Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 35
35
Trong thư, gia đình tôi có dặn dò tôi khi nào về nhà, nhớ mua một vài thứ đem về trước khi rời Tokyo, vì thế suốt ngày hôm sau mặc dù trời nóng bức, tôi phải phơi mình ngoài nắng để đi ra phố.
Sáng hôm ấy, trong lúc ra phố mua các thứ mới nghĩ đến việc phải len lách trong những đường phố ồn ào náo nhiệt tôi đã cảm thấy khó chịu, bực mình. Và trong lúc ngồi trên xe điện ly khăn tay lau mồ hôi ròng ròng trên mặt, tôi bắt đầu thấy ghét giận cái bọn người nhà quê luôn luôn quấy rầy làm cho mình phải mất thì giờ.
Tôi không có ý rong chơi suốt mùa hè, không mó tay vào việc gì cả. Đã dự định từ trước một nhật trình mà tôi quyết tâm theo sát một khi về tới quê nhà tôi đã mua theo một lô sách nhét vào hành lý. Tới hiệu sách Mazuren và định tâm ở lại đó ít nhất nửa ngày, nếu cần, tôi lần mò trên tất cả các giá sách từ góc này sang góc nọ để tìm kiếm những cuốn sách quan hệ đến sự thâm cứu bộ môn học thuật của tôi.
Trong những thứ mà gia đình dặn tôi mua về, không gì làm tôi bực mình khó chịu bằng cái áo ngắn tay của đàn bà. Người học việc trong cửa hiệu đã vui lòng đem đủ mọi loại áo cho tôi xem nhưng tôi thấy muốn quyết định chọn lựa cái nào thì thực là quá khó. Lại khổ thêm một nỗi là giá cả chênh lệch khủng khiếp, những cái áo tôi tưởng là rẻ thực ra giá đắt kinh người, còn những cái tôi cho là đắt thì ngược lại, giá lại rẻ không sao ngờ nổi. Thực quả tôi không sao hiểu nổi vì đâu mà chiếc áo ngắn tay này lại tốt hơn chiếc khác nữa. Bây giờ tôi mới thấy hối tiếc là sao không nhờ bà vợ Tiên Sinh đi mua hộ mình cho yên thân.
Tôi cũng mua một cái vali. Dĩ nhiên là tôi chọn thứ rẻ tiền, làm ở trong nước. Tuy nhiên cái vali này cũng có nẹp sắt bóng lộn, trông thực xinh xẻo, đủ sức làm cho bọn nhà quê phải lác mắt. Trong thư, mẹ tôi đã dặn dò cẩn thận là nếu như thi đậu, tôi phải mua cái vali nào để có thể nhét đủ mọi thứ vào trong. Khi đọc đến lời dặn dò này tôi đã phì cười. Tôi không hiểu rõ dụng ý của mẹ tôi nhưng nói ra, chẳng phải có ý xấu, tôi vẫn thấy lời dặn dò này có vẻ hoạt kê ra phết.
Ba ngày sau, tôi lên xe lửa Tokyo theo đúng dự định. Khi cáo từ hai ông bà mấy hôm trước, tôi cũng chẳng chú ý gì mấy đến bệnh tình thầy tôi mặc dù Tiên Sinh đã báo động từ mùa Đông tới giờ. Có điều tôi cảm thấy xót xa cho mẹ tôi một khi thầy tôi nhắm mắt vì tưởng tượng đến lúc đó, tôi đã biết chắc là đời mẹ tôi sẽ hết sức cô đơn. Chẳng biết tự bao giờ tôi đã đi đến chỗ coi việc thầy tôi không còn sống thêm được bao lâu như là một chuyện tất nhiên. Trong một lá thư gửi cho ông anh ở Kyushu, tôi đã nói rằng thầy tôi chẳng hy vọng gì được khang kiện như xưa. Trong một lá thư khác, tôi lại khuyên anh nên về thăm nhà vào dịp hè và nếu có thể, nên tạm rời chức vụ nơi đô hội một thời gian để về nhà thấy mặt thầy tôi trước khi ông cụ nằm xuống. Tôi lại còn đi xa hơn khi viết thêm bằng giọng văn có vẻ cảm động rằng bọn mình là phận con cái, phải xót xa cho hai ông bà già cả phải sống cô quạnh như thế ở miền đồng quê. Tôi hoàn toàn thành thực khi viết thư như vậy; nhưng sau khi viết xong, tôi lại thấy lòng mình thay đổi đi nhiều.
Ngồi trong toa tàu, tôi nghĩ ngợi vớ vẩn về tình trạng mâu thuẫn trong lòng mình.
Càng nghĩ ngợi lan man, tôi càng thấy lòng mình khinh bạc không vui. Thế rồi tôi nhớ đến hai vợ chồng Tiên Sinh và cái buổi tối hôm tôi ăn cơm cùng với ông bà mới hai ba ngày trước. Tôi nhớ lại lời Tiên Sinh đã hỏi: "Hai người chúng tôi, ai sẽ nhắm mắt lìa đời trước chú có biết nổi không?". Và tôi nghĩ: "Hỏi như thế thì bố ai mà trả lời nổi?" Và giả như biết được câu trả lời thì Tiên Sinh sẽ làm thế nào? Bà vợ ông sẽ làm thế nào một khi bà biết được? Có lẽ cả hai ông bà đều có thái độ như thể không hay biết gì. Cũng như trong lúc tôi đang ngồi đây chẳng biết xoay xở ra sao mặc dù thầy tôi đang gần kề cái chết. Đến lúc này tôi mới cảm thấy sự bất lực của con người và tính cách vật vờ của kiếp sống.