Và Thế Là Chúng Ta Tiêu - Chương 11
Giấc mơ Mỹ và tại sao chúng tôi lại xứng đáng với nó - Ai nên chết đi - “Garbedian và con trai” - Trò vô ích - Chấm hết một kỷ nguyên - Chúng tôi giục Benny nói gì đó - Roland chơi khăm - Một bức thư cho Jim - Cục Cải tạo - Joe và chỗ của anh ta (“Trên đây”) - Tom yêu - Một chuyến thăm đến bệnh viện - Những ý tưởng phát sinh - Chia ly
Chúng tôi hồi lại. Hoặc chúng tôi bỏ việc. Hoặc chúng tôi đi nghỉ. Trong hai hoặc ba tuần ở đó chúng tôi có quãng thời gian khó khăn cưỡng lại nỗi thôi thúc nhìn lại các sự kiện. Mỗi người lại kể một phiên bản khác nhau. Những câu chuyện mâu thuẫn nhau không hề làm giảm nhẹ bên này hay bên kia, chúng chỉ khiến sự việc trở nên phong phú hơn. Chúng tôi đang thổi phồng toàn bộ vấn đề lên rất nhiều lần, vì chẳng có ai chết cả, nhưng chúng tôi nói về nó như thể cái chết tưởng tượng cũng giống hệt như thật. Chúng tôi ở lại muộn hơn bình thường để nói về nó hoặc chúng tôi nghỉ hai ngày hoặc không chúng tôi cứ thế bỏ. Có người ở bộ phận Dịch vụ Dự án kiện chúng tôi, viện dẫn lý do bê trễ. Kể cũng hơi khó xử vì chúng tôi vẫn phải làm việc với cô ta. Cô ta lại gần chỗ chúng tôi ở chỗ máy pha cà phê và lò vi sóng để khẳng định cho chúng tôi biết rằng đây chẳng có gì là cá nhân cả. Cô ta còn kiện cả tòa nhà nữa, cùng với Tom Mota và nhà sản xuất súng bắn đạn sơn. Cô ta đang ở bên ngoài tòa nhà cách đó hai khối phố khi vụ nổ súng bắt đầu, nhưng chúng tôi là ai mà nói cá nhân này hay cá nhân kia đáng bị thiệt hại gì? Việc đó thuộc về một bồi thẩm đoàn gồm những người ngang hàng với chúng tôi. Tất cả chúng tôi đã bị lấy lời khai trước đó và rất có thể sẽ lại bị lấy lời khai vì chuyện này. Trong thời gian đó chúng tôi hoàn thiện những câu chuyện mâu thuẫn của mình và nỗi thèm khát vô độ được tua lại chúng.
Nước đóng chai và giày chạy bộ không thể nào sánh nổi với những trò tai quái của Tom Mota. Một chuyện hấp dẫn như thế này chưa hề xảy ra với chúng tôi kể từ phần chính của loạt phim The Sopranos. Trước đó, chúng tôi phải lục lại đến tận vụ luận tội Clinton và mùa hè của Monica. Nhưng những vụ đó vẫn còn thua xa. Chuyện này xảy ra với chúng tôi. Và điều tuyệt vời là, chúng tôi có thể buôn chuyện nữa buôn chuyện mãi mà không hề có bất kỳ thương vong hay tổn hại tâm lý lâu dài nào của một vụ Columbine[43] hoặc một vụ Oklahoma City[44]. Chúng tôi giả vờ như thể có biết điều gì đó về những gì họ đã trải qua. Có thể chúng tôi biết thật, ai mà biết được. Có thể là không.
Suốt cả tuần ấy và tuần sau đó nữa chúng tôi làm ra vẻ tham gia chơi trò thắng-thắng-thắng ở công ty nhưng công việc thực sự của chúng tôi là tua lại các sự kiện và suy nghĩ về những hậu quả của việc còn sống. Ấn Độ xuất hiện trở lại trong những chân trời của chúng tôi. Một lần nữa chúng tôi đánh giá lại mục đích tối thượng của mình. Ý tưởng về sự hy sinh quên mình, về sự cống hiến thầm lặng và chết một cái chết cao cả, lại len lỏi vào trong những góc linh thiêng sâu thẳm mà bình thường vẫn là nơi trú ngụ của những con số tài khoản ngân hàng và dành dụm nghỉ hưu của chúng tôi. Có thể là có một lối đi khác thay thế cho sự giàu có và thành công để hoàn thành giấc mơ Mỹ. Hoặc có thể đó là giấc mơ của một dân tộc khác, trong một trật tự thế giới tương lai nào đó, còn chúng tôi bị tắc trong những kỷ nguyên tăm tối của xa hoa và tiện nghi. Làm sao chúng tôi có thể hy vọng thoát ra khỏi đó, chúng tôi - những kẻ được trả lương quá mức, bảo hiểm hậu hĩnh, và được nhồi cơ man nào là tín dụng, chúng tôi những kẻ không hề được đào tạo qua thói quen giác ngộ là đặt bản thân mình xuống hàng thứ hai? Khi Tom Mota nhắm bắn vào tính mạng của chúng tôi, trong giây lát chúng tôi có cảm thấy điều chắc chắn mơ hồ, xa lạ và ngỡ ngàng rằng có lẽ chúng tôi đang nhận những gì chúng tôi đáng phải nhận. May mắn là cảm giác đó nhanh chóng qua đi, và khi chúng tôi sống sót đứng lên và trở lại bàn làm việc của mình, rồi sau đó về với những căn gác xép, căn hộ hay khu nhà ngoại ô của mình, thì cảm giác lại là tất nhiên chúng tôi xứng đáng với tất cả những gì chúng tôi có, chúng tôi đã làm việc nhiều giờ dài đằng đẵng và khổ ải để có được tất cả điều đó, và thế quái nào mà đồ khốn kiếp ấy lại dám giả vờ lấy nó đi? Chúng tôi cảm kích biết ngần nào khi còn được trở về để tận hưởng tất cả những gì chúng tôi đáng được hưởng.
Chúng tôi đoán già đoán non xem ai lẽ ra phải chết. Ai lẽ ra đang ở trong tình trạng nguy kịch ngay lúc này và ai đang trong tình trạng ổn định, rồi thì ai lẽ ra đã bị liệt cả đời? Kể mà Amber Ludwig có mặt ở đó hẳn cô ta đã phản đối những trò bệnh hoạn như thế, nhưng Amber đã bị chẩn đoán là rối loạn căng thẳng hậu tổn thương nên được cho nghỉ phép. Cô ta quay về nhà mẹ mình ở Cleveland nơi cô ta có thể thăm lại lũ thú nhồi bông của mình và hồi tưởng về thái độ của Larry trong phòng máy chủ. Những người còn lại trong chúng tôi hẳn cũng thích được nghỉ. Họ chỉ cho chúng tôi nghỉ chiều thứ Sáu hôm đó, một việc chúng tôi sung sướng đón nhận, nhưng cả chúng tôi nữa cũng bị stress rồi đủ các loại rối loạn và cũng muốn nghỉ nhiều hơn một buổi chiều chứ. Một số người nói chiều thứ Sáu, ôi dào, xem hào phóng chưa kìa. Nhưng những người khác cố nhìn nó từ quan điểm của mình. Nếu không giành được hợp đồng mới, họ sẽ bị trảm. Và họ sẽ trảm ai nếu họ bị trảm? Các người đoán xem. Thế là sáng thứ Hai chúng tôi hối hả trở lại và giả vờ như đang làm việc trong khi tiếp tục câu chuyện đã bắt đầu từ thứ Sáu sau vụ Tom bị bắt và kéo dài không nghỉ suốt cả cuối tuần, qua điện thoại và trong bữa sáng trưa chập một, với người thân và cánh phóng viên, và thông điệp trung tâm mà chúng tôi muốn truyền tải, ý nghĩa rút ra từ câu chuyện và cốt lõi của sự thật, là chúng tôi sung sướng đến ngần nào vì chúng tôi đã không chết tại nơi làm việc. Chúng tôi không bao giờ muốn ngỏm giữa những vách chia ngăn hoặc trên ngưỡng cửa căn phòng nơi chúng tôi làm việc hằng ngày. Hank Neary có một câu trích dẫn và chúng tôi lịch sự bảo anh ta đi mà nhét cái câu đó vào bụng. “Khi thần Chết đến, hãy để nó tìm tôi trong công việc.” Anh ta nói anh ta không nhớ Ovid hay Horace là người nói câu đó và chúng tôi trả lời rằng chúng tôi đếch thèm quan tâm Ovid Đồ Con Ngựa[45] nói gì. Ovid Đồ Con Ngựa sai hoàn toàn về cái chết và công việc. Chúng tôi muốn chết trên một con thuyền. Chúng tôi muốn chết trên một hòn đảo, hoặc trong một căn lều gỗ trên một sườn núi, không thì trên một trang trại rộng mười mẫu Anh với một cửa sổ rộng mở và làn gió mơn man.
Carl Garbedian, Chúa phù hộ anh ta, nộp thư xin nghỉ việc. Nếu bạn bắt buộc phải biết tận cùng câu chuyện của chúng tôi, một câu chuyện có trong các trang catalog Dịch vụ Văn phòng, về những cuộc đời không thể nói là thú vị như ông già và biển cả[46], về những người sống trong thế giới sông nước xua đuổi những cơn trầm uất bằng một cái chân giả điên khùng[47], thì kết thúc của nó đây: Carl Garbedian là người duy nhất trong chúng tôi ra khỏi nghề quảng cáo vĩnh viễn. Những người còn lại chúng tôi không có được khả năng xa xỉ để kết thúc như một nhân vật chính trong kịch bản phim của Don Blattner, rũ bỏ sự nhàm chán bằng một chuyến đi lên dãy Himalaya tìm kiếm ngọc bích và những nhà hiền triết. Chúng tôi còn có những hóa đơn phải thanh toán và những hạn chế phải cân nhắc. Chúng tôi còn có gia đình để chu cấp và những kỳ nghỉ cuối tuần để khuây khỏa. Chúng tôi chịu đựng thất bại về trí tưởng tượng hệt như tất cả mọi người khác, độ liều lĩnh của chúng tôi thì có hạn trong khi sự thỏa mãn với cuộc sống hằng ngày gần như là quá đủ để chúng tôi từ bỏ. Chỉ có Carl là thoát ra khỏi. Và hãy chờ đến khi các bạn nghe nói đến cuộc phiêu lưu kỳ thú mà anh ta dấn thân vào. Anh ta nộp đơn nghỉ việc vào ngày thứ Hai sau vụ nổ súng, và khi hai tuần của anh ta đã hết, anh ta bắt đầu thực hiện kế hoạch kinh doanh về việc thành lập một công ty phong cảnh ngoại ô. Táo bạo đến mức khiến tất cả những anh hùng trong các kịch bản của Blattner phải hổ thẹn! Nhưng tốt cho anh ta, chúng tôi nghĩ. Nếu đó thực sự là điều anh ta muốn. Bạn hẳn phải là một thằng ngốc mới đi từ bỏ căn phòng làm việc có điều hòa để đổi lấy cái nóng của Chicago tháng Bảy, nhưng tốt cho anh ta. Chúng tôi hỏi anh ta xem anh ta định làm gì trong mùa đông. “Xúc tuyết cho thành phố,” anh ta nói. Chúng tôi nói tốt cho anh, Carl. Lạy Chúa chí tôn! chúng tôi nghĩ. Xúc tuyết à? Trong một cái xe tải lúc ba giờ sáng giữa một cơn bão tuyết tê cóng tháng Hai? Và chúng tôi sẽ phải trích ra bao nhiêu tiền lại quả để giành được một hợp đồng xúc tuyết từ thành phố? Chúng tôi hỏi anh ta là anh ta định gọi công ty phong cảnh của mình là gì. “Garbedian và Con trai,” anh ta trả lời. Không đùa chứ? Anh ta định kinh doanh với bố mình à? “Không, không,” anh ta cười nhăn nhở. “Đó chỉ là một mánh khóe nhỏ mà tớ học được từ quảng cáo.”
Mánh khóe đó là sử dụng chữ nghĩa một cách mơ hồ. Sau cùng thì, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, “Garbedian và Con trai” có nghĩa là ba gã Tây-Bồ sẽ đến tỉa tót thảm cỏ nhà bạn. Khi chúng tôi nói, “Đừng bỏ lỡ những khoản khuyến mại tuyệt vời này!” thì thực ra ý chúng tôi là chúng tôi phải tống khứ những của nợ đó thật nhanh. “Giải thưởng không mất phí” có nghĩa là hãy chuẩn bị mà trả cho sạch túi. Chữ và nghĩa gần như lúc nào cũng xung đột với chúng tôi. Chúng tôi biết điều đó, bạn biết điều đó, họ biết điều đó, tất cả đều biết điều đó. Những từ duy nhất thực sự có chút ý nghĩa chết toi là, “Chúng tôi thực sự rất lấy làm tiếc về chuyện này, nhưng tôi sẽ phải để anh ra đi.”
Họ để Marcia Dwyer ra đi. Họ nhắm đến cô ta thậm chí còn trước khi nhân viên tòa nhà dọn xong những mảng sơn khỏi tường và thảm. Đã tưởng đâu Jim Jackers sẽ là lựa chọn logic tiếp theo. Có ai đầu óc bình thường lại đi chọn Marcia thay vì Jim chứ? Nhưng vì những lý do sẽ mãi mơ hồ, họ chọn Marcia. “Tái cơ cấu,” họ nói. “Mất khách hàng.” Chúng tôi đã nghe điều đó bao nhiêu lần rồi? Nó vẫn chẳng đả động gì đến lý do tại sao là Marcia chứ không phải Jim. Như thế cũng chẳng khác gì đặt câu hỏi về quá trình lựa chọn đầy ngẫu nhiên và bí hiểm của những căn bệnh nan y.
Họ cho cô ta nửa tiếng đồng hồ để thu dọn đồ cá nhân của mình. Một phần của quy trình mới trong việc tống tiễn các cựu nhân viên là bác Roland phải đứng dựa vào tường với hai tay khoanh lại, lặng thinh theo dõi cô ta đóng đồ. Họ đang đối xử với Marcia như một tù nhân tại Trung tâm Cải tạo Joliet. Có thể họ phải làm như thế sau vụ bắt giữ Tom, nhưng điều nguy hiểm duy nhất ở Marcia chỉ là cái nhìn gườm gườm của cô ta. Chẳng lẽ bác ta thực sự phải đứng đó như thế à, như thể cảnh giác trước cử động bất thình lình? Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến bác ta xử lý một vụ khủng hoảng như thế nào. Nếu Marcia đột nhiên quyết định vung một cái dập ghim lên kiểu như hơi đe dọa, bác ta sẽ lóng ngóng vồ cái bộ đàm Motorola và quên mất cả tên mình. Ít ra thì bác ta có thể đề nghị giúp đỡ chứ. Không làm được thế thì bác ta có thể ngồi xuống và thư giãn cho xong.
Marcia thu nhặt đồ của cô ta trên bàn, tủ kệ, giá sách, lấy xuống một cái đồng hồ, một bức tượng nhỏ, một chồng sách, rút phích cắm chiếc radio và quấn sợi dây quanh cái thân nhựa màu nâu của nó rồi cho vào hộp. Sau đó cô ta lục qua các ngăn kéo bàn mỗi lần một thứ linh tinh, kiểm tra từng vỉ diêm, danh thiếp, dây buộc tóc, băng y tế cá nhân, lọ đựng aspirin, lọ kem dưỡng da, ống hút cong queo, vitamin tổng hợp, tạp chí, giũa móng, sơn móng, dưỡng môi, và viên ngậm ho nằm lay lắt trong bàn của cô ta ai mà biết được là từ bao giờ. Nó thuộc về một chiếc hộp hay thùng rác nhỉ? Cô ta gỡ ra khỏi cái bảng gỗ bấc của mình một lô ảnh, biên lai, coupon, hóa đơn sinh hoạt, nhắc việc cá nhân, trích dẫn châm ngôn, thiệp chúc mừng, cuống vé, rồi những bức tranh do tay cô ta vẽ hoặc do các họa sĩ chuyên nghiệp mà cô ta ngưỡng mộ, và cả những thứ này nữa, cô ta cũng hoặc vứt đi hoặc cho vào một chiếc hộp. Phòng làm việc của Marcia trở lại tình trạng vô danh - không còn gì trên bàn ngoài máy tính và điện thoại, những bức tường trống trơn, tấm vách ngăn nhem nhuốc mất sạch tất cả dấu vết hai nghìn ngày của cô ta giữa chúng tôi. Đó là một quá trình lột xác chóng vánh và ngơ ngẩn, nhìn nặng trĩu.
Genevieve Latko-Devine bước vào cửa phòng của cô ta trông tái mét và thở không ra hơi. “Tớ vừa mới nghe tin,” cô nói.
“Roland, bác làm tôi bực mình quá,” Benny nói. “Bác có thực sự phải đứng dựa vào tường như thế không hả?”
“Xin lỗi, Benny. Đó là một phần của những quy định mới.”
Tâm trạng trong căn phòng lặng lẽ và buồn bã cho đến khi Jim Jackers xuất hiện và hỏi Marcia là cô ta có định quay trở lại ăn mặc như một thằng hề và khủng bố tất cả chúng tôi bằng một khẩu súng bắn sơn không. Giá kể vào ngày khác Marcia hẳn đã khiến anh ta câm họng bằng một câu bốp chát, nhưng sự vô duyên của anh ta không còn động đến cô ta. Những điều Jim nói khiến chúng tôi thấy khó chịu giờ không còn làm cô ta khó chịu nữa.
“Tôi đã cư xử như một con mẹ khốn kiếp cả một năm qua,” cô ta vừa nói vừa ngồi lần cuối cùng xuống chiếc ghế của Ernie Kessler. “Tôi đã căm ghét tất cả mọi người, các cậu có biết tại sao không? Vì tôi nghĩ không đời nào họ xứng đáng được ở lại nếu như tôi bị đuổi việc. Nhưng suốt thời gian đó tôi đâu có bị đuổi việc. Tôi chỉ mới bị đuổi việc hôm nay. Tôi đã nghĩ trước xa quá, và căm ghét mọi người vì điều đó. Giờ thì cuối cùng tôi cũng có thể thôi làm một con mẹ khốn kiếp. Các cậu có biết điều đó làm tôi cảm thấy dễ chịu đến mức nào không? Tại sao họ không làm chuyện này một năm trước nhỉ?” cô ta hỏi.
Đây là một trong vài phản ứng có thể xảy ra - phản ứng kiểu trong cái rủi có cái may. Marcia đã tìm được một cái cớ đủ thông minh để đưa cô ta ra khỏi tòa nhà trong tư thế ngẩng cao đầu. Chúng tôi không ham hố gì đi bóc trần bản chất của cái cớ này, và thế là tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng thật tốt là cuối cùng cô ta cũng có thể thôi làm một con mẹ khốn kiếp. Giá kể Amber mà có mặt lúc đó, kiểu gì cũng có nước mắt rơi.
“Các cậu có biết là kể từ khi bắt đầu cắt giảm biên chế,” cô ta tiếp tục, “tôi không thể nào tận hưởng nổi lấy một tách cà phê ở quầy cà phê không? Lúc nào tôi cũng quá lo lắng ai đó có thể đi ngang qua nhìn thấy tôi rồi nghĩ lẽ ra tôi phải đang làm việc chứ không phải ở quầy cà phê tận hưởng một tách cà phê. Giờ thì tôi có thể tận hưởng cà phê trở lại,” cô ta nói.
Không tận hưởng tách cà phê của ta ở quầy cà phê cũng còn tốt hơn là không có quầy cà phê nào. Hai mươi phút trước, ngay bản thân Marcia chắc cũng sẽ nói như thế thôi. Giờ thì một khoảng cách diệu vợi đã hiện ra giữa chúng tôi. Cô ta đã rơi xuống vực sâu đen tối, trong khi những người còn lại trong chúng tôi vẫn đứng mấp mé miệng vực, nhìn cô ta rơi tự do. Chẳng mấy chốc chúng tôi sẽ hoàn toàn không còn thấy bóng dáng cô ta nữa. Đúng là một cảnh tượng khó khăn, nhưng cô ta kia - không còn là một người trong chúng tôi nữa. Một kỷ nguyên đang đi đến hồi kết. Kỷ nguyên hăm dọa, tỉa tót, khinh thường và rỉa rói. Kỷ nguyên của những bản ballad dở ẹc của các ban nhạc tóc xù những năm tám mươi vọng ra từ phòng cô ta. Kỷ nguyên của những lời sỉ nhục tan nát cõi lòng rồi tiếp sau đó xổ ra cơ man nào những lời xin lỗi tới bất kỳ ai ngoại trừ kẻ bị sỉ nhục. Chúng tôi sẽ không còn kiểu tóc mới của Marcia để mà trông đợi nữa. Thực lòng mà nói, chúng tôi đã trở nên rất quen với nó.
“Tớ có thể mang những cái hộp này về cho cậu bằng xe của tớ được không?” Genevieve hỏi. “Tớ sẽ rất vui lòng được chở chúng qua.” Chúng tôi không nghĩ Genevieve mảy may biết cô đang yêu cầu gì nữa. Genevieve sống trong một căn hộ tầng thượng lộng lẫy ở Lincoln Park với người chồng luật sư của cô. Liệu cô có biết Bridgeport xa đến mức nào không? Mà thậm chí liệu cô có biết rằng có một nơi gọi là Bờ Nam?
“Tại sao lại là cô?” Benny nói với Marcia. “Thật nhảm nhí. Tại sao không phải là Jim đây?”
“Ê!” Jim nói.
“Các cậu có nhớ tuần trước,” Marcia nói tiếp, với vẻ thành thực có thể gây ấn tượng với người hoài nghi nhất, “khi tôi tình cờ bắt gặp Chris Yop ở trạm in không? Và các cậu có nhớ tôi đã khổ sở đến mức nào về việc giữ chiếc ghế của Tom Mota, có số series không khớp ấy? Các cậu đã bảo tôi đi vào đổi ghế của Tom lấy ghế của Yop, vốn từng là ghế của Ernie, nhớ chứ? Vì nếu bị phát hiện với chiếc ghế của Ernie thì sẽ tốt hơn là bị phát hiện với ghế của Tom? Các cậu có nhớ chuyện đó không?” cô ta hỏi. “Các cậu có nhận ra tất cả chúng ta đã trở nên loạn óc thế nào không?”
Cô ta ra khỏi ghế và đứng trước những chiếc hộp đã gần đầy trên bàn làm việc của mình, hai tay chống hông, cổ tay quay vào trong. Cô ta nhìn quanh một lần cuối cùng xem còn gì phải làm nữa và thấy là không còn gì. “Chà,” cô ta nói.
“Cô sẵn sàng chưa?” Roland hỏi.
Cô ta thậm chí không nhìn bác ta. Cô ta cũng không nhìn chúng tôi. Cô ta nhìn qua chúng tôi, tới những bề mặt bụi bặm nơi đồ đạc của cô ta từng ngự, tới những bức tường trống trơn mà giữa chúng suốt sáu năm qua cô ta đã hoàn thành công việc mang đến cho cô ta một kế sinh nhai. Rốt cuộc là thế này sao? Rốt cuộc là chẳng có lễ lạt gì, ngoài việc được Roland hộ tống ra khỏi cửa?
“Tôi sẽ mang giúp cô những hộp này xuống,” Benny nói.
“Các cậu biết không?” cô ta nói. “Gượm đã.” Cô ta mở tung chúng ra lần nữa và chăm chú nhìn vào trong mỗi hộp đến cả một hoặc hai phút. “Tôi không muốn bất kỳ thứ gì trong đống phế thải này,” cuối cùng cô ta kết luận. “Các cậu nhìn xem nhé? Cái gì đây?” Cô ta rút ra một bức tượng đúc khuôn nhỏ rẻ tiền của Nữ thần Tự do. Sau đó cô ta giơ lên một cuốn sách nhỏ có tiêu đề 50 bí quyết cho nhà tiếp thị qua thư trực tiếp. “Roland,” cô ta nói, “bác có thể vứt những cái hộp này đi hộ tôi được không?”
“Chờ một phút, khoan đã,” Benny nói.
“Cô không muốn lấy đồ của mình à?” Roland nói.
“Marcia,” Genevieve nói.
“Nó được gọi là phế thải vô tích sự, Roland,” Benny nói. “Và tất nhiên cô ấy muốn chúng.”
Thật điên mới ra đi mà không mang theo những đồ phế thải vô tích sự của bạn. Bạn bước vào với chúng, bạn đi ra với chúng - kiểu nó phải như thế. Bạn sẽ lấy gì để bày biện cho một phòng làm việc mới nếu không phải là những đồ phế thải vô tích sự của bạn chứ? Chúng tôi nhớ Brizz Già với cái hộp đồ phế thải vô tích sự của lão, chuyển cái hộp từ tay này sang tay kia trong lúc lão nói chuyện với tay nhân viên tòa nhà. Tất nhiên, Brizz Già không bao giờ có một phòng làm việc khác nữa. Đồ phế thải vô tích sự của lão quả thực là vô tích sự. Lão có lý do để bỏ lại thứ đồ phế thải vô tích sự của mình. Nhưng trường hợp của lão là hiếm. Tính đi tính lại, tốt nhất là cứ mang đồ phế thải vô tích sự của bạn đi cùng.
“Marcia, mang chúng theo đi,” Benny nói.
“Tớ rất vui lòng được chở chúng qua nhà cậu tối nay,” Genevieve nói.
“Nhưng tớ chẳng muốn bất kỳ thứ gì,” Marcia nói.
Đó là cách khiến chúng tôi biết mình cảm thấy thương hại họ. Trước dấu chấm hết của họ, chúng tôi biết họ qua những thói tật, những lời than vãn, rồi những ưu việt tào lao của họ, và mới chỉ một ngày trước, chúng tôi còn nghĩ giá kể tất cả những điều đó đột nhiên biến mất tiêu thì càng tốt. Thế rồi khi chúng tôi nhìn họ bê một cái hộp đầy những thứ phế thải vô tích sự ra thang máy, trông họ lại thật đáng thương và con người.
Nhưng Marcia từ chối và, sau những cái hôn và lời tạm biệt, bước về phía thang máy cùng với Roland, không mang theo gì ngoài chiếc túi vải Jean có chức năng như chiếc túi xách tay của cô ta. Cô ta có lẽ thậm chí còn chưa xuống đến tầng sảnh trước khi Jim Jackers bắt đầu vơ vét đống phế thải vô tích sự mà cô ta đã bỏ lại phía sau.
Không ai có thể tin nổi rằng Benny lại để Marcia đi khỏi mà không thú nhận rằng anh ta đã phải lòng cô. Anh ta đã tự hứa với mình là sẽ nói và đã ngu ngốc bắn tin về lời hứa đó tới những người còn lại trong chúng tôi, nhưng cứ mỗi khi đến thời điểm, anh ta lại có một cái cớ mới. Ngày thứ Hai sau vụ xả súng của Tom, anh ta còn quá bận bịu với việc thu lượm các phiên bản đối chọi nhau về chuyện đã xảy ra và còn thêm vào cả phiên bản của mình nên không thể nào dứt ra được. Chuyện này tiếp tục qua cả thứ Ba, và rồi đến thứ Tư anh ta kêu ca rằng anh ta quá bận bịu làm vụ hợp đồng mới. Đến thứ Năm Joe nói với chúng tôi rằng Lynn đang ở trong bệnh viện, và chúng tôi bị cuốn vào việc cãi cọ xem là việc chúng tôi đi thăm chị có phải là một ý tưởng tốt hay không. Nhưng bây giờ đã là thứ Sáu, và đột nhiên Marcia lại ra đi mãi mãi, ấy thế mà Benny vẫn chưa nói được gì. Làm thế nào mà anh ta vừa là một kẻ mồm mép sôi nổi tự tin lại vừa là một kẻ đang yêu nhút nhát đến thế, đây đúng là một điều bí ẩn đối với chúng tôi. Jim ra khỏi phòng của Marcia cầm theo món đồ lưu niệm tượng thần Tự do mà Marcia đã rẻ rúng trên đường ra, cùng với một chiếc ly con và một tờ Vogue.
“Benny này,” anh ta nói, “cậu thực sự định để cô ấy đi khỏi mà không nói gì với cô ấy à?”
Chuyện đó vẫn xảy ra liên tục. Có thể có người mang nỗi lòng chính đáng nào đó đáng được thổ lộ. Có thể có người có lời ca ngợi nào đó không nên giữ kín trong lòng. Không ai nói gì. Tạm biệt và giữ liên lạc nhé, đó thường là tất cả những gì chúng tôi nói. Bảo trọng nhé, chúc may mắn. Chúng tôi không đả động gì đến thương mến, cảm kích, ngưỡng mộ cả. Nhưng chúng tôi cũng không nói đừng có để cửa đập vào mông trên đường ra nhé.
“Mai cô ấy vẫn đi thăm Lynn cùng với chúng ta chứ hả?” anh ta hỏi. “Vậy là mai tớ sẽ gặp cô ấy. Khi ấy tớ sẽ nói. Có gì to tát chứ?”
Nhưng thứ Bảy đến rồi đi, chúng tôi đi thăm, nhưng rồi anh ta vẫn chẳng nói gì. Thứ Hai sau đó, Marcia xuất hiện tại sảnh của tòa nhà, hệt như lấy ra một trang trong cuốn sách của Tom Mota.
Roland đang có mặt ở quầy tiếp tân và nhất định không cho phép cô ta lên, thậm chí như khách cũng không được.
“Tôi rất tiếc,” bác ta nói. “Sau vụ việc kia, chúng tôi không thể để các nhân viên cũ quay lại tòa nhà. Thậm chí cô còn không được phép vào trong sảnh kia,” bác ta nói.
Cô thuyết phục được bác ta gọi Benny. “Cho cô ấy lên đây!” Benny gầm lên với Roland qua điện thoại. “Bác bị làm sao vậy?”
“Tôi không thể làm thế được, Benny,” Roland nói một cách bất lực trong khi Marcia trừng mắt nhìn bác ta qua bốt sảnh. “Như thế là trái với các quy định mới.”
“Hừ, nếu thế thì bảo cô ấy chịu khó chờ,” Benny vừa trả lời vừa đứng lên. “Tôi sẽ xuống chỗ cô ấy.”
Anh ta chỉnh lại những lọn tóc xoăn tít của mình qua lớp đồng mờ xỉn của thang máy. Khi xuống đến tầng trệt anh ta hít vào một hơi lấy can đảm rồi bước ra cùng với vài người khác. Đang là giờ ăn trưa. Mọi người đang ra vào qua những cánh cửa xoay.
“Thôi nào, bác,” anh ta vừa nói vừa lại gần Roland. “Trông cô ấy giống một mối đe dọa với bác lắm sao?”
“Là do những quy định mới thôi, Benny!”
“Đừng gây khó dễ với bác ấy,” Marcia nói. “Bác ấy chỉ đang làm công việc của mình.”
“Cô quay lại đây làm gì vậy?” Benny hỏi.
Cô ta quay lại, cô ta nói, để tháo rời chiếc ghế của Chris Yop, cái ghế vốn từng là của Ernie Kessler, để cô ta có thể ném nó từng mảnh một xuống hồ.
“Tất nhiên rồi,” Benny nói. “Hãy ra ngoài nói chuyện đi.”
Và tất nhiên là thế rồi chúng tôi nhìn thấy họ nói chuyện bên ngoài tòa nhà trên đường chúng tôi đi ăn trưa về. Chúng tôi dành cả tiếng đồng hồ đoán già đoán non xem Marcia quay trở lại văn phòng làm gì và hai người bọn họ đang bàn bạc chuyện gì. Có khi cô ta thích anh ta. Có khi Roland, ở vị trí của bác ta dưới sảnh, cũng đang băn khoăn chính điều đó, bởi vì bất chấp việc Benny mắng bác ta xơi xơi vì giữ Marcia ở dưới sảnh theo quy định mới, chúng tôi biết hai người đàn ông bọn họ là bạn bè, và rằng Benny đã nói chuyện với bác ta đúng như anh ta đã nói với những người còn lại trong chúng tôi về cơn phải lòng mê mệt và đơn phương của anh ta. “Vậy cậu định sẽ làm gì về chuyện đó, Benny?” bác ta hỏi. “Tôi sẽ nói với cô ấy,” cuối cùng Benny cũng tuyên bố, sau vụ xả súng của Tom. “Tôi đã tự hứa với mình là tôi sẽ nói và chắc chắn tôi sẽ nói.” Biết đâu, bác Roland nghĩ bụng, lời thú nhận đó đang diễn ra chính ngay lúc này, ngay bên ngoài tòa nhà. Bác ta hướng sự chú ý của mình trở lại mớ công việc giấy tờ ít ỏi hằng ngày. Khi bác ta ngẩng lên mười phút sau để xem mọi chuyện đang diễn tiến thế nào, Benny và Marcia đã biến mất.
Roland tưởng chừng như đã nhìn thẳng vào chính họ khi họ bước qua, nhưng họ được che chắn giữa một nhóm luật sư của hãng luật tầng dưới cũng đang đi vào và cuối cùng bác ta lại nhìn ra chỗ khác. Họ đi qua trôi chảy, và sau khi ra khỏi thang máy trên tầng sáu mươi, cùng bước về hướng ngăn của Jim.
Marcia muốn Benny bảo đảm rằng Jim không có ở đó. Benny giải thích rằng anh ta đã cử Jim đi mua bánh sandwich ở quán Potbelly, nơi mà dòng người xếp hàng bao giờ cũng dữ dằn.
“Tôi cam đoan với cô,” anh ta nói. “Cậu ta sẽ không quay lại trong vài tiếng nữa.”
“Nếu anh mà nói với bất kỳ ai về chuyện này,” Marcia nói, với cái giọng cắm cảu, dằn mặt quen thuộc. Anh ta mới yêu cái giọng đó biết bao!
“Tôi sẽ không đi hăm dọa tôi ngay lúc này đâu nếu tôi mà là cô,” anh ta nói với cô ta. “Một cú điện thoại xuống chỗ Roland là tôi có thể khiến cô bị bắt đấy.”
Họ đi một mạch tới ô của Jim và Marcia đặt dựng chiếc phong bì thẳng đứng giữa hai hàng phím trên bàn phím của anh ta trước khi nhận ra món đồ lưu niệm cô ta đã mua trong một chuyến tham quan cùng gia đình đến tượng Nữ thần Tự do. “Ê, cái này làm gì ở đây thế này?” cô ta hỏi. Rồi cô ta nhận ra rằng Jim còn có cả chiếc ly con Fighting Illini của cô ta, vài cuốn tạp chí, và sợi dây đeo chìa khóa cung Hổ Cáp có liệt kê những nét chính trong tính cách của cô ta. Sau vụ vơ vét đầu tiên, anh ta đã quay lại kiếm thêm. “Thế đếch nào thế này?” cô ta hỏi.
“Chậc,” Benny trả lời, ngượng ngùng. “Cô chẳng bỏ chúng lại còn gì nữa.”
Jim không phải người duy nhất có đồ của Marcia. Nếu ở lại sục sạo thêm những chỗ làm khác, cô ta hẳn sẽ tìm thấy chúng được chia đều giữa chúng tôi, rải rác khắp văn phòng. Những thứ duy nhất chúng tôi bỏ lại là những miếng tampon chưa sử dụng của cô ta cùng sách giáo khoa về marketing. Trong vòng hai tiếng đồng hồ sau khi cô ta đi khỏi, mấy cái hộp của cô ta đã được dọn sạch sẽ. Don Blattner lấy chiếc radio của cô ta. Karen Woo quét qua giá sách của cô ta. Ai đó với hành tung vô cùng bí ẩn lẻn vào lấy chiếc ghế của Chris Yop, vốn trước kia là của Ernie, mà Marcia đã thay thế bằng ghế của Tom Mota, cái mà Chris Yop đã lẳng xuống hồ. Giờ thì một người nào đó khác đã phải nhận gánh nặng sở hữu số series sai nhưng cũng lại có những niềm vui của một kiệt tác lao động.
“Bây giờ tôi thậm chí còn không cảm thấy muốn đưa nó cho anh ta nữa,” cô ta vừa nói, vừa với tay về phía chiếc phong bì.
“Đừng làm thế,” Benny nói.
Cô ta lại để nguyên chiếc phong bì ở chỗ của nó.
Những người không đi ăn trưa hôm đó nhìn thấy họ nói chuyện bên thang máy. Thế tức là hầu hết trong chúng tôi, do yêu cầu cấp bách của hợp đồng mới. Chúng tôi băn khoăn chính cái điều mà những người đi ăn trưa đã băn khoăn. Sau khi Marcia lẻn qua khỏi Roland trên đường cô ta ra - bước khỏi một thang máy đông chật, giả trang rất tài tình như một người trong chúng tôi - tất cả chúng tôi đi xuống phòng Benny hỏi xem họ đã nói về những chuyện gì. Anh ta nhất định không nói. “Có gì đâu,” anh ta nói, cự tuyệt chúng tôi thẳng toẹt. Chúng tôi buộc phải nghĩ rằng điều đó chỉ có thể báo hiệu tin xấu. Một người ba hoa chích chòe như Benny Shassburger mà xuống đến mức “Có gì đâu?”. Rõ ràng điều đó nghĩa là anh ta đã bị cự tuyệt. Chúng tôi hỏi anh ta lần thứ hai rồi lần thứ ba. Mười lăm phút sau chúng tôi quay lại và hỏi vẫn câu hỏi đó theo một cách khác. Chúng tôi gửi email cho anh ta. “Có gì đâu,” anh ta viết lại. Không muốn bám dai dẳng quá, chúng tôi đành để vụ đó chìm xuồng.
Khi quay về chỗ, sau khi đã để lại bánh sandwich cho Benny, Jim bối rối trước cái phong bì trắng trên bàn phím của mình. Trên mặt trước của tấm thiếp, một tấm thiếp Hallmark in đại trà rẻ tiền làm bằng giấy tái chế, cái mũi béo múp và đôi tai nặng nề của một con chó săn gối trên một đôi chân bắt chéo nhau, trong khi thân hình lông lá màu việt quất của nó lơ lửng trên một nền xanh. Phía trên cái đầu rầu rĩ hếch lên của nó, một bong bóng ý nghĩ hình đám mây tuyên bố, “Tôi cảm thấy thật buồn...” Và ở mặt trong, “Vì cách tôi đối xử với bạn.” Không có dòng chữ nào, không tua lại chuyện lặt vặt cụ thể nào. Chỉ có tên cô ta để cho anh ta biết ai đã để nó lại. Marcia. Nó được nguệch ngoạc một cách miễn cưỡng. Anh ta ghim tấm thiếp lên vách ngăn của mình.
Tom đang bị tạm giữ tại một nhà giam trung tâm gần tòa án thành phố. Trong phiên tòa đầu tiên, tiền bảo lãnh của gã được ấn định ở mức hai mươi nghìn đô la, một số người chúng tôi nghĩ là hơi nhiều, còn những người khác lại cho là quá ít. Xét cho cùng thì cũng chẳng quan trọng vì không có ai lại đi đóng khoản đó cho gã, và gã cũng không muốn chia tay với chút tiền nào trong cái khoản ít ỏi gã dành dụm được từ việc bán ngôi nhà Naperville. Hoặc chí ít thì gã cũng nói vậy với Joe Pope, người đến thăm gã. Tom khốn khổ khốn nạn với ý niệm lập dị và gàn dở, nhưng ngay cả gã chắc chắn cũng phải biết rằng tiền án phí, thuê luật sư, rồi các khoản phạt mà gã sẽ phải trả cho cái màn biểu diễn nho nhỏ của mình sẽ khiến gã khánh kiệt mãi mãi. Chúng tôi không hề nghi ngờ rằng quyết định bám dính lấy nhà tù của gã chịu ảnh hưởng bởi thực tế là gã đã bị xử lý vào một ngày thứ Sáu, và rằng nếu mà nộp tiền bảo lãnh thì gã sẽ chẳng còn gì ngoài một cuối tuần dặt dẹo để luẩn quẩn cho qua ngày, nốc đến xỉn rồi quậy phá những nhân viên quản trị tại khu chung cư của mình, và soạn email cho những người không bao giờ viết trả lời gã. Vì vậy gã đã quyết định ở lại thưởng thức mấy bữa ăn nóng sốt bằng tiền của bang cho đến khi bị khởi tố, khi mà gã sẽ bị truy tố với năm tội liên quan đến hành hung, phá hoại tài sản tư và xâm phạm trái phép.
Khi chúng tôi nghe kể là Joe Pope đến thăm gã, chúng tôi phát rồ lên vì không tin nổi. Chúng tôi ngạc nhiên, bối rối, tức giận, tò mò, kích thích và chết lặng. Chúng tôi phải vận hết sức để không bác bỏ cái tin đồn đó như một sự bịa đặt vô lý. Nhưng không, đúng thế thật, chính Joe đã thừa nhận điều đó trước khi bắt đầu một cuộc họp trong Phòng Michigan. Chúng tôi có mặt ở đó để thảo luận chi tiết của thứ nước uống đóng chai có caffein, và mọi người đều lo sợ đến một đêm dài. Vừa so sánh những lời kể trái ngược nhau vừa cùng lúc cố gắng giành một hợp đồng mới, việc này đang rút sạch sức lực của chúng tôi. Bàn đến bất kỳ chuyện gì khác ngoài công việc sẽ chỉ càng làm trì trệ thêm mọi thứ, nhưng chúng tôi không thể nào kìm được, và một người hỏi Joe khi anh ta bước vào là có thực như thế không. Có phải anh ta đã trở thành người vợ đi thăm nuôi ở tù cho Tom Mota?
Joe mỉm cười. Anh ta đặt cuốn sổ kế hoạch bìa da của mình xuống và kéo một chiếc ghế ở đầu bàn phòng họp ra.
“Không, nghiêm túc đấy,” Benny nói. “Anh có đến thăm anh ta không?”
“Tôi có đi.”
“Sao lại thế?”
Joe ngồi xuống và đẩy ghế vào. “Tôi thấy tò mò,” anh ta nói.
“Tò mò về cái gì?”
Joe nhìn quanh căn phòng. Chúng tôi im lặng. “Các cậu có nhớ anh ta đã nói gì với tôi không?” anh ta hỏi chúng tôi. “Anh ta đang đứng trong hành lang, cầm súng, mà lúc đó tôi cứ tưởng súng thật cơ. Và anh ta nói, nhớ anh ta nói gì không? Anh ta nói, ‘Joe, tôi đến mời anh đi ăn trưa’.”
Một số người chúng tôi nhớ là có nghe thấy Tom nói thế và một số thì mới nghe thấy lần đầu tiên. Điều chúng tôi nhớ rõ nhất là Tom đang tuôn ra những câu lắp bắp thần kinh nào đó khi gã lượn quanh và bóp cò - những câu nói điên khùng nói lên rằng chúng tôi đang nằm trong tay một kẻ tâm thần.
“Không, sau tất cả những câu đó,” Joe nói. “Điều cuối cùng anh ta nói trước khi Andy hạ anh ta.”
“Tôi không nhớ là anh ta nói rằng anh ta muốn đưa anh đi ăn trưa,” Larry Novotny nói.
“Có thể là bởi vì lúc đó, Larry,” Karen Woo nói, “anh còn đang co rúm người với Amber trong phòng đặt máy chủ.”
Theo lời Joe, Tom nói câu đó một cách bình tĩnh và điềm nhiên đến nỗi nó cũng gây sốc chẳng khác gì việc nhìn thấy anh ta đứng đó. Hay nói đúng hơn, chính sự tương phản giữa câu anh ta nói - “Tôi đến mời anh đi ăn trưa” - và việc anh ta đang làm - ăn mặc như một thằng hề tay cầm súng - mới thật kỳ quặc. Thế nghĩa là thế nào? Anh ta băn khoăn. Liệu có phải là cách nói hoa mỹ? Liệu có phải Tom thực sự định giết anh ta và đó là một cách nói bóng gió của anh ta? Nếu thế, tại sao anh ta lại chĩa khẩu súng xuống đất ngay khi anh ta nói điều đó? Khi ấy Joe chưa biết đó là một khẩu súng bắn đạn sơn. Khi anh ta hiểu ra, thì dường như Tom đã thực sự muốn đưa anh ta đi ăn trưa thật.
“Anh nghĩ là anh ta muốn đưa anh đi đâu?” Jim Jackers hỏi.
“Quán cà phê Sherwin-Williams,” Benny châm biếm.
“Jim,” Karen vừa nói vừa lắc đầu về phía anh ta từ bên kia bàn, “anh ta định đưa anh ấy đi đâu có quan trọng gì.”
“Sau khi anh ta bị bắt,” Joe nói tiếp, “Carl đến phòng tôi cho tôi xem một bức email Tom đã gửi cho anh ấy. Trong đó nói rằng hôm ấy Tom sẽ ghé qua văn phòng vì anh ta muốn nói chuyện với tôi. Tôi đến gặp anh ta vì tôi thấy tò mò. Anh ta muốn nói chuyện gì với tôi?”
“Vậy là chuyện gì?” Benny hỏi.
“Ralph Waldo Emerson,” Joe nói.
“Ralph Waldo Emerson?”
“Ông ta có phải cái gã có cái ao không?” Jim hỏi.
“Cậu đang nghĩ đến Henry David Thoreau rồi,” Hank nói.
“Jim đang nghĩ đến lũ ếch Budweiser,” Karen nói.
Chúng tôi nhớ lại cuốn sách Tom đã mua cho Carl Garbedian, và điều anh ta nói với Benny vào cái ngày anh ta bị cho đi đứt. Tom Mota, thưa quý ông quý bà - kẻ nghiện martini, kẻ viết email phong cách Gonzo, kẻ từng có thời vung vẩy một cây gậy nhôm, người cực kỳ say mê làm vườn, kẻ khủng bố đạn sơn, và học giả cây nhà lá vườn về Emerson của chúng tôi. Anh ta có cái thói tật khó chịu trong thời gian ở với chúng tôi là dán những câu châm ngôn trên tường. Chúng tôi không ghét gì hơn là có người trích dẫn nhằm vào chúng tôi từ vách tường của họ. Hank Neary là người duy nhất có thể trích dẫn nhằm vào chúng tôi mà không sao vì hiếm khi anh ta nói được câu gì có nghĩa, vì thế chúng tôi biết rằng câu trích dẫn phải mang hàm ý gì đó và chúng tôi trầm trồ trước sự tối nghĩa của nó. Những câu trích dẫn cố gắng rao giảng cho chúng tôi hoặc cải tạo lề thói của chúng tôi, giống những câu mà Tom thích - chúng tôi không khoái những câu trích dẫn đó. Chúng tôi đặc biệt ác cảm bởi những câu của Tom vì dường như thật là trớ trêu khi Tom Mota lại đang cố gắng chỉ cho chúng tôi thấy một con đường sống tốt hơn, trong khi cứ nhìn gã mà xem! Thật là một kẻ điên khùng. Những câu châm ngôn của gã không bao giờ được phép ghim lên quá lâu. Phải mất mấy ngày gã mới nhận ra và rồi gã sẽ gầm rú lao ra hành lang, với cái vẻ hùng hổ không thể bắt chước được của mình, “Đồ khốn nạn nào ăn cắp những câu trích dẫn của tao?”
Gã và Joe được bố trí vào một căn phòng nhỏ, không có cửa sổ. Chúng tôi trông đợi thứ gì đó khác cơ: một ngăn riêng, chút kính chống đạn, một cặp điện thoại màu đỏ. Nhưng theo như Joe thì đó là một căn phòng không lớn hơn phòng làm việc bình thường trên tầng sáu mươi. Gần như có thể hình dung ra cuộc trò chuyện khó tin của họ diễn ra ở nơi mà các cuộc trò chuyện luôn diễn ra đối với chúng tôi, chỉ có điều là lần này, cánh cửa được khóa từ bên trong, và Tom không được cấp tập giấy nào để mà dán những câu châm ngôn thống thiết và kệch cỡm của gã. Joe đang ngồi ở bàn khi Tom được áp giải vào bởi hai lính gác. Gã mặc một bộ áo liền quần màu nâu với chữ D.O.C[48] in trên lưng, và gã còn bị còng tay. Hai lính gác nói với họ rằng họ có mười lăm phút.
“Được đối xử ổn chứ, Tom?”
“Lũ khốn kiếp kia thế nào?” Tom hỏi. “Hồi phục chưa?”
Joe điểm qua cho Tom biết những nét cơ bản của các sự kiện sau khi gã bị bắt. Tom nói gã rất vui khi chúng tôi được nghỉ chiều thứ Sáu. Họ nói về tình hình của Tom, những luật sư của gã nói họ có thể làm được gì cho gã nếu gã xin nhận tội và tỏ ra ăn năn hối cải. Sau đó Joe hỏi gã là gã đã đến đó để hỏi anh ta chuyện gì.
“Tôi chỉ hỏi, ‘Hôm đó anh muốn nói chuyện gì với tôi hả Tom’?” Joe nói với chúng tôi. “Và cuối cùng anh ta thú nhận rằng chính anh ta là kẻ đã viết chữ Đĩ đực lên tường phòng tôi.”
“Không đùa chứ,” Benny nói.
“Tôi lại cứ tưởng anh tự làm chuyện đó,” Jim Jackers nói.
“Không,” Joe nói.
“Jim, hãy nghĩ mà xem,” Karen nói. “Tại sao Joe lại làm thế với phòng làm việc của anh ấy chứ? Lạy Chúa.”
“Tôi không thể nói với anh là tôi đã hỏi anh ta bao nhiêu lần, Joe,” Benny nói. “Tôi nói, ‘Tom, thôi nào, anh bạn, nói thật cho tôi biết đi. Vụ tường phòng Joe là anh làm đúng không?’ Lần nào anh ta cũng chối phắt.”
Tom cố gắng tự biện bạch cho mình. “Tôi không chịu tuân theo,” gã nói với Joe. “Khi ai đó nói điều gì đó ngu xuẩn, mọi người đều mỉm cười rồi ngượng nghịu lắc đầu. Nhưng tôi, tôi bảo họ như thế là ngu xuẩn. Tất cả mọi người đều nghe cùng một đài phát thanh khốn kiếp. Quỷ tha ma bắt trò đó đi. Tôi ở lại muộn và đi qua bàn làm việc của mọi người rồi xoay núm vặn. Tôi mặc ba chiếc áo phông chồng lên nhau suốt một tháng, Joe, vì tôi không hề bị dắt mũi và tôi muốn mọi người biết thế. Tôi học được tất cả những điều đó từ việc đọc Emerson. Tuân theo tức là đánh mất linh hồn mình. Vì thế tôi phản kháng bất kỳ lúc nào có cơ hội và tôi bảo họ biến mẹ đi cho và cuối cùng họ sa thải tôi vì điều đó, nhưng tôi nghĩ, Ralph Waldo Emerson sẽ tự hào về Tom Mota.”
Genevieve lên tiếng từ phía cuối bàn họp. “Anh ta hài lòng với bản thân à?”
“Không, anh ta không hài lòng với bản thân mình,” Joe nói. “Chờ đã.”
“Nhưng điều mà bấy lâu nay tôi không biết, Joe ạ,” Tom tiếp tục, “là tôi ở dưới đây.” Joe diễn tả để giải thích điều Tom định nói. Tom làm chiếc còng tay của gã kêu lách cách khi hai bàn tay bất thình lình huơ mạnh lên thành một vòng xoáy, chấp chới ngay phía trên mặt bàn. “Dưới đây, hằn học với mọi thứ. Cái lối mòn tôi mắc kẹt bên trong. Khoản lương không-bao-giờ-đủ của tôi. Mọi người. Tôi lồng lộn xung quanh. Tôi thọc mũi vào chuyện của mọi người. Khi nào cần văng một câu xúc phạm là tôi văng ngay. Khi tôi có thể dè bỉu ai đó, tôi nắm ngay lấy cơ hội. Tôi vạch chữ Đĩ đực trên tường của anh. Và tôi nghĩ, đó là bởi vì tính tôi bất kham. Nếu họ không thích điều đó, họ có thể sa thải tôi, bởi vì tôi không thể sống như mọi người khác. Nhưng rồi khi anh bước vào và nhìn thấy những gì tôi đã viết, Joe, anh đã làm gì? Anh có nhớ không?”
“Tôi không thể nhớ chính xác,” Joe nói với chúng tôi. “Tôi nhớ là đã gọi Mike Boroshansky và bảo bác ta rằng có người đã phá hoại phòng làm việc của tôi. Nhưng ý Tom không phải là như thế. Sau đó cơ, anh ta nói. Sau vụ thông báo chính thức và tất cả những chuyện đó. Tôi có nhớ khi ấy tôi đã làm gì không? Và tôi bảo anh ta tôi không thể nhớ được cụ thể.”
“Anh để nó nguyên ở đó,” Tom nói. “Anh để nó nguyên ở đó. Cánh quản lý tòa nhà rồi người quản lý văn phòng, ai biết được lũ chết tiệt làm ăn thế nào, nhưng bất kể có là gì đi nữa, vụ đó chắc chắn cũng đã chơi khó họ, vì phải mãi đến ngày hôm sau - anh không nhớ à? - họ mới xóa được nó đi.”
Chúng tôi hỏi Joe là có đúng thế không. Có đúng là phải đến ngày hôm sau họ mới xóa được chữ Đĩ đực khỏi tường của anh ta?
“Có thể,” anh ta trả lời. “Tôi nhớ là nó khiến họ mất một thời gian. Nhưng nói thật, tôi đang định tiếp sang những gì Tom nói với tôi.”
“Tôi cam đoan với anh đấy,” Tom nói, “phải mãi đến ngày hôm sau. Cứ mỗi khi tôi bước qua, việc đầu tiên tôi làm là nhìn vào anh. Tôi cứ tưởng sẽ thấy anh đang xù lông lên, quát tháo trên điện thoại với ai đó về việc tại sao nó vẫn còn ở kia. Nhưng thay vào đó tôi đã thấy anh đang làm gì? Anh đang làm việc. Anh đang... tôi không biết là gì nữa. Nếu mà là tôi, chắc chắn tôi đã quát chửi ai đó cứ năm phút một cho tới khi họ đến cùng một thùng sơn khốn kiếp và che đi cái dòng chữ chết tiệt đó, bởi vì có ai muốn bị gọi là một thằng đĩ đực đâu? Nhưng anh? Anh không đếm xỉa gì. Nó không thể chạm đến anh. Vì anh ở trên này, Joe,” Tom nói.
Joe lại diễn tả một lần nữa. Tom đã giơ một bàn tay bị còng của gã lên cao hết mức có thể để diễn tả nơi mà gã nghĩ Joe đang ở, bàn tay thứ hai không còn lựa chọn nào ngoài việc phải giơ theo.
“Tôi cứ tưởng tôi ở trên đó, nhưng không, suốt thời gian đó, tôi ở dưới này, với tất cả mọi người khác - lồng lộn, xoay vần, buôn chuyện, dối trá, lươn lẹo, tự đẩy mình vào một cơn điên khùng. Tôi làm tất cả những gì họ làm, chỉ là theo cách của riêng mình. Nhưng anh,” gã nói, “anh ở đây, Joe. Anh ở trên này.” Bàn tay gã diễn tả chỗ của Joe một cách mạnh mẽ đến nỗi nó làm bàn tay thứ hai lắc qua lắc lại.
“Tôi cố gắng bảo anh ta rằng điều đó chưa hẳn đã đúng,” Joe nói. “Có thể là tôi ở tít dưới này mà anh ta không biết đấy thôi,” anh ta vừa nói, vừa cúi gằm xuống bàn họp để có thể chạm tay xuống sàn nhà. “Nhưng Tom đã quả quyết thế rồi. Tôi ở trên này.” Joe vươn cánh tay lên không trung một lần nữa.
“Tôi cứ tưởng mình là kẻ sống đúng đắn,” Tom nói. “Tôi là kẻ đã nói quỷ tha ma bắt mày đi trước những nỗi khốn nạn của cuộc sống văn phòng. Không ai có thể chống lại việc tuân thủ như mọi người trong khung cảnh công sở, nhưng tôi đã làm được. Cố gắng thể hiện từng ngày một để chứng tỏ tôi khác với tất cả mọi người còn lại như thế nào. Chứng minh tôi tốt hơn, khôn ngoan hơn, thú vị hơn. Rồi tôi nhìn thấy anh ngồi làm việc ngay bên cạnh từ Đĩ đực trên tường - làm việc - điềm nhiên - và tôi biết - anh mới là người đó. Không phải tôi. Tôi từng nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là vì anh hợm hĩnh. Nhưng rồi tôi biết đó không phải là sự hợm hĩnh. Đó đơn giản là bản chất của anh. Và tôi căm ghét anh vì điều đó. Anh có nó, còn tôi thì không, và tôi căm ghét anh.”
Chúng tôi hỏi Joe là anh ta có thực sự điềm nhiên không vào cái ngày anh ta nhìn thấy chữ Đĩ đực trên tường của mình.
“Điềm nhiên?” anh ta nói. “Tôi không chắc đó là từ diễn tả chính xác. Tom nghĩ anh ta hiểu tôi, nhưng anh ta không hề. Và tôi đã cố gắng nói với anh ta điều đó, tôi nói, ‘Tom, khi nhìn thấy phòng làm việc của mình bị phá hoại như thế, anh không biết là điều đó làm tôi cảm thấy thế nào đâu. Có thể tôi đã muốn tự tử. Có thể tôi đã vào nhà vệ sinh và khóc. Đừng có đinh ninh là anh biết.’ Nhưng anh ta không chịu nghe.”
“Thế anh có khóc không,” Jim hỏi.
“Jim, nếu khóc thì đời nào anh ấy đi kể với chúng ta,” Karen nói.
“Tôi không khóc,” Joe nói.
“Tôi biết là anh không khóc,” Tom nói. “Bởi vì anh không thèm bận tâm. Và tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kính trọng anh vì điều đó, cho dù tôi căm ghét anh. Tôi vẫn còn căm ghét anh cái ngày mà họ cho tôi nghỉ, và có lẽ là cả ngày sau đó, nhưng đến ngày thứ ba, nó biến mất, tất cả cảm giác đó... đơn giản là... bụp, tôi không biết tại sao. Có thể là vì tôi không còn làm việc ở đó nữa. Bỗng nhiên tôi có khoảng cách. Và những gì còn lại trong tôi về phía anh là sự khâm phục. Hơn cả sự khâm phục. Đó là tình yêu...”
Chúng tôi không thể nào kìm được, thật là vô lý quá, Tom nói rằng gã yêu Joe - chúng tôi ồ cả lên.
“Đừng cười,” Joe nghiêm nghị nói. “Các cậu muốn nghe chuyện này. Hãy để tôi kể nốt.”
Cả bàn bỗng im lặng trở lại.
“Tôi từng muốn đập nát mặt anh ra,” Tom nói. “Nhìn thấy anh tôi không thể nào chịu nổi. Tôi muốn xin lỗi về điều đó. Đó là lý do tại sao tôi muốn mời anh đi ăn trưa,” anh ta nói. “Tôi thực sự muốn mời anh đi ăn trưa. Nhưng như cái thằng cha khốn kiếp đó đã diễn tả rất đắt, ‘Bản tính khó dời’. Và trước khi tôi kịp nhận ra, tôi đã hình thành xong cái vụ súng bắn sơn trong đầu rồi và tôi không thể nào ngăn mình lại được nữa.”
Đúng lúc đó hai người lính gác bước vào phòng thông báo rằng thời gian của Joe đã hết. Anh ta nhìn đồng hồ và không thể tin nổi rằng mười lăm phút đã trôi qua. Joe đứng lên, nhưng người lính đã ngay lập tức bảo anh ta ngồi xuống trở lại. “Có cả một quy trình cho chuyện đó,” anh ta giải thích với chúng tôi. “Tom sẽ được đưa ra ngoài bởi người bảo vệ thứ nhất, và tôi sẽ được dẫn ra ngoài bởi người bảo vệ thứ hai. Tôi phải ngồi tại chỗ cho đến khi Tom đi khỏi.”
“Cảm ơn vì đã tới, Joe,” Tom nói, khi người bảo vệ lại gần nắm cánh tay của gã. “Tôi cảm kích vì điều đó.”
“Liệu có điều gì tôi có thể làm cho anh không, Tom?”
“Có,” Tom giơ hai bàn tay bị còng lên một cách đột ngột. “Hãy cứ ở trên này, đồ chết giẫm ạ,” gã nói.
Ngay lập tức người bảo vệ phản ứng và Tom cho hai tay của gã xuống.
Kể đến đây Joe bắt đầu phát tài liệu quanh bàn. “Như tôi vừa nói,” anh ta nói, không nhìn bất kỳ ai trong chúng tôi. “Tom Mota nghĩ anh ta hiểu tôi, nhưng anh ta không hiểu. Thực sự không.”
Mỗi người chúng tôi nhận một tài liệu.
“Được rồi,” anh ta nói. Anh ta ngồi thẳng người trên ghế, và cuộc họp bắt đầu.
Chuyến vào thăm Lynn trong bệnh viện của chúng tôi là hai mươi phút gian nan. Chúng tôi trao đổi những cái liếc xéo cùng những lòng bàn tay ướt mồ hôi và nỗi sợ hãi điếng người về những khoảng lặng trong câu chuyện. Không có hơi thở dễ dàng từ lúc chúng tôi đến. Chị đang ngồi thẳng trên giường bệnh, bơi trong bộ quần áo bệnh nhân bằng cotton màu xanh, một cái vòng ghi tên tuổi quấn quanh cổ tay trẻ con của chị. Chị là một phụ nữ nhỏ bé về thể chất nhưng luôn lừng lững trong trí tưởng tượng của chúng tôi như một người khổng lồ đồ sộ không thể bị đánh bại, sự thật ấy đã là một hiện tượng ai cũng rõ. Giờ đây trông chị thậm chí còn nhỏ bé hơn, lạc trong đống chăn gối của chiếc giường bệnh, và hai cánh tay chị, mà từ trước đến giờ chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều đến thế, trông mong manh và gầy guộc như tay một cô bé.
Chúng tôi chẳng có gì chung với người sắp chết nên không bao giờ biết phải nói gì với họ. Sự có mặt của chúng tôi dường như là một lời xúc phạm đầy hăm dọa và mơ hồ, điều có thể dễ dàng tràn qua thành tiếng cười tàn nhẫn, vì thế chúng tôi dè dặt lựa chọn từ ngữ của mình và vừa thận trọng di chuyển tập trung quanh giường vừa kiềm chế những trò đùa cợt và trêu chọc nhau của mình. Sẽ là không thích hợp khi xồng xộc ùa vào và thể hiện đúng con người thật bỗ bã của chúng tôi, động viên chị bằng những giọng ồn ào hãy trở lại với chúng tôi vì, ngay bên dưới những lời được nói ra, sự thật thực sự chảy nhanh như một dòng nước mạnh: có thể chị sẽ không bao giờ là một người trong chúng tôi được nữa. Thành thử chúng tôi hết ngập ngừng, rón rén, rồi lại nuốt vào những lời của mình, lúng búng rồi uốn chỉnh và hạ giọng xuống, thế là chị nhận thấy ngay. “Vào đi,” chị nói khi chúng tôi mới đến. “Vào trong này. Tất cả các cậu phải bẽn lẽn thế để làm gì?” Lần lượt từng người một chúng tôi theo nhau vào. Tóc chị buộc ra phía sau thành một bím đuôi ngựa, chị không dùng chút mỹ phẩm nào, và không thấy bóng dáng của một đôi giày thiết kế riêng nào cả. Chị vừa mới trải qua một ca phẫu thuật đau đớn và đang phải chịu đựng những biến chứng phức tạp. Tuy vậy chị vẫn toát ra nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất trong phòng. Đó là một phòng riêng cũng sàn sàn như phòng làm việc của chị nên có cảm giác hơi giống như đang đi vào cái không gian đáng sợ ấy để nhận tin khủng khiếp về một sai lầm đắt giá và không thể khắc phục nào đó chúng tôi đã gây ra đối với công ty. Chúng tôi chào chị. Chúng tôi tặng hoa chị. “Các cậu thử nhìn những bộ mặt đưa đám của mình đi,” chị nói, nhìn về phía chân giường, rồi sang bên phải và bên trái. “Các cậu làm như tôi chết rồi vậy. Giá kể cậu tập vẻ mặt của mình trong gương trước khi đến đây thì cũng có chết ai đâu nào, Benny?” Benny mỉm cười và xin lỗi. Tiếp theo chị nhìn sang Genevieve. “Còn cô nữa,” chị nói. “Cô có nói chuyện gì với các bác sĩ của tôi mà tôi nên biết không đấy?” Genevieve cũng mỉm cười và lắc đầu. “Hừm, vậy thì tiếp theo là gì đây nào?” chị hỏi. “Một buổi đọc Kinh Thánh chăng?” Chúng tôi cố giải thích rằng chúng tôi đã rất băn khoăn về việc đến thăm. Chúng tôi nghĩ biết đâu chị muốn được ở một mình hơn. “Tôi muốn giá kể không bao giờ phải đặt chân vào cái địa ngục khủng khiếp này,” chị nói. “Nhưng nếu như tôi phải ở đây, kể cũng tốt khi thấy một vài khuôn mặt quen thuộc. Nhưng ai đó bắt đầu hành động như một kẻ điên đi không thì coi như tôi không biết các cậu đâu đấy.”
“Tôi biểu diễn một trò mọn bắt chước James Brown biểu diễn bắt chước Clint Eastwood,” Benny đề nghị. “Chị có muốn xem không?”
“Tôi không thể nào hình dung được,” Lynn nói.
“Tin hay không tin, đúng thế đấy,” Jim nói.
Thế là Benny biểu diễn trò bắt chước James Brown giả làm Clint Eastwood, trò này đi ngược lại miêu tả của những ai chưa từng xem nó, nhưng làm chúng tôi cười trong vài giây, và thế là cuối cùng cũng làm tan băng.
Chúng tôi nói chuyện về Tom Mota và vụ việc, và Joe kể chuyện gặp gã trong tù. Và chúng tôi nói chuyện về vụ xin nghỉ của Carl, tin này làm Lynn rất ngạc nhiên. “Cậu sẽ rời bỏ chúng tôi sao, Carl?” “Đúng thế,” anh ta nói. “Chà, tôi nghĩ đây là một tin thật tuyệt cú mèo,” Lynn nói. Chúng tôi choáng khi nghe chị tỏ ra sung sướng về sự ra đi của Carl đến khi chị nói rõ. “Quảng cáo không phải là nghề của cậu,” chị giải thích. “Nó không khiến cậu hạnh phúc.” Carl đồng ý và kể cho chị nghe về tham vọng của anh ta đối với Garbedian và Con trai. Chị nói đúng cái điều mà chúng tôi nói, “Tốt cho cậu, Carl.” Mặc dù có lẽ chị đang nghĩ, Ai lại muốn dũi cái máy xén cỏ quanh một mảnh đất giữa mùa hè chết nực cơ chứ? Cho tôi cái ghế của mình thay vì cái đó bất kỳ ngày nào trong tuần. Ôi, mình sẵn sàng đánh đổi bất kỳ thứ gì để quay lại cái ghế của mình - có lẽ chị cũng đang nghĩ thế nữa.
Sau một lúc chúng tôi có thể thấy là chị đang bắt đầu uể oải, vì thế chúng tôi nói với chị là tốt hơn hết chúng tôi nên để chị ngủ một chút. Nhưng trước hết Jim Jackers có một bài thuyết trình cần thực hiện.
Chúng tôi nghĩ đó là một ý tưởng kinh khủng ngay từ lúc đầu. Lynn đã yêu cầu chúng tôi thực hiện một dự án từ thiện cho buổi gây quỹ nâng cao nhận thức về ung thư vú, viện cớ là biết một tay chủ tịch ủy ban nào đó cứ nài nỉ quấy rầy chị. Ngày hôm sau, dự án biến hình từ một buổi gây quỹ thành một thông báo dịch vụ công, với sứ mệnh mơ hồ là làm bật ra tiếng cười từ người bệnh ung thư vú. Chuyện gì đã xảy ra với vụ gây quỹ? Chẳng ai biết. Liệu thực sự là có một tay chủ tịch ủy ban lẵng nhẵng nào không? Cũng chẳng có một lời về điều đó. Chỉ có Joe Pope chỉ thị chúng tôi về những thay đổi. Chúng tôi nói tốt thôi, thế nào cũng được. Chúng tôi bắt tay vào làm việc. Chúng tôi đọc sách, chúng tôi làm nghiên cứu. Chúng tôi đẻ ra những thứ rác rưởi. Chúng tôi lục tục kéo vào phòng làm việc của Lynn lúc mười một giờ - chị đã quên hoàn toàn về vụ đó. Chúng tôi dỡ bỏ chiến dịch “Những người thân yêu” khỏi “khách hàng”. Dự án chấm dứt. Tom vào và bắn chúng tôi bằng đạn sơn.
Nhưng rồi chúng tôi phát hiện ra rằng thực ra chính là Lynn bị ung thư. Khi chuyện này sáng tỏ, Jim Jackers đề xuất rằng chúng tôi khởi động lại những quảng cáo mà chúng tôi đã thất bại thật thảm hại và trình bày cho chị trong bệnh viện, với mục đích làm cho chị phấn chấn.
“Vì giả sử đúng là chị ấy đã bịa ra công việc đó?” anh ta hỏi. “Các cậu không nghĩ rằng chị ấy muốn xem những quảng cáo đó hơn bao giờ hết à, khi mà bây giờ chị ấy thực sự đang ở trong bệnh viện?”
“Đừng có hâm thế, Jim,” Karen Woo nói. “Tất nhiên là chị ấy không bịa ra công việc đó đâu.”
“Hừ, sao bỗng nhiên cô lại hát giọng khác hẳn thế, Karen.”
“Ôi, Jim, đừng có mà điên thế.”
“Tôi điên thế nào cơ?” anh ta hỏi. “Tôi chỉ đang nói - giả sử?”
Anh ta tuyên bố là có một ý tưởng. Chúng tôi nghĩ bụng chắc chắn anh ta đã làm lành với ông chú mình. “Không, tôi tự nghĩ ra ý tưởng này,” anh ta nói. Khi chúng tôi nghe thấy thế, chúng tôi đồng thanh buột ra một tiếng rên. Những ý tưởng nguyên bản của Jim thường là còn tệ hơn cả ý tưởng của Chris Yop.
“Nhưng đó thực sự không phải là một ý tưởng tồi đâu,” Benny nói với chúng tôi. “Tôi nghĩ chị ấy sẽ thấy rất ấn tượng với nó cho mà xem.”
Chúng tôi bảo anh ta giải thích ý tưởng đó với chúng tôi, nhưng Jim đã bắt anh ta thề giữ bí mật cho đến khi họ nói chuyện với Joe. Họ đi vào, và đâu như Joe đã nói, “Tôi không thể nào nghĩ ra được ý tưởng này. Ý tưởng của ai vậy?”
“Của Jim,” Benny nói.
Sau khi họ rời khỏi cuộc họp đó, chúng tôi hỏi Benny xem có phải Jim đã làm lành với ông chú của anh ta không.
“Các cậu đã hỏi tôi câu đó rồi còn gì,” Jim chen vào. “Tôi đã bảo các cậu là tôi tự mình nghĩ ra những quảng cáo này.” Anh ta cho chúng tôi xem một tấm. Chúng tôi thấy nó thật là vụn vặt, đầy những thứ sao chép, và hơi thiếu độc đáo. “Nhưng mục đích chính là thế mà,” Jim lập luận. “Đó là điều khiến chúng trở nên độc đáo.” Chúng tôi đều đồng ý với nhau là không đồng ý, và ngay lập tức bắt đầu nghĩ cách tẩu thoát trước khi Jim công bố chúng.
Nhưng thật khó mà tự tách chúng tôi ra khỏi Jim bên trong phòng bệnh viện của Lynn khi anh ta thông báo rằng “chúng tôi” có một bài trình bày dành cho chị. Chính Lynn cũng phải nhìn anh ta từ cái giường mênh mông như đại dương của chị với vẻ mặt ở đâu đó giữa ngạc nhiên và ngờ vực. Tất cả chúng tôi đều nín thở vì lo sợ câu mào đầu không thích hợp nào có thể buột ra khỏi miệng Jim. Anh ta nhắc chị nhớ là dự án từ thiện đã từng yêu cầu gì ở chúng tôi - mang đến cho bệnh nhân ung thư vú điều gì đó buồn cười trong giây phút khó khăn của họ. Lần đầu tiên trong đời, anh ta không gọi nó là dự án “tự thiến[49]”.
“Và không bắt quý vị phải chờ lâu thêm nữa,” anh ta vừa nói, với vẻ khoa trương ngượng nghịu, vừa mở khóa cặp tài liệu màu đen và rút ra tấm quảng cáo đầu tiên. Chúng tôi làm gì có lựa chọn nào khác ngoài nán lại?
Từ cuối giường chị, anh ta giơ tấm quảng cáo cao lên để mọi người có thể nhìn thấy. Mỗi ý tưởng đã được dán vào tấm bảng đen với đường viền rộng năm phân làm nó nổi bật hẳn lên. “Như mọi người có thể thấy,” anh ta nói, “bức này diễn tả một hình ảnh quen thuộc về một tấm biển thường thấy treo lơ lửng trong một bệnh viện hoặc một phòng khám phụ khoa, hình một phụ nữ không rõ mặt đang tự kiểm tra ngực. Một cánh tay giơ lên trời và gập lại ở khuỷu, trong khi bàn tay của cánh tay còn lại sờ nắn ngực bên trái của cô ta.” Ai đó cười khẩy. Jim ngừng lại, khó chịu thấy rõ. “Đặt cạnh hình ảnh này,” anh ta tiếp tục, “là dòng tít ‘Cô Clairol’ nổi tiếng. ‘Cô ấy bị… hay cô ấy không bị?’ Và dòng phụ đề của chúng ta viết, ‘Một khối u nhỏ đến nỗi chỉ bác sĩ chuyên khoa ung thư của cô ấy mới biết chắc chắn’!”
Chúng tôi theo dõi mặt Lynn để tìm phản ứng nào đó. “Cho tôi xem kỹ hơn xem nào,” chị nói. Jim đưa bản quảng cáo lại cho chị. Chị cầm nó và chúng tôi cảm thấy chẳng khác gì hơn khi ngồi trong phòng chị chờ đợi chị kiểm tra và đánh giá rồi đưa ra phán quyết của mình về những bản quảng cáo thực sự.
“Cái này buồn cười đấy,” chị nói.
“Nhưng chị có cười đâu,” Jim nói.
“Tôi không bao giờ cười cả, Jim ạ,” chị trả lời. Đúng thế thật, chị không bao giờ cười. Chị chỉ nói, “Cái này buồn cười đấy.” Và thế là bạn biết rằng chị thích nó.
“Đây là bức tiếp theo,” anh ta nói, lấy ra bức quảng cáo tiếp theo từ cặp tài liệu và giữ nó trước mặt chị. “Mọi người nhận ra bức ảnh nổi tiếng này,” anh ta nói, “chụp một người đàn ông mặc toàn đồ đen, đang bám chặt vào tay vịn của chiếc ghế bành da màu đen trong khi cái loa trước mặt anh ta đang thổi bay hết tóc, rồi cà vạt, ly martini của anh ta, và cả cái chụp đèn bên cạnh anh ta nữa. Nó được lấy từ quảng cáo băng cassette Maxell cũ, chỉ có điều trong quảng cáo của chúng tôi thì cái loa âm thanh nổi đã được thay thế bằng hình của một bầu ngực khổng lồ hiện lên từ lề bên trái, mà chúng tôi scan từ một tờ Playboy cũ của Benny. Dòng tít viết, ‘Không căn bệnh nào khác lại có tỉ lệ hồi phục cao hơn.’ Từ Maxell đã được thay thế bằng từ Mammary[50] ở góc dưới cùng bên phải, và dòng chữ nhỏ viết, ‘Bị thổi bay vì sự hồi phục nhanh của bạn.’ Bức này,” Jim kết luận, “kết hợp một chút hài hước với một chút hy vọng.”
“Cho tôi xem nó nào, Jim,” chị nói. Chúng tôi theo dõi phản ứng của chi. “Tôi thích nó,” chị vừa nói vừa vỗ vỗ nó. Đó là sự hào hứng mà chúng tôi không nhìn hoặc nghe thấy kể từ khi Joe và Genevieve công bố Chàng Lở Miệng.
“Bức tiếp theo này,” Jim nói, “thể hiện hình ảnh cực cận của một người đàn ông mang khẩu trang và quần áo phẫu thuật, đang giơ lên gần mặt ông ta một con dao mổ và một cây kéo phẫu thuật. Nó là một hình ảnh không quen thuộc, nhưng ở góc phía trên bên phải chúng tôi đã đặt một logo Nike rất nhỏ,” Jim vừa nói vừa chỉ vào nó, “và chạy ngang phần dưới của trang là dòng slogan nổi tiếng ‘Just Do It’. Dòng phụ đề viết, ‘Hãy bước lên và cắt.’ Giờ tôi sẽ đọc cho mọi người phần nội dung chính,” Jim nói. “ ‘Các vận động viên ba môn phối hợp. Những người bơi vượt eo biển Anh. Những vận động viên leo núi Everest. So với người phụ nữ đang đối mặt với ca phẫu thuật ung thư vú, những tên hề đó chẳng biết gì về ý chí và lòng can đảm. Hãy nói chuyện với một người từng kiên định đối diện với thằng cha này. Cô ấy biết khó khăn vất vả là thế nào. Cô ấy biết định nghĩa của chiến thắng. Sống sót, cưng ạ. Just Do It’.”
Còn một vài bức nữa - bức quảng cáo “Bị ung thư?”, bức “Absolut Ether”, trong đó một bàn tay với những móng tay sơn dài như bộ vuốt bóp chặt lấy cổ một chai vodka hết một nửa. Jim chìa chúng qua giường và chị chăm chú nhìn kỹ từng tấm một, nghiên cứu và đọc chúng. Khi chị đọc đến quảng cáo Absolut, chị dành cho chúng tôi một nụ cười thực sự.
Chị vẫn mỉm cười khi chị cảm ơn chúng tôi. Chúng tôi chào tạm biệt. Chúng tôi chúc chị cảm thấy khỏe hơn. Ra đến ngoài hành lang, chúng tôi gặp thêm y tá và thiết bị y tế. Chúng tôi nói chúng tôi nghĩ chị thích chúng. Chúng tôi hỏi Joe xem anh ta có đồng ý không. Chúng tôi nói chúng ta đã làm được rồi, đúng không, Joe? Chúng ta đã làm được rồi phải không? Chúng tôi bước cùng nhau dọc hành lang. Chúng tôi nhét đầy vào một gian thang máy đi xuống.
“Anh có thực sự nghĩ là chị ấy thích những quảng cáo đó không, Joe?” Marcia hỏi. “Hay là anh nghĩ chị ấy cười vì chúng mới ghê sợ làm sao?”
“Ê!” Jim kêu lên.
“Xin lỗi, Jim, không có ý xúc phạm anh đâu. Tôi chỉ chợt nghĩ là chúng thật ghê sợ,” cô ta nói. “Đó không phải lỗi của anh, anh làm tốt hơn bất kỳ ai trong chúng ta. Tôi chỉ đang nói rằng đó là một nhiệm vụ bất khả thi.”
Chúng tôi trở nên tư lự và lặng lẽ trong phần còn lại của hành trình đi xuống. Khi chúng tôi xuống đến tầng sảnh, có một chút chậm trễ trước khi cánh cửa mở ra, và đó là khi Genevieve phá vỡ sự im lặng.
“Có thể không phải chị ấy mỉm cười vì những bức quảng cáo,” cô nói. “Có thể chị ấy mỉm cười vì chúng ta. Điều chúng ta đã làm.”
“Vì đó là một cử chỉ đẹp,” Marcia nói.
“Hoặc có thể,” Jim nói, với sự tự tin chẳng giống anh ta tí nào, “là các cậu chẳng biết quái gì về quảng cáo cả.”
Khi, một tuần sau đó, họ cho Jim Jackers nghỉ việc, chúng tôi nói họ nhấc bổng anh ta ra khỏi ghế của mình bằng cách nắm lấy khuy thắt lưng giữa chiếc quần jean của anh ta và ném anh ta khỏi tòa nhà. Chúng tôi nói anh ta bay ba bậc một lúc cho đến khi hạ cánh xuống lề đường, nơi anh ta tự đứng lên kiểm tra xem có máu ở trán không. Sau đó, chúng tôi nói, anh ta thu dọn đống phế thải vô tích sự của mình, vốn đã tung tóe khắp nơi trong cú lao như có cánh quạt đẩy của anh ta xuống hè phố. Jim không phải là người ra đi mà không mang theo một chiếc hộp.
Khi tiếp theo họ nhắm đến Amber, một vài tuần sau đó, chúng tôi nói cô ta bị liệng vào cái cột đèn đường bên ngoài tòa nhà mà không thèm đếm xỉa gì đến đứa con chưa chào đời của cô ta. Chúng tôi vừa mới quay về từ bữa trưa ở quán T.G.I. Friday’s khi cô ta nhận được tin. Chính trong bữa trưa đó chúng tôi đã tặng cô ta những thứ mà chúng tôi mua cho đứa bé - một túi bỉm, một cái xe đẩy - tất cả những thứ đó bị lẳng ra ngoài cùng cô ta. Cô ta nằm loay hoay cố gắng hồi lại, đầu chếnh choáng, trên nền xi măng ướt dưới một cơn mưa nhẹ mùa hè. Chúng tôi nói những người đi qua cúi xuống nhìn cảnh tượng đó mà không chịu giúp đỡ, và chúng tôi hình dung ra cảnh một gã ma cà bông với chiếc cốc Dunkin’ Donuts cúi xuống chiếc xe đẩy, mở nó ra và đẩy nó đi cùng gã[51].
Chúng tôi nói Don Blattner bị dúi cắm đầu vào cửa sổ một chiếc taxi đang đỗ với lực mạnh đến nỗi anh ta xoay tít 180 độ, mắt đảo mấy lần liền, rồi đổ gục xuống giữa chiếc xe và vệ đường. Anh ta vật ra, đầu đập xuống như một quả dưa nặng nề, và xuất hiện trong mắt tất cả người qua kẻ lại như một gã say ngủ quên trời đất. Chúng tôi nói những tấm poster phim đã từng tô điểm cho phòng làm việc của anh ta bị tháo xuống và liệng vào cái đầu đang đổ gục của anh ta. Phần lớn trong số đó trúng vào chiếc xe và rách tan, nhưng một số tấm rơi xuống, và các vết thương bắt đầu chảy máu. Thêm những đồ lưu niệm điện ảnh - những nhân vật hành động, những bản Vanity Fair cũ - được vứt lên thân hình sõng sượt của anh ta. Cuối cùng, chúng tôi nói, Don được hót đi bởi nhân viên thành phố.
Thật là sung sướng và vui thú sau khi họ đã đi khỏi. Dễ dàng cười cợt họ hơn là dành chút ít thời gian nào băn khoăn về việc làm sao Amber có thể tìm được công việc mới trước khi đứa bé chào đời, hoặc người ta mới bất công làm sao khi cho cô ta nghỉ mà lại giữ Larry làm tiếp. Dễ trêu chọc hơn là cảm thấy thương hại cho Jim, người đã là chú tiểu đồng ăn đòn thay của tất cả mọi người trong suốt một thời gian dài đến nỗi chúng tôi chẳng còn lại gì sau sự ra đi của anh ta ngoài những ký ức đáng ghét về những lời nhận xét nghiệt ngã và cay độc của chúng tôi. Không ai trong chúng tôi quan tâm đến việc gọi lại niềm khoái trá mà chúng tôi đã có từ anh ta vì sợ biết đâu bây giờ tiếng cười của chúng tôi sẽ tắc lại trong cổ họng.
Thực ra, khi nghe nói Jim bị cho nghỉ việc chúng tôi đã đi xuống ngăn của anh ta, khổ sở với niềm hạnh phúc rằng anh ta đã bị chọn thay cho chúng tôi. Tất cả những người từng nói anh ta không ra gì lúc này hay lúc khác đều có mặt ở đó để bày tỏ niềm thông cảm. Phản ứng của Jim vừa vênh vang vừa đáng thương hại. Khi mọi người chìa tay ra nói với anh ta rằng họ vô cùng lấy làm tiếc, anh ta gật đầu, mỉm cười và nói, “Cảm ơn”, cứ như thể anh ta vừa mới được trao danh hiệu Nhân viên của tháng. Anh ta hầu như còn tỏ ra rất lấy làm thích thú, điều này có vẻ kỳ cục nhưng về sau mới thấy là hợp lý, bởi vì có lẽ đó là lần duy nhất trong toàn bộ quãng thời gian làm việc của anh ta mà lại có nhiều người đến thế vây quanh anh ta với sự đồng tình ủng hộ rộng rãi thay vì sự chế nhạo hoặc khinh thị. Anh ta không vạch trần ra sự đạo đức giả hoặc tìm cách ăn miếng trả miếng. Anh ta đẫm mình trong sự chú ý với niềm lạc thú mà anh ta xứng đáng hưởng, kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ được cho phép lên thành bốn mươi lăm phút cho đến khi Roland, người vẫn đứng dựa vào tường như bác ta đã làm với Marcia, cuối cùng cũng bảo Jim rằng anh ta thực sự phải ra khỏi tòa nhà. Thế là Jim nói nốt những lời tạm biệt cuối cùng và bắt tay vài người rồi đi khỏi với cái hộp của anh ta, không bao giờ quay lại nữa.
Mọi chuyện khác hẳn với Benny. Doanh thu đang sụt giảm ở mọi bộ phận. Giá cổ phiếu thì rơi tự do. Chúng tôi sắp sửa tỉnh khỏi cả thập kỷ mơ mộng trong ngần. Benny phải gọi bố anh ta đánh xe đến, anh ta có quá nhiều đồ phế thải vô tích sự trong phòng làm việc của mình.
“Roland,” anh ta nói, “bác ngồi xuống đi. Chuyện này có thể mất một lúc lâu đấy.”
“Cậu biết là tôi phải đứng mà, Benny.”
“Thế họ nghĩ là tôi sẽ làm gì chứ, Roland? Đâm bác bằng một chiếc bút đánh dấu à?”
“Họ không thể mạo hiểm nữa sau vụ việc vừa qua,” Roland cố giải thích đến cả lần thứ một trăm. “Tôi thậm chí còn không được phép nói chuyện.”
“Tôi cá là tôi có thể làm cho bác phải nói chuyện.”
Chẳng mấy chốc Benny và Roland đã nói chuyện về việc Benny có thể làm cho bác Roland nói chuyện hay không, cho đến khi Roland, tự mình rơi vào chiếc bẫy của Benny, nói, “Xin cậu đấy, Benny, tôi chỉ đang cố làm công việc của mình.”
“Thôi nào, bác,” Benny nói. “Tôi cứ tưởng bác với tôi là bạn chứ?”
“Thế cậu tưởng chuyện này dễ dàng với tôi sao?” người đàn ông lớn tuổi nói.
Khi cuối cùng bố Benny cũng đến, ba người đàn ông phải mất đến bốn chuyến đi xuống bằng thang máy chở đồ. Benny có nhiều thứ trong phòng làm việc của anh ta đến nỗi giống như là anh ta đang dọn khỏi cả một căn hộ. Nếu như một nỗi buồn chung chung xâm chiếm lấy chúng tôi khi Marcia và Amber rồi Jim bị cho nghỉ, thì một tấm vải liệm thực sự đã trùm lên các hành lang trong giờ phút cuối cùng của Benny. Bây giờ ai sẽ là người kể chuyện mua vui cho chúng tôi? Biết lấy phòng của ai để chúng tôi vào mà tâm sự, tán dóc, lượn lờ qua ngày? Và bây giờ thì còn ai, khi mà Paulette Singletary cũng đã đi khỏi, để chúng tôi có thể chỉ vào và nhất trí rằng có một người đứng cao hơn những người còn lại cả một cái đầu? Thói ba hoa và tính hòa nhã tự nhiên - đó là bản chất chủ nghĩa anh hùng của những câu chuyện phiếm chúng tôi chia sẻ trong quãng thời gian thơ ngây đó, và khi họ lấy Benny đi, họ lấy đi người anh hùng của chúng tôi.
Sau đó chúng tôi rơi vào tình trạng cãi cọ và hục hặc thậm chí còn tồi tệ hơn. Không cần nói cũng biết, mấy cha nước uống có caffein đã tìm đến một công ty khác, và cánh sản xuất giày chạy cuối cùng đã ở lại với công ty ban đầu của họ. Không có hợp đồng mới khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Những công việc ít ỏi còn lại thì chẳng bao giờ có gì là vui thú. Suốt cả mùa hè đó không ai tận hưởng thành phố hoặc cái hồ ngay cạnh để dạo bộ thư thả trong một tiếng đồng hồ ăn trưa vì chúng tôi còn quá vật vã với việc phỏng đoán xem tình hình đã trở nên đen tối đến mức độ nào và ai sẽ là người tiếp theo phải ra đi. Chúng tôi không thể tận hưởng điều gì khác ngoài trò đồn đại nhạt nhẽo của chính mình. Những câu chuyện không bao giờ vượt quá phạm vi những bức tường, những bức tường đang khép lại quanh chúng tôi, và chúng tôi không thể ghi nhận được những gì đang diễn ra bên ngoài chúng. Một chủ đề - đó là tất cả những gì chúng tôi biết, và nó thống trị mọi cuộc trò chuyện. Chúng tôi rơi vào nó một cách bất lực, giống như những kẻ si tình bị ruồng rẫy chỉ biết một chủ đề, giống như những kẻ tầm thường không bao giờ vượt qua khỏi ranh giới đáng thương trong cuộc đời của họ. Đó là một quãng thời gian gào thét, vật vã, điên cuồng, và là bầu không khí độc địa nhất người ta từng trải qua - ấy thế mà chúng tôi không muốn gì hơn là được ở trong nó mãi mãi. Trong tuần cuối cùng của tháng Tám năm 2001, và trong mười ngày đầu tiên của cái tháng Chín đó, số bị đuổi việc còn nhiều hơn tất cả các tháng trước đó. Nhưng nhờ ơn phước của Chúa, những người còn lại trong chúng tôi vẫn trụ được, căm ghét lẫn nhau hơn cả mức chúng tôi từng nghĩ có thể căm ghét. Rồi chúng tôi đi đến chót cùng của một mùa hè tươi sáng và yên ả khác.