Những Dấu Vết Còn Lại - Chương 02

NGƯỜI ÁO TRẮNG

Mãi trưa hôm sau, Peso mới sực nhớ đến chiếc chìa khóa. Cậu lục túi, rút ra một hòn bi, sờ thấy chiếc chìa khóa và bỗng nhiên nhớ lại tất cả. Tội nghiệp! Ông ta chả nói là chỉ còn mỗi một chiếc này? Lẽ ra mình đã phải tìm ông ta, sửa chữa sự nhầm lẫn! Giả sử cả gia đình ông ta đi ra phố, thì lúc về mở cửa làm sao được?

Nhưng không biết tên ông ta, thì làm thế nào tìm ra? Peso chợt nhớ lại con người mặc áo trắng với mọi chi tiết: bụng to, mặt tròn hơi bệu, da nhẵn nhụi không râu nhưng đã hằn nhiều vết nhăn. Cậu chau mày: cứ nhớ lại con người ấy là lại thấy có cảm giác khó chịu. Có phải tại dáng người, tại cái nhìn ve vuốt hay tại điệu bộ xởi lởi của ông ta? Càng nghĩ lại càng có ác cảm. Con người như thế chả đáng mất công đi tìm. Có tìm thấy, trả ông ta chìa khóa, chắc ông ta cũng tiếc một lời cảm ơn. Mặc, rồi ông ta phải đến tìm mình.

Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, Peso lại thấy một đội viên thiếu niên không nên hành động như vậy. Dù thế nào cũng phải tìm ông ta. Không biết tên ông ta, nhưng mình biết khu nhà ông ta ở. Mà Costa – con bác thường trực – thì lại thuộc mặt tất cả mọi người trong khu nhà đó. Vậy tìm ra ông ta không khó. Nghĩ vậy, Peso rảo bước đi ngay về phía ngôi nhà cao, đẹp. Ở đó cậu có một người bạn rất thân là con bác thường trực. Giờ này, chắc Costa đang ngồi thường trực thay bố.

Nhưng Costa lại không có mặt ở đó, mặc dầu cửa phòng vẫn mở. Mùa đông, nó thường đi “kiểm tra áp lực” của hệ thống hơi đốt. Còn bây giờ nó ở đâu? Peso đi vòng ra sân sau, nhưng cậu đứng sững ngay lại, chực quay về, khi trông thấy tà áo diện của Julia.

Không chỉ có một mình Julia. Costa ngồi xổm trên một đống ngói, đôi chân khẳng khiu gập lên đến tận cằm, đang cầm dao gọt một miếng gỗ. Nét mặt cậu ta cau có, chắc là khó chịu vì sự có mặt của Julia, nhưng Julia thì lại phớt tỉnh. Cô bé đứng lò cò một chân, vừa đung đưa chân kia vừa nhìn chằm chằm vào mặt Costa. Hai đứa không hề để ý thấy Peso đang thập thò ngoài cửa. Julia bỗng hỏi:

– Hôm nay anh đi đâu đấy?

– Chẳng đi đâu, – Costa vẫn không nhìn lên, càu nhàu. – Bận việc cả ngày.

Một lát im lặng.

– Thế mà tôi cứ tưởng anh trèo lên gác xép...

– Gác nào? – Costa hỏi thản nhiên quá, hóa lộ.

– Gác xép trên nhà kia kìa...

– Có thể, – Costa đáp khó chịu, – nhưng ai bảo đằng ấy thế?

– Ai bảo à? – Julia do dự. – Chẳng ai bảo. Tôi hỏi thế thôi...

– Ai bảo? – Costa hỏi gặng.

Julia ngừng đung đưa chân, nói như thách thức:

– Nói anh biết nhé: Bebo bảo đấy! Các anh cứ tưởng quyết định giữ bí mật, là không có ai bảo cho tôi biết ư…

– Ra thế, ra thế! Từ nay càng không nói gì cho thằng ấy nữa!

Julia trở lại làm lành:

– Các anh cho tôi đi với nhé?

– Đi đâu?

– Lên gác xép!

– Không được!

– Tại sao không được?

– Không được, là không được! Có thế thôi. Thứ thất là chúng tao không dính đến con gái. Thứ hai là... cho đi theo, đến lúc đánh bẩn áo, đằng ấy lại khóc nhè…

Julia vẫn nài, như đã thấy hé ra một tia hy vọng:

– Tôi sẽ mặc áo cũ.

– Không được! Với lại chúng tao chúa ghét những đứa không ai mời mà cứ chõ mũi vào việc của người khác!

Julia buồn đến não người. Thật vậy, còn gì thú bằng được lên lục lọi trên những gác xép cũ? Trên ấy tối đến phát sợ – nhưng cũng không sợ lắm, vì có cái thú bù lại... Trên ấy ngổn ngang những quần áo cũ, ghế gãy chân, bàn là mất tay cầm, chai rỗng, lồng chim gãy nát, xoong thủng và trăm thứ khác. Lục lọi nữa, biết đâu chẳng tìm thấy một con búp bê cụt đầu, một hộp thuốc màu, một bình pha-lê rạn, một tập tem cũ, hay lá cây ép, bỏ quên đó từ bao nhiêu năm nay. Hụt một cuộc lục lọi như thế thật là tiếc!

– Anh Costa! – Julia như sắp khóc đến nơi. – Cho tôi đi với! Cho tôi đi, tôi sẽ cho anh cái này... hay lắm!

Costa ngẩng đầu lên:

– Cái gì?

Nhưng Julia nói mà chưa kịp nghĩ cụ thể:

– Tôi sẽ cho anh... cho anh... cái bản đồ châu Mỹ.

Costa chớp mắt: cái trò này hấp dẫn đây! Có một bản đồ châu Mỹ cũng tốt. Đang xem truyện của Mayne Reid* mà gặp một tên sông, tên sa mạc, tên hồ, tên thác... Nhưng Costa còn do dự:

Nhà văn Anh (1818 – 1883), chuyên viết truyện thiếu nhi – N.X.B.

– Không, không được!

– Tôi đưa thêm cái bút máy của tôi để anh chữa!

Thế này thì quá mức rồi. Costa thấy chân tay ngứa ngáy. Lâu nay nó không được chữa cái bút máy nào, bây giờ bỗng có một cái đưa đến tận nơi. Nó sắp nhượng bộ, thì bắt gặp cái nhìn trách móc của Peso, nó đứng phắt dậy:

– Không được! Chào Peso!

Julia quay ngoắt lại như một con búp bê. Mặt cô bé sạm lại, đôi mắt mở to. Peso lẳng lặng nhìn Julia nói:

– Yên trí, không ai ăn thịt đằng ấy đâu!

Cô bé vẫn nhớn nhác nhìn Peso, chỉ chực chạy trốn. Peso tiến lại gần:

– Đã bảo là mình không làm gì đằng ấy. Thôi xí xóa…

Im lặng. Peso cắn môi, mặt sầm xuống, ấp úng trong miệng:

– Mình còn muốn nói điều này nữa... Mình xin lỗi…

Julia cảm động, cuống quýt nói:

– Ồ, có gì đâu, có gì mà phải xin lỗi...

– Không... Mình muốn nói rằng đằng ấy không phải là tư sản... Đằng ấy là đội viên thiếu niên, như thế có nghĩa là không phải tư sản... Đằng ấy có thể là ngốc, nhưng đấy lại là một chuyện khác.

Julia nghi hoặc nhìn Peso, lại gần và hỏi:

– Anh... bị bố mẹ đánh à?

Peso đỏ mặt. Ra con bé lại hiểu câu chuyện ra như thế.

– Sao lại đánh? Không bao giờ nhé.

Julia thật thà:

– Còn tôi thì thỉnh thoảng vẫn bị đánh...

– Đằng ấy khác. – Peso nói, rồi quay sang Costa. – Cậu đứng dậy, tớ muốn hỏi chuyện này.

– Cho tôi đi lên gác xép với nhé? – Julia lại nài.

Peso trừng mắt:

– Không được! Lại sắp lôi thôi đấy hả?

Hai cậu bé trở về phòng thường trực. Căn phòng hẹp nằm nép giữa cầu thang và thang máy, có một cửa kính nhỏ đầy bụi, nhìn sang phía sân sau. Tuy chật và tối, căn phòng ấy rất thân thiết đối với bọn trẻ. Từ khi ông Tseko – bố Costa – lên làm việc ở công đoàn những người thường trực, thì Costa làm nhiệm vụ thay cha. Và Peso vẫn thường thèm muốn địa vị của bạn, khi thấy Costa làm tròn nhiệm vụ gác cầu thang một cách khéo léo, trong khi bọn trẻ nô đùa vui vẻ ngoài phố. Mặt cậu ta lúc thì rạng rỡ hòa nhã, lúc lại nghiêm trang, cứng nhắc – tùy theo trường hợp khách đến hỏi cậu việc gì hay khách thản nhiên bước lên cầu thang chẳng thèm nhìn ngó gì đến cậu.

Đôi khi, nhất là buổi trưa, hàng giờ liền chẳng có ai lên cầu thang. Ngay những lúc ấy Peso vẫn có cái thú cùng Costa ngắm nhìn vô số tranh ảnh dán chi chít trên tường căn phòng hẹp. Có đủ thứ: đội bóng Udarnik, vận động viên Zatopek tại Thế vận hội, trận đọ găng giữa Pap với người Mỹ da đen Webb, rồi ảnh Đài thiên văn Moskva, núi lửa vùng Kamchatka, hồ Baikal, ảnh trận xe tăng phản công vào Stalingrad, ảnh anh hùng phi công Meresyev, và nhiều, nhiều thứ nữa mà bọn con trai đứa nào cũng thích.

Hai đứa đóng cửa, mặc Julia đứng ngoài. Sau khi nghe chuyện nhầm lẫn chìa khóa, Costa bắt chước bố đưa tay xóa cằm, bộ mặt ra chiều suy nghĩ. Cậu ta lấy làm lạ, hỏi:

– Ông ta trạc bao nhiêu tuổi?

Peso ngẫm nghĩ; nó rất khó đoán tuổi người lớn:

– Khoảng bốn mươi đến năm mươi, có khi hơn...

– Hơi béo, hả?

– Hơi béo... Ông ta mặc bộ quần áo trắng…

– Trong nhà này không có ai như thế! – Costa khẳng định.

– Vô lý! Chính ông ta bảo ở nhà này mà lị!

Costa hơi chạm tự ái:

– Ai ở nhà này tớ lại không biết hay sao! À, mà ông ta bảo có một đứa con gái, phải không?

– Ừ...

– Được, trong nhà này có ba đứa con gái... nhưng bố của Pavlina còn trẻ... Bố của Zore thì đi vắng xa, chú ấy cũng trẻ và thường xuyên sang công tác ở Hungary. Còn lại bố Verka. Ông này nhiều tuổi, nhưng lại gầy khẳng gầy khiu...

– Thật không?

– Chắc chắn... Tớ thuộc những người trong nhà này như thuộc lòng bàn tay!

Peso biết Costa không có thói huênh hoang; cậu im lặng, lúng túng. Thật là một chuyện ly kỳ, bí ẩn! Vậy là người áo trắng nói dối. Tại sao nói dối? Chả nhẽ vô cớ nói dối, lại nói dối cả trẻ con!

Trong khi hai bạn mải suy nghĩ, chưa tìm ra manh mối, thì Vesselin bước vào. Cậu ta tò mò nghe kể lại câu chuyện ly kỳ, rồi cũng ngồi im có vẻ suy nghĩ. Chợt mặt cậu ta rạng rỡ, mắt long lanh – y như lúc cậu ta kể chuyện sáng chế phát minh. Vesselin nói:

– Thế này nhé. Dù sao thì chiếc chìa khóa cũng không thể từ trên trời rơi xuống... Lão ta không ở nhà này, thế tất phải ở một trong những nhà bên – bên phải hoặc bên trái... Nếu không thì chìa khóa từ đâu rơi xuống?

– Cái lạ là ở chỗ đó. – Peso nói. – Nhưng nhà bên cạnh ở hơi xa...

– Cũng không xa lắm. – Costa nhận xét.

Ba đứa bước ra sân sau. Hai nhà bên cạnh cách xa chỗ chìa khóa rơi khoảng một chục thước. Vesselin gật gù:

– Như thế nghĩa là, muốn nó rơi từ những nhà kia tới đây, phải có người vứt nó...

– Mà vứt mạnh! – Costa nói. – Một đứa bé mà vứt xa đến thế thì hơi khó hiểu.

– Nó đang giận dỗi gì thì vứt được chứ sao! – Peso nói. – Chuyện như thế là thường…

Cả ba trở lại suy nghĩ. Costa phá tan im lặng:

– Các cậu có biết ta nên làm gì không? Đi gặp thường trực các nhà kia, hỏi họ xem có người nào như thế không?

– Hay lắm! Ta đi ngay!

Costa khóa phòng thường trực xong, cả ba đi ra. Vừa tới cổng, chúng đứng sững ngay lại.

Người áo trắng đang đi về phía chúng. Mặt hắn béo húp. Mắt đỏ lừ. Tay hắn xách một cái túi to tướng.

CÓ CHUYỆN ĐÁNG NGỜ

Ba cậu bé sửng sốt đến ngây người ra, không nói nên lời. Trong khi Costa và Vesselin ngạc nhiên ra mắt nhìn nhau, Peso trố mắt quan sát người áo trắng bí ẩn. Hắn liếc nhanh về phía Peso, và Peso hiểu rằng hắn đã nhận ra mình. Có một cái gì lạnh lùng và khó chịu trong đôi mắt xanh lè của hắn. Một lát sau, người lạ đã đi một quãng xa không quay mặt lại.

Costa tỉnh người ra trước tiên, vừa tiếp tục theo dõi đôi vai rộng của người áo trắng, vừa hỏi khẽ:

– Phải lão ta không?

– Phải! – Vesselin đáp. 

– Chính lão. – Peso cũng khẽ đáp.

– Thế sao cậu không gặp lão ta đi?

Hai cậu kia cũng không biết giải thích tại sao. Sau những lời thì thào bàn bạc về lão ta, hai đứa cảm thấy ngượng ngập, như mình có lỗi. Vả lại, cuộc chạm trán bất ngờ quá, đến nỗi chúng cứ đứng ngẩn ra, không đi một bước, không cất một lời.

Peso suy nghĩ nói:

– Thật lạ, tại sao lão lại tảng lờ như không nhận ra chúng mình?

– Có lẽ lão không nhìn thấy chúng mình đâu! – Vesselin nói.

– Không, tớ cam đoan là lão đã trông thấy và nhận ra tớ. – Peso nói. – Nhưng lão làm bộ không nhận ra.

Costa chen vào:

– Nhưng nhất định lão phải biết là chúng mình giữ chìa khóa của lão chứ. Thế này thì lạ thật...

– Lạ nhất ở chỗ đây là lần đầu mình trông thấy lão ta trong phố mình...

– Không! – Costa nói. – Tớ đã trông thấy lão rồi. Lão ở nhà bên cạnh... Để tớ sang hỏi bác Lambi.

Lambi là bác thường trực gác ngôi nhà phía bên trái nhà Costa. Ba đứa thấy bác đang dọn dẹp cầu thang, vừa làm việc vừa lẩm bẩm điều gì. Mặt bác đã gầy lại lởm chởm những râu. Trông bác lúc nào cũng cau có, nhưng bọn trẻ không lấy thế làm điều, vì biết bác bị đau dạ dày nặng.

Costa nhẹ nhàng hỏi:

– Bác Lambi ơi, cái ông beo béo mặc quần áo trắng vừa qua đây lúc nãy là ai đấy, hả bác?

– Việc gì đến cháu? – bác Lambi càu nhàu.

– Là cháu hỏi thế...

– Thế thì đi chỗ khác mà hỏi!

Bọn trẻ nhìn nhau, thất vọng. Costa nghĩ một lát, rồi láu lỉnh:

– Có một cái thư đến chỗ cháu, nhưng nhầm địa chỉ... cháu đoán là thư gửi cho ông ta…

Bác Lambi bấy giờ mới nhìn vào ba đứa trẻ:

– Ông ấy là Asen Toromanov, mới đến ở được ít lâu…

Costa ranh mãnh hỏi tiếp:

– Nghe nói ông ấy là nhà báo!

– Nhà báo nào? Ông ấy mở cửa hiệu tạp hóa nhỏ...

– Khéo bác nhầm đấy... Có cửa hiệu, sao ông ấy không ở ngay cửa hiệu?

– Có đúng là cháu hỏi tên cái ông mặc áo trắng vừa đi qua?

– Đúng...

– Đã có vợ ông ta trông nom cửa hiệu.

– Thế thì ai trông con?

– Con nào?

– Ông ấy có đứa con gái mà?

–Thôi, cút. – Lần này thì bác Lambi cáu tiết. – Con gái nào? Ông ấy làm gì có con!

Costa ngạc nhiên, nói lại:

– Bác nghe cháu, cháu hỏi thật đấy! Ông ta có một đứa con gái mà!

– Nếu mày thông tỏ hơn tao, thì cút! Hỏi làm gì nữa... – Bác Lambi càng bực, trở lại lau cầu thang.

Ba đứa trẻ nhìn nhau, yên lặng. Khó mà hỏi thêm được gì nữa, nhưng những điều ít ỏi mà bác thường trực đã nói ra cũng là tốt. Như vậy là cả về đứa con gái, người áo trắng cũng đánh lừa chúng. Lão ta không có con. Trừ phi bác Lambi nhầm? Ba đứa trẻ cứ đứng ngẩn ngơ bên bác thường trực kín tiếng, không biết nên làm gì bây giờ.

Peso nảy ra một ý:

– Ta đi soát danh sách! Nhà nào cũng có một danh sách nhân khẩu.

Danh sách đó được niêm yết ở cửa ngôi nhà, ngay trước cái tủ gỗ lớn đựng những đồng hồ đo điện của các phòng. Cho nên có thể nhanh chóng tìm thấy tên Asen Toromanov và biết mọi chi tiết liên quan đến ông ta. Ông ta ở gác tư, căn phòng số 3. Năm mươi ba tuổi, làm nghề buôn bán, có vợ. Cạnh tên ông ta có tên vợ là Vazkresia Toromanova, bốn mươi ba tuổi, không nghề, làm nội trợ. Không còn tên nào khác nữa ở căn số 3 – không có trẻ con, cũng không người lớn.

Ba cậu bé lẳng lặng ra khỏi ngôi nhà, trở về phòng thường trực của Costa. Tuy không nói gì, chúng đều đang suy nghĩ để tìm manh mối câu chuyện bí ẩn này.

Cuối cùng, Costa nói:

– Tớ đã bảo các cậu mà, thấy chưa?

Hai đứa kia nhìn nó, bực mình. Nào nó đã bảo gì đâu nhỉ?

Vesselin trịnh trọng tuyên bố:

– Có một cái gì đáng ngờ trong chuyện này.

– Cái gì? – Peso hỏi.

– Tớ chưa biết, nhưng lão này có một cái gì không được đàng hoàng. Trước hết lão nói dối về chuyện nhà ở, sau lại nói dối về đứa con gái. Rõ ràng là lão không có con gái. Sao lão lại đánh lừa chúng mình? Ắt phải có chuyện gì...

Ba đứa lại im lặng, choáng váng vì một loạt ý nghĩ rắc rối, kỳ quái. Lát sau, Peso nói:

– Hãy còn một điều bí ẩn nữa: ai đã vứt chìa khóa? Đã không có con gái, thì chỉ có thể là lão hoặc vợ lão. Nhưng tớ vẫn chưa hiểu tại sao lão vứt chìa khóa qua cửa sổ để rồi lại xuống đi tìm. Nếu lão cần chìa khóa thì đã không vứt, nếu không cần thì đã không xuống tìm. Lão có phải trẻ con đâu mà không hiểu việc mình làm!

Kết luận cuối cùng này thật đơn giản, hiển nhiên, khiến cả ba nhìn nhau kinh ngạc trước sự khám phá ấy. Vesselin lại tuyên bố trịnh trọng:

– Thì tớ đã bảo có điều đáng ngờ trong chuyện này mà lại...

Cả ba đều nhất trí có điều đáng ngờ, nhưng là điều gì? Một điều nghiêm trọng, hay chỉ là một sự tình cờ? Làm sao khám phá cho ra?

Costa nghi hoặc:

– Biết đâu lại chỉ là chuyện vớ vẩn?

– Không, không! – Vesselin kiên quyết ngắt lời. – Theo tớ đây là một chuyện ám muội! Tại sao lão phải nói dối về chỗ ở? Chả nhẽ nói dối để chơi à? Chắc chắn lão không muốn chúng mình biết địa chỉ của lão. Hẳn là lão đang lo sợ việc gì.

– Lạ một điều là lúc nãy, sao lão không xin đổi lại chìa khóa? – Costa hỏi. – Thú thực, tớ thấy chuyện này rắc rối quá.

– Thì tớ đã bảo mà! – Vesselin nói, vẻ đắc chí.

Costa ranh mãnh:

– Để xem lát nữa lão làm thế nào mở cửa vào nhà được.

– Vợ lão có thể từ trong nhà mở cửa cho lão. – Peso nói.

Vesselin càng đắc chí:

– Nhưng vợ lão đang ở ngoài cửa hiệu kia mà!

– Ừ nhỉ! – Costa xác nhận. – Đến trưa rồi khắc biết.

Nhưng từ giờ đến trưa còn hai tiếng nữa. Ba đứa liền thẫn thờ ngoài vườn hoa trước mặt khu nhà ở. Thời gian trôi đi sao chậm quá, đến sốt ruột. Chuyện trò gì cũng chả thiết, vì tâm trí chúng đều bị ám ảnh bởi chiếc chìa khóa bí mật. Chốc chốc Costa lại chạy về phòng thường trực rồi trở ra ngay. Được một tiếng đồng hồ, thì bọn trẻ bắt đầu lo. Đã đến giờ ăn cơm và chúng nó sắp phải về, kẻo gia đình chờ đợi. Biết đâu mẹ chúng chẳng ra cửa sổ gọi chúng về. Cả ba nấp sau những bụi cây, không rời mắt khỏi quãng phố. Costa đề nghị:

– Các cậu nghe tớ! Về ăn cơm đi, tớ ở lại gác cho.

Peso và Vesselin kiên quyết không nghe. Mặc dầu thời gian chầm chậm trôi qua, hai đứa vẫn muốn ở lại; được đi thám thính thế này, chúng rất thích. Nhất là Vesselin càng háo hức tợn. Nhiều ý nghĩ kỳ quái đang lộn xộn trong đầu nó. Nó tưởng tượng ra đủ những tên gián điệp, biệt kích, cướp của, giết người, nhưng chưa dám nói ra với các bạn, sợ bạn chưa tin.

Và đây, người áo trắng đã xuất hiện ở đầu phố. Lão không đi một mình. Một mụ người gầy, tóc nhuộm màu râu ngô, ăn mặc khá bảnh, đi bên cạnh lão. Tuy đã nhiều tuổi, mụ vẫn đánh môi son đỏ chót. Giày và chiếc xắc nhỏ cầm tay cũng màu đỏ. Người áo trắng vẫn cầm cái túi to tướng; chiếc túi bây giờ đầy ắp, để thò ra mấy chiếc bánh mì.

Ba đứa trẻ đứng đực tại chỗ. Costa khẽ nói:

– Thế này nhé, tớ sẽ bám sát, cố gắng xem lão vào lối nào và mở cửa bằng cách nào. Các cậu cứ đứng đây!

Peso và Vesselin chưa kịp mở miệng, Costa đã ra khỏi chỗ nấp. Hai đứa trông theo Costa thong thả đi sang bên kia đường, vừa đi vừa làm bộ nhìn lên các tầng gác như muốn tìm ai. Một lát sau, vợ chồng Toromanov đi vào cổng ngôi nhà và mất hút. Costa rảo bước bám theo. Phố trở lại vắng ngắt.

Năm phút trôi qua, năm phút mà hai cậu bé tưởng như năm thế kỷ.

Cuối cùng Costa từ trong nhà đi ra, bước nhanh về phía Peso và Vesselin. Trông vẻ mặt nó, hai cậu đoán là có việc gì quan trọng vừa xảy ra. Costa chui vào bụi cây, ngồi phệt xuống đất, mặt đỏ gay. Peso sốt ruột hỏi luôn:

– Có chuyện gì không?

– Có chứ! – Costa vừa đáp vừa kéo dài từng chữ một như để kích thích thêm sự tò mò của bạn. – Có chuyện rất lạ! Lão ta dừng lại trước cửa phòng, rút túi ra một cái chìa khóa, rồi mở cửa đàng hoàng!

– Thấy chưa! – Vesselin lại nói. – Tớ đã bảo rằng chiếc chìa khóa rơi không phải là chìa khóa của nhà lão!

– Lão ta có thể có hai chiếc! – Peso nói, nhưng cũng không tin lắm.

– Nhưng lão chả bảo là lão không còn chiếc nào khác? – Vesselin nói.

– Lão lại đánh lừa chúng mình!

Costa đột nhiên xen vào:

– Tớ nghĩ ra rồi. Một trong hai chìa khóa ở trong tay chúng mình, phải không? Đợi lúc nào họ đi vắng, chiều nay, chúng mình, sẽ ướm xem cái chìa khóa chúng mình giữ có mở được cửa phòng lão không.

– Hay lắm! – Vesselin reo lên, phấn khởi.

– Khá đấy. – Peso nói theo.

Quyết định được việc ấy, bọn trẻ bình tĩnh lại, Peso và Vesselin về nhà ăn cơm, Costa ở lại canh gác. Phải rình để biết chắc lúc vợ chồng Toromanov lại ra đi. Điều đó rất cần để ba bạn trẻ tiến hành kế hoạch hành động.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3