Nếp Cũ Con Người Việt Nam - Chương 00: Đời Sống Gia Đình
CHƯƠNG 1 : ĐỜI SỐNG GIA-ĐÌNH
Gia-đình là nền tảng của xã-hội, có gia-đình mới có xã-hội, nhất là gia-đình Việt-Nam lại càng là một nền tảng vững-chắc của xã-hội, Việt-Nam.
Khảo xét về phong-tục Việt-Nam, phải bắt đầu từ gia-đình Việt-Nam với những tục-lệ đã chi-phối gia-đình : sinh, tử, giá, thú, để dần dần đi tới phong-tục về xã-hội.
Gia-đình là nền tảng của xã-hội, nhưng gia-đình phải bắt đầu từ cá-nhân. Nếu ví gia-đình là một tế-bào thì những phần-tử trong gia-đình là những phần-tử của tế-bào.
I. THÀNH-PHẦN GIA-ĐÌNH VIỆT-NAM
Gia-đình Việt-Nam bao gồm một thành-phần rộng-rãi hơn gia-đình các dân-tộc khác.
Theo định-nghĩa của Đào Văn Tập trong TỪ-ĐIỂN VIỆT-NAM PHỔ-THÔNG thì hai tiếng GIA-ĐÌNH chỉ tất cả mọi người quyến thuộc trong nhà. Định-nghĩa này tương-tự với định-nghĩa của hai chữ GIA-QUYẾN trong HÁN-VIỆT TỪ-ĐIỂN của Đào Duy Anh những người thân thuộc trong một nhà.
Vậy những người thân thuộc trong nhà là những ai ?
Trả lời câu hỏi trên, ta bắt đầu từ người chủ gia-đình để đi lần tới những người khác trong nhà.
Người chủ gia-đình có cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, thuộc hàng trên, nhưng thường chỉ có cha mẹ ông bà, còn cụ kỵ còn sống rất hiếm, nhứt là ngày nay, người ta lập gia-đình muộn hơn xưa.
Ngang hàng với người chủ gia-đình là anh chị em.
Về hàng dưới, người chủ gia-đình có vợ, con.
Con người chủ gia-đình gọi những người anh em của người này là chú, bác, cô.
Tất cả cụ, kỵ, ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em đều là những người trong gia-đình. Những người này thuộc về HỌ NỘI.
Những ông bà, cha mẹ, anh chị em của người mẹ thuộc về HỌ NGOẠI tuy không ở cùng gia-đình nhưng vẫn là người trong quyến-thuộc, nghĩa là vẫn có sự liên-can mật-thiết giữa người nọ với người kia.
Xem như trên, một gia-đình Việt-Nam gồm nhiều người hơn gia-đình hiểu theo người phương Tây.
Một gia-đình tại các nước phương Tây chỉ gồm có hai vợ chồng và lũ con.
Đã biết thành-phần của gia-đình, ta thử tìm hiểu nhiệm-vụ của mỗi người trong gia-đình, và sự liên-lạc của những người này đối với nhau.
1) NGƯỜI CHA
Người cha tức là người đứng chủ gia-đình, có con hoặc với chính vợ mình hoặc với một người đàn bà khác. Luật lệ ta xưa cho phép một người đàn-ông có quyền năm thê bảy thiếp, nên sự ăn ở với người khác sinh con chỉ là một sự thường, miễn là sau này khi người đàn bà cùng mình ăn ở, sinh con, mình nhận thân dưỡng đứa con đó.
Không có con không thể là cha được, trừ trường hợp nuôi con nuôi.
Người cha còn gọi là bố, và ngày nay được gọi bằng nhiều danh từ mới như ba, bá, cậu 1, ông già, v.v…
Trong gia-đình người cha có quyền định-đoạt hết mọi việc liên-quan tới mọi người trong nhà. Quyền đó gọi là phụ-quyền.
Phụ-quyền rộng-rãi lắm, nhất là xưa kia.
Khi ông bà còn sống thì quyền đó ở trong tay ông bà.
Người cha chỉ xử-dụng phụ-quyền khi ông bà đã qua đời cả.
Theo Thân Trọng Huề trong HỌC LUẬT LỆ AN-NAM thì :
« Các con cháu phải hiếu phụng ông bà cha mẹ : khi ông bà cha mẹ còn sống không cho phép con cháu ở riêng thì không được ở riêng. Ông bà cha mẹ chết mà chưa hết tang thì cũng như còn sống, con cháu không được chia gia-tài. Đã nói rằng con cháu phải hiếu phụng ông bà cha mẹ, thì con cháu không được kiện ông bà cha mẹ vì kiện ông bà cha mẹ là « can đanh phạm nghĩa ».
Bổn phận của ông bà cha mẹ là phải rán dạy con cháu, và chịu trách-nhiệm về những hành-vi của con cháu. Con cháu không chịu vâng lời, ông bà cha mẹ có quyền mắng đánh, trong sự đánh-đập, chẳng may con cháu chết, ông bà cha mẹ cũng không có tội, nhưng chỉ được đánh vào chỗ thụ-hình tức là hai mông đít, còn đánh vào chỗ khác gọi là hoạnh-đả, con cháu chết ông bà cha mẹ cũng mang tội.
Ngày nay, ông bà cha mẹ không có quyền đánh chết con cháu, tuy có nhiệm-vụ phải nuôi-nấng và dạy-bảo, dạy-bảo không nổi thì trừng-phạt, nhưng không được trừng-phạt đến nỗi con cháu phải chết.
Cha nuôi đối với con nuôi cũng có quyền như cha đẻ, và cũng có bổn phận như vậy. Những con riêng của vợ là con ghẻ, và người cha trong trường-hợp này là cha dượng. Cha dượng có quyền với con của vợ hay không là do sự có nuôi chúng hay không.
2) NGƯỜI MẸ
Người mẹ là vợ của người cha, nghĩa là vợ của người chủ gia-đình khi có con. Người đàn-bà dù lấy chồng mà không có con thì không phải là mẹ, đây là nói mẹ đẻ.
Ta phân biệt mẹ đẻ, mẹ già, mẹ ghẻ :
- Muốn là mẹ đẻ, phải tự mình sinh ra con. Nuôi con người khác thì chỉ là mẹ nuôi.
- Mẹ già tức là người vợ cả của cha, dù có con hay không có con, được các con của những người vợ lẽ xưng-hô như vậy.
- Mẹ ghẻ tức là người vợ lẽ hoặc vợ thứ của cha, được các con của vợ cả hoặc những người vợ thứ ở hàng trên xưng hô như vậy.
Người mẹ cũng có quyền như người cha, nhưng phải theo quyết-định của người cha, vì lẽ vợ phải theo chồng. Khi cha chết, phụ-quyền, tôi muốn nói quyền điều-khiển gia-đình, về tay người mẹ, nếu người này là vợ cả. Những người vợ lẽ hoặc vợ thứ, sau khi chồng chết ở lại nhà chồng phải chịu theo quyền-hành của người vợ cả.
Luật-lệ phong-tục ngày nay đã thay đổi. Trong gia-đình, người mẹ, dù người cha còn sống, có quyền ngang hàng với cha, và mọi quyết-định của người cha đều có ý-kiến của người mẹ. Tục đa-thê cũng dần dần bớt đi, và có còn tại một vài gia-đình thì những người vợ lẽ hoặc vợ thứ cũng có quyền riêng của mình, không đến nỗi phải lệ-thuộc vào người vợ cả nhiều như thời xưa.
3) ÔNG BÀ
Trong một gia-đình nếu ông bà còn sống thì ông bà là chủ gia-đình. Những quyền của cha mẹ thuộc về tay Ông Bà.
4) CON, DÂU, RỂ
Những người do cha mẹ sinh ra là con.
Con lúc nhỏ cha mẹ nuôi-nấng dạy dỗ. Đến tuổi đi học, cha mẹ cho đi học. Khi khôn lớn, cha mẹ lo gây-dựng gia-đình cho.
Con phải hiếu-phụng đối với cha mẹ và phải tùy thuộc vào cha mẹ cho đến khi cha mẹ chết.
Của cải của cha mẹ con được hưởng.
Ngày nay, theo với nếp sống mới, con cái phải lệ-thuộc cha mẹ cho đến khi trưởng-thành. Trưởng-thành, con cái có quyền tự-lập, và đã có nhiều đứa con bất-hiếu, quên cả sự phụng-dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.
Thời xưa : « Trẻ cậy cha, già cậy con », cha mẹ có bổn-phận phải nuôi con lúc nhỏ, con cũng có nhiệm-vụ phụng-dưỡng cha mẹ lúc già.
Con có con trai và con gái.
Vợ người con trai là con dâu, chồng người con gái là con rể.
5) ANH EM, CHỊ EM
Những người cùng một cha mẹ sinh ra gọi là anh em, chị em.
Anh chị em cùng cha cùng mẹ gọi là anh chị em đồng-bào, cùng cha khác mẹ gọi là anh chị em dị-bào. Anh chị em cùng mẹ khác cha gọi là anh chị em đồng mẫu dị phụ.
Anh chị em cùng một mẹ đẻ ra, cứ theo thứ tự đẻ trước là anh, là chị, đẻ sau là em. Nhiều mẹ đẻ ra, con vợ cả là anh, con vợ lẽ là em, không cứ gì nhiều tuổi hay ít tuổi.
Xưa có nhiều gia-đình lấy nàng hầu trước khi lấy vợ, con những nàng hầu dù rất lớn cũng vẫn là em con người vợ được cưới sau làm chính-thất. Và chỉ con bà chính-thất mới được là con cả hoặc con trưởng.
Trong trường-hợp vợ chính-thất không có con trai, con trai vợ lẽ hoặc vợ thứ mới được làm trưởng-tử, gọi là thứ-trưởng-tử.
Anh chị em ở với nhau khi còn sống chung với cha mẹ phải hòa-thuận thương yêu nhau, khi khôn lớn, cha mẹ cho ở riêng, hoặc cha mẹ chết, phải thân-ái đùm-bọc bênh-vực lấy nhau.
Ta có câu : « Kiến giả nhất phận », phận ai người nấy lo, nhưng trong những gia-đình lễ giáo, anh chị em thường thương yêu che-chở cho nhau.
Những anh em đồng mẫu dị phụ thường đối xử với nhau không được như anh em đồng-bào hoặc cùng cha khác mẹ.
6) NGƯỜI ANH CẢ
Sách có chữ : « Quyền Huynh Thế Phụ », nghĩa là quyền anh thay cha. Anh đây là người anh cả.
Khi cha mẹ mất, người anh cả phải thay cha mẹ trông nom các em. Em còn thơ bé phải nuôi-nấng, rồi phải lo dựng-vợ gả-chồng cho các em.
Của cải của cha mẹ để lại phải chia cho các em, nhưng người anh cả có quyền giữ phần lớn hơn, ngoài của hương-hỏa bao giờ cũng thuộc về người anh cả. Người anh cả phải giữ-gìn việc thờ-phụng gia-tiên, lại phải lo hết mọi vấn-đề ma chay giỗ tết trong gia-đình.
7) NGƯỜI CON ÚT
Người con út là người con cuối cùng của cha mẹ. Trong nhiều gia-đình, cha mẹ rất thọ, sau khi đã gây-dựng cho những đứa con lớn thành gia-thất, có sản-nghiệp rồi, cha mẹ chỉ còn ở với người con út để vui lúc tuổi già. Lúc đó, tài-sản cha mẹ còn lại gì đều trút cả cho người con út, trừ của hương-hỏa, thuộc về phần người anh cả.
Tục ngữ ra có câu : « Giàu con út, khó con út, trút sạch cửa nhà » là vậy.
8) CHỊ EM DÂU, ANH EM RỂ
Chị em dâu tức là người vợ của anh hoặc em trai mình. Hai người đàn bà lấy hai anh em ruột cũng là chị em dâu.
Anh em rể là chồng chị hoặc em gái mình. Hai người đàn ông lấy hai chị em ruột cũng là anh em rể. Thường tình, anh em rể, chị em dâu không thương nhau, hay dè-bỉu khúng-khính với nhau.
Tục ngữ có câu : « Yêu nhau chị em gái, khái nhau chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu là anh em rể », để chỉ sự không thân yêu nhau của những chị em dâu và anh em rể.
Anh em chị em trong một gia-đình là một bát máu xẻ đôi, như chân với tay, tình thân-thiết hơn cả người khác. Anh em chị em đã thương yêu nhau, có bao giờ lại không biết thương yêu chị em dâu và anh em rể là những người phối-ngẫu với anh chị em ruột của mình.
Người anh người chị thương em, phải biết thương em dâu hoặc em rể, có như vậy mình mới khỏi tủi-hổ với vợ hoặc với chồng.
Lại đến như những người chị dâu, em dâu, anh rể, em rể đã thương chồng, thương vợ, sao không thương được anh, em và chị, em của vợ ! Bề nào cũng đã là người trong quyến thuộc, phải biết lấy chữ Nhẫn đối-xử với nhau để tránh hết mọi điều xích-mích dè-bỉu thực đáng chê !
9) VỢ CHỒNG
Vợ chồng là hai cột chính của gia-đình, sau sẽ trở thành cha mẹ, ông bà.
Kể từ khi đôi bên kết-hôn với nhau là đã có nghĩa-vụ lẫn với nhau, lại có cả nghĩa-vụ đối với kẻ trên, người dưới của đôi bên nữa.
Luật-lệ của ta xưa nói rằng sự hôn-thú là để phụng tôn khiên và kế hậu thế, nghĩa là để phụng thờ ông bà cha mẹ và gây-dựng con cháu.
Vợ chồng tuy lấy nhau, như trên đã nói, không được ra ở riêng nếu không được ông bà cha mẹ cho phép. Lại phải lo làm ăn để phụng dưỡng ông bà cha mẹ.
Nếu con cháu biếng-nhác đến nỗi ông bà cha mẹ phải tự-sát thì phải tội.
Ông bà cha mẹ tuổi già sức yếu, bệnh tật, vợ chồng con cháu không nuôi cũng có tội.
Đó là những bổn phận đối với kẻ trên, lại còn những bổn phận đối với người dưới : phải lo dạy-dỗ, gây-dựng con em. Con em có lỗi phải trừng-phạt.
Ngoài ra vợ chồng ăn ở với nhau cũng có những nhiệm-vụ và bổn-phận.
Vợ phải theo chồng đúng với lẽ tòng phu. Bỏ chồng ra đi, can tội bội phu bị pháp-luật trừng-phạt.
Đàn ông có ở gửi rể, vợ cũng phải kính chồng. Đánh chồng, giết chồng phải tội nặng.
Chồng phải nuôi vợ, dạy vợ. Không được cầm vợ bán vợ. Vợ có lỗi chồng có quyền đánh. Vợ làm lỗi đối với pháp-luật, chồng có tội.
Của cải của chồng là của vợ, trái lại, của vợ cũng là của chồng. Nợ của chồng, vợ phải gánh ; nợ của vợ, chồng cũng phải mang.
10) BÁC, CHÚ, CÔ, THÍM
Về họ nội bác là anh ruột cha, chú là em trai ruột cha, cô là chị hoặc em gái ruột cha.
Vợ của bác gọi là bác gái, vợ của chú là thím.
Chồng cô là bác rể hoặc chú rể, tùy theo cô là chị hay em cha, trong Nam gọi là dượng.
Ta có câu : Chú cũng như cha, nghĩa là người chú đối với cháu ruột cũng như đối với con mình, và cháu đối với chú bác ruột phải kính-trọng như ăn ở đối với chính cha mình.
Ta lại có câu : « Xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì », nghĩa là cha chết còn chú trông nom, mẹ chết trông cậy vào dì được.
Hai câu phương-ngôn trên chứng tỏ sự mật thiết giữa cháu đối với bác và chú.
Những người cháu, chẳng may cha mẹ mất sớm phải ở với chú bác.
Những người chú phải theo giỗ của cháu, người con trai đầu lòng của anh trưởng mình, sau khi người anh chết, cũng như khi người anh trưởng còn sống.
11) BÁC, CẬU, MỢ, GIÀ VÀ DÌ
Nếu về họ nội có bác, chú, cô, thím thì về họ ngoại cũng có những người tương-đương với các bậc trên, đó là những chị em ruột, anh em rể, chị em dâu của mẹ.
Anh ruột của mẹ cũng gọi là bác như anh ruột của cha. Có nhiều nơi, trong xưng hô, gọi hẳn là bác ngoại để phân biệt với anh của cha là bác nội, vợ của bác gọi là bác gái.
Em trai ruột của mẹ là cậu, vợ của cậu là mợ.
Chị ruột mẹ có nơi gọi là bác gái, nhưng nhiều nơi gọi là già để phân-biệt bác gái là vợ của bác, anh cha hoặc mẹ.
Em gái ruột của mẹ là dì.
Chồng của già cũng gọi là bác rể, và chồng của dì cũng là chú rể như về họ nội. Cũng có nơi gọi là dượng.
Cũng như họ nội, bác, cậu, già, dì đối với cháu cũng có tình thân-mật rất gần, vì sự liên-lạc qua người mẹ.
Cháu phải theo giỗ bác ngoại hoặc cậu để cúng lễ ông bà tổ-tiên về họ ngoại.
Bác ngoại cũng như cậu mợ có thể nuôi các cháu ngoại làm con nuôi trong trường-hợp không có con, nhưng không thể dùng con của chị hoặc em gái mình lập-tự được. Nội ngoại chỉ khác nhau ở điểm này, nhưng không phải vì thế mà sự thân tình kém mật-thiết đi.
II. CON NUÔI
Những người không có con, có thể nuôi con người khác để làm con nuôi. Có thể nuôi con cùng họ hoặc khác họ, lại có thể nhận con nuôi từ lúc đứa trẻ mới sơ-sinh, hoặc khi đứa trẻ đã lớn, nhưng còn trong thời kỳ ty-ấu, nghĩa là chưa trưởng-thành.
Việt-Nam ta có hai thứ con nuôi : Con nuôi lập-tự và con nuôi không lập-tự.
1) CON NUÔI LẬP-TỰ
Nước ta lấy sự thờ-phụng tổ-tiên làm trọng, nên những người không con phải lo nuôi con nuôi lập-tự.
Thường, người ta chọn một người cháu gọi bằng bác hay bằng chú, nhưng nếu cháu gần không có, trong trường-hợp người không con không có anh em ruột, hoặc anh và em trai ruột người này cũng không con, thì lập cháu xa, nhưng vẫn phải đồng huyết-thống, nghĩa là cũng thuộc về họ nội.
Tục-lệ và luật-pháp định rằng việc lập-tự phải theo thứ-tự chiều-thuận, nghĩa là cháu mới được thừa-tự cho chú bác, chứ cháu không được lấy chú bác lập-tự cho mình. Ngoài ra anh không có con trai, em có thể ăn thừa-tự anh được, trái lại anh không được ăn thừa-tự cho em, phải để việc ăn thừa-tự cho con mình tức là cháu ruột của em.
Người được lập thừa-tự có thể bị phế bỏ, nếu người đó xét ra kém đức-hạnh, hoặc làm điều gì phạm tới thanh-danh gia-đình. Phế người thừa-tự này để lập người khác, gọi là lập-ái hay lập-hiền.
Trong việc lập thừa-tự không được chọn con độc-đinh hoặc con trưởng, vì những người con này đã có phận-sự riêng, lo việc hương-khói cho cha mẹ.
Người đã được lập-tự phải ở với cha mẹ nuôi như cha mẹ đẻ, không được bỏ nhà đi, và được hưởng mọi quyền-lợi như một người con đẻ.
Việc lập-tự mặc-nhiên thành vô-hiệu, nếu cha mẹ nuôi, sau khi lập-tự con nuôi, lại sinh được con trai. Tuy việc lập-tự thành vô-hiệu, nhưng người con nuôi vẫn giữ được quyền-lợi như một người con đẻ và sẽ được hưởng một phần gia-tài với người con đẻ.
Khi cha mẹ nuôi đã có con trai, người con nuôi lập-tự trước có thể trở về sống với cha mẹ mình.
Người đàn ông lúc sống không con, khi chết đi, vợ có thể thỏa-thuận với tộc-trưởng để lập-tự cho chồng.
Những người đã hỏi vợ mà chưa cưới, hoặc mới cưới vợ mà chết sớm không con, nếu đã trưởng-thành rồi, cha mẹ có thể chọn người lập-tự cho ; những người chết non trong thời kỳ ty-ấu không được phép lập-tự.
2) CON NUÔI KHÔNG LẬP-TỰ
Con nuôi không lập-tự không cần cùng họ với người nuôi. Đây chỉ là nghĩa-tử. Nghĩa-tử muốn ở với cha mẹ nuôi hoặc trở về với cha mẹ đẻ cũng được. Con nuôi ở hẳn với cha mẹ nuôi cũng được hưởng một phần gia-tài, theo luật chước cấp tài sản, nghĩa là phần gia-tài tùy cha mẹ nuôi muốn cho bao nhiêu cũng được, không như những con đẻ, khi bố mẹ chết phần gia-tài được hưởng đồng đều với nhau trừ người con trưởng phải giữ việc khói-hương được hưởng phần hơn.
3) NUÔI RỂ
Luật và tục ta có lệ ở rể, nghĩa là bố mẹ vợ nuôi con rể. Rể là người khác họ, không thể lập-tự được, và vì vậy, rể không thể thừa-tự cho cha mẹ vợ.
Luật ta xưa có nói : « Chiếu tế dưỡng lão », nghĩa là nuôi rể để dưỡng già, chứ không phải nuôi rể để trông nom việc khói-hương.
Ngày nay luật-lệ cũng như phong-tục đã thay đổi nhiều, từ việc nuôi con đến việc lập-tự.
Con gái ngày nay cũng cúng giỗ cha mẹ, và con nuôi cũng được coi như con đẻ trước pháp-luật.
III. ANH CHỊ EM HỌ
Con bác, chú, cô, dì, cậu mợ là anh em họ với nhau. Về họ nội con nhà bác là anh chị, con nhà chú là em, còn về họ ngoại con nhà bác, nhà già là anh chị, con nhà cậu, nhà dì là em.
Về đằng họ nội, là anh em thúc bá, còn về họ ngoại là anh em di cữu.
Ngoài các anh em thúc bá còn gọi là anh em con chú con bác, và anh em di cữu còn gọi là anh em con cô con cậu hoặc con dì con già, còn các anh em họ cháu chú cháu bác, cháu cô, cháu cậu, cháu dì, cháu già. Những anh em họ này tức là cháu nội cháu ngoại các ông bà là anh em chị em với nhau.
Trong gia-đình ta xưa, nhiều khi các anh em họ nội vẫn ở chung một nhà dưới quyền chủ gia-đình là ông nội.
IV. THÂN-THUỘC TRONG GIA-ĐÌNH
Qua các thành-phần trên, ta thấy rằng gia-đình Việt-Nam bao-quát rất rộng, và mọi người đều có tình thân-thuộc với nhau qua mọi liên-hệ, không bởi họ nội thì họ ngoại, nhiều khi bởi cả hai bên nội ngoại.
Trong một gia-đình chung sống với nhau, nếu ta tự lấy bản thân ta mà tính lên ta sẽ có :
- Trên ta là cha mẹ, gọi là phụ mẫu.
- Trên cha mẹ là ông bà, gọi là tổ-phụ, tổ-mẫu.
- Trên ông bà là cụ ông và cụ bà, gọi là tằng-tổ-phụ, tằng-tổ-mẫu.
- Trên hai cụ là hai kị, gọi là cao-tổ-phụ, cao-tổ-mẫu.
- Trên nữa thì gọi chung là cao-cao-tổ, lên mãi cho đến thủy-tổ.
Tính từ thân ta đến kị là năm đời.
- Năm đời cùng ở với nhau một nhà gọi là ngũ đại đồng-đường. Đây là một trường-hợp hiếm, vì như vậy nếu ta lên một tuổi, cao-tổ-phụ hoặc cao-tổ-mẫu ta ít ra phải tám mươi ấy là tính ta sinh ra đời lúc cha mẹ ta hai mươi tuổi.
- Bốn đời cùng ở với nhau gọi là tứ đại đồng-đường, trường-hợp này có nhiều.
- Ba đời cùng ở với nhau gọi là tam đại đồng-đường. Đây là sự thường vì chỉ gồm có ông bà, cha mẹ và các cháu.
Và khi tự lấy bản thân ta tính xuống, ta sẽ có :
- Dưới ta là con, chữ là tử.
- Dưới con là cháu, chữ là tôn.
- Dưới cháu là chắt, chữ là tằng-tôn.
- Dưới chắt là chút, chữ là huyền-tôn.
- Còn dưới nữa, đều gọi là viễn-tôn.
Tính từ cao tổ đến huyền tôn gọi là cửu tộc.
Trong cửu tộc lại có những hàng ngang nhau, thứ bực trên dưới chỉ như anh em :
- Ngang hàng với cha mẹ ta là chú bác cô dì.
- Ngang hàng với ông bà ta là ông chú, ông bác, bà cô, bà dì.
- Ngang hàng với các cụ ta là cụ chú, cụ bác, cụ cô, cụ dì.
- Ngang hàng với các kỵ ta là kỵ chú, kỵ bác, kỵ cô, kỵ dì.
- Riêng về ta, ngang hàng có các anh chị em ruột, anh chị em họ.
- Ngang hàng với các con là con anh, chị em ta, gọi ta bằng bác, bằng chú.
Cứ như thế tính trở xuống cho đến mãi mãi, nhưng càng xuống dưới tình máu mủ ruột thịt càng xa, vì vậy, không còn lệ phải để tang nhau.
V. LUÂN-THƯỜNG
Theo HÁN-VIỆT TỰ ĐIỂN của Đào-duy-Anh thì Luân-thường là : « Phép tắc chính thường của loài người nên theo ».
Trong gia-đình luân-thường cấm người cùng họ nội không được lấy nhau. Lấy nhau như vậy là loạn-luân, luật-pháp cấm mà tục-lệ cũng cấm, vả lại sự loạn-luân rất tai-hại cho nòi-giống nữa.
Về họ ngoại, anh em con cô con cậu, con dì con già còn phải để tang nhau không được lấy nhau. Kể từ anh em đời cháu trở đi có thể lấy nhau được. Ca dao có câu :
« Cháu cậu mà lấy cháu cô,
Thóc lúa đầy bồ, giống má nhà ta ».
Gia-đình là căn-bản của xã-hội. Trên gia-đình là gia-tộc, nghĩa là người trong thân thuộc với nhau.
Góp nhiều gia-tộc mới thành làng xã, và từ làng xã đi lên mới có quốc-gia.
Nói cách khác, gia-đình là đoàn-thể nhỏ trong đoàn-thể lớn là quốc-gia.
Đối với quốc-gia, con người có nghĩa-vụ, thì đối với gia-đình, con người cũng có nghĩa-vụ. Làm tròn nghĩa-vụ đối với gia-đình tức là giữ trọn một phần nào nghĩa-vụ đối với quốc-gia.
Gia-đình ngày nay tuy nhỏ hẹp hơn gia-đình xưa nhưng trên gia-đình còn có gia-tộc, và chính mối liên-lạc gia-tộc là một mối liên-lạc đáng quý để con người đỡ trông nhìn xã-hội bằng một con mắt quá thiển-cận.
Nếu gia-đình là một bụi cây nhỏ, gia-tộc là cả một khóm rừng, khóm rừng che chở cho bụi cây, nhưng bụi cây dù nhỏ cũng góp phần vào để làm cho khóm rừng thêm rậm-rạp.
Muốn biết khóm rừng phải đi từ bụi cây, muốn hiểu xã-hội phải đi từ gia-đình. Chính vì lẽ đó, muốn hiểu phong tục Việt-Nam, phải bắt đầu từ phong-tục gia-đình.