Một Đời Như Kẻ Tìm Đường - Chương 18
“Liſe is a matter of choices, and every choice you make makes you." (Cuộc đời là một chuỗi lựa chọn, và mỗi lựa chọn sẽ tạo ra dấu ấn cho con người của mình.)
JOHN C. MAXWELL Nghĩ cho cùng, trong cả đời người chẳng có mấy lựa chọn mình phải lấy, nhưng khi lấy thì phải cố lấy cho thật đúng.
Lá thư cho những phụ huynh thương con Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. Hãy sống y như ngày mai bạn phải từ giã cõi trần.
Hãy học y như bạn có trước mặt một cuộc sống trường cửu.
- MAHATMA GANDHI Children must be taught how to think, not what to think.
Hãy dạy trẻ con tập suy nghĩ, đừng áp đặt những suy nghĩ của nó.
- MARGARET MEAD
Mến gửi các bạn phụ huynh, Lá thư này sẽ đến với bạn trong lúc chính bạn đang hoang mang về tương lai của đứa con yêu dấu, thậm chí bạn còn hoang mang hơn chính đứa con, trong lúc cháu còn đang tuổi hồn nhiên. Cũng vì đoán được rằng bạn muốn nghe đôi lời chia sẻ của người trải nghiệm, tôi mới cố gắng viết lá thư này riêng cho bạn. Hãy xem tôi như một người bạn già liêm chính, xem con bạn cũng như tất cả thế hệ trẻ như tài sản quý báu nhất mà đất nước và gia đình bạn có thể sở hữu. Và hãy tin vào sự thận trọng trong cách suy nghĩ của tôi. Trong những chuyến đi khắp nước từ hơn 10 năm nay, tôi đã có dịp trao đổi với rất nhiều phụ huynh có con em còn ở trung học, sắp lên đại học hoặc sắp vào nghề - nghề nông và những nghề khoa học là chính. Và tôi cũng đã được xem tại nhiều nơi trên thế giới người ta dành cho thế hệ trẻ của họ những dự định nào, những lộ trình nào trong tương lai. Tôi biết rõ lắm những ý nghĩ thầm kín của phụ huynh. Các bạn hầu hết bị xâu xé trong lòng giữa ý tưởng muốn giúp con vẫy vùng thành công rực rỡ theo mơ ước, với phương án chọn một mộng bình thường an toàn và ổn định, như công chức, giáo viên chẳng hạn. Để giải tỏa nỗi lo, tôi biết bạn đã tìm mọi cơ hội để trao đổi với con, nhưng chẳng may, những cuộc trao đổi nếu có, cũng không đi đủ xa và đủ sâu. Bạn có cảm nhận rất khó chịu rằng cách nhìn tương lai của con khác nhiều cách nhìn của mình, thậm chí ngay cuộc sống cũng mang ý nghĩa khác giữa hai thế hệ. Tệ hơn thế, chính bạn cũng nhìn nhận mình lạc lối trong những cấu trúc chồng chéo của nền giáo dục, còn đứa con thì ở tuổi đó, mình còn đòi hỏi nó cái gì? Trường hợp của bạn chẳng cá biệt so với những gia đình khác, thành thì bạn đừng vì thế mà bối rối. Trao đổi xong, bạn thở phào nhẹ nhõm hơn. Bạn đúng, nhưng con bạn cũng đúng.
Và hai thế hệ khó hiểu nhau do những góc nhìn chủ quan khác nhau. Nhưng, bạn ạ, ngay cách nhìn khách quan cũng khác nhau, đây mới là điều có thể làm bạn ngạc nhiên, vì đôi khi mình cứ tưởng đã khách quan thì nhất thiết phải cùng chung kết luận. Thực ra, không thể có chuyện đồng thuận khách quan khi dữ liệu và thông tin về hệ thống học tiếp quá mông lung và đôi khi còn vớ vẩn. Trong lá thư này, chúng ta sẽ cùng nhau giải mã những sự khác biệt, vì ít nhất tất cả chúng ta đều may mắn có một điểm chung: phía con hay phía phụ huynh đều chỉ có một ý mong là đứa con thành công trong cuộc đời. Con bạn yêu bạn vô cùng để đáp lại tình yêu mà bạn cho nó ngay từ khi nó mới lọt lòng, khóc oe oe và bắt đầu chớp mắt. Nếu không có tình yêu hai chiều sâu đậm, tha thiết đến khắc khoải thì câu chuyện đến ngay tại đây đã hết. Nhưng không. Dưới cái trướng của tình yêu giữa cha mẹ và con, chúng ta sẽ tia từng chi tiết để hai thế hệ cùng tìm hiểu nhau, cảm thông và biết đâu yêu nhau hơn nữa. Tôi đã đi khắp nước, gặp hàng trăm phụ huynh, hàng ngàn học sinh và sinh viên, và tôi giữ vững niềm lạc quan cho tương lai của cả thế hệ.
Trong những cuộc gặp gỡ với học sinh và sinh viên, tôi phải thú thật là mình đã có cảm nhận tội nghiệp nhất khi được đối thoại với những đứa trẻ đã được cha mẹ “rửa óc” hoặc o bế thành công.
Hôm ấy, tôi được trông thấy một bạn học sinh hiên ngang, rất tự tin và có một chút kiêu ngạo tại một trường trung học phổ thông miền Bắc. Em ấy giơ tay xin phát biểu và thẳng thừng nói thật to cho mọi người cùng nghe rằng em đã không do dự một giây khi phải chọn môn học và nghề nghiệp cho mai sau. Em nói bố em là bác sĩ, mẹ em là bác sĩ, chị em cũng đang học y khoa, và cả ông ngoại cũng là bác sĩ. Và em cũng sẽ trở thành bác sĩ. Tất nhiên tôi chúc mừng em vì khó lòng ở tuổi đó mà đã có ý kiến rõ ràng về sở thích và sự lựa chọn. Nhưng em còn nói thêm là “em đâu cần lựa chọn”. Vâng, thật là dĩ nhiên quá, em nhi, đến nỗi em đã quên luôn rằng quyền lựa chọn là một cách thể hiện tự do của bản thân một cách thiêng liêng nhất! Không tự lựa chọn là đã từ chối sẵn trách nhiệm với chính mình, nói một cách khác, nó thể hiện một sự nhẹ dạ mà sau này có thể khiến em hối hận. Tôi cũng gặp lần khác một trường hợp na ná. Em này trông nhà giàu ra mặt. Em lớn hơn các bạn khác một đầu, da dẻ hồng hào, trông có thể tưởng lầm là em lại người da trắng. Em nói mình chẳng cần phải chọn nghề, muốn làm nghề gì thì gia đình em cũng có thể bố trí được sau này. Tôi cũng chúc mừng em đã có ý niệm khá khẳng định về ảnh ảnh hưởng của các bậc thân sinh. Mong cha mẹ của em sẽ sống đủ lâu để luôn luôn chăm sóc và bố trí mọi chuyện cho em! Hai trường hợp này minh họa cho ảnh hưởng quá đáng của gia đình trên tư duy của người con, một điều phải hết sức tránh. Lý do là đã làm người thì phải trân quý những cơ hội thử thách để hiểu chính mình, rồi biết mình là ai. “Tôi là ai, tôi muốn gì?” là đầu đề cho bất cứ lựa chọn nào mang tính cá nhân. Biết đâu hai em nói trên có những khiếu bẩm sinh mà cha mẹ đã vô tình tước đi mất? Nói một cách khác, các em đã bỏ mọi cơ hội để khám phá chính mình, do sự vô thức của cha mẹ.
***
Bạn phụ huynh ạ, tôi với bạn có nhiều điểm chung. Chúng ta đều mong con cái sớm trưởng thành và thành công. Chúng ta không nề hà một cố gắng nào để trang bị đầy đủ cho đứa con.
Chúng ta đều lo lắng con mình thua kém chúng bạn, và sẵn sàng thức hôm thức khuya để dạy con học. Chúng ta đều tin vào tầm quan trọng của sự học, tri thức cũng như học nghề, vì chúng ta nghĩ chỉ có sự học mới cho phép con mình vươn lên.
Chúng ta đều bám vào giáo dục truyền thống mà vẫn lo âu không biết làm thế còn đúng không. Chúng ta muốn dạy con hãy đi sát thực tế, mà thực tế là có cơm ăn áo mặc, có phải thế không.
Chúng ta muốn con luôn luôn vin vào đạo đức để sống bền vững, và tựa vào mồ hôi nước mắt để tạo sự ổn định. Nhưng chúng ta không chắc chắn rằng những thông điệp của chúng ta đã được đứa con chấp nhận và thụ giáo. Kinh nghiệm bản thân của tôi cũng như những quan sát nơi bạn bè thân hữu cho thấy bạn không cần dạy con bằng nhiều lời, mà chỉ cần làm gương. Trong cơ thể của đứa con có sẵn một tố chất, đó là gien bạn đã truyền sẵn cho nó. Trên bản chất, con bạn giữ nguyên những đức tính của bạn, cũng như những khiếm khuyết. Giáo dục qua việc làm gương sẽ giảm khiếm khuyết và tăng những sở khiếu. Bạn chớ cần nhiều lời, vì đứa con sẽ đi theo bạn với lòng tự hào đã có bạn làm cha làm mẹ. Bạn chỉ cần tạo sự gần gũi, và khi tình huống cho phép, chỉ cần giải lý cho nó hiểu phẩm chất và nội dung. Chỗ còn lại là công tác đắc lực của tế bào và tác dụng tuyệt vời của sự tự do lựa chọn. Thế giới của chúng ta và của “chúng nó” khác nhau nhiều nên khi bạn càng phát biểu, càng nhiều lời với khối tư duy chủ quan của mình, đứa con sẽ càng tìm ra nhiều mâu thuẫn chứ không sẵn sàng chấp nhận những lý luận lỗi thời và những giáo điều cổ hủ đầu. Làm gương sẽ thuyết phục hơn, tuy không dễ chút nào. Dễ hơn nữa là cứ to tiếng và nhắc nhở nó “tao đẻ ra mày, mày biết chưa? – những cách sẽ tạo phản ứng, gây phản cảm và cuối cùng chỉ để lộ ra nhiều thiếu sót từ chính phụ huynh mà đứa con sẽ khắc ghi. Muốn gần con hơn, cha mẹ nào yêu con sẽ phải phân tích mình xa nó ở chỗ nào, rồi dần dần thu hẹp khoảng cách. Bạn phải tránh nhất quát con và bảo nó cứ đơn thuần tuân thủ lời của cha mẹ. Chính đây là điểm yếu của phụ huynh, bởi các phụ huynh phải có sự cố gắng từ chính bản thân để tìm hiểu thời đại của con, giải mã những thay đổi trước khi dạy con. Các bạn phải cố tìm những câu giải đáp cho những bài toán rất khó, như: “Đạo đức vào thế kỷ thứ XXI là gì? Làm sao giữ phong cách tử tế trong xã hội bon chen ngày nay? Tình yêu tuổi trẻ vào thời mới phải như thế nào thì mới đúng lẽ?...”. Rõ ràng quá, bạn sẽ sai nếu dạy con cứ hành xử như truyền thống của thời xưa thời xưa! Những yêu cầu này chẳng phải là đòi hỏi quá nhiều ở nơi bạn, vì sự cố gắng phải hoàn toàn ở phía bạn chứ không chút nào Ở phía con!
* * *
Những sự khác biệt về cảm nhận cũng như về tư tưởng giữa các thế hệ thì có rất nhiều.
CẢM NHẬN VỀ KHÔNG GIAN
Xưa kia, ông bà của chúng ta chi đi ra khỏi làng một bước đã gọi thế là đi xa. Đến thế hệ của chúng ta, đã có những cuộc đi chơi liên tỉnh, thậm chí ra nước ngoài. Đối với chúng ta, thế giới còn quá mênh mông. Đối với tuổi trẻ thì khác. Cảm nhận về không gian của thế hệ sau co giãn một cách khó hiểu - đi mua vài ổ bánh mì thì xa, rủ nhau đi lên Đà Lạt hay xuống Đồ Sơn thì gần, còn mua vé theo Elon Musk để lên cung trăng du lịch thì luôn luôn sẵn sàng!
CẢM NHẬN VỀ THỜI GIAN
Vào đầu thế kỷ XX, ông bà nội của tôi lấy nhau trước tuổi 16, đến 18 đã có con đầu lòng, và khi 34 đã có đủ mười miệng ăn trong nhà. Làm gì cũng sớm sủa vì vào thời đó, nào ai dám quả quyết mình sẽ thọ quá 50, 60?
Đến thế hệ của tôi thì thời gian đã giãn ra một chút. Tuổi thọ trung bình đã đạt mốc 70, thậm chí hơn thế. Nhưng từ những năm gần đây, tuổi thọ trung bình đã tăng khá nhanh và thế hệ trẻ ngày hôm nay sẽ dễ dàng đạt mốc 90, thậm chí 100 tròn.
Cảm nhận về thời gian sẽ thay đổi rất nhiều cách nhìn về cuộc đời. Vội vã làm chi, khi tuổi thanh thiếu niên còn bao nhiêu thú vui đáng khám phá. Hấp tấp công việc làm gì khi lúc nào cũng có ăn, và chăng, nếu phải làm việc 40 năm cuộc đời thì bắt đầu đi làm thực sự vào tuổi 28-30 có gì là muộn? Còn chuyện lập gia đình thì chẳng có gì phải hối hả.
Điều này trái ngược hẳn với nếp sống ngàn năm của dân tộc. Trước mắt thì đứa con không sống theo giờ giấc của phụ huynh, thích đi chơi về khuya, không quản lý thời gian, mất nhiều thời gian vào những chuyện quá nhỏ trong khi lại chểnh mảng chuyện quan trọng. Phụ huynh thì vội vã, đứa con thì đúng định vô tư. Đố bạn: Ai là người làm đúng?
CẢM NHẬN VỀ GIÁ TRỊ SỐNG
Ở thế hệ phụ huynh chúng ta thì ưu tiên bao giờ cũng là tiết kiệm cho tương lai dài hạn. Nhưng cho thế hệ trẻ hôm nay thì tương lai dài hạn là sang năm, hoặc sang năm nữa, không xa hơn thế. Ý niệm này về thời gian có ảnh hưởng đến phong cách sống.
Ví dụ cưới muộn nhưng người yêu thì phải có sớm, không đợi được. Du lịch tham quan thì cứ đi ngay, không màng tới khâu chuẩn bị. Món ngon thì cứ rủ nhau thưởng thức ngay, giá bao nhiêu cũng trả. Và nếu chẳng may hết tiền trong túi thì chẳng có gì phải nghĩ ngợi, chỉ cần đi xin một việc tạm bợ trong khách sạn hoặc quán ăn là giải quyết xong.
Làm sao chúng ta có thể thuyết phục “bọn trẻ” để chúng tiết kiệm cho tương lai lâu dài khi ưu tiên của cả thế hệ trẻ là sống đã.
Sống thực, sống mạnh, sống nhiệt tình trước khi quá muộn!
CẢM NHẬN VỀ CUỘC SỐNG TÌNH CẢM
Thế hệ trẻ không nhìn tình yêu như ông bà chúng ta ngày xưa. Văn hóa xưa là sớm lập gia đình để sớm ổn định cuộc sống.
Xây nhà xây của đẻ con, cái gì cũng phải sớm. Ý niệm về tình yêu thời đó mang nhiều tính vật chất và lễ nghi.
Ngày nay yêu và được yêu thì xem như đã đủ. Thậm chí phải sớm khoe chúng bạn rằng mình đã có người yêu để tránh những xì xào của xã hội. Thế là cả thế hệ trẻ yêu nhau vùng mạng.
Cậu bé hàng xóm của tôi mới 21 tuổi mà đã có 3, 4 đời người yêu!
Con gái ngày nay chẳng còn gì để giữ vào ngày tuổi đôi mươi, thử hỏi giữ để làm gì vì sớm muộn rồi cũng mất trước khi lập gia đình, và con trai ngày nay chấp nhận dễ dàng sự việc như thế, thậm chí không nghĩ tới nữa. Phía con trai thì tình yêu là thứ vô tội vạ. Cứ yêu đã rồi hạ hồi phân giải. Còn chuyện ly dị được thế hệ trước xem là một vấn đề đáng thận trọng, thì ngày nay không còn là một thảm cảnh. Con cái ai nuôi chẳng được!
Hiện tượng toàn cầu hóa cũng mang lại nhiều điều mới mẻ, một là người nước ngoài sang nước ta khá đông, hai là những phong tục mới lan tràn khắp toàn cầu.
Các phụ huynh ạ, hãy tập chấp nhận hết, vì khi bạn chấp nhận rồi thì đứa con mới nói thật cho bạn nghe. Bạn chớ mắng con, vì nếu mắng thì nó sẽ cắt luôn nguồn thông tin mà bạn khao khát tìm về nó. Hãy nhớ là tuổi 18 được pháp luật công nhận là tuổi trưởng thành, và mọi đứa trẻ đều hiểu sâu sắc điều này.
Trong chuyện này không có người thua người thiệt, mà chỉ nên có sự cảm thông, vì chính sự cảm thông mới mở đường cho sự hướng dẫn. Cả thế hệ trẻ hành xử như thế chứ con bạn không phải là một trường hợp đơn lẻ đâu.
CẢM NHẬN VỀ VIỆC LÀM, Ý NIỆM VỀ THÀNH CÔNG
Rất đông giới trẻ ngày nay không mơ ngồi văn phòng nữa.
Và ý niệm thành công của họ không nhất thiết phải là một chức Giám đốc hoặc một vị trí nào cao trong doanh nghiệp. Tất nhiên, thực tế vẫn y nguyên là thực tế. Ít có ai từ chối một chức vị. Tuy nhiên những trách nhiệm kèm theo phải được trả công đích đáng thì các bạn trẻ ngày nay mới nhận.
Thực ra, người trẻ ngày hôm nay không có những hoài bão của thế hệ trước, nhất là ước mong có được cuộc sống ổn định. Họ có một ý niệm khá vững chắc về cuộc sống, về giá trị cá nhân và sẽ không cho rằng cái gì cũng là cơ hội. Như tôi viết ở trên, thời gian là đồng lõa của giới trẻ, họ không vội và sẽ sẵn sàng từ bỏ mọi đề nghị suông.
Tôi luôn luôn chủ trương mỗi người phải được hoàn toàn tự do trong những lựa chọn của mình.
Ở nhiều nước Tây Phương, số đông trẻ con ở tuổi 16 đã có ý niệm khá rõ về những lựa chọn của nó. Đến tuổi 18, ít em nào để cho cha mẹ can thiệp vào những ý riêng về chuyện lựa chọn con đường cho tương lai. Và cho dù đám trẻ không có ý niệm gì, cha mẹ cũng chỉ có lời khuyên và gợi ý chứ không bao giờ xâm nhập vào lãnh địa riêng tư của con. Luật pháp quy định và tôn trọng mỗi đơn vị trưởng thành.
Truyền thống của chúng ta thì không như thế. Phụ huynh can thiệp mạnh mẽ và sâu đậm vào những lựa chọn của đứa con đã trưởng thành, lấy cớ là “mày còn nhỏ, mày đã biết gì”. Ngày nay, nghĩ gì cũng có thể đúng, làm gì cũng có thể sai. Và hệ thống giáo dục lỗi thời không giúp cho sự cảm thông mở rộng ra mà còn khép lại.
* * *
Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, các hiện tượng kinh tế và xã hội biến đổi nhanh như ngày hôm nay. Điều này lại càng làm cho chúng ta thêm bối rối, vì mỗi chúng ta rất cần vịn vào một thực tế ổn định để định hướng!
Xưa kia, khi cha mẹ tôi chỉ dẫn cho tôi đường đi lối bước, những lý luận và cân nhắc trong gia đình vẫn còn hiệu lực cả 20, 30 năm sau. Cho đến đúng ngày hôm qua là chấm dứt.
Nhưng thế giới đã xoay quá nhanh. Những gì đúng ngày hôm này sẽ không còn đúng, thậm chí hoàn toàn lỗi thời chỉ vài năm ngắn sắp tới. Mà cuộc xoay vần sẽ xoay càng ngày càng nhanh.
Tôi sẽ lấy một ví dụ hơi bất ngờ với những bạn phụ huynh nào mơ cho con làm việc trong ngành ngân hàng: chỉ độ 10 năm nữa nghề ngân hàng có lẽ sẽ biến tích, chứ không chỉ biến đổi.
Ngay ngày hôm nay, tại một số quốc gia tân tiến tiền phong, đã có vô số ngân hàng đóng cửa và được thay thế bằng những chiếc máy cỏn con không có người trông, được đặt ngay góc các đường phố.
Máy có khả năng phát tiền, cho mượn tiền để mua xe hoặc mua nhà, mở tài khoản và nhận giữ tiền hộ khách hàng. Máy còn có khả năng đếm tiền nếu chẳng may có ai ném cho một mớ tiền giấy và một đống tiền cắc lẫn lộn. Máy sẽ tự động soạn lại “đống rác” vừa được ném vào, tự động hỏi khách hàng muốn làm gì với số tiền vừa gửi. Thế thì các nhân viên ngân hàng sẽ đi đâu nếu máy đã cáng đáng hết mọi giao dịch?
Để lấy thêm một ví dụ khác, dịch vụ chuyên chở cũng sẽ được cách mạng hóa nhanh chóng. Và chỉ trong thời gian ngắn nữa, taxi sẽ không có người lái, hành khách sẽ ra lệnh từ trước qua máy điện thoại, rồi trả tiền cước bằng cùng dụng cụ đó. Không lâu sau đó, hành khách sẽ chẳng cần ra lệnh bằng giọng nói nữa, mà chỉ cần phát ra ý muốn trong đầu. Những chiếc máy có khả năng đoán ý trong đầu của đối tác đang được chế tạo và sẽ mang dịch vụ này tới đại chúng thật sớm. Các tài xế taxi sẽ đổi sang việc nào?
Quy mô và tốc độ của sự đảo lộn càng ngày càng lớn. Khó khăn cho bạn, và cho tôi, là chỉ trong không quá 10 năm trước mặt, thế giới ngày mai sẽ không còn điểm giống thế giới chúng ta đang sống, do đó chúng ta không còn một điểm tựa nào để vịn vào mà giúp con lý luận và lựa chọn. Chỉ trong 20 năm nữa, 80% các nghề của ngày hôm nay sẽ biến đi, và ngay những nghề cố hữu nhất như nhà văn, bác sĩ, luật sư chẳng hạn, nội dung của công việc và những kỹ năng mà nghề đòi hỏi sẽ khác hẳn những đòi hỏi xưa kia.
Vậy làm sao có thể giúp con khi chính mình không có một ý niệm gì về tương lai? Không thể phủ nhận, vai trò của gia đình sẽ suy giảm, mỗi đơn vị con người phải sớm nắm bắt được khả năng tự vệ, tự lập, tự chọn. Khuynh hướng của xã hội cũng như khuynh hướng của luật pháp tách dần dần mỗi thành viên của gia đình thành những cá nhân tự quản. Thực tế này đã hiện hữu tại mọi quốc gia tân tiến, và đang tràn vào đất nước chúng ta.
Cha mẹ, phụ huynh nào còn có tư duy muốn che chở đứa con hãy sớm tạo cho con điều kiện để tự ý thức. Hơn lúc nào hết, phụ huynh phải dạy đứa con tự che chở, tự cảnh giác, tự bảo vệ.
Đúng hơn là bạn phải dạy nó tự học để tự bảo vệ. Thế giới ảo sẽ bao trùm con bạn từ đầu đến chân, 24 tiếng một ngày, nhưng hậu quả thì không ảo mà thật! Chắc hẳn các phụ huynh đã cảm nhận được đứa con tuột khỏi tay mình từ khá lâu, nhưng điều mới mẻ là nó có thể tuột tay cha mẹ ngay khi còn ở nhà, dù khóa cửa giam con chăng nữa. Trong khi đó, ở nhà trường các chương trình học lại thay đổi quá chậm và đôi khi không đúng hướng. Hệ thống giáo dục không theo kịp đà tiến hóa, không còn đáp ứng với thị trường công việc hay nhu cầu của các doanh nghiệp. Các giáo viên không nhận được kịp thời sự bồi dưỡng cần thiết.
Tuy nhiên nếu nhìn một cách tích cực hơn, thế giới đang có xu hướng ưu tiên cho những ai tạo giá trị không ngừng, và việc che chở đứa con yêu không thuộc lộ trình này.
* * *
CHỈ CÓ MỘT BÍ QUYẾT Nếu bạn hỏi tôi có bí quyết nào để nuôi con sớm thành tài thì tôi chỉ có một, mà tôi rút tỉa sau nhiều năm trải nghiệm. Xin thưa: con bạn sẽ thành công sau này nếu bạn cho nó tích cực tham gia vào các sinh hoạt tập thể lành mạnh hoặc tự phát, hoặc từ thiện ngay từ khi còn nhỏ. Một câu lạc bộ đọc sách, một đội vận động thể thao, một nhóm tập kịch, hát hợp ca, một câu lạc bộ thanh niên từ thiện, làm tình nguyện viên cho Hồng Thập Tự, một đoàn hướng đạo viên...
Tôi chưa thấy một đứa trẻ nào thất bại sau này khi nó sớm tích cực tham gia vào các sinh hoạt tập thể lành mạnh nói trên. Đứa trẻ sẽ tập sống ngoài xã hội và với xã hội, tập làm việc nhóm, trau chuốt cách ăn nói, biết lắng tai nghe, nhiễm tinh thần kỷ luật, nghiệm được sức mạnh của sự liêm chính chân thật, cảm nhận được tình bạn bè thân hữu. Nó sẽ phát triển tính hồn nhiên, khả năng sáng tạo, sự tự tin, lòng dũng cảm. Tập thể sẽ cảnh giác, giữ tính an toàn cho các thành viên. Các em sẽ tự khám phá phong cách tử tế, tư duy đạo đức, sự kính trọng lẫn nhau. Qua việc từ thiện, các em sẽ được chạm trán trực tiếp với mặt kém của xã hội, và sẽ hiểu vị trí và nhiệm vụ làm người của mình hơn. Tóm lại, trẻ sẽ học tất cả những cá tính cần thiết để con người thành nhân.
Trước khi nghĩ đến thành công.
Còn riêng bạn, hãy thực hiện những việc sau: Dạy con biết sử dụng mọi khả năng bẩm sinh của mình.
Ngày nay, phải tự cấm việc đút cơm cháo cho con, vì đơn giản, làm vậy thì đứa con sẽ ấu trĩ suốt đời. Dạy con biết dùng hai bàn tay, học nghề chân tay song song với một nghề tri thức hay buôn bán. Không có gì quan trọng hơn cho đứa trẻ là nó cảm nhận được rằng hai bàn tay của mình có khả năng tạo giá trị, song song với trí óc. Dạy con biết lắng tai nghe, hiểu ý của đối tác, biết trình bày một vấn đề, biết thương thảo, trao đổi, vì truyền thông là một chìa khóa lớn của thành công. Dạy con biết lý luận, suy diễn mạch lạc.
Con bạn nếu luôn luôn ấp a ấp úng với những ý tưởng thiếu mạch lạc thì xã hội sẽ không cho nó chỗ đứng trong bất cứ sinh hoạt tập thể nào đáng kể. Dạy con biết hợp tác với nhiều người khác trên những dự án mang tầm xã hội. Con bạn phải ý thức được rằng nó là một thành phần trọn vẹn của xã hội. Chớ bao giờ tưởng con mình đứng trên là tốt. Trên hay dưới thì vẫn là đứng ngoài. Dạy con biết khéo léo xử lý mọi vấn đề với lòng từ bi và tính nhân ái, dưới quyền chỉ huy của lương tri của chính bản thân. Dạy con biết cho và biết nhường nhịn khiêm tốn, chỉ như vậy con bạn mới tìm ra chỗ đứng trong xã hội, vì có cho thì mới có nhận. Dạy con biết tạo và nhận tình thương, động viên trái tim và xua đuổi phản ứng vô cảm. Dạy con biết đánh giá mọi việc. Đánh giá sai là cả chuỗi công việc sẽ bị trôi đi. Không ra đời, lăn lộn với mọi tình huống, đối mặt với mọi đối tác thì sẽ không bao giờ biết đánh giá và sẽ đưa tới biết bao nhiêu quyết định bất cập, không phù hợp, trái lý trí và nhân tâm.
Dạy con tính nhẫn nại. Ai không bền bị trên đường dài sẽ không bao giờ thành công bền vững. Ai không biết đợi thì chỉ mang bức xúc đau khổ về mình. Dạy con biết trân quý mỗi khi nhận bất cứ thứ gì, vì không phải ai cũng có được những gì nó được hưởng. Không biết trân quý là không có ý niệm thực tế. Và nhất là bạn hãy dạy con biết tự học, đây là điểm then chốt! Dù dạy con bao nhiêu bài học, bạn cũng chỉ truyền tải được vài phần trăm những gì nó cần biết và hiểu. Con người phải học suốt đời, và điều tuyệt vời là sự tự học lại càng vui khi càng lớn tuổi. Ngày nay, không ai có thể đoán trước được mình phải thu góp thêm kiến thức gì trong tương lại 20 năm sắp tới! Bằng cấp cùng những kiến thức đi theo khi mình nhận được lúc còn trẻ không thể so sánh với khối kiến thức mà mình gom góp được sau khi tốt nghiệp. Nhất là vào thời biến đổi ngày nay.
NGÀY NAY, KHÔNG NGƯỜI NÀO THÀNH CÔNG MÀ KHÔNG BIẾT TỰ Học. VẬY TỰ HỌC LÀ GÌ?
Tự học trước nhất là tập quan sát việc làm của người khác, để chính mình rút tia bài học và cách làm để thành công. Tự học là biết tạo điều kiện để mời các vị có nhiều kinh nghiệm chịu chia sẻ cho mình nghe những bí quyết, hoặc cách nhìn một vấn đề. Những người này có thể là gia đình, có thể là những người ngoài xã hội.
Tự học là biết tìm ra giải pháp cho những vấn đề mình gặp bằng cách tham khảo sách hoặc các tài liệu trên mạng. Trong các loại sách, có sách chuyên môn, có sách về văn hóa tổng hợp...
Chỉ sách mới là người bạn có đủ “nhẫn nại” đi theo mình, mỗi khi mình cần. Chi sách mới cho phép mình so sánh các giải pháp theo từng thời đại. Chị sách mới cho mình cơ hội làm bạn với các tác giả sống trên thế gian này cách đây hàng nghìn năm, chia sẻ tư duy và góc nhìn của họ. Chỉ sách mới cho phép mình tìm lại gốc rễ của mỗi vấn đề, mỗi hiện tượng.
Tự học cũng là cách để trau dồi văn hóa, cải thiện bản thân, và đây là điểm mà các đối tác sẽ đánh giá mình. Văn hóa cao sẽ mở mọi cánh cửa. Tự học còn là tự cho mình nhiều kỹ năng mới, như nắm bắt ngoại ngữ, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng của những nghề tay chân...
Có bao nhiêu thấy cũng không thay thế được việc tự học.
Thầy và sách bổ sung cho nhau. Thầy có thể hướng dẫn, nhưng chi sách mới là bạn đồng hành vừa súc tích, vừa trung thành. Một trăm phần trăm vĩ nhân là những người có khả năng tự học cao và có một điểm chung là đọc rất nhiều sách trên nhiều chuyên môn, địa hạt khác nhau.
Chỉ có sự chăm chỉ đọc sách mới mở ra cho chúng ta những thế giới mà chúng ta không biết tới, và chỉ có văn hóa mới giúp con người kiến tạo ra một cuộc sống an nhiên, súc tích. Việc tự học và đọc sách là tiền đề để xây dựng một văn hóa cao. Phụ huynh không thể thay thế con trong việc hấp thụ văn hóa bởi đây là việc mang tính cá nhân, nhưng phụ huynh có thể dạy con sớm biết tự học và sớm khám phá ra niềm thích thú đó.
Xã hội chúng ta đã rất khác nếu cả dân tộc ý thức sớm được điều này.
Tự học kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Thường các bậc cha mẹ sợ nhất là đứa con hay mơ màng, và hay mắng con: “Sao con cứ ngồi cắn bút rồi mơ vậy! Học đi con”. Ở ngay tại đây, tôi xin lưu ý các bậc cha mẹ rằng chỉ có giấc mơ mới biến đứa con của bạn thành người sáng tạo phong phú. Bạn có biết chính giấc mơ là cổ máy cho sự tiến hóa của loài người? May cho chúng ta là chỉ loài người mới biết mơ giữa mọi loài động vật. Nếu voi, sư tử và đại bàng đều biết mơ, đều có trí tưởng tượng phong phú thì tôi chưa chắc thế giới này đã dễ gì để cho con người cai trị. Tất cả những tiến bộ của nền khoa học đều bắt đầu từ một giấc mơ.
Người ta kể rằng nhà bác học vĩ đại Albert Einstein suốt ngày ngồi mơ. Ông mơ đến những thế giới ảo nơi đâu, không ai biết, nhưng ông đã là một nhà tiên phong đi sâu vào cấu trúc của những nguyên tử nhỏ li ti, để biến những phần tử đó thành những nguồn năng lượng vĩ đại. Thế giới ảo của ông không khác chi thế giới ảo của con trẻ. Trong thế giới đó, con của bạn sẽ hoàn toàn hạnh phúc và thỏa mãn với những gì nó sẽ khám phá.
Vậy các phụ huynh ạ, chớ bao giờ làm lỗi lầm to tát là cấm con mơ! Có mơ thì nó mới lớn lên, bạn nhớ nhé.
* * * Thế giới ngày nay còn có những đòi hỏi khác nữa mà các bạn phụ huynh nên ý thức sớm và hướng dẫn con.
Thứ nhất là ngoại ngữ. Không còn một nơi nào trên thế giới mà người bản xứ không biết sử dụng thêm một ngoại ngữ, thông thường là tiếng Anh. Xin nói ngay để bạn đỡ lặp đi lặp lại lỗi lầm.
Đây không phải là thứ tiếng Anh thụ động, được dạy bởi rất nhiều trường ngoại ngữ tại Việt Nam, mà là tiếng Anh linh động cho công việc. Người dùng ngoại ngữ thường phải đối mặt với những tình huống tâm lý, khoa học, kinh tế tài chính, pháp lý... thành thử những thứ như “hello, good bye” chẳng có mấy công dụng. Không nhà trường nào có khả năng dạy thứ tiếng Anh chuyên nghiệp này, mà chi trường đời mới làm cho con bạn thạo ngoại ngữ. Điều này có nghĩa con bạn phải có cơ hội đi đây đi đó một mình, để tự tạo cho chính bản thân một sự thông thạo nào đó về ngoại ngữ.
Thứ hai là khả năng tự giới thiệu. Con bạn phải biết tự “bán” theo phương pháp marketing tân tiến nhất, phải biết bảo vệ giá trị của bản thân. Giá trị càng cao thì xã hội sẽ dành cho nó một chỗ đúng càng tốt. Giá trị là giáo dục, văn hóa và đạo đức. Giá trị là biết mình, biết người, biết mình muốn gì, biết xã hội chờ đợi gì ở mình. Biết khôn khéo vào khuôn mà vẫn giữ được khả năng sáng tạo cá biệt. Biết đứng trong hàng ngũ một cách trật tự những vẫn tạo được sự chú ý âm thầm. Biết làm cho người khác yêu mến mình mà không mua chuộc. Biết làm cho xã hội cần mình vì khả năng sáng giá.
Tất cả những thứ này bạn không thể truyền cho con trong một khoảnh khắc, mà là một quá trình lâu dài.
Thứ ba là sự tự tin. Con bạn sẽ không đi đâu xa được nếu không tự tin. Mà nguồn cơn làm cho nó mất tự tin nhiều, oái oăm thay, lại do chính cha mẹ tạo nên. Nếu bạn bảo vệ con nhiều quá, nó sẽ không thể tự tin khi đứng một mình. Nếu bạn cho con nhiều tiền quá, nó sẽ không tự tin khi không có sẵn một mớ tiền trong túi.
Nếu bạn chưa dạy con trình bày gọn ghẽ thì đứa con sẽ rất khớp khi phải phát biểu. Còn nếu bạn tệ quá, hay nói với con “mày chẳng ra gì” thì đừng ngạc nhiên, con bạn sẽ dần dần biến thành một con thỏ luôn luôn mang mặc cảm sợ hãi tự ti.
Bạn hãy nhìn cách sư tử, đại bàng dạy con. Chúng chỉ dạy con những điều tối cần cơ bản như biết tự bảo vệ thân mình, kiếm ăn, rồi sau đó mặc con tự lập, sống chết mặc bay. Cũng vì vậy con ngựa mới sinh ra đã biết chạy, con voi sơ sinh sẽ biết đứng gầm.
Không loài thú nào dạy con ỷ lại. Bạn nên xem gương dạy con của những con thú trong rừng sinh thái và nhất thiết phải tránh tạo cho con sự sợ hãi tự nhiên trước mọi tình huống. Một đứa con tự tin sẽ sớm trở thành một con người tự lập và hạnh phúc.
Nhân tiện đây, tôi khẩn khoản xin các bạn phụ huynh chú ý về truyền thống hành xử khác biệt của cha mẹ giữa con trai và con gái tại nước chúng ta. Hễ là con trai, phụ huynh chiều nó như ông vua. Còn hễ là con gái thì nó chi được coi như một đứa hầu. Nói thế có công bằng không? Có lẽ cách hành xử đó bắt nguồn từ ý nghĩ rằng đằng nào con gái cũng sang nhà khác sau này. Tôi xin nói thẳng rằng tư duy củ hủ đó quá tồi bại và ngu xuẩn. Con nào cũng là con mình. Thế nhưng hễ chiều con trai quá, nó sẽ ỷ lại và sau này nó sẽ không làm gì nên chuyện và sẽ mất tự tin. Người con trai cần có nhiều cơ hội đối mặt với nhiều chướng ngại để chóng lớn, không thể mang sự nuông chiều để dạy dỗ. Con gái thì ngược lại! Hễ đứa con gái không cảm nhận được cha mẹ chiều chuộng thì sự thiếu vắng đó sẽ làm cho nó mất tự tin. Người phụ nữ càng được cha mẹ nuông chiều càng đẹp càng duyên. Không có người con gái nào xấu hơn khi mang đầy mặc cảm. Thành thử thay vì chiều con trai và ấm con gái, phụ huynh nên làm ngược hẳn lại.
Làm vậy sẽ khôn ngoan hơn và hiệu quả hơn. Các con cả hai phái sẽ tự tin hơn!
Thứ tư là khả năng hòa nhập. Mỗi người chỉ có thể chọn đứng trong hoặc đứng ngoài xã hội. Hòa nhập với xã hội là bước đầu của sự thành công. Nếu toàn xã hội mến con của bạn thì nó sẽ luôn luôn có người sẵn sàng hỗ trợ. Nhưng muốn hòa nhập thì bước đầu là do mình, bắt đầu bằng việc biết cho và biết thỏa hiệp.
Cho không bao giờ là dễ, phải vượt phản ứng tự nhiên, và hãy hiểu thêm rằng không phải cứ muốn cho mà đã tìm ra người chịu nhận.
Tôi từng gặp khá nhiều sinh viên không được xã hội mở cửa cho phép hòa nhập. Nói chuyện lâu với các em này tôi mới khám phá ra lý do: cha mẹ của các em đã từng dạy chúng phải tránh hết sức để người khác lợi dụng. Từ đó, các em tránh luôn giao tiếp với bạn bè, bạn hỏi mượn cái gì cũng không. Những đứa này đã đánh mất khả năng hòa nhập, chưa nói đến việc cho. Thử hỏi không hòa nhập thì mình đứng ở nơi đâu trong xã hội?
Thứ năm là khả năng hỗ trợ người khác thành công. Các phụ huynh ạ, thế giới ngày nay vô cùng tích cực và chúng ta phải cảm ơn toàn loài người về điểm này. Xưa kia sự thành công là một câu chuyện dài, vất vả, vì có người thất bại thì mới có người thành công. Ngày nay, ai ai cũng phải mong và giúp cho người khác thành công để chính mình thành công! Vì thành công ngày nay là một tác động tập thể. Tóm lại, hỗ trợ nhau và đẩy nhau cùng lên.
Cơ hội sẽ tới nếu con bạn tự tạo một chỗ đứng trong một nhóm, đóng góp hết mình và nhận được kết quả từ sự đóng góp của người đồng hành. Chính làm việc nhóm sẽ tạo ra nhiều cơ hội.
Thứ sáu là biết lấy những quyết định theo đúng thời điểm.
Cuộc đời là một chuỗi dài những lúc phải biết đợi cơ hội hoặc thời điểm để hành động. Nếu mua luôn cho con nhà lầu xe hơi ngay từ khi nó mới 22 tuổi, bạn đang phạm một lỗi lầm to lớn: bạn đang dạy nó không chờ đợi. Bạn đang tước đi của đứa con một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công: khả năng chờ thời.
Thứ bảy là đạo đức. Giữ được tử tế là đã khá, nhưng sự tử tế không bảo đảm sự bền vững. Mình tử tế thì xã hội sẽ tử tế lại, chấm hết. Nhưng nếu hơn thế, mình đạo đức, xã hội sẽ dành cho mình sự kính nể, trân trọng suốt đời. Chỉ có đạo đức mới bảo đảm sự bền vững. Và có lẽ đây mới là gốc thật của giáo dục mà bạn nhất thiết phải tặng con.
Ở đây tôi xin trích một câu thơ của thi sĩ Văn Liêm khi thi sĩ gửi đôi lời cho người Thầy của đứa con: Thây hãy dạy con tôi: Có thể bán mồ hôi và trí tuệ, Không bao giờ được bán lương tâm Mỗi con người chỉ có một trái tim, Sống nhân ái sẽ được nhiều hơn mất.
Để kết luận, tôi xin trích bản dịch một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Kahlil Gibran (1883-1931) với tựa đề “Your children” (Những đứa con của bạn): Your children are not your children, They are the sons and daughters of Life's longing for itself They come through you but not from you. Anh though they are with you, they belong not to you. You may give them your love but not your thoughts. You may house their bodies but not their souls, For their souls dwell in the house of tomorrow. Which you cannot visit, not even in your dream. You may strive to be like them, but seek not to make them like you Dịch nghĩa: Con chúng ta thực ra không phải con chúng ta. Chúng là con của Cuộc Sống tự tìm lấy Cuộc Sống. Chúng đến qua chúng ta chứ không phải từ chúng ta. Và tuy ở với chúng ta, lại không thuộc về chúng ta.
Chúng ta có thể cho chúng tình thương, nhưng không thể cho chúng tư tưởng của mình. Vì chúng đã có tư tưởng riêng của chúng. Chúng ta có thể chứa thân thể của chúng trong nhà, nhưng linh hồn của chúng là không thể. Vì những linh hồn đó chỉ trú ngụ trong căn nhà của ngày mai, nơi mà chúng ta không thể đến thăm, ngay cả trong giấc mơ. Chúng ta có thể cố gắng để giống chúng, nhưng đừng tìm cách làm chúng giống chúng ta...
* * *
Các phụ huynh thân mến, Bạn hãy giúp con tạo giá trị thực; hãy hướng dẫn nhưng đừng áp đặt; hãy tạo động lực cho con, nhưng đừng bao giờ mạnh tay cưỡng kéo nó đi, hãy dạy nó sử dụng khả năng bẩm sinh, nhưng hãy mặc nó tự luyện, và nhất là tránh hết sức làm gì thay con.
Mỗi người có một nghiệp. Ngay từ khi mở mắt chào đời.
Cha mẹ chỉ là nơi Đấng Trên Cao giao phó nghiệp của đứa con, và chỉ một thời gian ngắn ngủi. Sau đó đứa con sẽ được nghiệp dẫn dắt. Bạn phải ý thức được rằng mình sẽ bất lực trước sức mạnh êm đềm, chậm rãi những vô cùng mãnh liệt của nghiệp. Và khi con phát biểu hoặc phản biện bạn, điều vô ích là cha mẹ phản biện ngược lại đứa con, vì chính cái nghiệp đang tiếp thu đứa con của bạn đó!
Tích cực mến chào bạn, trong niềm tin tưởng lạc quan rằng Bạn là một phụ huynh không những yêu con, mà còn sáng suốt và tế nhị.
PHAN VĂN TRƯỜNG