Nếp Cũ Con Người Việt Nam - Chương 02: Sinh Con
CHƯƠNG 2 : SINH CON
Qua thành-phần về gia-đình, ta thấy rằng muốn trở thành cha mẹ phải có con. Con cái là mầm để nối-dõi tông-đường, bảo-tồn huyết-thống. Chính con cái sẽ giữ việc khói-hương phụng-thờ tiên-tổ, cúng giỗ, cúng Tết.
Ta có câu : « Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại », nghĩa là không có hiếu có ba điều thì không có con là nặng nhất. Người không con sẽ là người tuyệt-tự, huyết-thống tới người đó sẽ tắt, vì vậy tông-đường không ai nối-dõi, tiên-tổ không ai phụng-thờ.
Có tổ-tiên rồi đến ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình, đến lượt mình cũng phải sinh con để di truyền nòi-giống, tránh khỏi sự vô-hậu.
Người đàn ông lấy một vợ không có con, phải lấy vợ khác cho đến khi có con, con đây phải là con trai mới giữ được huyết-thống, giữ được dòng họ. Con gái trưởng-thành đi lấy chồng sẽ là con người ta.
Người đàn-bà, lấy chồng ai cũng mong có con.
Theo tục-lệ và luật-pháp xưa, lấy chồng không con là một tội, người chồng có thể vịn vào tội này để bỏ vợ được.
Trong bẩy điều theo luật xưa, người chồng có thể bỏ vợ được, tội không con đứng đầu, sau đó mới tới các điều khác, xin liệt-kê ra đây để bạn đọc cùng biết :
- Không con
- Dâm-dật
- Không thờ cha mẹ chồng
- Nhiều lời
- Trộm cắp
- Ghen-tuông
- Có ác-tật.
Không con là một tội nặng. Nhiều người đàn-bà không con để chiều chồng thường cưới vợ lẽ nàng hầu cho chồng, và cũng có nhiều trường-hợp vì muốn tránh điều mang tiếng không con, có thể bị chồng bỏ, có người vợ đã phạm tội thông-gian để mong có con, khỏi bị mang tiếng hiếm-hoi.
Và cũng lại có những trường-hợp, những người đàn-ông đã lấy năm bẩy vợ vẫn không có con, hiểu rằng không con là tự mình, nên đã cho vợ đi thả-cỏ, để cầu lấy chút con người làm con mình, nhờ thiên-hạ đúc cốt để mình tráng men. Có người tìm cưới làm nàng hầu những người có chửa sẵn.
Miệng thế xưa rất độc-ác đối với kẻ không con. Kẻ không con là cô-độc, cô-quả, lúc chết vong-hồn sẽ bị cướp cháo lá đa.
Tóm lại, việc sinh con tại Việt-Nam rất quan-trọng. Những cặp vợ chồng hiếm con tìm đủ mọi cách để cho có thể có con, đi cầu-tự, đi tìm ngải, trừ tà, chữa thuốc, v.v…
I. HIẾM-HOI
Không có con là hiếm-hoi. Theo quan-niệm khoa-học hiếm-hoi do cơ-quan sinh-dục bất-thường, có khi của chồng, có khi của vợ và cũng có khi do bệnh tật của một trong hai người, nhưng qua sự tin-tưởng và thói-tục của ta, sự hiếm-hoi có nhiều duyên-cớ về số phận cũng như về phúc-đức của hai bên phối-ngẫu, hoặc bị tà ma ám-ảnh.
1) SỐ PHẬN
Mỗi khi làm việc gì không nên hay gặp việc gì may-mắn ta thường cho là tại số.
Không con cũng là do số-mệnh, và sau khi đã tìm đủ mọi cách để tránh sự hiếm-hoi vẫn không sinh đẻ, hoặc chỉ hữu-sinh vô-dưỡng, người ta đành quy vào cho số mình. Trăm đường tránh chẳng khỏi số. Và người ta tin vào vận mình.
Hiếm-hoi cũng là một điềm quả-báo. Có lẽ kiếp trước người ta đã độc-địa nên kiếp này phải chịu cảnh cô-độc cô-quả trước miệng-tiếng thế-gian. Để chuộc tội, người ta phải tu-nhân tích-đức mong lòng thành thấu tới cửu-trùng-thiên, họa may Trời Phật có thương thay đổi cho số-mệnh, ban phát cho mụn con để tránh cảnh hiếm-hoi.
2) TIỀN-OAN NGHIỆP-CHƯỚNG
Chịu ảnh hưởng của Phật-Giáo, ta tin theo thuyết luân-hồi và đời sống của ta ngày nay chỉ là cái quả của những hành-động kiếp trước.
Hiếm-hoi là chịu sự trừng-phạt của tiền-oan nghiệp-chướng. Gặp cảnh này, chỉ có cách cầu cúng lễ bái, làm nhiều điều thiện, giải oan-nghiệp cho kiếp trước.
3) TÀ MA ÁM-ẢNH
Tục-lệ cũng tin rằng tà ma có thể ám-ảnh người, và gây nên cảnh hiếm-hoi, nhất là cảnh hữu-sinh vô-dưỡng. Đối với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, có đẻ mà chẳng có nuôi, ta thường hay nhắc tới những chuyện tiền thê tiền phu, nghĩa là người vợ kiếp trước đã có chồng, hoặc người chồng kiếp trước đã có vợ, nhưng đôi bên ngang trái không sống được cùng nhau trọn kiếp, cho nên kiếp này người chồng hoặc người vợ kiếp trước chưa đi đầu thai, còn theo ám ảnh.
Hoặc cũng có khi, người đàn-bà đã có người dạm hỏi trước nhưng duyên nợ không thành, người đó chết đi, nay vong-hồn luyến-tiếc theo ám-ảnh người vợ.
Và người chồng cũng vậy, có thể trước đã dạm hỏi một người nào, rồi chẳng may người đó mệnh-một, nay vong-hồn nghĩ đến tình-nghĩa, theo đuổi ám-ảnh.
Trong những trường-hợp này cần phải cúng để giải sự theo đuổi của vong-hồn người khuất. Ta thường tụng kinh siêu-độ cho những người này.
Cũng có khi tà ma do có kẻ nào thù hằn nhờ bọn thầy pháp sai-khiến ám-ảnh.
Những người hữu-sinh vô-dưỡng còn cho là bị giặc Phạm-Nhan quấy nhiễu, Phạm-Nhan là tên tướng Nguyên trước sang xâm chiếm nước Nam, bị giết chết, oan hồn còn theo đuổi dân Nam để hãm hại đàn-bà sinh đẻ.
Bị tà ma ám-ảnh cũng như bị giặc Phạm-Nhan quấy nhiễu, phải cúng trừ và phải có bùa yểm.
4) ĐÔI VỢ CHỒNG XUNG KHẮC
Trước khi vợ chồng lấy nhau ta thường so đôi tuổi, nếu gặp tuổi xung-khắc đôi bên cứ lấy nhau sẽ có thể gặp nhiều điều không may trong đời mà việc hiếm-hoi là một.
Để tránh sự hiếm-hoi trong trường-hợp này, thường khi theo số phải nuôi con nuôi, rồi mới sinh con đẻ. Cũng có khi số dạy người vợ cả phải cưới vợ lẽ cho chồng rồi mới có thể sinh con được, hoặc giả nếu không, người vợ lẽ sẽ sinh con thay-thế cho mình. Nhiều người vợ cả mong-mỏi có con đã không nghĩ gì đến sự ghen-tuông và chính tự mình đã cưới thiếp cho chồng.
Qua mấy lý-do trên nêu ra, ta không thấy nói gì đến sự bệnh tật của chồng hay của vợ, cũng như không nói gì đến sự thất-thường của cơ-quan sinh-dục của hai người. Tất cả lý-do nêu ra đều dựa vào lẽ thần-bí và một cặp vợ chồng nào hiếm-hoi, bao giờ cũng là lỗi ở vợ, tuy đôi khi cũng có lỗi ở chồng :
- Hoặc người vợ vì lẽ quả-báo mà không con.
- Hoặc người vợ vì lẽ tiền-oan nghiệp-chướng mà không con.
- Hoặc người vợ bị tà ma ám-ảnh, tiền-phu quấy rối.
- Hoặc người vợ xung-khắc với chồng.
Bởi các lẽ trên, nên người đàn-bà nào lấy chồng cũng mong-mỏi có con, và muốn cho được có con, nhiều người vợ đã chịu hy-sinh mọi mặt, kể cả tình yêu của chồng, trường-hợp cưới vợ lẽ cho chồng, kể cả tai-tiếng của mình, trường-hợp kiếm con bằng lối thả-cỏ.
Muốn có con, ngoài các việc cầu cúng, chiều chồng, người ta thường đi cầu-tự để xin con.
II. LỄ CẦU-TỰ
Lễ cầu-tự tức là lễ cầu thần thánh ban cho mình đứa con lập-tự về sau.
Xưa nay ta tin-tưởng ở thần quyền và thần thánh là những vị có thể trừng-phạt ta hoặc giúp đỡ ta về mọi phương-diện, kể cả việc cho ta một đứa con.
Người ta thường cầu-tự ở đình, chùa hoặc đền miếu, nhất là tại những nơi có tiếng là linh-thiêng như đền Và ở tỉnh Sơn-Tây thờ Tản-Viên Sơn thần, đền Kiếp-Bạc ở Hải-Dương thờ Hưng-Đạo-Vương, đền Phủ-Giầy ở Nam-Định thờ Liễu-Hạnh Công-chúa, và nhất là chùa Hương ở làng Yến-Vỹ, huyện Mỹ-Đức tỉnh Hà-Đông, nơi có thờ Phật Bà Quan-Âm.
Trong những ngày đi trảy hội các đền chùa này, ta thường gặp giữa đám khách đi lễ, một số các bà nạ-dòng đi cầu-tự. Các bà mang lễ vật tới đền hoặc chùa với một tấm lòng hết sức thành-kính.
Muốn đi cầu-tự, trước hết phải giữ mình cho thanh-khiết, phải ăn chay niệm Phật để tâm thành động tới quỷ thần. Phải tắm nước ngũ-vị để tẩy mùi xú-uế trần-tục. Phải kiêng ăn hành tỏi.
Tới đền chùa với đủ lễ vật gồm vàng hương, hoa quả, trầu rượu, xôi gà, trường-hợp đi chùa, không dùng đồ mặn, các bà đi cầu-tự lễ trước bàn thờ thần linh hoặc trước Phật-đài chỉ cầu xin một điều : xin Trời Phật Thần Thánh ban cho một mụn con trai.
Tại chùa Hương, nơi chùa Hang thiết-lập trong động, có nhiều tảng đá nổi lên, trông hình như các em bé. Khách trảy hội cầu tự tới xoa đầu các em bé đó, rủ về với mình. Nhiều tảng đá trông nhẵn thín như đầu trọc của các em bé vì trải nhiều bàn tay của các bà xoa cầu con từ bao đời nay.
Những người đi cầu-tự, lúc trở về, phải tự coi như đã có một em bé đi kèm theo. Trong suốt hành-trình từ nơi cầu-tự về nhà, những người này, có những hành động như một người mẹ dắt con theo, mua quà bánh, mua đồ chơi, lúc đi đò trả hai xuất tiền đò, lúc ăn cơm có thêm thức ăn dành cho em bé.
Khi về tới cửa, những người này gọi người nhà ra đón chú hay đón cậu. Từ buổi đó, đến bữa ăn phải dọn thêm bát đũa cho chú hoặc cho cậu. Người ta sắm sẵn cả nôi để chờ ngày thấy tin lành, nghĩa là ngày người đàn-bà thấy những triệu chứng sắp thành mẹ.
Trong những câu chuyện truyền khẩu về cầu-tự, người ta thường kể lại rằng những con cầu-tự rất khó nuôi, và thường hay chết yểu khi mới lên năm, lên ba. Đó không phải là con của Thần Thánh Phật ban cho, mà là con của lũ mẹ Danh 2 đầu thai vào, vì khi người mẹ đi cầu-tự lũ mẹ Danh ở đền chùa nhận với Thần Thánh Phật để xin cho con mình đi đầu thai, nhưng chỉ sau mấy năm chúng lại bắt về, nên đứa trẻ sinh ra bị chết yểu.
Còn nếu đúng con của Thần Thánh Tiên Phật cho thì đứa trẻ sẽ ở với cha mẹ trọn đời, và suốt đời cha mẹ sẽ luôn luôn chiều chuộng đứa trẻ cho dẫu khi lớn cũng vậy.
Ta thường dùng ba tiếng con cầu-tự để chỉ những đứa trẻ nào được cha mẹ nuông chiều.
III. CÓ TIN MỪNG
Người đàn bà sau khi lấy chồng chờ đợi ngày có tin mừng nghĩa là ngày bắt đầu có chửa. Ba tiếng có tin mừng đủ nói hết sự hân-hoan của người ta khi chắc-chắn biết sắp làm mẹ để báo với người chồng sẽ sắp trở nên cha.
Mặc dầu, có chửa là có tin mừng, nhiều bà vợ trẻ vẫn lấy làm thẹn-thùng và các bà cố giấu càng được lâu càng hay sự có tin mừng của mình bằng cách đánh đai bụng để giữ cho bụng được nhỏ lâu. Tục này, ngày nay với sự hiểu-biết về khoa sản-phụ, các bà mẹ đã đều bỏ hẳn.
Đối với các bà vợ có chửa là có tin mừng, trái lại đối với các cô không chồng mà chửa, thì tin mừng thật là một tai-vạ, vì sẽ bị làng nước bắt tội và sự « hứng gió nồm nam », để chỉ việc « ăn vụng bụng chóng no » này, xưa nay vẫn là một điều xấu trong xã hội Việt-Nam. Các cô chửa hoang thường tìm cách phá thai, gây ra nhiều điều tai-hại cho chính bản thân các cô, cũng như cho đứa trẻ sau này ra đời, một khi sự phá thai không có kết-quả. Việc làm vô-nhân-đạo này xưa cũng như nay vẫn bị phong-tục và luật-lệ ngăn cấm.
IV. THAI-GIÁO
Việt-Nam là một nước văn-hiến tôn-trọng lễ-giáo. Con người muốn được quý-trọng phải giữ lễ nghi làm đầu. Lễ-nghĩa chi-phối đời sống của ta từ nhỏ tới lớn.
Và ngay từ lúc còn là bào-thai trong bụng mẹ, con người cũng đã phải chịu một sự giáo-dục qua người mẹ. Đó là thai-giáo.
Vấn-đề thai-giáo đối với ta cũng rất quan-trọng, một phần vì sức khỏe của người mẹ, một phần vì mọi tư tưởng và hành động của người mẹ trong lúc có thai đều có thể ảnh-hưởng tới bào-thai trong bụng.
Chính bởi vậy, trong lúc mang thai, người đàn-bà phải bó-buộc làm nhiều việc xưa nay không làm, và phải kiêng nhiều điều xưa nay không cần kiêng.
Mọi người cho rằng sự ăn không ngồi rồi hại cho sức khỏe của người mang thai, và do đó ảnh-hưởng tới cả bào thai. Trong lúc có thai người đàn-bà nên hoạt-động chân tay, bằng việc làm. Nhiều gia-đình khá giả, xưa nay người đàn bà không phải làm-lụng nhiều, trong lúc có thai cũng phải bày đặt công việc ra để cho chân tay cử-động.
Việc kiêng-cữ, trong lúc mang thai, rất nhiều.
Đầu tiên trong sự ẩm-thực phải tránh những đồ quá bổ béo, e cái thai quá lớn khó sinh.
Ngoài ra, theo sự mê-tín trong dân gian phải kiêng :
- ăn cua để tránh sinh ngang.
- ăn trai sò, ốc hến để tránh con nhiều dãi dớt.
- ăn thịt thỏ để tránh-khỏi sinh con sứt môi.
- ăn những đồ ăn, hoa quả, bánh trái cúng một đám tang hay một đám cưới, để tránh con khỏi bị chứng sài.
- ăn những quả sinh đôi, để tránh sự đẻ song thai.
- ăn những thịt ôi, hoa quả úa, có hại cho sức khỏe và do đó tới bào thai, v.v…
Trái với những sự kiêng ăn những thức kể trên, người đàn bà có thai nên ăn nhiều trứng gà để sinh con có da dẻ hồng hào.
Những điều kiêng cữ nêu trên, tuy có phần do mê-tín, nhưng trong sự mê-tín này, có lẫn cả những phương-pháp vệ sinh rất cần thiết cho người mẹ cũng như cho bào thai.
Trong vấn-đề thai-giáo, người đàn bà có thai còn phải tránh :
- mọi cảnh tượng hãi-hùng hay đau-đớn
- mọi cử-động gian-tà
- mọi ngôn-ngữ thô-bỉ
- mọi sự nổi giận
- mọi tranh ảnh bất-chính
- mọi sự kêu gào
để cho cái thai khỏi lây ảnh-hưởng xấu :
Đồng thời người đàn bà phải :
- nói-năng dịu-dàng
- cử-chỉ khoan-thai
- luôn luôn tươi-cười
- giữ cho tâm hồn ngay thẳng trong sạch
- treo trong nhà, để luôn luôn được ngắm, tranh ảnh các vị anh-hùng, các vĩ-nhân, các bà mẹ hiền-từ cùng những phong-cảnh cao-nhã thanh-khiết, ngõ-hầu gây một ảnh-hưởng tốt-đẹp cho đứa con mai hậu.
Qua mấy điều trên ta thấy rằng, vấn đề thai-giáo rất được chú trọng trong phong-tục.
Ca dao ta có câu : « Dạy con từ thủa còn thơ », nhưng thực ra ta vẫn dạy con ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, qua người mẹ.
V. SINH TRAI HAY GÁI
Phương ngôn có câu : « Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ », có ý nói sinh con nào dù trai hay gái cũng là điều mừng, nhưng ca dao lại có câu : Con gái là con người ta
Và hán-tự cũng nói : « Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô », nghĩa là một trai kể có, mười gái kể không.
Các bà mẹ mang thai, nhất là những người muộn-màng thường cầu mong sinh được con trai, tuy nhiên những người đã có con trai, con gái rồi thì con nào cũng là con, có đủ trai gái để cho có nếp có tẻ.
Nhiều người trong lúc có thai đi lễ bái để cầu xin được đẻ con trai, và trong lúc có thai người nào cũng muốn biết xem mình sẽ sinh trai hay gái.
Các thuật-sĩ và tục quen thường đoán trước một đứa trẻ sẽ sinh ra là trai hay gái :
- Theo người Tàu thì con trai nằm bên mé trái, con gái bên mé phải người mẹ, nam tả nữ hữu. Vì vậy người ta đoán rằng khi cái thai nằm chếch về mé trái, người mẹ sẽ sinh trai, còn nằm chếch về mé phải, người mẹ sẽ sinh gái.
- Khi người mẹ đang đi, người ta gọi giật lại. Nếu người mẹ quay về bên trái sẽ sinh trai, còn quay về bên phải thì sinh gái.
- Bụng người mẹ dẹp, sinh con trai, bụng tròn sinh con gái.
- Khi đứa trẻ cựa trong bụng, nếu thấy động ít, sinh con trai, còn thấy động nhiều nặng bụng, sinh con gái.
- Nằm mơ thấy những giống vật to mạnh như voi, gấu, beo, cọp sinh con trai ; còn thấy những giống vật mảnh dẻ như rắn, rết sinh con gái.
- Tín ngưỡng của ta cho rằng nam thuộc dương, nữ thuộc âm. Nên tính theo tuổi chồng, tuổi vợ, tháng có thai và tháng sẽ sinh người ta đoán con trai hay con gái (xin xem phần Tín-ngưỡng).
Đó là những cách đoán của phương Đông. Từ ngày chung-đụng với các nước Âu Tây ta lại có thêm cách sau đây để đoán sinh con trai hay gái nữa : Lấy chiếc nhẫn cưới của người mẹ buộc vào một sợi tóc cũng của người mẹ rồi cầm đầu sợi tóc giơ tòn ten trên rốn người mẹ. Nếu nhẫn lắc lư đưa từ bên nọ qua bên kia là con trai, còn nếu nhẫn soay tròn là con gái.
Đoán là một truyện, còn đúng hay sai là truyện khác. Vì vậy nên nhiều khi theo các sự chiêm-nghiệm trên, người ta đoán sẽ sinh trai, mà đến khi sinh vẫn là gái, hoặc trái lại đoán sinh gái đến lúc sinh lại sinh trai.
VI. LÂM-BỒN
Thường thường một người đàn bà mang thai chín tháng mười ngày thì sinh, nhưng theo ta thì có trường hợp có người mang thai quá thời hạn trên vẫn chưa sinh. Có lẽ vì người ta tính nhầm tháng thụ thai, hoặc cũng đôi khi vì lý-do bệnh-tật sự sinh-sản mới chậm hơn những người bình-thường, trường-hợp này gọi là lên tháng.
1) CHỬA TRÂU
Đối với những người mang thai quá thời hạn và lên tháng như vậy ta gọi là chửa trâu và ta gán sự chửa trâu cho một lý-do huyền-bí, chỉ có thể chữa khỏi bằng những phương-thuật huyền-ảo. Muốn cho người chửa trâu sinh sớm, người chồng phải :
- hoặc tìm đến một con trâu, lén cắt đứt sợi dây thừng sỏ mũi con trâu.
- hoặc lấy một chiếc cọc đóng vào chân chiếc cối giã gạo ở trong nhà.
Theo sự tin-tưởng của bình-dân ta, một trong hai hành động trên của người chồng sẽ làm cho người vợ mau sinh.
2) SINH CHẬM
Việc sinh-nở dễ-dàng hay khó-khăn tùy theo từng người đàn-bà ; có khi chưa đến giờ đến lúc đứa trẻ ra đời, người đàn-bà đã vội vàng muốn đẻ sớm, có khi đứa bé ở trong bụng chưa xoay hướng ra kịp.
Đối với ta sự chậm sinh như vậy cũng có những phương-thuật chữa mẹo, để cho đứa trẻ chóng ra đời. Người chồng phải làm một, hoặc đôi ba, trong những việc sau đây :
- Trèo lên cây cau rồi ôm cây tụt xuống.
- Luồn qua những nấc một chiếc thang dựng đứng.
- Cầm một chiếc đòn gánh đứng giữa cửa nhà lao ra ngoài đường.
- Lấy chiếc lông rim mọc ở khấu đuôi con rím đưa cho vợ.
- Lật đít ông đồ rau ở giữa bếp, nhổ nước bọt vào.
- Lẳng lặng sang nhà hàng xóm, tìm người đàn-bà nào dễ sinh, ăn cắp chiếc giải rút quần hoặc giải rút váy mang về quấn vào bụng vợ.
- Cho vợ uống ba ngụm nước ao.
- Cầm cái thắt lưng của mình vắt qua mái nhà (thắt lưng bằng vải xưa vẫn dùng).
3) SỬA-SOẠN CHO LÚC LÂM-BỒN
Người đàn bà có thai, khi sắp tới ngày sinh, thường tự sửa-soạn một cách thật chu đáo, nào sắm sẵn nồi đất để chôn nhau, nào may tã và quần áo lót-lòng cho đứa bé. Áo lót-lòng được kén may bằng những mảnh áo cũ của những người đàn bà dễ nuôi con. Đôi khi, để lấy khước, người ta đi xin những áo lót-lòng của con các gia đình đông con. Trước những ngày sinh, người đàn bà có chửa giữ-gìn trong mọi cử động để tránh mọi sự xẩy ngã rất tai hại cho lúc lâm-bồn.
4) LÚC LÂM-BỒN
Tục tin rằng có thai nơi đâu phải sinh tại nơi đó.
Phương ngôn có câu : « Sinh dữ tử lành » nên ta cho rằng có người đến sinh tại nhà mình là một điềm không hay và người ta rất kiêng-kị.
Chính người đàn bà có thai bao giờ cũng biết vậy, nên trong ngày sắp sinh không dám đi đâu xa, e bất-thần chuyển-bụng khó tìm được nơi lâm-bồn. Tục kiêng này, ngày nay tuy vẫn còn nhưng đã bớt.
Mỗi lần sinh người ta phải mời bà mụ, những bà cụ già chuyên-môn trong việc đỡ đẻ theo những cách thức cổ-truyền. Có nhiều trường hợp các sản-phụ đã bị uổng-mạng cả mẹ lẫn con vì sự lầm-lỡ và thiếu học-thức của các bà mụ.
Ngày nay, với khoa-học tiến-bộ, mỗi lần sinh-nở người đàn-bà đều tới các nhà hộ sinh ; nếu gặp trường-hợp khó-khăn đã có sẵn bác-sỹ.
Đối với bà mụ quê xưa, khi sản-phụ khó sinh, các bà cho ăn trứng gà sống để tăng sức dặn và cho ăn cháo vừng để việc đẻ được dễ-dàng.
Sau khi đứa trẻ đã sinh, các bà mụ thường cắt nhau bằng mảnh sành, hay cật nứa. Sự cẩu-thả này đã khiến nhiều em bé sơ-sinh bị chết oan về bệnh sài uốn-ván. Các bà cũng vắt chanh vào mắt đứa trẻ để cho sáng và moi móc lỗ mũi, lỗ miệng đứa trẻ để khỏi nhớt-dãi. Nhau của đứa trẻ được đặt vào chiếc nồi đất đậy kín rồi đem chôn.
Chính vì sự chôn nhau này mà có thành ngữ : « Nơi chôn nhau cắt rốn » để chỉ sinh quán của mỗi người.
Nhau phải chôn thật sâu kẻo đứa trẻ hay buồn nôn, lại phải tránh giọt nước mái hiên để đứa trẻ khỏi toét mắt và chốc đầu.
5) ĐỒ PHONG-LONG
Như trên đã nói, sinh dữ tử lành, cho nên mọi người cho rằng trong những ngày đầu tiên người sản-phụ mới sinh thường mang những sự không may cho người khác gọi là phong-long.
Sau khi sinh đầy cữ, người sản-phụ đi đổ phong-long, cũng có nơi gọi là đổ cung-long, bằng cách mua bán một thứ gì.
Đồng tiền người sản-phụ trả cho nhà hàng, mang theo cả phong-long, nghĩa là cả những sự không may-mắn.
Nếu giữa đường, ta gặp một sản-phụ chưa đổ phong-long, ta sẽ chạm phong-long và tự mang lấy những sự không may. Muốn tránh sự chạm phong-long, ta cũng phải đổ phong-long như sản-phụ, nghĩa là phải mua bán một thứ gì để tống-khứ sự không may đi.
Người bị chạm phong-long hoặc người bị sản-phụ đổ phong-long cho, làm cái gì thường hay đổ vỡ, đi học bài không thuộc, đi thi thì trượt, buôn-bán bị ế hàng trong suốt ngày hôm đó.
6) SỰ KIÊNG-KHEM SAU KHI LÂM-BỒN
Theo Tây-phương, sản-phụ trong lúc sinh đã tổn-hao sức khỏe cần phải tẩm-bổ để mau hồi sức, trái lại theo Đông Phương ngày xưa, sau khi sinh, người đàn-bà phải kiêng-khem rất nhiều.
Tục ngữ có câu : « Muốn ăn miếng ngon, chồng con trả người ».
Ăn cái gì cũng là độc. Các sản-phụ Việt-Nam do đó, trước đây chỉ ăn cơm với muối rang hoặc với nước mắm chưng.
Nền đông-y cũng dạy rằng khi mới sinh người đàn bà dễ mắc bệnh nên phải kiêng đồ đặc, nhưng lại phải cần uống thuốc bổ để bổ sức khỏe.
Lại phải kiêng gió lùa, phải xoa mình bằng củ nghệ có tinh chất làm cho có thể mau hồi-phục.
Buồng sản-phụ phải đốt lửa. Người ta thường dùng một bếp lò than, do đó người đẻ gọi là nằm bếp. Để tránh sự nhiễm-độc trong buồng, người ta đốt lá sơn.
Sinh con là một điều hệ-trọng. Sự sinh-đẻ này chứng tỏ người đàn-bà không phải là hiếm-hoi, và gia-đình nhà chồng cũng chưa là tuyệt-tự, nếu sinh được con trai.
Nhưng sinh con là một truyện, sinh con rồi còn phải nuôi con. Nuôi con cũng quan-trọng không kém gì sinh con.