Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 03 phần 1
3
QUÂN NHẬT XÂM LĂNG
Bốn
giờ sáng ngày 8/12/1941 lúc tôi còn ngủ trong khu E
ký túc xá thì bỗng giật mình vì tiếng bom nổ ầm ì. Cuộc chiến với người Nhật đã
bắt đầu. Đó là một chuyện hoàn toàn bất ngờ. Đèn đường vẫn sáng, không hề nghe
có tiếng còi báo động oanh tạc cho đến khi những máy bay Nhật trút bom xuống,
làm 60 người chết và 130 người bị thương. Nhưng tin tức về vụ không kích này đã
bị giấu bớt. Bộ phận kiểm duyệt còn chặn bớt tin tức về việc các ụ tàu ở cảng
Keppel, căn cứ hải quân ở Sembawang và các căn cứ không quân ở Tengah
và Seletar cũng bị tấn công.
Sinh
viên ở Đại học Raffles rất xôn xao về chuyện này. Những sinh viên gốc trong nội
địa liền chuẩn bị đáp tàu về quê. Hầu như ai cũng tin Singapore sẽ là mục tiêu
chính, do đó cẩn thận nhất là lui về vùng thôn quê trong nội địa Malaysia là
nơi hy vọng tránh được máy bay thả bom của Nhật. Ban giám hiệu của trường cũng
bối rối y hệt sinh viên. Chẳng ai chuẩn bị trước cho chuyện này cả. Hai ngày
sau chúng tôi nghe tin là cũng trong sáng hôm đó, quân Nhật đã tiến vào Kota
Bharu ở bang Kelantan. Sau cùng thì nội địa Malaysia cũng không thoát.
Trong
vòng vài ngày, khu ký túc xá hầu như trống trơn. Các buổi học bị đình lại và
sinh viên được kêu gọi tham gia đơn vị sinh viên trợ y MAS (Medical Auxiliary
Service). Tôi đã tình nguyện gia nhập đơn vị này và mỗi ngày đạp xe ba dặm từ
nhà (từ 1935 gia đình tôi đã dọn về đường Norfolk) tới đơn vị của mình trong
trường đại học. Chúng tôi không được phát đồng phục – chẳng có thời gian cho
việc đó – nhưng mỗi đứa được một cái nón thiếc, một băng đeo tay có hình chữ
thập đỏ và hưởng trợ cấp 60 đôla một tháng, thế là chúng tôi làm việc theo lịch
phân công suốt ngày đêm. Chúng tôi được chia thành từng nhóm sáu người. Chẳng
có gì phải sợ hãi, mà chỉ có sự hào hứng phải ghìm nén lại, sự hào hứng khi
được sống trong chiến tranh và dự vào những trận đánh thực sự.
Nhưng
cuộc chiến không thuận lợi chút nào. Chẳng bao lâu đã nghe từ nội địa Malaysia
truyền ra tin tức về những trận đại bại ở tiền tuyến, chuyện quân Nhật dễ dàng
xuyên thủng phòng tuyến Anh và tràn qua các đồn điền cao su tiến chiếm dọc bán
đảo Malaysia, dùng xuồng tam bản đổ bộ sau phòng tuyến Anh và buộc họ phải tiếp
tục triệt thoái. Rất nhiều gia đình người da trắng – chủ đồn điền và viên chức
dân sự cùng vợ con họ – bắt đầu từ trong nội địa kéo ra. Hẳn là cũng có cả
những gia đình bản xứ có quyền thế nữa nhưng họ không xuất hiện lộ liễu. Họ có
lẽ đã dọn tới nhà bạn bè hay bà con rồi lặng lẽ rời bến cảng Tanjong Pagar đi
khỏi Singapore vì sợ người Nhật sẽ trả thù việc họ đã giúp đỡ người Anh, hoặc
đã đóng góp vào quỹ ủng hộ Tưởng Giới Thạch kháng Nhật tại lục địa Trung Quốc.
Đến
tháng 1, lực lượng Nhật tiến đến gần Johor và máy bay của
họ ném bom Singapore cả ngày lẫn đêm. Tôi có nạn nhân cứu thương đầu tiên vào
buổi chiều nọ trong một ngôi làng tại Bukit Timah. Một số đơn vị MAS đi tới đó
bằng những chiếc xe buýt trang bị thành xe cứu thương. Một trái bom đã rơi
xuống gần đồn cảnh sát và có một số nạn nhân. Đó là một hình ảnh kinh hoàng, và
lần đầu tiên tôi nhìn thấy máu đổ, người bị thương và chết.
Khoảng 8 giờ
sáng ngày 31/1, tôi và Maurice Baker, một sinh viên quê ở Pahang, ngồi trên bờ
rào khu hành chính của trường đại học trong khi chờ đi công tác cứu thương, thì
đột nhiên có tiếng nổ rung chuyển mặt đất. Cả hai chúng tôi đều sững sờ và tôi
buột miệng: “Thế là kết thúc Đế quốc Anh!” Lúc đó giáo sư Dyer, hiệu trưởng Đại
học Raffles, đi ngang qua, nghe câu tôi nói, ông nhìn ra chỗ khác, rồi đi tiếp.
Cũng
buổi sáng đó, tất cả lực lượng Anh từ Johor rút ra đảo. Hôm sau, báo chí đăng
hình binh đoàn Argyll và Sutherland xứ Scotland, lực lượng cuối cùng vượt đường
đê nối Singapore với đất liền, trong tiếng kèn của họ, tuy rằng họ chỉ còn hai
chiếc kèn. Nó gây cho tôi một ấn tượng lâu dài về sự bình thản của người Anh
trong khi đối mặt với một chiến bại gần kề. Lực lượng Công binh
hoàng gia đã giật mìn phá đứt đường đê ở phía gần Johor. Đó
là tiếng nổ mà tôi và Maurice nghe thấy. Nhưng họ cũng cho nổ cả đường ống dẫn
nước từ Johor ra đảo. Cuộc phong tỏa Singapore đã bắt đầu.
Một
sáng nọ đạp xe về nhà, vẫn đội cái nón thiếc và đeo bảng tay, tôi gặp một đoàn
xe nhà binh đậu dọc đường Stevens. Đứng cạnh đó là những người lính Úc cao lớn
đội thứ mũ mềm rộng vành và trông rầu rĩ. Họ có vẻ hoảng sợ và mất tinh thần.
Tôi dừng lại để hỏi mặt trận đã tới gần cỡ nào rồi. Một người lính nói: “Thua
rồi, đây, cầm lấy.” Và đưa súng của anh ta cho tôi. Tôi hoảng hồn và chấn động.
Không lẽ đã tuyệt vọng đến thế rồi sao? Tôi từ chối khẩu súng và cố gắng trấn
an với anh ta là trận đánh chưa kết thúc thì chưa phải là thua. Nhưng với toán
lính đó, trận đánh ấy coi như đã thua. Tôi không tưởng tượng được họ đã nếm qua
những kinh nghiệm khủng khiếp thế nào.
Sau
chiến tranh tôi đọc được tin là có mấy tiểu đoàn Úc được phái sang Trung Đông
và tàu của họ bị dạt vào Singapore. Họ tới đây chỉ ba tuần trước khi hòn đảo
này thất thủ, và được đưa vào chiến đấu trong nội địa nhưng cũng bị đánh bật ra
ngay. Họ chuẩn bị để chiến đấu tại các sa mạc Bắc Phi, có thể là tại Lybia để
chống lại lực lượng của Rommel. Rồi bỗng dưng họ thấy mình bị đưa vào rừng già
nhiệt đới, đối mặt với người Nhật. Đó là bi kịch cho họ, và là điều tai hại cho
tinh thần chiến đấu của các đội quân Anh và Ấn được họ tới tiếp viện.
Trong
khi đó, cha tôi, vốn đang làm quản lý cho kho xăng của hãng Shell tại Batu
Pahat, cách bờ biển Tây Malaysia độ 100 dặm về phía Bắc, đã được lệnh rút lui.
Ông trở lại đảo bằng chiếc xe hơi nhỏ xíu trước khi đường đê bị phá đứt. Chúng
tôi vẫn hy vọng pháo đài Singapore sẽ cầm cự được. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều
thiệt hại nhân mạng nhưng rồi người Anh sẽ tiến công và sau cùng chúng tôi được
cứu thoát. Nhưng từng ngày qua – hay thực ra là từng giờ qua, sau tuần lễ đầu
của tháng 2 – tôi ngày càng cảm thấy, trong thâm tâm, rằng Singapore
chẳng phải Malta[6] và
nó chẳng chịu được cuộc phong tỏa lâu dài.
[6]
Malta: một đảo nhỏ ở Địa Trung Hải. Lực lượng Anh phong tỏa đảo này (lúc đó
thuộc Pháp) hơn 12 năm, từ 1788 đến 1800, dân trên đảo mới chịu đầu hàng.
Giữa
tháng 1, các trường học đóng cửa. Khi đạn pháo kích ngày càng rơi gần trung tâm
thành phố, mẹ tôi đề nghị cả nhà dọn về chỗ ông ngoại vốn nằm ngoài ngoại ô và
ít có nguy cơ trúng pháo kích hơn. Tôi ủng hộ việc này nhưng nói với bà rằng
tôi sẽ ở lại để coi chừng ngôi nhà trên đường Norfolk này, đồng thời tiếp tục
đi làm công tác trợ y tại đại học Raffles. Tôi sẽ không ở một mình vì ông Koh
Teong Koo, người làm vườn của gia đình, cũng ở lại để coi sóc nhà cửa khi tôi
đi công tác ởtrường. Ông chính là người đã kéo xe đưa đón đám em tôi đi học mỗi
ngày từ năm 1937. Chúng tôi đã đào một hầm tránh bom, nóc bằng gỗ đắp đất,
trong đó mẹ tôi chất đầy gạo, muối, tiêu, nước tương, cá muối, đồ hộp, sữa đặc
và tất cả những gì chúng tôi cần trong một thời gian dài. Tiền bạc không thành
vấn đề vì hãng Shell đã rộng rãi trả cho cha tôi liền mấy tháng lương khi ông
được lệnh rút khỏi kho xăng ở Batu Pahat.
Giữa
khung cảnh đen tối ấy, tôi vẫn đi xem phim được vài lần mỗi khi không có công
tác. Nó giúp tôi quên đi tương lai ảm đạm trong vài giờ. Một chiều cuối
tháng 1, tôi ráng ngồi xem cho hết một phim hài ở rạp Cathay. Ở cảnh nọ có
một trái bom sắp nổ, nhưng nó chỉ kêu bốp một tiếng nhỏ rồi rã ra từng mảnh. Đó
là một trái bom hư. Khi vỏ bom vỡ, dòng nhãn hiệu hiện ra “Made in Japan”. Thật
trớ trêu! Hai tháng qua, Singapore đã nếm mùi sức công phá của bom và đạn pháo
Nhật, vậy mà tôi còn được xem một bộ phim cười cợt người Nhật – mô tả
họ như những người chân vòng kiềng, mắt lé, không thể bắn cho thẳng đích
hay đóng những chiếc tàu có thể chịu được một cơn bão và chỉ có thể chế được
những vũ khí kém cỏi. Sự thật đáng buồn là trong hai tháng qua, từ 8/12, họ
đã chứng tỏ rằng họ có lòng can đảm và tài năng quân sự để tạo ra những thắng
lợi ngoạn mục trước quân đội Anh. Nhiều năm sau, Thủ tướng Winston Churchill
viết về cuộc thất thủ Singapore như một “thảm họa trầm trọng nhất và vụ đầu
hàng lớn nhất trong lịch sử Anh.”
Quân
đội chiếm đóng trường đại học ngày 10/2 khi lực lượng Anh trên đường triệt
thoái, và hai ngày sau đơn vị MAS phải giải thể. Những ngày đầu tôi ở ngôi nhà
ở đường Norfolk, nhưng khi pháo kích ngày càng gần, tôi đã về với gia đình ở
Telok Kurau. Hôm sau chúng tôi nghe tiếng súng trường xa xa, rồi nhiều hơn và
gần hơn. Không có tiếng súng đại bác, pháo kích hay bom. Tôi tò mò đi ngõ cổng
sau ra đường Lorong L, giáp với khu xóm nơi tôi vẫn chơi với đám trẻ con nhà
ngư dân hồi xưa. Đi chưa được hai chục thước theo con đường đất, tôi thấy hai
người mặc quân phục xám, khác với thứ màu xanh pha nâu của quân Anh. Họ quấn xà
cạp và đi giày vải đế cao su, mũi giày tách các ngón chân ra, một bên là ngón
cái và một bên là các ngón còn lại. Sau này tôi được biết là kiểu giày ấy giúp
họ bám chắc hơn trên mặt đất lầy trơn trượt. Cái làm họ trông lạ mắt nhất là
thứ nón kếp bằng vải mềm có vạt phía sau phủ xuống cổ. Đó là những người lính
nhỏ thó, lạ mắt, cầm súng trường gắn lưỡi lê dài. Người họ tỏa mùi nồng nặc,
thứ mùi mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là mùi của người không tắm giặt sau
hai tháng đánh nhau theo những con đường mòn trong rừng hay đồn điền suốt từ
Kota Bahru về tận Singapore.
Phải
mất vài giây tôi mới nhận ra họ là ai. Quân Nhật! Một nỗi sợ hãi khủng khiếp
chụp lấy tôi. Nhưng họ đang lùng kiếm quân địch. Rõ ràng tôi không phải thứ đó
nên họ chẳng chú ý và cứ đi tới. Tôi chạy trở vô nhà và kể lại mọi chuyện.
Chúng tôi đóng kín cửa nẻo, tuy rằng chỉ có Chúa mới biết chúng có che chở gì
được cho chúng tôi hay không. Quân Nhật, sau những trò tàn bạo của họ tại Trung
Quốc năm 1937, đã khiến dân chúng rất sợ hãi, nhất là sợ trò cướp phá và hãm
hiếp. Nhưng đã không có gì đáng kể xảy ra cho đến hết ngày hôm đó. Lực lượng
Anh đã mau lẹ rút vào trung tâm thành phố mà không có kháng cự gì mấy.
Hôm
sau, ngày 15/2, là Tết Nguyên đán, ngày lễ lớn nhất trong năm của người Hoa,
thường được chào mừng với quần áo, giầy dép mới cùng đủ thứ món ăn và bánh trái
cổ truyền. Đó là cái Tết u ám nhất kể từ khi người Hoa có mặt trên đảo này năm
1819. Cũng có tiếng chạm súng ở phía Bắc và gần thành phố, rồi tiếng súng cối
và đại bác nổ xa xa, nhưng không có gì xảy ra ở Telok Kurau. Quân Nhật đã tiến
vào nội ô.
Đêm
đó tiếng súng ngớt. Rồi có tin rằng người Anh đã đầu hàng. Hôm sau, một số bạn
bè từ nội thành ra cho hay người ta hôi của khắp nơi. Những ngôi nhà của người
Anh và người Âu khác bị chính bọn tài xế và làm vườn dọn sạch. Chuyện này làm
gia đình tôi lo lắng. Căn nhà ở đường Norfolk với đủ thứ thực phẩm dự trữ rất cần
cho chúng tôi trong thời gian dài nữa, bây giờ ra sao rồi? Mẹ tôi đồng ý để tôi
với Teong Koo, người làm vườn, đi bộ tám dặm từ Telok Kurau về Norfolk. Chúng
tôi đi hai tiếng mới tới. Dọc đường tôi thấy những người Malay khiêng đồ đạc và
đủ thứ món ra khỏi những căn nhà lớn. Người Hoa thì lùng sục các kho hàng để
tìm những món ít cồng kềnh nhưng lại có giá trị hơn. Một khu nhà gỗ cũ kỹ cách
nhà chúng tôi độ hai căn đã bị cỡ hai chục gia đình chiếm cứ. Đàn ông trong đó
là các tài xế. Nhưng họ chưa tấn công nhà chúng tôi. Có thể lấy được nhiều món
tốt hơn trong các ngôi biệt thự lúc này đã sạch bóng người Âu vì họ đã bị tập
trung và tống giam. Tôi đã trở về đúng lúc.
Suốt
hai tiếng đi bộ từ Telok Kurau về Norfolk, tôi đã trông thấy một Singapore với
guồng máy an ninh trật tự bị dừng lại. Quân Anh đã đầu hàng. Cảnh sát địa
phương – gồm các hạ sỹ quan người Ấn và người Hoa cùng các binh sĩ người Malay
– đều đã biến mất, họ sợ người Nhật sẽ xem họ như phần tử trong guồng máy quân
đội Anh. Lính Nhật thì chưa xác lập sự có mặt của họ trong thành phố. Mỗi người
tự có luật của mình.
Do
thói quen, đa số dân chúng vẫn tôn trọng pháp luật. Nhưng khi các ông chủ đã
biến mất, những kẻ táo tợn đã thừa cơ hội để cướp phá các nhà kho, các cửa hàng
bách hóa và cửa hiệu của các công ty Anh, lấy đi những của cải mà họ coi như
chiến lợi phẩm hợp pháp, tình trạng này kéo dài vài ngày cho đến khi người Nhật
phục hồi được trật tự; họ khiến dân chúng khiếp sợ bằng cách bắn hay chặt đầu
vài kẻ hôi của họ tình cờ bắt được và bêu đầu chúng trên những cây cầu lớn hay
ngã tư đường chính.
Quân
Nhật cũng đi trấn lột. Trong những ngày đầu, bất kỳ ai đi trên đường có một cái
bút máy hay đồng hồ cũng có thể bị tước mất. Lính tráng có thể chính thức vào
nhà để lục soát, hoặc giả vờ làm như thế, nhưng thực ra là để lấy đi những món
nho nhỏ có thể mang theo bên mình. Ban đầu, họ cũng lấy cả những chiếc xe đạp
tốt nhất, nhưng vài tuần sau thì họ ngưng. Họ chỉ ở Singapore ít lâu rồi sẽ đi
Java hay một đảo nào đó trong khu quần đảo để chiến đấu và giành những lãnh thổ
mới. Họ không thể mang những chiếc xe đạp đó theo.
Việc
cướp phá những biệt thự và nhà kho của các ông chủ người Anh đã biểu tượng cho
sự kết thúc một thời kỳ. Những người ra đời sau năm 1945 khó mà hiểu hết ý
nghĩa sâu xa của việc người Anh thất thủ, vì những người trẻ ấy không có ký ức
gì về chế độ thuộc địa bị người Nhật đánh đổ vào ngày 15/2/1942. Từ năm 1819,
khi Raffles xây dựng Singapore thành một thương điếm cho Công ty Đông Ấn của
Anh, vị trí thượng đẳng của người da trắng đã là một điều đương nhiên. Tôi
không hiểu điều đó đã xảy ra thế nào, nhưng khi tôi bắt đầu đi học năm 1930,
tôi đã ý thức rằng người Anh là ông chủ lớn, và những ai da trắng cũng là chủ
nốt – có thể lớn, có thể kém hơn chút, nhưng tất cả đều là chủ. Bọn họ không đông,
chỉ độ tám ngàn. Họ có lối sống thượng lưu và xa cách hẳn người châu Á. Các
quan chức chính quyền có những căn nhà lớn tại những khu sang trọng, có xe hơi
với tài xế riêng và nhiều kẻ hầu người hạ. Họ dùng thực phẩm thượng hạng với
rất nhiều thịt và các sản phẩm sữa. Ba năm một lần, họ lại về quê bên nước Anh
nghỉ từ ba tới sáu tháng để phục hồi sau khi đã mệt mỏi vì khí hậu xích đạo ở
Singapore. Con cái họ cũng về chính quốc để học hành, chứ không học các trường
ở Singapore. Bọn con cái này cũng sống một đời thượng lưu.
Tại
Đại học Raffles, ban giảng huấn đều là người da trắng. Có hai người giỏi nhất
trong số sinh viên địa phương đã tốt nghiệp, có bằng hạng ưu về hóa và lý, thì
cũng chỉ được làm nhân viên phòng thí nghiệm và lãnh lương thấp hơn rất nhiều,
rồi họ phải đi London để học lấy bằng BS (cử nhân khoa học) để giữ được vị trí
đó. Một trong những sinh viên giỏi nhất đã tốt nghiệp ngành khoa học xã hội vào
thời đó, với bằng hạng ưu về kinh tế, tên là Goh Keng Swee (sau trở thành Phó
thủ tướng), cũng chỉ làm trợ giảng, chứ không được làm giảng viên.
Không
có vấn đề bất mãn ở đây. Vị thế thượng đẳng của người Anh trong chính quyền
cũng như trong xã hội đã là chuyện đương nhiên. Xét cho cùng, họ chính là dân
tộc hùng cường nhất thế giới. Họ có một đế quốc lớn nhất trong lịch sử, trải
khắp mọi múi giờ trên địa cầu, trên khắp năm châu bốn bể. Chúng tôi biết điều
đó khi học sử trong trường. Để cai trị, họ chỉ có vài trăm đội quân tại
Singapore phục vụ luân phiên. Những toán quân thường gặp nhất là đóng tại đồn
Canning gần trung tâm thành phố. Có lẽ chỉ có độ một hai nghìn lính tất cả để
duy trì nền cai trị thuộc địa với khoảng sáu hay bảy triệu dân tại Các thuộc
địa vùng eo biển và các bang Malay.
Người
Anh rêu rao rằng họ cần có mặt ở Malaysia để bảo vệ người Malay, nếu không họ
sẽ bị những người nhập cư cần cù hơn lấn lướt. Nhiều người Hoa và người Ấn được
mang đến đây làm nhân công hợp đồng và được chấp nhận vì người Malay không
thích những công việc trong hoạt động thương mại hay ở đồn
điền, như cạo mủ cao su, xây cầu đường, làm thư ký, kế toán hoặc bán hàng.
Một
thiểu số những người châu Á nổi bật đã được phép hòa nhập với các ông chủ da
trắng, một số được chỉ định làm thành viên không chính thức trong Ủy ban hành
pháp hoặc Tư pháp của Thống đốc Anh. Hình ảnh của họ cùng các bà vợ xuất hiện
trên báo chí, chụp cảnh họ tham dự những bữa tiệc trong vườn, những bữa tối
trong Dinh chính phủ, cúi đầu hoặc gập người trước Thống đốc Anh và bà vợ, các
bà thì mang găng tay trắng theo đúng nghi thức và tất cả đều có cung cách hết
sức lịch sự. Một số còn được phong tước, những kẻ khác thì mong rằng sau một
thời gian dài phục vụ trung thành, họ cũng sẽ được như vậy. Họ được các quan
chức da trắng bảo trợ, nhưng cũng chấp nhận thân phận thuộc cấp của mình một
cách rất tự tin, vì họ cũng nghĩ mình cao quý hơn những người châu Á khác.
Ngược lại, bất kỳ người Anh, người Âu hay Mỹ nào cư xử lôi thôi hay trông như
dân du thủ du thực lập tức sẽ bị tống khứ vì họ sẽ làm bôi bác toàn thể dân da
trắng, mà người ta muốn không ai được hồ nghi gì về tính thượng đẳng của sắc
dân này.
Cha
mẹ và ông bà tôi đã nuôi tôi lớn để quen thấy đây là trật tự bình thường của
mọi sự. Tôi không nhớ ra đã từng có người bản xứ nào, bằng lời lẽ hay hành
động, từng nghi vấn về chuyện này. Không người nào tiếp nhận nền giáo dục Anh
lại có xu hướng đấu tranh đòi bình đẳng cho người châu Á. Hồi đó tôi không biết
rằng có nhiều người Hoa, được học trong trường Hoa ngữ và không hội nhập với
chế độ thuộc địa. Thầy giáo của họ từ Trung Quốc tới, và họ không thừa nhận sự
tối thượng của người da trắng, vì họ không bị giáo dục và nhồi sọ để đi tới chỗ
thừa nhận tính ưu việt và sứ mạng của Đế quốc Anh. Sau chiến tranh tôi mới biết
nhiều hơn về họ.
Đó
là tình hình Singapore và Malaysia mà 110.000 lính Nhật đã chiếm được, đồng
thời bắt giữ hơn 130.000 quân Anh, Ấn và Úc. Trong vòng 70 ngày bị bất ngờ lúng
túng và sai lầm, xã hội thuộc địa Anh tan rã, kéo theo nó là huyền thoại về
tính ưu việt của người Anh. Ai cũng nghĩ người châu Á sẽ hoảng loạn khi có
tiếng súng nổ, vậy mà họ lại là những người gan dạ, đón nhận chuyện bị thương
hay chết chóc mà không sợ hãi. Chính nhữngông chủ da trắng mới là kẻ rúc dưới
gầm bàn khi bom hay đạn pháo kích nổ. Những người da trắng dân sự hoặc viên
chức chính quyền tại Penang, trong đêm khuya ngày 16/12/1941, đã bỏ chạy về
lánh tại Singapore, bỏ mặc người dân bản xứ tự lo thân. Binh sĩ Anh triệt hạ
mọi công sự họ có thể phá rồi rút lui. Bệnh viện, các cơ sở dịch vụ công và các
dịch vụ cần thiết khác bị bỏ trống không người điều hành. Không có lính cứu hỏa
để chữa cháy và không có viên chức để coi sóc việc cấp nước. Những người da
trắng điều hành đã bỏ đi. Những chuyện về việc họ cuống cuồng đạp lên người
khác để cứu lấy thân mình đã khiến người châu Á nghĩ rằng họ ích kỷ và hèn
nhát. Nhiều người dĩ nhiên là có cường điệu và không trung thực khi kể lại
những chuyện ấy, nhưng họ cũng có đủ dữ kiện để làm như thế. Người da trắng
cũng sợ hãi và hoang mang không biết phải làm gì như người châu Á vậy, nếu
không muốn nói là còn thậm tệ hơn. Người châu Á đã trông chờ họ lãnh đạo và họ
đã làm mọi người thất vọng.
Người
Anh đã xây dựng một huyền thoại về tính ưu việt cố hữu của họ một cách đầy
thuyết phục đến nỗi hầu hết dân bản xứ cho rằng kháng cự lại họ là vô vọng.
Nhưng bây giờ một dân tộc châu Á đã dám thách thức họ và đập tan huyền thoại.
Tuy nhiên, một khi người Nhật nắm quyền cai trị như những người chiến thắng, họ
đã mau chóng cho người bản xứ thấy rằng họ còn tàn bạo, bất công và hà khắc hơn
cả người Anh. Trong ba năm rưỡi chiếm đóng, bất cứ lúc nào tôi cũng thấy người
Nhật hành hạ, đánh đập hay bạc đãi người dân, tôi lại mong rằng người Anh vẫn
còn tại vị. Là dân châu Á với nhau, họ đã khiến chúng tôi tỉnh ngộ, nhưng rồi
người Nhật cũng thấy xấu hổ khi bị đồng hóa với các dân tộc châu Á khác mà vốn
họ coi như hạ đẳng về chủng tộc và thấp kém về trình độ văn minh. Họ là con
cháu của Thái Dương thần nữ, Amaterasu Omikami Sama, một dân tộc được tuyển
chọn, khác biệt và tách bạch khỏi đám người Hoa, Ấn và Malay ngu dốt.