Một Đời Như Kẻ Tìm Đường - Chương 20
Chân dung của lẽ sống Who sees the human face correctly: the photographer, the mirror, or the painter? Đố ai diễn tả đúng nhất chân dung của con người: nhà nhiếp ảnh, cái bóng gương hay người họa sĩ?
- PABLO PICASSO ĐỔI CUỘC SỐNG?
Nếu ai đó hỏi Từ Thức, Kiếp sau ngài có muốn một cuộc sống giống y như cuộc sống đang có ở kiếp này không, thì tôi đoán là Từ Thức sẽ trả lời không.
Bạn đọc có thể ngạc nhiên, và có đủ lý do để ngạc nhiên khi tôi đoán thế.
Từ Thức sinh ra là một đứa trẻ đẹp tuấn tú, mắt sáng ngời, dáng người thanh tao, mặt sáng như trăng. Chàng thi đấu đậu đấy, và đã sớm trở thành quan huyện, đó là chức vị quan thần đẳng cấp nhất thời phong kiến cho một thư sinh mới tốt nghiệp. Gia đình cha mẹ nếp Nho giáo, đạo đức vẹn toàn, được xã hội kính mến, và chính dân làng còn ao ước cho chàng sớm làm quan để đem về sự quang vinh và trù phú cho quê làng. Còn có gì để ước ao hơn thế?
Nhưng, tuy đã có tất cả những thứ đó, chàng không thỏa mãn.
Chàng mơ một giấc mơ tuyệt đối, cao nhất có thể, là lên tận cõi tiên, nơi danh lam thắng cảnh thật tuyệt vời, nơi chàng sẽ được hưởng một cuộc sống tuyệt hảo và trường kỳ bên cạnh tiên nữ lý tưởng. Và, y như ước mong, chàng được cõi tiên đón mời vốn vã và tặng chàng tất cả những thứ đó. Có hết rồi, còn gì để thèm khát?
Nhưng chàng cũng vẫn chưa thỏa mãn.
Chàng sớm chán cuộc sống xa hoa vô tận, hạnh phúc tuyệt đối đó và tỏ ý muốn về hạ giới thăm gia đình. Phải chăng chàng nhớ nhà? Phải chăng trên cõi tiên chàng không tìm ra lời giải đáp cho những khát khao ban đầu? Có lẽ cuộc sống trên tiên giới chỉ có mặt dương mà không có mặt âm chăng? Được hưởng những tiện nghi cao nhất nhưng không phải bỏ chút công tạo ra nó, được thưởng thức cao lương mỹ vị nhưng không phải nghĩ tới việc cuốc đất trồng khoai, được tiên nữ đẹp nhất chiều chuộng và yêu thương mà không phải một thân tỏ tình. Chàng không phải miệt mài đi tìm thuốc trường sinh, vì trên cõi tiên cuộc sống đương nhiên đã là vĩnh cửu. Tiên cảnh không có đòi hỏi mà chỉ toại nguyện mọi ý muốn, mọi ước vọng cao nhất. Nhưng có lẽ chăng, chính vì sự toại nguyện đón trước sự mong ước mà chàng chẳng còn có dịp để ước ao, nên Từ Thức đã không tìm ra động lực để trân quý những gì mình được nhận. Dễ quá, nên nhàm quá? Đây có phải là một mâu thuẫn? Vậy cái gì tạo ra động lực? Thể chất của phú quý hay sự nôn nóng của đợi chờ?
Ngay cả cái chết cũng không có luôn ở trên cõi tiên vì cuộc sống của tiên là trường cửu. Từ Thức muốn chết trên cõi tiên cũng không được. Nhưng chính khi Từ Thức nhận được sự sống vĩnh cửu đó, chàng mới có một cảm nhận kinh hoàng rằng chính sự phù du mới tạo ra sự khẩn cấp ham sống, và chính nhờ nỗi sợ thời gian bị cắt đoạn mà con người thật mới được phóng thích, trí tường tượng thật mới phóng tòa, năng lực thật mới trổi dậy. Ôi, khám phá này kinh khủng quá! Thành thử lên đến cõi tiên rồi mới VỠ ra rằng chính cõi tiên mới làm cho bản thân mình ẻo lả, mộng mị, thiếu năng lượng, vô hướng.
Nhất thiết Từ Thức sẽ không tạo ra ở đó một chút giá trị gì cho cuộc sống của chàng và của tiên. Chàng sẽ hiểu dần chính đó là cuộc sống vô dụng, chẳng còn một chút ý nghĩa, và cuối cùng quá tầm thường! Thế ra có hướng để đi mới tạo ra phản lực, nếu thứ gì cũng có rồi thì còn đi đâu nữa, còn tìm hướng làm gì nữa?
Có sao trên trời thì mới có động lực để theo. Nhưng chớ bao giờ lên tới tận sao, hãy cất cái thang để đi lên, cốt sao gìn giữ được sự ham muốn chính đáng. Không thể tạo ra sự có thể, có thể mới tạo ra bước tiến, nhưng tiến tới rồi thì lại vô nghĩa!
CHỈ CÓ ÂM MỚI TẠ0 RA DƯƠNG, VÀ CHỈ CÓ DƯƠNG MỚI TẠO RA ÂM?
Đã nhiều lần người ta tự hỏi tại sao Steve Jobs lại ráo riết làm việc khi đã biết mình chỉ còn vài tháng để sống, trong khi có trước mặt một núi tài sản, đủ để nuôi ông và người thân trong một trăm thế kỷ. Tại sao ông không tung tiền ra để hưởng thụ mọi diệu kỳ của cuộc sống trước khi rời cõi đời này? Tại sao ông không mua tất cả những gì mình chưa sở hữu để hậu thế ghi nhận rằng ông từng sở hữu tất cả? Tại sao ông không muốn đi vào danh sách lịch sử của những người giàu và biết hưởng thụ nhất thế gian?
Không! Ông đã không làm thế. Ông lại chọn con đường làm việc ráo riết hơn nữa, thức đêm thức hôm để cố làm xong những công trình mà ông đau đáu muốn thực hiện. Phải chăng ông nuối tiếc rằng mình sẽ thiếu thời gian để tận dụng một bộ máy tuyệt vời mà Tạo hóa đã tặng ông: một trí thông minh xuất chúng, một óc sáng tạo chỉ rất ít người có, và một năng lực phi thường? Phải chăng ngài Steve Jobs đã nhận được thông điệp nào đó của Bề Trên rằng ông phải cố làm xong việc trước khi lâm chung? Phải chăng chính sự thiếu thời gian mới tạo ra sự khẩn cấp có tác dụng mạnh trên ông, làm cho mọi tế bào của ông xuất phát ra những tinh túy cốt lõi?
Có lẽ phải thiếu thời gian thì thời gian mới có giá trị, phải thừa tài sản thì tài sản mới vô nghĩa?
Khi được chứng kiến tận mắt những phản ứng của Steve Jobs trước viễn tượng của ngày chốt sắp tới, chúng ta mới hiểu được thế nào là một lựa chọn thiêng liêng, vì vào những giờ phút khẩn cấp thì con người không thể dối lòng, không thể bỏ rơi chân lý, không thể trốn tránh sự chờ đợi từ Đấng Trên Cao.
Chính sự lựa chọn duy linh và mang tính phục vụ nhân loại của Steve Jobs đã quá đủ để thuyết phục chúng ta cái gì là vô ích, vớ vẩn, phi thực tế và nhảm nhí, và cái gì là giá trị thực trong cuộc sống. Steve Jobs đã như bay lên trời để cho chúng ta trông thấy rõ hơn những lựa chọn đích đáng. Vào đúng lúc thăng thiên, ông cầm ngọn lửa thiêng để soi đường cho những người đang ngược mắt nhìn theo: con đường đó là sự trân quý thế giới mà Thánh nhân đã tặng loài người, trân quý con người, trân quý những tâm hồn thánh thiện, trân quý những khả năng mà mỗi chúng ta được trang bị. Sự vĩnh cửu không mang tính vật chất như ở cõi tiên, mà là tinh thần như ở dưới trần! Ngọn lửa thiêng phải được truyền tay để tiếp tục sứ mệnh.
Và chính Từ Thức cuối cùng cũng nắm bắt được ánh sáng của đuốc thiêng. Cõi tiên hẳn là vĩnh cửu, mà vẫn không bền vững thiêng liêng. Lạ nhi! Tiên, rút cục, chỉ là những cơ thể vô dụng, hưởng thụ một cách vô tri, sống vô nghĩa, và ở một thế giới VÔ hình. Ảo hết! Niềm vui là ở hạ giới, sống trong tình yêu thương ấm áp của đồng bào nơi chôn rau cắt rốn, trong tình nghĩa đồng hương, trong không khí chứa chan sự nồng ấm. Ông tự nhủ: hãy mau về trần giới đi!
Phải chăng sự trường kỳ vô tận trên cõi tiên mới làm cho thời gian quá dài, quá rẻ? Phải chăng một thế giới quá dễ dàng mới khiến chẳng ai còn chút động lực để kiến tạo?
Đến đây, ta tạm dừng chân.
Bạn đọc đã hiểu để có thể lựa chọn, một bên là con đường của Từ Thức, người quá may mắn mà lại không thỏa mãn với tất cả những gì cõi tiên tặng không mình, và bên kia là lộ trình ngắn ngủi nhưng nhiệt huyết của Steve Jobs, một tinh hoa của nhân loại nhưng lại không được sự may mắn phù trợ kiếp thọ yểu. So sánh rồi, bạn đọc sẽ thấu hiểu đâu là hướng đi. Tất cả chúng ta, không thiếu một người nào, sẽ đều đi về cõi luân hồi đã tạo ra mình, nơi mà cuộc sống ngắn ngủi bắt buộc chúng ta phải trao đuốc cho nhau để biến hóa sự phù du, tạo ra sự vĩnh cửu.
Mỗi người trong chúng ta hãy đóng góp bằng cách tạo giá trị ngay trên con đường mình đang đi, bất chấp giá trị to hay nhỏ, để rồi các dòng giá trị tuôn vào dòng suối lớn. Chúng ta hãy thưởng thức hạnh phúc kiến tạo đó mà mình gặt hái ngay trên con đường, giống như hái những bông hoa thơm phức rải rác trên lộ trình, bất chấp hạnh phúc to hay nhỏ, để rồi tất cả những hạnh phúc chụm vào thành một biển khơi của sự hồ hởi. Nhưng hoa mà chúng ta hái, cũng như những cụm hạnh phúc mà chúng ta thưởng thức, đều phù du. Những hứa hẹn của tiên cảnh chỉ là cái bẫy. Chính khi hạnh phúc phù du thì mới được trân quý. Hoa mà vĩnh cửu chỉ có thể là một loại hoa giả. Hạnh phúc mà trường kỳ sẽ không còn là hạnh phúc, mà là một chuỗi dài ngày lê thê. Từ Thức chỉ ra cho chúng ta điều đó một cách quá rõ ràng!
Cái dương mà không có cái âm đi theo, phần thưởng mà không cần có nỗ lực, chức cao mà không xuất phát từ trí tuệ và công lao, quyền lực mà không lấy dân tộc làm gốc là vô nghĩa, nhạt tanh. Nghĩ cho cùng, bao giờ Đấng Trên Cao cũng cho chọn giữa hai con đường: con đường ảo và con đường bền vững. Ảo sẽ tạo thêm ảo, sẽ dìm con người dưới đủ loại ma túy và cám dỗ.
Theo đó xã hội của khi của heo sẽ lên ngôi, khi và heo sẽ vịn vào nhau để sống, sẽ khen thưởng, vinh danh nhau và chia chác. Còn phía kia là con đường của sự bền vững muôn đời. Con đường này là nỗ lực, là mồ hôi chân chính. Ảo và thật, chúng ta hãy tách bạch.
Từ Thức, sau khi quằn quại nhiều tháng nhiều năm dưới sự trăn trở, sau khi bỏ nhà, rời cha mẹ để đi tìm cõi lý tưởng đã chỉ cần một thời gian ngắn để lấy quyết định quay về chốn xưa và vui vầy với đồng hương. Được sống ở cõi tiên rồi mới hiểu đó chỉ là một giấc mơ ngây ngô, một ảo vọng. Từ Thức đã lần lữa đắn đo.
Trong câu chuyện, thật ra Từ Thức còn muốn trở lại cõi tiên, hay đúng hơn với Giáng Hương vì chàng ý thức được mình đã gieo nghiệp không đẹp khi bỏ nàng. Chàng hiểu mình đã quá ích kỷ, chi lo cho bản thân mà quên giữ đạo làm chồng. Nhưng than ôi, con đường về cõi tiên cũng không còn nữa. Chàng đã hai lần đi mà chi tới nửa đường để rồi lần nào cũng muốn cuồng điện quay về.
Tôi vẫn nhớ ngạn ngữ mà anh bạn người Hàn cứ nhắc nhở: “Cuộc đời của mỗi người giống như một dòng suối nhỏ chảy trên sườn núi. Nước chảy trên sườn núi không bao giờ trở lại nguồn để có thể đổ lại xuống sườn núi theo một lộ trình nào khác”.
Nếu bạn hỏi kiếp sau tôi có hoài bão sống lại cuộc đời này không thì tôi sẽ trả lời là có.
Tôi đã có một tuổi trẻ vô cùng vất vả nơi xứ người, nhưng thay vì thấy đó là khốn kiếp, tôi lại chỉ nhìn thấy cơ hội để rèn luyện cơ thể và tinh thần cứng cáp hơn. Tôi xin sống lại những khó khăn đó. Vì không có những thử thách kinh khủng đó, cơ thể của tôi sẽ nhão. Và chẳng bao giờ tới được niềm vui như ngày hôm nay.
Tôi đã phải sống và làm việc tại nước người một nửa thế kỷ, gọi là tha phương cầu thực, có gì hay ho, nhưng chính nhờ thế mới có đủ trang bị ngôn ngữ để tự tạo ra cơ hội viết truyện bằng chính ngôn ngữ của nước người (tôi đã viết hơn một trăm truyện ngắn bằng Pháp ngữ). Nếu phải sống lại, tôi xin tập sự lại từ đầu. Một cơ hội để trau chuốt hơn nữa sẽ rộng mở. Chỉ nghĩ thế thôi mà đã thấy rộn ràng.
Khi chơi bóng bầu dục với những đứa bạn cao hơn mình một hai đầu và nặng hơn mình hai ba chục kí, đã bao lần tôi mang thương tích vào thân, nhưng rồi tôi khám phá được rằng chính sự hợp lực của cơ bắp với sự minh mẫn trí tuệ mới đem lại kết quả mong đợi, chứ không phải sức mạnh mỡ thịt đơn thuần. Tôi may mắn tiếp thu được bài học đó. Và nếu phải học lại, tôi đồng ý, thậm chí sẽ cố gắng hơn những lần trước nữa để hưởng được niềm vui sướng tột độ khi cảm nhận được tiềm năng thực của toàn cơ thể.
Tôi từng bị dồn vào những cuộc thương thuyết tay đối với một vị Tổng thống, với một vị Chủ tịch sáng lập viên của một tập đoàn hoàn vũ, để rồi hiểu được rằng chính khi đối mặt với quyền lực thì mình mới ý thức được tạo hóa đã tặng sẵn cho mỗi cơ thể khả năng tự vệ trước quyền lực. Điều đó thật quá tuyệt vời, tôi chỉ mong có thêm nhiều cơ hội như thế để trau chuốt khả năng phản ứng.
Trong suốt mấy thập niên tôi đã đối mặt đủ mọi tình huống khó khăn, nhưng rồi sau cùng tôi hiểu chính những thử thách đó đã tạo ra con người của tôi ngày hôm nay. Tôi đã tìm thấy chính mình, hiểu mình là ai, và tôi tự tin – một thứ tự tin chứa đầy khiêm tốn, bởi tôi biết rõ giới hạn của bản thân, và hài lòng với chính mình tuy vẫn cố gắng vượt giới hạn. Việc này thì ai cũng phải làm, mọi thời, mọi nơi. Nếu không được sống những pha vất vả nhất có thể, thì làm sao đo được năng lực thật của bản thân và tìm được sự tự tin? Không ai mới sinh đã ra có sẵn sự tự tin, và tiền bạc cũng không mua được. Chỉ khi có cơ hội vượt mọi rào cản và chướng ngại thì chúng ta mới đo được khả năng và từ đó tạo được sự tự tin vững chắc. Sống thiếu tự tin thì không hẳn là sự sống.
Bạn ạ, chớ bao giờ tự coi thường khi chưa đo được tiềm năng của chính bản thân. Biết đâu bạn được Thánh nhân tạo ra để làm nhà vô địch! Nhưng bạn phải xông vào những cơ hội để thử lửa thì mới rõ mình là ai. Và nếu bạn vẫn còn hoài nghi thì tôi khuyên bạn hãy tham khảo về bác học Stephen Hawking. Đọc xong lịch sử cuộc đời Stephen Hawking, bạn sẽ có chút khái niệm về khả năng kinh khủng của một người tuy khuyết tật quặt quẹo đến cùng độ, không đi không đáng được, không sống độc lập cơ thể được, nhưng lại có một khối năng lượng và tri thức đủ lớn để bao trùm được cả sự hiểu biết của loài người về vũ trụ. Điều gì cấm một cơ thể gầy gò yếu đuối chứa hàm một năng lượng và một trí tuệ phi thường? Tất nhiên, nếu không có những thử thách gay go thì trí tuệ của bất cứ ai cũng sẽ không có cơ hội để xuất phát!
Và cuối cùng, nếu bạn hỏi tôi có muốn lặp lại kiếp sống tha hương hay không thì tôi phải nhìn nhận hơn 50 năm ở Pháp, Mã Lai, Brazil, Fiji đã chỉ làm cho tôi yêu và quyến luyến đất nước Việt Nam của chúng ta hơn nữa. Quê hương là nơi yêu dấu, nhất là khi mình ở xa.
* * *
TẠI SAO PHẢI LỰA CHỌN NHỈ? AI BẮT MÌNH LỰA, AI SOẠN THỰC ĐƠN ?
Nhớ lại thuở xa xưa, năm tôi 14 tuổi, nhà trường (chương trình học của Pháp) bắt bọn trẻ chúng tôi chọn giữa phái cổ điển (Latinh, Hy Lạp cổ) và phải tân thời, khiến chúng tôi vô cùng luống cuống. Tại sao phải chọn nhỉ? Học cả hai có sao đâu? Ai đã chế ra cái trò chơi ma quái bắt chúng tôi phải chơi? Ít nhất một lần, chúng ta phải tự hỏi xem việc phải lựa chọn có chính đáng không.
Ngày nay sự học, việc chọn môn phải thực tiễn hơn bao giờ hết. Thí sinh đi vào các trường đào tạo phải được bảo đảm là những kiến thức các em gom góp trong học trình sẽ được sử dụng khi vào đời. Chi doanh nghiệp mới có đủ số liệu và trải nghiệm để định nghĩa chân dung của nhân sự họ muốn tuyển. Thử hỏi đã có ai tham khảo các doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng của họ chưa trước khi xây dựng nội dung của việc đào tạo? Nếu câu trả lời là không thì tất cả chúng ta đang làm một việc vô nghĩa! Và khi bắt các con em lựa chọn giữa những nội dung không thực dụng cho nền kinh tế thực dụng thì chúng ta đang đùa giỡn quá vô trách nhiệm và cố tình lừa đảo chính con em của mình. Liệu có thể xem các chương trình học như những thứ vớ vẩn không? Chúng ta cần biết rõ và làm rõ. Ngay tại đây và ngay bây giờ!
Phải nhìn nhận rằng số động hệ thống giáo dục tại các nước trên thế giới không đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Thay vào đó, họ nhồi sọ, và trong việc nhồi sọ họ muốn chứng tỏ mình quan tâm đến tương lai của đứa trẻ. Hậu quả đáng tiếc của chính sách vớ vẩn này là số đông trẻ nhỏ không còn thời gian để thở, phải học sáng trưa chiều tối, 7 ngày một tuần, thành thử các em sẽ không bao giờ có một chút hy vọng để ai đó khám phá rằng các em còn có những năng khiếu kỳ diệu nào khác.
Tôi sẽ lấy một ví dụ. Có thể các bạn đã biết về một đứa trẻ người Nigeria tên là Tanitoluwa Adewumi mà những người thân gọi là Tani. Em mới 8 tuổi, vừa đi theo gia đình xin tỵ nạn bên Hoa Kỳ và mới tới New York năm 2017. Em được học cờ vua một cách thật ngẫu nhiên, và sau chỉ một năm chơi cờ vua, em bắt đầu đoạt nhiều giải quốc tế dành cho các nhà vô địch có tên tuổi trên thế giới. Một đứa trẻ 8 tuổi, mới học cờ. Theo như người ta kể lại, cách chơi cờ vua của em khá kỳ lạ - em đi những nước mà không ai ngờ tới, kể cả trí thông minh nhân tạo cũng bỡ ngỡ trước những phản ứng mà chỉ có trí tuệ con người mới mường tượng nổi. Thử hỏi nếu Tani bị nhồi sọ với những kiến thức với vẫn sáng trưa chiều tối, liệu em có bao giờ được khám phá môn cờ vua và được mọi người chú ý tới năng khiếu bẩm sinh tuyệt diệu của mình chăng?
Bạn ạ, trước khi chúng ta chia tay trong cuốn sách này, tôi muốn gửi bạn một cẩm nang để luôn luôn giữ bên mình. Nó nhẹ lắm, ngắn lắm, và nhất là giản dị lắm!
Trước hết, bạn hãy ý thức được rằng thế giới ngày nay là thế giới của những người bình thường như bạn và tôi. Những người như chúng ta đông lắm, hầu hết dân số. Người nào cũng làm ăn tạm ổn, và nếu như có chút sóng gió trong cuộc đời, âu cũng là chuyện bình thường. Làm gì có cuộc đời nào phẳng lặng? Và nếu nó phẳng lặng thực sự thì nó quá buồn tẻ. Bạn có thể có những giấc mơ hào hùng và vĩ đại. Không ai cấm bạn làm việc đó, và chính tôi còn khuyến khích bạn mơ: giấc mơ là nguồn gốc của động lực, là cỗ máy giúp tạo thành những công trình vĩ đại. Thiếu những giấc mơ thì thế giới này sẽ rất khác, kém cỏi, nhạt tanh và buồn chán. Vậy bạn hãy mơ. Nhưng cùng một lúc, bạn hãy biết mình và biết người, hãy đo được sức của bản thân, giới hạn của khả năng và nhất là lợi ích và giá trị mang lại cho xã hội. Quá sức, bạn sẽ thất bại. Không những thế, bạn sẽ thất vọng về chính mình, một niềm thất vọng thực không chính đáng. Còn nếu đã mang lợi ích và giá trị cho xã hội thì bạn chẳng cần nhiều lời, chẳng cần quảng cáo, chẳng cần xin sự giúp đỡ. Xã hội sẽ tới đông đảo để giúp bạn thành công. Ngày nay, không còn thành công nào là cá nhân nữa. Thành công tập thể là một điều bắt buộc do tính phức tạp của mọi dự án và do nhu cầu vốn rất cao. Ngoài ra, thành công tập thể còn đem lại một thứ hạnh phúc to lớn hơn cả hạnh phúc cá nhân nữa - xã hội mà trân quý bạn thì bạn đã tới đích, hãy ý thức được điều đó. Có được sự trân quý thì sau đó bạn muốn làm gì, xã hội cũng sẽ ủng hộ và hỗ trợ. Đến đó làm sao còn có thể thất bại?
Nhưng xã hội chỉ yêu quý người khiêm tốn, liêm khiết, chuyên cần, trách nhiệm. Ở đây, bạn chớ nên lầm lẫn giữa sự giàu sang và sự phản cảm do sự giàu sang đôi khi tạo ra. Tôi quen rất đông những người giàu sang mà vẫn được xã hội kính mến. Họ là những người luôn luôn nghĩ đến xã hội trước, sau đó mới đến mình. Sự giàu sang của họ là điều mà chính xã hội mong muốn để họ có, khác hẳn với sự giàu mà không sang của những kẻ tham lam vơ vét nhưng lại ích kỷ. Xã hội có mắt, không phải cứ tỷ phú là bị ghét, hoặc cứ nghèo đói mà được thương. Bạn thương yêu xã hội một cách chân tình thì xã hội mới đáp trả lại trăm lần như thế.
Thứ hai, hãy tập làm bạn với thời gian, vì đó là tài sản duy nhất mà mỗi người mới sinh ra đều được tặng không. Thời gian phải trở thành đồng lõa chứ không là đối nghịch. Ngoài xã hội, vô số người tự biến thời gian thành thù địch. Lúc nào họ cũng hấp tấp, vội vã, lăng xăng, chẳng việc gì ra việc gì nhưng lúc nào cũng quá bận bịu trong một chuỗi tranh thủ triền miên. Để rồi chẳng rõ đi đâu!
Bạn ạ, nghệ thuật sống, nhất là sống lâu, là làm cho nhịp sống cá nhân của mình, nhịp tim đập của cơ thể đi theo đúng nhịp sống của tập thể. Làm được như thế thì không lúc nào mình nhọc mệt. Tôi có vô số bạn trẻ và già sống nhanh quá, hoặc chậm quá so với nhịp tự nhiên của cơ thể – lúc thì hớt hơ hớt hải vội vã, lúc thì gật gù đợi để giết thời gian đằng đẵng lê thê. Cả hai đều đưa tới sự khó hiểu cho xã hội, vì xã hội có nhịp sống riêng. Bạn chớ nên làm gì sớm quá, hoặc muộn quá. Cả hai tình huống đều vô duyên. Hãy nhớ rằng không phải bạn chạy nhanh thì tài sản sẽ tới sớm, không phải bạn chạy chậm thì sẽ mất cơ hội. Không cơ hội thực nào sẽ được trao cho bạn chỉ vì tính nhanh nhảu đâu, hãy nghĩ lại xem có đúng thế không!
Thứ ba, bạn hãy chiêm nghiệm cách làm việc của những người ôn tồn nhưng thành công lớn. Những người này làm việc ra việc, ăn ra ăn, uống ra uống, chơi ra chơi... Rất đông trong đám bạn trẻ của tôi tranh thủ suốt ngày (hay chỉ nói miệng?) đang ăn thì nghĩ đến việc, đang làm việc thì nghĩ đến giải trí, đang giải trí thì nghĩ đến lịch làm việc. Không lúc nào họ tập trung để việc đâu ra đó. Nếu bạn giống như tôi vừa tả chân thì hãy thay đổi ngay từ duy. Đừng ngụy biện. Khi bạn đang ăn, không ai quát bắt bạn rời bàn ăn ngay để vào việc. Khi bạn đang chơi với gia đình và con cái, không ai nghĩ tới việc phá đám gia đình bạn. Nếu thiếu tập trung thì chỉ là do lỗi của chính bạn. Nếu tiếp tục giữ thói xấu này, bạn chẳng cần tìm thêm lý do của thất bại. Người thành công là người đồng lõa với thời gian, làm gì cũng đến nơi đến chốn, tạo uy tín cá nhân bằng cách không tự phá rối. Những suy nghĩ của họ có cấu trúc, việc làm của họ có trình tự, và đi có hướng. Làm tất cả những thứ đó có quá khó chăng? Từ nay bạn hãy làm đúng việc, đúng thời hạn, đúng cam kết, đúng chỗ, đúng đối tác. Chẳng cần vội vã, chẳng cần tranh thủ. Chỉ cần mang kết quả gọn gàng đúng sự chờ đợi. Như vậy có vượt quá khả năng của bạn không?
Chính vì những người như thế rất được quý trọng mà cơ hội mới tới tấp tìm kiếm họ. Nếu đang tự hỏi làm sao để cơ hội tìm đến mình, bây giờ bạn đã hiểu: Cơ hội chi tìm tới những người không bao giờ sai lời, không bao giờ đùa cợt với những đòi hỏi của xã hội. Khi còn trẻ, tôi thường tự hỏi làm sao cơ hội tới với mình, làm sao được thăng lượng tiến chức... Bây giờ tôi đã hiểu. Bạn có tin không, vào tuổi thất tuần rồi, mà mỗi ngày tôi lại nhận được một cơ hội mới! Đó là vì không bao giờ tôi bỏ rơi ai, không bao giờ tôi làm việc tạm bợ chểnh mảng, biết tự trọng và lúc nào cũng cố gắng hết sức. Xã hội không ngớt tìm kiếm tôi, vì tin vào tôi và khả năng của tôi để tạo thêm giá trị, cho dù những giá trị nhỏ bé đến đâu.
Chân lý đôi khi giản dị quá!
Vậy hãy tự trọng bạn nhé. Người tự trọng không bao giờ tới muộn, không bao giờ khiến bất cứ ai hụt hẫng. Họ không cần có nhân chứng cho sự tự trọng, bởi nó tự tại trong chính bản thân họ.
Người tự trọng cũng chẳng bao giờ yếu đuối đổ lỗi khi khó khăn bao vây, bởi họ luôn vững vàng và có trách nhiệm. Hễ bạn tự trọng thì không những cơ hội sẽ dồn dập tới tìm bạn, nhưng hơn thế, xã hội sẽ còn muốn ôm lấy bạn, không để bạn đi đâu xa. Và tất nhiên xã hội sẽ không để bạn thiếu thốn.
Từ đầu chương đến giờ, nào tôi có nhắc tới bằng to, chức lớn, tài sản khủng? Chúng đều là phù phiếm nếu được chủ hữu với một mục tiêu duy nhất là để khoe, để trưng bày, để trị và để trục lợi. Phù phiếm vì không bền vững, vì một ngày kia tất cả những thứ đó sẽ bị thời gian quét sạch trơn. Nhưng nếu bạn có tài sản để mang lợi ích tới với xã hội chung quanh, nếu bạn có kiến thức cao để chia sẻ, nếu bạn có chức vị lớn để thực sự phục vụ thị xã hội sẽ còn cho bạn thêm nữa. Còn nếu bất chấp xã hội thì xã hội sẽ không màng tới bạn. Và đây mới là một thái độ vô tri, bởi bạn đâu tự sống trên một hòn đảo một mình?
Cả một cuộc đời tìm đường để rồi mãi về lúc xế chiều tôi mới khám phá ra rằng chẳng có đường để tìm. Làm gì cũng được, đi đâu cũng đặng, thực hiện gì cũng thành công nếu mỗi chúng ta không quên mình là một thành phần của xã hội, đóng góp nhiều thì xã hội sẽ cho lại chúng ta nhiều. Và “nhiều” không có nghĩa là số lượng, mà là tình cảm đậm đà, giá trị bền vững. Hạnh phúc đâu, nay tôi đã biết, thành thủ lúc nào tôi cũng hạnh phúc, cho dù tôi có thể đang sống với một chuyện bất trắc. Hiểu được cuộc đời là thế, duyên nghiệp phải thế, những phản ứng âm dương toàn là những chuyện bình thường có thể đoán được - biết trước là nghiệp phải thế thì đâu còn đau khổ nữa! Những hạnh phúc nhỏ thì nằm trên mỗi bước đi, nhưng hạnh phúc bền vững là thứ hạnh phúc lấy gốc từ sự trải nghiệm, từ sự từ bi chấp nhận, từ tinh thần tích cực mình luôn luôn có.
Sách này dành trọn cho sự đi tìm. Tôi đã tìm thấy sức mạnh của mình trong những thử thách vô cùng gian nan. Tôi đã tìm được tình yêu khi trao trọn trái tim. Tôi đã tìm được quyền thế bằng cách cố gắng sống mẫu mực khiêm tốn. Tôi đã tìm thấy hạnh phúc khi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người chung quanh. Tôi đã tìm được sự no ấm khi miệt mài tạo giá trị cho xã hội. Và may mắn thay tôi đã tìm được chính mình bằng cách tăng trọn bản thân cho xã hội. Cứ cho đi thì mới thấy được thứ mình đi tìm.
Cứ miệt mài tu thân. Cứ tận dụng khả năng. Hạnh phúc không Ở cõi tiên mà ở ngay trong cơ thể và trí tuệ. Hay là cõi tiên cũng ở luôn trong cơ thể và trí tuệ? Tôi không biết. Mà biết để làm gì, khi hạnh phúc ở ngay tại đây, ngay lúc này?
Đến đây tôi lại muốn viết thêm câu chuyện về Từ Thức.
Trên lộ trình về lại cõi trần, Từ Thức sẽ đi qua cung Trăng, sẽ gặp chị Hằng và thằng Cuội già ngồi dưới cây đa. Thế nào tính hiếu kỳ cũng thúc đẩy chị Hằng hỏi Từ Thức xem tiên nữ trên kia có đẹp và dịu hiền không? Còn thằng Cuội già cũng sẽ hỏi Từ Thức ở trên cõi tiên ăn có ngon không? Từ Thức không hiểu sao câu hỏi của chị Hằng và Cuội già lại quá tầm thường như thế, mà câu trả lời của mình có thể nhạt, và nhàm như vậy - đương nhiên là đẹp và ngon chứ!
Nghĩ ngợi hồi lâu, Từ Thức mới vỡ ra lý lẽ. Còn có gì khác để hỏi và còn có gì khác để trả lời! Ở cõi tiên làm sao có thứ gì xấu! Vậy nên tất nhiên cũng chẳng thể có thứ gì đẹp, vì đẹp với xấu phải đi đôi với nhau như bóng với hình. Đồ ăn thức uống làm sao có thể không ngon trên cõi tiên, nhưng ngon hay dở đều chung số phận vì kiếm đâu ra thi vị ở một tiên cảnh ngày nào cũng giống ngày nào!
Bấy giờ Từ Thức mới hiểu được niềm tủi thân của mình: Chàng đã ở quá lâu một nơi mà mình mất quyền năng chủ động, mất cả tự do sáng tạo và phán đoán, mất luôn khả năng cảm nhận và đánh giá. Điều gì cũng do tiên quyết định, việc sáng tạo trên cõi tiên không cần thiết, còn sự đánh giá thì quá vô ích nơi tiên cảnh.
Ở cõi tiên, Từ Thức thấy mình bị giam cầm, tù túng.
Phải về thôi! Về nơi trái tim đập trở lại, tâm hồn có lại những trăn trở, trí óc lại lần lữa cân nhắc, ruột gan sẽ có lúc se thắt, tay chân sẽ có thời bủn rủn. Nhưng chính sắc thái đó tại cõi trần mới đem đến niềm vui của kết quả, thi vị của sự sống. Sự sống là quằn quại với khát vọng, ước mơ và sau đó tự do động viên mọi khả năng và tinh túy của mình - đúng những thứ mà Từ Thức đã lãng quên khi ở “trên kia”. Còn sự trường thọ thì sao? Khám phá của Từ Thức còn dữ dội hơn nữa: sống vĩnh cửu là sự hão huyền.
Cuộc sống trường tồn là một chuỗi ngày vô tận để có thể đẩy lui liên tục mọi mục tiêu, chẳng khác chi một giấc ngủ nhàm chán.
Sống là ngủ à? Từ Thức đột nhiên bừng tỉnh. Hẳn là không! Bất thình lình Từ Thức thèm khát một cuộc sống nhịp nhàng với cỏ cây, rừng núi và sinh vật.
Chúng ta đi tìm chính mình, để cố hòa mình với xã hội, trong hệ sinh thái mà ta phải tự tạo lấy. Hơi thở của ta phải theo nhịp thở của hệ sinh thái. Trái tim của ta phải đập theo nhịp sống của xã hội, và chính xã hội sẽ tặng ta vị trí và chức năng phù hợp với khả năng của bản thân để phục vụ hệ sinh thái. Xã hội sẽ ban cho sự trù phú đi đôi với các giá trị cao nhất mà chúng ta tạo ra để phục vụ xã hội. Chỉ thêm một điều quan trọng mà ta không bao giờ được quên: phải luôn luôn chứng tỏ bằng lời nói đi đôi với việc làm.
Rút cục, bạn ạ, chẳng có gì để phải đi tìm, mà hãy cứ nghe tiếng thì thầm của linh tính, nhịp đập khát khao của con tim, sự kêu gọi tha thiết của tấm lòng, và sự cám dỗ óng ả của những thú vui.
Mình cứ là mình, cho dù có lúc yếu đuối hay mạnh mẽ, và đồng thời hãy cứ là một thành phần tích cực của xã hội. Một đời miệt mài tìm đường, để cuối cùng khám phá ra rằng muốn tới bến bờ, chỉ cần xuất phát con người thật của chính mình để yêu xã hội nhiều nhất có thể, để “Muôn năm vui cảnh cũ, trường tại với sơn hà” như thi sĩ Đoàn Thêm đã viết thay cho câu kết trong cốt truyện “Từ Thức hay là Kẻ Tìm Đường”.
Cố nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996), trên cùng một ý tưởng, đã tặng chúng ta một bài hát tuyệt vời, Thằng Cuội, mà tôi xin trích lại vài câu để tặng bạn đọc. Bài chỉ diễn tả một cuộc sống bình dị với những nhu cầu đơn giản. Và nếu họa may có những đòi hỏi thì cứ thử bắc thang lên hỏi ông Trời. Lên đến trên đó gặp chị Hằng và thằng Cuội già rồi sẽ biết.
Cho dù bài hát của Lê Thương có một mục tiêu nào khác, nó cùng tặng ta một không khí vô tư mà tất cả chúng ta đừng bao giờ bỏ quên. Hãy tiếp nhận thông điệp của nó: cuộc sống là VÔ cùng giản dị và nhẹ nhàng. Và cứ để ước mơ ôm ấp lấy chúng ta, cho dù là giấc mơ lên cung Trăng, hay lên cõi tiên giống như Từ Thức. Không có ước mơ là không có tương lai, và tương lai chính ở trong giấc mơ đó. Nhưng, tuy ông Trời sẵn sàng cho mượn cái thang để lên thăm chị Hằng và thằng Cuội, ta vẫn phải tự nhủ: Ở cung trăng mãi làm chi?.
Bóng trăng trắng ngà Có cây đa to Có thằng Cuội già ôm một mối mơ. Lặng yên ta nói Cuội nghe “Ở cung trăng mãi làm chi?” Các em thích cười Muốn lên cung trăng Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang Vậy lời cuối là bạn chẳng cần đi tìm đâu xa, thậm chí lên tận cung trăng, và nếu thấu triệt được chân lý thì bạn hãy cứ ở lại quê nhà, “muôn năm vui cảnh cũ, trường tại với sơn hà”. Thi sĩ Văn Liêm, một tài hoa hiện đại, cũng có cách riêng, vừa thơ mộng vừa dễ thương lại vừa giản đơn, để diễn tả cảm nhận đó: Đời người có được bao nhiêu? Tìm về mái ấm thân yêu quê nhà, Ta về tìm lại chính ta, Xin làm một chiếc lá đa sân đình!
Người ta cứ tưởng rằng phải biết lựa chọn hướng đi, rồi phải thành công, thì sau đó mới tìm ra hạnh phúc. Nào ngờ phải nghĩ ngược hẳn lại- cứ đi theo những ý thích thầm kín nhất của mình, cứ hướng theo ánh sáng của sự thèm khát nhất từ bên trong, và bám chặt lấy cái ám ảnh tích cực đó rồi mới tìm ra hướng đi.
Nói nôm na, có sướng thì mới đi chứ đừng đi để mần mò tìm cái sướng.
Thành thử lộ trình đúng không phải là thành công tạo ra hạnh phúc, mà chính hạnh phúc mới tạo ra thành công! Hướng đi không nhất thiết đưa tới hạnh phúc mà chính niềm hạnh phúc mới chỉ đường cho chúng ta đi.
Cả một cuộc đời để tìm ra chân lý đó, mà mọi sinh vật khác chúng ta, trong cả vũ trụ rộng lớn này, đều hiểu từ ngay lúc mới lọt lòng!
Xin chúc bạn đọc cứ thật vui vẻ hồn nhiên mà vững lòng tiến bước trong cuộc sống./.