Nếp Cũ Con Người Việt Nam - Chương 06: Võ nghệ và Thi võ

CHƯƠNG 6 : VÕ-NGHỆ VÀ THI VÕ

Ta có câu :

« Văn quan cầm bút an thiên-hạ,

Võ tướng đề đao định thái-bình ».

Lại có câu :

« Bình thời giảng võ, loạn thế độc thư ».

Qua những câu trên ta thấy rằng nếu văn tài cần cho đất nước, tạo cho đất nước những vị văn quan định kế-hoạch an thiên-hạ, thì võ nghệ cũng không kém cần-thiết. Kế-hoạch của các nhà chính-trị đặt ra muốn thi-hành, đất nước cần phải thái-bình không giặc-giã, không kẻ quấy rối bất cứ ở nơi nào. Định thái-bình là nhiệm-vụ của những tay võ-tướng, chính những người này đem lại an-ninh cho xứ sở. Có văn phải có võ, có võ cũng phải cần tới văn. Quan-niệm trọng văn khinh võ là một quan-niệm sai lầm.

Nước ta xưa nay trải qua bao nhiêu thời trị, thời loạn, trong thời nào văn võ cũng hỗ trợ lẫn nhau : Văn của Hưng-đạo-Vương phải có võ của Trần-quốc-Toản, Phạm-ngũ-Lão, Trần-bình-Trọng, v.v… văn của Nguyễn-Trãi phải có võ của Lê-Lai của Trần-nguyên-Hãn, võ của vua Quang-Trung phải có văn của Ngô-thời-Nhiệm.

Võ-nghệ cũng quan-trọng đối với dân ta như văn-chương vậy.

Người xưa có ôn văn và có luyện võ, và nền võ-nghệ của ta cũng thực là đáng kể.
I. MẤY MÔN VÕ CHÍNH

Võ-nghệ có nhiều cách luyện-tập, nhưng trải qua bao nhiêu thế-kỷ truyền lại, những lối tập võ gần đây được coi là thông thường nhất, phải kể :

- Tập xách tạ

- Tập đu

- Luyện chân tay

- Tập nhẩy

- Tập quyển-thuật

- Tập khí-giới

- Tập bắn cung

- Tập đánh-vật

Tám lối tập võ trên được các tay võ-thuật luyện tập cho tới thời Pháp thuộc, và ngay cả trong thời Pháp thuộc, nhiều môn vẫn tồn-tại.

Ngày nay trước sự đụng chạm với Âu-Mỹ, có nhiều môn võ-thuật mới được truyền-nhập vào nước ta, trong khi đó, nhiều môn võ của ta như đang muốn mất dần trên võ trường.
1) TẬP XÁCH TẠ

Tập xách tạ là một lối tập để con người làm quen tập xách nặng, trước xách ít sau xách nhiều hơn, trước xách và đi trong quãng gần, rồi quãng này càng tập càng xa hơn.

Ta thường dùng một hòn đá lớn hoặc một quả cân nặng độ 6 yến ta, mỗi yến ta ăn sáu kí-lô ngày nay, để tập môn võ này. Võ-sinh bê hòn đá hoặc quả cân, giơ lên nhắc xuống cho cứng gân cốt, rồi lại bê quả tạ đó mà đi.

Sau khi đã bê được một cách dễ-dàng quả tạ sáu yến và đi được khá xa, võ-sinh sẽ lần lần tập những quả tạ nặng hơn.

Ngày nay trong các môn thể-thao mới của Âu-Mỹ cũng có môn tạ, nhưng ngoài môn tạ giơ lên nhắc xuống và vác đi xa, lối tập mới lại có món ném tạ, thời xưa ta không có,
2) TẬP ĐU

Tập đu cốt làm cho cứng gân-cốt, nhưng cũng làm cho gân-cốt được dẻo-dai.

Môn tập này thực ra công-dụng và kể ngay cả cách luyện-tập không khác chi mấy với môn thể-dục tập xà, tập thang, tập lộn vòng sắt, v.v… ngày nay.

Có khác là chỉ ở chỗ xưa kia không ai dựng xà, và không có thao trường với dụng cụ đầy đủ để các võ-sinh luyện-tập.

Các võ-sinh kiếm cành cây cứng để vịn vào tập đu, hoặc trồng cột bắc giá đánh đu.

Việc tập tành cốt ở sự siêng-năng đều hòa, ngày nọ sang ngày kia.

Lúc tập hai tay võ-sinh vịn cành cây hoặc giá đu, từ từ đưa mình lên rồi hạ mình xuống. Tập mãi cho đến khi nào đưa được thẳng cánh tay đem đầu gối lên sát cành cây hoặc giá đu mới thôi.

Ngoài ra võ-sinh lại tập lộn trên cành cây hoặc giá đu để thân mình được mềm-dẻo, ngõ-hầu khi tập côn-quyền tránh đỡ được nhẹ-nhàng.
3) LUYỆN CHÂN TAY

Mục đích luyện chân tay cốt để cho chân tay được cứng-cáp. Cách luyện chân tay gần tương-tự như những người chơi quyền Anh ngày nay luyện tập.

Tập quyền Anh, võ-sinh nắm tay đấm vào những bì cát, luyện tay lối xưa chỉ khác ở chỗ các ngón tay phải xòe thẳng.

Luyện tay bắt đầu dùng một thùng thóc, ngày ngày giương thẳng hai bàn tay đâm xỉa vào thóc. Lúc đầu thóc cọ vào da thấy đau, nhưng dần dần sự cọ sát không có nghĩa lý gì nữa, và đồng-thời với sự luyện-tập gân tay cũng trở nên ngày một cứng rắn. Khi nào bày tay đâm suốt được tới đáy thùng thóc, bàn tay đã mạnh lắm rồi. Lúc ấy võ-sinh tập xỉa vào thân cây chuối, xỉa mãi cho tới khi bàn tay đâm thủng qua được cây chuối.

Những võ-sinh chịu khó luyện-tập có thể xỉa được thủng cây tre và hai bàn tay có ngày đi tới sức mạnh cứng, chặt đôi được hòn gạch, xỉa qua được tấm gỗ, v.v…

Luyện-tập chân, võ-sinh đá vào cây chuối ; đá mãi cho tới một ngày mỗi chiếc đá làm gẫy được một cây chuối. Lúc đó võ-sinh đá vào gỗ, vào tường gạch. Tập cho tới khi nào đá vào đâu cũng không thấy đau mới có kết-quả.
4) TẬP NHẢY

Tập nhảy ngày xưa cũng có mục-đích như tập nhảy trong các môn thể-thao Âu-Mỹ bây giờ, nghĩa là luyện-tập để võ-sinh có thể nhảy được thật cao và thật xa, tuy phương-pháp luyện tập có khác.

Võ-sinh kiếm một chỗ gò thấp hoặc đào một hố sâu để tập nhảy cao. Võ-sinh túm hai ống quần lại bỏ đầy cát vào nhảy. Trước nhảy còn nặng sau dần dần quen nhẹ đi. Hố đào đầu tiên còn nông rồi ngày càng sâu thêm. Tập với hai ống quần đầy cát, khi đã thấy nhẹ, võ-sinh buộc thêm vào hai chân những vật nặng như chì sắt để luyện tập.

Khi luyện tập đã thành công, bỏ cát và các vật nặng ra, võ-sinh có thể nhảy lên mái nhà, qua những bức tường, hoặc chuyền từ mái nhà nọ sang mái nhà kia một cách nhẹ-nhàng, dễ-dàng.
5) TẬP QUYỀN-THUẬT

Tập quyền-thuật tức là tập những miếng võ đấm-đá, tránh-đỡ khi giao-đấu với một địch-thủ.

Võ-sinh sau khi đã luyện-tập thân-thể được nhẹ-nhàng, gân-cốt được dẻo-dang, xương thịt được cứng-cáp, thì bắt đầu tập quyền-thuật.

Quyền-thuật tập theo từng bài võ, từng thế võ.

Phần nhiều các bài quyền-thuật của ta dựa theo võ Tàu : Hầu-quyền, Bát-bộ liên-hoa-quyền, Mai-hoa-quyền, v.v… Võ đặc biệt Việt-Nam cũng có một số bài riêng với các miếng hiểm-hóc riêng cho võ-sinh luyện-tập.

Thoạt đầu võ-sinh học những bài quyền, luyện tập một mình. Khi đã thuộc đủ các thế các miếng của bài quyền, võ-sinh được cùng Giáo-sư giao-đấu để Giáo-sư chỉ dẫn cho cách ứng-dụng các miếng võ, thế võ đã học, lúc ứng lúc thủ ra sao.

Quyền-thuật biến-chuyển theo các trận giao-đấu. Võ-sinh phải tùy địch-thủ mà ứng-dụng các miếng võ trong các bài.
6) TẬP KHÍ-GIỚI

Tập quyền-thuật đã tiến-bộ tới một mức khá, các võ-sinh tập đến khí-giới.

Võ-sinh phải tập đấu côn, đấu roi, tập khiên mộc, tập múa đại-đao, múa sang, múa kiếm, múa giản, v.v…

Mỗi môn khí-giới đều có một bài dạy, khi động, khi tĩnh, khi tiến, khi lùi, khi múa, khi nhảy đều có phép cả. Bài võ còn dạy cả những đòn trá-bại để quay lại hại địch thủ như miếng đà-đao, sát-thủ-giản, hồi-mã-sang, v.v…

Những món khí giới trên đều là do người Tàu truyền sang ta. Trong võ-nghệ Việt-Nam ta cũng có mấy món khí-giới riêng rất lợi hại. Đó là thiết-lĩnh, bút-chì, bút sắt.
a) Thiết lĩnh

Là một khí giới gồm hai thanh gỗ dắn, một thanh mẹ dài và một thanh con ngắn. Hai thanh mẹ con của thiết-lĩnh được nối vào nhau bằng thứ dây chắc, thường vẫn dùng tóc để khỏi bị đứt. Chỗ nối liền hai mẹ con thiết-lĩnh có vòng khuyên sắt. Lúc sử-dụng tùy nơi rộng hẹp, cầm cây mẹ vung đánh bằng cây con hoặc cầm cây con vung đánh bằng cây mẹ. Thiết-lĩnh đánh rất mạnh, các khí-giới khác gặp thiết-lĩnh chống trả thật khó vì thiết-lĩnh là một khí giới mạnh lại có tính cách mềm nhưng rất lợi-hại.

Muốn phá thiết-lĩnh phải dùng dây hoặc cành tre, khiến cho thiết-lĩnh vướng vào không vung được nữa.
b) Bút chì

thực ra là chiếc mai hoặc thuổng có buộc vào cuối cán một dây thừng. Khi lâm trận vung ném mai hoặc thuổng ra để tiện chân, hoặc người, kẻ địch. Phải luyện-tập để khi vung bút chì ra tấn công lại kéo về được ngay. Võ-sinh điêu-luyện có thể phóng liên tiếp ba bốn ngọn bút chì liền.

Sử-dụng bút chì có lợi là lúc phóng ra bút chì là một ngón đòn gió, nhưng lúc thu về, bút chì lại biến thành một khí giới để phòng địch.
c) Bút sắt

cũng là một thứ đòn gió để ám phóng hại địch trong lúc lâm trận.

Chính bút sắt một ngọn giáo hoặc ngọn mác, mũi sắt cán tre, loại tre nhỏ nhưng thân rất cứng thường gọi là tre gai.

Giữa khi đôi bên giao chiến hoặc cùng ở thế thủ rình nhau người sử-dụng bút sắt, uốn cong cán bút, rồi bất thần lựa chiều buông ra văng mạnh đi để ngòi bút tức là ngọn mác hoặc ngọn giáo lao tới kẻ địch.

Bút sắt lợi-hại như một ám-khí, nhưng một khi đã phóng ra không kéo được trở về như bút chì.
7) LĂN-KHIÊN

Ngoài ba khí-giới trên đặc-biệt Việt-Nam, ta xưa còn có lối dùng khiên gọi là lăn-khiên.

Khiên chính là cái mộc dùng để che tên, đỡ những nhát đâm chém của địch-thủ.

Người Việt-Nam đã biến cái khiên thành một món võ rất nguy-hại cho địch là lăn-khiên.

Người ta đan những chiếc khiên bằng cật tre rất cứng, đan ngoài lại lót trong để cho tên bắn không thủng, dáo mác đâm không qua và dao chém không đứt.

Loại khiên này đan hình tròn, có chỗ tay cầm bên trong.

Người lăn khiên cầm khiên bên tay trái, còn tay mặt sử-dụng một thanh mã-tấu hoặc một thanh gươm bén. Người đó lăn tròn chiếc khiên và ẩn mình gọn-ghẽ đằng sau khiên, tiến tới địch và tấn-công địch bằng mã-tấu hoặc gươm, luồn dưới khiên để phạt chân địch. Địch đâm hay chém đã có khiên đỡ, và đồng-thời lùa mã-tấu ra chém địch.
8) TẬP BẮN CUNG, NỎ

Người xưa gọi nghề võ là nghề kiếm cung, đã mang danh là võ-sinh phải biết múa kiếm và bắn cung.

Cung uốn bằng tre hoặc gỗ hình bán nguyệt, chằng bằng dây cứng. Lúc bắn dùng tên lắp vào cung, kéo dây cung cho căng rồi buông ra. Dây cung theo sức mạnh của cánh cung rãn thẳng đẩy tên đi.

Tập bắn cung, võ-sinh nhắm vào một đích gọi là hồng-tâm tức là một chấm tròn trên miếng gỗ. Phải bắn sao cho trúng đích. Lúc đầu võ-sinh đứng gần đích bắn, rồi dần dần lùi ra, trước còn đứng dưới đất, sau cưỡi trên mình ngựa. Lúc mới cưỡi ngựa, còn để ngựa đứng mà bắn, rồi dần dần cho ngựa đi, võ-sinh bắn lúc ngựa đang đi. Tập bắn khi ngựa đi chậm, rồi lại tập bắn trong lúc ngựa phi. Những tay xạ-thủ có tài, có thể bắn được cả trong lúc ngựa phi ngược chiều hồng-tâm, ngoái đầu trở lại bắn vẫn trúng đích.

Ngoài cây cung, người xưa còn có cây nỏ, hình thức cũng như cây cung nhưng có trục ở giữa và lẫy nỏ dễ sử-dụng hơn. Lúc bắn, cũng phải giương nỏ lắp tên vào trục, bật lẫy nỏ lên, lẫy nỏ buông dây nỏ ra, dây nỏ đẩy tên đi.
9) BẮN SÚNG

Gần đây dưới triều Nguyễn, các võ-sinh khi tập bắn, ngoài cung nỏ, còn tập cả bắn súng, nhưng đây là loại súng hiệp, nghĩa là súng có mồi lửa để thuốc nổ đẩy đạn đi.

Lúc bắn cũng nhắm đích, giống như hồng-tâm khi bắn cung.
10) TẬP ĐÁNH VẬT

Đánh vật là một lối tập-luyện đặc-biệt để khi gặp địch xông sát bên mình, khí giới không dùng được, dùng những miếng vật quật ngã địch.

Vật là môn võ dân quê rất ưa thích. Trong các ngày hội thường có treo giải vật.

Người đô-vật phải học những miếng ngáng, miếng đệm, miếng tránh để có thể vật ngã đối-phương khỏe hơn mình.

Tất cả mấy món võ trên khi tập đều phải có thầy dạy.

Khi mới bắt đầu tập các võ-sinh phải ăn cháo cho nhẹ người nhất là cháo cua, vừa dễ tiêu lại vừa làm cho sức lực mau hồi.

Để cho gân cốt và các bắp thịt khỏi bị đau trong lúc tập, các võ-sinh xông mình bằng nước lá tre, lá bạc-hà hoặc lá long-não. Các võ-sinh cũng xoa bóp lẫn cho nhau bằng một thứ thuốc riêng có tính-cách hồi-lực.

Trong lúc tập, các võ-sư luôn luôn canh chừng các võ-sinh.

Những lúc đi bài quyền, múa bài kiếm, v.v… các võ-sư thường dùng mõ làm hiệu, võ-sinh nghe theo tiếng mõ để tiến lui nhảy múa.

Rủi nếu xảy ra tai-nạn có chảy máu, gẫy xương, các võ-sư đã có nhiều môn thuốc chữa rất hiệu-nghiệm, có thể hiệu-nghiệm ngay tại chỗ sau khi xoa bóp.
II. VÕ KINH

Luyện tập võ-nghệ chỉ là một phần trong việc học-tập của võ-sinh.

Muốn trở nên một tướng tài, biết dùng binh, biết bố trận các võ-sinh phải học sách võ-kinh.

Sách võ-kinh là sách dạy phép làm tướng cầm quân, biết lúc nào ra quân, lúc nào lui binh, v.v…

Trong võ-kinh có dạy cách xem giờ, kén ngày, coi thiên-văn, xét địa-lý, tính nhâm-độn, v.v… để khi hành quân áp dụng sao cho được thắng lợi.

Một vị tướng giỏi phải căn-võ toàn-tài, văn đây là văn về phương-diện dùng quân, nghĩa là phải rõ đủ Lục-thao, Tam-lược, phải xem đủ các sách binh-pháp, nhất là những sách binh-pháp của Tôn-Võ của Ngô-Khởi, của Khổng-Minh và của các danh tướng khác thời xưa, trong số đó có cả Binh-thư yếu-lược của Hưng-Đạo-Vương.

Ngoài ra lại phải biết cách luận bàn về các võ-khí, nói về lợi-hại của mỗi thứ.
III. CÁC KỲ THI VÕ

Có các kỳ thi về văn, cũng có các kỳ thi võ. Các kỳ thi văn kén văn thần ; các kỳ thi võ kén võ-tướng cho triều-đình.

Mỗi thời, các kỳ thi võ cũng có những khác biệt nhiều ít như các khoa thi văn.

Về triều Nguyễn, khoa thi võ đầu tiên mở vào năm Minh-Mệnh thứ 17. Có ba trường thi : Thừa-Thiên, Hà-nội và Thanh-Hóa.

Đến năm Thiệu-Trị thứ 5, nhà vua ấn-định những năm thi võ cho các khoa thi Hương và thi Hội. Võ-Hương-thí thi vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, còn Võ-Hội-thí mở vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Văn thi xong thì đến võ. Thi Hội trúng, các thí sinh cũng vào thi Đình như thi văn.
IV. THỂ-LỆ THI VÕ

Thi võ, thi Hương cũng như thi Hội, có ba kỳ : Xách tạ, Múa côn, sang và Bắn súng hiệp.
V. THI HƯƠNG

Thi hương các thí-sinh phải trải qua ba kỳ thử sức và phải đạt tới mức tối thiểu sau.
1) XÁCH TẠ

Quả tạ đúc bằng chì nặng một ta hai ta, mỗi tạ ta ăn 60 kilos ngày nay.

Các thí-sinh phải xách hoặc hai tay hai quả và phải đi một quãng ít nhất là 8 trượng trở ra, hoặc chỉ xách một quả nhưng đi ít nhất 16 trượng trở ra mới được kể là thứ hạng. Đi dưới 8 trượng và 16 trượng tùy theo xách hai quả hay một quả tạ, bị xếp vào liệt hạng. Mỗi trượng ăn 4 thước ngày nay.

Thí-sinh nào đi được ít nhất 12 trượng và 24 trượng trở ra tùy theo xách hai hay một quả tạ được kể là bình hạng.

Nếu đi được từ 16 đến 32 trượng trở ra, tùy theo số tạ xách được kể là ưu hạng.
2) MÚA CÔN, SANG

Dưới triều Minh-Mệnh kỳ này gồm múa côn đánh quyền và đấu gươm mộc ; đấu gươm mộc đôi bên dùng môn võ lăn-khiên đấu với nhau.

Đến đời Thiệu-Trị, việc thi cải-cách lại và bắt các võ-thí-sinh phải múa côn và múa sang.
a) Múa côn

Cây côn nặng nửa tạ ta. Võ-sinh cầm vào khoảng một phần ba, vừa đi vừa múa, nhẩy nhót đâm đánh theo những thế võ thuộc về cách sử-dụng côn, né tránh tùy lúc, đỡ gạt tùy hồi.

Vừa múa vừa đi được ngoài 60 trượng là ưu hạng, ngoài 50 trượng là bình hạng, ngoài 40 trượng là thứ hạng. Đi không được 40 trượng bị loại, là liệt hạng.
b) Múa sang

Ngọn sang chính là ngọn giáo dài 7 thước 7 tấc ta. Lúc sử-dụng ngọn sang, võ-sinh cầm vào giữa khúc để múa theo những bài võ về sang, khi nhảy nhót, khi gạt ngang đỡ dọc… Trước mặt võ-sinh, cách xa độ 3 trượng có dựng một người bồ nhìn. Võ-sinh sau khi múa-may nhảy nhót độ 3, 4 bước phải nhắm người bồ-nhìn cho kỹ, rồi chạy thẳng tới đâm vào giữa rốn người này :

- Đâm trúng, mũi sang xuyên qua người bồ-nhìn là ưu hạng.

- Đâm trúng, mũi sang không qua người bồ-nhìn là bình hạng.

- Đâm trúng nhưng chỉ sượt qua là thứ hạng.

- Đâm không trúng là liệt hạng, bị loại.
3) BẮN SÚNG HIỆP

Một chiếc ụ được đắp nên, và trước chiếc ụ có hồng-tâm làm đích, chung quanh có vành tròn.

Thí-sinh đứng xa chỗ ụ 20 trượng 5 thước ta và được bắn 6 phát súng.

- Được kể là ưu hạng nếu có 2 phát trúng đích, một phát trúng vành tròn, 3 phát trúng ụ đất.

- Được kể là bình hạng nếu được một phát trúng đích, một phát trúng vành tròn, 4 phát trúng ụ đất.

- Được kể là thứ hạng nếu được 2 phát trúng vành tròn, 4 phát trúng ụ đất.

- Bắn 6 phát đều không trúng đích hoặc trúng vành tròn, hoặc nếu chỉ trúng được một phát, bị loại và xếp vào liệt hạng.

Qua ba kỳ thử sức thử tài trên, ai có ưu, bình được đậu võ cử-nhân, còn chỉ có toàn thứ thì đậu võ tú-tài.
4) THI PHÚC-HẠCH

Số cử-nhân tú-tài đã lấy đỗ xong, các võ-sinh phải qua kỳ thi phúc-hạch, để phân hạng trên dưới.

Trong kỳ thi phúc-hạch, các võ-sinh phải làm bài trả lời mấy câu hỏi về võ-kinh, điểm số những câu hỏi này sẽ được căn cứ để xếp hạng các võ-tân-khoa.
VI. THI HỘI

Các võ-sinh trúng tuyển võ-cử-nhân kỳ thi Hương được vào thi Hội.

Phép thi Hội cũng như phép thi Hương, duy trong việc thi tài, mỗi kỳ đều phải nặng hơn thi Hương.

Hai quả tạ của thi Hương nặng mỗi quả 60 cân ta, những quả tạ của thi Hội sẽ nặng hơn 5 cân, nghĩa là 65 cân.

Thi Hương phải đi 16 trượng, thi Hội đi 20 trượng.

Ngọn côn và ngọn sang thi Hội cũng nặng hơn, riêng về múa sang, người bồ-nhìn cũng cách xa võ-sinh hơn.

Khi bắn súng hiệp, võ-sinh cũng phải đứng xa hơn khi bắn lúc thi Hương.

Các điểm cho theo ưu, bình, thứ và liệt cũng như thi Hương.

Các thí sinh thi trúng đủ ba kỳ cho vào trúng-cách và được dự thi Đình.
VII. THI ĐÌNH

Những người trúng-cách thi Hội được vào thi Đình, tuy vậy thi Đình không bắt buộc tất cả những người trúng-cách phải thi. Trong kỳ thi Đình lấy văn-tự làm đầu, ai không biết chữ xin miễn cũng được.

Thi Đình gồm một vài bài hỏi về võ-kinh, một vài điều yếu-lược về cách dùng binh của các danh-tướng triều Nguyễn và một vài câu hỏi về thời-sự.

Hội-đồng Giám-khảo dưới quyền chủ-tọa của Hoàng-đế, xét văn-lý hơn kém định phân số. Ai được đủ phân số đỗ võ-tiến-sĩ, được ban mũ áo cờ biển vinh-quy cũng như văn tiến-sĩ.

Những thí-sinh không có phân số nào, hoặc trúng Hội thí mà không vào thi Đình được lấy đỗ vào phó-bảng.

Những võ-tiến-sĩ, gọi là tạo-sĩ, võ-phó-bảng, võ-cử-nhân sẽ được Triều-đình lựa chỗ bổ-dụng cũng như các văn-tân-khoa, quyền lợi của các ông võ-khoa về làng xã tại nơi đình-trung cũng được tôn-trọng như các ông văn-khoa vậy.
VIII. NHỮNG CUỘC THI-VÕ

Từ trên, mới nói tới các khoa thi võ thường-lệ của Triều-đình mở. Ngoài những khoa thi này xưa kia còn có những cuộc thí-võ, khi triều-đình cần kén gấp những bậc anh-hùng, những tay võ-nghệ để giúp nước.

Các cuộc thí-võ có khi tổ-chức tại Triều-đình, có khi tổ-chức tại các tỉnh.

Người dự các cuộc thi võ này có thể là các võ-quan của Triều-đình, có thể là các võ-sinh chưa có chức tước gì. Mục đích của các cuộc thí-võ này là để phân sức-lực hơn kém cũng như hơn kém về tài nghệ kiếm-cung.

Trong lịch sử, ta được đọc truyện Phạm Ngũ-Lão thí-võ đời nhà Trần. Khi Phạm Ngũ-Lão được Hưng-Đạo-Vương trọng-dụng, các tướng có ý không phục, nên Ngũ-Lão xin mở cuộc thí-võ để tỏ tài sức của mình.

Trong các cuộc thí-võ thường có các môn xách nặng, giao đấu bằng khí giới và bắn cung.

Qua các sách truyện, nhất là truyện Tàu, ta thấy mỗi khi Triều-đình muốn kén tướng cầm quân, hoặc kén tướng tiên-phong đều có thí-võ để các tay võ-nghệ tỷ-thí với nhau.

Lối tỷ thí này thật hết sức dân-chủ, ai có tài thì được trọng-dụng không kể chức trên phẩm dưới, và những kẻ bị thua trong các cuộc tỷ-thí thường bao giờ cũng phục kẻ đã thắng mình.

Văn võ bao giờ cũng phải đi đôi. Văn dùng để trị nước an thiên-hạ, võ dùng để dẹp loạn giữ an-ninh.

Nước ta trọng văn mà cũng quý võ,có thi văn tất phải có thi võ để kén tướng lấy anh-hùng võ-nghệ tài ba, mỗi khi xuất-trận dùng qua kiếm dẹp giặc.

Nhân-loại ngày một tiến, nước Việt-Nam ta cũng tiến theo, và trong quân lực ngày nay, tài của Tiết-nhân-Quý, Triệu-tử-Long cũng chỉ dùng đến một phần nào, chứ trước súng đạn tối tân, trước hỏa tiễn, trước sự tàn-phá của bom nguyên tử, đao kiếm thương cung đâu còn có nghĩa lý gì.

Tuy nhiên, những môn võ nghệ ta, nhiều môn vẫn duy trì như những nghệ-thuật và người biết nghệ dù sao cũng có lúc giúp được cho mình và cho người. Cùng với nhiều môn võ của ta, ngày nay, ta còn tập thêm nhiều môn võ mới như nhu đạo, như quyền Anh, v.v… Mặc các khí giới nguy-hiểm cứ được sáng-chế ra, những môn võ để tự-vệ và đôi khi để bảo-vệ cho người vẫn được duy-trì và có khi còn phát-triển hơn nữa.
IX. TÀI LIỆU ĐỌC THÊM

1) TRONG TRƯỜNG THI NAM ĐỊNH

Vấn-đề khoa cử là một thiên trọng-yếu cần thiết trong văn-học-sử và văn-hóa-sử nước Việt-Nam nhà. Chính đó là cái cơ-quan nung-đúc nhân-tài của xứ mình. Trong khoảng mấy trăm năm, biết bao nhiêu danh nhân, phần nhiều đều do đó mà ra : văn-nhân mặc-sĩ cũng có, danh-thần lương-tướng cũng có, dãy đầy trong sử sách, ít người là không do khoa mục. Nói về nguồn-gốc và sử sự khoa-cử, có lẽ mấy quyển sách cũng chưa chắc đã phân-minh. Nay xin nói qua về các nơi trường thi. Về thi Hội và thi Đình thì bất cứ đời nào, nước Tàu cũng như ở nước ta tất là ở nơi Đế-đô. Về đời Lý, Trần, Lê đóng đô ở Thăng-Long thì thi Hội, thi Đình tất ở Hà-Nội ; bấy giờ, về bản triều định đỉnh ở Huế thì Đại-khoa cũng thi ở Huế. Còn đến thi Hương là chọn lấy người vào thi Đại-khoa, nên phải có trường ở nhiều nơi. Thi Hương mới có thể-lệ từ thời Lê Thánh-Tôn nên cũng chỉ từ đó mới có đặt ra các trường, những tỉnh to thì mỗi tỉnh có một trường, còn các tỉnh nhỏ thì một hai tỉnh thi chung một trường ; mỗi khoa trường thi lấy đỗ nhiều, trường thi lấy đỗ ít là tùy sĩ-số từng nơi.

Về đời Lê, cả nước ta có tất cả chín trường : Hải-Dương, Sơn-Nam, Tam-Giang, Kinh-Bắc, Thanh-Hóa, Nghệ-An, Thuận-Hóa, An-Bang và Tuyên-Quang. Trường thi của ta về thời Lê thì mỗi khoa làm một lần, chỉ có nhà gianh và rào nứa. Bốn phía ngoài cùng trường thi thì rào tre nứa thật kín, trong trường chia làm bốn lần : lần thứ nhất ở trong cùng là nơi ở các quan Đồng-khảo, Phúc-khảo cùng Giám-khảo ở ; lần giữa là nơi của các quan đề-điệu giám-thí cùng các quan dự vào việc thi ; hai lần ấy thì đều rào phên tre thật kín. Hai lần ngoài là chỗ cho học trò vào thi, lần nọ cách lần kia chỉ bằng cái rào nứa thưa, giữa có hai con đường thành hình chữ thập, có một cái nhà tre ở giữa để làm nơi thu quyển gọi là nhà Thập-đạo. Nhưng cách thức ấy không giống ở Tàu, cho nên trong sách Sử Giao Ký Sự của ông Chu-Xán làm khi sang sứ ta vào hồi Lê, có chép :

« Nước Nam thi cử không có nhà cửa. Học-trò ở trong lều tre, ngồi đạp xuống đất mà viết… »

Về bản triều khoa thi Hương thứ nhất là khoa Đinh-Mão năm Gia-Long thứ sáu (1807) cả nước có sáu trường :

- 1 Nghệ-An.

- Thanh-Hóa hợp thi cả học trò Ninh Bình.

- Kinh-Bắc là Bắc-Ninh, Bắc Giang bây giờ họp thi cả Thái-Nguyên, Lạng-Sơn, Cao-Bằng.

- Hải-Dương hợp thi cả Quảng-Yên.

- Sơn-Tây hợp thi cả Hoài-Đức, Tuyên-Quang và Hưng-Hóa.

- Sơn-Nam hợp thi cả Sơn-Nam Thượng, Hạ, trường thi ở làng Hoa-Dương, huyện Kim-Động gọi là Hiến-Nam.

Đến năm Gia Long thứ 12 khoa Quí-Dậu đặt thêm trường :

- Quảng-Đức tức là trường Thừa-Thiên sau này, hợp thi cả Gia-Định, Quảng-Trị, Quảng-Bình, Quảng-Nam, Quảng-Ngãi, Bình-Định, Phú-Yên, Khánh-Hòa.

- Và trường Thăng-Long, tức là Hà-Nội sau này hợp cả Kinh-Bắc, Sơn-Tây, Hoài-Đức, Thái-Nguyên, Lạng-Sơn, Tuyên-Quang, Hưng-Hóa, Cao-Bằng.

- Còn trường Sơn-Nam thì Hải-Dương, Quảng-Yên hợp thí.

Từ đó về sau, từ Nam ra Bắc thỉnh-thoảng lại có thay đổi, hoặc đặt thêm trường, hoặc đổi tên trường, hoặc tỉnh nọ đổi thi trường kia, nói ra đây sợ rườm rà quá, chỉ xin nói về sự biến thiên của trường Nam và trường Hà vì sau này cho đến mãi hồi kết cục, hai trường hợp một.

Năm Gia-Long thứ 18 là khoa Kỷ-Mão, trường Sơn-Nam tức trường Nam sau này hợp thi với tỉnh Hải-Dương, Quảng-Yên, đi trường xuống đất Vị-Hoàng gọi là trường Vị Hoàng. Năm Minh-Mạng thứ sáu (1825) khoa Ất Dậu là năm bắt đầu có tên cử-nhân và tú-tài về bản triều mới theo tên tỉnh mà gọi là trường Nam-Định, gọi là trường thi Nam-Định là bắt đầu từ đấy. Năm Minh-Mạng thứ 12 khoa Giáp-Ngọ, chuẩn định ở Bắc-Kỳ đặt hai trường :

- Trường Hà-Nội thì hợp-thí cả các tỉnh Hà-Nội, Sơn-Tây, Bắc-Ninh, Thanh-Hóa, Ninh-Bình, Cao-Bằng, Tuyên-Quang, Hưng-Hóa, Thái-Nguyên, Lạng-Sơn cộng là 10 tỉnh.

- Còn Nam-Định, Hải-Dương, Hưng-Yên, Quảng-Yên thì thi ở Nam-Định. Năm Kiến Phúc Giáp-thân (1884) sau khi có việc ở Bắc-Kỳ, các trường thi chưa kịp sửa sang nên cả trường Hà trường Nam hợp làm một mà phụ-thí ở trường Thanh-Hóa, chính khoa này cụ Thám Vũ Phạm-Hàm đỗ thủ-khoa mà ta thường gọi là khoa Thanh. Đấy là trường Hà. Trường Nam hợp một nhưng chưa thi ở Nam-Định ; đến ân-khoa năm Đồng-Khánh Bính-Tuất, hợp trường Hà, Nam và Ninh-Bình là một mới lại thi ở Nam-Định, rồi sau nhân loạn-lạc, khoa Đinh-hợi ở Bắc lại hoãn, mãi đến năm Mậu-tý, trường Hà trường Nam hợp thi là một, từ đó về sau thành lệ cho đến khoa kết cục. Đó là đầu đuôi trường thi ở Nam. Tóm lại trường thi có ở đất Nam trước tiên là trường Vị-Hoàng từ năm Gia-Long thứ 18 đến năm Minh-Mạng thứ 6 thì trường ở đất Nam mới gọi là trường Nam-Định.

Cách xếp đặt ở nơi trường thi (xem bản đồ) sang bản triều từ Gia-Long, Minh-Mạng vẫn theo như thể-lệ nhà Lê, mỗi khi đến khoa thi thì sửa-sang làm nhà gianh rào nứa, thi xong lại phá bỏ đi. Đến năm Thiệu-Trị thứ ba bắt đầu sửa-sang trường thi ở Thừa-Thiên là trường Ninh-Bắc làm ở trong thành để làm nơi thi Hương cùng thi Hội, thể chế rất chỉnh đốn. Các nhà quan Chánh, Phó Chủ-khảo và Chánh, Phó đề-điệu cùng nhà thập-đạo cộng là 7 tòa, mỗi tòa một gian hai chái ; chín tòa mỗi tòa ba gian hai chái để cho các quan Giám-khảo, Sơ-khảo thể sát, mật sát và lại phòng ở ngoại trường ; thí-viện đường, cộng-sảnh các quan đề-điệu cùng các lại phòng nội-trường thì có 3 tòa, mỗi tòa 5 gian 2 chái ; hai tòa mỗi tòa sáu gian hai chái, để cho các quan Sơ-khảo, mỗi nhà đều có mở cửa ra đằng sau và có các nhà phụ tùng. Các nơi cửa trường có giồng hai cái cột.

Chung quanh trường, chung quanh nhà quan Đề-điệu, chỗ nhà thập đạo giáp bốn vi, nhà quan Giám-khảo đều có xây tường kín. Trong bốn vi làm 7 dãy nhà dài mỗi dãy 17 gian, để cho học trò, thi Hương thì mỗi gian 4 người, thi Hội thì hai, ba gian một người. Các nhà đều lợp ngói cả. Đó là trường thi ở Huế làm năm Thiệu-Trị thứ 3.

Sau khi làm xong trường thi ở Huế, chỉ có bắt các trường Gia-Định, Nghệ-An, Hà-Nội, Nam-Định cũng theo như mẫu ấy, duy chỉ có ở trường tám vi chỗ các học trò làm bài thì không có nhà ngói, nhà lá gì cả. Vậy trường thi ở Nam-Định ở vào khu nào và làm từ bao giờ ? Trường Nam làm từ năm Thiệu-Trị thứ V (1845) ở làng Năng-Tĩnh vòng quanh cả thảy 214 trượng (53m rưỡi tây) nguyên có tường cao 5 thước ta, trong trường cả thảy có 21 tòa nhà lợp ngói để các quan ở.

Đại khái trường thi chia làm 3 ngăn, ngăn trong cùng là nội trường, giữa là ngoại-trường, ngoài cùng là nơi học-trò làm bài thi.

Nội-trường ở giữa có nhà Giám-Viện là nhà để các quan Nội-trường hội-đồng hai bên có hai nhà quan Phúc-khảo, sau nhà Phúc-khảo mỗi bên có hai nhà quan Sơ-khảo, sau nhà sơ-khảo có nhà quan Giám-Sát để coi các quan Nội-trường.

Ngoại-trường ở giữa có thí-viên là nhà các quan ngoại-trường Hội-đồng, bên tả là nhà quan Chánh-khảo, bên hữu nhà quan Phó-khảo, ngoài nhà có quan Chánh, Phó-khảo mỗi bên có một cái nhà quan Chánh Phân-khảo và Phó-Phân-khảo. Sau nhà Chánh-khảo và Chánh Phân-khảo có nhà quan Giám-Sát rồi Nhà-Lại-Phòng ; sau nhà hai quan Phó cũng có nhà Lại-phòng. Trong ngăn ngoại-trường về phía giáp nội-trường lại có một ngăn xây kín bốn mặt là nơi các quan Đề-tuyển giữ quyển thi và kháp phách. Ở giữa có đình Đề-tuyển sau có nhà Lại-phòng, hai bên là nhà quan Chánh-Đề-Tuyển và Phó-Đề-Tuyển. Ngăn ngoài cùng là trường thi, chia làm tám vi, có một con đường chữ thập ngăn cách tám vi, giữa đường chữ thập có một cái nhà gọi là nhà Thập-Đạo nghĩa là con đường chữ thập. Thẳng nhà Thập-Đạo ra đằng trước có một cửa gọi là cửa Tiền, cửa này chỉ để riêng cho học-trò khi làm bài xong ở trong trường đi ra. Bốn vi đằng trước gọi là vi Giáp-nhứt, Giáp nhì, Ất-nhất, Ất-nhì, bốn vi đằng sau gọi là Tả-nhất, Tả-nhì, Hữu-nhất, Hữu-nhì. Mỗi vi có một cửa ra ngoài để cho học-trò vào và một cửa ở trong đi lên nhà Thập-Đạo. Ở tám cửa để học trò vào, trước hôm thi mỗi cửa treo bảng biên tên những người nào vào vi nào, học-trò vào xong thì các cửa ấy đóng lại. Trong trường có ba chòi ; ở giữa nhà Thập-Đạo để các quan ngoại-trường ngồi coi học-trò làm bài ; hai cái hai bên ở vào giữa con đường từ tả sang hữu tám vi có quan Ngự ngoại-trường và nội-trường để giám-sát cả quan-trường và học-trò.

Các quan-trường nghĩa là tất cả các viên-chức ở trường-thí xin chia làm hai ban cho dễ hiểu.
a) Một ban là các quan chỉ chuyên việc chấm quyển thi

Có một quan Chánh-Chủ-khảo, một quan Phó-Chủ-khảo là quan ngoại-trường. Hai quan giám-khảo bốn quan Phúc-khảo, tám quan Sơ-khảo là quan Nội-trường.

Mỗi quyển thi do quan Sơ-khảo chấm trước, dấu chấm son ta, rồi đến quan Phúc-khảo dấu xanh, Giám-khảo dấu hồng đơn, quan Chánh-Phó-khảo chấm sau cùng để định được hay hỏng, chấm bằng dấu son tàu.

Nếu quyển nào quan Sơ, Phúc, giám đánh hỏng thì đến phần quan Phân-khảo xét lại, quyển nào đáng đỗ thì lại giao sang quan Chánh, Phó định. Quan Chánh, Phó và Phân-khảo lại còn trông coi việc soạn quyển chia thẻ.

Việc soạn quyển chia thẻ làm ở Sở Đề-điệu ở giữa Ngoại-trường và Nội-trường, bốn bề xây tường kín làm nơi đựng quyển, không quan chấm trường nào được đi lại chỗ đó, chỉ có trước ngày tiến trường năm sáu hôm, quan Phân-khảo đến đấy soạn quyển đề tên vào các thẻ gỗ, đem thẻ trộn đều lên rồi chia làm tám vi, tên nào vào vi nào viết lên bảng treo ở cửa vi gọi là Bảng cửa. Vào khoảng mười giờ đêm trước hôm học trò vào thi, tám quan-trường đều bận Đại-Triều ngồi trên tám ghế tréo ở tám cửa để đốc thúc Lại-phòng soạn quyển xướng tên phát cho học trò vào thi :

- Quan Chánh-Chủ-khảo ngồi cửa Giáp-nhất, quan Phó Ất-nhất.

- Hai quan Giám-khảo Giáp-nhì, Ất-nhì, hai quan Đề-tuyển Tả-nhất, Hữu-nhất.

- Hai quan Phân-khảo Tả-nhì, Hữu-nhì.

Khi học trò vào xong, các quan hội-đồng ở nhà Thập-Đạo để ra đầu bài, yết ở một cái bảng dựng trong từng vi về phía nhà Thập-Đạo rồi theo cửa tiền mà ra. Lại-phòng thu quyển đóng dấu bỏ vào hòm rồi giao cho các quan Đề-tuyển coi việc rọc phách cùng chia quyển cho các quan để chấm.
b) Một ban là các quan trông nom việc thi

Có hai quan Đề-Tuyển ở trong trường chuyên-chủ việc rọc phách, kháp phách, soạn từng hiệu phong lại. Việc này thật là nghiêm-mật và hai viên quan ấy chỉ dùng người lại-điển nghĩa là không đỗ gì. Khi quyển văn đưa đến, hai viên ấy đem đánh dấu rọc phách tên họ học trò cất kín đi chỉ đem quyển văn đưa chấm, khi chấm xong, các quan chấm thi lại giao lại hai viên Đề-Tuyển đem phách cũ mà đính lại. Hai viên Đề-Tuyển chỉ được biết ai đỗ ai hỏng, chứ không có quyền cho ai đỗ ai hỏng.

Một quan Ngự-sử ở Nội-Trường đốc xuất bốn viên mật-sát khi khám xét công việc ở nội-trường. Một viên Chưởng-ấn ở Ngoại-trường đốc-xuất tám viên thể sát khám xét các công việc ở Ngoại-trường.

Các viên ấy tuy không được sự chấm quyển thi, nhưng mà hết thảy các công việc ở trong trường từ quan Chánh-Chủ-khảo trở xuống ai có sự gì tình-tiết không công hay trái phép thì quan Chưởng-ấn và Ngự-sử đều phải kể tội mà tâu về triều. Trong ngày thi việc canh-phòng trong trường giao cho tám người đội thể-sát dưới quyền quan Ngự Sử. Trong tám người đội ấy, bốn người chuyên giữ việc gian lận, coi cả quan trường cùng học trò, còn bốn người để giữ trật tự. Các quan trường có chừng bốn mươi người Lại-Phòng do các tơ thuộc các tỉnh cắt ra để giúp đỡ, hoặc viết bảng hoặc sao chép, v.v… suốt cả các vụ thi quan Đề-Đốc và Lãnh-Binh tỉnh Nam phải đem lính diễu quanh Ngoại-trường để canh phòng.

Còn học-trò ai cũng phải sắm đủ các đồ cần dùng, lều, chiếu, yên, chõng và một cái tráp trong đựng đủ các thức bút, giấy, nghiên, mực, dao, kéo, dùi, cơm, nước và các vật liệu dùng trong một ngày,nhưng cần nhất là một cái ống gỗ đeo ở cổ để đựng quyển thi gọi là ống quyển, và không được mang một tí giấy có chữ nào ; đêm hôm vào trường phải đủ các vật liệu ấy mà phải mang lấy, đứng đợi ở cửa vi nào có tên mình. Khi xướng đến tên, dạ to mà vào lĩnh quyển bỏ ống rồi vào trường đóng lều đợi khi có trống hiệu có đầu bài ra chép về mà làm. Những quyển mình lĩnh đó là quyển đã nộp ở các quan Đốc-Học các tỉnh sau khi đỗ Hạch ; các quan Đốc đệ vào trường đóng dấu rồi mới phát cho.

Lĩnh quyển xong, đội thể-sát sai lính lục soát khám xét kỹ càng rồi mới cho vào trong vi. Người học trò nào mang sách vở hay văn cũ thì phải đuổi ra ngay, người ấy cả đời không được đi thi nữa, lại đem già-hiệu ba ngày. Còn học trò vào trong trường chính lệ ra phải đóng lều cho nghiêm-chỉnh, sau đầu bài mà làm văn, không được đi lại hỏi han, người nào trái phép thì đuổi ra. Cho nên có khi cha con anh em cùng một nhà mỗi người ở một vi, không được gặp nhau.

Hết kỳ thứ nhất, thứ hai đến kỳ thứ ba, quyển nào có phê thời các quan Đề-Tuyên soạn đem những quyển kỳ thứ nhất, thứ hai cùng thứ ba của từng tên đóng thành một tập, thông tính ba kỳ giỏi cả, đem kê quyển ấy tên họ là gì, tự trình qua Ngoại-trường, chiếu tên ra bảng Phúc-Hạch.

Ai được vào Phúc-Hạch, trước một hôm phải đóng quyển cách thức cũng như quyển thi rồi đem nộp cùng với lều chiếu ở nhà Thập-đạo. Quan trường sai lính thu lấy đem chia đống ở tám vi, xét mỗi tên viết vào một cái biển cót đóng trước lều, mỗi lều cách nhau chừng 20 thước tây để không hỏi nhau được.

Sáng sớm ngày phúc-hạch, các tử sĩ chực ở các cửa trường đợi xướng tên rồi lãnh quyển. Quan trường sai lính đưa từng người vào vi, nhận lấy tên mà ngồi yên trong lều làm văn vì mỗi lều đã có một bản đầu bài để sẵn. Khi phúc-hạch không ai được ra khỏi lều, nếu ai trái phép thì phải đuổi ra ngay.

Làm xong bài đem chấm, ai giỏi thì để vào hạng cử-nhân, ai trung bình vào hạng tú-tài còn ai kém thì hỏng hẳn. Hạng cử-nhân lệ có xướng-danh treo bảng, vua ban cấp cho áo mũ và giầy ván-hài, đến sáng ngày hôm sau theo các quan trường và quan tỉnh đến vọng cung lạy tạ rồi lĩnh cỗ yến. Đến như bảng Cử-nhân thì bằng gỗ đằng sau bảng có vẽ hình con hổ, còn bảng Tú-tài thì làm bằng phên tre mà không có xướng danh.

Việc trường xong rồi, các quan trường soạn những quyển đỗ và những quyển được vào kỳ thứ ba đóng cả vào hòm đệ về Kinh giao cho bộ Lễ. Hội đồng tam nha là bộ Lễ, Nội-các và Khoa-đạo để xét lại tâu vua y cho. Trong những quyển đỗ nhỡ ra có ai phạm trường-qui, phạm húy, viết nhầm lẫn hay văn kém còn phải đánh hỏng ; còn những quyển quan trường trót đánh hỏng nhưng văn giỏi thì có khi lại lấy đỗ. Các ông cử thì đến tháng giêng năm sau phải về kinh thi Hội, và có khi vào thi Hội, nhỡ ra văn kém quá thì mất cả Cử-nhân.

Đó là cuộc thi Hương trường Nam từ lúc vào thi cho đến lúc đỗ Cử-nhân, còn phải thế nào mới được vào thi cùng cách học từ thuở bé những thế nào mới đủ tư cách đi thi, xin kể qua sau đây.

Trước năm có khoa thi ở các tỉnh có một kỳ thi gọi là Hạch để chọn học trò cho đi thi. Ai tình nguyện xin thi phải do lý-trưởng sở tại khai rõ họ, tên, tuổi, quê quán và vẫn là người lương-thiện không can-án bao giờ mới được nộp quyển Hạch, gọi là loại khai. Trên quyển hạch cũng đã phải theo như cách thức quyển thi, ngoài tên tuổi quê quán ra lại phải khai rõ học trò ai, gốc tích mình từ ba đời : cụ, ông và bố làm nghề gì, chức gì, còn hay mất. Các quan Huấn, Giáo các phủ, huyện, phải xét hạch xem ai học thông thì làm danh-sách đệ lên tỉnh, quan tỉnh hội-đồng Học-Nha xét lại xem ai khá có thể thi đỗ được thì đệ danh-sách vào bộ Lễ để biết rõ số học trò là bao nhiêu mà cử quan chấm trường. Thế gọi là đi hạch, ai đỗ hạch có giấy sức về làng đem quyển thi để phân-minh nộp tại quan Đốc, mỗi người phải nộp cả quyển ba kỳ, thu xong gần đến ngày thi các quan Đốc đóng hòm đệ xuống Nam nộp các quan trường để phát cho học trò.

Đó là một phần về hình thức của khoa-cử nước nhà. Còn cái chân tướng về tinh-thần của khoa-cử, tại sao mà thịnh, tại sao mà suy, có lẽ đều do cách học sai lạc. Ta muốn biết kỹ, cần phải khảo-sát. Khoa-cử có lúc có nhân tài, có lúc không có. Nay ta qui công hay qui tội cả cho khoa-cử có lẽ chưa phải là định-luận.

TRẦN-VĂN-GIÁP

Tri Tân số 126-127

Ngày 15-2-1944

*

TRƯỜNG THI NAM-ĐỊNH

1) Ao. 2) Giám-viên. 3) Giám-sát. 4) Sơ-khảo. 5) Phúc-khảo. 6) Lại-phòng. 7) Đề-tuyển. 8) Chánh Đề-tuyển. 9) Phó Đề-tuyển. 10) Thi-viện. 11) Chánh-khảo. 12) Phó-khảo. 13) Chánh phân. 14) Phó phân. 15) Giám-sát. 16) Nhà thập-đạo. 17) Cửa trước. 18) Ất-nhất. 19) Giáp-nhất. 20) Giáp-nhị. 21) Tả-nhất. 22) Tả-nhị 23) Hữu-nhị. 24) Hữu-nhất. 25) Ất-nhị.
2) KHOA THI VÕ NĂM MẬU-DẦN (1878)

Năm ấy niên hiệu Tự-Đức thứ 31 (1878), nhân ngũ-tuần đức Dực-Tôn và thất-tuần đức Từ-Dụ Hoàng-Thái-Hậu, Triều-đình mở ân-khoa thi văn và thi võ tại Thanh-Hóa, Nghệ-An, Thừa-Thiên và các tỉnh Bắc-Thành (Hà-Nội) : Xong thi văn đến thi võ.

Ở Hà-Nội, sau khi trường thi văn xướng danh là ngày mộng một tháng một, thì đến lượt các võ-thí-sinh sửa-soạn vào trường.

Trước khi thi một ngày các quan tiến-trường. Rồi hôm sau, mờ đất, đầu trống canh tư, sau những hồi trống dõng-dạc, dưới những ánh đinh-liệu sáng rực, các quan trường, mũ áo tề-chỉnh, che lọng, ngồi trên các hàng ghế ngay cửa chính. Lại phòng gọi danh sách các võ-thí-sinh vào trường.

Khoa này quan Chánh-chủ-khảo là ông Lê-Trực, tạo sĩ xuất-thân, lĩnh lãnh-binh tỉnh Hà-Nội và Phó-chủ-khảo là ông Bùi-Ưng, Binh-bộ Tả-thị-lang do triều-đình Huế cử ra cùng với các quan Phúc, Sơ, Phân, Giám.

Thí-sinh có ngót 8.000 người phần đông là người các tỉnh : Hà-Nội, Nam-Định, Bắc-Ninh, Sơn-Tây, Hải-Dương, Hưng-Hóa, Ninh-Bình, Hưng-Yên.

Sáng rõ mới gọi hết các thí-sinh vào trường. Khác với thi văn, võ-thí-sinh chỉ vào người không, không mang theo gọng lều ống quyển, vì suốt trong các ngày thi, các thí-sinh đều đứng giữa trời, mặc mưa gió. Lúc vào thi đều được phép cởi áo dài, chỉ mặc áo ngắn (áo mã-khoa). Đến kỳ đấu roi thì cởi trần, chỉ mặc một cái quần. Cởi trần để dễ thấy ngay, nếu trúng roi trong khi đấu thì có chấm mực.

Khi thi, bốn cửa trường đều đóng chặt. Trong ngoài có đội thể sát và lính tuần canh rất nghiêm-mật.

Ròng-rã suốt cả tháng một, cứ cách ba ngày lại một ngày thi. Ai có điểm ưu-bình kỳ đệ nhất mới được vào kỳ đệ nhị ; kỳ đệ tam, đệ tứ cũng thế. Kỳ thứ năm là phúc-hạch.

Số trúng-cách còn độ 120 người sau các kỳ đã chọn lọc.

Đại-để trong khoa này, các kỳ thi có những môn võ-nghệ sau đây, xin lần lượt biên từng kỳ một :
a) Kỳ đệ nhất

Xách hai quả tạ nặng 100 cân, hai tay xách hai quả. Có người khỏe thì gắn thêm một quả. Đi được 20 trượng là thứ ; 30 trượng là bình ; 36, 40 trượng là ưu. Múa côn sắt. Côn nặng bằng 36 quan tiền kẽm. Nếu đi được một bài là thứ, 2 bài là bình, 3 bài là ưu.
b) Kỳ đệ nhị

Côn gỗ, đi đủ 3 bài, quên một bài cũng hỏng.

Khiên (đằng bài, mộc bằng mây) và gươm : một bài. Siêu hay đại-đạo, nặng bằng 15 quan tiền : 1 bài. Độc-kiếm, kiếm dài 1 thước 50 phân ta, nặng bằng 15 quan tiền : 1 bài.

Dùng ngọn giáo dài chín thước ta, đứng cách xa bồ-nhìn 10 trượng, chạy đến đâm. Chỗ đất thí-sinh đứng cách bồ-nhìn có đào sẵn ba cái hố, sâu 5 thước, ngang 3 thước. Cứ ba hố thi ba quãng đất không. Nghe trống thúc phải chạy, không được đi thong thả, nhảy qua ba cái hố sâu, rồi nhắm đâm trúng rốn bồ-nhìn. Kỳ này khó vì nhiều người bị sa hố, không đến được chỗ bồ-nhìn.

Các bài trên, đi không quên, múa tốt thì được ưu-bình. Nếu đâm trúng rốn bồ-dìn hay đâm sượt qua cũng được vào kỳ đệ tam.
c) Kỳ đệ tam

Bắn súng có máy đá. Từ chỗ đứng bắn đến chỗ dựng bia cách xa 25 trượng, phải bắn sáu phát. Một phát trúng đích thì ăn hai quyền (vào vòng tròn là quyền). Vòng tròn ở bia rộng một thước hai ta, còn cái đĩa đích thi bằng ba tấc. Không trúng vòng là liệt.

- Được 1 hay 2 quyền là thứ hạng.

- Được 3 hay 4 quyền là bình hạng.

- Được 5 hay 6 quyền là ưu hạng.

Ai được ưu-bình thứ thì được vào phúc-hạch.
d) Kỳ đệ tứ và phúc-hạnh

Đấu roi : dùng 2 côn gỗ dài 7 thước ta, đầu còn bọc giẻ có đúng mực. Ai thắng đấu với thắng, phụ đấu với phụ. Nhất thắng nhất phụ là thứ hạng ; nhất thắng nhất đồng là bình hạng ; nhị thắng là ưu hạng.

Bắn bia là một người bồ-nhìn bằng bùn quét vôi. Thí-sinh đứng cách bia 25 trượng. Kỳ này trúng một phát cũng được. Cách điểm số như sau :

- 1 phát là thứ

- 2 phát là bình

- 3 phát là ưu

Xong cả 4 kỳ thi đến xướng-danh, rồi các thí-sinh lại phải xách tạ lại. Nếu đi trụt một, hai thước cũng bị đánh hỏng. Sở dĩ có kỳ thi này là phòng thi gian.

Trong kỳ phúc-hạch khoa này có ông Bùi-duy-Thiện, quán làng Hòa-mã tỉnh Hà-Nội, vì ốm nên xách tạ bị trụt ; quan trường phải làm sớ tâu lên. Ông bị gọi và kinh thi lại trong một ngày, nhưng sau cũng lấy đỗ vào hạng cử-nhân võ.

Kết quả khoa này chỉ được có 34 võ-cử-nhân ghi tên hổ bảng. Bảng bằng phên cót, sau lưng có vẽ con hổ. Quan trường vì thương trong bọn thí-sinh có nhiều người tài, nên lấy đỗ thêm 80 người nữa và ban cho áo mũ hẳn-hoi nhưng sau sớ tấu về kinh 80 ông cử này lại bị bác và bị tỉnh thần ở nguyên quán, theo tờ sức đòi lại áo mũ. Mỗi người lại phải trả 12 quan tiền, là tiền giặt áo ban nữa. Vì có sự này nên trong số 80 ông cử trượt ấy, người thì phẫn uất mà chết vì đã khao vọng cả, người thì bất-đắc-chí mưu-đồ làm việc khuấy nước chọc trời.

Thế là khoa mậu-dần chỉ có 34 võ-cử-nhân. Nhưng làm nên đường quan cũng ít. Mà đến nay cũng không mấy người còn sống. Duy còn lại một cụ năm nay đã 91 tuổi 5. Nhờ thế chúng tôi còn ghi được tên ít nhiều vị võ-cử-nhân hoặc xuất-chính, hoặc có ra tòng quân dưới triều Tự-Đức.

Bảng khoa Mậu-dần có các vị này :

- Thủ-khoa : Nguyễn-Kỳ quán tỉnh Quảng-Bình.

- Á-nguyên : Nguyễn-hữu-Hiển, quán tỉnh Hà-Đông.

- Nguyễn-đình-Trọng, tức Cử-Tốn, quán Hà-Nội hàm chưởng-vệ còn sống.

- Nguyễn-kế-Định, tức Cử-Thiện.

- Nguyễn-Long tức Phó-bảng Long. Sau thi-hội là đến Thủy-vệ quản cơ, hồi quân Pháp hạ thành Hà-nội (Nhâm-ngọ 1882).

- Tạ-đình-Kiên, quán Ngọc-Hà, Hà-Đông. Sau đi quân-thứ bị chết.

- Nguyễn-tiến-Lâu, làm đến Lãnh-binh, Sơn-Tây.

- Nguyễn-hữu-Dũng, sau thi Hội đỗ Phó-bảng.

- Nguyễn-tiến-Lãng, quán Khúc-Thủy, Hà-Đông.

- Nguyễn-tiến-Điên, quán Khúc-Thủy, Hà-Đông.

- Nguyễn-khắc-Sự, quán Nghệ-An, làm đến Vệ-úy.

- Nguyễn-văn-Thúy, quán Cổ-Liêu, Hà-Nam.

- Đinh-đình-Kinh, 53 tuổi mới đỗ, làm đến Lãnh-binh Hà-Nam.

- Lê-văn-Danh, quán Đa-Sĩ, Hà-Đông, sau phải cách.

- Nguyễn-văn-Nhân, quán Thanh-Trì, Hà-Đông.

- Bùi-duy-Thiện, quán Hòa-Mã, Hà-Nội (phải thi lại), làm đến Lãnh-binh Dịch-Lâm (Bãi-Sậy), Hưng-Yên, sau bị chết.

- Trương-văn-Bằng, quán Hà-Khẩu, Hà-Nội, do chân đội tuần xuất, đỗ rốt bảng.

Trên đây là phương danh mấy vị võ-cử do một cụ trong bảng ấy còn sống cho chúng tôi biết tên. Còn thì lâu ngày, cụ quên cả không nhớ hết. Mong rằng ngài nào là con cháu các cụ võ-cử khoa ấy hoặc đính chính, hoặc kê cứu thêm cho.

Sau khoa Mậu-dần ở Hà-Nội, chỉ còn một khoa võ-hương thi vào năm Kỷ-mão (1879) nữa thôi. Nhưng ở kinh còn hai khoa võ hội-thi nữa.

Thời gian qua, việc thi-võ này đã tiêu diệt, không mấy khi được nhắc-nhở trong trí nhớ người ta. Vài ông võ-cử trên bảng võ hai khoa Mậu-dần (1878) và Kỷ-mão (1879) đến nay chỉ còn lác-đác như sao sớm lưa-thưa.
3) KHOA VÕ HỘI-THÍ NĂM CANH-THÌN (1880)

Ở Huế còn hai khoa thi Hội về ngạch võ nữa.

Năm Canh-thìn (1880) niên hiệu Tự-Đức thứ 33, mở khoa thi Hội cả văn lẫn võ tại Kinh-đô Huế.

Số thí-sinh ứng cử có tất cả 1.000 võ cử-nhân và 1.000 thí-sinh tam-trường. Trong khi thi và trước ngày thi, các thí-sinh đều được nhà nước cấp cho lương ăn ở kinh, mỗi xuất được hai hộc lương và hai quan tiền.

Chương-trình thi Hội đại khái như thi Hương, nhưng chỉ khác là gia nặng hơn vài bậc. Ví dụ như ta nặng hơn, chạy dài, súng bắn đích để xa hơn, v.v… Ai được trúng cách thi Hội mới được vào Đình đối.

Trước khi vào thi Đình phải nộp đơn nói rõ đã học đủ thập bát ban võ nghệ, binh-thư, binh-pháp, nay tình-nguyện vào Đình-thí.

Còn những thí-sinh có đơn nói rõ « vô hữu thức tự » (không biết chữ), không học binh-thư, thì gọi là phó trúng-cách mà lấy vào hạng Phó-bảng.

Chính trúng-cách mà hỏng Đình-thí thì phải thoái-hồi cử-nhân.
a) Đình-thí

Thi luôn trong một ngày ở điện Thái-hòa, chỉ có độ mươi phút nghỉ là lúc nhà vua ban cho ăn uống. Khoa ấy đức Dực-Tôn se mình, nên có quan Khâm mệnh chủ-khảo và các quan giám-khảo hội-đồng chấm ở điện Thái-hòa. Các bài thi gồm có :

- Thập bát ban võ-nghệ : Phải đi đủ cả 18 thứ binh-khí, dùng binh-khí thật ; sai một bài cũng bị đánh hỏng.

- Đấu quyền : Thí sinh phải đấu với năm người lính ngự-lâm do quan trường đã tuyển ra. Phải đấu cho kỳ thắng được 3 người mới có điểm ưu-bình ; chỉ thắng được hai : hỏng ! Những lính ngự-lâm mà thua các thí-sinh thì phải phạt lương trong 9 tháng. Vì thế họ đều hết sức trổ tài ra đấu.

- Đấu roi, đấu côn : Cũng đấu với năm người lính ngự-lâm như trên.

Sau ba kỳ này thiện dụng binh khí nào thì dùng thứ ấy ra đấu với năm người lính ngự-lâm : thắng ba mới đỗ.

Qua các kỳ trên là giời sẩm tối. Nhà vua có ban yến (cơm rượu). Trước khi ngồi vào mâm các thí-sinh đều làm lễ tạ ân.

Ăn xong, các thí-sinh vào kỳ đối sách. Mỗi thí sinh phải làm một đầu bài. Đại để khoa ấy hỏi về Tôn Ngô binh-pháp, Binh-gia yếu lược, Võ-kinh, Võ lược, những trận lớn của các danh tướng xưa.

Trong khi đối-sách, thí sinh nào viết chậm thì đã có thư ký đằng-lục viết hộ.

Đối-sách xong, lại phải sát-hạch lại bằng cách thi bắn. Mỗi người phải bắn 9 phát, phải trúng đích ít ra là 3 phát. Kỳ này gọi là Phúc hạch cửu phục để phòng thi gian.

Khi các quan trường xét các phân số có ưu-bình mới tâu lên nhà vua xin châu phê lấy đỗ.
b) Ngày truyền lô

Một viên quan trong ban giám khảo, áo mũ tề-trỉnh, bưng bảng có vẽ rồng, ngồi trên bành voi, dịch loa mà xướng danh từng tên người đỗ một.

Truyền lô xong, người ta rước bảng rồng ấy ra niêm-yết ở Phú-văn-lâu để thiên hạ cùng biết.

Các ông tân khoa đều được ban một cái mũ, một áo bào màu lam. Rồi do quan trường đưa vào điện Thái-Hòa, bái mạng, tạ ân, dự yến.
c) Lệ bản triều

Các Tạo-sĩ cũng được ban cờ biển và cho về vinh-quy ba tháng.

Tân-khoa được phép dùng trạm di dịch từ kinh về tận nguyên quán. Khi gần đến tỉnh mình còn cách ba cung trạm, thì quan Tổng đốc và quan Đề-đốc bản tỉnh tuân theo giấy sức trong Bộ, phải mang binh lính voi ngựa ra ngoài ba cung trạm đón tiếp nhà Võ tân-khoa (chỗ này khác với văn tiến-sĩ).

Hết hạn ba tháng, Tạo-sĩ được sơ bổ ra làm quan thụ hàm ngũ phẩm cai đội ; nhưng sáu tháng sau thì được thăng lên một trật. Phó bảng phải một năm rưỡi.

Con các quan võ cũng được tập ấm như bên văn. Lệ định : Con quan võ từ ngũ phẩm trở lên gọi là Anh-danh ; từ ngũ-phẩm trở xuống gọi là Giáo dưỡng. Họ được khai vào học trường võ bị ở kinh và ăn lương nhà nước.

Những quan võ, do chân khoa mục xuất thân, khi ra làm quan mới được có hai chữ tinh-binh, cấm-binh (cũng như văn : Hàn-lâm).
d) Có một điều lạ

Theo lệ đã định, hễ quan văn mà cải sang quan võ thì người cha phải phạt 50 quan tiền ! Còn quan võ đổi sang quan văn thì người cha lại được thưởng 50 quan tiền. Quan võ muốn cải sang bên văn phải tốn sụt một trật lúc đi cung chức ; nhưng trong những lúc triều-hội thì vẫn theo phẩm cấp mà đứng vào ban.

Xem thế đủ biết nước ta vẫn sùng-văn, không thượng-võ, cho nên thế gian có những câu :

« Văn thì cửu phẩm đã sang,

Võ thì tứ phẩm còn mang gươm hầu ».

Và : « Quan văn mất một đồng tiền,

Làm cho quan võ mất quyền quận công ».

Nhưng xét ra văn và võ đều đáng trọng cả. Trong khi quan văn cai-trị thu xếp ở trong cũng cần phải có quan võ uy-trấn chỗ biên-giới thì nước mới bình-yên được.

Khoa Canh-thìn (1880) có tất cả 15 ông Phó-bảng (khoa này không có ông nào đủ phân số đỗ Tạo-sĩ). Mà một sự lạ : từ khi bản triều khai khoa-võ, không có một người Bắc-Kỳ nào đỗ Tạo-sĩ cả.

*

Dưới đây, xin lục đăng những quý-tính phương-danh các vị đại-khoa khoa ấy, do một cụ đã dự-thi cho biết 6. Vì lâu ngày nên không đủ và tên họ sợ có sai lầm, mong rằng những ngài nào là con cháu các cụ sẽ đính-chính cho :

- Nguyễn-viết-Ký, quán là Quất-Động, làm đến lãnh-binh Hải-Dương hưu-trí thăng hàm đề-đốc.

- Nguyễn-Long, quán Gia-Định, Nam-Kỳ, ngụ Hà-Nội, là con giai quan suất-đội Nguyễn-văn-Nghĩa, cháu quan Nam-thiên thượng-trấn tổng-trấn Nguyễn-văn-Luận, làm thủy-vệ quân-cơ hồi quân Pháp hạ thành Hà-Nội năm Nhâm-Ngọ (1882) sau quyền-nhiếp phủ Đa-Phúc, đi giám-sát trường Nam, có sự bất-đồng với quan Chủ-khảo xin cáo hồi. 7

- Nguyễn văn Thảo, quán làng Đông-Phù, huyện Thanh-Trì làm đến Vệ-úy phấn-nghĩa ở kinh.

- Võ-hữu-Hùng, quán làng Phú-Diễn, phủ Hoài-Đức, tỉnh Hà-Nội (nay thuộc Hà-Đông) làm đến Đốc-binh quân-thứ Sơn-Tây.

- Nguyễn-Hữu-Dũng, quán làng Hạ-Trì, phủ Hoài-Đức, làm đến Phó quản-cơ Hải-Dương.

- Phạm-văn-Duệ, quán huyện Tiên-lữ, Hưng-Yên (là con ông Phạm-văn-Tài, Lãnh-binh Hưng-Yên) làm đến suất-đội tỉnh Tuyên-Quan rồi mệnh-cố.

- Phó-bảng Khiển, không nhớ họ, người làng Lạc-Chính, Ý-Yên, Ninh-Bình, nay thuộc Nam-Định, làm chức đốc-binh sau tử-trận trong thành Nam-Định.

- Phó-bảng Trường : Người phố hàng Tre Hà-Nội

- Phó-bảng Dụ : Người phố hàng Tre Hà-Nội.

Còn sáu vị nữa vì lâu ngày nên không sao biên được hết. Mong rằng các bạn ưa khảo-cứu sẽ bổ-túc thêm cho.

Trong bảng này có hai ông đại-khoa có chân Anh-danh.

TIÊN-ĐÀM

Tri-Tân số 5

Ngày 1-7-1941.
4) NGHỀ

a) Học nghề

Cha mẹ ai cũng muốn gây dựng cho con, nhưng ngày xưa, không phải gia đình nào cũng có thể cho con đi học, rồi đi thi, dù học văn hay học võ. Bởi vậy, phần lớn các gia đình bình dân đều cho con theo một nghề-nghiệp, nếu có cho con đi học thì cũng chỉ mong sao con biết năm ba chữ, và nói theo các cụ, biết ba chữ ký, rồi đứa trẻ sẽ nghỉ học để đi học nghề.

Từ xưa ta đã quan niệm nghề trong tay là quan trọng, và con người sang hèn cũng cần phải có một nghề. Ta có câu : Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay và sách cũng có chữ rằng :

« Vạn khoảnh lương điền

Bất như bạc nghệ ».

Nghĩa là : « Một vạn mảnh ruộng tốt

Không bằng một nghề bạc ».

Ngay trong các sách giáo khoa dạy trẻ cũng có những bài khuyên con người phải quý trọng nghề nghiệp của mình :

« Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, 8

Ai ơi phải quý nghề mình mới nên.

Hoặc buôn bán, hoặc thợ thuyền,

Nghề gì cũng sẽ làm nên sang giàu ! »

Qua các điều trên ta thấy rằng nếu dân ta trọng văn học, quý võ nghiệp, thì đối với các nghề-nghiệp khác không phải là không có sự quý trọng.

Bởi vậy, không riêng gì giới bình dân, cả giới trung lưu, đôi khi cả hạng trí thức, khi thấy con cái học hành không thể đến nơi đến chốn được, các bậc làm cha mẹ, quan tâm đến tương lai của chúng, không ai có thể thờ ơ trước sự tạo dựng cho con một nghề nghiệp.
b) Tập nghề

Nước ta, trước đây không có những trường dạy nghề, các thợ thuyền không phải đào tạo ở các lớp học nghề ra như ngày nay có những trường công nghệ, trường kỹ thuật, và các lớp dạy nghề của của Bộ Lao-động tại nhiều tỉnh.

Muốn tập nghề, đứa trẻ phải theo học một người thợ, phải đến ở hẳn nhà người thợ, hoặc không thì cũng phải ở suốt ngày ở nhà người thợ, theo người này đi làm từ sáng đến tối mới về nhà mình.

Thường thường những người thợ cùng chung một nghề, họp nhau thành một bọn, người đứng đầu một bọn là Phó Cả. Người Phó Cả thường là người đứng tuổi, ít nhất cũng vào khoảng bốn chục tuổi trở ra, có kinh nghiệm về nghề nghiệp, lại khéo léo trong việc giao thiệp để nhận lĩnh công việc làm cũng như trong việc điều khiển các thợ bạn.

Chính người Phó Cả này thường nhận các em nhỏ tập nghề, các em nhỏ phần nhiều là con những người quen biết, hoặc người cùng làng cùng xóm. Bắt đầu từ ngày tập nghề, các em nhỏ được gọi là Phó Nhỏ.

Nếu Phó Cả hành nghề ngay tại nhà mình các Phó Nhỏ, thường chỉ một hai em là nhiều, phải đến nhà Phó Cả để học-nghề. Ở đây ngoài công việc về nghề nghiệp, Phó Nhỏ nhiều khi phải làm cả những công việc nhà của Phó Cả, như thổi cơm, nấu nước, quét tước nơi làm việc, v.v… Trong khi học nghề, Phò Nhỏ được Phó Cả nuôi ăn, nhưng phải chịu mọi sự sai phái của Phó Cả cũng như của tất cả các thợ đàn anh, nhất là những sự sai phái liên-quan tới nghề nghiệp. Thí dụ : học nghề thợ mộc, các em Phó Nhỏ phải khiêng gỗ, học nghề thợ rèn, các Phó Nhỏ phải kéo bễ, học nghề thợ nề, các Phó Nhỏ phải khuân gạch, bưng vữa, v.v… Vừa làm lụng, các em vừa tập tành học nghề mình do Phó Cả hoặc thợ bạn đàn anh chỉ dẫn.

Nếu Phó Cả nhận việc ở nơi khác, Phó Nhỏ cũng như các thợ bạn phải theo Phó Cả tới làm việc tại chỗ. Ở nơi đây, Phó nhỏ cũng phải chịu sai phái của Phó Cả trong mọi việc, từ việc rót nước đến công việc liên quan tới nghề nghiệp.

Phó nhỏ cứ theo học nghề như vậy cho tới khi thành nghề, đã tự mình có thể làm được những công việc do Phó Cả giao cho như những thợ bạn khác. Lúc ấy, bắt đầu Phó Nhỏ được Phó Cả trả một số tiền công tùy theo công việc của mình cũng như các thợ bạn.

Trường hợp các Phó Nhỏ nói trên là những em đi học nghề khác nghề của cha mẹ ; bên những Phó Nhỏ này, có những Phó Nhỏ là con của Phó Cả, hoặc con của các thợ bạn. Những Phó Nhỏ này ngày ngày theo cha, hoặc nếu cha làm việc ở nhà vừa học nghề vừa làm công việc trong nhà. Các em cũng phải tập tành, và cũng phải siêng năng chịu sự sai phái của các thợ bạn của cha. Dù là con Phó Cả hay là em nhỏ tới học nghề, các Phó Nhỏ muốn nghề được tinh đều phải siêng năng chịu thương chịu khó học hỏi mới hiểu biết hết những cái hay của nghề mình.

Thành nghề rồi, các em học nghề muốn ở lại làm việc trong bọn thợ của Phó Cả hay đi làm riêng tùy ý, nhưng thường thường bao giờ các em cũng ở lại một thời gian khá lâu, có khi tới lúc người Phó Cả mệnh chung hoặc vì già yếu không làm việc được nữa, bọn thợ có người một người lên thay, lúc đó em có thể hoặc ở lại hoặc đi làm việc với một bọn khác.

Trên là nói đến những nghề thủ công, nhưng trong các nghề khác cũng vậy. Người đi buôn thường cho con cái mình đi theo để học buôn bán. Tại các hiệu buôn lớn ở thành thị, có những em nhỏ tới tập buôn bán cũng không khác gì những Phó Nhỏ tập nghề với các Phó Cả. Trong nghề buôn bán, tuy vậy, các lái buôn thường chỉ truyền nghề cho con cháu, họa hoằn lắm mới có người nhận con người khác tới học việc ở cửa hàng mình.

Trong việc tập nghề, sự thành công hay thất bại phần lớn do sự thông minh của các trẻ em, các em tự tìm hiểu lấy nhiều, thấy các người lớn làm sao phải chú ý làm theo, sự chỉ dẫn của người lớn chỉ góp một phần vào trong sự thành nghề của các em, chỉ những bậc cha mẹ truyền nghề cho con mới đem hết tâm trí bắt buộc con phải tập tành.

Cũng là học nghề, nghề bốc thuốc của các vị lương y phải cần một sự chỉ dẫn cặn kẽ từ sự nhận mặt các vị thuốc đến cách bốc thuốc theo đồng cân đồng lạng, lại còn cách chẩn mạch xem bệnh. Những vị lương y đào tạo được một học trò kế nghiệp mình thật công phu, và kẻ học nghề cũng phải công phu, lại phải có một cái vốn văn hóa tối thiểu để có đọc nổi tên các vị thuốc, hiểu các bài thuốc, nhất là hiểu các dược tính của mỗi vị thuốc.

Những nghề thầy cúng, thầy số kẻ học nghề cũng cần biết chữ. Thường các thầy cúng truyền nghề cho con. Mỗi thầy cúng thường có một ngôi điện tại gia, những người cần cúng vái thường đến cúng tại điện này, và ngôi điện chính là nguồn lợi của thầy cúng.

Các thầy số, thầy xem chân giò, thầy tướng, v.v… muốn thành nghề cũng phải biết chút ít chữ nghĩa và cũng phải có sự chỉ dẫn của một người biết nghề.

Cũng có những nghề, không cần phải tập nghề, lúc cần chỉ cần đi theo những người đã hành nghề trước một đôi lần, học hỏi kinh nghiệm của họ là thành nghề : nghề mò cua bắt ốc, nghề kiếm củi, v.v… Tuy không cần tập nghề nhưng cũng cần học hỏi những kinh nghiệm của nghề để tránh những tai nạn rủi ro, và để sự hành nghề có kết quả. Mò cua bắt ốc phải biết đâu là hang cua, chỗ nào nhiều ốc, và biết tránh hang rắn độc. Nghề đốn củi phải hiểu cây nào làm củi tốt, cành nào dễ đốn, v.v…

Có những nghề, con cứ sống với cha mẹ, lớn lên, cha mẹ làm con cũng làm rồi thành nghề. Tỷ như nghề thuyền chài, cả gia đình sống trong một chiếc thuyền, sáng sáng ra sông, ra biển đánh cá thả câu, các em đến một tuổi nào, tự nhiên sống trong hoàn-cảnh của cha mẹ rồi cũng thành thuyền chài biết nghề đánh cá buông câu, hoặc như nghề làm ruộng, cha mẹ làm ruộng, con cũng theo nghề của cha mẹ.

Lại có những nghề, các ông thầy chỉ truyền cho một hai người học-trò, như nghề địa lý. Học nghề này không phải ai cũng đạt được, phải có con mắt đặc biệt để hiểu cũng là mặt đất chỗ nào là nước chỗ nào là núi, chỗ nào là tay long, chỗ nào là tay hổ, chỗ nào có huyệt tốt, chỗ nào là huyệt xấu, lại biết sử-dụng địa bàn, biết tróc long tầm mạch, v.v…

Tóm lại, muốn thành nghề nhiều ít, đều phải có sự tập nghề. Thành một người thợ giỏi hay không, chính là do sự tập nghề có chuyên tâm chú ý hay không mà nên vậy.
c) Nghề nghiệp ở nước ta

Qua những trang trên về tập nghề, chúng tôi đã nhắc tới một số nghề nghiệp của ta xưa. Nghề nghiệp của ta, trước đây được xếp theo bốn thành phần dân chúng là SĨ, NÔNG, CÔNG, THƯƠNG, nhưng trong mỗi thành phần này, nghề nghiệp lại có nhiều ngành khác nhau.

Trong hạng SĨ có NHO, Y, LÝ, SỐ. Nho là những người theo văn nghiệp hoặc thành đạt hoặc không, nhưng sống theo nghiệp văn. Thành đạt là hạng ông Nghè, ông Cử, đỗ đạt và nhờ sự đỗ đạt được Triều đình bổ dụng vào hàng quan lại hoặc các chức vụ khác trong đất nước. Những người này phải dùng đến ngòi bút của mình trong khi hành nghề. Đây là những người đứng đầu hàng Nho. Có thể là những người trong ngành hành chánh từ tri huyện, tri phủ trở lên cho đến hàng tỉnh quan như Bố Chánh, Án Sát, Tuần Phủ, Tuần Vũ, Tổng Đốc, hoặc có thể lên cao hơn nữa vào hàng Thượng Thư hàng Tứ Trụ tại Triều đình ; cũng có thể là những người được bổ vào ngành học quan như Huấn-Đạo, Giáo Thụ, Kiểm Học… Sau hàng trên là các ông đồ, học hành nhiều, nhưng số phận lận đận, thi hoài mà chỉ lảo đảo trường ốc, công không thành, danh không toại, đành mang cái sở học về nhà dạy trẻ. Cũng phải kể vào hàng Nho các ông Tú, ông Khóa, và cả một số các nhà nho, sinh nhai bằng ngòi bút, nhưng không dạy trẻ, mà bán chữ bằng cách nghĩ và viết những đối trướng, những bài văn viếng, văn tế, văn mừng, văn chúc, v.v… Ta gọi những người này là những người nghĩ thuê viết mướn. Trong những người này, có những người có vốn liếng mở cửa hàng đối trướng để bán chữ.

Còn nhiều hạng NHO, có hạng được xã hội trọng vọng, tháng ngày ngâm thơ đọc phú, ở xã thôn giữ những chân đàn anh trong làng, cũng có hạng Nho bị xã hội khinh rẻ, như những người làm nho làm lại tại các huyện đường, phủ đường, tỉnh đường, v.v… tóm lại tại các công môn dùng chữ nghĩa để bày đặt đơn từ xui nguyên dục bị, dùng chữ nghĩa để ăn không nói có, v.v… Hạng nho này mọi người đều ghê tởm, và ta đã có câu : « Một đời làm lại làm hại mười đời ».

Các cụ cho rằng làm nghề nho lại tổn phúc đức, di hại đến con cháu.

Ở phủ Gia-Lâm, tỉnh Bắc-Ninh trước đây, có làng Thổ-Khối, dân làng có nhiều người làm nghề nho, lại. Lẽ tất cũng có người đứng đắn lấy nghề nho lại làm kế sinh nhai, không bày điều đặt truyện làm hại ai, nhưng vì thành kiến của người đời đối với nghề nho lại, nên đành chịu mang tiếng lại. Ta lại còn có thành kiến, khi nào có kẻ nho lại tới nhà chẳng tai này cũng vạ khác, và trù ếm nhau người ta thường cầu cho nho lại sẽ tới nhà kẻ người ta ghét. Tục ngữ có câu : « Nói dối Thổ-Khối tới nhà ». Đây là một câu trù ếm, vì Thổ Khối tức là những ông nho lại quán làng Thổ Khối.

Sau hạng Nho, trong Sĩ là Y. Y là nghề làm thuốc, thầy thuốc chẩn mạch xem bệnh cho đơn hoặc bốc thuốc theo đơn. Muốn học nghề thuốc cần phải thông chữ nho.

LÝ xếp hàng thứ ba trong hàng Sĩ. Đây là những thầy địa lý xem mạch đất đặt mồ mả hoặc đặt hướng nhà, v.v… Lý còn gồm những người dùng kinh truyện đoán mọi việc cho người khác.

Cuối cùng trong hàng Sĩ là SỐ, gồm các thầy bói toán đoán số mệnh của mọi người. Số cũng chia làm nhiều nghề khác nhau : xem bói dịch, đoán tử vi, xem tướng, xem chiết tự, v.v…

Hạng Sĩ với bốn ngành Nho, Y, Lý, Số đứng đầu tứ dân.

NÔNG là hạng thứ hai trong tứ dân. Nông là nghề làm ruộng. Dân ta quý Sĩ thì cũng quý Nông và tuy nhất Sĩ nhì Nông, nhưng cũng có khi Nông hơn Sĩ. Ta có câu : « Nhất Sĩ nhì Nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ ». Tuy NÔNG là làm ruộng, nhưng phải gồm trong nông tất cả các ngành có liên quan tới ruộng đất, đó là NGƯ, TIỀU, CANH, MỤC.

NGƯ là nghề đánh cá, nhưng phải kể cả những nghề khác dính dấp ít nhiều tới cá như muối cá, làm mắm, v.v… Cá ở trong ruộng mà ra, do đó, ngư xếp trong hạng nông.

TIỀU là nghề đốn củi đốt than.

CANH là nghề trồng trọt như làm ruộng, trồng rau, trồng cây lấy trái. Nghề tầm tang cũng xếp vào canh. Ngoài ra cũng xếp vào canh tất cả các nghề khác vì sử-dụng hoa màu như nghề hàng sáo, hoặc liên quan tới trồng trọt như nghề chế hóa trà, ủ nấm, v.v…

MỤC là nghề chăn nuôi súc vật dùng trong việc canh nông cùng các súc vật khác.

Sau hạng NÔNG là đến hạng CÔNG gồm tất cả các thợ thuyền. Có thể xếp thợ thuyền ra từng loại tùy vật liệu sử-dụng, vật liệu căn cứ theo ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ :

- Sử-dụng kim liệu có các thợ kim hoàn, thợ rèn, thợ đúc đồ đồng…

- Sử-dụng mộc liệu có các thợ mộc, thợ tiện, thợ chạm, thợ đan rổ rá nong nia, v.v…

- Về thủy có nghề chở đò.

- Về hỏa có các nghề đốt than, nghề rèn, nghề đúc.

- Về thổ có các nghề thợ nặn, thợ đất đấu, thợ nung vôi, thợ làm gạch, thợ hồ, v.v…

Phân chia theo ngũ hành chỉ là một sự phân chia tương đối các nghề nghiệp, thật ra có những nghề vừa dùng hành này lại vừa cần đến hành khác. Thợ kim hoàn dùng kim liệu nhưng cần đến lửa ; thợ nề dùng thổ liệu nhưng lại cần đến thước, v.v… Lại có nghề không thể xếp vào hàng nào được như nghề đồ-tể chuyên mổ thịt trâu bò lợn, nghề hát xướng, v.v…

Cuối cùng trong tứ dân là THƯƠNG, chỉ những người buôn bán, mua chỗ này bán chỗ khác, đi xa về gần hoặc buôn bán tại chỗ. Có những đại thương, mở hàng buôn lớn, buôn tàu bán đò, có những tiểu thương chỉ buôn bán nhỏ, lời lãi chẳng bao nhiêu. Lại có những người buôn thúng bán mẹt, quang gánh bán hàng, tuy gọi là đi buôn, nhưng chính là dùng sức lao động đổi bát mồ hôi lấy bát cơm, mua hàng của người ở nơi này, gánh đi bán nơi khác, tiền lời lãi chỉ vào tiền công, và ta hằng nói lấy công làm lãi.
d) Cha mẹ với việc gây dựng cho con cái

Cha mẹ ai cũng muốn cho con cái hay, và trong việc gây dựng cho con cái, các người thường mong mỏi con cái sẽ hơn người, nhưng sự mong mỏi của các người cũng còn tùy hoàn cảnh, tùy địa vị xã hội của mỗi người và nhất là tùy ở sự thông minh, ở khả năng của đứa nhỏ. Bởi vậy sự lựa chọn cho con cái một nghề cũng còn tùy thuộc nhiều yếu tố mà chính cha mẹ không thể có đủ được. Dù sao, cha mẹ ai cũng muốn kén chọn cho con một nghề lương thiện, không hại tới phúc đức, và do đó trong khi hành nghề không hại tới người khác.

Có những nghề, không cha mẹ nào muốn lựa cho con như nghề làm lại đã trình bày ở trên. Ngoài ra, tục ngữ ta có câu : « Bé đi câu, lớn đi hầu, già làm khách nợ ».

Ba nghề : đi câu, đi hầu và làm khách nợ là những nghề không bao giờ cha mẹ khuyên con cái nên làm, những nghề này bị xã hội Việt-Nam ta ngày xưa khinh bỉ.

Đi câu, có thể hiểu là câu cá, nhưng là câu vụng trộm trong hồ ao người khác, nghĩa là ăn cắp. Và cũng thể hiểu đi câu là câu gà vịt, đơm lợn, nghĩa là đi lấy không gà vịt lợn của người khác.

Đi hầu là đi hầu hạ người khác, nhưng ý chính có lẽ là đi làm mõ, tức là làm kẻ chịu sai phái của cả làng. Hơn nữa đi hầu, dù không phải làm mõ cũng làm nghề hạ tiện, người đi hầu phải chịu sai bảo, phải nịnh bợ kẻ sai bảo mình.

Đi làm khách nợ tức là đi đòi nợ thuê, một nghề rất vô nhân đạo ở xứ ta, vì kẻ đi đòi nợ thuê thường đến nhà các con nợ thằng thúc hạch sách, nằm lỳ ở nhà những người này, bắt buộc những người này phải cầm đồ đạc để cung phụng cho hắn và để trả nợ.

Ngoài các nghề trên bị xã hội Việt-Nam khinh rẻ, còn một nghề nữa không những bị xã hội coi thường, mà kẻ hành nghề này còn để lại ảnh hưởng tai hại, đến con cháu, ảnh hưởng trực tiếp, không phải ảnh hưởng về phúc đức như các nghề thất đức. Đây là nghề hát xướng đàn địch, các cụ mệnh danh là « xướng ca vô loài », mà ngày nay chúng ta gọi tôn trọng là nghệ sĩ là ca sĩ, và hát xướng là làm nghệ thuật.

Tại sao tổ tiên chúng ta lại coi nghề hát xướng là xướng ca vô loài ? Xin thưa, dân tộc Việt-Nam chúng ta là một dân tộc tôn trọng đạo đức, mà trong đạo đức thì luân thường đứng đầu. Giữ vững luân thường thì vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè phải có thứ vị, vua là vua, bày tôi là bày tôi, cha là cha, con là con… không thể có sự đảo lộn được. Vợ không thể ngồi để chồng quỳ lạy, con không thể ngồi để cha quỳ lạy, em không thể ngồi để anh quỳ lạy… và hơn nữa chồng không thể gọi vợ là mẹ, cha không thể gọi con là vua… Tất cả những cái đó là vô luân, và việc vô luân này lại hằng ngày diễn ra trong các ban hát : con đóng vai vua, cha đóng vai bày tôi quỳ lạy, anh em ruột đóng vai đôi vợ chồng, và vợ chồng lại đóng vai mẹ con hoặc cha con. Như vậy luân thường không còn nữa dù chỉ là trong một lúc trình diễn, và điều này xã hội đạo đức Việt-Nam không thể chấp nhận được. Do đó, họ bị coi là vô loài và họ đã bị xã hội tước đoạt rất nhiều quyền lợi không những riêng cho họ mà đến cả con cháu đến ba đời : Ba đời con cháu không được đi thi, và ở chốn hương thôn thì đến ba đời cũng không ai bầu cho con cháu những người làm nghề hát xướng vào các chức vụ lãnh đạo dân làng.

Quan niệm trên, có lẽ chúng ta thấy quá hẹp hòi đối với giới ca nhạc ngày xưa. Theo sử sách Ông ĐÀO-DUY-TỪ chỉ vì cha làm quản giáp, nghĩa là đứng đầu các nhạc sĩ trong một bọn xướng ca mà không được ứng thí tại miền Bắc với vua Lê, đã phải vào Nam lập công với chúa Nguyễn.

Quan niệm trên quả thật có hẹp hòi, nhưng vì vấn đề đạo đức, vấn đề bảo tồn thuần phong mỹ tục và nhất là vì ý thức luân lý cần thiết để tự vệ tự tồn, tổ tiên chúng ta bó buộc phải duy trì sự hẹp hòi này. Vả chăng, xưa kia chính giới xướng ca đã tạo ra nhiều ảnh hưởng không đẹp đối với mọi người cũng như đối với ngay chính họ. Họ đã tự có những mặc cảm nguy hại là chính họ không đứng đắn, bị coi rẻ, và từ mặc cảm này họ đã có những hành động giảm nhân cách trong cuộc sống và đã nhiều khi họ bừa bãi để đi đến tội lỗi. Những tội lỗi này bắt đầu từ hoàn cảnh giả tạo trong lúc trình diễn để dần đi đến sự thật. Những điều xấu xa của họ bị người đời ghê tởm, và thành kiến xướng ca vô loài càng ăn sâu vào đầu óc mọi người trong xã hội.

Ngày nay giới xướng ca đã được nâng lên hàng nghệ thuật được mọi người quý trọng, và ai ai cũng cố gạt bỏ thành kiến xướng ca vô loài cổ hủ của người xưa. Vậy mà đôi khi những truyện vô loài cũng đã xảy ra giữa giới xướng ca với nhau và đã làm đầu đề cho biết bao nhiêu bài báo. Tôi nhớ dưới thời Chính Phủ Ngô-Đình-Diệm, có một ông Bộ Trưởng họ Nguyễn, kiêm nhiều chức vụ lớn khác đã bị một nữ ca sĩ mê hoặc, rủ nhau đi Pháp, ông Bộ Trưởng lấy cớ đi công cán. Trong khi ở Pháp, hai người đã có những hành động rất bỉ ổi đến nỗi đến tai Ngô-Đình-Diệm. Khi ông Bộ Trưởng về nước, Diệm hỏi tới, ông đã trả lời : « Lạy cụ, vợ con mới chết ! » Việc này, sau ngày 1-11-1963 đã có báo nói tới.

Trong giới xướng ca, xưa các cụ còn liệt vào cả các cô đầu, dùng giọng hát, cung đàn nhịp phách để quyến rũ và mê hoặc bọn nam nhi. Đối với các cụ Bà, cô đầu là đầu mối mọi sự tan vỡ của các gia-đình :

« Lấy quan, quan cách

Lấy Khách, Khách về Tàu 9

Lấy nhà giàu, nhà giàu hết của ».

Dưới thời Pháp thuộc có nghề mật-thám cũng không cha mẹ nào muốn cho con theo đuổi và chính những kẻ làm nghề này cũng không muốn ai biết tới nghề-nghiệp của mình, khác hẳn với ngày nay, nhiều người không biết có đúng làm mật thám cho Mỹ không, nhưng vẫn vỗ ngực tự nhận mình là CIA, tức là mật thám Mỹ.

Gây dựng cho con cái là bổn phận của cha mẹ, và chính vì bổn phận này, cha mẹ bao giờ cũng thận trọng trong công việc lựa chọn nghề nghiệp cho các con.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3