Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 36 phần 1

36

ALBAR DẤY LÊN LÒNG
HẰN THÙ CỦA NGƯỜI MALAY

Syed
Ja’afar Albar là chuyên gia phá hôi của các nhà lãnh đạo UMNO có óc thù địch
với Singapore. Ông ta là người Ả Rập gốc Indonesia, nhỏ con, hói, gương mặt
tròn đầy nghị lực, râu rậm và một giọng nói sang sảng. Vào đầu thập niên 1950,
ông ta trông có vẻ hữu nghị. Hồi tháng 2/1955, lúc tôi tiễn Thủ tướng Malaysia
xuống tàu đến Anh dự Hội nghị Lập hiến, Albar thúc tôi đứng sát vào hơn để chụp
ảnh đăng báo, và nói bằng tiếng Malay là “tranh thủ tối đa”. Ông ta là một bậc
thầy chuyên kích động quần chúng, và sau này tôi biết thêm, ông ta bạo tay và
không từ một thủ đoạn nào. Tiếng Anh của ông ta chưa đủ để nói trước công
chúng, nhưng tiếng Malay của ông ta thì tuyệt vời, với khả năng diễn đạt rất dễ
gây ấn tượng. Ông ta đâu có cần được đăng trên báo chí tiếng Anh, vốn sau này
sẽ mô tả ông ta như một tay kỳ thị chủng tộc đối với người nói tiếng Anh không
chỉ ở Malaysia mà còn cả ở tầm quốc tế nữa. Ông ta nhắm vào báo giới Malay, và
những bài viết gay gắt nhất của ông ta là dành cho họ, nhất là tờ Utusan
Melayu
vốn được in bằng tiếng Jawi (mẫu tự Ả Rập) mà người Hoa, người
Ấn, người Anh và những người châu Âu khác không đọc được. Tờ Utusanđã
bị UMNO mua, và đó là vũ khí mà Albar chọn để làm những bài diễn văn của ông ta
tác động mạnh hơn.

Albar
và báo chí Malay liên tiếp lặp lại điều bịa đặt rằng tôi đã coi Tunku là nhà
lãnh đạo kém cỏi. Giờ đây họ còn dựng lên một chiến dịch kích động sự bất bình
của người Malay trong một số vấn đề, thật có mà giả cũng có, dựa trên sự kiện
rằng họ là những người kém thành công nhất và nghèo khó nhất trong số các cộng
đồng tại Singapore. Sự thật thì người Malay chưa bao giờ bị chính phủ PAP kỳ
thị cả. Trái lại, họ còn được hưởng giáo dục miễn phí, điều mà các trẻ em thuộc
các sắc tộc khác chưa được hưởng, và mặc dù không có chuyện hạn định về lượng
giấy phép tắc xi hay bán hàng rong cho người Malay như ở nội địa Malaysia,
chúng tôi cũng phải bảo đảm là luôn luôn có những cửa hàng hay quán sạp của
người Malay để phục vụ cho đồng bào của họ ở khu lân cận trụ sở Ủy ban Gia cư
và Phát triển. Ấy thế mà vào ngày 13/5/1964, tờ Utusan lại
tường thuật rằng đã có sự xôn xao và bất an trong số những người Malay về
chuyện phân bổ các gian hàng tại chợ mới Geylang Serai, và vào tháng 6, họ còn
tuyên bố rằng chính sách của PAP về các trường học đã khiến nền giáo dục của
người Malay bị thoái hóa.

Cuộc
công kích của Albar khởi sự vào ngày 21/9/1963, ngay sau cuộc tổng tuyển cử của
Singapore, lúc UMNO tại Singapore kết tội các thành viên của PAP là đã khủng bố
người Malay tại Geylang Serai ở vùng đông của hòn đảo này qua việc ném pháo vào
nhà dân chúng sau khi PAP thắng trong ba đơn vị bầu cử của người Malay. Lúc ấy
tôi không nhận ra đó là một phần của một chiến dịch. Nếu các ủng hộ viên của
chúng tôi có ném pháo, tôi sẽ xin lỗi, và tôi đã làm như vậy trên đài truyền
hình. Qua điều tra, những lời cáo buộc đó hóa ra là vô căn cứ. Nhưng bất kể sự
thật đó, các lãnh đạo UMNO đã có thể kích động được công chúng, đủ khiến cho họ
đốt hình nộm của tôi một tuần sau đó.

Sau
đó còn nhiều trò bóp méo nữa. Chẳng hạn, sau khi Chin Chye tuyên bố vào ngày
1/3/1964 rằng PAP sẽ tham gia vào cuộc tuyển cử liên bang, tờ Utusan liền
chạy hàng tít: “1.500 người Malay bị đe dọa mất chỗ ở.” Thực tế ra là miếng đất
mà họ bị yêu cầu phải trả lại là tài sản tư nhân. Chủ đất có quyền chính đáng
để ra thông báo đòi họ dọn đi, và ông ta sẽ phải thương lượng với những người
mướn và bồi thường cho họ. Chuyện đó chẳng dính gì tới chính phủ Singapore cả.
TờUtusan đã vờ như không biết chuyện này, và vào ngày 28/5, họ lại
tung tin rằng 3.000 người Malay bị đe dọa mất chỗ ở của họ tại Crawford, Rochor
và Kampong Glam. Tôi đã đến thăm ba đơn vị bầu cử này và nói với dân chúng rằng
những giấy báo dời nhà ấy được gửi tới cho người Malay, người Ấn và người Hoa y
như nhau, chính là để thi hành một kế hoạch do chuyên gia Liên Hiệp Quốc đệ
trình nhằm xây dựng lại thành phố, khởi đầu là từ các vùng ngoài xa rồi làm dần
vào tới trung tâm. Chúng tôi phải phá hủy các tòa nhà cũ và tái định cư cho
những ai nằm trong kế hoạch tái thiết đô thị này. Chúng tôi sẽ cung cấp chỗ ở
tạm cho họ gần đó, và mỗi gia đình sẽ được cấp 300 đôla để trang trải cho phí
tổn dời nhà, và được ưu tiên trở về ở lại một khi các tòa nhà mới được xây
xong.

Chúng
tôi cũng bị công kích với những lý do mơ hồ hơn. Vào ngày 23/5, một bài xã luận
của tờ Utusan đã tố cáo PAP và tôi kích động những người không
phải dân Malay đòi hủy bỏ các đặc quyền dành cho người Malay. Vào ngày 11/6, tờ
báo này tuyên bố rằng: “UMNO Singapore được chỉ đạo là phải có biện pháp để cứu
các nạn nhân của PAP". Hôm sau, họ cho chạy hàng tít khác: “Người Malay
tại Singapore ngày nay đang đứng trước sự đe dọa, đàn áp và chèn ép của chính
quyền. Không được đối xử với con ruột của đất nước như con ghẻ”. Một tuần sau,
tờ Utusan còn kêu gọi tất cả người Malay hãy “đoàn kết sau
lưng UMNO để tạo sự phản đối mạnh mẽ và hiệu quả đối với chính quyền PAP,” và
kêu gọi Kuala Lumpur hãy hành động ngay để bảo vệ các đặc quyền của người
Malay. Thế rồi UMNO tung ra “bạch thư” kể rõ “nỗi thống khổ của người Malay
trong chế độ PAP dưới sự lãnh đạo của Lee Kuan Yew”. Lại một lần nữa, họ tố cáo
chúng tôi là đã đối xử với người Malay như con ghẻ, và nói rằng những người Malay
phản bội lại dân tộc mình vì đã bỏ phiếu cho chúng tôi, giờ đây mới nhận ra lỗi
lầm của họ, bởi hiện nay chính quyền đã chủ tâm biến Geylang Serai thành một
khu phố Tàu thứ hai.

Chuyện
tất cả những điều đó là dối trá trắng trợn hay không thì cũng không quan trọng
miễn là chúng kích động được công chúng Malay. Ví dụ rõ nhất của nguyên tắc này
là vụ ngày 4/7, lúc tờ Utusan bóp méo bài diễn văn tôi phát
biểu tại Seremban, trong đó tôi có nói “40 % người Malay tại nước Malaysia
không thể thắng được 60 % không–Malay.” Tờ Utusan thuật lại
điều đó như sau: “Những người có thể đánh đuổi người khác ra khỏi Malaysia
chính là người Hoa và những người không–Malay, và kẻ bị đánh đuổi đi là những
người Malay bởi họ là thiểu số.” Họ đã lặp lại luận điệu này mấy ngày liền sau
đó, và khi chúng tôi minh định rằng hiến pháp Singapore chỉ công nhận “vị trí
đặc biệt” của họ mà thôi thì họ lại tuyên bố rằng PAP đang quyết tâm hủy bỏ
“đặc quyền” của người Malay.

Lúc
đầu, tôi quyết định phản công lại chiến dịch này bằng cách mời tất cả các nhà
lãnh đạo Malay tại Singapore đến gặp tôi vào ngày 17/7 để thảo luận trực diện
nhằm vạch trần các luận điệu dối trá và bóng gió. Vào ngày 30/6, UMNO đã ra tay
trước tôi, tờ Utusan thông báo UMNO sẽ tổ chức một hội nghị
bao gồm các đảng phái Malay vào ngày 12/7 nhằm “thảo luận về số phận và cảnh
ngộ của người Malay dưới sự cai trị của PAP”. Cuộc họp này có sự tham dự của
toàn thể các chính đảng Malay, mặc dù ba trong số đó chống Malaysia và thân
Indonesia. Không sao, hiện tình này đòi hỏi sự đoàn kết thống nhất của người
Malay, và Albar đã khởi sự khuấy đảo tình cảm của họ qua tuyên bố rằng tình
cảnh của người Malay bây giờ còn nghẹt thở hơn cả thời người Nhật chiếm đóng.
Đoạn văn tiêu biểu sau đây được lấy từ một trong các diễn văn của ông ta:

“Tôi
rất vui mừng là giờ đây những người Hồi giáo và người Malay tại Singapore đã
thể hiện tình đoàn kết, chuẩn bị cùng sống chết với nhau vì chủng tộc và thế hệ
mai sau của chúng ta. Một khi đã có sự đoàn kết nhất trí đó, không một thế lực
nào trên thế giới này có thể chà đạp chúng ta nổi, không một thế lực nào có thể
làm nhục chúng ta được, không một thế lực nào có thể xem thường chúng ta. Không
một Lee Kuan Yew, hay một nghìn Lee Kuan Yew nào… chúng ta sẽ hạ gục chúng…”
(Vỗ tay. La hét. “Giết hắn… Giết hắn… Othman Wok và Lee Kuan Yew… Lee Kuan Yew…
Lee Kuan Yew… Othman Wok.”) “Bất chấp chúng ta bị chính quyền PAP áp bức đến
mức nào, bị chà đạp đến mức nào, và địa vị của chúng ta bị bóp vặn chèn ép đến
mức nào, vậy mà theo cái kiểu lý luận của Lee Kuan Yew thì: Ê, các ngươi, chủng
tộc thiểu số trên hòn đảo này, câm miệng lại. Ở đây, tôi muốn nói với Lee Kuan
Yew rằng: Chính ông hãy câm miệng lại chứ đừng bảo chúng tôi.”

Toàn
bộ cuộc hội nghị đã được trình chiếu trên Đài truyền hình Malay tại Kuala
Lumpur vào tối hôm đó. Trong số các nghị quyết được thông qua có lời kêu gọi
tẩy chay hội nghị ngày 17/7 của chính phủ mà trong đó tôi sẽ nói chuyện với các
nhà lãnh đạo quần chúng Malay. Cuộc khuấy động chủng tộc rầm rộ trên các báo
Malay đã thổi bùng cảm xúc của người Malay trên cùng khắp liên bang. Vào ngày
14/7, bộ chỉ huy cảnh sát liên bang đã công bố rằng các vụ xung đột đã xảy ra
tới tận miền Bukit Mertajan xa xôi, thuộc tỉnh Wellesley, cách Singapore 500
dặm về phía Bắc, có hai người bị giết và 13 người khác bị thương. Những vụ xung
đột Malay – Hoa đã từng xảy ra nhiều lần tại cựu thuộc địa Penang này sau khi
nó được sáp nhập vào Liên bang Malaysia năm 1948 và các đặc quyền của người
Malay đã được áp dụng tại đây, trong khi trước đây không hề có chuyện này.

Bất
chấp lời kêu gọi tẩy chay, có khoảng 800 đại biểu thuộc 83 tổ chức của người
Malay và 300 ketua (trưởng thôn) đã tham dự hội nghị của chính
quyền. Tôi đã nói chuyện bằng tiếng Malay và chúng tôi thảo luận các vấn đề về
giáo dục, công ăn việc làm, nhà ở dành cho người Malay. Chẳng có ai thắc mắc gì
về chuyện tái định cư tại Crawford, vốn từng bị người ta dùng làm ngòi nổ cho
cuộc xách động. Trong năm tiếng đồng hồ bàn bạc chân tình, tôi đã nói rõ là
chính phủ sẽ làm mọi điều có thể được để đào tạo giúp người Malay vươn lên được
địa vị cao, thế nhưng không hề có hệ thống hạn định công ăn việc làm hay hạn
định giấy phép hành nghề tắc xi hoặc bán rong.

Truyền
thanh và truyền hình tại Kuala Lumpur đã lờ đi không đưa tin về hội nghị này.
Thay vào đó, Utusan còn cho chạy hàng tít lớn đầy ác ý vào
ngày hôm sau rằng: “Thách thức với Đoàn Thanh niên UMNO toàn Malay, Lee Kuan
Yew kết tội: Thầy giáo bắt học sinh ngửi thịt heo – phản đối”. Hàng tít này có
tính cách gây kích động khi buộc một người Hồi giáo phải làm điều mà họ căm
ghét, nhất là sắp tới ngày đản sinh của Đấng Tiên tri Mohammed, một mùa lễ rất
quan trọng đối với tất cả những người theo Hồi giáo.

Ngày
kỷ niệm đản sinh của Đấng Tiên tri Mohammed là ngày thứ Ba, 21/7/1964, một ngày
nghỉ lễ chung. Theo lệ, người Malay sẽ tụ tập tại một số nơi rộng rãi trong
thành phố và tuần hành về khu của họ tại Geylang Serai cùng với trống lớn,
trống nhỏ, hát những bài thánh ca mừng lễ. Lần này, cuộc diễu hành bắt đầu tại
Padang, nhưng thay cho các bài thuyết pháp như vẫn thường có trước đây, lại xảy
ra những bài diễn thuyết chính trị cố tình khuấy động tình cảm căm thù của
người Malay.

Othman
Wok, Bộ trưởng các vấn đề xã hội, đã có mặt tại Padang cùng với một nhóm người
Hồi giáo Malay của PAP. Ông đã biết thế nào cũng có chuyện rắc rối xảy ra, bởi
chín ngày trước đó, trong một cuộc mít–tinh tại Singapore, Albar đã kết tội tất
cả những dân biểu Malay thuộc PAP vì đã không còn là dân Hồi giáo, chống Hồi
giáo, chống Malay và là những kẻ phản bội cộng đồng. Ngay tại Padang, ông cũng
đã cảm thấy tất sẽ có điều gì đó xảy ra vào chiều hôm đó, bởi giữa những lúc
ngừng của các bài diễn văn là những tiếng hét “Allahu Akbar”(Thượng
đế Vĩ đại), tiếng la vang lên trong giận dữ, chứ chẳng phải để ca tụng đấng
Allah.

Esa
Almenoar, một luật sư người Ả Rập, một kẻ ăn chơi và cũng là một tay Hồi giáo
có lẽ phá giới nhất trong luật sư đoàn, đã đề cập tới vụ tái định cư ở Crawford
bằng cách trích một đoạn trong Koran: “Allah không cấm bạn đối xử nhân từ và
công bằng với những người không chống lại bạn vì lý do tôn giáo hay cũng không
xua đuổi bạn ra khỏi nhà bạn, thật sự là Allah yêu sự công bằng.” Ông ta giải
thích ý nghĩa của đoạn này như sau: “Rõ ràng đấng Allah không ngăn người Hồi
giáo làm bạn với những người không Hồi giáo… nhưng tất cả những gì chúng ta làm
cũng đều phải có một giới hạn ở chỗ nếu những người không Hồi giáo phá rối tôn
giáo của chúng ta và xua đuổi chúng ta ra khỏi nhà mình thì những người Hồi
giáo phải gọi những kẻ đó là bọn làm bậy độc ác.”

Tôi
vừa chơi xong ván gôn vào lúc 6 giờ 20 chiều thì cảnh sát báo động những vụ
đụng độ Malay – Hoa đã xảy ra trong cuộc rước lễ và tình trạng rối loạn đang
lan tràn. Tôi chạy vội về nhà để thay quần áo và chạy đến bộ chỉ huy cảnh sát
Pearl’s Hill, rồi cùng với Keng Swee nghe John Le Cain, chỉ huy trưởng cảnh sát
và George Bogaars, giám đốc Sở đặc vụ báo cáo tóm tắt. Khi các báo cáo về tổn
thất liên tục đổ về, lúc đầu là các nạn nhân người Hoa, sau đó là người Malay
khi bị người Hoa đánh trả, Le Cain họp với ban chỉ huy cảnh sát ở Kuala Lumpur
và ra lệnh giới nghiêm từ 9 giờ 30 tối đến 6 giờ sáng. Trong một chương trình
phát thanh lúc 10 giờ 30 tối hôm đó, tôi thuật lại, theo lời của cảnh sát,
chuyện bạo động đã xảy ra thế nào:

“Khoảng
sau 5 giờ chiều, đám rước của gần 25.000 tín đồ Hồi giáo đi ngang qua Nhà máy
Khí đốt Kallang nằm trong khu vực đa số người Hoa. Một nhân viên của Đơn vị dự
bị Liên bang (cảnh sát biệt phái từ Malaysia qua) đã yêu cầu một nhóm tách rời
khỏi đám rước hãy gia nhập trở lại. Thay vì tuân lệnh, đám người đó lại gây sự.
Từ đó, hàng loạt rối loạn diễn ra khi ngày càng có nhiều nhóm trở nên hung hãn,
tấn công khách qua đường và những người vô tội đứng gần đó. Các vụ bạo loạn đã
lan tràn nhanh chóng khắp khu Geylang. Đến 7 giờ tối thì rối loạn đã nổ ra ngay
trong thành phố.”

Tôi
đã kêu gọi (mọi người) hãy bình tĩnh trở lại:

“Vấn
đề ai hay cái gì đã gây ra tình trạng này thì cũng đều không quan trọng vào lúc
này. Tất cả mọi dấu hiệu đều cho thấy đã có sự tổ chức và âm mưu đằng sau
chuyện lộn xộn này nhằm biến nó thành một vụ xung đột chủng tộc xấu xa… Nhưng
giờ đây, công việc của chúng ta là ngăn sự ngu xuẩn này lại… Những lời đồn và
hô hào chuyện trả thù sẽ chỉ làm cho người ta thêm giận dữ.”

Thế
nhưng những căm ghét chủng tộc đã dấy lên rồi, và hỗn loạn cũng đã xổ lồng. Tin
tức, vốn bị bóp méo và thổi phồng, chẳng bao lâu lan truyền từ cửa miệng người
này sang cửa miệng người khác. Trên toàn hòn đảo, người Malay bắt đầu giết
người Hoa, và người Hoa đã trả thù. Thiệt hại lên đến 23 người chết và 454
người bị thương, và khi người ta đếm xác ở nhà xác, thì số nạn nhân người Malay
cũng nhiều không thua gì số nạn nhân người Hoa. Các băng nhóm hội kín đã nhảy
vào để bảo vệ người Hoa và thực hiện báo thù, không kém gì sự đối xử thô bạo mà
nhân viên trong Trung đoàn Malay và Đơn vị dự bị Liên bang, chủ yếu gồm toàn
người Malay, đã dành cho họ. Bạo động dấy lên từng đợt trong mấy ngày sau đó,
vào những lúc lệnh giới nghiêm được tạm ngưng cho người ta đi chợ. Mãi tới ngày
2/8 thì chuyện này mới kết thúc.

Bất
kể chuyện tàn sát như vậy, tờ Utusan vẫn tiếp tục xúi giục.
Vào ngày 26/7, tờ này đã cho đăng một bài lấy từ báo Indonesia với tiêu đề “Lee
chịu trách nhiệm về những vụ bạo loạn tại Singapore”, mặc dù chính phủ Malay và
chính phủ Singapore đều đã kêu gọi bình tĩnh và hòa giải. Sáu ngày sau đó,
Albar lên tiếng rằng các vụ bạo động đã xảy ra vì “đã có kẻ tai quái tại
Singapore khiến người Malay và người Hoa chống đối nhau… Tại sao dưới thời của
các chính phủ Anh, Nhật, David Marshall và Lim Yew Hock lại không hề có những
tai biến nào xảy ra ở Singapore… Chính bởi vì Lee Kuan Yew đã cố thách thức và
đùa bỡn tinh thần dân tộc của chúng ta. Các bạn nên nhớ… ông ta đã nhạo báng
chúng ta ra sao khi nói rằng, các bạn đã nhận được sự độc lập trên một cái dĩa
bằng bạc… Tự các bạn cũng có thể thấy ông ta đã thách thức hoàng gia của chúng
ta ra sao khi nói rằng: “Tunku Abdul Rahman không có năng lực.”

Lúc
ấy Tunku đang ở Mỹ, sau khi đã dự Hội nghị Bộ trưởng Khối Thịnh vượng Chung ở
London. Phát biểu qua đài phát thanh Malaysia tại Mỹ, ông nói ông rất sửng sốt
trước vụ này, và trong một cuộc phỏng vấn trên ti-vi, ông bảo đây là “giây phút
buồn bã nhất trong đời mình”. Với tư cách thay mặt Thủ tướng, Razak đã bay đến
Singapore, và tôi đã ra đón ông tận phi trường. Ông phát biểu với báo chí rằng
tình thế vẫn trong tầm kiểm soát, tuy có nghiêm trọng, và lệnh giới nghiêm sẽ
tiếp tục vô thời hạn. Nguyên nhân của vụ rối loạn là có một kẻ muốn gây chia rẽ
đã ném chai vào đám rước, ông ta tuyên bố. Qua các phóng viên, ông cũng biết là
không phải vậy. Tôi vẫn mong chính phủ trung ương sẽ chặn đứng tất cả những trò
vận động chính trị mang tính phân biệt chủng tộc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3