Nhà Golden - Chương 29
Một đêm không lâu sau khi D Golden tự sát trong khu Gardens, đã xảy ra một chuyện mà đối với tất cả chúng tôi chẳng khác gì một lỗ đen xuất hiện giữa Thiên Đàng, Riya Zachariassen, thường gọi là Riya z, thức giấc sau một giấc mơ hãi hùng thấy rằng nàng đã không còn giữ chặt được bức tranh vẽ thế giới này của nàng. Không thể nhớ cả giấc mơ nhưng hầu như nàng biết chắc mình đang mang một bức tranh quý giá đến một bảo tàng lớn, rồi nàng làm rơi, khung tranh gãy, kính vỡ tan nát và không hiểu sao nàng lại giẫm một chân lên làm thủng cả bức tranh, nhưng chắc đó chỉ là những gì nàng nhớ từ một bộ phim, những giấc mơ luôn trơn tuột như lươn. Lúc nàng tình dậy, bản thân giấc mơ không còn quan trọng nữa, nhưng nàng hiểu rằng bức tranh ấy chứa đựng mọi điều nàng suy nghĩ về cách sự việc diễn tiến, đó là hiện thực của nàng, bây giờ nó đã tan vỡ và trong chốc lát nữa sẽ có người tìm đến trách móc nàng đã làm hỏng bức tranh, nàng sẽ bị sa thải.
Thật khó cho kẻ không có tín ngưỡng như tôi hiểu được cái khoảnh khắc khi đức tin tắt ngóm trong tìm người. Một tín đồ đang quỳ khấn đột ngột hiểu ra không có lý do gì để cầu nguyện vì chẳng có ai lắng nghe. Hay đơn giản là điều xác tín đã bị xói mòn dần dà cho đến khi hoài nghi trở nên mạnh mẽ hơn hy vọng: ta cứ mãi đi bên dòng sông trong lúc một cơn hạn hán làm nước cạn dần cho tới một ngày lòng sông khô kiệt xuất hiện và không còn nước để dung dưỡng ta lúc đang cơn khát. Tôi có thể mường tượng nhưng tôi không cảm nhận được, có lẽ ngoại trừ việc kết thúc tình yêu. Ta thức dậy một sáng nọ và nhìn người đang ngủ trên giường cạnh ta, đang khe khẽ ngáy như đã quen và cho đến nay vẫn là âm thanh trìu mến, rồi ta nghĩ, em không yêu anh hay tiếng ngáy của anh nữa. Những chiếc vảy rơi từ đôi mắt Saul trong sách Công vụ Tông đồ - hay những thứ như vảy “bong ra từ mắt ông ta như những chiếc vảy,” Thánh Kinh bản King James đã nói - là chiếc vảy của sự bất tín, sau đó ông ta nhìn thấy rõ ràng hơn và lập tức được rửa tội. Nhưng hình ảnh đó hiểu ngược lại cũng đúng. Một cái-gì-giống-như-vảy đã bong khỏi mắt Riya và nàng đã thấy rõ ràng rằng thực tại của mình lâu nay chỉ là ảo ảnh, chỉ là giả tạo. Tôi chỉ có thể đoán được tới đó.
Nàng nằm rất im cạnh khoảng trống nơi người nàng yêu từng nằm. Nàng luôn ghét đôi xăng-đan Bừkenstock mà, bất kể sự phản đối của nàng, D vẫn nhất định xỏ vào chân [hắn] khi họ ở nhà; nhưng bây giờ nàng không thể dời đôi xăng-đan đó khỏi vị trí quen thuộc ở cạnh giường. Họ thuộc mẫu người khá nệ cổ đến mức vẫn còn giữ đường điện thoại cố định, máy điện thoại không bao giờ đổ chuông. Có tiếng của D trong hộp thư thoại - “Đây là Riya và D, xin vui lòng nhắn lại” - và nàng không đành lòng xóa đi. Nếu nàng nằm thật im và không suy nghĩ gì, nàng cơ hồ tin rằng hắn sẽ từ phòng tắm bước ra và leo lên giường. Nhưng nàng không thể thôi suy nghĩ, nên nàng biết điều đó sẽ không xảy ra. Điều đã xảy ra là nàng không còn nghĩ tới cái điều nàng đã nghĩ mình sẽ nghĩ đến. Cho nên nàng không biết phải suy nghĩ gì đây.
Nỗi đau buồn chân thành trang trọng của Riya không hiểu sao khiến tôi nhớ đến diễn viên Winona Ryder, không phải Winona Quậy tuổi teen điên điên trong phim Beetlejuice, vừa nhảy tung lên không theo điệu nhạc calypso của Belafonte, vừa rung lắc thân hình, mà là Winona của Age of Innocence, hết sức kiềm chế và ít ngây thơ hơn vẻ bề ngoài*. Trong phim của Scorsese - tôi thú nhận là tôi chưa đọc tiểu thuyết của Edith Wharton - chính Michelle Pfeiffer mới là người không theo khuôn khổ, người vồ vập lối sống mới, hiện đại và đau khổ kinh khủng vì điều đó và cuối cùng thất bại trước cách thao túng thầm lặng kiểu cũ của Winona Ryder. Nhưng giả sử nhân vật Winona lại là người hiểu rõ những điều mới mẻ, và một ngày kia nàng mất khả năng cảm nhận sự việc diễn tiến ra sao. Nàng Winona đó lẽ ra đã có thể ở trong bộ phim này. Đó là Riya; phiên bản Winona viết lại của tôi, lạc lõng và nguy khốn hơn cả nguyên mẫu, giữa trùng khơi không có phao cứu sinh.
Rất khó để đưa những ý tưởng mới du nhập vào thế giới này. Những ý tưởng mới về đàn ông và đàn bà, và bao nhiêu con người đang ở đâu đó giữa hai chữ đó, cần có những từ vựng mới để mô tả họ, cho họ cảm giác được hiện hữu, được chấp nhận và được quyền, chính là những ý tưởng mà nhiều người tử tế đã phát triển và đề ra vì những nguyên do chính đáng nhất. Và nhiều người tốt đẹp khác, những người thông minh như Riya z, đã đi theo tư duy mới ấy, biến nó thành của mình và nỗ lực áp dụng để góp phần mở ra con đường mới cho thế giới này vận hành.
Nhưng rồi có một đêm Riya mở mắt ra và thấy mình đã thay đổi tâm tư.
NHỮNG BẢN NHÁP ĐƠN/THƯ XIN TỪ CHỨC CỦA RIYA ZACHARIASSEN GỬI BẢO TÀNG BẢN THỂ (KHÔNG GỬI)
Kính gửi chèn tên giám đốc vào đây, Đơn này thông báo với ông rằng căn cứ theo và bởi vì và do là và xét theo những ràng buộc hợp đồng của tôi và việc bãi miễn hoàn toàn trách nhiệm của tôi và đối với một thời hạn cuối cùng và sau khi đã trừ ra những ngày nghỉ phép theo tiêu chuẩn nhưng không sử dụng tới. Và những việc còn tồn đọng và bàn giao hiệu quả và với lòng cảm kích và trong sự đánh giá cao và với hy vọng rằng và vân vân. Do sự đánh giá lại triệt để và diễn tiến tư duy dẫn tới sự xung khắc giữa vị trí hiện nay của tôi với những giá trị của gì đó viết vào. Cho nên lợi ích của Bảo Tàng sẽ được đáp ứng tốt hơn bằng sự ra đi của tôi. Trân trọng, kết thư.
Hoặc,
Khi tôi còn là một bé gái ở Minnesota và bắt đầu quan tâm đến việc sống một đời đạo đức, tôi đã nghĩ đến Ấn Độ, một phần quan trọng trong di sản của riêng mình, tôi tự hỏi, ai ở Ấn Độ phải chịu nhiều bất công nhất, câu trả lời tôi nghĩ ra, lúc lên tám, là những con dê. Bò thì linh thiêng nhưng dê thì bị giết thịt và chẳng ai quan tâm. Tôi đã xác định là tôi sẽ cống hiến đời mình để chăm lo và bảo vệ những con vật kêu be be không được yêu thương đó. Rồi tôi lớn lên và đổi ý, tất nhiên rồi, nhưng tôi vẫn giữ mong muốn tìm kiếm đều gì cần đến sự say mê của tôi và sau đó cống hiến bản thân cho điều đó không chút dè sẻn. Sau lũ dê là tới những ám ảnh khác thời đầu: kiểm soát sinh sản, các chứng bệnh tự miễn dịch, rối loạn ăn uống, nạn khan hiếm nước sạch. Tuổi trưởng thành của tôi trùng hợp với lúc sơ khai của Thời Đại Bản Thể, các cuộc thảo luận, các vấn đề, và các phát kiến trong và chung quanh đề tài này đã thuyết phục tôi tin rằng mình đã tìm ra sứ mệnh, và khi cơ hội làm việc ở Bảo Tàng này tự nhiên chào đón thì đó chẳng khác gì giấc mơ trở thành hiện thực và từng ngày qua gần như đều đúng như thế cho đến bây giờ. Tuy nhiên tôi thú nhận với ông rằng tôi có nhược điểm là tâm tính bị cảm xúc chi phối quá mức. Có thể một ngày nào đó ta thức dậy và thấy là mình không quá bận tâm đến chuyện này nữa, ông hiểu điều đó. Công việc này không còn là say mê của tôi nữa. Irước kia say sưa với dê, bao cao su, chứng cuồng ăn, nước sạch, tất cả không còn là điều tôi say mê nữa. Bây giờ tôi với bản thể cũng vậy. Tôi đã chán. Goodbye.
Hoặc,
Tôi cần phải suy nghĩ và thành phố này ồn ào quá.
Hoặc,
Tôi thú nhận tôi là một thực thể đa nguyên. Tôi là con gái của người cha loạn thần kinh đã qua đời. Tôi cũng là kẻ tiếc thương người yêu đã mất. Mặt khác, tôi cũng là người thuộc nhóm gầy ốm. Ngoài ra hoặc ngược lại, tôi là một học giả. Tương tự, tôi là người tóc đen. Tôi có những quan điểm này và không phải những quan điểm khác. Tôi có thể tự khẳng định bản thân theo nhiều cách khác nhau. Như thế này là không phải tôi: tôi không phải một cá thể đơn nhất. Tôi chứa đựng đa tính chất. Tôi có mâu thuẫn với chính mình không? Phải lắm, tôi mâu thuẫn với chính mình. Là đa nguyên, là đa dạng, tức là một điều đặc biệt, phong phú, khác thường, và là chính mình. Bị ép vào những định nghĩa hạn hẹp tức là giả tạo. Phải bị nghe, nếu ta không phải là một cá thể đơn nhất thì ta chẳng là gì cả, tức là phải nghe một lời dối trá.
Bảo Tàng Bản Thể hiện đang quá dấn sâu vào sự dối trá đó. Tôi không thể làm việc ở đó nữa.
Hoặc,
Tôi ngờ rằng bản thể theo ý nghĩa hiện đại - mang tính dân tộc, chủng tộc, tính dục, chính trị hoá, xung đột - đã trở thành một loạt hệ tư tưởng mà một số trong đó đã góp phần đẩy D Golden đến cái chết của anh/chị ấy. Sự thật là những bản thể của chúng ta đều không rõ ràng đối với chúng ta và có lẽ tốt nhất nên để yên như thế, sự thật là căn tính của cái tôi vẫn tiếp tục là một mớ bòng bong hỗn độn, mâu thuẫn và không thể hòa giải. Có lẽ nói cho cùng D chỉ là một người đàn ông có chút cảm xúc phái nữ nào đó và [anh] ấy lẽ ra phải được phép ở yên vị trí đó và không nên bị những người như tôi thúc ép đến việc chuyển tính. Không bị thúc ép thành một tính nữ mà [anh] ấy vừa không thể chối bỏ hoàn toàn vừa, cuối cùng, không thể chịu đựng nó. Bị thúc ép tới cái chết của [anh] ấy bởi những người như tôi, những người để cho ý tưởng mới về cái đích thực trở nên mạnh mẽ hơn ý tưởng lâu đời hơn hết thảy: tình yêu.
D đã kể tôi nghe chuyện một người hijra ở Bombay ăn mặc như đàn ông ở nhà và thực tế là một người đàn ông đối với cha mẹ của anh/chị ta, rồi thay y phục trở thành một phụ nữ khi cô ta ra khỏi nhà mình. Nên như thế thì sẽ ổn thỏa. Linh hoạt thì sẽ ổn thỏa. Tình yêu phải lấn át, chứ không phải những giáo điều về căn tính.
Tôi đã sẵn sàng đi cùng D qua mọi giai đoạn biến đổi của [anh] ấy và ở bên [anh] khi đã chuyển đổi xong. Tôi đã là người yêu của [anh] ấy khi [anh] ấy là một người đàn ông, và tôi vẫn sẵn sàng là người yêu của cô ấy suốt giai đoạn chuyển tiếp và hội nhập vào bản thể mới của cô ấy. Điều này cho tôi biết gì về tôi, về con người, về cái thực tế nằm ngoài giáo điều? Nó cho tôi biết rằng tình yêu mạnh hơn giới tính, mạnh hơn các định nghĩa, mạnh hơn cái tôi. Đó là điều tôi đã học được. Bản thể -đặc biệt là lý thuyết về bản thể giới - là sự khu biệt nhân tính, còn tình yêu cho ta thấy chúng ta có thể rộng lớn đến đâu. Để tưởng nhớ người yêu đã mất, tôi từ bỏ chính kiến về bản thể và theo đuổi chính kiến của tình yêu.
Đó là điều triết gia Bertrand Russell trả lời khi được hỏi lời khuyên nào ông sẽ truyền cho các thế hệ sau. Ông ấy nói: “Tình yêu là sự sáng suốt.” Nhưng tôi hiểu đây là thời buổi xung đột. Nếu chiến trận phải xảy ra, hãy để nó khai cuộc.
BỨC THƯ THỰC TẾ
Orlando thân mến,
Như tôi đã nói với ông mới lúc nãy trong văn phòng ông, tôi phải từ chức. Thật khó cho tôi giải thích lý do, đây là một quyết định cam go và tôi sẵn sàng ngồi xuống với ông để bàn bạc thêm nếu ông muốn. Có lẽ, như ông nói, tôi đang bị một phản ứng cực đoan của nỗi đau khổ, do đó suy nghĩ của tôi trở nên hỗn độn và tôi sẽ suy nghĩ kỹ hơn việc này khi tôi đã qua thời gian thương khóc và xử lý những việc đã xảy ra, ông thật tử tế khi gợi ý tôi nên gặp bác sĩ tâm lý và tạm nghỉ một thời gian, nhưng tôi thấy tốt nhất tôi nên thôi việc. Xin cảm ơn vì tất cả. Những gì tốt đẹp nhất.
Riya.
Bão tố lập tức bùng nổ trên mạng xã hội của nàng. (Kẻ lạc điệu với thế hệ như tôi đây và là người theo dõi trực tiếp, tôi không sao tránh được suy nghĩ này: Ngay từ đầu tại sao lại đưa cái đó lên mạng làm gì? Tại sao lại nói với một đám đông xa lạ rằng mình đang trải qua một giai đoạn đánh giá lại tư duy rất riêng tư, sâu xa và đau khổ chứ? Nhưng tôi hiểu rằng chuyện này thậm chí không còn là một vấn đề nữa.) Từ khắp mọi nơi đội quân vô hình của thế giới điện tử đã tấn công nàng. Những cá nhân vô danh với trái tim trong trắng và không hề có ý đạo đức giả đã bảo vệ những điều xác tín của họ về bản thể trong lúc tự giấu mình trong lớp nguy trang của những cái tên giả. “Thế bạn cảm thấy thế nào về những phụ nữ da trắng hóa trang như cô gái da đỏ Pocahontas vào lễ Halloween? Quan điểm của bạn về bọn hóa trang da đen? Bạn có thấy okay những chuyện đó không?” “Bây giờ bạn ủng hộ nữ quyền cực đoan loại trừ công nhân tình dục lẫn loại trừ chuyển giới sao? Có lẽ bạn thậm chí không ủng hộ nữ quyền cực đoan nữa. Bạn là gì? Bạn có là bất kỳ ai không?” Và rất nhiều lời lẽ thô tục. Và, thường xuyên gặp câu, Xóa tài khoản của bạn đi. Cả bạn bè nàng lẫn người xa lạ đều phản đối, những lời phản đối phát xuất từ những nhóm chính kiến về giới tính rất quyết đoán mà bấy lâu nay nàng đã giao thiệp thoải mái và bây giờ họ buộc tội nàng là phản bội, nhưng cũng phát xuất từ giới sáng tạo thời trang độc lập mà nàng đã thành gần như là ngôi sao đối với họ, và từ nhiều đồng nghiệp xưa kia của nàng ở Bảo Tàng Bản Thể, vấn đề về quan điểm mớỉ của mỉ không hẳn là nó sai, cũng không hẳn là nó đi thụt lùi, vấn đề là suy xét quá kém. Quá ngu ngốc. Và bọn tao cứ tưởng mi là đứa khôn ngoan.
Bên kia Đại Tây Dương, trong một kịch trường khác của chiến tranh căn tính, Thủ tướng Anh đang khu biệt định nghĩa của tính chất Anh để loại trừ tính đa dạng, chủ nghĩa quốc tế, không chấp nhận cái bản thể toàn cầu. Chỉ nước Anh nhỏ bé thôi mới được xác định là người Anh. Trong cuộc tranh cãi xa xăm ấy về bản sắc dân tộc, có những tiếng nói mạnh mẽ đẩy lùi sự hẹp hòi cáu kỉnh của Thủ tướng. Nhưng ở nước Mỹ này, trong ngôn ngữ của giới tính, Riya nghĩ thầm, những từ ngữ duy nhất không tồn tại, những từ ngữ duy nhất không thể diễn đạt, chính là “Tôi không chắc chắn một điều gì cả trong chuyện này. Tôi sẽ suy nghĩ lại.” Kiểu nói đó có thể khiến ta bị hạ bệ.
Ivy thì hiểu, Ivy Manuel người luôn chống đối việc xếp loại đặt tên. “Con mẹ chúng nó nếu chúng nó đếch hiểu,” cô ta nói. “Mày tới đây rồi tụi mình chạy một vòng bên dòng sông rồi uống cái quỷ gì đó rồi mình hát một bài tào lao gì đó với nhau đi. Bài My Boy Lollipop hay thứ quái quỷ gì đó tương tự.”
* * *
Một lần gặp gỡ nữa với tên Kinski lang thang trước đại cảnh của y, cảnh này tôi sẽ đưa vào phim khi tới lượt, lẽ ra đã phải cảnh báo tôi là y đang chuẩn bị làm gì đó. Nhưng chúng tôi quá muốn tin vào sự bình thường của cuộc sống bình thường, vào sự đều đặn hàng ngày, tới mức tôi đã không cảm nhận được điều này. Y đang chờ chực loanh quanh Red Fish, điểm hòa nhạc trên đường Bleecker, bên trong một ca sĩ người quần đảo Faroe đã lên lịch trình diễn một tổ khúc những bài ca xưng tội lấy cảm hứng từ các video YouTube - hát bằng tiếng Anh, không phải tiếng Faroe, thật may cho khán giả. Tên Kinski này quan tâm gì ở mấy thứ này chứ, YouTube, quần đảo Faroe, âm nhạc? Nhưng y ở đó, chờ chực. Ê, có ai thừa vé không, một vé mà bạn không cần dùng và có thể tặng vì một mục đích tốt đẹp? Y chính là cái mục đích tốt đẹp đang nằm trong đầu y. Tôi đến đó vì người Mỹ cộng tác với ca sĩ Faroe này là bạn tôi, và Kinski, thấy người quen, bèn mừng rỡ và hoạt náo hẳn lên.
“Mày giúp tao đi mà,” y nói. “Mọi chuyện khác bỏ qua. Chuyện này quan trọng. Thằng cha này. Poetry &Aeroplanes, đã nghe bao giờ chưa? Tuyệt. Mày có biết thằng cha này đã thu một album trong ngôi nhà nơi Ingmar Bergman chết không? Mày có nghe bài nói chuyện của hắn trong chương trình TED không? Ôi chà.”
Đây là những lời nói rõ ràng nhất của y (có lẽ không kể câu trích Shakespeare lúc uống trà ở nhà Golden) và là những ý nghĩ duy nhất không liên quan đến tận thế mà tôi đã nghe phát ra từ miệng gã. “Ông biết mấy chuyện này à, làm sao biết?” tôi hỏi.
Mặt y sa sầm, và kèm theo đó, ngôn từ của y cũng xuống dốc theo. “Mẹ kiếp, quan tâm làm quái gì,” y nói.
Bây giờ tôi lại tò mò, và tình cờ trong túi tôi lại có một vé thừa, vì Suchitra phải làm việc muộn, tất nhiên rồi. “Nếu ông muốn vào,” tôi nói, “hãy kể chuyện này tôi nghe.” Y cúi nhìn vỉa hè và kéo lê hai bàn chân. “Thằng bạn thân đã khiến tao để ý tay này,” y lẩm bẩm. “Ở Căn cứ Không quân Bagram. Lâu lắm rồi.”
“Ông là cựu chiến binh,” tôi nói, ngạc nhiên thật tình.
“Mày cần bằng chứng?” Y càu nhàu. “Đưa tao cái khăn bịt mắt và một khẩu AR-15 đã tháo tung đi. Tao cho sẽ chứng minh ngay cho coi.”
Ngay lúc đó, nếu như tôi đã bật radar cảnh giác, lẽ ra tôi đã hiểu rằng mọi chuyện đều không bình thường, rằng người này đã ở bên bờ vực thẳm. Lúc đó tôi lại thấy hối lỗi vì không biết y từng là quân nhân, và lại phạm thêm một sai lầm nữa bằng cách hỏi y một câu về “thằng bạn thân” rồi nhận được câu trả lời mà lẽ ra tôi phải biết trước. “Tiêu rồi. Bị phục kích ở Pakhtunkhwa. Bây giờ đưa tao cái vé chết tiết đó đi.”
Tôi đã quan sát y suốt buổi hòa nhạc. Những bài hát dí dỏm, thậm chí buồn cười, nhưng mặt y ràn rụa nước mắt.
Ở một thời điểm nào đó sau màn phụ diễn âm nhạc bất ngờ này - có lẽ hai hoặc là ba ngày sau - Kinski đặt tay vào một khẩu súng trường tự động, đúng loại súng y đã yêu cầu một cách khoa trương bên ngoài nhà hát Red Fish. Theo lời khai của y sau đó ở bệnh viện Mount Sinai Beth Israel - lời thú tội khi hấp hối, tôi nên nói chính xác hơn - y không mua mà cũng không ăn cắp khẩu súng ấy. Y bị bắt cóc trong công viên, y nói, và những người bắt cóc đã đưa y khẩu súng rồi thả y ra. Đúng là chuyện khó tin, thậm chí phi lý, kể bằng những lời lầm bầm đứt quãng và hơi thở hổn hển, theo quan điểm của tôi những lời đó lẽ ra đã không đáng coi trọng nếu không vì hai điều này: thứ nhất, đây là lời thú tội khi hấp hối, điều này phải có sức nặng nghiêm túc và đúng đắn đáng kể; thứ hai, chính miệng Kinski nói ra, và xét theo những gì điên khùng đã luôn phát ra từ cửa miệng đó, thì lời thú tội này chẳng hề điên khùng hơn những gì y đã từng nói, cho nên có một khả năng điên khùng nhỏ bé rằng đây có thể là sự thật.
Những lời sau đây ít nhiều là phiên bản của Kinski. Khi thấy buồn bã, y nói, y lên phố đi tha thẩn ở những chỗ tương đối vắng ở mạn bắc công viên đó. Y gặp một trận mưa to và đứng trú dưới một tàng cây, thu mình ở đó cho đến khi trời quang mây tạnh. (Chú ý: Vào đúng cái ngày nói trên, quả thực thời tiết có biến đổi, mấy ngày nóng bức trái mùa và trời xanh đã nhường chỗ cho mưa lạnh.) - Nói tới đó, do tình trạng thể chất của y đang suy sụp nhanh chóng, câu chuyện trở nên rời rạc và không rõ ràng. - Có mấy người (hai? ba? nhiều hơn) đi tới chỗ y, ăn mặc như những tên hề - hay Joker - y dùng cả hai từ này - họ khống chế y và trùm một cái bao lên đầu y và trói y lại.- Hoặc họ không trói mà chỉ lôi y đi. - Hoặc không phải cái bao mà một loại khăn bịt mắt nào đó. - Y không thể nhìn thấy được mình đang đi tới đâu vì cái bao trùm đầu. - Hay khăn bị mắt. -Rồi y vào trong khoang sau một chiếc xe van và khăn bị mắt được tháo ra và một người mới, cũng hóa trang như tên hề -hay Joker - đang nói với y về - cái gì? - tuyển mộ, - Có đủ thứ chuyện về cuộc bầu cử Tổng thống này. Bầu cử bất hợp pháp. Kết quả bị đánh cắp. Một cuộc đảo chánh được phối hợp bởi truyền thông - bởi các nhóm lợi ích của các tập đoàn quyền lực - bởi Trung Quốc - và người Mỹ phải giành lại đất nước. - Khó mà nói những điều này là cảm xúc của riêng Kinski hay y đang lặp lại lời của tên Joker được cho là sếp ở trong xe van nói. - Rồi có lúc lại nghe “Chúng ta có thể học hỏi phe khủng bố Hồi giáo. Học cách cảm tử của họ.” - Sau một lúc, nhiều câu rời rạc, lẫn lộn than thân trách phận, tuyệt vọng, và những lời tiên tri tận thế sắp tới quen thuộc của y. - Chẳng có mục đích sống.” -“Nước Mỹ.” - Đại loại như thế. Đội ngũ y tế can thiệp và không cho lấy lời khai nữa. Sau đó là quy trình cấp cứu. Y không nói nữa, và cũng không cầm cự lâu hơn mấy. Tất cả những điều này là nỗ lực hết sức của tôĩ cố xâu kết một câu chuyện mạch lạc từ những gì báo chí tường thuật và những gì tôi có thể tự đào bới, cũng khá mất công, cho riêng mình.
Bạn y đã chết - ai biết có bao nhiêu người bạn? - và y giải ngũ trở về, tâm thần suy yếu. Y đã mất liên lạc với những người lẽ ra đã chăm lo cho y, và suy sụp mọi bề rồi cuối cùng thành tên lang thang rao giảng về súng đạn. Trong những năm con đường của tôi và gã tình cờ giao nhau, lời rao giảng của y dần thay đổi. Ban đầu y chỉ nói toàn chuyện chống súng đạn, sợ hãi nạn vũ khí tràn lan ở Mỹ, nảy ra ý tưởng súng ống là những sinh vật sống; rồi, được phụ họa bằng nhiệt tình tôn giáo, y oang oang những mỹ từ về ngày tận thế; và sau cùng, có những tên hề hay không, có những tên Joker hay không, có bắt cóc hay không, chính y cũng trở thành tôi đời của súng, khẩu súng nóng ấm đem lại hạnh phúc, và trả giá, bùm bùm bang bang, thế là nhiều người chết, và y cũng chết.
Vì sự thật không thể bác bỏ là Kinski đã tấn công vào cuộc diễu hành lễ Halloween, loạt đạn y xả vào đám đông đã khiến tổng cộng bảy người chết, mười chín người bị thương, trước khi một viên cảnh sát bắn gục y. Lúc đó y đeo chiếc mặt nạ Joker và mặc áo giáp chống đạn Kevlar - có lẽ còn sót lại từ thời y ở Afghanistan - cho nên những vết thương của y không gây thiệt mạng ngay. Y được đưa tới phòng cấp cứu bệnh viện MSBI và còn cầm cự đủ để nói những lời khai trên đây, hoặc những gì tương tự như thế, nhưng phải nói rằng theo ý kiến của nhân viên bệnh viện, thần kinh của y đã rối loạn và những gì y nói không có lời nào đáng tin.
Trong danh sách những người chết, nổi bật hai cái tên: ông Murray Lett và ông Petronius Golden, cả hai đều ở Manhattan, NY.
* * *
Dịp lễ Halloween, dân cư khu Gardens theo truyền thống tổ chức một cuộc ăn mừng riêng, giăng đèn trên những thân cây lâu năm, đặt một bàn DJ phía trước căn nhà của bà chủ bút tạp chí thời trang, cho phép trẻ con trong khu này chạy rông, chơi trò hù dọa đời quà. Nhiều người lớn cũng hóa trang nữa. Đó là một cách chơi lễ mà không phải đánh liều nhập bọn vào đám người quá đông đúc tụ tập trên đại lộ Sixth Avenue gần đó để chờ xem hay tham gia chính cuộc diễu hành đó.
Lẽ ra Petya đã vui chơi trong khu Gardens nhưng con mèo Leo muốn đi xem diễu hành, Petya đã nói với Murray Lett, và Leo muốn cái gì thì Leo sẽ được cái đó. Petya đang cảm thấy rất phấn chấn!, gã nói, thật sự rất phấn chấn!, gã có cảm giác mình đã thực sự thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng, gã có thể gạt bỏ mọi chuyện sau lưng, gã muốn ôm choàng cuộc sống, và cuộc sống đang ở ngoài kia trong đêm lễ Halloween vào thứ Hai, sẽ diễu hành dọc theo Sixth Avenue hóa trang thành những bộ xương, xác chết và gái điếm. “Dù có ăn mừng trong khu Gardens đi nữa thì nhà này cũng đầy cảm giác đám ma rồi,” gã lớn tiếng. “Chúng ta hãy tìm mấy bộ đồ hóa trang thật chiến đấu rồi đi chiến đấu với bọn diễu hành!” Nỗi sợ không gian rộng của gã đã giảm nhiều, gã nói, và hơn nữa, khu vực Village mà đông đúc tới cỡ đó thì nó không còn là khoảng không trống trải nữa. Ông người úc Murray Lett chưa bao giờ thấu hiểu được tính thái quá của người Mỹ đối với lễ Halloween. Một lần ông ấy được mời dự tiệc trên khu Upper West Side hóa trang như người Hỏa Tinh trong phim Mars Attacks!, bên trong cái đầu người Hỏa Tinh đậm chất Tim Burton này rất nóng, như vậy tức là ông ấy chẳng ăn uống gì được. Một năm khác ông ấy hóa trang làm Darth Vader trong star Wars, mặc chiếc áo giáp bằng nhựa rõ là cồng kềnh khiến ông ấy ngồi xuống rất khó khăn, và đội chiếc mũ mặt nạ đen có gắn hộp biến âm tiếng nói, cái mũ này cũng khiến ông ấy gặp những vấn đề ăn uống và nóng bức giống như cái đầu hóa trang Mars Attacks! kia. Lần này ông ấy định ở lì trong căn hộ của mình và hy vọng sẽ không có đứa trẻ nào nhấn chuông đời quà. Nhưng không thể từ chối Petya. “Chúng ta sẽ hóa trang thành người La Mã!” gã hét lên. “Là Petronius, tôi đương nhiên sẽ là Irimalchio, chủ nhân buổi đại yến trong truyện Satyricon, còn ông… ông có thể làm một người tham gia chè chén nào đó. Đồ hóa trang của chúng ta sẽ lấy ý tưởng theo phim của Pellini. Sẽ mặc áo toga của người La Mã xưa! Đầu đội vòng nguyệt quế, và tay cầm những bình rượu cổ. Tuyệt vời! Chúng ta sẽ lao vào cuộc sống và uống say sưa ở các quán rượu và sáng ra chúng ta sẽ ngây ngất với cuộc đời.” Khi nghe dự tính này, tôi nghĩ đến Gatsby, hẳn rồi, truyện Gatsby mà Fitzgerald suýt nữa đã đặt tựa là Trimalchio in West Egg, và đó là một ý nghĩ buồn đau vì khiến tôi nhớ đến những đêm cười vui với bố mẹ tôi, và không tránh khỏi lại nhớ đến kết cục khủng khiếp của hai người, và trong một thoáng tôi lại bị chi phối bởi nỗi buồn mới gợi nhớ; nhưng sau đó niềm vui sướng của Petya cũng lây lan và tôi nghĩ, ừ, sao lại không, chút hoan hỉ sau tất cả mọi chuyện, ý kiến hay chứ, và nếu Petya mong muốn được làm người tình vênh váo của cuộc đời, chỉ một đêm thôi, thì được! Hãy để gã mặc chiếc áo toga và vênh váo.
Muốn có gấp đồ hóa trang là yêu cầu rất khó, nhưng đó là chỗ đắc dụng của bà Lăng Xăng với bà Lải Nhải, nói cho cùng, chiếc áo toga chỉ là tấm khăn trải giường cùng trí tưởng tượng phong phú. Giày xăng-đan kiểu La Mã đã tìm được, vòng nguyệt quế và một bó cành bạch dương buộc ruy-băng đỏ -biểu tượng quyền uy La Mã - mà Petya sẽ cầm trên tay như biểu tượng cho thẩm quyền sứ giả của gã. Cũng tìm được một chiếc mũ thằng hề có gắn chuông hoàn toàn lạc điệu và giao cho Murray Lett, tôi cũng rất muốn ông ta chịu đội cái mũ ấy cho giống nhân vật Danny Kaye trong phim The Court Jester* và tập nói những câu lắt léo trẹo lưỡi của Danny “nồi đồng nấu ếch, nồi đất nấu ốc”. Nhưng ông ấy lại chọn chiếc áo toga cho giống Petya và nếu Petya sẽ cầm quyền trượng La Mã thì ông Lett sẽ ẵm con mèo Leo.
Vậy là xong; và với trang phục vương giả như thế họ rời khỏi khu Gardens, xa rời ngôi nhà nặng trĩu cái chết, nhập vào cuộc diễu hành chào mừng cuộc sống; và thế là, khi lao vào cuộc sống và tránh xa cái chết, họ lại thấy thần chết đang chờ sẵn, như câu chuyện xưa đã tiên tri, ở Samarra, tức là ở Đại lộ 6 đoạn giữa Đường 4 và Washington Place. Thần Chết trong bộ đồ hóa trang thành Joker cầm một khẩu AR-15. Tiếng tạch tạch khe khẽ của khẩu súng chìm dưới tiếng huyên náo hỗn tạp của đám đông, tiếng còi xe, thông báo trên loa phóng thanh, tiếng ban nhạc. Rồi nhiều người bắt đầu gục ngã và thực tại khốc liệt trần trụi đã phá hỏng hội vui. Không có lý do gì để cho là Petya hay Murray Lett là mục tiêu đã được chọn trước. Súng đạn đầy rẫy ở nước Mỹ, và cái chết là quà tặng ngẫu nhiên của vũ khí.
Còn con mèo, con sơn miêu. Ở đây, quay đặc tả, cánh tay giang thẳng của người La Mã đã chết, quyền trượng rơi khỏi quyền lực. (Cố tình bắt chước, trong khuôn hình, cảnh cánh tay bất động của con King Kong gục ngã cuối bộ phim nguyên thủy năm 1935.) Và Leo gầm gừ hằn học với bất kỳ ai dám tới gần. Khi mọi chuyện đã xong, khi tiếng la hét đã giảm, khi đám đông đang bỏ chạy và vấp ngã, đã bình tĩnh lại, bị giải tán, và những người thương vong vì đạn bắn cùng những người bị giày xéo bởi đám đông sợ hãi tất cả đều đã được chuyển tới nơi cần thiết, khi đại lộ hoang vắng chỉ còn rác rến bay trong gió và những chiếc xe cảnh sát, khi sự việc thật sự đã kết thúc, con mèo ấy đã biến mất, không một ai còn thấy con sơn miêu Leo nữa.
Và nhà vua, một mĩnh trong nhà vàng, nhìn thấy bao nhiêu vàng trong mọi túi áo quần mọi chồng đống mọi bao bị mọi xô chậu bắt đầu ửng sáng càng lúc càng chói rực cho đến khi bốc lửa phừng cháy.