Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 2 - Phần 3

Kiểm tra việc bổ dụng và thăng trật

Cách kiểm tra tốt nhất việc bổ dụng quan lại là tăng cường cơ chế kiểm soát việc xuy cử, thắt chặt việc nâng bậc và cải cách việc học. Dựa vào xuy cử tất nhiên là một biện pháp để đa dạng hóa cách tuyển dụng nhưng nó có nguy cơ làm xuất hiện những phe đảng tranh giành với Nhà nước có thể làm lung lay uy tín của nhà vua. Để ngăn ngừa sự phát triển của hệ thống “người nhà” dựa trên đặc ân và hiện tượng gia đình trị, cũng như ngăn cản việc tuyển dụng theo hàng tỉnh, người “chủ” buộc phải chịu trách nhiệm về người mình tiến cử[102]. Năm 1879, một sắc dụ của vua đã thay đổi quy trình. Khi người phạm lỗi thừa nhận có sơ suất hay tham nhũng, thì phải phân biệt hai trường hợp: hoặc người chủ rõ ràng là chuyện cá nhân, và như trước kia, y bị cách chức và giáng hai trật; hoặc việc biểu hiện là tập thể, có nghĩa là của tất cả các quan tỉnh hay quan huyện, và toàn bộ nhân sự bị giáng hai trật nhưng lưu nhiệm[103].

[102] Nguyễn Thanh Nhã đã nhấn mạnh đến nguy cơ đó. Nguyễn Thanh Nhã, Tableau économique du Viêt Nam…, sđd, tr. 14.

[103] Những việc tiến cử lạm dụng (lạm cử) lúc đó rất nhiều. Ta có thể dựa vào lời phê phán gay gắt của quan khoa đạo Lưu Khắc Nhất năm 1877. TL, kỷ IV, q. 59, t. 34, tr. 106.

Nếu việc bán quan chức thực sự như các năm 1703, 1721 và 1736 là biệt lệ, thì việc bán hàm danh dự (vinh hàm) không có chức vụ đã có từ lâu[104]. Nó cho phép Triều đình đối phó với những hoàn cảnh đặc biệt ở thế kỷ XIV, XV và XVI: nuôi dưỡng quân đội, đàn áp nội loạn hay chiến tranh, tiến hành công việc khai khẩn các vùng hoang vu, xây dựng các công trình công ích, cuối cùng là giúp dân bị thiên tai. Như vậy, trong thế kỷ XIX, Triều đình đã tám lần kêu gọi người hảo tâm lạc quyên giúp dân nghèo. Văn bản cho phép những người đóng góp có thể được bổ dụng vào các chức vụ hành chính, nhưng việc mở rộng đó được xác định theo hướng ngày càng chặt chẽ. Năm 1865, người đóng góp có thể được cử vào chức vụ hành chính với điều kiện phải chứng tỏ có hiểu biết về hành chính hay quân sự tùy theo phẩm chất của người đó. Năm 1881 những điều kiện mới lại được đặt ra: các chức không được vượt quá tứ phẩm. Ngoài ra, người được hưởng không thể đưa vào bộ máy hành chính từ thất phẩm trở lên, và phải qua khảo hạch để chứng tỏ có hiểu biết và có khả năng[105].

[104] Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, (1995), tr. 152, 297. Lê Hy Tông (1676-1705) bán 1736 chức quan huyện phải nộp 1800 quan tiền và tri phủ với 2800 quan tiền. Đại Việt sử ký tục biên, q. 22, tờ 35a.

[105] ANV-RST 46420. Mandarinat honoraire, octroi des grades de mandarinat aux personnes bienfaisantes (pièces de principes), 1899-1909.

Những lời phê bình hiện đại không ngừng tố giác tính giả tạo, xa rời thực tế của lối đào tạo quan chức tương lai. Nhưng dùng tên gọi đối với thi cử “văn chương” chẳng phải đã dựa trên một sự giả tạo nếu ta muốn coi những vấn đề của Nhà nước và chính phủ đều chứa đựng trong Khổng giáo? Qua các cuộc thi, Triều đình trắc nghiệm khả năng chính trị của các thí sinh. Trình bày một bài văn sách - một tư tưởng, một lời nói hay một hành động xưa, một vấn đề thời sự - đòi hỏi thí sinh phải chủ động trong óc phê phán và có suy nghĩ cá nhân.

Một điều phụ trợ không thể thiểu bên cạnh hiểu biết Ngũ kinh và Tứ thư, là làm quen với công việc hành chính, phân biệt rõ với đào tạo chính trị, được dựa trên ba công cụ: soạn thảo các văn bản hành chính, thực tập và đọc sách hướng dẫn. Quan chức tương lai phải có khả năng viết chế, biểu, tấu - những giấy tờ chính thức thông dụng trong các cơ quan chính phủ trung ương. Dưới triều Nguyễn, Triều đình bắt phải viết các văn bản đó theo thể thức đời Hán hay đời Đường và phổ biến những mẫu cáo biểu để tạo điều kiện cho việc thực tập ở Quốc tử giám và trong các trường địa phương nhằm chuẩn bị cho việc làm bài tứ lục khi thi hương[106]. Ngược lại với một định kiến chặt chẽ, thi đỗ chưa phải là một điều kiện đầy đủ để bước vào hoạn lộ. Từ năm 1488, người thi đỗ phải thực tập ba năm, nếu đạt thì mới được bổ nhiệm[107]. Sau khi đã nghiên cứu các thể thức của thế kỷ XIX, chúng ta sẽ trở lại ý nghĩa của thiết chế đó.

[106] Vũ Thị Phụng, Văn bản quản lý nhà nước…, sđd, tr. 48, 62-63.

[107] Lê Kim Ngân, Tổ chức chính quyền trung ương…, sđd, tr. 159. Poisson, E., “Administrative Practice: An Essential Aspect of Mandarinal Training (19th - early 20th century)” trong Bousquet, G., Brocheux, P., (chủ biên), Vietnam Exposé: French Scholarship on 20th Century Vietnamese Society, (2002), tr. 108-139.

Thực tập có ba hình thức: hậu bổ, học quan hay hành tẩu.

Sau khi thi đỗ trong kỳ sát hạch ở Triều đình (khiêu hạch), những người đỗ thi hương (cử nhân, tú tài), các ấm sinh hay giám sinh, có thể được cử làm hậu bổ[108] thực tập ở các tỉnh trong ba hay bốn năm. Khiêu hạch do bộ Lễ tổ chức vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi gồm bốn bài thi: một bài kinh nghĩa, một bài phú hai vần và độ hai ba câu văn sách ngắn[109]. Thí dụ, Phạm Hữu Tự, quê ở huyện Đông Thành tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân trường thi Nghệ An năm 1843, được cử làm hậu bổ ở tỉnh Hưng Yên sau khi qua được khiêu hạch tại Triều năm 1848. Bùi Đàm làm tri phủ Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) năm 1897, được nhận vào học Quốc tử giám năm 1865, thi đỗ trong kỳ khiêu hạch tại Triều tháng 7-1879 rồi được làm hậu bổ trước khi được bổ dụng[110].

[108] Hậu bổ, người chờ đợi được bổ nhiệm. Thi khảo hạch xuất hiện năm 1826 đối với cử nhân và giám sinh, năm 1834 đối với tú tài, và năm 1835 đối với ấm sinh. Thời gian thực tập là 3 năm đối với cử nhân và tú tài, và 3 hay 4 năm tùy theo điểm nhận xét đối với giám sinh và ấm sinh. MMCY, q. 4: cầu hiền, tờ 15b, 25a-25b. HD, bộ lại, q. 15: tuyên bổ, t. 2, tr. 273; t. 5, tr. 170; bộ hộ, q. 58: lương bổng, t. 5, tr. 170. DLTY, tr. 69-71.

[109] DLTY, tr. 65.

[110] ANV-KL, 2515, tờ 50.

Thực tập có hai hình thức: cử đi công cán để giải quyết một vấn đề thủy lợi, thuế khóa, tư pháp hay làm thừa ủy quyền. Vì vậy mà năm 1836, Minh Mạng đã sức cho các quan tỉnh trong trường hợp có kiện tụng, phải cử các hậu bổ đi làm. Những người này đến các nha môn phủ huyện gần tỉnh nhất, để cùng tri phủ tri huyện lập một ban điều tra[111]. Việc làm quyền tri huyện, nhằm chứng tỏ khả năng hành chính của các quan tương lai, được dự tính trong chỉ dụ năm 1826. Trường hợp khuyết chỗ, các quan tỉnh tấu về Triều xin cho hậu bổ đến hạt (phủ, huyện) cho giữ ấn mà tạm quyền làm việc[112]. Loại hoạt động đó, chúng tôi đã thu được nhiều chứng nhân: Ngô Kim Liên vào Quốc tử giám năm 1826. Hai năm sau được cử làm hậu bổ ở Bắc Thành. Được bổ làm quyền tri huyện Sơn Dương, Tam Dương và Thụy Anh[113]. Nguyễn Hữu Tường - con Nguyễn Hữu Độ, án sát Hà Đông năm 1897, đỗ cử nhân trường thi Thừa Thiên năm 1888[114]. Bốn năm sau, ông được bổ thụ hàn lâm viện điển tịch để làm hậu bổ ở nha kinh lược Bắc Kỳ, rồi được bổ lãnh tri huyện Nam Trực[115].

[111] MMCY, q. 4: cầu hiền, tờ 50b-51a.

[112] Dụ 1826, HD, bộ lại, q. 15: tuyên bổ, t. 2, tr. 272.

[113] DNLT, t. 4, tr. 53.

[114] QTHKL, tr. 495.

[115] ANV-KL, 2520, tờ 48-49.

Một số người thi đỗ khác đã thực tập tại các tỉnh trong những điều kiện khác. Không cần phải cử làm hậu bổ, họ vẫn được làm quen với việc công trong chức trách học quan ở phủ hay huyện. Họ được bổ làm quyền tri phủ hay quyền tri huyện khi những nơi đó khuyết chức. Một khả năng như vậy được dự tính trong một đạo dụ năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), dưới thời Tự Đức năm 1848, rồi dưới thời Đồng Khánh năm 1887[116]. Khác với hai đạo dụ trước, đạo dụ sau cụ thể hóa thời gian thực tập là một năm đối với tiến sĩ và phó bảng, ba năm đối với cử nhân. Bước đầu làm quan của Trần Xuân Sơn, đốc học tỉnh HàNam năm 1897, là một minh chứng. Đỗ cử nhân năm 1868, được bổ làm huấn đạo huyện Nam Xang, rồi trong khi vẫn giữ chức cũ lại được cử làm quyền tri huyện trong cùng huyện đó năm 1878[117].

Cuối cùng thực tập ở tỉnh không phải là biện pháp duy nhất để làm quen với việc công. Nhiều người thi đỗ hay ấm sinh vẫn có thể được bổ làm hành tẩu trong một của lục bộ và trong các cơ quan khác của chính phủ trung ương[118]. Như Đặng Kim Giám đỗ hương cống năm 1820, được phái làm hành tẩu ở bộ Binh tháng tư năm1824, trước khi được bổ làm tri huyện Hoa Khê thángmột năm 1826[119]. Cũng vậy, Nguyễn Sinh Huy, cha của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh sau này - được bổ làm hành tẩu ở Huế năm 1895 sau khi thi đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An năm 1894[120]. Phân tích lý lịch các quan tỉnh tại nhiệm ở Bắc Kỳ năm 1897 cho thấy phần lớn họ đều trải qua loại thực tập đó. Một vài ví dụ đủ cho ta thấy tính đa dạng về trách vụ của người thực tập. Đào Trọng Kỳ, tổng đốc Sơn Hưng Tuyên năm 1897, sau khi đỗ cử nhân trường thi Nam Định năm 1864, năm 1869 được bổ làm hành tẩu ở Sở ty luân, thuộc Nội các, có nhiệm vụ khởi thảo các chỉ dụ, hàng ngày thu và phát các văn thư, cùng Sở thượng bảo giao nhận văn thư, lưu giữ bản thảo sớ tấu của Nội các và lục bộ[121]. Đỗ Văn Tâm tuần phủ Hải Yên năm 1896, đỗ tú tài năm 1874, tiến sĩ năm 1880, được bổ làm thừa biện bộ binh năm 1881, rồi làm nhân viên Quốc sử quán. Dương Danh Lập đốc học Hà Nội năm 1896, đỗ tú tài năm 1861, cử nhân năm 1866, phó bảng năm 1880. Được bổ hàn lâm viện kiểm thảo (7b) để làm công việc tu thư ở Nội các. Nguyễn Văn Tuyển tri phủ Lâm Thao năm 1897, cựu học sinh Quốc tử giám, từng làm đằng lực ở Quốc sử quán từ tháng sáu năm 1883 đến tháng hai năm 1884. Cuối cùng là Trần Kỳ, huấn đạo phủ Lâm Thao năm 1896, đỗ tú tài năm 1870, cử nhân năm 1874, phó bảng năm 1880. Lúc đầu ông được thăng hàn lâm viện kiểm thảo (7b) để làm thừa sự ở bộ Hình[122]. Một đạo dụ năm 1889 còn nhắc lại việc bắt buộc đó đối với các cử nhân muốn đi vào quan trường[123], nhưng loại thực tập đó đã mất đi dưới thời thuộc địa khi hai nền hành chính Trung Kỳ và Bắc Kỳ bị tách ra.

[116] Dụ năm 1836, trong MMCY, q. 4: cầu hiền, tờ 51a. TL, kỷ II, q. 170, t. 18, tr. 171. Dụ năm 1848 trong TL, kỷ IV, q. 3, t. 27, tr. 153-154. Dụ năm 1887 trong DLTY, tr. 78-79.

[117] ANV-KL, 2520, tờ 49.

[118] Dụ năm 1820. HD, sđd, t. 2, tr. 270-271. Nguyễn Sĩ Hải, Tổ chức chính quyền…, sđd, tr. 174. Nguyễn Minh Tường, Công cuộc cải cách hành chính…, sđd, tr. 267. Về nguồn gốc Trung Quốc của từ hành tẩu (xing zou), xem Hucker, Ch. O., A Dictionary of Offcial Titles…, sđd, điều 2603, tr. 247 ; Zhong Guo guan zhi da ci dian, (1992), t. 2, tr. 1217.

[119] Xem lý lịch Đặng Kim Giám, hình 3.

[120] Hémery, Daniel, “Jeunesse d’un colonisé, jeunesse d’un exil, Ho Chi Minh jusqu’en 1911”, Approche-Asie, 11 (1992), tr. 102.

[121] ANV-KL, 2521. Về sở ty luân lập năm 1844, xem Nguyễn Sĩ Hải,Tổ chức chính quyền…, sđd, tr. 130-131. Đỗ Bang (chủ biên), Tổ chức bộ máy nhà nước…, sđd, tr. 52. Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn, sđd, t. 1, tr. 305.

[122] ANV-KL, 2514, tờ 11; 2518, tờ 3; 2521, tờ 40-41.

[123] DLTY, tr. 54-55.

Ý nghĩa của việc thực tập là thế nào? Các vua rất coi trọng giai đoạn đào tạo này. Vào thế kỷ XV, tên gọi thí quan 試官 để chỉ những người tập sự trong giai đoạn này cho thấy ý muốn thử thách thực sự[124]. Chỉ có thực tập mới giúp cho người tập sự học cách xử lý công việc và đánh giá được khả năng của họ. Bốn thế kỷ sau, triều Nguyễn cũng có mối quan tâm tương tự[125]. Vì vậy các viên hậu bổ phải làm quen “với mọi công việc hành chính”[126]. Thực tập còn được coi như là bước thử thách thực sự đối với quan chức tương lai, như câu thí chính lâm dân 試政臨民 [127] đã nói đến. Các vua luôn khuyến khích theo hướng đó, vì như năm 1826 và 1836, vua đã nhận xét rằng các viên hậu bổ ngồi nhàn rỗi ở tỉnh lỵ, các quan tỉnh có xu hướng giao các chức quyền tri huyện cho các quan nhỏ trong tỉnh (cai án, tri bạ, thông phán, kinh lịch) mà theo nhà vua là không đủ khả năng, đặc biệt là giao cho các viên hậu bổ trẻ tuổi[128]. Minh Mạng đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ bổ nhiệm vào vị trí chính thức của tri phủ hay tri huyện những kẻ thi đỗ không có kinh nghiệm. Ông đã hình dung việc thiếu kinh nghiệm bằng lời lẽ đầy hình tượng.

Thế chả phải là có gấm tốt, mà lại sai người mới học may ư?[129]

[124] Lê Kim Ngân, Tổ chức chính quyền trung ương…, sđd, tr. 159.

[125] Phan Đại Doãn, Một số vấn đề về quan chế triều Nguyễn, (1998), tr. 45.

[126] Dụ năm 1837, DLTY, tr. 54-55, HD, bộ lại, q. 15: tuyên bổ, t. 2, tr. 274-275.

[127] Chữ dùng của Minh Mạng năm 1826. MMCY, q. 4: cầu hiền, tờ 25b.

[128] Như trên, tờ 25a-b, 50b-51a.

[129] Như trên, tờ 25b.

Và dẫn một ví dụ về “Trương Sương nhà Hán làm chức Kinh triệu trong năm ngày (…) thì sao hay vì trẫm mà trị dân được!”[130] Nhà vua ngán ngẩm nhận xét rằng phần lớn các hậu bổ “sẽ có trách nhiệm với dân”, vì sau này họ sẽ được bổ tri phủ hay tri huyện, lại không làm quen với công việc hành chính trong phủ và huyện. Nói cách khác là họ không có việc, các quan tỉnh không sai phái họ đi công cán ở các phủ huyện. Ngoài ra các vua còn vấp phải sự phản đối của các đại thần như Nguyễn Đăng Tuân, tham tri bộ Lễ năm 1826, hay Trương Phúc Cương, án sát Định Tường năm 1834, cho rằng không thận trọng nếu cho các cử nhân trẻ và học sinh Quốc tử giám (giám sinh) đến thực tập ngay tại các tỉnh đường, phủ hay huyện, vì do thiếu kinh nghiệm, họ có thể phạm sai lầm và bị các thư lại lớn tuổi hơn lợi dụng[131]. Vì vậy Nguyễn Đăng Tuân đề nghị chỉ nên cử những người đỗ đạt đi thực tập ở các văn phòng trung ương, và Trương Phúc Cương đề nghị nên ưu tiên cử những quan cũ đỗ cử nhân đã phạm tội hoặc các quan bị đi hiệu lực để chuộc lỗi[132].

[130] Như trên, tờ 50b-51a.

[131] MMCY, q. 4: cầu hiền, tờ 25a-b. TL, kỷ II, q. 133, t. 15, tr. 138-139.

[132] Về việc chuộc tội, xem ở dưới.

Sau khi được bổ, viên quan trẻ còn phải tiếp tục làm quen với công việc hành chính bằng cách đọc các sách hướng dẫn chuyên dụng như Sĩ hoạn châm quy soạn giữa năm 1470 và 1497, hay Sĩ hoạn tu tri do Nguyễn Công Tiệp soạn năm 1822[133]. Những sách gối đầu giường đó chứa những chỉ dẫn rất cụ thể về thuế khóa, đo lường, trị thủy, có thể giúp cho công việc của một tri huyện[134].

[133] Những sách này lưu giữ ở Viện nghiên cứu Hán-Nôm (Hà Nội): Sĩ hoạn châm quy (A. 594), Sĩ hoạn tu tri (A. 216).

[134] Sẽ có ích nếu so sánh với các sách Trung Hoa được Étienne Balazc và gần đây là Pierre-Étienne Will nhấn mạnh tầm quan trọng. Balazs, É. La bureaucratie céleste, (1988), tr. 267-289. Will, P-É., “Ming Quyng shiqi de guanzhenshu yu Zhongguo xing-zheng wenhua”, Qingshi yanjiu, (1999/1), tr. 3-20.

Nhấn mạnh giá trị của việc đào tạo đa dạng đó có đưa đến chỗ che đậy sự xơ cứng không? Việc ý thức sớm về sự xơ cứng của một bộ phận quan lại cao cấp miền Bắc trong nửa cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII sẽ cung cấp những yếu tố đầu tiên cho câu trả lời. Sự giảm sút trình độ sĩ tử đầu triều Lê trung hưng (1533) đã được tố giác. Sự kém cỏi và thiếu suy nghĩ là kết quả của khái niệm hoàn toàn thực dụng trong thi cử: mục tiêu duy nhất của sĩ tử là được làm quan. Nói chung, số người được làm quan rất hạn chế, các sĩ tử chỉ lo học thuộc lòng những bản toát yếu sách Ngũ kinh và Tứ thư và lạm dụng việc trích dẫn. Các bài kinh nghĩa, không có tư tưởng, chỉ giới hạn trong việc viết một câu khai giảng và sao lại những lời tập chú có sẵn. Còn việc thi làm thơ, phú và tứ lục, thì trở thành việc trích dẫn những điển cố và nhắc lại trong cùng một bài viết là chuyện thường xảy ra. Cuối cùng, sự dễ dãi của các chủ đề tạo điều kiện cho việc làm gian lận vì các thí sinh giỏi, sau khi nhanh chóng làm xong bài, đã viết hộ cho những kẻ yếu kém[135]. Noi theo Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn phê phán tính hình thức của một số cuộc khảo hạch và cho rằng một cuộc thi dựa trên sự nắm vững kỹ thuật hoàn toàn hình thức không thể cho ta tìm được người tài[136].

[135] Tấu của Ngô Thì Sĩ gửi lên Trịnh Sâm. HC, khoa mục chí, t. 2, tr. 171-172. CM, chb. XXXIII, 9-10, XXXIV, 31. Yu, Insun, Law and Society in 17th and 18th Century Vietnam, (1990), tr. 131.

[136] KVTL, q. 2: thể lệ thượng, trong Lê Quý Đôn…, sđd, t. 2, tr. 93-96.

Vì vậy mà các cuộc thi được cải cách từ năm 1693 dựa theo mô hình được áp dụng dưới thời Hồng Đức (1470-1497). Các sĩ tử phải phát huy tư tưởng trong bài kinh nghĩa và trong các bài tứ lục, phải dùng dẫn chứng của lịch sử cổ đại cho đến những vấn đề thời sự. Việc làm thơ cũng đòi hỏi kiến thức rộng hơn[137]. Nếu muốn đánh giá tầm vóc của quyết định đó, cần phải nhắc lại một phong trào rộng lớn nhằm cải cách Khổng giáo Việt Nam được khẳng định vào giữa thế kỷ XVII đến cuối thể kỷ XVIII. Chúa Trịnh Căn, để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội đã phải nghe theo một nhóm sĩ phu và quan chức, đặc biệt là Vũ Công Đạo và học trò là Vũ Thạnh. Khác với các sư biểu cùng thời, cách dạy của Vũ Thạnh có một mục tiêu riêng biệt: đào tạo những người làm quan thực sự. Trường học của ông ở Thăng Long, mà theo lời Bùi Huy Bích và Phạm Đình Hổ là nổi tiếng nhất, là cái lò sản xuất ra quan. Chủ trương kiến thức đa dạng, ông đã hướng việc dạy theo con đường thực học. Nguyễn Tông Quai, học trò của Vũ Thạnh, đã tiếp nối con đường đó và cách dạy của ông đã ảnh hưởng sâu đến học trò là Lê Quý Đôn.

[137] HC, khoa mục chí, t. 2, tr. 167; CM, chb, XXXIV, 31.

Phong trào đó gắn liền với trào lưu cải cách của Trung Quốc cuối Minh đầu Thanh do Cố Viêm Vũ, Hoàng Tông Hy và Vương Phu Chi khởi xướng. Nếu khó đánh giá ảnh hưởng trực tiếp của trào lưu đó đối với Vũ Thạnh, người đã từng theo phái bộ sứ giả sang Trung Quốc, nhưng không viết gì về vấn đề đó[138], thì không nghi ngờ gì về Nguyễn Tông Quai, đã từng ở tám năm tại Trung Quốc (1742-1750), rồi Lê Quý Đôn, đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng đó. Triết học, lịch sử, địa dư, văn học, không lĩnh vực nào mà Lê Quý Đôn không quan tâm. Chính trên cơ sở kiến thức rộng rãi, mà ông đã được làm tư nghiệp Quốc tử giám[139]. Hiểu biết rộng của Lê Quý Đôn, đã từng ở Trung Quốc hai năm (1760-1762), tính chất đa dạng của các công trình gần gũi với phong trào giải phóng tư tưởng Trung Hoa. Đặc điểm của phong trào đó là chống bảo thủ, chống vương quyền, chống giáo điều lịch sử và phát huy tìm tòi khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau - toán học, sinh vật học, từ nguyên học, ngữ âm học. Đóng góp của ông trong suy nghĩ về giáo dục, tuy không hoàn toàn mới, vẫn đáng được nhắc lại[140]. Cố Viêm Vũ trong cuốn Shengyuan lun (Luận về sinh viên) và Hoàng Tông Hy trong Xuexiao (Luận về học đường) đã lên án những quy tắc hình thức về cấu trúc các bài luận theo văn bát cổ tuân theo một mô hình bất biến. Các thí sinh, bị gò bó trong khuôn mẫu đó và không có hiểu biết thực hành, theo các nhà tư tưởng đó là bất cập đối với công việc hành chính. Ngoài ra, họ còn nghĩ rằng kiến thức không phải là một vật đổi chác thuần túy chỉ dành cho những người ưu tú. Vì vậy Hoàng Tông Hy đã đề nghị đưa vào chương trình thi cử việc nghiên cứu những vấn đề hiện tại, lịch sử các triều đại, và triết học ngoài Khổng giáo (kể cả Lão tử và Trang tử). Ông nghĩ rằng thí sinh phải đưa ra suy luận cá nhân về các văn bản dựa trên mọi lời luận bàn kinh điển. Không nên coi thi cử là công cụ duy nhất để tuyển dụng vì các khả năng hành chính cũng cần phải được đánh giá. Ngoài công cuộc cải cách ra, họ còn đề nghị hai biện pháp động chạm ngay đến cơ sở của hệ thống trường học: quyền bãi khóa của học sinh, giáo dục công cộng cho mọi người[141].

[138] Nguyễn Kim Sơn, “Năm thế hệ thầy trò nổi tiếng trong lịch sử nho học”, trong Phan Đại Doãn (chủ biên), Một số vấn đề về nho giáo Việt Nam, (1998), tr. 249-255, 259-263.

[139] Maurice Durand đã nhấn mạnh đóng góp của ông trong cải cách dưới thời chúa Trịnh. Durand, M. L’Univers des Truyện Nôm, (1998), tr. 238-240.

[140] Như vậy cuộc tranh luận về sự trì trệ của thi cử để định nghĩa tính chất của một quan chức tốt, đã được hình thành ngay từ thế kỷ XI ở Trung Quốc.

[141] Balazs, É., La bureaucratie céleste, sđd, tr. 222-225, 243-253. Xem thêm: Elman, B. A., From Philosophy to Philology: Intellectual and Social Aspects of Change in Late Imperial China, (1990). Durand, P.-H., Lettrés et pouvoirs: un procès littéraire dans la Chine impériale, (1992).

Dưới triều Nguyễn, vua và một số đình thần tiếp tục phê phán việc học bằng những từ gần gũi với những nhà cải cách giai đoạn trước. Các thí sinh có một khái niệm hoàn toàn không thích hợp với thi cử, như Trương Quốc Dụng (1797-1864) đã nhận xét. Trong một bản tấu riêng gửi lên vua năm 1848, ông nhắc lại phần lớn các thí sinh đều hời hợt và chỉ học để cốt thi đỗ[142]. Xu thế đó cũng được các thầy giáo khẳng định, bản thân họ cũng phân phát những bài tập bắt buộc để giải thích kinh nghĩa trong các khoa thi hương. Thiếu tìm tòi và suy nghĩ cá nhân là kết quả của một quan niệm như vậy cũng bị lên án[143]. Dù sao thì không phải chỉ có sự lười biếng của thí sinh gây nên: việc sách vở thiếu hiếm cũng buộc học sinh phải sao chép và học thuộc lòng[144]. Sự phê phán chương trình không cập nhật cũng không kém phần gay gắt. Giáo điều, nặng về đạo lý, ngăn cách giữa kiến thức và thực hành, những cái yếu của giáo dục đã được ghi nhận rõ ràng[145].

[142] TL, kỷ IV, q. 1, t. 27, tr. 62.

[143] Năm 1848, Trương Quốc Dụng khẳng định rằng học sinh coi việc nghiên cứu sâu Ngũ kinh, Luận ngữ và Mạnh tử là “vô dụng”. Ông còn nêu lên bằng chứng về thiếu suy nghĩ cá nhân trong việc “góp lặt những chữ có vẻ bí hiểm (tịch tự) không ai hiểu mối manh gì cả”. Bảy năm sau, Tự Đức cũng nhận xét là học sinh chỉ đọc những sách toát yếu không đầy đủ để đi thi. Trương Quốc Dụng, Thối thực ký văn, (1944), tr. 101.

[144] Như Minh Mạng đã nói năm 1832, sách vở hiếm hoi khiến cho học sinh phải sao chép vô cùng tận và học thuộc lòng hơn là đọc một cách thông minh.

[145] Mùa xuân 1880 vua còn nói rằng “Các khoa gần đây, học trò làm bài phần nhiều không xứng đầu bài, học đời xưa đã không nhớ rộng, bàn đời nay chỉ theo lời bàn cũ (…)”. TL, kỷ IV, q. 63, t. 34, tr. 342. Xem thêm bài văn thi đình của Đặng Xuân Bảng năm 1856. Đặng Xuân Bảng, Tiên nghiệm hội đình thi văn, dịch một phần của Hoàng Văn Lâu trong Khảo sát văn bản…, sđd, tr. 13.

Tuy nhiên, biên niên sử cũng hé cho ta thấy những ý đồ cải cách? Do vậy mà đã xuất hiện sự cần thiết phải nói lên khả năng cai trị bằng kiến thức sách vở. Nguyễn Trường Tộ tuyên bố mạnh dạn cần phải kết hợp thi cử với nhu cầu xã hội. Để thuyết phục vua và Triều đình, ông chứng minh rằng Trung Quốc cổ đại rất chú trọng đến kiến thức kỹ thuật và đã nâng các nhà phát minh lên hàng ngũ thánh nhân: Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế. Ông chứng minh rằng từ đời Tống Minh lại chuyên về văn học hơn khoa học và kỹ thuật, làm thế nước yếu kém để đến phải mất cho Nguyên Thanh[146]. Tác giả đề nghị thành lập bốn loại khảo duyệt mới. Loại thứ nhất là khoa hải lợi: những người biết làm muối theo cách thức mới, tìm ra các phương pháp chài lưới ghe thuyền để đánh cá, nuôi cá, ướp cá (…) Loại thứ hai là khoa sơn lợi: tìm khoáng sản mới, nghĩ ra phương pháp dò tìm mới, phương pháp luyện kim mới, nghĩ ra cách hay để săn bắt tê giác, voi, để tìm của quý, để lấy gỗ rừng. Một loại thứ ba là khoa địa lợi, nghĩ ra phương pháp hay để trồng dâu, đay, lúa, đậu. Một loại cuối cùng là khoa thủy lợi, tìm phương pháp mới về đào kênh, đắp đập, giữ nước phòng hạn, tiêu nước chống úng, dẫn nước từ xa về tưới ruộng, tìm được mạch nước sâu để lấy nước uống[147].

[146] Ở đây Nguyễn Trường Tộ lấy lại cách đánh giá rập khuôn về sự suy thoái của thực học ở Trung Quốc. Thực ra cần phải phân biệt những thời đoạn khác nhau trong cùng một triều đại: thời Tống và thời Nguyên, mối quan tâm đến thực học và việc làm chủ cải tiến kỹ thuật phát triển cùng với những biện pháp hạn chế sự phát triển của đầu óc duy lý nếu không nói là khoa học (cầm tàng trữ sách thiên văn, nghệ thuật quân sự, bói toán, và thực hành những khoa đó trong dân chúng; cấm một số kỹ thuật luyện kim coi như là có nguy hại). Xem Guo Zhengzhong, Lamouroux, Ch. “Scienza e contesto sociale”, trongStoria della scienza, t. 2, Cina, India, Americhe, Roma, Enciclopedia Italia, 2001, tr. 297-305.

[147] Nguyễn Trường Tộ, “Về việc học thực dụng” (1-9-1866), trong Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ…, sđd, tr. 192-194.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3