Thế Giới Cong - Chương 06
6. Chẳng có gì là bất biến: Cuộc khủng hoảng đồng bảng Anh năm 1992
Tìm kiếm mục từ thay đổi (change) trên Google, chắc hẳn bạn sẽ phải ấn tượng với hàng loạt các định nghĩa và dẫn chiếu được tìm thấy. Benjamin Disraeli chỉ ra rằng: “Thay đổi là điều hiển nhiên. Thay đổi diễn ra liên tục”. Heraclitus cho rằng: “Không có yếu tố nào là vĩnh hằng ngoài thay đổi.” Winston Churchill nói: “Để hoàn thiện hơn bạn cần thay đổi, để hoàn hảo bạn cần thay đổi thường xuyên”. Và Alvin Toffler, một tác giả về văn hóa đại chúng bổ sung thêm rằng: “Thay đổi không chỉ là điều cần thiết trong cuộc sống - thay đổi chính là cuộc sống”.
Việc con người ngày càng bị ám ảnh trước sự thay đổi đã đặt ra một câu hỏi, rằng nếu sự thay đổi là cần thiết với trải nghiệm của con người đến vậy thì làm sao chúng ta, với tư cách một xã hội, lại không bao giờ nhận thấy diễn biến của sự thay đổi đó.
Ví dụ, vào đầu năm 2007, nếu một tác giả gợi ý rằng các ngân hàng Mỹ đang tiềm ẩn những rủi ro thế chấp dưới dạng các công cụ tài chính ngoài bảng cân đối tài sản và thiếu minh bạch thì các nhà phê bình sẽ nhất trí cho rằng ở đây đã có… lỗi in ấn. Rõ ràng vị tác giả đó muốn nói tới hệ thống ngân hàng của Nhật đang che giấu các rủi ro của mình[59].
Còn nếu cuốn sách tương tự nói rằng chỉ một khoản thế chấp dưới chuẩn ban đầu là 200 tỷ đô la trong nền kinh tế thế giới trị giá hàng trăm nghìn tỉ đô la đã gần như làm lung lay các thị trường tài chính toàn cầu thì người ta sẽ suy đoán rắng chắc hẳn cuốn sách này nằm trong số những tác phẩm hư cấu.
Nếu cuốn sách viết về hình ảnh các thành viên ban quản trị Citigroup, “tay bị tay gậy” lang thang khắp thế giới cầu xin hỗ trợ của những quỹ đầu tư quốc gia do những hậu quả của bất ổn tài chính, cuốn sách sẽ bị cho là một phiên bản phóng đại của tiểu thuyết Tom Clancy[60].
Phần lớn chúng ta đều nghĩ đến việc giữ nguyên hiện trạng, chứ không nghĩ về thay đổi. Chúng ta nghĩ rằng nguyên trạng không phải là một phần trong cuộc sống, nguyên trạng là cuộc sống. Chúng ta nghĩ điều gì như thế nào thì sẽ luôn luôn là như thế.
Ví dụ như, trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, hệ thống thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, mặc dù luôn trong tình trạng khó khăn nhưng sẽ luôn luôn tồn tại. Người Mỹ sẽ mãi mãi là cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới. Trung Quốc sẽ chỉ đóng vai trò là một ảnh hưởng tích cực đối với sự thịnh vượng của kinh tế toàn cầu. Các ngân hàng trung ương, trong kỷ nguyên năng suất toàn cầu tăng cao sẽ luôn kiềm chế được lạm phát và giảm phát. Các nhà đầu tư và kinh doanh toàn cầu lúc nào cũng lạc quan tin tưởng. Các thể chế và quyền tự do của chúng ta là bất diệt, các tài sản tài chính sẽ luôn an toàn. Chúng ta sẽ không ngừng phát triển bởi vì các tổ chức kinh tế và các sắp đặt thể chế mà chúng ta đã đặt lòng tin vào sẽ không bao giờ thay đổi, chúng ta tin như vậy. Âm thanh đều đều của bộ máy tạo ra của cải toàn cầu sẽ không bao giờ thay đổi.
Trong chương này, tôi sẽ lý giải những hậu quả có thể xảy ra khi các nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia có những giả định sai lầm. Như Issac Asimov (trong kết quả tìm kiếm từ thay đổi trên Google) đã nói, “Chính thay đổi, sự thay đổi liên tục, thay đổi bất khả kháng là yếu tố thống trị”. Tôi thích nhận xét của một tác giả vô danh tên John A. Simone trong bối cảnh môi trường kinh tế ngày nay hơn. Simone nói: “Nếu tình hình hiện tại của bạn tốt, cũng đừng bận tâm vì rồi điều đó cũng sẽ thay đổi”.
Câu chuyện mà tôi sẽ kể với các bạn trong chương này là câu chuyện về một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Âu vào năm 1992. Đó là câu chuyện về cái tôi cá nhân, sự ương ngạnh và sự mù quáng. Câu chuyện gợi cho chúng ta nhớ rằng, cũng giống như những gì chúng ta chắc chắn về tính ổn định của nguyên trạng, thay đổi - thường là các thay đổi tiêu cực là điều không tránh khỏi. Đặc biệt là trường hợp trong chính sách kinh tế khi đánh giá của con người biến thành hành động và sức mạnh của các thị trường tài chính hầu như bị xem nhẹ. Các nhà hoạch định chính sách nói riêng không bao giờ nhìn ra khuyết điểm trong các hành động của mình, hay sai lầm khi họ không có động thái gì, cho đến khi họ bị buộc phải thay đổi.
Bất kỳ thành viên nghiêm túc nào trong thế giới tài chính cũng hiểu thấu đáo rằng nền kinh tế toàn cầu là một cơ cấu bất ổn và biến hóa liên tục. Nhưng với họ, suy nghĩ rằng hệ thống có thể bị ảnh hưởng tiêu cực hầu như chỉ là một suy nghĩ không thực tế. Họ nghĩ thay đổi là một điều xa vời chứ không phải là một điều cần thiết trước mắt. Chính vì thế họ có những hành động như thể nền kinh tế và các hệ thống thể chế hiện tại sẽ bất biến cùng với thời gian.
Câu chuyện này cho thấy không nhận thức rõ thực tại trong một thế giới đang thay đổi là điều vô cùng nguy hiểm. Trong trường hợp này, hậu quả là sự sụp đổ hoàn toàn của đồng bảng Anh, điều này đã lý giải tại sao người Anh đến nay vẫn sử dụng đồng tiền của chính mình, đồng bảng Anh, chứ không phải đồng euro. Các sự kiện diễn ra vào mùa thu năm 1992 hoàn toàn không được đự đoán trước, nhưng chúng đã tái định hình thế giới tiền tệ châu Âu và là một hiện tượng còn tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.
Sự kiện có vẻ ngắn ngủi này thực ra đã xác định lại mối quan hệ giữa thế giới chính sách và các thị trường tài chính toàn cầu. Sự kiện này, trong đó tôi có được vị trí đặc biệt là người quan sát cận cảnh, đã đánh dấu sự bắt đầu gia tăng quyền lực của những người đầu cơ chấp nhận rủi ro tài chính trên toàn cầu. Và giống như tình hình hệ thống thương mại và tài chính tự do hóa của chúng ta ngày nay, rất ít người nghĩ rằng có khả năng xảy ra một sự thay đổi tầm cỡ như thế. Vào năm 1992, ít ai có thể hình dung ra rằng các thị trường tài chính, vào thời gian đó quy mô nhỏ hơn nhiều và chịu sự ảnh hưởng nhiều hơn của các nhà hoạch định chính sách, có thể kiểm soát hệ thống tiền tệ châu Âu, thay đổi nó hoàn toàn và tác động để tạo ra những thay đổi không ngờ. Nhưng đó chính xác là những gì đã xảy ra. Liệu có thể xảy ra một biến động tàn phá tương tự như thế, thậm chí lớn hơn với hệ thống tài chính toàn cầu ngày nay hay không? Tôi không dự đoán khi nào hay ở đâu, nhưng tôi tin rằng một sự biến động như thế là hoàn toàn có thể.
Để hiểu rõ hơn câu chuyện tôi sẽ kể dưới đây về sự bùng nổ tiền tệ nước Anh, đầu tiên tôi xin được nói một vài điều về sự hình thành nền kinh tế châu Âu nói chung.
Để hiểu các hoạt động kinh tế của châu Âu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng ta hãy cùng xem xét hoạt động kinh tế của Đức. Nền kinh tế Đức chiếm 1/3 khu vực đồng tiền chung châu Âu. Một thập kỷ sau khi thống nhất Tây Đức và Đông Đức vào tháng 10 năm 1990, nền kinh tế mới được thống nhất vận hành vô cùng thảm hại. Từng một thời là nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu nhưng lúc này Đức trở nên yếu kém so với các nước trong khu vực khi phải vật lộn với mức chi phí khổng lồ và các vấn đề khác liên quan tới quá trình thống nhất. Nhưng trong những năm gần đây, nền kinh tế Đức đã chuyển hướng một cách rất ấn tượng. Rất nhiều thành công bắt nguồn từ khả năng xuất khẩu của nền kinh tế. Trên thực tế, “cỗ máy” xuất khẩu trở thành một cơ sở kinh tế đáng tin cậy của Đức.
Sự phục hồi kinh tế này có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn nhiều nếu Đức là nơi thích hợp để bắt đầu hoặc khôi phục kinh doanh. Ví dụ, nếu một giám đốc thực hiện việc hiện đại hóa và tái cơ cấu một công ty toàn cầu không có sức cạnh tranh của Đức, và thấy có hai nhân viên đang làm cùng một việc, ông chủ đó sẽ phải mất một khoản tiền tương đương với tiền lương của 5 năm nếu muốn sa thải người lao động dư thừa kia.
Đó là lý do tại sao tỷ lệ thất nghiệp tại Đức gần như gấp đôi Hoa Kỳ. Ở các khu vực khác tại Tây Âu, tình trạng thất nghiệp thậm chí còn tồi tệ hơn. Hầu hết công ăn việc làm mới được tạo ra từ các công ty nhỏ mới đi vào kinh doanh, và những công ty này không thể hội nhập đủ nhanh vào nền kinh tế lớn, vững chắc của châu Âu. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do luật lao động không hiệu quả và nền kinh tế bị điều chỉnh quá mức. Không có lý do gì mà một người muốn mở một công ty mới trong một môi trường như vậy trong khi các khu vực khác, thậm chí khu Đông Âu ngay bên cạnh, linh động hơn rất nhiều.
Các nhà lãnh đạo chính trị Đức không phải là không biết những gì đang diễn ra. Họ biết châu Âu giành được nhiều lợi ích lớn qua việc cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới mới. Họ hiểu tầm quan trọng của một nền kinh tế năng động, hiệu quả hơn, chấp nhận mạo hiểm cùng với bộ luật lao động linh động hơn. Đơn giản là họ không thể đạt được sự đồng thuận chính trị để thay đổi hệ thống. Điều tốt nhất họ có thể làm là đưa ra những kế hoạch chắp vá nhỏ nhặt, trong một số trường hợp giúp ngăn chặn tạm thời một số luật lao động hạn chế. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề xuất một số cải cách kinh tế ấn tượng trong bài phát biểu của bà, nhưng hầu hết đều thất bại giữa chừng.
Tôi cảm nhận rõ ràng nhất môi trường lao động không hấp dẫn ở châu Âu trong chuyến công tác tới Rome của tôi vào đầu năm 1990. Khi đó tôi nghỉ chân tại khách sạn Hassler gần địa danh nổi tiếng Spanish Steps[61]. Khách sạn Hassler nổi tiếng với người châu Âu bởi nhà hàng trên tầng mái, nơi đây giúp mọi người được chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt vời của thành phố. Do hơi mệt nên tất cả những gì tôi muốn vào buổi sáng đầu tiên tại đó là ly cà phê và một bữa sáng nóng. Sau ba ngày ăn sáng với bánh cuộn nhỏ và bánh ngọt Frankfurt theo kiểu của các nước châu Âu khác, tôi đã sẵn sàng thưởng thức một bữa sáng Hoa Kỳ thực sự với thịt xông khói và trứng. Tôi đến quán cafe trên tầng mái của khách sạn Hassler.
Khi tôi đến nơi, ông chủ cửa hàng dẫn tôi tới một chiếc bàn trong nhà, ở đây không nhìn được quang cảnh thành phố. Tôi đã lịch sự từ chối và yêu cầu được ngồi ở bàn bên ngoài vì thời tiết hôm đó thật tuyệt vời. Ông chủ trả lời khá nghiêm nghị: “Không thể được!”.
Sau khi ngồi xuống ghế và bắt đầu xem thực đơn, tôi nhanh chóng tìm thấy món ăn mà tôi muốn thưởng thức tại đây. Ngay lập tức cà phê được đưa tới - đặc, đen. Tôi vẫy tay gọi người phục vụ, thấy đồng phục của anh ta còn chưa được cài hết, như thể anh ta vừa vội vàng đến khách sạn vì sợ muộn giờ làm. Tôi bảo: “Cho tôi thịt xông khói và trứng” rồi hỏi thêm: “Nhân tiện, tôi có thể chuyển chỗ ra ngoài để ngắm cảnh không? Hầu hết các bàn bên ngoài đó đều trống mà”.
Người phục vụ khựng lại và rồi đứng nghiêm như viên tướng người Ý khôi hài trong bộ phim Casablanca, ngực ưỡn ra như thể anh ta định chào cờ vậy. Anh ta nói: “Thưa ông, ông không thể ngồi bàn bên ngoài và chúng tôi cũng không có trứng rán và thịt hun khói như ông yêu cầu được. Ông có thể gọi một quả trứng luộc kỹ hay có thể yêu cầu một vài lát thịt nhỏ cho bữa sáng, nhưng thịt hun khói và trứng thì không thể”.
Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Nhưng những điều tôi nhìn thấy sau đó còn khiến tôi bực mình hơn. Cách đó chưa đầy chục mét có hai người đang nhấm nháp cà phê và dùng chính những gì tôi vừa yêu cầu. Vì cảm thấy càng lúc càng khó chịu nên tôi đã gọi cả người phục vụ và chủ quán: “Cửa hàng này có gì?”, tôi tỏ ra không hài lòng, cố gắng không để mình là một người Mỹ đáng sợ. “Không trứng, không thịt hun khói, không quang cảnh bên ngoài? Trong khi hai người đằng kia…”
Ông chủ quán đã thô lỗ ngắt lời tôi, chính cách cư xử đó của ông ta đã mở mang cho tôi rất nhiều về bản chất kỳ quặc của luật lao động và lực lượng lao động châu Âu truyền thống. Ông ta nói rằng: “Đúng vậy, chúng tôi phục vụ họ trứng và thịt hun khói. Nhưng đó là cách đây 40 phút. Từ đó trở đi chúng tôi bắt đầu đình công. Bây giờ chúng tôi không phục vụ những thứ đó nữa. Nghĩa là không trứng rán, chỉ có trứng luộc. Không có quang cảnh bên ngoài, chỉ ở bên trong”. Tôi đáp lời: “Thế à, thế một món cháo bột yến mạch được không?”. Vị chủ quán trông bối rối, rồi ông đáp lại: “Ừm. Tôi cũng không biết. Để tôi gọi điện xem thế nào.” Tôi chả bao giờ thấy ông ta quay lại.
Rõ ràng thị trường lao động châu Âu ngày nay linh hoạt hơn, và vào năm 2008, người châu Âu bắt đầu nhận thấy mức tăng trưởng nhích lên một chút. Nhưng câu chuyện tôi vừa kể đã chứng minh cho quyền lực mà lực lượng lao động châu Âu từng nắm giữ trong lịch sử và khả năng phá hủy hoạt động kinh doanh của họ vào thời điểm đó. Mặc dù câu chuyện này mang tính phóng đại một chút, nhưng luật lao động cứng nhắc và các hạn chế kinh doanh khác đúng là một trở ngại lớn cho quá trình mở rộng kinh tế.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, người Đức thực sự đã tạo nên một điều ngạc nhiên phi thường về mức độ tăng trưởng kinh tế. Mặc dù tồn tại những bế tắc chính trị trong kế hoạch đổi mới kinh tế của chính phủ Merkel nhưng nền kinh tế Đức bắt đầu vượt lên trên các nền kinh tế châu Âu khác. Và sự thay đổi tương đối này đã diễn ra như thế nào? Rất khó khăn để cộng đồng chính thống thừa nhận rằng các quỹ đầu cơ phòng vệ toàn cầu, các công ty đầu tư vốn cổ phần và các ngân hàng đầu tư toàn cầu mà chúng ta đã thảo luận trong chương 3 đã âm thầm kích thích quá trình tái cơ cấu lĩnh vực tư nhân phát triển.
Axel Weber, một học giả xuất sắc tại Đức và hiện tại là chủ tịch Bundesbank[62], đã thẳng thắn miêu tả quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế Đức trong một vài năm qua. Ông công nhận rằng ban đầu cả chính phủ và ngân hàng trung ương đều không ý thức được điều gì đang diễn ra.
Và những điều đã diễn ra đó chính là sự bùng nổ về số lượng các cuộc sáp nhập và thâu tóm của những công ty lớn và trung bình ở Đức. Ngày nay hơn 50% lượng chứng khoán Đức là do người nước ngoài nắm giữ. Sau đó, các ngân hàng đầu tư toàn cầu và các tổ chức tài chính bên ngoài khác mà chính phủ hoàn toàn không hay biết đã bắt đầu yêu cầu tái cơ cấu và đổi mới các công ty Đức. Chính vì thế, việc tái cơ cấu nội bộ doanh nghiệp của rất nhiều công ty có tiếng tăm tại Đức diễn ra nhanh hơn mức mong đợi. Các cổ đông quốc tế yêu cầu năng suất tăng cao hơn, và bộ máy xuất khẩu Đức thậm chí còn hơn cả một nhà máy sản xuất toàn cầu. Trong quá trình đó, thậm chí hệ thống tài chính của Đức cũng bắt đầu được chuyển đổi từ một hệ thống phần lớn dựa vào ngân hàng (bank-based system) trở thành một hệ thống mang tính thị trường vốn (capital market system) nhiều hơn. Điều này đã tạo nên mức tỷ suất lợi nhuận cao hơn, đồng thời thúc đẩy các khoản chi tiêu vào đầu tư tăng vọt.
Dù là một nước khó khăn ở châu Âu vào những năm 1990 nhưng nay Đức đã trở nên hưng thịnh. Các công ty tại Đức được phép thuê những lao động (không thuộc công đoàn) từ thị trường thứ cấp, những lao động này không chịu ảnh hưởng bởi các quy định lao động ngặt nghèo. Chi phí lao động đơn vị thực tế giảm trong khi năng suất tăng nhẹ. Trong quá trình này, Đức đã nâng cao vị thế của mình trên thị trường cạnh tranh quốc tế. Nền kinh tế càng phát triển mạnh mẽ hơn do nhu cầu của hai lĩnh vực xuất khẩu quan trọng tại Đức tăng vọt trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á - đó là ô tô sang trọng và các thiết bị máy móc chính xác. Sự suy thoái toàn cầu gần đây có ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu của Đức hay không vẫn là vấn đề cần có thời gian để xem xét.
Thành công gần đây của Đức đã gây bất lợi lớn cho các nền kinh tế khác tại châu Âu. Trong khi sức cạnh tranh của Đức tiếp tục trở nên mạnh mẽ hơn trên toàn cầu thì số khác tại châu Âu có nguy cơ bị tụt lại phía sau. Ví dụ như Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Ý. Tuy nhiên hàng năm, Ý ngày càng tụt xa hơn nữa về sức cạnh tranh. Sự chênh lệch khả năng cạnh tranh như vậy chính là nội dung chính trong câu chuyện tôi sẽ kể về thất bại của tiền tệ Anh và những biến động đáng sợ của hệ thống tỷ giá hối đoái châu Âu.
Giá trị đồng euro ngày càng tăng đã khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn và thực tế có thể tóm tắt như sau - không phải tất cả các nền kinh tế châu Âu sinh ra đều bình đẳng. Vấn đề này cũng đã gây nên một cuộc tranh luận trong cộng đồng kinh tế rằng liệu sự hạn chế tiền lương và các biện pháp tăng năng suất khác của Đức có đang hủy hoại dần nền kinh tế châu Âu, hay đang cứu nó khỏi bị đẩy sang một bên và trở nên cô lập với toàn cầu.
Trong thập kỷ qua, châu Âu đã thực hiện một cộng việc tuyệt vời nhằm xây dựng uy tín của Ngân hàng Trung ương châu Âu mới. Liên minh tiền tệ và việc hội nhập của đồng tiền mới, đồng euro, diễn ra rất ấn tượng. Một số chuyên gia về ngoại hối đã lập luận rằng trong thập kỷ tới, đồng euro sẽ cạnh tranh với đồng đô la và trở thành đồng tiền dẫn đầu hay đồng tiền dự trữ của thế giới. Nhưng các quan chức châu Âu sẽ tiếp tục phải đối mặt với một vấn đề không thể phủ nhận là: Do sự khác biệt về khả năng cạnh tranh giữa các nền kinh tế nên những căng thẳng kinh tế nghiêm trọng sẽ vẫn còn tồn tại. Ví dụ một số nền kinh tế châu Âu (như Đức) có thể chấp nhận đồng euro mạnh, tuy nhiên những nền kinh tế khác (như Ý) sẽ thấy đồng tiền mạnh là một trở ngại lớn, giống như một tuyên bố tử hình về kinh tế toàn cầu. Bởi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức liên tục gia tăng so với Ý nên các khoản đầu tư thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục tập trung vào cải thiện tương lai kinh tế Đức hơn là tương lai kinh tế Ý.
Suy cho cùng, Đức đã thành công trong việc cạnh tranh toàn cầu trực diện với Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất các loại ô tô sang trọng, thiết bị chính xác và các sản phẩm công nghiệp phức tạp khác. Các loại ô tô sang trọng như Mercedes và BMW có mặt ở khắp nơi trên trên các thị trường châu Á. Các công cụ và thiết bị chính xác của Đức cũng được phổ biến rộng rãi. Ngược lại, rất nhiều nước châu Âu khác như Ý chỉ xuất khẩu các sản phẩm tiêu dùng đơn giản, dễ sao chép. Các sản phẩm này buộc phải cạnh tranh trên thị trường toàn cầu với các mặt hàng xuất khẩu từ các nước châu Á khác. Các mặt hàng tiêu dùng sang trọng của các hãng sản xuất nổi tiếng tại châu Âu như Gucci và Ferragamo tất nhiên có nguồn cầu toàn cầu rất cao, nhưng cạnh tranh với các nước châu Á tại các thị trường hàng hóa tiêu dùng tự do là điều vô cùng khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đồng tiền châu Âu ngày tăng mạnh hơn bao giờ hết.
Quan điểm cho rằng Đức, một thực thể quyền lực quyết định bối cảnh chính trị và kinh tế ở châu Âu không phải là mới. Trở lại những năm 1970, do uy tín lớn của ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), nước này thực chất đã khống chế lãi suất châu Âu trong nhiều thập kỷ, trong khi những nước châu Âu khác phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực tế một số nhà phân tích lập luận rằng sự xuất hiện của liên minh tiền tệ và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu vào cuối những năm 1990 là một nỗ lực trực tiếp của những nước châu Âu còn lại, nhằm tước đoạt một số ảnh hưởng chính sách mà Đức có.
Vai trò quyền lực mạnh mẽ này của Đức được các nhà hoạch định chính sách Anh đặc biệt chú ý từ năm 1992, ngay trước khi những biến động tiền tệ lớn vào thời kỳ đó xảy ra. Những gì được biết đến vào mùa thu năm đó là một sự kiện quan trọng làm cả thế giới phải kinh ngạc. Đức là trung tâm vở diễn. Một thập kỷ sau khi các thị trường tài chính bắt đầu tự do hóa, sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu cho sự sụt giảm quyền lực của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Khả năng kiểm soát các thị trường tài chính toàn cầu của chính phủ sẽ sớm bị nghi ngờ. Nguồn vốn khổng lồ nguy hiểm - bao gồm các quỹ đầu tư phòng vệ được đầu tư vốn vay và các tổ chức chấp nhận rủi ro khác mà tôi đã đề cập trong cuốn sách này - đối mặt trực tiếp với cộng đồng ngân hàng trung ương châu Âu nhỏ bé và chưa thức thời.
Các diễn viên trong vở diễn năm 1992 bao gồm một nhà quản lý ngân hàng trung ương Đức ngoan cố, một nhóm các quan chức tài chính Ý không may, và một nhóm các quan chức Anh xác định không chính xác những vấn đề đóng vai trò quan trọng tới sự sống còn của đồng tiền của họ. Nội dung câu chuyện khá phức tạp, nhưng chúng ta cần hiểu nó bởi vì câu chuyện cho chúng ta thấy thực tế rằng những thay đổi đột ngột mà các lực lượng tài chính hùng mạnh tạo ra thường xuất hiện khi chúng ta bất ngờ nhất. Thế giới quả thực không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ.
Nhưng trước tiên, hãy để tôi trình bày sơ qua một số thông tin cơ bản về cách thức hoạt động của thị trường tiền tệ. Vào giữa những năm 1980, hệ thống tiền tệ thế giới được coi là một hệ thống thả nổi (floating system). Hàng loạt các nhà kinh doanh trên thị trường đánh cược vào mọi loại tiền tệ khác nhau, khiến các loại tiền tệ trên thế giới dao động mạnh. Đồng đô la lúc bấy giờ là đồng tiền có sức ảnh hưởng nhất. Để thay đổi tình hình, người châu Âu vốn tin vào sức mạnh của các con số đã liên kết các đồng tiền riêng nhỏ hơn của họ lại với nhau bằng một thỏa thuận được gọi là Cơ chế Tỷ giá Hối đoái (ERM). Trên một số phương diện thì cách suy nghĩ này của người châu Âu có vẻ hợp lý. Hợp nhất các loại tiền tệ của châu Âu (và sau đó là các nền kinh tế châu Âu) vừa có thể tăng mức ổn định tiền tệ vừa giảm được khả năng xuất hiện những căng thẳng kinh tế, vốn là một phần nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu vào thế kỷ XX.
Với những người mới làm quen với đề tài này thì khái niệm hệ thống tiền tệ toàn cầu không hề dễ hiểu. Bạn có thể tưởng tượng qua một phép ẩn dụ hiệu quả như sau: hệ thống tài chính thế giới là một bể bơi khổng lồ, trong đó, bên dưới mặt nước là các loại tiền tệ toàn cầu giống như những quả bóng cao su có thể phình ra hay co lại. Trong đó quả bóng lớn nhất trong bể là đồng đô la Mỹ. Quả bóng đô la phình ra hay co lại phụ thuộc vào quan điểm của các thị trường vốn toàn cầu về tính hiệu quả của các chính sách kinh tế Hoa Kỳ, mức lãi suất Hoa Kỳ và tổng thể hiệu quả kinh tế. Trong hầu hết các trường hợp, nếu không muốn nói là tất cả, nếu mức lãi suất giảm xuống, quả bóng cao su sẽ co lại, nếu mức lãi suất tăng lên, quả bóng phình ra. Nếu đồng tiền tăng giá sau khi lãi suất tăng cao (quả bóng phình ra) thì đó là do thị trường tin rằng nguy cơ lạm phát thấp. Còn nếu đồng tiền giảm giá sau khi cắt giảm lãi suất (quả bóng co lại) thì đó là do thị trường cho rằng nguy cơ lạm phát đang trở nên cao hơn.
Vào những năm 1970, các loại tiền tệ châu Âu là những quả bóng khá nhỏ trong bể, đặc biệt khi so với quả bóng đô la rất to. Do nắm trong tay quả bóng lớn nhất nên các chính sách Hoa Kỳ có ảnh hưởng mặc dù không rõ ràng nhưng vô cùng quan trọng trong hệ thống kinh tế quốc tế. Người châu Âu không thích sự ảnh hưởng đó. Để chiếm ưu thế, người châu Âu hợp nhất các quả bóng tiền tệ nhỏ hơn của họ lại với nhau bằng một hệ thống như tôi đã đề cập là ERM. Họ thỏa thuận mỗi quả bóng châu Âu riêng lẻ sẽ tiếp tục phình ra và co lại, nhưng chỉ trong một giới hạn nhất định được các bên chấp thuận (gọi là biên độ tiền tệ - currency band).
Nếu các thị trường vốn bơm quả bóng quá nhiều hoặc quá ít (so với các giới hạn định giá biên độ tiền tệ đã được chấp thuận) thì các nhà hoạch định chính sách có một số lựa chọn để ngăn chặn toàn bộ cơ cấu tiền tệ châu Âu không bị vỡ vụn. Họ có thể “can thiệp” vào thị trường bằng cách mua hoặc bán tiền, điều này có ảnh hưởng như bơm hoặc rút nước để ảnh hưởng tới kích thước quả bóng. Họ có thể tăng hoặc giảm lãi suất của quốc gia có đồng tiền bị hoài nghi, như vậy sẽ ảnh hưởng tới kích thước của quả bóng tiền tệ bằng cách tăng hoặc giảm nhu cầu với đồng tiền đó. Nếu các biện pháp kia không hiệu quả thì phương án cuối cùng là các nhà hoạch định chính sách có thể yêu cầu “điều chỉnh lại” biên độ tiền tệ. Trong hầu hết các trường hợp, biện pháp này đồng nghĩa với nhà nước tiến hành việc điều chỉnh đó phải chấp nhận kích thước quả bóng bị sụt giảm về lâu dài, so với các quả bóng tiền tệ châu Âu khác. Khi ấy, hàng hóa và dịch vụ của nước đó có thể trở nên cạnh tranh hơn trong lĩnh vực thương mại so với các nước châu Âu khác, nhưng nguy cơ lạm phát sẽ tăng cao do đồng tiền yếu đi sẽ làm tăng giá nhập khẩu.
Hệ thống tiền tệ châu Âu, hay ERM, được hình thành để tạo nên tính linh động. Những điều chỉnh này của chính phủ có tác dụng như một van xả các áp lực thị trường. Biện pháp này sẽ cho phép nền kinh tế cảm thấy thoải mái hơn trước những cạnh tranh quốc tế gay gắt. Ngày nay, hệ thống châu Âu mới sau khi được hợp nhất hoàn toàn không có một van xả như thế.
Về mặt lý thuyết, sau khi điều chỉnh biên độ tiền tệ, đồng tiền yếu hơn sẽ cho phép các hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế bị mất giá cạnh tranh hiệu quả hơn so với hàng hóa và dịch vụ của các thành viên khác trong hệ thống châu Âu. Đó là những gì người Ý đã làm. Do nền kinh tế tương đối không hiệu quả nên cộng đồng chính sách Ý liên tục nỗ lực thúc đẩy khả năng cạnh tranh thương mại bằng việc việc đàm phán mức điều chỉnh lại (biên độ tiền tệ) với các đối tác thương mại của mình. Ý thường xuyên thực hiện điều chỉnh biên độ tiền tệ và người ta coi đó chẳng khác nào một trò đùa trên hệ thống quốc tế. Những điều chỉnh đó là một dấu hiệu thông thường về thất bại kinh tế.
Ngược lại, đồng tiền Đức (DM hay mác Đức) thường đứng đầu (mạnh) trong ERM. Đồng DM là quả bóng châu Âu lớn nhất trong bể bơi, một phần nhờ nền kinh tế mạnh của Đức, nhưng nguyên nhân chính là do ngân hàng trung ương Đức là ngân hàng được thị trường đánh giá là lực lượng đáng tin cậy, độc lập và có khả năng chống lạm phát cao nhất. Ngược lại, đồng lia giá trị thấp của Ý luôn nằm cuối hoặc gần cuối cùng do hậu thuẫn của nó là chính phủ và ngân hàng trung ương bị đánh giá là thiếu tin cậy. Quả bóng tiền tệ của nước này vô cùng nhỏ khi so sánh với các quả bóng khác.
Vào năm 1992, việc quả bóng tiền tệ Đức vượt trội hơn các tất cả các đồng tiền khác gộp lại theo cơ chế ERM đã gây ra một sự ghen tị lớn khắp châu Âu. Các chính trị gia châu Âu, ngoại trừ người Đức, đã rất bất bình với quyền lực và sức ảnh hưởng của ngân hàng trung ương Đức. Rất nhiều người châu Âu tin rằng Bundesbank thực sự đã bóp nghẹt chính sách lãi suất của châu Âu (giữ lãi suất quá cao nhằm ngăn chặn lạm phát). Còn nếu các nước châu Âu khác cắt giảm lãi suất thì quả bóng tiền tệ của họ sẽ có nguy cơ sụt giảm hơn nữa so với đồng tiền Đức. Sự phát triển của Đức sẽ đe dọa các thị trường tài chính, qua đó buộc các quốc gia thực hiện cắt giảm lãi suất (trừ khi Đức cũng cắt giảm lãi suất) phải thực hiện một điều chỉnh (về lãi suất - ND) đáng hổ thẹn. Những căng thẳng tiềm tàng này vẫn chưa được giải quyết.
Tôi hiểu rõ tình hình này vì năm 1992, tôi đang chuẩn bị một chuyến công tác để thảo luận vấn đề kinh tế vĩ mô với các quan chức và chuyên gia kinh tế khắp các thành phố châu Âu. Khi tôi cùng đối tác kinh doanh là ông Manley Johnson bước vào Bundesbank ở Frankfurt vào ngày 11 tháng 9 thì chỉ chưa đầy một tháng nữa là vợ tôi sẽ sinh cháu thứ ba. Vì thế, tôi đã vô cùng lo lắng từ lúc rời Washington. Tôi nhận thấy rằng những người Đức cũng rất lo lắng, tuy nhiên vì những lý do hoàn toàn khác.
Anh, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều đang phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh lớn trong hệ thống tiền tệ châu Âu nên có nguy cơ phải điều chỉnh biên độ giao dịch. Trong số đó, đồng lia Ý gặp phải vấn đề lớn nhất. Và tình hình càng thêm tồi tệ khi sau đó chưa đầy hai tuần, hiệp ước Maastricht nhằm hợp nhất châu Âu bằng một đồng tiền chung được đưa ra bỏ phiếu tại Pháp vào ngày 20 tháng 9. Việc kế hoạch hợp nhất Maastricht có được ủng hộ hay không là điều hoàn toàn không chắc chắn; Đan Mạch đã khẳng định không chấp thuận kế hoạch này. Mọi người nghĩ rằng nếu Pháp cũng phản đối thì thỏa thuận tiền tệ ERM vốn đã yếu ớt có thể cũng sẽ thất bại. Sự thất bại đó có thể ngăn cản mọi khả năng hợp nhất tiền tệ châu Âu rộng lớn hơn bằng một đồng tiền chung và trước mắt có thể gây ra sự bất ổn tài chính nghiêm trọng. Tôi tới châu Âu với hy vọng sẽ có nhiều cuộc thảo luận về triển vọng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên những gì tôi trải qua là một cơn bão tài chính và kinh tế mang tầm vóc lịch sử.
Việc người Đức tăng lãi suất trước đó hai tháng giống như một hợp đồng bảo hiểm chống lạm phát tương lai. Bây giờ do áp lực thị trường tài chính với đồng lia, đồng bảng Anh và các loại tiền tệ khác, họ bất ngờ bị dồn ép, đặc biệt là từ phía người Anh, rằng phải đảo ngược tiến trình và cắt giảm lãi suất. Người Anh muốn người Đức hạ thấp mức lãi suất ngắn hạn nhằm giảm bớt các áp lực tiền tệ trong ERM. Nếu cắt giảm lãi suất, người ta tin rằng đồng mác Đức sẽ yếu đi - quả bóng co lại - so với các loại tiền tệ châu Âu khác, và mối quan hệ tiền tệ ERM có thể trở lại bình thường.
Kết quả là một số thành viên quan trọng trên thị tường tài chính trở nên nghi ngờ đồng tiền Anh. Nghe theo những tư vấn chiến lược mà nhà quản lý kinh doanh của mình là Stan Druckenmiller đã đề xuất, nhà đầu tư George Soros đã âm thầm thực hiện một giao dịch trên thị trường một tháng trước đó (bán khống 1,5 tỷ bảng Anh). Thực tế, họ suy đoán rằng các quan chức London đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính sách tiền tệ Anh không thể so sánh với chính sách tiền tệ Đức về độ tin cậy. Thêm vào đó, đồng bảng Anh trong ERM được định giá quá cao so với đồng tiền Đức. Soros và Druckenmiller cho rằng cuối cùng Anh sẽ buộc phải điều chỉnh do các thị trường tài chính không tin tưởng - bằng việc giảm kích thước quả bóng tiền tệ của họ. Nhưng đó chỉ là một dự đoán khá đơn độc.
Tuy nhiên, ngay từ các dấu hiệu đầu tiên này, một cuộc thảo luận mở rộng trên phương diện quốc tế đã bắt đầu nổ ra. Tại đó, những nhà kinh doanh xông xáo luôn theo dõi sát sao các nhà hoạch địch chính sách châu Âu, sẵn sàng chộp lấy những sơ suất dù là nhỏ nhất hòng chiếm lấy một vị trí trên thị trường để kiếm lợi từ những sơ suất đó. Hơn nữa, những thương gia này có thể sử dụng đòn bẩy vốn vay khổng lồ trên thị trường (mượn tiền để đầu tư) nhằm gia tăng hơn nữa hiệu quả hành động của họ.
Nhà lãnh đạo Bundesbank là chủ tịch Helmut Schlesinger, một chuyên gia chính sách vô cùng nghiêm túc, ông đã phải trải qua nhiều biến cố trong nhiều năm với vai trò là nhân vật số hai của ngân hàng trung ương. Schlesinger là người bộc trực, hầu như không có chút ý nhị, ông hiến dâng hết mình cho các nguyên tắc bảo thủ lâu đời của Bundesbank trong một môi trường mà những người khác xử sự rất khôn khéo. Ông cũng nhìn nhận mọi vấn đề theo cách trắng đen rõ ràng.
Schlesinger đặc biệt không thích việc người Anh sử dụng tư cách thành viên ERM một cách tinh vi để ảnh hưởng tới các vấn đề hối suất và tiền tệ châu Âu. Ông nghĩ người Anh đơn giản đang tìm cách kiểm soát hệ thống tiền tệ chống lại Đức chứ không vì mục đích hội nhập tiền tệ châu Âu rộng lớn hơn. Trước đó vài năm, dù không đàm phán với các nước châu Âu khác về mức giá gia nhập (entry price level), nhưng Anh đã đột nhiên tuyên bố mình sẽ tham gia vào ERM. Mặc dù trước đó Anh chọn đứng ngoài song sau này Anh lại quyết định tham gia với mức hối suất tự chọn 2,95 mác Đức đổi một bảng Anh. Riêng về phần mình, Đức luôn nghi ngờ về các điều khoản gia nhập của Anh, đồng thời cho rằng đồng tiền Anh gia nhập ở mức cao đến không tưởng. Hay nói cách khác, họ thấy rằng quả bóng của Anh vào thời điểm gia nhập quá lớn. Nhận định này dựa trên thực tế rằng những yếu tố kinh tế cơ bản của Anh không mạnh. Lạm phát ở Anh cao gấp ba lần lạm phát ở Đức lúc bấy giờ, và mức lãi suất 15% cao đến kinh ngạc. Trong suy nghĩ của người Đức, điều đó có nghĩa là đồng tiền Anh sẽ mãi mãi bị hoài nghi trong mắt các thương gia trên thị trường tài chính.
Khi tham gia vào tổ chức tiền tệ ERM, hối suất Anh chỉ được dao động (quả bóng phình ra hay co lại) trong phạm vi giới hạn 6%. Nếu tiền tệ dao động quá mức này, ngân hàng trung ương Anh (Bank of England) sẽ buộc phải hoặc điều chỉnh hoặc sử dụng khoản dự trữ để can thiệp vào thị trường. Điều đó nghĩa là mua bảng Anh hoặc bán mác Đức như một phương tiện để ổn định kích thước quả bóng bảng Anh so với mác Đức. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách thời gian đó đều nghĩ rằng chắc hẳn Anh sẽ không bao giờ yêu cầu điều chỉnh, và cũng khó có khả năng Anh sẽ bị đẩy ra khỏi hệ thống. Một vũ khí cuối cùng là Anh sẽ tăng lãi suất ngắn hạn để gây ấn tượng với các thị trường tài chính và cũng giống như Bundesbank, vũ khí này có thể chứng minh khả năng ngăn chặn lạm phát. Hy vọng là nếu tăng lãi suất thì đồng tiền Anh đang mất giá sẽ ổn định trở lại.
Người Đức nghĩ người Anh đã chọn mức giá gia nhập sai lầm và họ bất mãn bởi vì người Anh không tham vấn họ về vấn đề này. Bây giờ Anh đang rất cần giúp đỡ. Chính phủ bảo thủ Anh vốn hoài nghi về Liên minh châu Âu đã nghĩ rằng điểm gia nhập 2,95 mác Đức sẽ làm giảm ảnh hưởng của đồng tiền Đức trong ERM. Điều này sau đó được chứng minh là một sai lầm nghiêm trọng, một lần nữa khiến đồng tiền Anh bị đánh giá quá cao đến nguy hiểm theo quan điểm của rất nhiều thương gia trên thị trường tiền tệ toàn cầu.
Vào tuần thứ hai tháng Chín, tình hình nước Anh đã khiến chủ tịch Schlesinger lúc nào cũng trong tâm lý cáu bẳn. Rõ ràng nước Anh đang phải chịu nhiều khó khăn. Tuy vậy, người gặp chúng tôi trong cuộc họp tại Frankfurt khi bi kịch này trong giai đoạn cao trào lại không phải là Schlesinger mà là Otmar Issing, một thành viên ban quản trị có sức ảnh hưởng lớn của Bundesbank, trưởng ban kinh tế, trưởng ban nghiên cứu và đồng thời cũng là cộng sự cân thận nhất của Schlesinger.
Bạn có thể thắc mắc tại sao các quan chức cấp cao lại có cuộc họp với những nhà báo và nhà phân tích thị trường bên ngoài. Câu trả lời là các nhà quản lý ngân hàng trung ương thấy nguy hiểm nếu các cuộc thảo luận của họ chỉ hạn chế trong nhân viên nội bộ, ngoài ra, một cuộc họp với những người ngoài cuộc sẽ có tác dụng đo lường tâm lý chính trị và thị trường quốc tế. Với người Đức, họ cũng cảm thấy cần thiết phải công khai tình hình của mình với thị trường và báo chí Hoa Kỳ, điều này thường có tác dụng điều chỉnh những quan niệm thiên lệch tiêu cực về chính sách Đức của những người mà họ vẫn thường gọi là “đám đông London” - một cách gọi giới báo chí tài chính Anh quốc.
Khi chúng tôi vào văn phòng của Issing, một nhà hoạch định chính sách bình thường vốn rất sôi nổi, cường tráng, bấy giờ nhìn mặt ông xám mét, đầu tóc bù xù, lưng khom khom như ông đã phải thức trắng suốt đêm qua. Thông thường, các cuộc họp được tổ chức trong một giờ, nhưng đến phút cuối, cuộc họp này bị rút xuống chỉ còn 20 phút. Khi chúng tôi chuẩn bị ngồi xuống, Issing đã lo lắng yêu cầu sắp xếp lại chỗ ngồi để ông có thể ngồi cạnh điện thoại. Ông nói: “Tôi đang đợi một cuộc gọi khẩn và tôi có thể phải đi ngay sau khi nhận điện”.
Trong nhiều tuần, tôi dự đoán người Ý sẽ điều chỉnh tiền tệ của họ, họ sẽ định giá đồng tiền của họ ở mức thấp hơn đồng tiền của các nước châu Âu khác. Tôi cũng khá chắc chắn rằng Bundesbank mà Schlesinger là người quản lý sẽ không làm theo những yêu cầu giảm lãi suất của Anh nếu Ý không đồng ý điều chỉnh. Giảm lãi suất trong khi Ý không điều chỉnh sẽ giống như việc trao phần thưởng cho người Ý vì đã có những hoạt động chính sách kinh tế vô cùng tồi tệ. Một điều có thể, nhưng khó xảy ra là Anh sẽ cùng Ý (một nước thành viên được cho là yếu của châu Âu) điều chỉnh giảm giá đồng tiền Anh. Người Anh cũng có thể chọn cách tách khỏi hệ thống, nhưng vào thời điểm đó thì điều này nghe thật khôi hài.
Hầu hết các thành viên thị trường tin rằng Anh còn thủ sẵn một viên đạn tăng lãi suất trong nòng súng. Giống như một vũ khí nhằm đe dọa những thương gia đánh giá thấp đồng bảng Anh, về mặt lý thuyết tăng lãi suất, nếu xác định được thời gian hợp lý, có khả năng tăng sức mạnh tiền tệ của một nước. Tuy nhiên tăng lãi suất quá mức có nguy cơ khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái. Nếu thị trường tài chính nghĩ rằng nền kinh tế đang có dấu hiệu yếu đi thì tất cả các thương gia trên thị trường sẽ đồng loạt bán phá giá đồng bảng Anh và nó sẽ rơi tự do.
Một vài tuần trước khi xảy ra bi kịch này, bộ trưởng Tài chính Anh Norman Lamont và bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin đã có những tuyên bố lạ lùng. Cả hai đều khẳng định rằng Cộng đồng châu Âu coi điều chỉnh lãi suất của các đồng tiền trong khối là không cần thiết. Điều này giống như một màn tung hoả mù lố bịch khiến tôi càng cảm thấy nghi ngờ hơn. Tôi nghĩ điều gì đó đang xảy ra.
Người đứng đầu một trong những ngân hàng trung ương Benelux[63] đã có mặt tại Washington vào khoảng thời gian đó và nói với tất cả mọi người đang lắng nghe rằng “Ý sẽ điều chỉnh là điều chắc chắn”. Thủ tướng Ý Giuliano Amato, trong nhiều năm là một nhân vật tiếng tăm của Viện Brookings tại Washington, đã trình bày những suy nghĩ của bản thân với một nhóm các chuyên gia kinh tế đến thăm Rome về những điều có thể sẽ xảy ra: nếu người Pháp chấp nhận Hiệp ước Maastricht[64] vào ngày 20 tháng Chín thì Ý sẽ điều chỉnh hoặc giảm giá “5 tới 7%”. Còn nếu hiệp ước Maastricht không được chấp thuận thì các thương gia trên thị trường sẽ nắm quyền kiểm soát và chắc chắn mức điều chỉnh 10% hay thậm chí cao hơn thế là điều tất yếu. Tôi thắc mắc là liệu Ý có thể trụ được cho tới khi Pháp bỏ phiếu tán thành hay không; và sự điều chỉnh của Ý sẽ ảnh hưởng như thế nào khi là điểm bùng phát những bất ổn của hệ thống tiền tệ châu Âu rộng lớn hơn.
Tuy nhiên khi ngồi trong văn phòng của Issing, tôi nhận thấy ông lo lắng hơn rất nhiều so với những gì tôi đã nghĩ. Tại sao phải lo lắng về sự mất giá tiền tệ Ý như thế? Mất giá là chuyện vẫn thường xảy ra. Bên cạnh đó người Ý, xét ở mức độ nào về mặt kinh tế đó chỉ là vai diễn phụ, chưa bao giờ đóng vai trò là thành viên quan trọng trong tổ chức tiền tệ châu Âu. Điều gì đó quan trọng hơn đang gặp nguy hiểm, tuy nhiên vẫn chưa rõ ràng là người Anh sẽ trở thành trung tâm câu chuyện.
Buổi sáng hôm đó, ngày 11 tháng 9, các tờ báo ở Frankfurt đăng rất nhiều bài về việc Thủ tướng Anh John Major và Bộ trưởng Tài chính Lamont đã vụng về như thế nào trong việc yêu cầu Đức giảm lãi suất tại cuộc họp cuối tuần trước giữa các bộ trưởng tài chính và các nhà quản lý ngân hàng trung ương châu Âu tại Bath. Các quan chức có mặt ngoại trừ người Đức đều cho rằng sự công kích dữ dội chống lại Bundesbank tại cuộc họp trở nên không thể kiểm soát, nó nghiêm trọng tới mức chủ tịch Schlesinger gần như đã bỏ ra khỏi cuộc họp. Lamont đã yêu cầu Đức cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất ngay tại chỗ, vốn không phải là điều thường thấy trong nghi thức giữa các ngân hàng trung ương. Yêu cầu này sau đó được nhắc lại tới ba lần. Bộ trưởng tài chính Đức Theo Waigel đã yêu cầu Schlesinger ở lại, và không lâu sau Schlesinger lại bị người Ý chỉ trích nhiều nhất. Họ yêu cầu người Đức cam kết chấp thuận và bảo vệ tỷ lệ ERM hiện thời, bao gồm cả đồng lia. Đây là một đề nghị tốn kém đến bất khả thi bởi vì điều này sẽ buộc Đức phải mua hàng tỷ đô la bằng đồng lia.
Không ngạc nhiên khi cuộc họp này đã khiến ngân hàng trung ương Đức, vốn có danh tiếng từ lâu về khả năng chống chọi trước những ảnh hưởng bên ngoài, phải kháng cự quyết liệt trước những yêu cầu cắt giảm lãi suất. Sự bất mãn của người Đức với người Anh càng thêm nặng nề, những nỗ lực kiểm soát môi trường chính sách Bundesbank đã mang lại kết quả trái ngược với mong đợi.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi vài ngày sau đó, tại cuộc họp hàng tháng giữa những nhà quản lý ngân hàng của các nước công nghiệp tại Basel (Thụy Sĩ), chủ tịch Bundesbank đã có một tuyên bố mà ông không nghĩ là mang tính khiêu khích đến vậy. Tuy nhiên, tuyên bố của Schlesinger đã bị báo chí nước Anh bóp méo và ám chỉ rằng Bundesbank “chẳng bao lâu” sẽ thực hiện giảm lãi suất.
Khi tôi đến Frankfurt, mối quan hệ giữa Anh và Đức đã hoàn toàn sụp đổ. Khi nhận thức được sự bất ổn này, hay vấn đề mà một số người gọi là một vở hài kịch của những cái tôi cá nhân, các thương gia trên thị trường toàn cầu đã nhanh chóng tập trung vào tình hình dễ bị nguy hại của Anh và sẵn sàng bán khống đồng bảng Anh.
Sau đó, trong cuộc trò chuyện với tờ Financial Times, một quan chức Anh không rõ tên đã đổ thêm dầu vào lửa khi cho rằng các quan chức Anh, nếu muốn, có thể tự mở rộng nguồn cung tiền tệ của Đức bằng cách đơn phương thúc đẩy sự can thiệp trên khắp châu Âu. Cách thức dường như mang tính ôn hòa này thực tế lại là một đe dọa. Một quan chức Bundesbank là Gerd Husler đã phản ứng lại bằng một chính sách tiền tệ giống như tuyên bố một cuộc chiến tranh nguyên tử. Ông nói: “Giờ không phải lúc tuyên bố một cuộc chiến tranh, nhưng chắc chắn Bundesbank sẽ tiêu diệt (làm gần như mất hiệu lực) tất cả. Nếu Anh muốn chơi trò can thiệp, chúng tôi có thể cắt giảm số hợp đồng mua lại (biện pháp để bơm thanh khoản hàng ngày) xuống con số 0. Nếu như vậy vẫn chưa đủ, Bundesbank thậm chí có thể cắt giảm hạn ngạch chiết khấu (mức giới hạn các ngân hàng trung ương có thể cho các ngân hàng vay qua cửa sổ chiết khấu) nếu thấy cần thiết!”. Những cuộc đấu khẩu như thế này được cho là rất bất thường trong thế giới ngân hàng trung ương.
Ngay lập tức, tất cả các nhà kinh doanh trên thị trường toàn thế giới đều tập trung chú ý. Sau khi đọc bài báo trên tờ Financial Times và phản ứng của quan chức Đức, người giao dịch quỹ đầu cơ phòng vệ Druckenmiller đã vội vàng vào phòng George Soros và nói: “Bọn họ (người Anh và người Đức) đang có chiến tranh. Tôi vừa bán khống ra thị trường 5 tỷ đô la đồng bảng Anh nữa”. Soros đáp lại: “Thật lố bịch! Nếu anh thực sự tin vào bài báo trên Financial Times thì anh phải bán đi 10 tỷ”.
Quan điểm của người Đức về các vấn đề này đa phần hướng tới khía cạnh kinh tế, chứ không phải cá nhân. Nếu bạn kết hợp các loại tiền tệ với nhau thông qua một cơ chế hối suất như ERM thì cuối cùng sự hội tụ chính sách kinh tế của các nền kinh tế thành viên là điều thiết yếu. Câu hỏi lớn trong cộng đồng châu Âu là sự hội tụ đó hướng tới điều gì? Với người Đức, rõ ràng rằng sự hội tụ này phải hướng tới thành viên kinh tế mạnh nhất, đó là Đức. Tuy nhiên Ý, Pháp và Anh muốn hướng tới hoạt động bình thường của các nước tham gia vào ERM. Thực chất, các nước châu Âu khác rất sợ bị ràng buộc lâu dài với các chính sách nghiệt ngã của Bundesbank.
Khi tôi ngồi đó trò chuyện với Issing, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng trực thăng rất ồn nhưng tiếng ồn đã bị chặn lại. Rồi đột nhiên tiếng cánh quạt trở nên to hơn. Và ngày càng to hơn nữa. Lúc đó tôi đang nói về người Ý, tôi hỏi liệu có phải họ đang phung phí quá nhiều tiền để hỗ trợ đồng lia trong những can thiệp gần đây. Issing cho rằng, nếu người Ý thực hiện điều chỉnh ngân sách và điều chỉnh sớm hơn thì đồng lia có thể đã tăng giá thay vì sụt giảm trầm trọng. Tôi phản đối rằng sự can thiệp của Ý (sử dụng đồng mác Đức để mua đồng lia nhằm hỗ trợ tiền Ý) dường như đang trở nên quá tốn kém và rằng các thị trường nghĩ người Ý sẽ sớm cạn kiệt tiền. Lượng dự trữ của ngân hàng trung ương Ý, trước đó không lâu vào khoảng hơn 75 tỷ đô la, đã giảm xuống mức 20 tỷ đô la theo đánh giá của tôi, một sự sụt giảm nhanh chóng. Tôi nghĩ người Ý sẽ không thể trụ được tới ngày 20 tháng Chín, điều này có thể khiến những nỗ lực hợp nhất châu Âu có nguy cơ bị xáo trộn và gây căng thẳng nghiêm trọng tới hệ thống tiền tệ châu Âu rộng lớn hơn.
Ngay lúc đó tiếng máy bay đã hoàn toàn lấn át buổi thảo luận của chúng tôi. Gần như ngay lúc đó, Issing nhận được một cuộc điện thoại ngắn. Ông ngay lập tức đứng lên và lịch sự xin lỗi như muốn khẳng định rằng cuộc họp phải kết thúc. Khi chúng tôi đứng lên và nhìn ra ngoài cửa sổ, chúng tôi thấy một dáng người cao, to mà không ai khác hơn chính là Thủ tướng Đức Helmut Kohl, ông xuống máy bay rồi bước vào tòa nhà Bundesbank trong bộ dạng hiếm thấy.
Trong khi người Ý và người Anh không đánh giá đúng mức những nguy hiểm trước mắt thì người Đức lại hiểu rất rõ rằng đây là một việc nghiêm trọng. Nguy cơ tiềm tàng là cả hiệp định ERM và chính việc hợp nhất châu Âu trong tương lai đang gặp nguy hiểm nếu hệ thống tiền tệ bị thất bại. Với cảm nhận đáng kinh ngạc, chính phủ Kohl biết rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa mới này, các thị trường toàn cầu cần phải được đối xử một cách thận trọng dứt khoát. Nguồn vốn khổng lồ nguy hiểm mới sẽ di chuyển nhanh chóng và có sức mạnh hủy diệt nếu những sai lầm chính sách xảy ra.
Điều trớ trêu là những xáo trộn và tranh cãi này của châu Âu xảy ra đúng vào lúc Bundesbank đang bị các lực lượng kinh tế và chính trị trong nước tế nhị yêu cầu từ bỏ biện pháp siết chặt. Tất cả những nhà quan sát chuyên nghiệp của Bundesbank có thể thấy áp lực mơ hồ này đang xuất hiện. Điều này đặt ra một câu hỏi: nếu những người khác thấy sự chuyển đổi mơ hồ này đang diễn ra tại Frankfurt thì tại sao chính phủ Anh lại không thấy được? Hơn nữa, tại sao người Anh lại bị ám ảnh đến vậy với tính cách Phổ của Helmut Schlesinger? Tại sao bộ trưởng Tài chính Norman Lamont để cho mọi người tiếp tục có những quan niệm nguy hiểm rằng Anh đang thao túng chính sách của ngân hàng trung ương của một nước khác? Rõ ràng, sự bất mãn từ lâu với người Đức đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Anh. Tôi có cảm giác rằng người Đức hiểu rõ sự bất mãn này và không muốn bất hòa trong khi châu Âu đang dự định thống nhất rộng rãi hơn.
Một thời gian sau trong vở kịch này, do chịu rất nhiều sức ép nên Chủ tịch Schlesinger đã cam kết sẽ giảm lãi suất khi đồng tiền Ý mất giá. Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Đức, Bá tước Otto Lambsdorff, một nhà lãnh đạo tài chính lõi đời trong việc hoạch định chính sách Đức, đã kín đáo chỉ trích Bundesbank vì có vẻ nhượng bộ trước những đòi hỏi của một bộ trưởng tài chính nước ngoài. Lambsdorff gọi hành động như vậy là “một tiền lệ nguy hiểm”. Mối quan hệ giữa Đức và Anh không còn được yên bình và ổn định.
Sau chuyến thăm quan trọng tới Frankfurt này, chúng tôi tới Paris một ngày để có cuộc họp với nhiều nhà kinh doanh trên thị trường Pháp và Jean-Claude Trichet, khi đó ông là lãnh đạo Bộ Tài chính Pháp. Trichet sau này trở thành chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu. Chúng tôi đã hy vọng ông có thể giải thích cho chúng tôi về mối quan hệ bất hòa giữa Đức-Anh này.
Giống như mọi người Đức, Trichet thường gặp các nhà phân tích tư nhân và các nhà báo để thông báo những đặc điểm đặc biệt của chính sách và nền kinh tế hiện tại. Ví dụ như trong giai đoạn tiến hành hội nhập châu Âu và thống nhất đồng tiền chung, qua những phản ánh kín với các nhà phân tích, Trichet đã thành công trong việc thuyết phục một thị trường toàn cầu đang hoài nghi rằng việc thống nhất sẽ trở thành một thực tế đáng tin cậy.
Tôi tình cờ gặp Trichet lần đầu tiên tại Washington, D.C. trong hội nghị kinh tế quốc tế đầu tiên tôi tham dự. Ông đến hội nghị, tay cầm cặp cho Jacques Attali, đại diện của Pháp trong G7 và chánh văn phòng của Tổng thống Mitterrand. Thấy Trichet đứng một mình trong khi Attali quyền lực đi lại khắp phòng, tôi đã mời ông ấy cùng dùng bữa tối với nhóm nhỏ của tôi. Ông đồng ý. Tất cả những điều đó đã chứng minh cho một câu ngạn ngữ cổ rằng điều quan trọng là hãy luôn đối xử tốt với những người thoạt trông có vẻ rất khiêm nhường, tay xách cặp cho một vị tai to mặt lớn nào đó, bởi ngày nào đó anh ta có thể trở thành một Ông Lớn thật sự. Tuy nhiên, ngay khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi Frankfurt thì cuộc họp của chúng tôi với Trichet ngày hôm sau đã bị hủy bỏ.
Khi chúng tôi đến Paris vào sáng thứ bảy đó, thì đúng như tính toán của tôi, Ngân hàng Ý đã cạn kiện lượng dự trữ đồng mác Đức. Đội quân tiền tệ Ý đã mất hết vũ khí. Chính vì thế, người Ý sẽ buộc phải thỏa thuận trao đổi với Bundesbank để mượn đồng mác Đức và bán ra thị trường nhằm bảo vệ đồng lia. Điều này sẽ là một đề xuất ngày càng tốn kém bởi vì sau đó Ý sẽ phải thanh toán những khoản tiền đã mượn bằng tiền từ bộ tài chính Ý vốn đã bị thâm hụt.
Trong thời gian chờ đợi cuộc họp với người đúng đầu một ngân hàng lớn ở Pháp, Manley Johnson và tôi quyết định gặp mặt tại một quán bar ở Ritz. Đó là một căn phòng nhỏ, tường phủ nhung, nằm ở một bên tầng hầm có những chiếc bàn nhỏ và những chiếc ghế thậm chí còn nhỏ hơn. Vừa ngồi xuống, ngay lập tức tôi nhận ra ngôi sao quần vợt Đức Boris Becker ngồi cách chúng tôi chỉ hai bàn đang tranh luận gay gắt với người đại diện của anh ta. Chúng tôi chuyển sang một bàn khác xa hơn, nhưng tiếng quát tháo của Becker với người ngồi cùng bàn càng lớn hơn. Lúc đó, bên cạnh việc cân nhắc liệu chúng tôi có nên đối mặt với anh chàng vận động viên thô lỗ này hay không (Tôi bảo Johnson: “Anh lên trước đi”, rồi chỉ vào Becker cơ bắp đang nóng nảy) thì tôi còn đang đau đầu với hai câu hỏi.
Đầu tiên là nếu cuối tuần này người Ý điều chỉnh giảm giá đồng lia (những việc như thế này thường xảy ra vào cuối tuần) thì liệu sự điều chỉnh đó có nhỏ đến nỗi thị trường muốn tiếp tục điều chỉnh hơn nữa sau 20 tháng Chín hay không? Tôi biết người Ý muốn điều chỉnh ở mức nhỏ vì họ tin rằng cuối cùng người Pháp sẽ bỏ phiếu chấp thuận Hiệp ước Maastricht. Nhưng nếu Pháp không làm như vậy thì thị trường có thể sẽ buộc Ý điều chỉnh lần hai và lần này, họ sẽ phải giảm giá đồng lia với mức độ lớn. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống tiền tệ châu Âu rộng lớn hơn.
Thứ hai, tôi thắc mắc liệu có phải thị trường đang ở thời điểm bước ngoặt hay không. Mặc dù Anh đang cố gắng thao túng thị trường nhưng Đức có cắt giảm lãi suất đủ mạnh để ổn định tình hình và kéo đồng lia và đồng bảng Anh đang sụt giảm ra khỏi bờ vực sụp đổ không? Tôi liên tục nhắc nhở mình đừng bao giờ đánh giá thấp cái tôi cá nhân và thanh thế dân tộc, nhưng tôi cũng biết rằng áp lực nghiêm trọng trong nước buộc ngân hàng trung ương Đức cắt giảm lãi suất ngắn hạn đang lớn dần. Tôi nghĩ đó là do vì kỳ vọng lạm phát được kiểm soát chặt chẽ nên các nhà xuất khẩu Đức đang kiến nghị với ngân hàng trung ương rằng DM, hay đồng mác Đức, đang mạnh lên một cách không cần thiết do đã sẵn có vị trí mạnh trên thị trường.
Tương tự, các quan chức Frankfurt đều ý thức được rằng nếu họ không thực hiện việc điều chỉnh tốt, đặc biệt nếu họ tỏ ra đầu hàng trước các áp lực nước ngoài thì “đám đông London” vốn chỉ trích chính sách siết chặt của họ sẽ ngay lập tức tận dụng cơ hội đó để chuyển hướng tấn công. Họ sẽ nói rằng ngân hàng toàn năng Bundesbank đã thoả hiệp bằng cách đánh đổi sự độc lập của mình - được gọi là sự bản lĩnh trong chính sách. Ngân hàng có thể mất uy tín nghiêm trọng mà vất vả lắm mới gây dựng được.
Nhà quản lý ngân hàng Pháp đến và ngay lập tức nói rõ rằng Paris đang xôn xao về khả năng đồng tiền Ý được điều chỉnh vào cuối tuần đó. Sau đó, hóa ra là Trichet, Hans Tietmeyer - phó chủ tịch Bundesbank và người đại diện của Đức trong G7 Horst Ko..hler (hiện tại là Tổng thống Đức) đã bí mật có mặt tại Rome vào chính thời điểm đó để thảo luận chi tiết với người Ý. Ngay khi nghe tin đang diễn ra cuộc thảo luận về việc điều chỉnh, tôi đã biết rằng thế giới sẽ nhanh chóng chú ý tới Frankfurt. Và thực tế ngay vào sáng thứ Hai, ngày 14 tháng Chín, lúc 9 giờ sáng, Bundesbank đã tổ chức một cuộc họp khẩn bất thường nhằm cắt giảm lãi suất ngắn hạn trước những điều chỉnh của Ý. Mọi người nghĩ việc Đức cắt giảm lãi suất sẽ ổn định toàn bộ hệ thống tiền tệ châu Âu.
Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: sự thay đổi chính sách khẩn cấp này của Đức có đủ để làm dịu thị trường và cứu đồng bảng Anh? Người ta vẫn rất hoài nghi về câu trả lời. Khi tạo ra toàn bộ bi kịch này và để rò rỉ thông tin ra giới báo chí, ban chỉ đạo kinh tế cấp cao của Anh đã tự “phơi mình” ra trước hàng loạt những nhà kinh doanh tiền tệ đa nghi trong một thế giới chạy theo đồng tiền, đòn bẩy tài chính cao và toàn cầu hóa. Tất cả những người này đều tự hỏi người Anh đang phải vội vàng che giấu điều gì. Toàn bộ vở kịch này đã làm sáng tỏ hệ thống tiền tệ của Anh trên toàn cầu. Giờ thì cả thị trường tài chính đang nghi ngờ và thắc mắc liệu đồng bảng Anh có bị đánh giá quá cao trong ERM hay không. Thậm chí những nhà kinh doanh ít khi tham gia vào thị trường tiền tệ cũng có những suy nghĩ tương tự. Mối nguy hiểm rõ ràng là một nhóm các nhà kinh doanh sẽ vay đồng lia và đồng bảng Anh và sau đó bán lấy đồng mác Đức. Họ biết rằng nếu đồng lia và đồng bảng Anh giảm giá mạnh, đặc biệt sau khi đã điều chỉnh thì họ có thể thanh toán các khoản vay bằng đồng tiền mất giá, và giữ lại khoản chênh lệch làm món lợi nhuận kếch xù. Tuy nhiên, những món lời lớn này cũng ẩn chứa rủi ro không nhỏ. Và điều quan trọng là các ngân hàng trung ương phải tìm cách thuyết phục thị trường tin rằng họ sẽ gặp rủi ro lớn khi kinh doanh bằng cách này.
Khi hoạt động này đang ở cao trào, chúng tôi tới London vào tối thứ ba, ngày 15 tháng Chín. May mắn là chúng tôi đã được xếp lịch hẹn với Terence Burns (sau này trở thành Lord Burns), một cố vấn quan trọng cho Thủ tướng Major ở G7. Chúng tôi đã yêu cầu được gặp ông một tháng trước đó. Cuộc họp được chuyển thành bữa tối tại Quán trọ trong Công viên (giờ là Bốn mùa) ở Hyde Park, chỉ cách Cung điện Buckingham một quãng ngắn bằng taxi. Trong lúc dùng món sườn cừu, ông Burns lịch sự đã khẳng định rằng chính phủ của ông tin cuộc khủng hoảng đã kết thúc. Họ nghĩ rằng việc cắt giảm lãi suất của Đức đã làm dịu các thị trường tiền tệ châu Âu. Họ đều đồng ý rằng những vấn đề còn lại với đồng bảng Anh là điều họ có thể dễ dàng “giải quyết” trong một vài ngày tới. Ông cho rằng người Đức đã phải nhượng bộ trong cuộc đối đầu tiền tệ.
Điều thú vị là Burns nói rằng hiện tại thủ tướng Major đang thực sự lên kế hoạch sử dụng “khả năng siêu việt” của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng này, và chắc chắn ông sẽ “thuần phục” Bundesbank như là trọng tâm trong nỗ lực tái bầu cử của ông. Ông nói Major tin rằng khả năng giải quyết khủng hoảng thành công sẽ nhanh chóng đưa ông lên vị trí quyền lực chính của châu Âu, đặc biệt khi người Anh không bao lâu nữa sẽ nắm giữ chức chủ tịch Liên minh châu Âu (thay đổi 6 tháng một lần).
Sau khi Burns đi khỏi, chúng tôi ngồi ở bàn và vô cùng kinh ngạc bởi vì ông không hay biết gì về cơn sóng tài chính đang ngày càng dữ dội hướng về phía ông. Cũng trong buổi sáng hôm đó, ngày 15 tháng 9, Schlesinger, chủ tịch Bundesbank, đã có một cuộc phỏng vấn với tờ Handelsblatt của Đức, cuộc phỏng vấn ngay lập tức được dịch sang tờ báo cùng kiểu, tờ Wall Street Journalchâu Âu. Cuộc phỏng vấn đó, chúng tôi đã đọc trước bữa tối vào ngay tối hôm đó tại London, đã làm náo động cả thị trường bởi vì nhà quản lý ngân hàng trung ương Đức đã mập mờ nói rằng ông sẽ hỗ trợ đồng bảng Anh. Tuy nhiên, ngay lập tức thống đốc Ngân hàng Anh đã gọi điện yêu cầu Frankfurt giải thích rõ. Schlesinger đã từ chối trả lời điện thoại với lý do rằng buổi phóng vấn “chưa được cho phép”. Thông tin Schlesinger miễn cưỡng không trả lời đã nhanh chóng lan rộng, điều này đã gây nên một cuộc tấn công đầu cơ dữ dội vào đồng bảng Anh sáng hôm sau. Ngay lập tức, đội quân các thương gia tài chính toàn cầu liền tham gia vào cuộc đi săn.
Sáng hôm đó chúng tôi đã lên kế hoạch gặp mặt Eddie George, phó thống đốc Bank of England (Ngân hàng Trung ương Anh). Một ngạc nhiên thú vị là cuộc họp không bị hoãn lại trong tình hình như thế. Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ thực tế hơn về những hiểm họa phải đối mặt so với những gì Burns đã thể hiện tối hôm trước.
Ngân hàng trung ương Anh, nằm trên phố Threadneedle tại khu tài chính London, cho ta cảm giác giống như những câu lạc bộ tao nhã vào thế kỷ XIX. Bước vào tòa nhà ấn tượng này, bạn sẽ thấy như đang trở lại thế giới của những nhân vật có đặc quyền cao siêu. Khi chúng tôi bước vào văn phòng phó thống đốc, tôi thấy ông vui vẻ đến lạ lùng. George ăn mặc y hệt một nhà quản lý ngân hàng đầu tư London, một chiếc áo sơ mi kẻ ca-rô phong cách kết hợp với một chiếc cà-vạt kẻ. Trước đó tôi vừa nghe điện thoại từ văn phòng tại Washington. Một trong những nhân viên quan sát sát sao những diễn biến thị trường đã thông báo với tôi rằng một đám đông các nhà kinh doanh toàn cầu đã tập trung tại biên giới tiền tệ Anh để tấn công đồng tiền của nước này. Tôi ngay lập tức nghĩ rằng việc Ý phá giá và Đức cắt giảm lãi suất không có hiệu quả. Cuộc phỏng vấn trên tờ Handelsblatt và sự cắt giảm đã thổi bùng một đám cháy mà người Anh không thể kiểm soát.
Giống như Burns tối hôm trước, nhà quản lý ngân hàng trung ương Anh George đã nói rất tự tin về khả năng chính phủ có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiền tệ tiếp theo. Đó không phải do ông đã thiển cận và tự mãn cho rằng người Đức đã đầu hàng và cắt giảm lãi suất như một số phóng viên chuyên mục tài chính đã viết, mà là giọng tự tin quá mức của ông khi nói: “Chúng tôi đã kiểm soát được tất cả”.
Sau đó ông nói rằng (tôi xin diễn giải ý của ông): Nếu cần thiết, và chúng tôi vừa khẳng định với giới báo chí tài chính sáng nay, chúng tôi sẵn sàng (ông dừng lại và hít thở) tăng lãi suất ngắn hạn lên tới 100 điểm cơ bản[65]. Nhưng thực sự chúng tôi không nghĩ điều này là cần thiết (chúng tôi kỳ vọng là chỉ riêng hành động đe doạ tăng lãi suất mạnh như vậy cũng đã đủ để củng cố sức mạnh của đồng bảng Anh và ngăn chặn các nhà đầu cơ rồi!).
Khi đó thì khó mà biết cần phải phản ứng thế nào. Có phải cộng đồng quan chức Anh hoàn toàn mờ tịt về quá trình toàn cầu hóa các thị trường tài chính đang diễn ra nhanh chóng và cũng không hề hay biết những thay đổi đặc biệt giúp tăng cường quyền lực trong các thị trường để đến nỗi không hề bận tâm về việc mất khả năng kiểm soát tình hình hay không? Nếu như vậy thì có thể Eddie George đã đúng. Lúc này, những nhà kinh doanh đã đầu tư vào những vị thế lớn, từng mượn rất nhiều tiền và nay nhận ra mình đã đầu tư ngược với chính sách của ngân hàng trung ương sẽ thấy toàn bộ sự nghiệp của mình sắp sụp đổ hoàn toàn. Xét theo một mức độ nào đó, quyền lực của ngân hàng trung ương nằm ở chính khả năng “đốt cháy” một nhà kinh doanh tham vọng quá mức trong những trường hợp đặc biệt. Điều này không cần thiết phải xảy ra thường xuyên bởi vì thông điệp gửi tới toàn bộ cộng đồng kinh doanh đã quá rõ ràng.
Tuy nhiên tôi đã quyết định hỏi rằng: “Ông không lo là mình lạc hậu với tình hình trong vấn đề này sao? Ông không sợ là mình đã đợi quá lâu để tăng lãi suất và bây giờ việc làm đó sẽ trở nên phản tác dụng?”. George nhìn tôi hơi khó chịu và ngay khi ông ta định đáp lại thì chuông điện thoại reo. Ông nhận điện thoại rồi vừa nhìn chằm chằm xuống bàn vừa chăm chú nghe điện thoại trong khoảng một phút. Khi cuộc gọi kết thúc, ông từ từ nhìn lên. Da mặt ông bắt đầu tái mét giống như bộ trang phục ông đang mặc. Ông lịch sự nói bằng giọng nhè nhẹ. “Chúng ta phải dừng cuộc họp ở đây thôi. Tôi được thông báo chúng tôi vừa tăng lãi suất 200 điểm cơ bản” - đây là một động thái thật đột ngột và chưa từng xảy ra - ngay lập tức ông đứng dậy, lịch sự bắt tay tôi và thực sự ông đã chạy ra khỏi phòng. Những lâu đài cát của người Anh đã sụp đổ như thế đó.
Trong thế giới kinh doanh, khi một động thái chính sách không được coi là dấu hiệu của một kế hoạch hiệu quả mà là dấu hiệu rõ ràng cho sự yếu kém và bất lực thì điều đó vô cùng nguy hiểm. Khi đó, động thái chính sách ấy trở thành một cục nam châm, kéo toàn bộ cộng đồng kinh doanh toàn cầu như bầy ong tới hũ mật. Điều này tương tự những gì đã xảy ra vào cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Các nhà quản lý ngân hàng trung ương châu Á, với sự trợ giúp của IMF, đã nỗ lực hỗ trợ các đồng tiền châu Á để rồi sau đó nhận ra những nỗ lực này hoàn toàn phản tác dụng. Vào tháng Chín năm 1992, đây chính xác là những gì đồng bảng Anh đang phải trải qua. Các nhà hoạch định chính sách Anh đang nỗ lực chứng minh sự vững mạnh của tỷ giá của họ bằng việc tăng lãi suất quyết liệt đến bất thường. Nhưng thị trường từ chối không mua vào.
Cuối buổi chiều đó, người Anh một lần nữa đe dọa sẽ tăng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản vào ngày hôm sau nhưng hoàn toàn vô ích. Sau đó, một quan chức Đức cho biết lượng tiền mà các nhà quản lý ngân hàng trung ương sử dụng để hỗ trợ đồng bảng Anh và đồng lia trong suốt vở kịch này đã tăng vượt mức lượng tiền dùng để can thiệp vào hệ thống Bretton Woods[66] giai đoạn cuối trước khi hệ thống sụp đổ vào năm 1971. Tuy nhiên không có hành động nào có hiệu quả. Tối hôm đó, do phản ứng của thị trường quá quyết liệt, Norman Lamont không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhún nhường tuyên bố rằng Anh thực tế chuẩn bị tách khỏi ERM.
Ngân hàng trung ương Anh cảm thấy mình không chống lại được sự tàn phá của thị trường. Theo các bản tin trên báo chí, tính riêng George Soros đã kiếm được hơn một tỷ đô la lợi nhuận. Những nhà kinh doanh khác cũng thắng lớn. Khi cuộc khủng hoảng mới diễn ra, Lamont đã tuyên bố rằng Anh sẽ mượn 15 tỷ đô la để bảo vệ đồng bảng Anh mà không biết rằng hai nhà kinh doanh, Soros và Druckenmiller, đã tiến hành một giao dịch ngang bằng với số đó và đánh cược rằng đồng tiền này sẽ sụp đổ. Rất nhiều nhà giao dịch khác cũng nhảy vào cuộc chiến. Đó chính là sự sai lệch thông tin, các nhà hoạch định chính sách dường như không có một chút manh mối gì về kích thước và tốc độ của nguồn vốn khổng lồ đang di chuyển trên toàn thế giới.
Sau khi mọi việc đã xảy ra, Bộ Tài chính Anh đã cố gắng hạ thấp những tổn thất của thị trường vì mục đích chính trị, đồng thời xác định cái giá của Ngày thứ Tư đen tối đó là 5,8 tỷ đô la. Các quan chức đã vô tư để khoản tổn thất khổng lồ đó cho những người nộp thuế phải gánh chịu, và thay vì sử dụng 24 tỷ đô la dự trữ để can thiệp vào thị trường, họ lại lợi dụng cái mác chính phủ để đầu tư số quỹ đó nhằm thu lợi từ đồng tiền đang bị mất giá. Nhưng những nỗ lực nhằm che giấu tình hình này có thể hiểu được bởi vì toàn bộ bối cảnh đã không công bằng và gây tổn thương về kinh tế cho người dân Anh. Các lực lượng thị trường sau này góp phần vào việc tái cơ cấu nền kinh tế Đức lúc đó đem lại thảm họa cho cuộc sống của vô số người ở Anh.
Phớt lờ các lực lượng tài chính mới quyền uy này, các nhà hoạch định chính sách Anh đã tạo điều kiện cho việc chuyển đổi một lượng tài sản lớn từ những người nộp thuế của Anh sang các nhà kinh doanh tiền tệ độc lập và những nhà quản lý tiền của các tổ chức tài chính lớn - và điều này không nên xảy ra. Chẳng mất mấy thời gian, các chuyên gia chính trị London bắt đầu chê cười Thủ tướng bảo thủ Major, đồng thời công khai chất vấn ông rằng nếu chính phủ không phung phí số quỹ đó vào những hoạt động can thiệp gần đây thì hàng tỷ bảng đó sẽ mua được những gì cho người Anh. Chính phủ đã phản ứng lại bằng việc đổ lỗi cho hai tác nhân - các thị trường và bọn “rợ Hung”[67]. Lẽ ra lúc này, họ nên tổ chức một cuộc thảo luận quốc gia về vai trò tương lai của Anh trong hệ thống tiền tệ và nền kinh tế châu Âu, và cả việc làm cách nào để giải quyết thành công nguồn thanh khoản dữ dội này. Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu ngày nay có hiểu được tầm quan trọng của một cuộc thảo luận tương tự hay không?
Trớ trêu thay cho chính người Anh là, dù việc tách khỏi ERM chẳng hay ho gì nhưng đó là điều tốt nhất từng xảy ra. Nền kinh tế đã được tái cơ cấu và sau khi thoát khỏi những ràng buộc hối suất ERM vài năm thì nó bắt đầu cất cánh. Ví dụ như trong thời gian từ 1996-2005, nền kinh tế Đức chỉ tăng tưởng 1,3% hàng năm, trong khi đó nền kinh tế Anh có mức tăng trưởng gấp hai lần, tới 2,7%. Tuy nhiên, John Major và Đảng Bảo thủ thì chẳng bao giờ phục hồi nổi và họ đã phải chịu hậu quả nặng nề trong cuộc bầu cử năm 1997.
Trong khi đó, tất nhiên là tập đoàn quốc tế Trichet, Tietmeyer, Mitterrand, và Kohl vẫn tiếp tục hiện thực hóa giấc mộng thống nhất châu Âu của họ, họ đã liên kết lại với nhau bằng một đồng tiền chung, đồng euro. Đức đã đặt giới hạn cho Maastricht khi sử dụng đồng euro quá cao - đặc biệt là các yêu cầu ngân sách, vì thế mà việc Ý không được chấp nhận vào dường như là điều chắc chắn. Tuy nhiên điều kỳ diệu là người Ý vẫn vượt qua được cánh cửa đang đóng lại vào phút cuối bằng một mánh khóe với những con số tài chính và tài khóa bí ẩn. Kể từ lúc đó, việc sử dụng đồng euro trên toàn thế giới bùng nổ.
Tôi đã trình bày những nguyên nhân không công khai về cuộc khủng hoảng đồng bảng Anh năm 1992, không phải để gợi mọi người nhớ về quá khứ mà hơn thế là để chỉ ra hiểm họa nếu chúng ta không nhận ra và không dám đối mặt với những thay đổi trong môi trường chính trị toàn cầu. Đó là những gì các quan chức Anh đã mắc phải vào năm 1992 trước khi thế giới tiền tệ của họ bị lộn trái. Họ đã thờ ơ khi lựa chọn điểm gia nhập cho đồng bảng Anh để rồi đồng tiền này rơi vào tình hình bất ổn trong một thời gian dài. Các nhà lãnh đạo của chúng ta ngày nay cũng thể hiện thái độ bất cẩn nghiêm trọng tương tự trước những bất ổn tài chính hiện tại, trước chế độ bảo hộ công nghiệp trong nước và cuộc xung đột giữa các tầng lớp ngày càng tăng; và trước cơ cấu tài chính đáng ngờ cùng các chính sách kinh tế quyết liệt nói chung. Điểm khác biệt duy nhất là các thị trường tài chính trong thế kỷ XXI có sức mạnh lớn gấp 20 lần và có khả năng phá hủy kinh tế nghiêm trọng hơn so với thời gian đầu những năm 1990.
Các quan chức hoạch định chính sách và các chính trị gia ngày nay nhắc tôi nhớ tới Eddie George của Ngân hàng Anh. Ông đã tuyên bố trong lúc chúng tôi cùng ngồi uống cà phê tại văn phòng của ông vào buổi sáng thế giới của ông đứng trước nguy cơ sụp đổ rằng: “Chúng tôi đã kiểm soát được tất cả”. Tôi cho rằng thảm kịch tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trừ khi các nhà lãnh đạo ngày nay tỉnh táo trước những đe dọa tài chính có thể xảy ra trong tương lai. Chúng ta đã tự ru ngủ mình rằng hệ thống hiện tại sẽ tự vượt qua khó khăn và thành công. Nhưng như những gì người Anh đã nhận ra vào năm 1992, trong thế giới với nguồn vốn chuyển động nhanh hiện nay, ta không thể chắc chắn bất cứ điều gì. Trong cuộc sống, không có gì là mãi mãi bất biến!