Từ Bờ Bên Kia - Chương 08

VIII

DONOZO CORTES, HẦU TƯỚC VALDEGAMAS, VÀ JULIANUS, HOÀNG ĐẾ LA MÃ

Các nhà bảo thủ có mắt, chỉ có điều họ không nhìn thấy. Hoài nghi nhiều hơn cả tông đồ Thomas, họ lấy tay sờ vết thuơng và không tin vào nó.[188]

Bọn họ nói: "Thấy chưa, những kết quả kinh khủng của bệnh hoại thu xã hội, đấy là tinh thần phủ định thổi sự tan rã vào, đấy là quỷ dữ cách mạng đã làm rung chuyển những nền tảng cuối cùng của tòa nhà vĩnh cửu Nhà nước... các vị thấy đó, thế giới của chúng ta đang bị hủy hoại, tiêu vong, kéo theo cả nền giáo dục, các định chế, tất cả những gì thế giới đã tạo nên... hãy nhìn xem, một chân của thế giới đã đặt ở dưới mồ rồi".

Rồi sau đó họ kết luận: "Chúng ta hãy tăng gấp đôi sức mạnh của chính phủ bằng quân đội, hãy đưa mọi người trở lại với những đức tin mà nay họ đã không còn giữ nữa, vấn đề là sự cứu rỗi toàn bộ thế giới".

Cứu rỗi thế giới - bằng các hồi ức, bằng bạo lực! Thế giới đang được cứu rỗi bằng "tin mừng", chứ không phải bằng tôn giáo hâm nóng lại; thế giới được cứu rỗi bằng lời nói, chứa đựng trong đó mầm mống của thế giới mới, chứ không phải bằng sự phục sinh cái xưa cũ từ cõi chết.

Có phải là sự ngoan cố, sự thiếu hiểu biết, hay là nỗi sợ hãi trước tương lai đen tối, làm cho họ bối rối đến nỗi họ chỉ nhìn thấy cái đang tiêu vong, chỉ quyến luyến với quá khứ, chỉ dựa vào những đổ nát hay những bức tường sắp sập xuống rồi chăng? Một sự hỗn độn biết bao, một sự thiếu nhất quán biết bao trong việc hiểu biết con người đương đại!

Ít nhất thì trong quá khứ cũng đã có được một sự thống nhất nào đó, sự mất trí có tính dịch bệnh, và người ta đã ít để ý đến nó, toàn bộ thế giới đã nhầm lẫn, đã có chung những dự liệu, phần nhiều thật phi lí, nhưng được tất cả mọi người chấp nhận. Thời bây giờ hoàn toàn khác; những thành kiến của thế giới La Mã ở bên cạnh những thành kiến của các thế kỉ trung đại, kinh thánh và môn kinh tế-chính trị học, Loyola[189] và Voltaire, chủ nghĩa duy tâm trên lời nói, chủ nghĩa duy vật trên thực tế; nền đạo đức trừu tượng theo lối văn hoa mĩ và hành vi hoàn toàn trái ngược lại với nó. Cái đống khái niệm hổ lốn ấy sống thích nghi được trong đầu óc chúng ta một cách vô trật tự. Đến tuổi trưởng thành, chúng ta lại quá bận rộn, quá lười nhác, mà cũng có thể là quá hèn nhát để phán xét thật nghiêm chỉnh những điều răn đạo đức của chúng ta, - chuyện vẫn cứ như vậy trong buổi hoàng hôn.

Việc pha trộn các khái niệm như thế không ở đâu xa hơn là ở nước Pháp. Người Pháp nói chung thiếu giáo dục về triết học; họ nắm vững các kết luận, nhưng nắm chúng theo một chiều, các kết luận của họ phân tán rời rạc, thiếu một sự thống nhất gắn bó chúng lại, thậm chí thiếu cả việc quy chúng về một cấp độ. Do vậy mà họ mâu thuẫn ở từng bước một. Do vậy mà nói chuyện với họ cứ phải quay về những khởi nguyên được biết từ thời thật xa xưa, và phải nhắc lại những chân lí đã nói ra bởi Spinoza hay Bacon như là những điều mới mẻ.

Vì họ nắm những kết luận thiếu gốc rễ, cho nên chẳng có gì khả quan, trọn vẹn được họ tiếp thu... cả trong khoa học, cả trong cuộc sống... trọn vẹn trong ý nghĩa như trọn vẹn của bốn phép tính số học, của một số khởi nguyên mang tính khoa học ở Đức, của một số khởi nguyên pháp luật ở Anh. Phần nào ở đây có nguyên nhân ở tính dễ thay đổi và chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác, là chuyện khiến chúng ta ngạc nhiên. Thế hệ các nhà cách mạng - biến thành những nhà chuyên chế; sau hàng loạt các cuộc cách mạng, người ta lại phải hỏi rằng, liệu có nên thừa nhận quyền con người hay không, liệu có thể kết án ở ngoài các hình thức pháp luật hay không, liệu có phải chịu đựng việc tự do đọc sách hay không? ... Từ những câu hỏi cứ quay trở lại mãi, sau mỗi chấn động, chúng ta thấy rõ ràng là thực ra chưa có gì được thảo luận, chưa có gì được chấp nhận cả.

Trong khoa học, Cousin đã cho cái mớ bòng bong đó một tổ chức có hệ thống với danh xưng chiết trung (tức là một chút điều tốt)[190]. Trong cuộc sống, hệ thống ấy đều có cả ở những người cấp tiến và cả ở những người theo chính thống, đặc biệt là ở những người ôn hòa, tức là những người không biết rõ cả chuyện mình muốn cái gì lẫn chuyện mình không muốn cái gì.

Tất cả những tờ báo bảo hoàng và Thiên Chúa giáo đều không ngớt đồng thanh ca ngợi diễn văn của Donozo Cortes phát biêu tại Madrid trong phiên họp của bè lũ Cortes[191]. Diễn văn ấy quả thực tuyệt diệu về nhiều mặt. Donozo Cortes đã đánh giá đặc biệt chính xác tình thế kinh khủng của các nhà nước châu Âu hiện tại, ông ta hiểu được rằng các nhà nước ấy đang đứng bên bờ vực, đang ở vào ngày hôm trước của thảm họa tận số không sao tránh khỏi. Bức tranh ông ta vẽ ra thật đáng sợ bởi tính chân thực. Ông ta trình bày một châu Âu bị lạc hướng, bất lực, bị lôi cuốn thật nhanh vào sự tiêu vong, đang chết vì vô tổ chức, và mặt khác là thế giới Slave đang sẵn sàng ùa vào thế giới Germain- La Mã. Ông ta nói: "Đừng tưởng là tai họa sẽ kết thúc như thế thôi đâu, các bộ tộc Slave trong quan hệ với phương Tây không phải như những người Germain trong quan hệ với những người La Mã... Những người Slave từ lâu rồi đã tiếp xúc với cách mạng... Nước Nga, ở giữa châu Âu bị khuất phục và lăn lộn trong cát bụi, sẽ hấp thụ mãi mãi cái thứ chất độc, mà nước Nga vốn đã thích thú tận hưởng và sẽ chết vì nó; nước Nga sẽ tan rã bằng chính sự thối rữa ấy. Tôi không biết được Thượng Đế có những cách chữa trị gì chống lại sự phân rã toàn thể ấy."

Trong lúc chờ đợi sự tiếp tế ấy của Thượng Đế, các vị có biết nhà tiên tri u ám của chúng ta, người đã vẽ nên hình tượng cái chết sắp tới thật kinh khủng và chính xác đến thế, đề xuất điều gì không? Chúng ta thật xấu hổ phải nhắc lại. Ông ta cho rằng, nếu giả sử nước Anh quay trở lại Thiên Chúa giáo, thì ắt là châu Âu đã có thể được cứu thoát bởi giáo hoàng, bởi chính quyền quân chủ và bởi quân đội. Ông ta muốn tránh tương lai đầy đe dọa bằng cách lui trở lại cái quá khứ bất khả.

Chúng ta rất nghi ngờ cách chẩn bệnh của hầu tước Valdegamas. Hoặc là mối nguy không lớn đến thế, hoặc là phương thuốc thật yếu ớt. Khởi nguyên quân chủ được khôi phục lại ở khắp nơi, quân đội ở khắp nơi đều chiếm thế thượng phong; giáo hội đang chiến thắng, theo chính lời nói của Donozo Cortes và bạn của ông ta là Montalembert, Thiers[192] đã trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo, - tóm lại, khó mà mong muốn nhiều hơn nữa những hà hiếp, truy bức, phản động; nhưng sự cứu rỗi vẫn không đến. Không lẽ là do nước Anh đang ở trong sự li khai tội lỗi?

Ngày nào người ta cũng buộc tội những người xã hội chủ nghĩa rằng họ chỉ mạnh trong việc phê phán, trong việc vạch ra cái ác, trong việc phủ định. Thế bây giờ thì các vị sẽ nói gì về những kẻ thù phản xã hội của chúng tôi nào?

... Để cho sự phi lí thêm đầy đủ, ban biên tập một tạp chí hết sức trắng, đã đăng trên cùng số đó, bên cạnh những lời ca ngợi thổi phồng diễn văn của Donozo Cortes, những trích đoạn một tiểu phẩm cóp nhặt lịch sử được viết khá tầm thường, trong đó nói về những thế kỉ đầu tiên của Kitô giáo, về Julianus Apostata và là tiểu phẩm phá hoại một cách trang trọng sự suy luận của vị hầu tước của chúng ta.

Donozo Cortes hoàn toàn đứng trên một nền tảng như các nhà bảo thủ La Mã đã đứng trên đó. Ông ta nhìn thấy, giống như các nhà bảo thủ ấy đã nhìn thấy, sự tan rã của cái trật tự xã hội bao quanh ông ta; nỗi kinh hoàng bao trùm ông ta, và điều này thật tự nhiên - quả có thứ để phải sợ hãi; ông ta muốn, giống như những nhà bảo thủ ấy đã muốn, bằng mọi giá cứu rỗi cái trật tự ấy và chẳng tìm thấy biện pháp nào khác, ngoài việc bắt tương lai dừng lại, né tránh nó, - cứ tựa như là tương lai ấy không phải là hậu quả tự nhiên của cái đã hiện hữu.

Ông ta, giống như những người La Mã, xuất phát từ những dữ liệu chung, hoàn toàn sai lầm, từ điều giả định không được biện minh, từ ý kiến thật tùy tiện. Ông ta tin chắc rằng những hình thức hiện nay của đời sống xã hội, như đã được tạo nên dưới ảnh hưởng của La Mã, của bộ tộc Germain, của khởi nguyên Kitô giáo, - là những hình thức duy nhất khả dĩ. Cứ tựa như là thế giới cổ đại và phương Đông đương đại về phần mình chưa hề giới thiệu một cuộc sống xã hội dựa trên những khởi nguyên hoàn toàn khác, - có thể là thấp kém hơn, nhưng đặc biệt vững chắc.

Donozo Cortes tiếp đó cho rằng, nền học vấn không thể nào lại phát triển khác được với các hình thức châu Âu đương đại. Thật dễ dàng nói với Donozo Cortes rằng thế giới cổ đại đã có một nền văn hóa, nhưng không phải là một nền văn minh; những điều tinh tế ấy chỉ có kết quả trong những cuộc tranh cãi thần học. La Mã và Hi Lạp đã từng rất có học vấn, học vấn của họ, cũng như học vấn châu Âu, là học vấn của thiểu số, sự khác biệt số học ở đây không có ý nghĩa gì, tuy nhiên trong cuộc sống của họ thiếu một yếu tố chủ yếu nhất - Thiên Chúa giáo!

Donozo Cortes lúc nào cũng quay lưng lại với tương lai, chỉ nhìn thấy có sự tan rã, thối rữa và sau đó là sự xâm nhập của người Nga, và là tình trạng man rợ. Bị ngỡ ngàng bởi số phận kinh khủng ấy, ông ta tìm kiếm phương tiện cứu rỗi, điểm tựa, một thứ gì đó rắn chắc, lành mạnh ở trong cái thế giới đang hấp hối này, và chẳng tìm được gì hết. Ông ta quay sang cầu cứu cái chết đạo đức và cái chết thân xác - cầu cứu giáo hoàng và binh lính.

Chế độ xã hội này là cái gì vậy mà cần phải cứu nó bằng những phương tiện như thế - và dù sao đi nữa thì cái giá phải trả ấy có đáng hay không?

Chúng ta đồng ý với Donozo Cortes rằng châu Âu trong hình thức hiện nay của nó đang bị hủy hoại. Những người xã hội chủ nghĩa ngay từ khi mới xuất hiện đã luôn nói thế rồi; và tất cả bọn họ đều đồng ý trong chuyện này. Sự khác biệt chủ yếu giữa bọn họ và các nhà cách mạng chính trị là ở chỗ bọn họ muốn tu sửa và cải thiện cái hiện hữu mà vẫn ở lại trên nền tảng trước đây, trong khi đó chủ nghĩa xã hội phủ định triệt để toàn bộ trật tự cũ với nền pháp luật và chế độ đại diện của nó, với giáo hội và tòa án của nó, với các bộ luật dân sự và hình sự của nó, - phủ định hoàn toàn giống như những người Kitô giáo của những thế kỉ đầu tiên đã phủ định thế giới La Mã.

Sự phủ định như thế không phải là thói đỏng đảnh của trí tưởng tượng bệnh hoạn, không phải là tiếng gào thét cá nhân của con người bị xã hội lăng nhục, mà là bản án tử hình cho xã hội, là tiên cảm một sự cáo chung, ý thức về bệnh tình mà thế giới già yếu mắc phải dẫn đến cái chết và sự hồi sinh trong những hình thức khác. Chế độ nhà nước đương đại sẽ sụp đổ dưới sự phản kháng của chủ nghĩa xã hội; sức mạnh của chế độ ấy đã cạn kiệt; những gì nó có thể cho được thì nó đã cho hết rồi, giờ đây thì nó duy trì được nhờ vào máu và thịt của chính nó, nó không còn có thể phát triển tiếp tục cũng như dừng lại sự phát triển; nó chẳng có gì để nói cũng như để làm, và nó quy toàn bộ hoạt động của nó về chủ nghĩa bảo thủ, vào việc bám giữ cái địa vị của mình.

Dừng lại sự thực hiện số phận ở một mức độ nào đó là điều có thể; lịch sử không có tiền định chặt chẽ, bất biến, như các tín đồ Thiên Chúa giáo vẫn dạy và như các triết gia vẫn rao giảng, nhiều khởi nguyên khả dĩ biến thiên chứa đựng trong công thức phát triển của lịch sử, mà trước hết là ý chí và sức mạnh cá nhân.

Có thể làm lạc hướng cả một thế hệ, làm nó lóa mắt, làm nó phát điên, hướng nó tới mục đích trá ngụy, - Napoleon đã chứng tỏ điều này.

Phe phản động ngay cả những phương tiện ấy cũng không có; Donozo Cortes chẳng tìm được thứ Donozo Cortes, Hầu tưởc Valdegamas,... gì ngoài giáo hội Thiên Chúa giáo và các trại lính quân chủ. Vì rằng tin hay là không tin không phụ thuộc vào sự tùy tiện... cho nên Cortes chỉ còn lại có bạo lực, nỗi sợ hãi, sự truy bức, hành quyết.

... Nhiều thứ được tha thứ cho sự phát triển, tiến bộ; tuy nhiên khi khủng bố được thực, hiện nhân danh thắng lợi và tự do, thì nó gây nên sự phẫn nộ chính đáng cho mọi trái tim. Và chính cái phương tiện ấy phe phản động lại muốn sử dụng để duy trì cái trật tự hiện hữu, mà sự tàn tạ và tan rã của nó đã được diễn giả của chúng ta xác nhận hùng hồn đến thế. Gở miệng kêu gọi sự khủng bố không phải để tiến lên phía trước, mà là để lui về phía sau; muốn giết đứa trẻ để nuôi lão già đang xuống lỗ, để trả lại cho lão ấy thêm một giây phút sức lực đã mất.

Cần bao nhiêu máu đổ để trở lại những thời buổi hạnh phúc của sắc dụ Nante[193] và tòa án chống dị giáo Tây Ban Nha! Chúng tôi không cho rằng kìm giữ lại tiến trình của nhân loại trong một phút là điều không thể làm được, nhưng nó không thể làm được nếu thiếu những đêm Barthélemy. Phải tiêu diệt, đánh đập, lưu đày, tống vào ngục tù tất cả những gì hùng hậu của thế hệ hiện nay, tất cả những gì tư duy, tích cực; phải đẩy lùi dân chúng vào sự ngu tối sâu hơn nữa, bắt đi quân dịch tất cả những gì mạnh mẽ trong dân chúng; bắt phải đi qua hành động giết trẻ thơ về mặt đạo đức đối với cả một thế hệ - và tất cả những biện pháp ấy là để giải cứu một hình thức xã hội đã tàn lụi, một hình thức xã hội không thỏa mãn được cả các vị lẫn chúng tôi.

Thế nhưng trong trường hợp ấy sự khác biệt giữa sự man rợ Nga và nền văn minh Thiên Chúa giáo là ở chỗ nào?

Hi sinh hàng ngàn người, hi sinh sự phát triển cả một thời đại cho một chế độ nhà nước của một Ác thần nào đó, cứ tựa như là chế độ ấy là toàn bộ mục đích cuộc sống của chúng ta... Các vị đã suy nghĩ về điều đó chưa, hỡi các tín đồ Kitô giáo yêu thương con người? Hi sinh những người khác, quyết định thật dễ dàng sự hi sinh ấy thay cho họ để trở thành ân nhân. Thường xảy ra chuyện những thị dục bị kìm nén thật lâu được buông thả, giữa những cơn bão tố nhân dân, những thị dục khát máu và tàn bạo, hận thù và không kiềm chế, - chúng tôi hiểu những thị dục ấy, cúi đầu và kinh hãi... nhưng chúng tôi không đưa chúng lên thành quy tắc chung, không xem chúng như phương tiện!

Thế nhưng chẳng phải đó chính là bài tụng ca của Donozo Cortes đọc trước tên lính tuân phục và không có suy xét, mà ông ta dựa vào vũ khí của hắn như phân nửa các hi vọng của mình đó hay sao?

Ông ta nói rằng 'Tinh mục và người lính vốn gần gũi với nhau hơn là người ta tưởng". Ông ta so sánh kẻ giết người ngây thơ ấy, kẻ bị xã hội bắt phải gây tội ác ấy, với thầy tu, với cái thây ma đang sống đó. Một sự thú nhận thật kinh khủng! Hai cực đoan của một thế giới đang tiêu vong, bắt tay với nhau, sau khi đã gặp gỡ như hai kẻ thù trong Bóng tối của Byron[194]. Trên đống hoang tàn của thế giới đang tiêu vong, để giải cứu nó, vị đại diện cuối cùng của sự nô lệ trí óc liên kết với vị đại diện cuối cùng của sự nô lệ thân thể.

Giáo hội vốn đã hòa giải với tên lính ngay sau khi nó trở thành giáo hội nhà nước; nhưng nó chưa bao giờ dám thú nhận sự phản bội ấy, nó đã hiểu rằng có biết bao giả dối ở trong liên minh đó, có biết bao điều giả nhân giả nghĩa; đó vốn là một trong hàng ngàn nhượng bộ mà nó đã làm cho thế giới tạm thời mà nó khinh bỉ. Chúng ta không buộc tội nó vì chuyện đó, vì cần thiết mà nó buộc phải chấp nhận nhiều thứ đi ngược lại với học thuyết của mình. Đạo đức Kitô giáo bao giờ cũng chỉ là mộng ước cao cả không khi nào thực hiện được.

Thế nhưng hầu tước Valdegamas đã táo tợn đặt tên lính bên cạnh giáo hoàng, bốt gác tuần tra bên cạnh bàn thờ, kinh thánh rửa tội bên cạnh đồ vật nhà binh dùng để bắn giết những kẻ có hành vi lỗi lầm.

Đã đến thời của chúng ta hát câu "ghi nhớ đời đời", hay nếu thích thì hát "lễ nguyện cầu". Sự cáo chung của giáo hội và sự cáo chung của quân đội!

Cuối cùng thì mặt nạ cũng đã rơi xuống. Những kẻ mặc trang phục đã nhận ra nhau. Tất nhiên rồi, linh mục và lính tráng là anh em, cả hai đều là những đứa con bất hạnh của bóng tối đạo đức, của tính lưỡng diện điên khùng mà nhân loại ở trong đó đang vật vã và kiệt sức, - và cái con người nói: "Con hãy yêu thương người thân cận của con và hãy tuân phục chính quyền", về thực chất cũng là nói rằng "hãy tuân phục chính quyền” và hãy bắn vào người thân cận của con".

Sự giết chết xác thịt của Kitô giáo cũng đối lập với thiên nhiên y như sát hại những người khác theo mệnh lệnh; cần phải làm cho đồi bại thật sâu sắc, đánh lạc hướng tất cả những khái niệm đơn giản nhất, tất cả những gì được gọi là lương tâm, để thuyết phục được người ta rằng việc giết người có thể là nghĩa vụ thiêng liêng, - không hận thù, không có ý thức về nguyên do, đi ngược lại với tín niệm của mình. Tất cả những thứ ấy được duy trì dựa trên cùng một cơ sở, dựa trên cùng một sai lầm rất quan trọng, đã khiến cho người ta phải mất biết bao là nước mắt, biết bao là máu; tất cả những thứ ấy sinh ra từ sự khinh miệt trần thế và những thứ tạm thời, từ sự sùng bái trời cao và cái vĩnh cửu, từ sự không tôn trọng những bản ngã và từ sự sùng bái nhà nước, từ tất cả những châm ngôn ấy đại loại như "Lợi ích của nhân dân là luật cao nhất, dù thế giới có tiêu vong thì luật pháp ấy phải được thi hành"[195], mà từ những châm ngôn ấy nghe có mùi kinh khủng của thân thể bị đốt cháy, máu, tòa án chống dị giáo, sự tra tấn, và nói chung là sự chiến thắng của trật tự.

Nhưng vì sao mà Donozo Cortes lại quên mất người anh em thứ ba, vị thiên thần hộ mệnh thứ ba của các nhà nước đang sụp đổ, ấy là tên đao phủ? Liệu có phải vì tên đao phủ ngày càng bị lẫn lộn với tên lính, nhờ vào vai trò mà người ta ép buộc nó phải đóng, hay không?

Tất cả những phẩm hạnh mà Donozo Cortes kính trọng, đều kết hợp với nhau một cách khiêm tốn trong tên đao phủ, và lại ở mức độ cao nhất nữa: tính tuân phục chính quyền, thừa hành mù quáng và quên mình không có giới hạn. Hắn ta không cần tới cả đức tin của vị linh mục, cả niềm phấn khích của chiến binh. Hắn giết chóc một cách lạnh lùng, có tính toán, an toàn, như luật pháp vậy, - nhân danh xã hội, nhân danh trật tự. Hắn thi đua với mỗi tên ác ôn và luôn chiến thắng bởi vì bàn tay của hắn dựa vào toàn bộ nhà nước. Hắn không có tính kiêu hãnh của linh mục, thói háo danh của tên lính, hắn chẳng chờ đợi phần thưởng từ Thượng Đế cũng như con người; hắn không có cả vinh quang lẫn sự trọng vọng ở trên trần thế, hắn không được hứa hẹn có thiên đường ở trên trời; hắn hi sinh hết thảy: tên tuổi, danh dự, phẩm giá của mình, hắn lẩn trốn khỏi con mắt mọi người, và tất cả những điều đó là để trịnh trọng trừng phạt những kẻ thù của xã hội.

Chúng ta hãy trả lại công bằng cho con người báo thù thay xã hội, và chúng ta sẽ nói, bắt chước diễn giả của chúng ta: "Đao phủ gần gũi với linh mục hơn là người ta vẫn tưởng".

Đao phủ đóng vai trò vĩ đại mỗi khi cần phải đấm đá “con người mới" hay chặt đầu một bóng ma cũ vừa đăng quang... Maistre không quên hắn ta khi nói về giáo hoàng.[196]

... Còn với Golgotha[197] thì tôi nhớ đến một mẩu chuyện về sự truy bức những tín đồ Kitô giáo đầu tiên. Các vị hãy đọc nó đi, hay tốt hơn nữa là lấy những gì các giáo phụ đầu tiên đã viết, Tertullien[198] và ai đó trong những người bảo thủ La Mã. Thật giống biết bao với cuộc đấu tranh đương đại - cũng những cảm xúc hăng say như thế, cũng sức mạnh như thế từ một phía và cũng sự giáng trả như thế từ phía kia, thậm chí ngôn từ biểu hiện cũng vậy.

Đọc những lời buộc tội của Celsus[199] hay Julianus đối với các tín đồ Kitô giáo về tính vô đạo đức, về những không tưởng điên rồ, về chuyện họ giết chóc trẻ em và làm đồi trụy người lớn, rằng họ phá hủy nhà nước, tôn giáo và gia đình, thì có cảm tưởng như đó là những xã luận của tờ báo Consiỉtutionnelle hay là Assemblée Nationale, chỉ có điều là được viết thông minh hơn.

Nếu những người bạn của La Mã đã không rao giảng đánh đập và tàn sát bọn "Nazareth", thì chỉ là vì thế giới ngoại đạo đã nhân văn hơn, không quá tâm linh, ít bất bao dung hơn là đám thị dân Thiên Chúa giáo. La Mã cổ đại đã không biết đến những biện pháp mạnh, sáng chế ra bởi giáo hội phương Tây, được sử dụng rất hiệu quả trong việc đánh đập giáo phái Albigeois[200], vào đêm Barthélemy, mà để tôn vinh cái đêm ấy, đến nay vẫn còn giữ lại những bích họa ở Vatican, trình bày cuộc thanh trừng kinh hoàng các đường phố Paris, quét sạch những người Tin Lành, - chính là các đường phố mà một năm trước đây bọn thị dân đã nhiệt tình quét sạch những người xã hội chủ nghĩa. Dù thế nào đi nữa thì tinh thần vẫn là một, sự khác biệt thường phụ thuộc vào các hoàn cảnh và các nhân vật. Tuy nhiên, sự khác biệt ấy có lợi cho chúng ta; khi so sánh báo cáo của Bô-sa với báo cáo của Plinius Trẻ[201], sự rộng lượng của Hoàng đế Trajan vốn kinh tởm các báo cáo tố giác các tín đồ Kitô giáo, và sự nhơ bẩn không rửa sạch được của Hoàng đế Cavaignac vốn không chia sẻ định kiến như thế đối với những người xã hội chủ nghĩa, chúng ta thấy rằng cái trật tự đang chết đi thật tồi tệ đến nỗi không tìm được cho mình những người bảo vệ như Trajan, cũng không tìm được những phái viên điều tra như Plinius Trẻ.

Các biện pháp cảnh sát chung cũng thật giống nhau. Các nơi tụ hội Kitô giáo đã bị quân lính đóng cửa, ngay khi tin tức đến tai nhà cầm quyền; người ta đã xét xử những tín đồ Kitô giáo mà không nghe lời biện bạch của họ, soi mói các chi tiết nhỏ nhặt về họ, về những phù hiệu bề ngoài, khước từ quyền trình bày học thuyết của họ. Điều đó gây phẫn nộ cho Tertullien, giống như ngày nay gây phẫn nộ cho chúng ta, và đó chính là nguyên nhân của những bức thư ca tụng gửi cho Senat La Mã. Người ta để cho thú dữ ăn thịt các tín đồ Kitô giáo, những thú dữ ấy thay cho lính cảnh sát La Mã. Tuyên truyền được tăng cường; những sự trừng phạt thấp hèn không hạ thấp được, ngược lại, những người bị kết tội trở thành các anh hùng - giống như "những người tù khổ sai" ở Bourges.[202]

Nhìn thấy sự vô hiệu của tất cả các biện pháp, người bảo vệ vĩ đại nhất cho trật tự, tôn giáo và nhà nước, Diocletianus[203], quyết định giáng một đòn kinh hoàng cho học thuyết nổi loạn. Ông ta dùng gươm đạn xông vào các tín đồ Kitô giáo.

Tất cả những chuyện ấy kết thúc thế nào? Những người bảo thủ đã làm được gì với nền văn minh của mình (hay là văn hóa), với những binh đoàn của mình, với nền luật pháp của mình, với những lính cảnh vệ, với những đao phủ, với những thú dữ, với những giết chóc và những điều kinh khủng khác?

Họ chỉ chứng minh được rằng sự hung dữ và độc ác của chủ nghĩa bảo thủ có thể đến mức như thế nào, rằng người lính mù quáng tuân theo tòa án, cái tòa án biến anh ta thành tên đao phủ, là một công cụ đáng sợ thế nào, nhưng đồng thời cũng chứng minh rõ ràng hơn toàn bộ sự phá sản của các phương tiện chống lại lời nói ấy, khi đã đến thời của nó.

Chúng ta thậm chí nhận ra rằng đôi khi thế giới cổ đại đã có lí trong việc chống lại Kitô giáo đã phá hoại thế giới ấy, nhân danh một học thuyết không tưởng và bất khả. Có lẽ, cả những người bảo thủ của ta đôi khi cũng có lí trong việc công kích những học thuyết xã hội riêng rẽ... nhưng sự có lí của họ thì giúp ích gì được cho họ nào? Thời đại của La Mã đã trôi qua, thời đại của Kinh thánh đã đến!

Và tất cả những nỗi kinh hoàng ấy, những đổ máu, chém giết, truy bức, đã dẫn đến tiếng thét tuyệt vọng của người thông minh nhất trong bọn phản động, Julianus Apostata, mà mọi người đều biết - tiếng thét: "Ngươi đã thắng, hỡi kẻ đã đến từ Galilee!"[204]

"Voix du Peuple", 18 tháng 03 năm 1850.*

* Diễn văn của Donozo Cortes, vị sứ giả Tây Ban Nha, đầu tiên ở Berlin, sau đó ở Paris, đã được in với số ấn bản vô cùng lớn nhờ Hội đường phố Poitiers[205] đã phung phí bỏ ra số tiền lớn dựa vào hư danh của nó. Hồi đó tôi đã ở Paris một thời gian và đã có mối quan hệ rất thân mật với tờ tạp chí của Proudhon. Ban biên tập đã đề nghị tôi viết lời đáp trả; Proudhon đã hài lòng với nó; nhưng tờ báo Patrie đã nổi giận, và vào buổi chiều tối, sau khi đã nhắc lại lời nói "về người bảo vệ thứ ba của xã hội", đã hỏi công tố viên của nền cộng hòa, xem liệu có thể truy tố bài báo đã đặt người lính và đao phủ vào cùng một hàng, còn đao phủ được gọi là đao phủ (bourreau), chứ không phải người thừa hành những bản án cao nhất (exécuteur des hautes oeuvres) và v.v. Lời tố cáo của tờ tạp chí mang tính cảnh sát đã có tác động, sau một ngày tại tòa soạn đã không còn một số báo nào trong bốn mươi ngàn bản - là số ấn bản bình thường của tờ Voix du Peuple (Chú thích của TG).

GỬI NGƯỜI ĐỒNG CHÍ CŨ[206]

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3