Trật Tự Thế Giới - Chương 07
Chương 7
“ĐẠI DIỆN CHO TOÀN NHÂN LOẠI”: MỸ VÀ KHÁI NIỆM CỦA NƯỚC NÀY VỀ TRẬT TỰ
Không nước nào từng giữ một vai trò quyết định trong việc định hình trật tự thế giới hiện đại hay bày tỏ sự mâu thuẫn đến vậy trong việc tham gia vào trật tự thế giới như Mỹ. Thấm nhuần niềm tin rằng xu hướng của mình sẽ định hình vận mệnh toàn nhân loại, kể từ khi lập quốc Mỹ đã đóng một vai trò nghịch lý trong trật tự thế giới: quốc gia này mở mang lãnh thổ trên toàn lục địa với danh nghĩa Vận mệnh hiển nhiên[131] trong khi tuyên bố từ bỏ bất kỳ mưu đồ đế quốc nào; gây nhiều ảnh hưởng quyết định tới các sự kiện trọng đại trong khi tuyên bố không thừa nhận bất kỳ động cơ lợi ích quốc gia nào; và trở thành siêu cường trong khi chối bỏ bất kỳ ý định tiến hành quyền lực chính trị nào. Chính sách đối ngoại của Mỹ đã phản ánh niềm tin rằng hiển nhiên các nguyên tắc đối nội của quốc gia này là phổ quát và việc áp dụng chúng luôn có lợi dù ở thời đại nào; và thách thức thực sự đối với sự tham gia của Mỹ ở các nước khác không phải là chính sách đối ngoại theo nghĩa thông thường, mà là một kế hoạch truyền bá những giá trị mà họ tin rằng tất cả các dân tộc khác khao khát áp dụng.
Gắn liền với học thuyết này là một tầm nhìn hết sức độc đáo và lôi cuốn. Trong khi Cựu Thế giới coi Tân Thế giới là đấu trường chinh phục để tích tụ của cải và quyền lực, một quốc gia mới hình thành như Mỹ lại khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tự do thể hiện, và tự do hành động như là bản chất của kinh nghiệm và đặc điểm quốc gia.
Ở châu Âu, một hệ thống trật tự đã được hình thành dựa trên sự tách biệt một cách thận trọng các giá trị đạo đức tuyệt đối khỏi những nỗ lực phiêu lưu chính trị, chỉ vì những nỗ lực áp đặt một đức tin hay hệ thống đạo đức chung cho các dân tộc đa dạng trên lục địa này đã kết thúc trong thảm họa. Ở Mỹ, tinh thần cải đạo được ngấm dần từ sự ngờ vực cố hữu đối với các thể chế và tôn ti trật tự đã được thiết lập từ trước. Vì vậy, nhà triết học kiêm nghị sĩ người Anh Edmund Burke[132] đã nói với các đồng nghiệp của mình, rằng những người thực dân đã truyền bá khái niệm “tự do theo lý tưởng của người Anh” cùng với các giáo phái đa dạng không theo nhà thờ chính thống bị bó buộc ở châu Âu (“đạo Tin Lành của tôn giáo kháng cách”) và “không có bất kỳ điểm chung nào ngoài sự hiệp thông của tinh thần tự do.” Vượt đại dương để hòa lẫn với nhau, những lực lượng này đã tạo nên một cái nhìn quốc gia riêng biệt: “Trong bản sắc của người Mỹ, tình yêu tự do là đặc trưng nổi bật ghi dấu và phân biệt với tổng thể.”
Năm 1831, nhà quý tộc người Pháp Alexis de Tocqueville[133] đến Mỹ và viết một trong những cuốn sách được coi là sâu sắc nhất về tinh thần và thái độ của người Mỹ, chỉ ra đặc trưng của người Mĩ cũng tương tự với điều mà ông gọi là “điểm xuất phát.” Ở New England, “chúng ta chứng kiến sự ra đời và phát triển của tinh thần độc lập địa phương đã trở thành nguyên nhân chính và nguồn máu cho tinh thần tự do Mỹ.” Ông viết, Thanh giáo “không chỉ là một học thuyết tôn giáo; mà ở nhiều khía cạnh nó còn chia sẻ những lý thuyết dân chủ và cộng hòa tuyệt đối nhất.” Ông kết luận: đây là sản phẩm “của hai yếu tố hoàn toàn khác biệt, thường xuyên xung đột ở bất kỳ nơi nào khác, nhưng ở Mỹ, theo cách nào đó, lại có thể hòa lẫn với nhau, tạo nên sự kết hợp tuyệt vời. Đó là Tinh thần Tôn giáo và Tinh thần Tự do.”
Sự cởi mở của văn hóa Mỹ và các nguyên tắc dân chủ đã làm cho Mỹ thành hình mẫu và nơi tị nạn của hàng triệu người. Đồng thời, niềm tin rằng những nguyên tắc Mỹ là phổ quát đã tạo ra một yếu tố thách thức trong hệ thống quốc tế, vì nó ngụ ý rằng những chính quyền không thi hành chúng là không hoàn toàn chính danh. Nguyên lý này – đã ăn sâu trong suy nghĩ của người Mỹ tới mức đôi khi nó được đưa ra như chính sách chính thức – cho rằng một phần đáng kể của thế giới sống dưới một sự sắp xếp tạm thời, không tốt đẹp và một ngày nào đó sẽ được giải thoát, cứu rỗi; trong khi đó, mối quan hệ của họ với cường quốc mạnh nhất thế giới phải có một số yếu tố đối địch tiềm ẩn với họ.
Những căng thẳng này vốn đã có từ sự khởi đầu của trải nghiệm Mỹ. Đối với Thomas Jefferson, Mỹ không chỉ là một cường quốc lớn đang hình thành mà là một “đế chế của tự do,” một lực lượng đang mở rộng đại diện cho toàn thể nhân loại để chứng minh cho các nguyên tắc quản trị có hiệu quả. Như Jefferson đã viết trong nhiệm kỳ tổng thống của mình:
Chúng ta cảm thấy chúng ta đang hành động theo các nghĩa vụ không bị giới hạn trong những giới hạn của xã hội chúng ta. Không thể không nhận ra rằng chúng ta đang hành động vì cả nhân loại; rằng hoàn cảnh từ chối những người khác, nhưng ưu đãi chúng ta, đã đặt lên vai chúng ta nhiệm vụ chứng minh sự tự do và chính quyền tự quản ở mức độ mà một xã hội có thể mạo hiểm để mặc các thành viên cá nhân của nó.
Được xác định như vậy, sự truyền bá về Mỹ và thành công của những nỗ lực của việc truyền bá tiếp cận với lợi ích nhân loại. Sau khi tăng gấp đôi diện tích của quốc gia mới nhờ sự khôn ngoan của mình trong vụ Vùng đất mua Louisiana vào năm 1803, khi về hưu Jefferson “thẳng thắn thú nhận” với Tổng thống Monroe, “Tôi đã từng coi Cuba như là sự bổ sung thú vị nhất từ trước đến nay vào hệ thống các bang của chúng ta.” Và với James Madison, Jefferson viết: “Sau đó chúng ta chỉ cần gộp miền Bắc [Canada] vào liên bang của chúng ta... và chúng ta sẽ có một đế chế vì tự do chưa bao giờ trải rộng đến thế kể từ khi thành lập: và tôi tin rằng chưa từng có hiến pháp tính toán kỹ càng nào như của chúng ta cho một đế chế và chính quyền tự quản rộng lớn.” Trong tâm trí họ, đế quốc do Jefferson và những đồng sự của ông hình dung khác với các đế quốc châu Âu, các đế quốc mà họ coi là dựa trên sự nô dịch và áp bức đối với người dân ngoại quốc. Đế quốc theo tưởng tượng của Jefferson về bản chất là Bắc Mỹ và được quan niệm như là sự mở rộng của tự do. (Và trên thực tế, bất kỳ điều gì có thể được nói về những mâu thuẫn trong kế hoạch này hay về đời tư của những Tổ phụ Lập quốc của nó, khi Mỹ mở rộng và phát triển, nền dân chủ cũng vậy, lây lan và bén rễ trên bán cầu này và trên toàn thế giới.)
Bất chấp những tham vọng ngút trời như thế, vị trí địa lý thuận lợi và nguồn lực to lớn của Mỹ thúc đẩy một nhận thức rằng chính sách đối ngoại là một hoạt động tùy chọn. Được bảo vệ bởi hai đại dương, Mỹ ở một vị thế coi chính sách đối ngoại như là một loạt những thách thức chia thành từng thời kỳ chứ không phải là một sự nghiệp lâu dài. Theo quan niệm này, ngoại giao và vũ lực là những giai đoạn hoạt động khác nhau, mỗi thứ tuân theo các quy tắc độc lập riêng của chúng. Một học thuyết có ảnh hưởng phổ quát được đi kèm với thái độ nước đôi đối với các nước – nhất thiết phải kém may mắn hơn Mỹ – cảm thấy bắt buộc phải thực hiện chính sách đối ngoại như một thử thách thường xuyên dựa trên việc xây dựng lợi ích quốc gia và sự cân bằng quyền lực.
Ngay cả sau khi Mỹ giành được vị thế cường quốc lớn trong suốt thế kỷ 19, những thói quen này vẫn tồn tại. Ba lần trong nhiều thế hệ, trong hai cuộc thế chiến và Chiến tranh Lạnh, Mỹ có những hành động quyết định để củng cố trật tự quốc tế chống lại những mối đe dọa thù địch và có khả năng vạch giới hạn. Trong mỗi trường hợp, Mỹ duy trì hệ thống các quốc gia có chủ quyền theo Hòa ước Westphalia và sự cân bằng quyền lực trong khi đổ lỗi cho chính các thể chế của hệ thống đó là nguyên nhân sự bùng nổ các hành động thù địch và tuyên bố mong muốn xây dựng một thế giới hoàn toàn mới. Trong phần lớn giai đoạn này, mục tiêu tiềm ẩn của chiến lược của Mỹ bên ngoài Tây Bán cầu là nhằm biến đổi thế giới theo cách sẽ khiến cho vai trò chiến lược của Mỹ trở nên không cần thiết.
Ngay từ đầu, sự xâm nhập của Mỹ vào ý thức châu Âu đã buộc phải có một sự xem xét lại kiến thức được lĩnh hội; giải quyết được nó sẽ mở ra những triển vọng mới cho các cá nhân có triển vọng về tái tạo căn bản trật tự thế giới. Đối với những người định cư đầu tiên của Tân Thế giới, châu Mỹ là biên giới của nền văn minh phương Tây - nơi sự thống nhất đang bị đứt gãy và là một sân khấu mới mà trên đó họ có thể kịch tính hóa khả năng về một trật tự luân lý. Những người này rời châu Âu không phải vì họ không còn tin tính trung tâm của nó, mà bởi vì họ nghĩ rằng lục địa này đã không đạt được xu hướng của chính mình. Khi tranh chấp tôn giáo và các cuộc chiến tranh đẫm máu xô đẩy châu Âu trong Hòa ước Westphalia tới kết luận đau đớn rằng lý tưởng của nó về một lục địa được thống nhất dưới sự quản trị thiêng liêng duy nhất sẽ không bao giờ thành hiện thực, mà Mỹ đã thành nơi để thực hiện điều đó trên bờ biển xa xôi. Khi châu Âu đành lòng với việc đạt được an ninh thông qua trạng thái cân bằng, người Mỹ (như họ bắt đầu nghĩ về bản thân) ấp ủ giấc mơ về sự thống nhất và một phép cai trị đem lại kết quả cứu rỗi. Những người Thanh giáo đầu tiên nói về việc thể hiện đức hạnh của họ trên lục địa mới như là cách để biến đổi những vùng đất mà họ đã rời bỏ. Như John Winthrop, một luật sư Thanh giáo đã rời Đông Anglia để thoát khỏi sự đàn áp tôn giáo, rao giảng trên con tàu Arabella trên đường đến New England năm 1630, Chúa đã định nước Mỹ là ví dụ cho “tất cả mọi người”:
Chúng ta sẽ thấy rằng Chúa của Israel là một người trong số chúng ta, khi mười người chúng ta sẽ có khả năng chống lại một ngàn kẻ thù (của chúng ta); khi Người ban cho chúng ta những lời ngợi khen và vinh quang mà người đời nói về những cuộc di cư thành công, “xin Chúa hãy làm điều đó như đã làm với New England.” Vì chúng ta phải coi rằng chúng ta sẽ sống trong một xã hội lý tưởng[134]. Tất cả mọi người đang dõi theo chúng ta.
Không ai nghi ngờ rằng lòng nhân đạo và mục đích của nó sẽ bằng cách nào đó được hiển lộ và trọn vẹn tại Mỹ.
NƯỚC MỸ TRÊN VŨ ĐÀI THẾ GIỚI
Nhằm khẳng định sự độc lập của mình, Mỹ tự xác định mình như một kiểu cường quốc mới. Tuyên ngôn Độc lập của nước này đưa ra các nguyên tắc và những người nghe nó (người dân Mĩ) cho rằng những nguyên tắc này là “quan điểm của nhân loại”. Trong bài mở đầu của tác phẩm Những bài báo Người liên bang (The Federalist Papers), xuất bản năm 1787, Alexander Hamilton đã miêu tả nước cộng hòa mới là “một đế quốc mà trên nhiều khía cạnh là thú vị nhất trên thế giới” mà thành công hay thất bại của nó sẽ chứng minh tính khả thi của chính quyền tự quản ở bất kỳ đâu. Ông coi đề xuất này không phải như một lời diễn giải mới lạ mà như một nhận thức chung vì “đã thường xuyên được bàn luận,” một sự khẳng định càng thêm phần đáng chú ý khi xét đến việc Mỹ vào thời điểm đó chỉ bao gồm các tiểu bang duyên hải phía Đông từ Maine đến Georgia.
Thậm chí khi đề xuất những học thuyết này, các Tổ phụ Lập quốc đều là những người thạo đời, những người hiểu rõ sự cân bằng quyền lực ở châu Âu và thao túng nó theo cách có lợi cho đất nước mới. Họ tranh thủ một liên minh với Pháp trong cuộc chiến giành độc lập từ Anh, sau đó lại xa rời nước này khi Pháp tiến hành cuộc cách mạng và bắt đầu một cuộc thập tự chinh trên toàn châu Âu mà Mỹ không có quyền lợi trực tiếp trong đó. Trong bài Phát biểu Chia tay năm 1796 giữa lúc các cuộc chiến cách mạng Pháp đang diễn ra, khi Tổng thống Washington khuyên Mỹ “tránh xa các liên minh lâu dài với bất kỳ phần nào của thế giới bên ngoài” và thay vào đó “tin cậy phó thác cho các liên minh tạm thời trong những trường hợp khẩn cấp đặc biệt”, ông đang không nói quá nhiều về một tuyên bố đạo đức mà chủ yếu là một phán quyết khôn ngoan về cách làm thế nào để khai thác lợi thế tương đối của Mỹ: Mỹ, một cường quốc non trẻ được bao bọc bởi các đại dương, không có nhu cầu hay nguồn lực để tự lôi kéo mình vào các cuộc tranh cãi về sự cân bằng quyền lực ở châu Âu lục địa. Mỹ gia nhập các liên minh không phải để bảo vệ một khái niệm về trật tự quốc tế mà chỉ đơn giản nhằm phục vụ những lợi ích quốc gia được xác định rõ ràng. Miễn là sự cân bằng ở châu Âu được giữ vững, Mỹ có lợi hơn bởi chiến lược duy trì tự do hành động và thống nhất trong nội địa – một đường lối hành động, về căn bản, được các nước cựu thuộc địa theo đuổi (chẳng hạn Ấn Độ) sau khi giành được độc lập một thế kỷ rưỡi sau đó.
Sau cuộc chiến tranh ngắn ngủi cuối cùng với Anh vào năm 1812, chiến lược này được áp dụng trong một thế kỷ, cho phép Mỹ hoàn thành điều mà không một nước nào khác có vị thế có thể nghĩ tới: nước này trở thành một cường quốc lớn và là một quốc gia có tầm vóc châu lục thông qua việc đơn thuần tích lũy quyền lực trong nước, với một chính sách đối ngoại tập trung hoàn toàn vào mục tiêu tiêu cực của việc giữ cho những diễn biến bên ngoài càng xa mình càng tốt.
Mỹ bắt đầu nhanh chóng mở rộng khẩu hiệu này đến tất cả các nước ở châu Mỹ. Một thỏa thuận ngầm với Anh, cường quốc hải quân hàng đầu, cho phép Mỹ tuyên bố trong Học thuyết Monroe năm 1823 rằng toàn bộ bán cầu của mình nằm ngoài giới hạn bị thực dân hóa bởi nước ngoài, nhiều thập kỷ trước khi nước này có đủ sức mạnh để thực thi một tuyên bố có ảnh hưởng sâu rộng như vậy. Tại Mỹ, Học thuyết Monroe được diễn giải như phần mở rộng của cuộc Chiến tranh giành Độc lập, che chở cho Tây Bán cầu khỏi quá trình hoạt động của sự cân bằng quyền lực ở châu Âu. Không quốc gia Mỹ La-tinh nào được tham vấn (vì chẳng có mấy quốc gia tồn tại vào thời điểm đó). Khi các biên giới của quốc gia này len lỏi trên khắp lục địa, sự mở rộng của nước Mỹ được coi như sự vận hành của một loại quy luật tự nhiên. Khi Mỹ thi hành những gì mà ở bất kỳ đâu cũng xác định đó chính là chủ nghĩa đế quốc, người Mỹ đã gán cho nó một cái tên khác: “việc thực hiện trọn vẹn Vận mệnh hiển nhiên của chúng ta để mở rộng lãnh thổ trên lục địa là được Thượng đế trao cho vì sự phát triển tự do của việc tăng thêm hàng triệu người mỗi năm.” Việc mua lại những vùng lãnh thổ rộng lớn được coi là giao dịch thương mại, như trong vụ mua Lãnh thổ Louisiana từ Pháp, và là hệ quả tất yếu của Vận mệnh hiển nhiên trong trường hợp của Mexico. Mãi cho đến gần cuối thế kỷ 19, trong cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ năm 1898, Mỹ mới tham gia vào chiến sự toàn diện ở nước ngoài với một cường quốc lớn khác.
Trong suốt thế kỷ 19, Mỹ đã may mắn khi có thể giải quyết những thách thức liên tục của nó và thường đi tới chỗ giải quyết dứt điểm. Cuộc hành trình tới bờ Thái Bình Dương và thiết lập các biên giới thuận lợi ở phía bắc và phía nam; sự chứng minh của Liên minh trong cuộc Nội chiến; sự thể hiện sức mạnh chống lại Đế quốc Tây Ban Nha và thừa hưởng nhiều thuộc địa của đế quốc này: mỗi sự kiện diễn ra như một giai đoạn hoạt động riêng biệt mà sau mỗi giai đoạn người Mỹ lại quay về với nhiệm vụ dựng xây sự thịnh vượng và cải thiện dân chủ. Kinh nghiệm Mỹ ủng hộ giả thuyết rằng hòa bình là điều kiện tự nhiên của nhân loại chỉ bị ngăn trở vì sự vô lý hay ác tâm của các nước khác. Phong cách lãnh đạo đất nước của châu Âu, với những liên minh hay thay đổi và thao túng linh hoạt giữa hai thái cực hòa bình và thù địch, trong tâm trí người Mỹ dường như là sự chệch hướng quá đáng so với lẽ thường. Theo quan điểm này, toàn bộ hệ thống chính sách đối ngoại và trật tự quốc tế của Cựu Thế giới là kết quả tự nhiên của tính khí thất thường của một kẻ chuyên chế hay một nền văn hóa độc ác có thiên hướng nghi lễ quý tộc và thao túng bí mật. Mỹ sẽ từ bỏ những thông lệ này, tuyên bố từ bỏ quyền lợi thuộc địa, thận trọng giữ khoảng cách với hệ thống quốc tế do người châu Âu thiết kế, và quan hệ với các nước khác trên cơ sở lợi ích lẫn nhau và đối xử công bằng.
Năm 1821, John Quincy Adams đã tổng kết những quan điểm này, với giọng điệu gần như tức giận đối với sự quyết tâm theo đuổi những tiến trình phức tạp và mưu mô hơn của các nước khác:
Kể từ khi gia nhập hội đồng các quốc gia, dù thường không có kết quả, Mỹ luôn chìa cho họ bàn tay của tình hữu nghị trung thực, của tự do bình đẳng và sự có đi có lại hào phóng. Mỹ đã liên tục nhất quán nói với họ tiếng nói của tự do bình đẳng, công lý bình đẳng và các quyền bình đẳng, mặc dù thường xuyên không hề được ngó ngàng tới và chỉ tới những đôi tai khinh khỉnh. Trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ, Mỹ đã tôn trọng sự độc lập của các quốc gia khác trong khi khẳng định và duy trì của sự độc lập của chính mình mà không hề có một ngoại lệ nào. Mỹ đã kiềm chế không can thiệp vào những mối quan tâm của các nước khác, ngay cả khi xung đột là những nguyên tắc mà nước này đeo bám tới giọt máu cuối cùng.
Adams lập luận, bởi vì Mỹ tìm kiếm “tự do, chứ không phải sự thống trị,” nó nên tránh tham gia vào tất cả các cuộc đấu tranh của khu vực châu Âu. Mỹ sẽ duy trì lập trường hợp lý và không vụ lợi độc nhất của mình, tìm kiếm tự do và nhân phẩm bằng cách đưa ra sự thông cảm đạo đức từ xa. Khẳng định tính phổ quát của các nguyên tắc Mỹ được đi kèm với việc từ chối chứng minh chúng ở bên ngoài Tây (nghĩa là thuộc Mỹ) Bán cầu:
[nước Mỹ] không ra nước ngoài để truy tìm và tiêu diệt những con quái vật. Nước Mỹ là người chúc lành cho tự do và độc lập của tất cả. Nước Mỹ là người đấu tranh và là người chứng minh chỉ cho riêng mình.
Ở Tây Bán cầu, không phổ biến một sự kiềm chế nào như vậy. Ngay từ năm 1792, Jedidiah Morse – mục sư và nhà địa lý ở Massachusetts – đã cho rằng tuy sự tồn tại của nước này mới được công nhận trên trường quốc tế chưa đầy một thập kỷ và có bản Hiến pháp chỉ mới bốn năm tuổi, nhưng đã đánh dấu giai đoạn đỉnh cao của lịch sử. Ông dự đoán, quốc gia mới sẽ mở rộng về phía tây, truyền bá các nguyên tắc tự do trên khắp châu Mỹ, và trở thành thành tựu của nền văn minh loài người:
Bên cạnh đó, ai cũng biết đế quốc đã dịch chuyển từ Đông sang Tây. Có lẽ chiến công cuối cùng và rộng lớn nhất của nước này sẽ là châu Mỹ... [Chúng ta] không thể không thấy trước giai đoạn này, không còn xa nữa, khi Đế quốc Mỹ sẽ bao gồm hàng triệu người, phía tây sông Mississippi.
Trong suốt thời gian đó, Mỹ hăng hái giữ vững quan điểm rằng nỗ lực này không phải là mở rộng lãnh thổ theo nghĩa truyền thống mà là sự truyền bá được ban lệnh từ thiên thượng những nguyên tắc của tự do. Năm 1839, khi cuộc Viễn chinh khám phá Mỹ chính thức thăm dò tới tận những miền xa xôi của Bán cầu và Nam Thái Bình Dương, Tạp chí United States Magazine and Democratic Review đã đăng tải một bài báo báo hiệu Mỹ như là “quốc gia vĩ đại trong tương lai,” cách xa và vượt lên trên tất cả những gì từ trước đến nay trong lịch sử:
Người Mỹ có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau, và bản Tuyên ngôn Độc lập hoàn toàn dựa trên nguyên tắc quan trọng về sự bình đẳng giữa mọi người, những thực tế này ngay lập tức chứng minh vị thế cách xa bất kỳ quốc gia nào khác; rằng trên thực tế, chúng ta có rất ít kết nối với quá khứ của bất kỳ nước nào trong số họ và với tất cả thời xa xưa, không có vinh quang hay tội ác. Ngược lại, quốc gia chúng ta ra đời là sự khởi đầu của một lịch sử mới.
Tác giả bài báo tự tin dự đoán, sự thành công của Mỹ sẽ như một lời quở trách thường trực đối với tất cả các hình thức chính phủ khác, mở ra một thời đại dân chủ trong tương lai. Một liên minh tự do, vĩ đại, được chấp thuận tuyệt vời và vượt trên tất cả các quốc gia khác sẽ truyền bá những nguyên tắc của mình trên khắp Tây Bán cầu, một cường quốc theo định mệnh sẽ trở nên vĩ đại hơn về quy mô và mục đích đạo đức hơn bất kỳ nỗ lực nào trước đó của loài người:
Chúng ta là quốc gia của loài người tiến bộ, và những ai, điều gì sẽ có thể đặt ra giới hạn đối với bước tiến của chúng ta? Thượng đế bên cạnh chúng ta, và không một sức mạnh trần thế nào có thể.
Vì thế, Mỹ không chỉ đơn thuần là một quốc gia mà là động cơ trong kế hoạch của Chúa và là ví dụ hoàn hảo về trật tự thế giới.
Năm 1845, khi sự mở rộng về phía tây của Mỹ lôi kéo nước này vào cuộc tranh chấp với Anh về Lãnh thổ Oregon và với Mexico về nước Cộng hòa Texas (đã ly khai khỏi Mexico và tuyên bố ý định gia nhập Mỹ), Tạp chí kết luận rằng sự sáp nhập Texas là một biện pháp phòng thủ chống lại những kẻ thù của tự do. Tác giả lập luận rằng “California có thể sẽ tiếp tục tách rời” khỏi Mexico, và sau đó có khả năng là một sự trải dài của Mỹ về phương bắc tiến vào Canada. Ông lập luận, sức mạnh lục địa của Mỹ, cuối cùng sẽ làm cho cán cân quyền lực của châu Âu trở nên tầm thường bởi sức nặng hoàn toàn đối trọng của nó. Trên thực tế, tác giả bài viết trên Tạp chí Democratic Review đã thấy trước một ngày, 100 năm kể từ thời điểm đó, là vào năm 1945, khi Mỹ thậm chí sẽ có trọng lượng lớn hơn cả một châu Âu thống nhất:
Dù họ sẽ quăng vào phía kia của cán cân tất cả lưỡi lê và đại bác, không chỉ là Pháp và Anh, mà cả toàn bộ châu Âu, làm sao điều này có thể ngang bằng với trọng lượng nguyên khối, đơn giản của hai trăm năm mươi, hay ba trăm triệu người – triệu triệu người Mỹ – được số phận tập hợp dưới lá cờ sao và sọc tung bay, trong năm 1945 vội vàng nhanh chóng của Chúa!
Đây là những gì đã diễn ra trên thực tế (ngoại trừ biên giới của Canada được phân định bằng phương pháp hòa bình và Anh không phải là một phần của một châu Âu thù địch vào năm 1945 mà là một đồng minh). Khoa trương và mang tính tiên tri, tầm nhìn của Mỹ vượt lên trên và đối trọng với những giáo lý khắc nghiệt của Cựu Thế giới sẽ truyền cảm hứng cho một quốc gia – thường xuyên bị phớt lờ hoặc gây ngạc nhiên ở những nơi khác – và tái định hình tiến trình lịch sử.
Khi Mỹ nếm trải chiến tranh tổng lực trong cuộc Nội chiến – điều chưa từng thấy ở châu Âu trong nửa thế kỷ – với tình huống tuyệt vọng đến mức cả hai miền Bắc và Nam đã vi phạm nguyên tắc biệt lập ở Bán cầu, đặc biệt là lôi kéo Pháp và Anh vào nỗ lực chiến tranh của họ, người Mỹ diễn giải xung đột của họ như một sự kiện duy nhất có ý nghĩa đạo đức siêu việt. Phản ánh quan điểm xung đột này như một nỗ lực cuối cùng, như sự minh xác của “niềm hy vọng tốt nhất cuối cùng trên Trái Đất,” Mỹ xây dựng đội quân lớn nhất và đáng gờm nhất trên thế giới lúc đó và sử dụng nó để phát động chiến tranh tổng lực, sau đó trong vòng một năm rưỡi kể từ khi chiến tranh kết thúc, giải tán đội quân này, giảm từ hơn một triệu binh sĩ xuống chỉ còn khoảng 65.000. Năm 1890, lục quân Mỹ đứng thứ 14 trên thế giới, xếp sau Bulgaria và hải quân Mỹ nhỏ hơn Italy, một đất nước chỉ bằng một phần mười ba sức mạnh công nghiệp của Mỹ. Cho tới tận lễ nhậm chức tổng thống năm 1885, Tổng thống Grover Cleveland vẫn miêu tả chính sách đối ngoại của Mỹ dưới hình thức trung lập tách rời và khác biệt hoàn toàn với các chính sách tư lợi mà các quốc gia xưa cũ, ít được khai sáng hơn theo đuổi. Ông bác bỏ
Bất kỳ sự chệch hướng nào khỏi chính sách đối ngoại đã được tán thành bởi lịch sử, truyền thống và sự thịnh vượng của nước Cộng hòa chúng ta. Đó là chính sách độc lập, được ủng hộ bởi vị thế của chúng ta, được bảo vệ bởi tình yêu chắc chắn của chúng ta về công lý và bởi quyền lực của chúng ta. Đó là chính sách hòa bình phù hợp với các lợi ích của chúng ta. Đó là chính sách trung lập, khước từ tham gia vào bất kỳ tranh chấp hay tham vọng nước ngoài nào trên các lục địa khác và đẩy lùi sự xâm nhập của họ vào lục địa này.
Một thập kỷ sau đó, vai trò của Mỹ trên thế giới đã mở rộng, giọng điệu đã trở nên kiên quyết hơn và những cân nhắc về cường quốc lờ mờ hiện ra rõ rệt hơn. Năm 1895, trong vụ tranh chấp biên giới giữa Venezuela và British Guiana, Ngoại trưởng Richard Olney đã cảnh báo Anh – dù khi đó nước này vẫn được coi là cường quốc hàng đầu thế giới – về sự bất tương xứng trong sức mạnh quân sự ở Tây Bán cầu: “Ngày nay, Mỹ trên thực tế có chủ quyền trên lục địa này, và mệnh lệnh của nó là luật.” “Nguồn lực vô hạn của Mỹ cùng với vị trí biệt lập của nó làm cho Mỹ làm chủ tình hình và trên thực tế là bất khả xâm phạm trước bất kỳ hay tất cả các cường quốc nào khác.”
Mỹ giờ đây là một cường quốc lớn, chứ không còn là nước cộng hòa non trẻ ở bên lề các vấn đề của thế giới. Mỹ không còn tự giới hạn ở chính sách trung lập; nước này cảm thấy có nghĩa vụ phải chuyển sự xác đáng đạo đức phổ quát được tuyên bố từ lâu của mình thành vai trò địa chính trị rộng lớn hơn. Sau đó cũng trong năm này, khi những người dân thuộc địa của Đế quốc Tây Ban Nha ở Cuba nổi dậy, sự bất đắc dĩ phải chứng kiến một cuộc nổi dậy chống đế quốc bị nghiền nát ngay trước thềm biên giới của Mỹ đã hòa lẫn với niềm tin rằng thời khắc đã đến để Mỹ chứng minh khả năng và ý chí của mình, qua việc hành xử như một cường quốc vĩ đại tại thời điểm mà tầm quan trọng của các quốc gia châu Âu phần nào được đánh giá bởi quy mô bành trướng ra nước ngoài của họ. Năm 1898, khi chiến hạm USS Maine bị nổ[135] ở cảng Havana trong tình huống không rõ nguyên nhân, yêu cầu về một sự can thiệp quân sự của người dân lan rộng tới mức đã khiến Tổng thống McKinley tuyên chiến với Tây Ban Nha, sự tham gia quân sự đầu tiên của Mỹ với một cường quốc lớn ở hải ngoại.
Rất ít người Mỹ có thể hình dung trật tự thế giới sẽ khác như thế nào sau “cuộc chiến nhỏ lẫy lừng” như John Hay – khi đó là Đại sứ Mỹ tại London – miêu tả nó trong một bức thư gửi tới Theodore Roosevelt, thời điểm đó là một nhà cải cách chính trị đang lên ở thành phố New York. Chỉ sau ba tháng rưỡi xung đột quân sự, Mỹ đã đẩy Đế quốc Tây Ban Nha ra khỏi vùng biển Caribbean, chiếm Cuba, sáp nhập Puerto Rico, Hawaii, Guam, và Philippines. Tổng thống McKinley bị mắc kẹt vào chân lý đã được thiết lập trong việc biện minh cho kế hoạch này. Không chút e dè, ông trình bày về cuộc chiến mà đã tạo ra Mỹ như một cường quốc lớn ở giữa hai đại dương mang sứ mệnh bất vụ lợi có một không hai. Ông giải thích trong một nhận xét được in trên tấm áp phích tái tranh cử của ông vào năm 1900, “Lá cờ Mỹ được cắm trên những vùng đất nước ngoài không phải để chiếm thêm lãnh thổ mà là vì lợi ích của nhân loại.”
Cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ đánh dấu bước tiến đầu tiên của Mỹ vào các vấn đề chính trị của các cường quốc lớn, và vào những cuộc tranh chấp mà nó từ lâu không quan tâm. Sự hiện diện của Mỹ ở tầm liên lục địa, trải dài từ vùng biển Caribbean tới các vùng biển ở khu vực Đông Nam Á. Bởi kích thước, vị trí, và các nguồn lực của mình, Mỹ sẽ là một trong những nước đóng vai trò quan trọng nhất trên toàn cầu. Các hành động của nó giờ đây sẽ bị soi xét, kiểm tra, đôi khi bị chống đối bởi các cường quốc truyền thống đã đóng chốt trên các vùng lãnh thổ và các tuyến đường biển mà những lợi ích của Mỹ đã xâm phạm.
THEODORE ROOSEVELT: MỸ - MỘT CƯỜNG QUỐC THẾ GIỚI
Vị tổng thống đầu tiên phải vật lộn với những tác động từ vai trò của Mỹ trên thế giới chính là Theodore Roosevelt, người sau một quá trình thăng tiến chính trị nhanh chóng lên tới vị trí cao nhất là phó tổng thống, rồi tổng thống vào năm 1901 sau khi McKinley bị ám sát. Quyết tâm, đầy tham vọng, học vấn cao, và đọc sâu biết rộng, một người theo chủ nghĩa thế giới xuất chúng, người trau dồi cả điệu bộ “cao bồi” lẫn sự tinh tế vượt xa sự đánh giá đương thời, Roosevelt nhìn thấy Mỹ có tiềm năng trở thành cường quốc lớn nhất, được xác lập bởi sự thừa kế về chính trị, địa lý, và văn hóa ngẫu nhiên của mình để đóng một vai trò thiết yếu trên thế giới. Ông theo đuổi một khái niệm chính sách đối ngoại chưa từng có ở Mỹ, chủ yếu dựa trên những tính toán địa chính trị. Theo đó, vào thế kỷ 20, Mỹ sẽ đóng một vai trò toàn cầu tương tự như Anh thực hiện ở châu Âu vào thế kỷ 19: duy trì hòa bình bằng cách đảm bảo trạng thái cân bằng, lơ lửng ngoài khơi của lục địa Á-Âu, và nghiêng cán cân quyền lực đối chọi lại bất kỳ cường quốc nào đe dọa thống trị một khu vực chiến lược. Như ông tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức của mình vào năm 1905,
Chúng ta như một dân tộc đã được gia ơn để đặt nền móng đời sống quốc gia của chúng ta trên một lục địa mới... Chúng ta đã được ban tặng rất nhiều, và vì vậy, rất chính đáng, cũng sẽ được mong đợi rất nhiều. Chúng ta có nghĩa vụ đối với người khác và với bản thân mình; và chúng ta không thể trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ nào. Chúng ta đã trở thành một quốc gia vĩ đại, bắt buộc là như vậy, bởi sự vĩ đại thực tế của quốc gia trong mối quan hệ với các quốc gia khác trên Trái Đất, và chúng ta phải hành xử tương xứng với một dân tộc có trách nhiệm như vậy.
Có thời gian được giáo dục ở châu Âu và am hiểu về lịch sử châu lục này (ông đã viết một tài liệu đáng tin cậy về thành tố hải quân của cuộc Chiến tranh năm 1812 khi mới ở độ tuổi đôi mươi), Roosevelt giữ liên lạc thân mật với tầng lớp tinh hoa xuất chúng của “Cựu Thế giới” và cũng thành thạo về những nguyên tắc chiến lược truyền thống, bao gồm cả sự cân bằng quyền lực. Roosevelt cùng chung đánh giá với những người đồng hương của mình về đặc điểm đặc biệt của Mỹ. Tuy nhiên, ông tin rằng để thực hiện trọn vẹn lời kêu gọi của mình, Mỹ sẽ cần phải bước vào một thế giới trong đó quyền lực (chứ không chỉ là nguyên tắc) được chia sẻ trong việc quản lý tiến trình của các sự kiện.
Theo quan điểm của Roosevelt, hệ thống quốc tế đang thay đổi liên tục không ngừng. Tham vọng, lợi ích cá nhân, và chiến tranh không đơn giản chỉ là sản phẩm của những quan niệm sai lầm ngu xuẩn mà người Mỹ có thể dẹp bỏ ở những kẻ cai trị truyền thống; chúng là điều kiện tự nhiên của con người đòi hỏi sự tham gia có chủ đích của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Xã hội quốc tế giống như một khu định cư biên giới mà không có một lực lượng cảnh sát có hiệu quả:
Trong những cộng đồng mới, hoang dã, đầy bạo lực, một người trung thực phải tự bảo vệ mình; và cho đến khi các phương tiện đảm bảo an toàn khác cho anh ta được nghĩ ra, thật là ngu xuẩn và độc ác khi thuyết phục anh ta từ bỏ vũ khí của mình trong khi những kẻ nguy hiểm đối với cộng đồng vẫn giữ vũ khí của chúng.
Trong mọi trường hợp, phân tích mà về căn bản là theo triết lý chính trị của Hobbes này được phát biểu trong một bài diễn thuyết Nobel Hòa bình, đã đánh dấu sự chệch hướng của Mỹ khỏi tiền đề rằng thái độ trung lập và ý định hòa bình là đủ để mang lại hòa bình. Đối với Roosevelt, nếu một quốc gia không thể hoặc không sẵn sàng hành động để bảo vệ lợi ích riêng của mình, nó không thể mong đợi các quốc gia khác tôn trọng những lợi ích đó.
Chắc chắn, Roosevelt đã thiếu kiên nhẫn với nhiều quan điểm chi phối suy nghĩ của người Mỹ về chính sách đối ngoại. Ông kết luận, phần mở rộng mới xuất hiện của luật pháp quốc tế không thể có hiệu quả trừ khi được yểm trợ bằng vũ lực và giải trừ quân bị, đang nổi lên như là một chủ đề quốc tế, là một ảo tưởng:
Do chưa có khả năng thiết lập bất kỳ một hình thức quyền lực quốc tế nào... mà có thể kiểm soát hiệu quả việc làm sai trái, nên trong những trường hợp như vậy, thật ngu xuẩn và độc ác khi một cường quốc tự do lại từ bỏ sức mạnh bảo vệ quyền lợi riêng của mình, và thậm chí kể cả trong những trường hợp đặc biệt đứng lên bảo vệ cho quyền lợi của các quốc gia khác. Không điều gì khuyến khích sự trái với đạo lý... hơn việc những dân tộc được khai sáng và tự do... tự nguyện nộp mình, bất lực trong khi để cho mọi chế độ chuyên chế và man rợ trang bị vũ khí.
Roosevelt tin rằng, các xã hội tự do có xu hướng đánh giá thấp các yếu tố đối kháng và xung đột trong các vấn đề quốc tế. Ngụ ý về khái niệm cạnh tranh sinh tồn của Darwin, Roosevelt đã viết thư cho nhà ngoại giao Cecil Spring Rice của Anh,
Thật là... một thực tế đáng buồn khi những nước nhân đạo nhất, quan tâm nhất đến sự cải thiện trong nước, lại có xu hướng phát triển yếu hơn so với những nước khác có nền văn minh ít vị tha hơn...
Tôi ghê tởm và khinh bỉ chủ nghĩa nhân đạo giả tạo, coi sự tiến bộ của nền văn minh nhất thiết và chính đáng như là ngụ ý về một sự suy giảm ý chí chiến đấu, và do đó mời gọi sự hủy diệt nền văn minh tiên tiến bởi các nền văn minh ít tiên tiến hơn.
Nếu Mỹ chối bỏ những lợi ích chiến lược, điều này có nghĩa là những cường quốc hiếu chiến hơn sẽ tràn ngập thế giới, cuối cùng phá hoại nền tảng sự thịnh vượng của nước Mỹ. Vì vậy, “chúng ta cần một lực lượng hải quân lớn, không chỉ có các tàu tuần dương mà còn bao gồm những tàu chiến hùng mạnh, có khả năng đối chọi với tàu chiến của bất kỳ quốc gia nào,” cũng như biểu thị sẵn sàng sử dụng chúng.
Theo quan điểm của Roosevelt, chính sách đối ngoại là nghệ thuật áp dụng chính sách của Mỹ, kín đáo và kiên quyết, thích ứng với sự cân bằng quyền lực toàn cầu, điều chỉnh các sự kiện theo hướng lợi ích quốc gia. Ông nhận thấy, với nền kinh tế sôi động, Mỹ là quốc gia duy nhất không chịu sự đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và là cường quốc ở cả hai đại dương – Đại Tây Dương và Thái Bình Dương – ở vị thế có một không hai để “nắm giữ những điểm thuận lợi cho phép chúng ta có tiếng nói trong việc quyết định số phận của các đại dương ở hai bờ Đông và Tây.” Che chắn Tây Bán cầu khỏi sự nhòm ngó của các cường quốc ở bên ngoài và can thiệp để duy trì trạng thái cân bằng lực lượng ở mỗi khu vực chiến lược khác, Mỹ sẽ nổi lên như là nước bảo hộ quan trọng của sự cân bằng toàn cầu và thông qua đó là hòa bình quốc tế.
Đây là một tầm nhìn đầy tham vọng và đáng kinh ngạc đối với một quốc gia mà từ trước đến nay coi vị trí biệt lập của nó như là đặc điểm minh định, và do đó coi lực lượng hải quân của mình chỉ như một công cụ phòng vệ ven biển. Nhưng nhờ hiệu quả của hoạt động chính sách đối ngoại nổi bật, Roosevelt đã thành công – ít nhất là tạm thời – trong việc định nghĩa lại vai trò quốc tế của Mỹ. Tại châu Mỹ, ông vượt qua sự phản đối đã được thiết lập chắc chắn của Học thuyết Monroe đối với sự can thiệp của nước ngoài. Ông cam kết Mỹ không chỉ đẩy lui các mưu đồ thực dân của nước ngoài ở Tây Bán cầu, mà trên thực tế còn có thể chặn trước những mưu đồ này, ông đe dọa với tư cách cá nhân về một cuộc chiến để ngăn chặn cuộc xâm lấn sắp xảy ra của Đức vào Venezuela. Vì vậy, ông tuyên bố “Hệ luận Roosevelt” đối với Học thuyết Monroe, rằng Mỹ có quyền can thiệp mang tính chặn trước trong công việc nội bộ của các quốc gia khác ở Tây Bán cầu để giải quyết những trường hợp có “hành vi sai trái hay bất lực” trắng trợn. Roosevelt miêu tả nguyên tắc này như sau:
Tất cả những gì nước này mong muốn là thấy các nước láng giềng ổn định, trật tự và thịnh vượng. Bất kỳ nước nào mà người dân cư xử tốt đều có thể tin tưởng tình hữu nghị nồng nhiệt của chúng tôi. Nếu một quốc gia cho thấy nó biết cách để hành động có hiệu quả hợp lý và nghiêm túc trong các vấn đề xã hội và chính trị, nếu nó giữ trật tự và thực hiện nghĩa vụ của mình, quốc gia đó không cần phải sợ Mỹ can thiệp. Những hành vi sai trái triền miên hay một sự bất lực mà dẫn đến sự lỏng lẻo phổ biến của các mối quan hệ trong xã hội văn minh, có thể ở Mỹ hay ở nơi khác, cuối cùng đòi hỏi sự can thiệp của các quốc gia văn minh, và ở Tây Bán cầu sự tuân thủ của Mỹ đối với Học thuyết Monroe có thể buộc Mỹ, dù miễn cưỡng, thực hiện sức mạnh cảnh sát quốc tế trong những trường hợp hành vi sai trái hay bất lực rõ ràng như vậy.
Như trong bản Học thuyết Monroe đầu tiên, không quốc gia Mỹ La-tinh nào được tham vấn. Hệ luận này cũng dẫn đến một chiếc ô an ninh của Mỹ đối với Tây Bán cầu. Từ đó về sau, không cường quốc bên ngoài nào có thể sử dụng vũ lực để giải quyết sự bất bình của mình ở châu Mỹ; nếu muốn, họ phải làm việc đó thông qua Mỹ, nước tự giao cho mình nhiệm vụ duy trì trật tự.
Yểm trợ cho tham vọng này là Kênh đào Panama mới, cho phép Mỹ di chuyển lực lượng hải quân giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương mà không phải thực hiện những chuyến đi dài qua Cape Horn ở cực Nam của Nam Mỹ. Bắt đầu được xây dựng từ năm 1904, với kinh phí và chuyên môn kỹ thuật của Mỹ trên lãnh thổ chiếm giữ từ Colombia bằng một cuộc nổi dậy địa phương do Mỹ yểm trợ, và được kiểm soát bằng một hợp đồng thuê dài hạn Khu vực Kênh đào (Canal Zone) của Mỹ, Kênh đào Panama được chính thức khai trương vào năm 1914 sẽ thúc đẩy thương mại và mang đến cho Mỹ một lợi thế quyết định trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào ở khu vực. (Kênh đào này cũng sẽ cấm bất kỳ lực lượng hải quân nước ngoài nào sử dụng một lộ trình tương tự nếu không có sự cho phép của Mỹ.) An ninh Bán cầu là trụ cột trong vai trò thế giới của Mỹ dựa trên sự khẳng định mang tính cơ bắp về lợi ích quốc gia của Mỹ.
Khi nào sức mạnh hải quân của Anh vẫn chiếm ưu thế, thì quốc gia này vẫn sẽ còn để mắt đến trạng thái cân bằng ở châu Âu. Trong cuộc xung đột Nga-Nhật năm 1904-1905, Roosevelt đã chứng minh ông sẽ áp dụng khái niệm ngoại giao của mình như thế nào đối với trạng thái cân bằng ở châu Á và nếu cần thiết là trên toàn cầu. Đối với Roosevelt, vấn đề là sự cân bằng quyền lực ở Thái Bình Dương, chứ không phải những sai sót trong chế độ chuyên chế Sa hoàng của Nga (mặc dù ông không hề ảo tưởng về những điều này). Do sự đông tiến không kiểm soát của Nga vào Mãn Châu và Triều Tiên – một quốc gia mà theo cách nói của Roosevelt là “theo đuổi một chính sách nhất quán đối lập với chúng ta ở phía đông và nói dối tới mức không thể hiểu được” – có hại đối với những lợi ích của Mỹ, Roosevelt ban đầu hoan nghênh các chiến thắng quân sự của Nhật Bản. Ông miêu tả sự hủy diệt hoàn toàn của hạm đội Nga, hạm đội đã đi vòng quanh thế giới cho đến khi bị sụp đổ trong trận Tsushima khi Nhật Bản “chơi trò chơi của chúng ta.” Nhưng khi quy mô các chiến thắng của Nhật Bản đe dọa sẽ chôn vùi hoàn toàn vị thế của Nga ở châu Á, Roosevelt đã nghĩ lại. Mặc dù ngưỡng mộ sự hiện đại hóa của Nhật Bản, nhưng có lẽ vì thế ông bắt đầu coi một Đế quốc Nhật Bản bành trướng như là mối đe dọa tiềm tàng đối với vị thế của Mỹ ở Đông Nam Á, và kết luận rằng một ngày nào đó nước này có thể sẽ “đặt ra những yêu cầu về [các] quần đảo Hawaii.”
Mặc dù về bản chất ủng hộ Nga, Roosevelt đã tiến hành hòa giải cuộc xung đột ở châu Á xa xôi qua việc nhấn mạnh vai trò của Mỹ như là một cường quốc châu Á. Hiệp ước Portsmouth năm 1905 là một biểu hiện tinh túy của thuật ngoại giao cân bằng quyền lực của Roosevelt. Nó hạn chế sự bành trướng của Nhật Bản, ngăn chặn sự sụp đổ của Nga và đạt được một kết quả mà trong đó – theo như ông miêu tả – “Nga nên từ bỏ đối mặt với Nhật Bản để mỗi bên có thể có hành động tiết chế đối với bên kia.” Vì vai trò hòa giải của mình, Roosevelt đã được trao giải Nobel Hòa bình, là người Mỹ đầu tiên được vinh danh.
Roosevelt coi thành tựu này không phải là mở ra một tình trạng hòa bình mãi mãi, mà là sự khởi đầu vai trò của Mỹ trong việc quản lý trạng thái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương. Khi Roosevelt bắt đầu nhận được thông tin tình báo mang tính cảnh báo về “phe chủ chiến” của Nhật Bản, ông bắt đầu làm cho quốc gia này chú ý tới quyết tâm của Mỹ, nhưng hết sức tinh tế. Ông phái 16 thiết giáp hạm sơn trắng biểu thị cho sứ mệnh hòa bình, tên là Hạm đội Trắng (Great White Fleet), thực hiện “chuyến hành trình vòng quanh thế giới” thăm hữu nghị các cảng nước ngoài và như thể chứng minh Mỹ giờ đây có thể triển khai sức mạnh hải quân áp đảo tới bất kỳ khu vực nào. Như trong lá thư ông viết cho con trai, sự biểu dương lực lượng được dự định để cảnh báo phe hiếu chiến ở Nhật Bản, qua đó đạt được hòa bình bằng sức mạnh: “Cha không tin sẽ có chiến tranh với Nhật Bản, nhưng cha tin khả năng dẫn đến chiến tranh là có, khiến việc bảo đảm chống lại khả năng này bằng cách xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh như vậy để ngăn trở hy vọng thành công của Nhật Bản là điều rất khôn ngoan.”
Cùng lúc đó, trong khi vừa chứng kiến sự biểu dương quy mô lớn về sức mạnh hải quân Mỹ, Nhật Bản vừa được đối xử hết sức lịch sự. Roosevelt cảnh báo Đô đốc dẫn đầu hạm đội rằng ông này phải hạn chế để tránh xúc phạm sự nhạy cảm của đất nước mà ông đang răn đe:
Tôi muốn anh ghi nhớ, những gì tôi không muốn là chứng kiến ai đó trong số các thủy thủ của chúng ta làm bất kỳ điều gì bất thường khi đang ở Nhật Bản. Nếu anh cho các binh sĩ nghỉ phép khi đang ở Tokyo hay bất kỳ nơi nào khác tại Nhật Bản, phải cẩn thận chọn chỉ những người mà anh hoàn toàn có thể tin tưởng. Bắt buộc không được để có một chút nghi ngờ nào về sự xấc láo hoặc khiếm nhã từ phía chúng ta... Trừ khi bị mất con tàu, thì chúng ta thà bị xúc phạm còn hơn là chúng ta xúc phạm bất kỳ ai trong những hoàn cảnh đặc biệt này.
Theo những lời trong câu cách ngôn yêu thích của Roosevelt, Mỹ sẽ “nói chuyện nhẹ nhàng và mang theo một cây gậy lớn.”
Ở Đại Tây Dương, Roosevelt chủ yếu e sợ sức mạnh và tham vọng ngày càng tăng của Đức, đặc biệt là chương trình xây dựng hải quân quy mô của nước này. Nếu sự chỉ huy của Anh ở các vùng biển bị đảo lộn, khả năng duy trì trạng thái cân bằng ở châu Âu của Anh cũng vậy. Ông thấy Đức như đang dần áp đảo sức đối kháng của các nước láng giềng. Khi Thế chiến I bùng nổ, dù đã rời nhiệm sở, Roosevelt vẫn kêu gọi Mỹ tăng chi tiêu quân sự, sớm tham gia vào cuộc xung đột và đứng về phía nhóm Đồng minh ba bên (Triple Entente) – Anh, Pháp, và Nga – kẻo mối đe dọa sẽ lan sang Tây Bán cầu. Như ông viết vào năm 1914 cho một cảm tình viên người Đức gốc Mỹ:
Ông không tin rằng nếu Đức thắng trong cuộc chiến này, đập tan Hạm đội Anh và tiêu diệt Đế quốc Anh, trong vòng một hoặc hai năm, nước này sẽ kiên quyết chiếm một vị trí thống trị ở Nam Mỹ sao...? Tôi thì lại tin là như vậy. Thực ra tôi biết là như vậy. Vì với những người Đức mà tôi từng nói chuyện, một khi chúng tôi có thể trở nên thân thiết, họ đều chấp nhận quan điểm này với sự thẳng thắn khác hẳn với sự hoài nghi.
Roosevelt tin rằng, thông qua các tham vọng cạnh tranh lẫn nhau giữa các cường quốc lớn, bản chất cuối cùng của trật tự thế giới sẽ được quyết định. Các giá trị nhân văn sẽ được duy trì tốt nhất bởi sự thành công về địa chính trị của các quốc gia được tự do trong việc theo đuổi lợi ích của mình và duy trì độ tin cậy với các mối đe dọa của họ. Khi họ chiếm ưu thế trong cuộc xung đột cạnh tranh quốc tế, nền văn minh sẽ lan rộng và được củng cố với các hiệu ứng tốt lành.
Roosevelt tiếp nhận quan điểm hoài nghi nói chung đối với những viện dẫn phi thực tế của thiện chí quốc tế. Ông quả quyết rằng nó không mang lại điều gì tốt lành, và thường thực sự có hại đối với nước Mỹ khi đưa ra những tuyên bố trọng yếu có tính nguyên tắc nhưng lại không ở vị thế để ép buộc thực thi chúng trước những quyết tâm chống đối. “Lời nói của chúng ta phải được đánh giá bằng những hành động của chúng ta.” Khi nhà tư bản công nghiệp Andrew Carnegie[136] thúc giục Roosevelt cam kết Mỹ sẽ triệt để hơn đối với giải trừ quân bị và nhân quyền quốc tế, Roosevelt trả lời bằng sự viện dẫn một số nguyên tắc mà Kautilya có lẽ đã chấp thuận,
Chúng ta phải luôn nhớ rằng, sẽ là điều nguy hiểm chết người khi các dân tộc tự do, vĩ đại tự làm yếu mình tới mức bất lực, trong khi để các chế độ chuyên chế và man rợ trang bị vũ khí. Sẽ an toàn khi làm như vậy nếu có hệ thống cảnh sát quốc tế nào đó; nhưng giờ đây chưa có hệ thống nào như vậy... Có một điều mà tôi sẽ không làm là lừa phỉnh khi tôi không thể làm tốt; quát tháo, hăm dọa, và sau đó không hành động nếu những lời của tôi cần phải được hỗ trợ.
Nếu Roosevelt được kế nhiệm bởi một môn đệ, hay nếu ông thắng cử năm 1912, ông có thể đã đưa nước Mỹ vào hệ thống trật tự thế giới theo Hòa ước Westphalia hay một biến thể của nó. Trong tiến trình sự kiện đó, nước Mỹ gần như chắc chắn sẽ tìm kiếm một kết thúc sớm hơn của Thế chiến I tương thích với sự cân bằng quyền lực ở châu Âu – theo những quy định trong Hiệp ước Nga-Nhật – để Đức thua trận nhưng hàm ơn sự kiềm chế của Mỹ và bị bao quanh bởi một lực đủ mạnh để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu trong tương lai. Một kết cục như vậy, trước khi sự đổ máu bắt đầu xóa bỏ những thể chế chính trị và xã hội hiện thời, sẽ thay đổi tiến trình lịch sử và ngăn chặn sự tàn phá của nền văn hóa và sự tự tin chính trị của châu Âu.
Cuối cùng, Roosevelt qua đời như một chính khách được tôn trọng và là một người theo chủ nghĩa bảo thủ nhưng không hình thành một trường phái chính sách đối ngoại nào. Ông không có môn đệ trong công chúng hoặc trong những người kế nhiệm ông làm tổng thống. Và Roosevelt đã không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1912, do ông bị chia phiếu với William Howard Taft, Tổng thống đương nhiệm.
Có lẽ nỗ lực của Roosevelt để bảo tồn di sản bằng cách chạy đua cho nhiệm kỳ thứ ba khó có thể tránh khỏi sẽ tiêu diệt bất kỳ cơ hội nào dành cho nó. Truyền thống là quan trọng vì các xã hội không có khuynh hướng đi xuyên qua lịch sử như thể không có quá khứ, và như thể mọi tiến trình hành động là có sẵn dành cho họ. Họ có thể đi chệch khỏi quỹ đạo trước đó chỉ trong một biên độ hữu hạn. Các chính khách lớn hoạt động ở ngoài giới hạn của biên độ đó. Nếu họ không thành công, xã hội trì trệ. Nếu họ vượt qua, họ mất khả năng định hình thế hệ nối tiếp. Theodore Roosevelt đang hoạt động ở biên độ tuyệt đối của khả năng xã hội của mình. Không có ông, chính sách đối ngoại của Mỹ trở về tầm nhìn của thành phố lý tưởng tỏa sáng – không tham gia chứ chưa nói gì đến chi phối một trạng thái cân bằng địa chính trị. Tuy nhiên, nghịch lý là Mỹ đã hoàn thành vai trò dẫn đầu mà Roosevelt đã vạch ra và trong thời gian ông còn sống. Nhưng Mỹ đã làm như vậy nhân danh những nguyên tắc mà Roosevelt chế nhạo và dưới sự dẫn dắt của vị tổng thống mà Roosevelt xem thường.
WOODROW WILSON: MỸ - LƯƠNG TÂM THẾ GIỚI
Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1912 với chỉ 42% số phiếu phổ thông và chỉ hai năm sau khi chuyển từ giới học thuật sang tham gia chính trị quốc gia, Woodrow Wilson đã biến tầm nhìn mà Mỹ đã khẳng định chủ yếu cho chính mình thành một chương trình hành động áp dụng đối với toàn bộ thế giới. Thế giới đôi khi cảm hứng, đôi khi bối rối, nhưng luôn phải chú ý tới cả sức mạnh của Mỹ lẫn phạm vi tầm nhìn của ông.
Khi Mỹ tham gia Thế chiến I, cuộc xung đột khởi đầu quá trình sẽ phá hủy hệ thống các quốc gia có chủ quyền ở châu Âu, nó đã làm vậy không phải trên cơ sở tầm nhìn địa chính trị của Roosevelt mà là dưới ngọn cờ phổ quát đạo đức chưa từng được thấy ở châu Âu kể từ các cuộc chiến tranh tôn giáo ba thế kỷ trước đó. Phổ quát mới này được Tổng thống Mỹ tuyên bố, tìm cách phổ cập hệ thống quản trị chỉ tồn tại ở các nước Bắc Đại Tây Dương và chỉ ở Mỹ trong hình thức do Wilson dự báo. Thấm nhuần ý nghĩa lịch sử sứ mệnh đạo đức của Mỹ, Wilson tuyên bố Mỹ đã can thiệp không phải để khôi phục lại sự cân bằng quyền lực ở châu Âu mà là để “làm cho thế giới an toàn hơn đối với dân chủ,” nói cách khác, để trật tự thế giới dựa trên khả năng của các thể chế trong nước tương thích với ví dụ Mỹ. Mặc dù khái niệm này đi ngược với truyền thống của họ, các nhà lãnh đạo châu Âu chấp nhận nó như là cái giá để Mỹ gia nhập cuộc chiến.
Thiết lập ra tầm nhìn của mình về hòa bình, Wilson lên án sự cân bằng quyền lực, vì chính sự duy trì cân bằng quyền lực này là nguyên nhân ban đầu khiến các đồng minh mới của ông bước vào cuộc chiến. Ông bác bỏ các phương pháp ngoại giao đã được thiết lập từ trước (bị công khai chỉ trích là “ngoại giao bí mật”) vì chúng là nguyên nhân chính gây nên cuộc xung đột. Thay vào đó, trong một loạt các bài phát biểu nhìn xa trông rộng, ông trình bày một khái niệm mới về hòa bình quốc tế dựa trên sự kết hợp các giả định truyền thống của Mỹ và sự nhấn mạnh mới thúc đẩy chúng hướng tới sự thực hiện vô điều kiện trên toàn cầu. Với một vài thay đổi nhỏ, điều này đã trở thành chương trình của Mỹ về trật tự thế giới kể từ đó.
Như nhiều nhà lãnh đạo Mỹ trước đó, Wilson khẳng định rằng sự sắp đặt thiêng liêng đã làm cho Mỹ là một quốc gia khác biệt. Như khi nói chuyện với các học viên tốt nghiệp tại West Point năm 1916, Wilson nói “Như thể Thượng đế đã giành riêng một lục địa, chờ đợi một dân tộc hòa bình, những người yêu tự do và các quyền của con người hơn bất kỳ điều gì khác, đến đây và hình thành một cộng đồng thịnh vượng không ích kỷ.”
Gần như mọi tổng thống tiền nhiệm trước Wilson đều tán thành niềm tin như vậy. Điểm khác của Wilson là ở việc ông khẳng định một trật tự quốc tế dựa trên niềm tin này có thể đạt được trong vòng một đời người, thậm chí trong một nhiệm kỳ tổng thống. John Quincy Adams đã ca ngợi cam kết đặc biệt của Mỹ đối với chính quyền tự quản và tôn trọng luật chơi quốc tế, nhưng cảnh báo các đồng hương của mình không nên tìm cách áp đặt những giá trị này bên ngoài Tây Bán cầu đối với các cường quốc khác không có xu hướng tương tự. Wilson đang chơi những quân bài cao hơn và đặt ra một mục tiêu cấp bách hơn. Ông nói với Nghị viện rằng cuộc chiến vĩ đại sẽ là “cuộc chiến lên đến đỉnh điểm và cuối cùng tranh đấu cho tự do của con người.”
Khi Wilson tuyên thệ nhậm chức, ông đã tìm cách để nước Mỹ giữ trung lập trong các vấn đề quốc tế, tham gia như một nước hòa giải bất vụ lợi và thúc đẩy một hệ thống trọng tài quốc tế nhằm ngăn chặn chiến tranh. Khi nhậm chức tổng thống năm 1913, Woodrow Wilson đã khởi xướng “ngoại giao mới,” ủy quyền cho Ngoại trưởng William Jennings Bryan thương lượng một loạt các hiệp ước trọng tài quốc tế. Những nỗ lực của Bryan đã đạt được kết quả với hơn 30 hiệp ước quốc tế trong các năm 1913 và 1914. Nói chung, các hiệp ước này quy định mỗi tranh chấp không giải quyết nổi phải được trình lên một ủy ban bất vụ lợi để điều tra; và sẽ không viện đến vũ trang cho đến khi một kiến nghị đã được gửi cho các bên. Một giai đoạn “giảm nhiệt” sẽ được thiết lập, trong đó các giải pháp ngoại giao có thể thắng thế so với những cảm xúc dân tộc chủ nghĩa. Không có ghi chép nào về việc một hiệp ước nào như vậy từng được áp dụng cho một vấn đề cụ thể. Tháng Bảy năm 1914, châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới bước vào chiến tranh.
Năm 1917, khi Wilson tuyên bố những vi phạm nghiêm trọng, trắng trợn của một bên là Đức, đã buộc Mỹ phải bước vào cuộc chiến cùng với “nhóm” các bên tham chiến của phía bên kia (Wilson từ chối dùng từ “liên minh”), ông giữ vững quan điểm rằng mục đích của Mỹ không phải là tư lợi mà là phổ quát:
Chúng tôi không vì mục tiêu ích kỷ nào. Chúng tôi không muốn một cuộc chinh phục, một sự cai trị nào. Chúng tôi không tìm kiếm tiền bồi thường cho chính mình, không một khoản bồi thường vật chất nào cho những hy sinh mà chúng tôi sẽ tự nguyện thực hiện. Chúng tôi chỉ là một trong những nước đấu tranh cho các quyền của nhân loại.
Tiền đề của chiến lược lớn của Wilson là tất cả các dân tộc trên thế giới đều được thúc đẩy bởi chính các giá trị như Mỹ:
Đây là các nguyên tắc của Mỹ, các chính sách của Mỹ. Chúng tôi không thể ủng hộ các nguyên tắc, chính sách nào khác. Và đây cũng là các nguyên tắc và chính sách của những người đàn ông và phụ nữ tiên tiến ở khắp nơi, của mọi quốc gia hiện đại, của mọi cộng đồng được khai sáng.
Chính những mưu mô của các chế độ độc tài, chứ không phải bất kỳ mâu thuẫn vốn có nào giữa các lợi ích quốc gia hay khát vọng khác nhau, gây ra xung đột. Nếu tất cả các dữ kiện được sẵn có công khai và công chúng được cung cấp một lựa chọn, những người dân bình thường sẽ lựa chọn hòa bình, một quan điểm cũng được nhìn nhận bởi nhà triết học Khai sáng Kant (được miêu tả trước đó) và bởi những người thời nay ủng hộ một Internet mở. Như Wilson phát biểu trước Nghị viện vào tháng Tư năm 1917, yêu cầu tuyên chiến với Đức:
Các quốc gia tự quản không đưa gián điệp vào các nước láng giềng của họ, hoặc thiết lập các tiến trình vận động ngầm để dẫn đến tình hình nghiêm trọng, điều mà sẽ cho họ cơ hội tấn công và chinh phạt. Những mưu đồ như vậy chỉ có thể thành công trong bí mật và ở những nơi không ai có quyền đặt nghi vấn. Những kế hoạch lừa dối hay xâm lược được gian trá bày đặt, được thực hiện từ thế hệ này sang thế hệ khác nếu có thể, chỉ có thể hiệu quả và được che giấu khỏi ánh sáng nhờ sự bí mật của các chính phủ hoặc đằng sau những tâm sự kín đáo được canh phòng cẩn mật của tầng lớp đặc quyền hạn hẹp. May mắn là những kế hoạch này không thể xảy ra ở những nơi công luận đòi hỏi và nhất quyết yêu cầu có đầy đủ thông tin liên quan đến mọi việc của quốc gia.
Vì thế, về mặt tiến trình của sự cân bằng quyền lực, sự trung lập của nó đối với giá trị đạo đức của các bên đấu tranh, là vừa vô đạo đức vừa nguy hiểm. Dân chủ không chỉ là hình thức quản trị tốt nhất, nó còn là sự bảo đảm duy nhất cho nền hòa bình mãi mãi. Do vậy, như Wilson giải thích trong một bài phát biểu sau đó, sự can thiệp của Mỹ được dự định không chỉ đơn giản là nhằm ngăn chặn các mục tiêu chiến tranh của Đức mà còn nhằm thay đổi hệ thống chính quyền của Đức. Mục tiêu căn bản không phải là chiến lược, vì chiến lược là nhắm tới một hình thức quản trị:
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra gây thiệt hại cho người Đức là, sau khi chiến tranh đã kết thúc, nếu họ vẫn tiếp tục bị buộc phải sống dưới những ông chủ đầy tham vọng mưu đồ và bị hấp dẫn trước việc làm rối loạn nền hòa bình thế giới, những người hoặc những giai cấp mà các dân tộc khác trên thế giới không thể tin tưởng, việc chấp nhận họ trong quan hệ đối tác giữa các quốc gia nhằm đảm bảo hòa bình thế giới có lẽ là không thể.
Để giữ vững quan điểm này, khi Đức tuyên bố sẵn sàng thảo luận một hiệp ước đình chiến, Wilson từ chối đàm phán cho đến khi Kaiser (Hoàng đế Đức) thoái vị. Hòa bình quốc tế đòi hỏi “sự phá hủy mọi quyền lực chuyên chế ở bất kỳ nơi nào có thể làm rối loạn hòa bình thế giới một cách tách biệt, bí mật, và là lựa chọn duy nhất của nó; hoặc, nếu nó không thể bị phá hủy sau một thời gian ngắn, ít nhất làm suy yếu nó tới mức gần như bất lực.” Một trật tự quốc tế hòa bình, dựa trên nguyên tắc là có thể đạt được, nhưng vì “không thể tin tưởng được một chính quyền chuyên chế nào có thể duy trì cam kết hay tôn trọng hiệp ước,” hòa bình đòi hỏi “trước tiên phải cho chế độ chuyên chế thấy được những yêu sách về quyền lực hay vai trò lãnh đạo của nó trong thế giới hiện đại là hoàn toàn vô ích.”
Theo quan điểm của Wilson, sự truyền bá dân chủ sẽ là hệ quả tự động của việc thực hiện nguyên tắc tự quyết. Kể từ Hội nghị thành Vienna, các cuộc chiến tranh đã kết thúc với một thỏa thuận về việc khôi phục lại sự cân bằng quyền lực bằng các điều chỉnh lãnh thổ. Thay vào đó, khái niệm của Wilson về trật tự thế giới kêu gọi sự “tự quyết” cho mỗi quốc gia, được xác định bởi sự thống nhất dân tộc và ngôn ngữ, được có một vị thế độc lập. Ông đánh giá, chỉ thông qua chính quyền tự quản, các dân tộc mới có thể bày tỏ nguyện vọng cơ bản của họ về hòa hợp quốc tế. Và một khi họ đã giành được độc lập và thống nhất quốc gia, Wilson lập luận, họ sẽ không còn động cơ để thực hành các chính sách hiếu chiến hay tư lợi. Các chính khách tuân theo nguyên tắc tự quyết sẽ không “dám... thử bất kỳ giao ước ích kỷ và thỏa hiệp nào như đã ký ở Hội nghị thành Vienna,” nơi đại diện tinh hoa của các cường quốc đã bí mật vẽ lại đường biên giới quốc tế, ưu tiên trạng thái cân bằng hơn là nguyện vọng của người dân. Do đó thế giới sẽ bước vào một thời kỳ... bác bỏ các chuẩn mực ích kỷ quốc gia từng chi phối các khuyến nghị của các quốc gia và yêu cầu chúng phải nhường chỗ cho một trật tự mới trong đó các câu hỏi sẽ chỉ là: “Liệu nó có đúng?” “Liệu nó có chính đáng?” và “Liệu nó có vì lợi ích của nhân loại?”
Bằng chứng hiếm hoi hỗ trợ cho tiền đề Wilson là ý kiến quần chúng hòa hợp với “lợi ích tổng thể của nhân loại” hơn là các chính khách truyền thống mà Wilson khiển trách. Tất cả các quốc gia châu Âu tham chiến vào năm 1914 đều có các thể chế đại diện với ảnh hưởng khác nhau. (Nghị viện Đức được bầu theo phổ thông đầu phiếu). Ở mỗi quốc gia, chiến tranh được chào đón bởi lòng nhiệt tình phổ biến và hầu như không có ý kiến đối lập danh nghĩa từ bất kỳ cơ quan dân cử nào. Sau chiến tranh, công chúng của nước Pháp dân chủ và Anh yêu cầu một nền hòa bình mang tính trừng phạt, lờ đi kinh nghiệm lịch sử của chính họ rằng một trật tự châu Âu ổn định chưa từng bao giờ đạt được nếu không có sự hòa giải cuối cùng giữa nước chiến thắng và nước chiến bại. Sự kiềm chế, nếu có, phần nhiều là đặc tính của giới quý tộc, những người đã thương thảo tại Hội nghị thành Vienna, vì họ chia sẻ các giá trị và kinh nghiệm chung. Các nhà lãnh đạo được định hình bởi chính sách đối nội cân bằng trước vô số các nhóm gây áp lực, có lẽ hòa hợp với tâm trạng của thời điểm hoặc mệnh lệnh của lòng tự trọng quốc gia hơn là những nguyên tắc trừu tượng về lợi ích nhân loại.
Khái niệm vượt lên trên chiến tranh bằng cách trao cho mỗi quốc gia một vị thế độc lập, giống như một khái niệm chung đáng ca tụng, nhưng đối mặt với những khó khăn tương tự trong thực tế. Trớ trêu thay, việc vẽ lại bản đồ châu Âu dựa trên nguyên tắc mới về quốc gia tự quyết (dựa trên ngôn ngữ), phần lớn theo yêu cầu của Wilson, nâng cao triển vọng địa chính trị của Đức. Trước chiến tranh, Đức bị ba cường quốc lớn (Pháp, Nga, và Áo-Hung) bao quanh, làm hạn chế bất kỳ sự mở mang lãnh thổ nào. Giờ đây, nước này chấp nhận thu gom các quốc gia nhỏ được xây dựng trên nguyên tắc tự quyết, chỉ áp dụng một phần, do ở Đông Âu và vùng Balkans các dân tộc xen lẫn tới mức mỗi quốc gia mới bao gồm nhiều dân tộc khác nhau, làm phức tạp thêm điểm yếu chiến lược của họ với ý thức hệ dễ bị tổn thương. Ở sườn phía đông của cường quốc là trung tâm bất mãn của châu Âu không còn là quần chúng đông đảo – mà tại Hội nghị thành Vienna đã được coi là cần thiết để kiềm chế kẻ xâm lược sau đó là Pháp – nhưng như Thủ tướng Anh Lloyd George buồn bã đánh giá, “một số quốc gia nhỏ, nhiều trong số đó bao gồm những người dân trước đấy chưa bao giờ thiết lập một chính quyền ổn định cho mình, nhưng mỗi nước trong số họ có số lượng lớn người Đức kêu gọi được trở về quê hương của mình.”
Việc thực hiện tầm nhìn của Wilson sẽ được thúc đẩy bởi việc xây dựng các thể chế và thông lệ quốc tế mới cho phép giải quyết các tranh chấp theo cách hòa bình. Hội Quốc Liên sẽ thay thế sự phối hợp trước đây giữa các cường quốc. Kịch liệt phản đối khái niệm truyền thống về trạng thái cân bằng của các lợi ích cạnh tranh lẫn nhau, các thành viên Hội Quốc Liên sẽ thực hiện “không phải một sự cân bằng quyền lực mà là một cộng đồng quyền lực; không phải những sự kình địch có tổ chức mà là nền hòa bình chung có tổ chức.” Đó là điều dễ hiểu khi, sau một cuộc chiến tranh do sự đối đầu của hai hệ thống liên minh cứng nhắc gây ra, các chính khách có lẽ tìm kiếm một thay thế tốt hơn. Nhưng “cộng đồng quyền lực” mà Wilson đang nói tới thay thế sự cứng nhắc bằng sự bất trắc.
Điều Wilson muốn nói khi nhắc tới cộng đồng quyền lực là một khái niệm mới mà sau này được gọi là “an ninh tập thể.” Trong chính sách quốc tế truyền thống, các quốc gia có lợi ích giống nhau hoặc mối lo âu tương tự nhau có thể tự ấn định một vai trò đặc biệt trong việc bảo đảm hòa bình và hình thành một liên minh, ví dụ như họ đã có một liên minh như vậy sau khi đánh bại Napoleon. Những thỏa thuận như vậy luôn được thiết kế để đối phó với những mối đe dọa chiến lược cụ thể, hoặc được chỉ mặt đặt tên, hoặc ngụ ý: ví dụ, Pháp theo chủ nghĩa phục thù sau Hội nghị thành Vienna. Ngược lại, Hội Quốc Liên sẽ được thành lập trên nguyên tắc đạo đức, sự chống đối phổ quát đối với xâm lược quân sự nếu có, bất kể nguồn gốc, mục tiêu hoặc biện minh được tuyên bố của cuộc xâm lược. Nó nhằm mục đích không phải ở một vấn đề cụ thể mà là sự vi phạm các chuẩn mực. Do định nghĩa các chuẩn mực đã được chứng minh là tùy thuộc vào cách diễn giải khác nhau, theo ý nghĩa đó, sự vận hành của an ninh tập thể là không thể đoán trước.
Trong khái niệm Hội Quốc Liên, tất cả các quốc gia sẽ cam kết giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp và sẽ tự đặt mình thấp hơn sự áp dụng trung lập một bộ quy tắc xử sự công bằng chung. Nếu các quốc gia có quan điểm khác nhau về lợi ích hoặc nghĩa vụ của mình, họ sẽ đệ trình các yêu cầu tới một ủy ban các bên bất vụ lợi để được phân xử. Nếu một quốc gia vi phạm nguyên tắc này và sử dụng vũ lực để tạo áp lực cho tuyên bố của mình, quốc gia đó sẽ bị coi là kẻ xâm lược. Khi đó, các thành viên Hội Quốc Liên sẽ đoàn kết để chống lại nước đó như là kẻ vi phạm hòa bình chung. Không một liên minh, “lợi ích riêng biệt,” thỏa thuận bí mật, hay “mưu đồ của nhóm nhỏ các nước” nào sẽ được phép ở Hội Quốc Liên, vì điều này sẽ cản trở việc áp dụng trung lập các quy tắc của hệ thống. Thay vào đó, trật tự quốc tế sẽ được tái lập trên “những giao ước hòa bình mở, đạt được công khai.”
Sự khác biệt mà Wilson chỉ ra giữa liên minh và an ninh tập thể – yếu tố chủ chốt trong hệ thống Hội Quốc Liên – là chính yếu đối với những tình thế lưỡng nan xảy ra kể từ đó. Một liên minh đạt được như một thỏa thuận về những sự kiện hoặc kỳ vọng cụ thể. Nó tạo ra một nghĩa vụ chính thức để hành động chính xác trong những tình huống bất trắc được xác định. Nó dẫn đến một nghĩa vụ chiến lược có thể được thực hiện theo một cách thống nhất. Nó ra đời dựa trên ý thức về những lợi ích chung và khi những lợi ích này càng tương đồng, liên minh sẽ càng gắn kết. Ngược lại, an ninh tập thể là một cấu trúc pháp lý chứ không phải để giải quyết một tình huống bất trắc cụ thể nào. Nó không xác định một nghĩa vụ đặc biệt nào ngoại trừ một số hình thức hành động chung khi các quy tắc của trật tự quốc tế hòa bình bị vi phạm. Trên thực tế, hành động phải được thương lượng theo từng trường hợp.
Liên minh ra đời dựa trên ý thức về một lợi ích chung được xác định từ trước. An ninh tập thể tuyên bố phản đối bất kỳ hành vi hiếu chiến nào ở bất kỳ đâu trong phạm vi quản lý của các nước tham gia, được đề xuất bởi mọi quốc gia được công nhận trong Hội Quốc Liên. Trong trường hợp có sự vi phạm, hệ thống an ninh tập thể này sau đó phải đúc kết mục tiêu phổ biến của mình từ những lợi ích quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, ý tưởng rằng trong những tình huống như vậy, các quốc gia sẽ xác định những hành vi vi phạm hòa bình giống nhau và sẵn sàng có hành động chung để chống lại chúng, là không đúng – theo kinh nghiệm lịch sử cho thấy. Kể từ thời Wilson đến nay, trong Hội Quốc Liên hay tổ chức kế tục nó là Liên Hợp Quốc, các hành động quân sự có thể được coi là an ninh tập thể theo đúng khái niệm này là Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Iraq đầu tiên, và xảy ra trong cả hai trường hợp vì Mỹ đã cho thấy rõ rằng nước này sẽ hành động đơn phương nếu cần thiết (trên thực tế, trong cả hai trường hợp, nước này đã bắt đầu triển khai quân trước khi có quyết định chính thức của Liên Hợp Quốc). Thay vì là nguồn gốc dẫn đến một quyết định của Mỹ, quyết định của Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn nó. Các cam kết hỗ trợ Mỹ như là một cách để có ảnh hưởng đối với hành động của Mỹ, thực tế đã diễn ra, hơn là sự biểu hiện đồng thuận đạo đức.
Khi Thế chiến I bùng nổ, hệ thống cân bằng quyền lực sụp đổ vì các liên minh sinh ra từ hệ thống này không có tính linh hoạt và nó đã được áp dụng không hạn chế đối với các vấn đề ngoại vi, do đó làm cho các cuộc xung đột thêm trầm trọng. Hệ thống an ninh tập thể chứng tỏ nhược điểm ngược lại khi đối mặt với những chuyển động đầu tiên tiến tới Thế chiến II. Hội Quốc Liên đã bất lực trước sự chia tách của Tiệp Khắc, cuộc tấn công của Italy vào Abyssinia, sự vi phạm của Đức đối với Hiệp ước Locarno và Nhật Bản xâm chiếm Hoa lục. Định nghĩa của nó về xâm lược quá mơ hồ và sự miễn cưỡng thực hiện hành động chung quá sâu sắc, đến mức nó tỏ ra không hiệu quả thậm chí trước những mối đe dọa hòa bình trắng trợn. An ninh tập thể đã liên tục tỏ ra không khả thi trong những tình huống nghiêm trọng nhất, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. (Ví dụ, trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973, do có sự bắt tay giữa các thành viên thường trực, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không phản ứng cho đến khi một thỏa thuận ngừng bắn đã được thương thảo giữa Washington và Moscow.)
Tuy nhiên, di sản của Wilson đã định hình tư duy của Mỹ tới mức các nhà lãnh đạo Mỹ đã lồng khái niệm an ninh tập thể với liên minh. Khi giải thích cho một Nghị viện cảnh giác về hệ thống Liên minh Đại Tây Dương mới hình thành sau Thế chiến II, các phát ngôn viên chính quyền nhấn mạnh việc miêu tả NATO như việc thực hiện thuần túy học thuyết an ninh tập thể. Họ gửi một phân tích tới Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho thấy sự khác biệt giữa các liên minh trước đây trong lịch sử và hiệp ước NATO, trong đó quy định NATO không quan tâm tới việc bảo vệ lãnh thổ (rõ ràng là điều mới mẻ đối với các đồng minh châu Âu của Mỹ). Kết luận của nó là Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương “không nhằm chống lại bất kỳ nước nào; mà mục tiêu duy nhất là chống lại sự xâm lược. Nó không tìm cách ảnh hưởng đến bất kỳ ‘sự cân bằng quyền lực’ đang thay đổi nào mà nhằm củng cố ‘sự cân bằng nguyên tắc.’” (Người ta có thể hình dung được tia hy vọng trong mắt của Ngoại trưởng Dean Acheson[137], người nghiên cứu lịch sử sắc sảo có hiểu biết rộng, khi ông trình bày một hiệp ước được thiết kế để giải quyết những điểm yếu của học thuyết an ninh tập thể trước Nghị viện như một biện pháp để thực hiện chúng).
Khi nghỉ hưu, Theodore Roosevelt than phiền về những nỗ lực của Wilson vào đầu Thế chiến I khi cố giữ khoảng cách với cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu. Sau đó, vào cuối cuộc chiến, ông đặt nghi vấn về những tuyên bố được đưa ra nhân danh Hội Quốc Liên. Tháng Mười một năm 1918, sau khi hiệp ước đình chiến được tuyên bố, Roosevelt viết,
Tôi ủng hộ một hội như vậy miễn là chúng ta không mong đợi quá nhiều từ nó... Tôi không sẵn sàng đóng vai nhân vật mà đến cả Aesop cũng chế nhạo khi ông miêu tả cách sói và cừu đồng ý hạ vũ khí, và những chú cừu, như một hành động đảm bảo thiện chí đã đuổi các chú chó chăn cừu đi, và ngay lập tức bị sói ăn thịt.
Thử thách của chủ nghĩa Wilson là chưa bao giờ xem liệu thế giới đã xoay xở để trân quý hòa bình thông qua các quy tắc chi tiết đầy đủ với nhiều nước cùng ký hay không. Vấn đề mấu chốt là phải làm gì khi những quy tắc này bị vi phạm, hay một cách thách thức hơn, bị thao túng vì những mục đích trái với tinh thần của chúng. Nếu trật tự quốc tế là một hệ thống pháp lý hoạt động trước khi có tòa án công luận, điều gì sẽ xảy ra nếu một kẻ xâm lược chọn xung đột về một vấn đề mà công chúng dân chủ coi là quá mơ hồ để cam kết tham gia – ví dụ, một tranh chấp lãnh thổ giữa các thuộc địa của Italy ở Đông Phi và Đế quốc Abyssinia độc lập? Nếu hai bên vi phạm lệnh cấm sử dụng vũ lực và hệ quả là cộng đồng quốc tế ngừng cung cấp vũ khí cho cả hai bên, thường điều này sẽ cho phép bên mạnh hơn thắng thế. Nếu một bên rút lui “hợp pháp” khỏi cơ chế trật tự hòa bình quốc tế và tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi những hạn chế của nó – như trường hợp của Đức, Nhật Bản, và Italy cuối cùng rút khỏi Hội Quốc Liên, Hiệp ước Hải quân Washington[138] năm 1922 và Hiệp ước Kellogg-Briand[139] năm 1928, hay trong thời đại của chúng ta, sự thách thức của các nước phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân – liệu các cường quốc hiện tại có được phép sử dụng vũ lực để trừng phạt sự thách thức này, hay họ phải cố gắng thuyết phục những kẻ nổi loạn quay trở lại với hệ thống? Hay đơn giản là phớt lờ thách thức đó? Và liệu quá trình nhân nhượng sau đó có dẫn đến thêm thách thức hay không? Trên tất cả, liệu có những kết quả “hợp pháp” mà dù sao đi nữa cũng bị chống lại vì chúng vi phạm các nguyên tắc khác về trạng thái cân bằng quân sự hoặc chính trị – ví dụ sự “tự quyết” được phê chuẩn rộng rãi của Áo và cộng đồng nói tiếng Đức của Cộng hòa Tiệp Khắc trong việc hợp nhất với Đức Quốc xã vào năm 1938, hay việc Nhật Bản dựng lên một Mãn Châu được cho là tự quyết (“Mãn Châu quốc”) vào năm 1932 từ vùng Đông bắc Trung Quốc? Liệu những quy định và quy tắc, bản thân chúng, là trật tự quốc tế hay chúng là bộ khung trên đỉnh của một cấu trúc địa chính trị có khả năng của – trên thực tế đòi hỏi – một sự quản lý phức tạp hơn?
“Ngoại giao cũ” đã tìm cách để đối trọng giữa những lợi ích của các quốc gia đối địch với cảm xúc dân tộc chủ nghĩa trái ngược trong trạng thái cân bằng giữa các lực lượng cạnh tranh lẫn nhau. Trên tinh thần đó, nó đã đưa Pháp quay lại với trật tự châu Âu sau thất bại của Napoleon, mời nước này tham gia Hội nghị thành Vienna trong khi thậm chí vẫn đảm bảo rằng nước này sẽ bị quần chúng vây quanh để kìm chế bất kỳ cám dỗ tự đại nào trong tương lai. Đối với ngoại giao mới, hứa hẹn thiết lập lại trật tự các vấn đề quốc tế dựa trên các nguyên tắc đạo đức chứ không phải các nguyên tắc chiến lược, không tính toán nào như vậy có thể được chấp nhận.
Điều này đã đặt các chính khách của năm 1919 vào một vị thế bấp bênh. Đức không được mời tham dự hội nghị hòa bình, và trong hiệp ước (là kết quả của hội nghị) được coi là kẻ xâm lược duy nhất của cuộc chiến và phải chịu toàn bộ gánh nặng tài chính và đạo đức của cuộc xung đột. Tuy nhiên, đối với miền Đông Đức, các chính khách tại Versailles vật lộn để hòa giải giữa nhiều dân tộc tuyên bố quyền tự quyết cho dân tộc mình trên cùng những vùng lãnh thổ. Điều này đã làm cho một số quốc gia yếu, có nhiều dân tộc, phải sống rải rác ở giữa hai cường quốc lớn là Đức và Nga. Trong mọi trường hợp, có quá nhiều quốc gia để khiến độc lập cho tất cả trở thành hiện thực hoặc an toàn; thay vào đó, một nỗ lực do dự để dự thảo các quyền thiểu số đã bắt đầu. Liên bang Xô-viết mới hình thành, cũng không có đại diện tại Versailles, bị chống đối nhưng không bị tiêu diệt bởi một sự can thiệp của Đồng minh sớm thất bại ở miền Bắc nước Nga và bị cô lập sau đó. Và để hạn chế những thiếu sót này, Thượng viện Mỹ bác bỏ việc Mỹ gia nhập Hội Quốc Liên, điều khiến Wilson cực kỳ thất vọng.
Trong những năm kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Wilson, thất bại của ông thường bị quy là không phải do những thiếu sót trong quan niệm của ông về quan hệ quốc tế, mà do những tình huống bất trắc không ngờ – một Nghị viện theo chủ nghĩa biệt lập (mà Wilson đã không mấy nỗ lực để giải quyết hoặc làm dịu những do dự của Nghị viện này) – hoặc do cơn đột qụy làm ông bị suy nhược trong chuyến đi trên toàn quốc để diễn thuyết ủng hộ Hội Quốc Liên.
Bi kịch như những sự kiện này, phải nói rằng thất bại của tầm nhìn của Wilson không phải do Mỹ thiếu cam kết đối với chủ nghĩa Wilson. Những người kế vị Wilson cố gắng thực hiện chương trình nhìn xa trông rộng của ông thông qua các biện pháp bổ trợ và căn bản khác theo chủ nghĩa Wilson. Trong những năm 1920 và 1930, Mỹ và các đối tác dân chủ của nó thực hiện một cam kết quan trọng đối với chính sách ngoại giao giải trừ quân bị và trọng tài hòa bình. Tại Hội nghị Hải quân Washington năm 1921-1922, Mỹ nỗ lực ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang bằng cách đề nghị hủy bỏ 30 tàu hải quân nhằm đạt được những giới hạn tương ứng giữa các hạm đội Mỹ, Anh, Pháp, Italy, và Nhật Bản. Năm 1928, dưới thời Calvin Coolidge, Ngoại trưởng Mỹ Frank Kellogg dẫn đầu Hiệp ước Kellogg-Briand, mục đích nhằm loại bỏ hoàn toàn chiến tranh ra khỏi vòng pháp luật như là “một công cụ của chính sách quốc gia”; những nước ký kết, bao gồm phần lớn các quốc gia độc lập trên thế giới, tất cả các bên tham chiến trong Thế chiến I và tất cả cường quốc cuối cùng của phe Trục, cam kết phân xử hòa bình “tất cả các tranh chấp hay xung đột thuộc bất kỳ bản chất nào hay có bất kỳ nguồn gốc nào, có thể phát sinh giữa các nước ký kết.” Không yếu tố quan trọng nào của các sáng kiến này tồn tại.
Tuy nhiên, với sự nghiệp giống như một bi kịch của Shakespeare hơn là sách giáo khoa về chính sách đối ngoại, Woodrow Wilson đã chạm tới tận tâm khảm trong tâm hồn Mỹ. Dù không phải là nhân vật có chính sách đối ngoại khôn khéo hay sắc sảo nhất về địa chính trị của Mỹ trong thế kỷ 20, nhưng ông luôn ở trong số các tổng thống “vĩ đại nhất” qua các cuộc thăm dò ý kiến quần chúng hiện nay. Nó là thước đo thành tựu trí tuệ của Wilson mà ngay cả Richard Nixon, người có chính sách ngoại giao trên thực tế là hiện thân của hầu hết những quy tắc của Theodore Roosevelt, tự coi mình là một đệ tử của chủ nghĩa quốc tế của Wilson và treo bức chân dung của vị Tổng thống thời chiến này trong phòng Nội các.
Sự vĩ đại cao nhất của Woodrow Wilson phải được đo bằng mức độ mà ông tập hợp được truyền thống về chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ ở sau một tầm nhìn tồn tại lâu hơn những nhược điểm này. Ông đã được tôn sùng như một vị tiên tri có tầm nhìn về phía trước mà Mỹ tự thấy có nghĩa vụ phải khao khát. Mỗi khi Mỹ bị thách thức bởi khủng hoảng hay xung đột – trong Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh, và biến động của chính thời đại của chúng ta trong thế giới Hồi giáo – bằng cách này hay cách khác, nó đã quay lại với tầm nhìn của Woodrow Wilson về một trật tự thế giới đảm bảo hòa bình thông qua dân chủ, ngoại giao mở, và việc trau dồi các quy tắc và tiêu chuẩn chung.
Sự tài tình của tầm nhìn này là khả năng khai thác chủ nghĩa lý tưởng Mỹ phục vụ cho các chủ trương chính sách đối ngoại lớn trong việc thiết lập hòa bình, nhân quyền, hợp tác giải quyết vấn đề, và khả năng thấm nhuần việc sử dụng sức mạnh Mỹ với hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn và hòa bình hơn. Ảnh hưởng của nó có tác động không nhỏ đối với sự truyền bá của sự quản trị có sự tham gia của người dân trên toàn thế giới trong thế kỷ vừa qua, và đối với niềm tin và sự lạc quan phi thường mà Mỹ đã mang theo khi tham gia vào các vấn đề thế giới. Bi kịch của chủ nghĩa Wilson là nó để lại cho cường quốc có vai trò quyết định của thế kỷ 20 một học thuyết về chính sách đối ngoại hồ hởi, “tuột neo” khỏi ý nghĩa lịch sử hay địa chính trị.
FRANKLIN ROOSEVELT VÀ TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI
Những nguyên tắc của Wilson rất phổ biến và liên quan sâu sắc đến nhận thức của người Mỹ về nước mình tới mức hai thập kỷ sau đó, vấn đề trật tự thế giới lại xuất hiện, sự thất bại trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến đã không ngăn trở sự quay lại đắc thắng của những nguyên tắc này. Giữa một cuộc thế chiến mới, Mỹ một lần nữa quay lại với thách thức xây dựng một trật tự thế giới mới về cơ bản dựa trên những nguyên tắc của Wilson.
Khi Franklin Delano Roosevelt (người em họ của Theodore Roosevelt và giờ đây là Tổng thống ba-nhiệm-kỳ duy nhất trong lịch sử) và Winston Churchill gặp nhau lần đầu với tư cách lãnh đạo ở Newfoundland trên tàu chiến Hải quân Hoàng gia Anh HMS Prince of Wales tháng Tám năm 1941, cả hai bày tỏ những gì họ miêu tả như là tầm nhìn chung trong Hiến chương Đại Tây Dương gồm tám “nguyên tắc chung” – tất cả đều sẽ được Wilson ủng hộ, trong khi không một Thủ tướng Anh nào trước đó sẽ thoải mái với tất cả những nguyên tắc này. Chúng bao gồm “quyền của mọi dân tộc được lựa chọn hình thức chính phủ họ sẽ sống”; chấm dứt thâu tóm lãnh thổ đi ngược lại ý chí của người dân; “tự do khỏi sợ hãi và ham muốn”; và một chương trình giải trừ quân bị quốc tế, sau đó cuối cùng là “từ bỏ việc sử dụng vũ lực” và “thiết lập một hệ thống an ninh chung lâu dài và rộng hơn.” Không phải tất cả những điều này, đặc biệt là về phi thực dân hóa, đều được Winston Churchill khởi xướng hay chấp nhận, nếu ông không nghĩ rằng đây là điều cần thiết để đạt được quan hệ đối tác với Mỹ, mối quan hệ là hy vọng tốt nhất và có lẽ cũng là duy nhất của Anh để tránh thất bại.
Roosevelt thậm chí còn đi xa hơn Wilson khi giải thích rõ ý tưởng của ông về nền tảng của hòa bình quốc tế. Đến từ giới học thuật, Wilson đã dựa vào việc xây dựng một trật tự quốc tế trên những nguyên tắc triết học căn bản. Nổi lên từ sự rối loạn do bị thao túng của nền chính trị Mỹ, Roosevelt dựa rất nhiều vào việc quản lý các cá nhân.
Do đó, Roosevelt bày tỏ niềm tin rằng trật tự quốc tế mới sẽ được xây dựng trên cơ sở tin tưởng cá nhân:
Hình thức trật tự thế giới mà chúng ta, những quốc gia yêu chuộng hòa bình phải đạt được, chủ yếu phải dựa trên các mối quan hệ thân thiện, sự quen biết, lòng khoan dung, sự chân thành không thể nghi ngờ, thiện chí và thiện tín.
Năm 1945, trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ tư, Roosevelt trở lại chủ đề này:
Chúng ta đã học được sự thật đơn giản, như Emerson đã nói, rằng “Cách duy nhất để có một người bạn là hãy trở thành một người bạn.” Chúng ta không thể đạt được nền hòa bình lâu dài nếu chúng ta tiếp cận nó với sự nghi ngờ và không tin tưởng hay với nỗi sợ hãi.
Khi đối xử với Stalin trong chiến tranh, Roosevelt làm theo những niềm tin này. Đối mặt với bằng chứng về việc phá vỡ các hiệp định và sự thù địch chống phương Tây của Liên Xô, có báo cáo cho thấy Roosevelt đã trấn an cựu đại sứ Mỹ tại Moscow William C. Bullitt:
Bill, tôi không nghi ngờ dữ kiện của anh; chúng chính xác. Tôi không nghi ngờ tính logic trong lập luận của anh. Chẳng qua tôi có linh cảm rằng Stalin không phải là loại người như vậy... Tôi nghĩ, nếu tôi cho ông ta tất cả những gì tôi có thể và không yêu cầu gì từ ông ta, noblesse oblige[140], ông ta sẽ không cố gắng thôn tính bất kỳ lãnh thổ nào và sẽ hành động cho một thế giới dân chủ và hòa bình.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai nhà lãnh đạo ở Tehran cho một cuộc họp thượng đỉnh vào năm 1943, Roosevelt cư xử đúng như những tuyên bố của mình. Khi đến nơi, nhà lãnh đạo Liên Xô cảnh báo Roosevelt rằng tình báo Liên Xô đã phát hiện một âm mưu của phát xít đe dọa sự an toàn của Tổng thống và mời ông đến ở khu nhà được bảo đảm an ninh kiên cố của Liên Xô khi cho rằng Đại sứ quán Mỹ kém an toàn và quá cách xa nơi họp dự kiến. Roosevelt chấp nhận lời mời của Liên Xô và từ chối ở Đại sứ quán Anh gần đó để tránh ấn tượng rằng các nhà lãnh đạo Anglo-Saxon đang nhóm họp để chống lại Stalin. Ngoài phạm vi các cuộc họp chung với Stalin, Roosevelt công khai trêu đùa Churchill và thường tìm cách tạo ấn tượng xa lánh nhà lãnh đạo thời chiến của Anh.
Thách thức trước mắt là xác định một khái niệm về hòa bình. Những nguyên tắc nào sẽ điều chỉnh mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới? Mỹ được yêu cầu phải đóng góp gì trong việc thiết kế và đảm bảo một trật tự quốc tế? Liên Xô nên được nhân nhượng hay phải đối mặt? Và nếu những công việc này được thực hiện thành công, thế giới sẽ như thế nào? Liệu hòa bình chỉ ở trên giấy hay là một quá trình?
Thách thức địa chính trị trong năm 1945 phức tạp như bất kỳ điều gì khác mà một tổng thống Mỹ phải đối mặt. Ngay cả trong tình trạng bị chiến tranh tàn phá, Liên Xô vẫn đặt ra hai trở ngại đối với việc xây dựng một trật tự thế giới hậu chiến. Quy mô của quốc gia này và phạm vi các cuộc chinh phạt của nó phá đổ sự cân bằng quyền lực ở châu Âu. Và lực đẩy ý thức hệ của nó thách thức tính chính danh của bất kỳ cấu trúc thể chế phương Tây nào: chối bỏ tất cả các thể chế hiện tại như là những hình thức bóc lột không chính danh, chủ nghĩa cộng sản đã kêu gọi một cuộc cách mạng trên thế giới để lật đổ giai cấp thống trị và giành quyền lực về tay “vô sản thế giới” như những gì Karl Marx đã kêu gọi.
Những năm 1920, khi phần lớn trong làn sóng nổi dậy đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản châu Âu bị đè bẹp hoặc tàn lụi vì thiếu sự ủng hộ của giai cấp vô sản được lựa chọn, Joseph Stalin, đã truyền bá học thuyết về củng cố “chủ nghĩa xã hội ở một nước.” Ông loại bỏ tất cả các nhà lãnh đạo cách mạng ban đầu khác trong cuộc thanh lọc kéo dài một thập kỷ và triển khai lực lượng lao động mà phần lớn là cưỡng bức để xây dựng năng lực công nghiệp của Nga. Tìm cách làm chệch hướng cơn bão của Đức Quốc xã sang phía tây, năm 1939 ông tham gia vào một hiệp ước trung lập với Hitler, phân chia Bắc và Đông Âu thành những vùng ảnh hưởng của Liên Xô và Đức. Tháng Sáu năm 1941, khi Hitler vẫn cứ tấn công Nga, Stalin đã làm sống lại chủ nghĩa dân tộc Nga và tuyên bố cuộc “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại,” thấm nhuần tư tưởng cộng sản và sự hấp dẫn có tính lợi thế đối với cảm xúc hoàng gia Nga. Lần đầu tiên kể từ khi người vô sản cầm quyền, Stalin khơi dậy tinh thần Nga đã từng hình thành nên nước Nga và bảo vệ nó trong nhiều thế kỷ qua các chế độ độc tài trong nước và những cuộc xâm lược tàn phá của nước ngoài.
Chiến thắng trong cuộc chiến này khiến thế giới phải đối mặt với một thách thức Nga tương tự như thời điểm cuối của những cuộc chiến tranh Napoleon, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. “Người khổng lồ bị thương” này, sau khi đã mất ít nhất 20 triệu người và với một phần ba lãnh thổ rộng lớn phía tây bị tàn phá, sẽ phản ứng ra sao với khoảng trống mở ra trước nó? Chú ý tới những tuyên bố của Stalin có thể đã mang đến câu trả lời, nhưng là đối với ảo tưởng thời chiến thông thường mà Stalin đã cẩn thận gieo rắc, rằng ông đang điều chỉnh các ý thức hệ vô sản chứ không phải kích động chúng.
Chiến lược toàn cầu của Stalin khá phức tạp. Ông tin tưởng rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa tất yếu dẫn tới những cuộc chiến tranh; do đó kết thúc của Thế chiến II tốt nhất là đình chiến. Ông coi Hitler là đại diện cá biệt của hệ thống tư bản chủ nghĩa, chứ không phải một sai lầm từ nó. Các nước tư bản chủ nghĩa vẫn đối địch nhau sau thất bại của Hitler, bất kể những gì các nhà lãnh đạo của họ nói hay thậm chí nghĩ. Như ông đã khinh thị nói về những nhà lãnh đạo Anh và Pháp trong những năm 1920,
Họ nói về chủ nghĩa hòa bình; họ nói về hòa bình giữa các quốc gia châu Âu. Briand và Chamberlain đang ôm nhau thắm thiết... Tất cả những điều này đều vô nghĩa. Từ lịch sử châu Âu, chúng ta biết rằng mỗi lần các hiệp ước vạch ra một sắp xếp mới về lực lượng cho những cuộc chiến tranh mới được ký kết, các hiệp ước này được gọi là hiệp ước hòa bình... [mặc dù] chúng được ký với mục đích miêu tả các yếu tố mới của cuộc chiến tranh sắp tới.
Trong thế giới quan của Stalin, các quyết định do những nhân tố khách quan chứ không phải quan hệ cá nhân xác định. Do đó, thiện chí của liên minh trong thời chiến là “chủ quan” và bị những hoàn cảnh mới sau chiến thắng thay thế. Mục tiêu chiến lược của Liên Xô nhằm đạt được an ninh tối đa cho cuộc thách đấu cuối cùng không thể tránh khỏi. Điều này có nghĩa là đẩy biên giới an ninh của Nga về phía tây càng xa càng tốt và làm suy yếu các nước bên ngoài biên giới an ninh này thông qua các đảng cộng sản và hoạt động bí mật.
Khi cuộc chiến đang diễn ra, các nhà lãnh đạo phương Tây cương quyết không thừa nhận những đánh giá như vậy: Churchill vì ông cần đồng ý với Mỹ; Roosevelt vì ông ủng hộ một “kế hoạch tổng thể” nhằm đảm bảo một nền hòa bình công bằng và lâu dài mà trên thực tế là sự đảo ngược của những gì đã từng là trật tự quốc tế ở châu Âu, ông không ủng hộ cả sự cân bằng quyền lực lẫn sự khôi phục các đế quốc. Chương trình công khai của ông kêu gọi các quy tắc cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và những nỗ lực song song của các nước lớn: Mỹ, Liên Xô, Anh, và Trung Quốc. Mỹ và Liên Xô được đặc biệt mong đợi sẽ đi đầu trong việc kiểm soát những vi phạm hòa bình.
Charles Bohlen, khi đó là một viên chức ngoại giao trẻ, phiên dịch tiếng Nga cho Roosevelt và sau này là kiến trúc sư của mối quan hệ chính sách Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh, phê phán quan điểm “người Mỹ tin những người khác là người tốt, người sẽ cư xử đúng đắn và tử tế nếu bạn đối xử đúng với anh ta” của Roosevelt:
Ông ấy [Roosevelt] cảm thấy Stalin nhìn thế giới phần nào dưới ánh sáng giống như những gì ông ấy đã nhìn, và rằng sự thù địch và hoài nghi của Stalin... là do Nga Xô bị phớt lờ khi phải chịu thống khổ dưới bàn tay của các quốc gia khác trong nhiều năm sau cuộc Cách mạng. Những gì ông không hiểu được đó là sự thù nghịch của Stalin dựa trên những xác tín sâu xa về ý thức hệ.
Một quan điểm khác cho rằng Roosevelt, người thường thể hiện sự tinh tế của mình theo cách tàn nhẫn mà ông dùng để thao túng những người Mỹ trung lập hướng tới một cuộc chiến tranh mà không mấy người đương thời coi là cần thiết, khó có thể bị lừa dối bởi một nhà lãnh đạo thậm chí lõi đời như Stalin. Theo cách lý giải này, Roosevelt đang chờ đợi thời cơ và chiều theo lãnh đạo Liên Xô để ông ta không thực hiện một thỏa thuận riêng biệt với Hitler. Ông chắc chắn phải biết hoặc sẽ sớm phát hiện ra rằng quan điểm của Liên Xô về trật tự thế giới là đối chọi với quan điểm của Mỹ; lời kêu gọi về dân chủ và tự quyết sẽ tập hợp quần chúng Mỹ nhưng lại chắc chắn là không thể chấp nhận được đối với Moscow. Theo quan điểm này, một khi đã đạt được sự đầu hàng vô điều kiện của Đức và sự không khoan nhượng của Liên Xô đã được thể hiện, Roosevelt có thể tập hợp các nền dân chủ với sự quyết tâm tương tự mà ông đã thể hiện khi đối địch với Hitler.
Những nhà lãnh đạo lớn thường thể hiện sự khó hiểu lớn. Khi bị ám sát, liệu Tổng thống John F. Kennedy đang dự định mở rộng cam kết của Mỹ đối với Việt Nam hay rút lui khỏi quốc gia này? Nói chung, sự ngây thơ không phải lý lẽ tấn công mà những người chỉ trích Roosevelt sử dụng để chống lại ông. Có lẽ câu trả lời là Roosevelt, như người dân của ông, nhập nhằng nước đôi về tính hai mặt của trật tự quốc tế. Ông hy vọng một nền hòa bình dựa trên tính chính danh, nghĩa là sự tin tưởng giữa các cá nhân, tôn trọng luật pháp quốc tế, mục tiêu nhân đạo, và thiện chí. Nhưng đối đầu với cách tiếp cận nhất quyết dựa trên sức mạnh của Liên Xô, ông có lẽ đã trở lại xu hướng Machiavelli vốn từng đưa ông lên cương vị lãnh đạo và khiến ông trở thành nhân vật có ảnh hưởng lớn trong thời kỳ của mình. Vấn đề là ông sẽ đi tới sự cân bằng nào khi nó bị dở dang bởi cái chết của ông vào tháng thứ tư trong nhiệm kỳ tổng thống thứ tư của ông, trước khi thiết kế của ông để đối phó với Liên Xô có thể được hoàn thành. Harry S. Truman, người bị Roosevelt loại ra khỏi bất kỳ việc ra quyết định nào, bất ngờ được đặt lên bệ phóng trong vai trò đó.