Những quy luật của bản chất con người - Chương 06
6
Nâng cao tầm nhìn của bạn
Quy luật của sự thiển cận
Chính phần động vật trong bản chất của bạn dễ bị gây ấn tượng nhất bởi những gì bạn có thể nhìn thấy và nghe thấy trong hiện tại - những báo cáo tin tức và xu hướng mới nhất, những quan điểm và hành động của những người xung quanh bạn, bất cứ điều gì có vẻ kịch tính nhất. Đây là thứ khiến cho bạn rơi vào những kế hoạch hấp dẫn vốn hứa hẹn những kết quả nhanh chóng và tiền bạc dễ dàng. Đây cũng là thứ khiến cho bạn phản ứng thái quá với các tình huống hiện tại - trở nên quá phấn khích hoặc hoảng loạn khi các sự kiện quay sang hướng này hay hướng khác. Hãy học cách đo lường con người bằng sự hẹp hòi hoặc rộng rãi trong tầm nhìn của họ; tránh để cho bản thân vướng vào những người không thể nhìn thấy hậu quả của những hành động của họ, những người đang ở trong một trạng thái phản ứng liên tục. Họ sẽ lây sang bạn năng lượng này. Đôi mắt của bạn phải tập trung vào các xu hướng lớn hơn - vốn chi phối các sự kiện, vào những điều không thể nhìn thấy ngay lập tức. Không bao giờ đánh mất tầm nhìn đối với mục tiêu dài hạn của bạn. Với một tầm nhìn cao, bạn sẽ có sự kiên nhẫn và rõ ràng để đạt được hầu hết mọi mục tiêu.
Những khoảnh khắc điên rồ
Trong suốt mùa hè và đầu mùa thu năm 1719, John Blunt người Anh (1665-1733), một trong những giám đốc hàng đầu của Công ty South Sea, theo dõi những tin tức mới nhất từ Paris với sự lo lắng ngày càng tăng. Người Pháp đang ở giữa một cuộc bùng nổ kinh tế ngoạn mục, chủ yếu nhờ vào thành công của Công ty Mississippi, một doanh nghiệp được khởi xướng bởi người Anh sống xa xứ Scotsman John Law để khai thác vùng trù phú thuộc lãnh thổ Louisiana do Pháp kiểm soát. Law đã bán cổ phần trong công ty, và khi giá của nó tiếp tục tăng, người Pháp thuộc mọi tầng lớp đã bán cổ phiếu lấy tiền mặt và trở nên giàu có như thể trong mơ. Từ triệu phú đã được đặt ra trong những tháng này để chỉ những người giàu có đó.
Những tin tức đó khiến cho Blunt tức giận và ghen tị. Ông là một người Anh trung thành. Với thành công của Công ty Mississippi, Paris đã thu hút được vốn đầu tư từ khắp châu Âu. Nếu điều này tiếp diễn, Pháp sẽ sớm trở thành thủ đô tài chính của thế giới, vượt qua Amsterdam và London. Quyền lực mới được phát hiện đó của người Pháp chỉ có thể gieo thảm họa cho nước Anh, kẻ thù không đội trời chung của họ, nhất là nếu có một cuộc chiến khác nổ ra giữa hai quốc gia.
Đi sâu vào cá nhân hơn, Blunt là một người có tham vọng lớn. Ông là con trai của một thợ đóng giày khiêm tốn; từ khi còn rất trẻ, ông đã nhắm tới việc trèo lên những tầng lớp cao nhất của xã hội Anh. Ông tin rằng phương tiện để đạt được điều đó là thông qua cuộc cách mạng tài chính đang càn quét châu Âu, nơi tập trung ngày càng tăng của các tập đoàn tài chính như công ty của Law và như Công ty South Sea. Trái ngược với việc làm giàu thông qua phương tiện sở hữu đất đai truyền thống, vốn rất tốn kém về mặt quản lý và phải chịu thuế cao, việc kiếm tiền thông qua mua cổ phiếu là tương đối dễ dàng, và lợi nhuận được miễn thuế. Những cuộc đầu tư như thế trở thành trào lưu ở London. Blunt đã có kế hoạch biến Công ty South Sea thành công ty cổ phần lớn nhất và thịnh vượng nhất ở châu Âu, nhưng John Law đã đánh cắp ý tưởng của ông với một dự án táo bạo và với sự hậu thuẫn hoàn toàn của chính phủ Pháp. Đơn giản là Blunt sẽ phải nghĩ ra ý tưởng nào đó lớn lao hơn và hay hơn, vì lợi ích của ông và vì tương lai của nước Anh.
Công ty South Sea được thành lập vào năm 1710 như là một doanh nghiệp sẽ xử lý và quản lý một phần những khoản nợ khổng lồ của chính phủ Anh, đổi lại công ty sẽ được độc quyền trong tất cả các giao dịch thương mại giữa Anh và Nam Mỹ. Sau nhiều năm, công ty gần như không giao thương mà chỉ phục vụ như một ngân hàng không chính thức cho chính phủ. Thông qua quyền lãnh đạo công ty, Blunt đã tạo dựng mối quan hệ với những người Anh giàu có và quyền thế nhất, đáng chú ý nhất chính là Vua George I (1660-1727), người đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của nó và được phong là thống đốc của công ty. Phương châm của Blunt trong cuộc sống luôn luôn là “Hãy suy nghĩ lớn”, và nó đã phục vụ tốt cho ông. Và vì vậy, khi suy nghĩ cố tìm cách vượt qua người Pháp, cuối cùng ông đã lập được một kế hoạch vào tháng 10 năm 1719, xứng đáng với phương châm của ông và ông cảm thấy chắc chắn nó sẽ thay đổi tiến trình lịch sử.
Vấn đề lớn nhất mà chính phủ Anh, đứng đầu là nhà vua, phải đối mặt là những khoản nợ khổng lồ mà nó phải gánh chịu trong suốt 30 năm chiến tranh với Pháp và Tây Ban Nha, tất cả đều được tài trợ dưới hình thức cho vay. Đề xuất của Blunt rất đơn giản và đáng kinh ngạc: Công ty South Sea sẽ trả cho chính phủ một khoản phí kha khá để có toàn quyền xử lý khoản nợ, trị giá lên tới 31 triệu bảng. (Công ty sẽ nhận được một khoản tiền lãi hằng năm trả cho khoản nợ). Sau đó Công ty sẽ tư nhân hóa khoản nợ 31 triệu bảng này và bán nó như thể nó là một loại hàng hóa, là những cổ phiếu của Công ty South Sea - mỗi cổ phiếu có giá trị tương đương 100 bảng Anh tiền nợ. Những người đã cho chính phủ vay tiền có thể chuyển đổi IOUs [giấy ghi nợ](57) của họ thành những cổ phần tương đương trong Công ty South Sea. Số cổ phiếu còn lại sẽ được bán cho công chúng.
Giá của một cổ phiếu sẽ bắt đầu từ 100 bảng. Như với bất kỳ cổ phiếu nào, giá có thể tăng và giảm, nhưng trong trường hợp này, nếu chơi đúng, giá sẽ chỉ tăng lên. Công ty South Sea có một cái tên hấp dẫn và đưa ra khả năng rằng nó cũng sẽ bắt đầu giao dịch trong khối tài sản khổng lồ ở Nam Mỹ. Đó cũng là nghĩa vụ yêu nước của các chủ nợ người Anh khi tham gia chương trình này, vì họ sẽ giúp xóa nợ trong khi có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn so với các khoản thanh toán lãi hằng năm mà chính phủ đã trả cho họ. Nếu giá cổ phiếu tăng, và hầu như chắc chắn nó sẽ tăng, người mua có thể rút tiền để kiếm lợi nhuận và công ty có thể đủ khả năng trả những khoản cổ tức tốt. Giống như phép lạ, nợ có thể biến thành tài sản. Đây sẽ là câu trả lời cho tất cả các vấn đề của chính phủ, và nó sẽ đảm bảo cho danh tiếng lâu dài của Blunt.
Khi nghe đề xuất của Blunt lần đầu tiên vào tháng 11/1719, vua George đã khá bối rối. Ông không thể hiểu làm thế nào một yếu tố tiêu cực (nợ) như vậy có thể ngay lập tức trở thành một yếu tố tích cực. Ngoài ra, biệt ngữ tài chính mới này đã đi thẳng qua đầu ông. Nhưng Blunt đã nói với niềm tin chắc chắn đến nỗi Nhà vua thấy mình bị cuốn vào sự nhiệt tình của ông ta. Nói cho cùng, ông ta đã hứa sẽ đồng thời giải quyết hai vấn đề lớn nhất của vua George, và khó mà cưỡng lại một viễn cảnh như vậy.
Vua George rất không được lòng dân chúng, một trong những vị vua Anh ít được ưa thích nhất trong mọi thời đại. Đó không hoàn toàn là lỗi của ông: ông là người Đức chứ không phải người Anh. Tước vị của ông trước đó là Công tước xứ Brunswick và Lãnh chúa xứ Hanover. Khi Nữ hoàng Anne của Anh qua đời năm 1714, George là người thân gần nhất theo đạo Tin Lành của bà. Nhưng khi ông lên ngôi, những thần dân mới của ông nhận thấy ông không giống như mong muốn của họ. Ông ta nói tiếng Anh với một chất giọng kinh khủng, cách cư xử của ông rất thô lỗ, và ông luôn khao khát có thêm tiền. Mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn không ngừng theo đuổi những người phụ nữ khác ngoài vợ mình, mà không ai trong số họ đặc biệt hấp dẫn. Trong những năm trị vì đầu tiên của ông đã có một vài nỗ lực đảo chính, và hẳn công chúng sẽ hoan nghênh sự thay đổi nếu các cuộc đảo chính thành công.
George rất muốn chứng minh với những thần dân mới của mình rằng ông có thể là một vị vua vĩ đại theo cách riêng của mình. Điều ông ghét nhất là các khoản nợ khủng mà chính phủ phải gánh chịu trước khi ông lên ngôi. George gần như dị ứng với bất kỳ loại nợ nào, như thể máu của chính ông đang bị rỉ ra.
Giờ đây Blunt mang tới cho ông cơ hội để xóa nợ và mang lại sự thịnh vượng cho nước Anh, củng cố chế độ quân chủ trong quá trình này. Điều đó hầu như quá tốt để trở thành sự thật, và ông đã làm tất cả những gì có thể để ủng hộ đề xuất đó. Ông giao cho Bộ trưởng Tài chính, John Aislabie, nhiệm vụ trình bày đề xuất này trước Quốc hội vào tháng 01/1720. Quốc hội sẽ phải phê chuẩn nó dưới dạng dự luật. Gần như ngay lập tức, đề xuất của Blunt đã làm dấy lên sự phản đối quyết liệt của nhiều nghị sĩ, một số người cho rằng nó lố bịch. Nhưng trong những tuần sau bài phát biểu của Aislabie, các đối thủ của dự luật đã mất tinh thần khi sự ủng hộ cho phe của họ dần dần co lại. Số cổ phiếu cao cấp trong dự án đã được tặng cho những người Anh giàu có và quyền lực nhất, bao gồm cả những thành viên nổi bật của Quốc hội; do đánh hơi được lợi nhuận chắc chắn mà cá nhân họ sẽ nhận được, giờ họ đã đồng ý thông qua dự luật.
Khi dự luật được thông qua vào tháng tư năm đó, chính vua George đã xuất hiện tại trụ sở Công ty South Sea và đặt cọc mua 100.000 bảng cổ phiếu trong dự án mới. Ông muốn thể hiện sự tin tưởng của mình, nhưng một bước như vậy là không cần thiết, vì kết quả của việc thông qua dự luật đã chiếm được niềm tin của công chúng và sự quan tâm tới cổ phiếu của Công ty South Sea đã lên tới mức cao trào. Trung tâm của hoạt động này là một khu vực của London được gọi là Exchange Alley, nơi gần như tất cả các cổ phiếu đã được bán sạch. Lúc bấy giờ, những con đường hẹp trong và xung quanh khu vực đã bị tắc nghẽn với lưu lượng giao thông càng lúc càng dày đặc.
Lúc đầu, chủ yếu là những người giàu có và quyền thế ngồi trong những cỗ xe ngựa sang trọng đẹp mắt, đến đó để mua cổ phiếu. Trong số những người mua còn có các nghệ sĩ và trí thức, trong đó có John Gay(58), Alexander Pope(59) và Jonathan Swift(60). Ngay sau đó, ngài Isaac Newton cũng đã cảm thấy sức hút và đầu tư một khoản lớn trong số tiền tiết kiệm của ông, 7.000 bảng. Tuy nhiên, vài tuần sau, ông cảm thấy nghi ngờ. Giá vẫn đang tăng, nhưng những gì tăng chắc chắn có thể giảm, và vì vậy ông bán lại số cổ phiếu đó, thu được gấp đôi khoản đầu tư ban đầu của mình.
Chẳng mấy chốc, tin đồn bắt đầu lan truyền rằng công ty sắp sửa buôn bán ở Nam Mỹ, nơi tất cả những thứ quý báu nằm chôn vùi trên núi. Điều này chỉ đổ thêm dầu vào lửa, và mọi người từ mọi tầng lớp bắt đầu hội tụ về London để mua cổ phiếu của Công ty South Sea. Báo chí viết rằng Blunt là một nhà giả kim tài chính, kẻ đã tìm thấy bí mật của việc chuyển nợ thành của cải. Ở nông thôn, những người nông dân đã rút ra từ dưới gầm giường của họ những đồng xu tiết kiệm cả đời và cử con cháu họ tới mua càng nhiều cổ phiếu càng tốt. Cơn sốt lan sang phụ nữ thuộc mọi tầng lớp, những người mà lúc bình thường họ không lao vào những thứ như vậy. Lúc này các nữ nghệ sĩ chen chúc bên cạnh các nữ công tước trong khu vực Exchange Alley. Trong khi đó, giá tiếp tục tăng, hơn 300 bảng và ít lâu sau 400 bảng.
Giống như Pháp trước đó, đất nước này đã trải qua một sự bùng nổ ngoạn mục. Vào ngày 28/5, nhà vua đã tổ chức sinh nhật lần thứ 60 của mình, và đối với một người nổi tiếng về sự tằn tiện, đó là bữa tiệc xa hoa nhất chưa ai từng thấy, với những cái bồn khổng lồ chứa đầy rượu vang và rượu sâm banh. Một phụ nữ trong bữa tiệc đã khoe khoang sự giàu có mới nổi của mình bằng cách nạm lên áo dài những thứ châu báu trị giá hơn 5.000 bảng. Ở khắp mọi nơi của London, những người giàu có phá hủy các tòa biệt thự cũ và thay thế chúng bằng những ngôi nhà thậm chí còn rộng lớn hơn. Những người khuân vác và người hầu bỏ việc, mua những chiếc xe đắt tiền và thuê những người khuân vác và người hầu cho chính họ. Một nữ nghệ sĩ trẻ đã kiếm được cả một gia tài, nàng quyết định nghỉ hưu; nàng đã thuê toàn bộ một nhà hát để nói lời tạm biệt với những người hâm mộ đáng yêu của mình. Một tối nọ, một phụ nữ quý tộc tới nhà hát xem opera đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy người giúp việc cũ của bà đang ngồi ở một lô đắt tiền hơn so với lô của chính bà. Jonathan Swift đã viết trong một lá thư cho một người bạn: “Tôi đã hỏi một số người đến từ London, tôn giáo ở đó là gì? Họ nói với tôi đó là cổ phiếu của South Sea. Vậy chính sách của Anh là gì? Câu trả lời vẫn như cũ. Hoạt động thương mại là gì? Vẫn là South Sea. Và kinh doanh là gì? Không gì khác ngoài South Sea”.
Giữa cuộc mua bán như lên cơn sốt này, John Blunt nghe ngóng, làm bất cứ điều gì có thể để kích thích sự quan tâm đến cổ phiếu South Sea và giữ cho giá tăng. Ông đã bán cổ phiếu với nhiều mức đăng ký khác nhau, đưa ra các điều khoản thanh toán hào phóng, đôi khi chỉ cần tạm ứng trước 20%. Với mỗi 400 bảng đầu tư, Blunt sẽ cho vay 300 bảng. Ông muốn duy trì nhu cầu và khiến mọi người cảm thấy rằng họ có thể đang bỏ lỡ một cơ hội giàu có. Chẳng mấy chốc, giá đã vượt qua 500 bảng và tiếp tục tăng. Đến ngày 15/6, ông đặt giá đăng ký ở mức 1.000 bảng, chỉ cần ứng trước 10% để có cổ phiếu và 10% trả góp trong bốn năm. Rất ít người có thể cưỡng lại những điều khoản như vậy. Ngay trong tháng đó, vua George đã phong tước hiệp sĩ cho Blunt. Bây giờ là một nam tước, ngài John Blunt đã đứng trên chóp đỉnh của xã hội Anh. Vâng, ngoại hình của ông không hấp dẫn chút nào và có thể ông hơi tự đắc. Nhưng ông đã giúp nhiều người trở nên giàu có đến độ bây giờ ông là nhân vật nổi tiếng được yêu quý nhất của nước Anh.
Khi những người giàu có và quyền thế chuẩn bị rời London để nghỉ hè, rõ ràng họ đang ở trong trạng thái choáng váng. Trông Blunt có vẻ thoải mái tự tin, nhưng ông bắt đầu cảm thấy lo lắng, thậm chí hoảng loạn. Có rất nhiều điều ông không thể nhìn thấy trước. Ông đã vô tình gây lan rộng cơn sốt đầu cơ mạo hiểm mới, một số liên quan đến những ý tưởng hợp lý và một số phi lý một cách hiển nhiên; chẳng hạn như việc đầu tư để phát triển một động cơ vĩnh cửu. Hiện giờ mọi người đang lên cơn sốt và đang đổ một số tiền của họ vào các công ty cổ phần mới này. Mỗi bảng tiền mặt rót vào các công ty đó sẽ bớt đi một bảng mà mọi người phải chi cho Công ty South Sea, và đó là một rắc rối ngày càng gia tăng, vì tiền mặt ở Anh rất hạn chế, và có những giới hạn đặt ra cho ông trong việc cung cấp tín dụng. Tương tự, mọi người bắt đầu đổ tiền vào đất đai như một khoản đầu tư an toàn cho tương lai; họ thường bán lại cổ phiếu South Sea để lấy tiền mặt cho các mục đích đó. Chính Blunt cũng đã và đang làm điều đó, nhưng công chúng không hề biết.
Khó khăn hơn nữa, người Pháp đã mất niềm tin vào dự án Mississippi và đang rút tiền của họ; tiền mặt đã trở nên khan hiếm và nền kinh tế Pháp giờ đây bất ngờ rơi vào tình trạng suy thoái. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng ở London. Trước khi mọi người trở về từ kỳ nghỉ hè, Blunt phải hành động.
Ông tác động Quốc hội Anh để thông qua Đạo luật Bong bóng năm 1720, trong đó cấm tất cả các công ty cổ phần không được ủy quyền bởi hiến chương hoàng gia. Điều này sẽ chấm dứt sự đầu cơ tràn lan. Nhưng giải pháp này đã tạo ra hậu quả mà ông không thấy trước. Hàng ngàn người đã đổ tiền tiết kiệm của họ vào các doanh nghiệp mới này và vì giờ đây chúng bị đặt ngoài vòng pháp luật, họ không có cách nào lấy lại được tiền của mình. Việc duy nhất họ có thể làm là bán cổ phiếu South Sea. Nhiều người trong số những người đã dùng tín dụng để mua cổ phiếu South Sea thấy mình phải đối mặt với các khoản trả góp mà họ không còn đủ khả năng chi trả. Họ cũng cố gắng rút tiền lại. Giá cổ phiếu South Sea bắt đầu giảm. Tháng 8 năm ấy, nhiều đám đông đã tụ tập bên ngoài công ty South Sea khi mọi người muốn bán lại cổ phiếu một cách tuyệt vọng.
Tới gần cuối tháng 8, chính Blunt cũng bắt đầu tuyệt vọng. Ông quyết định tung đợt đăng ký tiền lần thứ tư, một lần nữa với giá 1.000 bảng. Lúc này các điều khoản thậm chí còn hào phóng hơn bao giờ hết, và trên hết, ông đã hứa hẹn một khoản cổ tức Giáng sinh lớn đáng kinh ngạc là 30%, tiếp đến là cổ tức hằng năm 50%. Một số người đã bị kéo trở lại dự án bởi những điều khoản lôi cuốn đó, kể cả ngài Isaac Newton. Nhưng những người khác, như thể tỉnh dậy từ một giấc mơ, bắt đầu tự hỏi về tất cả mọi thứ: Làm thế nào một công ty chưa mua bán bất cứ thứ gì ở Nam Mỹ, và tài sản hữu hình duy nhất của nó là tiền lãi mà chính phủ phải trả cho khoản nợ của mình, lại có đủ khả năng để chia cổ tức cao như vậy? Bây giờ những gì từng có vẻ như giả kim thuật hoặc phép lạ dường như là một trò lừa bịp thẳng thừng đối với công chúng. Đến đầu tháng 9, việc bán tháo đã trở nên hoảng loạn, vì hầu như mọi người đều đổ xô chuyển đổi cổ phiếu giấy thành một thứ gì đó có thật, tiền xu hoặc kim loại dưới mọi hình thức.
Khi sự hoảng loạn về tiền mặt tăng mạnh, Ngân hàng Anh Quốc gần như sụp đổ, nó đã sắp hết tiền. Bây giờ rõ ràng rằng bữa tiệc ở nước Anh đã kết thúc. Nhiều người đã mất hết tài sản và tiền tiết kiệm cả một đời. Bản thân Isaac Newton đã mất khoảng 20.000 bảng, và từ đó chỉ cần nghe nhắc tới tài chính hoặc ngân hàng là ông sẽ lăn ra ốm. Mọi người cố bán bất cứ thứ gì họ có thể. Chẳng mấy chốc, đã có một làn sóng tự tử, bao gồm cả Charles Blunt, cháu trai của ngài John. Anh ta đã tự đâm vào cổ họng sau khi biết bản chất chính xác của những mất mát của mình.
Bản thân Blunt bị săn lùng trên đường phố và suýt bị ám sát. Ông phải nhanh chóng tẩu thoát khỏi London. Ông trải qua phần đời còn lại ở thị trấn Bath, sống qua ngày với những phương tiện rất khiêm tốn còn lại sau khi Quốc hội tịch thu gần như toàn bộ số tiền ông đã kiếm được trong dự án South Sea. Có lẽ trong cảnh hiu quạnh lẻ loi, ông có thể suy ngẫm về sự trớ trêu của toàn bộ sự việc này - ông đã thật sự thay đổi tiến trình lịch sử và bảo đảm sự nổi tiếng trong mọi thời đại của mình, với tư cách kẻ đã lập ra một trong những kế hoạch phi lý và có tính chất hủy hoại nhất từng có trong lịch sử kinh doanh.
Diễn dịch: John Blunt là một doanh nhân thực dụng, dứt khoát, với một mục tiêu duy nhất - tạo lập một gia tài lâu dài cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1719, người đàn ông rất thực tế này đã gây ra một cơn sốt. Khi bắt đầu đọc về những gì đang diễn ra ở Paris, ông đã bị gây ấn tượng bởi kịch tính của tất cả những điều này. Ông đã đọc những câu chuyện sống động về những người Pháp bình thường đột nhiên trở nên giàu có. Trước đây, ông chưa bao giờ nghĩ rằng đầu tư vào các công ty cổ phần có thể mang lại kết quả nhanh như vậy, nhưng bằng chứng từ Pháp là không thể bác bỏ. Ông muốn mang lại may mắn tương tự cho nước Anh, và khi xây dựng kế hoạch của mình, ông bắt chước, một cách tự nhiên, nhiều đặc điểm của dự án của Law, chỉ gia tăng quy mô của nó.
Tuy nhiên, điều nổi bật ở đây là một câu hỏi khá rõ ràng dường như không bao giờ xuất hiện trong đầu ông. Dự án sẽ phụ thuộc vào giá cổ phiếu tăng. Nếu những người chuyển đổi giấy nợ của chính phủ thành cổ phiếu phải trả 200 bảng cho mỗi cổ phiếu thay vì 100 bảng, họ sẽ nhận được ít cổ phiếu hơn, nhờ đó South Sea sẽ còn nhiều cổ phiếu hơn để bán cho công chúng và thu lợi nhuận cao. Nếu cổ phiếu được mua với giá 200 bảng, chúng sẽ có giá trị hơn nếu giá tiếp tục tăng và được bán đúng lúc. Việc nhìn thấy giá tăng lên sẽ thu hút thêm nhiều chủ nợ chuyển đổi cổ phiếu của họ và nhiều người mua hơn. Mọi người sẽ chỉ thắng nếu giá tiếp tục tăng. Nhưng làm thế nào giá có thể tiếp tục tăng nếu nó không dựa trên bất kỳ tài sản thật nào, chẳng hạn như thương mại? Nếu giá bắt đầu giảm, vì chắc chắn sẽ xảy ra, sự hoảng loạn chắc chắn sẽ xảy ra, vì mọi người sẽ mất niềm tin vào kế hoạch này và điều này chỉ có thể gây ra phản ứng bán tháo dây chuyền. Vì sao Blunt không thể nhìn thấy trước điều này?
Câu trả lời rất đơn giản: Khung thời gian tinh thần của Blunt đã bị thu hẹp đến mức ông đánh mất khả năng nhìn xa hơn nhiều tháng để cân nhắc những hậu quả. Bị mê hoặc bởi các sự kiện ở Pháp và tưởng tượng ra sự giàu có và quyền lực mà ông đang mấp mé đạt được, ông chỉ có thể tập trung vào hiện tại, bảo đảm kế hoạch được triển khai thành công. Thành công ban đầu của nó chỉ khiến cho ông tưởng rằng nó sẽ theo xu hướng này trong một thời gian dài. Trong lúc nó tiến triển, chắc chắn ông hiểu rằng ông phải làm cho giá tăng nhanh hơn nữa, và phương tiện duy nhất để làm như vậy là thu hút nhiều nhà đầu tư hơn thông qua các điều khoản tín dụng hào phóng. Điều này sẽ làm cho kế hoạch thậm chí còn bấp bênh hơn, một giải pháp làm phát sinh một số nguy hiểm mới. Đạo luật Bong bóng và cổ tức hào phóng mang đến những rủi ro lớn hơn ngay lập tức, nhưng đến lúc này khung thời gian của ông đã bị thu hẹp xuống chỉ còn vài ngày. Giá như ông có thể giữ cho con tàu vẫn nổi thêm một tuần nữa, ông sẽ tìm ra một giải pháp mới nào đó. Cuối cùng, ông hết thời gian.
Khi mọi người đánh mất sự liên kết giữa hành động và hậu quả của họ, họ sẽ đánh mất thực tế và càng đánh mất thực tế thì trông nó càng giống như sự điên rồ. Sự điên rồ đã chế ngự Blunt cũng nhanh chóng lan sang nhà vua, Quốc hội và cuối cùng là cả một quốc gia của những công dân nổi tiếng nhờ lương tri của họ. Một khi người Anh nhìn thấy đồng bào của họ đang kiếm được những khoản tiền lớn, nó trở thành một thực tế, thì có nghĩa là dự án này phải thành công. Họ cũng đánh mất khả năng nhìn xa hơn vài tháng. Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với ngài Isaac Newton, mẫu mực của sự sáng suốt. Lúc đầu, ông cũng bị sốt, nhưng sau một tuần, đầu óc lý luận của ông có thể nhìn thấy những lỗ hổng trong kế hoạch, và vì vậy ông đã bán cổ phần của mình. Sau đó, ông chứng kiến những người khác kiếm được những khoản tiền lớn hơn nhiều so với số tiền 14.000 bảng của ông và điều đó làm ông khó chịu. Đến tháng 8, ông phải quay lại, mặc dù đó là thời điểm tồi tệ nhất để tái đầu tư. Bản thân ngài Isaac Newton đã đánh mất khả năng suy nghĩ xa hơn. Khi quan sát cảnh tượng ở Exchange Alley, một nhân viên ngân hàng người Hà Lan cho rằng: “[Nó trông như thể] tất cả những bệnh nhân tâm thần đã trốn thoát khỏi nhà thương điên cùng một lúc”.
Thấu hiểu: Con người có xu hướng sống ngay hiện tiền. Nó là phần động vật trong bản chất của chúng ta. Chúng ta phản ứng trước nhất và trên hết với những gì chúng ta thấy và nghe, với những gì kịch tính nhất trong một sự kiện. Nhưng chúng ta không chỉ đơn thuần là những con vật bị cột chặt vào hiện tại. Hiện thực của con người bao gồm quá khứ, mỗi sự kiện được kết nối với một điều gì đó đã xảy ra trước đó trong một chuỗi nhân quả vô tận của lịch sử. Bất kỳ vấn đề hiện tại nào cũng có nguồn gốc sâu xa trong quá khứ. Nó cũng bao gồm tương lai. Bất cứ điều gì chúng ta làm đều có những hậu quả kéo dài trong những năm sắp tới.
Khi chúng ta giới hạn suy nghĩ của mình ở những gì các giác quan của chúng ta cung cấp, ở những gì trước mắt, chúng ta sẽ hạ xuống cấp độ động vật thuần túy trong đó khả năng suy luận của chúng ta bị vô hiệu hóa. Chúng ta không còn nhận thức được tại sao hoặc bằng cách nào mọi thứ xảy ra. Chúng ta tưởng tượng rằng một kế hoạch thành công nào đó vốn đã kéo dài một vài tháng chỉ có thể trở nên tốt hơn. Chúng ta không còn suy nghĩ về những hậu quả khả dĩ của bất cứ điều gì chúng ta đã bắt đầu. Chúng ta phản ứng với những gì được đưa ra trong thời điểm này, chỉ dựa trên một mẩu nhỏ của vấn đề nan giải. Đương nhiên, những hành động của chúng ta sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước, hoặc thậm chí là những thảm họa như sự sụp đổ của South Sea hoặc vụ sụp đổ gần đây hơn của năm 2008.
Đối với vấn đề phức tạp hơn, chúng ta bị bao vây bởi những người khác vốn đang liên tục phản ứng, kéo chúng ta vào sâu hơn trong hiện tại. Những kẻ bán hàng và những kẻ mị dân khai thác điểm yếu này trong bản chất con người để lừa bịp chúng ta với triển vọng về những lợi lộc dễ dàng và sự hài lòng ngay lập tức. Thuốc giải độc duy nhất của chúng ta là tự rèn luyện để liên tục tách mình ra khỏi dòng sự kiện trước mắt và nâng cao tầm nhìn của chúng ta. Thay vì phản ứng, chúng ta nên lùi lại và nhìn vào bối cảnh rộng lớn hơn. Chúng ta nên xem xét các phương tiện khác nhau khả dĩ của bất kỳ hành động nào chúng ta thực hiện. Chúng ta ghi nhớ các mục tiêu dài hạn của mình. Thông thường, khi nâng cao tầm nhìn, chúng ta sẽ quyết định rằng tốt hơn là không làm gì cả, không phản ứng, để cho thời gian trôi qua và chờ xem nó tiết lộ điều gì. (Giá như Blunt chỉ cần đợi vài tháng, hẳn ông sẽ nhìn thấy dự án của Law sụp đổ, và hẳn nước Anh sẽ tránh được sự phá sản đã diễn ra). Sự tỉnh táo và cân bằng như vậy không tự nhiên đến. Chúng là những khả năng chúng ta có được thông qua nỗ lực lớn lao, và chúng đại diện cho chiều cao của trí tuệ con người.
Tôi có thể tính toán chuyển động của những thiên thể, nhưng không tính toán được sự điên rồ của mọi người.
- Sir Isaac Newton
Những giải pháp đối với bản chất con người
Hầu như tất cả chúng ta đều trải qua những tình huống tương tự như sau: Một người nào đó chúng ta cần hoặc phụ thuộc vào mà họ không chú ý tới chúng ta đúng mức, không đáp lại lời kêu gọi của chúng ta. Cảm thấy thất vọng, chúng ta có thể hiện tình cảm của mình với anh ta hoặc cố gắng hơn nữa để nhận được sự phản hồi. Hoặc chúng ta gặp phải một vấn đề, một dự án không suôn sẻ, và vì vậy chúng ta quyết định chiến lược và đưa ra hành động phù hợp. Hoặc một người mới xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta; và do bị quyến rũ bởi năng lượng trẻ trung và sự lôi cuốn của cô ta, chúng ta trở thành bạn của cô ta.
Sau đó nhiều tuần trôi qua và chúng ta buộc phải đánh giá lại những gì đã xảy ra và cách chúng ta phản ứng. Thông tin mới được đưa ra ánh sáng. Cá nhân đó, kẻ không đáp lại chúng ta, đã quá mải mê với công việc. Giá như chúng ta chờ đợi và không quá nôn nóng, chúng ta có thể tránh được việc đẩy ra xa một đồng minh có giá trị. Vấn đề mà chúng ta đã cố gắng giải quyết đó không thật sự quá cấp bách và chúng ta đã làm cho nó tồi tệ hơn bằng cách vội vã đi tới một kết quả. Chúng ta cần biết nhiều hơn trước khi hành động. Và người bạn mới đó rốt cuộc không mấy quyến rũ; thật sự, thời gian cho thấy cô ta là một kẻ nguy hiểm có thần kinh không ổn định; và ta phải mất nhiều năm để chữa lành những tổn thương do tình bạn với cô ta gây ra. Khoảng cách xa hơn một chút có thể cho chúng ta nhìn thấy những dấu hiệu nguy hiểm trước khi mọi sự trở nên quá muộn. Khi nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta thấy mình có xu hướng nôn nóng và phản ứng thái quá; chúng ta nhận ra những khuôn mẫu hành vi vốn khó nhận ra vào thời điểm đó nhưng sau đó đã trở nên rõ ràng hơn.
Điều này có nghĩa là trong thời điểm hiện tại chúng ta thiếu tầm nhìn. Với thời gian trôi qua, chúng ta có được nhiều thông tin hơn và nhìn thấy nhiều sự thật hơn; những gì vô hình với chúng ta lúc đó giờ đây trở nên hữu hình khi nhìn lại. Thời gian là người thầy vĩ đại nhất của mọi sự thật, kẻ vén mở hiện thực.
Có thể so sánh điều này với hiện tượng thị giác sau: Dưới chân núi, trong một khu rừng rậm rạp, chúng ta không thể xác định phương hướng hay sơ đồ của môi trường xung quanh. Chúng ta chỉ nhìn thấy những gì trước mắt. Nếu bắt đầu di chuyển lên sườn núi, chúng ta có thể nhìn thấy nhiều cảnh vật xung quanh và cách chúng liên quan đến các phần khác của quang cảnh hơn. Càng lên cao, chúng ta càng nhận ra rằng những gì chúng ta đã nghĩ ở bên dưới không hoàn toàn chính xác, dựa trên một tầm nhìn hạn chế. Trên đỉnh núi, chúng ta có một cái nhìn toàn cảnh rõ ràng đối với quang cảnh và phương hướng vị trí của khu vực đó.
Loài người bị khóa chặt trong thời điểm hiện tại, như thể chúng ta đang sống ở dưới chân núi. Thứ rõ ràng nhất đối với đôi mắt của chúng ta - những người khác xung quanh chúng ta, khu rừng bao quanh - khiến chúng ta có một tầm nhìn hạn chế, sai lệch đối với thực tế. Sự trôi qua của thời gian giống như việc leo cao dần lên đỉnh núi. Những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy trong hiện tại không còn quá mạnh mẽ; chúng ta có thể đứng xa ra và nhìn mọi thứ rõ ràng hơn. Càng lên cao cùng với thời gian trôi qua, chúng ta càng có nhiều thông tin về bức tranh. Những sự việc chúng ta nhìn thấy ba tháng sau khi chúng xảy ra không hoàn toàn giống như những gì chúng ta sẽ biết một năm sau đó.
Vậy là dường như sự khôn ngoan đó có xu hướng đến với chúng ta khi đã quá muộn, hầu như trong nhận thức muộn. Nhưng trên thực tế, có một cách để loài người chúng ta tạo ra hiệu ứng của thời gian, mang tới cho mình một cái nhìn mở rộng trong thời điểm hiện tại. Chúng ta có thể gọi đây là tầm nhìn xa trông rộng, và nó đòi hỏi quá trình sau.
Trước hết, khi đối mặt với một vấn đề, một sự xung đột hoặc một số cơ hội thú vị, chúng ta phải tự rèn luyện để tách ra khỏi độ nóng của thời điểm. Chúng ta phải tìm cách làm dịu đi sự phấn khích hoặc nỗi sợ hãi của mình. Chúng ta phải giữ một khoảng cách nhất định.
Kế đến, chúng ta bắt đầu đào sâu và mở rộng quan điểm của mình. Khi xem xét bản chất của vấn đề chúng ta đang đối mặt, đừng nên đưa ra lời giải thích ngay lập tức; thay vì thế, chúng ta đào sâu hơn và xem xét các khả năng khác, những động lực khả dĩ khác đối với những người có liên quan. Chúng ta buộc bản thân phải nhìn vào bối cảnh chung của sự kiện, không chỉ những gì ngay lập tức thu hút sự chú ý của chúng ta. Cần cố hết sức hình dung ra những hậu quả tiêu cực của các chiến lược khác nhau mà chúng ta đang dự tính. Cân nhắc xem vấn đề hoặc cơ hội hiển nhiên đó có thể tự giải quyết theo thời gian như thế nào, hoặc những vấn đề không hiển nhiên vào lúc đó có thể đột nhiên lớn hơn những gì chúng ta đang giải quyết trước mắt như thế nào. Tập trung vào các mục tiêu dài hạn và sắp xếp lại những ưu tiên hiện tại theo chúng.
Nói cách khác, quá trình này liên quan đến khoảng cách đối với hiện tại, một cái nhìn sâu hơn vào nguồn gốc của vấn đề, một góc nhìn rộng hơn đối với bối cảnh chung của tình huống và một cái nhìn xa hơn vào tương lai, bao gồm cả hậu quả của những hành động của chúng ta và những ưu tiên dài hạn của chúng ta.
Trong khi trải qua quá trình này, một số lựa chọn và lý giải nhất định sẽ bắt đầu có vẻ hợp lý và thực tế hơn so với số khác đã thu hút chúng ta ngay lúc này. Chúng ta bổ sung vào điều này những bài học đã học được trong nhiều năm về các khuôn mẫu hành vi của chính chúng ta. Theo cách này, dù thời gian không cho phép tái tạo được hiệu ứng đầy đủ, chúng ta cũng có thể ước lượng. Rất thông thường, ngày tháng trôi qua đem lại cho chúng ta nhiều thông tin hơn và hé mở những lựa chọn tốt hơn cho chúng ta. Chúng ta đang tạo ra hiệu ứng này trong hiện tại bằng cách mở rộng những gì chúng ta xem xét và mở rộng tâm trí. Chúng ta đang di chuyển lên núi. Một tầm nhìn cao như vậy có thể giúp chúng ta dịu lại và giúp chúng ta dễ dàng duy trì sự bình tĩnh hơn khi các sự kiện diễn ra.
Mặc dù điều này xem ra lý tưởng, phải thừa nhận rằng việc có một tầm nhìn xa rộng rất hiếm có trong người. Có vẻ như nó đòi hỏi một nỗ lực hầu như ngoài khả năng của chúng ta. Lý do cho điều này rất đơn giản: Suy nghĩ ngắn hạn liên quan mật thiết đến hệ thần kinh con người vốn hình thành để đáp ứng những gì trước mắt và tìm kiếm sự hài lòng ngay lập tức. Những tổ tiên loài người đã phải trả giá để nhận thấy những gì có khả năng gây nguy hiểm trong môi trường hoặc những gì mang lại cơ hội tìm kiếm thực phẩm. Bộ não con người như nó đã phát triển có cấu trúc không phải để kiểm tra bức tranh đầy đủ và bối cảnh của một sự kiện mà để tìm ra những đặc điểm ấn tượng nhất. Điều này khá hữu hiệu trong một môi trường tương đối đơn giản và giữa các tổ chức xã hội đơn giản của bộ lạc. Nhưng nó không phù hợp với thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống. Nó khiến chúng ta chú ý chủ yếu vào những gì kích thích các giác quan và cảm xúc của chúng ta, và bỏ lỡ phần lớn hơn của bức tranh toàn cảnh.
Điều này có một tác động mang tính quyết định đến cách chúng ta nhìn nhận niềm vui hoặc nỗi đau tiềm ẩn liên quan đến một tình huống. Bộ não có cấu trúc giúp nhận thấy những gì có thể gây hại ngay lập tức cho chúng ta trong môi trường xung quanh nhưng không chú ý nhiều đến những nguy hiểm khác xuất hiện trong tương lai trừu tượng hơn. Đây là lý do tại sao chúng ta có xu hướng chú ý nhiều hơn đến thứ gì đó giống như sự khủng bố (nỗi đau trước mắt), vốn chắc chắn đáng được chúng ta xem xét cẩn thận hơn so với sự nóng lên toàn cầu (nỗi đau xa xôi) mà trên thực tế đại diện cho mối nguy hiểm lớn hơn vì nó đặt sự sống còn của hành tinh vào nguy cơ. Nhưng một mối nguy hiểm như vậy có vẻ trừu tượng trong hiện tại. Khi nó trở nên hiển nhiên, có thể lúc ấy đã quá muộn. Chúng ta cũng có xu hướng nắm lấy những thứ mang lại niềm vui ngay lập tức, ngay cả khi chúng ta biết những hậu quả tiêu cực lâu dài. Đó là lý do tại sao mọi người tiếp tục hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy hoặc tham gia vào bất kỳ hành vi tự hủy hoại nào trong đó sự hủy diệt không phải là ngay lập tức và đầy kịch tính.
Trong một thế giới phức tạp, với vô số nguy cơ lờ mờ xuất hiện ở tương lai, xu hướng ngắn hạn là mối đe dọa liên tục đối với sức khỏe của chúng ta. Và khi chúng ta giảm chú ý nhờ công nghệ phát triển, mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn. Theo nhiều cách, chúng ta được xác định bởi mối quan hệ giữa con người với thời gian. Khi chúng ta chỉ đơn giản phản ứng với những gì mình thấy và nghe, khi chúng ta chuyển từ sự phấn khích và sôi nổi sang sự sợ hãi và hoảng loạn trước mỗi tin tức mới đầy kịch tính, khi chúng ta hướng đến những hành động của mình để đạt được càng nhiều lạc thú trước mắt càng tốt mà không nghĩ đến những hậu quả trong tương lai, có thể nói rằng chúng ta đang nhượng bộ bản chất động vật của mình, những gì nguyên thủy nhất và có tiềm năng hủy hoại nhất trong cấu trúc thần kinh của chúng ta.
Khi cố gắng chống lại khuynh hướng này để xem xét sâu hơn hậu quả của những gì chúng ta làm và bản chất của các ưu tiên dài hạn của chúng ta, chúng ta đang cố hết sức nhận ra tiềm năng thật sự của con người với tư cách động vật có tư duy. Và cũng giống như những suy nghĩ ngắn hạn có thể lây lan, một cá nhân là hiện thân của sự minh triết với tầm nhìn xa rộng có thể có một tác động cực kỳ tích cực đối với những người xung quanh. Những cá nhân đó giúp chúng ta nhận thức được bức tranh lớn hơn và bộc lộ một cách thức tư duy mà chúng ta thừa nhận là vượt trội. Chúng ta muốn bắt chước họ.
Trong suốt lịch sử, đã có nhiều biểu tượng của sự khôn ngoan này để truyền cảm hứng và hướng dẫn chúng ta: Joseph trong Kinh Cựu ước, người có thể nhìn vào trái tim mọi người và thấy trước tương lai; Socrates của Hy Lạp cổ đại, người đã dạy chúng ta cách giảm bớt ngu dại và tư duy hiệu quả hơn; chiến lược gia tài giỏi Gia Cát Lượng của Trung Quốc thời Tam Quốc, người có thể dự đoán mọi động thái của kẻ thù; các nhà lãnh đạo như nữ hoàng Elizabeth I và Abraham Lincoln, nổi tiếng về sự thành công trong hoạch định chiến lược dài hạn của họ; nhà khoa học rất kiên nhẫn và có thể biết trước Charles Darwin, người cuối cùng đã vạch trần những ảnh hưởng sâu sắc của thời gian đối với sự tiến hóa của vạn vật; và Warren Buffett, nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử nhờ tầm nhìn xa trông rộng.
Nếu có thể, tránh tiếp xúc mật thiết với những người có nhận định sự việc trong khung thời gian hẹp, những người ở trạng thái phản ứng liên tục, và cố gắng hợp tác với những người có nhận thức mở rộng về thời gian.
Bốn dấu hiệu của sự thiển cận và những chiến lược để khắc phục chúng
Hầu hết chúng ta tưởng tượng rằng mình có những tư duy dài hạn; nói cho cùng, chúng ta có những mục tiêu và kế hoạch. Nhưng thật ra chúng ta đang tự lừa mình. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi nói chuyện với những người khác về những kế hoạch và chiến lược của họ cho tương lai gần và xa hơn: Chúng ta thường ngạc nhiên với sự mơ hồ và những suy nghĩ nông cạn của nhiều người trong những kế hoạch đó. Chúng giống những niềm hy vọng và ao ước hơn, và trong dòng chảy của các sự kiện trước mắt, họ cảm thấy áp lực và nhu cầu phản ứng; các mục tiêu và kế hoạch yếu như vậy rất dễ bị áp đảo. Hầu như chúng ta luôn ứng biến và phản ứng lại các sự kiện với thông tin không đầy đủ. Về cơ bản, chúng ta phủ nhận điều này vì rất khó có tầm nhìn xa trong quá trình ra quyết định của chính chúng ta.
Cách tốt nhất để khắc phục điều này là nhận ra những dấu hiệu rõ ràng của tư duy thiển cận trong cuộc sống của chính chúng ta. Như với hầu hết các yếu tố của bản chất con người, ý thức chính là chìa khóa. Chỉ bằng cách nhìn thấy những dấu hiệu này, chúng ta mới có thể chiến đấu với chúng. Sau đây là bốn biểu hiện phổ biến nhất của tư duy ngắn hạn:
1. Những hậu quả ngoài ý muốn.
Lịch sử đầy những ví dụ bất tận của hiện tượng này. Ở La Mã cổ đại, một nhóm người trung thành với nền Cộng hòa sợ rằng Julius Caesar sẽ biến chế độ độc tài của mình thành vĩnh viễn và thiết lập chế độ quân chủ. Năm 44 TCN, họ quyết định ám sát ông, sau đó khôi phục nền Cộng hòa. Trong sự hỗn loạn và khoảng trống quyền lực sau đó, cháu trai của Caesar, Octavius nhanh chóng vươn lên dẫn đầu, nắm quyền lực và chấm dứt vĩnh viễn nền Cộng hòa bằng cách thiết lập chế độ quân chủ trên thực tế (de facto monarchy). Sau cái chết của Caesar, có vẻ như Octavius chưa bao giờ có ý định thiết lập một hệ thống quân chủ. Những kẻ âm mưu đã mang tới đúng điều mà chính họ đã cố gắng ngăn chặn.
Ở Ấn Độ vào thế kỷ 19, dưới sự cai trị của thực dân Anh, chính quyền nhận thấy có quá nhiều rắn hổ mang độc hại trên đường phố Delhi, khiến cuộc sống của người dân Anh và gia đình họ trở nên bất tiện. Để giải quyết điều này, họ trao tiền thưởng cho người mang tới xác con rắn hổ mang. Những người dân địa phương táo bạo bắt đầu nuôi rắn hổ mang để kiếm sống từ tiền thưởng. Chính quyền nhận ra điều này và hủy bỏ chương trình. Oán ghét những kẻ cai trị và tức giận vì hành động của họ, những người nuôi rắn hổ mang quyết định thả chúng ra đường phố, khiến số lượng rắn hổ mang tăng gấp ba lần so với trước khi có chương trình này của chính quyền.
Các ví dụ khét tiếng khác bao gồm Tu chính án lần thứ 18 của Hoa Kỳ vào năm 1920, quy định về việc ngăn cấm các chất lỏng gây say, được ban hành để ngăn chặn sự lây lan của chứng nghiện rượu, nhưng rốt cuộc chỉ gia tăng mức tiêu thụ rượu lên một lượng đáng kể; Và cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng của người Nhật năm 1941, là chiến dịch để tiêu diệt lực lượng hải quân Hoa Kỳ bằng một đòn duy nhất, buộc Hoa Kỳ phải khuất phục. Thay vì thế, nó đã khiến công chúng Mỹ thoát khỏi chủ trương không can dự vào các vấn đề chính trị (isolationsim), bảo đảm cho việc tổng huy động nhân lực và các nguồn lực khác của đất nước để không chỉ đánh bại quân Nhật mà còn xóa sổ quân đội của họ mãi mãi. Chính sự thành công của chiến dịch Trân Châu Cảng đã đảm bảo cho kết quả trái ngược với dự định.
Có thể tìm thấy những ví dụ ít kịch tính hơn về điều này trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cố gắng kiểm soát một thiếu niên nổi loạn bằng cách đặt ra một số hạn chế đối với hành vi của cậu ta, chỉ khiến cho cậu ta trở nên nổi loạn hơn và không kiểm soát được. Chúng ta cố gắng cổ vũ một người trầm cảm bằng cách giúp cô ta nhận ra rằng cuộc sống của cô ta không tệ đến thế và mặt trời đang tỏa sáng, chỉ để nhận ra chúng ta đã khiến cho cô ta càng trầm cảm hơn. Lúc này cô ta cảm thấy có lỗi về cảm xúc của mình, cảm thấy mình vô giá trị và cô đơn hơn trong nỗi bất hạnh của mình. Một người vợ cố làm cho ông chồng cởi mở hơn với mình; hy vọng sẽ tạo được không khí thân mật hơn, cô hỏi anh ta đang nghĩ gì, chuyện gì đã xảy ra trong suốt cả ngày, v.v... Anh ta diễn dịch điều này thành sự xâm phạm, và trở nên khép kín hơn, khiến người vợ càng nghi ngờ và tò mò hơn, hậu quả là anh ta càng khép kín hơn nữa.
Nguồn gốc của hội chứng lâu đời này tương đối đơn giản: Cảnh giác với một điều gì đó đang diễn ra, chúng ta chụp vội lấy một giải pháp mà không suy nghĩ sâu sắc về bối cảnh, gốc rễ của vấn đề, hậu quả không lường trước có thể xảy ra. Bởi vì hầu hết chúng ta đều phản ứng thay vì suy nghĩ, hành động của chúng ta dựa trên thông tin không đầy đủ - Caesar không định thành lập một chế độ quân chủ; những dân nghèo Delhi coi thường những kẻ cai trị thực dân và không chấp nhận khi đột nhiên bị mất tiền; dân chúng Mỹ sẽ sẵn sàng tham chiến nếu bị tấn công. Khi chúng ta hành động với một tầm nhìn sai lệch như vậy, nó sẽ dẫn đến mọi dạng hậu quả tai hại. Trong tất cả các trường hợp, một động thái đơn giản là trèo lên núi sẽ cho thấy rõ những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với chúng ta về mặt nhận thức: Ví dụ, thưởng tiền cho xác rắn hổ mang đương nhiên sẽ khiến cho dân nghèo nuôi chúng để kiếm tiền.
Lúc nào cũng vậy, suy nghĩ của mọi người rất đơn giản và lười biếng: Giết Caesar và khôi phục nền Cộng hòa, hành động A dẫn đến kết quả B. Một biến thể của điều này, một hiện tượng khá phổ biến trong thế giới hiện đại, là niềm tin rằng nếu mọi người có những dự định tốt đẹp, kết quả sẽ là những điều tốt đẹp. Nếu một chính khách trung thực và có ý định tốt đẹp, ông ta hoặc bà ta sẽ mang tới những kết quả đáng mong muốn. Trên thực tế, những dự định tốt đẹp thường dẫn đến cái gọi là hiệu ứng rắn hổ mang, bởi vì những người có ý định cao quý nhất thường bị mù quáng bởi cảm giác tự cao tự đại và không xem xét tới những động cơ phức tạp và thường là có ác ý của những người khác.
Suy nghĩ mà không xét tới hậu quả là một bệnh dịch thật sự trên thế giới ngày nay, và nó trở nên tồi tệ hơn với tốc độ và sự dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin, vốn mang tới cho mọi người ảo tưởng rằng họ nắm được thông tin và có suy nghĩ sâu sắc về mọi thứ. Hãy nhìn vào các cuộc chiến tự hủy hoại như cuộc xâm lược Iraq năm 2003, những nỗ lực đóng cửa chính phủ Mỹ vì lợi ích chính trị ngắn hạn, số bong bóng tài chính ngày càng tăng từ cổ phiếu công nghệ sang bất động sản. Liên quan đến điều này là một sự tách rời dần dần khỏi chính bản thân lịch sử, vì mọi người có xu hướng xem các sự kiện hiện tại như thể chúng bị cô lập trong thời gian.
Thấu hiểu: Bất kỳ hiện tượng nào trên thế giới cũng có bản chất phức tạp. Những người mà bạn giao tiếp cũng phức tạp không kém. Bất kỳ hành động nào cũng tạo nên một chuỗi phản ứng vô tận. Nó không bao giờ đơn giản như A dẫn đến B. Vì B sẽ dẫn đến C, đến D và hơn thế nữa. Các vai diễn khác sẽ bị cuốn vào vở kịch và rất khó dự đoán động cơ và phản ứng của họ. Bạn không thể vạch ra những chuỗi này hoặc có khả năng xử lý hoàn toàn các hậu quả. Nhưng nếu suy nghĩ tới hậu quả nhiều hơn, ít nhất bạn có thể nhận thức được những hậu quả tiêu cực rõ ràng hơn vốn có thể xảy ra, và điều này thường chỉ ra sự khác biệt giữa thành công và thảm họa. Bạn mong muốn suy nghĩ có chiều sâu, để đi đến nhiều cấp độ khác nhau trong việc tưởng tượng ra càng nhiều càng tốt các trường hợp hoán vị.
Thông thường, trải đi qua quá trình này sẽ thuyết phục bạn về sự khôn ngoan khi “án binh bất động”, và chờ đợi. Ai biết được lịch sử sẽ ra sao nếu những kẻ âm mưu đã nghĩ ra điều này và chọn cách đợi cho đến khi Caesar chết tự nhiên hoặc trong chiến trận?
Mặc dù cách thức tư duy này rất quan trọng đối với các cá nhân, nó có thể còn quan trọng hơn đối với các tổ chức lớn, nơi có nhiều nguy cơ đối với nhiều người. Trong bất kỳ đội nhóm nào, hãy bố trí ít nhất một người chịu trách nhiệm xem xét mọi hậu quả khả dĩ của một chiến lược hoặc hành động, tốt nhất là một người có tâm lý hoài nghi và thận trọng. Bạn không bao giờ có thể đi quá xa trong quá trình này, và thời gian cùng tiền bạc bỏ ra sẽ được đền đáp xứng đáng khi bạn tránh được những thảm họa tiềm tàng và phát triển các kế hoạch vững chắc hơn.
2. Địa ngục chiến thuật
Bạn thấy mình bị lôi kéo vào nhiều cuộc đấu tranh hoặc trận chiến. Dường như bạn không có tiến triển nào nhưng bạn cảm thấy như mình đã đầu tư rất nhiều thời gian và sức lực đến độ sẽ là một sự lãng phí rất lớn khi từ bỏ. Bạn đã thật sự đánh mất mục tiêu dài hạn của mình, thứ mà bạn thật sự đang đấu tranh vì nó. Thay vào đó, nó đã trở thành vấn đề khẳng định cái tôi của bạn và chứng minh bạn đúng. Thông thường chúng ta thấy động lực này trong những cuộc tranh cãi giữa vợ chồng: Nó không còn hướng tới việc sửa chữa mối quan hệ mà là việc áp đặt quan điểm của một bên. Đôi khi, bị cuốn vào những trận chiến này, bạn cảm thấy mình trở nên phòng thủ và nhỏ mọn, tinh thần của bạn bị kéo xuống. Đây gần như là một dấu hiệu chắc chắn rằng bạn đã rơi vào địa ngục chiến thuật. Tâm trí của chúng ta được dành cho tư duy chiến lược - việc tính toán trước nhiều bước hướng tới các mục tiêu của chúng ta. Trong địa ngục chiến thuật, bạn không bao giờ có thể nâng tầm nhìn của mình đủ cao để suy nghĩ theo cách đó. Bạn liên tục phản ứng với những động thái của người này hay người kia, bị lôi kéo vào những vở kịch và cảm xúc của họ, đi vòng vòng trong những đường tròn.
Giải pháp duy nhất là rút lui tạm thời hoặc vĩnh viễn khỏi các trận chiến này, nhất là khi chúng đang xảy ra trên nhiều mặt trận. Bạn cần một sự tách biệt và tầm nhìn. Hãy làm cho cái tôi của bạn bình tĩnh lại. Nhắc nhở bản thân rằng việc thắng một cuộc tranh cãi hoặc việc chứng minh quan điểm của bạn thật sự chẳng đưa bạn tới đâu về lâu về dài. Hãy chiến thắng thông qua hành động chứ không phải lời nói của mình. Bắt đầu suy nghĩ lại về các mục tiêu dài hạn của bạn. Tạo một thang các giá trị và ưu tiên trong cuộc sống của bạn, nhắc nhở bản thân về những gì thật sự quan trọng với bạn. Nếu bạn xác định rằng một trận chiến cụ thể là quan trọng thật sự, với ý thức độc lập hơn, giờ đây bạn có thể vạch ra một phản ứng có tính chiến lược hơn.
Rất thông thường, bạn sẽ nhận ra rằng rốt cuộc những trận chiến nhất định là không đáng bỏ công. Chúng là một sự lãng phí năng lượng và thời gian quý giá, vốn ở vị trí cao trên thang giá trị của bạn. Việc thoát ra khỏi một trận chiến lòng vòng lúc nào cũng tốt hơn, bất kể cá nhân bạn cảm thấy đã đầu tư cho nó nhiều đến mức nào. Năng lượng và tinh thần của bạn là những cân nhắc quan trọng. Cảm thấy nhỏ mọn và thất vọng có thể có những hậu quả rất tai hại đối với khả năng tư duy chiến lược và khả năng đạt tới những mục tiêu của bạn.
Việc trải qua quá trình đã mô tả trong phần Những giải pháp bên trên đương nhiên sẽ nâng cao quan điểm của bạn và đặt tâm trí của bạn lên sa bàn chiến lược. Và trong cuộc sống cũng như trong chiến tranh, các chiến lược gia sẽ luôn chiếm ưu thế hơn so với các chiến thuật gia.
3. Cơn sốt băng giấy điện báo
Trong thời gian dẫn tới sự sụp đổ năm 1929 tại Phố Wall, nhiều người đã nghiện chơi chứng khoán, và chứng nghiện này có một thành tố vật lý - âm thanh của băng giấy máy điện báo ghi nhận lại mỗi thay đổi trong giá cổ phiếu. Việc nghe thấy âm thanh lách cách này báo hiệu cho biết điều gì đó đang xảy ra, ai đó đang giao dịch và kiếm bộn tiền. Nhiều người cảm thấy bị thu hút bởi chính âm thanh này, vốn có cảm giác như nhịp tim của Phố Wall. Chúng ta không còn sử dụng băng giấy điện báo nữa. Thay vào đó, nhiều người trong chúng ta đã trở nên nghiện chu kỳ tin tức thay đổi theo từng phút, nghiện “xu hướng mới là gì”, nghiện những dòng thông điệp của Twitter, vốn thường đi kèm với một âm thanh nho nhỏ có hiệu ứng gây mê riêng của nó. Chúng ta cảm thấy như mình được kết nối với chính dòng chảy của cuộc sống, với các sự kiện khi chúng thay đổi theo thời gian thật, và với những người khác đang theo dõi các báo cáo tức thời tương tự.
Nhu cầu biết ngay lập tức này có một động lực gắn liền. Một khi mong đợi có một mẩu tin nhanh, chúng ta không bao giờ có thể quay lại tốc độ chậm hơn chỉ cách đó một năm. Trên thực tế, chúng ta cảm thấy cần nhiều thông tin nhanh hơn nữa. Sự nôn nóng đó có xu hướng tràn sang các khía cạnh khác của cuộc sống - lái xe, đọc một cuốn sách, theo dõi một bộ phim. Quãng chú ý cũng như sức chịu đựng của chúng ta đối với bất kỳ trở ngại nào trên con đường của chúng ta sụt giảm.
Tất cả chúng ta đều có thể nhận ra những dấu hiệu của sự bồn chồn nôn nóng này trong cuộc sống của chính mình, nhưng những gì chúng ta không nhận ra là tác động xuyên tạc của nó đối với suy nghĩ của chúng ta. Những xu hướng của thời điểm - trong kinh doanh hoặc chính trị - được lồng vào các xu hướng lớn hơn diễn ra trong suốt nhiều tuần và tháng. Những quãng thời gian lớn hơn đó có xu hướng bộc lộ những điểm yếu và điểm mạnh tương đối của một khoản đầu tư, một ý tưởng chiến lược, một đội thể thao hoặc một ứng cử viên chính trị, thường trái ngược với những gì chúng ta thấy trong các xu hướng cực nhỏ của thời điểm này. Trong trạng thái tách biệt, một cuộc thăm dò dư luận hoặc giá cổ phiếu không cho chúng ta biết nhiều về những điểm mạnh và điểm yếu này. Chúng cho chúng ta ấn tượng lừa mị rằng những gì được tiết lộ trong hiện tại sẽ chỉ trở nên rõ rệt hơn theo thời gian. Việc muốn cập nhật những tin tức mới nhất là điều bình thường, nhưng dựa trên bất kỳ quyết định nào về những bức ảnh chụp nhanh này là đánh liều với nguy cơ đọc sai bức tranh lớn hơn.
Ngoài ra, mọi người có xu hướng phản ứng và phản ứng thái quá với bất kỳ thay đổi tiêu cực hoặc tích cực nào trong hiện tại, và việc cưỡng lại để không bị cuốn vào sự hoảng loạn hoặc hồ hởi của họ trở nên khó khăn vạn lần.
Hãy nhìn vào những gì mà Abraham Lincoln đã phải đối mặt trong thời đại công nghệ cổ lỗ hơn nhiều. Khi Nội chiến bùng nổ, ông nhìn vào bức tranh lớn hơn - như ông ước đoán, miền Bắc sẽ thắng thế vì nó có nhiều người hơn và nhiều tài nguyên hơn. Mối nguy hiểm duy nhất là thời gian. Lincoln cần có thời gian để Quân đội Liên bang phát triển thành một lực lượng chiến đấu; ông cũng cần thời gian để tìm ra những vị tướng phù hợp sẽ theo đuổi cuộc chiến theo ý muốn của ông. Nhưng nếu quá nhiều thời gian trôi qua và không có chiến thắng lớn, dư luận có thể sẽ chống lại nỗ lực này, và một khi miền Bắc trở nên chia rẽ ngay trong chính nó, công việc của Lincoln sẽ trở nên bất khả thi. Ông cần sự kiên nhẫn nhưng cũng cần những chiến thắng trên chiến trường.
Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, miền Bắc đã chịu một thất bại lớn tại Bull Run, và đột nhiên hầu như mọi người đều đặt câu hỏi về năng lực của tổng thống. Lúc bấy giờ, ngay cả những người miền Bắc bình tĩnh như biên tập viên nổi tiếng Horace Greeley cũng kêu gọi tổng thống đàm phán hòa bình. Những người khác kêu gọi ông ném tất cả mọi thứ mà miền Bắc có vào một cuộc tấn công ngay lập tức để nghiền nát miền Nam, mặc dù quân đội chưa sẵn sàng cho việc này.
Sự việc cứ thế tiếp diễn, áp lực liên tục gia tăng khi miền Bắc không thể mang lại một chiến thắng lớn nào, cho đến khi cuối cùng Tướng Ulysses S. Grant kết thúc cuộc bao vây tại Vicksburg năm 1863, ngay sau đó là chiến thắng tại Gettysburg dưới quyền chỉ huy của Tướng George Meade. Giờ đây đột nhiên Lincoln được ca ngợi là một thiên tài. Nhưng khoảng sáu tháng sau, khi Grant bị sa lầy trong cuộc truy đuổi Quân đội Liên minh dưới quyền của Tướng Robert E. Lee và thương vong gia tăng, cảm giác hoảng loạn quay trở lại. Một lần nữa Greeley hối thúc đàm phán với miền Nam. Cuộc tái tuyển cử Lincoln trong năm đó có vẻ như đã tiêu tùng. Ông đã trở nên cực kỳ không được lòng dân chúng. Cuộc chiến đã diễn ra quá lâu. Cảm thấy sức nặng của tất cả những điều này, rốt cuộc, vào cuối tháng 8/1864, Lincoln đã soạn thảo một lá thư đặt ra những điều khoản hòa bình mà ông sẽ dành cho miền Nam, nhưng ngay đêm đó ông cảm thấy xấu hổ vì đã đánh mất sự quyết tâm và giấu bức thư trong ngăn kéo. Xu hướng này phải thay đổi, ông cảm thấy, và miền Nam sẽ bị nghiền nát. Chỉ một tuần sau, Tướng William Tecumseh Sherman hành quân đến Adanta và mọi nghi ngờ về Lincoln đột nhiên tan biến hẳn.
Thông qua tư duy dài hạn, Lincoln đã đánh giá chính xác những điểm mạnh và điểm yếu tương đối của hai bên và biết cuộc chiến cuối cùng sẽ xoay về hướng nào. Mọi người khác đã bị cuốn vào báo cáo từng ngày một về tiến trình của cuộc chiến. Một số người muốn đàm phán, những người khác đột nhiên tăng tốc nỗ lực, nhưng tất cả điều này dựa trên sự thay đổi vận may nhất thời. Một người yếu bóng vía hơn sẽ đầu hàng những áp lực đó và cuộc chiến sẽ kết thúc rất khác. Nhà văn Harriet Beecher Stowe, người đã đến thăm Lincoln vào năm 1864, sau đó đã viết về ông: “Bị vây quanh bởi tất cả các loại yêu sách mâu thuẫn, bởi những kẻ phản bội, bởi những người đàn ông nửa vời, nhút nhát, bởi những người dân thuộc các bang biên giới và những người dân thuộc các bang tự do, bởi những người theo chủ nghĩa bãi nô và những người bảo thủ cực đoan, ông đã lắng nghe tất cả, cân nhắc lời nói của tất cả, chờ đợi, quan sát, nhượng bộ ở điểm này điểm khác, nhưng chủ yếu vẫn duy trì một mục đích trung thực, không thể lay chuyển, và đưa con tàu quốc gia vượt qua [sóng gió]”.
Lincoln đem đến một mẫu người cho tất cả chúng ta và thuốc giải độc cho cơn sốt. Trước hết và trên hết, chúng ta phải phát huy tính kiên nhẫn, giống như một cơ bắp đòi hỏi phải được rèn luyện và lặp đi lặp lại để trở nên mạnh mẽ. Lincoln là một người cực kỳ kiên nhẫn. Khi đối mặt với bất kỳ vấn đề hoặc trở ngại nào, chúng ta phải noi gương của ông và cố gắng làm cho mọi thứ chậm lại và lùi lại, đợi một hoặc hai ngày trước khi hành động. Thứ hai, khi phải đối mặt với những vấn đề quan trọng, chúng ta phải có ý thức rõ ràng về các mục tiêu dài hạn và cách đạt được chúng. Một phần của việc này liên quan đến việc đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu tương đối của các bên liên quan. Sự rõ ràng như vậy sẽ cho phép chúng ta chịu được những phản ứng cảm xúc liên tục của những người xung quanh. Cuối cùng, điều quan trọng là phải tin rằng thời gian rồi sẽ chứng minh chúng ta đúng và duy trì quyết tâm của chúng ta.
4. Lạc vào những tiểu tiết
Bạn cảm thấy choáng ngợp bởi sự phức tạp trong công việc của bạn. Bạn cảm thấy cần phải đứng trên mọi chi tiết và xu hướng toàn cầu để có thể kiểm soát mọi thứ tốt hơn, nhưng bạn đang chìm đắm trong thông tin. Thấy rừng mà không thấy cây là một điều rất khó. Đây là một dấu hiệu chắc chắn rằng bạn đã mất ý thức về các ưu tiên của mình - những sự kiện nào quan trọng hơn, những vấn đề hoặc chi tiết nào cần nhiều sự chú ý hơn.
Vua Philip II của Tây Ban Nha (1527-1598) hẳn phải là biểu tượng của hội chứng này. Ông có ham muốn lạ thường đối với công việc giấy tờ và việc luôn duy trì vị trí trên cùng trong tất cả các khía cạnh của chính phủ Tây Ban Nha. Điều này mang lại cho ông cảm giác đang nắm quyền kiểm soát, nhưng trên thực tế cuối cùng nó khiến cho ông mất kiểm soát. Ông loay hoay với việc bố trí những nhà vệ sinh trong cung điện mới của mình tại Escortai và khoảng cách chính xác giữa chúng với nhà bếp; ông bỏ ra nhiều ngày để cân nhắc về việc những thành viên cụ thể của giới tu sĩ nên được giải quyết và trả thù lao ra sao. Nhưng đôi khi ông không chú ý đúng mức đến các báo cáo quan trọng về gián điệp và các vấn đề an ninh quốc gia. Khi nghiên cứu những bản báo cáo bất tận về tình trạng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, ông tin rằng nó có những dấu hiệu rất yếu và quyết định tiến hành một cuộc chiến chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ. Theo cách nào đó ông đã đánh giá sai. Cuộc chiến sẽ kéo dài 18 năm, không có giải pháp dứt khoát và làm chảy máu tiền Tây Ban Nha.
Một quá trình tương tự đã xảy ra có liên quan tới nước Anh. Nhà vua phải đọc từng báo cáo về tình trạng của hải quân Anh, sự ủng hộ của người dân dành cho Nữ hoàng Elizabeth I, từng chi tiết về tài chính của đất nước và phòng thủ bờ biển. Dựa trên nhiều năm nghiên cứu như vậy, năm 1588, ông quyết định tung một hạm đội để tấn công Anh, cảm thấy chắc chắn rằng khi có một hạm đội đủ lớn, Tây Ban Nha sẽ thắng thế. Nhưng ông không chú ý đầy đủ đến các báo cáo thời tiết, yếu tố quan trọng nhất của tất cả các trận bão trên biển sẽ báo hiệu cho sự hủy diệt của hạm đội. Ông cũng không nhận ra rằng vào thời điểm ông thu thập và nghiên cứu đủ thông tin về Thổ Nhĩ Kỳ hoặc nước Anh, tình hình đã thực sự thay đổi. Vì vậy, trong khi dường như ông có định hướng cực kỳ chi tiết, ông chưa bao giờ hoàn toàn kiểm soát được bất cứ điều gì. Trong suốt nhiều năm, Philip II căng thẳng với việc đọc quá nhiều đến nỗi ông thường xuyên bị đau đầu và choáng váng. Tư duy của ông chắc chắn đã giảm sút, và ông đã đưa ra những quyết định mà rốt cuộc trực tiếp dẫn đến sự suy vong không thể đảo ngược của đế chế Tây Ban Nha.
Theo một số cách, bạn có thể giống Vua Philip II hơn bạn tưởng. Trong cuộc sống của mình, rất có thể bạn chú ý đến một số chi tiết mà dường như ngay lập tức quan trọng đối với bạn, trong khi bỏ qua các báo cáo thời tiết sẽ phá hỏng kế hoạch của bạn. Giống như Philip, bạn có xu hướng tiếp nhận thông tin mà không cân nhắc những ưu tiên của bạn, xem rốt cuộc điều gì thật sự quan trọng. Nhưng bộ não có giới hạn của nó. Tiêu hóa quá nhiều thông tin dẫn đến sự mệt mỏi về tinh thần, sự nhầm lẫn và cảm giác bất lực. Mọi thứ bắt đầu có vẻ quan trọng ngang nhau - việc bố trí các nhà vệ sinh và một cuộc chiến có thể xảy ra với người Thổ Nhĩ Kỳ. Những gì bạn cần là một hệ thống lọc tinh thần dựa trên thang điểm ưu tiên và những mục tiêu dài hạn của bạn. Biết những gì bạn muốn hoàn thành cuối cùng sẽ giúp bạn loại bỏ những thứ không cần thiết. Bạn không cần phải biết hết mọi chi tiết. Đôi khi bạn cần phải ủy quyền - cho phép cấp dưới của bạn xử lý việc thu thập thông tin. Hãy nhớ rằng sự kiểm soát lớn hơn đối với các sự kiện sẽ đến từ những đánh giá thực tế về tình huống, một bộ não chìm trong những chuyện vặt vãnh sẽ tạo ra khó khăn lớn nhất.
Con người nhìn xa trông rộng
Hầu hết chúng ta sống trong một khung thời gian tương đối hẹp. Chúng ta thường liên kết thời gian đã trôi qua với một thứ gì đó tiêu cực - sự già nua và đến gần cái chết. Theo bản năng, chúng ta tránh suy nghĩ quá sâu về tương lai và quá khứ, vì điều này nhắc nhở chúng ta về sự trôi qua của thời gian. Liên quan đến tương lai, chúng ta có thể cố gắng suy nghĩ về những kế hoạch của mình một hoặc hai năm kể từ bây giờ, nhưng suy nghĩ của chúng ta giống như một giấc mơ ban ngày, một ước muốn, chứ không phải sự phân tích sâu sắc. Liên quan đến quá khứ, chúng ta có thể có một vài ký ức đẹp hoặc đau đớn từ thời thơ ấu và những năm sau đó, nhưng nói chung, quá khứ gây trở ngại cho chúng ta. Chúng ta thay đổi rất nhiều với mỗi năm trôi qua đến độ bản thân chúng ta hồi năm, mười, hoặc 20 năm trước có vẻ như là một người xa lạ đối với chúng ta. Chúng ta không thật sự có một ý thức cố kết về việc chúng ta là ai, một cảm giác kết nối giữa các phiên bản năm tuổi và 35 tuổi của chúng ta.
Không muốn đi quá xa theo một trong hai hướng, chúng ta chủ yếu sống trong hiện tại. Chúng ta phản ứng với những gì chúng ta nhìn thấy cũng như nghe thấy và những gì người khác đang phản ứng. Chúng ta sống vì những lạc thú trước mắt để lảng tránh sự trôi qua của thời gian và để cảm thấy mình đang sống nhiều hơn. Nhưng chúng ta phải trả giá cho tất cả điều này. Sự đè nén suy nghĩ về cái chết và sự già nua tạo ra một nỗi lo âu tiềm ẩn liên tục. Chúng ta không chấp nhận thực tế. Việc liên tục phản ứng với các sự kiện trong hiện tại đặt chúng ta vào một chiếc tàu lượn siêu tốc - chúng ta di động lên xuống với từng thay đổi về vận may. Điều này chỉ có thể khiến cho chúng ta lo âu nhiều hơn, vì cuộc sống dường như trôi qua rất nhanh trong dòng chảy của những sự kiện trước mắt.
Công việc của bạn với tư cách một người nghiên cứu về bản chất con người và một người khao khát đạt được tiềm năng lớn hơn của con người - động vật, là mở rộng mối quan hệ của bạn theo thời gian càng nhiều càng tốt, và làm cho nó chậm lại. Điều này có nghĩa là bạn không xem thời gian trôi qua như một kẻ thù mà là một đồng minh tuyệt vời. Mỗi giai đoạn trong cuộc sống đều có những ưu điểm của nó - những năm tuổi trẻ là rõ ràng nhất, nhưng tầm nhìn xa trông rộng hơn đến cùng với tuổi tác. Tuổi già không làm cho bạn sợ hãi. Cái chết cũng là bạn của bạn (xem chương 18). Nó thúc đẩy bạn tận dụng tối đa từng khoảnh khắc; nó mang lại cho bạn cảm giác cấp bách. Thời gian là người thầy và người chủ tuyệt vời của bạn. Điều này có ảnh hưởng sâu sắc đối với bạn trong hiện tại. Nhận thức rằng một năm sau đó, vấn đề hiện tại bạn đang trải nghiệm sẽ hầu như không quan trọng nữa, nó sẽ giúp bạn giảm bớt lo lắng và điều chỉnh các ưu tiên của bạn. Biết rằng thời gian sẽ vạch ra những điểm yếu trong kế hoạch của bạn, bạn trở nên cẩn thận và cân nhắc hơn với chúng.
Liên quan đến tương lai, bạn nên suy nghĩ sâu về các mục tiêu dài hạn của mình. Chúng không phải là những giấc mơ mơ hồ mà là những mục tiêu cụ thể, và bạn đã vạch ra một con đường để tiếp cận chúng. Liên quan đến quá khứ, bạn có một cảm giác kết nối sâu sắc với thời thơ ấu của bạn. Vâng, bạn liên tục thay đổi, nhưng những thay đổi này ở trên bề mặt và tạo ra ảo tưởng về sự thay đổi thực sự. Trên thực tế, tính cách của bạn đã được hình thành trong những năm đầu đời (xem chương 4), cùng với khuynh hướng của bạn đối với các hoạt động nhất định, những điều bạn thích và không thích. Khi bạn già đi, tính cách này chỉ trở nên rõ ràng hơn. Cảm nghĩ kết nối phối hợp với con người của bạn trong quá khứ mang tới cho bạn một ý thức mạnh mẽ về bản sắc. Bạn biết những gì bạn thích và không thích, bạn biết bạn là ai. Điều này sẽ giúp bạn duy trì tình yêu bản thân, vốn rất quan trọng để chống lại việc rơi vào sự ái kỷ sâu và giúp bạn phát triển sự cảm thông (xem chương 2). Ngoài ra, bạn sẽ chú ý nhiều hơn đến những sai lầm và bài học trong quá khứ, điều mà những người bị nhốt chặt trong hiện tại có xu hướng đè nén.
Giống như tất cả mọi người, bạn tận hưởng hiện tại và những lạc thú đang trôi qua của nó. Bạn không phải là một nhà sư. Bạn kết nối với các xu hướng của thời điểm và với dòng chảy của cuộc sống hiện tại. Nhưng bạn thậm chí sẽ có niềm vui lớn hơn nữa khi đạt được các mục tiêu dài hạn và vượt qua nghịch cảnh. Mối quan hệ mở rộng với thời gian này sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với bạn. Nó sẽ giúp cho bạn bình tĩnh hơn, thực tế hơn, đồng điệu hơn với những điều quan trọng. Nó cũng sẽ khiến bạn trở thành một chiến lược gia siêu hạng trong cuộc sống, có thể chống lại những phản ứng thái quá không thể tránh khỏi của mọi người đối với những gì đang xảy ra ở hiện tại và có thể nhìn xa hơn vào tương lai, một khả năng tiềm tàng mà con người chúng ta mới chỉ bắt đầu khai thác.
Những năm dạy nhiều điều mà những ngày không bao giờ biết.
- Ralph Waldo Etnerson