Tôi Là Thầy Tướng Số - Quyển 3 - Chương 6
CHƯƠNG 6
CUỘC CHIẾN PHONG THỦY: BẢO VỆ LONG MẠCH
HÀNH ĐỘNG SAI LẦM, HỌA RƠI XUỐNG ĐẦU
Tháng 9 năm 1939, sư đoàn 11 Nhật Bản dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Yasuji Okamura, phát động trận chiến Hồ Nam - Giang Tây, tấn công Trường Sa.
Máy bay Nhật cả ngày quần thảo trên đầu, Tổ Gia, Hồng lão hổ và các anh em nằm im trong núi, không dám ra ngoài.
Đêm đến, Tổ Gia lại chìm vào nỗi trầm tư sâu thẳm: lỡ Hồ Nam thất thủ, ta biết đi đâu về đâu?
Mấy thuộc hạ của Hồng lão hổ đang hí hoáy với cái hộp màu xanh thu được của bọn Nhật khi phục kích mấy ngày trước. Chưa bao giờ được thấy thứ đồ nào như vậy nên ai nấy đều tò mò, hết chọc chỗ này lại sờ chỗ kia, và nó luôn phát ra những âm thanh kỳ lạ.
Tứ Bá đầu Trương Tự Triêm nghe thấy liền chạy qua xem, bỗng kêu lên: “Chớ động vào! Đây là điện đài quân dụng! Nó phát ra tín hiệu đấy!”
“Là thứ đồ chơi gì vậy?”
“Điện đài! Kẻ địch sẽ lần theo tín hiệu tìm ra chúng ta! Mau hủy nó đi!”
“Hả?” Mấy tên thổ phỉ không hiểu, “Nhìn nó giống cái máy quay đĩa, muốn để dùng nghe vui! Đập bỏ thì tiếc quá!”
Tứ Bá đầu thấy đám này ngu như lợn, cũng chẳng thèm tranh luận với chúng nữa, đi thẳng lại chỗ Tổ Gia: “Tổ Gia, chúng ta đi thôi, đám người này sẽ gây rắc rối đấy!”
“Sao vậy?” Tổ Gia hỏi.
“Mấy hôm trước phục kích quân Nhật, thu được một chiếc điện đài, đám người này không biết là thứ gì nên cứ hí hoáy cả ngày, điện đài phát ra tín hiệu, ngộ nhỡ bị người Nhật thu được, chúng ta coi như xong đời!”
Tổ Gia gật gật đầu, vội đi tìm Hồng lão hổ. Lưu Tòng Vân đứng bên cạnh nghe vậy thì cuống lên: “Mẹ kiếp, hôm trước ta chẳng đã bảo chúng đập bỏ rồi mà?”
Hồng lão hổ thấy vậy thì hết sức kinh hãi: “Thứ đó thần kỳ vậy sao? Vậy hãy mau đốt nó đi!”
Hồng lão hổ hạ lệnh, đám thổ phỉ liền đốt một đống lửa, rồi quăng chiếc điện đài vào.
Nhưng đã quá muộn, một nhánh quân Quốc dân Đảng đang áp sát hướng này, đặc vụ Quân thống bắt được tín hiệu liền đem sự việc báo lên Đới Lạp. Do mấy tên thổ phỉ bấm lung tung, nên tín hiệu phát đi cũng là những đoạn mã lộn xộn, Đới Lạp gọi nhân viên tình báo giỏi nhất đến giải mã mà vẫn không tài nào giải được.
Sau đó Đới Lạp cử lính trinh sát đến tận nơi phát ra tín hiệu, lính trinh sát quay về báo cáo: đó là một nhóm thổ phỉ trong núi, khoảng hơn ngàn người.
Đới Lạp lập tức cho rằng đây là nhóm thổ phỉ cùng hội với quân Nhật, ngay sau đó liền hạ lệnh tiêu diệt. Hắn nghĩ: quân Nhật ta đánh không lại, nhưng đám thổ phỉ các ngươi, ta đây khả năng có thừa.
Giữa lúc trận chiến Trường Sa đang diễn ra quyết liệt, một đội quân ngàn người lặng lẽ tiến sâu vào núi. Qua hai ngày quan sát và bày binh bố trận, tờ mờ sáng ngày thứ ba liền phát động tấn công vào núi của Hồng lão hổ.
Lần này Hồng lão hổ không hề có sự phòng bị, quân địch đột nhiên tới khiến ông ta được một phen kinh hoàng. Trang bị quân sự từ Mỹ của Tưởng Giới Thạch phát huy uy lực tối đa, nào là súng máy hạng nặng, đại bác đồng thời khai hỏa, lớp thổ phỉ bảo vệ vòng ngoài bị bắn tối tăm mặt mũi, chẳng mấy chốc đã bị phá vỡ.
Hồng lão hổ cuống cuồng: “Mẹ kiếp, là bọn nào đến đánh ông vậy?!”
Một tên thổ phỉ vào báo: “Là quân Quốc dân Đảng.”
Hồng lão hổ nghe vậy, dường như đã hiểu ra: “Đó hẳn là đội vận chuyển bị ta phục kích mấy hôm trước, giờ tìm đến nơi rồi.”
Tứ đại Kim cương của Hồng lão hổ thấy vậy, hùng hổ nói: “Vậy thì cá chết lưới cũng chẳng lành!” Nói rồi cầm vũ khí xông ra, mỗi người tự cắt đặt việc bố trí phòng thủ.
Thế nhưng có một việc mà Hồng lão hổ vẫn không hiểu: chúng làm thế nào lần ra được chúng ta? Lẽ nào đúng là do bộ điện đài đó.
Quốc dân Đảng tấn công ngày càng mãnh liệt, dường như hiểu rõ địa hình trong lòng bàn tay, cả ba phòng tuyến của Hồng lão hổ đều bị công phá. Bách bộ xuyên dương Vương Kế Khôn bị một tay súng bắn lén xuyên đầu, Song đao nữ hiệp Chu Cẩn cũng bị thương, trước một quân đội chính quy, sự không chuyên của thổ phỉ hoàn toàn bộc lộ.
Quân sư Lưu Tòng Vân mồ hôi vã ra như tắm, cuống cuồng nói với Hồng lão hổ: Tư lệnh, rút thôi...”
Không đợi nói hết câu, Hồng lão hổ đã nổi nóng: “Rút lui? Rút đi đâu? Hồng lão hổ ta từ năm 1930 vào rừng làm cướp, giết địa chủ, lùng ác bá, phục kích Quốc dân Đảng, chống lại Nhật Bản, mấy tên đầu sỏ xung quanh bị ta đánh cho phải ngoan ngoãn tuân theo, ta rút đi đâu bây giờ?”
“Tư lệnh, lần này không như vậy, địch đến có sự chuẩn bị.” Lưu Tòng Vân lo lắng nói.
Tổ Gia ở bên cạnh cũng chau mày suy ngẫm: có chuyện gì vậy, Quốc dân Đảng đang chiến đấu với quân Nhật ở Trường Sa, sao lại chia binh đến đây tiễu phỉ? Dù thế nào thì hôm nay cũng lành ít dữ nhiều.
“Tư lệnh,” Tổ Gia nói, “chi bằng hãy giương cờ trắng trước, giả vờ đầu hàng, đợi tôi hỏi rõ thực hư xem thế nào?”
Hồng lão hổ nhìn Tổ Gia, trầm ngâm một hồi mới nói: “Cũng được.”
Tổ Gia chạy ra ngoài sơn động, hạ lệnh cho đám thổ phỉ xung quanh giương cờ trắng, ngừng nổ súng.
Tổ Gia nấp sau một tảng đá lớn, gọi to: “Thưa trưởng quan, chúng tôi là thổ phỉ chính nghĩa, chưa từng làm hại dân chúng, cũng không gây phiền phức cho chính phủ, mấy ngày trước chúng tôi còn phục kích quân Nhật, người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc!”
Đối phương nghe vậy, liền ngừng bắn phá: “Nộp súng thì không giết! Giơ hai tay lên!”
“Trưởng quan, xin tha cho con đường sống!”
“Mẹ kiếp không hiểu tiếng người à? Ta bảo ngươi nộp súng ra đây!”
Tổ Gia nghe thấy thế, biết đó chỉ là kế dụ địch, nộp súng rồi chắc chắn bị ăn đạn. Nghĩ tới nghĩ lui, bỗng ông hét to: “Trưởng quan, tôi và Đới Tướng quân của các ông là chỗ bạn cũ, cảm phiền trưởng quan chuyển lời rằng có Thiết Bản tiên sinh của Giang Hoài ở đây!”
Tên trưởng quan nghe xong, lập tức lấy điện đài báo cáo với Đới Lạp.
Đới Lạp lúc này cũng đang nóng lòng sốt ruột vì không tìm được Tổ Gia, trước trận chiến Vũ Hán, Đới Lạp từng bảo Tổ Gia cùng về Tứ Xuyên với ông ta, nhưng Tổ Gia không đồng ý, sau này Tổ Gia lập bẫy thiêu sống lũ thầy pháp Nhật ở Vũ Hán, Đới Lạp đoán rằng vụ đó là do Tổ Gia thực hiện. Về sau không có tin tức gì của Tổ Gia, Đới Lạp cho rằng Tổ Gia lành ít dữ nhiều, trong lòng nghĩ: Thiết Bản tiên sinh kể cũng là bậc kỳ tài trong thiên hạ, sớm muộn gì ta cũng phải thuyết phục ông ta gia nhập Quân thống, trở thành cố vấn riêng cho ta, nay ông ta sống chết không rõ, đúng là trời không giúp ta rồi!
Sau này, Đới Lạp cử một đội đặc vụ riêng truy tìm tung tích Tổ Gia. Ông ta không ngờ rằng Tổ Gia lại đang ẩn thân trong sơn động thổ phỉ.
Đang vô kế khả thi, Đới Lạp thấy điện khẩn từ tiền tuyến gửi về, lòng khấp khởi mừng thầm, lập tức trả lời: tiếp tục tấn công, chỉ tha mình Thiết Bản tiên sinh, còn lại giết hết!
Sau khi nhận được mật điện, viên đoàn trưởng kêu to: “Đới Tướng quân có lệnh, mời Thiết Bản tiên sinh ra nói chuyện.”
Anh em liền can ngăn: “Tổ Gia, không được, ngộ nhỡ...”
Tổ Gia nhìn mọi người, rồi lại nhìn Hồng lão hổ, nói: “Yên tâm, là phúc thì không phải là họa, là họa thì cũng chẳng tránh được.”
“Tổ Gia cẩn thận.” Hồng lão hổ nói.
Tổ Gia đứng dậy bước ra.
Vừa đi tới vùng kiểm soát của đối phương, liền nghe thấy tiếng súng cối, trọng pháo nổi lên liên hồi, hỏa lực lần này mạnh hơn gấp bội, mấy trăm phát đạn pháo nã vào cứ điểm của Hồng lão hổ.
“Sao lại như vậy?” Tổ Gia thất kinh.
“Tiên sinh ở đây nghỉ ngơi một lát, đợi tiễu phỉ xong rồi sẽ nói chuyện với tiên sinh.” Viên đoàn trưởng nói, “Bắn cho ta, bắn mạnh vào!”
Tổ Gia lập tức hiểu ra: Đới Lạp thật ác độc! Ông toan quay người bỏ đi thì mấy tên lính bước lại: “Tiên sinh ngoan ngoãn đợi ở đây đi!”
Thổ phỉ trên núi kêu la loạn một hồi, mười lăm phút sau, quân Quốc dân Đảng phát động tổng tấn công. Hồng lão hổ bị bắn chết trong lúc hỗn loạn, Lưu Tòng Vân và Hắc diện sát tinh dẫn một toán đột phá trùng vây, không biết chạy đi hướng nào. Những người còn lại đều hạ súng đầu hàng, đưa tay lên đầu lục tục bước ra.
Tổ Gia vội chạy đến, mấy bá đầu đang giơ tay đi lại, thấy Tổ Gia liền cất tiếng gọi: “Tổ Gia, Tổ Gia!” rồi cùng chạy lại phía ông.
Mấy tên lính vừa định ngăn lại, Tổ Gia lườm chúng một cái: “Đây đều là đồ đệ của ta!”
“Các anh em không sao cả chứ?” Tổ Gia hỏi.
Nhị Bá đầu cười nói: “Không sao, không sao, việc vốn chẳng liên quan đến chúng ta, Hồng lão hổ bảo chúng tôi xông lên, các anh em liền cầm súng nấp phía sau giả vờ hăng hái thôi. Họ đi tiễu phỉ, chứ đâu phải tiễu phái Giang Tướng!”
Tổ Gia dường như nhớ ra điều gì đó, vội chạy vào sơn động.
Trong sơn động, lính Quốc dân Đảng đang kiểm lại xác thổ phỉ, phát hiện Song đao nữ hiệp Chu Cẩn bị thương đang nằm trong một góc.
“Ồ, xem này, mau đến xem này! Có một nữ thổ phỉ!” một tên lính kêu to.
Mấy tên kia đều xúm cả lại: “Đẹp thật, ngực lại to nữa.” Nói rồi liền động tay động chân.
“Cút!” Chân Chu Cẩn đang bị thương, không nhúc nhích được.
“Hô hô, nóng tính gớm! Là áp trại phu nhân đây! Ông đây hôm nay làm bữa mặn mới được.” Nói rồi một tên cởi thắt lưng quần.
“Dừng lại!” Tổ Gia quát một tiếng rồi xông lại.
Tên lính đó thấy Tổ Gia, không thèm để ý tới: “Không có việc của ông, tìm chỗ nào mát mẻ đợi đi!”
“Được lắm, các ngươi cứ làm đi.” Tổ Gia khinh khỉnh nói, “Để ta báo với Đới Cục trưởng, xử các ngươi theo quân pháp!”
Mấy tên lính nghe thấy vậy, hai tai đều cụp cả xuống, lầm bẩm chửi đổng: “Mẹ nó chứ! Chõ mõm vào chuyện thiên hạ!” Rồi kéo quần lên, cun cút đi ra.
Chu Cẩn nhìn Tổ Gia, yếu ớt nói: “Tiên sinh đi mau đi, mặc kệ tôi, tôi sẽ chết trong sơn động này.” Nói rồi, nước mắt trào ra.
“Phu nhân nói gì vậy, giữ rừng còn xanh, lo gì thiếu củi đun, tôi với vị Đới Lạp của Quân thống đó có duyên gặp mặt, đợi tôi bẩm lên chắc ông ta sẽ tha cho phu nhân.”
Chu Cẩn lắc đầu, nói: “Nếu tiên sinh thực sự muốn tốt cho tôi, hãy cho tôi một phát súng, giải thoát cho tôi.”
Tổ Gia nhìn bà ta, quay người gọi to: “Quân y! Đem một chiếc cáng lại đây!”
Tên đoàn trưởng nhìn ông, giọng lãnh đạm: “Quân y không cứu thổ phỉ!”
Tổ Gia trầm ngâm giây lát rồi nói: “Bà ấy không phải là thổ phỉ, là phu nhân của ta!”
Tên đoàn trưởng sững người, anh em Mộc Tử Liên cũng ngây ra, Chu Cẩn càng kinh ngạc hơn.
Tên đoàn trưởng mặt mày hớn hở bước lại, hỏi giọng đểu giả: “Tiên sinh thích món này sao?”
“Ngươi có cứu hay không?” Tổ Gia dằn từng tiếng một.
“Cứu! Cứu chứ!” Tên đoàn trưởng hấp háy mắt, sau đó vỗ vai Tổ Gia, “Ngài thật biết cách hưởng thụ đấy!”
Thế rồi bọn Tổ Gia theo quân đội rút về.
Lúc này trời đã sáng rõ, trên ngọn đèo u tịch hoang vu, vài cánh chim lững lờ bay qua, khói thuốc súng tan đi, sơn cốc lại trở về vẻ bình yên vốn có.
THỦ LĨNH QUÂN THỐNG ĐỚI LẠP
PHÁ GIẢI TÌNH BÁO PHONG THỦY NHẬT BẢN
“Sao tiên sinh lại đi theo thổ phỉ vậy?” Tại dinh thự Quốc dân Đảng, Đới Lạp thắc mắc.
“Ha ha, Vũ Hán thất thủ, tôi và các đồ đệ chạy thoát được, đi qua một ngọn đèo thì lọt vào ổ phục kích của thổ phỉ, đúng là không đánh thì không quen biết. Đối phương là thổ phỉ chính nghĩa, không sát hại dân chúng.”
“Ha ha,” Đới Lạp cười phá lên, “thổ phỉ chung quy vẫn là thổ phỉ. Trước trận chiến Vũ Hán, tôi bảo tiên sinh đi Trùng Khánh trước, tiên sinh không chịu nên tôi cũng hết cách. Sau Vũ Hán thất thủ, tôi cũng mất dấu tiên sinh, không ngờ thật khéo trùng hợp như vậy, ta được gặp mặt lần nữa, đúng là duyên số!”
“Đúng vậy.” Tổ Gia mỉm cười nói.
“Lần tiễu phỉ này đoạt được 12 bao bạc nén. Ủy viên trưởng sẽ vui lắm đây.” Đới Lạp nói.
“Đới Tướng quân cát nhân tự có thiên tướng*.” Tổ Gia phụ thêm.
“Chỉ có điều... Song đao nữ hiệp đó chẳng phải vợ của tiên sinh, cớ sao tiên sinh phải bảo vệ như thế? Lẽ nào quả thực anh hùng khó qua ải mỹ nhân?” Đới Lạp mỉm cười hỏi.
“Để Đới Tướng quân chê cười rồi. Chu Cẩn lúc ấy bị trọng thương, khi đó bà ta không phải là Song đao nữ hiệp, cũng chẳng phải thổ phỉ, chỉ là một người phụ nữ bị thương, tôi sợ quân lính ra tay sát hại, bất đắc dĩ phải đưa ra hạ sách đó, khiến Tướng quân chê cười rồi.”
“Tiên sinh hành động hào hiệp, tấm lòng trượng nghĩa! Đới Lạp ta cũng chính dựa vào chữ nghĩa mà gây dựng nên cơ đồ. Nhớ năm xưa ở Thượng Hải, Lam Y xã mới được thành lập, ba đại môn phái ở Thượng Hải đều nể mặt Đới mỗ đôi phần, đó nhờ vào cái gì? Là nghĩa khí! A... mà ta thấy Chu Cẩn quả có vài phần nhan sắc, hay là tiên sinh cứ đùa giả làm thật, bằng không ta giết lại không giết được, thả cũng không thả được, há chẳng phải làm khó ta ư?”
Tổ Gia không ngờ bị Đới Lạp chiếu tướng nước cờ này. Khi đó tình hình nguy cấp, bất đắc dĩ phải nói dối để bảo vệ Chu Cẩn, nay việc lại trở nên khó xử rồi, Quốc dân Đảng tiễu phỉ tổn hao nhân lực vật lực, khó khăn lắm mới bắt được một trong Tứ đại Kim cương, nếu cứ âm thầm thả đi, há có thể ăn nói với cấp trên lẫn cấp dưới?
Tổ Gia thao thức suốt đêm, trằn trọc mãi về việc này, sau đó đến phòng bệnh thăm Chu Cẩn.
“Đa tạ ơn cứu mạng của tiên sinh.” Chu Cẩn cảm kích nói.
“Phu nhân quá lời rồi. Chỉ là... chỉ là... vở kịch này vẫn phải diễn tiếp... nếu không phu nhân khó mà thoát thân được.”
Chu Cẩn mỉm cười cam chịu: “Tư lệnh đã chết, lòng tôi cũng chết theo. Tiên sinh không cần phải lo cho tôi, muốn chém muốn giết, tôi chịu hết. Chỉ là... chỉ là...”
Đang nói, Chu Cẩn nước mắt lã chã rơi.
“Chỉ là sao cơ?”
Chu Cẩn đưa tay lên bụng, giọng thổn thức: “Tôi đã mang cốt nhục của Tư lệnh...”
Tổ Gia nghe vậy, cảm xúc lẫn lộn, mãi lâu sau mới cất tiếng: “Vậy thì... phu nhân càng phải bảo vệ tính mạng mình. Tôi và Đới Lạp đã nói chuyện, hắn muốn làm mối cho tôi kết hôn với phu nhân, như vậy phu nhân mới có thể an toàn, không biết ý phu nhân thế nào?”
Chu Cẩn nhìn Tổ Gia, rồi lại xoa bụng: “Như vậy thiệt thòi cho tiên sinh rồi...” nói đến đây, mắt lại ầng ậng nước.
Tổ Gia trầm tư không nói, đứng lặng nhìn bầu trời đêm.
Tổ Gia kết hôn, lại là lấy quả phụ của thủ lĩnh thổ phỉ, các bá đầu đều không hiểu.
“Tổ Gia, gái tân đâu có thiếu! Việc này... giang hồ mà truyền đi, e rằng tổn hại đến thanh danh của thầy!” Nhị Bá đầu gãi gãi đầu nói.
Mặt Tổ Gia không chút biểu cảm.
Tam Bá đầu thì thào với mọi người: “Tôi cứ nghĩ ‘cái đó’ của Tổ Gia có vấn đề nên mới không kết hôn, hôm nay mới biết là mình đã sai! Tổ Gia giỏi thật, nhịn được bao nhiêu năm như vậy, tốt rồi, lần này thoải mái rồi, ha ha!”
Nhị Bá đầu thì gật gù: “Hay là mình cũng tìm một cô...”
Đại Bá đầu nhếch mép cười: “Hai ngươi tranh cãi cái khỉ gì thế! Phẩm cách của Tổ Gia há đến lượt các ngươi hiểu được?”
Tứ Bá đầu chỉ lặng lẽ ngồi nghe, hình bóng của Hoàng Pháp Dung lại ẩn hiện trong đầu, anh ta lòng đau như cắt, phủi tay áo rồi bỏ ra ngoài.
Lục Bá đầu bước theo: “Tứ ca!”
Tứ Bá đầu ngước mặt nhìn những ánh sao cuối chân trời:
“Ôi...
Đêm thu đèn rọi họa bình,
Đuổi xua đom đóm, phong phanh quạt là.
Cảnh trời đêm mát vẩn vơ,
Khiên ngưu Chức nữ nằm chờ xem chơi.”*
Ngâm xong, nước mắt giàn giụa.
“Tứ ca,” Tiểu Lục Tử vỗ vai Trương Tự Triêm, móc từ trong người ra một bao thuốc lá Khổng Tước, “làm một điếu đi, đây là đệ để dành từ hồi đi theo Cửu gia, do phường thuốc ở Thượng Hải tặng đó.”
Trương Tự Triêm chưa bao giờ hút thuốc, nhưng cũng đưa tay nhận lấy. Tiểu Lục Tử châm lửa cho anh ta.
“Tứ ca, Lục đệ, đang tán chuyện gì vậy?”
Bá đầu Trương Kỳ Lĩnh bước lại.
Tứ Bá đầu than thở: “Nói về đời người khó đoán, tình yêu khó phai, chân tình khó dứt...”
“Hắn ta sao vậy?” Ngũ Bá đầu ngơ ngác hỏi Tiểu Lục Tử.
“Tự cổ khách đa tình hận đời ly biệt, lòng buồn nên lạnh nhạt cả với trời thu...” Tứ Bá đầu lại than một tràng.
“Hai người ngồi chơi nhé, tôi đi ngủ đây!” Ngũ Bá đầu chán nản bỏ đi.
“Có lẽ ta đã sai khi gia nhập phái Giang Tướng...” Tứ Bá đầu bỗng thốt lên.
“Suỵt...” Tiểu Lục Tử cảnh giác nhìn xung quanh, “Tứ ca, câu này chớ có tùy tiện nói ra!”
“Chúng ta đang thay trời hành đạo ư? Trên cái thế gian này vẫn còn ‘đạo’ sao? Tôi luôn tự hỏi đạo lý cuộc sống là gì? Công danh lợi lộc, tiền tài tửu sắc là chi? Đời người chẳng ai tránh được cái chết, tiền tài danh vọng sống không đem đến, chết chẳng mang đi. Hồng lão hổ mấy hôm trước vẫn uy phong là thế, phút chốc đã làm ma dưới họng súng, tiền tài về tay Quốc dân Đảng, vợ tái giá với kẻ khác, ông ta ở dưới đất sẽ nghĩ sao đây?”
“Tứ ca, anh quá bi quan rồi.”
“Có câu ‘Đại trượng phu sống là không được uổng phí cuộc đời này’, tại sao lại không uổng phí? Tự cổ chí kim, sự thành danh của một người luôn đi cùng với sự hy sinh của vô vàn kẻ khác. Nhiều lúc tôi ao ước cuộc sống điền viên ‘ánh trăng chiếu rọi tầng thông, suối trong nước chảy trên vầng đá xanh’, xa rời giết chóc, chẳng còn âm mưu, một nhà lớn bé, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên, nghe mưa rơi mùa hạ, chờ tuyết lạnh mùa đông, sau đó dần già đi. Được vậy thật hạnh phúc biết bao...”
“Tứ ca, tối đi một bài quyền nhé, bộ Tông hạc quyền này của tôi rất chú trọng vào lực di chuyển.”
Nói rồi, Tiểu Lục Tử bắt đầu thi triển Tông hạc quyền. Khua tay múa chân được một lúc, quay lại không thấy Tứ Bá đầu đâu nữa: “Tứ ca?”
“Cậu tập tiếp đi, tôi buồn ngủ rồi.” Giọng Tứ Bá đầu vẳng lại từ xa.
• • •
“Tiên sinh, việc riêng xong rồi, giờ chúng ta bàn đến việc công,” Đới Lạp lấy ra một chồng bức điện, “đây là một số điện báo của quân Nhật bên ta mới thu được gần đây, trong đó đề cập đến rất nhiều địa danh, còn có cả thuật ngữ phong thủy. Trong Cục Quân thống có rất ít người hiểu về lĩnh vực này, tiên sinh xem giúp cho.”
Tổ Gia ngây người, chẳng trách Đới Lạp khăng khăng làm ông mối, thì ra là muốn đeo cho mình một cái gông, nhốt ở đây để làm việc cho ông ta.
Tổ Gia xem từng bức điện báo một, đưa lên rồi đặt xuống, không hề theo thứ tự nào cả.
Đới Lạp nói tiếp: “Tôi có mời thêm được mấy vị đại sư ở khu Quân thống, bắt đầu từ ngày mai, tiên sinh cùng với họ hỗ trợ Cục Quân thống phá giải những bức điện này, tôi cho rằng quân Nhật sắp thực hiện kế hoạch lớn...’
Tổ Gia gật đầu nói: “Bản đồ long mạch Trung Hoa.”
“Sao cơ?” Đới Lạp ngạc nhiên hỏi lại.
“Là bản đồ long mạch Trung Hoa, Tướng quân có biết...” Tổ Gia đem bí mật đội đuổi xác của người Nhật xâu chuỗi với sự phân tích, kết luận với Lưu Tòng Vân và Hồng lão hổ kể lại chi tiết cho Đới Lạp nghe.
Đới Lạp nghe xong, sững sờ kinh ngạc: “Nói như vậy, sự tấn công của người Nhật ngoài vấn đề chiến lược, còn tính đến cả vấn đề phong thủy?”
“Chắc chắn là vậy! Pháo kích miếu Lão Quân, trói núi Đầu Trâu đều là chiến lược phong thủy!” Tổ Gia nói cách chắc nịch.
“Ừm!” Đới Lạp gật gù, “Có lý. Vậy là có hai mặt trận: một là mưa bom bão đạn, hai là cuộc chiến phong thủy âm thầm không tiếng súng. Thật dã man, tàn độc!”
“Tiên sinh có thể dùng một câu khái quát thế nào là ‘long mạch’ không?” Đới Lạp đột nhiên hỏi.
Tổ Gia suy nghĩ một lát, trả lời: “Long mạch chính là mạch của núi, đất là thịt, đá là xương, cỏ cây là lông tóc của rồng, mạch núi có đến có đi, còn gọi là lai long khứ mạch.”
“Quá hay! Vậy nơi đồng bằng không có núi đồi thì sao?” Đới Lạp hỏi tiếp.
“Nơi đồng bằng thì luận theo địa thế và vật kiến trúc, quan sát hướng chạy của mặt đất, mặt đất dù ở đâu cũng không hoàn toàn bằng phẳng, có chỗ lồi lên, có chỗ lõm xuống.”
“Có lý! Vậy long mạch đẹp nhất nằm ở đâu?”
“Chính là lòng người, lòng người tốt thì đâu đâu cũng là long mạch đẹp, người tốt dù ở nơi đất kém vẫn có thể gặp hung hóa cát, kẻ xấu dù ở nơi đất vượng vẫn gặp trắc trở khắp nơi.” Tổ Gia trả lời.
“Tiên sinh cũng tín Phật ư?”
“Tín Phật?” Tổ Gia không hiểu.
“Tiên sinh vừa rồi có nhắc đến lòng người, rất có ý vị nhà Phật...” Đới Lạp giải thích.
“Ồ, chỉ là ngẫu nhiên tìm hiểu thôi, tôi chưa từng quy y, càng không có ý định xuống tóc đi tu.” Tổ Gia cười nói.
“Đới Lạp tôi thỉnh cầu tiên sinh, mau tìm cách giải mật mã long mạch của người Nhật, cứu lấy đất nước chính là đại từ bi!” Đới Lạp vừa nói vừa cúi rạp người cung kính.
Tổ Gia thầm nghĩ: con người đều có hai mặt, người tốt cũng có khuyết điểm, người xấu cũng có mặt tốt. Bất luận là thủ lĩnh Quân thống Đới Lạp nói vậy nhằm mục đích tìm đường thăng tiến phát tài, hay là vì lợi ích của dân tộc Trung Hoa, lúc này đều không quan trọng, chung tay đánh bại âm mưu của quân xâm lược mới là mục đích của mọi người dân Trung Quốc!
Tổ Gia hỏi: “Từ xưa đến nay, dân gian lưu truyền rằng Trung Quốc có ba đại long mạch: Bắc long tính từ Âm Sơn, Hạ Lan đi vào Sơn Tây, nó bắt nguồn từ Thái Nguyên, chạy ra tới biển thì dừng; Trung long từ Mân Sơn đi vào Quan Trung, đến Thái Sơn rồi chạy ra biển; Nam long thì tính từ Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, chạy đến Phúc Kiến, Chiết Giang rồi ra đến biển. Nhưng Tướng quân có biết theo thư tịch cổ, khởi nguồn ba đại long mạch này là từ đâu không?”
“Từ đâu?”
“Núi Côn Luân.”
“Núi Côn Luân?”
“Núi Côn Luân là vạn sơn chi tổ*, khởi nguồn của long mạch! Núi cao vạn trượng, trên có cung Dao Trì của Vương mẫu nương nương, dưới có dòng Hồng Mao* tuôn dài bất tận, từ xưa được mệnh danh là hoàng đế chi đô, bách thú chi môn*.”
Nghe đến đây, Đới Lạp bỗng giật mình, ngắt lời Tổ Gia: “Tiên sinh, ngài hãy xem bức điện, trong đó có mấy lần nhắc đến hai chữ Côn Luân!”
Tổ Gia xem xét thật kỹ, trong những mã điện báo rời rạc này quả đúng có nhiều lần xuất hiện hai chữ “Côn Luân”, Tổ Gia kinh ngạc nói: “Quân Nhật muốn chiếm núi Côn Luân sao?”
“Ừm... không thể nào, ngọn núi này cao hàng ngàn mét so với mực nước biển, núi cao đường xa, tuyết phủ quanh năm, hoang vu không một bóng người, người Nhật không ngu đến mức vì phong thủy mà bất chấp quy tắc thông thường.” Là người đứng đầu Quân thống, Đới Lạp vẫn rất bình tĩnh phán đoán.
“Đợi tôi nghiên cứu kỹ lại đã.” Tổ Gia gật đầu.
Mấy ngày sau, Tổ Gia và mấy vị đại sư phong thủy cùng nghiên cứu giải mã, kết hợp tìm đọc hơn trăm cuốn sách cổ về phong thủy mà Đới Lạp sưu tập được, nhưng vẫn chưa lần ra manh mối.
TỬ HUYỆT CỦA LONG MẠCH: CÔN LUÂN QUAN
Đêm về, Tổ Gia pha một bình trà, lặng lẽ suy nghĩ.
Lai long khứ mạch, có đến thì có đi, có đi tất có đến. Nhiều lần xuất hiện chữ “Côn Luân”, nhưng lại không chiếm Côn Luân, vậy tất sẽ... tất sẽ chỉ một Côn Luân khác, nhưng đất Trung Hoa chỉ có một núi Côn Luân mà thôi, ngoài ngọn núi này ra còn có Côn Luân nào nữa? Hừ, suy luận theo hướng khác xem... từ lúc quân Nhật xâm lược Trung Hoa đến nay... chiến tuyến kéo quá dài, Quốc dân Đảng rút về Trùng Khánh, ngoài Trùng Khánh vẫn còn có vùng chưa bị thất thủ như Quảng Tây... phía đông núi Côn Luân, lẽ nào là chỉ “Côn Luân quan”? Người xưa từng nói đi qua ải Côn Luân, trong rừng không thấy trời, cây cối rậm rạp cổ quái, cửa ải đường hẹp quanh co, hiểm trở bậc nhất thiên hạ! Sách phong thủy cũng nói rằng Côn Luân quan trấn giữ bụng rồng, là bức tường phòng hỏa, hanh khô quanh năm, như quỷ cướp rồng, xưa có thuyết rằng đó chính là tử huyệt phong thủy. Lẽ nào người Nhật muốn tiến quân vào Côn Luân quan ở Quảng Tây?
Nghĩ đến đó, Tổ Gia lập tức cho gọi Ngũ Bá đầu Trương Kỳ Lĩnh.
Trương Kỳ Lĩnh đang ngủ say bỗng bị Tổ Gia triệu kiến, vội vã mặc quần áo chạy đến.
“Thầy có gì sai bảo ạ?”
“Lão ngũ, ngươi biết bao nhiêu về long mạch Trung Hoa lưu truyền từ xưa đến nay?” Tổ Gia hỏi.
Trương Kỳ Lĩnh đáp: “Có hai thuyết, một là Trung Hoa tổng cộng có 12 long mạch, được phân ra từ ba long mạch chính. Một thuyết khác là Trung Hoa chỉ có một đại long mạch, tất cả đồi núi sông ngòi đều là bộ phận cấu thành của đại long mạch này.”
“Ừm!” Tổ Gia gật đầu, “Nếu theo cách nói thứ hai, Quảng Tây thuộc vị trí nào của long mạch?”
Trương Kỳ Lĩnh trầm tư giây lát: “Tổ Gia từng nói long mạch Trung Hoa, phần đầu thuộc vùng Bắc Kinh, Thiên Tân, hai con mắt thì một ở Bắc Bình, một ở Bảo Định, móng vuốt ở Phúc Kiến, râu ở đông Bắc, đuôi thuộc Tân Cương, còn Quảng Tây chính là phần bụng rồng!”
“Vậy thì đúng rồi!” Tổ Gia thốt lên, “cho nên từ xưa có câu ‘Côn Luân quan trấn giữ bụng rồng’.”
Nói xong Tổ Gia đứng bật dậy, đi thẳng sang phủ Đới Lạp, bỏ lại Trương Kỳ Lĩnh ngơ ngác không hiểu.
“Côn Luân quan?” Đới Lạp nghe xong vô cùng ngạc nhiên.
“Đúng vậy.” Tổ Gia gật đầu.
“Quân Nhật đang tập trung vào trận chiến Trường Sa, còn dám tiến vào Quảng Tây sao?” Đới Lạp không hiểu.
“Không thể không đề phòng.” Tổ Gia nói.
Đới Lạp trong lòng hơi lo lắng: việc này có cần báo cáo lên ủy viên trưởng không? Việc quân không thể nói chơi, thông tin tình báo phải chuẩn xác mới có thể báo cáo lên trên, còn đây chỉ là kết luận dựa vào thuật phong thủy của một thầy tướng số, liệu có đáng tin cậy không? Nếu Uỷ viên trưởng tin là thật rồi hạ lệnh điều động binh lực sang trấn thủ Quảng Tây, trận chiến Trường Sa rất có thể bị thất bại! Bản thân sẽ trở thành tội đồ của đất nước! Vốn tưởng lập được công to, lại lợn lành chữa thành lợn què thì gay to!
Tổ Gia hiểu tâm tư của Đới Lạp, chậm rãi nói: “Tướng quân có thể báo cáo với Ủy viên trưởng rằng: đây là kết luận của đại sư phong thủy Trung Quốc, bản thân ngài cảm thấy rất khó phán đoán đúng sai, nhưng không thể không đề phòng, xin Uỷ viên trưởng quyết định là được.”
Đới Lạp gật đầu: “Ừm, tôi đi báo cáo với Uỷ viên trưởng.”
• • •
“Thưa Hiệu trưởng! Theo điện báo của Nhật mà học sinh thu thập được, bước tiếp theo rất có thể quân Nhật sẽ tấn công Quảng Tây...” Đới Lạp cúi đầu bẩm báo.
Tưởng Giới Thạch im lặng, nhấp một ngụm cà phê, sau đó chậm rãi đứng lên, lấy một bức điện văn trên bàn đưa cho Đới Lạp, nói: “Vũ Nông (tên tự của Đới Lạp), cậu xem cái này xem.”
Đới Lạp đón lấy, thì ra là tin tình báo do cơ quan tình báo Anh, Mỹ thu thập được Roosevelt gửi đến, nói rằng đội chiến hạm Nhật Bản đã tập kết tại vịnh Tokyo, đi vòng qua Thượng Hải, khả năng sẽ tấn công Quảng Tây.
Đới Lạp trong lòng hoảng hốt: sao lại trùng hợp như vậy chứ!
“Nhưng... quân Nhật vẫn chưa hoàn toàn chiếm được Hồ Nam, nếu hành quân xa sang tận tây nam, e là không phù hợp với chiến thuật thông thường...” Đới Lạp nói.
“Vũ Nông, việc quân không ngại dối trá. Nếu ta là người Nhật, ta cũng sẽ liều mạng lấy Nam Ninh!” Tưởng Giới Thạch nói.
“Xin Hiệu trưởng chỉ giáo!”
Tưởng Giới Thạch nói: “Sau trận chiến Vũ Hán, quân Nhật tổn thất nghiêm trọng, giờ đây chiến sự Hồ Nam sa lầy, kế hoạch nhanh chóng tiêu diệt Trung Quốc phá sản, các thành phố vùng duyên hải đông nam chúng đều đã chiếm được, các hải cảng, bến thuyền đều bị chia cắt, Quảng Tây trở thành con đường duy nhất để chúng ta nhận viện trợ từ bên ngoài! Tính riêng tháng 9 năm nay, đã có hơn 10 ngàn tấn vật tư do Anh, Mỹ và Hoa kiều chuyển về theo đường này, đây là ‘tuyến sinh mệnh kháng Nhật’ của chúng ta, mất Quảng Tây, chúng ta như cá nằm trên thớt!”
Đới Lạp nghe mà kinh hồn bạt vía, thuyết long mạch và chiến lược thực tế không hẹn mà gặp, đây là sự trùng hợp hay sự an bài nào đó?
“Hiệu trưởng, gần đây Cục Quân thống giải mã được một số bức điện báo của Nhật, trong đó nhiều lần xuất hiện chữ ‘Côn Luân’, đại sư phong thủy Trung Quốc đưa ra kết luận rằng Côn Luân quan ở Quảng Tây là tử huyệt của long mạch, tuyệt đối không được để mất, bằng không sẽ...” Đới Lạp rốt cuộc cũng nói ra sự thật.
“Ha ha,” Tưởng Giới Thạch cười vang, “Côn Luân quan là bình phong của cương giới phía nam, từ xưa luôn là vùng giao tranh của nhà binh. Hoàng Thiếu Khanh thời Đường lấy đây làm nơi dấy binh phản Đường; Y Trí Cao thời Tống trấn thủ ải này để chống lại nhà Tống; thời Minh, giặc Bát trại đứng lên phản Minh cũng cố sống cố chết giữ lấy ải này. Vùng này địa thế hiểm yếu, từ xưa đã có câu ‘Một kẻ giữ ải, vạn người khó qua’. Vũ Nông à, chẳng cần phải hiểu phong thủy, chúng ta cũng nên cảnh giác đối với cửa ải này.”
“Vâng! Hiệu trưởng dạy rất phải!”
Đới Lạp trở về phủ, trong lòng vô cùng khâm phục sự uyên thâm của Tổ Gia, bèn thết tiệc khoản đãi, cho gọi cả “phu nhân” Chu Cẩn của Tổ Gia đến dự, lúc này bụng Chu Cẩn đã hơi nhô lên.
Đới Lạp thấy vậy vẫn tưởng đó là con của Tổ Gia, trong lòng nghĩ: vị thầy tướng số này thật lợi hại, hóa ra đã kịp gieo giống rồi. Đúng là anh hùng khó qua ải mỹ nhân.
“Tiên sinh, trên đất Trung Quốc có biết bao nhiêu hội đạo môn, môn đạo Thiết Bốc Tử các ông tự lập môn phái riêng, lấy phép âm dương hành tẩu giang hồ, giải nạn trừ ưu, dân chúng thật may mắn.”
“Tướng quân quá khen. Nay mật điện của địch đã được giải, tại hạ muốn xin cáo từ...”
“Tiên sinh định đi đâu? Chiến tranh loạn lạc như vậy, ở lại đây an toàn hơn.” Đới Lạp cuống lên hỏi.
“Thầy tướng số chúng tôi bốn biển là nhà, tẩu bắc bôn nam đã quen, nếu ở lâu một chỗ sẽ thấy rất khó chịu. Huống hồ mấy chục đồ đệ của tôi cả ngày ăn không ngồi rồi cũng không đành lòng. Tôi định đến Quảng Tây trước, trận chiến Quảng Tây sắp bắt đầu rồi, tôi sẽ đợi Tướng quân ở đó.” Tổ Gia sợ Đới Lạp nghi ngờ mình chạy sang Cộng sản Đảng, vì vậy đã nghĩ trước đường lui.
Đới Lạp mắt đảo liên tục, vốn đã có biện pháp chiêu an Tổ Gia, nhưng cũng biết ông không bao giờ chịu đứng dưới kẻ khác, hơn nữa lại sợ bức bách thái quá sẽ khiến Tổ Gia sinh lòng xa lánh.
Nghĩ đến đó Đới Lạp cười nói: “Ha ha, ngài với tôi đều muốn đi đến một nơi! Tôi đang định phiền ngài đi giúp một chuyến đến Quảng Tây, xem xét địa thế xung quanh Côn Luân quan, đóng góp ý kiến từ góc độ phong thủy giúp Quốc quân bày binh bố trận. Côn Luân quan tuyệt đối không thể mất được. Tôi sẽ liên lạc với Tướng quân Bạch Sùng Hy, đến Quảng Tây sẽ có người đón ngài...”
Đới Lạp vừa nói vừa nâng ly rượu lên: “Tiên sinh, hẹn gặp ở Quảng Tây!”
Tổ Gia nâng cốc lên, một hơi uống cạn.
Dưới sự sắp xếp tận tình của Đới Lạp, ba xe tải quân dụng chở Tổ Gia và mấy chục anh em chạy thẳng hướng Quảng Tây.
Mục đích thực sự của Tổ Gia đến Quảng Tây là tìm Giang Phi Yến. Chiến tranh sắp bắt đầu, không thể để Việt Hải Đường bị tiêu diệt. Nhưng Tổ Gia không thể ngờ rằng chuyến đi này lại gặp một bất ngờ vô cùng lớn.
Trên đường đi, Chu Cẩn nói với Tổ Gia: “Tiên sinh, nay coi như đã thoát khỏi tình cảnh nguy hiểm, cũng đến lúc tôi nên đi rồi...”
Tổ Gia nhìn Chu Cẩn bụng mang dạ chửa, khẽ khuyên: “Phu nhân, tình hình hiện nay không như trước kia, phu nhân giờ không còn là Song đao nữ hiệp chiếm núi xưng vương nữa, mà là một người mẹ sắp sinh con. Thâm sơn cùng cốc, hoang vu hẻo lánh, phu nhân cứ an tâm sinh nở, mẹ tròn con vuông xong hãy tính kế lâu dài.”
Chu Cẩn cúi đầu, nhớ đến Hồng lão hổ, nước mắt lại lã chã rơi.
Trong chiếc xe phía sau, Tam Bá đầu cứ cười hỉ hả mãi, có lúc không nhịn được bật cười thành tiếng.
“Điên à?” Nhị Bá đầu thắc mắc.
“Có chuyện hay xem rồi...” Tam Bá đầu nói.
“Chuyện hay sao? Quân Nhật tấn công Quảng Tây, sắp toi cả rồi, còn hay ho gì nữa?” Nhị Bá đầu nói.
“Ta không nói chuyện đánh nhau, mà là nói Tổ Gia kia.”
“Tổ Gia làm sao?” các bá đầu túm tụm lại.
“Yến nương thầm thương trộm nhớ Tổ Gia bao năm như vậy, Tổ Gia lại đi cưới vợ, mà còn là góa phụ của thổ phỉ nữa, các anh nói xem... chuyện to rồi đây, ha ha!”
Mọi người cũng gật gù: “Ừ nhỉ, lần này Tổ Gia rắc rối to rồi.”
“Các anh nói xem Yến nương và Chu Cẩn ai đẹp hơn?” Tam Bá đầu chớp chớp mắt hỏi.
Nhị Bá đầu lên giọng: “Còn phải nói sao? Đương nhiên là Yến nương rồi! Năm 1932 khi lần đầu tiên gặp Yến nương, đầu tôi cứ ong ong, tim đập thình thịch, quá đẹp! Mà người Yến nương tỏa ra một mùi thơm, đi lướt qua khiến người ta... khiến người ta...”
“Ngất ngây!” Tam Bá đầu buột miệng nói.
“Đúng đúng, ngất ngây!” Nhị Bá đầu văn hóa thấp, nghe thấy vậy vỗ đùi đen đét.
“Sai rồi!” Ngũ Bá đầu sán lại, “Theo tôi thì mỗi người một vẻ. Yến nương là người phương Nam, vóc dáng không cao bằng Chu Cẩn, hơn nữa Chu Cẩn sống trong núi đã lâu nên da dẻ không được mượt mà cho lắm, nếu cho Chu Cẩn sống trong thành một thời gian, trang điểm ăn diện như Yến nương, tôi đảm bảo không đầy một tháng Chu Cẩn sẽ trở thành một đại mỹ nhân. Các anh nhìn vóc dáng đó xem, đường cong hấp dẫn, dung mạo nét nào ra nét đó, khi cười còn có hai lúm đồng tiền nữa chứ...”
Tam Bá đầu dường như nhớ đến điều gì đó, ngoẹo đầu nói: “Lúm đồng tiền, đúng! Có hai núm đồng tiền! Kiếp sau cô ấy nhất định vẫn tìm Hồng lão hổ!”
“Tại sao?” Mọi người không hiểu.
Tam Bá đầu lắc đầu: “Các anh có biết lúm đồng tiền từ đâu mà có không?”
Mọi người lắc đầu, chờ anh ta giải thích. Tam Bá đầu cố làm ra vẻ bí hiểm.
Nhị Bá đầu sốt ruột, nói: “Mau nói đi chứ!”
Tam Bá đầu nói: “Con người sau khi chết đi, phải đi qua cầu Nại Hà, uống canh Mạnh Bà (canh lãng quên), uống canh Mạnh Bà rồi sẽ quên hết mọi việc, do đó kiếp sau đầu thai làm người không thể nhớ được việc của kiếp trước. Nhưng có những người sau khi chết đi không thể nào quên được người yêu của mình, nhất quyết không chịu uống canh Mạnh Bà, với những người này Mạnh Bà sẽ đánh dấu lên mặt của họ, trải qua muôn vàn khổ ải, trăm kiếp trầm luân mới có thể đầu thai làm người. Những người này từ khi sinh ra đã có má lúm đồng tiền, trong khoảnh khắc nào đó họ sẽ nhớ được một số việc của kiếp trước, quyết tìm bằng được người mình đang chờ đợi mới thôi.”
“Ha ha ha!” Nhị Bá đầu cười lớn, “Tam đệ à, bản lĩnh khác của chú thì còi cọc, nhưng riêng tài phét lác thì ngày càng siêu! Theo như các chú nói, kiếp trước Chu Cẩn có đến hai người tình, một là Hồng lão hổ, một là Tổ Gia...”
“Các anh có tâm không vậy? Nói xằng bậy sau lưng Đại sư bá!” Tứ Bá đầu lạnh lùng buông một câu.
Nhị Bá đầu nhìn Tứ Bá đầu: “Tứ đệ, đừng nhớ đến vợ mãi thế, đến Quảng Tây nhị ca ta tìm cho cậu một cô khác!”
Tứ Bá đầu liếc xéo, quay đi không đáp.
Nhị Bá đầu bỗng thấy ngượng, tìm cách chữa thẹn cho mình, bèn vỗ vỗ Đại Bá đầu nãy giờ vẫn đang im lặng nhìn đám bụi cuộn lên phía sau xe: “Đại ca nhìn gì vậy?”
“Nhìn bụi đất.”
“Bụi đất thì có gì đẹp chứ?”
“Còn hơn nghe các ngươi rảnh rỗi tán hươu tán vượn!”
Mọi người sững sờ, rồi bật cười ha hả.
“Ôi... đã lâu không được vào kỹ viện.” Nhị Bá đầu than thở, “Tổ Gia cũng đã lấy vợ, ta chịu không nổi nữa rồi.”
“Quảng Tây có kỹ viện không nhỉ?” Nhị Bá đầu hai mắt sáng lên.
“Có chứ, ở đâu chẳng có, đâu cũng có chỗ để xả. Tin không?” Nhị Bá đầu nói chắc nịch.
“Kỹ viện! Kỹ viện! Mẹ kiếp, chỉ biết đến gái gú! Cẩn thận quân Nhật quăng bom cho nhà ngươi chổng tĩ lên trời! Ta đến Quảng Tây, trước tiên mua 10 cân thịt hun khói, rồi mua một bình rượu to, no say một trận!” Đại Bá đầu chép chép miệng.
“Sau đó thì sao?” Nhị Bá đầu hỏi.
“Sau đó đi tìm kỹ viện!”
“Ha ha ha ha!” các bá đầu lại cười vang.
Sau mấy ngày trên xe, cuối cùng bọn Tổ Gia cũng đến được Quảng Tây.
Xuống xe rồi, trước tiên Tổ Gia đi tìm Đường khẩu Việt Hải Đường theo địa chỉ trong thư Giang Phi Yến gửi trước đó. Đã lâu không liên lạc, Tổ Gia sợ rằng họ đã rời đi nơi khác.
Dân Quảng Tây sống theo lối thôn trại, nơi ở được phân thành hai tầng trên dưới, trên thì người ở, dưới nuôi súc vật hoặc để đồ đạc.
Tổ Gia dẫn theo Tiểu Lục Tử đến trước một khu trại, nhẹ nhàng gõ cửa.
Một a hoàn đi ra, vô cùng ngạc nhiên: “Tổ Gia?”
Nói rồi đóng cửa sầm một tiếng, chạy như bay vào nhà.
Tổ Gia ngẩn người ra, Lục Bá đầu cũng vậy: “Có chuyện gì thế?”
Một lát sau, a hoàn lại đi ra, nhìn Tổ Gia và Lục Bá đầu nói: “Yến nương có lệnh, hôm nay không tiếp khách!”
“Là sao?” Lục Bá đầu phát bực, “Tiểu muội à, hãy nhìn rõ chút, ai là khách hả? Đây là Đại sư bá!”
“Yến nương nói rồi, hôm nay dù là ai cũng không tiếp.” A hoàn không thèm để ý Lục Bá đầu.
“Cô...” Lục Bá đầu tức xì khói.
Tổ Gia cũng đang nghĩ ngợi: rốt cuộc có chuyện gì vậy? Đây không giống với phong cách của Giang Phi Yến, lẽ nào bà ấy đã biết việc ta “kết hôn”? Không nhanh vậy chứ? Nếu vậy, ta càng phải vào giải thích.
“Cô nương này thật vô lễ, ta tìm Yến tỷ có việc quan trọng cần nói, mau đi bẩm báo!” Tổ Gia làm ra vẻ tức giận.
“Không tiếp!” cửa lại đóng sầm một tiếng.
Tổ Gia hai lần bị từ chối, trong lòng có chút bực bội, đường đường là Đại sư bá mà lại bị đệ tử cự tuyệt ngoài cổng, nhất là lại trước mặt Tiểu Lục Tử, thật mất thể diện quá.
Lục Bá đầu nhìn bức tường rào, định phi thân nhảy lên, bị Tổ Gia kéo lại: “Ngươi làm gì vậy?”
“Vậy làm thế nào bây giờ?” Lục Bá đầu nói. “Quay về!” Tổ Gia quay đầu đi thẳng.
Lục Bá đầu thấy vậy, cũng đành đi theo.
• • •
Tối đến, Tổ Gia một mình uống rượu dưới trăng, trong lòng nghĩ Giang Phi Yến đang làm gì vậy, dù tức giận thế nào cũng phải để ta giải thích rõ ràng chứ.
Đang mải suy nghĩ thì có tiếng gõ cửa, Tiểu Lục Tử dẫn một nữ A Bảo bước vào.
“Tổ Gia, Yến nương có lời mời.”
“Sao ngươi lại đến đây?” Tổ Gia hỏi.
“Đi theo tôi. Yến nương có lời mời.”
“Ừm.” Tổ Gia khoác áo choàng, nói với Tiểu Lục Tử, “Đi thôi, lần này chắc không phải đứng trơ mặt ngoài cửa nữa rồi.”
“Yến nương có dặn, chỉ một mình Tổ Gia đi thôi.” Nữ A Bảo nói.
“Điều này...” Tổ Gia không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, hết nhìn Tiểu Lục Tử lại nhìn nữ A Bảo, “được thôi.”
Quanh co một hồi, cuối cùng Tổ Gia cũng đến nơi ở của Giang Phi Yến.
Giang Phi Yến đích thân ra tận cửa đón tiếp: “Tổ Gia, xin mời vào.”
“Ờ, được.” Tổ Gia không biết Giang Phi Yến định làm gì.
Hai người ngồi xuống, chẳng ai nói với ai câu gì, dường như đều có tâm sự riêng. Tổ Gia nghĩ: được rồi, ta lên tiếng trước vậy.
“Yến tỷ, việc tôi kết hôn...”
“Gì cơ?” Tổ Gia chưa nói hết câu, Giang Phi Yến sửng sốt, “Tổ Gia đã kết hôn?”
“Sao, Yến tỷ chưa biết việc này ư?” Tổ Gia cũng sửng sốt không kém.
“Giờ thì tôi biết rồi,” Giang Phi Yến thất vọng nói, “chẳng phải ông nói thân phận chúng ta không nên kết hôn ư?”
“Yến tỷ, việc là thế này...” Tổ Gia kể lại sự việc từ đầu chí cuối cho Giang Phi Yến nghe.
Nghe xong, Giang Phi Yến thoáng nở nụ cười, khiến Tổ Gia ù ù cạc cạc, hôm nay có gì đó không bình thường!
“Yến tỷ đã không biết việc này, vậy ban ngày vì sao lại không cho tôi vào?” Tổ Gia hỏi.
Giang Phi Yến liếc nhìn Tổ Gia, rồi lại đưa mắt đi chỗ khác, ngẩng đầu trông lên trần nhà, rồi lại nhìn Tổ Gia, mím môi như bị đau răng vậy.
“Yến tỷ?” Tổ Gia sốt ruột đợi câu trả lời.
Giang Phi Yến hít một hơi sâu: “Tổ Gia, lát nữa bất luận có chuyện gì xảy ra, ông phải bình tĩnh, thật bình tĩnh! Được không?”
HOÀNG PHÁP DUNG HÀNH NGHỀ TƯỚNG SỐ TẠI NAM DƯƠNG
Tổ Gia càng nghe càng cảm thấy khó hiểu: “Yến tỷ, rốt cuộc là có chuyện gì?”
Giang Phi Yến hít một hơi thật sâu rồi gọi với lên lầu: “Ra đây đi!”
Tổ Gia nhìn theo, một bóng người từ trên lầu đi xuống, dưới ánh đèn leo lét, bóng người càng lúc càng quen thuộc.
Là cô ấy? Chính là cô nương ấy!
Tim Tổ Gia quặn lên, mắt nhòa đi.
Người đó bước lại, chầm chậm quỳ xuống trước mặt ông, khẽ nói một câu: “Tổ Gia.”
Đã bốn năm rồi Tổ Gia không được nghe giọng nói này; không được thấy bóng dáng này; biết bao lần ông nhớ mong, nghĩ rằng cả đời này sẽ không còn được gặp nữa, mà nay, cô nương ấy lại xuất hiện.
“Tổ Gia...” người này vừa khóc vừa gọi tên ông.
“Pháp Dung.” Tổ Gia nước mắt tuôn rơi.
Tổ Gia từ lâu đã không còn hận Hoàng Pháp Dung nữa, có chăng chỉ còn lại nỗi hổ thẹn trong lòng, ông cũng không biết mình hổ thẹn vì điều gì, hổ thẹn vì tội lỗi của phái Giang Tướng, biến người lương thiện trở nên độc ác, hay hổ thẹn vì sự thị thị phi phi hỗn loạn trong đời khiến con người gần nhau trong gang tấc mà biển trời cách mặt? Ông không nói ra được, không thể biết được. Thời khắc đó, lòng ông ngổn ngang hỗn loạn, việc xưa cũ bao năm cùng ùa về trong tâm trí, Nam Việt cầu thân, giả điên giả dại lập bẫy đại phá tướng sĩ Nhật, bày trò tiệc rượu ngàn chén không say, nức nở trước hoa sau cuộc rượu, thoát chết trong gang tấc trên đảo Chu San... hình ảnh về những ngày xưa cũ cùng với cô nương này cứ chập chờn đan xen trước mắt ông.
Tổ Gia đứng dậy, tự tay đỡ Hoàng Pháp Dung, nhìn thật kỹ nha đầu bốn năm không gặp này.
Hoàng Pháp Dung nước mắt lưng tròng nhìn Tổ Gia, chầm chậm vùi vào lòng ông. Tổ Gia cũng không tránh mà ôm chặt lấy cô, như người cha ôm chặt đứa con gái xa xứ trở về của mình.
Khi đó, Hoàng Pháp Dung mặc sức khóc nấc lên, Giang Phi Yến đứng cạnh cũng nước mắt nhạt nhòa.
“Tổ Gia, thầy gầy đi nhiều quá.” Hoàng Pháp Dung xoa lưng ông nói. Bao năm qua, không khi nào cô không nhớ đến Tổ Gia.
Rất lâu sau, Giang Phi Yến lau nước mắt nói: “Đừng khóc nữa. Con hãy bẩm báo tình hình mấy năm vừa qua đi.”
Hoàng Pháp Dung cũng lau nước mắt, tự tay rót một cốc nước cho Tổ Gia rồi nghẹn ngào hồi tưởng lại những việc đã qua.
• • •
Sau khi đến Nam Dương, Hoàng Pháp Dung cho rằng khó có thể thích ứng được, nhưng nào ngờ đâu đâu cũng có người Hoa sinh sống, họ là dân di cư trước kia, gặp nhau đều nói tiếng Trung, Hoàng Pháp Dung thấy cuộc sống ở đây không có gì quá khó khăn.
Trong huyết quản người Trung Quốc mưu sinh ở Nam Dương vẫn là dòng máu Viêm Hoàng, người Trung Quốc đi đến đâu cũng mang theo văn hóa âm dương bát quái, có cả rút quẻ bói toán.
Ở đây, tài năng của Hoàng Pháp Dung được phát huy triệt để. Hành nghề bói toán, lấy “chuẩn xác” làm nguyên tắc, Hoàng Pháp Dung vận dụng triệt để thiên tư của mình, từng quẻ đều bói rất chuẩn xác. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, hiệu tướng số của Hoàng Pháp Dung nổi như cồn.
Sau này, có một ông chủ hiệu buôn tử sa* nhờ Hoàng Pháp Dung điều hòa phong thủy, không hiểu tình cờ thế nào mà ông ta lại buôn bán phát đạt, bèn sinh lòng ái mộ “thầy tướng số” xinh đẹp, liên tục nhờ người dẫn mối dạm hỏi, nhưng Hoàng Pháp Dung đều từ chối. Cuối cùng ông ta đích thân đến tận nhà cầu hôn, khi đó Hoàng Pháp Dung mới biết ông chủ hiệu buôn này là người gốc Sơn Đông, hai người đàm đạo về nỗi nhớ quê hương cũng như nỗi niềm xa xứ, trò chuyện ngày một tâm đầu ý hợp, từ đó dần tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn.
Hoàng Pháp Dung biết mình vĩnh viễn không thể quay về phái Giang Tướng được nữa, sau này cô cũng dần hiểu ra người mẹ nuôi của mình dường như cũng thích Tổ Gia, đây là mối duyên nghiệt ngã của ba người, cô không thể lại đứng giữa ngăn cản, hơn nữa cô càng không còn mặt mũi nào gặp lại Trương Tự Triêm. Khi nỗi sầu ly biệt vơi dần theo năm tháng, Hoàng Pháp Dung bắt đầu dao động, cuối cùng đến một ngày, khi ông chủ hiệu buôn trẻ tuổi đó lại đến cầu hôn, Hoàng Pháp Dung đã gật đầu đồng ý!
Như vậy Hoàng Pháp Dung đã rũ sạch quá khứ, không ai biết cô từng là A Bảo của phái Giang Tướng, cũng chẳng ai hay cô từng si tình, độc ác thế nào, càng không ai biết là cô tái giá. Hoàng Pháp Dung thực sự đã bước trên đường ngay nẻo chính.
Sau khi kết hôn, việc buôn bán của ông chủ đó ngày càng phát đạt. Kháng chiến nổ ra, người Hoa trên khắp năm châu quyên tiền, quyên vật dụng, quyên máy bay, vợ chồng Hoàng Pháp Dung cũng quyên góp một khoản tiền lớn, lúc này đây, Hoàng Pháp Dung đã trở thành một Hoa kiều yêu nước, vô cùng giàu có. Năm 1938, khi Tưởng Giới Thạch gặp gỡ Hoa kiều ở Đông Nam Á, Hoàng Pháp Dung còn bắt tay với Tống Mỹ Linh cùng đi khi đó.
Mà lúc bấy giờ, cô không còn là Hoàng Pháp Dung nữa, mà là Hoàng Liễu Liễu, cái tên mới do cô tự đặt. Nó nghĩa là đoạn tuyệt, là sự kết thúc, đoạn tuyệt dục vọng, đoạn tuyệt những thứ còn chưa đoạn tuyệt. Muốn chấm dứt cái gì, có thể kết thúc điều chi, bản thân cô cũng không biết nữa, tóm lại cô muốn đoạn tuyệt tất cả với quá khứ. Từ đây, bất luận là đối tác trên thương trường, hay là phụ tá Quốc dân Đảng, đều tôn xưng cô là “phu nhân Liễu Liễu”.
Hồ Vạn Hùng, chồng Hoàng Pháp Dung cũng trở thành Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Thương nhân gốc Hoa tại Nam Dương, tích cực kêu gọi người Hoa trên toàn thế giới chung tay kháng Nhật. Sau khi Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện Trung Quốc, để thực hiện âm mưu cắt đứt viện trợ từ bên ngoài cho Trung Quốc, chúng bắt đầu trù tính kế hoạch đánh chiếm Nam Dương. Sau khi biết được, cơ quan tình báo Anh, Mỹ đã thông báo cho Tưởng Giới Thạch, Tưởng Giới Thạch cử nhân vật số hai của Quân thống là Mao Nhân Phụng báo cho nhân sĩ Hoa kiều ở Nam Dương tạm thời lánh đi để tránh bị người Nhật xử tử.
Sau khi nhận được mật lệnh, những người đứng đầu hội thương nhân gốc Hoa như Hồ Vạn Hùng tức tốc chạy sang Mỹ, Hoàng Pháp Dung cũng đi theo.
Đặt chân lên đất Mỹ rộng lớn, bình yên, Hoàng Pháp Dung sững sờ, kinh ngạc: cùng dưới một bầu trời xanh, bên kia địa cầu thì đang chiến tranh lan tràn, dân chúng lầm than, mà ở đây lại chim ca hoa nở, trời xanh mây trắng, đường nhựa sạch sẽ, quán xá yên tĩnh, giáo đường trang nghiêm, gương mặt ai nấy đều nở nụ cười, cả xã hội vận hành đâu ra đấy. Thời khắc đó, Hoàng Pháp Dung nước mắt tuôn rơi, trong lòng cô khắc khoải nỗi nhớ quê nhà, nhớ Sơn Đông cằn cỗi, nhớ cha mẹ mấy chục năm chưa được gặp mặt, nhớ mẹ nuôi Giang Phi Yến, hơn hết là nhớ Tổ Gia vẫn đang sương gió bôn ba, nhớ đến người chồng cũ Trương Tự Triêm...
Đây không phải quê hương của ta! Không phải cuộc sống của ta! Hương thân phụ lão của ta vẫn đang rên xiết dưới gót sắt của người Nhật! “Ta phải quay về! Ta phải quay về!” Hoàng Pháp Dung bỗng nhiên bật khóc.
“Liễu Liễu! Liễu Liễu! Em làm sao vậy?” Hồ Vạn Hùng hỏi, giọng lo lắng.
“Em muốn quay về.” Hoàng Pháp Dung đã bình tâm trở lại.
“Tại sao? Giờ quay về rất nguy hiểm!” Hồ Vạn Hùng thắc mắc.
“Phu quân...” Hoàng Pháp Dung gục đầu vào lòng chồng, nghẹn ngào nói, “em nhớ nhà.”
“Đợi chiến tranh kết thúc, chúng ta lập tức quay về!” Hồ Vạn Hùng an ủi vợ.
“Đợi chiến tranh kết thúc, liệu người thân có còn không?”
“Điều này...”
“Vậy... anh cùng về với em!” Hồ Vạn Hùng nói.
“Không được! Phu quân đã bị bọn Nhật đưa vào danh sách ám sát, trở về rất dễ bị lộ. Một mình em về sẽ an toàn hơn.” Hoàng Pháp Dung nói.
“Nhưng... nhưng hiện giờ quá nguy hiểm, trong nước nhiều nơi đã rơi vào tay giặc, đâu đâu cũng thấy đánh nhau, em một mình quay về, nhỡ bị người Nhật bắt được...” Hồ Vạn Hùng lo lắng.
“Phu quân, chỉ cần làm cho em một tấm thẻ kiều dân Đức là được.” Hoàng Pháp Dung vô cùng thông minh, trong Thế chiến II, ba nước Đức, Ý Nhật liên minh thành trục phát xít, người Nhật sẽ không giết hại người Đức.
Hồ Vạn Hùng suy nghĩ một lát rồi gật đầu nói: “Nhớ chú ý chăm sóc bản thân, thăm quê xong hãy nhanh chóng quay lại! Anh sẽ đợi mình.”
Một tháng sau, Hoàng Pháp Dung đi qua đường Hồng Kông trở về Nam Việt, đến nơi thì phát hiện Đường khẩu đã chuyển đi, đành quay lại Nam Dương tìm người từng đón mình trốn chạy khi xưa. Người đó lấy ra một bức thư, nói: “Đây là thư Yến nương gửi cho cô, cô đi không để lại tin tức gì nên tôi cũng chẳng có cách nào liên lạc cả.”
Hoàng Pháp Dung đọc thư xong mới biết Việt Hải Đường đã dời đến Quảng Tây, bèn lập tức lên đường đi Quảng Tây.
Một buổi chiều, Giang Phi Yến đang bắt chước Kiều Ngũ Muội làm phép cầu mưa cho dân bản địa. Thu dọn xong rồi trở về Đường khẩu không lâu, bỗng một đệ tử bước vào: “Đại sư bá, quỷ muội đã về!”
“Pháp Dung sao?” Giang Phi Yến sững sờ.
Chưa dứt lời, Hoàng Pháp Dung đã bước vào, hai người chẳng nói chẳng rằng, cứ ôm chặt lấy nhau mà khóc.
Ngày hôm sau, Tổ Gia tìm đến.
Tổ Gia gõ cửa, đệ tử Việt Hải Đường vừa trông thấy ông liền phi vào bẩm báo. Giang Phi Yến cũng giật mình hốt hoảng, bảo Hoàng Pháp Dung tạm lánh đi, nhưng cô nương ta khăng khăng không chịu, nức nở nói: “Con sẽ gặp ông ấy, có chết cũng phải gặp!”
Thấy Hoàng Pháp Dung cứng đầu như vậy, Giang Phi Yến bèn bảo đệ tử ra đuổi Tổ Gia về, sau khi suy đi tính lại, đến tối mới cho người đi mời Tổ Gia, đồng thời dặn chỉ để một mình Tổ Gia đến. Bà sợ nhỡ tin tức lộ ra ngoài, Trương Tự Triêm biết được thì rầy rà to!
• • •
Nghe Hoàng Pháp Dung kể xong, lòng Tổ Gia buồn phiền vô hạn, muốn nói nhưng không biết phải nói gì.
Bên ngoài trời đêm đen thẫm, ánh trăng chênh chếch đầu cành, ngọn đèn vàng vọt khi tỏ khi mờ, ba người không ai lên tiếng, lặng lẽ chờ đợi.
“Tổ Gia,” rất lâu sau, Hoàng Pháp Dung lên tiếng phá tan sự im lặng, “cho con trở về nhé.”
Tổ Gia lắc đầu: “Con đã gột sạch rồi, đó là phúc phận của con.”
“Tổ Gia...” Hoàng Pháp Dung vẫn muốn nói.
“Con không những không nên trở về phái Giang Tướng, mà cũng đừng hành nghề rút quẻ xem tướng nữa, bao nhiêu năm nay, bao nhiêu sự việc còn không ngộ ra ư? Quy về chính đạo, làm việc đúng đắn mới là nền tảng của con người, để rồi giấc ngủ được bình yên, tâm trí được thảnh thơi. Mưu tính hại người, lập bẫy lừa đảo, thập tử nhất sinh để kiếm tiền, để rồi tiêu tốn vào những thứ không chính đáng. Nhân tính không bằng trời tính, của ta cuối cùng sẽ thuộc về ta, không phải của ta sớm muộn gì cũng phải buông bỏ, nhân quả tương báo như hình với bóng. Con đã kết hôn với vị Hoa kiều đó, hãy phụ chồng nuôi dạy con cái, nghề tướng số chẳng ai có được phúc báo, bói chuẩn thì tiết lộ thiên cơ, bói không chuẩn làm lỡ mất cơ hội của người khác, làm thế nào cũng là sai trái!” Tổ Gia nói.
Hoàng Pháp Dung gật đầu, sau đó vội hỏi: “Nói như vậy, thầy tướng số trong thiên hạ đều đi sai đường sao?”
Tổ Gia khẽ gật đầu: “Bất luận là thầy tướng số chân chính hay là kẻ mạo nhận, mục đích cũng đều là vì tiền, đều từ chữ tham mà nên. Thật hay giả chẳng qua là lươn ngắn chê trạch dài mà thôi. Thầy tướng số lời ngon tiếng ngọt, nói năng đĩnh đạc, thực chất trong đầu chỉ nhăm nhăm đến túi tiền của khách, có điều công phu biểu diễn có cao có thấp, biết che giấu cảm xúc, mặt không biến sắc khi đứng trước kim tiền thì là bậc đại sư; còn kẻ trông thấy tiền mắt sáng lên thì chỉ là kẻ lừa đảo. Nhưng khi gỡ bỏ lớp mặt nạ đại sư xuống mới biết rằng ông ta còn tham lam hơn, gian trá hơn cả những kẻ lừa đảo! Theo cách nói của nhà Phật, thầy tướng số sau khi chết đều bị đầy xuống địa ngục!” Tổ Gia nhớ đến lời giảng của Bành chân nhân năm xưa.
Những lời của Tổ Gia khiến Giang Phi Yến và Hoàng Pháp Dung bàng hoàng thẫn thờ, nhưng nghĩ kỹ thì quả đúng như vậy. Sau này, Hoàng Pháp Dung trở về Mỹ, năm 1978 quy y cửa Phật, tại thánh địa Phật giáo “Vạn Phật thành” ở Mỹ, cô gặp cao tăng Tuyên Hóa thượng nhân đến từ đông bắc Trung Quốc, vị cao tăng này cũng nói: “Người hành nghề tướng số, kiếp sau sẽ bị đọa vào cõi súc sinh.”
“Vậy... khi nào Tổ Gia sẽ rút? Mẹ nuôi thì sao?” Hoàng Pháp Dung ngập ngừng nhìn Tổ Gia và Giang Phi Yến.
Tổ Gia nhìn Giang Phi Yến, rồi mông lung trông ra ngoài cửa sổ. Trong màn đêm, nỗi lòng của ông lúc này cũng giống như triền núi uốn lượn trập trùng kia vậy, ông không biết phải trả lời thế nào.
“Ôi...” Tổ Gia buông một tiếng thở dài.
“Hay mẹ nuôi và Tổ Gia cùng đi với con, sang bên đó rồi con sẽ nói hai người là... là... dì và dượng của con...” Nói rồi, nước mắt Hoàng Pháp Dung lại lăn xuống gò má.
Giang Phi Yến động lòng, bà đã thực sự mệt mỏi rồi, cũng chẳng còn nơi để đi nữa, từ Quảng Đông đến Quảng Tây, từ Đại Bá đầu lên Chưởng môn nhân, từ trong cục đến ngoài cục, trái tim bà giờ đã nguội lạnh.
“Tổ Gia...” Giang Phi Yến gọi.
Tổ Gia quay đầu nhìn Giang Phi Yến, lúc này ông bỗng trở nên chần chừ, do dự. Lần đầu tiên trong đời, ông nhận thức một cách rõ ràng rằng mình đã sai lầm khi gia nhập phái Giang Tướng!
Thay trời hành đạo, cướp của người giàu chia cho người nghèo, nói thì dễ, làm được rất khó! Con người đều có tâm tư lợi, có tâm tư lợi tất có ý nghĩ tư lợi, nhiều việc không thể khống chế được bản thân. Mấy năm qua, từ đấu đá với hắc bang, hội đạo môn cho tới người Nhật, Quân thống, gia bại nhân vong, tan xương nát thịt, bản thân lang thang không chốn nương thân, các anh em rời xa quê hương, không biết đâu là bờ! Bao nhiêu năm chưa từng có một đêm ngon giấc, lúc nào cũng phập phồng lo lắng, không phải sợ lập bẫy không thành mà là sợ bị ám toán.
Tổ Gia cũng mệt mỏi rồi.
Mới đây thôi, Tổ Gia cũng muốn quay về ngày xưa, trở về với những năm tháng vô lo vô nghĩ, ông hoài niệm sự trong sạch của bản thân khi đó, quyền hành khét tiếng có thể không cần, quyền uy nhất hô bách ứng có thể không cần, ông chỉ cầu bình an, cầu đoàn viên, lấy vợ sinh con rồi yên ổn sống qua ngày.
Đột nhiên, hình ảnh các bá đầu, các anh em bắt đầu chập chờn hiện ra trước mắt, phút chốc Tổ Gia quay lại với hiện thực: “Không phải ta không muốn đi, nếu ta đi rồi, các anh em biết làm thế nào?”
Hoàng Pháp Dung nói: “Tổ Gia, mỗi người một phận, ai cũng có cách sống của riêng mình. Trên thực tế, chẳng ai cứu được ai, chẳng ai quản được ai... mỗi người đều phải đi hết cuộc đời theo quỹ đạo vận mệnh của mình, Tổ Gia chỉ cần đi tốt trên con đường của mình, ắt sẽ không phụ công dưỡng dục của cha mẹ...”
Tổ Gia khẽ gật đầu: “Nói thì nói như vậy, nhưng ai gieo nhân xuống, người đó phải gánh hậu quả. Ta tiếp quản Mộc Tử Liên đã ngót 20 năm trời, bao nhiêu năm nay mọi quyết sách đều do ta trù hoạch, sự sống chết, hợp tan của Đường khẩu đều do một tay ta tạo nên, nhân này gieo xuống, quả đó ta phải gánh chịu...”
Giang Phi Yến thở dài một tiếng: “Ân oán giang hồ khi nào mới dứt đây! Càng ngày càng lún sâu...”
“Chí ít, ta phải chờ đến ngày quân Nhật bị tiêu diệt...” Tổ Gia nói, “chúng giết hại bao nhiêu người dân như vậy, thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách, ta tin rằng chúng nhất định sẽ phải nếm quả ác!”
“Tổ Gia...” Hoàng Pháp Dung vẫn cố xin.
“Pháp Dung, con vốn thông minh nhanh nhạy, lại kiên trì nhẫn nại, ta tin rằng khó có điều gì khiến con gục ngã. Dù ở trong nước hay ở nước ngoài, cuộc sống chắc không thành vấn đề. Duy có điều khiến ta lo lắng, đó là tâm cơ của con quá nặng, nên nhớ người xưa có câu: ‘Cơ quan toán tận thái thông minh, phản tang liễu thân gia tính mạng*!’ Đó giống như âm dương lưỡng nghi, âm cực thì dương sinh, dương cực thì âm sinh, thông minh đến cực điểm tất sẽ phạm sai lầm lớn. Lời ta nói con hiểu chứ?” Tổ Gia nhấn mạnh.
Hoàng Pháp Dung biết Tổ Gia ám chỉ đến việc của Bùi Cảnh Long, bèn cúi gằm mặt nói: “Con hiểu! Con hiểu!”
“Ta chỉ hy vọng con bình an quay về Mỹ, cùng chồng sống một đời vui vẻ thuận hòa, chớ nên tính toán với người thân nhất của mình, bằng không sẽ gặp báo ứng đó.”
“Nhưng... con rất nhớ thầy và mẹ nuôi.” Hoàng Pháp Dung khẽ nói.
“Có duyên ắt sẽ gặp lại! Trong lòng có nhau thì xa xôi đến mấy cũng như gần ngay trước mắt, con hiểu chứ?” Tổ Gia nói.
“Con hiểu...” Hoàng Pháp Dung lại giàn giụa nước mắt.
“Sau khi trở về, hãy cùng chồng du thuyết các chính khách Mỹ để viện trợ cho Trung Quốc, có bao nhiêu dốc sức bấy nhiêu. Ở bên đó phải hành thiện giúp đời, làm nhiều việc tốt, dùng phần đời còn lại để chuộc tội sát hại Bùi Cảnh Long!”
“Vâng! Thưa thầy!” Hoàng Pháp Dung đáp.
Ngập ngừng một lúc, cô khẽ nói: “Thầy ơi... con...”
“Còn điều gì nữa?”
“Con muốn... muốn được thấy Trương Tự Triêm.”
Tổ Gia suy nghĩ một lát, rồi gật đầu: “Cũng được, mai ta hẹn cậu ta vào rừng nói chuyện, con nấp một bên, tuyệt đối không được lên tiếng, nếu không...”
“Con hiểu!”
Quá nửa đêm, Tổ Gia ra về. Trong màn đêm tĩnh mịch, Giang Phi Yến ôm Hoàng Pháp Dung trong lòng, hai mẹ con lặng im không nói.
Chiều hôm sau, Tổ Gia cho gọi Tứ Bá đầu Trương Tự Triêm.
“Tự Triêm, ra ngoài đi dạo cùng ta.”
“Vâng, thưa thầy.”
Cho đến tận bây giờ, người mà Tổ Gia thấy có lỗi nhất chính là Trương Tự Triêm. Năm xưa ở Thượng Hải ông bất chấp tất cả, đem người cha làm vật hy sinh để thu nạp anh ta về dưới trướng, lại đánh vào tâm lý khiến anh ta hoàn toàn quy phục. Sau này cảm thấy hổ thẹn trong lòng, ông bèn làm mối hôn sự, không ngờ cuộc hôn nhân này đã hủy hoại cuộc đời của Trương Tự Triêm.
Còn đâu nữa một thư sinh anh tuấn phóng khoáng, văn chương điêu luyện năm xưa? Giờ Trương Tự Triêm đã trở thành người mắc bệnh tương tư, lôi thôi lếch thếch, ngây ngây dại dại, tất cả đều do một tay Tổ Gia gây nên.
Thi thoảng các bá đầu cũng khuyên Tổ Gia: Lão Tứ nay vui buồn thất thường, tinh thần bất định, nếu cứ để anh ta phụ trách đạo cụ lập bẫy e rằng sẽ xảy ra sai sót, chẳng may lỡ mất việc lớn thì tất cả mọi người đều bị liên lụy. Nói cách khác, anh ta không còn thích hợp làm bá đầu nữa.
Tổ Gia rất hiểu từng bá đầu dưới tay mình, ai tính khí thế nào, ai thiện ai ác, ai có tật gì, ông đều rõ như lòng bàn tay.
Đại Bá đầu dũng mãnh vô song, nào là hắc bang, quân Nhật, Quân thống, súc vật chó lợn rắn mèo, một đao chém hết thảy. Còn tính mạng của mình, anh ta lại chưa từng để tâm, đây là điểm đáng quý và cũng là điểm đáng thương của anh ta. Thân thể do cha mẹ ban cho, há có thể đem ra đùa giỡn? Cha mẹ anh ta dưới suối vàng có thiêng, hẳn sẽ không đành lòng.
Nhị Bá đầu can đảm, không biết sợ là gì, những chuyện yêu ma quỷ quái chưa bao giờ dọa nổi anh ta. Trong mắt Nhị Bá đầu, con người chính là bộ xương và đống thịt biết đi mà thôi, nên khi chết đi rồi chỉ còn lại đống thịt bầy nhầy, có thể làm gì được cơ chứ? Nhưng anh ta đâu biết rằng giáo lý nhà Phật có chúng sinh sáu cõi, cáo chết ba năm quay đầu về núi, người chết há không có linh hồn sao? Đào mồ quật xác trời chu đất diệt, Tổ Gia cũng biết Nhị Bá đầu chắc chắn sẽ có kết cục bi thảm, nhưng nghĩ lại, bản thân chẳng phải đã sai rồi ư?
Tam Bá đầu thì rất thông minh, khi một mình hành tẩu giang hồ, anh ta có thể tùy cơ ứng biến, lăn lộn rất tài. Đọc sách nhiều, bách gia chư tử không gì không thông, tam giáo cửu lưu không gì không hiểu, rất biết cách xoa dịu tâm tư Tổ Gia. Nhưng thông minh không đồng nghĩa với trí tuệ, anh ta và Hoàng Pháp Dung có chung một tật: thông minh quá hóa ra thành hại.
Tứ Bá đầu rất thật thà, bản tính chân thành hướng thiện, trong tâm không chút tà niệm, lớn lên trong gia đình gia giáo. Nhưng quá lương thiện cũng là một dạng ngu ngốc. Anh luôn hành thiện tâm mà lại không coi trọng cách thức thì sớm muộn gì cũng bị người khác biến thành trò đùa, cuối cùng không phải làm việc thiện, mà thành ra tội ác. Tứ Bá đầu là người không thích hợp làm A Bảo nhất, Tổ Gia lôi kéo về chính là vì sở trường của anh ta. Từ khi anh ta hứng chịu cú sốc, dần trở nên ngây ngây ngô ngô, Tổ Gia càng thấy có lỗi với anh ta.
Ngũ Bá đầu mưu mẹo quỷ quái, trí nhớ cực tốt, sở trường đoán ý qua lời nói và sắc mặt, chưa từng cãi lời Tổ Gia, cũng chưa bao giờ va chạm với các bá đầu khác. Anh ta nhận thấy trong hàng bá đầu, Tam Bá đầu là người thông minh nhất, do đó suốt ngày bám đít, đáng tiếc là hai người thân thiết quá mức, khiến Tổ Gia đề phòng.
Lục Bá đầu rất mực trung thành, điều này có liên quan đến xuất thân từ bang Búa rìu, từ nhỏ được tiếp xúc với những con người trung can nghĩa đảm, dưới trướng Vương Á Tiều đều là những kẻ không cầu sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm. Sau khi đi theo Tổ Gia, Lục Bá đầu dần trở thành cận vệ của ông.
Hiện nay mọi người đang úp mở phê phán Tứ Bá đầu, Tổ Gia đã nghe ra những ý ẩn khuất này, nhưng ông lại do dự.
Nếu phế bỏ Tứ Bá đầu lúc này, chắc chắn anh ta sẽ phát điên. Đây không phải là vấn đề chức vị, mà là sự sống chết. Tổ Gia đang nghĩ, nghĩ cách làm thế nào để cứu giúp Tứ Bá đầu, hay nói cách khác là làm thế nào để chuộc tội của mình. Thời khắc đó, Tổ Gia hận bản thân, hận chính mình đã hủy hoại cuộc đời một con người.
Tổ Gia và Tứ Bá đầu chậm rãi bước đi: “Tự Triêm à, gần đây sức khỏe tốt hơn chút nào chưa?” Từ khi thiếu vắng Hoàng Pháp Dung, Trương Tự Triêm cả đêm mất ngủ, Tổ Gia phải đích thân kê đơn bốc thuốc, hy vọng anh ta sớm khỏe lại.
“Con khỏe hơn nhiều rồi.” Trương Tự Triêm trả lời.
“Khỏe hơn nhiều tức vẫn chưa khỏe hẳn. Con cũng biết một chút về Đông y, hằng ngày hãy tự xoa bóp bấm huyệt, thả lỏng tâm tư...
“Vâng, nếu có Hoàng Pháp Dung ở đây thì tốt... Hồi đó, cô ấy luôn xoa bóp bấm huyệt cho con trước khi đi ngủ...”
Hoàng Pháp Dung nấp sau bụi cây nghe thấy câu nói đó, nước mắt nghẹn ngào tuôn rơi, vội đưa tay bưng chặt lấy miệng. Giang Phi Yến đứng cạnh chỉ biết ngậm ngùi, lắc đầu thở dài.
“Tự Triêm à, tình yêu là gì? Một đại tài tử như con hãy giải thích cho ta xem.” Tổ Gia bỗng đổi đề tài.
Trương Tự Triêm nghĩ một lát, nói: “Tình yêu là dám hy sinh vì người mình yêu.”
“Ai nói vậy?” Tổ Gia hỏi.
“Plato.”
“Ai cơ?” Tổ Gia không hiểu.
“Ồ,” Trương Tự Triêm mỉm cười nói, “Plato là nhà triết học cổ Hy Lạp, qua đời cách đây hơn hai ngàn năm. Nếu Hoàng Pháp Dung vẫn còn, con nguyện một lần được chết vì cô ấy.”
Nom thấy dáng hình Trương Tự Triêm gầy gò tiều tụy, lại nghe những lời si tình của anh ta, Hoàng Pháp Dung suýt bật khóc thành tiếng, Giang Phi Yến vội kéo gấu áo cô. Lúc này đây, Hoàng Pháp Dung thấy rất có lỗi với Trương Tự Triêm, là người phụ nữ có chồng mà lại thầm yêu Tổ Gia, còn đem chồng mình ra so sánh với Tổ Gia. Khi lập bẫy trên đảo Chu San, điều đầu tiên khiến cô lo lắng không phải là sự an nguy của chồng mà lại là sự an nguy của Tổ Gia. Trương Tự Triêm tuy tính khí không tốt, nhưng tình cảm chân thành, chưa từng một dạ hai lòng. Hoàng Pháp Dung thấy vô cùng hổ thẹn.
“Tự Triêm, Plato nói cũng đúng. Nhưng ta lại nghĩ khác, con xem có lý hay không nhé?” Tổ Gia biết Hoàng Pháp Dung cũng đang lắng nghe.
“Xin thầy chỉ giáo ạ.”
“Chết vì yêu là bậc thứ nhất, sống vì yêu là bậc cao hơn. Nếu thực sự yêu một người thì cho dù có thể cùng nhau đi đến cuối con đường hay không, chỉ cần cô ấy hạnh phúc là đủ. Tình yêu của con chính là khiến cô ấy hạnh phúc, khi cô ấy được hạnh phúc, còn có gì phải hối tiếc nữa? Dù trên trời hay dưới đất, dù là sống hay chết, chúng ta hãy tạm coi như Pháp Dung đã chết, nếu cô ấy ở trên trời có thiêng, nhìn bộ dạng con như vậy, hẳn cô ấy sẽ không vui. Con hãy sống thật tốt, chỉ có như vậy cô ấy mới an lòng được.”
Trương Tự Triêm bỗng dừng bước, ngồi sụp xuống nghẹn ngào. “Nhưng con chưa từng đem lại hạnh phúc cho Pháp Dung, con nhớ những ngày tháng chúng con bên nhau, con ân hận đã không đối xử tốt với cô ấy, nay... nay đã không còn cơ hội nữa rồi...” Nói xong khóc nấc lên.
Trong lùm cây, Hoàng Pháp Dung chực lao ra ngoài, Giang Phi Yến phải giữ chặt lấy.
Tổ Gia cũng dừng bước, nhẹ nhàng nói: “Tự Triêm, ta kể cho con nghe một câu chuyện có thật. Hồi còn nhỏ, cạnh nhà ta có một ông rất yêu thương vợ, nhưng vợ ông ấy không cảm thấy hạnh phúc, bởi họ thiếu tiếng nói chung, tính cách cũng không hợp. Người vợ muốn ra đi, ông ta bèn dùng xích xích vợ lại, hằng ngày đều cơm bưng nước rót, nhưng sau đó không lâu người vợ đã cắn lưỡi tự vẫn. Đến lúc đó ông ấy mới hiểu rằng, thì ra yêu một người không phải cứ chiếm làm của riêng, đó không phải là yêu, mà là sự ích kỷ! Khi quỳ trước mộ đốt tiền vàng, ông ấy nói một câu rằng: ‘Nếu em còn sống, anh nhất định sẽ để em đi, chỉ cần biết em còn trên thế gian này là anh hạnh phúc rồi.’ Sau này, ông ta xuất gia quy y cửa Phật.”
Trương Tự Triêm gạt nước mắt, nói: “Nhưng nay ngay cả Hoàng Pháp Dung còn sống hay chết con cũng không biết. Dù cô ấy đã chết, chí ít con có thể đến trước phần mộ cô ấy khóc một trận cho thỏa!”
Tổ Gia đã nói xong. Những lời này ông nghĩ suốt cả một đêm, đó không chỉ là nói cho Trương Tự Triêm nghe, mà cho cả Hoàng Pháp Dung nữa. Ông phải khiến cho Hoàng Pháp Dung thực sự tỉnh ngộ, thực sự hổ thẹn, như vậy cô ấy mới không còn vương vấn gì với ông nữa, Tổ Gia phải khiến cô ấy một đi không trở lại, sống tốt với cuộc sống mà mình đang có...
Sau đó, Hoàng Pháp Dung lấy toàn bộ tiền bạc mang theo đưa cho Tổ Gia. Thưa thầy, đây là những đồng tiền trong sạch, thầy gửi Tự Triêm giúp con,” nói rồi lại tháo chiếc vòng ngọc trên tay ra, “còn chiếc vòng này, con mua bằng tiền kiếm khi mưu sinh ở Nam Dương, nhờ thầy chuyển luôn cho anh ấy.”
Nói xong, Hoàng Pháp Dung bỗng quỳ xuống: “Tổ Gia, Tự Triêm do một tay thầy dẫn dắt vào phái, Pháp Dung bạo gan thỉnh cầu người một việc, xin hãy cứu anh ấy, không thể để anh ấy tiếp tục chìm đắm như vậy được! Vừa rồi trong rừng thầy cũng đã nói, yêu một người phải khiến cho người ấy hạnh phúc, nếu Tự Triêm cứ tiếp tục như vậy, con ở bên đó cũng sẽ không yên lòng!”
Tổ Gia đỡ cô ấy dậy: “Con yên tâm, ta sẽ cố hết sức.”
“Còn nữa, nếu... nếu đến một ngày chiến tranh kết thúc, con hy vọng... con hy vọng thầy tha cho Tự Triêm một con đường sống, anh ấy... anh ấy không thích hợp với phái Giang Tướng...”
Tổ Gia gật đầu một cách khiên cưỡng.
Đêm xuống, đã đến lúc Hoàng Pháp Dung phải lên đường, sau khi vùi vào lòng Giang Phi Yến khóc một hồi, thì quay sang ôm Tổ Gia, nghẹn ngào nói: “Mẹ nuôi, Tổ Gia... Pháp Dung đi đây!”
Nhìn bóng dáng Hoàng Pháp Dung dần khuất xa, Tổ Gia và Giang Phi Yến cảm xúc đan xen lẫn lộn, màn đêm tối tăm như mực, giống như đời người mông lung vô định, không thấy đâu là bến bờ.
Tâm bệnh phải chữa bằng tâm được, tháo chuông cần tìm người buộc chuông. Tổ Gia suy nghĩ rất nhiều, muốn cứu Trương Tự Triêm vẫn cần bắt đầu từ phụ nữ.
“Yến tỷ, Pháp Dung đi rồi. Tự Triêm ngây ngây ngô ngô, nếu muốn cứu cậu ta, vẫn nên...
Tổ Gia chưa nói hết câu, Giang Phi Yến đã ngắt lời: “Tổ Gia, từ khi Pháp Dung và Tự Triêm xảy ra chuyện, ở Đường khẩu tôi đã ra quy định nữ A Bảo cả đời không được lấy chồng, không thể xảy ra sự việc như vậy nữa, quá đau thương!”
Con đường này xem như tắc tịt, Tổ Gia thở dài chán nản. Nhưng để đánh thức bản tính đàn ông, vẫn phải là phụ nữ, nhất là trường hợp của Trương Tự Triêm, nếu không có người phụ nữ thứ hai bước vào trái tim, e rằng cậu ta sẽ ngày càng điên loạn. Ác nghiệp gây ra khi xưa đều do tham sân si vô cùng vô tận, người anh em của ta nay đã phạm vào chữ “si”, đừng nói đến chuyện bảo cậu ta phối hợp lập bẫy, ngay cả kẻ khác giăng bẫy, cậu ta cũng lơ mơ nhảy vào chứ chẳng chơi. Điều này vô cùng không tốt cho Đường khẩu.
Tổ Gia cảm thấy thật mệt mỏi, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ sự tồn vong của Đường khẩu đến chuyện nữ nhi tình trường đều phải quản chặt, nếu không sẽ xảy ra chuyện ngay.
Tâm tư của Tổ Gia bị Tiểu Lục Tử tinh tế phát hiện ra: “Thưa thầy, người có tâm sự ư?”
Tổ Gia nhìn anh ta, nói: “Từ khi chị dâu cậu xảy ra chuyện, lão Tứ cả ngày rầu rĩ, cứ như vậy e sẽ có vấn đề.”
Tiểu Lục Tử xoa xoa đầu, nói: “Thưa thầy, việc này con chẳng thể giúp gì được, chuyện tình cảm nam nữ con không hiểu.”
Tổ Gia liếc nhìn anh ta, lặng im không nói.
Cơm tối xong, Tổ Gia vẫn chẳng nói chẳng rằng. Chu Cẩn bước lại hỏi: “Tiên sinh có tâm sự gì sao?
Tổ Gia gật đầu.
“Tại tôi làm liên lụy tiên sinh ư?”
Tổ Gia vội nói: “Không, phu nhân cả nghĩ rồi. Là người vì anh em của tôi, ba năm trước vợ yêu không may qua đời, cậu ta không sao quên được, nay tương tư đã biến thành bệnh, trong lòng ngẩn ngơ, tôi không biết phải làm sao...
Lời của Tổ Gia vô tình khiến Chu Cẩn mắt ngân ngấn lệ, bà lại nhớ đến Hồng lão hổ.
“Hỏi thế gian tình ái là chi.. Nếu không vì đứa trẻ trong bụng, thì tôi cũng đi theo Tư lệnh từ lâu rồi.”
“Xin phu nhân hãy nén đau thương.” Tổ Gia nói.
“Tiên sinh,” Chu Cẩn gạt nước mắt nói, “nếu muốn quên một người, cách tốt nhất là yêu một người khác, gạo đã nấu thành cơm, không yêu cũng phải yêu, tiên sinh cần phải chuyển sự chú ý của người anh em đó.”
Tổ Gia gật đầu, nhưng nay trong lòng Tứ Bá đầu chỉ nhớ đến một mình Hoàng Pháp Dung, hoàn toàn không để ý đến các cô gái khác, huống hồ làm gì có cô gái nào lại yêu một kẻ điên điên khùng khùng kia chứ?
“Tổ Gia, Bạch Sùng Hy phái người đến cầu kiến.” Tổ Gia đang suy nghĩ thì Tiểu Lục Tử vào bẩm báo.
“Thiết Bản tiên sinh, Bạch Tướng quân có lệnh, mong tiên sinh gấp rút đến Côn Luân quan, bàn kế trấn thủ cửa ải.”
“Được! Ta lập tức đến ngay.”
BẠCH SÙNG HY HUYẾT CHIẾN LONG MẠCH CÔN LUÂN QUAN
Tại Bộ Tư lệnh phòng vệ Côn Luân quan, Tổ Gia lần đầu tiên gặp chiến tướng Quốc dân Đảng Bạch Sùng Hy.
Bạch Sùng Hy, nhân vật nòng cốt của quân phiệt Quế hệ*, được tôn là “Tiểu Gia Cát”, là người thông minh cơ trí, gan dạ sáng suốt, tài năng quân sự nổi trội, mánh khóe chính trị hơn người, ông ta được hai đảng Quốc, Cộng nể trọng. Nhân vật được Nguyên soái Lâm Bưu năm xưa lưu ý nhất chính là Bạch Sùng Hy, hai người từng nhiều lần giao chiến, có thắng có bại.
Tổ tiên Bạch Sùng Hy là người Ả Rập, trong dòng họ có nhiều người đỗ đạt làm quan, đến đời cha ông ta thì bỏ nghiệp văn theo nghề buôn bán. Bạch Sùng Hy từ nhỏ thông minh đĩnh ngộ, đọc qua là nhớ, năm 1907 thi đỗ trường Thiếu sinh quân Quảng Tây với thành tích đứng thứ 6 toàn tỉnh. Năm 1911 Cách mạng Tân Hợi nổ ra, Bạch Sùng Hy gia nhập đội Cảm tử quân, từ đó bắt đầu cuộc đời binh nghiệp. Trong thời kỳ chiến tranh Bắc phạt, ông ta từ Trấn Nam quan đánh thẳng một mạch đến Sơn Hải quan, được tôn là “người đầu tiên hoàn thành Bắc phạt”.
Năm 1937, sau khi hội chiến Tùng Hộ (còn gọi là trận chiến Thượng Hải) thất bại, Bạch Sùng Hy chủ động xin chỉ thị cấp trên cho phép đối đầu trực tiếp với quân Nhật, Tưởng Giới Thạch phê chuẩn. Kết quả quân đội Quế hệ chưa từng có kinh nghiệm tác chiến chống Nhật, bị Sư đoàn 9 Nhật đánh cho tan tác, đội cảm tử mấy trăm ngàn người mà Bạch Sùng Hy dày công bố trí phút chốc bị đánh tan dưới làn hỏa pháo dày đặc của quân Nhật. Từ đó về sau, Bạch Sùng Hy ngậm đắng nuốt cay, chịu bao tủi nhục. Năm 1938, ông ta phối hợp với tướng Lý Tôn Nhân (được mệnh danh là Lý Bạch) cuối cùng cũng đánh bại quân Nhật trong trận Đài Nhi Trang ở Sơn Đông, giành được thắng lợi đầu tiên kể từ sau lần Lâm Bưu “đại thắng Bình Hình quan”, báo thù rửa hận.
Nhằm phòng thủ Côn Luân quan, đảm bảo thắng lợi cho cuộc hội chiến Nam Ninh, lần này Tưởng Giới Thạch quyết dốc toàn bộ vốn liếng, huy động bộ đội tinh nhuệ nhất của Quốc dân Đảng tử thủ tại cửa ngõ Nam Ninh, giao cho Bạch Sùng Hy chỉ huy đội quân cơ giới hóa duy nhất - Quân đoàn 5. Trước khi đưa ra quyết định này, Tưởng Giới Thạch cũng phải cân nhắc rất nhiều, vì ông ta và Bạch Sùng Hy yêu ghét đủ cả, muốn dùng Bạch Sùng Hy nhưng lại không muốn để vượt ra ngoài tầm kiểm soát, tránh uy hiếp đến sự thống trị của mình. Nhất là từ sau khi Đới Lạp đích thân cử người đi thăm dò phong thủy nơi sinh của Bạch Sùng Hy, Tưởng Giới Thạch càng dè chừng hơn.
Quê Bạch Sùng Hy ở khu Lâm Quế, phía tây Quế Lâm, nơi đây có hai đỉnh núi nhấp nhô, nhận được khí long mạch Hội Tiên (tây nam Lâm Quế). Xét về tổng thể, cả ngọn núi giống như con lạc đà đang ngẩng cao đầu, mà quê họ Bạch nằm ở đỉnh đầu con lạc đà này, phong thủy học gọi đây là “lạc đà tiến bảo”, tất sinh ra vương tướng công khanh.
Bản thân Bạch Sùng Hy cũng nhận thức rõ trọng trách nặng nề lần này. Là người có nghiên cứu về phong thủy học, sau khi nhận điện báo của Đới Lạp, ông ta lập tức cho mời Tổ Gia đến, kết hợp xem xét hướng long mạch của Côn Luân quan để bày binh bố trận.
Nhưng Bạch Sùng Hy không hề mê tín, cái gọi là bày binh bố trận theo phong thủy không được đi ngược lại yêu cầu chiến lược thực tế, và chỉ có giá trị tham khảo mà thôi.
Sau khi cùng Tổ Gia vạch kế hoạch xong, Bạch Sùng Hy bắt đầu điều động quân đội.
Ngày 23 tháng 11 năm 1939, dưới sự yểm trợ của máy bay, Sư đoàn 5 Nhật vượt dòng Ưng Giang tấn công Ưng Ninh, Sư đoàn 170 Quốc dân Đảng chống cự không nổi. Tối ngày 24, Nam Ninh thất thủ.
Bạch Sùng Hy bừng bừng lửa giận, gửi điện khẩn cho Tưởng Giới Thạch: nhân lúc quân Nhật chưa trụ vững ở Nam Ninh, cần mau chóng phát động phản công toàn diện, tất khiến quân Nhật thiệt hại nặng nề! Ông ta muốn cho kẻ địch trở tay không kịp.
Bản tính “nghi vẫn dùng, dùng vẫn nghi” của Tưởng Giới Thạch một lần nữa được dịp nổi lên, ông ta nhớ lại lần thảm bại do chủ động xuất kích đánh Nhật của Bạch Sùng Hy hai năm về trước, bởi vậy cứ chần chừ không quyết.
Bạch Sùng Hy như ngồi trên đống lửa, sốt ruột hét lên: “Nếu để lỡ thời cơ, Côn Luân quan nguy mất!”
Quả nhiên, sau hai ngày nghỉ ngơi, quân Nhật chỉnh đốn, tập hợp toàn bộ cơ số quân thành Binh đoàn Ưng Khâm, sang ngày 26 tấn công mãnh liệt cứ điểm ải Cao Phong. Ngày 4 tháng 12, Côn Luân quan thất thủ. Phía Nhật lập tức đánh điện cho Quân bộ: long mạch đã bị khóa, Trung Hoa chẳng mấy chốc sẽ diệt vong!
Sau khi thu được điện tín của Nhật, Bạch Sùng Hy ngồi phịch xuống ghế: “Hỏng rồi, hỏng hết rồi! ủy viên trưởng chừng nào mới cho phản công đây?”
Tổ Gia cũng thấy khó hiểu trước phản ứng chậm chạp của Tưởng Giới Thạch, sốt ruột thở dài: “Bày binh bố trận lâu như vậy, cuối cùng lại bị chính người mình trói chân, để lỡ mất thời cơ!”
Trong việc xử lý vấn đề trọng đại, Tưởng Giới Thạch luôn tỏ ra chậm chạp, do dự, khi cần đánh thì không đánh, khi không cần đánh lại lao vào, điều này hẳn có liên quan đến tên gọi của ông ta, “Trung Chính”, không thiên lệch, không liều lĩnh, cũng không lùi lại. Điều này hoàn toàn tương phản với Mao Trạch Đông, “người bạn cũ” của ông ta. Mao Trạch Đông luôn đánh đòn phủ đầu, không theo khuôn phép cứng nhắc, do đó Mao đánh bại Tưởng là điều tất yếu của lịch sử.
Mãi đến ba ngày sau khi Côn Luân quan thất thủ, Tưởng Giới Thạch mới hạ lệnh: Phản công! Thề chết đoạt lại Côn Luân quan!
Đêm đến, Tổ Gia bí mật gặp Bạch Sùng Hy, chỉ ra rằng: muốn đoạt lại Côn Luân quan, trước tiên phải tấn công hai cao điểm là núi Tiên Nữ và dãy Lão Mao ở xung quanh, hai cao điểm này giống như cặp sừng trâu, hình thành nên cách cục Cấu Giảo sát trong phong thủy học, chỉ cần chiếm được hai cao điểm này, sát khí sẽ mất, Côn Luân quan sẽ dễ bề công phá!
Bạch Sùng Hy nói: “Điều này cũng giống nguyên lý ‘ư cao lâm hạ’ trong chiến thuật! Mẹ kiếp! Dù có dốc hết vốn liếng cũng phải đoạt lại Côn Luân quan!”
Ngày 18 tháng 12, chiến dịch Côn Luân quan bi tráng nổ ra. Một tấc núi sông một tấc máu đổ, Quốc quân ba lần đoạt được Côn Luân quan, rồi lại ba lần bị quân Nhật đánh hạ. Thiếu tướng Lục quân Quốc dân Đảng Trịnh Động Quốc dẫn đầu Sư đoàn 1 danh dự, triển khai đánh giáp lá cà với quân Nhật, toàn bộ sư đoàn dùng lưỡi lê giáp chiến với giặc. Côn Luân quan máu chảy thành sông, cả sư đoàn 13 ngàn người, khi thu dọn chiến trường chỉ còn lại 700.
Cuộc chiến đi vào hồi cuối, quân chính quy hy sinh gần hết, đến lượt dân chúng cầm súng cầm đao xông lên ngay sau quân đội. Chứng kiến cuộc huyết chiến khốc liệt như vậy, Tổ Gia nước mắt giàn giụa, lập tức triệu tập tất cả anh em: “Tất cả xông ra chiến trường cho ta, không giành lại được Côn Luân quan, thà chết không quay về!”
“Vâng!” các anh em hô to một tiếng.
Người của Mộc Tử Liên tuy chưa từng được đào tạo quân sự chính quy, nhưng bạo tay hơn dân chúng rất nhiều, thậm chí không thua quân chính quy là mấy. Nói là quân chính quy nhưng phần lớn là lính động viên, hôm qua còn dắt trâu cày ruộng, hôm nay khoác lên mình bộ quân phục. Anh em Mộc Tử Liên xông vào giết địch đến nỗi mặt mày đỏ ngầu, mắt long sòng sọc, người có súng dùng súng, không có súng thì dùng dao thái, búa rìu. Nhất là Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu, hai người cởi phăng cả áo, cầm hai con dao thái sáng loáng xông lên, thét lớn: “Tao giết hết lũ giặc chúng mày!” Không ít lần xông lên tuyến đầu, Tổ Gia lo hai người họ cùng bị thương, luôn cầm súng bám sát phía sau, đề phòng quân địch đánh lén.
Chiến dịch phản công kéo dài hơn hai tháng, Mộc Tử Liên tổn thất 15 anh em, Tổ Gia và các Bá đầu đều bị thương, nhất là Tiểu Lục Tử, bị trúng một dao khi đánh giáp lá cà với quân Nhật.
Ngày 24 tháng 2 năm 1940, quân đội Trung Quốc cuối cùng đã giành lại được Côn Luân quan! Hôm đó gió cuộn ào ào, núi rừng gào thét, tướng sĩ nổ súng thương tiếc những đồng đội, nhân dân đã ngã xuống, khúc ca bi tráng vút tận tầng mây.
Bạch Sùng Hy nắm chặt lấy tay Tổ Gia: “Các anh không chỉ là thầy tướng số, mà còn là người có công với nước.”
Tổ Gia lắc đầu, nói: “Tướng quân quá khen! Bảo vệ quốc gia là trách nhiệm của mọi người!”
Tin tức truyền về Nhật, đến người Nhật cũng cũng phải cảm thán: lần này quân đội Trung Quốc tấn công với quy mô rất lớn, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, hành động ngoan cường hiếm thấy. Chiến quả của quân ta tuy lớn nhưng tổn thất cũng không phải là nhỏ.
Đến lúc này, cuộc xâm lược Trung Hoa của Nhật bước vào thời kỳ giằng co nhất, khó khăn nhất, chiến tuyến bị kéo quá dài, vật tư cung ứng không kịp, thiệt hại về người ngày càng tăng cao. Trước mặt là Quốc dân Đảng mãi không hạ được, sau lưng là Bát lộ quân của Cộng sản Đảng liên tiếp xuất kích. Nhất là từ tháng 8 đến tháng 12 năm đó, Cộng sản Đảng phát động “Bách đoàn đại chiến” ở Hoa Bắc, chỉ trong vòng ba tháng đã phát động hơn 1.800 cuộc chiến lớn nhỏ, khiến quân Nhật chết và bị thương hơn 20 ngàn người, đập tan “chính sách lồng giam”, khiến quân Nhật khó cứu viện cho nhau, bước chân Nam tiến bị chậm lại.
Kế hoạch tốc chiến tiêu diệt Trung Quốc thất bại thảm hại khiến Nhật Bản bắt đầu triển khai kế hoạch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Làm cách nào để nhanh chóng bổ sung nguồn lực? Chỉ có xâm lược! Chiếm lĩnh và cướp đoạt là phương pháp nhanh nhất để lấy được tài nguyên. Lúc này, đại thần Lục quân Hideki Tojo chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, đồng thời dâng biểu lên Thiên Hoàng nói rõ việc này.
Thiên Hoàng lập tức chuẩn tấu, nhưng lời kiến nghị tiếp sau đó của Hideki Tojo lại khiến Thiên Hoàng và các nguyên lão không hiểu ra sao, ngay cả người đứng đầu đặc vụ Nhật là Kodama Yoshio cũng vô cùng ngạc nhiên: Hideki Tojo muốn đánh nước Mỹ!
Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Konoe Fumimaro đã chất vấn Hideki Tojo: “Hiện nước Mỹ đang tập trung sự chú ý vào Australia, chúng ta nhân cơ hội chiếm lấy Đông Nam Á, tại sao Tướng quân lại muốn đánh Mỹ trước? Huống hồ quân đội Thiên Hoàng có thể đánh được quân Mỹ hay không vẫn còn chưa biết, ngộ nhỡ quân Mỹ phản công, e rằng không có lợi cho chiến sự Đông Á!”
Vốn là người vô cùng thông minh và nhạy bén, Hideki Tojo đưa ra câu trả lời vô tiền khoáng hậu: “Ta không đánh họ thì sớm muộn họ cũng đánh ta! Đôi khi làm một việc thì đừng nên suy nghĩ quá nhiều, nó giống như tự sát vậy, nhắm mắt lại là xong!” Ông ta nào có hiểu, bản thân ông ta tự sát, tốt thôi, nhưng sẽ kéo theo toàn bộ người dân Nhật Bản.
Cuối cùng, Thiên Hoàng vẫn đặt trọng trách lên vai một kẻ đầu óc không bình thường như ông ta: “Đại thần Lục quân muốn đánh thì đánh thôi!”
Kodama Yoshio bạo gan nói: “Ngài Hideki Tojo, theo phép Kỳ môn hoàn vũ, lúc này khai chiến với Mỹ là không phù hợp với quy luật phong thủy. Dịch lý có câu: ‘Suy thần xung vượng, vượng giả phát; vượng thần xung suy, suy giả suy’*, so với Mỹ chúng ta vẫn yếu thế hơn, nhỡ ra chọc giận nước Mỹ...”
“Sau này đừng có nhắc đến mớ lý luận giẻ rách đó với ta! Ta chính là phong thủy, là Dịch lý! Có ý kiến gì nữa không?”
“Ừm... không có.”
Sau đó không lâu, Hideki Tojo tiến hành cải tổ nội các, tập trung đại quyền quân-chính vào tay mình, rồi cùng với một viên tướng liều mạng không kém sinh cùng năm với mình là Yamamoto Isoroku lên kế hoạch sự kiện Trân Châu Cảng.
Sáng sớm ngày 7 tháng 12 năm 1941, khi binh sĩ Mỹ vẫn đang say ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng máy bay gầm rú, họ trở mình, ngáp ngắn ngáp dài, vẫn tưởng là không quân đang diễn tập. Ngay sau đó mưa bom dội xuống, hạm đội Thái Bình Dương chìm trong biển lửa, Trân Châu Cảng bị tập kích, cuộc chiến Thái Bình Dương bùng nổ!
Tin tức truyền về nước Mỹ, Tổng thống Franklin D. Roosevelt như không tin vào tai mình. Từ xưa đến nay, vị Tổng thống ngồi xe lăn do di chứng của bệnh bại liệt này luôn nổi tiếng là “hành động không theo quy tắc”, nhưng lần này ông đã gặp phải kẻ hành động không theo quy tắc hơn thế: kẻ nhân cách phân liệt Hideki Tojo.
Liền sau đó, Nhật Bản phát động cuộc xâm lược các nước Đông Nam Á và những vùng khác, chưa đầy nửa năm đã chiếm được Hồng Kông, Malaysia, Philippines, đảo Guam, Singapore, Myanmar và Indonesia.
Cửa hiệu của Hoàng Pháp Dung ở Nam Dương cũng buộc phải đóng cửa, người quản lý bán tất cả đồ đạc, sau đó đem toàn bộ tiền bạc sang Mỹ tìm Hoàng Pháp Dung.
Hồ Vạn Hùng, chồng của Hoàng Pháp Dung hồ hởi nói: “Giờ thì tốt rồi, nội bộ quốc hội Mỹ luôn tranh luận có nên tham chiến hay không, hành động này của Hideki Tojo sẽ khiến nước Mỹ không thể không tham chiến! Có Mỹ nhảy vào, quân Nhật trước sau khó mà xoay xở, kháng chiến tất có hy vọng!”
Hoàng Pháp Dung gật đầu.
Ngày 4 tháng 6 năm 1942, cuộc hải chiến Midway* nổ ra, quân Mỹ nắm toàn bộ tin tình báo của Nhật, tổ chức một trận phục kích khiến quân Nhật thiệt hại nặng nề, mất 300 máy bay và hơn 100 phi công.
Năm 1943, ba nước Anh, Mỹ, Trung nhóm họp tại Cairo, đưa ra “Tuyên bố Cairo” nêu rõ ý định của khối Đồng minh về việc tiếp tục triển khai lực lượng quân sự cho đến khi nào Nhật Bản chịu đầu hàng vô điều kiện.
Đến lúc này, quân át chủ bài của Nhật dường như đã bị đánh tan, binh lực hao hụt nghiêm trọng, bất đắc dĩ phải thu hẹp chiến tuyến, ở nước Nhật, ngay cả đứa trẻ mười mấy tuổi cũng hăng hái đầu quân dưới sự cổ động của tư tưởng chủ nghĩa quân quốc, từng đoàn từng đoàn trẻ em được đưa đến đông bắc Trung Quốc, dù không thôn tính được Trung Quốc, cũng phải giữ bằng được Mãn Châu quốc.
Cùng lúc đó, tiếp tế vật tư của quân Nhật cũng ngày càng thiếu hụt, máy bay, đại bác, súng ống liên tục hư hại mất mát, khí tài quân sự sản xuất không kịp, trang bị quân đội ngày càng xuống cấp.
Trong một lần quân Mỹ phục kích toán lính dù Nhật, họ đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy toán lính nhảy dù đều cởi trần, tay cầm lưỡi lê, ngoài ra không được trang bị thêm bất kỳ thứ gì khác. Lính Mỹ đứng ngẩn ra nhìn, không biết đó là chiến thuật gì, thử nổ vài phát súng, quân Nhật trúng đạn chết. Sau đó toán lính dù bị tóm gọn, lính Mỹ mới biết đây là nhóm lính mới gia nhập quân đội, Cục Quân nhu không có đủ trang bị vũ trang cho họ, nhưng đánh trận không thể không mặc quần, nên mỗi người được phát một chiếc quần, một lưỡi lê, trước khi lên máy bay, cơ quan Cung giáo phát cho mỗi người một tấm bùa hộ mệnh, nói: “Các anh yên tâm đi, đeo cái này vào đạn bắn không trúng, mà có trúng đi nữa, linh hồn vẫn được vào đền Yasukuni!” Thế là đám tân binh mặc độc chiếc quần, lên máy bay xông ra chiến trường.