Từ Bờ Bên Kia - Chương 09
Bức thư thứ nhất
Chỉ có động cơ không thôi, dù nó có đầy đủ đến đâu đi nữa, thì cũng không thể thành hiện thực được, nếu thiếu phương tiện đầy đủ.
JEREMY BENTHAM
(Thư gửi Alexander I)
Chúng ta quan tâm cùng một vấn đề. Mà là một vấn đề nghiêm trọng và hiện hữu trong trình tự lịch sử. Mọi thứ khác - hoặc là những sức mạnh đang lớn lên của nó... hoặc là những căn bệnh đi kèm theo sự phát triển của nó, tức là những đau đớn phải chịu của một cơ thể mới, hoàn hảo hơn, đang hình thành nên từ những hình thức chật hẹp và đã lỗi thời, trong khi cố bắt chúng thích ứng với những nhu cầu cao hơn. Lời giải đáp chung cuộc của chúng ta là như nhau, vấn đề [bất đồng] giữa chúng ta hoàn toàn không phải ở nhũng khởi nguyên và lí thuyết khác nhau, mà ở những phương pháp và sự thực hành khác nhau, ở sự đánh giá các lực lượng, các phương tiện, thời gian, ở sự đánh giá chất liệu lịch sử. Những thử thách nặng nề từ năm 1848 đã ảnh hưởng lên chúng ta. Anh phần nhiều cũng vẫn như trước đây, cuộc sống đã đày đọa anh ghê gớm - tôi chỉ bị giẫm đạp đôi chút, thế nhưng anh thì ở xa, còn tôi lại ở ngay sát đó. Tuy nhiên, nếu tôi đã thay đổi - thì anh nên nhớ rằng, mọi sự đã thay đổi.
Vấn đề kinh tế-xã hội giờ đây đã trở nên khác với hai mươi năm về trước. Nó đã vượt qua tuổi niên thiếu mang tính tôn giáo và lí tưởng của mình - cũng như đã vượt qua tuổi tác của những thí nghiệm gượng ép và trải nghiệm ít ỏi, chính cái thời kì ca thán, chống đối, đơn thuần phê phán và vạch mặt đang gần đi đến kết thúc. Dấu hiệu vĩ đại cho sự trưởng thành của nó là ở đây. Nó đang hiện ra trước mắt, nhưng còn chưa đạt tới - không phải chỉ vì những trở ngại bên ngoài, không phải chỉ vì có sự kháng cự lại, mà còn vì những nguyên nhân nội tại. Thiểu số tiến lên phía trước, nhưng chưa đạt được những chân lí rõ ràng, chưa có được những con đường thực tiễn, chưa có được những công thức đầy đủ của sinh hoạt kinh tế tương lai. Đa số - là bộ phận đau khổ nhất - thì một bộ phận của họ (những công nhân thành thị) đang cố thoát ra, nhưng bị giữ lại bởi thế giới quan truyền thống xưa cũ của bộ phận đông người hơn. Không thể đạt được tri thức và sự thấu hiểu bằng cuộc đảo chính[207] hay trò liều mạng[208] nào cả.
Sự chậm chạp, rối rắm của chuyển động lịch sử khiến chúng ta ngột ngạt và tức giận, khiến chúng ta không thể chịu nổi, và nhiều người trong chúng ta đang thay đổi trí óc của chính mình, vội vàng và giục giã những người khác. Chuyện này có tốt hay không? Đó chính là vấn đề.
Liệu có nên dùng những cú hích gây nhiễu loạn nhằm mục đích đẩy nhanh sự vận động nội tại, là sự vận động hiển nhiên? Chắc chắn bà đỡ phải đẩy nhanh, tạo thuận lợi, khắc phục những trở ngại, nhưng chỉ trong những giới hạn nhất định - những giới hạn ấy khó mà xác định được, nhưng vượt quá chúng thì thật kinh khủng. Để làm chuyện này [như bà đỡ], ngoài sự quên mình hợp logic, còn cần đến sự tinh tế và tài ứng tấu đầy hứng khởi. Hơn thế nữa, không phải sự vận động ở mọi nơi đều như nhau - và các giới hạn cũng vậy.
Piôt I, Hội nghị Quốc ước đã dạy chúng ta bước đi bằng những đôi hia bảy dặm, bước từ tháng thứ nhất mang thai sang tháng thứ chín và bẻ gãy mọi thứ gặp trên đường, không phân biệt là thứ gì. Khát vọng phá hủy là khát vọng sáng tạo[209] - và tiến lên đi theo vị thần linh-hủy diệt không ai biết, vấp phải báu vật bị vỡ nát - lẫn lộn với đủ thứ rác rưởi.
... Chúng ta đã nhìn thấy ví dụ kinh khủng của cuộc nổi dậy đẫm máu, vào giây phút tuyệt vọng và căm giận tràn xuống quảng trường, rồi chợt tỉnh ra trên chiến lũy, thấy mình không có lá cờ.[210] Thế giới bảo thủ, đoàn kết thành một khối, đã đánh thắng nó - và hậu quả của chuyện này chính là thoái trào phải thấy trước được - thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chiến thắng ở phía những chiến lũy? - hai mươi năm qua các chiến sĩ đầy oai nghiêm đã nói ra hết những gì ở trong lòng mình chưa?... Chúng ta chẳng tìm thấy được một ý tưởng xây dựng hữu cơ nào trong di huấn của họ cả, còn những sai lầm kinh tế thì không như các sai lầm chính trị, chúng trực tiếp đưa sự phá sản, trì trệ và cái chết vì đói trở nên trầm trọng hơn.
Thời đại hiện nay - chính là thời kì nghiên cứu triệt để, là thứ nghiên cứu phải đi trước công việc thực hiện, giống như lí thuyết hơi nước đã đi trước đường sắt. Trước đây người ta đã muốn chiếm lĩnh bằng cách đưa ngực ra, bằng nhiệt tình, bằng sự dũng cảm và đã xông lên thật uổng công, trông vào may rủi - chúng ta sẽ không cầu may nữa.
Chúng ta đang nhìn thấy rõ ràng là mọi chuyện không thể diễn ra như đã từng diễn ra, tựa như là sự cáo chung của vương quốc tư bản độc tôn và quyền tư hữu đương nhiên đã đến, giống như sự cáo chung của vương quốc phong kiến và quý tộc. Cũng như trước năm 1789, sự tan rã của thế giới trung cổ bắt đầu từ ý thức về sự ép buộc tầng lớp trung lưu phải phục tùng một cách bất công, thì hiện nay, cuộc biến chuyển kinh tế bắt đầu bằng ý thức về sự lừa dối xã hội đối với các công nhân. Cũng như hồi ấy, sự ngoan cố và suy đồi của giới quý tộc đã góp phần giúp cho cái chết của chính họ, thì ngày nay, tầng lớp tư sản ngoan cố và đồi bại đang tự lôi mình xuống mồ.
Tuy nhiên, cách đặt vấn đề chung không đem lại những con đường, các phương tiện cũng như một môi trường đầy đủ. Không thể bằng bạo lực mà giành lấy được. Bị phá hoại bằng thuốc súng, thì khi khói súng tan đi và các đống đổ nát được dọn sạch rồi, toàn thế giới tư sản sẽ lại bắt đầu một thế giới tư sản nào đó với những biến đổi khác nhau. Vì rằng ở bên trong còn chưa kết thúc và còn bởi vì cái thế giới xây dựng, cái tổ chức mới, tất cả vẫn còn chưa sẵn sàng để có thể thực thi được việc thay thế [cho cái cũ]. Chưa có một cơ sở nào trong những cơ sở mà trật tự đương đại đang dựa trên chúng, trong những cơ sở cần phải sụp đổ và tái tạo lại, đã bắt đầu rệu rã đến mức để có thể dùng sức mạnh nhổ đi, loại khỏi đời sống. Nhà nước, giáo hội, quân đội bị phủ định về mặt logic cũng hệt như nền thần học, siêu hình học và các thứ khác. Ở trong một giới khoa học nhất định, chúng đã bị lên án, nhưng ở bên ngoài những bức tường hàn lâm, chúng vẫn nắm được tất cả những sức mạnh đạo đức.
Hãy để cho mỗi người trung thực tự hỏi mình, liệu anh ta đã sẵn sàng chưa. Anh ta đã hình dung được thật rõ ràng chưa về sự tổ chức mới mẻ, mà chúng ta đang đi tới như những lí tưởng chung - sở hữu tập thể và tình đoàn kết, - và liệu anh ta có biết rõ quá trình (ngoài chuyện đập phá đơn thuần), mà qua đó sẽ thực hiện việc biến đổi các hình thức cũ thành những tổ chức mới mẻ hay không? Và nếu như bản thân anh ta đã tự mình thỏa mãn thì hãy để anh ta nói xem cái môi trường mà theo vị thế sẽ phải lao vào công cuộc trước tiên, liệu đã sẵn sàng chưa.
Tri thức là không thể bác bỏ được - thế nhưng tri thức không có được các phương tiện bắt buộc - việc chữa khỏi những định kiến là chậm chạp, có những giai đoạn thăng trầm và những cuộc khủng hoảng của nó. Bằng bạo lực và khủng bố mà các tôn giáo và nền chính trị lan truyền đi, mà các đế chế và các nền cộng hòa toàn vẹn được thiết lập, bằng bạo lực có thể phá hủy và dọn sạch chỗ - nhưng không làm hơn thế được. Cuộc biến chuyển xã hội theo kiểu Piôt-vĩ-đại không đi xa hơn sự bình đẳng như tù khổ sai của Gracchus Babeuf và chế độ lao dịch cộng sản của Cabet. Những hình thức mới mẻ phải bao quát được mọi thứ và chứa đựng trong nó tất cả các yếu tố của hoạt động đương đại và mọi khát vọng nhân bản. Từ thế giới hiện nay không thể tạo ra một [nhà nước] Sparta hay một tu viện dòng Benedict. Cuộc biến chuyển sắp tới không bóp nghẹt những hiện tượng tự nhiên này vì những hiện tượng tự nhiên kia, mà biết điều hòa hết thảy - hướng tới lợi ích chung (như những đệ tử của Fourier đã mơ tưởng về các khát vọng).[211]
Cuộc biến chuyển kinh tế có ưu thế rất lớn so với tất cả các cuộc cách mạng tôn giáo và chính trị - ưu thế ở trong sự tỉnh táo cơ sở của nó. Những con đường đi của nó cũng phải như vậy - đối xử với các dữ liệu cũng phải như thế. Trong chừng mực nó lớn dần lên từ tình trạng đau khổ và bất bình không xác định, nó sẽ tự nhiên đứng trên nền tảng hiện thực. Trong khi đó tất cả các cuộc biến chuyển khác luôn đặt một chân ở trong các tưởng tượng, chủ nghĩa thần bí, những niềm tin và định kiến không được biện minh như lòng ái quốc, tính pháp lí v.v.
Các vấn đề kinh tế phải theo các quy luật toán học. Dĩ nhiên, quy luật toán học, giống như mọi quy luật khoa học, tự thân nó mang tính chứng minh và không cần tới cả sự biện chính thường nghiệm lẫn biểu quyết đa số. Nhưng để ứng dụng, thì khía cạnh thường nghiệm và tất cả các điều kiện ngoại tại cho sự thực hiện là những vấn đề hàng đầu. "Động cơ có thể đúng đắn, nhưng không có các phương tiện đầy đủ thì không thể thực hiện được". Tất cả những điều này muốn được chấp nhận trong mọi công cuộc của con người và trong mọi công việc có ý nghĩa như xây dựng lại, thì nó phải có được những con người linh hoạt rất mẫn cảm. Có nhà cơ học nào mà không biết rằng các tính toán, công thức của anh ta sẽ không chuyển thành hiện thực, chừng nào mà trong hàng loạt các hiện tượng dính dáng đến chúng vẫn còn có những nhân tố không tuân theo, xa lạ hay phụ thuộc vào những quy luật khác. Đa phần trong thế giới vật lí những yếu tố gây nhiễu loạn ấy không phức tạp lắm và dễ dàng chế ngự được, như trọng lượng của dây treo con lắc, độ đàn hồi của môi trường mà con lắc chuyển động trong đó v.v. Trong thế giới của sự phát triển lịch sử thì không đơn giản như thế. Những quá trình trưởng thành xã hội, những lệch lạc và sai chệch của chúng, những kết quả sau cùng của chúng đan quyện chằng chịt với nhau, ăn sâu vào trong ý thức nhân dân, đến nỗi việc tiến công vào nó thật chẳng dễ dàng chút nào, nên cần phải rất cẩn trọng đôi với chúng - và chỉ bằng một cuốn sổ ghi quyết nghị phủ định, ban hành như "mệnh lệnh cho đạo quân xã hội" thì sẽ chẳng đạt được kết quả gì ngoài chuyện lộn xộn rối mù lên.
Chống lại những giáo điều giả trá, chống lại những niềm tin, dù chúng có điên rồ đến đâu đi nữa, không thể chỉ bằng một sự phủ định đơn thuần mà đấu tranh với chúng được, dù có thông minh đến mấy, - cứ nói "đừng tin!" thì cũng là kiểu nói quyền uy, thực chất cũng vô lối giống như nói "hãy tin!". Trật tự cũ là thứ vững chắc bằng sự thừa nhận nó hơn là bằng sức mạnh vật chất nâng đỡ nó. Điều này sáng tỏ hơn hết ở những nơi mà nó chẳng có sức mạnh đàn áp cũng như sức mạnh bắt buộc nào cả, ở những nơi nó yên vị vững chắc dựa trên lương tâm tự do, dựa trên sự thiếu phát triển trí tuệ và sự chưa chín muồi của các quan điểm mới,[212] như ở Thụy Sĩ và Anh.
Ý thức của nhân dân, như nó đã được tác thành, là tác phẩm tự nó hình thành nên, vô trách nhiệm, thô mộc, từ các nỗ lực, các mưu toan, các biến cố khác nhau, những thành công và những thất bại của cuộc nhân sinh chung, từ những bản năng và xung đột khác nhau - cần phải tiếp nhận nó như một sự kiện tự nhiên và đấu tranh với nó, như chúng ta vẫn đấu tranh với mọi thứ vô ý thức - nghiên cứu nó, chiếm lĩnh nó và hướng dẫn các phương tiện của nó cho phù hợp với mục tiêu của chúng ta.
Không ai có lỗi trong những điều xằng bậy xã hội của sinh hoạt đương đại và không ai có thể bị xử tử với tính công bằng nhiều hơn là eo biển đã bị Hoàng đế Ba Tư đánh đòn,[213] hay cái chuông của đại hội thị dân nước Nga cổ bị Ivan Hung đế trừng phạt. Nói chung buộc tội, trừng phạt, xử chém - tất cả những thứ ấy trở nên thấp kém hơn sự hiểu biết của chúng ta. Cần phải xem xét đơn giản hơn, có tính giải phẫu sinh lí học hơn và đoạn tuyệt hẳn với quan điểm hình sự, thế nhưng không may là quan điểm ấy vẫn bộc lộ ra, gây khó khăn cho sự thấu hiểu, đưa thêm những khát vọng cá nhân vào công việc chung và xếp đặt lại sai lệch các sự kiện tự nhiên, biến chúng thành một âm mưu. Tư hữu, gia đình, giáo hội, nhà nước đã từng là những hình thức giáo dục to lớn để giải phóng và phát triển con người - chúng ta đang thoát ra khỏi chúng do chúng không còn cần thiết nữa.
Trút trách nhiệm trong quá khứ và hiện tại lên các đại biểu cuối cùng của "sự sai trái trước đây" đang biến thành "sự sai trái hiện tại", là việc cũng thật phi lí và bất công giống như xử tử các vị hầu tước Pháp vì họ không là những người Jacobin, và [hiện nay thì] còn tệ hại hơn nữa - bởi vì chúng ta không có được sự tự biện minh như những người Jacobin - ấy là niềm tin ngây thơ vào lẽ phải và quyền của mình. Chúng ta đang thay đổi những khởi nguyên cơ bản trong quan điểm của chúng ta, trong khi lên án nhiều giai tầng thì đồng thời chúng ta cũng bác bỏ trách nhiệm hình sự của cá nhân riêng lẻ. Ấy là nhân tiện nói thêm để sau này khỏi phải nhắc lại nữa.
Những cuộc biến chuyển trước kia đã thực hiện trong những buổi hoàng hôn, đã đĩ lạc lối, đã thoái lui về phía sau, đã vấp ngã... và do không có sự rõ ràng từ bên trong nên đã đòi hỏi nhiều thứ không đâu, những niềm tin và gương anh hùng khác nhau, vô số những phẩm hạnh cao cả, chủ nghĩa anh hùng, lòng kính tín. Cuộc biến chuyển xã hội không cần gì hết, ngoài sự thấu hiểu và sức mạnh, tri thức và các phương tiện.
Thế nhưng sự thấu hiểu có mối ràng buộc kinh khủng. Nó có những day dứt trí tuệ đầy ám ảnh và những trách móc logic rất khe khắt.
Chừng nào ý tưởng xã hội còn chưa thật xác định, những người rao giảng ý tưởng ấy - chính những kẻ cuồng tín - phải nhờ đến khát vọng và trí tưởng tượng không ít hơn trí tuệ. Họ đã đe dọa những kẻ tư hữu bằng sự trừng phạt và phá sản, bôi nhọ và làm nhục những người này bằng sự giàu sang, lôi kéo những người ấy chịu cảnh nghèo khó tự nguyện bằng bức tranh đầy đau khổ (Một cách lôi kéo về phía mình[214] thật kì quặc - phải không nào.). Chủ nghĩa xã hội đã trưởng thành lên từ những phương tiện ấy. Không phải là chuyện phải chứng minh cho những kẻ tư hữu và bọn tư bản thấy rằng sự chiếm đoạt của họ là tội lỗi, vô đạo đức và bất hợp pháp (là những khái niệm lấy từ thế giới quan hoàn toàn khác với chúng ta), mà là chuyện sự độc quyền đương đại của họ là điều xằng bậy có hại và đã bị vạch trần, và cần đến những chống đỡ to lớn để không sụp đổ, rằng những người vô sản đã nhận thức được điều xằng bậy ấy, do đó mà nó đã trở thành bất khả dĩ. Phải chứng minh cho họ thấy rằng đấu tranh chống lại điều không thể chống lại, chính là sự hao phí sức lực vô nghĩa, càng ngoan cố thì cuộc đấu tranh càng kéo dài, nên sẽ càng thêm nhiều mất mát và hi sinh lớn lao. Cần phải lay động sự cứng rắn của tư hữu và tư bản bằng sự tính toán, bằng hạch toán kĩ càng, bằng sự cân bằng rõ ràng giữa bên nợ và bên cho vay. Một kẻ keo kiệt tuyệt vọng nhất cũng không muốn chết chìm cùng với toàn bộ hàng hóa, nếu như có thể cứu được một phần của cải và bản thân mình bằng cách lao sang mạn thuyền khác. Để đạt được điều này cần phải làm sao cho mối nguy cũng thật hiển nhiên đối với anh ta, giống như là khả năng được cứu thoát.
Trật tự mới được đưa vào phải không những là thanh gươm chém, mà còn là sức mạnh bảo hộ. Trong khi giáng đòn đánh vào thế giới cũ, trật tự mới ấy không những phải cứu lấy mọi thứ xứng đáng được cứu, mà còn phải để lại cho số phận [tự quyết định] tất cả những gì không gây cản trở, đa dạng, độc đáo. Nguy khốn thay cho một cuộc biến chuyển nghèo nàn về tinh thần và khô héo về ý nghĩa nghệ thuật, cái thứ biến chuyển mà từ tất cả gia tài cuộc sống trước đây chỉ tạo nên một công xưởng tẻ nhạt, có lợi ích duy nhất trong việc nuôi ăn và chỉ nuôi ăn mà thôi.
Thế nhưng chuyện ấy sẽ không xảy ra. Loài người ở mọi thời đại, ngay cả vào những thời kì tồi tệ nhất, luôn chứng tỏ được tiềm năng[215] của mình - luôn có nhiều nhu cầu hơn và luôn có nhiều sức mạnh hơn là chỉ đủ để sống sót, - sự phát triển không làm thui chột tiềm năng ấy. Có những thứ quý giá đối với con người mà người ta quyết không nhượng bộ, và là những thứ chỉ có thể dùng bạo lực chuyên chế để giật khỏi tay người ta thôi, mà cũng chỉ có thể làm vào giây phút nóng nảy và trong lúc tai biến thảm họa mà thôi.
Và có ai dám nói mà không thấy mình cực kì vô lí, rằng trong quá khứ xa xưa cũng như mới đây, chẳng hề có nhiều thứ thật tuyệt vời và những thứ ấy phải tiêu vong cùng với con tàu cũ kĩ.
Nice, 15 tháng 01 năm 1869