Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 2 - Phần 4
Những dự án của các nhà cải cách không phải không có tiếng vang ở Triều đình, vì cuối năm 1880, nhà vua đã phê chuẩn kết luận của một bản tấu đề nghị đa dạng hóa các kiến thức: học sinh và thầy giáo phải làm quen với sách lịch sử Việt Nam cũng như các công trình lịch sử xưa và gần đây của các nước khác. Việc xuất bản sách cho trường học cũng được tính đến[148]. Năm 1868, bản thân Tự Đức cũng chấp nhận sự cần thiết phải coi trọng khả năng cai trị khi tuyển dụng. Ba vấn đề được nhà vua quan tâm: vận hành quan trường không đồng bộ, tình hình kinh tế và xã hội và quan hệ với ngoại bang. Vì vậy những đề thi đình ở kinh đô vào nửa cuối triều Tự Đức (1875, 1879, 1880) cho thấy mối quan tâm gắn các nho sĩ vào công việc cải cách. Không một vấn đề nào bị bỏ qua: chỉnh đốn rối loạn trong quan trường - Tại sao các quan không đề cử người hiền tài?[149] - cải thiện tình hình kinh tế và xã hội - Làm thế nào để khuyến khích các làng Bắc Kỳ chia ruộng đất?[150] Làm thế nào để đẩy mạnh chính sách khai hoang?[151] - giải quyết quan hệ với nước Pháp[152]. Người ta thường coi nhẹ ý nghĩa các bài thi, cho rằng vì sợ bị khiển trách, các thí sinh không dám phê phán khi bàn các vấn đề thời sự. Chúng tôi cho rằng sự khẳng định đó cần được xem lại, vì theo tôi biết, chưa bao giờ chúng được phân tích theo loại. Cần phải tính lại tần số xuất hiện của những từ có ý nghĩa về cải cách. Dù sao thì một số bài thi đã đem lại lời cải chính. Ta không thể bỏ qua lời lẽ bài thi đình của Đặng Xuân Bảng năm 1856. Ông đã lên án một cách hăng hái những phong tục của Triều đình, sự thiếu trách nhiệm của một số quan và thiếu năng lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển[153].
[148] TL. kỷ IV, q. 64, t. 34, tr. 386.
[149] Thực ra lời kêu gọi của vua năm 1879 và 1880 không được đáp ứng. Khoa Kỷ Mão, 1879, đề thi thứ nhất kỳ 2; Khoa Canh Thìn, 1880, đề thi thứ ba kỳ 2. Tự Đức, Thánh chế văn tam tập, (1873), t. 2, tr. 258, 268.
[150] Khoa Ất Hợi, 1875, đề thi thứ nhất kỳ 2; khoa Canh Thìn, 1880, đề thi thứ hai kỳ 2. Tự Đức, Thánh chế văn tam tập, sđd, tr. 233, 267.
[151] “Đất rộng bỏ hoang nhiều, mà không làm ra được, cũng là điều nhục của kẻ sĩ”. Khoa Canh Thìn, 1880, đề thi thứ hai kỳ 1. Tự Đức, Thánh chế văn tam tập, sđd, tr. 265.
[152] “Nghĩ làm bài biểu thần dân mừng về việc trả lại bốn tỉnh” (Khoa Ất Hợi, 1875, đề thi thứ hai kỳ 2). “Bài luận về câu “chống giặc không có kế sách nào hay nhất”” (Khoa Ất Hợi, 1875, đề thứ ba kỳ 2). Tự Đức, Thánh chế văn tam tập, sđd, tr. 233-234.
[153] Đặng Xuân Bảng, Tiên nghiêm hội đình thi văn, trong Hoàng Văn Lâu, Khảo sát văn bản bộ Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng, sđd, tr. 13.
Việc đào tạo thực hành cũng trải qua cuộc khủng hoảng trong nửa sau thế kỷ XIX biểu hiện trong sự phát triển của chương trình thi hương: bài tứ lục biến mất từ năm 1832 đến 1851 rồi lại biến mất từ năm 1876. Việc thực tập cũng gặp khủng hoảng, tuy chính phủ trung ương muốn lập lại. Năm 1846 quy định một hậu bổ chờ việc trong một tỉnh từ ba năm phải được bổ nhiệm sang một tỉnh khác nếu không có nhiệm sở bỏ trống[154]. Năm sau, Triều đình bắt buộc giám sinh và cử nhân lớn tuổi phải vào làm hành tẩu trong lục bộ và từ bỏ việc chuẩn bị đi thi hội[155]. Dù sao những biện pháp đó có đem lại hiệu quả hay không cũng là điều đáng ngờ: vào cuối thế kỷ vấn đề đó vẫn còn là thời sự. Chẳng phải năm 1877 các đại thần ở Nội các đã tố cáo sự nhàn cư của các hậu bổ và hành tẩu và chê trách các quan chịu trách nhiệm trong lục bộ và các tỉnh không cho họ tập làm quen với công việc hành chính đó sao?[156] Sự phê phán đương thời của Nguyễn Trường Tộ trong “Tám việc cần làm gấp” lại còn sâu sắc hơn. Ông lên án sự chia cắt giữa tri thức và thực hành trong việc đào tạo các quan tương lai và nhắc lại giá trị thực tập của các vị tú tài cử nhân làm nhân viên trong lục bộ:
Cử nhân tú lài là những người được ân huệ quốc gia hơn dân thường mà chữ nghĩa của họ cũng đủ dùng. Cho ra làm việc để họ thực hành cái sở học của họ. (…) Như thế một là họ có dịp tập sự việc quan, hai là họ có cơ hội báo đền ơn nước, được cả đôi bên. Nếu bảo họ chưa đủ thời vụ cần phải học thêm, thế tại sao chấm họ đậu? Hay là cho rằng họ học “cổ” chưa khá, phải học “cổ” thêm nữa? Nói thế lại càng không hợp lý và làm hỏng công việc hiện tại[157].
[154] DLTY, tr. 54-55. HD, bộ lại, q. 15: tuyên bổ, t. 2, tr. 275.
[155] Như vậy từ năm 1847, chỉ có giám sinh và cử nhân dưới 25 tuổi mới được phép theo học các trường ở kinh đô và trường tỉnh giữa hai kỳ thi hội. HD, bộ lại, q. 15: tuyên bổ, t. 2, tr. 271.
[156] TL. kỷ IV, q. 58, t. 34. tr. 66.
[157] Nguyễn Trường Tộ, “Tám việc cần làm gấp” (15-11-1867) trong Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ…, sđd, (1998), tr. 241.
Nhà cải cách chế diễu các viên quan nói chuyện trên trời dưới đất thì thao thao bất tuyệt thế mà đặt bút thảo một công văn giấy tờ thì phải nhờ lại viên. Việc làm quen với công việc hành chính trong lục bộ cũng như trên thực địa, đi liền với lời kêu gọi của nhà cải cách nhằm tạo nên quan hệ tốt giữa quan với dân đưa đến hiểu biết rõ hơn tình hình kinh tế và xã hội trong địa hạt của mình:
Hễ đi đâu thì tờ trát đi trước bắt dân chầu chực nghinh đón. Như thế thì làm sao đi vào trong dân gian tìm hiểu những u uẩn của họ được? Làm quan có đức độ biết khéo léo giáo hóa dân chúng là phải đi tuần hành trong dân gian nhưng giản dị dễ dàng cho dân. (…) Còn quan viên ta ngày nay (…) những công việc trong hạt như phong tục dân gian tốt xấu thế nào, đất đai hoang phế ra sao, lúa thóc phải tích trữ như thế nào, rừng rú ao đầm cần phải giới hạn đến đâu, tất cả đều phó mặc cho mây trôi nước chảy không cần biết đến. (…) Quan trên cách xa muôn dặm làm sao biết được sự tình. Như vậy mà phần đông cứ bảo là chính lệnh trong sáng dân chúng yên hòa. Cho nên bọn giặc cướp lén lút hoành hành, qua lại thông báo cho nhau còn nhanh chóng hơn là việc nước mà Triều đình không hề hay biết cũng phải!”[158]
[158] Như trên, tr. 240.
Cải thiện việc tuyển dụng không thể tách rời khỏi sự hoàn thiện quy trình khảo sát và theo dõi việc thăng quan tiến chức. Nếu từ năm 1147 Lý Anh Tông đã ra lệnh xét công trạng các quan, thì cuộc cải cách của Lê Thánh Tông mới xác định rõ ràng và có hệ thống các quy tắc khảo sát: trưởng quan tấu trình ba năm một lần đánh giá quan viên dưới quyền cai quản; tiêu chuẩn đánh giá tư cách quan viên và công việc của họ (vô tư, chính trực, có lòng thương dân, có hiệu lực trong việc mộ binh, thu thuế, dân trong hạt ổn định)[159]. Tiếp đấy, đặt ra hệ thống khảo công như năm 1501 đưa ra ba bậc - thượng, trung, hạ - nhưng những thay đổi có ý nghĩa chỉ xuất hiện từ thế kỷ XIX, khi sự đánh giá mang tính định lượng: hoàn thành việc thuế khóa (số thuế thu được), số binh chiêu mộ và giải quyết nhanh chóng các án từ đều được tính toán[160]. Người ta còn đánh giá hiệu quả trong việc trấn áp giặc giã cũng như khả năng khuyến khích khẩn hoang. Vả lại nhà chức trách thuộc địa cũng làm theo khuôn mẫu của hoàng triều để xét công trạng và theo dõi quan viên. Những nhận xét cá nhân của các quan công sứ cũng giống như vậy về hình thức: lý lịch (ngày tháng bổ nhiệm về cấp bậc và chức vụ), kỷ luật (có bị phạt không), tưởng thưởng, đánh giá khả năng cá nhân, đánh giá định lượng về khả năng theo những tiêu chí rất gần với giai đoạn trước đó.
[159] Về khảo sát năm 1147, xem CM, chb, IV, 42. Định kỳ được xác định năm 1470 và các tiêu chí năm 1498. CM, chb, XXI, 40-41; XXIV, 32.
[160] Việc đánh giá được hoàn thiện vào năm 1682 và 1707 (HC, quan chức chí, t. 1, tr. 585, 586. CM, chb, XXXV, 2) và trở thành định lượng từ năm 1833. TL, kỷ II, q. 116, t. 13, tr. 410-414.
Định kỳ đánh giá cũng đáng được xem xét. Thật vậy, sự tiến triển của nó cũng là một dấu hiệu về sự căng thẳng giữa chính quyền trung ương và các bộ máy ngoại vi.
Hình 2 - Xét công trạng các quan (1162-1826)
Nguồn: CM, chb, VI, 29; XI, 40-41; XXXIV, 18; XLI, 41. HC, quan chức chí, t. I, tr. 582, 584-586. HD, bộ lại, q. 22, xét thành tích các quan viên từng khoa, t. 3, tr. 98.
Trung bình - năm năm để khảo sát, bảy năm để thăng tiến – đánh dấu rõ sự khác nhau. Ta thấy có ba thời kỳ lớn về niên hạn khảo sát: thời hạn dài (1162-1471), trung (1471-1501, 1685-1754, từ năm 1826), ngắn (1501-1685). Giai đoạn sau tương ứng với thời kỳ lung lay của chính quyền trung ương. Ngược lại, khoảng cách ba năm rất có ý nghĩa đối với chính sách tập quyền - dưới thời Minh Mạng cũng như dưới thời Lê Thánh Tông - và sự kiểm soát chặt của chính quyền đối với bộ máy Nhà nước từ 1685 đến 1754. Như Phan Huy Chú đã nhấn mạnh, niên hạn ba năm là thời gian lý tưởng để điều chỉnh bộ máy quan lại. Ông cho rằng khảo sát mà chóng quá thì người giỏi chưa trổ tài ra được, chậm quá thì kẻ gian được nhờ để tạm nương thân[161].
[161] HC, quan chức chí, t. I, tr. 588.
Lý lịch cũng là một công cụ tốt để quản lý quan viên. Sự chính xác của các tài liệu đó và sự thống nhất mẫu mã cho thấy hiệu lực của nền hành chính Việt Nam. Lý lịch được nhắc tới lần đầu vào năm 1660 nhưng có thể đã được đặt ra từ trước[162]. Năm đó vua Lê Thần Tông định lệ làm sổ ký chú (lý lịch), hàng năm đến cuối năm các cơ quan hành chính các xứ (ba ti: Đô, Thừa, Hiến), phủ và huyện đều phải gửi lên sổ khai rõ lai lịch nguyên ủy đường xuất thân của các quan lại. Các quan phủ huyện thì nộp ở Thừa ty, Thừa ty đính theo sổ của ty mình. Tất cả đều nộp về Lại bộ, Lại khoa và Ngự sử “để biết rõ quan lại làm việc đã lâu hay mới, cho tiện việc tra xét so sánh”[163]. Dưới triều Nguyễn, việc bắt buộc đó được nhắc lại năm 1817. Nó liên quan đến toàn thể bộ Lại, từ viên hành tẩu cho đến thượng thư. Để tránh việc làm gian dối, tài liệu phải thật chính xác, gồm có họ, tên, tuổi, ghi rõ những năm được bổ nhiệm, thang lương, thăng và giáng. Tất cả các trưởng quan đều phải gửi lý lịch của mình và của những người dưới quyền làm thành hai danh sách gửi lên bộ Binh và bộ Lại vào tháng mười hàng năm[164]. Năm 1826, vua Minh Mạng lại đưa ra yêu cầu mới. Ba danh sách phải nộp lên các bộ: một danh sách các quan văn võ đương nhiệm từ chánh tam phẩm trở lên, một danh sách các quan chưa bổ nhiệm nhưng được hưởng lương. Lý lịch các quan phải có lời chú của trưởng quan về tình hình làm việc của họ[165]. Ngoài sự chính xác còn yêu cầu phải rõ ràng. Từ năm 1764 đặt ra hình phạt nghiêm khắc đối với những người soạn thảo thiếu sót và sai lầm[166]. Năm 1835 nhà vua còn đòi hỏi phải chính xác và rõ ràng khi soạn thảo các tài liệu đó tối đa không quá ba trăm chữ để trình bày về chức trách, thăng tiến, tưởng thưởng và trách phạt. Việc sử dụng những công thức vô nghĩa là nguyên nhân sai lầm hay thiếu sót bị coi là rất đáng chê trách[167]. Những nỗ lực của chính quyền thuộc địa cũng chỉ là sự tiếp nối đường lối của hoàng triều để đánh giá và theo dõi hoạn lộ của các quan: những nhận xét cá nhân gửi lên quan công sứ đều giống như vậy về hình thức: lý lịch (niên hạn đề bạt và chức vụ), kỷ luật (bị trách phạt nếu có), tưởng thưởng, đánh giá khả năng cá nhân, đánh giá định lượng về năng lực theo những tiêu chí rất gần.
[162] Có thể cho dù các nguồn tư liệu không để lại dấu vết, thì thiết chế đó đã có ít ra là từ thế kỷ XV, khi việc theo dõi con đường thăng tiến được đặt ra.
[163] HC, quan chức chí, t. I, tr. 554.
[164] HD, bộ lại, q. 23: xét thành tích các quan viên, t. 3, tr. 145.
[165] ANV-RST 72003. TL, kỷ II, q. 42, t. 8, tr. 142. HD, bộ lại, q. 23: xét thành tích các quan viên, t. 3, tr. 145-146.
[166] CM, chb, XLII, 23.
[167] TL, kỷ II, q. 159, t. 17, tr. 112. HD, bộ lại, q. 24: chầu hầu, t. 3, tr. 157-158.
Hành chính thượng du miền Bắc Việt Nam
Chinh phục và đồng hóa bằng vũ lực hay bằng thuyết phục; thiết lập quan hệ thần phục với các thổ tù chịu hợp tác; tuyệt đối không thương thuyết với “man dân”; loại trừ những thổ tù chống cự lại hay ngược lại thừa nhận họ như những đối thủ bình đẳng; đấy là bốn cực mà đường lối của Triều đình luôn chao đảo khi thế này khi thế nọ từ thế kỷ XI. Trong trường hợp sau cùng, các vua đã ban tặng vật - một thứ cống vật ngược lại - cho các thủ lĩnh “man dân”, lại còn gả công chúa cho họ, và ban cho họ tước hiệu hay chức trách[168].
[168] Từ năm 1427, Lê Lợi ban tước cho các tù trưởng địa phương. CM, chb, XIV, 5.
Vừa ép buộc vừa hòa hoãn, đường lối của Triều đình chuyển sang can thiệp nhiều hơn kể từ đời vua thứ hai triều Nguyễn. Thật vậy, ngay từ thời Gia Long đã thiết lập các công cụ quản chế, như thành lập phủ man sứ để xóa bỏ mọi ý đồ tự trị của các thủ lĩnh địa phương. Nhưng chỉ đến người kế vị là Minh Mạng thì mới có sự gián đoạn thực sự. Ba giai đoạn đánh dấu việc thiết lập đường lối với hai mục tiêu: tập quyền và đồng hóa[169]. Một chính quyền hỗn hợp được thiết lập năm 1827: cấu trúc của nó giống như ở lưu vực sông Hồng, chỉ có tên các chức vụ khác đi vì các quan là người địa phương, thổ quan[170]; các thổ ty vẫn giữ nguyên chức tước và đặc quyền. Bước thứ hai là cơ bản, được thực hiện năm 1829 với việc xóa bỏ quyền thế tập của các thổ ty Tày miền núi (Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa)[171]. Chưa một nhà vua nào trước Minh Mạng áp dụng những biện pháp như vậy, được hoàn tất năm 1835 với việc thay các thổ quan bằng quan người Kinh do Triều đình bổ nhiệm gọi làlưu quan[172]. Thắng lợi trong cuộc đàn áp vụ nổi dậy của thủ lĩnh Tày Nông Văn Vân (1833-1835) cho ta thấy có lẽ nhà vua đã dẹp được sự chống cự. Thực ra các thổ ty vẫn giữ được quyền lực. Thất bại một phần là do ở xa Triều đình, một phần là do Triều đình bất lực trong việc bảo vệ nhân dân chống lại các vụ rối loạn và ngăn chặn quân Trung Quốc tràn vào. Vì vậy không lấy làm ngạc nhiên khi những vua kế vị Minh Mạng đã cho lập lại tình trạng cũ bằng cách đưa thổ ty vào trong bộ máy bảo vệ và cai trị vùng biên cương.
Dù sao thế lực của thổ ty không phải là vấn đề duy nhất: đường lối đó cũng gây nên nhiều sự chống đối bên trong bộ máy hành chính người Kinh. Tài liệu cho thấy nhiều dấu hiệu tiêu cực của các quan lại người Kinh được cử lên miền núi. Sự khác biệt về phong tục và ngôn ngữ địa phương, núi sông lam chướng thậm chí là môi trường thập tử nhất sinh đã khiến cho những người đang chờ bổ nhiệm hay các quan đương chức từ chối không muốn đến các nhiệm sở đó[173]. Những khó khăn đó cũng là nguồn gốc của việc từ bỏ nhiệm sở, một vấn đề đã có từ xưa: từ năm 1712 đã có lệnh cho các quan trấn thủ Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Lạng Sơn không được rời bỏ lỵ sở[174]. Như Nguyễn Đăng Giai, tổng đốc Sơn Hưng Tuyên năm 1844 nhận định, thường xảy ra việc một số quan châu phủ bỏ lỵ sở của mình để sống ở tỉnh lỵ trong gần mười tháng, việc đó đưa đến nhiều chuyện lạm quyền vì việc cai trị hoàn toàn giao phó cho bọn thuộc lại[175]. Ba bằng chứng dưới triều Tự Đức xác nhận điều đó. Đặng Xuân Bảng, tri phủ Yên Bình (tỉnh Tuyên Quang) viết năm 1861 rằng trong số các quan phủ huyện, chỉ có các quan ở Hàm Yên và Yên Bình là ở lại lỵ sở. Các quan còn lại - tức tri phủ Tương Yên, tri châu Chiêm Hóa, tri huyện Vĩnh Điện, Đề Định, Vĩnh Tuy và Vị Xuyên - đều ở trong thành của tỉnh, nha môn giao cho các lại mục hay lính lệ trông coi[176]. Một bằng chứng khác, của quan tỉnh Hòa Bình năm 1908, tuy rằng rất muộn về sau, cũng nói lên tình trạng như cuối triều Tự Đức, ở Mai Đà, thuộc tỉnh Hưng Hóa. Việc cai trị châu này giao cho các quan người Kinh “sống ở tỉnh lỵ [Hưng Hóa] và chỉ đến thị sát dân chúng một hay hai lần trong năm”[177]. Cuối cùng Nguyễn Đăng Giai, lúc đó là kinh lược, năm 1850 đã đề nghị giảm bớt số quan ở những nơi ma thiêng nước độc tại Nghệ An và Thanh Hóa vì họ đã bỏ nhiệm sở[178]. Bên cạnh lý do đó còn có lý do từ chối làm việc: một số quan đương nhiệm ở vùng nước độc, kể cả từ thế kỷ XV đến XIX đều lấy cớ ốm đau để nghỉ việc hay xin đổi đi nơi khác[179]. Năm 1823 Minh Mạng nhận định rằng các quan hậu bổ viện cớ bệnh tật mà xin nghỉ để tránh khỏi phải bổ đến “những nơi khó khăn hay nước độc”. Vua ra lệnh cho họ về hưu ngay và không được lấy nguyên chức quan đợi bổ[180].
[169] Minh Mạng dùng câu nói của Mạnh tử “dụng hạ biến di 用夏變夷, TL, kỷ II, q. 190, t. 20, tr. 77-78.
[170] Từ thổ được dùng để chỉ các chức vụ từ năm 1827: thổ tri phủ (6b), thổ tri huyện (7b), thổ huyện thừa (8b), thổ lại mục (9b). HD, bộ lại, q. 13: quan chế, t. 2, tr. 225. Nên nhớ là các thổ quan được chọn trong những chức sắc địa phương chứ không tuyển chọn bằng thi cử như quan người Kinh.
[171] TL, kỷ II, q. 60, t. 9, tr. 248.
[172] Minh Mạng học theo hoàng đế Ung Chính (1723-1735) nhà Thanh đã tiến hành việc thay đổi gọi là cải thổ quy lưu 改土歸流, sau vụ nổi dậy của người thiểu số ở miền Nam Trung Quốc. Theo Nguyễn Minh Tường, Công cuộc cải cách hành chính…, sđd, tr. 168. Xem thêm cùng tác giả “Chính sách đối với dân tộc thiểu số của triều Nguyễn nửa thế kỷ XIX”, NCLS, 271 (1993), tr. 37-44.
[173] Lam chướng 嵐瘴 là từ thường dùng trong những tài liệu từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX. Lam nghĩa là khí núi, chướng là nước độc, gắn liền với bệnh sốt rét. Còn từ thập tử nhất sinh 十死一生 đã được Phạm Thận Duật dùng để nói về các châu Phù Yên và Mai Sơn. Phạm Thận Duật, Hưng Hóa ký lược, trong Phạm Đình Nhân (chủ biên), Phạm Thân Duật toàn tập, (2000), tr. 143-633.
[174] HC, quan chức chí, t. I, tr. 454; Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, (1995), tr. 181.
[175] TL, kỷ III, q. 41, t. 25, tr. 122.
[176] Đặng Xuân Bảng, Tuyên Quang tỉnh phú, trong “La province de Tuyên Quang”, Revue Indochinoise, XXV (1922), tr. 173.
[177] Chúng tôi nhấn mạnh. Bằng chứng của các quan tỉnh báo cáo với công sứ Hòa Bình. Thư (8/10/1908) của công sứ Hòa Bình gửi thống sứ Bắc Kỳ, trong ANV-RST 14487, hồ sơ hành trạng của Phùng Như Kỳ.
[178] TL, kỷ IV, q. 5, t. 27, tr. 237.
[179] Sắc chỉ năm 1468 rất nghiêm khắc về điểm này. TT, bản kỷ thực lục, q. 12, kỷ nhà Lê, tờ 47a.
[180] HD, bộ hộ, q. 58: lương bổng, t. 5, tr. 177.
Những khó khăn đó đưa các nhà chức trách của vương quyền rồi tiếp đấy là của chính quyền thuộc địa coi những nhiệm sở nước độc trên biên viễn như là những lối thoát thực sự: điều những quan viên bất lực, tham nhũng hay chống đối Nhà nước về chính trị đến những nơi đó coi như là trừng phạt. Theo một sắc dụ năm 1498, các điển lại có tội phải sung quân, khi được xá nên bổ làm lại ở nha môn bên ngoài kinh đô. Người nào tội tình nhẹ thì bổ nơi đất lành, khoan cho một chút; người nào tội tình nặng thì bổ nơi biên viễn lam chướng[181]. Từ giữa thế kỷ XV, tại những nơi biên viễn độc địa đó, việc điều một quan viên bất lực đến rõ ràng bị coi như là một hình phạt: những kẻ thác ốm để tránh, nộp thuế thiếu nhiều, thì lại bổ đi nơi biên viễn, đầy sáu năm mới được định đoạt lại[182].
[181] TT, bản kỷ thực lục, q. 14, kỷ nhà Lê, tờ 4a.
[182] Sắc chỉ năm 1468 trong TT, bản kỷ thực lục, q. 12, kỷ nhà Lê, tờ 47a.
Tổ chức hành chính yếu kém, hậu quả của tình hình đó, khiến Triều đình lo ngại nên phải tìm những biện pháp khác cho thích hợp với điều kiện đặc biệt của vùng cao. Nó liên quan đến việc trả lương, hiểu biết tiếng nói địa phương, việc bổ dụng và thăng tiến.
Năm 1842 các quan tỉnh Cao Bằng đã đề nghị tăng gấp đôi lương cho các thuộc lại. Nhà vua đã y tấu lấy lý do là vì ở xa[183].
[183] TL, kỷ III, q. 25, t. 24, tr. 239-240.
Việc không hiểu biết phong tục và ngôn ngữ của nhau là nguồn gốc của những hiểu lầm và khó khăn trong việc cai trị ở những vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy Triều đình phải tính đến việc cho các quan ở lại lâu dài. Khác với những huyện miền châu thổ các quan thường được luân chuyển thường xuyên, nhà chức trách vùng cao thường đánh giá kinh nghiệm lâu năm ở trong một địa hạt. Vì vậy năm 1844, vua Thiệu Trị đã nêu gương Nguyễn Doãn Vũ, tri huyện Đề Định đã ở lại nhiệm sở trong sáu năm, khiến dân chúng ổn định và hài lòng[184].
[184] TL, kỷ III, q. 41, t. 25, tr. 124.
Những bản địa phương chí các tỉnh Tuyên Quang, Hung Hóa, Cao Bằng, do các quan biên soạn trong thế kỷ XIX, có thể bổ sung cho sự thiếu hiểu biết địa phương. Tính chính xác của chúng khiến chúng có thể dùng như một tài liệu giáo khoa. Vì vậy cuốn Hưng Hóa ký lược của Phạm Thận Duật, làm quan ở Tuần Giáo (1855-1856) là một tài liệu nghiên cứu đáng chú ý về ngôn ngữ và chữ viết của người Thái, kết quả của một cuộc điều tra tiến hành tại nhiều châu của tỉnh. Công trình không phải chỉ có ý nghĩa về ngôn ngữ, dân tộc học và sinh học (cầm thú và cây cỏ), mà còn có ý nghĩa về hành chính. Bảng thuế khóa của ông rất đầy đủ: thuế đánh vào đồ dệt, hầm mỏ và thuế tuần ty đều được chỉ rõ[185]. Nếu những cuốn địa phương chí có thể trở thành sách chỉ dẫn về công việc hành chính cho những viên quan trẻ, thì lại không nói đến việc học tiếng một cách thực sự. Dù sao, dự định đó cũng vấp phải sự thờ ơ của Triều đình. Hà Thúc Giao, án sát tỉnh Vĩnh Long, trong một bản tấu gửi lên vua năm 1838 đã nhận định rằng khó khăn là do hai bên không hiểu tiếng của nhau ở các huyện Vĩnh Bình, Vĩnh Trị, Tuân Nghĩa và Trà Vinh. Ông đề nghị chọn người Kinh cho học tiếng thiểu số và đưa con em dân tộc thiểu số theo học các lớp Hán tự của các học quan phủ huyện. Vua Minh Mạng chuẩn y tinh thần bản tấu đó, nhưng lại đảo ngược vấn đề. Ông cho rằng không nên ưu tiên cho người Kinh học tiếng thiểu số vì như vậy sẽ đi ngược đường lối đồng hóa. Tinh thần của vua là ưu tiên đào tạo người thiểu số theo chuẩn mực của người dâng tấu, rồi trong thời gian sau mới cho người Kinh học tiếng thiểu số để cho hai bên hiểu biết nhau hơn và cải thiện việc cai trị[186]. Cũng trong năm đó, vua yêu cầu các quan tỉnh ở các tỉnh giáp giới Trung Quốc chọn những người xuất sắc trong các con thổ quan hay những người bản địa khác và đưa về kinh đô học tại trường Quốc tử giám. Những kẻ có khả năng chiến trận cũng được đưa về Huế để thực tập tại các doanh vệ. Mỗi tỉnh có thể chọn tất cả từ một đến bốn người. Tỉnh Lạng Sơn đã đưa về Quốc tử giám Nông Đăng Tuyền[187].
[185] Phạm Thận Duật, Hưng Hóa ký lược, trong Phạm Đình Nhân (chủ biên), Phạm Thận Duật…, sđd, tr. 121-238, 619-688.
[186] Trong năm đó, nhà vua sắc dụ cho các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng đặt chức tổng giáo để phát triển việc học trong dân tộc thiểu số. TL, kỷ II, q. 90, 194, t. 20, tr. 77-78, 209.
[187] TL, kỷ II, q. 194, t. 20, tr. 197-198.
Nhưng ở Quốc tử giám, việc đào tạo con em dân tộc thiểu số đem lại hiệu quả rất chậm vì số học sinh quá ít để đáp ứng được nhu cầu bổ dụng. Điều đó giải thích việc quay lại chính sách khen thưởng để thu hút các quan người Kinh lên vùng mạn ngược. Ta có thể vạch nên một vùng “sinh thái của quan lại” từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX. Từ 1435, Nguyễn Trãi, căn cứ vào sách Ác thủy ký, đã phân biệt trong Dư địa chí hai mươi chín hạt lam chướng: các huyện Đại Từ, Vũ Nhai (Thái Nguyên); các châu Thạch Lâm, Quảng Nguyên, Thượng Lang, Hạ Lang (Cao Bằng); châu Bảo Lạc (Tuyên Quang), huyện Văn Chấn và các châu Thủy Vĩ, Phù Hoa, Mai Châu, Mộc Châu, Cao Lăng, Hoàng Nham, Lễ Tuyền (Hưng Hóa), các châu Ôn Châu, Thoát Lãng, An Lan, Thất Nguyên, Yên Bác (Lạng Sơn); châu Vĩnh An (An Bang); các châu Châu Lang, Cảnh Thuần, Quy Hợp (Nghệ An); Thọ Xuân, Sầm Châu (Thanh Hóa); Hữu Lũng (Kinh Bắc); Đông Triều và Thủy Đường (Hải Dương)[188].
[188] Nguyễn Trãi, Dư địa chí, 1435, trong Nguyễn Trãi toàn tập, (1976), tr. 240-241. Có thể tìm các châu huyện đó trong Thiên hạ bản đồ, thế kỷ XV, trong Hồng Đức bản đồ, (1962), tr. 17, 26, 33-34, 39, 40, 43-44.
Những khó khăn đặc biệt được ghi nhận trong việc luân chuyển trị nhậm. Cho đến năm 1468, một viên quan đã ở tại một trị sở từ chín năm thì được chuyển về một huyện gần kinh đô[189]. Từ năm 1468, thời hạn được rút xuống đối với những viên quan xứng đáng: vỗ nuôi dân có phương pháp, thu thuế không nhiễu mà đủ, làm việc đầy sáu năm thì cho đổi đi nơi tốt[190]. Những biện pháp tương tự cũng được vận dụng dưới triều Nguyễn. Năm 1844, các châu miền núi ở các tỉnh Hưng Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Yên, Ninh Bình đều được chia thành hai hạng: việc cai trị các châu hẻo lánh và nước độc thì ưu tiên giao cho các quan hậu bổ hay thư lại các nha môn tỉnh đã làm việc trong tỉnh; những nhiệm sở không xa lắm và nước ít độc thì giao cho những người ngoài tỉnh và đỗ đạt: đậu thi hương, học sinh Quốc tử giám[191].
[189] CM, chb, XXI, 11.
[190] Như trên. Xem thêm TT, bản kỷ thực lục, q. 12, kỷ nhà Lê, tờ 47a.
[191] Danh sách đầy đủ các địa phương có trong TL, kỷ III, q. 41, t. 25, tr. 124-127.
Tập trung hóa đối diện với những lợi ích riêng biệt, việc giảm nhẹ cơ cấu hành chính, việc đào tạo, trả lương, phương thức làm việc của quan và lại, việc cai trị vùng cao, tất cả những vấn đề đó đều được bàn bạc hay tính đến từ trước năm 1884. Phải chăng tính thường trực đó của cấu trúc đã mang theo nó một tính liên tục xã hội học của nền quan lại?