Thế Giới Cong - Chương 01

1. Ngày tận thế

Không có thứ gì khiến chúng ta chú ý và làm náo động cả một mùa hè yên ả hơn là tin tức về khả năng tan vỡ của nền kinh tế thế giới. Đó là buổi sáng ngày 10/8/2007 và tôi đang đạp xe thể dục tại Câu lạc bộ Westmoor ở Nantucket, một hòn đảo du lịch ngoài khơi của Massachusetts. Trong đầu tôi văng vẳng âm thanh ca khúc “Slip Slidin’ Away” mà Paul Simon đang hát. Trên tường, một vô tuyến màn hình phẳng không bật âm thanh chiếu một cuộc nói chuyện về những người mẫu gò má cao của hãng đồ lót Victoria’s Secret đang cười khúc khích một cách lạ lùng khi họ “mở cửa” Thị trường chứng khoán New York. Một ngày trước đó Chỉ số công nghiệp Down Jones đã giảm mạnh bất thường mất 387 điểm, tương đương 3%. Đêm hôm trước, các thị trường ở châu Á đã bị tụt dốc và đến sáng thì các thị trường ở châu Âu bị nhấn chìm với quy mô còn lớn hơn. Những nhà bình luận náo nhiệt của kênh truyền hình cáp CNBC đã bị lâm vào tình trạng gần như đột quỵ.

Các quốc gia công nghiệp hóa đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện về tính thanh khoản, cuộc Đại Khủng hoảng Tín dụng năm 2007-2008. Chỉ trong chốc lát, các ngân hàng và các định chế tài chính ngừng các hoạt động cho vay. Trên khắp thế giới, các giao dịch tài chính gần như ngừng trệ hoàn toàn. Ở Mỹ, những khách hàng mua nhà tiềm năng không thể chốt được các giao dịch của mình. Hệ thống tài chính toàn cầu đang bị trượt dốc thảm hại. Tình hình tài chính lúc này giống như kiểu máu trong cơ thể ngừng lưu thông, và người bệnh mới vài ngày trước dường như còn rất khỏe mạnh, nay đã bị chuyển sang trạng thái hôn mê.

Các cuộc khủng hoảng của thị trường tài chính vốn không còn mới lạ với tôi. Là một nhà tư vấn kinh tế vĩ mô cho các quỹ đầu cơ phòng vệ và các bộ phận tự doanh của một vài tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, tôi còn nhớ rất rõ những cuộc điện thoại thâu đêm đầy căng thẳng trong vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987.

Tôi nhớ rằng ngay cả tỷ phú tài chính đầy tự tin George Soros cũng không giấu nổi giọng run run khi cả hai chúng tôi cùng nhận ra rằng điểm đáy có thể đang rơi ra khỏi hệ thống tài chính thế giới. Một thập kỷ sau, mùa thu năm 1998, chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên Bang tại New York, ông Bill McDonough đã lo lắng giải thích cho một số ít cử tọa (trong đó có tôi) rằng sự sụp đổ và sau đó là sự giải cứu hãng đầu tư Quản lý Vốn dài hạn (Long-Term Capital Management - LTCM[2]) đã đưa nền kinh tế thế giới đến gần bờ vực hơn chúng ta tưởng.

Khi tôi ngồi trên chiếc xe tập, đọc lướt qua một vài tài liệu liên quan đến công việc được gửi đến từ văn phòng của tôi ở Washington D.C, tôi tập trung lắng nghe Paul Simon hát “You know the nearer your destination, the more you’re slip slidn’ away” (Anh biết rằng anh càng gần tới đích thì anh càng trượt đi xa). Một trong số những tài liệu đó đã đưa ra một trích dẫn khiến người ta rùng mình. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson gần đây đã tuyên bố: “Đây rõ ràng là một nền kinh tế toàn cầu mạnh nhất mà tôi đã được chứng kiến trong suốt cuộc đời làm kinh doanh của mình.” Tuy nhiên, ngay vào buổi sáng hôm đó, người phụ trách chuyên mục của Thời báo New York (New York Times), ông Paul Krugman đã nói rằng cuộc khủng hoảng tín dụng hiện tại có thể gây ra một cơn ác mộng “phản ứng vỡ nợ dây chuyền”. Ông cho biết thậm chí còn tồi tệ hơn nữa là các nhà hoạch định chính sách cũng không còn khả năng chống đỡ.

Tôi cho rằng những điều này không nghĩa lý gì cả. Các thị trường đã trở nên quá kích động trước những thua lỗ trong thị trường dưới chuẩn, một thị trường thế chấp tương đối nhỏ và các công cụ tài chính liên quan đến thế chấp gắn chặt với những người chưa từng vay mượn hoặc có quá khứ tín dụng rất xấu. Nhưng tại sao thị trường chứng khoán gần như toàn cầu tan vỡ và cả sự sụp đổ của hệ thống tín dụng đơn giản chỉ do một vài vụ tịch thu tài sản thế chấp? Nói gì thì nói, những khoản nợ xấu tối đa cũng chỉ lên tới 200 tỷ đô la trong một thị trường toàn cầu trị giá hàng trăm nghìn tỷ mà thôi.

Thực tế, nền kinh tế thế giới đang trong quá trình giảm các công cụ đòn bẩy tài chính - dần dần giảm thiểu nguy cơ trong khi bong bóng nhà đất xẹp xuống - nhưng các thị trường đã biết được điều đó trước hàng tháng. Tình hình đang rất phức tạp. Tại sao cổ phiếu của các công ty lớn, có uy tín nhất thế giới, những công ty có thể dễ dàng tự tài trợ cho việc mở rộng mà không cần đến vốn vay ngân hàng, lại bị thiệt hại nặng nề như vậy ngay từ ban đầu do các vụ tịch thu tài sản để thế nợ dưới chuẩn? Tất cả những điều này chính là một sự phát triển mà lẽ ra chỉ nên đại diện cho một hoạt động thứ yếu trong toàn bộ hệ thống.

Không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là một ngày thú vị. Thị trường đã bị một phen kinh hãi vào đầu tuần khi người phát ngôn của quỹ thuộc ngân hàng Pháp BNP Paribas tuyên bố một cách tự tin rằng quỹ này không có rủi do dưới chuẩn thì ngay sau đó đã bị buộc phải thừa nhận có một số lượng không xác định những khoản thế chấp không thể định giá được. Việc thừa nhận đầy bí ẩn này đã giáng một đòn quá mạnh vào cả thị trường chứng khoán châu Âu và thị trường chứng khoán Mỹ. Điều này đã làm dấy lên một câu hỏi: Tại sao không chỉ riêng chứng khoán của BNP bị ảnh hưởng - tại sao những thua lỗ lớn lại xảy ra trên khắp các thị trường chứng khoán của các nước công nghiệp?

Trong vòng vài ngày, khủng hoảng đã lan sang thị trường thương phiếu, một thị trường từ lâu đã được coi là một trong những cơ sở đầu tư an toàn nhất đối với các quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ. Điều đó có nghĩa rằng tầng lớp trung lưu Mỹ đang gặp khó khăn. Đột nhiên, một thị trường được coi một cơ sở đầu tư an toàn và linh hoạt nhất (mà không liên quan đến chính phủ) trên thế giới lại trở nên đáng nghi ngờ. Chính nền tảng của hệ thống tài chính đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin. Huyết mạch của hệ thống toàn cầu bỗng chốc lâm vào tình trạng rủi ro khi các nhà đầu tư chỉ rót vốn vào các khoản đầu tư ngắn hạn mà họ cho rằng đáng tin cậy - trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng của chính phủ Mỹ. Tại sao điều đó là nguy hiểm? Nó có nghĩa là tính thanh khoản của thị trường tài chính đang mất đi. Khi lâm vào tâm lý hoảng loạn như trong cuộc Đại Suy thoái, các nhà đầu tư và những người gửi tiết kiệm đã thu tiền về. Các tập đoàn lớn đã đầu tư khoản dự trữ tiền mặt của họ vào thị trường thương phiếu.

Trong suốt ngày thứ sáu hồi tháng Tám đó, tình trạng hoảng loạn vẫn tiếp tục diễn ra. Cục Dự trữ Liên bang phản ứng lại bằng cách rót 19 tỷ đô la vào hệ thống ngân hàng nhằm giúp hệ thống này sống sót và cho phép hạ tỉ lệ lãi suất ngắn hạn xuống. Động thái này diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang trích ra 24 tỷ đô la vào ngày hôm trước. Một ngân hàng trung ương châu Âu lo sợ đã bỏ ra 240 tỷ euro, một khoản tiền tương đối lớn trong giai đoạn đầu tiên của cuộc khủng hoảng vì tin rằng các ngân hàng châu Âu đang trong tình trạng rủi ro nghiêm trọng. Tuy nhiên, trước ngày Thứ ba của tuần sau đó, mặc dù đã có khoản tiền mặt được giải ngân khẩn cấp này chỉ số Dow vẫn tiếp tục tụt dốc - ban đầu là 207 điểm, rồi 167 điểm vào ngày hôm sau, và sau đó gần một tuần giảm hẳn 280 điểm. Thứ sáu ngày 17 tháng 8, thị trường chứng khoán đang bị hoảng loạn của Nhật Bản giảm 874 điểm, tương đương hơn 5%. Hầu hết các thị trường thế giới dường như đều lâm vào tình trạng rơi tự do. Thị trường trái phiếu cũng ở trong tình trạng rối loạn giống như thị trường tiền tệ: người ta không tin tưởng vào khu vực tư nhân, chỉ rót thêm tiền vào trái phiếu kho bạc.

Không ai tin tưởng ai, do đó, bỗng nhiên không ai cho ai vay. Các thị trường tín dụng thế giới bị mắc kẹt vì không ai chắc chắn về các khoản nợ phát sinh của mình. Điều đó thật nguy hiểm vì nếu thị trường tín dụng tư nhân ngưng hoạt động thì toàn bộ nền kinh tế sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm - mọi người bị mất công ăn việc làm, tiền lương hưu của họ bị cắt, giá trị ròng của các gia đình trung lưu ngay lập tức sụp đổ vì giá nhà ở của họ bị giảm mạnh xuống thấp hơn giá phải trả. Mức lãi suất của các khoản vay cho tiêu dùng - xe ô tô, thẻ tín dụng, và mọi thứ khác - tăng vọt, đồng nghĩa với việc không sớm thì muộn nền kinh tế sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Khi tôi bắt đầu nhìn lại tình trạng này, tôi nhận thấy rằng, xét về bản chất, những điều thật sự đã xảy ra là các tổ chức tài chính của Mỹ trước đó đã đặt phần lớn các khoản cho vay xấu dưới chuẩn - “chất thải độc hại” của họ - vào các phương tiện cất giữ riêng biệt, chia tổng số tiền thành nhiều phần nhỏ hơn, và bán từng phần nhỏ này cho các tổ chức tài chính trên khắp châu Âu và châu Á. Các chất thải độc hại này nhanh chóng bị phát tán ra toàn bộ hệ thống tài chính trong các nước công nghiệp, nhưng không ai biết ở đâu. Giờ đây đã có một lý do để phần còn lại của thế giới ghét nước Mỹ.

Điều quan trọng là hãy nhớ rằng vấn đề ở đây không phải là quy mô của sự hỗn độn do cho vay dưới chuẩn; các thị trường tài chính có thể chỉ ra điều đó. Vấn đề là các chất thải độc hại đã được đặt ở đâu. Ai mắc bệnh ung thư và ai là người khỏe mạnh? Cuối cùng, vấn đề là thông tin, hoặc tình trạng thiếu thông tin. Và một thị trường tài chính toàn cầu đầy nghi ngờ sẽ nhanh chóng nhìn xa hơn vấn đề thế chấp dưới chuẩn và bắt đầu nghi ngờ độ tin cậy của một trong những huyết mạch chính của hệ thống tín dụng toàn cầu, thị trường chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (asset-backed securities market).

Ngày Thứ sáu tiếp theo, Cục Dự trữ Liên bang đã tiếp tục hành động, cắt giảm lãi suất chiết khấu đồng thời tiếp tục đưa ra những khoản vay lớn với lãi suất thấp cho hệ thống ngân hàng. Mục tiêu là đặt một vành đai an toàn khẩn cấp xung quanh khu vực ngân hàng Mỹ, vì họ tin rằng nếu các ngân hàng sụp đổ thì nền kinh tế Mỹ cũng sụp đổ theo. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ là đối tượng đầu tiên cảm nhận được sự tác động, nhưng toàn bộ nền kinh tế và các cơ sở việc làm của Mỹ sẽ sớm bị ảnh hưởng thực sự. Cục Dự trữ Liên bang, vẫn còn chưa xác định chắc chắn những tổ chức tài chính nào nắm giữ chất thải độc hại nhất, cần phải ổn định tình hình để có thêm thời gian giải quyết vấn đề.

Đến cuối tuần đó, tôi tiếp tục suy nghĩ sâu hơn về các chuyển biến bất ngờ của các sự kiện. Một biến động tương đối nhỏ đã phát triển rất nhanh thành một cái gì đó lớn hơn, khiến cho giá trị của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm gần 10% (trước khi dần dần phục hồi sau khi Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm tỉ lệ lãi suất). Điều đó gây ra một thiệt hại bất ngờ, ngay tức khắc, trị giá gần 2 nghìn tỉ đô la tương đương với gần một phần sáu giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Hoa Kỳ.

Để góp thêm tiếng nói về tình huống kỳ lạ này, giữa cuộc khủng hoảng, Ben Stein, một diễn viên hài (cũng là một nhà kinh tế học), đã viết một bài báo được dư luận chú ý trên Thời báo New York (New York Times) lập luận rằng đối với hầu hết các nơi trên thế giới, rủi ro dưới chuẩn chỉ là rất nhỏ, phản ứng toàn cầu không có ý nghĩa gì. Diễn viên kiêm nhà kinh tế học đặt câu hỏi: “Thực chất những rủi ro ở Thái Lan, Brazil hay Indonesia liên quan đến những vấn đề thuộc lĩnh vực nhà đất ở Las Vegas như thế nào?... Tại sao một công ty cho vay thế chấp ở Long Island có thể có liên quan đến những vấn đề đó?”.

Một phần của câu trả lời là chúng ta sống trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa, nơi các thị trường tài chính đã được quốc tế hóa thông qua một hệ thống các cơ cấu tài chính phức tạp gọi là chứng khoán hóa (securitization), một chủ đề mà tôi sẽ thảo luận trong chương kế tiếp. Như Eric Jacobson ở công ty nghiên cứu Morningstar, Chicago đã nói: “Hiện nay có quá nhiều mối liên hệ giữa các phần khác nhau của các thị trường; những bộ phận vốn dĩ hoàn toàn tách biệt nhau”. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã không thể giải thích được tại sao dường như chỉ qua một đêm mà các thị trường tài chính đã có vẻ như bị tách ra khỏi thực tế, và sự lộn xộn theo sau đó có ảnh hưởng gì đối với tương lai của chúng ta.

Trong những tuần sau khi cuộc khủng hoảng bùng phát, tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì đã xảy ra. Bằng cách nào, các thị trường tài chính đang thể hiện một nền kinh tế mạnh mẽ trong một thời gian rất ngắn ngủi (điều tốt nhất mà ông bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ đã trải qua trong suốt cuộc đời mình) lại chuyển ngay sang giai đoạn khủng hoảng tiếp theo? Làm thế nào sự bình lặng hiển hiện rõ ràng lại có thể chuyển thành một mối đe dọa thực sự cho toàn bộ hệ thống kinh tế, gần như chỉ qua một đêm?

Hình ảnh ẩn dụ tốt nhất tôi có thể nêu ra ở đây là các thị trường tài chính toàn cầu có một chút giống như một ông chú giàu có, hào phóng, nhưng đôi khi lại quá hoang tưởng. Thông thường, ông chú nhân từ, hào phóng này chia tiền một cách điềm tĩnh và khôn ngoan cho cả gia đình, cẩn thận tìm hiểu các rủi ro và các khoản lãi đầu tư tiềm năng liên quan đến những điều diễn ra trong tương laicủa từng thành viên trong gia đình. Nhưng thỉnh thoảng, cảm giác đa nghi bất ngờ xảy đến với ông. Đột nhiên trở nên thận trọng vớiquan điểm phóng khoáng của mình, ông chú rơi vào tâm trạng hoang mang liền cắt các khoản tiền. Điều gì dẫn đến sự đa nghi đột ngột như vậy? Lý do duy nhất ở đây là thiếu các thông tin rõ ràng, minh bạch và đáng tin cậy về những gì đang xảy ra. Ông chú hào phóng đã nghĩ rằng người thân không nói với mình tất cả những gì cần biết; họ đang giấu giếm ông.

Trong giai đoạn Đại khủng hoảng tín dụng năm 2007- 2008, ông chú nhân từ và hào phóng đã sợ hãi, không phải vì mất khả năng trả nợ thế chấp dưới chuẩn hay vì bong bóng nhà đất ở Hoa Kỳ đang lan rộng ra ngoài biên giới của nó. Các thị trường tài chính thế giới đã nhận thức đầy đủ về những diễn biến này. Sự hoảng sợ xuất hiện chính vì đột nhiên không ai có thể nói được tổ chức tài chính nào nắm giữ các chất thải độc hại dưới chuẩn, và ở những mức giá nào. Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn bởi sự phức tạp đột ngột của hệ thống tài chính như là một kết quả của chứng khoán hóa. Điều này dẫn đến sự thiếu minh bạch. Khi ông chú nhân từ trở nên đa nghi vì sự thiếu minh bạch thì những điều xấu xảy ra. Sự hoang mang nảy sinh. Trong trường hợp này, ông chú đột nhiên bắt đầu nghi ngờ giá trị của các công cụ đầu tư nợ (debt investment instrument) mới mẻ và phức tạp của thị trường tài chính. Đối với những chứng khoán “trên giấy” (paper securities) này, biện pháp duy nhất để tính độ rủi ro và giá trị lại bắt nguồn từ các cơ quan đánh giá và xếp hạng tín dụng. Những cơ quan này đánh giá độ rủi ro chỉ đơn thuần dựa trên các mô hình toán học phức tạp.

Trong một số trường hợp, sự thiếu minh bạch có thể dẫn đến sự nghi ngờ, điều này kích thích bong bóng tài chính vì thiếu thông tin thực tế. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tình trạng thiếu thông tin đáng tin cậy đã khiến cho hoạt động cho vay trên toàn cầu trở nên nguy hiểm khi ngừng lại. Nhưng có một điểm bao quát hơn cho vấn đề này. Sự gia tăng mạnh mẽ của các mối hoảng loạn tài chính là kết quả trực tiếp của toàn cầu hóa kinh tế thế giới trong 1/4 thế kỷ vừa qua. Toàn cầu hóa đã đem đến nhiều của cải hơn cho toàn thế giới. Điều này đã tạo ra một lượng vốn lớn mang tính chất không ổn định (volatile) hiện đang lưu động khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Những nguồn vốn này đã trở thành một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách của chúng ta.

Nhiều tháng trước cuộc đại khủng hoảng, tôi đã cố gắng tập trung suy nghĩ cho cuốn sách này. Chủ đề sẽ là một điều chưa hoàn thiện mang tên toàn cầu hóa. Luận đề của tôi là: Sự hội nhập của các thị trường tài chính thế giới trong 25 năm cuối của thế kỷ trước đã dẫn đến thời kỳ hoàng kim của việc tạo nên của cải và sự giảm thiểu đói nghèo, những điều trước đây chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nhân loại. Đó là tin tốt lành. Với sự gia nhập của Trung Quốc và Ấn Độ vào nguồn vốn toàn cầu, các nước công nghiệp trong suốt thời kỳ đặc biệt đáng chú ý này đã đạt những thành quả gần như là thần kỳ. Trong hơn hai thập kỷ, thị trường tự do toàn cầu đã chứng kiến sự tăng trưởng gấp đôi chưa có trong tiền lệ của lực lượng lao động - từ 2,7 tỷ đến 6 tỷ người - mà không xảy ra các cuộc cách mạng, không có các cuộc bạo loạn nghiêm trọng trên các đường phố, thậm chí không có một mối đe dọa nào về nguy cơ đóng cửa hàng loạt trong hệ thống thương mại.

Sự thành công phi thường này bắt nguồn từ sự thay đổi mô hình toàn cầu, được đẩy mạnh nhờ sự sụp đổ của Bức tường Berlin, điều dẫn tới một niềm tin rộng khắp rằng các thành quả về kinh tế không bắt nguồn từ các chính phủ hay thậm chí từ những khu vực doanh nghiệp lớn mà là từ những đổi mới liên tục của giới doanh nghiệp sẵn sàng đương đầu với rủi ro. Chính giới doanh nghiệp này đã cho phép các nền kinh tế tiếp tục phát triển. Quan trọng nhất, sự đổi mới và phát triển kinh tế này đã được thúc đẩy bởi một hệ thống tài chính toàn cầu được hiện đại hóa trong việc phân bổ vốn, đánh giá rủi ro, và đầu tư ra nước ngoài trong một môi trường thương mại tự do.

Bất chấp các cuộc khủng hoảng tài chính, kết quả của sự đổi mới này là một làn sóng của sự thịnh vượng chưa từng có tiền lệ - 40 triệu việc làm mới chỉ riêng ở Hoa Kỳ, dưới thời cả tổng thống Cộng hòa và Dân chủ, đã nhiều hơn số lượng công việc được tạo ra bởi tất cả các nước công nghiệp hóa khác kết hợp lại.

Trong 25 năm này, chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã tăng vọt từ 800 lên tới hơn 12.000 điểm. Để tương xứng với thành công trên thị trường chứng khoán xét về tỷ lệ phần trăm trong hai mươi lăm năm tiếp theo, chỉ số Dow sẽ phải vượt quá ngưỡng 170.000 điểm. Theo Cục Dự trữ Liên bang, năm 1982, thời kỳ đầu của quá trình hội nhập thị trường tài chính toàn cầu, giá trị ròng của các hộ gia đình Mỹ bằng 11 nghìn tỷ đô la; ngày nay con số đó đã vượt quá 56 nghìn tỷ đô la. Ngay cả khi được điều chỉnh theo tình hình lạm phát, con số này vẫn minh chứng hùng hồn cho một sức mạnh đáng ngạc nhiên của nỗ lực làm giàu.

Từ 1980 đến nay, giá trị của tất cả các tài sản tài chính toàn cầu đã nhảy vọt từ 12 nghìn tỷ đô la lên tới 140 nghìn tỷ đô la, tăng 1.166%. Tài sản tài chính toàn cầu đã tăng vọt từ khoảng 100% GDP toàn thế giới năm 1980 tới 325% vào thời điểm hiện nay.

Tin xấu là nền kinh tế toàn cầu với kết quả đầy ngoạn mục hiện nay vừa không ổn định vừa đáng lo ngại. Vì sự di chuyển của việc làm và đầu tư trên khắp thế giới, người dân bị mất thu nhập và lương hưu. Và khi những thay đổi lớn này xảy ra, các lợi ích kinh tế của hệ thống thường được phân phối không đều. Như Nina Easton, phóng viên của tạp chí Fortune đã viết “Không có nhiều đảm bảo trong một nền kinh tế toàn cầu tốc độ cao, nơi mà người lao động tiến xa hơn bằng việc theo đuổi những cơ hội (không ngoan ngoãn tuân thủ những quy định chính thức), bằng cách liên tục trau dồi nghề nghiệp của họ (chứ không phải dựa vào thâm niên trong nghề), và bằng cách tự đầu tư các khoản tiền tiết kiệm của mình (chứ không trông mong vào lương hưu của công ty)”.

Mặc dù tạo ra khối lượng của cải rất lớn, kỉ nguyên mới của nguồn vốn tự do lưu thông toàn cầu và sự dư thừa này cũng đi kèm với một kỷ nguyên khủng hoảng tài chính. Charles Kindleberger, trong cuốn sách Điên cuồng, hoảng loạn và sụp đổ (Manias, Panics, và Crashes), đã liệt kê đầy đủ lịch sử của các cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, 25 năm cuối cùng của thời kỳ thịnh vượng cũng là thời kỳ đỉnh cao của các cuộc khủng hoảng ngân hàng có hệ thống, cao hơn nhiều so với 25 năm chuẩn bị toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thật khôi hài, cùng thời điểm đó thế giới lại được hưởng lợi nhờ tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát đã bớt bất ổn trong những thập kỷ gần đây.

Làm thế nào để đối phó với các yếu tố kinh tế đối lập này là vấn đề then chốt nhất mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới hiện nay đang phải đối mặt. Nếu họ phản ứng quá mạnh mẽ đối với sự bất ổn của tính thanh khoản và tình hình tín dụng hiện nay, họ có nguy cơ gặp phải sự đảo chiều kinh tế và tài chính, điều sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Thật trớ trêu, những ý định tốt nhất lại có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, tình trạng thất nghiệp lớn hơn, thị trường cổ phiếu kém phát triển hơn rất nhiều, hoạt động từ thiện giảm đi, và tỉ lệ đói nghèo trên toàn cầu gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu các nhà hoạch định chính sách nhận ra tính bất ổn của thị trường vốn và áp dụng những biện pháp chiến lược mới, có mục tiêu rõ ràng vào thế giới mới đầy thử thách này.

Không mắc một lỗi nào, bất chấp sự bất ổn về tài chính, 25 năm cuối của các thị trường tài chính toàn cầu tự do và thương mại tự do đã sản sinh ra những chú ngỗng đẻ trứng vàng, xét về mặt tự do chính trị, làm giàu, và xoá đói giảm nghèo. Ví dụ, năm 1975, chỉ có 25% trong số 147 quốc gia trên thế giới được coi là quốc gia dân chủ; hiện nay, sau một phần tư thế kỷ của thị trường toàn cầu hóa, con số đó là 58%. Như ông Kofi Annan, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã nói: “Những người thất bại chính trong thế giới rất bất công ngày nay không phải là những người đang được tiếp xúc quá nhiều với toàn cầu hóa. Họ là những người đã bị gạt ra một bên.”

Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng Hoa Kỳ “mỗi năm giàu có thêm hơn một nghìn tỷ đô la nhờ thương mại toàn cầu hóa.” Số tiền đó chiếm gần 10% GDP, tương đương với một con số ấn tượng khó tin 10.000 đô la cho mỗi hộ gia đình. Trong cuốn sách Thị trường Tư bản thế giới: Thách thức cho nhóm G-10 (World Capital Markets: Challenge to the G-10), Hufbauer và một nhà kinh tế học người Canada, bà Wendy Dobson đã khẳng định rằng lợi nhuận kinh tế từ các dòng vốn tự do hiện nay bằng hoặc vượt quá lợi nhuận kinh tế từ thương mại tự do.

Robert Bartley, cựu biên tập viên thuộc chuyên mục xã luận của tờ Wall Street Journal, đã viết một cuốn sách về nền kinh tế thời Reagan có tên là Bảy năm Thịnh vượng (The Seven Fat Years) (từ tháng 11/1982 đến tháng 7/1990). Nếu ai đó viết một cuốn tiếp theo, nó nên được gọi là Hai mươi lăm năm Thịnh vượng (The Twenty-five Fat Years), bao gồm cả thời kỳ hòa bình và thịnh vượng tuyệt vời dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nhà vô địch của hệ thống tài chính toàn cầu mới.

Một phần tư thế kỷ này cũng tượng trưng cho thời kỳ xóa đói, giảm nghèo thành công nhất trong lịch sử nhân loại. Trong năm 2006, tôi đã đặt viết một bài báo cho cuốn tạp chí The International Economy của tôi nhằm cố gắng đánh giá hiệu quả của thị trường tài chính toàn cầu hóa trong việc xóa đói, giảm nghèo từ năm 1980. Tôi nghĩ rằng tác giả sẽ viết bài báo này không nên đến từ bất cứ cơ quan chính quyền nào và cũng không nên đến từ các cơ quan có mối quan hệ với Ngân hàng Thế giới, và cũng không phải đến từ bất kỳ tổ chức xóa đói giảm nghèo tư nhân nào vì nhiều người trong các cơ quan đó hầu như không tin tưởng vào thị trường. Tác giả cũng không nên là người của hội truyền bá tư tưởng cánh hữu. Adam Posen thuộc Viện Peterson, một biên tập viêntạp chí của chúng tôi, đã giới thiệu Surjit Bhalla, một cựu nhân viên của Ngân hàng Thế giới và Goldman Sachs, hiện nay là một nhà đầu tư tư nhân. Nổi tiếng với các bài nghiên cứu và tư duy độc lập cao, Bhalla đã nhận lời viết bài báo này.

Ông kết luận rằng chúng ta vừa mới chứng kiến một điều gì đó có tính lịch sử. Hai mươi lăm năm vừa qua đại diện cho thời hoàng kim của sự giảm thiểu đói nghèo, tất cả đều xảy ra trong quá trình chuyển đổi sang thị trường tài chính toàn cầu hóa. Dựa theo tiêu chuẩn đói nghèo được định nghĩa theo phương pháp truyền thống bằng số đôla-trên-ngày (tiêu chuẩn được sử dụng bởi các cơ quan quốc tế) thì tính từ năm 1980 đã có khoảng một tỷ người thoát khỏi đói nghèo. Nói một cách khác, trong khoảng thời gian 1950-1980, khi Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế dồi dào tiền bạc trong thời kỳ hoàng kim của họ thì có một thực tế là tình trạng đói nghèo trên toàn cầu lại tăng lên một cách đáng kể. Và đây là giai đoạn mà chính phủ đã chi tiêu rất nhiều, bao gồm cả các khoản cho vay và tài trợ cho các nước đang phát triển. Những nỗ lực đầy thiện chí này đã không mang lại hiệu quả do thiếu các tổ chức trung thực và hiệu quả ở các nước nhận hỗ trợ nên kết quả của sự chuyển giao giữa chính phủ với chính phủ luôn gây ra thất vọng.

Thời kỳ vàng son của giảm nghèo diễn ra trong thị trường toàn cầu hóa cuối những năm 1980, mức nghèo đói giảm một cách lạ lùng là 20%. Không lấy làm kinh ngạc khi những thay đổi lớn xuất hiện ở Ấn Độ và Trung Quốc sau khi cả hai nước áp dụng Doanh nghiệp tư nhân và giảm thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay cả Mỹ Latin và châu Phi, những nước chậm chân, cũng đã bắt đầu thấy tình trạng đói nghèo giảm bớt vào năm 2000.

Chắc chắn, trên thế giới vẫn còn nhiều đau khổ và cam chịu. Cần phải có những nỗ lực lớn hơn của cả cá nhân và cộng đồng để đương đầu với những khó khăn, đặc biệt là đại dịch AIDS lan tràn kìm chế sự phát triển của châu Phi. Một đô la mỗi ngày cũng có thể quá thấp để đo mức sống tối thiểu, mặc dù đây vẫn là tiêu chuẩn chung được áp dụng, dựa trên giá trị gốc của đồng đô la năm 1994. Nhưng rốt cuộc, chỉ cần nhìn vào kết quả cuối cùng thì thấy dường như Doanh nghiệp tư nhân trong một hệ thống tài chính hội nhập toàn cầu là mô hình duy nhất có khả năng xóa đói nghèo một cách toàn diện và triệt để, chứng kiến hàng tỷ người thoát khỏi đói nghèo trong hai mươi lăm năm gần đây.

Xin nhắc lại, những điều này không có nghĩa là những nỗ lực nhằm giảm bớt các vấn đề y tế và sức khỏe không phải là điều cần thiết. Những người hảo tâm nổi tiếng như Bill và Melinda Gates xứng đáng nhận được sự tuyên dương lớn cho những nỗ lực của họ. Ngôi sao nhạc rock Bono đã có một cử chỉ quan trọng và đáng ca ngợi bằng cách theo sát các hoạt động của Ngân hàng Thế giới và các công ty dược phẩm quốc tế để đưa ra đề nghị hỗ trợ. Nhưng những nỗ lực này chỉ là thứ yếu nếu so với sức mạnh vốn có của kinh tế thị trường. Chính Bono cũng nhận ra điểm này. Tháng 3/2007, ông nói với Thời báo New York rằng “Một trong những điều mà tôi đã học ở châu Phi là vai trò vô cùng quan trọng của thương mại trong việc đưa con người thoát khỏi tình trạng cực kỳ nghèo đói”.

Mặc dù không hoàn hảo, đôi khi đáng thất vọng, và thường không thể dự đoán được nhưng toàn cầu hóa là một cơ chế tạo ra của cải rất ấn tượng. Tuy nhiên, sau hai mươi lăm năm phát triển kinh tế, mạnh mẽ và hiệu quả, chúng ta vẫn không biết tất cả các tác động (cả tốt và xấu) của toàn cầu hóa. Chúng ta biết rằng mặc dù hệ thống đã trải qua một vài thập kỷ toàn cầu hóa nhanh chóng, các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách của chính phủ phần lớn đều mới chỉ hiểu rất ít về tính chất độc đáo của nền kinh tế hiện nay.

Đối với nhiều người, nền kinh tế vẫn là một tổ chức tĩnh, bị các lực lượng chính trị tranh giành trong một kỷ nguyên xung đột giữa các tầng lớp xã hội mới xuất hiện. Thực tế thì nền kinh tế toàn cầu lại giống như một cơ thể sống, cực kỳ năng động. Robert Samuelson của báo Newsweek đưa ra một số liệu thống kê đáng chú ý: “Cứ ba tháng lại có bảy đến tám triệu việc làm ở Hoa Kỳ mất đi và một số lượng việc làm bằng hoặc lớn hơn được tạo ra.”

Quan trọng nhất là, nền kinh tế toàn cầu mới này khác rất nhiều so với hệ thống cũ mà trong đó các tập đoàn và những người điều hành chúng tạo ra một hệ thống kiểm soát toàn cầu để duy trì tính ổn định tương đối. Hiện nay, tình hình diễn ra ngược lại. Hơn bao giờ hết, các tập đoàn lớn luôn bị đe dọa trở nên lỗi thời và suy tàn dần bởi giới doanh nhân cá thể cực kỳ liều lĩnh và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, những người mà chính bản thân họ cũng luôn phải đối mặt với khả năng thất bại. Cũng giống như IBM đã từng bị đe dọa bởi Microsoft, giờ đây Microsoft lại bị đe dọa bởi các công ty thiên về khai thác dịch vụ Internet mới phát đạt, chẳng hạn như Google hoặc hệ điều hành mã nguồn mở Linux.

Tình hình có thể còn phức tạp hơn nhiều bởi một thực tế là chúng ta đang bước vào một thời đại tương tác mới nơi mà sự hợp tác trên diện rộng thông qua Internet đang làm thay đổi cách thức các doanh nghiệp tạo ra và tăng thêm giá trị. Đây là một quá trình cải cách kinh doanh quốc tế theo kiểu dân túy mà ở đó một động lực “từ dưới lên” (bottom-up dynamic) có thể dần dần tiếp quản nền kinh tế toàn cầu. Trong một chương ở phần sau, tôi sẽ thảo luận về ý nghĩa của việc này đối với Trung Quốc, nơi mà hiện nay chính phủ thực hiện một chính sách mới nhằm cố gắng kiểm soát nội dung Internet. Tuy nhiên, cuối cùng thì chúng ta không có sự lựa chọn khác trong thế giới ngày càng bất ổn này ngoài việc đi theo thị trường toàn cầu hóa và chỉ đạo nó một cách khéo léo để tạo ra những lợi ích lớn hơn với ít hậu quả tiêu cực, ngoài ý muốn hơn. Như Tổng thống Bill Clinton đã phát biểu trong bản Thông điệp Liên bang năm 2000: “Chúng ta sẽ không quay trở lại nếp cũ. Xã hội đầy sáng tạo và cởi mở của chúng ta vẫn đang đứng vững để tận hưởng lợi ích hơn bất cứ xã hội nào khác”.

Kết quả của việc tạo ra rất nhiều của cải thông qua toàn cầu hóa là thế giới đã bị ngập trong đống tiền, và phần lớn trong số tiền đó vài thập kỷ trước đây đã được lưu giữ ở Hoa Kỳ. Dino Kos, cựu lãnh đạo bộ phận hối đoái của Cục Dự trữ Liên bang tại New York đã theo dõi từng đợt vốn lớn tràn vào mỗi ngày. Sau đây là cách ông tóm tắt tình hình trước khi cuộc khủng hoảng tín dụng bùng phát: đã có “một khối lượng lớn thanh khoản ở bên ngoài. Cuộc cách mạng về năng suất đã lan rộng ra khắp toàn cầu. Toàn thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn nhiều so với bất kỳ một ai trong số chúng ta có thể nhận ra.”

Thật vậy, đã có một giai đoạn khan hiếm cơ hội đầu tư mang tính toàn cầu, với quá nhiều vốn trên thế giới phụ thuộc vào đầu tư tại Hoa Kỳ và các tài sản tài chính tại các nước công nghiệp khác. Ví dụ, từ năm 1995, đã có 6,5 nghìn tỷ đô là tổng số vốn ròng từ nước ngoài chảy vào Hoa Kỳ, nhiều hơn 1,7 nghìn tỷ đô la so với giá trị thâm hụt thương mại trong thời kỳ này. Hệ thống quốc tế mất cân bằng. Đây chính là lý do tại sao Chủ tịch Cục Dự trữ Liên Bang Ben Bernanke lại ủng hộ chính sách lâu dài trong việc tái cân bằng toàn cầu. Ông lập luận rằng Hoa Kỳ cần phải trải qua “một cuộc chuyển dịch các nguồn lực ra khỏi các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ phi thương mại sang các ngành sản xuất các sản phẩm, dịch vụ phục vụ mục đích thương mại”. Ý của ông là Mỹ cần phải giảm bớt thâm hụt ngân sách và sự phụ thuộc vào dầu mỏ của nước ngoài trong khi mở rộng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Các quốc gia khác cần phải kích thích nhu cầu trong nước để người dân có thể mua nhiều hàng nhập khẩu hơn và ít phụ thuộc vào hàng xuất khẩu hơn. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này sẽ mất thời gian và, trong khi chờ đợi, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, một số người trong giới chính trị Hoa Kỳ có lập trường coi đầu tư nước ngoài như một con quái vật điên cuồng, đe doạ sự tồn tại của nước Mỹ. Tình hình không đơn giản như vậy. Trên thực tế, mối đe dọa đến sự tồn tại đó, xét trong ngắn hạn, là nhận thức phổ biến rộng rãi rằng Mỹ không còn hoan nghênh vốn nước ngoài nữa. Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà đầu tư trên toàn cầu đã coi nền kinh tế Hoa Kỳ như là một thiên đường an toàn cho vốn đầu tư quốc tế. Theo tờ Wall Street Journal, các nghiên cứu cho thấy công ty Hoa Kỳ được cấp vốn từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thường trả lương cao, hơn 32% so với mức trung bình của khu vực kinh tế tư nhân. Mỹ là một mục tiêu đầu tư rất hấp dẫn cho hệ thống tài chính toàn cầu. Chỉ có kẻ ngờ nghệch mới làm bất cứ điều gì để thay đổi nhận thức đó cho đến khi hệ thống toàn cầu được cân bằng trở lại, với việc Hoa Kỳ sắp xếp lại hệ thống tài khoá của họ, và các khu vực khác trên thế giới cơ cấu lại kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu. Nhưng cho tới giờ, lối hùng biện chính trị theo chủ nghĩa dân túy phản đối vốn nước ngoài đã bắt đầu khiến cho các thương nhân và các nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu lo lắng. Họ đặt ra câu hỏi: Liệu những người dân túy về mặt kinh tế có hiểu rõ mức độ mà họ đang đùa với lửa không?

Cuối cùng, tương lai của nền kinh tế thế giới được toàn cầu hóa dựa vào các câu hỏi cơ bản này: Tính thanh khoản là gì? Và tại sao tính thanh khoản (và một vấn đề rất gần với nó là sự sẵn có của nguồn cung tín dụng) trong một thời gian rất ngắn ban đầu dường như hết sức dồi dào và tiếp theo đó lại có vẻ hoàn toàn biến mất? Tính thanh khoản phản ánh đúng giá trị phát triển trong một nền kinh tế toàn cầu đang mở rộng đến mức độ nào?

Có lẽ hình ảnh ẩn dụ tốt nhất để minh họa cho tính thanh khoản là dầu nhớt trong động cơ ô tô. Nếu dầu chỉ tập trung ở dưới đáy của động cơ, thậm chí nếu có nhiều dầu, động cơ sẽ không hoạt động. Dầu cần được di chuyển tự do khắp động cơ.

Các thống đốc ngân hàng trung ương hiện nay đang nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến tính thanh khoản. Đôi khi, trong nỗi hoảng sợ về tài chính, tính thanh khoản (dầu) có thể đột ngột di chuyển nhanh chóng đến một vị trí (xuống dưới đáy động cơ). Trong nền kinh tế hiện nay, việc này có nghĩa là chỉ mua nợ chính phủ ngắn hạn. Khi điều đó xảy ra, hợp đồng tín dụng và toàn bộ hệ thống kinh tế và tài chính đều lâm vào tình trạng nguy hiểm. Pit-tông của động cơ có thể sớm ngừng bơm dầu.

Ví dụ, trong suốt các cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á và Nga năm 1997-1998, tính thanh khoản toàn cầu đột ngột biến mất.Sau một thời gian tính thanh khoản dư thừa thì đột nhiên người ta không tìm đâu ra nguồn tín dụng. Cuộc Đại khủng hoảng Tín dụng năm 2007-2008 cũng diễn ra tương tự. Trong cả hai trường hợp, tình hình đều đáng lo ngại, nhưng tại sao tính thanh khoản lại mất đi một cách nhanh chóng như vậy? Và thực tế, những nhân tố nào chi phối điều mà ta gọi là tính thanh khoản?

Xét về bản chất, cuối cùng thì tính thanh khoản cũng chẳng có gì khác hơn niềm tin. Ủy viên quản trị Cục Dự trữ Liên bang Kevin Warsh ủng hộ quan điểm này, ông lập luận: “Tính thanh khoản mạnh tại các thị trường vốn ở Mỹ xuất hiện khi người ta tin rằng các kết quả kinh tế sẽ tốt. Khi những kết quả mang tính tiêu cực cao không chắc sẽ xảy ra hoặc ít ra là có thể đo lường được một cách chính xác, thì những điều kiện này đủ để làm cho tính thanh khoản trở nên dồi dào”. Alan Greenspan, khi còn là chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang cũng lập luận rằng tính thanh khoản (liquidity) chỉ là một từ khác để chỉ niềm tin (confidence). Trong một chương trong phần sau, tôi sẽ nói về việc tôi và Alan Greenspan đã có một số cuộc thảo luận về cách thức mà công việc của ngân hàng trung ương, do nhu cầu cần phải gây dựng niềm tin này, đã trở thành một “nhà hát” tinh vi như thế nào với sự tham gia của các thị trường tài chính trong vai trò là “khán giả”. Do đó, tính thanh khoản đa phần phụ thuộc vào niềm tin của thị trường rằng các nhà hoạch định chính sách, trong tương lai gần, sẽ không gây ra những sai lầm lớn. Trong cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, các ngân hàng trung ương trên thế giới ngay từ đầu đã làm cả thế giới ngập trong “thanh khoản” sẵn có. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn tiếp tục do thị trường toàn cầu thiếu niềm tin vào cơ cấu tài chính, bao gồm cả khả năng đánh giá nguy cơ thực sự của hệ thống tài chính.

Xét về bản chất, sự sống sót của hệ thống tài chính thế giới phụ thuộc vào một trò chơi niềm tin toàn cầu phức tạp. Quy mô của các thị trường tài chính so với các chính phủ đã trở nên quá to lớn, nên không có một biện pháp nào khác để duy trì sự ổn định hơn là thiết lập niềm tin. Chính các chính phủ cũng không thể khôi phục lại trật tự bằng sắc lệnh. Họ chỉ có thể khiến các thị trường hiểu rằng họ biết họ đang làm gì.

Hãy xem xét ví dụ về UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ và là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới. Theo Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, trong suốt cuộc khủng hoảng dưới chuẩn năm 2007-2008, với sự hoảng loạn tột bậc, các giám đốc ngân hàng trung ương Thụy Sĩ phát hiện ra rằng tổng số rủi ro tài chính chỉ riêng của UBS đã lên đến hơn 2 nghìn tỷ franc Thụy Sĩ. Tuy nhiên, toàn bộ GDP của nước này chỉ đạt 475 tỷ franc Thụy Sĩ. Trong hoàn cảnh hoảng loạn và các luồng vốn chảy ra nước ngoài nghiêm trọng, chỉ riêng công nợ của một ngân hàng đã nhiều hơn bốn lần quy mô của toàn bộ nền kinh tế. Điều này nghĩa là: Chính phủ Thụy Sĩ trong thời kỳ khủng hoảng không đủ khả năng để cứu hệ thống tài chính của nước mình ra khỏi tình trạng nợ nần, dù cho các quan chức có muốn vậy. Các nhà hoạch định chính sách ở các nước công nghiệp hóa khác cũng thấy mình rơi vào một tình huống tương tự, đặc biệt là khi xem xét thực tế rằng các tổ chức tài chính tham gia vào một số lượng đáng kể các hoạt động đòn bẩy tài chính (dùng các tài sản đầu tư hiện hành để vay, nhằm tạo ra các khoản đầu tư mới).

Đối với nhà hoạch định chính sách hiện nay, sự hoảng loạn của thị trường tài chính tượng trưng cho những điều vô cùng bí ẩn. Bất cứ khi nào tâm lý đa nghi của con người xuất hiện thì sự bất ổn thống trị thời điểm đó. Các chuyên gia vẫn còn tranh luận về một yếu tố, hay một loạt các yếu tố dẫn tới sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ năm 1987, một sự điều chỉnh thị trường mà theo điều kiện hiện nay thì sẽ tương đương với việc chỉ số công nghiệp Dow Jones trung bình rớt 3.500 điểm một ngày. Ban đầu, những lý thuyết thông thường cho rằng sụp đổ chỉ đơn giản là do vai trò của bảo hiểm danh mục vốn đầu tư được vi tính hóa trong việc làm sự trượt dốc ban đầu của thị trường trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những gì giờ đây đã rõ ràng là một loạt diễn biến dường như vô hại, khi được đặt cùng với nhau, đã làm giảm niềm tin một cách nghiêm trọng. Chính điều này dẫn tới sự sụp đổ bất ngờ của trật tự tài chính quốc tế.

Các đối tượng tham gia vào thị trường bắt đầu tin rằng các nhà hoạch định chính sách đã phá vỡ hệ thống toàn cầu, và chính điều này dẫn đến sự hoảng sợ trên diện rộng và tình trạng mất niềm tin của các nhà đầu tư. Trong giai đoạn trước đó, các nhà hoạch định chính sách đã gây ra một số sai lầm dường như rất nhỏ. Nhưng những sai lầm này, vì chúng phát triển, leo thang nhanh, hóa ra lại có những hậu quả tàn phá khi hàng triệu người tham gia thị trường mất niềm tin vào tương lai. So sánh điều này với thực tế hiện nay không phải là không có ích!

Ví dụ, vào mùa thu 1987, một cuộc tranh cãi công khai đã nổ ra giữa Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ James Baker và Bộ trưởng Tài chính Đức Gerhard Stoltenberg về đồng đô-la và tỉ lệ lãi suất. Điều này gây ra nhận định rằng tài chính quốc tế mất đi tính ổn định và trật tự. Chính quyền Reagan cũng đã áp dụng chế tài mậu dịch đối với Nhật Bản, tạo nên sự bất ổn cho tương lai của tự do thương mại. Một tuần trước khi vụ sụp đổ xảy ra, Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ[3] đã công bố kế hoạch tăng thuế đối với các khoản nợ liên quan đến những vụ mua lại doanh nghiệp, điều mà nhiều thành viên tham gia thị trường xem là một sự phát triển theo chiều hướng rất xấu cho thị trường tài chính. Trong khoảng thời gian đó, một tiểu ban của Hạ nghị viện Mỹ đã thông qua một dự thảo sửa đổi của nghị sĩ, ứng cử viên chức tổng thống năm 1988 thuộc Đảng Dân chủ, ông Richard Gephardt (một cố vấn cho Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008), theo đó trừng phạt nặng các nước có thặng dư thương mại “quá mức và tùy tiện” trong buôn bán với Mỹ. Tất cả những bước phát triển này gây ra cho các thị trường một nỗi sợ hãi rằng dòng vốn đầu tư trên toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn.

Kết quả là vào năm 1987, sự kết hợp chết người của các sơ suất kỹ thuật dường như rất nhỏ và những hành động chính trị thiếu cẩn thận gần như đã nhấn chìm thị trường chứng khoán thế giới - và cả nền kinh tế toàn cầu nữa. Trong thế giới của chính sách và thị trường, con người đóng vai trò rất quan trọng. Các thị trường tài chính bị một phen hoảng hốt và đột nhiên nhận thức được sự thiếu thiện chí trong việc hợp tác của những thế lực lớn. Hầu như chỉ qua một đêm, việc giảm giá cổ phiếu đã tự nó làm mọi chuyện tồi tệ đi, tạo ra một đợt hoảng loạn tài chính với quy mô mang tính lịch sử. Đúng vậy, thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại, nhờ sự tỉnh táo của những người tham gia trong lĩnh vực tài chính mà các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia công nghiệp hóa thuộc nhóm G7 (từ Pháp, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Ý, và Vương quốc Anh) đã phối hợp hành động khi khủng hoảng xảy ra. Còn với những thành viên chủ chốt trên thị trường tài chính hiện nay - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, các nền kinh tế dự trữ quá mức và sản xuất dầu khác hiện nay - sự phối hợp và cương quyết như vậy rất khó có thể xảy ra trong trường hợp thị trường lớn sụp đổ.

Điều rõ ràng là sự bất ổn tài chính tồn tại ở đây. Trong một nghiên cứu về lịch sử hỗn loạn tài chính, những nhà kinh tế học nổi tiếng như Barry Eichengreen của Đại học California tại Berkeley và Michael Bordo của Đại học Rutgers đã chỉ ra rằng các cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay “xảy ra phổ biến gấp đôi” so với một thế kỷ trước.

Cuộc đại khủng hoảng tín dụng năm 2007-2008 là ví dụ điển hình nhất cho luận điểm này. Nhưng liệu vô số nguồn thanh khoản độc lập hiện nay có thể ngưng lại khiến cho bộ máy tài chính toàn cầu ngừng hoạt động không? Thật không may, tình hình không có gì đáng khích lệ. Đó là bởi vì các chính trị gia khác trên thế giới nhiều khả năng đi theo những sai lầm của Mỹ, đặc biệt là về các vấn đề bảo hộ và sự chắp vá vụng về trong các quy định đối với thị trường tài chính.

Có một số điều quan trọng chưa được biết đến, nhưng một trong những điều gây ảnh hưởng lớn nhất là sự bất ổn chính trị. Những người phản đối toàn cầu hóa bao gồm cả các đảng viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ. Được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tập đoàn hùng mạnh đang lo lắng về những bất trắc của cạnh tranh quốc tế, họ đã đặt tên cho quá trình toàn cầu hóa là “cuộc chạy đua của thế giới tới điểm đáy”. Ngay từ đầu trong cuộc chạy đua tranh chức tổng thống Mỹ năm 2008, cả Đảng Dân chủ (do cựu Thượng nghị sỹ John Edwards lãnh đạo) và Đảng Cộng hòa (do cựu thống đốc Mike Huckabee lãnh đạo) đã đưa ra những luận điểm phản đối toàn cầu hóa đặc biệt giống nhau, và hầu hết các ứng cử viên khác từ chối bảo vệ cho hệ thống này. Đó là bởi vì toàn cầu hóa, trong khi tạo ra rất nhiều của cải, cũng đã tạo ra những âu lo vô bờ bến. Việc thuê ngoài (outsourcing), trước đây chỉ giới hạn đối với lao động tương đối thiếu kỹ năng, giờ đây dường như đã trở thành một mối đe dọa thực sự đối với việc làm của tầng lớp trung lưu. Sự thật là nước Mỹ trước nay vốn là một “insourcer” (chủ yếu tuyển dụng lao động từ trong nước), chứ không phải là một “outsourcer” (đi thuê lao động bên ngoài). Người nước ngoài đầu tư vào Mỹ nhiều hơn người Mỹ đầu tư ở nước ngoài 500 tỉ đô la. Đó là một trong những lý do Mỹ tạo ra hai triệu việc làm mới mỗi năm.

Một nghiên cứu của hai nhà kinh tế học Robert Gordon và Hanson Feenstra lập luận rằng việc thuê ngoài đã thực sự tăng thêm mức lương thực tế của người lao động không có tay nghề. Nhà kinh tế học Stephen William và Dickens Rose tranh luận rằng sự chỉ trích thuê ngoài là quá cường điệu: “Các nền kinh tế thị trường hiện đại thường xuyên phá hủy và tạo ra hàng chục triệu việc làm mới từ các hoạt động nội bộ của mình. Thương mại đóng một vai trò rất nhỏ trong việc gây xáo trộn công việc này. Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng mất việc làm là sự cạnh tranh trong nước.” Martin Baily từ McKinsey và Robert Lawrence của Harvard cũng đồng tình. Họ cho rằng 90% việc làm bị mất trong lĩnh vực sản xuất là kết quả của các nhân tố trong nước, chủ yếu là tiến bộ kỹ thuật khiến các công ty buộc phải cắt giảm nhân công.

Tuy nhiên, hệ thống toàn cầu đang thay đổi, với một sự chuyển đổi kinh tế tiềm năng trong những năm tới từ lĩnh vực sản xuất sang lĩnh vực dịch vụ. Trung Quốc, Ấn Độ, và các nền kinh tế châu Á khác có thể sớm đạt đến khả năng dư thừa năng lực trong lĩnh vực sản xuất. Để duy trì nền kinh tế của họ, các quốc gia sẽ chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, chỗ dựa chính của nền kinh tế Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (ở Hoa Kỳ, hơn 80 phần trăm công việc là trong ngành dịch vụ). Ngay cả khi Mỹ vẫn là một nơi tuyển dụng lao động nội bộ là chủ yếu, nỗi lo lắng mà những người trong ngành dịch vụ cảm thấy sẽ vẫn tồn tại và còn tăng thêm. Kế toán, luật sư, bác sỹ X quang, và những người khác đã lo sợ rằng đời sống của họ có thể gặp bất trắc do các dịch vụ mới của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Mặc dù một số chuyên gia cảm thấy rằng nỗi lo sợ liên quan đến công việc trong ngành dịch vụ có thể là hơi quá mức, chính những nỗi lo sợ đó cũng là một mối đe dọa.

Ví dụ, các nhà kinh tế học như Jagdish Bhagwati thuộc Đại học Columbia cho rằng trong các ngành dịch vụ “sự gần gũi của các nhân viên thường không thể thiếu được” vì nhiều công việc dịch vụ “không thể được thực hiện từ xa”. Tôi đồng ý rằng mối đe dọa bị cường điệu, nhưng cảm giác lo lắng là có thực, và chúng nhiều khả năng sẽ kích động một sự đáp trả mang tính chính trị thực thụ của Hoa Kỳ. Sự đáp trả đó có thể đem lại sự bất ổn cao cho các thị trường toàn cầu. Quả thực, tại Mỹ, sự bất mãn của những người dân tuý đối với những cái gọi là lợi ích của các doanh nghiệp lớn đang càng lúc càng sôi sục nhiều hơn.

Câu hỏi đáng quan tâm là liệu các chính trị gia có hiểu ra rằng họ hầu như không thể kiểm soát hệ thống toàn cầu này bằng sự điều chỉnh các quy định hay lập pháp mà không gây ra những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn không. Tình trạng này gợi lại ký ức về những gì chính phủ Anh đã làm trong những năm 1960 khi họ sửa đổi hệ thống tài chính của mình bằng cách cấm mọi người mang tiền đi ra khỏi đất nước. Trên thực tế, một thử nghiệm chính sách vốn công phu và có vẻ tốt đẹp, với dự định giữ cho tiền tệ khỏi bị suy yếu (mặc dù đang áp dụng những chính sách mở rộng đáng nghi ngờ trong suốt thời gian lạm phát gia tăng) hóa ra lại cực kỳ sai lầm và gây họa. Sự can thiệp vào thị trường đem lại kết quả ngược với mong đợi, gần như hủy hoại những khoản tiền tiết kiệm của tầng lớp trung lưu ở Anh. Đó là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách ngày nay, với một nguồn vốn vô cùng dồi dào, nên tiếp cận việc thử nghiệm các chính sách với sự khiêm tốn tối đa! Các thị trường toàn cầu có thể là một con thú đang nổi giận, không dễ đoán và dễ bị kích động.

Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại kỳ lạ, khi các nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng vượt ra ngoài tầm kiểm soát tích cực của chính phủ, ngoại trừ một vài quốc gia xuất khẩu hàng hóa (Nga và các nước sản xuất dầu khác). Ngay cả kinh tế Trung Quốc cũng không thể dễ dàng bị kiểm soát bởi chính phủ của nước này, họ đã mắc sai lầm trong việc cố gắng quản lý vi mô khi thị trường đã có thể phân bổ nguồn lực tốt hơn.

Trong thế giới mới này, chính phủ các nước đang nỗ lực để tham gia vào thị trường tài chính. Cach đây không lâu, bức tranh này rõ ràng hơn nhiều. Ví dụ, các cơ quan thuộc chính phủ như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Câu lạc bộ Paris gồm các nước mắc nợ thuộc Thế giới Thứ ba đã là phương tiện giúp điều phối dòng vốn. Với các thị trường mới nổi lên hiện nay đã thanh toán hết nợ và thế giới trở nên dư thừa tiền mặt, các cơ quan thuộc chính phủ này đang chạy đua quyết liệt để duy trì một vai trò quan trọng trên trường quốc tế.

Họ không hề mất đi tầm quan trọng. Chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ đã thâm nhập vào các thị trường mới nổi, cung cấp các khoản vay (trợ cấp) ưu đãi gắn liền với các bản thỏa thuận liên quan đến việc trao đổi hàng hóa, đứng đầu là dầu. Nhưng những hành động này đã làm gia tăng mức độ căng thẳng và sự giận dữ trong nền kinh tế toàn cầu. Có một nhận thức ngày càng gia tăng rằng trong khi Trung Quốc hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu trong lĩnh vực hàng hóa và các mặt hàng thiết yếu, nhưng đất nước này hầu như không làm gì để tăng cường sự ổn định của hệ thống đó và đôi khi còn ngầm phá hoại sự ổn định của nó.

Về cơ bản, Trung Quốc và những nước khác đang đưa ra mức lãi suất cho vay thấp hơn Ngân hàng Thế giới, và không giống như Ngân hàng Thế giới, các khoản cho vay của họ không liên quan đến tiêu chuẩn bảo vệ môi trường hoặc các quyền con người. Để minh chứng cho việc Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác đang tách mình ra khỏi Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các cơ quan khác, hãy xem xét những gì đã xảy ra tại Washington vào dịp cuối tuần, 14 tháng 4 năm 2007. Các quốc gia công nghiệp hóa đã tổ chức một cuộc họp quan trọng của các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương dưới sự chủ trì của Ngân hàng Thế giới - Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trung Quốc đã không tham gia. Tại cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 10 năm 2007, Trung Quốc đã cử một đại diện của một ngân hàng trung ương tương đối không có quyền lực thay cho các cán bộ cao cấp nhất. Lý do vắng mặt được họ đưa ra là họ bận lo lắng giải quyết các vấn đề trong nước cấp thiết hơn.

Trong chương 4, tôi sẽ làm rõ bản chất đáng lo ngại tiềm ẩn trong mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới trong những năm tới.Ông Greg Mastel, nguyên là cố vấn thương mại cho Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ (2000-2003) cho rằng có rất nhiều ví dụ về sự rối loạn trong tương lai, bao gồm cả các bất đồng sắp tới về chính sách môi trường. Mastel lập luận: “Nếu Trung Quốc miễn cho các ngành công nghiệp hóa chất hoặc thép của họ khỏi bị kiểm soát việc thải khí nhà kính hoặc cung cấp cho họ những khoản trợ cấp lớn thì các ngành công nghiệp cạnh tranh ở Hoa Kỳ và châu Âu sẽ bị bất lợi lớn.” Điều này là bởi vì Quy chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khiến cho Hoa Kỳ và châu Âu tương đối bất lực trong việc đáp trả bằng những biểu thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Trung Quốc. WTO quy định hạn chế thương mại chỉ dành cho “việc bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt.” Các quy định liên quan đến các hành động thương mại để phản ứng lại các chính sách quốc gia về môi trường đang rất mù mờ, ngay cả khi diễn tả một cách nương nhẹ nhất. Mastel thấy trước được tình huống mà trong đó Hoa Kỳ và châu Âu có thể nhận thấy các ngành công nghiệp chủ chốt của mình bị nhấn chìm một cách bất công, với rất ít những lựa chọn hợp pháp mà họ có thể làm để đáp trả.

Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hóa này, nơi mà các dòng vốn đã phải bù vào sự mất cân đối của ngân sách Mỹ và các tài khoản vãng lai, một giả định vẫn không thay đổi - rằng vốn trên toàn cầu phải tiếp tục lưu thông tự do. Nếu các dòng vốn ngừng chảy, cho dù vì lý do chính phủ can thiệp, do động cơ chính trị đảng phái độc đoán hoặc do sự tan vỡ hoàn toàn của trật tự quốc tế như là một tác dụng phụ của một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc thì tiềm năng xảy ra một hiệu ứng bầy đàn tiêu cực toàn cầu là rất lớn. Các nhà quản lý tiền tệ trên toàn cầu trao đổi với nhau. Trong một thế giới mới mà thị trường toàn cầu chi phối dưới ảnh hưởng của tình cảm và tâm lý, chỉ một tác động nhẹ của một nền kinh tế bảo hộ hoặc một cuộc chiến tranh kinh tế giữa các quốc gia cũng sẽ gây hậu quả tai hại.

Chúng ta có thể không thích bản chất phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống này, nhưng đó là thực tế hiện nay. Và trong thế giới mới có mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau này, chủ nghĩa bi quan có thể có khả năng lan truyền mạnh. Các nhà lý luận về thị trường đã nghiên cứu và cho rằng các lực lượng ủng hộ môi trường và các lực lượng đứng sau thương mại tự do đang trên con đường dẫn tới xung đột. Nếu việc Mỹ đang đi theo con đường bảo hộ mậu dịch trở nên rõ ràng thì sẽ có một nguy cơ thực sự rằng niềm tin vào một hình mẫu về vốn lưu thông tự do của các doanh nghiệp toàn cầu có thể sụp đổ chỉ qua một đêm. Mối nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu là rất lớn bởi vì những điều chỉnh theo hướng bảo hộ nền công nghiệp trong nước ngày hôm nay có thể dễ dàng trở thành cuộc chiến tranh hàng hóa và thương mại của ngày mai - dẫn tới một kỷ nguyên mới, đáng lo ngại khi thanh khoản thậm chí còn khan hiếm hơn nữa.

Trong 25 năm gần đây, Mỹ đã bênh vực cho quan điểm lưỡng đảng rằng các thị trường mở, một chủ nghĩa tư bản với tinh thần doanh nhân (entrepreneurial capitalism) được khuyến khích cực kỳ mạnh mẽ và các thị trường vốn quốc tế lưu thông tự do là công thức kỳ diệu của sự thành công về kinh tế. Của cải bắt nguồn từ trí tưởng tượng, sự khám phá, và sự đổi mới. Trong những thập kỷ gần đây, Mỹ đã chứng minh là một mảnh đất màu mỡ thực sự cho các đột phá công nghệ - từ iPod tới Google rồi tới YouTube, mặc dù tình hình bây giờ đang thay đổi.

Diễn biến phức tạp về địa chính trị ở Trung Đông, sự sụp đổ của niềm tin đối với các thị trường tín dụng và kiến trúc tài chính của chúng ta, cùng với sự bất ổn trên toàn cầu nói chung đã phủ một đám mây u ám lên quá trình đổi mới ở Hoa Kỳ. Không có gì là đáng ngạc nhiên khi các giám đốc điều hành các công ty của Mỹ, thậm chí trước cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, đã bắt đầu giảm quy mô kinh doanh, thích mua lại cổ phiếu, sáp nhập và thôn tính hơn là liều lĩnh đầu tư vào các doanh nghiệp mới. Quốc hội Mỹ đã mất hết nhuệ khí cùng với những con số ủng hộ thấp kỷ lục, đã mất niềm tin vào tương lai của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Cơ quan điều hành đó rõ ràng đang suy tính rất kỹ về khả năng đặt nền kinh tế trong tình trạng tạm dừng hoạt động trong một nỗ lực nhằm đạt được một cảm giác an ninh kinh tế giả tạo bằng cách cắt giảm rủi ro.

Quy luật về những hậu quả ngoài dự tính (Law of unintended consequences) có lẽ sẽ thắng thế bởi vì các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới vẫn tin rằng họ có thể kiểm soát nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta sắp khám phá những tác động của quan niệm sai lầm này khi hàng triệu người ra quyết định trên thị trường - những người quản lý của nguồn vốn mới này - cân nhắc những chọn lựa của họ.

Gần đây, có người đã đề nghị tôi nêu những ví dụ cụ thể về tiến triển của nền kinh tế toàn cầu mới. Có đến hàng trăm khả năng. Rốt cuộc, ai có thể dự đoán được sự tàn phá trên toàn cầu là kết quả của sự sụp đổ thế chấp dưới chuẩn của Mỹ? Tôi đã nói rằng hãy tưởng tượng các nhà hoạch định chính sách của Washington đã trở nên liên quan nhiều hơn đến việc thiết lập các tiêu chuẩn kế toán của Mỹ. Bằng cách này người ta đã khiến hình thành một sự phân biệt rõ ràng giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới, điều này gây ra bất lợi cho Mỹ. Động thái này sẽ cô lập Hoa Kỳ theo hướng ngăn cản đầu tư nước ngoài hơn nữa.

Hoặc hãy tưởng tượng Quốc hội Mỹ thiết lập những rào cản đối với quyền sở hữu nước ngoài tại các công ty Hoa Kỳ. Các nước khác trên thế giới đáp lại bằng việc tăng thuế đột ngột/hoặc tăng cường sự quản lý đối với các tài sản của công ty thuộc sở hữu của Mỹ ở nước ngoài. Hãy nghĩ xem viễn cảnh chủ nghĩa quốc gia như vậy có quá cường điệu không? Trong năm 2005, 15 nghị sĩ Dân chủ trong Hạ viện Mỹ đã chuyển hướng để ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Trung Mỹ (CAFTA). Kể từ khi đó, 15 vị nghị sĩ này gần như bị đẩy ra khỏi đảng vì những quan điểm đối nghịch trong vấn đề tự do thương mại của họ.

Hãy tưởng tượng một xu thế chính trị của những người theo chủ nghĩa dân túy đang tăng lên để thay thế thuế tối thiểu trong Luật thuế quan của Hoa Kỳ, ví dụ, với một khoản thuế 70-80% đối với thu nhập cá nhân trên 2 triệu đô la. Kết quả là, một bộ phận quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ tài chính của Mỹ chuyển ra nước ngoài. Điều này gây ra hậu quả ngoài dự tính là giáng một đòn mạnh vào khu vực từ thiện (charity sector) của Hoa Kỳ. Hoặc tưởng tượng rằng Vòng đàm phán mậu dịch Doha sụp đổ vĩnh viễn và sự đồng thuận về tự do thương mại toàn cầu biến mất. Giờ đây tình hình như thể ngàn cân treo sợi tóc. Đột nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị của các thị trường mới nổi tuyên bố rằng họ sẽ không trả tiền cho các bằng sáng chế hoặc các khoản thanh toán bảo đảm đối với các khoản vay liên quan đến bất cứ thứ gì được coi là “hàng hóa công” (dược phẩm, các thiết bị xử lý nước, v.v). Hoa Kỳ trả đũa bằng cách dựng lên những rào cản. Thương mại toàn cầu giảm mạnh trong khi các thị trường tài chính trên thế giới tan vỡ.

Hãy tưởng tượng rằng Washington quyết định hạn chế việc trao đổi sở hữu trí tuệ qua biên giới và các nghiên cứu sinh nước ngoài bị cấm học đại học ở Hoa Kỳ. Trong vòng một vài năm, Hoa Kỳ sẽ giống như châu Âu - vô cùng thiếu tính sáng tạo.

Hãy tưởng tượng một khoản thuế hành chính đầy thiện chí hay một thay đổi quy định nhỏ đối với thị trường ngân khố Hoa Kỳ, gây ra một sự suy giảm nhanh chóng giá trị của trái phiếu kho bạc. Sau đó, một nhóm các nhà buôn trái phiếu doanh nghiệp tại Nhật Bản, hay có nhiều khả năng hơn là cả ở Pháp, tận dụng lợi thế của sự thay đổi này đưa thị trường trái phiếu của Mỹ vào một sự hỗn độn và sụp đổ trên diện rộng. Hoặc tưởng tượng rằng Hoa Kỳ và châu Âu liên kết lại với nhau để điều tiết mạnh đối với hiệu quả sử dụng năng lượng. Họ tạo ra những tiêu chuẩn môi trường dưới những hình thức của một loại thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nền kinh tế thải ra lượng khí carbon lớn, mà Trung Quốc là thủ phạm chính. Trung Quốc trả đũa bằng một hàng rào thuế quan đối với ngành nông nghiệp và ngân hàng của Mỹ, gây ra một sự đổ vỡ ở Phố Wall.

Với các quỹ hưu trí bị áp lực phải tăng lợi suất thu được, hãy tưởng tượng một nỗ lực vụng về của quốc hội Mỹ nhằm giảm bớt rủi ro cho các thương nhân tài chính, điều mà qua thời gian gây ra hậu quả ngoài dự tính của một cuộc khủng hoảng lương hưu, không khác gì so với cuộc khủng hoảng thương phiếu năm 2007. Tưởng tượng một sự tiếp tục của xu thế hậu Sarbanes-Oxley[4] thận trọng, dần dần làm mòn đi tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ. Nghĩ đến những hậu quả không dự tính trước của việc người Mỹ sẽ cảm thấy rằng họ không còn là số một nữa. Ít khả năng cạnh tranh hơn, họ trở nên cáu kỉnh. Quốc hội phản ứng, các vấn đề leo thang, và điều quan trọng nhất cho sự sống mới của nền kinh tế toàn cầu - tính thanh khoản - bị cạn kiệt thêm. Lãi suất tăng vọt và vòng xoáy của sự kinh hoàng trong kinh tế bắt đầu. Và đối với các nhà đầu tư bình thường, không có nơi nào để họ trú ẩn.

Từng tháng trôi qua, hệ thống toàn cầu đang càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Gần đây, các nỗ lực đã được phát động nhằm đưa ra ảnh hưởng chính trị lớn hơn của Quốc hội Hoa Kỳ đối với CFIUS[5] (Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ), một cơ quan chính phủ có quyền từ chối cấp phép cho các khoản đầu tư nước ngoài vào Mỹ dựa trên những lý do về an ninh quốc gia. CFIUS, cơ quan thực hiện chức năng chính sách công quan trọng, có mục tiêu là khoảng một chục quỹ đầu tư thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài (được gọi là SWF[6] - Quỹ Đầu tư quốc gia nước ngoài) thuộc sở hữu của các quốc gia phụ thuộc vào những hàng hóa độc quyền (Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Dubai, Nga, v.v…), những quỹ này kiểm soát khoảng 2,5 nghìn tỷ đô la.

Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các nỗ lực cần thiết này (nhắm tới việc giám sát chặt chẽ hơn của các quỹ đầu tư thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài) có đi quá xa so với mục tiêu đề ra của họ hay không, tức là chỉ giám sát vì lợi ích quốc gia (tức lợi ích của Mỹ - ND) mà thôi. Những dấu hiệu ban đầu hoàn toàn không có tính khích lệ chút nào. Hiện nay Ủy ban châu Âu (EC) đang trong tiến trình thực hiện những quy định mang tính hạn chế hơn nhiều so với những gì Hoa Kỳ dự định. Người ta nghi ngại rằng các quan chức của châu Âu đang sử dụng tình hình này như một lý do để tăng kiểm soát mang tính điều tiết nhiều hơn đối với các thị trường tài chính nói chung. Một trong những mục tiêu của họ là để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước ngành dịch vụ tài chính vốn có tính cạnh tranh cao của Mỹ.

Tuy nhiên, những lo lắng mang tính chính trị của phương Tây về các quỹ thuộc sở hữu nhà nước này không thể xóa bỏ được. Nói gì thì nói, Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế sản xuất dầu kiểm soát một lượng lớn các khoản dự trữ vượt trội của thế giới. Cuối cùng, liệu người Mỹ sẽ cảm thấy thoải mái khi cho phép, chẳng hạn như chính phủ Nga do KGB (Ủy ban An ninh của Nhà nước Liên Xô cũ) kiểm soát, hay chính phủ Trung Quốc mua 10 hay 15 phần trăm tiền góp vốn vào Microsoft, Google… hoặc Boeing, từ đó có tiềm năng giữ một ghế trong Hội đồng quản trị và có quyền tiếp cận các thông tin độc quyền hay không? Và nếu không thì chính phủ Nga, Trung Quốc, và Saudi Arabia sẽ phản ứng lại những khoản đầu tư khổng lồ từ các chính phủ phương Tây vào nền kinh tế của họ như thế nào? Chúng ta có thể kẻ đường ranh phân cách giữa một bên là các doanh nghiệp tự do trên thị trường toàn cầu, và một bên là những quyết định chiến lược của các tổ chức đầu tư do chính phủ kiểm soát theo đường lối chính trị ở đâu?

Trong một chuyến đi vòng quanh châu Âu gần đây, tôi đã nói chuyện với người đứng đầu của một ngân hàng trung ương lớn của châu Âu. Ông đã kể cho tôi nghe về chuyến viếng thăm Thượng Hải gần đây của ông. Khi mời khách đi du lịch quanh thành phố, chính phủ Trung Quốc đã đưa ông đi bằng xe hơi 35 phút ra khỏi Thượng Hải tới một “thành phố” nhỏ với các cao ốc văn phòng lớn, mới tinh, hoàn toàn bị bỏ trống. Vị quan chức châu Âu hỏi vị quan chức nước chủ nhà: “Các tòa nhà này thật hùng vĩ, nhưng tất cả còn bị bỏ trống. Tại sao vậy?”. Vị chủ nhà Trung Quốc trả lời: “Các cao ốc văn phòng sẽ không bị bỏ trống lâu. Chúng sẽ sớm trở thành nơi làm việc của các nhân viên thuộc cơ quan phụ trách đầu tư nước ngoài mới của chính phủ chúng tôi.” Khách lại nhận xét: “Tôi có thể thấy chính phủ các ngài đang xác định lại khái niệm về dự trữ của ngân hàng Trung ương. Chúng không còn là dự trữ nữa; chúng là vốn đầu tư của chính phủ các ngài đang sẵn sàng tham gia vào một cuộc mua bán trên toàn cầu.” Và câu trả lời của vị quan chức nước chủ nhà Trung Quốc: “Có lẽ đúng là như vậy” đã dẫn đến một câu hỏi: Liệu các nền kinh tế công nghiệp hóa trên thế giới có một chiến lược hiệu quả để hiểu được bản chất của những dòng đầu tư đang được dự tính này hay không?

Thêm vào mớ bòng bong này, hầu hết các quỹ đầu tư quốc gia (SWF), thật mỉa mai, cho đến nay đều có xu hướng quan tâm chủ yếu đến các khoản đầu tư dài hạn, không sử dụng đòn bẩy tiền vay và khá là thụ động tại các doanh nghiệp phương Tây. Nói cách khác, đến nay, thật may mắn là các quỹ này có nhiều khả năng sẽ là những cơ quan cuối cùng bán ra trong sự sụp đổ của thị trường. Trong chương kế tiếp, tôi sẽ thảo luận về nhóm những nhà đầu tư quốc tế lưu động được gọi là các quỹ đầu cơ phòng vệ (hedge funds). Có thể là trong bối cảnh suy yếu kinh tế toàn cầu phổ biến rộng rãi, kịch bản sau đây mở ra: Các quỹ đầu cơ phòng vệ bỏ qua, hoặc không đặt niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu, trong khi các quỹ đầu tư quốc gia kết hợp chặt chẽ với các ngân hàng trung ương trong thế giới công nghiệp để chống lại chủ nghĩa bi quan bằng các khoản đầu tư lớn trên các thị trường của thế giới công nghiệp. Tình hình càng phức tạp hơn khi một số SWF nhỏ và độc lập hơn có thể bán chứng khoán ra dưới dạng đầu tư vào loại quỹ đầu cơ tư nhân thông qua những nhóm thương mại quốc tế, gọi là quỹ của quỹ (funds of funds).

Những gì mà tất cả những điều này tạo nên là thế giới ngày nay dường như đang chuyển ra khỏi mô hình toàn cầu hóa và các thị trường tự do không bị ràng buộc của những thập kỷ gần đây hướng tới một cái gì đó giống như mô hình toàn cầu hóa của thế kỷ XIX - một kỷ nguyên mới, hám lợi hơn của các đối thủ không xuất đầu lộ diện, của việc thực hiện các giao dịch và những căng thẳng dựa trên các chương trình nghị sự chính trị quốc gia đầy tham vọng và những chuyển dịch vốn dưới sự kiểm soát của chính phủ. Sự phối hợp chính sách đầy thiện chí và ngây thơ của nhóm các quốc gia công nghiệp hóa G7 theo định hướng dân chủ trong những thập kỷ gần đây, tuy rất ít ỏi, nhưng cũng đang mờ nhạt đi rất nhanh. Cái được gọi là thế giới thị trường tự do kiểu Anglo-Saxon đang bị vây hãm. Kết cục là khả năng toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu bị gián đoạn đang tăng lên theo cấp số nhân.

Chưa thuyết phục ư? Một trong những điều góp phần tạo nên mức giá dầu cao ngất như hiện nay là sự tích trữ của các chính phủ có quyền lực. Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước tiêu thụ chính đang thao túng thị trường thế giới bằng cách tăng dự trữ năng lượng với những kỳ vọng bán được giá cao hơn. Như nhà phân tích Harald Malmgren đã lưu ý: “Những kỳ vọng về giá tăng cũng đang làm giảm động lực (của các doanh nghiệp sản xuất dầu) trong việc đẩy mạnh sản xuất khi mà dầu ở trên mặt đất giống như một tài sản có giá trị ngày càng tăng.” Các thực thể khác trên toàn cầu hiện đang dự trữ dầu gồm các dịch vụ quân sự, nông dân, các công ty vận tải, các nhà sản xuất phân bón và nhựa, các nhà máy điện, và những người sử dụng với quy mô lớn. Cũng cần lưu ý rằng nếu giá năng lượng tiếp tục tăng cao hơn nữa thì tác động của nó đến giá lương thực thế giới sẽ rất lớn, vì giá phân bón và giá vận chuyển trong nông nghiệp tăng vọt.

Ngày nay, thế giới đang trải qua một sự thay đổi mang tính kiến tạo trong lĩnh vực tài chính. Hoa Kỳ, một quốc gia từng là thành trì của niềm tin vào sự minh bạch, quy định của pháp luật, môi trường tốt, và các điều kiện tổng thể đã giúp tăng năng suất kinh tế thì giờ đây bắt đầu được nhìn nhận với một số thái độ hoài nghi trên khắp thế giới. Nước Mỹ nhận ra mình ở một vị thế bấp bênh tại chính thời điểm mà các quốc gia khác đã cạnh tranh với các hoạt động nâng cao năng suất của Mỹ và đã bắt đầu trở thành những mục tiêu tương đối hấp dẫn đối với hoạt động đầu tư trên toàn cầu. Kết quả là trung tâm của hoạt động tài chính toàn cầu đã bắt đầu dịch chuyển xa dần thực tế vốn đặt Mỹ vào tâm chấn động của mọi thứ liên quan đến tài chính - không khác mấy so với tình huống mà nước Anh gặp phải trong thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ I.

Vẫn chưa thuyết phục ư? Gần đây, một chuyên gia của một ngân hàng Thụy Sĩ đã mô tả cho tôi tiến trình tài trợ (với số tiền khiêm tốn) của ngân hàng cho đợt bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng của một công ty Trung Quốc. Trong việc thực hiện giao dịch, người Trung Quốc thực hiện một động thái không bình thường là bỏ qua các trung tâm tài chính New York và London, theo truyền thống là giao điểm của các trung gian tài chính toàn cầu, và trực tiếp giao dịch với các nguồn tài chính Dubai - một điều mà có thể không bao giờ được nghe thấy trong một thập kỷ trước. Do sự bất ổn xung quanh hệ thống tài chính Mỹ hiện nay, theo sau thảm họa cho vay dưới chuẩn, Mỹ đang có nguy cơ mất đi sự độc đáo đã từng được biết đến như là một nơi đáng tin cậy cho đầu tư toàn cầu.

Đó là lý do tại sao các thị trường vốn trên thế giới đã trở nên bấp bênh thực sự. Thế giới đang có nguy cơ mất đi chỗ dựa, mất đi tiếng nói tuy còn khiếm khuyết nhưng đáng tin cậy trong việc kiên quyết ủng hộ thương mại tự do và các thị trường vốn mở - đó là nước Mỹ. Nhưng để thật sự hiểu được những rủi ro xảy ra phía trước, chúng ta cần phải biết làm thế nào mà chúng ta lại lâm vào tình trạng khó khăn hiện tại. Nói cách khác, toàn cầu hóa đã xảy ra như thế nào và những mối nguy hiểm đáng sợ đang ẩn nấp ngay quanh đây là gì?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3