Sổ Tay Sửa Lỗi Hành Văn - Chương 01

NHÓM BIÊN SOẠN

MỘT ÍT LÝ THUYẾT VỀ LỖI NGỮ PHÁP

1. Thế nào là một lỗi ngữ pháp?

Ngữ pháp hiểu theo nghĩa rộng là cách tổ chức bên trong của ngôn ngữ. Là một hệ thống dấu hiệu bằng âm thanh được dùng làm công cụ giao tế, ngôn ngữ phải tổ chức các âm thanh như thế nào để một hệ thống đơn vị có số lượng hữu hạn có thể kết hợp với nhau mà làm thành những tín hiệu (những thông điệp, những phát ngôn) có số lượng vô hạn: Ngôn ngữ phải cho phép con người nói ra bất cứ một ý gì mình muốn nói, kể cả những ý chưa bao giờ có ai nói ra cả. Tính phức tạp và yêu cầu phát triển không ngừng của xã hội đòi hỏi như vậy. Nhưng làm sao một tín hiệu chưa bao giờ gặp, mà người bản ngữ mới nghe lần đầu vẫn hiểu được? Sở dĩ có thể có được điều kỳ diệu đó là vì cái tín hiệu hoàn toàn mới ấy dùng toàn những đơn vị mà người nghe đã biết sẵn, được kết hợp lại theo những quy tắc mà người ấy cũng đã quen thuộc. Ngữ pháp, hiểu theo nghĩa hẹp, chính là tổng số những quy tắc ấy.

Những quy tắc tổ chức các đơn vị thành tín hiệu (thành câu) được người bản ngữ quy nạp ra một cách không tự giác từ những lời nói đã nghe được, và dần dần, vào những năm cuối cùng của tuổi thơ ấu, họ đã có được một hệ thống ngữ pháp hoàn chỉnh về cơ bản trong đầu, cho phép họ diễn đạt được bất cứ ý nghĩ nào dưới một hình thức phù hợp với những tập quán diễn đạt của toàn khối cộng đồng ngôn ngữ của họ. Đây là một thứ tri thức ẩn mặc - không nói ra thành lời được - nhưng là một tri thức tuyệt đối. Về nguyên tắc, người bản ngữ không thể nói sai ngữ pháp được, nếu ta không kể những trường hợp nói nhịu nhầm mà xung quanh và ngay người vừa nói nữa cũng nhận thấy ngay. Những quy tắc được trình bày trong các sách ngữ pháp chính là đúc kết từ những tập quán nói năng của cả khối cộng đồng những người bản ngữ.

Nhưng nếu thế thì tại sao lại có trường hợp được coi là một lỗi ngữ pháp của người bản ngữ? Ở đây cần phân biệt rõ hai trường hợp rất khác nhau.

Ngôn ngữ vốn chuyển biến không ngừng. Không những từ ngữ, cách phát âm, mà ngay cả ngữ pháp cũng chuyển biến theo thời gian, tuy chậm hơn nhiều. Và trong những nguyên nhân quy định những sự chuyển biến của ngôn ngữ có cả những “lỗi” của thế hệ sau trong khi hấp thu ngôn ngữ. Những sự đổi khác đó ban đầu có thể bị thế hệ trước trấn áp quyết liệt. Nhưng nếu nó phù hợp với xu thế phát triển của ngôn ngữ (chẳng hạn như khi nói tạo nên một sự tiết kiệm quy tắc hay làm mất một sự thiếu cân bằng), dần dần nó sẽ thắng và sẽ dành được địa vị chuẩn, nghĩa là sẽ được mọi người coi như “đúng ngữ pháp” hơn cách nói trước kia, nay đã trở thành “cổ”.

Trong những trường hợp như thế, nhà ngôn ngữ học không bảo thủ sẽ có thái độ rộng rãi đối với hình thái mới và sẵn sàng chấp nhận nó sau khi đã nghiên cứu nó kỹ về phương diện hiệu quả giao tế cũng như về phương diện thống kê.

Mặt khác, trong quá trình chuyển biến, phát triển, một ngôn ngữ có thể tiếp thu những từ ngữ, những kiểu nói, những cách đặt ngôn ngữ khác, nhằm làm cho mình dồi dào phương tiện hơn. Thường thường, những sự tiếp thu này, trong thời gian đầu chỉ liên quan đến những khu vực “văn hóa” của ngôn ngữ, nghĩa là chỉ thấy có trong văn khoa học, tôn giáo, triết học, v.v., cho nên quần chúng trung bình còn bỡ ngỡ khi nghe hay dùng những cách viết hay nói như vậy. Và vì không mấy khi sử dụng được cái cảm thức vốn có của mình để xử lý những cách nói như vậy, người bản ngữ trung bình (nhất là khi còn ít tuổi hay chưa có trình độ văn hóa cao) không quy nạp được những quy tắc chi phối cách cấu tạo của những câu ít quen thuộc đó, cho nên khi tự mình đặt câu theo kiểu mới tiếp thu được, họ có thể sai. Những kiểu câu không phải du nhập từ tiếng nước ngoài, những thể loại văn nhất định hay ngay cả những kiểu câu chỉ dùng trong văn viết chứ không dùng trong khi nói chuyện bình thường cũng có thể bị dùng sai như vậy nếu không có sự hướng dẫn và luyện tập đầy đủ.

Thường thường trong khi nói năng, người bản ngữ có thể tránh hẳn những kiểu câu mình chưa nắm vững (dĩ nhiên nếu người đó không có thói ăn nói cầu kỳ); nhưng trong khi viết hay trong khi phát biểu ở những môi trường nhất định, họ có thể vì yêu cầu của hoàn cảnh mà buộc lòng phải dùng đến những kiểu câu chưa nắm vững đó.

Đối với loại lỗi này, người làm công tác giảng dạy hay biên tập cần có thái độ nghiêm khắc hơn. Ỏ đây có thể tin chắc rằng chuyện dùng sai không hề do “xu hướng chuyển biến tự nhiên” của ngôn ngữ mà ra, tuy có thể chịu sự chi phối của những quy luật nào đó của bản ngữ làm cho người dùng dễ bị nhầm lẫn. Nói chung, những lỗi này thường làm cho câu văn không tuân theo những quy tắc vốn có của bản ngữ (chứ không riêng gì của thứ tiếng làm cội nguồn cho sự tiếp thu). Nếu người nghiên cứu đã xác định được như vậy, thì người giáo viên hay biên tập viên cần kiên quyết sửa lại cho đúng.

Dĩ nhiên không phải bao giờ việc xác định đó cũng dễ dàng, và ta có thể gặp những trường hợp mà người này cho là viết đúng ngữ pháp, nhưng người kia lại cho là sai: Mỗi người đều có cái lý của mình.

Trong những trường hợp như thế, giáo viên nên căn cứ vào tính đặc thù của trường học mà giải quyết: Ở đây, học sinh cần học và sử dụng những cách nói, những cách viết chững chạc và chắc chắn đúng nhất, những cách mà không ai có thể chê trách (hay nghi ngờ) là sai, mặc dầu có thể có những nhà văn, nhà báo nào đó dùng những cách nói, cách viết đó. Chẳng qua đó cũng là một nguyên tắc cơ bản của nhà trường: Trước khi học múa, phải học đi cho vững đã.

Một nguyên nhân nữa khiến cho học sinh dễ dùng sai những kiểu câu không thông dụng trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày là một số giáo viên có xu hướng dạy cho học sinh bắt chước thật giống những cách nói của các báo chí và các bài diễn văn, những bài xã luận về các vấn đề được lấy làm chủ đề cho các bài tập làm văn nhiều hơn là luyện cho học sinh diễn đạt được một cách chính xác, trong sáng và độc đáo những ý nghĩ của chính mình. Vì quá ít thì giờ chấm bài, nhiều giáo viên chỉ lướt qua bài tập xem có mặt đủ những công thức cần thiết (những câu, những ngữ đoạn có sẵn trong các văn kiện được dùng làm mẫu) hay không; nếu đủ thì cho điểm cao, mặc dầu bài tập chỉ là một chuỗi những công thức như thế được ghép lại một cách máy móc; còn nếu không thấy có những công thức như thế thì cho điểm thấp, mặc dầu bài tập là một văn bản lưu loát, chững chạc và đầy những ý nghĩ, tình cảm chân thành và được diễn đạt một cách độc đáo, mới mẻ. Dần dần, học sinh chỉ lo nhớ mẫu, không nghĩ đến nội dung, cho nên trong khi bắt chước những cách hành văn không mấy quen thuộc, họ có thể nhớ nhầm, chắp kết cấu này vào kết cấu khác một cách thiếu suy xét, viết thành những câu đầu Ngô mình Sở.

Vì vậy trong các bài tập sử dụng các kiểu câu hay sai, chúng tôi có chú ý đến việc tập cho học sinh diễn đạt một ý bằng nhiều cách khác nhau, nhất là những cách diễn đạt có vẻ như giống nhau nhưng có những điều kiện sử dụng khác nhau mà học sinh dễ lẫn lộn.

2. Câu có trạng ngữ đặt ở đầu

Câu có trạng ngữ đặt ở đầu vốn là một kiểu câu thông dụng trong tiếng Việt. Cũng như khi được dùng ở vị trí khác, trạng ngữ ở vị trí đầu câu có thể chỉ nơi chốn, thời gian, điều kiện, nguyên nhân, phương thức, trở ngại, và cũng có thể cấu tạo bằng một giới ngữ (tổ hợp mở đầu bằng một giới từ), một tính ngữ, một động ngữ, v.v.. Nói chung, bất kỳ trạng ngữ nào, đã có thể dùng ở phía sau động từ hay ở một vị trí khác trong câu, thì đều có thể dùng ở đầu câu. Có chăng chỉ trừ những trạng ngữ phương thức mở đầu bằng một cách, chỉ dùng sau động ngữ.

Dĩ nhiên, về phương diện cú pháp, khi đặt ở đầu câu, trạng ngữ vẫn giữ chức năng trạng ngữ, nhưng về phương diện nội dung thông báo, ở vị trí này trạng ngữ có cương vị đề (hay chủ đề) của câu, và do đó dễ bị lẫn lộn với những thành phần khác của câu có cương vị chủ đề, nhất là chủ ngữ. Khi đã nhầm trạng ngữ với chủ ngữ, họ sẽ dùng sau trạng ngữ đó những động từ không phải là động từ vô nhân xưng, nghĩa là những động từ đòi hỏi một chủ ngữ như cho, làm cho, cho phép, đòi hỏi, khiến v.v..

Mặt khác, nếu trạng ngữ đặt ở đầu câu là những giới ngữ hơi dài và hơi phức tạp, nhất là khi giới ngữ này mở đầu bằng một động từ dùng như giới từ, chẳng hạn như qua, đến, về, thừa, nhận, hoặc khi trung tâm trạng ngữ là một động từ không có chủ ngữ hoặc một mệnh đề mà chủ ngữ là một danh từ chỉ một bộ phận của vật hay người được biểu thị bằng chủ ngữ của câu, chẳng hạn như trong tay cầm sách, anh bước vào phòng, học sinh dễ nhầm trạng ngữ với một câu (một mệnh đề độc lập) và do đó có thể dùng những liên từ không đúng chỗ.

Nói một cách vắn tắt, tất cả cái cơ chế của những lỗi ngữ pháp trong cách dùng câu có trạng ngữ đặt ở đầu chỉ có thế. Tuy nhiên, có một vấn đề lý luận cần bàn thêm chút ít.

Có thể có nhiều giáo viên hay nhà nghiên cứu không nhất trí với chúng tôi khi chúng tôi nhận định những trường hợp nói trên là những lỗi. Quan điểm của họ có một cơ sở rất vững vàng là biên độ phổ biến rất lớn và tần số xuất hiện rất cao của những kiểu nói hay viết mà chúng tôi cho là sai. Quả nhiên, chỉ cần đọc một số báo hàng ngày, nghe một buổi phát thanh, hay xem một buổi truyền hình cũng có thể nhặt ra được vài ba chục câu phạm lỗi khi dùng trạng ngữ ở phần đầu như thế. Điều đó khiến ta phải suy nghĩ kỹ xem tại sao người Việt phạm lỗi kiểu này nhiều đến thế: Phải chăng đó là một xu hướng tự nhiên của tiếng Việt?

Như trên kia đã nói, trạng ngữ hay bị nhầm với chủ ngữ khi được đặt ở vị trí chủ đề vốn là vị trí tiêu biểu của chủ ngữ. Vấn đề nên đặt ra ở đây là phải chăng trong tiếng Việt không làm gì có sự phân biệt giữa chủ đề và chủ ngữ, và chính điều đó cho phép người Việt dùng trạng ngữ ở chỗ lẽ ra phải có chủ ngữ?

Theo ý chúng tôi, trong tiếng Việt vai trò của chủ ngữ trong câu quả không quan trọng bằng vai trò của chủ đề. Chức năng cú pháp của một ngữ đoạn, trong đó có chức năng chủ ngữ mà nội dung ngữ nghĩa tiêu biểu nhất là chỉ kẻ (vật) hành động, hay mang tính chất, hay trải qua trạng thái (khác với bổ ngữ mà nội dung tiêu biểu là chỉ kẻ (vật) làm đối tượng hay mục tiêu cho hành động hay vận động) và với các chức năng khác, trong đó có chức năng trạng ngữ, lệ thuộc rất nhiều vào nghĩa của từ ngữ, đến nỗi nhiều khi rất khó xác định đâu là chủ ngữ, đâu là bổ ngữ. Chẳng hạn trong hai câu:

Bác sĩ N. mổ rồi và Bệnh nhân N. mổ rồi

ta khó lòng mà căn cứ vào vị trí để xác định bệnh nhân là chủ ngữ hay là bổ ngữ,[1] tuy ta biết rõ bác sĩ chắc phải là người làm cái việc mổ, còn bệnh nhân chắc phải là kẻ được người ta mổ cho.

Mặt khác, vị trí đầu câu của bác sĩ và bệnh nhân cho phép ta khẳng định một cách chắc chắn rằng cả hai đều là chủ đề của câu. Vậy liệu có thể nói rằng khi đã đứng ở vị trí đầu câu làm chủ đề rồi thì không có sự phân biệt về chức năng cú pháp hay không? Trước đây đã có nhà nghiên cứu chủ trương rằng trong những câu như Trên trời có đám mây xanh, trên trời là chủ ngữ của có, và đồng thời cho rằng trong tiếng Việt chủ ngữ chẳng qua là một thứ phụ ngữ ngang hàng với bổ ngữ hay trạng ngữ, cho nên hễ cái gì đứng trước động từ thì đều có thể coi là chủ ngữ. Nếu theo quan niệm này thì quả những cách nói mà chúng ta cho là sai đều phải coi là bình thường.

Tuy nhiên sự tình không phải đơn giản như nhà nghiên cứu nói trên nghĩ. Giữa trên trời có mây hay trời có mây với trời có mắt có một sự khác biệt rất rõ ràng: Trong hai câu trước, trời là trạng ngữ, và có là một động từ “tồn tại” vô nhân xưng. Sở dĩ có thể bỏ trên được là nhờ chủ nghĩa không gian của trời. Còn trong câu sau, trời là chủ ngữ của động từ ngoại động có mang ý nghĩ, sở hữu, cho nên không thể thêm trên: trên trời có mắt là một câu không thể chấp nhận được.

Mặt khác, trong tiếng Việt trạng ngữ đứng đầu câu nhiều khi có thể bỏ đi được. Tuy khi bỏ trạng ngữ, câu có thể khác nghĩa đi, nhưng về ngữ pháp nó vẫn là một câu có vẻ như chấp nhận được, tuy không phải là một câu đúng. Điều có thể giúp ta hiểu tại sao coi những câu như Trong tình hình đó đòi hỏi ta phải cố gắng hay Trong gian khổ nhưng anh vẫn không sờn lòng là những câu sai ngữ pháp, vì giới ngữ (ngữ đoạn mở đầu bằng giới từ) không thể làm chủ ngữ hay làm câu mà chỉ có thể làm trạng ngữ, và khi bỏ hai trạng ngữ mở đầu bằng trong trên đây câu trở nên không chỉnh. Câu trước thiếu chủ ngữ, còn câu sau không có phần tiền đề cho phép dùng nhưng.

Nói tóm lại, trong tiếng Việt vẫn có sự phân biệt về ngữ pháp giữa chủ đề chủ ngữ và chủ đề trạng ngữ, cho nên cần tập cho học sinh phân biệt thật rõ giữa hai bên, và thấy rõ ràng sự lẫn lộn giữa hai chức năng này đưa đến chỗ dùng sai vế sau của câu. Thay vì Trong tình hình đó đòi hỏi ta phải cố gắng, phải nói 1. Trong tình hình đó, ta phải cố gắng, hay 2. Tình hình đó đòi hỏi ta phải cố gắng.

Mặt khác, học sinh cần phân biệt thật rõ những động từ có thể khuyết chủ ngữ và những động từ vô nhân xưng với những động từ cần có chủ ngữ (chủ ngữ đó chính là cái mà học sinh trình bày thành một trạng ngữ).

Theo thống kê của chúng tôi, những lỗi về cách dùng câu có trạng ngữ đặt ở trước đặc biệt phổ biến và dễ mắc trong những câu tương đối dài, và nhất là khi chính cái trạng ngữ hữu quan làm thành một cụm từ phức hợp trong đó có nhiều định ngữ, nhất là định ngữ làm thành mệnh đề. Chẳng hạn trong câu:

“Đã đành rằng ai cũng sẽ chết, nhưng với một nhà thơ yêu cuộc đời, yêu sự sống, yêu tình yêu, tuổi trẻ, yêu thơ ca, yêu bè bạn như vậy, giờ đây đã thành người của thế giới khác rồi”.

Ta thấy có hai lỗi: thứ nhất là câu chưa hết (một nhà thơ như thế mà mất sớm thì thế nào chứ?); thứ hai là từ với làm cho câu không còn chủ ngữ nữa. Những lỗi này sở dĩ phạm phải là vì câu hơi dài và khi viết đến phần cuối tác giả đã kịp quên mất mình đã viết cái gì ở phần đầu.

Do đó khi tập phân tích lỗi cũng như khi tập đặt câu, cần có một quá trình tuần tự đi từ những câu ngắn như “với một nhà thơ trẻ như thế mà nay đã mất rồi” kế đến là “Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng một nhà thơ như thế mà nay đã mất rồi” trong đó học sinh sẽ rất dễ nhận thấy lỗi và phân tích nó, rồi tiến dần đến những câu phức tạp như câu đã dẫn trên kia, cho đến khi nào học sinh phát hiện được một cách nhanh chóng và “máy móc” những lỗi tương tự dù có bị che khuất dưới một mớ từ ngữ phụ rườm rà, và bản thân họ khi viết văn dù có dùng nhiều từ ngữ rườm rà bao nhiêu cũng vẫn nhớ được cái cấu trúc lõi của câu.

[1] Nói cho đúng hơn, vấn đề ở đây là phân biệt giữa nghĩa chủ động và nghĩa bị động. Chúng tôi tạm coi bệnh nhân là “bổ ngữ” làm chủ đề như một số tác giả chủ trương.

NHỮNG LỖI CỤ THỂ VÀ CÁCH CHỮA

1. Những lỗi kiểu “Qua kinh nghiệm cho nên ta thấy rằng”

A. PHÂN TÍCH LỖI: Trong kiểu lỗi này học sinh vô tình xử lý trạng ngữ như một câu (mệnh đề) phụ, trong câu phụ đó chủ ngữ được hiểu ngầm cũng chính là chủ ngữ của phần sau của câu (mà học sinh coi là mệnh đề chính). Do đó, các em dùng một liên từ giữa trạng ngữ và phần sau của câu.

Kiểu lỗi này đặc biệt hay gặp ở trạng ngữ mở đầu bằng một động từ dùng như giới từ (qua, thông qua, về...). Điều cần lưu ý là ngay cả trường hợp động từ được dùng như động từ (làm trung tâm của một động ngữ, trước bổ ngữ chẳng hạn) thì kiểu câu này trong đa số trường hợp vẫn không ổn. Ví dụ như câu: “Qua sông cho nên ta dùng thuyền”.

B. SỬA LỖI: Kiểu câu sai này có thể chữa bằng cách bỏ liên từ nối phần sau của câu và thay vào đó dấu phẩy: như vậy ta sẽ có một câu với trạng ngữ đứng ở vị trí đầu câu. Chẳng hạn như câu: “Qua kinh nghiệm cho nên ta thấy rằng”, sẽ được viết lại cho đúng như sau: “Qua kinh nghiệm, ta thấy rằng”.

C. NHỮNG TRƯỜNG HỢP TƯƠNG TỰ:

- Với tinh thần hăng say chiến đấu cho nên chúng ta nhất định sẽ thắng được bọn đế quốc xâm lược.

- Để đáp lại công lao của tổ tiên đã có công dựng nước do đó chúng ta phải ra sức bảo vệ đất nước.

- Sau khi bị bọn thực dân đế quốc xâm lược nên nhân dân ta phải chịu nhiều hi sinh mất mát.

- Bằng giọng thơ giàu nhạc điệu do đó Tố Hữu đã làm cho người đọc cảm xúc mạnh.

- Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) cho nên chúng tôi đã tổ chức một buổi họp mặt chị em phụ nữ thật là vui vẻ.

- Trong khi bị bọn Tưởng Giới Thạch giam cầm nhưng Bác lúc nào cũng hướng về quê hương đất nước.

- Thông qua thư mục sách văn học do đó cán bộ thư viện biết được giá trị nội dung của từng ấn phẩm.

- Cùng truyền thống của cha ông cho nên thế hệ trẻ Việt Nam đã lên đường một cách rất là hăng hái.

- Trong sự bế tắc chung đó cho nên chúng tôi đã không thể thực hiện được những điều đã ghi trong nghị quyết.

- Với một dân tộc nhỏ bé như thế mà đã thắng được đế quốc Mỹ cho nên cả thế giới phải khâm phục về Việt Nam.

- Cùng một nhận thức như Mác-Lênin cho nên Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước.

- Với tài nguyên phong phú nên biết bao kẻ thù đã dòm ngó đất nước ta với ý đồ xâm chiếm.

- Theo NQ của UBNDTP nên chúng ta đã thi hành các biện pháp đó.

D. NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG LỖI HAY CÓ THỂ DUNG THỨ:

1. Trạng ngữ có vì, bởi, tại, tại vì có thể nối với phần sau của câu bằng cho nên hay nên. Ví dụ:

“Vì trời mưa cho nên tôi đến muộn”.

“Bởi quá tin lời bạn bè nên hắn mới ra nông nỗi ấy”.

2. Trạng ngữ có tuy, mặc dầu (nhưng không phải dù, dẫu cho) có thể nối với phần sau bằng nhưng hay song. Ví dụ:

“Tuy không phải là đoàn viên (nhưng) chị vẫn rất tích cực”.

“Mặc dầu đã được nhắc nhở nhiều lần (song) hắn vẫn chứng nào tật nấy”.

Đ. BÀI TẬP:

1. Phân tích lỗi trong các câu trên (ở phần C).

2. Đặt câu với từng giới từ để diễn đạt những ý cho sẵn.

BÀI MẪU A - Đặt câu với với để diễn đạt ý sau đây:

“Anh mà giúp cho thì thế nào tôi cũng làm được”

Trả lời: Với sự giúp đỡ của anh, (thì) thế nào tôi cũng làm được.

BÀI MẪU B - Dùng một trạng ngữ có qua để diễn đạt ý sau đây:

“Sau khi bị thất bại mấy lần, anh ta đã thận trọng hơn”.

BÀI MẪU C - Dùng giới từ trong cho một câu có nội dung như sau:

“Họ gian khổ và thiếu thốn nhưng vẫn vui tươi”.

Trả lời: Trong gian khổ và thiếu thốn, họ vẫn vui tươi.

3. Đặt câu với giới ngữ và tập diễn đạt bằng những kiểu câu khác.

BÀI MẪU A. Đặt câu với qua (động từ dùng như giới từ).

+ “Qua quá trình lao động, chúng ta đã trưởng thành về mọi mặt”.

Lỗi có thể có: “Qua quá trình lao động do đó (cho nên) chúng ta đã trưởng thành về mọi mặt”.

Cách diễn đạt khác:

- Chúng ta trưởng thành về mọi mặt nhờ trải qua quá trình lao động.

- Lao động giúp chúng ta trưởng thành về mọi mặt.

- Chúng ta đã trải qua quá trình lao động cho nên đã trưởng thành về mọi mặt.

+ “Qua kỳ thi vừa rồi, nhà trường đã chọn được một số học sinh xuất sắc”.

Lỗi có thể có: “Qua kỳ thi vừa rồi nên nhà trường đã chọn được một số học sinh xuất sắc”.

Diễn đạt khác:

- Nhà trường đã chọn được một số học sinh xuất sắc qua kỳ thi vừa rồi.

- Một số học sinh xuất sắc được nhà trường chọn qua kỳ thi vừa rồi.

+ “Qua thơ văn, chúng ta có thể hiểu được phần nào tâm tư, hoài bão của tác giả”.

Lỗi có thể có: “Qua thơ văn do đó chúng ta có thể hiểu được phần nào tâm tư, hoài bão của tác giả”.

Diễn đạt cách khác:

- Chúng ta có thể hiểu được phần nào tâm tư, hoài bão của tác giả qua thơ văn của ông.

- Tâm tư, hoài bão của tác giả chúng ta có thể hiểu được phần nào qua thơ văn của ông.

- Thơ văn có thể cho chúng ta hiểu được phần nào tâm tư, hoài bão của tác giả.

BÀI MẪU B. Đặt câu với với.

+ “Với một sự cố gắng lớn như vậy, thế nào ta cũng đạt được kết quả tốt”.

Lỗi có thể có: “Với một sự cố gắng lớn như vậy nên thế nào ta cũng đạt được kết quả tốt”.

Diễn đạt cách khác:

- Những cố gắng của chúng ta thế nào cũng sẽ đem lại những kết quả tốt.

- Chúng ta thế nào cũng đạt được kết quả tốt khi đã cố gắng như thế.

+ “Với một ý chí không gì lay chuyển nổi, nhân dân ta đã đánh đuổi hai đế quốc xâm lược: Pháp, Mỹ; giành chiến thắng vẻ vang, làm cho cả thế giới phải khâm phục”.

Lỗi có thể có: “Với một ý chí không gì lay chuyển nổi nên nhân dân ta đã đánh đuổi hai đế quốc xâm lược: Pháp, Mỹ; giành chiến thắng vẻ vang, làm cho cả thế giới phải khâm phục”.

Diễn đạt cách khác:

- Nhân dân ta, với một ý chí không gì lay chuyển nổi, đã đánh đuổi hai đế quốc xâm lược: Pháp, Mỹ; giành chiến thắng vẻ vang, làm cho cả thế giới phải khâm phục.

- Cả thế giới khâm phục nhân dân ta, với một ý chí không gì lay chuyển nổi, đã đánh đuổi hai đế quốc xâm lược: Pháp, Mỹ; giành chiến thắng vẻ vang.

+ “Với quyết tâm của người lao động dưới chế độ XHCN, các công nhân nhà máy A đã hoàn thành sản phẩm vượt mức kế hoạch”.

Lỗi có thể có: “Với quyết tâm của người lao động dưới chế độ XHCN nên các công nhân nhà máy A đã hoàn thành sản phẩm vượt mức kế hoạch”.

Diễn đạt khác:

- Các công nhân nhà máy A, với quyết tâm của người lao động dưới chế độ XHCN, đã hoàn thành sản phẩm vượt mức kế hoạch.

- Quyết tâm của người lao động dưới chế độ XHCN đã giúp cho công nhân nhà máy A hoàn thành sản phẩm vượt mức kế hoạch.

BÀI MẪU C. Đặt câu với cùng.

+ “Cùng một hoàn cảnh, tôi rất thông cảm với anh”.

Lỗi có thể có: “Cùng một hoàn cảnh nên tôi rất thông cảm với anh”.

Diễn đạt cách khác:

- Tôi rất thông cảm với anh vì chúng ta cùng một hoàn cảnh.

+ “Cùng học một trường, ở chung một xóm, hai đứa chúng tôi thân nhau lắm”.

Lỗi có thể có: “Cùng học một trường, ở chung một xóm nên hai đứa chúng tôi thân nhau lắm”.

Diễn đạt cách khác:

- Hai đứa chúng tôi thân nhau lắm vì cùng học một trường, ở chung một xóm.

- Hai đứa chúng tôi cùng học một trường, ở chung một xóm nên thân nhau lắm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3