Sao Chúng Ta Lại Ngủ - Chương 07

CHƯƠNG 7

QUÁ CỰC ĐOAN VÌ SÁCH KỈ LỤC THẾ GIỚI GUINNESS

Sự thiếu ngủ và bộ não

Bị ảnh hưởng bởi sức nặng của các bằng chứng khoa học đáng sợ, Sách kỉ lục Thế giới Guinness đã ngừng công nhận những nỗ lực phá vỡ kỷ lục thế giới về thiếu ngủ. Hãy nhớ lại rằng chính Guinness dường như đã chấp nhận cho một người đàn ông (Felix Baumgartner) lên tới độ cao 128.000 feet bên ngoài khí quyển của chúng ta trên khinh khí cầu, mặc bộ đồ phi hành gia, mở cửa ra và đứng ở đỉnh chiếc thang treo lơ lửng trên hành tinh rồi sau đó rơi tự do xuống Trái đất với tốc độ tối đa 843 dặm/giờ (1.358 km/h), xuyên qua hàng rào âm thanh trong khi tạo nên vụ nổ sóng âm chỉ xảy ra với cơ thể anh ta. Nhưng những rủi ro liên quan đến thiếu ngủ được cho là cao hơn, cao hơn rất nhiều các con số này. Trên thực tế, độ cao không thể chấp nhận được dựa vào bằng chứng.

Bằng chứng thuyết phục đó là gì? Trong hai chương sau, chúng ta sẽ tìm hiểu chính xác lý do tại sao và bằng cách nào mà mất ngủ gây ra những ảnh hưởng tàn phá bộ não đến vậy, liên kết với nhiều bệnh về thần kinh và tâm thần (ví dụ: bệnh Alzheimer, lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tự tử, đột quỵ và đau mạn tính) cũng như trên mọi hệ thống sinh lý của cơ thể, góp phần hơn nữa vào vô số rối loạn và bệnh tật khác (ví dụ: ung thư, tiểu đường, đau tim, vô sinh, tăng cân, béo phì và suy giảm miễn dịch). Không có khía cạnh nào của cơ thể con người có thể thoát khỏi sự tổn hại gây tê liệt, đầy độc hại của mất ngủ. Chúng ta, như bạn sẽ thấy, phụ thuộc vào giấc ngủ về các mặt xã hội, tổ chức, kinh tế, thể chất, hành vi, dinh dưỡng, ngôn ngữ, nhận thức và cảm xúc.

Chương này đề cập đến hậu quả nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong do bộ não bị thiếu ngủ. Chương tiếp theo sẽ kể lại những tác động đa dạng - nhưng mang tính tàn phá và gây tử vong tương tự vì cơ thể bị thiếu ngủ.

HÃY CHÚ Ý

Thiếu ngủ sẽ giết chết bạn theo nhiều cách. Một số cách tốn nhiều thời gian; một số khác thì ngay lập tức hơn nhiều. Một chức năng bộ não có thể giảm sút chỉ với một lượng thiếu ngủ dù nhỏ nhất chính là sự tập trung. Hậu quả về mặt xã hội gây chết người do thiếu sự tập trung này diễn ra hết sức rõ ràng và gây tử vong nhiều nhất ở hình thái buồn ngủ khi lái xe. Tại Mỹ, mỗi giờ, đều có người chết vì tai nạn giao thông do lỗi liên quan đến mệt mỏi.

Có hai thủ phạm chính của những vụ tai nạn lái xe khi buồn ngủ. Nguyên nhân đầu tiên chính là mọi người hoàn toàn chìm vào giấc ngủ ngay trên vô lăng. Tuy nhiên, điều này xảy ra không thường xuyên và luôn đòi hỏi một người phải thiếu ngủ rất trầm trọng (lái xe liên tục không chợp mắt suốt hơn 20 tiếng). Nguyên nhân thứ hai, phổ biến hơn, là sự mất hiệu lực tạm thời trong tập trung, được gọi là ngủ gật. Những giấc ngủ này kéo dài chỉ vài giây, trong thời gian đó mí mắt sẽ nhắm lại một phần hoặc hoàn toàn. Những người bị hạn chế giấc ngủ kinh niên, được định nghĩa là thường xuyên ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm luôn trải qua những giấc ngủ kiểu này.

Trong khi ngủ gật, bộ não của bạn tạm thời trở nên “say khướt” không biết trời đất gì nữa - và tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thị giác mà còn với tất cả các nguồn nhận thức. Hầu hết thời gian bạn không hề nhận thức được giấc ngủ này. Vấn đề trở nên khó giải quyết hơn chính là sự điều khiển mang tính quyết định về những hành động vận động của bạn, chẳng hạn như các thao tác cần thiết để điều khiển vô lăng hoặc bàn đạp phanh, sẽ dừng lại. Kết quả là, bạn không cần ngủ tới 10 - 15 giây để chết khi đang lái xe. Hai giây là đủ để làm việc đó. Một giấc ngủ gật dài 2 giây khi đang lái xe ở tốc độ 30 dặm/giờ với một góc trôi khiêm tốn có thể khiến chiếc xe của bạn chuyển hướng hoàn toàn từ làn này sang làn khác, tạo nên một cú tông không xác định vào lượng xe cộ đang đến gần. Nếu điều này xảy ra ở tốc độ 60 dặm/giờ, nó có thể là giấc ngủ gật cuối cùng trong đời bạn.

David Dinges tại Đại học Pennsylvania, một người khổng lồ trong lĩnh vực nghiên cứu giấc ngủ và là người hùng với riêng tôi, đã thực hiện nhiều hơn bất kì nhà khoa học nào trong lịch sử để trả lời câu hỏi cơ bản sau: Tỉ lệ phục hồi của con người là bao nhiêu? Có nghĩa là con người có thể chịu nổi không ngủ trong bao lâu trước khi hiệu suất của họ bị sụt giảm một cách khách quan? Con người có thể mất bao nhiêu giấc ngủ mỗi đêm và sau bao nhiêu đêm, các quá trình quan trọng của bộ não “thất thủ”? Liệu con người có nhận thức được mình bị suy yếu như thế nào khi thiếu ngủ không? Cần bao nhiêu đêm về giấc ngủ hồi phục để khôi phục hiệu suất ổn định của một người sau khi mất ngủ?

Nghiên cứu của Dinges triển khai một bài kiểm tra chú ý đơn giản hết sức thân thiện để đo sự tập trung. Bạn phải nhấn nút phản hồi theo ánh đèn xuất hiện trên hộp nút bấm hoặc màn hình máy vi tính trong một khoảng thời gian nhất định. Cả phản hồi của bạn và thời gian xử lý phản hồi đó đều được đo. Sau đó, ánh đèn khác xuất hiện và bạn làm giống như vậy. Các ánh đèn xuất hiện theo kiểu không thể đoán trước, đôi khi liên tiếp nhanh chóng, những lần khác lại cách nhau ngẫu nhiên bởi sự tạm dừng độ vài giây.

Nghe có vẻ dễ dàng, phải không nào? Hãy thử làm điều đó liên tục suốt 10 phút mỗi ngày, trong 14 ngày liên tiếp. Đó là những gì Dinges và nhóm nghiên cứu của ông đã làm với số lượng lớn các đối tượng được theo dõi trong điều kiện phòng thí nghiệm nghiêm ngặt. Tất cả các đối tượng bắt đầu bằng cách thực hiện giấc ngủ đủ 8 tiếng vào đêm trước khi thử nghiệm, cho phép họ được đánh giá khi đã nghỉ ngơi đầy đủ. Sau đó, những người tham gia được chia thành bốn nhóm thử nghiệm khác nhau. Cách thử nghiệm khá giống với nghiên cứu ma túy khi mỗi nhóm nhận một “liều” thiếu ngủ khác nhau. Một nhóm được giữ thức liên tục suốt 72 tiếng, không ngủ trong ba đêm liên tiếp. Nhóm thứ hai được cho phép ngủ 4 tiếng mỗi đêm. Nhóm thứ ba được ngủ 6 tiếng mỗi đêm. Nhóm thứ tự may mắn được phép ngủ 8 tiếng mỗi đêm.

Đã có ba phát hiện chính. Phát hiện thứ nhất, mặc dù tất cả những lượng thiếu ngủ khác nhau này gây ra sự chậm trễ trong thời gian phản ứng, song điều còn gây ấn tượng mạnh mẽ hơn chính là: trong một thời gian ngắn, những người tham gia sẽ ngừng phản ứng hoàn toàn. Sự chậm trễ không phải là dấu hiệu nhạy cảm nhất của sự buồn ngủ, mà là những phản ứng hoàn toàn bị bỏ lỡ. Dinges đã bắt được những khoảng trống, còn được gọi là những giấc ngủ gật: thời lượng tương đương trong đời thực khiến bạn không phản ứng kịp với một đứa trẻ chạy ra trước mũi xe của bạn khi bé đuổi theo một quả bóng.

Khi mô tả các phát hiện, Dinges thường sẽ khiến bạn nghĩ đến tiếng bíp lặp lại từ máy theo dõi nhịp tim ở bệnh viện: bếp, bíp bíp. Bây giờ hãy tưởng tượng hiệu ứng âm thanh đầy kịch tính bạn nghe thấy ở phòng cấp cứu trong những bộ phim truyền hình khi một bệnh nhân bắt đầu hấp hối, còn các bác sĩ cố gắng cứu mạng sống của họ một cách điên cuồng. Lúc đầu, nhịp tim liên tục - bíp, bíp bíp - như những phản ứng của bạn theo nhiệm vụ chú ý thị giác khi được nghỉ ngơi tốt: ổn định, thường xuyên. Chuyển sang hiệu suất của bạn khi bị thiếu ngủ, và nó tương đương với âm thanh của bệnh nhân trong bệnh viện khi tim sắp ngừng đập: bếp, bíp bíp, biiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiip. Hiệu suất của bạn đã rơi vào trạng thái tim ngừng đập. Không còn phản ứng có ý thức, không còn phản ứng vận động. Một giấc ngủ gật. Và rồi nhịp tim đập trở lại, sẽ như hiệu suất của bạn - bếp, bếp, bíp - nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Chẳng mấy chốc, bạn lại chịu tiếp lần tim ngừng đập khác: bíp, bíp, biiiiiiiii iiiiiiiiiíp. Nhiều giấc ngủ gật hơn.

So sánh số khoảng trống, hoặc số giấc ngủ gật, ngày qua ngày ở bốn nhóm thử nghiệm khác nhau, Dinges đã thấy được phát hiện quan trọng thứ hai. Những người ngủ 8 tiếng mỗi đêm duy trì hiệu suất ổn định, gần như hoàn hảo suốt 2 tuần. Những người trong nhóm thiếu ngủ suốt 3 đêm bị suy giảm thảm khốc, điều không có gì ngạc nhiên. Sau đêm đầu tiên không ngủ chút nào, các khoảng trống trong sự tập trung của họ (những phản ứng bị bỏ lỡ) tăng hơn 400%. Điều bất ngờ chính là những sút kém này tiếp tục leo thang với cùng tốc độ bùng nổ như vậy sau đêm thứ hai và thứ ba thiếu ngủ hoàn toàn, như thể chúng sẽ không ngừng leo thang dữ dội nếu càng bị mất ngủ nhiều đêm, càng không có dấu hiệu dừng lại.

Nhưng hai nhóm thiếu ngủ một phần mới là những nhóm mang lại thông điệp đáng lo ngại nhất trong tất cả. Sau 6 đêm chỉ ngủ 4 tiếng, hiệu suất của những người tham gia cũng tệ như những người không được ngủ trong suốt 24 tiếng - tức là, có một sự gia tăng 400% về số giấc ngủ gật. Đến ngày thứ 11 theo chế độ ngủ 4 tiếng một đêm, hiệu suất của người tham gia thậm chí còn suy giảm hơn nữa, tương ứng với một người đã thức 2 đêm liên tục, không ngủ trong suốt 48 tiếng.

Song đáng lo ngại nhất từ góc độ xã hội chính là những cá nhân trong nhóm ngủ 6 tiếng mỗi đêm - đều nghe có vẻ quen thuộc đối với phần lớn các bạn. Mười ngày chỉ ngủ 6 tiếng mỗi đệm là tất cả những gì cần thiết để khiến bạn bị suy giảm hiệu suất như khi không ngủ trong suốt 24 tiếng. Và giống như nhóm thiếu ngủ hoàn toàn, sự suy giảm hiệu suất tích lũy trong các nhóm ngủ 4 tiếng và 6 tiếng cho thấy không có dấu hiệu dừng lại. Tất cả các dấu hiệu cho thấy nếu thí nghiệm tiếp tục, sự suy giảm hiệu suất sẽ tiếp tục tăng lên trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Một nghiên cứu khác, được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Gregory Belenky tại Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, đã công bố kết quả gần như giống hệt vào cùng thời điểm. Họ cũng đã thử nghiệm bốn nhóm người tham gia, nhưng những người tham gia này đã được cho phép ngủ 9 tiếng, 7 tiếng, 5 tiếng và 3 tiếng trong vòng 7 ngày.

BẠN KHÔNG HỀ BIẾT MÌNH BỊ THIẾU NGỦ RA SAO KHI BẠN BỊ THIẾU NGỦ

Phát hiện quan trọng thứ ba, chung cho cả hai nghiên cứu này, là phát hiện mà cá nhân tôi nghĩ có hại nhất trong tất cả. Khi những người tham gia được hỏi về cảm giác chủ quan của họ đối với sự suy giảm của bản thân ra sao, họ luôn đánh giá thấp mức độ sụt giảm về hiệu suất của mình. Đó là yếu tố dự đoán sai lầm về hiệu suất của họ thực sự trầm trọng một cách khách quan như thế nào. Nó cũng giống như khi một người đã uống quá nhiều quán bar đang cầm trong tay chìa khóa xe của họ và tự tin nói với bạn, “Tôi có thể lái xe về nhà”.

Việc khó giải quyết giống như vậy chính là thiết lập lại đường định chuẩn. Với sự hạn chế giấc ngủ mạn tính trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, một người sẽ thực sự thích nghi với hiệu suất sút kém, sự tỉnh táo thấp hơn và mức năng lượng bị sụt giảm của họ. Tình trạng kiệt sức cấp độ thấp đó trở thành tiêu chuẩn được chấp nhận của họ, hoặc đường định chuẩn. Người ta không nhận ra tình trạng thiếu ngủ lâu năm tới mức đã thỏa hiệp năng lực tinh thần và sức sống thể chất của họ, bao gồm sự tích lũy chậm chạp của sức khỏe kém. Sự liên kết giữa hai điều này hiếm khi xuất hiện trong tâm trí họ. Dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học về thời gian ngủ trung bình, hàng triệu người vô tình dành nhiều năm trong đời mình ở trạng thái dưới điểm cực thuận của việc thực hiện chức năng tâm-sinh lý, không bao giờ tối đa hóa tiềm năng của tâm trí hoặc cơ thể do sự kiên trì mù quáng của họ vào việc ngủ quá ít. Sáu mươi năm nghiên cứu khoa học của con người ngăn cản tôi chấp nhận bất cứ ai nói với tôi rằng họ có thể “ngủ chỉ 4 hoặc 5 tiếng mỗi đêm là đủ”.

Quay lại kết quả nghiên cứu của Dinges, bạn có thể đã dự đoán rằng hiệu suất tốt nhất sẽ hồi phục với tất cả những người tham gia sau giấc ngủ hồi phục dài ngon giấc, giống như khái niệm “ngủ nướng” vào cuối tuần của nhiều người để trả hết nợ giấc ngủ cho những đêm thiếu ngủ trong tuần của họ. Tuy nhiên, ngay cả sau 3 đêm bổ sung giấc ngủ hồi phục, hiệu suất đã không khôi phục được về mức quan sát thấy theo đánh giá đường định chuẩn lúc ban đầu khi những người đó đã được ngủ đủ 8 tiếng thường xuyên. Mà cũng không có nhóm nào hồi phục được tất cả các giờ ngủ mà họ đã đánh mất trong những ngày trước đó. Như chúng ta đã được biết, bộ não không có khả năng đó.

Trong một nghiên cứu sau này, các nhà nghiên cứu ở Úc đã lấy hai nhóm người trưởng thành khỏe mạnh, trong đó một nhóm đã uống say tới giới hạn lái xe hợp pháp (0,08% nồng độ Cồn trong máu), nhóm còn lại chỉ thiếu ngủ một đêm duy nhất. Cả hai nhóm thực hiện kiểm tra sự tập trung để đánh giá hiệu suất chú ý, cụ thể là số khoảng trống (mất tập trung). Sau khi thức suốt 19 tiếng, những người bị thiếu ngủ đã bị suy giảm khả năng nhận thức ngang với những người say rượu theo giới hạn lái xe hợp pháp. Nói cách khác, nếu bạn thức dậy lúc 7 giờ sáng và vẫn thức suốt cả ngày, sau đó đi ra ngoài giao lưu với bạn bè đến tối muộn, nhưng không uống bất cứ thứ gì có cồn, và bạn lái xe về nhà lúc 2 giờ sáng, thì bạn bị suy giảm về mặt nhận thức trong khả năng chú ý vào đường đi và những gì xung quanh bạn ngang với một người lái xe say rượu theo giới hạn hợp pháp. Trên thực tế, những người tham gia vào nghiên cứu này đã bắt đầu sự xuống dốc trong hiệu suất của họ chỉ sau 15 tiếng thức liên tục (tới 10 giờ chiều theo kịch bản trên).

Tai nạn xe hơi xếp hạng trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các nước phát triển. Năm 2016, tại thủ đô Washington, Quỹ AAA đã công bố kết quả của một nghiên cứu sâu rộng trên 1.000 người lái xe ở Mỹ, được theo dõi chi tiết trong vòng 2 năm55. Kết quả quan trọng, thể hiện trong hình 12, cho thấy việc buồn ngủ khi lái xe gây ra tai nạn xe hơi thảm khốc như thế nào. Nếu ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày, nguy cơ gây tai nạn xe hơi của bạn tăng gấp 3 lần. Ngồi sau vô lăng lái chiếc xe hơi khi bạn chỉ ngủ 4 tiếng hoặc ít hơn vào đêm trước thì bạn có khả năng liên quan tới tai nạn xe hơi cao gấp 11,5 lần. Lưu ý rằng, mối quan hệ giữa việc giảm giờ ngủ và tăng nguy cơ tử vong của một vụ tai nạn không phải tuyến tính, mà thay vào đó là bùng nổ theo cấp số mũ. Mỗi giờ giấc ngủ bị mất đi sẽ làm khuếch đại hết sức khả năng xảy ra tai nạn, mà không phải là tăng dần lên.

Lái xe khi say rượu và lái xe lúc buồn ngủ là những mệnh đề chết người theo quyền riêng của chúng, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi có người hội tụ cả hai điểm này? Đây là câu hỏi xác đáng, vì hầu hết những người đang say rượu thường lái xe vào các giờ sáng sớm hơn là giữa ngày, có nghĩa rằng hầu hết các lái xe khi say rượu cũng bị thiếu ngủ.

Giờ đây, chúng ta có thể theo dõi lỗi của người lái xe ở một cách thực tế nhưng an toàn nhờ sử dụng các trình mô phỏng lái xe. Với chiếc máy ảo như vậy, một nhóm nhà nghiên cứu đã kiểm tra số độ lệch khỏi đường chính hoàn toàn ở những người tham gia theo bốn điều kiện thí nghiệm khác nhau: (1) ngủ đủ 8 tiếng, (2) ngủ đúng 4 tiếng, (3) ngủ đủ 8 tiếng và uống rượu tới mức giới hạn lái xe say rượu hợp pháp, và (4) ngủ đúng 4 tiếng và uống rượu tới mức giới hạn lái xe say rượu hợp pháp.

Những người trong nhóm ngủ đủ 8 tiếng nếu có mắc lỗi lệch khỏi đường chính thì lỗi cũng rất ít. Những người trong tình trạng ngủ đúng 4 tiếng (nhóm thứ hai) mắc lỗi lệch khỏi đường chính nhiều hơn nhóm người ngủ đủ 8 tiếng gấp 6 lần. Sự sụt giảm đồng mức mắc lỗi lệch khỏi đường chính này cũng xảy ra với nhóm thứ ba, những người ngủ đủ 8 tiếng và uống rượu tới mức giới hạn lái xe say rượu hợp pháp. Như vậy lái xe khi say rượu hoặc lái xe lúc buồn ngủ đều nguy hiểm, và nguy hiểm ngang nhau.

Một kỳ vọng hợp lý là hiệu suất mắc lỗi đó ở nhóm người tham gia thứ tư sẽ phản ánh tác động cộng thêm của hai nhóm (hai và bốn) này: ngủ đúng 4 tiếng cộng với ảnh hưởng của rượu (tức là gấp 12 lần độ lệch khỏi đường chính). Song thực tế còn tồi tệ hơn nhiều. Nhóm người tham gia này đã lái xe lệch khỏi đường chính gấp gần 30 lần so với nhóm người được nghỉ ngơi đầy đủ và tỉnh táo (nhóm một, ngủ đủ 8 tiếng).

Loại cocktail dễ say của sự mất ngủ kết hợp với rượu đã không còn theo phép cộng, mà thay vào đó là theo phép nhân. Chúng khuếch đại lẫn nhau, giống như hai loại thuốc có tác dụng gây hại cho bản thân, nhưng khi được hợp lại với nhau, chúng tác động lẫn nhau để tạo ra những hậu quả thực sự nghiêm trọng.

Sau 30 năm nghiên cứu chuyên sâu, giờ đây chúng ta có thể trả lời nhiều câu hỏi đã đặt ra trước đó. Tỉ lệ phục hồi của một con người là khoảng 16 tiếng. Sau 16 tiếng tỉnh táo, bộ não bắt đầu trở nên yếu đi. Con người cần ngủ nhiều hơn 7 tiếng mỗi đêm để duy trì hiệu suất nhận thức. Sau 10 ngày với chỉ 7 tiếng ngủ mỗi đêm, bộ não sẽ bị rối loạn chức năng giống như khi không ngủ trong suốt 24 tiếng. Ba đêm liền ngủ đủ giấc ngủ hồi phục (nghĩa là nhiều đêm hơn so với 2 ngày cuối tuần) vẫn không đủ để khôi phục hiệu suất trở lại mức bình thường sau cả 1 tuần thiếu ngủ. Cuối cùng, tâm trí con người không thể cảm nhận chính xác nó bị thiếu ngủ ra sao khi bị thiếu ngủ.

Chúng ta sẽ quay trở lại các nhánh của những kết quả này trong các chương còn lại, nhưng những hậu quả trong cuộc sống thực tế của việc lái xe lúc buồn ngủ đáng được đề cập đặc biệt. Trong tuần tới này, ở Mỹ có hơn 2 triệu người sẽ ngủ trong khi đang lái xe cơ giới. Có nghĩa là hơn 250.000 người mỗi ngày, với sự việc như vậy trong tuần nhiều hơn so với cuối tuần vì những lý do hoàn toàn hiển nhiên. Và như vậy tại Mỹ, hơn 56 triệu người thú nhận họ đang phải vật lộn để tỉnh táo trước vô lăng xe mỗi tháng.

Kết quả là 1,2 triệu vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân buồn ngủ mỗi năm tại Mỹ. Nói cách khác: cứ mỗi 30 giây trong thời gian bạn đọc cuốn sách này, lại có một tai nạn xe hơi xảy ra ở đâu đó trên nước Mĩ được gây ra bởi mất ngủ. Như vậy nhiều khả năng rằng trong suốt thời gian bạn đọc chương sách này thì ngoài kia đã có ai đó vừa mất đi sự sống của mình trong một tai nạn xe hơi có liên quan đến sự mệt mỏi.

Bạn có thể thấy ngạc nhiên khi biết rằng số vụ tai nạn giao thông do lái xe trong lúc buồn ngủ vượt quá số vụ tai nạn được gây ra bởi rượu và ma túy gộp lại. Lái xe trong lúc buồn ngủ thậm chí còn tồi tệ hơn lái xe khi say rượu. Nghe vậy có vẻ giống như nói về một điều gây tranh cãi hoặc vô trách nhiệm, và tôi hoàn toàn không muốn tầm thường hóa hành động thảm thương của việc lái xe khi say rượu. Song tuyên bố của tôi là đúng vì lý do đơn giản sau đây: các lái xe say rượu thường đạp phanh muộn và chậm trễ trong việc xử lý tránh va chạm. Còn khi bạn buồn ngủ, hoặc ngủ gật, bạn ngừng phản ứng hoàn toàn. Một người trải qua giấc ngủ gật hoặc đã ngủ thiếp đi trên vô lăng hoàn toàn không đạp phanh, cũng như đều không thực hiện bất cứ nỗ lực nào để tránh tai nạn cả. Kết quả là tai nạn xe hơi do buồn ngủ gây ra có xu hướng nguy hiểm hơn nhiều so với những tai nạn giao thông do rượu hoặc ma túy gây ra. Nói một cách dại dột là khi bạn chìm vào giấc ngủ ngay trên vô lăng trong chiếc xe của mình đang chạy trên đường cao tốc, thì chiếc xe của bạn lúc này sẽ giống như quả tên lửa trọng lượng 1 tấn đang phóng đi với vận tốc 65 dặm/giờ mà không phải chịu bất cứ sự kiểm soát nào.

Như vậy, các tài xế xe hơi không phải là mối đe dọa duy nhất, mà nguy hiểm hơn chính là những tài xế lái xe tải lúc buồn ngủ. Khoảng 80% tài xế xe tải ở Mỹ bị thừa cân và 50% béo phì về mặt lâm sàng. Điều này khiến các tài xế xe tải có nguy cơ vô cùng cao mắc rối loạn gọi là ngưng thở khi ngủ, thường liên quan đến ngáy ngủ nặng, điều vốn gây ra sự thiếu ngủ nghiêm trọng mạn tính. Kết quả là những tài xế xe tải này có khả năng liên quan đến tai nạn giao thông cao hơn 200% - 500%. Và khi một tài xế xe tải bị mất đi mạng sống của mình trong một vụ tai nạn do lái xe lúc buồn ngủ, trung bình họ sẽ cướp đi theo họ 4,5 mạng sống khác.

Quả thật trong thực tế, tôi muốn tranh luận rằng không có tai nạn nào bị gây ra bởi mệt mỏi, ngủ gật, hoặc ngủ thiếp đi (khi đang lái xe). Không có bất cứ điều gì. Đó là những vụ tông xe. Từ điển tiếng Anh Oxford định nghĩa các tai nạn là các sự kiện bất ngờ xảy ra ngẫu nhiên hoặc không có nguyên nhân rõ ràng. Những cái chết do lái xe lúc buồn ngủ gây ra không phải là ngẫu nhiên, cũng chẳng phải không có nguyên nhân. Những cái chết này có thể dự đoán được và là kết quả trực tiếp của việc không ngủ đủ giấc. Như vậy, chúng không cần thiết và có thể ngăn ngừa được. Nói ra thật đáng xấu hổ, vì hầu hết chính phủ các nước phát triển chỉ chi dưới 1% ngân sách quốc gia để giáo dục công chúng về sự nguy hiểm của việc lái xe lúc buồn ngủ so với những gì họ đầu tư vào việc chống lại việc lái xe khi say rượu.

Ngay cả những tin nhắn y tế công cộng có thiện ý cũng có thể bị thất lạc trong cả chuỗi thống kê. Cho nên cách thường thấy để cho các thông điệp này trở nên đời thực chính là việc kể lại những câu chuyện cá nhân thảm thương. Tôi có thể kể ra đây cả nghìn sự kiện như vậy. Song hãy để tôi đưa ra chỉ một trong những cơ may cứu bạn khỏi các tác hại của việc lái xe lúc buồn ngủ.

Quận Union, bang Florida, tháng Một năm 2006: một chiếc xe buýt trường học chở 9 đứa trẻ đỗ lại tại một biển báo dừng lại. Một chiếc ô tô hiệu Pontiac Bonneville chở 7 người dân ngụ cư đi ngay phía sau xe buýt và cũng dừng lại. Ngay lúc này, một xe tải 18 bánh chạy trên đường phía sau cả hai chiếc xe trên, song nó đã không dừng lại. Chiếc xe tải đâm ngay vào chiếc Pontiac, đè lên trên nó và kéo cả chiếc xe bị bẹp dúm bên dưới đó, theo đà lao lên đâm thẳng tiếp vào xe buýt trường học. Theo quán tính, cả ba chiếc xe đều bị đẩy ra xa qua con rãnh và tiếp tục di chuyển, lúc này chiếc Pontiac bị nổ tung và chìm trong lửa. Còn xe buýt trường học xoay ngược chiều kim đồng hồ và vẫn di chuyển theo quán tính, bắn lộn ngược sang phía đối diện của con đường một lúc như vậy tới 328 feet cho đến khi lao ra khỏi mặt đường và va vào một lùm cây rậm rạp. Ba trong số chín đứa trẻ trên xe buýt bị đẩy ra ngoài cửa sổ khi chiếc xe va vào lùm cây. Tất cả 7 người trên chiếc Pontiac cũng như tài xế xe buýt đều tử vong tại chỗ. Tài xế xe tải và cả 9 đứa trẻ trong xe buýt bị thương nặng.

Tài xế xe tải là một tài xế có đủ năng lực và được cấp phép hợp pháp. Tất cả các xét nghiệm độc tính qua kiểm tra máu của ông đều âm tính. Tuy nhiên, sau đó người ta xác định được rằng ông đã thức liên tục suốt 34 tiếng và ngủ thiếp đi trên vô lăng. Tất cả 7 người trên chiếc Pontiac đã tử vong đều là trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Năm trong số bảy người dân ngụ cư tử vong trong chiếc Pontiac đều là con của một gia đình ngụ cư. Người ngụ cư lớn tuổi nhất trên xe là một thiếu niên, được cấp bằng lái xe hợp pháp; còn người ngụ cư trẻ nhất là một em bé mới 20 tháng tuổi.

Có rất nhiều điều mà tôi hi vọng độc giả ghi nhớ được từ cuốn sách này. Và đây là một trong những điều quan trọng nhất: nếu bạn buồn ngủ trong khi lái xe, xin vui lòng, xin vui lòng dừng lại. Vì điều đó (chắc chắn) gây chết người. Gánh trên vai cái chết của người khác là một điều khủng khiếp. Đừng bị lừa bởi nhiều chiến thuật không hiệu quả mà mọi người sẽ nói với bạn rằng có thể chiến đấu chống lại cơn buồn ngủ trong khi lái xe56. Phần lớn chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể vượt qua cơn buồn ngủ hoàn toàn bằng ý chí, nhưng tiếc thay, điều này không đúng. Nếu không, hãy giả định rằng việc bạn lái xe trong lúc buồn ngủ có thể gây nguy hiểm cho cuộc sống của bạn, cuộc sống của gia đình hoặc bạn bè đang ngồi trong xe với bạn, và cuộc sống của cả những người đi đường khác. Một số người chỉ ngủ trên vô lăng đúng có một lần trước khi mất mạng.

Nếu bạn nhận ra bản thân cảm thấy buồn ngủ trong khi lái xe, hoặc thực sự đang chìm vào giấc ngủ trước vô lăng, hãy dừng lại vào đêm đó. Nếu bạn thực sự phải đi tiếp - và bạn đã đưa ra sự đánh giá đó trong bối cảnh thực sự đe dọa tính mạng hoàn toàn - vậy hãy tạm ra khỏi con đường vào chỗ an toàn để ngủ trong thời gian ngắn. Hãy chợp mắt một chút (khoảng 20 - 30 phút). Nhưng đừng vội lái xe ngay sau khi vừa tỉnh dậy. Bạn sẽ phải chịu quán tính giấc ngủ - những tác động kèm theo của giấc ngủ vào sự tỉnh táo. Hãy đợi thêm 20 - 30 phút nữa, có lẽ sau khi đã uống một tách cà phê nếu bạn thực sự cần, và chỉ sau đó mới bắt đầu lái xe trở lại. Tuy nhiên điều này chỉ giúp bạn đi thêm được một quãng đường nữa trước khi bạn cần nạp lại năng lượng lần nữa tương tự như vậy, nhưng sự tỉnh táo hoàn toàn sẽ bị giảm dần. Cuối cùng, cái giá phải trả cho cuộc sống, đúng là không đáng.

CÁC GIẤC NGỦ CHỢP MẮT CÓ THỂ GIÚP ĐƯỢC KHÔNG?

Những năm 1980 và 1990, David Dinges, cùng với người cộng tác sắc sảo của mình (kiêm quản trị viên gần đây của Cơ quan An toàn Giao thông quốc gia Mỹ), tiến sĩ Mark Rosehind, đã tiến hành một loạt nghiên cứu đột phá khác, lần này xem xét các điểm tích cực và tiêu cực của giấc ngủ chợp mắt khi đối mặt với sự thiếu ngủ không thể tránh khỏi. Họ đặt ra thuật ngữ “chợp mắt quyền lực” - hay, tôi nên nói, nhượng lại cho giấc ngủ chợp mắt. Phần lớn công việc của họ là với ngành hàng không, kiểm tra các phi công trên chuyến bay đường dài.

Thời gian nguy hiểm nhất của chuyến bay là lúc hạ cánh, đến điểm cuối hành trình, khi lượng thiếu ngủ lớn nhất thường được dồn lại. Hãy nhớ lại sự mệt mỏi và buồn ngủ của bạn khi kết thúc một chuyến bay đêm, vượt Đại Tây Dương, đã di chuyển hơn 24 tiếng. Liệu bạn có đủ kỹ năng để cảm thấy mình đang ở đỉnh hiệu suất và sẵn sàng hạ cánh một chiếc Boeing 747 với 467 hành khách trên máy bay không? Chính trong giai đoạn cuối này của chuyến bay, theo cách nói phổ biến trong ngành hàng không là “hạ độ cao để hạ cánh”, 68% của tất cả các tổn thất thân máy bay - uyển ngữ về một vụ tai nạn máy bay thảm khốc - xảy ra.

Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu làm việc để trả lời câu hỏi sau, được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đặt ra: Nếu một phi công chỉ có thể đạt được một cơ hội cho giấc ngủ chợp mắt ngắn (40 - 120 phút) trong khoảng thời gian 36 tiếng, thì lần giấc ngủ này nên diễn ra vào lúc nào để giảm đến mức tối thiểu sự mệt mỏi về nhận thức và sự mất tập trung: vào ngay tối đêm đầu tiên, vào nửa đêm, hay muộn hơn vào sáng hôm sau?

Ban đầu chuyện này nghe như phản trực giác, nhưng Dinges và Rosehind đã đưa ra một dự đoán thông minh dựa trên sinh học. Họ tin rằng, bằng cách chèn một giấc ngủ ngắn tại thời điểm trước của một cơn thiếu ngủ đang đến, bạn có thể chèn một bộ đệm, mặc dù tạm thời và chỉ được phần nào, song sẽ bảo vệ được bộ não khỏi phải chịu những lần mất tập trung thảm khốc. Và họ đã đúng. Các phi công phải chịu ít giấc ngủ gật hơn ở giai đoạn cuối của chuyến bay nếu họ có thể chợp mắt vào chập tối hôm trước, so với thời gian giấc ngủ chợp mắt đó được thực hiện vào nửa đêm hoặc muộn hơn vào sáng hôm sau, khi cuộc tấn công của sự thiếu ngủ đã hoàn toàn sẵn sàng lên đường.

Họ đã phát hiện ra giấc ngủ tương đương với mô hình y khoa về phòng ngừa so với điều trị. Nghĩa là phòng ngừa thường cố gắng ngăn chặn một vấn đề trước khi xảy ra, còn điều trị luôn cố gắng giải quyết vấn đề sau khi nó đã xảy ra. Và điều này cũng tương tự với những giấc ngủ chợp mắt. Quả thật, những lần ngủ ngắn này, khi diễn ra sớm, cũng giảm bớt số lần các phi công lịm vào giấc ngủ nông trong suốt 90 phút cuối cùng của chuyến bay. Khi được đo bằng các điện cực điện não đồ (EEC) gắn trên đầu, kết quả cho thấy sự xâm nhập của giấc ngủ này cũng ít hơn hẳn.

Khi Dinges và Rosehind báo cáo những phát hiện của họ với FAA, họ khuyến cáo rằng “chợp mắt phòng ngừa” - những khoảng chợp mắt ngắn được thực hiện sớm trong các chuyến bay đường dài - nên được xây dựng thành chính sách đối với các phi công, như nhiều cơ quan hàng không khác trên thế giới đều thừa nhận. FAA, trong khi tin tưởng vào những phát hiện này, nhưng chưa thấy hài lòng với cụm từ “chợp mắt phòng ngừa” kia. Họ cho rằng thuật ngữ “phòng ngừa” đã quá quen thuộc trong các trò đùa giỡn giữa các phi công với nhau. Vì hiện nay vậy, Dinges đã đề nghị thuật ngữ thay thế là “chợp mắt theo kế hoạch”. Song FAA cũng không thích cái tên này, hoặc cảm thấy nó quá “giống như quản lý. Đề xuất của họ là “chợp mắt quyền lực”, cách gọi theo họ là phù hợp hơn với những vị trí công việc dựa vào sự lãnh đạo hoặc cần ưu thế, ví dụ như những CEO hoặc cán bộ quân sự cao cấp. Và vậy là thuật ngữ “chợp mắt quyền lực” ra đời.

Tuy nhiên, vấn đề là mọi người, đặc biệt những người ở những vị trí như vậy, đã lầm tưởng tin rằng một giấc ngủ chợp mắt quyền lực trong 20 phút là tất cả những gì bạn cần để tồn tại và hoạt động với sự nhạy bén hoàn hảo, hoặc thậm chí chỉ là chấp nhận được. Những giấc ngủ chợp mắt quyền lực ngắn ngủi đã trở nên đồng nghĩa với giả định sai lầm rằng chúng cho phép một người bỏ đi giấc ngủ thích đáng, đêm từng đêm, đặc biệt khi kết hợp với việc dùng thoải mái caffeine.

Cho dù bạn có thể đã nghe hoặc đọc được những gì qua các phương tiện truyền thông phổ biến, song không có bằng chứng khoa học nào mà chúng tôi gợi ý rằng một loại thuốc, một thiết bị, hoặc bất cứ tầm quan trọng của ý chí tâm lý nào có thể thay thế được giấc ngủ. Những giấc ngủ chợp mắt quyền lực có thể tăng thời gian tập trung cơ bản ngay tức khắc trong điều kiện thiếu ngủ, như việc dùng caffeine đến một liều nhất định có thể làm được. Nhưng trong các nghiên cứu tiếp theo mà Dinges và nhiều nhà nghiên cứu khác đã thực hiện, thì cả những giấc ngủ chợp mắt lẫn caffeine đều không thể cứu vãn được những chức năng phức tạp hơn của bộ não, bao gồm học tập, trí nhớ, ổn định cảm xúc, lý luận phức tạp hoặc ra quyết định.

Một ngày nào đó chúng ta có thể khám phá ra được phương pháp trung hòa như vậy. Tuy nhiên, vào lúc này, không có loại thuốc nào có khả năng thay thế những lợi ích đó mà giấc ngủ đến trọn vẹn mỗi tối truyền vào bộ não và cơ thể. David Dinges đã đưa ra lời mời rộng mở với bất cứ ai cho rằng họ có thể sống sót khi thiếu ngủ đến ở lại phòng thí nghiệm của ông suốt 10 ngày. Ông sẽ đưa người đó vào nhóm thiếu ngủ đã tuyên bố kia và đo chức năng nhận thức của họ. Dinges tự tin chính đáng rằng ông sẽ chỉ ra cho họ thấy sự suy giảm chức năng của bộ não và cơ thể một cách thẳng thừng. Và cho đến nay, chưa có tình nguyện viên nào phù hợp với chính tuyên bố của mình.

Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện ra một nhóm rất hiếm những người dường như có thể sống sót với giấc ngủ chỉ 6 tiếng một ngày, và cho thấy sự sụt giảm tối thiểu - như thể đó là một nhóm tinh anh không ngủ. Việc trao cho những người này Cơ hội ngủ giấc ngủ dài hơn trong phòng thí nghiệm, không có chuông báo thức hoặc các cuộc gọi đánh thức, vẫn không khiến họ ngủ nhiều thời gian hơn giấc ngủ tự nhiên vốn ngắn hơn bình thường này của họ. Một phần của lời giải thích đưa ra có lẽ ở sự di truyền của họ, cụ thể là một biến thể phụ của gen BHLHE41157. Các nhà khoa học hiện đang cố gắng hiểu xem gen này làm gì và nó tạo ra khả năng hồi phục với giấc ngủ ngắn đó như thế nào.

Sau khi biết được điều này, tôi hình dung một số độc giả bây giờ tin mình là một trong những người này. Song điều đó rất, rất khó xảy ra. Gen này cực kì hiếm gặp, ước tính chỉ có một số rất ít người trên thế giới mang trong mình sự bất thường này. Để nhấn mạnh hơn nữa sự thật này, tôi xin viện dẫn một trong những đồng nghiệp nghiên cứu của tôi, Tiến sĩ Thomas Roth tại Bệnh viện Henry Ford ở Detroit, người từng nói, “Số người có thể sống sót sau những giấc ngủ chỉ có năm tiếng hoặc ít hơn mà không bị bất kỳ sự sụt giảm nào, được biểu diễn theo tỉ lệ phần trăm dân số và làm tròn thành một số nguyên, là bằng không”.

Như vậy, chỉ có một phần rất nhỏ của 1% dân số thực sự có khả năng hồi phục trước những ảnh hưởng của sự hạn chế giấc ngủ mạn tính ở mọi cấp độ của chức năng bộ não. Khả năng bạn bị sét đánh (tỉ lệ cả đời là 1/12.000) có vẻ còn cao hơn rất, rất nhiều so với việc bạn thực sự có khả năng sống sót khi thiếu ngủ nhờ vào một gen hiếm gặp.

TÍNH PHI LÝ VỀ MẶT CẢM XÚC

“Tôi chỉ bị mất bình tĩnh và...”. Những lời đó thường là một phần của một bi kịch đang diễn ra khi một người lính phản ứng đầy phi lý với một thường dân khiêu khích, một thầy thuốc với một bệnh nhân quyền chức, hoặc một bậc phụ huynh với đứa con cư xử không đúng mực. Tất cả những tình huống này là những tình huống mà ở đó, sự tức giận và thù địch không đáng có được giải quyết bởi những cá nhân mệt mỏi, thiếu ngủ.

Đa phần chúng ta đều biết thiếu ngủ sẽ “tàn phá” cảm xúc của mình. Chúng ta thậm chí còn nhận ra điều này ở những người khác. Hãy xem xét một kịch bản phổ biến khác của một bậc phụ huynh cố kìm lại đứa con đang la hét hoặc khóc lóc và, giữa cuộc hỗn loạn đó, quay sang bạn rồi nói,“À, tối qua Steven ngủ chưa đầy giấc”. Sự hiểu biết của cha mẹ nhìn chung đều biết giấc ngủ tồi tệ trong đêm hôm trước dẫn tới tâm trạng và phản ứng cảm xúc tồi tệ vào ngày hôm sau.

Dù hiện tượng phi lý về mặt cảm xúc sau khi mất ngủ trở nên phổ biến một cách chủ quan và vặt vãnh, song cho tới giờ chúng ta vẫn chưa biết sự thiếu ngủ ảnh hưởng đến bộ não về mặt cảm xúc ở mức độ thần kinh như thế nào, không kể các nhánh về phương diện nghề nghiệp, tâm thần và xã hội. Mấy năm trước, nhóm của tôi và tôi đã tiến hành một nghiên cứu sử dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) để giải quyết câu hỏi này.

Chúng tôi đã nghiên cứu hai nhóm người trưởng thành trẻ tuổi khỏe mạnh. Một nhóm thức suốt đêm, được quan sát dưới sự giám sát đầy đủ trong phòng thí nghiệm của tôi, trong khi nhóm còn lại ngủ bình thường vào đêm đó. Trong buổi chụp cắt lớp bộ não ngày hôm sau, những người tham gia ở cả hai nhóm đã được cho xem cùng 100 bức ảnh như nhau, bao trùm từ trung tính theo nội dung cảm xúc (ví dụ: một cái giỏ, một mảnh gỗ trôi dạt) đến tiêu cực về mặt cảm xúc (ví dụ: một ngôi nhà đang cháy, một con rắn độc sắp tấn công). Nhờ sử dụng tốc độ phát triển về mặt cảm xúc của các bức ảnh này, chúng tôi đã có thể so sánh sự gia tăng trong phản ứng của bộ não với những yếu tố kích hoạt cảm xúc tiêu cực ngày một tăng.

Phân tích các bản chụp cắt lớp bộ não cho thấy những tác động lớn nhất mà tôi đã đo được trong nghiên cứu của tôi cho đến nay. Một cấu trúc nằm ở cả hai phía bên trái và bên phải của bộ não, được gọi là hạch hạnh nhân - một điểm nóng quan trọng trong việc kích thích những cảm xúc mạnh mẽ như tức giận và nổi cơn thịnh nộ, có liên quan đến phản ứng chiến-hay-chạy - cho thấy khả năng khuếch đại 60% phản ứng cảm xúc ở những người tham gia bị thiếu ngủ. Ngược lại, các bản chụp cắt lớp bộ não của những người có giấc ngủ đêm trọn vẹn đã chứng tỏ mức độ phản ứng được kiểm soát, khiêm tốn ở hạch hạnh nhân, mặc dù đều được xem những bức ảnh hoàn toàn giống nhau. Như vậy là, khi không ngủ, bộ não của chúng ta trở lại với mẫu nguyên thủy của phản ứng không được kiểm soát. Chúng ta sinh ra các phản ứng cảm xúc không kiểm soát nổi, không đáng có và chính những cảm xúc này khiến chúng ta không thể đặt các sự kiện vào hoàn cảnh khái quát hơn hoặc được suy xét thật thấu đáo.

Câu trả lời này đặt ra một câu hỏi khác: Tại sao các trung tâm cảm xúc của bộ não lại phản ứng thái quá khi không ngủ? Các nghiên cứu MRI sâu hơn sử dụng những phân tích cải tiến hơn cho phép chúng ta xác định được nguyên nhân gốc rễ. Sau một đêm ngủ trọn vẹn, vỏ não trước trán - vùng não nằm ngay phía trên nhãn cầu của bạn; được phát triển nhất ở loài người so với các loài linh trưởng khác; liên quan tới tư duy và việc ra quyết định có lý trí, hợp lý - được kết hợp chặt chẽ với hạch hạnh nhân, điều chỉnh trung tâm bộ não về mặt cảm xúc sâu này bằng sự kiểm soát ức chế. Với một đêm trải qua giấc ngủ trọn vẹn, chúng ta có được sự pha trộn cân bằng giữa bàn đạp ga cảm xúc (hạch hạnh nhân) và phanh (vỏ não trước trán) của mình. Tuy nhiên, nếu không ngủ, sự kết nối mạnh mẽ giữa hai vùng bộ não này sẽ bị đánh mất. Khi đó, chúng ta không thể kiềm chế các xung động lại giống của mình - quá nhiều bàn đạp ga cảm xúc (hạch hạnh nhân) và không đủ phanh điều chỉnh (vỏ não trước trán). Nếu không có sự kiểm soát về mặt lý trí được đưa ra cho chúng ta mỗi đêm bằng giấc ngủ, chúng ta sẽ không thể ổn định theo đối trọng về thần kinh - và theo đó là cảm xúc.

Các nghiên cứu gần đây của một nhóm nghiên cứu tại Nhật Bản hiện đã tái tạo được những phát hiện của chúng tôi, nhưng họ làm được như vậy bằng cách hạn chế giấc ngủ của người tham gia xuống mức 5 tiếng trong 5 đêm. Bất kể bạn lấy giấc ngủ khỏi bộ não bằng cách nào - một cách sâu sắc là suốt một đêm không ngủ, hoặc một cách kinh niên là ngủ ít hơn suốt 5 đêm - thì những hậu quả ở bộ não về mặt cảm xúc đều như nhau.

Khi chúng tôi tiến hành các thí nghiệm ban đầu, tôi đã bị ấn tượng bởi những dao động như con lắc đồng hồ đu đưa qua lại giữa tâm trạng và cảm xúc của những người tham gia. Trong nháy mắt, các đối tượng thiếu ngủ sẽ đi từ việc cáu kỉnh và thiếu kiên nhẫn đến choáng váng vì mệt phờ người, để rồi ngay sau đó quay trở lại trạng thái tiêu cực đầy hoang dã. Họ đang trải qua những khoảng cách về cảm xúc to lớn, từ tiêu cực đến trung tính rồi tới tích cực, và tất cả lại cùng quay về theo cách lần lượt ngược lại, chỉ trong khoảng thời gian ngắn vô cùng. Rõ ràng là tôi đã bỏ lỡ điều gì đó. Tôi cần tiến hành một nghiên cứu theo mẫu nhà nghiên cứu tôi đã mô tả ở trên, nhưng bây giờ là khám phá xem bộ não bị thiếu ngủ phản ứng như thế nào với những trải nghiệm ngày càng tích cực và bổ ích, chẳng hạn như những hình ảnh thú vị về thể thao mạo hiểm hoặc cơ hội giành được số tiền chiến thắng tăng lên khi hoàn thành xong các nhiệm vụ.

Chúng tôi phát hiện thấy các trung tâm cảm xúc sâu sắc khác nhau trong bộ não ngay phía trên và phía sau hạch hạnh nhân, được gọi là vùng vẫn liên quan đến sự bốc đồng và phần thưởng, vốn được tắm bằng hóa chất dopamine - đã trở nên hiếu động thái quá ở những người bị thiếu ngủ trong phản ứng với những trải nghiệm thú vị, bổ ích. Như với hạch hạnh nhân, sự mẫn cảm của những vùng khoái lạc này có liên quan đến sự mất kiểm soát lý trí từ vỏ não trước trán.

Do đó, thiếu ngủ không đầy bộ não vào tình trạng tâm tính tiêu cực và giữ yên như vậy. Thay vào đó, bộ não thiếu ngủ dao động qua lại quá mức chạm đến cả hai đầu thái cực của hóa trị cảm xúc, tích cực và tiêu cực.

Bạn có thể nghĩ rằng sự tích cực làm đối trọng với sự tiêu cực trong cảm xúc, theo đó trung hòa được vấn đề. Nhưng tiếc rằng, các cảm xúc và việc chỉ dẫn của chúng về quyết định và các hành động tối ưu lại không hoạt động theo cách này. Tính nghiêm trọng thường nguy hiểm. Ví dụ như trầm cảm và tâm trạng tiêu cực tột độ có thể truyền cho người ta cảm giác về sự vô dụng, cùng với những ý niệm đặt câu hỏi về giá trị của cuộc sống. Hiện nay có bằng chứng rõ ràng hơn về vấn đề này. Các nghiên cứu về thanh thiếu niên đã xác định được mối liên hệ giữa sự gián đoạn giấc ngủ và những suy nghĩ tự sát, những nỗ lực tự sát và bi kịch nữa là, hoàn thành việc tự sát trong những ngày sau đó. Một lý do nữa để xã hội và các bậc cha mẹ coi trọng tầm quan trọng của giấc ngủ dồi dào ở trẻ vị thành niên hơn là trừng phạt nó, đặc biệt khi coi tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở người trưởng thành trẻ tuổi tại các nước phát triển, chỉ sau tai nạn xe hơi.

Thiếu ngủ cũng đã được liên kết với tính hung hăng, dọa nạt và các vấn đề về hành vi ở trẻ em khắp các lứa tuổi. Mối quan hệ tương tự như vậy giữa thiếu ngủ và bạo lực đã được quan sát thấy ở các quần thể tù nhân trưởng thành, những nơi mà, tôi nên bổ sung là, thiếu điều kiện tới mức đáng thương để cho phép có được giấc ngủ ngon, điều có thể giảm bớt hung hăng, bạo lực, rối loạn tâm thần và tự tử, hành vi vốn vượt quá mối quan tâm nhân đạo, làm tăng chi phí cho người nộp thuế.

Những vấn đề khó giải quyết tương tự phát sinh từ những dao động cực độ theo tâm trạng tích cực, mặc dù hậu quả khác hẳn nhau. Sự mẫn cảm với những trải nghiệm mang lại niềm vui thích có thể dẫn đến việc tìm kiếm cảm giác, chấp nhận mạo hiểm và cả nghiện ngập. Rối loạn giấc ngủ là dấu hiệu được công nhận có liên quan đến việc sử dụng chất gây nghiện58. Thiếu ngủ cũng xác định tỷ lệ tái phát ở nhiều rối loạn nghiện, liên quan tới cảm giác thèm khát phần thưởng không kiểm soát nổi, thiếu kiểm soát từ khu vực lý trí thuộc vỏ não trước trán của bộ não59. Liên quan đến quan điểm phòng ngừa, sự thiếu ngủ suốt thời thơ ấu dự đoán sớm đáng kể việc sử dụng ma túy và rượu ở chính đứa trẻ đó trong những năm tuổi vị thành niên, ngay cả khi kiểm soát các đặc điểm mắc nguy cơ cao khác, chẳng hạn như lo âu, thiếu sự tập trung và tiền sử cha mẹ sử dụng ma túy60”. Bây giờ bạn có thể hiểu rõ lý do tại sao nguy cơ cảm xúc hai chiều, giống như con lắc đồng hồ được gây ra bởi sự thiếu ngủ rất đáng lo ngại, hơn là ổn định theo đối trọng.

Các thí nghiệm chụp cắt lớp bộ não của chúng tôi ở những người khỏe mạnh cung cấp những phản ánh về mối quan hệ giữa giấc ngủ và các chứng bệnh tâm thần. Không có bệnh tâm thần nghiêm trọng nào mà ở đó giấc ngủ là bình thường. Điều này đúng với chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực (từng được gọi là chứng hưng trầm cảm).

Tâm thần học từ lâu đã nhận thức được sự trùng hợp giữa rối loạn giấc ngủ và bệnh tâm thần. Tuy nhiên, quan điểm phổ biến trong tâm thần học là các rối loạn tâm thần gây gián đoạn giấc ngủ - ảnh hưởng một chiều. Thay vào đó, chúng tôi đã chứng minh ngược lại rằng những người khỏe mạnh có thể trải nghiệm mẫu thần kinh của hoạt động bộ não tương tự như quan sát thấy phần lớn các bệnh tâm thần này hoàn toàn bằng cách làm gián đoạn hoặc ngăn lại giấc ngủ của họ. Quả thật, đa phần các vùng của bộ não thường bị ảnh hưởng bởi những rối loạn tâm trạng tâm thần cũng chính là những vùng có liên quan đến việc điều hòa giấc ngủ và bị ảnh hưởng bởi mất ngủ. Hơn nữa, phần lớn các gen biểu hiện những bất thường ở các bệnh tâm thần cũng chính là những gen giúp kiểm soát giấc ngủ và nhịp sinh học của chúng ta.

Có phải tâm thần học đã định hướng nguyên nhân sai lầm, còn sự gián đoạn giấc ngủ thúc đẩy bệnh tâm thần, mà không phải là ngược lại? Không, tôi tin rằng sự không chính xác và sụt giảm đều gây ra tác hại ngang nhau. Hơn nữa, tôi tin chắc rằng sự mất ngủ và bệnh tâm thần được mô tả tốt nhất như sự tương tác hai chiều, với luồng lưu lượng tham gia trở nên mạnh hơn ở chiều này hoặc chiều kia, tùy thuộc vào sự rối loạn.

Tôi không cho rằng tất cả các bệnh tâm thần đều do thiếu ngủ gây ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự gián đoạn giấc ngủ vẫn là yếu tố bị bỏ quên đang góp phần vào sự thúc đẩy và/hoặc duy trì nhiều bệnh tâm thần, cũng như có tiềm năng về chẩn đoán và điều trị mạnh mẽ mà chúng ta thực sự chưa hiểu rõ hoặc tận dụng được.

Bằng chứng sơ bộ (nhưng hấp dẫn) đang bắt đầu hỗ trợ sự khẳng định này. Một ví dụ liên quan đến rối loạn lưỡng cực, mà hầu hết mọi người sẽ nhận ra bằng cái tên cũ chứng hưng trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực không nên bị nhầm lẫn với trầm cảm nghiêm trọng, căn bệnh mà những người mắc phải đều hoàn toàn trượt xuống tới tận đầu mút tiêu cực của phổ tâm trạng. Thay vào đó, những bệnh nhân bị trầm cảm lưỡng cực thường do dự giữa hai đầu cực của phổ cảm xúc, trải qua những giai đoạn nguy hiểm của hàng cảm (hành vi cảm xúc theo hướng phần thưởng quá mức) cũng như các giai đoạn trầm cảm sâu (tâm trạng và cảm xúc tiêu cực). Những thái cực này thường được tách biệt nhờ quãng thời gian bệnh nhân ở trạng thái cảm xúc ổn định, không hưng cảm cũng không chán nản.

Một nhóm nghiên cứu ở Ý đã kiểm tra các bệnh nhân lưỡng cực trong suốt thời gian họ ở giai đoạn ổn định, nằm giữa hai trạng thái này. Tiếp theo, dưới sự giám sát lâm sàng cẩn thận, họ đã khiến những bệnh nhân này thiếu ngủ trong một đêm. Gần như ngay lập tức, một tỉ lệ lớn những bệnh nhân này hoặc rơi vào giai đoạn hưng cảm hoặc trở nên trầm cảm nghiêm trọng. Tôi thấy đây là một thử nghiệm khó khăn về mặt đạo đức để đánh giá đúng được mục đích khoa học, nhưng các nhà khoa học đã chứng minh một cách quan trọng rằng thiếu ngủ chính là yếu tố kích thích gây ra giai đoạn tâm thần nằm giữa của hưng cảm hoặc trầm cảm. Kết quả này hỗ trợ cho Cơ chế mà theo đó sự gián đoạn giấc ngủ - hầu như luôn đi trước sự thay đổi từ trạng thái ổn định sang trạng thái hưng cảm hoặc trầm cảm không ổn định ở bệnh nhân lưỡng cực - cũng có thể (chính) là yếu tố kích thích gây ra rối loạn và không đơn giản thuộc hiện tượng phụ.

May mắn là điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ ở những bệnh nhân mắc một số bệnh tâm thần sử dụng kĩ thuật mà chúng ta sẽ thảo luận sau này, được gọi là liệu pháp hành vi nhận thức cho chứng mất ngủ (CBT-I), bạn có thể cải thiện mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và tỉ lệ thuyên giảm. Đồng nghiệp của tôi tại Đại học California, Berkeley, Tiến sĩ Allison Harvey là người tiên phong trong lĩnh vực này.

Bằng cách cải thiện số lượng, chất lượng và sự đều đặn của giấc ngủ, Harvey và nhóm của cô đã chứng minh một cách có hệ thống khả năng chữa bệnh của giấc ngủ cho tâm trí của nhiều quần thể tâm thần. Cô đã can thiệp bằng công cụ điều trị giấc ngủ các bệnh khác nhau như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, lo âu và tự sát, tất cả đều có hiệu quả tuyệt vời. Nhờ việc chính quy hóa và đề cao giấc ngủ, Harvey đã đưa được những bệnh nhân này thoát khỏi sự tàn phá của bệnh tâm thần. Điều đó, theo ý kiến của tôi, là một sự giúp ích thực sự vượt trội đối với nhân loại.

Những thay đổi trong hoạt động bộ não về mặt cảm xúc mà chúng tôi quan sát thấy ở những người khỏe mạnh bị mất ngủ cũng có thể giải thích được một phát hiện đã làm cho tâm thần học thấy khó hiểu trong nhiều thập kỉ. Những bệnh nhân bị trầm cảm nặng, theo đó họ trở nên nhốt mình hoàn toàn vào đầu mút tiêu cực của phổ tâm trạng, cho thấy những gì xuất hiện lúc đầu là để hình thành phản ứng phản trực giác đối với một đêm mất ngủ. Khoảng 30% - 40% những bệnh nhân này sẽ cảm thấy khỏe hơn sau một đêm không ngủ. Sự thiếu ngủ của họ xem ra là một loại thuốc chống suy nhược.

Tuy nhiên, lý do thiếu ngủ không phải là cách điều trị thường được sử dụng vì hai điều. Thứ nhất, ngay khi những người mắc bệnh trầm cảm chìm vào giấc ngủ, thì lợi ích chống trầm cảm cũng biến mất. Thứ hai, 60% - 70% bệnh nhân trầm cảm không phản ứng với sự thiếu ngủ sẽ thực sự cảm thấy tồi tệ hơn, càng làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm của họ. Kết quả là, thiếu ngủ không phải là lựa chọn điều trị thực tế hoặc toàn diện. Song nó đã đặt ra một câu hỏi thú vị: Sự thiếu ngủ có thể chứng minh trở nên hữu ích cho một số người này, nhưng bất lợi cho những người khác như thế nào?

Tôi tin rằng lời giải thích nằm ở những thay đổi hai chiều trong hoạt động bộ não về mặt cảm xúc mà chúng tôi đã quan sát được. Như bạn có thể nghĩ, trầm cảm không chỉ xuất hiện cảm xúc tiêu cực thái quá. Trầm cảm nghiêm trọng còn liên quan nhiều đến việc hoàn toàn không có các cảm xúc tích cực, một đặc điểm được mô tả như sự mất khoái cảm: không có khả năng đạt được niềm vui từ những trải nghiệm thú vị thông thường, chẳng hạn như ăn uống, giao tiếp xã hội, hoặc tình dục.

Một phần ba số người bị trầm cảm đã phản ứng với sự thiếu ngủ mà có thể do đó, trở thành những người trải nghiệm sự khuếch đại lớn hơn bên trong các mạch phần thưởng của bộ não như tôi đã mô tả lúc trước, dẫn đến sự nhạy cảm càng trở nên mạnh mẽ hơn và trải nghiệm được những yếu tố kích thích về phần thưởng tích cực ngay sau khi thiếu ngủ. Do đó, sự mất khoái cảm của họ bị giảm bớt và lúc này họ có thể bắt đầu trải nghiệm mức độ lớn hơn của niềm vui từ những trải nghiệm cuộc sống thú vị. Trái lại, hai phần ba số bệnh nhân trầm cảm còn lại có thể trải qua hậu quả cảm xúc tiêu cực đối lập của sự thiếu ngủ chiếm ưu thế hơn: chứng trầm cảm của họ trở nên tồi tệ hơn nhiều thay vì giảm bớt. Nếu chúng ta có thể xác định được điều gì quyết định những bệnh nhân đó là người nào sẽ phản ứng và người nào không, thì hi vọng của tôi chính là chúng ta có thể tạo ra các phương pháp can thiệp giấc ngủ tốt hơn, phù hợp hơn để chống lại chứng trầm cảm.

Chúng ta sẽ quay lại xem ảnh hưởng của mất ngủ đến sự ổn định về cảm xúc và các chức năng khác của bộ não trong các chương sau khi chúng ta thảo luận về hậu quả thực tế của việc mất ngủ trong xã hội, giáo dục và nơi làm việc. Những phát hiện này chứng minh cho câu hỏi của chúng ta về việc liệu có hay không các bác sĩ bị thiếu ngủ có thể đưa ra các quyết định và phán đoán về mặt lý trí thật tình cảm; các nhân viên quân đội thiếu ngủ có nên đặt ngón tay mình vào cò súng; các nhân viên ngân hàng làm việc quá sức và các nhà giao dịch chứng khoán có thể đưa ra những quyết định tài chính sáng suốt, không rủi ro khi đầu tư vào quỹ hưu trí khó kiếm của quần chúng, và liệu thanh thiếu niên có nên “chiến đấu” chống lại những lần phải dậy sớm thật bất khả thi trong suốt giai đoạn phát triển của cuộc đời khi họ dễ bị phát triển các rối loạn tâm thần gây tổn thương nhất. Tuy nhiên, bây giờ tôi sẽ tóm tắt phần này bằng chính câu nói sáng suốt về chủ đề giấc ngủ và cảm xúc của vị doanh nhân người Mỹ, E. Joseph Cossman: “Cây cầu tốt nhất bắc giữa tuyệt vọng và hy vọng là một đêm ngủ ngon giấc61”.

MỆT MỎI VÀ HAY QUÊN?

Bạn đã từng “thức thâu đêm”, cố tình thức trắng cả đêm bao giờ chưa? Một trong những tình yêu đích thực của tôi chính là việc giảng dạy một lớp đông sinh viên chưa tốt nghiệp đại học về khoa học giấc ngủ tại Đại học California, Berkeley. Tôi đã dạy một khóa học về giấc ngủ giống như vậy khi tôi còn ở Đại học Harvard. Khi mới vào đầu khóa học, tôi đã tiến hành ngay một cuộc khảo sát về giấc ngủ, tìm hiểu thói quen ngủ của những sinh viên đó, chẳng hạn như thời gian họ ngủ và thức những ngày trong tuần và cuối tuần, họ ngủ được bao nhiêu, liệu họ có nghĩ thành tích học tập liên quan đến giấc ngủ không.

Vì họ đang nói cho tôi biết sự thật (họ điền vào cuộc khảo sát trực tuyến ẩn danh, không phải trong lớp), song câu trả lời tôi thường xuyên nhận được khá đáng buồn. Hơn 85% sinh viên thức thâu đêm. Đặc biệt đáng lo ngại là thực tế mà những người trả lời “có” với câu hỏi thức thâu đêm, gần một phần ba những sinh viên trả lời “có” đó làm như vậy hàng tháng, hàng tuần, hoặc thậm chí nhiều lần một tuần. Khi khóa học tiếp tục trong suốt học kỳ, tôi trở lại kết quả khảo sát giấc ngủ của mình và liên kết thói quen ngủ của chính họ với khoa học mà chúng tôi đang nghiên cứu. Bằng cách này, tôi cố gắng chỉ ra những nguy hiểm cá nhân mà họ đối mặt về sức khỏe tâm lý và thể chất của họ do thiếu ngủ cùng với sự nguy hiểm mà bản thân họ đặt ra cho xã hội như một hậu quả.

Lý do phổ biến nhất để thức thâu đêm được các sinh viên của tôi đưa ra là học nhồi kiến thức cho thi học kì. Năm 2006, tôi quyết định tiến hành một nghiên cứu chụp cộng hưởng từ (MRI) để điều tra xem liệu họ làm như vậy là đúng hay sai. Có phải thức thâu đêm là ý tưởng khôn ngoan trong học tập? Chúng tôi lấy một nhóm lớn các cá nhân và phân công một nhóm ngủ đủ còn một nhóm thiếu ngủ. Ngày đầu tiên, cả hai nhóm vẫn tỉnh táo bình thường. Sang tới đêm hôm sau, những người trong nhóm ngủ đã ngủ suốt đêm, trong khi những người trong nhóm thiếu ngủ đã được giữ thức cả đêm qua sự “canh trừng” của đội ngũ nhân viên được đào tạo ở phòng thí nghiệm của tôi. Cả hai nhóm đều thức vào sáng hôm sau. Khoảng giữa trưa, chúng tôi đưa những người tham gia vào máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và nhờ họ cố gắng học một danh sách các sự kiện, mỗi cái một lần, khi chúng tôi chụp những bức ảnh về hoạt động bộ não của họ. Sau đó, chúng tôi kiểm tra họ để xem hiệu quả của việc học tập đó như thế nào. Tuy nhiên, thay vì kiểm tra họ ngay lập tức sau khi học, chúng tôi chờ cho đến khi họ có hai đêm ngủ hồi phục. Chúng tôi làm vậy để bảo đảm rằng bất kì sự sút kém nào mà chúng tôi quan sát thấy ở nhóm thiếu ngủ không bị xáo trộn bởi họ quá buồn ngủ hoặc lơ đễnh nhằm nhớ lại những gì họ có thể đã học được rất tốt. Do đó, sự thao túng thiếu ngủ chỉ có hiệu lực trong suốt quá trình học tập, mà không phải trong hành động nhớ lại sau này.

Khi chúng tôi so sánh hiệu quả của việc học tập giữa hai nhóm, kết quả thật rõ ràng: Có sự thâm hụt 40% trong khả năng nhồi nhét các sự kiện mới vào bộ não của nhóm thiếu ngủ (nghĩa là để tạo ra những kí ức mới) so với nhóm có giấc ngủ đêm trọn vẹn. Xét theo bối cảnh, ta sẽ thấy điều đó chính là sự khác biệt giữa việc vượt qua được kì thi và thi rớt thảm hại!

Điều gì sẽ xảy ra tiếp bên trong bộ não để sinh ra những thâm hụt này? Chúng tôi đã so sánh các mẫu hoạt động bộ não trong quá trình cố gắng học tập giữa hai nhóm, và tập trung phân tích vào vùng não đã được nói đến trong chương 6, đồi hải mã - nơi thông tin hộp thư đến” của bộ não thu nhận các sự kiện mới. Có rất nhiều hoạt động lành mạnh, liên quan đến học tập tại đồi đồi hải mã ở những người tham gia đã ngủ đêm hôm trước. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhìn vào cấu trúc bộ não tương tự này ở những người tham gia thiếu ngủ, chúng tôi không thể tìm thấy bất kì hoạt động học tập quan trọng nào. Nó như thể thiếu ngủ đã tắt “hộp thư đến” bộ nhớ của họ và bất kì thông tin mới nào được đưa đến đơn giản đều là bị trả lại. Bạn thậm chí không cần đến cả một đêm không ngủ. Đơn giản chỉ cần phá vỡ độ sâu giấc ngủ NREM của một người với những âm thanh không thường xuyên, ngăn chặn giấc ngủ sâu và giữ bộ não trong giấc ngủ nông, mà không đánh thức người đó vẫn sẽ sinh ra sự thiếu hụt giấc ngủ ở bộ não và suy giảm khả năng học tập tương tự.

Bạn có thể đã xem bộ phim Memento, trong đó nhân vật chính bị tổn thương não và, từ thời điểm đó trở đi, bộ não của anh ta không còn có thể tạo ra bất cứ kí ức mới nào nữa. Trong thần kinh học, hiện tượng đó của anh ta được gọi là “mất trí nhớ dày đặc”. Bộ phận của bộ não anh ta bị hư hại chính là đồi hải mã. Đó là cấu trúc hoàn toàn giống như khi bị sự thiếu ngủ tấn công, ngăn chặn khả năng học tập điều mới mẻ của bộ não bạn.

Tôi không thể nói cho bạn biết bao nhiêu sinh viên đã gặp tôi vào cuối bài giảng mà tôi mô tả những nghiên cứu này và nói, “Em biết chính xác cảm giác đó. Nó giống như em đang nhìn chằm chằm vào trang sách giáo trình mà không thấy gì. Em chỉ có thể nhớ được một số sự kiện vào ngày hôm sau vì kì thi, nhưng nếu thấy yêu cầu em làm bài kiểm tra tương tự thế vào một tháng sau, em nghĩ mình sẽ không nhớ gì cả”.

Mô tả được nêu trên có sự ủng hộ của khoa học. Một vài kí ức mà bạn có thể học được trong khi thiếu ngủ thường sẽ bị quên nhanh hơn nhiều, chỉ trong mấy tiếng hay mấy ngày sau đó. Những kí ức được hình thành khi thiếu ngủ là những kí ức yếu hơn, nên việc “bay hơi” vô cùng nhanh. Các nghiên cứu ở chuột đã phát hiện thấy hầu như không thể củng cố các kết nối khớp thần kinh giữa các tế bào thần kinh riêng lẻ vốn hay giả mạo thành một mạch bộ nhớ mới ở những con vật bị thiếu ngủ. Việc khắc ghi những kí ức lâu dài vào kiến trúc của bộ não trở nên gần như không thể. Điều này thực sự đúng cho dù các nhà nghiên cứu đã làm cho những con chuột bị thiếu ngủ trong 24 tiếng, hay chỉ một chút, khoảng 2 - 3 tiếng. Thậm chí những đơn vị cơ bản nhất của quá trình học tập - sự sản sinh các protein hình thành những khối tạo dựng cơ bản của kí ức bên trong những khớp thần kinh này - cũng bị còi cọc bởi trạng thái mất ngủ.

Nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực này đã tiết lộ rằng thiếu ngủ thậm chí còn ảnh hưởng đến ADN và các gen liên quan đến học tập trong các tế bào não của chính đồi hải mã. Do đó, thiếu ngủ có tác dụng thâm nhập và gặm mòn thật sâu, làm yếu bộ máy tạo kí ức bên trong bộ não của bạn, ngăn cản bạn xây dựng các vết tích bộ nhớ lâu dài. Nó giống như việc xây một lâu đài cát quá gần với dòng thủy triều - và hậu quả là không thể tránh khỏi.

Trong thời gian ở Đại học Harvard, tôi đã được mời viết bài chuyên mục đầu tiên của mình cho tờ báo của trường, tờ Crimson. Chủ đề là mất ngủ, học tập và trí nhớ. Và đó cũng là bài chuyên mục cuối cùng tôi được mời viết.

Trong bài báo đó, tôi đã mô tả các nghiên cứu nêu trên và mức độ liên quan, thời gian điều hướng lại của chúng cũng như một lần nữa nhắc tới đại dịch thiếu ngủ đang quét qua cơ thể sinh viên. Tuy nhiên, thay vì dạy cho sinh viên về những thực tiễn này, giáo viên chỉ biết trỏ tay ra la mắng sinh viên trực tiếp tại khoa, kể cả tôi. Tôi đề xuất rằng nếu chúng tôi, với tư cách là giáo viên, cố gắng hoàn thành những kiến thức cần được dạy cho các kì thi cuối khóa trong những ngày cuối cùng của học kỳ thì có phải đó là quyết định ngu xuẩn không. Bởi vì điều đó ép buộc hành vi ở sinh viên của chúng ta - ngủ ít hoặc thức thâu đêm khi đến kì thi - trở nên đối lập trực tiếp với mục đích nuôi dưỡng trí tuệ học vấn của tuổi trẻ. Tôi lập luận rằng logic, được ủng hộ bởi thực tế khoa học, phải thắng thế và rằng đã quá lâu rồi, thời điểm cho chúng ta nghĩ lại các phương pháp đánh giá, của mình, tác động giáo dục trái ngược của chúng và hành vi không lành mạnh mà nó đã ép buộc lên sinh viên của chúng ta.

Nếu đoán rằng phản ứng từ khoa là thái độ lãnh đạm thì đó thực sự là một lời khen nồng nhiệt. Nhưng không, tôi đã được chỉ cho thấy rằng, “Đó là sự lựa chọn của sinh viên trong các email phản hồi thật cương quyết. “Sự thiếu học tập theo kế hoạch bởi những sinh viên đại học vô trách nhiệm” là sự bác bỏ phổ biến khác từ khoa và những nhà quản lý đang cố tránh né trách nhiệm. Thực ra, tôi không bao giờ tin rằng một bài viết chuyên mục như vậy sẽ kích hoạt một cuộc đảo ngược về những phương pháp thi cử giáo dục nghèo nàn tại khoa hoặc ở bất kì học viên cao hơn nào khác. Vì nhiều người đã nói về các thể chế buộc con người chịu đựng trong nghịch cảnh như vậy rằng: các học thuyết, niềm tin và thực tiễn làm chết cả một thế hệ tại một thời điểm. Nhưng cuộc tranh luận và trận chiến phải bắt đầu ở đâu đó.

Bạn có thể hỏi liệu tôi đã thay đổi cách đánh giá và thực tiễn giáo dục của riêng mình chưa. Xin đáp rằng tôi đã thay đổi. Trong các lớp học của tôi giờ đây không còn những bài thi “cuối cùng” vào cuối học kì. Thay vào đó, tôi chia các khóa học của tôi thành ba phần sao cho sinh viên chỉ phải học một số bài giảng tại một thời điểm. Hơn nữa, không có bài kiểm tra nào mang tính tích lũy hết. Đó là hiệu ứng thử-và-đúng trong tâm lý học về trí nhớ, được mô tả như việc học tập trung so với giãn cách. Cũng giống như kinh nghiệm ăn uống tốt, sẽ thích hợp hơn rất nhiều khi tách các bữa ăn giáo dục thành các khóa học nhỏ hơn, với những giờ nghỉ giải lao ở giữa cho phép sinh viên tiêu hóa kịp kiến thức, hơn là ép buộc họ phải cố nhồi nhét tất cả calo thông tin vào đầu trong cùng một lần.

Ở chương 6, tôi đã mô tả vai trò quan trọng cho giấc ngủ sau khi học tập trong việc gắn kết ngoại tuyến, hoặc củng cố, những kí ức đã học được gần đây. Một người bạn đồng thời là người cộng tác lâu năm của tôi tại Trường Y Harvard, Tiến sĩ Robert Stickgold, đã tiến hành một nghiên cứu thông minh với những tác động rộng lớn. Ông đã nhờ tổng cộng 133 sinh viên đại học học tập về một nhiệm vụ bộ nhớ thị giác thông qua sự lặp lại. Những người tham gia sau đó trở lại phòng thí nghiệm của ông và được kiểm tra để xem họ đã giữ lại được bao nhiêu. Một số sinh viên quay trở lại vào ngày hôm sau, sau một giấc ngủ đêm trọn vẹn. Những người khác trở lại sau 2 ngày với 2 đêm ngủ thật trọn vẹn, và những người còn lại tới sau 3 ngày với 3 giấc ngủ đêm đầy đủ.

Như những gì lúc này bạn dự đoán, một giấc ngủ đêm đã củng cố những kí ức mới được học, thúc đẩy sự ghi nhớ của họ. Ngoài ra, những người tham gia ngủ càng nhiều đêm trước khi được kiểm tra, thì trí nhớ của họ càng tốt. Tất cả ngoại trừ một nhóm nhỏ người tham gia khác. Giống như những người ở nhóm thứ ba, những người tham gia này cũng đã học tập nhiệm vụ vào ngày đầu tiên ở cùng mức độ. Sau đó 3 đêm họ mới được kiểm tra, giống như nhóm thứ ba ở trên. Song khác biệt ở chỗ là họ không được ngủ vào đêm đầu tiên sau khi học và cũng không được kiểm tra vào ngày hôm sau. Thay vào đó, Stickgold đã cho họ ngủ 2 đêm hồi phục giấc ngủ đầy đủ trước khi kiểm tra họ. Những người ở nhóm này cho thấy hoàn toàn không có bằng chứng về cải thiện trí nhớ. Nói cách khác, nếu bạn không ngủ đêm đầu tiên sau khi học, bạn sẽ mất cơ hội củng cố những kí ức đó, cho dù bạn có nhận được rất nhiều giấc ngủ “bắt kịp” ngay sau đó. Rõ ràng, về mặt trí nhớ thì giấc ngủ không giống như ngân hàng. Bạn không thể tích lũy một khoản nợ và hy vọng sẽ trả nó vào một thời điểm khác nào sau đó. Giấc ngủ dành cho củng cố bộ nhớ là sự kiện “được ăn cả, ngã về không”. Đó cũng chính là kết quả đáng quan ngại trong xã hội 24/7, vội vã, không chờ đợi của chúng ta. Và tôi cảm thấy một bài viết chuyên mục khác đang đến...

GIẤC NGỦ VÀ BỆNH ALZHEIMER

Hai căn bệnh đáng sợ nhất trên khắp các quốc gia phát triển là chứng mất trí và ung thư. Cả hai căn bệnh này đều liên quan đến thiếu ngủ. Chúng ta sẽ đề cập đến ung thư trong chương tiếp theo, liên quan tới thiếu ngủ và cơ thể. Còn lúc này, liên quan tới chứng mất trí, điều tập trung vào bộ não, thì thiếu ngủ đang trở nên nhanh chóng được công nhận như yếu tố lối sống then chốt quyết định bạn có bị bệnh Alzheimer hay không.

Bệnh này, được bác sĩ người Đức, Tiến sĩ Aloysius Alzheimer, xác định ban đầu vào năm 1901 đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất về sức khỏe cộng đồng và kinh tế của thế kỉ XXI. Hơn 40 triệu người bị mắc bệnh suy nhược. Con số đó đã tăng tốc khi tuổi thọ của con người đã cao hơn, nhưng cũng thật quan trọng khi tổng thời gian ngủ đã giảm xuống. Hiện nay, cứ 10 người trưởng thành trên 65 tuổi thì có 1 người bị bệnh Alzheimer. Nếu không có những tiến bộ trong chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị, sự leo thang của căn bệnh sẽ không ngừng lại.

Giấc ngủ đại diện cho một ứng cử viên mới về hy vọng trên cả ba mặt trận này: chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị. Trước khi thảo luận tại sao, trước hết hãy để tôi mô tả sự gián đoạn giấc ngủ và bệnh Alzheimer được liên kết mang tính nhân quả như thế nào.

Như chúng ta đã biết trong chương 5, chất lượng giấc ngủ - đặc biệt giấc ngủ NREM sâu - giảm đi khi chúng ta già đi. Điều này được liên kết với sự suy giảm ở bộ nhớ. Tuy nhiên, nếu bạn đánh giá một bệnh nhân bị bệnh Alzheimer, sự gián đoạn của giấc ngủ sâu được phóng đại hơn rất nhiều. Có lẽ, nói rõ hơn, chính là sự thực rằng rối loạn giấc ngủ đến trước thời điểm bệnh Alzheimer phát tác nhiều năm, cho thấy nó có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm của căn bệnh, hoặc thậm chí là một yếu tố góp phần tạo nên căn bệnh. Sau khi chẩn đoán, cường độ của sự gián đoạn giấc ngủ rồi sẽ tiến triển đồng loạt với độ khốc liệt về triệu chứng ở bệnh nhân mắc Alzheimer, cho thấy rõ hơn nữa mối liên kết giữa cả hai thành tố này. Việc làm cho căn bệnh càng tồi tệ hơn chính là hơn 60% bệnh nhân mắc Alzheimer có ít nhất một chứng rối loạn giấc ngủ lâm sàng. Chứng mất ngủ đặc biệt phổ biến, vì những người chăm sóc người thân bị bệnh Alzheimer sẽ biết rất rõ.

Tuy nhiên, không phải cho đến gần đây, người ta mới nhận ra có nhiều điều hơn liên quan tới mối liên hệ giữa giấc ngủ bị rối loạn và bệnh Alzheimer. Trong khi vẫn còn nhiều điều đã được hiểu, giờ đây chúng ta nhận thấy sự gián đoạn giấc ngủ và bệnh Alzheimer tương tác theo một vòng xoắn ốc tự tiến hành, mang tính tiêu cực mà có thể khởi phát và/hoặc làm căn bệnh tiến triển nhanh hơn.

Bệnh Alzheimer có liên quan đến sự tích tụ của một dạng protein độc hại gọi là beta-amyloid, tập hợp ở các khối tế bào dính, hoặc mảng bám, bên trong bộ não. Các mảng bám amyloid trở nên độc hại với tế bào thần kinh, giết chết các tế bào não xung quanh. Tuy nhiên, điều kì lạ là các mảng bám amyloid chỉ ảnh hưởng đến một số bộ phận của bộ não mà không ảnh hưởng đến những bộ phận khác, và tới nay chúng ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chuyện này.

Điều khiến tôi nhớ về mẫu không được giải thích này chính là vị trí ở bộ não nơi amyloid tích tụ sớm trong quá trình tiến triển bệnh Alzheimer và khốc liệt nhất vào những giai đoạn cuối của căn bệnh. Khu vực đó chính là phần giữa của thùy trán - mà như bạn sẽ nhớ, là khu vực bộ não cần thiết cho việc tạo ra điện của giấc ngủ NREM sâu ở những người trẻ tuổi khỏe mạnh. Tại thời điểm đó, chúng tôi đã không hiểu tại sao hay liệu bệnh Alzheimer có gây ra sự gián đoạn giấc ngủ không, nhưng hoàn toàn biết rằng chúng luôn xảy ra đồng thời cùng nhau. Tôi đã tự hỏi liệu lý do bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer có giấc ngủ NREM sâu bị giảm sút như vậy, phần nào đó, là vì căn bệnh này làm xói mòn chính vùng bộ não thường sinh ra giai đoạn quan trọng này của giấc ngủ phải không.

Tôi đã tham gia cùng với Tiến sĩ William Jagust, một chuyên gia hàng đầu về bệnh Alzheimer, tại Đại học California, Berkeley. Cùng với nhau, các nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã thiết lập thử nghiệm giả thuyết này. Vài năm sau, khi đã đánh giá giấc ngủ của nhiều người cao tuổi với các mức tích tụ amyloid khác nhau trong bộ não mà chúng tôi đã định lượng bằng một kiểu chụp cắt lớp PET đặc biệt, chúng tôi đã tìm ra câu trả lời. Đó là lớp trầm tích amyloid ở các vùng giữa của thùy trán càng nhiều, chất lượng giấc ngủ sâu càng suy giảm ở người tuổi cao hơn. Và điều này không chỉ là tổn thất chung của giấc ngủ sâu phổ biến khi chúng ta già đi, mà còn phần sâu nhất của các sóng não chậm mạnh mẽ của giấc ngủ NREM sẽ bị căn bệnh này liên tục làm xói mòn. Sự khác biệt này rất quan trọng, vì nó có nghĩa rằng sự suy giảm giấc ngủ được gây ra bởi sự tích tụ amyloid trong bộ não không chỉ là “sự lão hóa bình thường”. Nó là độc nhất vô nhị - một sự khởi đầu từ những gì khác với dấu hiệu của sự suy giảm giấc ngủ khi chúng ta già đi.

Hiện tại chúng tôi đang kiểm tra xem liệu “vết lõm” hết sức đặc biệt này trong hoạt động sóng não khi ngủ có đại diện cho sự định danh ban đầu, thậm chí trước nhiều năm, của những người có nguy cơ cao nhất mắc bệnh Alzheimer hay không. Nếu giấc ngủ chứng minh được nó là biện pháp chẩn đoán sớm - đặc biệt là một biện pháp tương đối rẻ, không xâm lấn và có thể dễ dàng thực hiện được trên số lượng lớn cá thể, không như chụp MRI hoặc PET tốn kém - thì sự can thiệp sớm trở nên khả thi.

Dựa trên những phát hiện nay, công việc gần đây của chúng tôi đã bổ sung một phần quan trọng vào trò chơi ghép hình của bệnh Alzheimer. Chúng tôi đã phát hiện ra một đường mòn thần kinh mới mà thông qua đó các mảng bám amyloid có thể góp phần làm suy giảm trí nhớ về già trong cuộc sống: điều mà phần lớn đã bị thiếu trong sự hiểu biết của chúng ta về căn bệnh Alzheimer hoạt động ra sao. Tôi đã đề cập rằng lớp trầm tích amyloid độc hại chỉ tích lũy ở một số bộ phận nhất định của bộ não mà không phải ở những bộ phận khác. Mặc dù bệnh Alzheimer được lấy điển hình bằng sự mất trí nhớ, song đồi hải mã - hồ chứa bộ nhớ chính trong bộ não - không bị ảnh hưởng bởi protein amyloid. Câu hỏi này cho đến nay vẫn đang đánh đố các nhà khoa học: Amyloid gây mất trí nhớ ở bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer như thế nào khi bản thân amyloid không ảnh hưởng đến các vùng kí ức của bộ não? Trong khi các khía cạnh khác của căn bệnh có thể dễ nhận biết, thì đối với tôi, tôi thấy dường như hợp lý chính là có một yếu tố trung gian bị mất tích - một yếu tố đang giải quyết ảnh hưởng của amyloid ở một bộ phận của bộ não về bộ nhớ, bộ phận bị phụ thuộc vào một vùng khác của bộ não. Có phải sự gián đoạn giấc ngủ chính là yếu tố bị mất tích đó?

Để kiểm tra giả định này, chúng tôi đã nhờ những bệnh nhân cao tuổi với các mức độ amyloid khác nhau - từ thấp đến cao - trong bộ não của họ học một danh sách các sự kiện mới vào buổi tối. Sáng hôm sau, sau khi ghi lại giấc ngủ của họ trong phòng thí nghiệm đêm đó, chúng tôi đã kiểm tra họ để xem giấc ngủ của họ đạt hiệu quả như thế nào trong việc củng cố và từ đó, lưu giữ những kí ức mới. Chúng tôi đã phát hiện ra hiệu ứng phản ứng dây chuyền. Những người có lớp trầm tích amyloid cao nhất ở các vùng trước trán của bộ não đã có sự mất giấc ngủ sâu nghiêm trọng nhất và, như hậu quả dây chuyền, họ đều không thành công trong việc củng cố những kí ức mới. Việc quên đi sau một đêm, thay vì ghi nhớ, đã xảy ra. Do đó, sự gián đoạn giấc ngủ NREM sâu chính là người trung gian giấu mặt đang môi giới giao dịch xấu giữa amyloid và sự suy giảm trí nhớ bệnh Alzheimer. Mối liên kết bị mất tích.

Tuy nhiên, những phát hiện này mới chỉ là nửa câu chuyện và được thừa nhận là nửa kém quan trọng hơn. Công việc của chúng tôi đã chỉ ra rằng các mảng bám amyloid của bệnh Alzheimer có thể liên quan đến sự mất giấc ngủ sâu, nhưng nó có hoạt động theo cả hai chiều không? Có thể thiếu ngủ thực sự gây ra amyloid tích tụ trong bộ não của bạn ngay từ ban đầu không? Nếu vậy, sự thiếu ngủ trong cuộc sống của một con người sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.

Cũng trong khoảng thời gian chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Maiken Nedergaard tại Đại học Rochester đã thực hiện một trong những khám phá ngoạn mục nhất của lĩnh vực nghiên cứu giấc ngủ trong những thập kỷ gần đây. Tiến hành trên những con chuột, Nedergaard phát hiện ra một loại mạng lưới lọc sạch được gọi là hệ thống glymphatic tồn tại bên trong bộ não. Tên của mạng lưới này được bắt nguồn tương tự như hệ bạch huyết của cơ thể, nhưng nó bao gồm các tế bào được gọi là tế bào thần kinh đệm (glia, theo từ gốc tiếng Hy Lạp có nghĩa “hồ dán”).

Các tế bào thần kinh đệm được phân bố trong khắp cả bộ não của bạn, nằm ngay bên cạnh các tế bào thần kinh tạo ra các xung điện của bộ não. Cũng giống như hệ bạch huyết hút các chất gây ô nhiễm ra khỏi cơ thể, hệ thống glymphatic thu thập và loại bỏ các chất gây ô nhiễm chuyển hóa nguy hiểm được sinh ra từ công việc vất vả do các tế bào thần kinh thực hiện trong bộ não của bạn, giống như nhóm hỗ trợ vây quanh một vận động viên ưu tú.

Mặc dù hệ thống glymphatic - nhóm hỗ trợ - hơi tích cực vào suốt ban ngày, Nedergaard và nhóm của cô đã phát hiện ra rằng chính trong khi ngủ, công việc vệ sinh thần kinh này mới đạt đến mức cao. Kết hợp với nhịp mạch đập của giấc ngủ REM sâu tăng gấp 10 - 20 lần dòng chảy chất đào thải từ bộ não. Theo những gì có thể được mô tả như thanh lọc năng lượng ban đêm, công việc thanh lọc của hệ thống glymphatic được thực hiện bằng dịch não tủy để gột rửa bộ não.

Nedergaard đã thực hiện một khám phá đáng kinh ngạc thứ hai, giải thích được tại sao dịch não tủy lại quá hiệu quả trong việc loại bỏ các mảnh vụn trao đổi chất vào ban đêm. Các tế bào thần kinh đệm của bộ não sẽ thu hẹp kích thước tới 60% trong giấc ngủ NREM, mở rộng không gian xung quanh các tế bào thần kinh và cho phép dịch não tủy dọn sạch thật thành thạo các chất thải chuyển hóa còn lại bởi hoạt động thần kinh trong ngày. Hãy nghĩ về các tòa nhà của một thành phố trung ương lớn thu nhỏ lại về mặt vật lý vào ban đêm, cho phép đội làm sạch thành phố dễ dàng tiếp cận với rác thải nằm rải rác trên đường phố, sau đó xử lý bằng cách dùng vòi áp lực tốt (xối thẳng) vào mọi ngóc ngách và xó xỉnh. Khi chúng ta thức dậy mỗi buổi sáng, bộ não của chúng ta một lần nữa có thể hoạt động hiệu quả chính là nhờ vào việc dọn sạch sâu này.

Vậy điều này có liên quan gì đến bệnh Alzheimer? Một phần những mảnh vụn độc hại được hệ thống glymphatic thải ra trong giấc ngủ là protein amyloid - yếu tố độc hại có liên quan đến bệnh Alzheimer. Các yếu tố chất thải trao đổi chất nguy hiểm khác có liên quan đến bệnh Alzheimer cũng bị loại bỏ bởi quá trình lọc sạch trong khi ngủ, bao gồm một protein gọi là tau, cũng như các phân tử căng thẳng được các tế bào thần kinh sinh ra khi chúng đốt cháy năng lượng và oxy trong ngày. Nếu bạn ngăn một chú chuột bằng thực nghiệm khỏi giấc ngủ NREM, thay vào đó giữ cho chú chuột không ngủ, sẽ có một sự gia tăng tức thời về lớp trầm tích amyloid bên trong bộ não. Khi không ngủ, sự leo thang của protein độc hại liên quan đến Alzheimer được tích tụ trong bộ não của chuột, cùng với một số chất chuyển hóa độc hại khác. Nói cách khác, và có lẽ đơn giản hơn, sự tỉnh táo gây thiệt hại não cấp thấp, trong khi giấc ngủ giúp vệ sinh thần kinh.

Những phát hiện của Nedergaard đã hoàn thành vòng tròn kiến thức mà những phát hiện của chúng tôi chưa trả lời được. Sự thiếu ngủ và bệnh lý của bệnh Alzheimer tương tác với nhau theo một vòng luẩn quẩn. Nếu không ngủ đủ, các mảng bám amyloid tích tụ trong bộ não, đặc biệt ở các vùng sinh-ra-giấc ngủ-sâu, tấn công và làm suy thoái chúng. Việc mất giấc ngủ NREM sâu được gây ra bởi cuộc tấn công này do đó làm giảm khả năng loại bỏ amyloid ra khỏi bộ não vào ban đêm, dẫn đến lớp trầm tích amyloid lớn hơn. Càng nhiều amyloid, càng ít giấc ngủ sâu, càng ít giấc ngủ sâu, càng nhiều amyloid, cứ như vậy, theo một vòng luẩn quẩn.

Từ đây, chúng ta đưa ra một dự đoán: việc ngủ quá ít trong suốt độ tuổi trưởng thành sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Chính xác là mối quan hệ này giờ đây đã được trình bày trong nhiều nghiên cứu dịch tễ học, bao gồm cả những người mắc các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ và ngưng thở khi ngủ62. Tới đây tôi xin được xen vào một chút, và không mang tính khoa học cho lắm, là tôi đã từng luôn thấy tò mò khi Margaret Thatcher và Ronald Reagan - hai vị nguyên thủ quốc gia của Anh và Mỹ cho biết, nếu không nói là tự hào, rằng họ chỉ ngủ 4 - 5 tiếng một đêm - và kết quả là cả hai đều mắc phải căn bệnh tàn nhẫn này. Và đương kim tổng thống Mỹ, Donald Trump - cũng là người tuyên bố chắc nịch về việc ông chỉ ngủ vài tiếng mỗi đêm - có thể cần lưu ý.

Một dự đoán căn bản và trái ngược hơn xuất hiện từ những phát hiện này chính là, bằng cách cải thiện giấc ngủ của một người, chúng ta có thể giảm được nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer - hoặc ít nhất là trì hoãn sự khởi phát của nó. Sự hỗ trợ thăm dò đã xuất hiện từ các nghiên cứu lâm sàng mà theo đó chứng rối loạn giấc ngủ của những người trung và cao niên đã được điều trị thành công. Kết quả là tỷ lệ suy giảm nhận thức của họ đã được làm chậm lại đáng kể và đã trì hoãn được lâu hơn sự khởi phát căn bệnh Alzheimer từ 5 - 10 năm63.

Nhóm nghiên cứu riêng của tôi hiện đang cố gắng phát triển một số phương pháp khả thi để gia tăng nhân tạo giấc ngủ NREM sâu nhằm có thể khôi phục một số mức độ chức năng củng cố bộ nhớ không còn ở những người cao tuổi có lượng amyloid cao trong bộ não. Nếu chúng ta có thể tìm ra phương pháp tiết kiệm chi phí và có thể được mở rộng đến mức toàn dân sử dụng lặp lại, thì mục tiêu của tôi là phòng ngừa. Có thể chúng ta bắt đầu bổ sung giấc ngủ sâu đang bị suy giảm của những thành viên dễ bị tổn thương của xã hội vào thời trung niên, hàng chục năm trước thời điểm tới ngưỡng phát tác căn bệnh Alzheimer, nhằm tránh nguy cơ sa sút trí tuệ vào cuối đời không? Đó là một tham vọng tự nhận cao cả, và một số người sẽ tranh luận xem nó như mục đích nghiên cứu muốn bắn thẳng một phát lên mặt trăng. Nhưng thật xứng đáng để ghi nhớ rằng, chính chúng ta đã sử dụng phương pháp về mặt khái niệm này trong y học dưới dạng kê đơn thuốc ức chế men khử HMG-CoA (statin) cho những người ở độ tuổi 40 - 50 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn để giúp ngăn ngừa chính căn bệnh này, hơn là phải chữa trị nó sau đó hàng chục năm.

Sự thiếu ngủ chỉ là một trong những yếu tố có nguy cơ liên quan đến bệnh Alzheimer. Một mình giấc ngủ sẽ không phải là “viên thuốc tiên” hạ gục được chứng mất trí. Tuy nhiên, việc ưu tiên giấc ngủ trong suốt cuộc đời rõ ràng đang trở thành một yếu tố quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3