Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 04
4
Cuối tháng đó, tôi trở lại Tokyo, Tiên Sinh đã rời nơi nghỉ mát trước tôi khá lâu. Lúc chia tay, tôi hỏi ông: "Thưa thỉnh thoảng cháu xin phép lại nhà thăm Tiên Sinh, chẳng hay có tiện hay không ạ?" Và ông trả lời gọn lỏn: "Dĩ nhiên là được chứ!" Tôi có cảm tưởng hai người đã là những người bạn thân thiết từ lâu và hình như tôi đang đợi chờ một câu trả lời vồn vã nồng hậu hơn thì phải. Nhớ lại lúc đó, tôi thấy lòng tự tin của mình hơi bị thương tổn.
Trong khi qua lại với Tiên Sinh, tôi thường hơi bị thất vọng như thế. Đôi khi Tiên Sinh hình như là biết tôi có vẻ không được đẹp lòng và cũng có những khi dường như ông không hay biết gì hết. Tuy nhiên, dù cho tôi thường trải qua những nỗi thất vọng nhỏ bé như thế, tôi chẳng bao giờ muốn xa rời Tiên Sinh cả. Quả thực cứ mỗi lần bị cự tuyệt là một lần tôi cảm thấy bất an, dao độn nhưng cũng là lại một lần tôi muốn làm thân hơn nữa với Tiên Sinh. Tôi nghĩ rằng khi nào hai người chúng tôi thân thiết với nhau hơn có lẽ tôi sẽ tìm thấy được nơi ông những điều tôi đang muốn tìm kiếm. Tôi còn ít tuổi, đó là một sự thực, nhưng tôi cũng biết là không nên cư xử một cách quá ư phàm thường như thế với người khác. Không hiểu vì sao lúc đó tôi lại cư xử như thế riêng với Tiên Sinh. Nhưng bây giờ, Tiên Sinh đã qua đời, tôi mới bắt đầu hiểu thực chẳng phải là ngay từ đầu Tiên Sinh đã không ưa tôi. Cách chào hỏi, đối xử lạnh nhạt, cộc cằn của ông không phải là để biểu lộ sự không đẹp lòng của ông đối với tôi mà chỉ để cảnh cáo cho tôi biết trước là chẳng nên gần gũi với một người không có giá trị như ông làm gì. Thực ra chỉ vì khinh miệt chính mình mà Tiên Sinh không chịu đáp lại lòng mến yêu của người khác. Tôi cảm thấy thương xót Tiên Sinh vô cùng.
Dĩ nhiên là tôi định bụng lại thăm Tiên Sinh bất cứ lúc nào sau khi trở về Tokyo. Còn hai tuần nữa khóa học mới bắt đầu và tôi nghĩ là nên đến thăm ông trong thời gian ấy. Tuy nhiên vài ngày sau khi từ Kamakura trở về Tokyo, tôi lại thấy ý định đó phai nhạt đi nhiều. Không khí nơi đại đô hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến tôi, làm sống lại trong tôi bao nhiêu là kỷ niệm. Cứ mỗi lần nhìn thấy một sinh viên ở ngoài phố là tôi lại thấy chính mình đương nôn nao háo hức đợi chờ năm học mới với một niềm hy vọng và một nỗi rộn rã khôn tả. Có lúc tôi quên bẵng Tiên Sinh đi.
Khoảng một tháng sau khi các khóa giảng bắt đầu, tôi thấy mình thảnh thơi khoan khoái hơn trước. Đồng thời tôi cũng bắt đầu lang thang bát phố, lòng những băn khoăn là đời mình còn thiếu thốn một cái gì đó. Và tôi lại thấy khuôn mặt Tiên Sinh bồng bềnh trước mặt: tôi muốn gặp lại ông.
Lần đầu tiên tôi tới nhà thăm, Tiên Sinh đi vắng. Tôi nhớ là đến chủ nhật, tôi lại đến lần nữa. Hôm ấy là một ngày đẹp trời, bầu trời trong xanh đến nỗi mình nhìn tới là đã thấy lòng tràn ngập một cảm giác sung sướng hả hê. Một lần nữa, Tiên Sinh lại không có nhà. Ở Kamakura Tiên Sinh bảo tôi là ông ít khi đi đâu, thường ở nhà cả ngày; thực thế ông còn bảo tôi là ông chẳng thích ra ngoài, đi chơi đâu hết. Nhớ lại điều này, tôi cảm thấy một nỗi bất mãn không lý do sau khi cả hai lần tìm đến mà cả hai lần đều chẳng gặp ông. Vì thế tôi cứ đứng lưỡng lự trù trừ ở ngay trước cổng ngoài, nhìn thẳng vào mặt chị người làm đã cho tôi hay là ông chủ đi vắng. Dường như chợt nhớ ra rằng trước đây tôi đã tới nhà và để lại tấm danh thiếp, chị ta bảo tôi chờ một lát rồi đi vào trong nhà. Một lát sau, một người đàn bà xinh đẹp xuất hiện: Tôi đoán đó là bà chủ nhà.
Rất lịch sự, bà cho tôi biết Tiên Sinh đi đến nơi nào. Hàng tháng, vào cùng một ngày, Tiên Sinh mang hoa đi thăm một ngôi mộ nào đó trong nghĩa địa Zoshigaya. "Ông nhà tôi vừa mới ra khỏi nhà chưa đầy mười phút mà thôi", bà nói, giọng tiếc rẻ ra mặt. Tôi cảm ơn bà rồi cáo từ. Mới đi được một chút đường về phía khu phố ồn ào, náo nhiệt, tôi chợt có ý nghĩ là giá mình cũng tản bộ tới Zoshigaya thì kể cũng thú. Ngoài ra, tôi lại sinh lòng hiếu kỳ, muốn được gặp Tiên Sinh ở đó xem sao. Tôi liền rẽ sang đường khác để đi về phía nghĩa địa Zoshigaya.