Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 4 - Phần 3

“Hành động sục sôi”, “luôn luôn phải ứng phó” đó là những từ dùng trong các sách sử để đánh giá chính sách thuộc địa trong thời kỳ này. Nhưng chính trong các mâu thuẫn trên và trong việc bỏ áp dụng các thể thức quan chế như trước đây mà chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc tình trạng đa dạng hóa việc tuyển dụng và đề bạt các quan.

Nếu phân tích về mặt pháp lý thì rõ ràng là xu hướng trực trị đã thắng thế ít nhất cho đến năm 1889. Các công sứ Pháp ở các tỉnh có nhiều công cụ để kiểm soát các quan. Chiểu theo hiệp ước Patenôtre chính quyền thuộc địa có quyền yêu cầu bãi miễn một số quan (điều khoản VII) Lemaire đã đi đến thuyết phục Triều đình không những xác nhận việc người Pháp bổ nhiệm một số người đã cộng tác chặt chẽ với họ trong các cuộc hành quân chinh phục và bình định ra làm quan mà còn được Triều đình chấp nhận mỗi khi bổ nhiệm hay thuyên chuyển các quan cao cấp phải đệ trình xin ý kiến tổng trú sử Pháp (16/12/1884).

Viên tổng trú sứ đã được Triều đình chấp nhận không bổ nhiệm hay thuyên chuyển các quan cao cấp ở Bắc Kỳ (…) nếu không tham khảo trước ý kiến của người Pháp[337].

[337] ANV-RHD 41: Circulaires de la Résidence Supérieure auTonkin au sujet de la désignation des fonctionnaires et employés aux divers postes de l’administration indigène.

Khuynh hướng trực trị cũng rất mạnh dưới thời Paul Bert. Ông này đặt ngạch cai trị Việt Nam dưới sự kiểm soát triệt để của mười một công sứ Pháp, người “nắm hồ sơ của mỗi ông quan”[338].

[338] Từ tháng 8/1883, Jules Harmand, tổng ủy dân sự của Cộng hoà Pháp tại Bắc Kỳ đã cho thành lập một chính quyền dân sự gồm những công sứ đặt tại các thành phố Pháp đã chiếm đóng. Năm 1886, Paul Bert đã biến đội ngũ công sứ này thành một tổ chức thật sự.

Ngày 16/4/1886, Paul Bert lại ra thông tư quy định giám sát chặt chẽ các quan tỉnh. Các tờ sức và mọi văn bản hành chính của các quan tỉnh phải được các công sứ Pháp phê chuẩn trước khi thi hành. Các công sứ phải lập hồ sơ của các quan trong tỉnh và thấy có ai có những dấu hiệu kém tin cậy thì phải làm tờ trình ngay cho thống sứ (Bắc Kỳ) hoặc khâm sứ (Trung Kỳ) để tổng trú sứ Pháp yêu cầu Vua “thuyên chuyển (…) hay cách chức (…) hoặc (…) trừng phạt”. Cuối cùng thông tư ngày 22/6/1888 của Parreau thống sứ Bắc Kỳ cho thành lập ở mỗi phủ một trung tâm kiểm soát hành chính giao cho đại diện của công sứ tỉnh điều hành nhưng thông tư này không có hiệu lực thi hành[339].

[339] Đến 1888 trên toàn thể xứ Bắc Kỳ chỉ có hai trung tâm kiểm soát hành chính như thế.

Thực ra, phân tích các hồ sơ hành trạng của các quan quản hạt như tri phủ, tri huyện đương nhiệm năm 1885, 1888, 1890 không thấy có dấu hiệu gì về sự kiểm soát trong thực tế của chính quyền thuộc địa đối với các quan cai trị người Việt. Có khoảng cách lớn giữa các văn bản quy định và sự áp dụng của chúng. Trên thực tế, các công sứ và phó công sứ chỉ làm mỗi việc là xác nhận lại những đề nghị tuyển dụng và thuyên chuyển do các quan tổng đốc và tuần phủ đưa lên. Rất nhiều nhận xét và thư từ trao đổi giữa các trú sứ Pháp chứng tỏ họ không biết gì về gốc gác của những người được đề nghị bổ làm quan. Có nhiều cách giải thích cho sự thiếu các tài liệu về sự giám sát của các công sứ Pháp đối với các quan người Việt. Từ 1888 trong các hồ sơ hành trạng có các phiếu từng sáu tháng một do các công sứ và quan tỉnh lập nhưng nội dung nghèo nàn, chỉ nêu tên quan hay lại, trích sơ yếu lý lịch (phẩm trật, chức danh, vị trí công việc…) đôi khi có đánh giá cá nhân về công việc và “đạo đức” nghĩa là mức độ trung thực của quan chức. Phải chú ý đến tình hình lộn xộn gắn với cuộc chinh phục. Ở một số tỉnh như Hưng Hóa, mỗi khi chiếm được các thành trì, các hồ sơ, giấy tờ bị phá huỷ sạch.

Đúng là khó có thể tin rằng các công chức người Pháp đã thực sự kiểm soát và quản lý được hoạn lộ của giới quan lại người Việt trước những năm 1893- 1896. Cũng đúng là một phân số không nhỏ các bộ máy của các công sứ Pháp không đủ khả năng làm tròn trách nhiệm của mình. Nhiều công sứ Pháp không biết chữ nho và quốc ngữ nên họ không thể đi sâu vào công việc của các quan lại người Việt như giám mục Puginier đã viết[340] năm 1889:

[340] Giám mục Puginier, “Notes et appréciations sur la situation duTonkin au 4 décembre 1889”, tr.10.

(…) Nhiều công sứ không học tập để đủ sức đảm đương các chức vụ quan trọng, họ không hề biết bộ Hoàng Việt luật lệ.

Theo Jean Ajalbert, hai mươi năm sau vấn đề này cũng còn mang tính thời sự. Ông ta đã phàn nàn những quan cai trị Pháp không biết tiếng Việt đến mức “Người cai trị [Pháp] là một người xa lạ ở giữa năm trăm người được cai trị”. Ông mong mỏi những người Pháp được giao làm công việc cai trị ở Việt Nam học tiếng Việt[341]. Ngoài ra một số công sứ Pháp dưới thời Paul Bert lại là những công chức cai trị cũ của Nam Kỳ với những kinh nghiệm rất ít phù hợp với việc cai trị ở các tỉnh Bắc Kỳ.

[341] Ajalbert, J., Les destinées de l’Indochine: Voyages histoires colonisation, (1909), tr.247-248.

Lập lại danh sách các quan lại trước 1896 là công việc không thể thực hiện vì những lý do đã nêu trên. Tuy nhiên nghiên cứu hồ sơ hành trạng của một số quan, chúng tôi được đọc cũng thấy những điều khẳng định sau này của Lanessan hay Pasquyer đưa ra không phải là không có cơ sở[342].

[342] ANV-RST 46376. Rapport (27/10/1891) de Brière, Résident supérieur au Gouverneur Général de l’Indochine au sujet du mode de recrutement des fonctionnaires de l’administration indigène. Những phân tích của Luro, Lanessan và Pasquyer cũng đi đến cùng một nhận xét như Brière: việc tuyển dụng các quan trước hết dựa trên lòng trung thành, thiếu học vấn và uy tín. Xem Luro J.B.E. Cours d’administration annamite, tr.80, Lanessan, J.L de, La colonisation française, sđd, tr.11-12. Pasquyer P.,L’Annam d’autrefois…, sđd, tr.10.

Nếu những từ ngữ như “chỗ trống về hành chính” chắc là hơi quá cho thời kỳ 1885-1890, nhưng có nhiều dấu hiệu cho biết thời gian này khó mà tuyển dụng theo cách bình thường các quan lại người Việt. Một số quan chức Pháp phàn nàn “tình trạng thiếu nghiêm trọng các quan chức người Việt”[343] hay “thiếu những quan chức người Việt làm được việc”[344]. Có nhiều bằng chứng đã biết về sự từ chối trong giới quan cao cấp không chịu làm việc cho nhà cầm quyền mới. Sau trận Lạng Sơn[345] Nguyễn Khuyến và Lã Xuân Oai tuần phủ Lạng Bằng tìm đường sang Trung Quốc ẩn náu. Nhưng không thể tính được số quan phủ, huyện, (tri phủ, tri huyện, giáo thụ hay huấn đạo) lẩn trốn hay cáo quan xin về nghỉ. Hơn nữa, một số quan chức đồng loã ngấm ngầm hay ra mặt với kẻ thù của chính quyền thuộc địa đã dẫn đến bị cách chức hay bỏ tù, đưa đi Côn Đảo: Đinh Nho Quang, tổng đốc Hưng Yên bị kết tội liên lạc với nghĩa quân Bãi Sậy bị bãi miễn năm 1884. Hà Văn Quang tổng đốc Hải Dương buộc phải nhận là làm phản vì có hành động chống lại nhà nước bảo hộ, bị đày ra Côn Đảo tháng 5/1885. Tập hồ sơ hành trạng của các tri huyện, tri phủ tại chức trong những năm 1885-1889 cũng nói đến các vụ bị đày ra Côn Đảo. Điều 5 trong hiệp ước Harmand (25/8/1883) cho biết quy mô rút khỏi nhiệm sở của các quan người Việt lúc đó là khá lớn:

Chính phủ Annam sẽ ra lệnh cho các quan lại Bắc Kỳ phải trở lại nhiệm sở, sẽ chỉ định các quan vào các chức vụ bỏ trống và sẽ xác nhận, có thể sau khi thoả thuận các việc bổ nhiệm mới của các đương cục Pháp[346].

[343] Cụm từ được giám đốc hành chính bản xứ dùng trong ANV-RST,18370, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Thế Đông.

[344] Cụm từ của công sứ Cao Bằng năm 1891 trong ANV-RST 31444, hồ sơ hành trạng của Phạm Văn Tiêm.

[345] ANV-RST 31621, hồ sơ hành trạng của Vi Văn Lý.

[346] Trích dẫn của Fourniau Ch. trong Les contacts franco-vietnamiens, sđd, tr.613.

Lúc này ra đời nhiều trung tâm quyền lực - kinh lược sứ, cha Sáu và Vi Văn Lý đi đôi với việc xây dựng nhà nước thuộc địa trong tình thế ứng tác khiến cho có nhiều con đường tắt đi vào quan trường.

Việc thành lập nha kinh lược có từ trước 1885[347]. Đây là một thiết chế tạm thời, có thể huỷ bỏ dưới triều Nguyễn được nhà vua giao cho một quan đại thần thay mặt Vua để ứng phó với các vấn đề đặc biệt gay go xảy ra trong thời điểm ở nơi nào đó. Từ 1827, Minh Mạng phái đến hai trấn Sơn Nam và Nam Định hai viên kinh lược để trấn áp nạn giặc cướp và nạn hối lộ đang hoành hành ở hai tỉnh này[348]. Năm 1850 trong lúc các dịch bệnh và đói kém xảy ra khắp nơi vua Tự Đức cũng chỉ định ba viên kinh lược đi các nơi để giải quyết. Nguyễn Tri Phương hai mươi năm sau cũng được vua giao cho việc xử lý các vụ lộn xộn xảy ra ở Tam Tuyên (ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hoá và Tuyên Quang). Cuối cùng, năm 1881 sau khi Henri Rivière hạ thành Hà Nội, Nguyễn Chính cũng thụ mệnh vua đi khôi phục trật tự và ổn định tình hình cai trị ở các tỉnh và địa phương ở Bắc Kỳ[349]. “Trong tình hình đặc biệt có quyền lực đặc biệt”. Kinh lược có quyền “tiền trảm hậu tấu” (chém đầu kẻ có tội rồi tâu với vua sau). Chức năng kinh lược ở Bắc Kỳ do nhà cầm quyền Pháp xúi giục trong khoảng thời gian từ sau khi Hàm Nghi xuất bôn (5/7/1885) đến khi Đồng Khánh lên ngôi (14/9/1885) lại có một tính chất khác. Từ nay, việc cai trị ở Bắc Kỳ trở thành thường xuyên tách khỏi Triều đình. Nguyễn Hữu Độ sau khi làm kinh lược Bắc Kỳ từ tháng 7 đến tháng 8/1885 được triệu về Huế sung Cơ mật viện. Nguyễn Trọng Hợp được bổ kinh lược sứ tạm thời trong hai năm (tháng 8/1885 - tháng 8/1887). Sau đó đến lượt Trần Lưu Huệ (tạm quyền) từ tháng 8/1888 đến tháng 9/1890, sau là Hoàng Cao Khải cho đến năm 1897. Trở thành một cơ quan thường xuyên lâu dài Nha kinh lược sứ có các ty, phòng dân sự (năm quan văn và mười một lại viên) và quân sự (bảy quan võ và một trăm lính). Ngoài ra cũng có một bộ máy nhân sự chuyên môn hơn chia thành năm ban dưới sự phối hợp của ba quan (một bang tá, một tham tá và một thương tá) lo về lễ nghi, học chính, hành chính và quân vụ (bảy lại viên) công chính và thuế khoá (năm lại viên) và tư pháp (sáu lại viên) và phiên dịch (hai lại viên) trông coi về lịch (hai lại viên).

Nhà cầm quyền Pháp đương nhiên tìm cách hạn chế quyền hành của kinh lược. Cũng như mọi quan chức người Việt có thể bị bãi miễn theo hiệp ước Patenôtre. Kinh lược cũng phải cho tổng trú sứ rồi thống sứ Bắc Kỳ biết mọi quyết định của mình trước khi thi hành. Tuy nhiên cũng có vài biện pháp để quan kinh lược có vai trò chủ yếu trong việc cai trị xứ Bắc. Theo đạo dụ ngày 3/6/1886, Đồng Khánh giao cho kinh lược sứ những quyền hành gần như không giới hạn “được thi hành mọi biện pháp xét thấy cần thiết và thích hợp”.

Cụ thể có ba văn bản khẳng định quyền lực của quan kinh lược và khiến ông ta có ảnh hưởng đến đại đa số quan lại người Việt. Từ 1885, kinh lược sứ được Triều đình cho phép giới thiệu với bộ Lại những người có thể bổ nhiệm vào các chức vụ bỏ trống ở cấp tỉnh như tổng đốc, tuần phủ, bố chính và án sát[350]. Đến tháng 8/1888, kinh lược sứ được phép thay mặt Vua trao bằng quan trường cho những người được bổ thực thụ. Cuối cùng một biện pháp nữa khiến kinh lược có uy quyền rất lớn. Từ tháng 10/1888 kinh lược được phép chính thức bổ nhiệm các lại viên ở các nha môn[351]. Về mặt lý thuyết việc bổ nhiệm ấy phải đệ trình bộ Lại để nhà vua phê chuẩn.

[347] Và cả gốc Hoa. Xem Hucker, Ch.O., A Dictionary of Official Titres, sđd, điều 1231, tr.172.

[348] TL, kỷ II, q.45, t.8, tr.209-211.

[349] Tự Đức, Thánh chế văn tam tập, sđd, tr.12-14.

[350] DLTY, điều 31, tr.33.

[351] Đặc quyền này được rút bỏ năm 1895.

Nguyễn Hữu Độ và Hoàng Cao Khải, hai vị kinh lược Bắc Kỳ là những người như thế nào? Con đường làm quan của Nguyễn Hữu Độ có thể chia ra ba thời kỳ: đi học, vào quan trường theo lối cổ điển (1858-1871), trấn áp biến loạn (1871-1874) và ngoại giao(1874-1888).

Sinh ở Huế năm 1832, Nguyễn Hữu Độ được ghi tên vào sổ các con công thần năm 1858, đỗ đầu trong kỳ thi ấm sinh năm 1864 rồi đỗ cử nhân ở khoa thi Thừa Thiên năm 1867, khi đã ba mươi lăm tuổi. Trước khi làm việc với người Pháp, con đường công danh của ông hoàn toàn bình thường: huấn đạo ở huyện rồi quyền giáo thụ ở phủ Kinh Môn tỉnh Hải Dương năm 1869, giáo thụ thực thụ một năm sau rồi quyền tri huyện Nghiêu Phong tỉnh Quảng Yên cuối năm 1871. Trong bối cảnh chính trị năm 1870 chức vụ cuối cùng của ông đã tạo đà cho ông thăng chức rất nhanh. Được thăng hàn lâm viện trước tác, chánh lục phẩm, ông được thụ mệnh vua đi “đàn áp” giặc cướp ở Quảng Yên. Năm 1873 được triệu về Hải Dương để kiêm quyền bố chính và thương tá, ông lại nhận nhiệm vụ đánh dẹp “giặc giã” trong tỉnh. Sau đó ông được bổ nhiệm đứng đầu nha thương chính Hải Phòng (tháng 4 - tháng 7/1874) rồi thuyên chuyển về vùng Đông Triều với chức tiễu phủ sứ nghĩa là được phép tiễu trừ kẻ xấu, làm an lòng người tốt[352]. Nhờ chiến tích của ông khi hợp tác với người Pháp đặc biệt bắt tướng người Trung Quốc tên là Quang năm 1874 đã được thăng lên hàn lâm viện thị độc (chánh ngũ phẩm). Năm 1874 kết thúc giai đoạn hai trên bước đường công danh của ông, mở ra giai đoạn mới: hoạt động ngoại giao. Được ban chức Quang lộc tự thiếu khanh tòng tứ phẩm, ông được triệu về Triều kiêm chức tá lý tại bộ Lại và tham tá tại viện thương bạc trông coi về ngoại giao. Trong những năm 1875 và 1890, ba lần ông dẫn đầu sứ bộ: lần thứ nhất đi Nam Kỳ (tháng 12/1875), lần thứ hai đi nhận vũ khí và tàu chiến Pháp (tháng 7/1876) và lần thứ ba trong các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang tháng 4/1880. Ông thăng quan rất nhanh - chánh tứ phẩm tháng 2/1877 lên tòng tam phẩm (3b) tháng 9/1887 rồi chánh tam phẩm tháng 4/1880 và nhiều lần được vua thưởng nhân dịp đại khánh tứ tuần (sinh nhật lần thứ bốn mươi) của vua Tự Đức tháng 10/1878 ông được vua ban hai bộ mũ áo và ba ngân tiền. Tháng 2/1879 lễ thượng thọ Hoàng thái hậu bảy mươi tuổi, ông được ban một đại hạng ngân tiền, hai trung hạng ngân tiền và một kim tiền. Sau những năm “tốt lành” đó, Nguyễn Hữu Độ lên chức nhanh hơn nữa. Tháng 7/1881, ông được bổ quyền tổng đốc Sơn Tây rồi phó khâm sai tại Hà Nội, tháng 5/1882, tổng đốc Sơn Tây, tháng 10/1882, rồi tổng đốc Hà Nội năm 1883. Việc ông đứng về phe với người Pháp chống lại các quan phụ chính ở Huế khiến ông được bổ kinh lược sứ Bắc Kỳ hai năm sau. Công danh của Nguyễn Hữu Độ thực sự đơm hoa kết trái giữa năm 1871 và 1884 trong bối cảnh Triều đình có nhiều rắc rối về đối ngoại. Ông thụ mệnh vua lần đầu tiên giao thiệp với người Pháp được người Pháp đánh giá cao về tinh thần mẫn cán trong việc trợ thủ với họ để đi đến giải pháp. Có thể do người Pháp gây nên việc ông được triệu về làm việc trong triều đánh dấu một sự nghiệp chính trị không đi theo con đường thẳng. Ông bị giáng chức hai lần. Lần thứ nhất vì đã vượt quá giới hạn tiến cử trái lệ thường (lạm cử) Hoàng Dụng Lân sung chức án sát tỉnh Ninh Bình. Lần thứ hai vì lý do không rõ. Sau khi tướng Courcy chiếm kinh thành Huế năm 1885, vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành, Nguyễn Hữu Độ leo lên tột đỉnh danh vọng đứng thứ hai trong tứ trụ triều đình với với chức võ hiện diện đại học sĩ chánh nhất phẩm đứng đầu viện Cơ mật kiêm kinh lược sứ Bắc Kỳ. Vài tháng sau, đến tháng 10/1886 ông được thăng cần chánh điện đại học sĩ, đứng đầu trong tứ trụ triều đình với tước “hầu” tháng 11/1886. Được thăng lên tước “công” tháng 2/1888 ông còn được nhà nước Pháp ban thưởng Bắc đẩu bội tinh và một huy hiệu bằng vàng.

[352] Gouin, E. Dictionnaire Vietnamien Chinois Français, Paris, You Feng, Les Indes savantes, MEP, (2002), tr.1192, 1254.

Hoàng Cao Khải (1845-1933) cùng quê với Phan Đình Phùng ở thôn Đông Thái xã Yên Đồng tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân năm 1868 lúc hai mươi ba tuổi. Thoạt đầu làm huấn đạo rồi tri huyện Thọ Xương (Hà Nội) rồi thăng án sát tỉnh Lạng Sơn, sau đó tuần phủ Hưng Yên cho đến 1886 theo sổ sách lưu trữ để lại. Trong giai đoạn đầu cổ điển ông thăng quan chậm chạp nhưng về làm tuần phủ Hưng Yên là một bước ngoặt, ông tham gia các hệ thống đàn áp thuộc địa. Vùng Bãi Sậy ở Hưng Yên lúc này là căn cứ quan trọng của quân kháng chiến chống Pháp dưới quyền lãnh đạo của Tán Thuật và cũng là sào huyệt của nhiều toán giặc cỏ. Từ tháng 10/1885, quân Pháp tiến vào bình định nhiều lần không thành công. Ở đây cần nhắc lại 10 năm trước Nguyễn Hữu Độ cũng đã từng lập công trong các cuộc hành quân tương tự ở Quảng Yên. Lần này Hoàng Cao Khải đã thăng chức rất nhanh nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của các công chức Pháp nhất là của công sứ Hưng Yên. Ông này đã đề cử Hoàng Cao Khải với kinh lược Nguyễn Hữu Độ làm tổng đốc Hải Dương thay thế Nguyễn Khắc Vĩ được công sứ Pháp đánh giá là quá nhu nhược. Sau đó Hoàng Cao Khải được cử giữ chức khâm sai và ông làm nhiệm vụ này một cách có hiệu quả đặc biệt trong huyện Mỹ Hào trong phạm vi căn cứ Bãi Sậy. Thành công của ông trong những năm 1886-1890 khiến ông trở thành trợ thủ cần thiết của người Pháp trong mọi cuộc hành quân bình định[353].

[353] ANV-RST 34673, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Hữu Độ và ANV-RST 54326, hồ sơ hành trạng của Hoàng Cao Khải.

Chính sách của nhà cầm quyền Pháp sau những năm Hoàng Cao Khải được bổ kinh lược Bắc Kỳ và củng cố địa vị của ông này bằng việc thăng quan tiến chức liên tiếp. Cuộc chinh phục hẳn đã tạo cơ hội thuận lợi cho bước đường công danh của hai ông, nếu không có chiến công “bình định” hai ông cũng chỉ là những quan cấp thấp của hệ thống quan trường. Cả hai ông đều góp phần phục vụ nhà cầm quyền Pháp tạo nên hai trong những chỗ dựa chủ yếu của chính sách thống trị thuộc địa. Phải chăng hai ông Nguyễn Hữu Độ và Hoàng Cao Khải tạo nên hai trung tâm quyền lực mới không chia sẻ cho ai? Nếu họ có thể tạm thời bổ nhiệm các quan lại trong khi chờ bộ Lại và Triều đình chuẩn y thì họ không phải là những người duy nhất làm những việc này. Nhờ cuộc chinh phục của Pháp, song song với nha kinh lược đã xuất hiện những trung tâm quyền lực mới tuy không có quyền quyết định được công nhận về mặt pháp lý nhưng rõ ràng họ có vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng quan lại. Qua những trung gian tiếp xúc ở Hà Nội họ có thể định hướng, uốn nắn các việc bổ nhiệm. Họ là những ai? Đó là những quan lớn có công “bình định” như là Lê Hoan, Vũ Quang Nhạ, Pierre Hữu (cha Sáu hay còn gọi là cha Lục) cha xứ địa phận Phát Diệm, Vi Văn Lý, tuần phủ Lạng Sơn, các công sứ Pháp ở các tỉnh và các sĩ quan ở các quân khu (đạo quan binh). Cuối cùng khác nhau căn bản giữa thập kỷ đầu của thời kỳ thuộc địa và đầu thế kỷ XIX là việc tiến cử nay được thoải mái hơn và không lôi kéo theo trách nhiệm của người bảo trợ. Nói một cách khác tiến cử một ông quan kém cỏi trong công việc hay hư bại trong lối sống cũng không kéo theo hình phạt đối với người bảo trợ.

Một điển hình khác nữa là của Pierre Hữu tức Cha Lục (1829-1899). Ban đầu mới chỉ là trợ tế bình thường của hội truyền giáo nước ngoài thế mà sau đó ông đã lập nên trong địa phận công giáo huyện Kim Sơn một thể chế riêng như “một nhà nước thật sự trong nhà nước” theo từ ngữ của công sứ Ninh Bình năm 1879[354]. Tuy có vẻ hơi quá nhưng không phải không gợi lên một vài điều đáng suy nghĩ. Nguồn gốc của sự thành công về mặt chính trị của người cố đạo Việt Nam Pierre Hữu là ở đâu? Khi Đức giám mục Jeantet (1792-1866) giáo sĩ miền Tây Bắc Kỳ bị Triều đình bắt tội, Pierre Hữu đã tự nguyện nộp mình để cha bề trên được trả tự do. Năm 1859, cha Hữu bị đày đi Lạng Sơn, năm 1862 được trả tự do và về Thanh Hóa lập nhiều xứ đạo. Ba năm sau được phong linh mục chánh xứ Phát Diệm Pierre Hữu bắt đầu xây dựng quyền lực. Nhưng thật ra chính cuộc chinh phục của người Pháp đã giao cho cha một vai trò chính trị hàng đầu trong cái bản lề giữa các nhà cầm quyền Pháp và quan lại người Việt. Được Đức giám mục Puginier che chở, cha Pierre Hữu làm thông ngôn giữa quan lại người Việt và người Pháp cho Francis Garnier năm 1873 rồi Henri Rivière năm 1882[355].

Những năm sau, ông ra sức củng cố vị thế của mình. Từ Phát Diệm ông tiến ra kiểm soát một vùng then chốt ở châu thổ sông Hồng gần Thanh Hoá giống như Vi Văn Lý vào cùng thời điểm này đã làm chủ vùng chiến lược Lạng Sơn và Cao Bằng giáp biên giới Trung Hoa. Đáng để nêu lên sự giống nhau giữa hai người, đó là đặc ân của nhà cầm quyền thuộc địa đối với cha cố và ông quan. Thanh Hoá lúc này là một trong những trung tâm quan trọng của phong trào Cần Vương. Trong khoảng tháng 12/1883 và tháng 3/1886 các sĩ phu yêu nước tăng cường các trận đánh vào các vùng cao giáo. Nguyễn Hữu Độ, vào tháng 4/1886 đề nghị Triều đình bổ nhiệm Cha Lục khâm sai tuyên phủ sứ phụ trách các cuộc đàn áp phong trào Cần Vương, Triều đình chẳng những phê chuẩn đề nghị đó, hơn thế còn phong chức tham tri bộ Lễ. Đứng đầu một đạo quân nhỏ, cha Pierre Hữu chiến đấu chống Cần Vương trong ba mươi nhăm ngày[356]. Sau khi cho phép cha Lục được nhận trách nhiệm đó, Đức giám mục Puginier chấm dứt nhiệm vụ nhưng cha Pierre Hữu sau khi trở về Phát Diệm vẫn giữ chức tước và đặc quyền đó củng cố uy quyền ở trong vùng, ở các làng công giáo cũng như các làng bên lương.

[354] ANV-RST 31371, hồ sơ hành trạng của Ngô Tuyển.

[355] Brébion, A., Dictionnaire de biobibliographie générale ancienne et moderne de l’Indochine française, (1935), tr.413.

[356] Fourniau, Ch., Les contacts franco-vietnamiens…, sđd, tr.895.

Pierre Hữu, cha Sáu tức Trần Lục không chỉ giới hạn bảo vệ hai huyện Yên Mô và Kim Sơn. Dưới con mắt nhà cầm quyền ông còn có công khai thác vùng bãi bồi Kim Sơn bằng xây dựng hệ thống thuỷ lợi và chiêu dân lập ấp[357]. Nếu nghiên cứu kỹ lưỡng những thành tựu này kế tục sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ, Dinh điền sứ năm 1828-1829 hãy còn là những công việc phải làm tiếp[358], nhưng có thể rút ra những nguyên lý: muốn có bãi bồi đòi hỏi phải đắp đê ngăn biển, có hệ thống thuỷ lợi để lấy nước ngọt của các sông lúc triều xuống để tưới đất và ngăn không để nước mặn thấm vào. Điều này rất quan trọng, đưa một bãi bồi vào canh tác là một việc khó mặc dù đê đã đắp cao nhưng khi không có đủ nước ngọt lấy ở sông để tiếp tục bồi đất, thau chua rửa mặn cho đất[359].

[357] Công việc này của cha Trần Lục đã được công sứ Ninh Bình Coytier nhấn mạnh năm 1897 trong ANV-RST 31371, hồ sơ hành trạng của Ngô Tuyển.

[358] Phan Đại Doãn, “La mise en valeur des polders et l’établissement de nouveaux villages: les districts de Tiền Hải et de Kim Sơn au début du XIXesiècle”, Études Vietnamiennes, 65 (1981 ), tr.157-179.

[359] Gourou P., Les paysans du delta tonkinois. Étude de géographie humaine, (1936), tr.206. Cũng xem Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, (1977), tr.140-143.

Cha Lục có một quan điểm dứt khoát và triệt để rằng địa hạt công giáo do cha cai quản không có chuyện chia sẻ quyền lực. Về điều này, các nguồn tư liệu đều nhất trí. Thời Cha Lục tất cả các tri huyện Kim Sơn và Yên Mô đều chỉ có quyền uy trên danh nghĩa. Chính cha mới là “người chủ thật sự ở Kim Sơn và Yên Mô”[360].

[360] ANV-RST 34675, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Văn Dĩnh.

Nhân cách tẻ nhạt, bất tài. Đó là những phẩm chất đòi hỏi đối với các quan về trọng nhậm ở hai huyện công giáo này. Các nhà cầm quyền muốn tránh mọi cuộc va chạm xích mích với cha chánh xứ hiểu khá rõ điều này. Họ bổ về đây những ông quan tầm thường, không có phẩm chất gì, miễn là được cha xứ chấp thuận hay nhà cầm quyền phải chấp thuận những người được cha Lục đề cử. Ví như Trần Luận tri huyện từ tháng 6/1888 đến tháng 3/1890 bị nhận xét nghiêm khắc: “Theo ý kiến các quan và nho sĩ sở tại thì hoàn toàn kém cỏi, không có chút quyền lực nào trong huyện”, “không có uy tín, không có sáng kiến trong công việc. Năng lực kém cỏi, nếu không có cha Lục giúp đỡ có lẽ không cai trị nổi huyện mình”[361]. Người kế nhiệm Trần Luận là Nguyễn Văn Dĩnh, từ tháng 3/1890 đến tháng Giêng năm 1894 thì theo công sứ Ninh Bình đánh giá “ông chỉ là tay chân của cha xứ”. Vai trò của quan huyện khá mờ nhạt bên cạnh uy thế của cha Lục. “Nhưng vì mọi việc đâu ra đấy nên không có gì phải phàn nàn.”

Ba năm sau, nhận xét đánh giá rõ ràng hơn nữa “tính cách sợ sệt (…) không dám tố cáo sự việc về các thửa đất ẩn lậu, không khai báo (…) có lợi cho việc phân ranh giới của nhiều tổng, tìm mọi cách để không ra mặt ở tổng Tự Tân (Phát Diệm) mà việc phân ranh giới là những khó khăn duy nhất xảy ra trong huyện Kim Sơn.”[362] Còn đối với Ngô Tuyển, tri huyện Kim Sơn từ tháng giêng năm 1895 đến tháng 8/1897 thì công sứ Pháp phải thôi không đổi đi nơi khác trong năm 1896 mặc dù ông này có vài hành vi phù thu lạm bổ, vì ông này có quan hệ tốt với cha Lục. Cha đã vận động giữ ông ở lại Kim Sơn. Một năm sau do có nhiều khiếu nại mới khiến viên công sứ phải thuyên chuyển quan huyện Ngô Tuyển đi nơi khác nhưng ông muốn được đưa về nơi một tri huyện khác cần phải có quan hệ tốt với cha chánh xứ Pierre Hữu. Vì vậy khi tri huyện Yên Mô, con trai tuần phủ Ninh Bình được cha Hữu đề cử, công sứ Pháp chấp thuận ngay[363]. Kể ra một “lô” trích dẫn không vui vẻ gì, nhưng theo cảm nhận của chúng tôi ít ra cũng là nói lên sự thao túng về chính trị của một cha cố công giáo.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3