Khang Hy Đại Đế - TẬP 3 - Chương 40
40
Trừ họa ngầm, Mục Tử Húc xuống nam
Thử võ công Vu Nhất Sĩ mất mặt
Mục Tử Húc phụng chỉ điều nhậm Giang Ninh chức tạo. Ngày hôm sau bèn lên đường đi nam, nhưng đi không nhanh. Sau khi rời kinh, ông đi Thái An về phía đông, lên núi Thái Sơn xem mặt trời mọc. Rồi quanh sang Tế Nam, đến chỗ Vu Thành Long già chơi vài hôm. Minh Châu và Sách Ngạch Đồ vốn nghi ông ta có mật chỉ, nhưng thấy ông ta du sơn ngoạn thủy trên đường đi nên không nghi ngờ nữa. Vào đến địa phận Giang Nam, Mục Tử Húc lại tỏ ra khác thường, ông chỉ nghỉ chân ăn cơm ở trạm dịch, cũng không cần người tùy tùng đi theo, ông đổi ngựa không đổi người, đi cả ngày cả đêm, chỉ hai ngày đã tới nhiệm sở Giang Ninh. Làm xong việc bàn giao ngay trong ngày, sau khi ủy quyền cho một quan ty tạm quản lý việc trong nha, bèn ngồi kiệu bốn người khênh tới gặp Ngụy Đông Đình, lúc đó trời mới vừa tối.
“Tử Húc!” Ngụy Đông Đình và Mục Tử Húc vốn là anh em kết nghĩa, lại là thông gia, trước nay nói chuyện đều nói thẳng tuột vào đề. Thấy Mục Tử Húc hành tung khó hiểu, thần sắc có khác, liền cười nói: “Anh ở đâu chui ra thế này? Hôm qua xem công báo, anh vẫn còn ở Lưu Xuyên, hôm nay đã tới? Chẳng có một tin tức gì! Bây giờ làm quan to rồi mà vẫn cứ liều lĩnh!” Mục Tử Húc cười nói, “Đại ca lần này nghi oan cho tôi”. Ông nhìn chung quanh thấy có người, liền nhắm trà, một lúc lâu mới nói, “Anh em xa cách bao nhiêu lâu, tôi còn lo lắng Phụng thánh phu nhân và chị Giám Mai, anh nghĩ là tôi không gấp sao?” Ngụy Đông Đình xưa nay lanh trí và thận trọng, liền bảo người nhà: “Không cần đứng hầu ở đây, ông lớn Mục ít khi tới, các ngươi sai người dọn một tiệc ở nhà cây xoan, làm mấy món ngon vào, ta cùng ông thông gia uống với nhau mấy chén!”
Thấy các trưởng tùy đã đi ra, Mục Tử Húc hạ thấp giọng nói khẽ: “Hoàng thượng định tháng tư sang năm đi thị sát phía nam, biết vùng này tình hình phức tạp, lệnh cho người anh em này tới trước dọn đường. Có mật chỉ ở đây, cầm cờ là ông anh, tôi sẽ trợ giúp anh!”
“À!” Ngụy Đông Đình ánh mắt sáng lên, tiếp nhận tờ chiếu mật của Khang Hy, anh đọc kỹ lưỡng rồi đem đốt trên ngọn lửa. Không hiểu sao, mặt ông trắng bệch, một hồi lâu mới nói: “Hoàng thượng quả thật là trời sinh sáng suốt, thông minh hơn người! Tôi ở Nam Kinh cây to gió cả, quan viên ở đây đều không biết chú, vụ kiện số một này giao cho chú làm là thích hợp nhất rồi”. Mục Tử Húc cười nói: “Đều nhờ anh chủ trì, Tử Húc vốn chỉ nghe anh điều khiển. Cát Lễ nếu quả thật thông đồng với Chu Tam Thái tử làm phản, e rằng ông lớn Sách cũng khó tránh khỏi tai nạn này, không ngờ là chúng ta sắp lập công ở Nam Kinh!” Ngụy Đông Đình chẳng bảo là đúng hay sai, chuyển sang chuyện khác, nói tình hình Nam Kinh do chính ông đã thăm dò mấy lần: “Xây hành cung của Hoàng thượng ở Nam Kinh, một chỗ ở bến Bạch Sa, một chỗ ở chùa Long Cốc, một chỗ ở hồ Mạc Sầu. Điều lạ là đều cách chùa viện rất gần. Chùa Linh Cốc thì cũng được rồi, Hoàng thượng muốn đi Hiếu Lăng tế Chu Nguyên Chương, làm nơi tạm dừng chân, cũng còn là có lý đi. Bến Bạch Sa hoang vắng như vậy, làm sao phòng vệ? Hồ Mạc Sầu, bắc có sông Tần Hoài phân cách với thành, tây, nam hai mặt có sông bao quanh, địa thế thấp như vậy, vạn nhất có chuyện gì hoặc có nước lũ thì Chúa thượng đi đâu được? Thật là kỳ quặc...”.
Mục Tử Húc lặng yên nghe Ngụy Đông Đình giới thiệu, rất khâm phục Ngụy Đông Đình cẩn thận đa mưu, và càng cảm thấy Cát Lễ lòng dạ khó lường, một hồi lâu mới nói: “Tôi sẽ trú tại chỗ anh đây. Xem ra chỗ đáng ngờ nhất là hồ Mạc Sầu, chỗ này gần viện Tỳ Lư, cảnh trí đẹp, người du hành nhiều, xem ra rất thái bình, nếu thực sự muốn làm phản, tôi cũng sẽ chọn nơi này, ngày mai tôi sẽ đi xem thực địa”.
“Tôi đã tới đó mấy lần rồi”. Ngụy Đông Đình trầm tư nói, “cũng đã nghi ngờ hắn ta dùng pháo trên đỉnh Thiền Sơn bắn xuống, còn tới cục chế pháo Giang Nam xem đại pháo hồng y hiện còn trên pháo đài có thiếu không. Nhưng tôi không có chức vụ quân sự, không thể mượn cớ lên pháo đài xem hư thực, nên cũng chưa dò xét được. Thiền Sơn ở viện Tỳ Lư vây cấm nhiều năm rồi, nếu thực muốn đặt pháo trên đỉnh...” Ngụy Đông Đình rùng mình ớn lạnh, “cho nên chú phải tìm cách lên Thiền Sơn xem thử. Nghe nói sau ba ngày đại sư Tính Minh sẽ viên tịch, tính cả người này là vị thứ năm rồi, không chừng có một số cơ hội cũng nên”.
“Cơ hội gì vậy?” từ thư phòng vọng ra tiếng cười của Sử Giám Mai, phu nhân Ngụy Đồng Đình, tiếp theo bức rèm vén lên, bà bước vào, mỉm cười: “Đã nghe tin chú rời kinh đến Kim Lăng, bà cụ mừng lắm. Vừa tới nơi chỉ toàn bàn việc chính trị bàn tiệc đã sẵn sàng, bà cụ muốn ra, tôi khuyên mãi đấy, đều là người thân cả, giữ lễ nghi đó làm gì. Mai Hương, còn không mau thu dọn thư phòng phía tây, ông lớn Mục sẽ ở đó!”
Mục Tử Húc và Ngụy Đông Đình đứng lên, nhìn nhau cười, rồi theo Giám Mai cùng đi về phía nhà xoan.
Tư dinh của Ngụy Đông Đình nằm bên trong phía đông bắc miếu Phu Tử, cách hồ Mạc Sầu không xa. Sáng sớm ngày hôm sau, Mục Tử Húc thức dậy cảm thấy thời tiết hơi lạnh, bèn thay một cái áo kép, lụa Ninh, lững thững đi bộ về phía hồ Mạc Sầu.
Thời tiết lúc đó sắp tới tháng mười, gió rét nước buốt, vùng sông Tần Hoài nước xanh trong thấy đáy. Ven bờ hồ Mạc Sầu, tiệm rượu nối nhau chi chít, trên bờ người du lịch đông như kiến, thuyền bè thuyền hoa qua lại như mắc cửi. Tiếng sáo tiếng đàn không ngừng không dứt, đúng là mảnh đất gấm hoa, phong cảnh đẹp đẽ. Mục Tử Húc chú ý quan sát theo từng mỗi bước chân, bờ bên kia khói mù cuồn cuộn, một vùng nhà cửa san sát đen sì, thấp thoáng ngói lưu ly ngời sáng, thì biết đây là hành cung vườn cấm mới xây, ven bờ liễu đến lầu Thắng Kỳ, Mục Tử Húc thấy mấy người ăn xin đang vây quanh phía dưới lan can đá uống rượu, bỗng nhớ lại cảnh tượng hồi hai mươi năm trước, anh đã cùng Võ Đơn và mấy anh em giết con chó của Ngụy Đông Đình ăn uống rượu, cũng kiểu ngang tàng không bị ràng buộc gì, đến bây giờ sự việc qua lâu rồi như ở một thế giới khác vậy.
“Bần đạo xin lạy!” Bỗng nghe có tiếng ở phía sau truyền tới, Mục Tử Húc quay đầu lại, thì thấy một đạo sĩ mặt cáu bẩn, đầu bù tóc rối, nước bùn vấy đầy người đang chắp tay làm lễ, Mục Tử Húc biết ông ta đang đi khất thực, liền gật đầu cười cười, rút trong túi đưa ra một góc đồng bạc nửa lượng, nói: “Cầm lấy mua rượu uống, đạo sĩ tu ở quan nào, nghe giọng nói không phải người địa phương này!” Đạo sĩ cười nói: “Bần đạo tu ở quan lung lay lúc lắc, vân du bốn phương, đã pha đủ giọng nam bắc. Cư sĩ có duyên với Lão Tử thật là hân hạnh, vô lượng thọ Phật!” Nói xong nhận bạc rồi đi.
Mục Tử Húc bất giác bật cười, từ từ bước lên lầu Thắng Cờ, thấy một đám người đang cười nói râm rang. Một chủ tiệm bán dầu to béo, một tay cầm cân, một tay xách tai một người trung niên, mắng: “Con đĩ mẹ mày đồ chó đẻ, ban ngày ban mặt mà dám cướp giật!” Tên trung niên không tỏ vẻ tức giận còn cười hì hì nói: “Ông không phải là súc sinh thì tôi làm sao là chó đẻ được? Ông mất cái gì mà ăn vạ tôi?” Ông chủ tiệm dầu chỉ tay nói: “Bao nhiêu người đều chứng kiến, vừa mới rán xong một cân bánh rán để trong sọt, chớp mắt đã biến mất rồi, mẹ cha mày miệng đồng bụng sắt, nóng bỏng mà nuốt trôi, cũng không sợ nổ tung xương sườn mày ra!” Những anh chàng rỗi việc đứng quanh xem, nghe ông chủ tiệm chửi lý thú đều cười ồ.
“Cười cái gì!” Tên trung niên, cặp mắt láo liên, vươn người đứng thẳng lên nói, “Lấy ông lớn mày làm trò đùa hả? Cứ đem cả con người ta mà cân thử, nếu nặng hơn nửa cân thì cứ coi là ông mày xơi bánh rán của mày!” Ông chủ tiệm trừng mắt chửi: “Mẹ nó đồ rắm thối, hạng lười nhác!” Vừa nói vừa giang tay cho một cái tát. Ai dè tên trung niên nghênh mặt ra không thèm né tránh, chỉ nghe một tiếng “phịch”, ông chủ tiệm chỉ kịp kêu “Ối!” một tiếng, cổ tay lập tức bị sai khớp, chỉ biết lắc đầu xoa bóp. Anh trung niên làm trò mặt khỉ, kéo cái cân lại, đưa cho một người tới hóng chuyện nói: “Người anh em, ông chủ tiệm này quả thật bậy bạ, anh tới đây cầm cái cân, xem tôi nặng bao nhiêu!”
Như vậy người đến xem càng đông, người phía trước thì trơ mặt ra, kẻ phía sau thì nghển cổ nhón chân, kẻ xô người đẩy, người lớn kêu trẻ con hét, vô cùng náo nhiệt. Mục Tử Húc thấy người đó có trò tuyệt kỹ, vốn định đi lại dừng bước.
Người hóng chuyện nhìn kỹ cái cân trong tay thấy chẳng có gì khác lạ, nên đỏ mặt cười rằng: “Đã nhất định muốn cân thì tới đây!” rồi xem lại mặt cân. Anh trung niên một chân đặt trên đĩa cân, mỗi tay nắm một sợi dây nhỏ, nói: “Ông nhắc cân lên!”, người cầm cân thấy anh ta nặng có đến một trăm hai mươi cân, ráng hơi ráng sức nhấc mạnh lên, ai ngờ cả người và cân nhẹ tênh, cán cân cao vống lên, suýt nữa thì ngã. Mọi người ngơ ngác nhìn, quả thật không tới tám lạng! Ban đầu thì kinh ngạc bàn tán, tiếp tới ai cũng kêu là tài giỏi.
Anh chàng bước chân ra khỏi đĩa cân, ném trả cái cân cho chủ tiệm đang ngơ ngác, cười nói: “Yên tâm đi, không cướp cái tiệm của ông đâu! Có điều nhờ ông kéo mấy vị thần tài, chưa chi ông đã sợ hãi đến như vậy!” Vừa nói vừa lấy chéo áo thắt vào lưng, bím tóc quấn quanh cổ, đến trước lầu “hè” một tiếng bê hòn đá kê chân lên xuống ngựa nhắc lên bằng một tay, đặt nhẹ nhàng trước hiên phía nam lầu Thắng Cờ, đứng lên đó, chắp tay lại nói: “Tại hạ Vu Nhất Sĩ, thuở nhỏ học thầy trên núi cao, học được tí chút võ nghệ, muốn mượn võ công tìm bạn nhưng chưa gặp được đối thủ. Có ai thích chơi cho vui, xin xuống đây đọ sức!” Nói xong nghển cổ nhìn lên, ra vẻ ngạo mạn.
Bây giờ mọi người mới biết tên Vu Nhất Sĩ này vốn là người mãi võ rong, nhìn lại hòn đá lên xuống ngựa, ít nhất cũng nặng đến năm trăm cân, không ai không ngạc nhiên, đã có mấy đồng tiền ném vào.
“Không ngờ Nam Kinh to như thế này, đất rồng cuộn hổ nằm, mà làm người ta thất vọng!” Vu Nhất Sĩ kêu gọi cả buổi, thấy không có ai xuống, bèn than thở, rút trong túi ra một đĩnh bạc to mười lượng đặt trên hòn đá, nhặt dưới đất lên mấy chục đồng tiền lấy hai ngón tay trỏ và tay cái giữ chặt, nói: “Đây là bảy chục đồng Khang Hy, tôi giữ bằng hai ngón tay, ai cướp lấy được thì tôi xin tặng mười lượng bạc này để uống rượu, được chứ?”
Đám người xôn xao. Một chàng thanh niên xắn tay áo, mặt đỏ gay, bước ra nói: “Ông giữ cho chắc tôi thử xem!” Vừa nói vừa đưa tay giật. Vu Nhất Sĩ định thần nín hơi, một tay chống nạnh, để mặc cậu thanh niên kéo níu, giật rút, cọc tiền như đúc dính vào, không chút suy suyển. Vu Nhất Sĩ cười: “Một người không nổi thì mấy người cũng được, xỏ cái dây này qua, mặc các người dùng tay dùng cả người mà kéo, nếu tôi xê xích một bước, rơi một đồng tiền coi như là thua!” “Dân Thượng Hải chẳng được việc gì! Cút đi! Số bạc này là của ông nghèo Kim Lăng rồi!” Vòng người giãn ra, bốn người ăn mày vừa uống rượu dưới chuồng ngựa nhảy ra, xô ngã chàng thanh niên Thượng Hải, hai người kéo sợi dây, mỗi người kéo một đầu dây, dán chặt vào lưng kéo mạnh, ráng hết sức làm họ mệt đến đỏ mặt tía tai nhưng không làm gì được. Mọi người xung quanh đều kêu “hay”! Những đồng tiền vứt ra như mưa, Vu Nhất Sĩ cười ha hả, nói: “Ta những tưởng đất phấn vàng Lục triều tất phải là đất rồng náu hổ nằm, té ra chỉ là những túi cơm! Thôi thôi, tìm đâu ra bọn lừa ngựa đưa đến đây vậy!” Mấy tên ăn mày nhìn nhau, vẻ mặt ỉu xìu chuồn thẳng.
Mục Tử Húc vốn chỉ muốn xem cảnh náo nhiệt, không có lòng nghĩ tới việc đấu võ, nghe Vu Nhất Sĩ khẩu khí ngông nghênh bỗng nổi nóng, ông vén tay áo lên, đang định xông ra thì tên đạo sĩ bẩn thỉu đã chen tới trước, một tay cầm cái đùi chó, miệng nói lí nhí: “Cư sĩ là quan gia giàu có, hà tất đi tranh giành mấy lượng bạc, hãy để cho đạo sĩ tôi kiếm miếng thịt chó ăn!” Nói xong ngất ngưởng đi ra. Hắn nheo mắt nhìn kỹ Vu Nhất Sĩ, miệng lại cười nói: “Bé ngoan, báo hiếu cho ông đạo Thanh Phong này nhé!” Gặm một miếng thịt chó, rồi giật lấy mấy đồng tiền.
Mọi người lập tức hò reo, Vu Nhất Sĩ ngơ ngác, đạo nhân Thanh Phong đã nhét đĩnh bạc vào túi, cười hì hì quay người bỏ đi. Vu Nhất Sĩ vội nói: “Ông đã giật nhân lúc tôi không đề phòng, chẳng phải là tài giỏi gì!”
“Khẩu khí dân nghèo!” Thanh Phong quay đầu cười nói, “Trả lại anh xâu tiền nhỏ này!” Vừa nói vừa ném xâu tiền xuống đất, Mục Tử Húc nhìn lại, xâu tiền đã bóp thành một cục, năm đầu ngón tay hằn rõ trên đó. Bây giờ Vu Nhất Sĩ mới biết người đạo sĩ này thủ đoạn cao cường, từ ngơ ngác, ông trở nên tươi cười, vái một cái nói: “Kẻ học sau bất tài, xúc phạm đến tiên trưởng. Tiên trưởng Thanh Phong tu ở quan nào? Xin mời tới viện Tỳ Lư đàm đạo chốc lát, được chứ?” Thanh Phong quay mặt nhìn Mục Tử Húc cười, nói: “Hôm nay Mũi Bò gặp may, liên tiếp gặp được thí chủ rộng rãi, chẳng mấy chốc mà phát tài!” Nói xong đi ngay. Trong một thoáng, Mục Tử Húc cảm thấy người này rất quen, nhưng nghĩ kỹ lại không biết đã gặp nhau ở đâu rồi.
Vu Nhất Sĩ bỗng nổi giận, đuổi theo Thanh Phong mấy bước, miệng nói: “Vu Nhất Sĩ kính tiễn đạo sĩ chó...” nhảy phóc lên, một chân đá thẳng vào đít Thanh Phong. Thanh Phong loạng choạng mấy bước cũng không quay lại, miệng nói: “Không cần đưa tiễn, làm sao dám nhận lễ của anh? Chà chà không dám...”. Chân Vu Nhất Sĩ vừa chạm tới đít đạo sĩ, cảm thấy như đụng phải đá, đau buốt tới xương, hừ lên một tiếng loạng choạng một bước mới đứng vững được. Xa lắc vẫn còn nghe Thanh Phong ngật ngưỡng, miệng đọc niệm chú: “Đạo khả đạo, phi thường đạo, danh khả danh, phi thường danh... Người yêu ta, mãi như yêu điều ta yêu, kẻ ghét ta, mãi như ghét điều ta ghét... họa là chỗ phúc dựa, phúc là chỗ họa náu, ai biết đâu là chỗ cuối cùng? Nó không chính, chính trở lại là kỳ, thiện trở nên tà ác, bí mật của người tháng ngày dài lâu... ha ha ha ha...”.
Mục Tử Húc nghe càng cảm thấy quen quen, mà không nghĩ ra là ai, đến lúc đạo sĩ niệm “chính trở lại là kỳ, thiện trở nên tà ác” bỗng nghĩ tới là phải đến viện Tỳ Lư, không ngờ dừng ở lầu Thắng Cờ quá lâu, ông vội gọi một chiếc thuyền đi qua phía tây hồ Mạc Sầu. Nhìn ra xa, dãy núi hình mu rùa xa tít nối với Trường Giang, lưng tựa vào thành đá, cây xanh che bóng, tường đỏ thấp thoáng, tiếng chuông trong miếu vọng tới, càng cảnh tỉnh lòng người - đã tới viện Tỳ Lư rồi!
Đây là một thiền viện rất lớn, chiếm hơn hai ngàn mẫu đất, một khoảnh đất trống trước thềm dựng lên một sân khấu lớn, cửa núi to rộng ẩn dưới mấy chục gốc ngân hạnh già. Từ cửa núi đi vào dãy đầu làm điện Chúa Trời, chỉ là một hành lang đi qua, dãy thứ hai là điện Phật Tam thế xây dựng khác thường. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao một trượng sáu ngồi ngay ở giữa, Niên Hoa Phổ Hiền và Tịnh Bình Quan Âm đứng hầu hai bên, các hộ pháp kim cương phía dưới đều đúc theo mẫu nhà Phật, màu sắc trang nghiêm, thếp vàng chói lọi, đai áo tự nhiên theo chiều gió. Các bức tranh tường xem ra mới tô vẽ lại không lâu, nói chuyện Mục Liên cứu mẹ. Nhưng cờ phướn, dây tua, cờ vuông, làn mây trên đầu, lọng che, vòng kiếm phong, bánh xe gió lửa, cỏ phiên, đại bàng, chim công, tỳ bà, gậy giáng ma, đệm mây bay, bình đa bảo, còn có cả rồng xanh hổ trắng, chim tước đỏ, huyền võ, bồ tát, tướng thần, người tiên, trẻ nhỏ dâng lễ, lục giáp đọc kệ... vẽ đầy một tường, màu sắc sặc sỡ, tạo cho người xem một cảm giác đè nén lạ lùng, thần bí. Mục Tử Húc xem thấy chẳng hứng thú gì, bỗng có người đập vào vai một cái, quay đầu lại nhìn đã thấy Sử Giám Mai cười hì hì đứng sau. Bà ăn mặc như người nhà quê áo thô váy vải, đâu có giống một phu nhân mệnh phụ nhất phẩm? Mục Tử Húc cười nói: “Chị đấy à! làm tôi sợ hết hồn!”
“Anh chú nói chú lần đầu tới Kim Lăng sợ lạc đường nhưng không rảnh nên bảo tôi đến xem chừng”. Giám Mai cười nói, “Tôi đến được nửa canh giờ rồi, chẳng thấy chú đâu cả, đang sốt ruột thì thấy chú quanh quẩn ở đây!” Mục Tử Húc thờ ơ ngóng nhìn bốn phía, thấy người qua kẻ lại lộn xộn, gật đầu hiểu ý nói: “Tôi từ ngoài quan xa xôi đến đây chiêm ngưỡng đại lễ Phật sống viên tịch, một lòng thành kính, làm gì có chuyện lạc đường? Nhưng lại làm bà chị lo lắng!” Vừa nói vừa giơ tay nhường lối, nói: “Chị dâu đã tới thì chúng ta cùng đi chơi cho vui”.
Hai người đi theo dòng người huyên náo vào điện Đại bi viếng Phật, rồi từ cửa Bảo Hoa phía đông điện vòng ra phía sau viện Tỳ Lư. Nơi này gò đất cao, gió to thời tiết lạnh, du khách rất ít, chỉ nhìn thấy con sông lớn vòng quanh cái gò đất chảy về phía đông. Viện Lan Nhược đầy cỏ dại, rau dại xuyên qua lỗ gạch mọc lên cao lút đầu người, rồi lụi tàn khô héo, cảnh sắc rất buồn thảm. Từ phía sau thiền viện nhìn sang từng dãy nhà cửa san sát sụp đổ thảm thương, những góc lầu cao đứng rên rỉ trong gió lạnh.
“Ta và anh cả của chú có tới đây, sau có cáo thị của phủ đô đốc, nói nơi cao tăng siêu hóa đều là nơi nguy hiểm, du khách đều không được vào trong”. Sử Giám Mai nói khẽ “Tay Vu Nhất Sĩ anh đã gặp đó trú ở viện này, nói là thuê ở, nhưng e là giữ cái nhà đạo này... A di đà Phật! Hương khói thịnh như thế này, viện Phật to như thế này, làm sao phía sau lại chôn lung tung phần mộ?” Mục Tử Húc kinh ngạc suy nghĩ, thì bà đã nói to, chuyển sang vấn đề khác. Thấy một hòa thượng chốc đầu, to cao đi tới, ông ngầm thán phục sự tinh ý của Sử Giám Mai, nên thuận mồm trả lời: “Đúng vậy sao, thật là chuyện lạ lùng”.
“Hai vị thí chủ”, nhà sư biết có khách đi tới, một tay để trước ngực vái chào nói, “Xin hai vị trở lui, phía sau là nơi thiền sư bản chùa ngồi thiền, quay mặt vào tường, tuy là đổ nát nhưng lại là đất thánh. Phương trượng pháp chỉ, bất kỳ người nào cũng không được lại gần, mong được thứ tội”. Mục Tử Húc vội cười nói: “Mẫu thân tôi ở nhà sai tôi vào nam thỉnh nguyện, từ bên ngoài quan ải đi bốn ngàn dặm về đây, chỉ muốn tham bái Phật sống một lần, xin hòa thượng từ bi giúp đỡ. Tín dân chỉ cần gặp mặt một lần là đi ngay, được chứ?” “Thí chủ tha lỗi”. Hòa thượng chốc đầu nhắm mắt chắp tay nói: “Đây là pháp chỉ, tiểu hòa thượng không được làm trái, a di đà Phật!”
Mục Tử Húc trầm ngâm giây lát, liếc mắt nhìn thấy Vu Nhất Sĩ từ ngoài miếu đi vào, đẩy cửa bước vào một gian phòng tăng hư nát, liền giả vờ không hiểu, rút trong túi ra một tờ ngân phiếu, nói: “Đường tôn phát nguyện vô cùng thành khẩn. Cả nhà tôi khổ sở suốt đời, dốc túi dâng lên. Đừng nói hòa thượng Tính Minh, ngay cả Phật Như Lai có đến cũng phải tiếp kiến chứ!”
Bố thí số lượng lớn như thế này, nhà sư tiếp khách ngần ngừ một lát rồi nói: “Việc này quả thật tiểu tăng không quyết định được. Thí chủ đã có ước nguyện làm điều thiện lớn như vậy, xin hai vị trước hết hãy đến nhà Diệu Hương Hoa Vũ uống trà...” Vừa nói vừa đưa tay chỉ, đi trước dẫn đường, quanh sang phía đông. Bước vào “cửa rừng hương”, bên trong là một dãy tịnh xá, ở giữa là một tòa lầu gác hai tầng, có tấm biển đen thiếp vàng kẻ bốn chữ, dạng chữ khải viết to “Diệu Hương Hoa Vũ”. Dưới lầu là ba gian phòng lớn, cửa sổ thoáng sáng, xếp đặt rất gọn gàng ngăn nắp, nếu giữa phòng không có bức tranh “Đạt Ma qua sông bằng một cây lau” thì không kém gì một văn phòng của nhà quan. Hòa thượng chốc đầu rót trà cho hai người, nói: “Đây là phương trượng tịnh xá của bản viện, xin đợi cho một lát, bần tăng đi mời đại hòa thượng trụ trì”. Nói xong bước gấp lui ra, đi tới trước thềm, hình như có chút ngần ngừ quay đầu lại nhìn, môi mấp máy, nhưng không nói gì, chỉ nhanh bước đi ra.
Trong nhà chỉ còn hai người nhìn nhau, không ai nói gì. Sử Giám Mai ngó qua ngó lại nhìn cách bố trí trong nhà, một hồi lâu, bỗng đứng lên, đi tới trước bàn, vén bức tranh Đạt Ma qua sông bằng một cây lau, nói: “Tử Húc, xem đây!” Mục Tử Húc quay mặt lại nhìn, phía sau cái khám thờ thần, cũng không thấy gì lạ, có điều vị thần thờ cúng bên trong không phải Phật, không phải Tiên, mà là một thiếu niên xinh đẹp, quạt che trước ngực, lưng dắt sáo ngọc, rất là cổ quái. Lại nhìn vào trong nữa, trên bức tường sau lờ mờ hiện lên một khe hở, rõ ràng là một cái cửa ngầm. Mục Tử Húc ban đầu ngạc nhiên, tiếp sau, ánh mắt sáng lên. Đây chẳng phải là “đại tiên Chung Tam Lang” mà Chu Tam Thái tử thờ phụng khi tập trung quần chúng làm phản tại kinh sư?”