Nếp Cũ Con Người Việt Nam - Chương 16: Tang chế và Tang phục

CHƯƠNG 16 : TANG-CHẾ VÀ TANG-PHỤC

 

Đối với người chết, con cháu họ-hàng xa gần, để tỏ lòng nhớ tiếc, đều mang tang, nhưng không phải ai cũng để tang người chết như ai ; tùy theo thân-sơ, việc để tang sẽ lâu hay chóng.

Trong lúc để tang, có y-phục riêng, có khi là toàn-bộ y-phục, có khi tang-hiệu chỉ-thấy ở một vài dấu hiệu trên y-phục hoặc trên một bộ phận nào của y-phục.

Màu tang của Việt-Nam là màu trắng, nhưng qua màu trắng, vải dùng cũng khác nhau giữa tang gần với tang xa. Ngoài ra, màu vàng cũng là màu tang, nhưng chỉ dùng riêng cho các chắt khi để tang các cụ. Trong một vài đám tang, ta thấy các em nhỏ đội khăn đỏ. Màu đỏ xưa nay vẫn là màu tốt-đẹp, ở đây cũng là màu tang, các chút, chữ là huyền-tôn để tang các kỵ tức là các vị cao-tổ-phụ, cao-tổ-mẫu đội khăn màu đỏ. Các viễn-viễn-tôn tức con các huyền-tôn cũng dùng khăn đỏ để tang các vị cao-cao-tổ.

Màu đỏ vốn vẫn dùng trong việc vui-mừng ở đây biến thành tang-sắc được giải-thích : các vị cao-tổ, cao-cao-tổ tuổi đã quá cao, sức lực suy-kém, được Trời Phật rước về là một điều mừng, và để biểu-lộ sự mừng vui các huyền-tôn, viễn-tôn dùng khăn đỏ thay cho khăn trắng ! I. CÁC LOẠI TANG-PHỤC

Theo Thọ-Mai gia-lễ, tang-phục có năm hạng theo sự thân sơ và lâu chóng của người sống đối với người chết :

- Đại tang, để tang ba năm

- Cơ-phục, để tang một năm

- Cửu-công, để tang 9 tháng

- Tiểu-công, để tang 5 tháng

- Ty-ma, để tang 3 tháng. 1) TANG ÔNG, BÀ, CỤ, KỴ

Ông bà cụ kỵ hai bên nội ngoại tang để khác nhau, và tang-phục mỗi trường-hợp cũng đều khác nhau.

- Tang các kỵ tức là cao-tổ-phụ, mẫu, các chút để 3 tháng, mặc áo vén gấu. Trong ngày tang, mặc đồ trắng chứt khăn đỏ, nhưng sau đó, chỉ cần mặc áo màu trắng vén gấu, không cần mang khăn. Về họ ngoại, các chút theo tục-lệ chỉ để tang trong ngày đám, và đám tang xong, tang-phục không còn. Trong Thọ-mai không nói tới trường-hợp này.

- Tang các cụ mới là tằng tổ phụ, mẫu, các chắt để 5 tháng mặc áo vén gấu. Trong ngày tang mặc đồ trắng, chứt khăn vàng, nhưng sau đó cần mặc áo trắng vén gấu là đủ. Các chắt ngoại theo tục-lệ chỉ để tang trong ngày đám, và đám tang xong, tang phục cũng hết. Thọ-Mai gia-lễ cũng không nói trường-hợp này. Nếu cha hoặc ông người chắt đã chết rồi, người chắt là người thừa-trọng, phải để tang 3 năm và mặc áo sổ gấu. Trong đám tang phải chứt khăn trắng thay cho khăn vàng.

- Các tằng tổ-bá, thúc-phụ, mẫu, anh em ruột với tằng-tổ-phụ, tang để 3 tháng.

- Các tằng-tổ-cô, chị em ruột với tằng-tổ-phụ, tang để 3 tháng nếu chưa đi lấy chồng, đã xuất-giá các chắt khỏi để tang. Về họ ngoại, các tằng-tổ-bá, cữu-phụ-mẫu và tằng-tổ-di, các chắt chỉ để tang trong ngày đám theo tục-lệ.

- Tang ông bà, tổ-phụ và tổ-mẫu, sinh ra cha mình, cháu phải để tang một năm, khăn trắng, áo trắng vén gấu. Nếu cha đã chết rồi, cháu là đích-tôn thừa-trọng, phải thay cha để tang 3 năm, áo sô mũ gậy. Về họ ngoại, ông bà sinh ra mẹ cháu ngoại để tang 5 tháng, khăn trắng, áo trắng vén gấu. Ông bà sinh ra đích-mẫu, tang cũng để 5 tháng.

- Các tổ-bá, thúc-phụ, mẫu : ông bác, bà bác, ông chú, bà thím, bà cô, anh chị em ruột với tổ-phụ, tang để 5 tháng, áo vén gấu. Bà cô đã xuất-giá, tang hạ xuống một bậc còn 3 tháng. Về họ ngoại, trong ngày tang các cháu mang khăn trắng theo tục-lệ.

- Các tổ-bá, thúc-phụ, mẫu họ và bà cô họ, ông bà họ, anh em thúc-bá với tổ-phụ, tang để 3 tháng, khăn trắng áo trắng. Bà cô họ đã đi xuất-giá, không phải để tang. Về họ ngoại, tang chỉ để theo tục-lệ trong ngày tang và chỉ mang khăn trắng. 2) TANG CHA MẸ

- Con cái để tang cha mẹ 3 năm : Tang cha dùng khăn sô, áo sô sổ gấu và gậy tre. Tang mẹ dùng khăn sô, áo sô sổ gấu và gậy vông.

- Con để tang cha ghẻ có 3 trường hợp : ở chung gọi là đồng-cư-phụ, tang để một năm ; trước ở chung, sau ở riêng, tang để 3 tháng ; không bao giờ ở chung là bất-đồng-cư-phụ, không tang. Tang cha ghẻ dùng khăn trắng, áo trắng vén gấu.

- Con để tang cha ghẻ, chồng người kế mẫu nếu ở chung thì một năm, bằng không thì không tang. Trường-hợp ở chung gọi là tòng kế-mẫu giá-phụ : cha mất đi, kế-mẫu đi lấy chồng khác, mình đi theo.

- Đích-mẫu, kế-mẫu, dưỡng-mẫu, các con phải để tang 3 năm, áo sổ gấu đối với đích-mẫu, áo vén gấu đối với kế-mẫu và dưỡng-mẫu.

- Từ-mẫu : Mẹ sinh ra mình đã chết, mình còn nhỏ dại, cha nhờ vợ khác hoặc nàng hầu nuôi, người mẹ nuôi mình là từ-mẫu. Tang từ-mẫu để 3 năm áo vén gấu hoặc sổ gấu cũng được. Nhưng nếu người vợ khác hoặc nàng hầu của cha không nuôi mình từ nhỏ như con, chỉ ở chung, tang để 5 tháng.

- Giá-mẫu, xuất-mẫu và thứ-mẫu tang một năm. Giá-mẫu là mẹ đẻ ra mình, khi cha chết, bước đi bước nữa. Xuất-mẫu là mẹ đẻ ra mình đã bị cha ly-thân hoặc ly-dị. Thứ-mẫu là mẹ đẻ ra mình nhưng là vợ lẽ của cha.

- Vợ lẽ và nàng hầu của cha tức là mẹ ghẻ, tang để 3 tháng.

- Nhũ-mẫu, tức là vú nuôi cho bú mớm, tang để 3 tháng.

- Con thứ tang mẹ đẻ ra mình, mình là con thứ và mẹ đẻ cũng là vợ thứ, tang để 3 năm, áo vén gấu. 3) TANG CHÚ BÁC, CẬU MỢ, CÔ, DÌ

- Tang bác trai, bác gái, cô, chú và thím, anh chị em ruột hoặc chị em dâu với cha : một năm. Nếu cô đã đi lấy chồng, tang rút xuống 9 tháng. Chồng cô không tang.

- Tang bác trai bác gái họ, cô họ, chú và thím họ, anh chị em thúc-bá với cha : năm tháng. Nếu cô họ đã đi lấy chồng, tang rút xuống 3 tháng. Chồng cô họ không tang.

- Tang bác trai, bác gái, chú, thím và cô họ, anh chị em cháu chú cháu bác với cha : 3 tháng. Cô họ đã đi lấy chồng không tang. Chồng cô họ không tang.

- Tang bác trai, cậu, già (cũng có nơi gọi là bác gái) và dì, anh chị em ruột với mẹ : 5 tháng. Mợ, vợ cậu, chồng già, chồng dì đều không tang. Nếu cùng ở chung một nhà, có thể để tang 3 tháng.

Ca dao có câu :

« Chồng cô, vợ cậu, chồng dì,

Trong ba người ấy chết thì không tang ! » 4) TANG NHỮNG NGƯỜI BẰNG VAI

- Vợ để tang chồng 3 năm, khăn số, áo sô sổ gấu, áo mặc trái sống.

- Chồng để tang vợ một năm. Nếu bố mẹ đã chết, các con người mẹ được chống gậy, nếu còn sống, không gậy.

- Chồng để tang vợ lẽ và nàng hầu dù có con hay không cũng để 3 tháng.

- Anh chị em ruột để tang nhau một năm ; chị dâu em dâu tang rút xuống 9 tháng, cũng như chị và em gái đã đi lấy chồng tang cũng rút xuống 9 tháng. Chị và em gái đã lấy chồng bị chồng bỏ, trở về không con, tang được giữ nguyên một năm.

- Anh chị em thúc-bá để tang nhau 9 tháng, vợ những người này tang rút xuống 5 tháng ; chị em thúc-bá đã đi lấy chồng, tang cũng rút xuống 5 tháng.

- Anh chị em họ cháu chú cháu bác để tang nhau 5 tháng ; vợ những anh em này, tang rút xuống 3 tháng ; chị em cháu chú cháu bác đã đi lấy chồng, tang cũng rút xuống 3 tháng.

- Anh chị em chắt chú chắt bác để tang nhau 3 tháng ; vợ những anh em này và các chị em đã lấy chồng, không tang.

- Anh chị em cùng mẹ khác cha để tang nhau 5 tháng. Vợ những anh em này không tang. Con cái những người này cũng không để tang nhau.

- Anh chị em con cô con cậu hoặc đôi con dì ruột để tang nhau 3 tháng. Anh chị em cháu cô cháu cậu không tang. 5) TANG CON VÀ CHÁU BẰNG VAI CON

Con cái phải để tang cha mẹ, cháu phải để tang chú, các cô dì, nhưng cha mẹ cũng phải để tang con và chú, các cô dì cũng phải để tang các cháu.

- Cha mẹ để tang con trai một năm, con cả cũng như con thứ người con chết không được có gậy dù đã có con. Tang nàng dâu trưởng một năm, nàng dâu thứ 9 tháng. Các con đã đi làm con nuôi người khác, lúc chết cũng được bố mẹ để tang như các con khác.

- Tang con gái một năm, đã xuất giá tang rút xuống 9 tháng ; tuy-nhiên nếu xuất giá mà chồng chết hoặc bị chồng bỏ, tang lại được trở lại một năm.

- Cha mẹ vợ để tang con rể 3 tháng.

- Bác, chú, cô ruột để tang cháu trai một năm, cháu dâu 9 tháng. Cháu trai đã làm con nuôi người, tang rút xuống 9 tháng ; vợ người này tang rút xuống 5 tháng. Tang cháu gái cũng một năm như cháu trai ; nếu đã lấy chồng, tang rút xuống 9 tháng.

- Bác ngoại và cậu ruột để tang cháu trai 3 tháng và cháu gái 5 tháng dù đã lấy chồng hay chưa.

- Bác, chú, cô họ để tang cháu trai 5 tháng, cháu dâu 3 tháng. Tang cháu gái cũng 5 tháng, nếu đã lấy chồng rút xuống 3 tháng. 6) TANG CHÁU

- Ông bà để tang cháu trai đích-tôn một năm, cháu dâu đích-tôn 5 tháng.

- Tang các cháu trai và cháu gái khác là 9 tháng, các cháu dâu, tang rút xuống 3 tháng. Cháu gái đã xuất-giá được ông bà để tang 5 tháng.

- Ông bác, bà bác, ông chú, bà thím ruột để tang các cháu trai gái 5 tháng, các cháu dâu 3 tháng. Các cháu gái đã xuất giá, tang rút xuống 3 tháng.

- Ông bác, bà bác, ông chú, bà thím họ để tang các cháu trai gái 3 tháng. Cháu dâu và cháu gái đã xuất-giá không tang.

- Ông bà ngoại để tang các cháu trai gái 3 tháng. Cháu dâu và cháu gái đã xuất-giá không tang. 7) TANG CHẮT

Cụ để tang các chắt nội, con người cháu trai gọi mình bằng ông : 3 tháng. Chắt dâu và chắt gái đã xuất giá không tang. Chắt ngoại cũng không tang. 8) TANG CHÚT

Kỵ để tang các chút tứ-đại do chắt nội sinh ra, 3 tháng. Chút dâu và chút gái đã xuất giá và chút ngoại không tang. 9) TANG NGƯỜI TÔNG-THUỘC

Theo trong ngũ-phục, tông-nhân không có tang, nhưng để giữ tông thống, những tông-nhân giữ từ-đường, thừa-tự tổ tiên, cả hai vợ chồng đều được để tang 3 tháng. 10) TANG CON CHỒNG

- Đích-mẫu, kế-mẫu và từ-mẫu để tang các con chồng, và nàng dâu cả một năm, nàng dâu thứ 9 tháng.

- Kế-mẫu lại đi lấy chồng mà con chồng trước đi theo, tang người con ấy một năm và người con ấy báo tang lại cũng một năm. Tang giữa người con này và anh chị em con người kế-mẫu với chồng sau đều 5 tháng.

- Giá-mẫu, xuất-mẫu tang các con đẻ mình một năm. Con gái đã xuất-giá, tang rút xuống 9 tháng. Và để báo tang, người con gái này cũng để tang 9 tháng. Chồng của giá-mẫu, xuất-mẫu không tang. 11) TANG HỌ NHÀ CHỒNG

- Cụ, kỵ, ông và cụ, kỵ bà chồng đều tang 3 tháng.

- Ông bà chồng tang 9 tháng.

- Anh chị em ruột với ông bà chồng, tang 3 tháng. Người đã xuất-giá không tang.

- Ông bà sinh ra mẹ chồng tang 3 tháng.

- Bố mẹ chồng, tang 3 năm. Chồng dù có đi làm con nuôi nhà người, tang vẫn theo như chồng. Khăn trắng, quần áo sô sổ gấu, trái sống.

- Bác trai, bác gái, chú, thím, anh em ruột với cha chồng, tang 9 tháng. Cô chồng, chị em ruột với cha chồng : tang 5 tháng.

- Ông bác, bà bác, ông chú, bà thím họ và bà cô họ, tang 3 tháng. Đã xuất-giá, không tang.

- Anh chị em ruột với chồng và vợ của anh em đều tang 5 tháng.

- Tang chồng 3 năm. Tang phục như tang cha mẹ.

- Anh chị em họ thúc bá và vợ những anh em họ này, tang 3 tháng. Các chị em họ đã xuất giá không tang.

- Thứ mẫu để tang vợ lẽ và nàng hầu cha chồng một năm.

- Con đẻ các con chồng, con dâu cả của chồng, tang một năm. Con dâu thứ và con gái đã xuất giá, tang 9 tháng.

- Anh em chị ruột chồng, tang một năm. Chị em dâu và chị em gái chồng đã xuất-giá, tang 9 tháng.

- Cháu chú cháu bác tang 5 tháng ; cháu dâu và cháu gái đã xuất-giá, tang 3 tháng.

- Cháu trai cháu gái con nhà chú bác, tang 3 tháng ; cháu dâu và cháu gái đã xuất-giá không tang.

- Cháu trai cháu gái gọi bằng bà (tôn), tang 9 tháng ; cháu dâu và cháu gái đã xuất-giá không tang.

- Chắt chút trai gái, tang 3 tháng ; chắt chút dâu và chắt chút gái đã xuất-giá không tang.

- Cậu chồng, dì chồng, tang 3 tháng.

Mười tám trường hợp trên áp dụng cho đàn bà để tang họ nhà chồng, nhưng nếu đã ly-dị, tình nghĩa coi như đã hết, không phải bó buộc để tang. Cũng có khi còn nghĩ đến nghĩa cũ, người đàn bà có thể tự mình để tang, nhất là đối với các con mình. 12) TANG HỌ NHÀ VỢ

Chàng rể để tang bố mẹ vợ một năm, ngoại giả không phải để tang ai. Vợ chết, lấy vợ khác, tang bố mẹ vợ trước vẫn để như vợ còn sống. 13) NÀNG HẦU ĐỂ TANG HỌ NHÀ CHỒNG

- Cha mẹ chồng, tang một năm

- Chồng, tang 3 năm, quần áo sô gai, sổ gấu.

- Vợ cả, tang một năm.

- Các con chồng và con mình sinh ra, tang một năm. 14) NÀNG HẦU ĐỂ TANG HỌ NHÀ MÌNH

Cha mẹ sinh ra mình một năm.

Đối với họ mình cũng như đối với họ chồng, họ hàng bàng thân đều không tang.

Theo sách lễ thì như vậy, nhưng trên thực-tế, những người nàng hầu vẫn để tang họ nhà mình và có khi cả họ nhà chồng như mọi người đàn bà đã xuất-giá. Trước sự đau đớn mất một người thân, không ai nỡ lấy gia-lễ ra để cấm đoán một phụ-nữ để tang một người, nhất là khi người chết lại là một người thân-mến của người sống. 15) GÁI XUẤT-GIÁ ĐỂ TANG HỌ NHÀ MÌNH

Qua các tiểu-mục trên về tang-chế, ta thấy rằng người con gái khi đã xuất-giá, các tang đều có giáng, và nếu đã đi lấy chồng lại bị chồng bỏ, hoặc chồng chết không con, trở lại nhà mình, các tang đều trở lại như còn con gái :

- Cụ kỵ ông bà, tang như anh em trai.

- Anh chị em ruột với ông, tang 3 tháng, bà cô đã lấy chồng không tang.

- Cha mẹ sinh ra mình, tang một năm, quần áo vén gấu.

- Anh chị em ruột, chị em dâu với cha, tang 9 tháng.

- Anh chị em chú bác với cha, tang 3 tháng. Đã xuất-giá không tang.

- Anh chị em ruột, tang 9 tháng, chị dâu tang 5 tháng. Trường-hợp cha đã chết rồi, phải để tang một năm người trưởng nam, là người giữ việc phụng thờ cha mẹ.

- Anh chị em thúc-bá, tang 5 tháng, vợ các anh em này không tang. Chị em đã lấy chồng, tang 3 tháng.

- Anh chị em con của cô ruột, tang 9 tháng ; vợ anh em này và chị em đã lấy chồng, tang 5 tháng.

- Anh chị em cháu chú cháu bác, tang ba tháng ; vợ anh em này và chị em đã lấy chồng, không tang.

- Anh chị em con dì, còn già, tang 3 tháng.

Theo sách lễ, con gái đã lấy chồng để tang cha mẹ ruột một năm, quần áo vén gấu, nhưng trên thực-tế, nếu cha mẹ chồng đã chết, thường tang vẫn để ba năm để tỏ sự nhớ thương và lúc đưa đám tang-phục cũng như sô gai, duy chỉ có áo không trái sống. 16) TANG HỌ CHA MẸ NUÔI

- Kỵ, tang 3 tháng.

- Cụ, tang 5 tháng.

- Ông bà, tang một năm.

- Cha mẹ, tang ba năm như cha mẹ đẻ, áo quần sổ gấu và có gậy.

- Từ ông bà trở lên, nếu mình là con nuôi lập-tự, lại có thừa-trọng, tang cũng ba năm, y phục cũng như tang cha mẹ, có gậy.

- Ông bà ngoại, tang 5 tháng.

Ngoài các trường-hợp trên, họ hàng bàng thân đều không tang. 17) NGƯỜI ĐÃ ĐI LÀM CON NUÔI ĐỂ TANG HỌ NHÀ MÌNH

Khi đã đi làm con nuôi, nhất là con nuôi lập-tự, tang họ nhà mình phải giảm xuống một bậc, và có nhiều tang bị bỏ hẳn :

- Ông bà nội, tang 9 tháng.

- Cha mẹ, tang một năm có gậy.

- Bác trai, bác gái, chú thím và cô, tang 9 tháng ; cô đã lấy chồng, tang 5 tháng.

- Anh chị em ruột tang 9 tháng ; chị em dâu, tang 3 tháng. Chị em đã lấy chồng tang 5 tháng.

- Ông bà ngoại, tang 3 tháng. 18) TANG BẰNG-HỮU

Anh em bạn là một trong ngũ-luân, nên cũng có lệ để tang 3 tháng.

Trên thực-tế, các bạn thân lúc đi đưa đám bận tang phục nhưng sau đó rất ít người mang tang. 19) TANG THẦY HỌC

Trinh-Tử nói : « Thầy không đặt lệ tang, nên lấy tinh hoặc hậu hoặc bạc mà xử, như ông Nhan-Uyên, ông Mẫn-Tử-Khiên ở với Đức Khổng-Tử dẫu sô gai ba năm cũng chưa hết nghĩa ».

Thầy học là người đào-tạo nên mình, phải coi như cha. Việc để tang thầy học phải tuỳ-nghi mà xử sao cho phải thì làm. 20) TANG HÀNG XÓM

Trong sách về tang-lễ không nói đến tang hàng xóm, nhưng ca-dao ta có câu :

« Hàng xóm còn để ba ngày,

Chồng cô vợ cậu một ngày cũng không ».

Theo câu ca-dao, hàng xóm để tang nhau trong lúc đám tang, sau đó bỏ khăn đi. Tình hàng xóm cũng thân-thiết như tình bè-bạn, và ta vẫn hằng nói : « Bán anh em xa mua láng-giềng gần », lúc chết để tang nhau là hợp nghĩa :

« Lân bang hàng xóm láng-giềng ;

Phương-ngôn : Tắt lửa tối đèn có nhau.

Phải nên tương ái tương cần

Anh em xa dễ có đâu thân bằng ! » 21) ĐẦY TỚ ĐỂ TANG CHỦ NHÂN

Cũng như trường-hợp học-trò để tang thầy, tang-chế không nói tới trường-hợp đầy-tớ phải để tang chủ-nhân, nhưng tình-nghĩa tớ chủ tuy không thuộc trong ngũ-luân, cũng có sự ràng-buộc, khi người đầy-tớ còn đang làm việc với chủ.

Đầy-tớ chết, chủ phải lo-liệu chôn-cất, lo cúng-bái, thì khi chủ chết, đầy-tớ cũng phải tỏ ân-tình. Thường đầy-tớ cũng thương-xót chủ nhà, và có nhiều đầy-tớ được chủ coi như con nuôi.

Chủ chết, trong suốt khi cử-hành đám tang, đầy-tớ tỏ lòng thương đau, để tang chủ, đội khăn trắng áo trắng vén gấu, và khi đưa đám tang cũng ăn mặc như vậy.

Có khi ân-tình nặng, đầy-tớ để tang chủ như cha mẹ nuôi, khóc-lóc xót-xa đau-đớn không kém gì người trong máu mủ. 22) THUỘC-HẠ ĐỂ TANG QUAN THẦY

Tại các nơi công-sở có tơ, tào, tại các bộ có lại-điển, cũng như ngày nay tại cơ-sở công-cộng đều có công-chức phục-vụ. Đứng đầu mỗi công-sở đều có một vị chỉ-huy và các vị phụ-tá, có văn có võ :

- tại các phủ-huyện có các vị tri-phủ, tri-huyện, phụ-tá các vị này có các trợ-tá, các cai-cơ, đội-lệ.

- tại các tỉnh có các vị Tổng-Đốc, Tuần-Phủ, Bố-Chánh, v.v… phụ-tá các vị này có các Thượng-tá, Lãnh-binh, v.v…

- tại các bộ có quan Thượng-Thư, ngày nay là Tổng-Trưởng, Bộ-Trưởng. Tơ, tào, lại-điển là thuộc-hạ của các vị chỉ-huy trên.

Đối với các vị chỉ-huy này, nếu đang tại chức chẳng may thất-lộc các thuộc-hạ để tỏ ân-tình thường đến viếng thăm và trong lúc đi đưa cũng mang khăn trắng để tang.

Thời xưa ân-tình sâu-đậm, các thuộc-hạ khi thượng-cấp chết thường đến phục-dịch tang-lễ cho đến hết ba ngày, và luôn luôn trong thời-gian này họ đội khăn trắng để mang tang. Lẽ tất-nhiên họ có trưởng-đối phúng-viếng như học-trò phúng-viếng thầy, đầy-tớ phúng-viếng chủ, hàng xóm phúng-viếng nhau.

Khi vợ các cấp chỉ-huy chết, các thuộc hạ cũng tỏ tình như đối với chính cấp chỉ-huy.

Tục-lệ đem ân-tình ràng-buộc. Ngày nay tục-lệ tốt đẹp này tuy không còn giữ nguyên-vẹn như xưa, nhưng khi một cấp chỉ-huy hoặc vợ mệnh-một, các thuộc-hạ thường phúng-điếu, thăm viếng đi đưa, cũng có người đến phục-dịch tang-lễ không khác chi thời trước. Ngay ở giữa Đô-thành và các thị-trấn, tục-lệ này vẫn được duy-trì. Năm 1961, dưới thời Chính-phủ Ngô-đình-Diệm, có một vị Bộ-trưởng kiêm Tổng-Giám-Đốc một Tổng-nha, có vợ chết. Các thuộc-viên tại Bộ và tại Tổng-nha đều có đồ phúng-điếu chia buồn. Lại có hẳn một số ân-tình thâm-nặng đã cùng kéo nhau với phục-dịch tang-lễ như kẻ ăn người ở trong nhà đúng với tục xưa từ lúc bà Bộ-trưởng nằm xuống cho đến khi hết đám tang. Đáng khen là các thuộc-viên này có đủ các cấp, cao-cấp, trung-cấp và hạ-cấp. Họ giữ lễ xưa để khăn tang, mặc áo tang vén gấu trong suốt tang-lễ và lúc đi đưa đám. 23) TANG VUA CHÚA

Trong sách tang-lễ không nói gì đến việc thần-dân cũng như văn-võ bá-quan phải để tang vua chúa ra sao. Thường khi Hoàng-đế, Hoàng-hậu, hoặc Thái-hậu băng-hà, trong khi Triều-đình cử-hành tang-lễ thì thần-dân để tang trong suốt thời-kỳ tang-lễ còn quan văn-võ để tang vua cũng như học trò để tang thầy học, lâu chóng tùy chức vụ và cũng tùy ân-tình, không sách nào ấn-định.

Năm 1820, khi vua Gia-Long băng-hà, hoàng-thái-tử, tức là vua Minh-Mệnh có ra chỉ dụ ngày Mậu-thân, 5-2-1820, để ấn-định việc để tang vua cha từ hàng các hoàng-tử, phi-tần tới thần-dân.

Theo chỉ-dụ này, các quan văn-võ từ tam-phẩm trở lên để tang ba năm, áo vén gấu ; các quan từ tứ-phẩm tới lục-phẩm để tang một năm, áo vén gấu ; các quan từ thất-phẩm đến cửu-phẩm để tang trong chín tháng, áo vén gấu.

Con các quan cũng phải để tang :

- Trưởng-tử các quan nhất-phẩm để tang một năm.

- Trưởng-tử các quan nhị-phẩm để tang chín tháng.

- Trưởng-tử các quan tam-phẩm để tang năm tháng.

Các bà vợ chính-thất các quan từ lục-phẩm trở lên cũng để tang theo chồng.

Ngoài việc ấn-định tang-chế, chỉ-dụ còn cấm việc hôn-thú trong một thời gian :

- Các quan văn-võ từ tam-phẩm, trong bách-nhật trong được kết-hôn.

- Các quan văn-võ từ tứ-phẩm trở xuống, trong hai tháng.

- Lính-tráng và thần-dân trong 27 ngày.

Chỉ-dụ cũng cấm mọi sự hoan-lạc trong một thời gian :

- Không được dụng hồng-sắc, tổ-chức ca-nhạc trong 27 tháng đối với các quan từ tam-phẩm trở lên.

- Trong một năm đối với các quan từ lục-phẩm đến tứ-phẩm.

- Trong 9 tháng đối với các quan từ thất-phẩm đến cửu-phẩm.

Tại kinh-đô cũng như các nơi, suốt 27 tháng, trong những ngày sóc-vọng không có triều-kiến. Quần áo lòe-loẹt không ai được mặc, trừ trong những buổi tế-lễ.

Về tang-phục, các quan từ tứ-phẩm đến lục-phẩm đầu đội khăn vải trắng, mặc áo cổ chéo, các quan từ thất-phẩm đến cửu phẩm, đầu đội khăn vải trắng, áo ngắn, dùng thứ vải thô đen.

Chỉ-dụ không nói tới tang-phục của các quan từ tam-phẩm trở lên, nhưng lẽ tất-nhiên các vị này phải ăn mặc theo đại-tang, chỉ có khác là áo vén gấu.

Không nói tới thời gian để tang của quân-lính và thần-dân, nhưng theo như cổ-lệ, trong những ngày tang lễ cử hành quân-lính và thần dân có mang tang, và chợ búa trong thời-gian đó cũng không họp.

Chỉ-dụ trên được ban-hành nhân tang-lễ vua Gia-Long, nhưng sau đó vẫn được áp-dụng mỗi khi hoàng-đế băng hà, trừ trường-hợp mấy vua bị hạ-sát khi quân Pháp mới xâm-chiếm nước ta.

Việc thần-dân và quân-lính để tang vua, khi vua Khải-Định băng hà năm 1925, không thấy có ở các tỉnh, và có lẽ ở ngay kinh-đô cũng đã giảm bớt đi nhiều. Có chăng chỉ những lính cận-vệ, và một số dân-chúng có cảm-tình với nhà vua còn để tang vua. II. TRÙNG-TANG

Có nhiều gia đình gặp những hồi không may, trong nhà thường có đôi ba tang một lúc, hoặc cũng có khi, tang nọ chưa hết đã gặp tang kia tới. Gặp những trường-hợp trùng-tang này, người để tang phải theo lễ mà thay tang-phục hẳn hoặc để rồi trở lại tang cũ tùy theo sự thân sơ giữa mình và người chết, tùy theo trọng-tang hoặc khinh-tang có trước hay sau. 1) TRỌNG-TANG GẶP TRỌNG-TANG

Tang cha, tang mẹ và tang chồng là trọng-tang.

Đang có trọng-Tang chưa xong, không may lại gặp thêm trọng-tang nữa thì đến ngày trừ tang trước, làm lễ đại-tuờng xong, lại mặc đồ tang-phục đại-tang để tang sau.

Bằng người chết sau chưa kịp chôn đã nhằm vào ngày đại-tường của người chết trước, không được mặc thường phục, phải thay ngay sang tang-phục người chết sau. Theo sự tin tưởng của ta không nên để nối tang, nghĩa là không nên dùng tang-phục của người chết trước để mang tang người sau. Còn tại sao, không làm lễ đại-tường để mặc tường-phục rồi mới thay sang tang-phục, nếu người chết sau chưa chôn ? Vì tường là cát-lễ, chưa chôn là hung, không nên làm cát lễ giữa lúc hung. 2) TRỌNG-TANG GẶP KHINH-TANG

Đang có trọng-tang, tang cha mẹ chẳng hạn, gặp phải khinh-tang như tang anh em, dẫu chỉ là tang 3 tháng, cũng nên đến khóc, lúc thành cũng nhận tang-phục, mặc tang lúc đi đưa đám rồi tới ngày tuần đầu tiên, rằm hay mồng một, mang tang-phục tới đặt lên bàn thờ lễ khóc, rồi sau đó lại mang trọng-tang. Trường-hợp trọng-tang đã trừ, khinh-tang chưa hết, sau khi trọng-tang, lại phải mang một khinh-tang.

Đối với những người tha-hương có trọng-tang đang ở nơi xa-xôi, được tin có khinh-tang thì lại làm lễ khóc người mới chết, mặc đồ khinh-tang rồi ngày hôm sau lập bàn thờ lễ khóc lần nữa, đoạn lại mang trọng-tang. 3) KHINH-TANG GẶP TRỌNG-TANG

Đang có khinh-tang gặp trọng-tang, phải mang trọng-tang. 4) KHINH-TANG GẶP KHINH-TANG

Đang có khinh-tang mà gặp khinh-tang nên đi thăm viếng và dùng tang-phục đi đưa. Nếu tang sau dài hơn tang trước, hết tang trước để tiếp tang sau, nếu tang trước còn dài hạn tang sau, hết tang trước là hết. III. MÀU TANG

Như trên đã nói, tang sắc của Việt-Nam màu trắng, trừ trường-hợp các chắt và chút đưa đám cụ và kỵ mới mang khăn vàng và khăn đỏ.

Gọi là màu trắng, nhưng giữa các trọng-tang và khinh-tang, vải trắng cũng khác nhau.

Các con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng trong những ngày đám lúc đi đưa và trong ngày tuần-tiết, quần áo sô-gai, sổ gấu, đầu đội mũ mấn cùng vải sô, một thứ vải màn thô-kệch, màu trắng đục. Các con trai trên đầu đội một chiếc khăn rơm quấn thêm những sợi lá chuối khô. Tùy từng trường-hợp, đàn-ông và đàn-bà để tang bố mẹ chồng hay bố mẹ mình, áo mặc trái sống, có bấu vải đằng sau lưng hoặc không. Kể từ lúc người chết nằm xuống cho đến khi đưa đám, chân dẫm đất để tỏ lòng thương-nhớ.

Trong lớp áo sô trắng đục, những người này còn bận thêm áo dài bằng vải to, màu trắng đục.

Các con trai cũng như các người thừa-trọng, trong ngày đám, lúc đi đưa và những tuần chay về sau còn dùng gậy để lễ và tiễn người chết đến nơi an-nghỉ cuối cùng.

Những quần áo trên thường chỉ bận trong ngày đám, lúc đi đưa, trong những tuần chay và trong một thời gian bách nhật, có người chỉ bận đến hết tuần tứ-cửu, sau đó tang-phục được giản-dị đi nhiều. Cho tới khi mãn-tang, thường các tang-nhân chỉ còn ăn vận quần áo trắng sổ gấu, trái sống, đầu đội khăn ngang tức chiếc khăn bằng vải sô chứa múi để giải thõng xuống sau lưng ; chân đi giầy màu trắng. Có người chít ngay khăn ngang vào đầu, cũng có người mang bên trong chiếc khăn ngang một chiếc khăn đen hoặc khăn trắng vải thô, đàn-bà thì chiếc vấn đầu trắng hoặc đen cũng bằng vải thô.

Màu trắng chính là màu tang, nhưng màu trắng dễ lấm bẩn nên mỗi tang-nhân thường chỉ có một bộ quần áo sô gai dùng trong những buổi cúng lễ tuần-tiết, còn ngoài ra các trọng-tang-nhân thường đem quần áo trắng nhuộm màu sám, dùng là chàm, để mặc cho sạch sẽ. Suối trong thời-gian mang tang không kể quần-áo ngoài dùng tang-sắc, đến những áo ngắn mặc trong cũng phải đem nhuộm.

Ta thường nói Vận áo sám để chỉ vào vận hạn của những người đang mang trọng-tang, y-phục dùng màu sám. Trong thời-gian vận áo sám người ta thường ít gặp may-mắn, nhiều người trong thời-gian này kiêng kỵ rất kỹ lưỡng trong công việc làm ăn.

Đấy là về trọng tang, còn các khinh-tang màu trắng sáng-sủa hơn và vải dùng có thể là thứ vải nhỏ mịn mặt đỡ thô-kệch.

Các cháu để tang ông bà, trong ngày đám lúc đi đưa và trong những ngày tuần tiết đều mang khăn trắng, áo trắng vén gấu, đầu đội mũ mấn. Khăn, áo và mũ may bằng thủ vải trắng nhỏ mặt, trắng hơn thứ vải đang cho trọng-tang.

Mũ mấn là thứ mũ nhọn đầu, gập hai mép vải khâu vào nhau, có đuôi đài độ hơn một hai tấc.

Sau ngày đám và ngoài những ngày tuần tiết ra, để mang tang các cháu thường chỉ đội khăn trắng hoặc vấn chiếc vấn đầu trắng.

Trừ tang ông bà nói trên, trong các khinh-tang khác, tang-nhân mặc áo trắng và đội khăn trắng trong những ngày đám, lúc đi đưa và trong những ngày tuần-tiết hoặc chạy-lễ. Ngoài ra những lúc khác chỉ cần mang khăn hoặc vấn đầu trắng.

Ngày nay, màu tang đã thay đổi. Nhiều gia-đình theo Âu-Tây dùng màu đen. Thay cho sô gai trắng đục, các trọng-tang-nhân, nhất là các đàn bà mặc quần áo toàn đen, đầu khoác thêm chiếc voan vải mỏng. Trong lúc đưa đám, thay vì dẫm đất, họ đi giày đi dép, nhất là dép dừa rất tiện dụng trong ngày tang.

Bên những người cử-hành tang-lễ, dùng tang-sắc theo Âu-Tây, một số đông vẫn theo tục lệ với y phục cổ truyền màu trắng. Có người vẫn hoàn-toàn giữ lề-lối xưa, nhưng để giản-dị-hóa nhiều người chỉ mang tang-phục theo tục-lệ trong ngày đám, trong lúc đi đưa và trong những tuần-tiết chay-lễ, ngoài ra để mang tang, họ chỉ dùng một băng đen lớn nhỏ tùy theo trọng-tang hay khinh-tang. Băng đen quấn trên mũ, đeo trên cánh tay trái hoặc cài ngay trước ngực.

Tang-phục phải thay đổi cho hợp với y-phục thường dùng ngày nay. Việc đeo một băng đen ở cánh tay hoặc ở trước ngực rất tiện cho những người vận Âu-phục và tiện cả cho các bà các cô vận Việt-phục theo kiểu cải-cách.

Chính vì phải tùy-thuộc theo y phục, nên hầu hết tại các đám tang ngày nay, ta thấy những con cháu đi đưa đám, vận quần áo Tây, nhưng trên đầu lại vấn vòng khăn trắng. Vòng khăn trắng này, sau ngày đám sẽ được thay bằng chiếc băng đen nói trên đeo ở cánh tay, ở ngực hoặc ở trên mũ tùy người.

Mang tang là để tỏ dấu ghi nhớ thương tiếc người đã khuất, tục-lệ tuy bó buộc, nhưng nếu thiếu tâm-thành tình-thương, dù có mang tang, sự mang tang cũng trở nên vô-nghĩa. Có lòng với người chết, giữ mãi không quên kỷ-niệm của người qua đời, như vậy dù chỉ để tang bằng một mảnh vải, mảnh vải tang này cũng đầy ý-nghĩa.

Tục-lệ phải biến đổi theo đời sống hàng ngày, tang phục lẽ đâu không biến đổi theo tục-lệ. CHƯƠNG 17 : CẢI-TÁNG

Người chết đã an-táng rồi, có khi nơi an-táng là ngôi mộ vĩnh-viễn, nhưng người xưa thường sau ba năm, khi con cái đã đoạn tang, hoặc một vài năm sau khi đoạn tang, con cháu thường lo cải-táng lại.

Việc cải-táng còn đọi là cát-táng, trái với lúc mới chết an-táng gọi là hung táng. Danh-từ cát-táng để chỉ rằng sự an-táng lại do con cháu tìm được nơi đất tốt để xương-cốt ông cha yên nghỉ. Trong lúc cải táng xương cốt được rửa bằng nước vị-hương, và với ngôi đất mới đã được kén chọn sẽ đem lại sự yên-vui cho hương-hồn người chết và đem lại hạnh-phúc cho con cháu.

Sự cải-táng không cần-thiết như trên đã nói, nếu khi hung táng con cháu đã kén đất trước, nhất là khi người chết lại được an-táng vào sinh phần của mình xây từ khi còn sống.

Thường thường những người chết trong lúc tha-hương, thân xác tạm chôn nơi đất khách quê người, con cháu, theo quan-niệm hiếu của người xưa, phải lo cất cốt về nơi sinh-quán. I. NGHI-THỨC CẢI-TÁNG

Trước hôm cải-táng, con cháu phải làm lễ cáo từ-đường. Hôm cải-táng phải có lễ khấn Thổ-thần nơi ngôi đất được lựa chọn.

Ngày giờ cải-táng cũng được các thầy tự và thầy địa-lý chọn trước.

Ngôi mộ thường mở về đêm vì người chết thuộc âm, nếu vì kén giờ phải mở mả ban ngày người ta phải dùng vải chiếu che kín để ánh sáng mặt trời thuộc dương không lọt được vào mả và chiếu vào xương cốt, khiến cho xương cốt sẽ bị mục.

Trước khi mở mả phải có lễ khấn để báo cho người chết biết. Những gia-đình phong-lưu có khi tổ-chức cả cuộc tế-lễ tại ngôi mộ.

Khai mả xong, con cháu nhặt lấy hết xương cốt xếp vào một tiểu sành, do đó lễ cải-táng còn gọi là lễ sang-tiểu.

Trong lòng tiểu sành đã được trải giấy vàng.

Trước khi xếp vào tiểu, xương cốt được lau rửa sạch-sẽ bằng nước vị-hương. Xếp vào tiểu, lại được rẩy nước vang vào, rồi đậy kín để cải-táng sang đất mới.

Lúc hạ huyệt xương cốt, thầy địa-lý phân kim, kén giờ, lấy hướng.

Lần chôn này, ngôi mộ có thể được vĩnh-viễn, nhưng cũng có khi con cháu vì động chạm, nghĩa là vì mộ ở nơi không hợp, gây ảnh hưởng không đẹp cho gia-đình, lại di mộ đi. Có người quá mê-tín di mộ ông cha đến ba bốn lần. II. LÝ-DO CẢI TÁNG

Một ngôi mộ chôn vĩnh-viễn tại một nơi, đó là một điều hay, vì con cháu đỡ phải động tới hài cốt ông cha, nhưng thường có khi vì những lý-do bắt buộc, ngôi mộ phải cải-táng.

Có năm cớ chính khiến ngôi mộ phải cải-táng :

- Mả vô cớ sút thành đường.

- Mả cỏ khô héo chết.

- Trong nhà có dâm-loạn, phong-thanh mất.

- Trai gái hóa điên-cuồng, hình-hại hỏa-tai chết chóc.

- Người mất, của mất, sinh ra kiện-tụng nhau mãi.

Qua năm điều trên ta thấy rằng, mả sút lẽ tất-nhiên bên trong mồ động tới xương cốt, cần phải cải-táng, còn như nếu cỏ khô héo chết tức là đất nơi đó không tốt, để mả nguyên nơi đó, e có ảnh-hưởng tới di-hài. Còn ba điều sau, đều do sự tin-tưởng của ta, sống về mồ mả mà cần phải cải-táng.

Ngoài ra cũng có nhà vì lúc cha mẹ mới chết ở trong cảnh túng bấn chưa tìm được đất, và cỗ áo quan cũng không tốt, bằng gỗ xấu, nên sau một thời gian mấy năm, sự làm ăn khá giả hơn, lại sợ áo quan xấu nục nát hại tới di hài, nên con cháu lo việc cải-táng.

Hoặc cũng có người cầu công-danh phú-quý, tìm thầy địa-lý về cải-táng mồ-mả ông cha. III. NHỮNG ĐIỀM HAY KHÔNG NÊN CẢI-TÁNG

Nhiều khi mả kết, trong có những điềm hay, không nên cải-tảng :

- Thấy con rắn sống ở mả hay khí-vật gì. Đất nơi đây thịnh, mả kết nên rắn hoặc khí-vật mới ở đó.

- Thấy tơ-hồng quấn-quít ở cỗ áo quan, hoặc có những giọt nước trắng như sữa ở bên ngoài hoặc trong áo quan, những giọt nước này hơi ấm. Mả như vậy có sinh khí và đã kết.

- Một hơi ấm tiết ra ở mộ, trong huyệt lại khô ráo. Đất nơi đây tốt.

- Những xương cốt dính liền vào nhau kết thành tượng. Mả này kết thành tượng rất quý. IV. NGU-TẾ

Sau khi cải táng rồi, con cháu lại làm lễ cầu yên cho hương-hồn người chết, hoặc Tế-Ngu một tuần ngay tại mộ.

Trong lúc cải-táng, vợ con mặc đồ trắng để tỏ lòng đau-đớn nhớ thương người khuất.

VĂN-TẾ CẢI-TÁNG : « Than ôi ! Cha (mẹ) bỏ cõi trần, tiếng tăm còn lại, sự cửa nhà xưa vẫn được yên, ngôi mồ mả vẫn còn chưa hợp. Nay tìm đất tốt, xin rời sang yên-ổn nắm xương. Tâm sửa lễ nghi, xin chứng lấy tiến thành một chút. Từ nay được chỗ, cầu hồn phách tạm yên Không ngại về sau, ắt cháu con vui vẻ. Cẩn cáo ». V. VIỆC CẢI-TẢNG TẠI MIỀN NAM NƯỚC VIỆT

Từ dãy núi Hoành-Sơn trở vào, việc cải-táng chỉ là một trường-hợp, hạn-hữu, chôn cất là xong.

Ở đây ta chỉ cải-táng khi nào trong gia-đình bất an và xem bói toán được biết là do động mộ.

Ngày nay ít người cải táng mộ. Sống theo đời mới, chịu ảnh-hưởng của Âu Mỹ, người chết đã được nằm yên dưới mộ là xong.

Ngay từ xưa, không phải ai ai cũng cho cải-táng là một điều bắt-buộc trong phong-tục. Có người nghĩ nên cải-táng vì thể xác con người không trong sạch, cải-táng để rửa xương-cốt.

Có người nghĩ trái lại, ông cha đã chết nên để được nằm yên một nơi, không nên động tới di-hài làm bận-rộn hương-hồn các người.

Tuy vậy, có nhiều trường-hợp người ta bị bắt-buộc phải cải-táng : mồ chôn ở một nơi nay bị chủ đất đuổi hoặc bị chính quyền lấy đất dùng vào việc công-ích, mộ chôn ở nơi gần sông bị đất sụt, v.v… VI. HÌNH THỂ CÁC NGÔI MỘ

Mộ có thể chỉ đắp đất cao lên như một chiếc mô, có thể xây thành lăng và có khi thành hẳn một ngôi nhà nhỏ. Những sinh-phần, Nam gọi là kim-tĩnh, thường được thiết lập trên những khu đất rộng-rãi, có trồng cây cảnh và có cả những hòn non-bộ như tại một tư thất.

Hình thức các ngôi mộ cũng thay đổi theo địa-phương.

Tại Bắc-Việt và miền Bắc Trung-Việt cho đến tỉnh Thanh-Hóa, mộ đắp hay mộ xây đều dài theo hình khối chữ nhật, dông-dốc ở bốn góc và đỉnh mộ cao hơn. Bắt đầu từ Nghệ-An, Hà-Tĩnh đi vào cho tới Khánh-Hòa mộ hình tròn hay đúng hơn là hình chóp. Mộ tròn và đỉnh mộ cao hơn. Có lẽ tại nơi đây mộ chôn trên đất cát nhiều, nên dùng hình tròn để vun gọn. Mộ đắp hình tròn, mộ xây cũng theo hình này, có lẽ để hợp với tục-lệ địa-phương ?

Từ Khánh-Hòa trở vào miền Nam và trên toàn cõi Nam-Việt, mộ lại theo hình dài như ngoài Bắc, dù là mộ đắp hay mộ xây cũng vậy. CHƯƠNG 18 : NHỮNG KIỂU MỘ VIỆT-NAM

Ở trên, mới chỉ nói sơ qua về hình-thể các ngôi mộ từ Bắc vào Nam, với sự thay-đổi đại-lược. Thực ra, xét kỹ, mộ Việt-Nam có nhiều kiểu thay-đổi tùy theo địa-phương đã đành, nhưng cũng theo cả địa-vị xã-hội của người chết nữa.

Xét về ngôi mộ, ta phải phân biệt ngôi mộ chính với những phần phụ-thuộc gồm chu-vi mộ và tấm bia.

Thường mộ người mới chết, chiều dài 2 thước, chiều ngang nửa thước và chiều cao cũng nửa thước, đất đắp von-vót, nên trên đỉnh mộ thót hơn mặt dưới. Đấy là ngôi mộ hung-táng, người miền Trung gọi là nấm dài.

Sau khi giỗ hết, việc cải-táng được thực-hiện và lúc đó, xương khô được thu nhặt vào tiểu sành, do đó người ta còn gọi cải táng là sang tiểu. Khi cải táng, mộ thường đắp tròn, miền Trung gọi là Nấm tròn. Nấm tròn chỉ thực tròn tại mấy tỉnh trung-nguyên miền Trung cho đến Khánh-hòa, còn tại các nơi khác, hình chỉ ngắn hơn nấm dài, không tròn hẳn cũng không dài hẳn. I. MỘ ĐẤT

Những ngôi mộ cải-táng, như trên đã nói, là những ngôi mộ vĩnh-viễn và thường chỉ di chuyển trong mấy trường-hợp đã đề-cập tới.

Ngôi mộ này gồm nấm mộ thường ngang dọc từ 60 đến 80 phân, nếu là mộ tròn thì đường kính cũng vào khoảng đó. Nấm mộ của các quan-chức, nhất là các chức sắc trong làng và của những người giàu có thường đắp cao hơn và to rộng hơn, có khi tới 5, 6 thước.

Nấm mộ dáng lòng chảo, đắp von-vót, trên đỉnh thót hơn dưới, nhưng cũng đôi khi, nhất là tại miền Trung, nấm mộ hình bánh dày, tức là đỉnh mộ phẳng. Ai đã có dịp đi qua các tỉnh miền Trung hẳn phải nhận thấy điểm này. Nhiều khi ở chung quanh nấm mộ có một vòng đất nện, giữ cho đất trên mộ khỏi trôi.

Nhiều gia-đình quá nghèo, sau khi mãn tang, tang-chủ không đủ phương-tiện cải-táng ngôi mộ, chỉ đành đắp lại thu gọn ngôi mộ theo hình những ngôi mộ cải-táng.

Chung quanh nấm mộ, ngoài vòng đất nện, trong khoảng chu-vi chừng nửa thước hoặc một thước, có khi có một nền đất, một bức tường đất hoặc một hàng rào tre, có lối vào mộ nơi đằng trước. Ngay trước mộ, thường có tấm bia nhưng cũng nhiều mộ không có bia vì gia chủ thiếu phương-tiện xây khắc. Trước lối ra vào cửa tường đất hoặc rào tre, phần nhiều là tre gai, đôi khi có một bình-phong, đắp bằng đất hoặc bằng cây nhỏ, nhất là những cây cảnh có hoa. II. MỘ XÂY

Mộ có thể để nguyên đắp đất, hoặc có khi được xây gạch để giữ cho ngôi mộ được an toàn, không bị sụt vì mưa gió, đất không bị trôi, cây cối không mọc trên mộ, phạm tới xương cốt người chết được. Mộ xây có nhiều kiểu, tròn hoặc dài tùy theo địa phương từ Bắc vào Nam. Cũng nên nói rằng nhiều gia-đình tuy có đủ phương-tiện xây mộ, họ cũng cứ để mộ đất, nhưng nấm đất thật cao.Tin vào phong-thủy, họ không đụng chạm tới mặt đất, và họ cho rằng để mộ đất hợp với thiên-nhiên hơn. a) Mộ trứng ngỗng

Đây là những ngôi mộ xây tròn hoặc hình gần như tròn, theo kiểu mộ đất, chỉ khác là thay vì đất đắp, đây là gạch xây. Gần đây, nhiều ngôi mộ xây giản-tiện hơn, mộ vẫn đắp đất và có lớp xi-măng dày phủ ngoài để đất khỏi trôi.

Mộ hình trứng ngỗng biến thể thành kiểu mai rùa hoặc kiểu lá sen, vì được xây giống như chiếc mai rùa hoặc lá sen, mai rùa và lá sen tượng-trưng cho đạo Phật, những người nằm trong mộ là những Phật-tử.

Cũng có khi mộ xây hình gáy ngựa hoặc hình cổ ngựa gọi là mã lạp. b) Mộ nấm liếp

Gọi tắt là mộ liếp. Mộ này hình khối chữ nhật, xây gạch, chiều dài vào khoảng 2 thước, chiều rộng thước rưỡi và chiều cao độ 20 phân. Mặt mộ xây phẳng, có khi xây nhị cấp hoặc tam cấp.Thỉnh-thoảng cũng có ngôi mộ xây trên mặt khum-khum. Ở giữa đỉnh mộ, có nơi để cắm hương trong những dịp người nhà viếng mộ hoặc vào ngày lễ thanh-minh.

Có khi thay vì, nơi cắm hương trên đỉnh mộ, người ta đặt ngay trước mộ một bình hương.

Nhiều gia đình xây hai ngôi mộ song song tại một khu đất, ngôi cụ ông và ngôi cụ bà. Hàng rào ngoài bao bọc cả hai ngôi mộ. c) Mộ trúc-cách, long-đình

Những ngôi mộ liếp tại nhiều nơi được xây giống một ngôi nhà trúc, gọi là mộ trúc cách, hoặc giống một chiếc kiệu gọi là mộ long-đình. Mộ trúc-cách có thể có lầu hoặc không. Mộ có lầu gọi là trúc-cách cổ lâu.

Mộ trúc-cách và long-đình là kiểu riêng-biệt của các vị quý-phái, các quan triều-thần và những người trong hoàng-tộc. Dân-chúng xây lối mộ này có tội phạm-thượng. Gần đây, với cuộc sống mới, ai có tiền muốn xây mộ cho người chết ra sao cũng được, luật-pháp không bắt tội như xưa nữa. d) Tháp

Tháp là mộ của các tu-sĩ Phật-giáo. Các vị hòa-thượng khi chết được tín-đồ làm lễ hỏa-táng rồi thu tro cốt đặt vào tháp. Tháp có thể xây có lầu, hoặc không có lầu nhưng phần-nhiều vì lòng sùng-kính các vị hòa-thượng, các tín-đồ thường xây tháp có lầu. Xá-lợi, tro cốt của các vị, được đặt vào một tầng lầu trên.Tháp có lầu có thể xây tới bảy tầng. Tháp xây theo hình bát giác, nhưng đôi khi cũng có tháp lục-lăng. Những tháp không có lầu gọi là bảo-châu, và những tháp có lầu gọi là bảo-tháp. đ) Mồ vô chủ

Nhiều khi qua một con đường ta thấy một nấm mộ, có khi là nấm tròn, có khi là nấm dài, đất sụt, cỏ mọc gần như trùm lấp, sạt góc đầu hoặc góc cuối. Đây là một nấm mồ vô chủ, không ai săn sóc. Mồ này, rồi đây, nấm sẽ thấp dần vì đất sẽ bị nước mưa cuốn đi cho đến một ngày ngôi mộ biến mất, mặt đất san phẳng, cỏ hoang mọc che lên. Mộ không còn, tuy xương cốt vẫn chôn dưới đất.

Ngay ở các nghĩa-địa cũng nhiều ngôi mồ vô chủ.Những người chết, trước đây, có người chôn, cất nhưng lâu về sau con cháu thân-thuộc không còn ai, mộ bị bỏ hoang.

Dân Việt-Nam giàu lòng bác-ái, đối với người sống cũng như đối với người chết, trong dịp Thanh-minh, vẫn có những người cắm một vài nén hương vào một ngôi mộ hoang. Trong ngôi mộ hoang ta sẽ biết ngay :

« Sè sè nấm đất bên đàng,

Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh ». e) Lăng

Mộ các vị đế-vương gọi là lăng. Lăng thường khi xây rộng và chiếm cả một khoảng đất lớn. Tại lăng có nhà thờ, nhà chứa các đồ lưu-niệm của vua và nhà các phi-tần ở để trông nom mộ phần.

Tại lăng, ngoài mộ vua còn có mộ hoàng-hậu, mộ các bà phi, và có khi có cả mộ các bậc sinh-thành và anh chị em vua nữa, như lăng vua Gia-Long chẳng hạn.

Chỉ mộ các vị đế-vương mới được gọi là lăng, nhưng vì lăng bao giờ cũng đồ-sộ hoặc rộng-rãi to tát, nên trong dân-chúng thấy ngôi-mộ nào chiếm một khoảng đất rộng có mồ mả, có đền thờ đều gọi sai là lăng : Lăng Ông để chỉ mộ đức Tả-quân Lê-văn-Duyệt, Lăng Cha Cả để chỉ mộ Cha Cả. g) Tẩm

Chính nghĩa chữ Tẩm là nằm nghỉ, nhưng vì quen dùng với chữ lăng ; chữ tẩm biến nghĩa và dùng để chỉ ngôi mộ của các hoàng-tử, công-chúa, phi-tần. Tẩm không có đền thờ, nhà cửa như lăng. III. THÀNH MỘ

Ngôi mộ không phải chỉ gồm có nấm mồ trong có xác hoặc hài cốt người chết, mà còn gồm cả những gì liên-quan tới nấm mồ ở chung quanh. Người ta gọi ngôi mộ là một ngôi đất chính vì vậy.

Chung quanh mộ có thành mộ, tức là có bức tường xây bao bọc chu-vi mộ và các công-tác phụ-thuộc. Những mộ đất, thành mộ là một lũy tre nhỏ, hoặc một hàng rào cây trồng chung quanh, thường là cây có hoa như dâm-bụt, găng gai, v.v…

Các công-tác phụ-thuộc phải kể cửa mộ, bình phong che mộ, sân bái-đường, có khi thêm hương án hồ nước và cả miếu thổ-thần nữa. IV. UYNH-THÀNH

« Sống về mồ về mả, không ai sống về cả bát cơm », người Việt-Nam đối với người chết có một sự săn-sóc chu đáo về ngôi mộ ; ta tin rằng âm-phần có yên-ổn tốt đẹp, người dương mới làm ăn thịnh vượng được. Để che-chở cho ngôi mộ, nhất là những ngôi mộ được kể là phát, con cháu đắp đất vun cho ngôi mộ ngày một to lớn đã đành, nhưng chung quanh ngôi mộ cách xa chừng trên dưới một thước, mộ xây hay mộ đất đều có bức tường hoặc hàng rào cây bao bọc.

Bức tường này chữ gọi là Uynh-thành.

Uynh-thành có thể xây vòng tròn, xây theo hình chữ nhật, hình vuông, lục lăng, bát giác hoặc hình bồ dục. Có thể xây đơn hoặc kép.

Uynh-thành xây tròn gọi là viên thành, hình bồ dục gọi là Uynh-thành yên ngựa, hình vuông và hình chữ nhật gọi là khuông thành.

Có khi uynh-thành không theo hẳn một kiểu nào, đằng trước tròn đằng sau vuông, hoặc đằng trước xén góc thành nửa lục-lăng đằng sau vuông. Uynh-thành xây tùy theo ý muốn của thân nhân người chết và cũng tùy theo sự chỉ dẫn của các thầy địa-lý.

Uynh-thành xây cao từ 40 đến 80 phân cho dân-giả, từ thước rưỡi đến thước tám cho các ông Hoàng bà chúa. Tường uynh-thành bề dày tùy theo gia chủ, nhưng thường xây đắp từ 20 phân trở lên. a) Cửa mộ

Đằng trước uynh-thành là cửa mộ. Cửa mộ có nhiều kiểu, có khi đơn-giản, có khi xây cất tỉ-mỉ :

- Cửa lưỡng trụ là kiểu giản-dị, có hai cột trụ hai bên lối ra vào ngôi mộ.

- Cửa hình khu-ốc, hai bên lối ra vào, thay vì hai cột trụ, uynh-thành uốn xoáy trôn ốc. Cửa hình khu-ốc thường xây vào các viên-thành, bờ tường chỗ cửa mộ cao hơn lên đôi chút.

- Cửa giao-long nhang-nhác hình con giao-long.

- Cửa uốn trông giống như một cổng làng, hoặc cổng ngõ một nhà giàu.

- Cửa miếng khánh trông nhang nhác như chiếc khánh.

- Cửa long-đình trông như chiếc kiệu. b) Bình-phong

Mộ có hai loại bình-phong : bình-phong tiền và bình-phong hậu.

- Bình-phong tiền ở trước cửa mộ để che gió cho hướng mộ, giống như những chiếc bình-phong thường. Bình-phong không trang-hoàng gì, ngoài những đường chỉ kẻ theo mép xây. Tục cho rằng mọi sự trang-hoàng trên bình-phong có thể phạm tới ngôi mộ.

- Bình-phong hậu ở đằng sau mộ, thường đây là uynh-thành xây cao lên, có khi dần dần, có khi đột-ngột cao lên ở ngay đúng mé sau mộ. Bình-phong-hậu chắn hướng gió chạm tới mạch mộ. c) Sân bái-đình

Đây là khoảng đất nhỏ ở trước mộ. Trong những ngày tuần-tiết, giỗ chạp, trong những dịp cúng bái tế-lễ, con cháu người chết làm lễ tại nơi đây. Những dịp tặng-phong, con cháu cũng tế-lễ tại sân bái đình sau những cuộc tế-lễ tại nhà. Khi ngôi mộ động chạm, con cháu cũng tới đây lễ tạ. Sân bái-đình rộng hẹp tùy theo địa-vị của người chết. Xưa có luật lệ ấn-định rõ kích thước của sân này. d) Hương-án

Trước mộ, có khi có chiếc hương-án xây bệ đất trên có đặt bình hương. Nơi đây dùng để đặt đồ lễ trong những dịp cúng tế. Nhiều khi, ngoài chiếc hương án tiền, phía sau mộ còn có thêm hai bên chiếc hương-án nhỏ hơn, giống như chiếc ghế dùng trong những dịp cúng tế lớn có nhiều đồ lễ. đ) Hồ

Tại các lăng vua chúa, các ngôi mộ các quan triều-thần, thường có hồ nước bán nguyệt hoặc chữ nhật. e) Miếu thổ-thần

Mỗi người chết trước khi chôn đều có cúng Thổ-thần nơi an-táng. Người chết đã chiếm một phần đất thuộc quyền quản-trị của Thổ-thần. Để tạ ơn Thổ-thần cho hương-hồn người chết được nương-nhờ cảnh-thổ, tại các lăng thường thêm miếu thổ-thần. Có nơi gọi miếu này là miếu Bà Hậu-thổ.

CÁC KIỂU MỘ : V. BIA MỘ

Người sống khi nhỏ tuổi, mỗi người đều có giấy khai-sinh, khi đến tuổi thành-niên đều có thẻ căn-cước, đó là luật-lệ ngày nay ; xưa kia tuy không có các giấy tờ trên, nhưng mỗi người có mỗi tên riêng, và tên này phân-biệt người nọ với người kia.

Chúng ta thử đến một nơi mộ địa. Mả nằm như bát úp, đố làm sao chúng ta phân biệt được ngôi mộ nào của ai nếu ngôi mộ đó không có một tấm bia ghi tên người khuất.

Tấm bia mộ rất quan trọng. Đối với ngôi mộ tấm bia cũng như thẻ căn-cước đối với người sống. Đành rằng tại các bãi tha ma, và ngay tại cả các nơi nghĩa-địa có tổ chức, phần lớn các ngôi mộ không có bia, nhưng vì những ngôi mộ đó được thân-nhân chăm giữ, họ nhớ rõ đó là mộ của ai, chết ngày nào, năm nào nên tấm bia đối với họ không cần-thiết ; hơn nữa có khi khả-năng tài-chính không cho phép họ dựng bia, hoặc vì hoàn-cảnh không thuận-tiện nên bia không dựng được.

Tấm bia dựng ở cuối mộ hoặc đầu mộ tùy theo tục-lệ địa-phương. Riêng đối với các bảo-châu và bảo-tháp, bia dựng ở đằng trước.

Bia thường dựng lộ-thiên, nhưng đôi khi cũng có nhà bia, nhà bia có thể có gác hoặc không. Gác nhà bia thường chỉ xây để tăng vẻ trang-trọng, hoặc đôi khi cũng có đặt trong đó bình hương.

Bia của các bậc đế-vương, các quan đại-thần và của các người đã được phong thần mới có nhà bia, thường dân phải dựng bia lộ thiên. Luật-lệ xưa như vậy, ngày nay luật-lệ này không còn được tôn-trọng nữa, nhất là ở các nơi đô-thị, ai có tiền muốn xây mộ tạc bia ra sao tùy ý.

Trước đây bia bằng Hán tự, viết dọc và thường gồm từ một đến ba hàng chữ.

Nếu bia chỉ có một hàng, chữ sẽ viết ở giữa bia theo chiều dọc, thường chỉ gồm tên họ và chức-tước người khuất. Ở đây tục kiêng tên đã nói ở đầu tập sách này lại được áp-dụng. Người ta chỉ tạc vào bia tên hiệu cùng với những chữ Quý công, hoặc Phủ quân, hoặc Quý hầu hoặc Tướng công cho đàn ông : « Nguyễn Quý-công chi mộ ; Nhuận-phủ Hà Phủ-quân chi mộ, v.v… »

Nếu người chết còn độc thân, người ta khắc chữ lang thay cho tên : « Tương-Đức Hà lang chi mộ ».

Đối với đàn-bà, tên được khắc thay bằng mấy chữ Quý-nương hoặc Thuận-cơ : « Đào quý-nương chi mộ, Đinh-thuận-cơ chi mộ ».

Quê-hương người chết cũng có khi được khắc trên bia : « Bắc-Ninh tỉnh Võ-Giàng huyện, Thị-Cầu xã, Nguyễn-ngọc phủ mộ ».

Ở đây chữ phủ thay cho tên cũng như những chữ Quý-công, Phủ-quân, v.v…

Ở nhiều bia mộ có ghi cả chức-tước : « Cố-phu Thái-y-viện Đặng-sĩ Lang thụy Mẫn-Trực tự viết Nghĩa phủ chi mộ ».

Tại tấm bia này, chữ phủ trên thay cả tên tự. Có khi chữ phủ cũng dùng để thay cả tên hiệu nếu người lập bia muốn kiêng tên hiệu của người khuất.

Từ trên chỉ nói tới bia có một hàng chữ. Bia có hai hoặc ba hàng chữ cũng rất thường có.

Nếu có hai hàng chữ thì một hàng nhỏ hơn ở bên tả hoặc bên hữu dòng chính. Nếu có ba hàng chữ, thì hai hàng ở hai bên tả hữu đều nhỏ hơn hàng chính ở giữa, hàng bên hữu cao gần ngang hàng chính, hoặc cũng có khi ngang hàng chính, còn hàng bên tả bao giờ cũng thấp hơn hai hàng kia. Hàng bên hữu ghi ngày sinh, hàng bên tả ghi ngày tử của người khuất, giống như trong bài-vị. Có nhiều trường-hợp, hàng bên hữu ghi ngày tháng lập bia, còn hàng bên tả ghi tên người tạc bia.

Ngày nay, tại các ngôi mộ người ta cũng dựng bia, nhưng bia được ghi bằng chữ Việt thay cho Hán-tự, và thường chỉ mang tên người khuất, quê-hương, ngày sinh và ngày tử của người này. Đôi khi cũng có ghi chức-tước.

Cuộc tiếp-xúc giữa dân-tộc Việt-Nam ta với nền văn-minh Âu-Mỹ đã mang lại nhiều sự đổi-thay trong nếp sống của chúng ta và những sự đổi-thay này đã chi-phối cả những cái gì liên-quan tới người chết.

Tang-lễ ngày nay đã bị giản-dị-hoá rất nhiều, bao nhiêu cuộc tế-lễ bị bãi-bỏ, nhiều người bảo-thủ dù muốn cố giữ cũng không được ; tang-chế và tang-phục cũng khác xưa, nhiều người để đại-tang trong những bộ y-phục thiếu hẳn vẻ tang-tóc nó chứng-minh sự đau-đớn thương-nhớ của người sống đối với kẻ qua đời, và thời-gian để tang nhiều khi người ta cũng tự-động rút ngắn ; nhiều điều cấm-kỵ trong thời-gian để tang, nhất là đại-tang, không còn được tôn-trọng ; người ta sống cho người sống, người ta ít bận tâm tới người chết. Nhiều cô gái đã lấy chồng trong lúc còn tang cha, cũng như nhiều chàng trai đã cưới vợ khi đang tang mẹ.

Cả đến mồ-mả ngày nay cũng khác xưa. Chiến-tranh đã gây hoang-phế nhiều vùng và người ta đã ở chen-chúc tại nhiều nơi chật-chội khác, như vậy làm sao có được một ngôi mộ với đủ mộ-thành, sân bái-đình, tiền-hậu bình-phong. Giờ đây cũng ít ai nghĩ tới xây kim-tĩnh, và cũng chẳng còn mấy người tự sắm lấy cho mình cỗ hậu-sự.

Chết thì phải chôn, chôn đã có nghĩa-địa. Tại nơi đây mồ-mả được sắp thành hàng, một tấc đất là một tấc vàng, các hiếu-chủ cũng không thể mua một khu đất rộng để tạo cho người khuất một ngôi mộ khang-trang như thời trước. Ngoài ra, với sự chết chóc của chiến-tranh số mồ vô-chủ càng nhiều hơn. Luật-lệ về kích-thước, hình-thể của mồ-mả thời xưa cũng không còn được áp-dụng ! Ai muốn đắp mộ đất, cất mộ xây tùy ý, tùy khả-năng tài-chính ! Mộ to nhỏ cũng không ai bắt-bẻ, ai muốn làm nhà mồ, cửa mộ, nhà bia ra sao cũng được. Và cả đến mộ bia cũng không còn được như xưa nữa. Chữ Việt đã thay chữ Hán, và hình-thức bia cũng thay đổi nhiều. Trên nhiều ngôi mộ, cùng với bia xi-măng đã có thêm cả ảnh người khuất ! Kể cũng tiến-bộ, nhưng nhiều cái của thời xưa cũng đáng tiếc !

Thay vì uynh-thành, bình-phong, ngày nay tại các nghĩa-địa, có những ngôi mộ được xây trang-hoàng như một biệt-thự, đằng trước, đằng sau có chậu cảnh, có núi non-bộ, có vườn hoa nhỏ !

Đấy là nói những ngôi mộ, mỗi ngôi một đất, còn tại các ngôi mộ chung đất, ngôi nọ chồng lên ngôi kia như những căn nhà lầu chúng-cư, cũng có xây cất, nhưng sự xây cất do ban quản-lý nghĩa-địa phụ-trách và thu tiền của các hiếu-chủ có người chết chôn cùng một mộ ! Tình-trạng chật-chội này, nhất là tại đất thánh Đô-thành khiến cho các hiếu-chủ dù có muốn trang-hoàng cho ngôi mộ của cha ông cũng không sao được.

Có người đã lắc đầu khôi-hài : « Người sống ở bin-đinh, người chết cũng chôn bin-đinh ! »

CỬA MỘ XÂY :

1) Lưỡng trụ. 2) Khu ốc. 3) Giao-long.

4) Cửa uốn. 5) Miếng khánh. 6) Long-Đình. VI. LĂNG VUA GIA-LONG

Nói về các kiểu mộ xây, trên đây có đề-cập tới lăng của vua chúa. Mồ-mả thường, nấm đất hay nấm xây, ai cũng có dịp trông qua, nhưng rất nhiều người chưa từng được viếng các lăng-tẩm của các đế-vương cũng như của các ông hoàng bà chúa.

Để tạo một ý-niệm sơ-lược về lăng vua chúa, dưới đây xin phác sơ qua lăng vua Gia-Long, ngôi lăng đồ-sộ vĩ-đại nhất ở Huế, tuy không cầu-kỳ như lăng vua Khải-Định, không đẹp-đẽ như các lăng vua Minh-Mệnh, lăng vua Tự-Đức và không thanh-tú như lăng vua Thiệu-Trị.

Lăng vua Gia-Long bắt đầu xây từ năm 1815, mãi tới tháng 5 năm 1820, nghĩa là sau khi nhà vua chết ba tháng mới hoàn-thành.

Lăng xây giữa một khu như hoang vu, chân ngọn núi Thiên-Thọ, trông tuy giản-dị nhưung vĩ-đại và như muốn ngự-trị hẳn trên giữa khu rừng núi này. Mọi kiến-trúc đều hướng về phương Nam và ăn rộng ra hai bên. Chung-quanh có 35 ngọn núi thông mọc rườm-rà. Trong lăng có tượng đá, có đền thờ và lăng được xây ở giữa một bức uynh-thành rất kiên-cố.

Qua tấm bản-đồ ta thấy rằng muốn đi tới lăng phải đi theo dòng Sông-Hương tới bến vua Ngự, người ngoại-quốc gọi là bến Gia-Long.

Từ đây theo con đường Đế lộ, con đường xưa kia dùng đưa đám vua Gia-Long, du khách sẽ đi tới đền Minh-Thành, thờ nhà vua và Chánh phi, sau đó sẽ tới lăng Thiên-Thọ nơi nhà vua và Chánh-phi an nghỉ giấc cuối cùng. Qua Đế-lộ, trước khi đến đền Minh-Thành và lăng Thiên-Thọ, du khách phải qua dãy nhà của các quan coi lăng, rồi tới lăng Quang-Hưng, lăng một bà Thứ-phi của chúa Hiền-Vương. Lăng Quang-Hưng có uynh-thành xây cao 2 thước, dài 15 th 70 và rộng 12 th 50, có tiền-hậu bình-phong.

Đền Minh-Thành thờ nhà vua và bà Chánh-phi là Thừa-Thiên-Cao hoàng-hậu. Đền xây trên núi Bạch, một trong 14 ngọn núi chầu vào lăng Thiên-Thọ. Đền có hai căn, mái đôi. Tại căn trong, dài 22 th 20, sâu 7 th 60 có treo tấm biển sơn ghi mấy chữ : Cát nhật, Giao-Long thập-tứ (1815). Trong cùng có bài-vị nhà vua và Chánh-phi Thừa-Thiên-Cao hoàng-hậu. Tại đền này có lưu-giữ nhiều đồ dùng kỷ-niệm của nhà vua. Trước đền có một sân bái-đình rộng lát gạch, nơi tế-lễ trong đám tang và những ngày kỵ-nhật.

Du-khách tiếp-tục đi từ đền Minh-Thành, rẽ sang bên trái, qua mấy cồn núi là tới lăng Thiên-Thọ, lăng nhà vua và Thừa-Thiên-Cao hoàng-hậu. Trước mộ có hai hòn giả-sơn ; hai bên cây cỏ xanh tươi, núi cao trập-trùng.

Nhà vua nằm bên mộ trái, và hoàng-hậu Thừa-Thiên-Cao bên phải.

Hai giả-sơn trước mặt to cao bằng nhau, xây đá, có mái che ăn liền với hai ngôi mộ, hai ngôi mộ này tọa-lạc trên ngọn núi gọi là Chánh-Trung sơn. Cách mộ đúng 6 th 40 là uynh-thành kiểu ngựa chu-vi 133 thước và cao 3 th 30, phía đằng trước hơi thấp hơn.

Đằng sau lăng là núi Thiên-Thọ, trên núi thông mọc xanh rì. Có hai cột kính-thiên cao 15 thước ở ngay chân núi.

Chung quanh núi Thiên-Thọ có 34 ngọn núi khác đều chầu vào lăng, 14 ngọn bên tả, 14 ngọn bên hữu và 6 ngọn đằng sau.

Chân núi Thiên-Thọ có hai ngọn suối chạy quanh mộ rồi qua trước đền Minh-Thành.

Qua đền Minh-Thành, khi du-khách đi khỏi một hồ nước là đền bà Thánh-Mẫu, vị thần-linh cai quản khu rừng núi này mà hàng năm vào ngày 20 tháng giêng âm-lịch có mở hội rất to. Muốn tới đền phải qua một cầu khỉ, có tên là cầu cây Quạ, còn gọi là cầu non Thùy, ngọn đồi ở dưới chân có dựng đền bà Thánh-Mẫu.

Từ đền Thánh-Mẫu, du-khách theo con đường mé bên phải Đế-lộ, sẽ tới lăng Thiên-Thọ-hữu. Đây là nơi an-nghỉ cuối cùng của bà Thứ-phi, vợ thứ hai của nhà vua, mẫu-thân vua Minh-Mệnh, tức là Thuận-Thiên-Cao hoàng-hậu, thất-lộc ngày 2-10-1846, thọ 81 tuổi. Lăng Thiên-Thọ-hữu xây trên ngọn Thuận-Sơn, uynh-thành chữ nhật và rộng 82 thước mé bên trong.

Từ lăng Thiên-Thọ-hữu đi trở ra về bên trái vẫn theo bờ hồ thì tới đền Gia-thành, thờ Thuận-Thiên-Cao hoàng-hậu. Trong đền có rất nhiều quý-vật.

Từ đền Gia-Thành đi về mé tay trái theo bờ hồ nước, ta sẽ tới lăng Trường-Phong. Ta có thể tới lăng này bằng con đường đi ngay từ bờ sông Hương. Đây là lăng của chúa Nguyễn-Phúc-Chu được Nguyễn-Triều truy tặng Túc-Tôn Hiếu-Ninh Hoàng-Đế và trong sử-sách quen gọi là Ninh-Vương. Lăng có uynh-thành, bình-phong, xây trên đồi cao, phải leo 15 bực xây mới tới.

Nếu đi từ đền Gia-Thành đi về mé tay phải trở ra theo một con đường nhỏ là lăng Thoại-Thánh, lăng của thân-mẫu vua Gia-Long được truy-tặng là Hiếu-Khang hoàng-hậu. Bên phải lăng Thoại-Thánh, cách một quãng xa là đền Thoại-Thánh. Đền này rộng lớn, bề mặt 63 thước, sâu 108 thước và cao 3 th 70. Trước đền có sân bái-đình cũng rộng 63 thước, sâu 16 thước. Về mé tay trái đền Thoại-Thánh là mộ của Ngọc-Tú công-chúa, chị ruột vua Gia-Long.

Cách đây không xa về mé tay phải là lăng Hoàng-Phi Vĩnh-Mậu vợ chúa Nghĩa-Vương (1687-1691). Bà Vĩnh-Mậu sinh ra Minh-Vương và bà được truy-tặng là Hoàng-hậu Hiếu-Nghĩa.

Qua những dòng mô-tả lăng Gia-Long, hẳn ta phải thấy rằng đúng như đã nói ở trên, lăng là mộ các vị đế-vương, chiếm một khu đất rộng, có nhà thờ và ngoài ngôi mộ chính của vị đế vương đương nhân còn có cả mộ hoàng-hậu, mộ các bà phi, mộ cha mẹ và đôi khi mộ anh chị em đế-vương nữa.

Hiểu biết lăng vua Gia-Long, ta cũng có thể có một ý-niệm sơ-lược về các lăng tẩm của ta. Ngày nay viết lên những dòng này, tôi rất cầu chúc các bạn một ngày kia sẽ được đích-thân đến viếng các lăng tẩm tại Huế.

VỊ-TRÍ LĂNG VUA GIA-LONG : 1) Đế lộ. 2) Đường đi. 3) Đường đi. 4) Nhà viên quan canh gác lăng. 5) Đế lộ tả, đưa tới đền và lăng. 6) Lăng Quang-Hưng. 7) Ngã ba đường. 8) Đền Minh-Thành. 9) Lăng Thiên-Thọ. 10) Thiên-Thọ Sơn. 11) Nhà bia. 12) Lăng Thiên-Thọ hữu. 13) Đền Thánh Mẫu. 14) Đền Gia Thành. 15) Lăng Trường-Phong. 16) Lăng Hiếu-Khang hoàng hậu. 17) Đền Thoại-Thánh. 18) Lăng Ngọc-Tú công chúa. 19) Lăng Vĩnh-Mậu hoàng phi. 20) Bến Gia-Long. CHƯƠNG 19 : BẢO-VỆ MỘ-PHẦN

Mồ mả ngày nay tại các đô-thị được xây đắp ở những nghĩa-trang, có người trông coi, không sợ sự phá-hoại của bất cứ ai. Trước đây, và cả bây giờ nữa, ở nhiều vùng quê, mồ mả chôn ở các bãi tha-ma, có khi ở rải-rác tại chân núi hoặc cánh đồng, đâu có ai trông nom, nên từng có những vụ đào mồ cuốc mả, có khi để lấn đất, có khi để trả thù người sống. Đọc các truyện cổ, ta thấy có những vụ tranh nhau để mả trên một ngôi đất, đào phá-hoại long-mạch hoặc chôn án ngữ long-mạch của một ngôi mộ đang kết-phát. Ta tin về địa-lý, những vụ chôn thêm một ngôi mộ trước hay sau một ngôi mộ đã chôn rồi, đào một tấc đất, đắp một nấm cao ở chung quanh một ngôi mộ đều được coi là có ảnh-hưởng tới ngôi mộ.

Ngôi mộ tức là gia-cư của người chết. Như trên đã nói, việc di-chuyển ngôi mộ là vạn bất-đắc-dĩ, và một khi ngôi mộ đã chôn, người sống phải lo bảo-vệ giữ-gìn như bảo-vệ giữ-gìn chính ngôi nhà của người sống đang ở, vì âm-phần và dương-cơ đều ảnh-hưởng tới con người, và liên quan tới nhau.

Các mộ-phần tại Việt-Nam, xưa nay bao giờ cũng được bảo-vệ rất cẩn-thận, bảo vệ bởi luật-pháp, bảo-vệ bởi người sống, và tục còn tin rằng bảo-vệ bởi chính vong-hồn người chết nằm trong mộ nữa. I. LUẬT-PHÁP BẢO-VỆ MỘ-PHẦN

Luật-pháp rất nghiêm-khắc đối với kẻ phá-hoại mồ mả, dù mả đó chỉ là một ngôi mồ vô chủ.

Theo luật Gia-Long :

- Kẻ nào xâm-phạm một ngôi mộ cho tới quan-quách hoặc tiểu sành bị phạt 100 trượng và đầy đi 3.000 dặm.

- Kẻ nào xâm-phạm làm biến đi một ngôi mộ cũng bị trừng phạt như trên.

- Kẻ nào xâm-phạm một ngôi mộ, phá nắp áo quan để lộ thiên xác chết bị tội giảo, án treo.

- Nếu ngôi mộ xâm-phạm là của thân-thích nhà vua, của các vị đại-thần, kẻ xâm-phạm bị tội chém và các đồng-phạm bị tội giảo.

- Nếu con cháu, đàn em xâm phạm mồ mả ông cha, mồ mả đàn anh đến lộ thiên thi-thể, sẽ bị tội chém, án treo.

- Nếu những người này tiêu-hủy thi-thể, bán đất ngôi mộ, cũng bị tội chém, án treo.

- Những người mua đất ngôi mộ hoặc chứng-kiến việc tiêu-hủy thi-thể mà không can-ngăn đều bị phạt 80 trượng ; tiền mua đất sung công-quỹ ; ngôi đất trao-hoàn cho con cháu người chết.

- Ông bà và cha mẹ phá-hủy mộ con cháu bị phạt trượng.

- Con cháu phá-hủy mộ ông bà, cha mẹ hoặc bỏ mặc thây xác các người không chôn cất bị tội chém.

- Kẻ nào trong khi đào đất, đào thấy một thi-thể vô chủ, không chôn lấp lại, bị phạt 80 trượng.

- Kẻ nào trong khi hùn bắt cầy cáo, chuột hoặc các con vật khác tại các gò-đống tha-ma vô-ý xâm-phạm tới mồ mả làm cháy quan-quách của một ngôi mộ bị phạt 80 trượng và 2 năm khổ-sai.

- Kẻ nào san bằng gò-đống mộ-phần của người khác-để làm vườn ruộng bị phạt 100 trượng và phải đắp lại nơi san bằng theo tình-trạng cũ.

Đó là luật-lệ cũ, ngày nay mồ mả vẫn được bảo-vệ bởi luật-pháp, những kẻ phá-hủy mồ-mả vẫn bị trừng-phạt tuy không quá nặng như xưa. Chính quyền, mỗi khi dùng đất, nếu đất có mộ, hữu chủ hoặc vô chủ, đều có thông cáo để di mộ.

Luật-pháp bảo-vệ các mộ-phần, nhưng luật-pháp cũng rất khắc-nghiệt đối với kẻ chôn dấu xác chết vào mộ người khác. Trường hợp thường xảy ra khi có nhiều người muốn tranh nhau một ngôi đất phát.

Người chôn dấu như vậy bị phạt 80 trượng và trong một thời hạn ấn-định phải rời mộ đi nơi khác. II. NGƯỜI SỐNG BẢO-VỆ MỘ-PHẦN

Mộ phần đối với dân ta là những nơi thiêng-liêng, không những chỉ riêng con cháu người khuất nằm trong mộ phải tôn-trọng, mà bất cứ người sống nào cũng đều không được xâm-phạm tới.

Những người chủ đất, trong có mộ-phần của thân-nhân mình, khi bán đất đi, vẫn có quyền ở phần đất thuộc về ngôi mộ, chủ mua không được có một hành-động nào xâm-phạm tới. Sự tôn-trọng mồ mả đã xâm-nhập trong tinh-thần dân-tộc ta thành một thói quen nên bất cứ ai đều không muốn động chạm tới mồ mả của người khác. Ở Bắc-Việt mặc dầu ruộng nương đất cát hiếm nhưng các chủ ruộng chủ vườn bao giờ cũng sẵn-sàng hy-sinh những khoảnh đất dành cho những ngôi mộ, dù là những mồ vô chủ. Không bao giờ ai san phẳng mồ mả chôn trong ruộng vườn của mình.

Việc bảo-vệ mộ-phần là bổn-phận của người sống, con cháu người khuất. Ta tin ở âm-phần, ta cần gìn-giữ các ngôi mộ để khỏi bị ảnh hưởng khi một ngôi mộ bị xâm-phạm.

Hàng năm, trong ngày giỗ của người khuất cũng như trong ngày Thanh-Minh 68, con cháu đi viếng mộ thắp hương trước mộ rồi đắp lại ngôi mộ cho cao, dãy cỏ, nhổ bỏ đi những cây hoang dại mà rễ có thể ăn tới xương cốt trong mộ.

Mọi người, thường đến ngày Đông-chí năm trước đã ra thăm mộ để xem trước nếu mộ cần vun-đắp thêm thì ngày Thanh-Minh năm sau cũng với vàng hương lễ vật, người ta mang theo xẻng cuốc để sửa-sang ngôi mộ.

Những kẻ xâm-phạm mộ-phần của người khác đều bị mọi người nguyền-rủa, dù mộ không phải là thân-nhân của người ta. Thái-độ này của người sống đã bảo-vệ rất nhiều cho mộ người chết, khiến kẻ ác-tâm phải kiêng-dè không dám động tới các gò-đống, các mộ-địa, các lăng-tẩm, v.v… III. VONG-HỒN NGƯỜI CHẾT TỰ BẢO-VỆ MỘ

Mộ-phần là gia-cư của người chết, tục tin rằng người chết cũng vẫn tự bảo-vệ lấy mồ-mả của mình.

Tục lại tin rằng, khi mồ mả bị sụt, bị cây cối xâm-phạm, bị súc vật đào bới, hương-hồn người chết sẽ tìm cách báo cho con cháu biết, có khi giáng ra một điềm gì, có khi báo mộng, hoặc có khi con cháu bị đau ốm. Trước một điềm báo, trước một giấc mộng, trước bệnh tật của người trong nhà, các gia chủ sẽ xem bói nhờ đoán mộng, đoán điềm, nhờ tìm hiểu gia sự. Thầy bói gieo quẻ đoán ra việc động chạm về ngôi mộ nào, gia-chủ sẽ theo lời đoán làm lễ tạ mộ.

Lễ tạ mộ gồm chè cau, xôi chuối, rượu gà hoặc chiếc chân giò, vàng hương. Con cháu tới mộ cúng khấn. Cùng với tạ mộ, con cháu cúng khấn cả vị Thổ thần nơi mộ. Thường trong việc cúng Thổ thần có sớ cúng, người ta dùng ngựa mã và năm chiếc mũ, vàng hương, trầu cau, xôi rượu, v.v… Ngựa, mũ và vàng hương sẽ được hóa đi sau buổi lễ. Năm chiếc mũ dành cho Ngũ-phương sứ giả. Ngựa và mũ đồng màu, thay đổi tùy năm, theo ngũ-hành, năm nào màu sắc theo hành năm đó :

- Năm nào hành Kim màu vàng.

- Năm nào hành Mộc màu trắng.

- Năm nào hành Thủy màu xanh.

- Năm nào hành Hỏa màu đỏ, như năm Ất-Tỵ (1965).

- Năm nào hành Thổ màu đen.

Cùng với việc cúng lễ, con cháu cũng đắp lại ngôi mộ.

Có những trường-hợp kẻ ngoài họ xâm-phạm tới mộ, lập-tức kẻ này bị người khuất theo làm cho ốm-đau bệnh-tật, phải có lễ tạ và đắp lại mộ mới yên. Ta vẫn cho rằng, khi đi qua một ngôi mộ, nếu vì vô-ý, có những hành-động bất-kính đối với người khuất nằm trong mộ, như phóng-uế nơi cạnh mộ chẳng hạn, kẻ vô-ý cũng bị người khuất trừng-phạt bắt đau ốm phải biết ăn-năn tội lỗi và tạ tội cúng lễ mới khỏi.

Việc xâm-phạm mộ-phần không bao giờ được tha-thứ dù do vô-ý. Bởi vậy, mỗi khi đi qua một bãi tha-ma, người ta thường cố tránh mọi hành-động có thể bị giới vô-hình coi là xúc-phạm tới mồ mả của họ, cũng như có thể bị người sống coi là thất-kính với người trong mộ. TÀI-LIỆU ĐỌC THÊM

Trong đám tang, thường có văn điếu của bạn-bè cùng những người thân thuộc. Dưới đây là một mẫu văn điếu. I. VĂN-ĐIẾU HẠC-SƠN CƯ-SĨ (Vừa là bạn vừa là thông-gia)

Cơ trời biến-chuyển, gây tang-thương để khách luống ngại-ngùng ;

Vận nước loạn-ly, đường chiến-đấu tưởng ông còn gắng gỏi.

Vẫn biết chuyển-vần, hết khóm tre kia già, có khóm măng nọ mọc, nở-nang bờ cõi ngàn-thu.

Cho hay định-mệnh, hơn một ngày chẳng ở, kém một giờ không đi, chia rẽ âm-dương đôi lối.

Nhớ ông xưa :

Chất cổ người kim,

Con dòng cháu dõi.

Bấy nhiêu năm cửa Khổng sân Trình, sôi kinh nấu sử, mong gặp hồi rồng-mây ;

Trải bao độ thành Tây, tỉnh Bắc, tiếp khách thừa dân, để khảo đường thương-mại ;

Nghiệp văn-chương từng đeo-đẳng chốn khoa-trường ;

Tài kinh-tế đã tranh-giành nơi đô-hội ;

Bước công-danh đã dấn, mong ông Nghè ông Cống, võng lọng biển cờ đủng-đỉnh, cho phỉ-chí nam-nhi ;

Bậc phẩm-giá kém đâu, cũng cụ Cửu cụ Hàn, ngựa xe bằng sắc vẻ-vang, tỏ xứng-danh thời-đại ;

Chuyện với bạn-bè toàn mạch sách, chứa-chan kho chữ trong lòng ;

Yêu cho con trẻ những kẹo đường, sủng-sẻng túi tiền đầu gối ;

Hạnh-tư tao-nhã, thường giao-du nhiều khách phong-lưu ;

Cư-xử ôn-hòa, hay bố-thí những người nghèo đói.

Rượu chè dùng ít, xềnh-xoàng chẳng thích xa-hoa ;

Bài-bạc chơi qua, thua được không màng theo-đuổi ;

Cũng lắm lúc tính-tình cao-hứng, đến tửu-lâu ca-quán, tiếng trống chầu còn văng-vẳng bên tai ;

Thường nhiều khi sơn-thủy nhàn-du, tìm thắng cảnh danh lam, bài thơ họa từng ngâm-nga trên suối ;

Cháu con đông-đúc, năm trai bốn gái, thành thất thành gia,

Trại ấp phong-quang, lắm ruộng nhiều rừng, đủ cây đủ cối ;

Trai đã nên ông kia ông nọ, công-danh sự-nghiệp đường-hoàng,

Rể chẳng phải bố đĩ bố cu, giáo-tập thương-gia tài giỏi.

Đương nhà lan nếp tẻ đề-huề, hiềm vì nội-tướng sớm lánh cõi trần ai ;

Đỡ trướng gấm hôm mai hiu-quạnh, gặp ý trung-nhân lại nối dây ân-ái ;

Thấy thế-tình đảo-điên thêm ngán, xa thị-thành, về điền giã, dưỡng-lão an-nhàn ;

Nghĩ nhân-loại đau ốm mà thương, xếp nho-giáo, học y-khoa, tầm phương cứu giải ;

Lòng hào-hiệp xa gần nghe tiếng : ông chủ ấp Hạc-Sơn,

Bậc lương-y già trẻ nhớ ơn : cụ lang người Hà Nội.

Hay là thuốc trường-sinh thiếu vị, thục-địa cố tìm.

Có lẽ thuật bất-tử đón thầy, hoài-sơn đi vội.

Tưởng đến ông hưởng thọ sáu mươi bảy tuổi mắt vẫn sáng trong ;

Được tin bạn lâm-chung mười bốn trọng đông, lòng càng sôi nổi.

Than ôi !

Đá lở giếng khô,

Sao rời vật đổi.

Nước xuống bể khơi,

Mây che núi tối.

Bóng bạch-thỏ qua sông,

Mộng Hoàng-Lương trên gối.

Phút đương kim hóa cổ, tấm hình-dung giá để lồng gương ;

Bỗng vừa có ra không, trên bài-vị hương bay đượm khói.

Sao không sống đủ trăm năm để dự thành công cách-mạng, hưởng cuộc thái-bình ;

Đã vội về chi chín suối chóng được hội-diện chánh thê, trọn duyên túc-trái.

Để phòng loan lạnh-lẽo, luống những ngậm-ngùi,

Còn bóng hạc mịt-mùng, biết đâu tìm-tõi.

Đến nỗi xóm giềng ngơ-ngẩn, vắng tiếng vắng tăm.

Ngán thay nhà cửa bàng-hoàng, nhớ ăn nhớ nói.

Cảnh ngọc cũng sầu

Người vàng khôn đổi ;

Con cháu thảm thương,

Bạn bè viếng hỏi.

Vậy thì sống có tinh hoa

Chắc rằng thác không mê-muội.

Chỗ thông-gia tưởng-nhớ, đem điếu văn gọi lại hồn xưa.

Phận cố-hữu thênh-thang, thoát trần-tục nhẹ nhường mây nổi.

Hương hồn thanh-tú, ngao-du uyển lãng bồng thanh.

Thần khí anh-linh, phù-hộ gia-trung tộc-nội.

Ô hô, ai tai !

Chiêu Dương NGUYỄN-CÁC PHỤNG

(Sơn Nhân nhàn bút) II. VĂN-TẾ VỢ

Hỡi ơi !

Mây buồn che phủ,

Gió thảm thầm reo.

Cuộc trăm năm dâu bể đã nhiều, núi Kinh Bắc 69 hiện càng chua xót.

Đời một giấc nắng mưa cũng lắm, mây Phong Châu 70 bỗng chuyển sầu ưu !

Nhớ em xưa :

Vẻ người thanh lịch,

Giáng điệu yêu kiều.

Tính hiền thảo, dưới nhường trên kính,

Nết ôn hòa, chồng mến con yêu.

Trách trời già độc địa, đau đớn nhà Thung, thân hiếu nữ sớm cuộc đời từ giã. 71

Căm đất rộng nghiệt cay, quạnh hiu con đỏ, phận mẹ hiền mau cõi chết phiêu diêu !

Cha già thương xót

Chồng góa phiền đau

Nào đâu lúc thăm cha vui vẻ, săn sóc giờ ăn giấc ngủ

Còn đâu khi đằm thắm chiều chồng, hỏi han mọi việc đủ điều.

Trách Nam Tào Bắc đẩu chua tử ghi sinh, lúc biên chép chẳng nương tay thư bút.

Buồn Ngọc đế, Như lai quyền cao đức cả, phép nhiệm mầu không ân tứ khuê lưu.

Khiến ngày nay :

Cửa nhà vắng vẻ

Con cháu gieo neo ;

Vườn trước sân sau lạnh lùng quạnh quẽ,

Bữa ăn giấc ngủ ngao ngán đìu hiu.

Đàn con dưới cánh, mong mẹ hiền tuổi hạc càng cao, đợi ngày chúc dâng Khải tửu. 72

Lũ cháu bên mình, tưởng bà ngoại sức loan còn mạnh, vui mừng hưởng sự nâng niu !

Nào ngờ đâu :

Hai ngày trọng bệnh

Một buổi u sầu

Em ra đi bỏ chồng con thêm cháu ngoại với hận lòng tê tái.

Anh ở lại nhìn cửa nhà cùng vườn ngõ, nặng niềm nhớ thương đau.

Vắng nụ cười ưu ái sân Lai, từ sớm đến chiều, trai gái thấy bâng khuâng ngơ ngác ;

Đặc áng mây mịt mù núi Dĩ, hết ngày lại tháng, lớn bé đều ủ rũ buồn rầu !

Ba mươi năm ân ái, tình vợ chồng khắng khít tháng ngày, thêm tuổi thọ càng thêm bền chặt.

Bốn mươi sáu hưởng dương, nghĩa sinh tử chia phôi giây phút, sầu ly biệt sầu mãi dài lâu !

Thôi từ đây :

Âm dương đôi ngả

Kẻ khuất người còn,

Giá hạc vân du, em về nơi vĩnh cửu

Trần ai tục lụy, anh ở trấn Phiên An ; 73

Tìm lại kỷ niệm xưa, tập ảnh cũ, chỉ xem hình ngắm bóng.

Ôn đến yêu đương trước, tấm tình còn, đành mến cháu nuôi con !

Nỗi xa xót, con thương cháu nhớ, nén hương trầm càng nhắc nhở sớm hôm, đau lòng trẻ dại ;

Cảnh bùi ngùi, chị khóc em buồn, lúc thăm viếng thêm não nùng châu lệ, khổ hận người thân !

Than ôi !

Tình chung chăn gối,

Đầu ấp má kề,

Trung trinh tiết hạnh,

Trọn nghĩa phu thê,

Tưởng cùng tuế nguyệt,

Vui chữ xướng tùy,

Nào ngờ đôi ngả,

Vĩnh biệt chia ly !

Thương thay ! 74 III. TANG LỄ ĐỒNG-BÀO THƯỢNG

Tôi đã có dịp trình-bày cùng bạn đọc những phong-tục về hôn-lễ của các sắc dân đồng-bào Thượng miền Nam nước Việt từ các tỉnh miền Trung cho tới khắp Nam-Việt.

Gần đây đồng-bào Thượng đã di-cư nhiều về vùng quốc-gia và đã gần gũi chúng ta nhiều hơn. Chúng ta có nhiệm-vụ phải hiểu biết kỹ-càng những anh chị em đó để có thể giúp-đỡ họ một cách hữu-hiệu.

Chúng ta đã biết hôn-lễ với mọi lề-lối của từng vùng qua từng sắc dân, chúng ta cũng nên biết sơ-lược và tang-lễ của họ. Tang-lễ có khi giản-dị, có khi phức-tạp tùy từng bộ-lạc và cũng tùy từng địa-phương với sắc dân.

Qua những phong-tục về hôn-lễ ta đã nhận thấy phong-tục tập-quán của họ mang nặng tính-chất dị-đoan mê-tín. Tính-chất này ta càng thấy nhiều hơn trong tang-lễ.

Các sắc dân Thượng nào, ở vùng nào đã nói sơ qua ở bài hôn lễ, đây xin không nhắc tới nữa, và chỉ xin lần-lượt nói về tang-lễ của từng sắc dân theo thứ-tự đã dùng trong bài hôn-lễ :

- Người TEU

- Người SÉDANG

- Người CHÀM

- Người BAHNAR

- Người DJARAI

- Người ROCLAI

- Người RHADÉ

- Người KOHO

- Người M’NONG

- Người STIENG

Về người Chàm, cũng sẽ có mục nói riêng về tang-lễ của người Chàm Châu-Đốc. 1) NGƯỜI TEU

Khi một người Teu chết, cả làng xã kéo đến giúp đỡ, người giúp gạo, người giúp rượu, người giúp tiền, và ai không có gì thì giúp công.

Ngày hôm đó cả làng nghỉ việc và cả những làng lân-cận cũng nghỉ việc để chia buồn.

Người Teu thuộc bộ-lạc Vân-Kiêu và Tồi-Ôi tỉnh Quảng-Trị, mỗi khi có người chết, gia-chủ phải lo-liệu làm lễ mang thi-hài xuống tầng dưới để cách một đêm. Người Teu cũng ở nhà sàn như phần lớn người sơn cước. Ngày hôm sau thi-hài được đem ra một khu rừng có ít người lui tới, chôn lút một nửa quan tài xuống. Ba năm sau, thân-nhân mới lấy cốt mang về liệm lại, lúc bấy giờ mới mổ trâu, heo, gà làm ma rồi đem cải-táng nơi khác. Lần cải-táng này chôn sâu xuống đất lấp lại, đất được san bằng để không ai biết ngôi mộ ở đâu.

Người Teu ở Thừa-Thiên và Quảng-Nam phong-tục khác hẳn.

Khi thân-nhân có người đau nặng, gia-quyến phải lo-liệu mang ra nhà làng, nếu để chết ở trong nhà, bị làng phạt vạ.

Xác chết được chôn theo ven khe suối, đầu xuôi theo dòng nước chảy.

Sau ba năm, bốc mộ, cốt được bỏ sang chiếc hòm khác, chôn lại và có làm nhà mồ.

Mỗi khi trong làng có người chết, để tỏ dấu buồn rầu, cả làng cữ đi rẫy năm ngày. Đó là những trường-hợp người chết bệnh, còn nếu có người chết bất-đắc-kỳ-tử như chết trôi, cọp bắt, bị bắn hay sét đánh cả làng cho là điềm gở, họ bỏ làng đi nơi khác.

Sau lần cải táng – người chết bệnh – người chết sẽ không còn được ai nhắc-nhở tới nữa, và từ đó bị chìm vào lãng quên.

Trong tang-chế, nam trọng, nữ khinh.

Vợ phải để tang chồng một năm, chồng chỉ để tang vợ 2 tháng. Tang để kể từ ngày cải-táng. 2) NGƯỜI SÉDANG

Việc ma-chay đối với người Sédang rất phức-tạp và rất hại cho vệ-sinh chung. Họ tin rằng người chết chưa là hết.

Khi có người chết, thân-nhân nhờ dân làng vào rừng đẵn cho một khúc cây to dùng làm áo quan. Người ta đục lỗ vào khúc cây để đút người chết vào. Áo quan trông hình thù như cái mõ và nắp đậy giống như mái nhà.

Tùy theo gia-đình giàu nghèo sẽ mổ trâu bò cúng lễ từ 3 đến 5 ngày, trong lúc cúng lễ, xác chết vẫn đặt trong nhà.

Cúng lễ xong, áo quan trong có xác chết được khiêng tới đặt trên một lùm cây, tại một khu rừng ít người qua lại. Nếu không có lùm cây nào ưng ý, sẽ đóng bốn chiếc cọc để đặt áo quan lên !

Mỗi khi trong làng có người chết, cả làng ở hẳn trong nhà ba ngày, và cũng cấm người ngoài không ai được vào trong làng, sợ hồn người chết đi theo phá hoại !

Trong khi thây ma còn quàn trong nhà, người Sédang cúng lễ và ăn uống ngay bên cạnh.

Người chết được người sống chia của cho.

Áo quan để trên lùm cây một thời-gian sau đó mới được chôn cất. Chôn cất xong, đám tang mới kể là hết. Người nhà thương tiếc người chết, đêm đêm đèn đuốc ra mộ dọn cỏ.

Hàng năm tới ngày tết Thanh-minh vào tháng ba dương-lịch, thân-nhân người chết ra mộ khóc-lóc thảm-thiết, rồi sửa-sang cho ngôi mộ.

Tang-lễ của người Sédang xét ra rất phiền-phức và trái vệ-sinh. Họ là một sắc dân chậm tiến chính vì họ bị trói buộc vào những phong-tục tập-quán cổ xưa đầy dị-đoan, như qua tang-lễ ta đã thấy. 3) NGƯỜI CHÀM MIỀN TRUNG

Việc tang-chế của người Chàm tùy gia phong-kiệm, giàu có thì chôn bằng áo quan, nghèo-túng thì dùng vỏ cây rừng quấn cũng được.

Một người Chàm chết, cả gia-đình oà lên khóc. Bà con chòm xóm nghe thấy tiếng khóc biết có người qua đời bèn rú lên kể-lể, rồi kéo nhau tập-trung tới nhà người chết.

Người chết được đặt lên một chiếc võng có ủ chiếu kín.

Bà con sui-gia được tin đem chén, đĩa, chăn, gối, chiếu mền đến cho.

Để tạ-ơn, gia-chủ mổ trâu giết heo cho dâu-gia làm lễ, rồi sau đó cùng ăn uống. Một phần đuôi, tai, mắt, mũi trâu đem theo với đám tang ra mộ cúng cho người chết.

Người chết để trong nhà lâu hay chóng tùy gia-cảnh giàu nghèo. Xác chết còn để trong nhà còn có ăn uống, bà con làng nước còn kéo nhau tới dự. Trong khi đó, xác chết cứ nằm nguyên trên chiếc võng có chiếc chiếu ủ kín. Để lâu lẽ tất nhiên xác chết biến thể và có nước chảy ra với mùi nặng nồng-nề, nhưng thân-nhân người chết không ai để ý tới mùi khó chịu này. Để cho nước chảy ra khỏi tràn khắp nhà, một chiếc nồi to được để dưới võng để hứng nước đó.

Nồi nước này, lúc đưa đám, người con trưởng hoặc tang chủ phải đội lên đầu mang ra đổ vào huyệt.

Đám tang, có người cầm đuốc đi trước, đến thi-hài người chết rồi đến bà con đi theo khóc-lóc kể-lể.

Người Chàm đào huyệt không sâu lắm. Chỉ vào khoảng độ 1 thước 20. Nhà mồ làm trước khi chôn. Huyệt thường đào gần mộ người mẹ người chết.

Người chết được người sống chia cho một phần của cải, nồi chén, bát đĩa, quần áo, ve chai, ống nước, v.v… Những của cải này dành hẳn cho người chết, người sống không được dùng tới, bởi vậy người ta phá hỏng đi rồi bỏ ngoài mộ.

Chôn cất xong, thân-nhân người chết sẽ kiêng-cữ một ngày ở luôn trong nhà, không ra ngoài và cũng không mua bán gì.

Sau đám táng, có nơi như vùng Ba-Tơ, tỉnh Quảng-Ngãi, người chết bị lãng-quên không còn ai nhắc tới, cũng có nơi như tại Bình-Thuận, Ninh-Thuận, Khánh-Hoà, v.v… thân-quyến vẫn không quên người chết, hằng săn sóc tới mộ phần, hàng năm nhớ cả ngày giỗ cúng bái. Cả những ngày mùa lúa mới, con cháu cũng mang đồ lễ tới dâng cúng tại mộ.

Người Chàm có những khu nghĩa-địa riêng, thường được chọn trên những khu đồi cao-ráo mà ở đây không ai khai-phá hoặc trồng-trọt gì. 4) NGƯỜI CHÀM CHÂU-ĐỐC

Cũng là người Chàm, nhưng đồng-bào Chàm ở Châu-Đốc phong-tục không giống người Chàm miền Trung-Việt.

Tang-lễ người Chàm Châu-Đốc cử-hành như sau : a) Từ khi hấp-hối đến lúc chết

Khi hay tin một bệnh-nhân đang hấp-hối, một số người láng-giềng được huy-động đến cùng nhau đọc thánh-kinh Coran với sự tin-tưởng rằng khi nghe kinh như vậy, trí-óc bệnh-nhân sẽ được sáng-suốt và sẽ chết với đầy-đủ đức-tin của người Hồi-giáo. Lúc chết, một người thân sẽ lấy nước vuốt mặt cho bệnh nhân. Người nhà khóc-lóc, các vị bô-lão khuyên nên bớt khóc-lóc và thương lấy người đã chết. b) Đào huyệt

Hung-tin được thông báo cho hàng xóm. Mọi công việc hàng ngày đều ngưng, các thanh-niên đi đào huyệt cho người xấu số ở nơi họ-hàng người này lựa chọn.

Người ta thường lựa chọn khoảng đất chung quanh Thánh-đường xã Châu-Giang, nhưng vì ở đây chật chội, người ta đành phải chôn ở nơi khác, nơi khác thường là tại đất nhà. Mộ người Chàm Châu-Đốc, không cần gần mộ mẹ như người Chàm miền Trung.

Huyệt đào sâu hơn đầu người, theo hướng Đông-Tây. Dưới cùng, ở mé Nam có khoét một lỗ đặt vừa tử-thi, như vậy tử-thi nằm ở cạnh huyệt. Khi đặt tử-thi vào lỗ khoét đó rồi, một tấm ván được dùng để chận lại ngăn hẳn tử-thi với huyệt. c) Đám tang

Không có quan-tài. Theo tín-ngưỡng tử-thi phải nằm nghiêng mình trên đất, mặt hướng về phía Nam, đầu phía Tây, chân phía Đông, một ngón chân cái chấm vào đất.

Tử-thi không quàn lâu trong nhà, người chết thường được chôn ngay trong ngày.

Trước hết, những người thân tắm rửa sạch-sẽ cho tử-thi. Sau đó, người ta bọc tử-thi vào 3 lần vải trắng thay cho áo-quan. Vải trắng xé chứ không cắt và cũng không may.

Tại nơi cùi chỏ và đầu gối có bó một lớp bông, lại có rắc bột băng-phiến và long-não.

Một số người được mời đến cầu-nguyện cho người quá-vãng và chứng cho rằng tử-thi đã được sửa-soạn đúng theo nghi-thức.

Tử-thi được đặt trên một tấm ván, các thanh-niên khiêng đi. Nếu huyệt ở xa, sẽ dùng cáng có mái che bên trên thay cho tấm ván.

Đám tang đi không kèn, không trống, thỉnh-thoảng lại ngừng lại để vong-hồn người chết nhắn-nhủ với cỏ cây.

Mộ không xây, chỉ đắp đất, dù tang chủ giàu hay nghèo. Hai đầu mộ có tấm bia đá khắc tên người quá vãng và ngày chết. d) Sau đám tang

Ngay buổi tối hôm đưa đám, mọi người tụ-tập tại tang-gia để đọc kinh. Suốt từ khi chôn, cho đến ngày thứ 40, gia-chủ thuê một người đọc Thánh-Kinh thường xuyên bên mộ, cần nhất lúc mặt trời mọc và lúc mặt trời lặn.

Có làm tuần cho người chết vào các ngày thứ 3, thứ 7, thứ 10, thứ 30, thứ 40 và thứ 100 sau ngày táng. Và từ đó nửa năm cúng một lần. Trong những ngày tuần, mọi người đọc Thánh-Kinh trước hương trầm nghi-ngút. Kinh đọc xong họ dùng cơm.

Khi có đồ ngon, vật lạ, người ta cùng cầu kinh cúng người chết, bất kể ngày nào. Những việc cúng kiến này thay ngày giỗ.

Người Chàm Châu-Đốc chết ở xã nào chôn ngay ở xã ấy, ít khi di chuyển từ làng này sang làng khác. Mộ chỉ chôn một lần không cải táng. 5) NGƯỜI BAHNAR

Người Bahnar, khi trong làng có người chết, cả làng bỏ đi nơi khác phó mặc việc tang cho gia-đình tang-chủ.

Người Bahnar dựng đứng người chết, cột vào một góc nhà, đem đồ-lễ, gà, lợn đặt trước xác chết lễ-bái và khóc-lóc. Đồng thời có đánh thanh-la, đánh trống, thổi kèn.

Thân-nhân tỏ lòng thương-tiếc người chết một cách rất lạ-lùng ; đàn ông lấy lửa đắp vào ngực hay lấy dao bầm vào ngực ; đàn bà đập đầu vào cột có khi đến vỡ đầu. Vì tục-lệ kỳ-khôi trên, nhiều khi có người chết theo người chết nếu không có người can.

Đồ lễ sau khi cúng vái được ngả ra ăn trước mặt người chết, vừa ăn người sống lại lấy thức ăn lèn vào mồm xác chết.

Cuộc lễ được kéo dài tùy theo gia-cảnh, một hai ngày hay hơn nữa. Lễ xong, tử-thi được đặt vào áo-quan, một thân cây khoét rỗng và đưa đi chôn.

Trước giờ hạ-huyệt, thân-nhân làm lễ tạ thổ-địa.

Những người chết vì trận-mạc, bị ám-hại hoặc vì hành-hạ, theo tin-tưởng của người Bahnar sẽ được lên trời.

Mộ người Bahnar đắp cao và chung quanh có hàng rào.

Người chết được chôn cất xong, người làng mới trở về làm ăn như cũ.

Ngôi mộ được người nhà săn-sóc trong một năm. Sau đó họ làm lễ tạ rồi san phẳng, và từ đấy không còn ai ngó tới.

Lễ tạ mả có thể cử-hành ngay sau khi chôn cất nếu tang-chủ quá nghèo. Chôn cất xong là thôi, người nhà cũng như dân làng không ai nhắc-nhở tới người quá cố nữa vì mộ đã tạ rồi.

Lệ để tang được quy-định một năm trở lên. Người có tang bỏ hết mọi đồ trang-sức, cắt tóc ngắn để phân biệt với mọi người.

Đàn ông Bahnar có một lối tỏ lòng thương tiếc vợ thực là kỳ lạ. Ngoài việc lấy lửa đắp vào mình còn tự tay cầm dao rạch vào đùi thấu xương. Vợ cả chết rạch bốn nhát, vợ lẽ chết, rạch bẩy nhát. Có làm như vậy mới tỏ hết sự thương tiếc vợ, và các cô gái mới khâm-phục và mới ưng-thuận lấy làm vợ kế sau này. 6) NGƯỜI DJARAI

Cũng như người Sédang, người Djarai tin rằng người chết chưa phải là hết, do đó người chết được dự phần chia đồ đạc với người sống.

Khi có người chết, gia-đình nhờ dân làng kiếm hộ một khúc cây to đem về đục lỗ theo chiều dọc như hình một chiếc mõ dài. Người chết được đặt nằm vào lỗ trong cây, và khi chôn lật ngửa lên. Chiếc áo-quan không có nắp, như áo-quan người Sédang.

Xác chết đặt trong áo-quan, quàn tại nhà từ 3 đến 8 ngày tùy theo gia-cảnh. Trong khi quàn, có mổ trâu, giết bò hoặc lợn gà cúng lễ và mời dân làng ăn uống, giàu lễ lớn nghèo lễ nhỏ.

Tại những gia-đình khá-giả, lễ cúng kéo dài, xác quàn trong nhà đến trương lên rữa ra mới được đem chôn. Đồ đạc được chia gồm phèn, la, bát đĩa, nồi niêu cũng được đem để trên mộ và bị phá hủy để phòng người khác lấy mất. Đồ đạc trong nhà được chia đều cho người chết, nhiều khi vì sự phân chia này, những đồ dùng còn lại phải hủy bỏ vì không đủ bộ.

Ngôi mộ được săn-sóc, dọn cỏ trong ba năm liền. Sau đó có lễ bỏ mả, và từ đó mộ bị bỏ hoang, người chết cũng đi vào quên-lãng.

Trong vòng ba năm, nếu trong gia-đình có người nào chết, người đó sẽ được chôn chung vào áo-quan của người chết trước. Có nhiều trường-hợp, một vài tháng sau, trong nhà đã có người mệnh-một, mộ người chết trước được đào lên để đặt người chết sau vào cùng quan-tài. Khi đó, xác người chết trước đã rữa thành nước, họ liền múc hết nước đổ ra ngoài, bới xương để vào một góc, lấy chỗ liệm người chết mới vào.

Những người phụ trách công việc múc xác thường uống rượu thật say để làm việc này cho đỡ sợ. 7) NGƯỜI ROGLAI

Người Roglai, nếu là gia-thuộc của chủ làng hoặc những người có thế lực trong làng, khi chết thi-hài được chôn trong một áo quan bằng thân cây khoét rỗng. Thường dân, xác chết phải bó bằng vỏ cây.

Tang-lễ người Roglai rất giản-dị.

Người chết được chia gia-sản với người sống, gia-sản chia đôi, người chết một nửa kể cả tiền nong, gia-súc và vật dụng.

Tiền bạc và gia-súc được giữ ở trong nhà nhưng sẽ chỉ dành vào chi tiêu ngày lễ cúng bỏ mả đương-sự.

Lễ cúng bỏ mả có ý-nghĩa người sống từ giã người chết. Lễ này được cử-hành sau mùa gặt hái đầu tiên tính từ ngày người chết qua đời. Mùa gặt hoàn-tất, mọi người đều rảnh-rang nên lễ cúng bỏ mả làm linh-đình lắm. Có giết trâu mổ bò, mời thầy cúng làm lễ cho người khuất rồi đãi làng nước.

Sau lễ bỏ mả là hết, ngôi mộ không được ai săn-sóc nữa. 8) NGƯỜI RHADÉ

Khi có người chết, người nhà gióng thanh-la lên. Nghe tiếng thanh-la, làng nước tới chia buồn và lo việc chôn cất giúp.

Người Rhadé kiêng việc làm sẵn áo-quan. Có người chết, tang-chủ mới nhờ người lên rừng đẵn cây về đẽo cỗ thọ.

Nhà giàu, người chết được chôn bằng 2 áo quan. Chiếc thứ nhất phải làm gấp để đựng tử-thi trước khi trương rữa, chiếc thứ hai làm cẩn-thận đẹp-đẽ hơn thường phải năm bảy ngày.

Tang-lễ thường kéo dài, phần để chờ áo-quan, phần vì tục-lệ. Gia-đình giàu có, người chết có khi 15 ngày mới an-táng xong, người nghèo cũng phải năm bảy ngày.

Trước khi chôn cất có cúng lễ, giết trâu bò, mời làng nước. Chôn cất xong, dân làng tụ-tập chung quanh mộ, khóc-lóc, kể-lể đến hai ba ngày mới thôi !

Trong hai ba ngày khóc-lóc, tang-chủ phải đãi ăn uống như khi chờ đợi áo-quan và cúng lễ.

Mộ được đắp to như tổ-mối và có trang hoàng thô-sơ. Cạnh mộ là những của cải người sống chia phần cho người chết : chum vại, bát đĩa.

Tang ma của bố mẹ do người con gái lo, và người con gái này được thừa-kế gia-tài.

Tại một vài nơi gần biên-giới Darlac, người Rhadé có tục quật mồ. Người chết mới chôn được vài tháng, nếu trong nhà có người ốm đau, họ mời thầy cúng xem quẻ, nếu quẻ bói bảo rằng Thần Đất không bằng lòng cho người chết chôn tại đấy, họ sẽ quật mồ lên và quăng xác vào rừng.

Người Rhadé cũng có lệ bỏ mả vào sau mùa gặt năm sau. Người nhà ra mộ khóc-lóc một lần cuối rồi mộ bị bỏ hẳn. Kỷ-niệm của người chết cũng chìm dần vào dĩ-vãng. 9) NGƯỜI KOHO

Khi có người chết, gia-đình người Koho lo-liệu làm áo-quan ngõ-hầu xúc-tiến việc cúng-lễ.

Được tin, người làng đến giúp-đỡ trong mọi việc, từ đóng áo-quan đến khâm-liệm.

Áo-quan tương-tự như của người Sédang, làm bằng một khúc gỗ khoét giống chiếc mõ, có nắp. Khi khâm-liệm thân-nhân thổi một nồi xôi lớn, dùng để nhét vào các khe nắp.

Xác chết người Koho để trong nhà hai ba ngày.

Tục người Koho, mỗi gia-đình chỉ có một mả, tất cả mọi người chết đều chôn chung một hố, người chết sau nằm đè lên người chết trước.

Mà là một hố rộng lớn, trên có làm nhà che.

Dân Koho không có tục chia của. Họ chỉ liệm những đồ dùng của người chết vào quan-tài.

Người Koho cúng giỗ người chết vào một hoặc hai năm sau.

Trong ngày giỗ, thân-quyến mời dân làng và đến thăm mộ lần cuối cùng nếu không có người chết tiếp.

Chồng cũng như vợ, để tang nhau một năm. Trong thời gian đó, nếu chồng tục-huyền hoặc vợ tái-giá phải sửa lễ xin gia-đình người chết.

Khi vợ chết, con cái trao cho em gái vợ nuôi, nếu vợ không có em gái thì trao cho em trai. Người em gái hoặc em trai này, nuôi các con chị được hưởng hết gia-tài của hai vợ chồng chị làm nên. Người đàn ông phải trở về gia-đình nhà mình với hai bàn tay trắng – dân Koho – xin nhắc lại theo chế-độ mẫu-hệ. 10) NGƯỜI M’NONG

Tang-lễ của người M’nong giống tang-lễ của người Rhadé, duy có điều khác là cả gia-đình đều chung một mồ như người Koho. 11) NGƯỜI STIENG

Người Stiêng mỗi khi có người chết, việc đầu tiên là mời bà con lối xóm tới ăn uống, sau đó mọi người dắt nhau vào rừng đốn gỗ đẽo quan-tài.

Khi xác chết được đặt vào quan-tài rồi, tang-quyến lại cùng người làng ăn uống luôn hai ngày nữa, có giết lợn, mổ gà rất linh-đình. Rồi đám tang được cử-hành đưa người chết tới nơi an-nghỉ cuối cùng. Các nhà giàu, an-táng người chết xong, lại mời người làng ăn uống thêm bữa nữa.

Mộ người Stiêng được đắp, cao, bốn góc có bốn trụ, có lợp mái làm nhà mồ. Mộ được người sống săn-sóc.

Tang-lễ người Stiêng nhiều ăn uống, nhưng tương-đối ít phức-tạp so với các sắc dân khác. IV. KẾT-LUẬN

Nhiều tục-lệ về tang-lễ của đồng-bào Thượng rất phiền-phức và tốn kém, nhiều khi phương-ngại tới cuộc tiến-hoá.

Đất lề quê thói, mỗi nơi có mỗi phong-tục, tuy nhiên phong-tục thường thay-đổi với thời-gian, cũng như thay-đổi theo sự chung-đụng tiếp-xúc giữa dân-tộc này với dân-tộc khác.

Những phong-tục về tang-lễ trong bài này, cũng như những phong-tục về hôn-lễ tôi đã có dịp nói tới, tôi chỉ trình bày về những sắc-dân chính, mỗi sắc dân có nhiều bộ-lạc và chi-phái với những phong-tục đôi khi hơi khác-biệt sự khác-biệt không quan-trọng lắm.

Gần đây nhiều đồng bào Thượng đã di-cư về gần chúng ta, có lẽ rồi đây phong-tục của họ sẽ bị ảnh-hưởng của chúng ta mà có sự biến cải.

Ánh sáng văn-minh đã rọi vào đất nước Việt-Nam, lẽ tất-nhiên sự tiến-bộ của chúng ta sẽ thúc đẩy sự tiến-bộ của các đồng-bào Thượng, anh em chúng ta.

T.A.

Ngày 1-9-1963 KẾT-LUẬN

« Sống gửi, thác về », đời người kể từ lúc thành hình trong bụng mẹ rồi oe-oe khóc chào đời, qua bao cuộc thăng-trầm, khi vui-mừng, lúc lo-âu cho đến khi nhắm mắt, thở hơi thở cuối cùng, hai tay buông xuôi, chỉ là thời-gian tạm-bợ, và cuộc sống chỉ là một cuộc gửi-gắm để chờ một cái gì vĩnh-viễn, và cái gì vĩnh-viễn đó là cái chết.

Chết là hết, và lúc đó, khi đã nằm yên trong mộ mới thật là nghỉ-ngơi.

Trong cuộc sống, kể từ lúc còn là một bào thai trong bụng mẹ, con người bất cứ ở đâu, bất cứ dân tộc nào, đều phải chịu sự chi-phối của tục-lệ tập-thể, tục-lệ này có khi lưu-truyền từ ông cha lại, có khi do nếp sống mà sinh ra, hay có dở có, có điều đáng bảo-tồn mà cũng có điều cần cải-thiện.

Là con người Việt-Nam, ta phải uốn-mình theo phong-tục Việt-Nam với rất nhiều tục-lệ đôi khi phiền-phức, nhưng cũng chính những tục-lệ này nó đã giúp cho dân-tộc ta giữ nguyên được cái bản-chất của mình nó có một căn-bản riêng.

Cách đây hơn hai mươi năm, đúng ra là vào tháng tư năm 1944, trên tờ Trung-Bắc Chủ Nhật số 200, xuất bản ngày 30-4, ông chủ-nhiệm Nguyễn-doãn-Vượng có viết :

« Một nhà cũng như một nước, bao giờ cũng có những căn-bản riêng, những lề-thói riêng, những nền-nếp riêng. Những căn-bản, lề-thói, nền-nếp đó có cái hay tất cũng phải có cái dở, người hiểu biết thì bỏ cái dở mà chỉ giữ cái hay, nhưng chính những cái hay và những cái dở đã tạo nên cái dấu riêng cho một nhà. Lấy một nhà mà suy rộng ra một nước thì cũng thế. Nhưng nước ta chẳng hạn, sở dĩ mà còn tồn-tại được mãi-mãi, ấy cũng vì nước ta có một căn-bản riêng, do bao nhiêu thứ gây nên, trong những thứ đó phải kể văn-minh văn-hoá của ta trước nhất. Mà trong cái văn-minh văn-hóa đó thì lễ-nghi phong-tục giữ một phần quan-trọng… »

Đúng ! Lễ nghi phong-lục rất quan trọng đối với con người và luôn luôn chi-phối con người qua mọi giai đoạn từ lúc bào-thai, đến lúc sơ-sinh, qua lúc trưởng-thành, khi lập gia-đình, về già rồi chết !

Chết nhưng con người vẫn chịu tục-lệ chi-phối qua tang-lễ, qua các phong-tục về mồ mả.

Dẫu gọi là tục-lệ cổ-truyền, nhưng ngày nay, mặc ảnh-hưởng Âu-Mỹ, nhiều tục-lệ này vẫn còn tồn tại và vẫn được dân ta tôn trọng. Hay thì giữ, dở thì bỏ, qua những phong-tục cổ-truyền, cùng với những điều còn tồn-tại, chúng ta thấy biết bao nhiêu điều không còn nữa.

Ở đây, mới chỉ đề-cập tới những phong-tục liên-quan tới con người, nhưng bên những phong-tục này còn biết bao phong-tục khác về tín ngưỡng, về xã-giao và cả về tập-quán nữa.

Biết tới đâu trình bày tới đó, tất cả những tục-lệ về con người từ lúc mới thành hình đến khi yên-nghỉ nơi mồ, tôi rất mong sẽ giúp ích một phần nào cho những ai muốn tìm hiểu văn-minh văn-hóa của ta !

Saigon, ngày 1-9-65

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3