Việt Sử Giai Thoại (Tập 1) - Chương 35 - 36

35 - CHUYỆN LÊ HOÀN LÊN NGÔI HOÀNG ĐẾ

Lê Hoàn sinh năm Tân Sửu (941) tại làng Trung Lập, Châu Ái (nay làng này thuộc Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), mất năm Ất Tị (1005), thọ sáu mươi tư tuổi. Thuở nhỏ, vì gia đình nghèo, Lê Hoàn đi ở và làm con nuôi. Sau, Lê Hoàn theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp loạn mười hai sứ quân. Nhờ có tài, lại được Đinh Bộ Lĩnh yêu, ông thăng tiến rất nhanh. Dưới triều Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn giữ chức Thập đạo Tướng quân, tức là chức võ quan cao nhất lúc bấy giờ.

Năm 979, khi Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giết hại, con thứ của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn được đưa lên nối ngôi, Lê Hoàn là Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính. Các quan trong triều như Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn sẽ làm việc mờ ám, bèn dấy binh để đánh, nhưng rốt cuộc lại bị Lê Hoàn đánh bại và giết chết. Từ đó, uy danh của Lê Hoàn ngày một lớn hơn. Tuy nhiên, khi nội loạn vừa dẹp yên thì ngoại xâm lại tràn tới. Nghe theo lời tâu của Hầu Nhân Bảo, nhà Tống xua quân đến xâm lược nước ta. Triều đình đương thời đứng trước một thực tế rất khó xử, rằng ai sẽ là người đủ uy tín và đủ năng lực để điều khiển vận mệnh quốc gia? Tháng bảy năm Canh Thân (980), một sự kiện lớn đã diễn ra tại kinh đô Hoa Lư. Sự kiện này được sáchKhâm định Việt sử thông giám cương mục(chính biên, quyển 1, tờ 13) chép lại như sau:

“Quan giữ đất Lạng Châu (vùng Lạng Sơn và Quảng Ninh ngày nay) đem việc đó (chỉ việc quân Tống tràn sang xâm lược nước ta) tâu lên, Dương Thái hậu bèn sai Lê Hoàn tuyển lựa dũng sĩ để chống lại. (Triều đình) cho Phạm Cự Lượng (em của Phạm Hạp, người Nam Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương) làm Đại tướng, được quyền bày mưu tính kế đánh giặc. (Phạm) Cự Lượng cùng các tướng, mặc nguyên quân phục, vào thẳng nội điện, nói thẳng với mọi người rằng:

- Thưởng người có công, trị người phạm tội, ấy là phép dùng binh. Nay, chúa thượng thì thơ ấu, dẫu bọn ta có liều chết mà đánh rồi may lập được chút công lao, thì ai sẽ là người biết cho? Vậy thì chi bằng trước hãy tôn ngay quan Thập đạo Tướng quân (tức Lê Hoàn) lên ngôi Thiên Tử rồi sau đó mới xuất quân.

Quân sĩ nghe vậy thì đều tung hô “vạn tuế”. Dương Thái hậu cũng một lòng mến phục, liền sai lấy tấm Long cổn khoác lên người Lê Hoàn, rồi cũng chính Dương Thái hậu khuyên Lê Hoàn lên ngôi. Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là (Thiên Phúc), giáng Hoàng đế là Đinh Toàn xuống làm Vệ Vương như cũ”.

Lời bàn:Đinh Tiên Hoàng mất, vua nối ngôi là Đinh Toàn chỉ mới được sáu tuổi, Lê Hoàn làm Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính, ấy là vì sự thể lúc đó buộc phải làm như vậy. Sau, vận nước lâm nguy, xã tắc không thể phó thác cho Đinh Toàn bé nhỏ, chư tướng cùng Dương Thái hậu tôn Lê Hoàn lên ngôi, và Lê Hoàn đã vui nhận ý tôn lập đó, ấy cũng bởi sự thể lúc bấy giờ buộc phải làm như vậy đó thôi.

Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quang mà cực kì khó khăn, đó là chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ và thái bình cho xã tắc, kính thay!

Cũng là anh em ruột thịtmột nhà nhưng nếp nghĩ của Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng mới khác nhau làm sao. Ai dám bảo rằng Phạm Hạp bất tài và bất trung? Nhưng, chút suy nghĩ nông cạn đã đẩy Phạm Hạp vào ngõ cụt đầy bi kịch. Mới hay, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cao thượng với thấp hèn, giữa anh hùng với phản nghịch, tất cả, đôi khi chỉ xuất phát từ một phút suy nghĩ nông cạn và rất điên rồ đó thôi.

Trách Phạm Cự Lượng và chư tướng sao chỉ nghĩ đến việc cần người ghi nhận công lao cho mình ư? Rằng đúng thì kể cũng có phần đúng, nhưng nếu cứ lấy đạo đức ngày nay làm chuẩn để xét đoán, thì lịch sử sẽ chẳng còn là lịch sử nữa. Có phải cái đúng bao giờ cũng đúng hết với mọi thời đâu. Ngẫm mà xem!

36 - LÊ HOÀN TIẾP SỨ GIẢ
NHÀ TỐNG NHƯ THẾ NÀO?

Cũng
như bao vị Hoàng đế khác của nước ta, Lê Hoàn coi nhà Tống là Thiên triều, vua
Tống là Thiên tử, còn mình thì chịu sự tấn phong dần dần từ thấp lên cao. Theo
lễ, vua chư hầu phải tổ chức đón tiếp sứ giả Thiên triều một cách thật trọng
thể. Với những sứ giả mang sắc phong của Thiên tử đến thì lễ đón tiếp phải càng
trọng thể hơn. Nhưng, chuyện Lê Hoàn tiếp sứ giả của Thiên triều thì khác hẳn.
SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 1) có mấy đoạn ghi
chép về việc này.

Đoạn
thứ nhất (tờ 19-b), chép chuyện Lê Hoàn tiếp phái bộ sứ giả nhà Tống do Tống
Cảo cầm đầu. Phái bộ này đến nước ta vào năm Canh Dần (990):

“Nhà
Tống sai quan giữ chức Tả Chính Ngôn là Tống Cảo, quan giữ chức Hữu Chính Ngôn
là Vương Thế Tắc, mang tờ chế sắc sang phong thêm cho Nhà vua hai chữđặc
tiến.
Vua sai bọn Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem chín chiếc
thuyền đến tận Thái Bình (đất này nay thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc) để
dẫn sứ giả theo đường biển mà vào. Nửa tháng sau thì (sứ giả) đến sông Bạch
Đằng rồi cứ thế, theo thủy triều mà đi. Mùa thu, tháng chín, sứ giả đến trạm Nại
Chinh ở Trường Châu (thuộc Ninh Bình). Nhà vua ra ngoài thành để tiếp. (Khi
tiếp thì) bày các thứ chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa, cùng đi với sứ giả.
Đến cửa Minh Đức (tên một cửa trong kinh thành Hoa Lư), Nhà vua để chiếu thư
lên trên điện chứ không chịu lạy, nói dối rằng, năm ngoái đi đánh giặc man, ngã
ngựa nên đau chân. (Tống) Cảo và (Vương) Thế Tắc tin ngay là thực. Sau đó, Vua
bày yến tiệc để thiết đãi sứ giả và nói với (Tống) Cảo rằng:

-
Từ nay trở đi, hễ có quốc thư thì chỉ nên giao nhận ở biên giới, không phiền sứ
giả phải đến tận đây nữa.

(Tống)
Cảo về tâu lại. Vua Tống bằng lòng”.

Đoạn
thứ hai (tờ 22-b) chép chuyện Lê Hoàn tiếp phái bộ sứ giả của nhà Tống do Lý
Nhược Chuyết cầm đầu, đến nước ta vào năm Bính Thân (996):

“Vua
nhà Tống sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho Vua. Khi
(Lý) Nhược Chuyết đến, Vua cũng ra tận phía ngoài thành để đón nhưng lại tỏ cho
sứ giả thấy mình cao quý khác thường, ngạo mạn không chịu làm lễ. (Nhân vì Lý
Nhược Chuyết có ý phiền, rằng sao Nhà vua lại nỡ để cho quân lính tràn sang
cướp phá châu Như Hồng của nhà Tống). Vua nói:

-
Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn cướp biển ở ngoài cõi, Hoàng đế hẳn biết là
không phải quân của Giao Châu (chỉ quân ta). Nếu như Giao Châu mà làm phản thì
trước hết sẽ cho quân đánh vào Phiên Ngung, sau đó đánh thẳng vào Mân Việt, há
có phải là dừng lại ở trấn Như Hồng mà thôi đâu”.

Lời bàn:Lần thứ nhất, Lê Hoàn
vừa đón sứ giả lại vừa bày các thứ chiến cụ để... hù dọa sứ giả. Sứ giả sợ cũng
chí phải, bởi vì nhà Tống đem binh hùng tướng mạnh sang mà còn bị Lê Hoàn đánh
cho tơi bời, huống chi là lúc này, sứ giả chỉ là hai viên quan văn yếu ớt. Làm
sứ giả của nước bại trận, kể cũng khốn khổ thay. Cho nên, vừa nghe Lê Hoàn nói
dối là đau chân vì bị ngã ngựa từ… năm ngoái, sứ giả đã vội tin ngay, không dám
bắt lỗi việc Lê Hoàn không thèm lạy chiếu thư của Thiên tử. Lê Hoàn bảo rằng từ
đây, hễ có quốc thư thì chỉ cần giao nhận ở biên giới là đủ, không phải vào
kinh đô làm gì, ấy thế mà Tống Cảo phải nghe, vua Tống cũng phải nghe. Hóa ra,
làm vua của nước bại trận còn nhục nhã cam phận, huống chi là sứ giả cỡ như
Tống Cảo kia!

Lần
thứ hai, thái độ ngạo nghễ của Lê Hoàn, đủ tỏ cho sứ giả lẫn Thiên triều thấy
rằng, Lê Hoàn chẳng coi Thiên tử ra gì. Sử chép lời Lê Hoàn, ấy là tỏ cho muôn
đời biết rằng, khí phách Lê Hoàn là khí phách chung của con Hồng cháu Lạc, kẻ
nào muốn dòm ngó nước ta thì hãy đọc kĩ lời này.

Bấy
giờ, đất ta chưa rộng, người ta chưa đông, sức ta chưa thật mạnh, nhưng Lê Hoàn
vẫn nghiêm giữ quốc thể. Tờ sắc phong tước vị và báu vật mà Thiên triều ban
không hề làm cho Lê Hoàn chịu khom lưng. Ôi, phải chi ai ai cũng giữ được nhân
cách trước mọi cám dỗ của người ngoài!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3