Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 37
37
CĂNG THẲNG SINGAPORE –
KUALA LUMPUR LÊN CAO
Lúc
làn sóng bạo động thứ hai nổ ra vào ngày 2/9, tôi đang ở Brussels dự lễ kỷ niệm
Quốc tế Xã hội chủ nghĩa. Tôi có nên bay ngay về để xử trí tình hình không? Tôi
quyết định vẫn cứ ở lại. Có vội về thì cũng chẳng thay đổi được gì những biến
cố đã xảy ra rồi. Một khi bạo loạn đã nổ ra, chắc chắn phải có động cơ và đà
tiến triển, và người ta cần một hành động an ninh kiên quyết để trấn áp nó. Vì
vậy tôi cứ ở Brussels.
Vào
Chủ nhật 6/9/1964, có một cuộc diễu hành của các đoàn đại biểu Quốc tế Xã hội
Chủ nghĩa châu Âu. Tôi thật xúc động trước con số rất đông các cựu chiến binh
mặc thường phục, nhiều người đeo huân chương, và dẫn đầu mỗi nhóm đều có một
đội kèn đồng diễn những nhạc khúc rõ ràng đã làm cho mọi người lên tinh thần.
Đầu óc tôi quay trở lại với tháng 2/1942, lúc hai người thổi kèn đi cuối cùng
của binh đoàn Argyle và Sutherland biểu diễn, đầu tiên là thổi cho lính Úc rồi
sau đó cho lính thuộc binh đoàn Gordon Highlanders, khi họ tiến qua đường đê để
vào Singapore và bị bắt.
Chúng
tôi không được phép dùng ban nhạc cảnh sát trong cuộc diễu hành ngày Độc lập
Singapore vào tháng 6/1964. Chính phủ liên bang, hiện chỉ huy cảnh sát, đã
quyết định cấm chúng tôi. Chúng tôi rất bất mãn nhưng không làm gì được. Nhìn
thấy những ban nhạc đông đảo như vậy của nhiều nước khác nhau tại Brussels, tôi
quyết định thành lập những đội nhạc như vậy trong các trường học và trong tổ
chức Liên hiệp nhân dân (PA) của chúng tôi. Tôi phải giữ vững tinh thần của
công chúng.
Lúc
trở về, tôi bảo với chủ tịch PA hãy tìm các nhạc công đã về hưu của Trung đoàn
Bộ binh Singapore, và mời Kwan Sai Keong, tay chơi violon học cùng thời với tôi
hồi ở Đại học lúc ấy là thư ký thường trực của Bộ Giáo dục, tiến hành một chương
trình cấp tốc huấn luyện kèn đồng tại tất cả các trường trung học. Kế hoạch của
tôi đã thành công. Vào ngày Độc lập Singapore tháng 6/1965, biểu ngữ của PA
được giương lên trong cuộc diễu hành, và một vài trường trung học cũng đã có
dàn kèn đi theo. Chúng tôi đã cho Kuala Lumpur thấy họ không thể trấn áp được
một dân tộc tháo vát và có quyết tâm. Về sau, chúng tôi phát triển chương trình
xuống tận các trường tiểu học, và rồi ngược lên tới các trường đại học. Chẳng
lâu sau, chúng tôi đã có một dàn giao hưởng trẻ. Tôi tin rằng âm nhạc là một
phần cần thiết trong việc xây dựng quốc gia. Nó nâng cao tinh thần của dân
chúng.
Không
chỉ có chuyện dàn kèn đồng ở Brussels. Phát biểu tại đại hội, tôi nhấn mạnh
rằng những người xã hội chủ nghĩa dân chủ tại châu Á chỉ có thể đối phó với sự
thách thức do các kỹ thuật tuyên truyền và tổ chức của những người cộng sản gây
ra khi họ đạt được hai điều kiện: thứ nhất, mức sống hợp lý, và thứ hai, chính
quyền hữu hiệu. Bằng không, họ sẽ chẳng thể nào tồn tại nổi trong những nước
mới giành được độc lập. Willy Brandt, thị trưởng thành phố Berlin và là nhân
vật nổi tiếng nhất trong số các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa tôi gặp ở
Brussels, đã nghe bài diễn văn của tôi và rất tán thưởng. Người có phản ứng
nồng nhiệt nhất là Anthony Greenwood, Bộ trưởng các vấn đề thuộc địa trong nội
các hư quyền của Đảng Lao động, và lúc đó đang phụ trách Phân bộ quốc tế của
đảng này.
Greenwood
là một người dong dỏng cao, đang bước vào độ tuổi năm mươi, ăn mặc tươm tất và
rất chú trọng đến bề ngoài của mình, nhưng thân tình và dễ mến, không trịch
thượng. Ông đúng là mẫu người phát ngôn nhân về các vấn đề thuộc địa, bởi tự
bản chất ông rất thiện cảm với những người bị thua thiệt. Thân sinh của ông,
Arthur Greenwood, khởi nghiệp là một đại biểu nghiệp đoàn, cuối đường sự nghiệp
là đại biểu Thượng viện Anh, và rất tự hào về tổ tiên của mình. Bản thân
Anthony từng học trường công, rồi Oxford, điều giúp ông trở thành một nhân vật
trong giới quyền thế, nhưng ông chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về quá khứ hàn vi
của mình. Ông là một con người dễ gần gũi, có tâm hồn lớn. Tôi mến ông ấy.
Ông
đã dành một số thời giờ ra để nói chuyện với tôi về các vụ bạo loạn chủng tộc
tại Singapore, và hỏi tại sao tôi không bay gấp về nhà. Tôi nói ngụ ý rằng đằng
sau những vụ lộn xộn này là những người Malay xách động có mối quan hệ với cấp
chính quyền cao nhất. Ông hiểu và bày tỏ sự đồng tình với quan điểm bình tĩnh
và có suy nghĩ của tôi. Ông đã mời tôi đến gặp các nhà lãnh đạo của đảng Lao
động Anh và dự bữa tối tại Hạ viện vào ngày 11/9, lúc ấy tất cả các dân biểu và
ứng viên của đảng Lao động đều sẽ có mặt. Đó là bữa ăn tối thường niên của Hiệp
hội Nghị viện của họ và được tổ chức vào hôm trước ngày công bố danh sách ứng
cử viên. Tôi nhận lời và bay đến London.
Trước
đó, hồi tháng Giêng, tôi đã có gặp Bộ trưởng Quốc phòng của đảng Bảo thủ, Peter
Thorneycroft, tại Singapore và nói rằng mặc dù chính phủ của ông có cứng rắn
đến đâu đi nữa thì người Indonesia cũng biết là đảng Lao động có thể nắm chính
quyền sau cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu. Tôi nói rằng nếu Harold Wilson, chủ
tịch đảng, nói rõ rằng ông sẽ tán thành hết lòng các cam kết phòng thủ của Anh,
Sukarno sẽ không còn có chút hy vọng nào để nghĩ chính phủ Lao động chịu không
nổi trước một chiến dịch quấy rối dai dẳng, và sẽ bỏ cuộc. Thorneycroft đồng ý
nói lại với Harold Wilson khi quay về nước, và với sự đồng tình của ông ta, tôi
đã viết thư gửi Wilson về những điều này.
Chuyện
này giờ đây đã có kết quả. Trước bữa tối ngày 11/9, tôi gặp Wilson tại văn
phòng của ông ở Hạ viện với tư cách lãnh tụ phe đối lập. Chúng tôi đã nói
chuyện với nhau suốt 40 phút. Cuộc chiến Đối đầu của Indonesia chống Malaysia,
cũng như các vụ bạo loạn Malay – Hoa tại Singapore là những bận tâm lớn của
ông. Quân đội Anh đang giúp phòng thủ Malaysia và ông muốn biết Liên bang mới
này liệu về lâu về dài có tồn tại nổi hay không. Chúng tôi đã từng gặp nhau
trước đấy và, mặt đối mặt, tôi có thể thẳng thắn phân tích những vấn đề của
chúng tôi. Tôi nói với ông rằng ngoài cuộc chiến Đối đầu, vốn đã khiến cho
Tunku cảm thấy bất an, ông ta cùng các đồng sự còn thấy khó mà từ bỏ chính sách
xây dựng sự thống trị tuyệt đối của người Malay để đổi lấy một thế cân bằng hơn
giữa các chủng tộc, mặc dù điều này giờ đây không cần thiết khi thành phần cử
tri đã thay đổi do sự có mặt của Singapore, Sabah và Sarawak. Tôi nói rằng các
cộng sự của tôi và tôi chấp nhận rằng sẽ phải mất thời gian mới thay đổi được
điều này, nhưng chúng tôi cũng không mường tượng được chuyện một đảng không ủng
hộ đường lối đa chủng tộc nắm quyền tại Malaysia trong vòng 20 năm tới. Tôi nói
thêm rằng chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận một Malaysia thống trị bởi
người Malay, trong đó những dân tộc không phải Malay phải ở thế chịu đựng. Điều
đó trái ngược với hiến pháp mà chúng tôi đã thỏa thuận với Tunku. Cũng như
Greenwood, ông ta thấy an tâm với giải pháp hợp lý và khách quan của tôi.
Wilson
đang rất phấn chấn. Ông hy vọng sẽ thắng trong cuộc tổng tuyển cử, và xác quyết
với tôi rằng chính phủ Lao động sẽ tiếp tục ủng hộ Malaysia chống lại cuộc
chiến đối đầu của Indonesia. Ông mong tôi và PAP ở Singapore góp phần khiến
chính sách này được các dân biểu thuộc đảng Lao động trong Hạ viện Anh ủng hộ.
Đó là một buổi họp mặt nồng thắm và thân hữu. Ông đã tự rót cho mình một ly
whisky đúp. Tôi chỉ uống một ly đơn, và hôm đó là một buổi chiều tháng 9 tuyệt
đẹp, khoảng 6 giờ 30 mà trời hãy còn sáng, chúng tôi thả bộ ra sân thượng nhìn
qua bên kia sông Thames và thưởng thức ly rượu. Ông cởi mở và sôi nổi nói về
việc ông định điều hành chính phủ mới của mình ra sao. Ông đã có trong tay
những con người giỏi giang nhất của thế hệ mình. Ông sẽ đưa nước Anh vươn cao
trở lại bằng cách khai thác thế mạnh của nó trong khoa học và công nghệ.
Đó
là một trong những cuộc họp quan trọng nhất trong đời tôi. Nếu đảng Lao động
thắng trong kỳ tuyển cử và Wilson trở thành Thủ tướng, tôi tin tưởng Tunku sẽ
biết ông phải làm dịu bớt các chính sách kỳ thị chủng tộc chống lại PAP. Với
Alec Douglas Home, vốn là Bá tước thứ 14 của xứ Home, người đã kế nhiệm Harold
Macmillan làm Thủ tướng, Tunku cảm thấy có một sự thân tình chắc chắn như giữa
hai nhà quý tộc. Ông ta chắc chắn Douglas Home sẽ hiểu nhu cầu và kiểu cách
chính quyền của ông. Nhưng Tunku sẽ phải e rằng Harold Wilson và nhóm đầu não
của ông ta gồm những tay giảng viên đại học Oxford cấp tiến sẽ coi ông ta là kẻ
lỗi thời, không khác gì các tù trưởng ở châu Phi. Do đó tôi rất quan tâm đến
kết quả cuộc bầu cử sẽ xảy ra vào tháng 10.
Có
600 dân biểu thuộc đảng Lao động và các ứng cử viên tương lai dự buổi ăn tối
đó. Wilson, qua lời nhắc của Greenwood, đã yêu cầu tôi phát biểu lúc ăn tráng
miệng. Tôi điểm lại các vấn đề về cuộc chiến Đối đầu của Indonesia nhằm chống
lại Malaysia và sự ổn định trong khu vực cùng sự tồn tại của Malay tùy thuộc
thế nào vào giải pháp của nước Anh trong việc ngăn chặn một nước lớn đừng nuốt
chửng láng giềng nhỏ bé của mình bằng vũ lực. Nếu đảng Lao động thành lập chính
phủ mới trong nhiệm kỳ tới, tôi hy vọng chính phủ đó sẽ tiếp
nhận những nghĩa vụ mà chính phủ Bảo thủ đã thi hành. Tôi nói rằng
nếu có thời gian, các dân tộc tại những nước đang phát triển sẽ vươn tới được
một xã hội công bằng và chính đáng hơn, y như xã hội Anh mà họ đã được biết.
Chủ đề này đã gây được ấn tượng nơi các ứng cử viên tương lai của đảng Lao động
và củng cố thêm chỗ đứng của tôi với Wilson. Điều đó sẽ tác động rất lớn đến
những biến cố trong những năm về sau này tại Singapore. Cuối buổi tối hôm đó,
Greenwood đã nói với tôi rằng ông đã dành cho tôi số khán giả chịu ngồi nghe và
tôi đã thật tuyệt vời trong việc giành được sự ủng hộ của họ đối với Malaysia.
Tôi
trở về nước vào ngày 13/9, trong sự an tâm rằng nếu đảng Lao động cầm quyền,
tôi sẽ có được những người bạn trong đảng đó, trong đó có cả những bạn cũ từ
thời còn học ở Cambridge vào thập niên 1940. Hầu hết các dân biểu Lao động đều
có nghe tôi phát biểu vào tối hôm đó, và tôi hy vọng họ sẽ nhớ đến tôi. Tôi
thấy an lòng qua chuyến viếng thăm London. Nhưng khi máy bay hạ cánh xuống
Singapore, tôi lại bước vào một bầu không khí khác hẳn. Quanh phi trường là
vòng vây cảnh sát chống bạo loạn, vũ trang bằng hơi cay và súng, trong lúc
nhiều nhân viên thường phục trà trộn vào đám đông đang xếp hàng dài trên đường
đến phi trường. Trước đó một ngày, Barisan đã tính tiến hành một cuộc biểu tình
với khoảng 7.000 thanh niên tham dự, nhưng cảnh sát đã giải tán họ trước khi có
thể tụ tập lại với nhau được, và 77 người, trong đó có cả một dân biểu Barisan,
sau đó đã bị kết tội gây rối. Cuộc biểu tình đó dự định là dành cho tôi một sự
đón tiếp đầy phẫn nộ.
Không
chỉ như thế, tôi còn thấy bực bội ngay trong nội các của mình nữa. Một số Bộ
trưởng, từng vị một, đến gặp tôi để nói cho tôi biết họ khó chịu ra sao với
phương cách xử lý những chuyện rắc rối lúc tôi vắng mặt. Chin Chye, lúc ấy là
Thủ tướng nhiệm quyền, đã rất bức xúc và ra lệnh giới nghiêm ngay, không có
thời gian cho người ta kịp chuẩn bị, trong lúc người ta còn đang làm việc, học
sinh đang ở trường, làm tăng hoảng hốt và gây nên hỗn loạn khi người ta phải
lao nhanh về nhà. Tôi ghi nhận những nghi ngại của họ, nhưng quyết định cứ để
yên như vậy. Tôi hết sức nản chí, nhưng quyết định không cho phép tình huống
trở nên tệ hơn bằng cách khỏa lấp mọi dấu hiệu thất vọng. Nếu chúng tôi phải
chiến đấu và chiến thắng trận chiến này, thì tinh thần của dân chúng và ý chí
kháng cự của họ là điều tối quan trọng.
Một
tuần sau khi về nước, tôi sẽ phải dự lễ khánh thành tòa nhà mới của Phòng
thương mại Hoa kiều ở Singapore tại đường Hill. Các thương nhân người Hoa đều
đang rất thất vọng và Ko Teck Kin vào một buổi tối đã đến gặp tôi ở Sri
Temasek, vẻ mặt rất lo âu. Từng kêu gọi người Hoa bỏ phiếu cho phương án A
trong cuộc trưng cầu dân ý gia nhập Malaysia, ông cảm thấy có trách nhiệm rất
lớn trước tình trạng khó khăn hiện nay của họ, tình trạng cô thế của họ khi bị
lọt giữa những tay gây rối người Malay và một lực lượng cảnh sát cũng như quân
đội người Malay mang tư tưởng bài Hoa công khai. Phải làm gì bây giờ đây?
Ông
nhìn tôi chăm chú và nói: “Chúng ta không thể bỏ mặc dân chúng người Hoa.”
Tôi
nói với ông rằng các quyền lợi của chúng ta được hiến pháp bảo vệ, và tôi không
có ý định cho phép người ta quên lãng điều đó. Công việc của chúng ta là đoàn
kết và động viên dân chúng để bảo đảm hiến pháp phải được tôn trọng, sẽ không
còn có phân biệt đối xử gì về mặt chủng tộc, ngoại trừ những gì đã có trong
hiến pháp, vốn cho người Malay được hưởng những chỉ tiêu đặc biệt về giáo dục,
công ăn việc làm, giấy phép và hợp đồng chỉ trên bán đảo Malaysia mà thôi.
Ông
nói: “Ngài đang có những mối giao hảo tốt đẹp với đảng Lao động Anh, liệu ngài
có thể giúp chúng tôi thoát ra khỏi tình trạng khó khăn này không? Chúng ta
phải được sống theo ý mình. Thật là khủng khiếp khi phải sống như thế này.”
Ông
cảm thấy nếu đảng Lao động cầm quyền, họ sẽ có cảm tình với một đảng xã hội chủ
nghĩa phi sắc tộc tại Singapore, hơn là một đảng Malay cánh hữu đậm màu sắc tộc
tại Kuala Lumpur. Ông cùng chung tâm trạng với cộng đồng nói tiếng Hoa vốn đang
cảm thấy không thể chịu nổi tình trạng phải thường xuyên sống trong lo âu.
Những cuộc bạo loạn sắc tộc đầu tiên đã được dàn dựng, với những cảm xúc đã
được nhen nhúm qua nhiều tháng, và rồi nổ bùng lên qua bàn tay của những nhóm
võ thuật người Malay bên bán đảo Malaysia qua. Một khi những chuyện đánh đập và
giết chóc điên rồ những người qua đường vô tội xảy ra, thì rất dễ khiến nó xảy
ra lần thứ hai. Mọi người đều cảm nhận được điều đó. Nọc độc nghi kị chủng tộc
lan tràn. Quan hệ trở nên căng thẳng và người ta sẽ chẳng khó khăn gì khi làm
cho nó phụt cháy trở lại.
Khi
khánh thành trụ sở Phòng thương mại Hoa kiều tại Singapore mới này, tôi đã cố
động viên tinh thần cho họ. Tôi đã bày tỏ sự tự tin để giúp cho họ có được niềm
tin. Tôi quả quyết đang có một tương lai dành cho người Hoa tại Malaysia “nếu
chúng ta là người Malaysia và miễn là có một nước Malaysia”, tôi nói. Tôi đối
chiếu hai vụ bạo động – vào tháng 7 và vào tháng 9. Trong lần bạo động đầu, các
nhà lãnh đạo ở Kuala Lumpur có thể không hành động ăn ý với các nhà lãnh đạo ở
Singapore được, thế nhưng trong lần thứ hai, chúng tôi đã làm việc phối hợp để
đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt sắc tộc.
Cùng
ngày hôm đó, Tunku lên tiếng phát biểu tại một cuộc tiếp đón của đảng Liên hiệp
Singapore. Trong phần lớn những dịp như vậy, ông đều phát biểu rất đúng chuyện,
và bây giờ ông đang thúc giục các nhà lãnh đạo Singapore hãy tìm cách làm giảm
đi những dị biệt giữa các cộng đồng, và gắn bó với đảng Liên hiệp “để chiến đấu
trên mảnh đất này của chúng ta,” chống lại kẻ thù chung. Ông sẽ thiết lập các
ủy ban hòa giải, bởi các ủy ban thiện chí hiện thời đã hoạt động kém hữu hiệu.
Tôi tự hỏi làm sao sự thay đổi này có thể đưa đến khác biệt nào – tôi không
biết những gì ông có thể làm được đó sẽ hiệu quả đến đâu, nếu như không có
chuyện tống giam những tay cực đoan. Nhưng đó là cách của ông. Ông đang cố đóng
vai trò của một vị cha già dân tộc. Tôi phải giúp ông đến hết sức mình.
Vào
ngày 25/9, tôi cùng với Chin Chye và Kim San đến Kuala Lumpur để hội kiến với
ông. Chúng tôi gặp nhau và tròchuyện vào buổi sáng, và các cuộc bàn luận đã
diễn ra tiếp vàobuổi tối lúc Tunku mời chúng tôi dùng bữa tối. Chin Chye nói
rằng cả ủy ban thiện chí lẫn ủy ban hòa bình đều không đủ sức duy trì luật pháp
và trật tự nếu như những đám thanh niên võ thuật cứ tiếp tục hoành hành. Ông
nói thêm: “Trong trường hợp như vậy, hành động kiên quyết của cảnh sát là cần
thiết. Chúng tôi tin tưởng phải có hành động chống lại tất cả những ai dính
dáng đến việc khiến cho cộng đồng này chống lại cộng đồng kia. Đây là điểm then
chốt của vấn đề. Nếu cảnh sát hành động kịp thời và công bình, không kỳ thị
chủng tộc, bọn gây rối sẽ khó có thể nào ra tay được.”
Ngày
hôm sau, Chin Chye đã phát biểu với giới báo chí rằng đã có sự nhất trí hoàn
toàn giữa chính phủ trung ương và chính phủ bang sau những hiểu lầm gần đây.
Trong hy vọng hơn là tin tưởng, ông phát biểu rằng các cuộc thảo luận đã giúp đánh
tan mọi nghi ngờ và lo âu về khả năng chung sức của hai bên để xây dựng thành
công một nước Malaysia. Các bất hòa về đảng phái sẽ được đẩy xuống hàng thứ
yếu; lợi ích của nước Malaysia phải là hàng đầu. Tôi nói rằng cả hai bên đã cam
kết tránh những vấn đề tế nhị liên quan đến vị trí của các cộng đồng tại
Malaysia, và sẽ có những nỗ lực hết sức để động viên dân chúng chống lại âm mưu
xâm lược và lật đổ của Indonesia. Tôi đề nghị, và Tunku cũng đồng tình, là sẽ
có một cuộc hưu chiến hai năm giữa Liên hiệp và PAP, để không làm xấu thêm tình
hình, cả hai bên chúng tôi sẽ không mở rộng các chi bộ đảng và các hoạt động
của mình. Tôi mong có những sự đình chỉ các vận động chính trị.
Vào
lúc 5 giờ 30 sáng ngày 17/10, tôi tỉnh giấc tại Dinh Singapore ở Kuala Lumpur
để nghe đài BBC. Kết quả bầu cử đã được công bố: đảng Lao động thắng phiếu. Tôi
thở phào nhẹ nhõm. Harold Wilson trở thành Thủ tướng. Vị trí của tôi đã khá
hơn. Tunku sẽ phải giao tiếp với một chính phủ Lao động Anh chẳng mấy cảm tình
với những lãnh tụ phong kiến đàn áp một phe đối lập dân chủ phi bạo động.
Mọi
việc có vẻ khá hẳn lên. Nhưng sự lạc quan của tôi cũng sớm tàn. Cùng ngày hôm
đó, tại bữa tiệc do Bang Hokkien chiêu đãi, Tan Siew Sin phát biểu rằng
Singapore không thể ly khai khỏi Malaysia được vì hiến pháp không dự trù điều
đó. Ông ta tin rằng hòn đảo này sẽ tiến bộ và thịnh vượng, nhưng nó không thể
là “ốc đảo thịnh vượng lẻ loi giữa sa mạc nghèo đói”. Ly khai? Lúc trở về
Singapore, tôi đã bác bỏ nhận định của ông ta và phát biểu rằng nhân dân
Singapore rất quan tâm đến việc xây dựng thành công một nước Malaysia, và thật
không may là ông đã nói đến ly khai khi chúng ta đã đồng ý có một cuộc
hòa hoãn hai năm để ngăn chặn sự lạc hướng có thể làm cho cộng đồng tan
vỡ. Tan trả lời rằng ông đưa ra phát biểu đó là để đánh tan lời đồn đại mạnh mẽ
rằng Singapore đang tính đến chuyện ly khai. Chúng không chỉ là những đồn đại
duy nhất; chính vì một sự nghi ngờ như vậy mà tôi phải hóa giải một lời đồn
khác là tôi đã bị chính phủ liên bang câu lưu ở Kuala Lumpur.
Một
tuần sau, Khir Johari loan báo về một sự cải tổ quan trọng trong đảng Liên hiệp
Singapore, nhằm chấm dứt sự thống trị của PAP trong kỳ tuyển cử sắp tới của
bang, dự định vào năm 1967. Chin Chye lập tức yêu cầu Liên hiệp phải nói rõ lập
trường của họ về cuộc hòa hoãn hai năm, và nhấn mạnh điều này không chỉ có áp
dụng cho phía PAP. Khir chối là không hề biết gì về vụ hòa hoãn, và sau một
cuộc họp với Tunku vào ngày hôm sau, Liên hiệp Singapore đã đưa ra lời tuyên bố
nói rằng thỏa thuận đình chỉ công việc chính trị đảng phái trong hai năm là chỉ
liên quan tới các vấn đề sắc tộc mà thôi; điều đó không có nghĩa là Liên hiệp
không được tái tổ chức để trở nên hiệu năng hơn. Điều này quả là phiền phức.
Tunku muốn rằng mọi thỏa thuận phải được diễn giải theo hướng có lợi cho ông.
Chin Chye giận dữ và cay đắng. Nhưng bởi vì Khir và Tunku trong thực tế đã nói
rằng chúng tôi được tự do mở rộng đảng phái chính trị của mình, nên Chin Chye,
Raja, Pang Boon và Khoon Choy khởi sự tiếp xúc với bạn bè trong các tỉnh nhà
của họ ở nội địa để xây dựng cơ sở quần chúng, và Chin Chye cũng tuyên bố sẽ
định hướng lại PAP để có thể động viên sự ủng hộ của quần chúng tại Malaysia;
đảng có thành viên trên khắp bán đảo, và khi thời cơ đến, ông sẽ tổ chức họ
thành các chi bộ.
Tình
báo Indonesia tiến hành khai thác sự căng thẳng này, và tìm cách thăm dò tôi
thông qua các nhà buôn người Hoa của chúng tôi, và hứa hẹn rằng Indonesia sẽ
buôn bán trở lại với Singapore nếu như chúng tôi rút ra khỏi Malaysia. Để chấm
dứt những cố gắng nhằm chia rẽ chúng tôi như vậy, tôi công bố những lời chào
mời của Jakarta tại Hội đồng lập pháp Singapore vào ngày 12/11 và bác bỏ lời
chào mời đó bằng cách nói rằng người Indonesia sẽ dần dần hiểu ra rằng Malaysia
sẽ không dễ dàng bị tan rã đâu, và họ phải học cách sống và buôn bán với nó.
Nhưng
tinh thần của dân chúng ở Singapore cũng đang sa sút. Thành phố trông thật lôi
thôi lếch thếch. Với sự lơ là trong thi hành pháp luật, những tay chăn nuôi
người Ấn đã để cho bò và dê của họ gặm cỏ tràn lan ở những sân banh và thậm chí
ngay cả cỏ ở các tiểu đảo tại vòng xoay giao thông. Một buổi tối, một luật sư
lái xe tông phải một con bò tại một nơi chỉ không xa trung tâm thành phố và bị
thiệt mạng. Từ cửa sổ văn phòng, tôi có thể thấy được trâu bò ở Esplanade. Sau
hai vụ bạo loạn, nơi ấy trở nên bẩn thỉu, đầy rác rến, bò và dê lang thang khắp
nơi, rồi chó hoang, ruồi muỗi và cả ăn mày cũng nhiều hơn. Ngay cả khuôn viên
Bệnh viện Đa khoa Singapore cũng bẩn thỉu. Tôi quyết định chấn chỉnh tình trạng
sa đà này. Tôi triệu tập một cuộc họp tại Nhà hát Victoria gồm tất cả các viên
chức liên quan đến y tế công cộng, với sự có mặt của đông đủ báo chí và truyền
hình, và đề nghị họ phải lặp lại cho bằng được sự ngăn nắp và sạch sẽ. Chúng
tôi dành cho những người chăn nuôi mấy ngày để nhốt bò và dê vào chuồng; bất kỳ
gia súc nào bị bắt gặp đi lang thang sau đó sẽ bị làm thịt cung cấp cho các nhà
tế bần. Điều này đã có hiệu quả như mong muốn. Thành phố gọn gàng, sạch sẽ hẳn
lên.
Thế
rồi Tan Siew Sin lại gây sốc thêm lần nữa. Trong bài phát biểu về ngân sách vào
ngày 25/11, ông công bố những biện pháp cứng rắn mới để tăng thu ngân sách, bao
gồm một sắc thuế doanh thu 0,5 % tính trên tổng thu nhập và một sắc thuế 2 %
tính trên tổng quỹ lương của tất cả các hộ kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng
đến Singapore nhiều nhất. Chúng tôi đang cần tạo ra thêm nhiều công ăn việc
làm, và việc làm tăng chi phí nhân công như vậy sẽ gây bất lợi cho những ngành
cần dùng nhiều lao động. Tôi đã vạch rõ là những biện pháp như vậy sẽ không
giúp gì cho công cuộc công nghiệp hóa Malaysia, và rất có thể còn làm cho sự
cách biệt giàu nghèo thêm lớn hơn. Trong bài diễn văn đầu tiên của mình tại
nghị viện liên bang, Keng Swee cũng nói rằng các sắc thuế đang có tác dụng
ngược và việc ban bành đã không đúng lúc. Singapore sẽ phải nộp ngân sách tới
20 % thuế thu nhập quốc gia và 40 % thuế tiền lương, một điều rõ ràng là không
cân xứng với dân số và nền kinh tế của nó. Và khi Đại hội Công đoàn Singapore,
với những lý lẽ hợp lý, phản đối các sắc thuế mới là bất lợi cho người lao
động, Tan lại buộc tội chính quyền chúng tôi là dùng mọi cơ chế có trong tay để
kích động công chúng chống lại những sắc thuế đó.
Tan
nói rằng ông muốn xem xét lại ngay những thỏa thuận về tài chính giữa hai bên,
và tuyên bố rằng gánh nặng ngân sách của Singapore là nhẹ nhất trong toàn
Malaysia. Ông mong có lúc Singapore sẽ nộp 60 % thay vì 40 % thu nhập của nó
cho chính quyền trung ương.
Chính
Tunku cũng phát biểu rất đáng ngại tại bữa tiệc tối ở trường Đại học Y khoa
Singapore ngày 9/12 khi cho rằng Singapore “đầy những chuyện chính trị. Tại
Singapore chẳng hạn, bạn sẽ thấy là ít có chuyện hòa đồng so với bất cứ nơi nào
khác trên đất nước Malaysia… Đó là lý do tại sao tôi không sốt sắng với việc
đưa Singapore vào Liên bang.” Những chỉ trích của chúng tôi về thuế doanh thu
và thuế quỹ lương đã có tác động trong nước, bởi ông có nói thêm:
“Nếu
chúng ta thấy bất kỳ sắc thuế nào đó có vẻ không khả thi và dễ bị phản đối,
chúng ta có thể sửa đổi… Nếu các chính khách thuộc các chủng tộc, màu sắc chính
trị và tia chớp khác nhau tại Singapore (tia chớp là biểu
tượng của PAP) bất đồng với tôi, giải pháp duy nhất là ly khai, nhưng
đó sẽ là thảm họa lớn biết bao cho Singapore và Malaysia.”