Trưởng lớp Bí Thư - Chương 2
Tôi đâu biết rằng trước đó
không lâu, vào một buổi tối đẹp trời, trong khi tôi còn đang xem bản tin thời sự,
ăn cơm tối với gia đình thì Minh Hoàng đã mò sang nhà Chí Hiếu thông báo cái
tin tức nóng hổi ấy.
-
Tao quyết định bỏ chuyên
Sinh rồi. - Minh Hoàng ngồi trên xích đu nhà Chí Hiếu lớn tiếng nói, chân khẽ đung
đưa xích đu, mắt nhìn lên bầu trời đầy sao.
-
Ủa, sao dị? - Chí Hiếu cũng
ngạc nhiên, quay đầu sang nhìn mặt thằng bạn.
-
Mày với Kim học Lý Tự Trọng
hết chẳng lẽ mình tao học Lê Quý Đôn. - Hoàng đưa hai tay ra sau gáy, thoải mái
tựa đầu vào tay ngắm sao.
-
Tao thấy, nếu mà nhỏ Kim đậu
chuyên Văn chắc mày không bỏ chuyên Sinh. - Chí Hiếu tiếp tục đưa mạnh xích đu.
Minh Hoàng im lặng, khóe miệng
khẽ nhếch lên cười.
-
Mày thích nó thì nói đại cho
rồi, còn bày đặt giấu làm gì, tao là tao nói trước, cấp ba là một rừng con
trai, mấy nhỏ con gái mặc áo dài nhìn nữ tính ra, lúc đó mày không nói, nhỏ Kim
quen thằng khác, mất ráng chịu. - Chí Hiếu nhìn thằng bạn cười rất chi là đểu.
-
Bởi thế nên tao đâu có học
chuyên Sinh, mà mày biết đó, Ngọc Kim muốn có thời cấp ba đáng nhớ, làm sao mà
thiếu tao trong năm tháng đó được. - Minh Hoàng nở nụ cười tự tin.
-
Hai đứa mày thật quái hết biết!
Rồi mày học lớp nào?
-
Chung lớp với Ngọc Kim, cạnh
lớp mày. - Hoàng lơ đễnh trả lời.
-
Tao tưởng mấy đứa như mày phải
vào lớp chọn chớ? - Hiếu nhíu mày suy nghĩ.
-
Tao nói ba nhờ người quen xếp
vào chung lớp đó, không thể lơ là được. - Minh Hoàng nhắm mắt, môi vẫn cười.
Chí Hiếu không nói gì, khẽ lắc
đầu cười chịu thua với cách của thằng bạn, để xem hai đứa bạn từ thời còn “cuổng
trời” tắm mưa sẽ như thế nào trong những tháng ngày cấp ba sắp tới, thật là rất
chờ mong những điều thú vị.
Rồi cái ngày khai giảng năm
học mới cũng tới, ngày 5 tháng 9.
Ánh nắng mặt trời chói chang
phủ khắp các con đường trong thành phố, vị mặn của biển được gió đưa đi trong
không khí khiến tụi học sinh hít đầy lồng ngực.
Tháng chín, ngày trời trong
xanh, tụi học sinh khối mười lòng vui như tết đến, hồi hộp tiến vào cánh cổng
trường Lý Tự Trọng.
Sau mấy lần ngắm nghía mình
trong gương lúc thử áo khi vừa may xong, hôm nay tôi chính thức diện áo dài ra đường
đón năm học mới. Tôi rời khỏi nhà với gương mặt rạng rỡ, nụ cười hãnh diện vì
trước ngực tôi đeo thẻ bảng tên bằng giấy có một không hai, chỉ cần nhìn thấy
áo trắng mang bảng tên như thế ra đường mọi người ai cũng biết tôi là học sinh
Lý Tự Trọng. Hơn nữa tôi đang rất nhẹ nhàng với tất cả cử chỉ hành động của
mình vì hôm nay tôi đang mặc trên người chiếc áo dài mới hoàn toàn lạ lẫm với một
cô nhóc mười sáu tuổi gần tròn như tôi. Chiếc cổ áo cao khiến tôi luôn ngẩng
cao đầu, vai áo bó khiến tôi không dám đưa tay lên cao, tay áo dài khiến tôi thấy
hơi vướng víu, ống quần rộng khiến tôi phải cẩn thận khi bước đi không sẽ dẫm
lên vấp ngã, cuối cùng chính là hàng nút áo, tôi cảm giác chỉ cần tôi sơ ý nó sẽ
bức ra, bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao người ta lại dùng từ “e ấp trong tà áo
dài”.
Sân trường hôm nay toàn người
là người, quy tụ đầy đủ ba khối nên tôi bắt đầu hoa mắt với việc tìm kiếm chỗ
ngồi của lớp. Lúc học cấp hai, những ngày lễ như thế này mỗi lớp sẽ có một cái
bảng tên bằng sắt sơn màu xanh để phía trước, lên cấp ba cái bảng tên ấy hoàn
toàn biến mất. Tôi đi một vòng từ khu nhà hai tầng tới nhà đa năng, mắt dán vào
một rừng áo trắng tìm kiếm vẫn chưa phát hiện ra nơi tọa lạc của lớp mình. Cuối
cùng, tôi quyết định bước lên phía trước, tìm từ hàng trên cùng, có lẽ lúc này
tôi hơi nổi vì trái ngược với phía dưới nhốn nháo kia, phía trên này chỉ có
mình tôi mặc áo dài trắng đi long nhong trong khi các thầy cô đang bắt đầu ngồi
xuống ghế hai bên sân khấu chuẩn bị làm lễ. Người vẫy tay cứu tôi khỏi tình cảnh
nổi bật trước bao nhiêu anh chị bạn bè đang hướng mắt nhìn tôi lơ ngơ đi lại
phía trước sân khấu chính là nhỏ Ngọc Mai. Thấy tôi, nhỏ vẫy tay rối rít, tôi
nhanh chóng chạy lại, thì ra khối mười chúng tôi được xếp ngồi giữa hai khối, được
chia đôi chừa một khoảng đường đi thật rộng tới phía trước khán đài.
Tôi được nhỏ Ngọc Mai lấy
cho cái ghế nhựa màu đỏ, đây chính là điểm khác biệt của trường cấp ba, khi
chào cờ chúng tôi sẽ được ngồi ghế nhựa nhỏ thay vì ngồi bệt dưới đất như hồi cấp
hai. Hồi cấp hai, mỗi lần ngồi bệt tụi tôi toàn phải lót giấy vở thế nên sau mỗi
giờ chào cờ, sân trường xuất hiện mấy tờ giấy bay bay, hết giờ chào cờ lúc nào
tụi tôi cũng được thầy tổng phụ trách nhắc nhở mang giấy bỏ thùng rác.
Giờ làm lễ bắt đầu, toàn trường
chúng tôi đứng dậy hát quốc ca, không khí thật trang nghiêm khiến tim tôi đập
thình thịch trong lồng ngực, hân hoan như tết đến. Mỗi lần hát vang Tiến Quân
Ca, tôi lại có cảm giác như mình đang sống trong những ngày sục sôi ý chí chiến
đấu chống giặc ngoại xâm, như thể mình đang sắp đi thanh niên xung phong vậy.
Bây giờ thì tôi đã biết tại sao khối mười lại ngồi chia làm đôi chừa một khoảng
đường đi thật rộng, chính là để đoàn diễu hành tiến vào. Đi đầu là tám bạn gái
mặc áo dài trắng xinh xắn với tám chùm bóng bay thật to trên tay, tiếp đến là
cái trống trường được hai bạn nam đẩy vào trên chiếc xe đẩy nhỏ. Trống trường được
đẩy tới gần sân khấu, thầy Hiệu trưởng đánh một hồi trống tùng tùng tùng tùng
báo hiệu năm học mới chính thức bắt đầu, một loạt bóng bay được thả lên, tụi học
sinh chúng tôi đều hướng mắt theo những chùm bóng bay ấy, cũng hi vọng năm học
mới nhiều niềm vui như những chùm bóng bay đủ màu sắc đang điểm nổi trên nền trời
trong xanh.
Lễ khai giảng kết thúc, tôi đứng
trước cổng trường, nhìn đồng hồ của quán Photocopy, mới có chín giờ rưỡi mà tôi
hẹn với má mười một giờ tới đón. Tôi ngóng từng bạn học sinh một đang dắt xe đạp
ra khỏi cổng trường, hi vọng là Chí Hiếu hoặc Minh Hoàng sẽ không chở ai để tôi
quá giang về nhà. Ngọc Mai cùng Thùy Trâm đã đi bộ về nhà Ngọc Mai gần trường,
còn nhà tôi thì cách trường tới tám cây số. Từ bữa đi nhận lớp tới bây giờ tôi
vẫn chưa nói chuyện với Minh Hoàng, nên thấy hai thằng bạn thân nối khố của tôi
cùng nhau dắt xe ra khỏi cổng tôi mừng như bắt được vàng tiến lại chặn xe Chí
Hiếu.
-
Hiếu! Cho tui quá giang về
nhà với.
Chí Hiếu nhìn tôi, rồi lại
nhìn sang Minh Hoàng, nở nụ cười nhếch nhếch khóe môi nói:
-
Bà ngồi xe thằng Hoàng đi,
bánh xe của tui mềm rồi, sáng chưa có bơm.
Tôi đưa mắt nhìn sang Minh
Hoàng, hắn chẳng nói câu nào, lặng lẽ leo lên yên xe ngồi, cái tướng cao cao ốm
ốm cộng thêm khuôn mặt khó chịu y như tôi nợ tiền hắn khiến tôi ngần ngừ không
muốn trèo lên.
-
Bà có tính đi về không hay đứng
đó chờ cô Trang qua đón? - Minh Hoàng quay đầu lại nhìn tôi.
-
Thì về! - Tôi trề môi trèo
lên xe.
Chí Hiếu nhìn tôi với Minh
Hoàng cười hì hì, rồi cũng lên xe đạp đi. Hai chiếc xe đạp martin @ màu đen của
Chí Hiếu và màu bạc của Minh Hoàng lướt đi trong gió. Tôi ngồi hai bên chớ chả
dám địu đà ngồi một bên, lỡ tôi nói gì không vừa ý Minh Hoàng thắng gấp thể nào
tôi cũng té nhào. Hai tay tôi lo giữ tà áo dài đề phòng dính vào bánh xe thì đi
tong cái áo dài má mới may cho tôi. Chúng tôi dừng lại ngay ngã tư Lý Tự Trọng
và Quang Trung chờ đèn xanh đỏ, tôi lấy một tay che đầu, trời nắng quá. Bỗng
nhiên, một cái mũ lưỡi trai màu xám được chụp lên đầu, tôi vội đưa tay giữ lấy
cái mũ, đưa mắt ngước nhìn Minh Hoàng, khóe môi hắn ta khẽ nhếch, rồi mở miệng
nói với tôi:
-
Đội đi, không lại đen da xấu
òm ai thèm nhìn!
Tôi trợn mắt nhìn hắn, tức
thật! Tôi biết mình không xinh, nhưng lẽ nào mười mấy năm trời bạn bè, hắn dám
chê tôi thẳng thừng như thế. Tôi càng trừng mắt nhìn chỉ thấy hắn khẽ nheo mắt
lại, ánh lên ý cười.
Đèn đã chuyển xanh, hai chiếc
xe đạp lại song song với nhau, tôi cố ý không thèm nói chuyện với Minh Hoàng,
quay sang bắt chuyện với Chí Hiếu.
-
Ngọc Nhi cũng học chung lớp
với Hiếu hả?
-
Ờ! - Chí Hiếu gật đầu trả lời
tôi.
-
Nhỏ đó theo ông từ hồi học
thêm toán nhà cô Thủy năm lớp tám tới giờ, dị ông tính sao?
Chí Hiếu chẳng trả lời tôi
mà cứ quay sang nhìn tôi rồi lại nhìn Minh Hoàng, mím môi cười. Tôi nhíu mày,
quan sát thái độ của Chí Hiếu thật kỹ, không biết trong cái đầu chứa toàn kiến
thức khối tự nhiên của thằng bạn thân nối khố lại nghĩ cái gì đen tối hay sao
mà cứ cười hoài, mà nụ cười rất nham nhở.
Tôi lắc đầu thở dài, chắc trời
nắng quá riết hai thằng bạn cũng lên cơn.
Lúc lên cầu Bóng, tôi chợt
nhớ ra, hôm nay lớp Chí Hiếu quá nổi. Nói là lớp Chí Hiếu không thì cũng hơi
quá một xíu nhưng đa phần những học sinh bước xuống từ xe ô tô với xe tay ga đời
mới bự tổ chảng được bố mẹ đưa đến trường ngày khai giảng như thế thì không còn
gì để nói về độ giàu có của lớp A8. Tôi thầm tặc lưỡi đã là học sinh lớp chọn lại
giàu có, còn học trường điểm thì năm nay thành đề tài bàn tán cho cả trường rồi.
Tối hôm đó, sau khi ăn cơm
xong, tôi leo cầu thang lên phòng mình. Đứng ngay bàn học, nhìn chồng sách vở mới
tinh, khóe môi tôi khẽ nhếch cười. Đưa tay sờ từng cuốn sách mới tinh còn thơm
mùi giấy, nhìn những cuốn sách Đại Số, Hình Học, Bài Tập Đại Số, Hóa Học, Vật
Lý,… vuốt những cuốn vở bìa hoa tím được tôi tỉ mỉ lựa chọn trong một rừng giấy
bao vở ở hiệu sách. Sau đó kì công ngồi bao bọc từ nhựa đến bấm kim, tôi nhắm mắt
tưởng tượng ngày mai sẽ đặt bút viết lên trang đầu tiên, ôi ôi! Tôi thành người
lớn thật rồi. Tôi mở hộp bút hình con chó màu xanh của mình, bỏ vào đó cây viết
bi Thiên Long màu đỏ này, màu xanh này, bút chì này, cục gôm này, thước nhựa
này, hộp ngòi chì này, cây bút xóa này. Thế là hộp bút con chó trở nên mập ú ù.
Tôi nhìn thời khóa biểu, lấy ra năm cuốn sách cho ngày mai, rồi lại tiếp tục lấy
tiếp năm cuốn vở mới, không quên bỏ thêm cuốn vở nháp vào cặp, chà chà, mới có
nhiêu đó mà cái cặp đeo chéo quai của tôi đã căng phồng.
Nằm trên giường mở mắt thao
láo nhìn trần nhà, tôi nở nụ cười chìm vào giấc ngủ mong ngày mai mau tới.
Tít Tít Tít Tít Tít Tít - Tiếng
chuông đồng hồ báo thức gọi tôi dậy lúc năm giờ sáng. Ngoài trời, những vệt đỏ
rực đã nhuốm một góc trời xanh đen, một vài vệt mây tối màu còn hiện trên nền
trời chưa sáng rõ, một hai ngôi sao còn le lói ánh sáng muộn, tôi vươn vai chào
ngày mới. Mở cửa sổ phòng, gió núi thổi vào không khí lạnh còn ẩm hơi sương khiến
tôi hơi so vai. Tôi lúc lắc cái đầu, bẻ khớp tay chân, khởi động tập thể dục buổi
sáng trong tiếng loa phát thanh của đài tiếng nói Việt Nam.
Sáu giờ kém hai mươi, mặt trời
đã lên cao hơn, vài tia nắng đã vượt lên khỏi dãy núi Cô Tiên tỏa sáng vào
phòng, tôi ngừng tập thể dục, mở tủ lấy áo dài, phi thẳng vào nhà vệ sinh. Đúng
sáu giờ, tôi chỉnh chu đứng trước gương: mũ lưỡi trai rằng ri, tóc cột đuôi ngựa
gọn gàng, một nút cổ áo trên cùng bị tôi cố tình không gài cho dễ thở, vai đeo
cặp chéo, bảng tên màu trắng nổi bật trên nền nhựa xanh bên trong là gương mặt
rất ngầu đời của tôi trên hình thẻ, tay áo dài đã xắn lên tới khuỷu, giày
sandal quai hậu đế bằng, mỉm cười, tôi ung dung bước xuống nhà.
Nha Trang là thành phố biển
nhỏ vì thế người dân nơi đây có thói quen đi ngủ sớm thức dậy sớm. Gia đình tôi
có thói quen ăn sáng cùng nhau rồi má sẽ chở tôi đi học, ba tôi sẽ lên cơ quan
làm việc và chị tôi sẽ đến trường đại học duy nhất của thành phố để học, lúc bấy
giờ trường ấy vẫn chưa đổi tên thành Đại học Nha Trang.
Sáu giờ hai mươi, tôi ngồi
sau xe má chở đến trường. Đoạn đường từ nhà tôi tới trường mất mười lăm phút xe
máy, chạy dọc theo đường biển từ vòng xoay trường Sỹ Quan Thông Tin, tôi ngắm
nhìn biển sáng. Mặt trời đã nhô cao, ánh nắng khiến da tôi nóng lên, mắt tôi phải
nheo lại để nhìn những đầu người lô nhô dưới làn nước, những con sóng dài một dải
màu trắng chạm vào bờ cát, hàng cây dừa xanh được bao phủ bởi màu tím của hoa
rau muống biển phía dưới chân che lấp nền cát trắng. Một vài góc dừa, có cặp đôi
cô dâu chú rể đang ra sức tạo dáng chụp hình cưới, cây cầu Trần Phú nối hai bờ
thành phố ngay cửa biển, một bên là biển, một bên là sông, nước dưới cầu đổi
thành màu xanh nhẹ. Qua khỏi bưu điện, tôi lại gặp hàng cây bàng, cây dừa tỏa
màu xanh dưới nắng mặt trời nổi trên nền nước biển xanh ngắt, nghe thấy tiếng ồn
ào từng nhóm các bác, các ông lớn tuổi đang ngồi chơi cờ, một vài nhóm người
cao tuổi tập dưỡng sinh trong tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy nghe đài nhỏ. Tự
nhiên tôi thấy ngày hôm nay thật đẹp, biển buổi sớm trong lành, không khí còn
ngai ngái mùi rong đặc trưng của biển, không phải là ngày đầu tiên tôi thấy những
cảnh vật ấy con người ấy, cũng không phải ngày đầu tiên tôi đến trường nhưng với
tôi cảm xúc này thật đặc biệt, bởi lẽ đó là ngày đầu tiên tôi chính thức đi học
với chiếc áo dài trắng tinh khôi, háo hức chờ đón những năm tháng học sinh của
tuổi mười sáu.
Đến gần khúc rẽ vào Lý Tự Trọng,
tôi thấy một tốp học sinh mặc áo dài trắng đạp xe đi học, tà áo dài trắng bay
bay, có bạn thì lót tà áo sau trên yên xe, có bạn thì nhét vào lưng quần cho gọn
gàng vì sợ vướng vào bánh xe, trước giỏ xe là chiếc cặp táp màu đen. Tôi cảm thấy
hâm mộ các bạn nữ ấy, dáng người thon thả, tóc dài thẳng thả bay bay, áo dài trắng,
xe đạp mini, cặp táp màu đen, ôi! Sao mà giống trên báo, trên tivi quá. Tôi
nhìn lại mình, áo dài xắn tay, cặp đeo chéo, ngồi hai bên cho má chở xe máy đến
trường, cuộc sống học sinh của tôi đấy sao.
Có lẽ tôi sẽ còn chìm ngập
trong việc than thân trách phận sao mình không xinh đẹp nếu tôi không vô tình
nhìn thấy trước đoạn ngang qua Lý Tự Trong khúc trên - số 1 đường Lý Tự Trọng,
trường mẫu giáo Lý Tự Trọng, hai chiếc xe đạp đi song song với nhau. Người con
gái trên chiếc xe đạp mini Martin màu đen tóc dài cột đuôi ngựa, đeo mắt kính đen
đang nở nụ cười vui vẻ nói chuyện với anh chàng đẹp trai mặt cũng thoáng thoáng
cười trên chiếc Martin @ bên cạnh. Không ai khác, hai con người ấy chính là Đinh
Ngọc Nhi và Nguyễn Chí Hiếu. Ôi trời ơi! Ai chả biết nhà Chí Hiếu gần nhà tôi,
còn nhỏ Ngọc Nhi kia nhà ở trung tâm thành phố, sao lại đi cùng đường thế này,
chuyện này có mùi gì đó lạ lạ, tôi phải điều tra lại, chắc là phải hội ý với
Minh Hoàng, nhưng mà không được, tôi vẫn đang chiến tranh lạnh với hắn vì dám
can tội bỏ trường chuyên mà không báo với tôi tiếng nào.
Làm sao đây? Làm sao đây?
Tôi còn đang suy nghĩ thì đã tới trường, tôi xuống xe, vẫy tay chào má rồi lò
dò bước vào cổng trường. Đúng là đi học có khác, nguyên một dàn xung kích đứng
ngay trong sân nhỏ, mặt người nào người nấy thiệt là ngầu, ngay cả bác bảo vệ
có cái đầu trọc nhìn cũng rất là ngầu với đôi dép lào màu cam đất dưới chân.
Thì ra “biệt đội” xung kích được
lập nên với nhiệm vụ giữ vững kỉ cương của nhà trường và gia tăng “sẹo” cho các
thần dân chúng tôi. Mỗi lần vi phạm một nội quy nhà trường hoặc được “vinh danh”
trong sổ đầu bài thì chúng tôi sẽ có thêm một gạch thẳng báo hiệu vi phạm trong
bảng tổng kết vi phạm tháng. Những cái học trò chúng tôi thường vi phạm chính
là không mang thẻ bảng tên, bảng tên giả không dấu mộc, không mang giày hoặc
không có quai hậu, không mặc quần tây xanh và vi phạm trong giờ học bị ghi tên
vào sổ đầu bài.
Tôi lặng lẽ lướt qua đám
xung kích, lặng lẽ leo lên cầu thang, lặng lẽ đứng trước cửa lớp, lặng lẽ nhìn
những con người lướt qua tôi để vào lớp, rồi lặng lẽ quay đầu, ngóng nhìn ra
ngoài đường, vô tình để những chiếc xe máy lướt qua trong mắt. Tôi tự hỏi không
biết một đứa như tôi sẽ có một tình yêu thời học trò ngây ngô trong sáng không
nữa, hay là ba năm cấp ba tôi sẽ chìm lỉm giữa một trời học sinh, ngập trong
sách vở và công thức.
Tôi còn đang miên man với những
suy nghĩ của mình thì tiếng ồn từ phía bên A8 kéo tôi về thực tại, thì ra đám
con trai nhí nhố mà Chí Hiếu dẫn đầu đang trêu chọc cặp đôi Ngọc Nhi và Chí Hiếu.
Tôi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của nhỏ Ngọc Nhi với ánh mắt hấp háy niềm vui sau
cặp kính, còn Chí Hiếu vẫn giữ vẻ mặt điềm tĩnh như chẳng có gì đáng để tâm. Tiếng
nhỏ Hoài Thu vang bên tai tôi:
-
Cặp đôi hoàn hảo mày nhỉ!
Gái chuyên anh Thái Nguyên, trai chuyên toán, hai đứa nó mà quen nhau tao nói đi
thi học sinh giỏi chỉ có ẳm giải.
-
Sao mày biết rõ hai đứa nó dị?
- Tôi nhíu mày, vẻ mặt rất chi là tò mò.
-
Trời ơi, tao là ai, là Thu
Hâm mà mày, nghĩa là Thu hâm mộ các anh chàng cô nàng nổi tiếng, tiểu sử tụi nó
tao thuộc hơn bất kỳ ai. - Thu ưỡn ngực tự tin nói với tôi.
Nghe thấy thế, tôi phì cười, nhỏ Ngọc Mai đang đứng
cạnh Hoài Thu với Thùy Trâm và Mỹ Hạnh cũng cười theo. Giờ thì tôi đã biết, Thu
Hâm là biệt danh của cô nàng.