh Hà Tĩnh, Võ Liệt huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, Cổ Am huyện Vĩnh Bảo
tỉnh Hải Dương.
Sự phân tích thống kê có thể gây nên mối nghi ngờ về
truyền thống hiếu học của Hành Thiện. Khác với Hà Nội, làng này có nhiều người
đỗ đạt chỉ thật sự xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX. Nhưng đóng góp vào thành công
của Hành Thiện có phần của làng Mộ Trạch. Đây là một làng thuộc tỉnh Hải Dương
có nhiều tiến sĩ nhất. Một người dòng họ Vũ ở Mộ Trạch đã đến lập nghiệp ở làng
Hành Thiện và gia nhập họ Đặng ở đây để lập một chi mới là Đặng Vũ. Từ giữa thế
kỷ XIX đến 1915 tại Hành Thiện người ta thấy nối tiếp nhau hay song song tồn
tại những thầy học có uy tín: Nguyễn Bá Hưng, đỗ cử nhân năm 1821, mở một
trường khi ông rời khỏi quan trường khoảng 1850. Đặng Đức Dịch, phó bảng năm
1849, nguyên là thượng thư bộ Lễ, đã mở một trường ở Hành Thiện rồi ở làng bên
cạnh là làng Trà Lũ giữa năm 1865 và 1874. Đặng Xuân Bảng tiến sĩ năm 1856, mở
một trường năm 1878 đến đầu thế kỷ XX. Nguyễn Ngọc Quỳnh đỗ cử nhân năm 1850,
cựu tri huyện, cũng mở trường giữa 1865 và 1880 rồi Nguyễn Đôn Thi đỗ cử nhân
năm 1878, cựu tri huyện, cũng mở trường giữa năm 1890. Nguyễn Ngọc Liên đỗ cử
nhân năm 1889 sau khi bị mất chức cũng về mở trường giữa năm 1894 và 1915. Như
vậy một đặc thù của làng Hành Thiện này nổi lên là tiếp tục mở trường dạy học
trong suốt nửa thế kỷ, khác với các làng khác chỉ có thể mở trường dạy học nhất
thời đúng vào thời điểm có một nhà nho nào đó về mở trường[313].
[313] Về con đường làm quan
của Đặng Đức Địch. Xem Ngô Đức Thọ (chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam, sđd, tr.831. Đặng Xuân Khu (1907-1988), Tổng bí thư Đảng cộng
sản Việt Nam, được biết nhiều với tên Trường Chinh, là cháu nội Đặng Xuân Bảng.