Nhà Golden - Chương 14
Lúc bảy giờ sáng hôm đám cưới lão, một trong những ngày nóng nhất mùa hè ấy, với những bản tin thời tiết cảnh báo bão, Nero Golden như thường lệ đi chơi tennis ở góc đường Fourth và Laíayette với ba người trong nhóm bạn-bè-gạch-đối-tác-gạch-khách-hàng gắn bó. Nhóm người bí ẩn này, tất cả là năm người, tôi thấy họ giống nhau: dẻo dai, da nâu giòn do phơi lâu trong ánh nắng đắt giá ở những chốn đắt giá, mái tóc đang thưa dần trên đầu, mặt mày nhẵn nhụi, cằm bạnh, ngực nở, chân lông lá. Trong bộ đồ thể thao trắng họ giống một nhóm thủy quân lục chiến đã giải ngũ, chỉ có điều là thủy quân lục chiến chắc không thể mua nổi những chiếc đồng hồ họ đeo; tôi đếm được hai chiếc Rolex, một Vacheron Constantin, một Piaget, một Audemars Piguet. Những người đàn ông giàu có thế lực nhất. Lão không bao giờ giới thiệu họ với chúng tôi hoặc mời họ tới khu Gardens chuyện trò thù tiếp. Họ là người của lão. Chỉ mình lão tiếp xúc.
Khi tôi hỏi mấy người con chuyện ông già đã làm giàu bằng cách nào, mỗi lần tôi lại nghe một câu trả lời khác nhau. “Xây dựng.” “Bất động sản.” “Tủ sắt và két sắt.” “Nghề cá cược trên mạng.” “Buôn tơ sợi.” “Vận chuyển hàng.” “Đầu tư mạo hiểm.” “Dệt may.” “Sản xuất phim.” “Tò mò làm gì.” “Sắt thép.” Sau khi hai bố mẹ giáo sư đã giúp tôi nhận diện được lão thì tôi, dốc hết khả năng, âm thầm điều tra thực hư về những lời xác nhận hết sức khác biệt đó. Tôi khám phá ra người mà chúng tôi biết dưới tên N. J. Golden đã hình thành thói quen giữ bí mật từ lâu trước khi nhà họ đến sống ở chỗ chúng tôi, và mạng lưới bình phong giả dối che đậy, các công ty ủy thác và công ty ma mà lão đã thiết lập để bảo vệ các giao dịch làm ăn khỏi con mắt soi mói của người đời, đúng là quá phức tạp cho tôi có thể nhìn thấu từ xa - tôi chỉ là một gã thanh niên mơ tưởng nghề điện ảnh thôi. Lão nhúng tay vào nhiều miếng bánh, khét tiếng là kẻ thôn tính đáng sợ. Lão ẩn mình trong lớp vỏ nặc danh benami nhưng mỗi lần lão hành động thì ai cũng biết kẻ nào ra tay. Lão từng có một biệt danh ở cái nước không được nêu tên. “Rắn Hổ Mang.” Nếu như có khi nào tôi làm được một bộ phim về lão, tôi nghĩ, có thể lấy biệt danh đó làm tựa phim. Hoặc có thể là Vua Hổ Mang. Nhưng khi đã cân nhắc kỹ thì tôi gạt bỏ mấy tựa đề đó. Tôi đã có tựa đề rồi.
The Golden House.
Việc điều tra đã dẫn dắt tôi đến vụ lừa đảo đầy tai tiếng 2G Spectrum, gần đây được báo chí đăng tải rầm rộ ở cái nước không được nêu tên. Có vẻ như ở cái nước vô danh ấy nhiều người trong chính phủ vô danh ấy đã tham nhũng bằng cách bán giấy phép tần số mạng điện thoại di động cho những công ty hữu hảo với giá thấp khủng khiếp, và các công ty hữu hảo này đã tích lũy được đâu khoảng 26 tỷ đô-la lợi nhuận bất hợp pháp. Theo tuần báo Time, tờ báo mà thời đó vẫn còn một số ít độc giả, vụ này được xếp thứ hai trong danh sách Mười Vụ Lạm Dụng Quyền Lực Hàng Đầu, ngay dưới vụ Watergate. Tôi đã đọc những cái tên và những câu chuyện của các công ty được cấp phép đó và nhận ra cùng một kiểu mạng lưới hữu hảo của Nero, một hệ thống công ty chằng chịt do những công ty khác sở hữu mà chúng lại do những công ty khác nữa nắm cổ phần đáng kể. Giỏi lắm tôi chỉ đoán được Nero là thế lực đằng sau công ty lớn nhất trong số này, Eagle Telecom, đã sáp nhập vào một doanh nghiệp Đức, Verbunden Extratech, và sau đó bán 45% cổ phiếu cho Murtasín của Abu Dhabi, người này đổi tên nó thành Murtasín-EV Telecom. Nhiều công ty trong số mới nắm giấy phép đó đã bị truy tố qua một loạt phiên tòa do CBI, Cục Điều Tra Trung Ương, thiết lập. Đây rồi, khoảnh khắc “a ha” của tôi. Tôi chưa bao giờ tin là Nero có thể vạch ra kế hoạch phức tạp đến thế để rời khỏi đất nước mà không có lý do - có lẽ lão đã không lường trước cái chết của bà vợ trong cuộc tấn công khủng bố vào khách sạn xưa biểu tượng cho thành phố - và việc lão có thể đã can dự vào vụ tai tiếng kinh khủng này đã cho lão một lý do thuyết phục hơn nhiều để phòng hờ trường hợp cần bay khỏi lồng. Dĩ nhiên tôi đâu dám đem những chuyện hồ nghi ra hỏi thẳng lão. Nhưng bộ phim tưởng tượng của tôi, hay bộ phim liên hoàn mơ tưởng của tôi, đang càng lúc càng hấp dẫn; một phim gay cấn về chính trị và tài chánh, hay một loạt phim gay cấn như thế, với các láng giềng chính là các nhân vật trung tâm. Thật là đã.
Đám cưới luôn khiến tôi nghĩ đến phim. (Cái gì cũng khiến tôi nghĩ đến phim.) Dustin Hoíhnan trong The Graduate*nện búa vào tường kính trong giáo đường ở Santa Barbara để cướp Katharine Ross khỏi ban thờ. Các bà già khiêu vũ ở New Delhi giữa mùa mưa trong Monsoon Wedding*. Rượu vang đổ trên váy cô dâu như điềm dữ báo trước trong The Deer Hunter*. Cô dâu bị bắn vào đầu ngay ngày cưới trong Kill Bill: Vol. 2*. Peter Cook làm lễ thành hôn trong The Pwincess Bwide*. Tiệc cưới không thể nào quên trong Hoàng Thổ của Trần Khải Ca, trong phim này khách khứa dự một đám cưới người Hoa vùng nông thôn ở tỉnh Thiểm lầy bần cùng được cho ăn cá gỗ thay vì đồ ăn thật, bởi thực tế làm gì có cá mà ăn, nhưng ở đám cưới thì trên bàn phải có món cá cho long trọng. Nhưng khi Nero Golden kết hôn với Vasilisa Arsenyeva ở Khu phố Lịch sử Macdougal-Sullivan Gardens lúc bốn giờ chiều, trong đầu tôi không thể không nảy ra ý nghĩ rằng đây mới là cảnh phim đám cưới lừng danh nhất lịch sử điện ảnh, chỉ có điều là lần này không phải Connie Corleone khiêu vũ với cha cô ta, lần này vị trưởng lão khiêu vũ với chính cô dâu trẻ của ông, trong lúc tôi tưởng tượng ra điệu nhạc du dương Mỹ pha Ý - do Carmine Coppola, cha của đạo diễn*, viết riêng cho cảnh phim này -đang dâng cao và nhấn chìm tiếng nhạc thực tế vào lúc đó ở khu Gardens: tầm thường thảm hại làm sao, đám cưới chỉ mở đĩa nhạc Beatles hát bài “In My Lite.”
Tua phim lại vài giờ trước: sau khi Nero từ sân tennis về nhà, người đầm đìa mồ hôi như thường lệ, lão là người rất nhiều mồ hôi, như lão công khai thừa nhận, “Tôi chỉ chạy lên cầu thang thôi mà áo ướt đẫm,” sau khi lột áo ra và quấn vào người chiếc áo choàng tắm màu đen dày cộm, lão gọi ba cậu con đến phòng làm việc để bàn việc. “Ta muốn giải đáp các vấn đề trong đầu các con,” lão nói với chúng, “Vẫn như trước, chẳng có gì thay đổi. Ta vẫn là cha của các con, đó là điều số một, và với hai đứa lớn, ta luôn yêu thương bà mẹ quá cố của hai con như thường, đó là điều số hai, còn về phần con, đứa con út của ta, ta vẫn hối tiếc về hoàn cảnh này, nhưng con biết điều đó, và con là con trai ta cũng như hai anh lớn đây, đó là điều số ba; cho nên, giữ nguyên hiện trạng, các con hiểu điều này. Giờ nói thẳng luôn vào thực chất: các con ai cũng biết có một bản thỏa thuận tiền hôn nhân khá tàn nhẫn mà Vasilisa đã ký không chút do dự. Yên tâm: quyền thừa kế của các con vẫn bảo đảm. Hiện trạng vẫn được duy trì. Ngoài ra, đối với ta, sau bao nhiêu năm làm cha của các con, ta không nghĩ đến chuyện có thêm đứa nữa. Con mọn, ta đã bảo cô ấy, đối với ta con mọn là cực hình đáng nguyền rủa. Điều này cô ấy cũng không phản đối. Sẽ không có đứa con trai thứ tư hay đứa con gái đầu tiên. Giữ nguyên hiện trạng. Ta hứa như thế với các con ngay hôm nay, ngày cưới của ta. Ta chỉ muốn các con chấp nhận người vợ của ta. Ở đây không có vàng để đào mỏ, không có đứa nhỏ cướp gia tài nào sinh ra. Ta không bắt buộc phải thông báo với các con những chuyện này, nhưng ta đã quyết định nói ra. Ớ tuổi này rồi ta chỉ xin các con chúc phúc cho ta. Điều đó không cần thiết nhưng ta yêu cầu vậy đó. Ta xin các con, vui lòng, cho cha hưởng ngày hạnh phúc của mình.”
Trong khu vườn sau khi thẩm phán đến làm thủ tục xong đi về và Nero với Vasilisa đã thành chồng vợ, tôi theo dõi họ khiêu vũ lần nữa như họ đã khiêu vũ ở Florida, tháng năm lùi xa khỏi ông già khi lão lướt theo nhạc, rất thẳng, rất lanh, rất nhẹ trên đôi chân, rất ân cần với bạn nhảy, ngôn ngữ vũ điệu thì thầm những câu thần chú và dường như đã biến lão thành trẻ lại. Và cô ta trong vòng tay lão, tung ra uy quyền của nhan sắc, nép sát vào với đôi môi kề tai lão, rồi ưỡn bờ lưng trần vươn ngửa người ra, và cứ thế tiến gần cứ thế lùi xa, nhịp nhàng, chế ngự lão bằng thứ bùa mê mạnh mẽ nhất trên đời, sức cám dỗ đến-rồi-đi; Vasilisa để cho lão ôm và dìu cô ta, tuyên bố với chúng tôi mà không cần thốt một lời: ta không sợ, ta chiếm được lão, bằng quyền lực phù thủy của thân xác, ta đã ra lệnh cho lão ôm ta thật chặt trong vòng tay và cho dù lão có muốn thì lão cũng thể buông cho ta rơi ngã.
Đây không phải là cuộc khiêu vũ, tôi nghĩ, đó là lễ đăng quang.
Các con của Nero Golden quan sát và dò xét. Petya quan sát từ vị trí tương đối khuất phía sau xà leo trèo và cầu tuột của trẻ con, tay nắm những thanh chống xà như thể đó là chấn song nhà tù. Có lúc tôi đứng gần gã và gã nói, “Lượng tình yêu của ông già có giới hạn thôi. Nó không co giãn. Bây giờ nó phải căng ra thêm thì sẽ giảm bớt phần dành cho bọn tôi.” Nhưng hễ Vasilisa nhìn về hướng gã thì gã lại cười toe toét. “Tốt nhất là đừng gây thù chuốc oán với tân nữ hoàng,” gã nói nghiêm trọng như đang tiết lộ bí mật quốc gia. “Cô ta có thể quyết định lấy mạng bọn tôi bất cứ lúc nào.”
Apu em gã đứng dưới bóng cây giữa nhóm văn nghệ văn gừng quen thuộc trong thành phố, đám họa sĩ, dân la cà hộp đêm và tụi Ý, và đứng cạnh gã, hút thuốc liên tục, khoác chiếc áo vest nhưng với sơ-mi trắng cổ bẻ thường ngày, là Andy Drescher, tên trùm sò nổi tiếng chuyên đi gây gổ mà Apu không hiểu sao lại có cảm tình. Andy là một biểu tượng của New York, kẻ chẳng xuất bản gì cả kể từ khi ra hai tập thơ từ những năm 1980 nhưng không hiểu sao vẫn sống khỏe ở đẳng cấp cao nhất thành phố này mà không hề có nguồn thu nhập rõ ràng hay sinh kế nào khác. Tôi tưởng tượng cha này sống trong căn hộ nhỏ không nước nóng không thang máy, ăn đồ hộp dành cho mèo rồi phủi bụi bộ cánh nhưng này và đi tới những dạ tiệc sang nhất để cười đám trai trẻ đỏm dáng với vẻ nhịn nhục đầy thèm khát và chua chát sủa lên những lời ta thán lừng danh. Danh sách những thứ và người để hắn ta kêu ca cứ không ngừng dài thêm và bao gồm - vào lúc này - chuyện đi xem phim, thị trưởng Bloomberg, quan niệm về hôn nhân, cả đồng tính lẫn dị tính, quan niệm về chuyện xem TV khi người ta lẽ ra có thể làm tình, máy móc (mọi loại, nhưng đặc biệt là smartphone), khu East Village, những tấm bảng tổng hợp ý tưởng trong phòng thiết kế thời trang (thứ mà hắn ta gọi là ăn cắp có tổ chức), đám du khách, và bọn nhà văn xuất bản sách. Hôm đó cha này đã xúc phạm Riya tội nghiệp (nhưng mà lão xúc phạm tất cả mọi người đấy thôi) vì lão chế nhạo Bảo Tàng Bản Thể nơi Riya làm việc, và chế nhạo ý tưởng cho rằng ta có thể là bất kỳ giới tính nào ta lựa chọn nếu thấy thích hợp. “Tuần sau tôi sẽ mua căn hộ mười triệu đô-la,” cha này bảo Riya. “Đố biết tiền đâu mà tôi mua được.” Riya sụp bẫy và hỏi. Câu trả lời: “Ô, tôi bây giờ là một chuyển-tính-tỷ-phú. Tôi đồng nhất hóa bản thể tôi với tính giàu cho nên tôi giàu.”
Sau đó Riya đứng sát bên D và hai đứa cùng quan sát nữ hoàng vũ hội trong giây phút khải hoàn, Mỹ Nhân xoay tròn vòng vòng trong cánh tay của Quái Thú trìu mến, bao quanh cô ta là khu Gardens này, và tất cả chúng tôi, những người được mời lẫn không được mời, có thực lẫn hư cấu, trong lúc chiều buông và những chuỗi đèn thần tiên giăng trên những thân cây càng làm bầu không khí mê hoặc như phim Disney thêm huyền ảo; hai bố mẹ giáo sư của tôi vui vẻ khiêu vũ với nhau, mắt họ nhìn nhau không biết đến ai khác, và ông U Lnu Fnu u sầu của Liên Hiệp Quốc, và ông Arribista xứ Argentina, và hai nhà quý tộc đích thực của cộng đồng khu Gardens, Vito và Blanca Tagliabue - ông bà Nam tước Selinunte - và tôi, tất cả đều vui vẻ tiếp xúc với nhau, được bôi trơn bằng rượu champagne ê hề, ăn thức ăn hảo hạng do dịch vụ ẩm thực hạng nhất thành phố cung cấp, và trong một khoảng ngắn sung sướng của thời-gian-phi-thực, ai cũng cảm thấy một đám cưới đôi lúc cũng tạo ra niềm vui, gắn bó, và hợp nhất. Ngay cả năm người đánh tennis đeo đồng hồ đắt giá cũng vẽ những cái cười toe toét lên những bộ mặt vốn không dành cho tươi cười và gật gù có vẻ na ná như đồng điệu với những người khác trong khu Gardens, và vỗ tay tán thưởng bước nhảy của cặp vương hậu.
Nhưng có một nhóm đứng tách riêng ra và trong lúc nhạc chơi và màn đêm buông xuống và vui nhộn tăng lên, nhóm này có vẻ càng lúc càng chụm sát vào nhau hơn cứ như muốn nói, hãy tránh xa chúng tôi, hãy giữ khoảng cách, chúng tôi không thuộc nhóm các người. Nhóm này là những người tóc chải keo dài quá gáy, ẹp sát da đầu, và để kiểu râu ngắn thời trang, ngôn ngữ cơ thể không thoải mái, mặc những bộ tuxedo không vừa vặn với cổ tay áo sơ-mi trắng thời ra quá xa khỏi ống tay áo vest, những người đàn ông không có đàn bà đi cùng, chỉ uống nước hoặc sô-đa hoặc không uống gì, hai chân luôn xê dịch, hút thuốc quá độ, và đột nhiên tôi nghĩ, có lẽ trực giác “bố già” của mình có lẽ không phải nảy sinh là do xem bộ phim Godfather ba tập ấy quá nhiều lần, có lẽ tôi đã đánh hơi được gì đó, vì những người này trông như đang chầu chực, những người tới gặp ông trùm vào ngày trọng đại để hôn lên nhẫn của ông ta. Hoặc là (bây giờ tôi đã thực sự bị cuốn theo ngôn ngữ trong phùn gangster) nhóm này coi bộ đang thủ hàng nóng trong người. Tôi chiếu lại bộ phim ấy trong đầu, những khẩu súng ngắn bất ngờ nhảy ra khỏi túi áo trong căng phồng của bộ đồ vest may vụng kia, máu nhuộm lễ cưới thành lễ tang.
Chẳng hề có chuyện đó. Mấy quý ngài này làm bên ngành khách sạn, chúng tôi nghe nói vậy, họ là bạn làm ăn của ông Golden. Có bảo họ bán dầu ô-liu thì cũng thế thôi: đúng, có lẽ, nhưng cũng chưa chắc là toàn bộ sự thật.
Cậu con cả của chú rể đang đứng bên bàn thức ăn trải khăn vàng bày những khay đầy món ăn chơi chờ đón những kẻ đói bụng, gã đang cặm cụi giải quyết món xúc xích cuộn, hết miếng này đến miếng khác. Tôi chợt nảy ra một ý. “Này, Petya.” Tôi lại gần hỏi gã, cố tỏ ra tự nhiên hết mức, “anh có biết gì về 2G Spectrum không?” Một làn sóng bối rối gợn qua gương mặt gã, có thể là do cái từ spectrum khiến gã nghĩ ngay tới cái thuật ngữ “phổ rối loạn” của chứng tự kỷ, và có thể là do trí nhớ phi thường với bản năng nói thật của gã đang đấu tranh với lời thề giữ bí mật mà nhà Golden đã cam kết. Cuối cùng gã quyết định là câu trả lời không nằm trong những cam kết ràng buộc và vì thế không bị cấm vận. “Vụ viễn thông om sòm đó mà,” gã nói. “Tôi đọc luôn danh sách các công ty liên can nhé? Adonis, Nahan, Aska, Volga, Azure, Hudson, Unitech, Loop, Datacom, Telelink, Swan, AUianz, Idea, Spice, s Tel, Tata. Phải nói thêm là năm 2008 Telenor đã mua cổ phần đa số của công ty viễn thông thuộc tập đoàn Unitech và hiện thời đang hoạt động bằng hai mươi giấy phép dưới tên Uninor. Datacom hoạt động dưới tên Videocon. Công ty Sistema đặt ở Nga chiếm cổ phần đa số trong Telelink và đang đổi tên hoạt động thành MTS. Swan nguyên là một công ty con của tập đoàn Reliance. Idea đã mua Spice. Bahrain Telecommunications và Sahara Group cả hai đều nắm số vốn đáng kể trong s Tel. Một vụ kiện xung đột công ích đang được xúc tiến và sắp lên tới Tòa Án Tối Cao. Dư luận chờ đợi ít nhất sẽ có một bộ trưởng và nhiều giám đốc công ty phải chịu án tù nặng. Dải tần năm megahertz của 2G Spectrum được định giá theo megahertz là…”
“Tôi thấy anh không nhắc tới Eagle, hay Verbunden Extratech, hay Murtasín,” tôi nói.
“Tôi chỉ đơn thuần liệt kê những công ty có nêu tên trong vụ gian lận này,” gã nói. “Còn mấy công ty chú em nói đâu có bị cáo buộc sai trái gì đâu, mà cũng không có bị kiện tụng gì chờ giải quyết cả. Chú em đang tính viết kịch bản phim về sự phát triển mạnh phải nói là kinh ngạc và chắc chắn có dính đến tham nhũng trong ngành điện thoại di động ở cái nước xa xôi ấy sao? Nếu vậy, chú em nhất định phải đóng vai chính. Vì chú em rất bảnh trai, chú em biết mà, René, chú em đúng là nên trở thành ngôi sao điện ảnh.”
Chuyện này quả là mới đối với gã vào mùa hè ấy. Bất kể điều hiển nhiên trong mắt mọi người khác, Petya gần đây khẳng định rằng tôi là anh chàng đẹp trai nhất thế giới. Lúc đâu gã tuyên bố tôi “đẹp trai hơn Tom Cruise,” rồi tôi trở thành “ngon lành hơn Brad Pitt nhiều lắm,” và dạo này tôi “một trăm lần hấp dẫn hơn George Clooney.” Sic transit gloria*, Tom, Brad, George, tôi nghĩ thầm. Petya chẳng có biểu hiện ham muốn đồng tính đâu. Gã nói đúng như cách gã nhìn nhận, như tính gã vốn luôn như thế, và tôi chỉ biết cảm ơn mà thôi.
“Đại khái là vậy,” tôi trả lời gã. “Nhưng tôi không nghĩ là có vai diễn cho tôi đâu.”
“Thật buồn cười,” gã nói. “Chú em cứ viết ngay một vai cho mình. Vai lớn vào. Vai chính lãng mạn. Chú em rất quyến rũ đó, René. Tôi nói nghiêm túc. Chú em là quả bom sex.”
Có lẽ những đám cưới luôn khơi gợi chất lãng mạn trong tất cả chúng ta.
* * *
Và vào một lúc nào đó trong cảnh vui vẻ tối hôm ấy, tôi đã không để ý, Nero Golden đã biến đâu mất, và có ánh đèn trong cửa sổ văn phòng lão, và mấy người mặc tuxedo cũng không thấy đâu. Petya đang trên sàn nhảy. Gã khiêu vũ kém, tay chân phối hợp vô lý tới mức ai cũng thấy gã tức cười, năm người chơi tennis không nén nổi những cái cười khẩy ngạo mạn của kẻ bề trên, nhưng may sao Petya đang phiêu theo tiếng nhạc nên hình như không để ý. Và rồi Vasilisa khiêu vũ với các bạn gái của cô ta, toàn kiều nữ, toàn dân môi giới bất động sản, đang thể hiện phiên bản New York của vũ điệu Cossack có nến có khăn san có vỗ tay có đá cao chân và giậm gót giày. Thay cho mũ lông và quân phục là những chiếc váy mỏng như tơ và da thịt phụ nữ nhưng chẳng có ai than phiền, chúng tôi nhảy theo vòng tròn quanh các cô gái đang múa rồi đồng thanh vỗ tay và hô to “Hey! Hey!” theo lời nhắc rồi uống những ly nhỏ vodka được mời và vâng, nước Nga tử tế, văn hóa Nga hay, chúng ta đang có một thời đại Nga tốt đẹp làm sao, mọi người ơi, và rồi Nero Golden tái xuất trong nguyên bộ đồ hoá trang Cossack, cho nên ít nhất có một chiếc mũ lông và một bộ quân phục xanh có viền vàng, khuy vàng, và các cô gái nhảy múa quanh lão cứ như lão là chỉ huy, là vua của họ, đúng chứ còn gì nữa, và lão vung vẩy thanh kiếm cong shashka đặc biệt trên không, phía trên đầu các cô này, và chúng tôi nhảy múa chung quanh, uống, hô to “Hey! Hey!” thêm mấy lần nữa, và thế là Nero và người đẹp của lão đã thành hôn.
Nhưng mấy quý ngài bên ngành khách sạn mặc tuxedo luộm thuộm đã biến mất luôn.
* * *
Màn sương mù mùa hè kỳ lạ lẻn vào khu Gardens hôm ấy sau lúc nửa đêm và biến nơi này thành bối cảnh cho một bộ phim ma Nhật Bản, phim Ugetsu, có lẽ, hoặc Kwaidan*. Khách khứa đã về hết và những thứ còn thừa sau tiệc mừng đã được các nhân viên cần mẫn của công ty dịch vụ dọn dẹp sạch sẽ, đích thân Nero Golden đã trao cho họ món tiền thưởng hậu hĩ. Một chiếc lồng đèn lẻ loi vẫn còn mắc trên cành cây, ngọn nến bên trong đang xèo xèo cháy tàn. Tôi nghe một tiếng hú gì đó chắc là tiếng cú kêu, nhưng cũng có thể tôi đã lầm. Trên trời một vầng trăng héo sáng lờ mờ sau những đám mây đen đang tụ về. Giông tố sắp đến. Bốn bề im ắng trước cơn bão.
Như lần trước, chứng mất ngủ lại xua tôi ra khỏi giường. Tôi tròng chiếc áo len với quần jeans xanh vào người rồi bước ra ngoài trời sương và ngay lập tức sương bỗng dày đặc và tôi một mình đứng giữa cơn lốc xoáy, tưởng chừng vũ trụ đã biến mất chỉ còn lại mình tôi. Rồi từ xa tôi nghe một tiếng động, lặp đi lặp lại, mỗi lần lại lớn dần. Đó là âm thanh của một người đàn ông lâm vào cảnh thống khổ cùng cực, đang khóc nức nở không kiềm nén được. Tiếng khóc não lòng.
Tôi rón rén tới gần, óc tò mò đang chống cự với bản năng văn minh đời để cho người đang khóc được riêng tư. Không dám tin màn sương sẽ che giấu được mình, tôi cố hết sức náu kín trong bụi cây, lòng hơi xấu hổ (nhưng chỉ hơi thôi, tôi phải nói thật) vì nỗi ham muốn nhìn trộm của tôi đã chiến thắng. Cuối cùng tôi đã thấy, và phải thú nhận là tôi kinh ngạc khi nhận ra ngôi sao của đêm hội ấy, người mà tất cả mọi thứ đều quay tròn chung quanh, chính chú rể, đang quỳ trên cỏ ướt trong bộ pyjama đắt tiền và đang nắm tay đấm ngực, kêu gào như một kẻ khóc mướn đám ma chuyên nghiệp. Điều gì đã khiến lão phải ra ngoài đây lúc khuya khoắt này, từ bỏ chiếc giường hoa chúc để gào với vầng trăng mờ khuất kia? Tôi liều bò lại thật gần hết mức có thể và nghe được, hay tưởng mình nghe được, mấy lời này: “Tha cho tôi! Tôi đã giết chết cả hai người.”
Giờ tôi nói luôn tôi không phải là người tin vào những lời xác nhận có tính huyền bí hay siêu nhiên. Tôi không có thời giờ cho thiên đàng, địa ngục, u minh, hay bất cứ điểm đến nghỉ mát sau khi chết nào. Tôi không tin là tôi sẽ đầu thai, dù là thành con bọ hung hay thành George Clooney hay những kẻ kế tục tài tử này về mặt hấp dẫn ngoại hình. Bất kể say mê Joyce, Nietzsche và Schopenhauer, tôi quay lưng lại với thuyết luân hồi, với hiện tượng xuất hồn. Phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives* của nhà làm phim Thái Lan Apichatpong Weerasethakul có khả năng là phim tôi ưa thích nhất năm đó nhưng tôi không tin là Bác Boonmee, hay tôi, có bất kỳ kiếp trước nào thi hành nghĩa vụ ở trần gian này. Tôi không quan tâm đến các hậu duệ của ma quỷ; Damien, Carrie, Rosemary’s Baby, các vị cứ ngồi yên trên kệ sách tiểu thuyết rẻ tiền. Tôi không có thời gian cho thiên thần hay ác quỷ hay quái vật dưới đáy hồ xanh. Tất cả những điều đó là lý do khiến tôi ngỡ ngàng không lý giải được những gì chứng kiến đêm ấy, là lý do tôi tự nhủ đó là ảo giác do uống thuốc ngủ Ambien quá liều (nhưng vẫn không ngủ được) và rồi lang thang ngầy ngật vào sương mù: một kiểu gần như mộng du. Nhưng hình ảnh lão Nero ăn năn sám hối kia đúng là có thật, và những gì tôi thấy, những gì tôi biết mình đã thấy, những gì tôi nghĩ tôi biết mình đã thấy cho dù đầu óc duy lý của tôi bác bỏ ý tưởng đó, chính là màn sương quanh lão đang tụ lại, như một thứ ngoại chất từ cõi âm, thành hai bóng người, bóng hai người phụ nữ, đứng trước người đàn ông đang quỳ để nghe lời ân hận cay đắng của ông ta. Hai bóng người không nói, mà cũng không hoàn toàn hiện rõ hình hài cụ thể, cứ mơ hồ phảng phất, nhưng ý tưởng này đã nảy ra trong đầu tôi, rõ ràng như có ai nói to những lời đó, rằng đây là hai người mẹ của các con lão, bà vợ đã chết ở khách sạn Taj và người đàn bà nghèo khổ bị ruồng bỏ phải đem cho đứa con mình và là người, theo lời bà Golden, đã chết cô độc không ai hay biết ở nơi nào đó là chốn lìa đời của những kẻ khốn cùng.
Tha cho tôi. Tôi đã giết chết cả hai người. Phải hiểu thế nào đây một lời khẩn khoản nhường ấy, thốt ra vào đêm tân hôn của một người đàn ông? Đây là lời lão thú tội đã tìm kiếm hạnh phúc mới trong lúc những người chết bất hạnh đang nằm dưới chân mình? Hay đây là lời lão bộc lộ rằng quá khứ ám ảnh kia chi phối cảm xúc của lão mạnh mẽ hơn thực tại hiện hữu tuy trẻ đẹp nhưng hời hợt này? Và ngay lúc này, bà Golden mới đang ở đâu, và cô ta nghĩ sao về việc ông chồng mình đang thổn thức với những hồn ma ngoài vườn? Một khởi đầu không thuận lợi, phải nói như thế. Tôi lùi vào màn sương và lần mò về giường, nơi mà lạ thay, tôi lập tức chìm vào giấc ngủ và an giấc lành của người công chính.
Sáng hôm sau Vasilisa thông báo giai đoạn kế tiếp trong kế hoạch dọn sạch và cải tạo ngôi nhà này từ trên xuống dưới, tống hết cái cũ! Thế vào cái mới! Đổi đèn mới lấy đèn cũ đây! Còn lão, ông già ấy, chấp thuận. Nhưng kế hoạch của cô ta không chỉ là việc trang trí lại nội thất. “Ở Nga,” cô ta nói, “chúng tôi không ngu ngốc tới mức nghĩ là không có ma quỷ”. Câu này là đang nói với tôi (lúc đó tôi đã là khách thường lui tới và được hoan nghênh). “Xin lỗi cậu, René, tôi biết là cậu hoài nghi, nhưng thực tế không phải là chuyện có thể lựa chọn. Nó bất cần ý kiến của cậu trong chuyện này. Thế giới này vẫn luôn vậy đó. Cứ đi tới nhà thờ Chính thống giáo ở Nga là cậu sẽ thấy nhiều gia đình đưa tới những người thân bị quỷ nhập, những người đầy thù hận, cả những kẻ báng bổ thánh thần, những kẻ thô lỗ tục tằn, hay mang tâm hồn lạnh giá nữa. Rồi, bắt đầu. Trước hết linh mục sẽ đến mang theo nước thánh để rảy, rồi đọc nhiều đoạn trong Thánh Kinh chỗ Jesus đuổi quỷ trừ tà đó, và Chúa ơi, chúng hiện ra, tiếng đàn ông phát ra từ miệng đàn bà, cơ thể rung bần bật rồi rú rít rồi hú hét nguyền rủa linh mục, rồi nước thánh thiêu hủy chúng, cậu sẽ thấy, và nhiều người rống lên như con vật, giống tiếng bò, tiếng gấu, tiếng lợn. Rồi nôn ọe với gục ngã. Khủng khiếp nhưng mang lại tốt lành. Trong nhà này thì khác. Có thể không phải người bị ám mà là chính ngôi nhà bị ám. Từ chốn cũ tới đây ta đã mang ma quỷ theo cùng và bây giờ nó ở trong tường, trong thảm, trong các xó tối và cả trong nhà vệ sinh nữa. Có những bóng ma đang trú ngụ sẵn ở đây, có thể là những bóng ma của các cậu đó, cũng có thể là những thứ lâu đời hơn, phải trục xuất đi. Nếu cậu muốn xem khi linh mục tới thì tôi cho phép, tôi biết cậu là một nhà sáng tác trẻ đang tìm kiếm chất liệu, nhưng cứ đứng đó gần Đức Mẹ và khi khởi sự thì chỉ cần nói những lời cầu Chúa Jesus. Lạy Đấng Ki-tô, Con Đức Chúa Trời, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Cậu không tin cũng không sao cả, chỉ cần nói thế là những lời đó sẽ bảo vệ cậu khỏi bị hãm hại.”
Mới được đặt vào vị trí trang trọng trong “đại sảnh” rộng lớn của tầng trệt ngôi nhà Golden là bản sao thời kỳ đầu hoàn hảo của bức tranh thánh Đức Mẹ Feodorovskaya - bản chính được treo ở Cung Alexander trong nhà nguyện nhỏ bên trái phòng ngủ của Alexandra, vợ của Sa hoàng Romanov cuối cùng, người mỗi ngày đã cần khấn hàng giờ trước bức tranh Mẹ Đồng Trinh này. Luồng gió đang mạnh dần từ ngoài khu Gardens lùa qua những khung cửa sổ lớn của đại sảnh đang hôn lên mặt Đức Mẹ, luồng gió ẩm hứa hẹn cơn mưa. Đúng là chuyện lạ. Mấy người con của Nero Golden không hề che giấu chuyện họ không tín ngưỡng và mặc dù tôi chưa nghe người cha nói gì về chuyện này tôi cũng giả định là cha họ cũng giống như thế, và nói cách khác, ông ta chính là nguồn gốc khiến các con hờ hững với tôn giáo. Thế nhưng bức tranh thánh ấy lại chính là quà cưới của Nero tặng người vợ trẻ, và lúc này, không hề tranh cãi, lão đứng cạnh cô ta trước hình tượng Đức Mẹ ấy, chắp tay và cúi đầu và ra dấu rằng đã tới giờ bắt đầu lễ trừ tà, và chính ông đưa cả ba cậu Golden con vào chứng kiến, ai nấy mặt mày nghiêm trang, làm theo hướng dẫn. Và đúng lúc đó vị linh mục Chính thống giáo Nga, bộ râu dài cắm trên chiếc áo thụng xòe như cái lều, bắt đầu đọc kinh và rảy nước thánh lên tất cả chúng tôi, và cũng ngay lúc đó cơn bão Irene ập tới, không gian tối sầm lại, các tầng mây mở toang và ánh chớp chói lóa sáng rực cả gian phòng. Vị linh mục kêu to bằng tiếng Nga và Vasilisa dịch lại lời ông ta.
Vinh danh Chúa, việc đã hoàn thành.
Nghe thế Nero Golden cũng la to lên, “Đóng cửa lại,” và ba cậu con lao tới các khung cửa sổ lớn, và trong khi tôi hiểu việc này là một phản ứng thực tế để chặn gió lùa và mưa tạt vào nhà, Vasilisa và vị linh mục lại hiểu khác. Bộ râu dài lúc lắc, chiếc áo thụng xòe như cái lều rung rinh, một tràng tiếng Nga phấn khích thốt ra, và Golden tân phu nhân đắc thắng diễn dịch là, “Đóng cửa để ngăn mưa, nhưng không cần đóng cửa để ngăn ma quỷ, vì chúng đã bị trục khỏi chồng tôi và sẽ không bao giờ quay lại nữa.”
Cho dù chuyện gì đã xảy ra sáng hôm đó - và tôi hết sức nghi ngờ về độ tin cậy của lễ trừ tà này - điều chắc chắn có thật là Nero không còn đi dạo đêm khuya lần nào nữa, không còn khóc nức nở trên bãi cỏ mùa hè nữa. Theo như tôi biết, bóng ma của hai người đàn bà kia cũng không còn hiện ra với lão. Hoặc nếu có thì lão kiềm chế cảm xúc, quay lưng với họ, và không nói cho vợ biết họ hiện hồn về.
Từ cõi thiêng bất khả xâm phạm của Nero, tối hôm đó, vẳng ra tiếng đàn violon Guadagnini, lão đang chơi - tàm tạm - bài Chaconne xúc động mãnh liệt của Bach.
* * *
Vào tối thứ Hai khi rắc rối bắt đầu Nero Golden đưa cô vợ Vasilisa đến nhà hàng Nga ưa thích của cô ta ở khu Hatiron dự buổi tiệc tôn vinh Mikhail Gorbachev, nhân vật này đang viếng thăm thành phố để gây quỹ cho tổ chức từ thiện về bệnh ung thư của ông ta. Cặp Nero được xếp vào bàn danh dự ngồi cùng một tỷ phú lưu vong với người vợ có máu nghệ sĩ, và một tỷ phú lưu vong đã mua được chỗ đứng trong ngành xuất bản báo in đúng lúc báo in hết đường xuất bản nhưng may thay y còn sở hữu một đội bóng chày, và một tỷ phú lưu vong có vốn lớn ở Thung lũng Silicon có bà vợ cũng đầu tư bộn tiền cho việc bơm Silicon, và ở các bàn cạnh bên là các tỷ phú cấp thấp hơn có du thuyền, đội bóng và mạng truyền hình cáp nhỏ hơn và những bà vợ không gợi cảm bằng. Với Vasilisa Arsenyeva, cô gái gốc Siberia, sự có mặt của cô ta trong nhóm chóp bu này là bằng chứng cho thấy cuộc đời cô rốt cuộc cũng đáng giá và cô ta cứ lấy điện thoại đời chụp hình chung với từng nhân vật Nga quyền thế này (và tất nhiên với các bà vợ của họ nữa) để gửi ngay về cho mẹ.
Trước khi hai người rời nhà, lúc Vasilisa đã thay đồ xong xuôi và trông quyến rũ đến mức tội lỗi, cô ta quỳ dưới chân ông chồng, kéo íermature quần của Nero xuống và hầu hạ lão chầm chậm, rành nghề, “bởi vì,” cô ta nói với lão, “khi một người như anh đưa một phụ nữ như em vào một gian phòng như thế này thì người ấy phải biết mình có vị trí như thế nào với cô ta.” Đây là một tính toán sai lầm hiếm thấy - và cô ta thường rất giỏi chuyện tính toán dục tình - vì màn hầu hạ đó chỉ khiến Nero Golden càng thêm nghi ngờ, chứ chẳng giảm bớt, tới mức lúc đến nhà hàng lão theo dõi từng động thái của cô ta như một con diều hâu càng lúc càng bực tức, và khi thức ăn lần lượt bày ra, món salad cá trích, món golubtsy cải bắp nhồi thịt bò, các món bánh nhân thịt vareniki, vushka và halushky của Ukraine, món pelmeni bánh nhồi thịt bê, món bò xốt kem stroganoíí, rượu vodka ngâm các thứ trái quả, bánh blinchiki, trứng cá caviar, thì cơn ghen của lão càng tăng lên, thật chẳng khác gì cô ả đang lấy chính thân xác mình ra dâng từng miếng mời mọc tất cả đám đàn ông ở đó, bày trên những chiếc khăn ăn bằng giấy đỏ, để cho họ ãn bằng cái nĩa nhỏ hai răng, như một món khai vị ngon lành. Tất nhiên, ngồi ở bàn hàng đầu này toàn là đàn ông mang vợ theo nên ai cũng cư xử thận trọng, tay tỷ phú với bà vợ có máu nghệ sĩ nói với lão rằng lão đã may mắn chiếm đoạt được “Vasilisa của chúng tôi,” tay tỷ phú có mấy tờ nhật báo thất bại và đội bóng chày thành công nói “cô ấy giống như con gái của chúng tôi.” Tay tỷ phú Thung lũng Silicon có bà vợ bơm Silicon nói, “Có Chúa mới biết làm sao ông chiếm được cô ta,” và đưa hai bàn tay làm một cử chỉ tục tĩu ngụ ý một thứ gì to lớn ở trong quần, nhưng ai cũng đã uống nhiều vodka rồi nên không ai có ý xúc phạm hay cảm thấy bị xúc phạm cả, chỉ là chuyện tán gẫu của đàn ông. Nhưng một lúc sau lão để ý thấy cô ta đang vẫy tay với nhiều người ở đầu phòng bên kia, và họ vẫy lại, và tất cả đám đó đều là đàn ông, đặc biệt có một tên, khá trẻ trung, cao lớn, vạm vỡ, chắc khoảng bốn mươi, tóc bạc trắng lạ lùng, bạc sớm trước tuổi, đeo kính râm phi công cho dù đang buổi tối, một gã tướng tá giống như huấn luyện viên tennis hay là một huấn luyện viên riêng - đây là cái từ mà Nero Golden ghét nhất hạng, vì những lý do hiển nhiên. Cũng có thể đó là một tên thợ làm tóc, một gã đồng tính nam, điều này thì được. Hoặc, ờ, cũng có thể là một tỷ phú khác, trẻ hơn mấy tay kia, chẳng hạn một tên có chiếc du thuyền lớn màu đỏ đóng ở xưởng đóng tàu Benetti ở Viareggio, bên Ý, và mê những chiếc siêu xe một-triệu-rưỡi-đô-la được đặt tên theo các vị thần gió của thổ dân Quechua và thích có những cô gái tốc độ theo cùng. Không thể bỏ qua khả năng đó. “Em xin phép,” cô ta nói, “em phải đi chào các bạn em.” Thế là cô ta bỏ đi, và lão theo dõi, những cái ôm, những cái hôn gió, hoàn toàn đúng phép lịch sự nhưng vẫn có mùi gì bất ổn ở đằng đó, có lẽ lão cần đi kiểm tra mấy người bạn này, những kẻ gọi là bạn này. Có lẽ lão nên để ý kỹ hơn cái con tóc vàng mà lão không nhìn rõ mặt, con bồ của thằng kia, con tóc vàng nhỏ con quay lưng về phía lão, lão có thể nhận ra kiểu cơ bắp trên hai cánh tay con nhỏ đó, đúng rồi, lão nhớ ra, con đĩ đó. Có lẽ lão phải vặt rụng cái đầu con nhỏ chó má đó mới được.
Nhưng rồi Gorbachev đang gợi chuyện, “Nên bây giờ, thưa ông Golden, với người vợ Nga kiều diễm này thì ông đã thành người thân thiết của chúng tôi, gần như vậy, tôi dám nói thế, và tôi có thể thấy rằng ông là một người có địa vị, nên tôi xin mạo muội hỏi là..Chỉ có điều đây không phải là Gorbachev đang nói, mà là phiên dịch viên của ông ta hình như tên là Pavel, từ đằng sau nhìn chằm chằm qua vai Gorbachev như cái đầu thứ hai, và đang nói rất nhanh tiếp lời vị cựu Tổng thống này tới mức gần như hắn đang nhép miệng đồng bộ theo, như vậy hắn ta hoặc là người phiên dịch nhanh nhất, giỏi nhất xưa nay hoặc hắn chỉ đang bịa đặt những câu tiếng Anh, hoặc Gorbachev chỉ luôn nói mãi một chuyện đó. Dù trong tâm trạng bực tức kinh khủng càng lúc càng tăng với thái độ của Vasilisa, Nero Golden cũng không cho phép mình bị vị khách danh dự này chất vấn nên lão phải ngắt lời Gorbachev để hỏi một câu của lão.
“Tôi có nhiều đối tác làm ăn ở Leipzig, trước kia thuộc CHDC Đức,” lão nói. “Họ có kể tôi nghe một chuyện thú vị và tôi rất mong được nghe ý kiến của ngài.”
Mặt Gorbachev trở nên nghiêm trọng. “Chuyện gì thế,” Pavel, cái đầu thứ hai của ông ta hỏi.
“Trong lúc bất ổn năm 1989,” Nero Golden nói, “khi những người biểu tình ẩn náu trong nhà thờ Thomaskirche, nhà thờ của Bach*, tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức, ông Honecker, đã muốn cho quân đội mang súng máy xông vào giết sạch và thế là tiêu tùng cách mạng, dẹp xong luôn. Nhưng vì kiến nghị này đòi hỏi dùng quân đội chống lại thường dân, ông ta phải gọi điện xin phép ngài, và ngài đã bác bỏ, sau đó chỉ trong vài ngày là Bức Tường sụp đổ.”
Cả Gorbachev lẫn cái đầu thứ hai của ông ta không nói lời nào.
“Cho nên tôi muốn hỏi điều này,” Nero Golden nói. “Khi ngài nhận cú điện thoại đó và nghe câu hỏi đó thì lời bác bỏ của ngài là tự động theo bản năng… hay là ngài phải suy nghĩ kỹ?”
“Câu hỏi này có mục đích gì?” Gorbachev-Pavel nói với hai bộ mặt hầm hầm.
“Nó đặt ra vấn đề về giá trị của mạng người,” Nero Golden nói.
“Thế quan điểm của ông về vấn đề này là thế nào?” Hai Gorbachev cùng hỏi.
“Người Nga luôn dạy chúng tôi,” Nero nói, và bây giờ ai cũng thấy rõ lão cố ý tỏ ra thù địch, “rằng sinh mạng cá nhân là thứ có thể thí bỏ nếu nó chống lại lẽ phải của nhà nước. Điều này tôi học từ Stalin, và từ vụ ám sát Georgi Markov ở London bằng cây dù có đầu nhọn tẩm thuốc độc và vụ đầu độc tay KGB tị nạn Alexander Litvinenko bằng chất phóng xạ polonium. Còn thêm tay nhà báo này bị xe đụng, tay nhà báo khác chết ngẫu nhiên nữa, nhưng dù sao mấy vụ này chỉ là mối quan tâm thứ yếu. Về giá trị của con người, người Nga đã chỉ cho chúng tôi con đường đến tương lai. Trong năm nay, nhiều biến cố trong thế giới Ả-rập đã khẳng định, và sẽ nhanh chóng khẳng định thêm điều này. Osama chết, tôi không thấy có vấn đề gì. Gaddah tiêu, thằng lại cái đó, mặc xác nó. Nhưng ở đây chúng ta sẽ thấy là những nhà cách mạng này, kết cục của họ sẽ đến rất nhanh. Còn chính cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, tàn nhẫn với nhiều người. Người sống chẳng có quan trọng gì lắm đối với công việc của thế giới này.”
Cả bàn im lặng. Rồi cái đầu thứ hai của Gorbachev lên tiếng cho dù chính Gorbachev không nói gì cả. “Georgi Markov là người Bulgary,” cái đầu thứ hai nói.
Gorbachev trả lời rất chậm rãi, bằng tiếng Anh. “Đây không phải là diễn đàn thích hợp cho câu chuyện này,” ông ta nói.
“Tôi xin kiếu,” Nero gật gù đáp lại. Lão giơ một cánh tay lên và cô vợ lập tức rời khỏi bàn của nhóm bạn đi theo lão ra cửa. “Một buổi tối tuyệt vời,” lão nói với cả phòng. “Xin cảm ơn.”
* * *
GÓC QUAY RỘNG. ĐƯỜNG PHỐ MANHATTAN.
ĐÊM.
MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÁ TRẺ TRUNG, cao lớn, vạm vỡ, chắc khoảng bốn mươi, tóc bạc trắng lạ lùng, bạc sớm trước tuổi, đeo kính râm phi công cho dù đang buổi tối, một gã tướng tá giống huấn luyện viên tennis hay là một huấn luyện viên riêng, đi cùng cô bồ, một NGƯỜI ĐÀN BÀ TÓC VÀNG nhỏ nhắn trông giống một huấn luyện viên riêng khác, từ khu Broadway đi xuống hướng Quảng trường Union, băng qua rạp phim AMC Loews ở Đường 19, qua cửa hiệu ABC Carpet, băng qua xưởng họa thứ ba trong bốn xưởng họa The Factory của Andy Warhol ở 860 Broadway và rồi tới xưởng họa thứ hai trong tòa nhà Decker Building ở Đường 16. Xét theo sự lẻ loi của họ, không hề có cận vệ, gã có lẽ không phải là tỷ phú, và không có du thuyền lớn màu đỏ và chiếc siêu xe một-triệu-rưỡi-đô-la. Gã ta chỉ là một anh chàng cô đơn đi cùng một cô gái trong thành phố buổi tối.
Nhạc đang phát. Bất ngờ thay đó lại là một bài nhạc phim Ấn Độ, Tuhi Meri Shab Hai, và lời ca có dịch phụ đề. Chỉ có em là đêm của tôi. Chỉ có em là ngày của tôi. Bài hát trong một bộ phim phát hành năm 2006, với Kangana Ranaut thủ vai chính. Tựa đề bộ phim là Gangster.
NGƯỜI THUẬT CHUYỆN (thuyết minh)
Theo tờ New York Times, số vụ giết người ở Mỹ từng lên tới mức báo động trong những năm 1990 nhưng giờ đã hạ xuống những mức thấp gần như lịch sử. Nhiều người vẫn lo sợ rằng sự lan tràn của heroỉn và sự trỗi dậy của băng đảng bạo lực có thể đẩy con số này gia tăng trở lại ở một số thành phố như: Chicago, Las Vegas, Los Angeles, Dallas, Memphis. Tuy nhiên, đáng lạc quan hơn, ở New York City con số này lại giảm đều 25% mỗi năm.
Người đàn ông đeo kính râm phi công và người phụ nữ có đôi tay nở nang lúc này đang băng qua công viên, đi giữa tượng George Washington và cổng xuống ga tàu điện ngầm.
Bài hát tiếp tục, càng lúc càng lớn, và không cần phụ đề nữa:
BÀI HÁT
Oh oh oh oh oh oh oh oh
Oh oh oh oh oh oh oh
Oh oh oh oh oh oh oh oh
Oh oh oh oh oh oh oh
Lúc NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÁ TRẺ TRUNG và NGƯỜI ĐÀN BÀ TÓC VÀNG đi ngang cổng ga tàu điện ngầm, một NGƯỜI ĐÀN ÔNG THỨ HAI từ dưới ga đi ra, di chuyển nhanh, đội mũ bảo hiểm mô-tô, rút ra một khẩu súng ngắn gắn hãm thanh, bắn NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÁ TRẺ TRUNG, một phát, vào gáy; và trong lúc người này gục ngã và NGƯỜI ĐÀN BÀ TÓC VÀNG mở miệng gào thét, gã này bắn luôn cô ta, rất nhanh, một phát, ngay giữa hai mắt. Cô ta khụy gổi phịch xuống và giữ nguyên tư thế đó, đầu cúi, gối quỳ, chết. NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÁ TRẺ TRUNG nằm úp mặt phía trước cô ta. NGƯỜI ĐÀN ÔNG THỨ HAI nhanh chóng bước đi, nhưng không chạy, đến góc Đường 14 và Đại học, băng qua khu vực những người chơi cờ, tay vẫn cầm vũ khí. Không có người chơi cờ nào, trời đã về khuya. Nhưng có một NGƯỜI LÁI MÔ-TÔ đang chờ sẵn. Gã bỏ khẩu súng vào thùng rác góc đường, lên chiếc mô-tô của người kia và cả hai phóng đi. Chỉ đến lúc đó, khi chiếc mô-tô khuất bóng, thì MỘT TOÁN CẢNH SÁT mới bước ra từ trong các xe tuần tiễu bố trí quanh công viên và nhanh chóng tới chỗ người đàn bà quỳ và người đàn ông ngã gục.
Cắt.
CẢNH NỘI. ĐÊM. PHÒNG NGỦ NERO GOLDEN.
VASILISA ngủ say trên chiếc giường rộng lớn của họ, đầu giường trang trí kiểu rococo mạ vàng tinh xảo. Hai mắt của NERO cũng nhắm. Sau đó, trong một cú QUAY KỸ XẢO, ông ta “bước ra khỏi thân xác” và đi tới cửa sổ. Bóng ma-bản thân này trong suổt. Máy quay, từ đằng sau, nhìn thấu qua người ông ta thấy những tấm màn cửa dày mà ông ta đang mở hé ra để nhìn xuống khu Gardens. NERO “thật” vẫn tiếp tục ngủ trên giường.
NERO (thuyết minh)
Tôi nói điều này khi tôi vẫn còn kiểm soát đầy đủ năng lực tinh thần. Tôi biết là một lúc nào đó sau này trong câu chuyện, sự sáng suốt của tôi sẽ bắt đầu bị nghi ngờ, và có lẽ cũng chính đáng thôi. Nhưng không phải bây giờ, chưa tới lúc đó. Vẫn còn thời gian để tôi thú nhận sự ngu ngốc của mình, và cũng để chấp nhận việc nó gây tai hại cho tôi. Đầu óc tôi mê muội quá dễ dàng vì một gương mặt đẹp. Giờ tôi đã hiểu ra cô ta ý đồ tư lợi sâu xa thế nào, tính toán lạnh lùng thế nào, và do đó trái tim cô ta cũng lạnh lùng như thế.
NERO-bóng ma bình thản quay lại giường, và “ngồi vào” trong NERO “thật,” và sau đó chỉ còn đúng một NERO, mắt nhắm, nằm cạnh cô vợ đang ngủ.
Điện thoại di động của cô ta bắt đầu đổ chuông, ở “chế độ rung.” Cô ta không thức dậy bắt máy.
Điện thoại rung hồi thứ hai và lần này NERO, vẫn nằm im, mở mắt ra.
Hồi rung thứ ba, VASILISA thức giấc, rên rì, với lấy điện thoại.
Cô ta tỉnh hẳn, ngồi thẳng trên giường, và bàn tay còn lại ôm chặt bờ má đầy vẻ hãi hùng. Cô ta nói hấp tấp bằng tiếng Nga vào điện thoại, hỏi mấy câu. Rồi cô ta im lặng đặt điện thoại xuống.
Suốt một hồi lâu hai người giữ nguyên tư thế, cô ta ngồi thẳng với nét mặt hãi hùng, ông ta nằm ngửa bình thản mở mắt, nhìn lên trần nhà.
Rồi từ từ, cô ta quay sang nhìn ông ta, nét mặt cô ta thay đổi. Bây giờ cảm xúc duy nhất trên gương mặt cô ta là nỗi kinh sợ.
Họ không nói gì.
Cắt.