Gái Phượt - Chương 03

Chương III

Gái phượt say nắng

“Say nắng” là cụm từ mà chúng tôi thường dành cho những kẻ thích nhau rồi yêu nhau trên đường đi phượt. Kiểu xế xế ôm ôm, trai chưa vợ gái chưa chồng, trên đường trải qua khó khăn cùng nhau, chăm sóc nhau, thấy tâm đầu ý hợp rồi thích nhau và về yêu nhau là rất thường tình. Không cần nhìn những bản tình ca “xế - ôm” với ánh mắt “quan ngại sâu sắc” làm gì.

Say nắng là tình yêu mới chớm nảy sinh trên con đường, về nhà uống cốc nước, có thể là sẽ tỉnh giấc hết say mà cũng có thể say như điếu đổ rồi thành ra một cái gì đó của nhau. Trong những chuyến lên đường của tôi và bạn bè, có rất nhiều đôi đã say nắng nhau, nhiều đôi tan hơn là hợp, nhưng nên duyên vợ chồng cũng không phải ít. Đếm nhẩm ra thì tôi cũng quen và biết hơn chục đôi “say” trên đường rồi thành “yêu” khi trở về.

Những cô gái phượt mà tôi biết, họ đều rất mạnh mẽ và lãng mạn. Ở họ luôn có một luồng từ trường bao bọc, một nét hấp dẫn rất riêng. Nên tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu họ luôn được yêu mến và được mọi người chú ý đến. Tôi cũng chẳng ngại nói rằng tôi đã say nắng vài người trên đường phượt và họ cũng say nắng tôi. Hầu như tôi luôn có một ai đó làm xế cứng trong một thời gian dài. Nhưng tôi chưa tìm được duyên của mình trên những cung đường nên say nắng vẫn mãi là say nắng, để rồi về nhà tỉnh giấc, trở lại cuộc sống đời thường. Mỗi lần say say, tỉnh tỉnh, lần nào cũng vô cùng vật vã.

Tôi có một mối tình ở Bali

Một cái nắm tay nhẹ nhàng cũng đủ khiến Bali trở thành ấn tượng khó quên trong suốt cuộc đời. Với tôi, đó là nơi một tình yêu đẹp bắt đầu từ một tình bạn đẹp.

Quá khứ đã ngủ yên giấc trong sáu năm trỗi dậy như vừa mới chỉ ngày hôm qua. Vẫn đâu đây ánh mắt, nụ cười, cái nắm tay. Tôi viết lại câu chuyện này không phải để day dứt ai đó mà chỉ để giữ mảnh quá khứ đẹp trong trái tim, để nhớ lại rằng mình đã từng yêu và đã từng hạnh phúc đến thế.

Tháng 5 năm 2010, đoàn khách đi chuyến Bali, Indonesia, nhẽ ra có 5 người, cuối cùng vì nhiều lý do, thành chỉ còn có 2 người, tôi và hắn. Việc đầu tiên hai đứa nghĩ đến ngay là tiền. Thay vì chia năm giờ thành chia hai, chi phí tự dưng tăng gấp bội. Việc thứ hai là hẹn nhau ở Malaysia. Hắn sang đó trước để leo núi Kitabalu, tôi một mình từ Việt Nam sang sau, hai đứa sẽ hẹn nhau ở chỗ nào đó, rồi cùng đi Bali.

Thỏa thuận xong điểm gặp nhau, mỗi đứa một phương.

Chuyến bay AA vắng khách. Vừa cất cánh xong một cái là tôi chạy tọt xuống ghế dưới, chiếm nguyên một hàng ngủ một mạch cho đến khi em tiếp viên hàng không xinh đẹp đến gọi dậy vì đã sắp hạ cánh. Anh chàng quầy thủ tục soi cái hộ chiếu rồi nhìn mặt tôi một hồi lâu, rồi lại soi tiếp. “Chết cha - tôi nhủ thầm trong đầu - mình ghi thiếu cái gì vào tờ khai hay sai cái gì không biết???” Khổ, tôi rất kém tiếng Anh, chỉ bập bõm những câu cần thiết, khoản điền vào tờ khai báo thì hoàn toàn viết theo trí nhớ vì cũng đã vài lần đến Malaysia và khai giấy tờ với bạn bè. “Không biết mình có khai gì bất lợi không nhỉ?” Anh chàng hải quan mở cái đống dấu đã có trong hộ chiếu của tôi, cũng khá nhiều rồi quay lại nhìn tôi từ đầu đến chân và hỏi. Đại khái thế này:

Hỏi : Cô đến Malaysia làm gì?

Đáp: Du lịch.

Hỏi: Cô định ở đâu?

Đáp: Một ngày ở Malaysia, mai đi Bali.

Hỏi: Cô thường xuyên xuất và nhập Malaysia trong 10 ngày, mục đích là gì?

Đáp: Tôi đi du lịch. Bay đến Malaysia (dùng tay làm động tác lái máy bay, hạ cánh), bay đi nước khác (tiếp tục dang tay vẫy vẫy) rồi lại về Malaysia và về nước (cười xòe).

Anh chàng đó gật gật ra điều hiểu cái trò ngôn ngữ cơ thể của tôi, đóng dấu cộp cho qua, nhắn theo: Vui vẻ nhé!

Kinh nghiệm body language quả là có lợi, nhiều phen cứu tôi bàn thua trông thấy. Nhiều người nghĩ tôi đi du lịch như vậy, chắc tôi phải thông thạo tiếng Anh lắm, nhưng thực ra tôi rất dốt. Cũng quyết tâm học lắm lắm, nhưng chẳng vào đầu bao nhiêu. Cuối cùng mỗi khi đi nước ngoài lại vẫn sử dụng tiếng bồi và cử chỉ để nói chuyện. Nhưng cái mớ tiếng bồi dở đó cũng đôi khi hay ho. Không bị lệ thuộc vào ngữ pháp, chẳng cần chủ vị, chỉ cốt nói sao cho người đối diện hiểu là được. Mà người đối diện tôi đa phần là người dân, nhiều khi họ cũng chỉ biết tiếng bồi như tôi. Thế là hai bên dễ dàng hiểu nhau luôn và ngay bằng những từ ngắn gọn nhất.

Kiểu như thay vì nói: “Xin chào! Chúng tôi đang cần phòng 2 người cho 2 đêm. Hôm nay các bạn còn phòng không?”, thì tôi sẽ nói ngay: “2 người, 1 phòng, 2 đêm”. Tôi sẽ nhận được luôn câu “No” hoặc là “Ok”. Đơn giản chỉ vậy thôi!

Sau gần một tiếng ngồi xe buýt, tôi phải đi bộ tiếp một quãng dài giữa cái nắng nóng của Kuala Lumpur để đến con phố mình cần. Trước kia tôi đã từng ở lại đây, cái hồi mới đến Malay lần đầu tiên nên nhớ nó theo cách của lần đầu tiên, đi theo quán tính của lần đầu tiên. May là mọi thứ không thay đổi nhiều trong mấy năm qua. Bukit Bintang là trục phố với rất nhiều trung tâm thương mại vây quanh, lại gần khu chợ ăn đêm nổi tiếng. Phố vẫn thế, đông nhóc xe cộ, những cô gái Hồi giáo vấn khăn nhiều màu sặc sỡ che kín mái tóc, nhưng cũng có những cô nàng che kín cả mặt mũi tóc tai và đen tuyền từ đầu đến chân.

Tôi leo lên khu dom1 tầng hai gần đấy, lấy phòng. Cha mẹ ơi, điều tôi không lường trước đã xảy ra. Dom hết phòng. Làm thế nào bây giờ? Làm sao liên lạc được với hắn bây giờ? Tìm phòng nữa? Chưa bắt đầu đã dở hơi thế này. Tôi xuống phố, lếch thếch chiếc ba lô to đùng đi bộ dọc theo phố chính. Chếch đối diện cửa hàng 7-Eleven có một dom khác, còn phòng. Thế là chui vào ở. Mấy tay cho thuê phòng nhìn tôi chòng chọc hỏi, mày đi một mình à. Tôi đáp, giờ tao một mình, tối có bạn đến. Nhưng tụi nó có vẻ không tin lắm, tôi về phòng mà vẫn cảm thấy những ánh mắt nhìn chòng chọc theo, và xì xầm bàn tán. Tôi có tí nổi gai ốc. Vào phòng là đóng ngay cửa lại, chốt hết các loại chốt vào.

Tôi ngồi thừ ra ở giường, không biết làm thế nào để liên lạc với đồng bọn khi chuyển sang nơi khác thế này? Không biết hắn làm sao tìm ra được tôi? Rồi thấy trong phòng có vẻ bất an khi ở nơi toàn đàn ông đen đúa và như thể đang rình mò mình ngoài cửa, tôi quyết định đi ra ngoài, cho đến tối gần giờ hẹn sẽ lảng vảng quanh khu dom lúc trước để chờ hắn.

Phố ăn đêm Jalan Alor bắt đầu nhộn nhịp từ 6 giờ chiều, khi quán hàng được bày biện chật ních các con đường nhỏ. Đầu phố có một quán cơm gà khá nổi tiếng, khu vực phía trong là các quán hải sản, hàng cơm và các món mì. Tôi xuýt xoa những thìa cơm nóng, ăn ngấu nghiến. Từ sáng đến giờ toàn ăn đồ linh tinh, giờ mới có tí tinh bột vào bụng. Đầu chợt ngẩng lên vì tiếng hát ở xa xa. Anh chàng hát rong bập bùng đàn ghita gỗ, rõ ràng là giữa đám đông người ăn uống nói cười ồn ào mà sao những lời hát văng vẳng kia như để dành riêng cho tôi vậy?

Well you’ve done done me and you bet I felt it

I tried to be chill but you’re so hot that I melted

I fell right through the cracks

And now I’m trying to get back

Before the cool done run out

I’ll be giving it my bestest

Nothing’s going to stop me but divine intervention

I reckon it’s again my turn to win some or learn some

I won’t hesitate no more, no more

It cannot wait, I’m yours

Tôi chờ ở dom đã hẹn hai tiếng đồng hồ, loanh quanh nơi bậc thềm cầu thang, hết đứng lại ngồi, đi ra lại đi vào, ăn hết nguyên một cốc kem và một cốc hoa quả dầm, không có ai tìm tôi, không thấy bóng dáng quen thuộc ấy đâu. Trái tim như muốn khóc òa. Ở giữa nơi xa lạ này, nếu không gặp nhau, tôi sẽ làm gì trong bảy ngày tới cho đến lúc về? Mà vé máy bay từ Kuala Lumpur đi Bali tôi không cầm, cũng chủ quan không bảo hắn gửi mail cho một bản nên chẳng biết giờ bay lúc nào. Hay là hắn lạc đường nhỉ? Hay hắn trễ tàu? Hay leo núi xuống thì ốm? Hàng trăm câu hỏi lởn vởn trong đầu. Gần 10 giờ đêm vẫn chưa thấy đâu, tôi đi bộ về nhà nghỉ khi một cơn mưa ập đến. Từ phòng nghỉ trọ tầng hai bên này, tôi có thể nhìn thấy được khu dom bên kia. Cơn mưa to quá, xé toạc màn đêm với những tiếng sét vằn vện trên nền trời. Tôi đứng co ro, mắt không rời khỏi khu dom xa xa, cố tìm kiếm trong màn mưa bóng hình quen. Phía góc đường, quán xá đã vãn khách vì mưa, cửa hàng cơm gà Hải Nam ngay dưới tầng cũng đã vắng khách, chỉ có quầy hàng 7-Eleven là sáng đèn và có khách. Một vài người trú mưa, có người chạy vội. Khu dom tù mù trong ánh đèn đường, nhòe nhoẹt trong mưa.

Trời mưa hơn nửa tiếng rồi ngớt dần, chỉ lác đác bay bay. Mấy anh chàng nhà nghỉ từ đâu ồ ạt kéo ra ban công, tay xách nách mang một đống gà rán KFC. Tôi hơi ngại, toan về phòng thì cả đám thân thiện mời tôi ngồi lại ăn tối. Tôi xin phép chỉ uống một lon Coca. Giờ thì họ chính thức truy hỏi tôi sao ở đây một mình. Anh chàng da đen (họ đều da ngăm đen và trong tối, tất cả đều đen, trừ hàm răng, mà tôi cũng đen không kém gì họ) trông đứng đắn nhất ái ngại bảo tôi: “Sao mày lại đi một mình?” Tôi bảo: “Tao có hẹn bạn đến!” Nhưng chúng nó lắc đầu ý chừng không tin. Hóa ra họ không phải người Malay mà là người Bangladesh và ở đây có rất nhiều người Bangladesh đến làm việc. Cùng với họ là người Ấn Độ, người Indonesia, người Sri Lanka sang đây làm thuê, có mặt ở khắp mọi nơi. Vừa nhồm nhoàm ăn gà họ vừa tán phét, vừa nói chuyện cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng nước họ khiến tôi chỉ hiểu được bập bõm. Tôi đoán lúc họ dùng tiếng của họ là nói về tôi vì qua các ngữ điệu và cách nhìn cũng thấy được phần nào. Không đến mức “ăn tươi nuốt sống” nhưng cũng làm tôi cảm thấy không an toàn cho lắm. Tôi cảnh giác chào họ rồi về phòng, đóng chặt cửa lại. Thân gái dặm trường, biết đâu mà lường, cứ cẩn tắc vô áy náy.

11 rưỡi đêm, có tiếng gõ cửa phòng, tôi rụt rè mở cửa. Một anh chàng nhỏ thó thò tay đưa cho tôi lon nước ngọt, bảo của mày uống dở này, cầm lấy. Tôi lí nhí cảm ơn, chột dạ vì mình sao lại mở cửa, nhỡ tụi nó a la xô nhảy vào thì chắc chắn chết toi rồi. Vội vội vàng vàng đóng cửa lại ngay, chốt và dựng đủ thứ đồ vào cánh cửa. Tiện tay vứt luôn lon nước vào sọt rác, nhỡ đâu tụi nó bỏ cái gì vào đây thì sao? Lòng tôi nóng như lửa đốt.

12 giờ đêm, có tiếng gõ cửa một lần nữa. Tôi lúng túng không biết làm thế nào, lấy hết dũng khí, liều ra mở. Hắn đứng ở đó, giữa khuôn cửa hẹp, cao lồng lộng gần chạm khung phía trên, khoác ba lô to tướng, mặt mũi đen đúa cháy nắng, kính cận rơi trên cánh mũi, nở nụ cười rạng rỡ. Hắn chắn hết cái lối cửa bên ngoài, tia chớp lóe làm gương mặt hẳn sáng bừng, mái tóc lấm tấm hạt mưa lấp lánh, mắt kính lấm chấm hạt mưa long lanh. Trái tim tôi nhảy dựng khỏi lồng ngực vì vui mừng. Chưa bao giờ tôi mừng đến thế. Hắn tìm được tôi. Hắn đang ở đây. Hắn kia rồi! Tôi muốn chạy lại ôm chầm lấy hắn vì sung sướng quá rồi lại kiềm chế lại. Hắn thấy tôi, cười một nụ cười mãn nguyện, thở một hơi thở nhẹ nhõm, “Tìm được Yếm đây rồi! Đang lo không phải.”

Hắn bước vào phòng, vứt phịch cái ba lô nặng xuống nền gạch, cười hềnh hệch. “Đi tìm hết cả hơi. Xe bị trễ, 10 giờ mới đến đây. Đi bộ sang cái dom kia hỏi thấy tụi nó bảo hết phòng, mò sang mấy nơi rồi vào đây. Trời thì mưa. Hỏi chúng nó có thấy một con bé Việt Nam nào thuê phòng không? Tụi nó bảo có một đứa đấy. Thế là lên mà đếch tin là đúng người. Ha ha! Mà làm gì để cho bọn kia nó nghi ngờ thế. Nó bảo có chắc bạn mày không, nó sang đây từ trưa kia mà? Thế là tìm thấy đây rồi. Mệt quá trời quá đất! Đang lo không gặp.”

Hắn luyến thoắng cái mồm rồi với tay ôm choàng lấy tôi, nhấc bổng, miệng vẫn cười, đôi tay siết mạnh. Tôi ngả đầu vào vòm ngực rộng, cười sung sướng. Chúng tôi đã tìm thấy nhau như thế! Mừng muốn chết!

Hắn và tôi quen nhau qua những chuyến đi bụi. Nếu nói là thân thì không phải vì hai đứa đi cùng nhau đôi chuyến, có đèo nhau trong chuyến chạy Na Mèo nhưng không nhiều ấn tượng lắm. Ngoài ra cũng ngồi trà đá nói chuyện vài lần. Hắn ít tuổi hơn tôi và cao hơn tôi kha khá xăng ti mét, điều trước đây tôi không nhận ra cho đến chuyến đi này. Giữa chúng tôi là tình cảm chị em đơn thuần, quý mến nhau, trong sáng vô cùng. Hắn có điển trai không? Có. Có thông minh không? Có. Có đáng mến không? Có. Hắn là một cậu bé to xác, tốt bụng, hiền và lịch sự.

Chiều hôm sau mới bay sang Jarkarta nên chúng tôi có cả một ngày đi chơi ở Kuala Lumpur. Hắn muốn dắt tôi đi thăm tháp Petronas, lòng vòng khu phố Tàu. Tôi ngại đi bộ lắm lắm vì nắng nóng, hắn thì dường như sinh lực đang tràn trề, sẵn sàng ôm cái túi máy ảnh chết nặng và kéo tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm trước ánh mắt đầy ngưỡng mộ của mấy anh chàng Bangladesh. Đấy, thấy chưa? Tôi đắc thắng. Bạn tao đấy, chúng mày tin chưa? Mấy chàng kia ầm ĩ, gật gật. Bạn mày đấy à? Trông ngon đấy. He he! Tôi cười khoái trá trong lòng. Hắn kể chuyện leo núi Kinabalu, kể về hai cô nàng nước ngoài cùng dom, ngủ ở giường tầng trên, to béo núc ních, mỗi lần leo lên là muốn đè sập cái giường có hắn ở dưới. Hẳn hồ hởi, hào hứng. Hắn làm tôi lây theo tinh thần rạng rỡ và năng lượng tràn đầy từ hắn. Rồi hắn ôm nguyên cái máy ảnh nặng trịch của tôi trong suốt cả chuyến đi, kèm theo hộ chiếu và tiền đi đường, giắt vào túi đeo trước bụng. Thông thường các chuyến đi toàn là chị em phụ nữ cầm tiền chi tiêu, lần này thì tôi không phải lo việc gì, chỉ việc đi thôi.

0 giờ 30 phút đêm, chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không nội địa Indonesia - Lion Air trả nhóm khách xuống cái sân bay nhỏ nhắn trên hòn đảo Bali. Trong đám khách cuối ngày là những đôi tình nhân tay trong tay và cả những gia đình nhỏ với đủ vợ chồng con cái. Lố nhố trong đám khách Tây chỉ có hai đứa Việt Nam. Hòn đảo xinh xắn của đất nước bạn láng giềng Indonesia hiếm khi đón những người khách Việt, phần vì tiền vé máy bay không rẻ, phần vì nghe nói nơi đây toàn khách sạn 4, 5 sao mắc tiền. Nhưng thực tế đi rẻ vô cùng, nhất là khi hãng hàng không giá rẻ AirAsia mở các đường bay qua đó, anh em thi nhau “săn” vé 0 đồng từ cả năm trước, và chỗ ở cũng đa dạng. Thiên đường này lại hóa ra có đủ chỗ cho kẻ nhiều tiền lẫn kẻ ít tiền.

Ở Ubud, các nhà nghỉ đều nằm lẫn giữa thiên nhiên, trong những khu vườn, giữa cánh đồng. Mọi thứ đều phủ một màu xanh. Khách sạn chúng tôi dừng lại tên là Kunang Kunang, nằm trong một con ngõ. Phòng hai đứa ở tầng hai. Đường vào đi qua một khu vườn trồng rất nhiều hoa đại. Căn phòng làm bằng tre nứa, từ giường tủ đến bàn ghế kê ngoài hành lang có hai khung cửa sổ lớn, và không ti vi. Hoa đại đưa hương khắp căn phòng. Họ đặt từng bông hoa trên từng bậc thang lên tầng, hoa để bàn, hoa để trong phòng tắm. Từ ban công có thể ngắm nhìn cả khoảnh sân và một cánh đồng bên hông nhà.

Uống trà với mưa.

Hai đứa chạy lang thang Ubud một chút rồi về khách sạn nghỉ sớm. Ngồi dưới mái hiên thơm hương hoa, bên tách trà nóng trong cơn mưa tí tách lẫn tiếng ếch nhái ì oạp, tôi ghếch đôi chân trần lên ghế, lắng nghe hắn kể chuyện. Hóa ra chúng tôi quen nhau mà không biết chút gì về nhau. Mà thực ra là tôi chẳng biết chút gì về hắn trong khi hắn lại biết khá rõ về tôi. Đó là một cuộc đời được sắp đặt kỹ lưỡng, thời gian này làm gì, sống ra sao, học gì, hai năm nữa sẽ thế nào, dăm năm nữa sẽ đạt được những gì. Tôi nghe mà thấy mình thật chẳng đâu vào đâu, một cuộc đời lộn xộn chưa bao giờ đoán định trước tương lai gặp một cuộc đời đã được lên kế hoạch tỉ mỉ. Hắn chuẩn bị đi du học, hắn đã hoàn thành xong mọi thủ tục du học với một học bổng to đùng vào tháng Tám này và chắc là sẽ định cư nước ngoài. Chuyến đi này là một trong những chuyến trước ngày lên đường. Hóa ra hắn còn học rất giỏi và thông minh nữa. Nhiều điều tốt lành thế mà sao giờ tôi mới biết.

Những ngày ở Ubud là một chuỗi những ngày tuyệt vời. Chúng tôi dành thời gian khám phá Ubud và toàn bộ đảo Bali bằng xe máy. Ngày nào cũng chạy từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối mới về, nói cười đủ thứ chuyện trên đời.

Trời nắng chang chang suốt quãng đường ba chục cây số đến Kitamani, rồi sầm sì dần. Hai đứa chạy xe quanh lòng hồ trong vắt, tìm đường đến ngọn núi lửa Batur nổi tiếng Bali, núi chưa thấy thì trời đổ sập cơn mưa. Vội vàng chui tọt vào một quán ven đường nghỉ chân. Mấy anh chàng Indonesia nhỏ thó ra mời chào vẽ henna, một kiểu vẽ tay của người Ấn Độ. Trời mưa gió chẳng có việc gì làm, hai đứa chọn hình để họ vẽ. Tôi chọn hình một bông hoa cách điệu từ ngón tay trỏ xuống lòng bàn tay, còn hắn chọn hình một con bọ cạp. Khác với việc xăm hình sẽ để lại hình vĩnh viễn trên da, vẽ henna chỉ vẽ trên da, không đau, không mất nhiều thời gian, và tất cả sẽ biến mất trong khoảng hai đến ba tuần. Loại hình nghệ thuật này thực ra có tên là Mehndi, vì được vẽ bằng bột màu làm từ lá cây henna với các màu sắc tự nhiên gồm nâu đỏ, nâu cam và nâu nhạt, nên người ta vẫn quen gọi là vẽ henna. Màu vẽ này được cất trong các tuýp nhỏ, khi vẽ, người thợ sẽ cắt một đầu nhỏ rồi dùng tài năng khéo léo của mình vẽ nên những hình vẽ tuyệt đẹp trên tay khách hàng.

Nửa tiếng vẽ tay xong thì trời ngớt mưa, hửng nắng. Từ trên cao này nhìn xuống mới thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của hồ Batur. Trời xanh ngắt một màu phản chiếu xuống mặt hồ, những đám mây nhẹ trôi bềnh bồng, khung cảnh tựa chốn thần tiên. Xung quanh hồ Batur còn ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ bí, trong đó gây tò mò nhất là khu nghĩa địa ở làng Trunyan, nơi người ta vẫn duy trì cách mai táng cổ xưa: không chôn mà chỉ đặt người chết dưới gốc cây hoặc trong hang đá, phủ vài tấm vải mỏng lên. Khu nghĩa địa này là điểm đến thèm muốn của một bà chị phượt tôi quen. Tôi nghe cũng muốn mò đến một lần cho biết, nhưng mấy cậu trai địa phương bảo đường khó đi lắm, trời lại hay mưa. Tiếc quá mà đành thôi.

Kỷ niệm với henna.

Đường tới Pura Besakih phải đi xuyên qua rừng già, nơi có những cây si cổ thụ trăm tuổi trải những bộ rễ dài loằng ngoằng xuống con đường và lũ khỉ đứng chật hai bên đường khiến tôi có cảm giác đang đi trong những cảnh quay của bộ phim phiêu lưu mạo hiểm Indiana Jones. Sương mù khiến mọi thứ càng như ảo ảnh. Trời một lần nữa lại trêu ngươi, ầm ào mưa như trút xuống. Chúng tôi chạy vội đến trú tạm một xưởng gỗ ven đường. Hai cái áo mưa vác từ Việt Nam sang, sáng nay phơi trên ban công quên không mang theo. Đã vậy tôi còn mặc quần cộc, khoác áo mỏng nên bị mưa vào ngấm lạnh. Tôi khẽ rùng mình, nước rỏ tong tong từ tóc xuống cổ. Bàn tay vừa vẽ henna ướt nhẹp, hình hoa bắt đầu nhòe. Tôi đứng phẩy phẩy tay cho khô rồi đưa lên miệng thổi phù phù. Hắn lúi húi moi cái ruột tượng ra ít giấy khô rồi nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi, thấm những cánh hoa đang nhòe dưới nước mưa. Giữa tiếng mưa đập bồm bộp vào nền đất, chí chát vào mái tôn trên đầu, tôi nghe tiếng tim mình đập “Thịch!” và tiếng một trái tim khác cũng đang loạn nhịp phách. Hai trái tim, những nốt nhạc mưa hòa tấu một bản nhạc rung động khác thường. Trong mùi mưa ẩm ướt, mùi mạt cưa, mùi gỗ và mùi cây cỏ ngai ngái, thoảng mùi hương của hạnh phúc.

Thế là cơn mưa chiều trở thành cơn mưa hoa, cơn mưa tình yêu. Chẳng còn ướt, chẳng còn lạnh, chẳng còn những rắc rối, chẳng còn mỏi chân vì đứng nãy giờ, chỉ còn hai kẻ bỗng dưng đang hướng về nhau. Tôi vẫn thường bảo với các anh các chị già ế trong nhóm Đông Dương là, hãy cứ chơi đi rồi một ngày quay sang nhau cười một cái, biết đâu lại nhận ra là mình đã yêu nhau từ lâu cũng nên. Thế mà ngay lúc này đây, giữa cơn mưa rừng tầm tã không ngớt ở Bali này, tôi lại gặp tình huống như thế. Mưa nối mưa mãi không ngớt, tay cầm tay mãi không rời tay. Mà hình như tôi đang thầm mong mưa đừng ngừng rơi, để giữ lại khoảnh khắc này lâu thêm một chút nữa.

Rồi mưa cũng tạnh, chúng tôi lại lên đường, nhưng vòng tay ôm lấy chặt hơn một chút, không hờ hững như những ngày đầu. Hai đứa chẳng ai nói với ai câu nào suốt chặng đường dài tiếp theo, tự dưng thấy thẹn thẹn, bối rối trong lòng. Má tôi có ửng đỏ không mà cảm thấy nóng bừng. Tôi lén nhìn qua gương xe máy, vẫn đôi mắt kính thi thoảng lại rơi xuống cánh mũi, vẫn nụ cười khà khà, vầng trán cao, khuôn mặt góc cạnh, vẫn là hắn của những ngày trước nhưng khác những ngày trước quá. Hắn cắm cúi đi, không nói gì, thi thoảng thấy tay tôi nới lỏng vì lơ đãng điều gì, hắn lại khẽ cầm tay tôi, siết nhẹ. Chẳng cần nói gì nhỉ. Tôi vươn cổ, khẽ tì cằm vào vai hắn, nhe răng cười với hắn qua gương và khuôn mặt trong gương kia cũng nở nụ cười. Buồn cười nhỉ! Tự dưng lại thấy khó xử thế.

Sau cái nắm tay dịu dàng trong cơn mưa, Bali đón những kẻ đang yêu bằng cách khác. Những ngày sau, nắng nhẹ và mát mẻ vào ban ngày, lồng lộng trăng vào ban đêm, và trời không một lần nào đổ mưa nữa. Vốn dĩ nơi này đã vô cùng đẹp, đậm đặc văn hóa, cảnh quan lãng mạn, giờ lại càng thêm lung linh.

Chúng tôi vẫn miệt mài đi từ sáng sớm đến tối khuya mới về, mang theo đủ thứ đồ ăn nhưng thường xuyên dừng lại những quán ăn vặt ven đường để thưởng thức đặc sản địa phương. Tay khoác tay rong chơi giữa một nơi chẳng ai biết mình. Người dân bản xứ không khỏi ngạc nhiên khi thấy hai vị khách tíu tít dừng lại mua mua bán bán và nói bằng ngôn ngữ tay chân thuần túy. Đường độc đạo vòng quanh đảo chạy dài, mê mải đẹp. Giữa trưa nắng, chúng tôi ngả lưng trên bãi cát vắng, dưới bóng dừa đung đưa, trước biển khơi bao la. Tự nhiên tôi thấy mình là cô gái trong bài hát này: “Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng. Mình sẽ sống những ngày hè nhuộm nắng. Dưới bóng dừa lả lơi, sẽ nói yêu anh mãi. Nói những lời yêu thương đã từ lâu ôm ấp trong lòng hoài…”.

Hắn chăm sóc tôi ân cần, chu đáo, những việc nho nhỏ như gạt chỗ để chân trên xe máy, gỡ một cọng tóc rối trên kính mắt hay cài quai mũ bảo hiểm, hay đặt gối dựa lưng khi tôi ngồi ngoài ghế ban công, sấy mái tóc ướt vừa gội khiến tôi hạnh phúc vô cùng. Và khi ngồi dựa lưng chạm lưng trước biển gió lộng, hắn làm tôi cảm thấy yên lòng. Phải chăng đây là lãng mạn? Cô nàng Liz cuốn Ăn, cầu nguyện, yêu cũng đã yêu ở Bali. Liz nói lãng mạn tức là “Phụ nữ và đàn ông đang yêu. Hay đôi khi đàn ông và đàn ông đang yêu, hay đàn bà và đàn bà đang yêu. Hôn nhân và tình dục và tình yêu - tất cả những thứ đó.”

Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, đủ cả từ trên trời đến dưới đất, từ những câu chuyện cũ kỹ lẩu lâu không ai nhắc tới đến những thứ mới đây. Chúng tôi tán chuyện từ sáng sớm khi vừa thức giấc cho đến khi về nhà. Chúng tôi dành hàng giờ để nói chuyện với nhau vào buổi tối khi trở về, hai đứa hai chiếc ghế trên ban công, ngồi đến khuya lắc khuya lơ dưới ánh trăng, trong hương hoa đại thơm lừng. Chuyện đi phượt, chuyện học hành, chuyện hắn dành học bổng ra sao cho đến chuyện đời tôi, cứ như thể chưa bao giờ được nói, như thể phải nói nhiều vì gặp nhau quá muộn, như thể bốn năm quen nhau rút lại để nói cho thỏa. Và cả khi đi ngủ, câu chuyện vẫn không ngừng. Hai chiếc giường đơn được kéo lại sát nhau thành một, tôi rúc đầu vào vai hắn, ngủ ngon lành trong tiếng nói chuyện rì rầm. Hắn nằm đọc cuốn sách tôi mang theo trong túi, Những cây cầu ở quận Madison, vừa đọc vừa than thở, sao mang quyển gì buồn thế.

Ngôi đền độc đáo ở Bali.

Hôm sau khi tôi mua được quyển sách ảnh Bali rất đẹp thì hắn lại ngồi dịch cho tôi nghe, để hiểu thêm về văn hóa đặc sắc nơi này. Hắn luôn dành phần cho tôi ngủ trước rồi mới kéo chăn đắp và ngủ sau đó. Hắn không biết rằng, tôi đã có những lúc tỉnh giấc, nằm ngắm gương mặt nghiêng nghiêng của hắn tràn ngập dưới ánh trăng. Vầng trán, cánh mũi, đôi mắt khép hờ, làn môi, chiếc cằm đều đáng yêu và thân thương đến thế! Tôi khẽ đặt môi hôn nhẹ lên gò má xương xương rồi chìm vào giấc ngủ với nụ cười mãn nguyện. Có khi nào hắn cũng ngắm nhìn tôi như thế hay không? Có khi nào hắn cũng hôn trộm tôi không? Tôi chẳng phải là cô gái xinh đẹp tuyệt trần, hắn cũng chẳng phải là đẹp trai lồng lộng, nhưng vào lúc này, chúng tôi là đẹp nhất trong mắt nhau.

Chúng tôi khám phá ra là hai đứa rất hợp nhau trong khoản ăn uống. Tranh giành nhau từng miếng sầu riêng thơm lừng mua trong lúc lạc đường để đêm về thi nhau bị muỗi đốt choe choét vì sầu riêng là loại hoa quả hút muỗi. Hai đứa giành ăn từng miếng satay rồi thi nhau uống nước vì cay sè đầu lưỡi. Tranh giành nhau những quả chôm chôm mua dọc đường đi. Còn ăn babi guiling thì khỏi nói, nhất định có xuất rồi vẫn ăn tranh của nhau. Chí chóe cười đùa không ngừng trong niềm hạnh phúc nho nhỏ, thấy nhau yêu quá chừng.

Khung cảnh tại Bali thay đổi liên tục khiến người đi đường say mê. Sau hàng chục cây số đi xuyên trong rừng già là con đường sát biển tuyệt đẹp với những tán dừa lao xao, rồi lại đi qua những cánh đồng thơm mùi lúa chín, lướt qua những ngôi làng với những cây nêu cao vút. Chốc chốc, tôi lại nhảy xuống khỏi đuôi xe để chụp ảnh. Nào ruộng bậc thang, nào lễ hội, nào những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nào đua bò, hoa thì cứ nở tưng bừng… Đền đài thì vô số, đâu đâu cũng có.

Hôm nay hai đứa đã chạy xe khá nhiều, trời cũng đã tối hẳn, từ đây về khách sạn còn xa. Hai đứa dừng xe ăn tối trong một quán nhỏ. Chẳng hiểu hắn đứng múa may thế nào mà sau một hồi bê ra mâm cơm Việt Nam với rau xào, trứng tráng, trong khi người dân không biết tiếng Anh. Hóa ra hắn chạy tọt vào bếp làm luôn, trong lúc tôi đang mải ngồi xem tin tức trên ti vi - cả tuần trời không biết đến cái ti vi là gì nên ngồi nghe bằng tiếng Indo cũng chẳng sao. Tôi cảm động thực sự, trong lòng cứ nhớ mãi không thôi. Quán chỉ có hai đứa Việt Nam rúc rích với nhau, gắp cho nhau từng miếng ăn. Hai bác chủ quán người Indo vừa xem phim vừa liếc mắt ngó hai đứa. Chắc trông chúng tôi ngộ ngộ. Trước khi ra về, bác trai rụt rè hỏi tôi: “Honey moon?” Tôi khoác tay hắn, vừa đi vừa ngoái đầu lại, cười rạng rỡ và trả lời: “Yes!” Hắn quay sang tôi, bụm miệng cười: “Honey moon?” Dừng một nhịp im lặng nhìn nhau không chớp rồi hai đứa cười phá lên, chúng tôi cùng cười như chưa bao giờ nghe cái từ ấy trong đời vậy. Ừ, honey moon, giống nhỉ, sao không nghĩ ra nhỉ?

Dưới ánh trăng đêm rằm trên đường về lại Ubud, con đường mờ ảo qua những rặng dừa nghiêng mình trong gió, xuyên qua những cánh rừng già. Thi thoảng trong ánh sáng trăng lúc mờ lúc tỏ, bất chợt lại hiện ra những bức tượng, đứng trầm ngâm im lìm tự bao đời. Trong hương thơm cây cỏ và bầu không khí lãng mạn của trời đêm đầy sao, giữa hương lúa thơm lừng, hắn dừng xe, cầm lấy đôi tay tôi đang ôm phía trước. Chúng tôi đứng đó, giữa ánh trăng vằng vặc. Một cái nắm tay nhẹ nhàng cũng đủ khiến Bali trở thành ấn tượng khó quên trong suốt cuộc đời. Thật kỳ lạ vì ta gặp nhau vào những thời điểm bất ngờ nhất, khi cuộc đời không có bất kỳ sự sắp đặt trước nào. Khi ta có một hành trình bên người ta thinh thích, yêu yêu, mọi thứ đều trở nên quyến rũ trong mắt kẻ đang yêu. Giữa ánh trăng, một cái hôn ngọt ngào. Những ngày Bali trăng sáng, soi tỏ mọi bước chân đi, lấp lánh những nụ cười, kỷ niệm chất chất chồng chồng.

Chúng tôi dành tối cuối cùng để đi bên nhau dưới ánh trăng, không vội vã chạy xe như trước. Hai đứa đi chợ mua đồ lưu niệm, ăn tối trong thị trấn rồi xem múa Legiong và ngồi trong một quán cà phê chắc là đẹp nhất Bali, giữa một ngôi đền, bên một hồ sen đẹp vô cùng. Tôi ngồi đung đưa chân, quay mặt nhìn ra hồ nước, nghe tiếng hát vọng xa xa. Hắn ngồi sau ôm lấy tôi, cùng tận hưởng khoảng thời gian yên bình này. Chúng tôi không có tương lai cùng nhau phía trước, nhưng vào lúc này, khoảnh khắc này, nơi này, hãy cứ yêu đi!

Hắn lặng lẽ rời đi vào một ngày tháng Tám, trên chuyến bay không hẹn ngày trở lại, không một lời tạm biệt. Bỏ lại tôi đứng phía xa xa, ngắm nhìn một người thân yêu vừa ngang qua cuộc đời mình. Ngày ra sân bay, hắn không cho tôi biết thời gian đi, nhưng tôi đoán được. Tôi đã đến tiễn hắn, đứng ở một góc thật khuất. Đủ để nhìn thấy hắn ở xa. Hắn đứng giữa đám đông, xúc động và bối rối, loay hoay với đống hành lý, ôm chặt những người thân. Tôi đứng dõi theo cái bóng bước vào quầy làm thủ tục, cho đến khi hắn bước vào khu cách ly, mới lặng lẽ ra về.

Hắn đi du học rồi ở lại định cư, còn tôi trở lại với công việc viết lách. Tôi đã mất khá lâu để nhớ và để quên. Nhớ hắn, tôi gửi tin nhắn vào hư không, để lòng mình vợi bớt nỗi thổn thức. Đôi khi tôi lạc mình trên phố, hoảng hốt tìm kiếm bóng dáng thân quen giữa đám đông, để rồi lặng người trước cơn gió se sắt đầu thu.

Năm tháng trôi qua, nỗi đau nào cũng được khỏa lấp. Chúng tôi tôn trọng cuộc sống của nhau, tôn trọng tình cảm dành cho nhau và không liên lạc lại một lần nào nữa.

Giờ đây sau sáu năm, hắn đã lập gia đình còn tôi có một cô con gái. Chúng tôi đã đi trên hai con đường khác nhau, hắn đi đúng đường đã định, còn tôi vẫn lạc lối. Và cuối cùng, mảnh tình ngắn ngủi ấy vẫn là lần lạc nhịp đẹp nhất trong quãng đường đúng nhịp của hắn, như hắn đã từng nói với tôi hôm nào!

Hạnh phúc nhé, chàng trai năm ấy!

Cung mây Tà Xùa, tình nhân không bao giờ đòi cưới2

Làm quen, tò mò, thích thú, rồi đến yêu yêu. Chiếc xe Viva chậm chạp ngờ đâu lại chở một mối tình nằng nặng.

Không có dự định nào vào ngày 2/9. Quái quỷ thật! Lần đầu tiên trong suốt mấy năm trời tôi không có dự tính nào cho chuyến đi vào kỳ nghỉ lễ sắp tới. Ba tháng đi làm chăm chỉ không tạt té, tôi cuồng chân cuồng cẳng lắm rồi, vậy mà lúc có thể nghỉ và đi chơi lại không có chương trình nào hết. Nhóm này nhóm kia cũng kêu gọi nhưng toàn chỗ tôi đi rồi.

Nàng Gà Mái thấy tôi chưa tìm được chỗ đi, bèn rủ tôi đi leo Tà Xùa (Yên Bái) với nhóm nàng chơi. Tôi cũng không ham leo trèo lắm, nhưng có chỗ đi và có xế nên tặc lưỡi, đi. Về nhà vơ quần áo rồi sang nhà Gà Mái ngủ, mai lên đường luôn. Chẳng biết đi những đâu, lịch trình thế nào, cũng chẳng hỏi ai sẽ đèo mình.

Sáng bảnh mà vẫn buồn ngủ rũ mắt vì đêm qua hai đứa mải buôn đến hơn 2 giờ sáng. Hai xế đến đón hai chị em thập thò ngoài cổng. Xế của Gà Mái thì tôi gặp tối hôm qua rồi. Còn xế của tôi thì đang đứng cửa, ngập ngừng hỏi sẽ đèo ai. Chàng ta có vẻ lành, mái tóc được vài cọng lơ thơ, chắc sắp hói đến nơi, thân hình khá cục mịch và đặc điểm nhận dạng chắc chắn là đôi mắt một mí híp tịt, chưa cười đã không thấy mắt đâu nữa. Chàng ta vừa cười hiền hỏi thăm, bảo tôi, “Tớ đèo cậu à?” Ồ! Cậu chàng này chắc 8x chứ mấy. Tôi khoái trá trong lòng, phụ nữ được coi là trẻ ai chả sướng. Gật đầu cái rụp. “Đi thôi!”

Hai đứa theo xe Gà Mái chạy qua chỗ Lộc béo, cả hội tụ tập ở đấy. Tôi vừa đi vừa vu vơ hỏi xế đằng trước. “Này cậu ơi, mình đi leo núi thật à?” - rồi ngó đôi giày dưới chân - “Đôi này có leo được không nhỉ?” Chẳng là tôi lăn tăn cả tối qua vì đôi Converse cũ mèm đã mòn vẹt, giờ leo núi khéo trượt trắng mắt như chơi. Chàng ta ngó ngó cái chân tôi rồi la ầm lên. “Cái gì, leo núi đi đôi này sao được. Cậu không có giày khác à?” “Không, có mỗi đôi này.” “Không đi đôi này được đâu. Cậu cần giày không, mình đèo qua Yết Kiêu mua giày bộ đội. Đằng nào mình cũng phải mua cho mình một đôi.” Tôi nhìn chân hắn, “Ờ nhỉ, cậu cũng đi giày này thì làm sao trèo được.” Hai đứa nhìn nhau cười như nắc nẻ, toàn thành phần dấm dớ rủ nhau đi leo núi, chẳng mang cái gì để sử dụng. Xe tôi vòng qua Yết Kiêu, làm hai đôi giày nhét vào ba lô rồi mới đến điểm tập kết. Đây là lần thứ hai tôi đi mua giày bộ đội, kể từ cái hồi leo Fansipan mấy năm trước. Giày bộ đội thì chẳng bao giờ tôi đi đến vì vừa thô vừa xấu, nhưng lại có đám đinh dưới đế tốt cho việc leo trèo. Nhẽ ra nên có một đôi giày leo núi tử tế hàng hiệu kiểu Adidas hay gì đó, vừa thời trang vừa nhẹ, lại tốt và bền, giá tầm hơn một triệu. Nhưng tôi không thường xuyên leo núi nên chỉ có giày vải và giày Converse, hết màu đỏ đến màu xanh để đi dưới chân. Đơn điệu đến mức chán ngán. Cái tủ giày duy nhất một kiểu, không giày cao gót, chẳng búp bê… tất cả chỉ có giày vải mà thôi. Trời tháng Tám nắng cháy. Đoàn người mấy xe đi, xe tôi chốt sau cùng. Hai đứa vừa đi vừa buôn chuyện linh tinh. Xế thấy tôi có vẻ tinh tường mọi ngả nên tin tưởng tuyệt đối. Tôi chỉ đâu đi đấy, bảo đi nhanh là đi nhanh, chậm là chậm, bảo dừng lại là dừng lại luôn. Tôi kể chuyện vào rừng Xuân Sơn tìm mua gà chín cựa rồi được một con 7 cựa để ăn, thịt nó ngon đến thế nào. Kể chuyện qua Thanh Sơn mua thịt chua ở đâu ngon. Rồi kể chè Tà Xùa khá nổi tiếng, uống nước màu xanh nhàn nhạt dễ chịu. Kể chuyện mùa lúa Mường Lò đẹp ra sao, các cô gái Mông ăn vận xinh đẹp thế nào trong ngày Tết Độc lập… Toàn những kỷ niệm cũ rích rịch moi ra kể lể. Hắn ta thì chắc lần đầu được ngồi cùng “cao thủ có tí mủ”, rất sung sướng lắng nghe. Hai đứa cứ túc tắc đi sau cùng. Hắn kể, hắn cũng giống như tôi, nghỉ lễ chẳng biết đi đâu. Được cô bạn rủ đi chơi, thế là đồng ý đi luôn. Mà đi luôn con Viva già cỗi chạy chậm chạp này, xe chẳng có giấy tờ gì hết. Tôi bảo con xe này leo núi chắc không được đâu, lát sẽ mệt đấy. Mà tôi chẳng có ham hố leo núi tí nào, có khi làm một vòng chạy xe chơi còn sướng hơn. Lát gặp Gà Mái rủ xe đó đi cùng cho vui.

Cả nhóm đông đúc tụ lại ở một quán ăn tối trước khi tìm lên nhà dân nghỉ đêm. Trong khi chờ cơm, mỗi người một ngả nghỉ ngơi. Đứa ngồi uống trà, đứa ngả cái lưng cho đỡ mỏi. Đứa tranh thủ đi toa lét. Tôi đi vệ sinh, phát hiện ra khu vệ sinh kiêm luôn nhà tắm rất sạch sẽ. Không có vòi sen, chỉ có những thùng nước to chứa nước, ghi nhà tắm mất tiền. Hay đây. Lên nhà dân trên kia chắc không có chỗ mà tắm, nếu có thì cũng chen nhau, tranh thủ tắm luôn ở đây cho sạch. Tôi ở nhà dân mãi rồi, đa số họ chẳng có nhà vệ sinh, nếu có thì lại sát ngay chuồng trâu chuồng lợn hôi thối. Tôi tuồn ra xe, moi đồ trong ba lô rồi chui vào nhà tắm, giội nước ào ào. Đi cả ngày được tắm quá đã. Gột hết bụi bẩn đi đường, lại còn được thay bộ quần áo sạch sẽ thơm tho. Đang lui cui cất đồ bẩn ở xe thì tên xế cũng đi ra, tay vung vẩy cái khăn mặt và cũng đã tắm từ lúc nào. Tâm đầu ý hợp thế! Hai đứa vừa nhét đồ vừa cười rồi chui tọt vào giữa đám đông ồn ào ăn bữa cơm ngon lành. Đó là bữa cơm duy nhất với tất cả các thành viên.

Tối mò tối sẫm mới tìm đường lên xã Tà Xùa, đường gì mà toàn cát sỏi, đất sét trơn tuột. Anh chàng chủ nhà dẫn chúng tôi dò dẫm trên con đường đau khổ. Lũ con gái vác ba lô đi bộ, bọn con trai vừa đi vừa trượt chân chống, xe quay tròn vèo vèo. Tôi cũng bỏ xế, đi bộ. Con Viva không thể leo núi, quả nhiên đi sau chốt. Vừa tắm xong giờ lại mướt mồ hôi, chân tay đầy bùn. Xế vừa đi vừa khó nhọc đẩy chân, tôi thi thoảng ra giúp sức đẩy qua chỗ khó. Đến một đoạn thì gặp một gã Mông, tôi nhảy lên đi nhờ luôn, bỏ xế tự ì ạch mà lên. Tôi có kinh nghiệm đi xe với giai Mông rồi, nhảy cà tưng cà tưng, chân thì bám chặt lấy cái gá chân, mặc kệ nó chạy, không ngã đâu mà sợ. Ánh sáng đèn xe lướt qua đám anh em đang ì ạch dắt xe, đẩy xe. Các cô gái thì mồ hôi nhễ nhại, đám con trai vừa đẩy vừa chửi thề. Đoạn đường vài ki lô mét ì ạch trong bóng tối vì ánh sáng duy nhất là đèn xe lúc thưa lúc nhặt, khi nào xe rú ga thì đèn sáng, không thì lại trong bóng tối um um. Tôi ngồi xe gã Mông nhảy chồm chồm, đến đoạn rẽ lên nhà nó thì xuống, đứng chờ xế. Thấy hắn thở ra bằng tai, con xe đúng là tệ hại, cứ quay tròn bánh, trực ngã nhào hết bên này đến bên kia. Khổ thân, nãy giờ mình đi trước, để hắn tự xoay xở với cái xe này, kể cũng áy náy!

Đúng như dự liệu, chỗ đi vệ sinh nằm cạnh chuồng trâu. Gian nhà đất chẳng có gì ngoài hai cái sập. Cả lũ như ngả rạ, vỡ trận vì quá mệt và bùn trét đầy người, đầy giày dép. Mấy đứa con gái lui cui trong góc sau nhà, rửa qua mặt mũi, thay đồ. Lũ con gái mệt rũ ôm nhau ngủ, mấy thằng con trai ôm cút rượu ra ngồi hiên nhà ngắm trăng đối ẩm.

Mây! Quẩn quanh những thung lúa vàng ươm. Tiếng con gà lục tục, tiếng lục lạc trâu lắc lư, tiếng lũ trẻ đuổi nhau. Mây nhiều rồi mưa lác đác. Tôi ngồi một góc hiên nhà, ngắm mưa, nhủ thầm. “Mưa rồi! Leo núi thế nào nhỉ?” Thấy xế đứng cạnh cũng “Mưa rồi kìa!” Trong khi tất cả mọi người đều đã lục tục ràng ràng buộc buộc đồ đạc chuẩn bị leo núi.

Cung mây Tà Xùa.

Các nhóm bắt đầu lên đường, mặc trời mưa lắc rắc. Tôi, xế, Gà Mái, Lộc đi sau cùng. Đường xuyên qua hết bản mới đi sâu vào rừng. Vừa đi vừa câu giờ chụp ảnh. Nào thì mèo đang ngủ trong xó bếp, nào váy Mông phơi rào, nào bí đỏ trên giàn bếp. Đến được đoạn đường không còn nhà dân nữa thì tinh thần leo núi cũng xuống thấp đến biên độ dưới cùng, bắt đầu nói ra bằng lời: “Không leo núi có được không các cậu ơi!” Đi thêm một đoạn nữa thì nhóm trước đã bỏ xa lắm rồi, bắt đầu đi rõ chậm. Đến lúc leo lên một con dốc đất thì mưa ào xối xả, cuốn trôi hết cả đất cát xuống như lở rừng thì tôi coi như không còn mong leo núi nữa. “Đi về đi, trời ơi! Mưa to rồi! Không leo nữa đâu.” Cái lũ vốn đã không muốn đi rồi, nghe thấy thế dừng cả lại luôn. Xế ta lúc này đã ôm hộ ba lô cho tôi, cũng đồng lòng bảo: “Đi núi chẳng ngại nhưng mà mưa thì thôi. Không mưa tớ đưa cậu lên đỉnh núi dễ ợt.” Cả lũ nghe câu đó thì cười rú lên vì gió chém phần phật. Tên xế mặt tỉnh queo làm tôi càng buồn cười hơn. Cả lũ nhất loạt quay đầu về bản. Đường trơn như mỡ và trượt dốc. Mới có chút mưa đã như vậy rồi. Tôi bám vai xế, đi từng bước một xuống triền dốc. Hắn cẩn trọng dẫn tôi xuống, chỗ nào dốc quá thì lấy chân làm điểm đặt, chỗ nào dễ thì cầm tay dắt qua. Mưa rầm rầm thối đất thối trời, về bản chơi, ăn uống cho sung sướng.

Nhóm đứt đuôi quay về bản, đi trong cơn mưa lướt thướt. Tầm gần trưa thì mưa tạnh. Lộc béo đi kiếm con lợn mán làm bữa, xế ngủ trưa, tôi với Gà Mái xách máy ảnh ra ruộng bậc thang chơi với lũ trẻ con. Hai chị em ngồi trên những đụn rơm thơm mùi lúa vừa gặt, vừa xem mấy đứa trẻ đập lúa. Bụng thì đói meo móp rồi nhưng chưa có gì ăn nên nhâm nhi mấy hạt thóc mới. Lũ trẻ con đến cả chục đứa vây quanh hai chị em. Chúng tôi dụ tụi nó hát, tụi nhỏ hồn nhiên vừa hát vừa múa. Tiếng hát vang khắp cánh đồng, át cả tiếng đập lúa chí chát, chì chạt. Lũ trẻ mỗi lúc tụ lại một đông hơn. Hai chị em và lũ trẻ làm ầm ĩ cả một góc trời. Trên đầu là trời xanh mây trắng, dưới là đồng lúa chín vàng thơm lừng, tôi trôi bồng bềnh trong mây, trong lúa và tiếng hát rộn ràng. Bữa trưa muộn nhưng ngon tuyệt với một mâm thịt lợn, lòng dồi và tiết canh. Mấy đứa cùng cánh đàn ông trong nhà quây quần mâm, lũ trẻ con và phụ nữ không được ăn cùng. Tôi cầm bát xẻ thức ăn lại đưa cho lũ trẻ con.

Bữa ăn đến chiều mới tàn cuộc. Tôi đi bộ ra ngoài, gặp xế đang ngồi trên một mỏm đá gần nhà ngắm trời ngắm đất. Hai đứa chuyện trò linh tinh về cảnh quan, cuộc sống. Xế kém tôi vài tuổi, thi thoảng mới đi chơi kiểu như thế này nên vẫn còn ngố lắm. Tôi không chú ý đến hắn mấy ngoài nụ cười và đôi mắt híp tịt, mỗi lần cười là không thấy Tổ quốc đâu nữa, trông rất ngộ khiến tôi cũng buồn cười theo. So với đám con trai, nhan sắc như vậy cũng là tầm tầm. Đối với lũ con gái, tôi chẳng xinh đẹp gì, chỉ ở mức trung bình kém mà thôi. Nhưng đã từ lâu tôi không còn tự ti vào nhan sắc của mình nữa, tôi đã chuyển nó thành sự tự tin. Hắn kể cho tôi nghe về vài chuyến đi trước, cũng làm xế nhưng đơn giản hơn nhiều, không phải dắt xe như đêm qua. Chuyến đi này chắc là vất vả nhất trong những chuyến đi của hắn.

Hôm nay là ngày 1/9, ngày các chị các em dân tộc tung tăng diện váy mới ăn Tết Độc lập. Hai xe bốn người lạc lối trong váy hoa đầm xòe. Tôi vác máy ảnh đi theo váy Mông xuống phố, xúng xa xúng xính, đủ màu sắc. Mải mê quên cả giờ về. Quay lại đầu chợ thì đã thấy xế của mình tò tò đi theo sau tự lúc nào. Hắn chẳng gọi tôi một câu, cứ chạy xe tà tà theo sau một quãng. Tay này cũng hay ghê nhỉ - tôi nghĩ trong đầu - rồi nhảy lên xe.

Hai xe chạy lên Tú Lệ, Yên Bái. Đường từ đây qua Mường Lò lên Tú Lệ đã bắt đầu đẹp. Hai bên đường lúa xanh mướt mượt, thơm lừng. Tôi hít hà đầy lồng ngực hương thơm ấy trong khi xế có vẻ cũng đang thích thú. Đường đẹp thế này, ai mà không say! Hắn vừa đi vừa ngẩn ngơ vì lúa, chỉ chực dừng lại. Rồi dừng lại thật, đứng ngắm lúa mãi mới đi tiếp.

Buổi tối Tú Lệ vui nổ trời vì một bộ phim kinh dị có tên Telephone trên cái ti vi 32 inch bé tí của nhà nghỉ. Đại loại kể về câu chuyện hai nam hai nữ (giống tụi tôi) đi chơi đêm, trú trong một cái trạm điện thoại rồi bị một kẻ nào đó xử từng người một. Quẩn quanh mỗi cái trạm điện thoại, bốn tên nhóc và một sát thủ không thấy mặt mà cũng thành bộ phim. Bốn đứa một phòng ba giường rộng rãi, cơm no, tắm sạch, chui vào chăn ấm xem phim. Phim kinh dị nhưng thi nhau bình luận, mỗi đứa biên tập một kiểu, cười đau cả bụng. Phim dở ẹc mà ngồi xem đến hết mới ngủ, kết thúc phim từng đứa một chết và vẫn không rõ mặt kẻ giết người là ai.

Trời sầm sì lúc nắng lúc mưa. Qua đèo Khau Phạ thì mưa to. Quyết định chạy Lào Cai, về Sapa hôm nay, nên phải vượt qua một quãng đường rất dài. Trời lành lạnh, đùm đùm trong cái áo mưa cả ngày. Hắn mặc cái áo mưa bộ bó chẽn lấy thân mình, trông thật chật chội. Mũ bảo hiểm loại thường không kính nên mưa ướt sạch mặt mũi. Tôi mặc bộ áo mưa của mấy bà chị bán rau ngoài chợ, giá 25 “khìn” mà lại hóa hay, vừa rộng vừa thoải mái, mũ bảo hiểm trùm đầu nên không bị ướt. Chỉ còn cái tay là chưa biết để đâu. Tôi bảo xế, cho tớ nhét tay vào áo cậu nhé! Hắn lập tức cầm lấy đôi tay tôi, nhét tọt vào túi áo khoác rồi choàng áo mưa ra ngoài, vừa cười vừa bảo “Để tay vào đây cho ấm.” Ấm thật! Giữa cơn mưa, ấm tay và ấm lòng. Tôi cười khẽ.

Hai xe lầm lũi vượt đèo trong mưa lạnh. Xế chưa đi đèo đêm bao giờ nên chắc có chút hãi. Tôi vừa ngồi sau vừa trò chuyện, kể những chuyến ngày trước từng qua đây, những đêm trăng, những người bạn, những kỷ niệm ùa về. Hắn chốt một câu, “Cậu đi nhiều ghê nhỉ!” rồi lại im lặng nghe tiếp. Mưa, lạnh, đói bủa vây bốn đứa. Xuống đến Sapa là làm ngay một nồi lẩu cá hồi nóng hôi hổi rồi mới về nhà nghỉ lúc nửa đêm.

Sapa mưa như trút cả đêm và ngày hôm sau, mấy đứa ở nguyên trong phòng, chỉ đi dạo khi trời tạnh. Tôi cầm máy ảnh, hẹn mọi người ở quán ăn rồi chạy qua nhà thờ đá chụp ảnh. Mấy lần đến đây mà chưa có bộ ảnh nhà thờ nào nên lần này cố chụp cho được. Loay hoay chụp chụp rồi đụng phải một người đứng góc nhà thờ. Hắn, đi sau tôi đến đây từ lúc nào đang đứng đợi. Tôi khoác tay hắn đi trong cơn mưa dìu dịu, kéo hắn ngồi cà phê.

Cà phê đơn giản là cà phê. Nhưng cà phê rất thú vị nếu ngồi trên một góc phố cao nhìn toàn cảnh con phố dài phía dưới, nhìn được cả nhà thờ và cả thung lũng xa xa. Dưới phố, dòng người qua lại không ngừng. Một cặp vợ chồng người nước ngoài trong những chiếc áo khoác gió sặc sỡ đang vào một gian hàng thổ cẩm. Một cô bé người Mông ngồi chống cằm trên vỉa hè, trên tay đủ các loại dây tết chưa bán được. Leng keng, tiếng của những món đồ xinh có gắn chiếc chuông nhỏ từ những cô bé bán rong vừa đi vừa nhảy chân sáo. Một đôi bạn trẻ bước ra từ chợ, trên tay lỉnh kỉnh ngọn su su, ngọn bí, có lẽ hôm nay họ rời Sapa. Một chiếc ô tô vừa dừng nơi góc phố, đổ xuống vài vị khách đeo ba lô, tay chân bê bết bùn, chắc họ vừa chinh phục đỉnh nóc nhà Fansipan.

Chiều buông. Một vài hạt mưa từ đám mây bay ngang chạm xuống phố. Những chiếc ô muôn màu đã được bung, cả con phố dịch chuyển trong một dòng sông sắc màu. Dưới tán ô là những đôi bạn trẻ, là đôi tình nhân ríu rít, là cặp bạn già thong thả. Nhưng tất cả đều giống tôi, đến Sapa để tự thưởng cho mình chút thời gian nghỉ ngơi, một chút lặng sau những ngày vội vàng. Cà phê cạn. Tôi bước xuống phố và nhanh chóng hòa mình dưới những tán ô không vội vàng đang xuôi về phía nhà thờ.

Lên xe, đôi bàn tay kéo tay tôi lại, nhét vào túi áo như thường lệ nhưng tay vẫn giữ nguyên không rời tay. Hắn quay mặt lại phía sau, chạm vào gương mặt tôi đang kề sát. Một nụ hôn vội, thoảng nhanh lướt qua đôi môi mềm vì mưa ướt, chưa kịp cảm nhận đã tan biến trong hư vô. Những hành động vụng trộm, vội vã và dễ thương ấy khiến trái tim tôi rung rinh. “Gì thế! Gì thế!” “Khi nào về Hà Nội, mình hẹn hò nhé!” - Ai đó khe khẽ nói bên tai tôi, tiếng nói chỉ như hơi thở nhè nhẹ, đủ để tôi nghe rõ câu. Tôi khẽ mỉm cười, trong mưa, để yên tay trong bàn tay ấm áp ấy.

Tôi và xế dành cho nhau hai mùa thu và đông, trước khi hắn chào tạm biệt và ra nước ngoài làm việc. Quãng thời gian bên nhau hơn nửa năm, đi được với nhau đôi chuyến nữa, đủ để hiểu về nhau và có với nhau chút gì đó hơn cái gọi là “say nắng”. Chúng tôi chia tay nhau vì lý do lớn nhất là tuổi tác và những va chạm tính cách mỗi ngày một bộc lộ rõ hơn. Hay còn gì nữa? Hay phải chăng hắn sợ không níu được chân tôi? Thật buồn, đàn ông thích những cô gái phượt mạnh mẽ cá tính nhưng chỉ muốn lấy một cô vợ hiền lành nhu mì, nhạt cũng được nhưng an toàn.

“Giá như anh hiểu em hơn chút nữa, hiểu những nét trầm trong một trái tim hoang dã, hiểu được niềm đau sau những nụ cười và hiểu được nét dịu dàng trong những cái nhìn mạnh mẽ. Nhưng anh đã không dám đến với em đủ gần. Anh không biết con ngựa hoang cũng mơ về một bờ vai, ngôi nhà và những đứa trẻ, và đến lúc cần cũng có thể biến thành một con gà mái xù lông xù cánh vì con.”

Chuyện tình yêu không có ai đúng ai sai, nhưng tôi đã có những quãng thời gian hạnh phúc bên hắn và tôi chắc rằng, hắn cũng vậy. Tôi đã chân thành, tôi không hối tiếc, tôi chỉ buồn khi hai đứa không có duyên phận để bên nhau trọn một đời.

“Chuẩn bị đồ cho chuyến đi tiếp theo, không anh, có chút gì hẫng hụt.

Trước kia, mỗi khi sắp xếp đồ lên đường, hai đứa lại cùng nhau lượn đi mua cái này cái nọ, thứ này cho em thứ kia cho anh. Lên xe, anh nhắc em nào đội mũ, nào đeo khẩu trang, có lạnh không nhét tay vào túi áo. Mỗi khi thấy một cảnh đẹp tuyệt mà anh không thể nhìn vì đang phải chăm chú trên đường, anh bảo tả đi, tả cho anh nghe xem nó đẹp đến mức nào. Khi gặp cảnh chiều tà thơ mộng, thế nào xe cũng đi chậm lại, để cảm nhận một bức tranh khó quên.

Rồi có đói không em? Có mỏi không em? Buồn ngủ thì gục vào vai anh đây. Chăm chút em trên từng con đường dài xa lạ.

Màn đêm buông, giấc ngủ đến. Em ngủ ngon nhé! Gối đầu vào cánh tay anh. Sáng mai thức dậy, thấy anh kề bên, em như con mèo lười rúc vào anh tìm bơi ấm, chẳng muốn trở dậy.

Mong cho những ngày tháng ấy sẽ là mãi mãi, nhưng không thể. Bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn. Bây giờ, em vẫn sẽ đi, sau lưng những người bạn, rong ruổi trên những ngả đường. Biết rằng sẽ nhớ anh cồn cào khi đi qua những cung đường cũ…

Tạm biệt anh, xế thân yêu. Ngày mai, em lại lên đường…”

Đi để chia tay - Mối tình trên con DD đỏ cà tàng

Xác định chia tay, đi nốt chuyến cuối để chia tay. Trần đời chắc chẳng có ai như tôi, khi yêu thì cũng đi, mà đến cả lúc chia tay cũng phải làm một chuyến rồi mới chính thức xong được.

Tôi và Nháy thỏa thuận đi hết chuyến này rồi về “bye bye” nhau! Thế nên chuyến đi vừa vui vừa buồn vừa yêu vừa hận, đủ cả các cung bậc cảm xúc. Vừa quan tâm lại vừa thờ ơ nữa, chẳng ra tình nhân cũng chẳng ra bạn bè. Nói chung là hai kẻ điên đi cùng nhau trên một chặng đường dài.

Mà tôi với Nháy đúng là điên thật. Một đứa bất cần đời, đen đúa và cau có gặp một gã lang bạt kỳ hồ, tứ cố vô thân, đầu trọc, râu bạc, quần áo hầm hố. Bất cứ ai quen hai đứa đều nói một câu “Một cặp trời sinh”, mà ai không quen nhìn thấy hai đứa cũng phải thốt lên câu này. Có lần vào quán ăn, nhìn thái độ của nhân viên là biết ngay. Hắn vào trước, đầu trọc, mắt trố, quần rằn ri, áo ba lỗ xám, đeo một cái vòng bạc có răng nanh to tướng, nhẫn đầu lâu. Đến tôi bụi bặm, đen đúa, quần soóc, áo phông, mặt lạnh đanh, tay đeo nhì nhằng mấy sợi dây xanh dây đỏ theo sau. Trông chẳng khác gì hai tay anh chị giang hồ máu mặt chợ trời. Các em vội vàng khúm núm đến tiếp đón ngay, mắt cứ len lét.

Tôi quen hắn trong chuyến đi Thái rồi về tự động dính như sam vào nhau. Chẳng có lý do cũng chẳng cần biết lý do sao lại thành cặp như vậy. Hắn đời cũng đắng cay nhiều, bố mẹ mất sớm, chẳng có nghề ngỗng gì ổn định, buôn bán đất đai làm những thứ nhì nhằng khác, nói chung bấp bênh, trong tay chẳng có cái gì đáng giá. Tôi đến với hẳn vì thực ra tôi chẳng thấy hắn dữ như vẻ bề ngoài, trong mắt tôi hắn là kẻ đáng thương.

Tôi lúc ấy cũng đang rất đáng thương. Việc làm không cố định, chẳng đâu dung thân, đời sống tinh thần đầy rẫy những chán chường. Hắn chiều tôi, làm xế chở tôi đi khắp nơi. Từ Cô Tô đến Hà Giang, rồi làm hẳn một chuyến xuyên Việt dài ngày. Hai đứa yêu nhau theo cách chẳng giống ai. Lúc thì vỗ về an ủi, lúc thì chửi nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí có lúc vứt nhau giữa đường. Càng ở gần càng thấy tính cách giống nhau quá không thể ở bên nhau lâu được, nên muốn chấm dứt. Tôi không thấy tương lai nơi hắn và hắn cũng vậy. Vật vã mãi rồi cũng quyết định chia tay. Mà chia tay theo cái cách chẳng giống ai, đi một chuyến cuối rồi mỗi người mỗi ngả.

- Đi chia tay, phải chọn cung nào oách một tí. Tôi rủ Nháy chạy xe máy vòng một vòng Việt - Cam - Thái và Nháy nhận lời. Hành trình sẽ là Tp Hồ Chí Minh - Hà Tiên Shihanoukville - Koh Kong - qua Thái - Trat - Chanthaburi - Pataya - Băng Cốc - Sakeo - qua cửa khẩu Poipet - Siêm Riệp - Phnom Penh - Tây Ninh - Tp Hồ Chí Minh - bay về Hà Nội. Quãng đường chạy xe máy ngót nghét 3.000km trong hai tuần.

Lần đi này tôi đã hỏi bạn bè khắp trong Sài Gòn để mượn xe, cuối cùng Ali cho tôi mượn con DD đỏ già nua này. Thậm chí tôi không nghĩ là nó còn tồn tại. Con DD, một thời mơ ước của các chị các em, một thời là cả một khối tài sản ra trò, giờ rệu rã như một ông cụ, đang lăn bánh đèo hai kẻ giang hồ quá lứa với hai cái ba lô 65l to tướng, phía trước giỏ xe là hai cái áo mưa, một chai xăng dự trữ vì ở Campuchia rất ít cây xăng, giắt thêm một tấm bìa các tông te tua mà hai đứa nghịch ngợm viết lên mấy chữ “Vietnam Travel” - dùng để ngồi mỗi khi dừng nghỉ đâu đó. Xe, người và đồ, tất cả hợp thành một bức tranh thảm hại hoàn hảo.

Con xe rệu rã chở hai kẻ lang thang.

Không hiểu vụ mang xe máy qua các cửa khẩu thế nào. Trước khi đi hỏi khắp nơi, người thì bảo được, người thì bảo không làm tôi loay hoay. Sau rồi cứ quyết đi, tới đâu hay đó. Qua cửa khẩu Việt - Cam đơn giản đến không ngờ. Các anh hải quan bảo chúng tôi: “Việt Nam - Campuchia không có luật về xe máy nên cứ dắt qua thôi. Nếu chẳng may gặp công an thì bị phạt khoảng 5 đô, không gặp thì cứ đi thoải mái, không ai hỏi.”

Sau mấy ngày được bơi thỏa thích ở Shihanoukville, Nháy bắt đầu ngại đi còn tôi muốn chạy tiếp. Đường ở Cam thì dễ đi và không nhiều xe cộ nên hai đứa cũng dễ dàng vừa chạy vừa hỏi. Ngày thứ 7 của cuộc hành trình, tôi với Nháy phải vượt một chặng đường dài từ Shihanoukville qua Thái Lan. Gần 5 giờ chiều hai đứa mới đến cửa khẩu giữa hai nước Cam và Thái. Mọi chuyện làm giấy tờ, Nháy để tôi tự làm, hắn chỉ đứng chờ tôi ra hiệu là dắt xe qua. Sang Thái Lan có một vấn đề là xe không chính chủ không được phép lưu thông, nếu bị hỏi chắc chắn bị phạt, chưa kể chắc gì đã được cho qua cửa khẩu. Lúc ở nhà tôi đã hỏi kỹ về vụ này. Tôi phải làm một cái giấy chuyển nhượng xe giả vờ, tự đánh máy lấy ghi rằng đây là xe tôi mua và đang trong thời gian chuyển tên, sang tên từ chủ cũ sang chủ mới là tôi. Cái xe DD trải qua bao đời rồi, đến Ali cũng chẳng biết chủ cũ là ai, chỉ có một cái giấy tờ xe đúng tên xe, số xe đã là tốt lắm rồi. Tôi làm cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Việt và có một dấu triện củ khoai đỏ chót ở dưới như dấu xác nhận của cơ quan công quyền nhà nước Việt Nam. Con dấu tôi nhờ đứa bạn có công ty đóng hộ. Giả mạo giấy tờ, quả là một tội tày đình! Chắc người Thái không biết tiếng Việt, họ sẽ cho mình qua thôi.

Đến cửa khẩu Koh Kong, tôi trò chuyện với mấy anh hải quan Cam, ngỏ ý tao muốn mang xe qua cửa khẩu, sang Thái. Mấy anh chàng Cam nhiệt tình bảo tôi, mày qua bên cửa khẩu Thái Lan kia, hỏi nó xem có cho đem xe qua không vì nó đang có luật cấm. Nếu nó ok thì mày về đây, tụi tao đóng dấu cho mày sang đó, còn không thì đỡ mất công.

Tôi với Nháy chạy qua khoảng không giữa hai nước, tiến về phía cửa khẩu Hat Lek của Thái. Có khoảng 5, 6 người ngó đọc cái “giấy xác nhận” của tôi. Tôi toát mồ hôi hột, không hiểu họ đang nói gì. Hồi lâu một chị hỏi tôi:

- Giấy tờ xe này ở nước bạn có hiệu lực không?

- Có. Nó là giấy tờ mua bán dùng thay thế tạm thời cho đăng ký xe. Ở nước tôi vẫn dùng được.

- OK, vậy bạn có thể cho xe qua. Bạn về cửa khẩu bên kia làm thủ tục xuất cảnh rồi tôi nhập cảnh cho bạn vào.

- Ồ! Cảm ơn chị quá!

- Mà bạn tính đi đâu tiếp theo?

- Trat - Chanthaburi - Pattaya - Bangkok - Poipet.

- Ôi! Đi xa thế kia à. Từ đây đến Trat còn 90km nữa, các bạn phải nhanh lên không trời tối đến nơi rồi.

Tôi chạy như bay ra xe, quay về bên cửa khẩu Cam đóng dấu rồi hỏa tốc chạy sang cửa khẩu Thái tiếp tục làm thủ tục. Các bạn Thái Lan rất nhiệt tình, không những đồng ý cho xe đi qua mà còn cấp một cái giấy xác nhận, cho phép xe ra khỏi Thái Lan bằng cửa khẩu khác.

- Bình thường xe máy vào cửa khẩu nào phải ra đúng cửa khẩu ấy. Lịch trình của các bạn không thể quay lại đây, nên tờ giấy này sẽ giúp các bạn chạy xe trong thành phố và ra khỏi Thái Lan. Bạn có thể yên tâm dùng nó cho đến khi nào rời Thái Lan thì gửi lại cho cửa khẩu bên kia.

Tôi mừng húm. Không ngờ lại gặp được người tử tế thế này. Vừa chờ họ cấp giấy vừa nghe họ nói chuyện. Việc tôi đi vòng quanh một vòng như vậy thành đề tài bàn tán của hải quan tại đây. Ai cũng ra ngó giấy tờ của tôi rồi giơ một ngón tay ra hiệu “Good!” Tôi chỉ cười nói cảm ơn. Cửa khẩu này chắc chắn hiếm dân Việt Nam đi qua. Nghe như cô gái đang làm giấy tờ cho tôi thì “rất hiếm”.

Tôi nhận giấy tờ, kèm theo lời nhắn rất Thái Lan “Sawade Kha - Chúc các bạn có những ngày thật vui vẻ ở Thái Lan!”

Hai đứa chạy xe trong đêm về Trat. Đường đi trong bóng hoàng hôn, sát con đường biển dài tuyệt đẹp. Bên này là Thái Lan, phía bên kia là Campuchia. Xe đi bên trái làm Nháy gặp khó khăn. Tôi vừa ngồi sau vừa cẩn thận nhắc hắn, căng mắt ra nhìn con đường nhá nhem. Đường ở đây tốc độ tối đa trên 100km/h, không cẩn thận là “Vèo”, mất xác. Mấy lần xém bị xe quệt qua vì quen nhìn gương bên trái. Hai đứa ít nói chuyện với nhau. Tình cảm vẫn còn nhưng khoảng cách ngày một rộng ra. Tôi vẫn ôm hắn nhưng không chặt cánh tay như trước nữa. Cũng không còn để ý đến gương mặt của hắn qua gương chiếu hậu như mọi khi vẫn làm. Thi thoảng, tôi khẽ đấm nhẹ lên bờ vai mỏi của hắn, nhắc hắn đi cẩn thận, những câu nói vu vơ chẳng còn tình. Tôi chẳng muốn thế, chẳng muốn thờ ơ lãnh cảm nhưng Nháy tách dần tôi ra, nên tôi cũng tự biết mà thu mình lại, bớt đi những cảm xúc cần thiết, mọi thứ chỉ ở mức độ cầm chừng. Tôi vẫn chăm sóc Nháy trên đường đi như những lần trước, từ bữa ăn đến giấc ngủ. Vẫn rúc vào bờ vai hắn hay nắm lấy đôi tay khi đi qua đường, vẫn ôm cái bụng tròn tròn của hắn khi lạnh, nhưng đó chỉ hoàn toàn là một phản xạ tự nhiên, không quá đà. Không có những màn hạnh phúc đắm say như những lần trước. Không có những cái nắm tay bất chợt, không những nụ hôn qua gương hay ánh mắt nồng nàn. Hai đứa đi bên nhau dở tình dở bạn. Lúc thì nhạt nhẽo, lúc như đôi tình nhân dỗi nhau, lúc như lãng quên có ai đó đang đi cùng mình.

Nháy cẩn trọng đi trong đêm. 90 cây số đường cao tốc đẹp, xe rẽ vào Trat. Tôi tính sẽ nghỉ ở Chanthaburi nhưng cuối cùng đỗ lại ở Trat, mà ở đây thì chẳng đọc trước thông tin gì. Lọ mọ đi tìm nhà nghỉ. May là Trat cũng nhỏ nên đi vòng vòng tí là hết. Kỳ lạ, ở một nơi gần như cuối cùng của đất nước Thái Lan lại có nhiều homestay và khách nước ngoài nghỉ đến vậy. Khi rẽ vào một con ngõ nhỏ, hai đứa thấy có đến chục cái nhà nghỉ với những khu vườn ngập tràn hoa thơm ngát và những quán bar đêm với đám khách Tây đang uống bia tưng bừng. Homestay tôi chọn nghỉ có giá cả hợp lý, phòng khá rộng, khu vệ sinh dùng chung. Tôi gặp ngay một em Tây quấn khăn tắm, tươi cười bước từ nhà tắm, chào hỏi vui vẻ.

Hai đứa lòng vòng trong phố tìm chỗ ăn tối lúc 10 giờ khuya rồi chạy xe ra bãi biển ngồi nghỉ. Dọc thị trấn này là biển. Những quầy bar vẫn còn đỏ đèn nhưng không đủ hắt sáng ra đến bãi biển. Tôi ngồi trên cát mềm, lấy cái chân dũi dũi đám cát mềm mềm ẩm ướt, ngắm những chùm pháo hoa đủ màu được bắn từ một nhóm bạn đùa nghịch gần đấy. Nháy lẳng lặng ngồi xuống cạnh tôi, một tay ôm chai bia tu ừng ực, tay kia quàng vai tôi.

- Mai phải thay dầu xe nhé!

- Ừ! Đừng lo, để Nháy làm. Hôm nay đi mệt rồi, nghỉ ngơi đi!

- Cái xích xe nữa, - tôi thì thào, - phải sửa không nó lại kẹt.

- Biết rồi - Nháy cằn nhằn - ngồi yên xem pháo hoa đi, đừng nói đến xe cộ nữa.

Tôi ngả mái đầu vào bờ vai cũ kỹ, nghe tiếng gió, tiếng cười đùa huyên náo xa xa. Hắn uống bia, rồi kề chai vào môi tôi để tôi uống cùng. Tôi nhấm nháp những giọt bia lạnh, nhấm nháp luôn nụ hôn khẽ của hắn. Trong lòng sao cứ thấy buồn buồn. Sẽ còn bao nhiêu ngày nữa để trở về là con số 0 của nhau. Sao chúng ta lại không thể đi tiếp. Giá như cứ đi mãi thế này và không phải trở về đối diện với thực tại thì tốt biết mấy. Giá như chúng ta có thể trở thành một cái gì đó của nhau. Giá như… Một tuần đã trôi qua rồi, mọi thứ dường như đang đi đúng với những gì hai đứa nghĩ. Một chuyến đi chia tay đúng nghĩa, không níu kéo, không giận hờn, không yêu đương. Nháy chẳng nói gì, mắt nhìn xa xăm. Hồi lâu đứng dậy, lầm bầm:

- Về đi, buồn ngủ rũ mắt rồi!

Xe ghé qua Chanthaburi vào tầm trưa. Thành phố này cách thủ đô Bangkok khoảng năm tiếng đi ô tô, còn được gọi là thành phố Đá quý bởi nơi đây có những hầm mỏ khai thác được những viên đá sapphire, topaz rất đẹp, đặc biệt là “Siam Ruby”, những viên hồng ngọc Thái to và đẹp nổi tiếng.

Sau một hồi lòng vòng trong phố, cuối cùng tôi cũng tìm thấy trung tâm buôn bán đá quý sầm uất của Chanthaburi. Không khó để nhận ra khi phía sau những ô cửa kính là hằng hà sa số những viên ngọc lấp lánh, được chế tác thành đủ mọi hình dạng. Từ các gian hàng sản phẩm đá thô đến khu vực chế tác, các khu trưng bày, khu bán hàng giảm giá, các khu bán mặt hàng đã thành sản phẩm như nhẫn, vòng hoa tai…, gian hàng nào cũng đông kín người vào ra, nói cười rôm rả. Trong một góc kín đáo và yên tĩnh nhất, một người thợ đang soi cẩn thận từng viên đá quý. Đây là công việc phân loại quan trọng đòi hỏi kinh nghiệm, độ hiểu biết và chính xác cao của người thợ.

Ngay cạnh các tòa nhà là cả một khu chợ dành riêng cho đá quý. Tôi để xe bên ngoài chợ, đi bộ vào khu mua bán với đa phần gương mặt là người gốc Hoa và gốc Ấn. Một người phụ nữ đang lách xe đi qua, trên giỏ chất có đến vài túi ni lông to, mỗi túi nặng cả cân đựng loại đá đỏ thô. Sát bên, rất đông người qua lại đều mang theo hàng túi với hàng trăm viên đá lớn nhỏ tìm đến nơi bán. Các quầy nhận mua sản phẩm đá thô đều đặt ngay trên vỉa hè. Người ta đổ đá ra bàn, đếm số lượng, cân lên và mua, không khác gì mua rau ngoài chợ. Các viên đá được khai thác thô, sau đó sẽ trải qua một kỳ kiểm tra kỹ càng để phân loại và chế tác để thành các sản phẩm tinh xảo, thành trang sức lấp lánh cho các quý bà, quý cô.

Tò mò, tôi ngồi lại bên một gian hàng. Vốn không hiểu nhiều về đá quý, tôi chỉ phân biệt được vài loại như tóc tiên, ngọc bích… Các viên đá từ thô sơ đến được mài giũa qua được bày đầy trên mặt sạp. Những viên hồng ngọc bé xíu làm mặt nhẫn, đá tóc tiên với những sợi tóc mỏng manh, vô số các loại đá màu lam và xanh dương tuyệt đẹp. Thấy tôi nhặt hết viên đá này đến viên đá khác giơ lên ánh mặt trời soi, người bán hàng nhiệt tình chào mời. Giá cả khiến tôi không biết là đá thật hay đá giả khi chỉ ở mức khoảng 30 ngàn đồng tiền Việt cho một viên đá tóc tiên đủ làm mặt đeo dây chuyền cỡ ngón tay cái.

Nháy giống tôi, thấy kim cương ngọc ngà châu báu đều sáng hết cả mắt lên. Hắn đi bộ ngó nghiêng khắp các gian hàng. Hồ hởi phấn khởi kể chỗ này bán kim cương theo lạng, chỗ kia bán ngọc bằng cân. Cái mặt lộ rõ vẻ sung sướng hạnh phúc.

Qua trưa, chợ càng lúc càng đông vui tấp nập. Người ta ăn ngay tại quầy hàng, các hàng ăn chen giữa các quầy bán đá. Từ 8 giờ sáng đến 21 giờ đêm, chợ đá quý không ngớt người vào ra, mua bán chọn lựa, trả giá, đặt hàng. Từ đây, đá quý sẽ được chở đi và bán trên khắp đất nước Thái Lan.

Nấn ná mãi rồi vẫn phải lên đường. Từ đây đến Pattaya còn một quãng mấy chục ki lô mét. Nháy bảo tôi chờ ở ngoài xe để đi nhờ vệ sinh rồi lẩn vào đám đông. Tôi mua cho mình một viên đá nhỏ làm kỷ niệm trước khi rời thành phố này, giá của nó chưa đến 50 nghìn nhưng rất đẹp.

Khi hai chúng tôi đi ăn tối ở Pattaya, Nháy lôi trong túi ra một viên đá nhỏ tặng tôi. Đó là món quà cuối cùng chấm dứt mối quan hệ chẳng ra tình nhân chẳng ra bạn. Viên đá bé tí, đỏ chói một màu lửa, như ánh mắt ai đó rừng rực. Nháy bảo tôi, nếu không muốn nhớ và muốn bỏ đi, hãy ném nó xuống biển.

Chúng tôi chia tay khi về đến Hà Nội và không còn nhìn thấy hay nghe thấy bất kỳ thông tin gì của nhau. Gặp Nháy, tôi đã mong một mối quan hệ đi đến hồi kết, nhất là khi hai đứa có nhiều điểm tương đồng. Nhưng rốt cuộc, nó cũng giống như nhiều cuộc “say nắng” khác, nhanh chóng đến rồi nhanh chóng đi qua.

Tôi giữ viên đá nhỏ trong một thời gian, đủ để quên và ném nó xuống biển sâu Cửa Đại cùng viên đá nhỏ tôi mua, trong một chuyến đi Hội An sau đấy.

Quá khứ này sẽ nằm im dưới đáy biển như những quá khứ khác đã đi qua.

Hội An - Hàn gắn trái tim tan vỡ

Đó là quãng đường chạy buồn bã và tối tăm nhất mà tôi đã từng quyết định trong cuộc đời mình. Không định hướng, không điểm nghỉ chân, không bạn bè cũng không liên lạc với ai, chỉ nghĩ mình sẽ chạy đâu đó, không ở Hà Nội này nữa.

Tôi rời khỏi nhà vào đầu giờ chiều, quẩn quanh thế nào rồi chạy một mạch theo quốc lộ 1 cũ. Công việc không có, đời sống tình cảm đầy những mảnh vỡ, gia đình cũng bất an, một cuộc đời chìm trong những chuyến đi, không định hướng phía trước, không có gì ngoài thời gian dông dài. Thế là cứ chạy miết mải không ngừng, không muốn ăn hay nghỉ, xuyên qua con đường đầy nhóc xe tải mà chạy. Chiếc xe ga hiệu Zip không dành cho chuyến đi xa, gầm gừ đầy khó chịu. Tốc độ tối đa của nó cũng chỉ đến 60km/h là đã rung đầu, nên tôi chỉ chạy khoảng 40-50km/h. Chỗ để chân bị chiếc ba lô chiếm mất, tôi bỏ ra sau, chằng dây buộc lại. Xe ga không tốt bằng xe số nhưng chỗ để chân thì thuận tiện hơn, lại ngồi thẳng được cái lưng và có lẽ đỡ nhất là lốp xe không lo bị đinh cắm. Con đường Hà Nội đến Ninh Bình buồn tẻ, đôi khi tôi dừng lại lấy nước uống rồi lại tiếp tục đi.

Trời nhá nhem. Cả đoạn đường Ninh Bình đến Thanh Hóa đang sửa, đoạn xóc nẩy, đoạn bụi mù mịt, có nhiều đoạn cấm xe chạy một chiều, phải chờ đợi rất lâu mới được đi. Trời tối hơn, lạnh hơn. Chiếc áo khoác màu cam đã đi cùng tôi hàng chục chuyến không đủ giữ ấm thân trong thời tiết chớm đông, đôi tay cũng đã cóng. Tôi dừng xe lại ven đường, lôi thêm áo và khăn ra khoác lên người. Không có đôi găng tay nào trong ba lô, chắc là tôi đã quên, mà thực ra không hề nghĩ sẽ phải dùng đến nó. Cuối cùng, tôi lôi một đôi tất chân ra, đeo tay mình thành đôi găng cho đỡ lạnh. Thử tay phanh, thấy cũng dễ cử động, vậy là được rồi. May là đi hết qua đoạn đường đang làm thì trời tối sập. Bật đèn pha lên, ép sát vào ven đường mà đi. Vội vội vàng vàng vì biết chỉ thêm một hai tiếng nữa thôi, khi các loại xe tải, xe công ten nơ chạy thì rất nguy hiểm.

Cứ đi được khoảng 100km là phải dừng đổ xăng. Mỗi lần đến trạm là tranh thủ nghỉ, đi vệ sinh, gặm cái bánh mì khô khốc trong túi, làm hớp nước và cho xe nghỉ. Có chút kinh nghiệm đường trường sau nhiều chuyến đi cũng đỡ phần nào, ít ra cũng không cảm thấy sợ đường, sợ trời tối. Mỗi lần muốn nghỉ cứ chạy vào cây xăng, có đủ cả toa lét và thi thoảng có một quầy tạp hóa nhỏ để mua đồ. Đổ xăng rồi lại đi tiếp. Không hiểu sao vào lúc này, đầu óc tôi chỉ có một điều duy nhất là đi, đi và đi. Dường như con đường phía trước, dường như mọi thứ lướt qua giúp cho đầu óc tôi thanh thản hơn.

Tôi dừng lại một trạm xăng ven đường đổ xăng khi đã gần 12 giờ đêm. Mặt mũi đen nhẻm, tay cứng đơ, chân không còn vững trên mặt đất, lập bập mở bình xăng. Trạm xăng đêm có bốn người, một cô bé, hai người đàn ông và một bác già hơn. Họ vừa bơm xăng vừa nhìn tôi với ánh mắt ái ngại. Sau một hồi lâu, anh bạn có vẻ là trưởng ca đêm nay đến cạnh tôi. “Sao đàn bà con gái lại đi xe giờ này, chị ơi? Chị đi đâu? Định về đâu?” Tôi mệt rũ người, không nói, ngồi vào chiếc bàn con kê bên ngoài sảnh, xin một chén trà nóng. Rất lâu khi đã đỡ mệt mới thều thào bảo, em vào Huế, cái tên bất chợt nảy ra trong đầu.

Trời ơi, chị vào Huế bằng xe máy? Muộn thế này, tối thế này, đường xa nguy hiểm làm sao đi được. Họ nói rất nhiều, cả bốn người đều nói. Tai tôi ù đi vì không nghe rõ nữa. Rồi họ nhất quyết không cho tôi đi nữa, dắt thẳng xe tôi vào trong góc. “Chị ở lại đây nghỉ qua đêm,” - anh trưởng ca bảo tôi - “sáng mai dậy sớm đi. Em không biết chị có việc gì, nhưng đêm hôm thế này, không chạy như vậy được, nguy hiểm quá. Chị vào ngủ trong phòng với cô bé kia (anh chỉ tay vào cô nhân viên trông ca đêm của mình) rồi mai dậy sớm đi chưa muộn.” Thấy tôi chần chừ, anh thêm, bọn em không phải người xấu đâu, bọn em chia ca thay nhau ngủ, nằm ở phòng ngoài, chị vào phòng trong ngủ cho đỡ mệt, ấm hơn. Cô bé nhân viên chạy lại kéo tay tôi, bê giúp ba lô vào phòng trong. Tôi lí nhí cảm ơn, bần thần vì lần đầu tiên trong đời gặp phải cảnh như thế này và để mình rơi vào hoàn cảnh như thế này.

Căn phòng nghỉ tạm của trạm xăng lờ mờ sáng bằng một bóng đèn đỏ. Trong góc phòng là một chiếc đệm cũ, mớ chăn nhàu nhĩ. Mùi xăng xộc từ ngoài vào trong. Cô bé nhân viên đặt ba lô của tôi vào góc phòng, lấy một chiếc chậu, chỉ cho tôi chỗ lấy nước rửa mặt ở bên ngoài, buồng vệ sinh, nơi bật đèn rồi bảo, em làm đến 2 giờ thì nghỉ, chị ngủ trước nhé! Tôi gật đầu, cởi bỏ áo khoác ngoài, lấy chút nước rửa mặt. Dòng nước lạnh giúp tôi tỉnh táo phần nào. Tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu, trên chiếc đệm cũ mốc, mặc cho ngoài kia là mùi xăng, mùi dầu, là ồn ào xe cộ.

Giấc ngủ ấy giúp tôi hồi phục sức khỏe sau chuyến đi dài. Hơn 7 giờ sáng, cảm ơn và chào từng người trong trạm, tôi lại lên xe, lẩn mẩn nhắc mình nhớ lấy nơi này, nhớ đến cái tên trạm này, để có dịp sẽ quay lại. Tôi ngoái đầu lại phía sau, cái trạm xăng “tình nghĩa” ấy chìm dần trong màn sương và biến mất sau khúc quanh. Sau này, tôi có một vài cơ hội chạy xe khách qua đây, lần nào khi đi qua tôi cũng để ý cái trạm xăng nhỏ nơi đầu cửa ngõ vào Nghệ An ấy. Những gương mặt tôi đã quên, những cái tên tôi chưa một lần hỏi, cái trạm nhỏ giờ chắc đã khác xưa, nhưng những gì họ đã làm cho tôi ngày hôm đó, mãi mãi tôi không bao giờ quên.

Chặng đường từ Nghệ An đến Huế không xa lạ vì tôi đã từng chạy xuyên Việt qua đây hai lần. Buồn tẻ, chẳng có gì ngoài cát và nắng. Vẫn chưa có ý định dừng lại ở đâu. Một xe, một người, một ba lô cô đơn trên đường. Bầu trời những ngày cuối năm dùng đục, chưa thật lạnh nhưng đêm đã bắt đầu có sương. Tiền mang theo cũng không nhiều mà một mình tôi thì ăn hết mấy đâu. Khoản tiền ngốn nhiều nhất bây giờ là xăng. Xe ga tốn xăng, xe Zip lại càng tốn hơn. Cũng tốt vì như vậy sẽ khiến tôi buộc phải dừng mua xăng và nghỉ, nếu không tôi sẽ không dừng lại mất. Tôi cũng không hiểu nguồn năng lượng nào đã giúp tôi có sức khỏe bền bỉ đến vậy, khi đã ở ngưỡng cuối cùng của tuổi trẻ. Chuyến chạy tự lái dài nhất là đi Tây Nguyên trong 10 ngày, nhưng lúc đó tôi có bạn. Còn những chuyến làm ôm ngồi sau thì vô vàn, dài ngày nhất cũng cả tháng trời. Nhưng đây lại là một chuyến đi một mình, không điểm đến.

Huế tĩnh lặng vào tối muộn. Tôi dừng xe ăn bánh khoái ở cửa Thượng Tứ rồi về khách sạn trên đường Hùng Vương nghỉ đêm. Lại là một địa chỉ quen của mọi chuyến đến Huế, luôn là khách sạn ấy, địa chỉ ấy, không bao giờ thay đổi. Hôm nay thì tôi được tắm. Dòng nước gột rửa thân hình rũ rượi của tôi. Tôi cứ để mặc cho nước chảy vằn vện trên khuôn mặt, trên cơ thể trần trụi của mình rồi nguyên cái đầu lau sơ sơ, lên giường đi ngủ. Nhà chẳng bao giờ lạ, giường chẳng bao giờ lạ, đặt đâu cũng ngủ được, từ ngồi xe máy, ngồi ô tô, máy bay cho đến ngủ dưới sàn nhà, trên ghế… Nơi này vẫn chưa phải nơi tôi muốn đến.

Tôi chạy xe xuôi về Lăng Cô. Con đường sáng sớm chưa có nhiều xe cộ thoáng đãng. Đến chân đèo Hải Vân, tôi định đưa xe qua hầm cho nhanh, rồi thế nào lại quyết định lên đèo. Con xe Zip đã nản bà chủ của nó lắm rồi, vẫn ì ạch cố bò lên phía trước. Đèo Hải Vân không khó đi nhưng với một chiếc xe ga thì cũng không đơn giản. Chẳng vội gì, tôi bò xe từ từ, đôi khi cho nó nghỉ chút dưới bóng mát của hàng cây. Từ trên cao có thể nhìn thấy toàn Lăng Cô mảnh mai hình vầng trăng. Tôi đã có một chuyến đi thú vị đến Lăng Cô, nơi mà nhiều người kêu chẳng có gì thì tôi lại khám phá ra có rất nhiều thứ hay ho. Nhậu đồ biển trong các làng chài dưới chân đèo, đi thuyền vòng vèo dưới biển quanh Hải Vân, lội bộ qua đầm xâm xấp nước xem người ta nuôi hàu sữa, tắm biển, rồi ăn một bữa ăn ghẹ nhi đồng hơn chục con, mỗi con chỉ to bằng ba ngón tay nhưng thịt ngọt lịm người.

Lòng vòng quanh đèo lên đến đỉnh, thấy một tốp đông người đã đứng check in. Vòng qua một khúc cua, thành phố biển Đà Nẵng hiện ra ở xa xa kia. Trong đầu tôi nhớ đến Hội An. Ăn trưa nhẹ nhàng bằng một tô bún riêu rồi lại đi ngay. Vội như thể có ai đang đợi mình phía trước vậy. Thế là không dừng ở Đà Nẵng, tôi làm một mạch đến Hội An, nghĩ có lẽ mình đã tìm ra đích đến.

Hội An yên bình đón tôi như đón đứa con rời xa quê hương về lại thăm nhà. Không chuẩn bị trước cho chuyến đi dài cũng không nghĩ sẽ đến đây, trong đầu óc trống rỗng lúc này chỉ nghĩ được việc duy nhất là tìm một nơi để ở trong một thời gian, tĩnh tâm lại. Nửa ngày lang thang tìm chỗ ở. Tôi bỏ qua căn phòng bé chừng 10m vuông, nhộn nhạo và nhung nhúc người, giống hệt những khu nhà trọ quanh các trường đại học, giá chỉ vài trăm nghìn một tháng nhưng chật chội và thiếu tiện nghi. Tôi không đến nơi này để sống như vậy. Nơi thứ hai là một nhà nghỉ, cho khách thuê theo tháng, sạch sẽ, chung bếp, 3 triệu đồng/tháng. Tạm được nhưng chưa ưng lắm. Nơi thứ ba cũng là một nhà nghỉ dạng homestay nhưng giá khá đắt. Lòng vòng qua hết các hẻm to hẻm nhỏ trong phố, hỏi thăm vẫn chưa được nơi nào, khi đã có chút nản và dự tính quay trở lại nơi thứ hai thì tôi gặp căn nhà này.

Cổng gỗ khép hờ, trời chiều đã nhập nhoạng, tôi theo số điện thoại trên tấm biển, gọi chủ nhà. Anh không ở đây, người chạy sang mở cửa cho tôi là hàng xóm kế bên. Không hỏi han nhiều về lý do đến ở, anh chủ nhà bảo tôi xem nhà, nếu được thì cứ ở lại, cuối tuần anh mới từ Đà Nẵng chạy về, lúc đấy làm hợp đồng cũng chưa muộn, có việc gì thì gọi hàng xóm sang giúp là được.

Thế là tôi nhận nhà thuê, đơn giản đến không ngờ.

Sáng đầu tiên của ngày đầu tiên trong ngôi nhà mới, tôi choàng tỉnh giấc khi mới chỉ hơn 6 giờ sáng, trời mới bắt đầu hửng nắng. Tỉnh giấc không phải vì lạ nhà (tôi có bao giờ lạ nhà!), mà bởi tiếng nói xôn xao trong phố, tiếng lạch xạch của chuyến phà chở khách qua sông, tiếng ríu rít của muôn loài chim. Huyên náo như thể đến giờ mọi thứ phải dậy, đã sáng rồi. Không nằm nán lại nữa, tôi mở cửa sổ rồi mở cửa chính, cho ánh nắng mặt trời tràn vào.

Nhón chân bước ra bậc thềm rồi cứ để đôi chân trần bước ra ngoài hiên, tôi với tay mở cổng, chạy ào về phía con sông lấp lánh trước hiên nhà, thích thú như cô bé Emily được chạy giữa những cánh đồng bát ngát nơi trang trại Trăng Non. Tôi hít hà sâu vào lồng ngực hương vị ngày mới. Đất ẩm dưới chân mềm mềm cù khe khẽ vào gan bàn chân, nắng nhè nhẹ gãi trên đầu, làn gió mơn trớn đôi vai trần.

Căn hộ cấp bốn nằm trong một xóm chài, sát ven sông Thu Bồn, đủ gần để đi bộ sang phố cổ Hội An, đủ xa để không bị những ánh đèn màu trong phố này hắt tới. Góc sân nhỏ sau cánh cổng và hàng rào gỗ được bao bọc bởi vạt hoa tim tím, Một khoảnh sân con, bậc thềm nhà dẫn lối vào phòng khách, một phòng ngủ nhỏ, một cầu thang nhỏ, một căn bếp đơn sơ, một phòng tắm và một gác xép nhỏ. Mọi thứ đều đi xuyên qua nhau. Đồ đạc đơn sơ phủ một lớp bụi mỏng. Đã lâu nơi này không có người đến ở. Phòng khách trống trơn. Kệ bếp với duy nhất một chiếc bếp ga đôi không biết còn sử dụng được không. Nhà tắm không có bình nóng lạnh.

Chẳng có gì ngoài một cái xác nhà rộng, quá to để một người ở lại nhưng lại là thiên đường có thật cho tôi. Trái tim tôi chùng chình, một cảm giác thanh thản và yên bình kỳ lạ xâm chiếm, bao bọc vỗ về, cứ như thể đây là nhà mình. Tôi liếc quanh ngôi nhà, thoáng ý nghĩ sửa cái này, đặt cái kia. Tôi sẽ phát quang bớt đám cây ngoài sân, sơn lại cánh cửa gỗ thành màu trắng, đặt bên bờ sông một bộ bàn ghế, trồng ở đó mấy khóm hoa. Ngôi nhà trong trí tưởng tượng bấy lâu nay đang hiện ra một phần ở nơi này.

Hít một hơi thở sâu, túm lại mái tóc lơ thơ sau gáy bằng một chiếc chun rơi trong nhà tắm, ngó nghiêng khắp ngoài ngõ trong nhà rồi bắt tay vào dọn dẹp cái tổ mới của mình. Tôi đã từng rất nhiều lần có ý định ra ở riêng, được sống độc lập một mình nhưng chưa thực hiện được, phần vì chưa đủ dũng cảm, phần vì kinh tế nên cứ lần chần. Ở đây, tại nơi này, vào lúc này, tôi có một cơ hội lớn cho trải nghiệm sống riêng của mình. Hội An rõ ràng không phải nơi tôi sinh ra và lớn lên như Hà Nội nhưng lại khiến cho tôi luôn có cảm giác thật bình yên như ở chính nơi mình vẫn đang sống. Nơi này và Mộc Châu luôn là nơi tôi muốn đến khi trái tim không bình yên, mà cái trái tim nhỏ bé và nhạy cảm của tôi luôn lỗi nhịp, tan chảy và đầy những tâm tư chất chứa về cuộc đời.

Tôi quyết định rồi, tôi sẽ ở lại nơi này, căn nhà này, cho đến khi không thể ở lại nữa.

Bố mẹ tôi chắc nghĩ tôi lại đang chạy xe đâu đó trên vùng đất lạ. Họ đã quen với việc đứa con gái ngỗ nghịch cứ dăm bữa nửa tháng lại không thấy đâu, quen với việc không có tôi ngồi ăn tối cùng vài tuần.

“Mẹ! Con lại đi! Chắc mẹ buồn con lắm! Ở nhà chẳng chịu yên thân, chẳng kịp ăn những món ngon mẹ làm.

Mẹ! Đừng khóc thầm vì con. Con biết, dù con có khôn lớn thế nào, trong mắt mẹ con vẫn chỉ là một đứa trẻ vụng về dại dột. Nhưng, mẹ ơi, con không ngại đương đầu với cuộc sống này, và con muốn biết thêm thế giới rộng lớn ở bên ngoài khung cửa.

Cả mẹ và con đều không biết cách để thể hiện tình yêu của mình, con chẳng khi nào ôm mẹ, mẹ chẳng khi nào vuốt tóc con. Nhưng con biết mẹ yêu con nhường nào, và con vẫn mãi là con bé bỏng của mẹ, dù đi bất cứ nơi đâu.”

Tôi chạy xe ra chợ Hội An mua ít đồ dùng. Lôi đống chăn chiếu ra giặt giũ cho sạch, vắt tạm lên hàng rào. Rồi tiện một tay phát bớt đống hoa tím mọc lộn xộn quanh nhà trong khi anh hàng xóm bên cạnh đã kịp phát quang hộ đám bụi rậm trước cửa. Thấy tôi lăng xăng dọn nhà, anh nhắc cần gì cứ gọi với sang, anh giúp. Tôi cảm ơn rồi tôi lẩn mẩn bò lên gác xép. Ở trên này rất bụi, có một rổ bát đĩa cốc chén bẩn đựng trong cái rổ nhựa màu vàng, ít đồ đạc cũ không dùng được nữa. Tôi nhặt vài chiếc bát, hai, ba đôi đũa, đĩa và cốc, bê cả xuống nhà rửa sạch. Rồi lau cái bếp bụi bằng mớ giẻ bẩn trong góc. Không có gì để đựng bát đũa, cứ để tạm chúng lên cái bồn rửa bát vậy. Xong cái bếp đến cái giường. Quét qua rồi lau vẫn chưa thấy sạch, lau đi lau lại đến hai lần. Cái cầu thang cũng phải lau cho thật sạch. Trưa hôm ấy, bữa cơm đầu tiên tôi ăn cùng với hàng xóm bên cạnh vì nhà có bát mà chưa có nồi.

Tôi đã có những ngày yên tĩnh thật sự tại làng chài nhỏ ấy. Cả làng hơn hai chục nóc nhà chạy sát sông Thu Bồn, nơi cứ vào mùa mưa là nước ngập đầu tiên, nên nhà nào cũng có gác xép để tránh tạm. Không có ai trong làng hỏi tôi lý do vì sao đến đây ở một mình, họ nhanh chóng trở thành những người hàng xóm dễ gần, cởi mở.

Mỗi sáng, tôi thức dậy trong tiếng huyên náo của lũ trẻ ới gọi nhau đi học, trong tiếng gọi đò, tiếng con nước lạch xạch, khi ánh mặt trời đã nhấp nháy nơi ngã ba sông. Không có một bóng khách du lịch nào lai vãng qua đây, thi thoảng lắm mới có bóng xe đạp của cặp Tây nào lạc lối. Thường sau khi đã tự làm cho mình bữa sáng, tôi ngồi vào chiếc bàn nhỏ đặt cạnh sông dưới bóng mát của hàng cây dừa nước và gõ những con chữ, một công việc tôi đã làm trong nhiều năm qua. Sau bữa trưa đơn giản và một giấc ngủ ngắn, tôi dành thời gian đạp xe qua các khu làng quanh đấy, từ Cẩm Nam, Cẩm Hội, Cẩm Thanh đến các làng xa như làng gốm Thanh Hà hay làng rau Trà Quế, hay chạy ra biển nằm dài cho đến tận khi chiều tối mới trở lại làng chài. Chiếc xe Zip sau một chuyến đi dài được nghỉ ngơi trong góc nhà, nhường việc đưa đón cô chủ cho chiếc xe đạp tôi thuê ngoài phố, mượn đến khi nào không ở nữa mới trả. Ở phố Hội này, đi xe đạp tiện hơn xe máy rất nhiều.

Buổi sáng trên sông Thu Bồn.

Có những ngày tôi dành cả ngày để làm người trồng rau, cuốc cuốc xới xới mảnh đất trước nhà, làm vài luống hoa, luống rau xanh nhưng không được bao lâu thì bị chuột phá. Thế là đành đạp xe sang làng Trà Quế làm vườn, cho thỏa mơ ước trồng cây. Được tự tay đào đất, tự tay chọn giống làm vườn cũng thú vị. Tôi vốn là đứa yêu hoa yêu cây, thích trồng trọt, thích nghịch đất. Có nhiều khi làm vườn, tôi ước mình có được ngón tay cái xanh như cậu bé Tixtu, để chạm vào bất cứ đâu là nơi ấy lại tràn ngập những sắc hoa. Thế nên khi đứng giữa màu xanh mát mắt của những thửa rau sạch của Trà Quế, ngửi hương thơm của húng của bạc hà, tôi thấy dễ chịu, sảng khoái vô cùng.

Có ngày tôi lại ngược sông Thu Bồn ở lại làng Thanh Hà đến tối mịt mới về vì mải xem người ta làm gốm rồi tự mình làm gốm, chờ nung xong, lấy thành phẩm mang về. Làng gốm Thanh Hà không phát triển mạnh như Bát Tràng ngoài Bắc, sản phẩm cũng giản đơn, cách thức làm bằng tay truyền từ đời này qua đời khác cũng đã vài trăm năm. Ngôi làng nhỏ với những bờ rào, tường bằng đất nung, xanh mát bởi những tán cây, những khu vườn. Tôi nghịch ngợm nặn những chiếc cốc méo mó, những chiếc bát xộc xệch, rồi bê hết cả về mua hoa cắm vào, mua cây trồng vào. Cái bậu cửa sổ thành nơi trưng bày các tác phẩm. Khi ta mua hoa về nhà cắm là khi đó ta đang vui.

Có những ngày tôi đạp xe dọc sông Thu Bồn, chỉ nghỉ khi thấy chân đã mỏi. Có ngày chạy xe ra tận Đà Nẵng rồi đèo Hải Vân, chơi qua ngày mới về lại. Mang theo bikini, sẵn sàng tạt vào bất cứ bãi biển nào trên đường để nhúng mình xuống biển xanh tuyệt mỹ. Tôi cũng mang theo một quyển sách, nằm dài trên cát, nghe sóng đánh nghe gió thổi, ngắm mây ngắm trời, rốt cuộc quyển sách chỉ mở đọc được vài trang đầu, gió lộng cứ vỗ về đôi mắt, mơn trớn nó, thì thào “Ngủ đi! Ngủ đi!”.

Có ngày tôi chạy trên những chuyến đò ngang đi qua những cồn những xóm khác bên kia sông, len lỏi giữa những rặng dừa nước xanh um, thay vì ăn cơm tiệm thì chui vào nhà dân ăn nhờ. Những người Quảng Nam bình dị, chân chất sẵn lòng mở cửa cho bạn cốc nước mát, cho bạn bát cơm, ngồi trò chuyện về cuộc đời trên chiếc chõng tre kê ngoài cửa, tay phe phẩy chiếc quạt nan. Khi ta đến bằng tấm lòng chân thành, ta sẽ nhận được sự chân thành.

Một mình với hoàng hôn.

Xe đạp, giỏ xe đựng nước, đựng đồ ăn vặt, đựng bút đựng sách, mũ trên đầu, tay trần, giày thể thao, cứ thế lang thang khắp nẻo, đen giòn. Mỗi ngày qua ngày, mọi việc cứ trôi như thế, nên ở nơi này hơn một tháng trời, tôi không cảm thấy buồn hay cô đơn, không thấy mình tẻ nhạt hay chẳng có hoạt động gì để làm.

Các hoạt động chạy hay nghỉ của tôi đều dừng vào lúc 7 giờ tối, khi tôi ngồi lại bên mâm cơm tối cùng gia đình bên cạnh nhà, hai vợ chồng trẻ với đứa con gái hai tuổi, ăn bữa tối trong ánh đèn tù mù. Cơm canh đạm bạc chỉ một món rau và một món mặn nhưng ngon ngọt. Anh Tuyên kém tôi bảy tuổi, làm nghề chài lưới, bắt tôm cá quanh sông, còn chị vợ ngày ngày gánh tàu hũ ra phố cổ bán. Bố mẹ anh cũng ở sát vách. Bố anh quá ngũ tuần cũng ngày ngày ra sông. Khi tôi đang chìm sâu trong giấc ngủ nhất cũng là lúc họ dong thuyền, tầm 2 - 3 giờ sáng.

Sau bữa tối, tôi đi bộ ra phố cổ, ngồi lại trong một quán cà phê nhỏ bên sông, ngắm dòng sông màu sắc và gương mặt của những vị khách mới vừa đến với Hội An tối nay.

Hội An đẹp và xưa cũ, giống như một cô gái đẹp thời xa xưa, nét đẹp thanh tao, dịu dàng, buồn buồn, sầu sầu, ủ ê, mày chau, liễu rủ. Những anh chàng bạn tôi đều không thể hiểu được tại sao lũ con gái lại thích nơi này đến vậy. Rất nhiều lần khi đến đây cùng họ, việc duy nhất mà họ thích là ngồi cà phê trong khi đám con gái la cà cả ngày, từ các quán chè đầu phố giá 10.000 đồng/cốc đến xiên thịt nướng giá 5.000 đồng, từ hàng may áo dài sang hàng váy, từ hàng giày sang hàng đồ handmade… Rồi khi đã chán với mua sắm, họ sẽ đi chụp ảnh, chui vào các con ngõ, đứng dưới từng giàn hoa mà tạo dáng. Cứ thế cả ngày không biết mệt.

Tôi nhớ Hội An cái Tết 2010 khi cùng ba chị bạn đến đây, thành phố se se lạnh bất ngờ. Cơn mưa chiều thấm ướt những con ngõ nhỏ hình ống chạy dài díc dắc từ phố này sang phố kia, xuyên ra đến tận dòng sông Thu Bồn phía sau lưng. Những mái nhà rêu phong cũ kỹ, những chiếc đèn lồng tỏa ánh sáng dìu dịu khe khẽ đung đưa trong cơn gió, khiến con phố dài thêm hiu hắt. Tiếng lá xào xạc xốn xang, thềm hè cũng thẫm màu, dưới mái hiên nhà ai, đôi bạn trẻ xuýt xoa chờ cơn mưa ngớt tạnh, tay trong tay hạnh phúc với tuần trăng mật dịu dàng. Trong đêm, vạn vật thẫm ướt, thoảng đâu tiếng rao trầm “Ai chí mà phù nóng nào!”

Tôi yêu những hình ảnh bình dị thế này.

Tôi nhớ Hội An khi thành phố lên đèn. Nhịp sống và nhịp thời gian dường như dừng lại khi chạm vào đến ngõ phố. Thời gian đã khắc lên những mái nhà, những thân cột, những bức phù điêu về câu chuyện lịch sử. Bên bộ sập gụ nhẵn bóng, hương trà thơm quyến luyến, thư thái với bàn cờ tướng, hai cụ già đang dở với ván cờ. Góc nhà, chị hàng may hôm nay nhận được nhiều hàng cặm cụi cắt váy áo cho khách. Mỗi chiếc váy nhận trả trong ba ngày, vậy là chị phải làm đêm hôm mới kịp. Bên nhà hàng xóm đang cất những chiếc đèn lồng đủ màu sắc và hình dáng, trong nhà ngổn ngang đủ các loại giấy màu, tre nứa. Người vợ hiền sắp mâm cơm nóng hổi, tiếng gọi nhau, tiếng lách cách bát đũa, tiếng nhịp sống nhẹ nhàng trôi.

Lần đến Hội An này tôi không mang theo máy ảnh, không dùng Internet cũng chẳng có bạn bè hay người yêu. Tôi đạp xe đi chợ như các mế vào buổi sáng. Chọn rau, chọn thịt, chọn đồ ăn. Nhà không có tủ lạnh nên cứ hai ngày lại đi chợ một lần. Nhà cũng không có tủ quần áo nên bậc cầu thang lên gác xép biến thành nơi để quần áo. Tôi không ăn trong các hàng quán trong phố, những quán cơm nổi danh như cơm gà, cao lầu, mì Quảng mà ăn luôn trong chợ, trong quán vỉa hè ngoài phố. Có khi ngồi ghếch chân buôn chuyện với các mế chèo thuyền chở khách du lịch cả sáng. Các mế kể chuyện thì dứt ra không nổi vì hấp dẫn quá. Nào là chuyện đưa mấy bà Tây đi chơi sông, có bà nặng cả trăm cân, mỗi lần lên xuống thuyền phải có hai người giúp xốc nách. Rồi chuyện chở cô dâu chú rể chụp ảnh cưới, nắng nôi mồ hôi quá khổ. Vừa kể vừa không quên mời khách đi thuyền. Ai đi qua cũng đon đả mời, có đi hay không cũng vui vẻ cười, không chèo kéo khách bao giờ.

Anh chủ quán cà phê nơi tôi vẫn đến ngồi mỗi chiều đã quen với người khách phương xa, đặt tách trà trên bàn rồi lặng lẽ rời đi, chỉ trở lại khi trà đã nguội để châm thêm nước mới. Khác với các vị khách khác, anh giành việc phục vụ cho tôi vào mỗi chiều. Những ngày khách vãn anh đến nói với tôi đôi ba câu. Anh bảo anh phục vụ tôi vì tò mò, không hiểu một người phụ nữ ngoài 30 như tôi sao giờ này không phải tất bật đón con, nấu cơm, giặt giũ mà lại thả hồn vào sông, vào những mái chèo và những vó cất chiều hôm. Từ lạ rồi quen và thành bạn từ lúc nào không hay. Quán của anh nằm cuối con đường xanh đỏ ánh đèn nhưng luôn đông khách hơn hẳn, có lẽ bởi vì có nhiều vị khách giống như tôi, muốn tìm chút yên tĩnh sau khi đã đi qua hết đoạn đường dài khám phá ngoài kia.

Hơn một tháng ở Hội An, tôi trở thành bạn của cả xóm, từ người lớn đến trẻ con. Giản dị mà gần gũi, chân thật và hồn nhiên. Thấy tôi đi đi về về, ai cũng chắc tôi làm du lịch, ghé vô đây công tác. Ngẫm ra cũng đúng. Anh chủ nhà ở Đà Nẵng tuần nào cũng về chơi, nói chuyện tào lao. Anh ngó cái nhà tôi sắp xếp lại vẻ thích thú. Có cây có hoa có bàn có ghế, có trà có kẹo, có nhạc, có sách. Anh bảo tôi là vị khách đặc biệt và hứa với tôi, bất kể lúc nào khi tôi muốn đến Hội An, anh sẽ nhường ngôi nhà cho tôi ở. Chúng tôi cũng trở thành bạn bè. Trong danh bạ điện thoại của tôi, tên anh đứng đầu với hai ký tự A. A, cái tên ngay từ đầu tôi trót lưu lại cho dễ gọi rồi để nguyên không sửa nữa. Tôi hỏi anh có bán nhà không vì tôi muốn về nơi này, làm một quán cà phê nho nhỏ ven sông, nhưng anh bảo không bán.

Sau những ngày yên tĩnh, trái tim tôi ấm áp trở lại bởi tình làng xóm, bạn bè, bởi thiên nhiên. Tôi trở lại với cuộc sống thường nhật, với Hà Nội, với công việc bận rộn trong buổi chia tay bịn rịn.

Ba năm kể từ lần chia tay cuối, tôi trở lại nơi này với cô con gái nhỏ một tuổi. Vẫn làng chài xưa cũ, vẫn những ngôi nhà cấp bốn xộc xệch và tình cảm nồng nàn. Tôi với con gái ở lại nơi này một tuần, và con bé thật hạnh phúc. Hội An trong tôi chỉ là như thế, đơn giản, không hoa đăng nhưng ấm áp và rực rỡ muôn màu.

Có nên yêu một cô gái đi phượt?

Tại sao lại không yêu gái phượt cơ chứ. Trừ phi bạn không đủ bản lĩnh. Những cô gái phượt bạn tôi, vẫn yêu và được yêu, vẫn trở thành những bà mẹ bỉm sữa tuyệt vời. Điểm khác biệt nhất với các bà mẹ bỉm sữa khác là họ có thể cho lũ trẻ con… lên đường từ lúc còn bé tí! Nói chung họ vẫn chu toàn được mọi thứ: việc nhà, việc nước, việc chơi.

Thử tính xem gái phượt có những điểm gì đáng yêu nào: Gái phượt không xinh lắm, nhưng như tôi đã nói, nhan sắc đủ dùng. Họ không bận tâm làm đẹp nhưng nếu cần vẫn biết làm đẹp và có thể đẹp được. Đừng choáng nếu đôi khi thấy họ son môi, váy áo lướt thướt và giày cao gót xuất hiện trong một bữa tiệc nào đó. Leo núi ngủ lều cực khổ thế còn xong hết, mấy thứ linh tinh thế này sao mà làm khó được họ.

Thẳng thắn và giản dị khi yêu. Đàn ông không mất công cò cưa nịnh nọt mất thì giờ bởi các cô gái đi phượt không ưa màu mè, nhanh nhẹn và quyết đoán. Họ không cầu kỳ khi yêu, không có những đòi hỏi làm đau đầu người đàn ông mà họ thích, cũng không có sự ỡm ờ, lửng lơ. Đã yêu là yêu, và yêu hết mình.

Kỷ luật, trách nhiệm. Đi phượt mà, vô kỷ luật chắc chắn sẽ lãnh đủ. Đúng giờ, đúng đường, đúng nơi quy định, đúng các yêu cầu. Trong công việc, cũng như trong cuộc sống, các đức tính này sẽ khiến những người xung quanh luôn an tâm và tin cậy.

Biết vun vén, tiết kiệm tiền nong. Gái phượt đa số không phải là tiểu thư công chúa mà là những cô nàng biết kiếm tiền và biết tiêu tiền. Họ không phung phí, và cân nhắc món tiền vào những thứ xứng đáng. Trên đường họ tính toán chi tiêu rõ ràng, cho mình và cho cả nhóm. Phẩm chất tuyệt vời cho một người vợ, người mẹ.

Đừng ngại yêu một cô gái đi phượt.

Biết làm mọi việc có kế hoạch. Nói vậy nghe có vẻ mâu thuẫn so với cuộc đời lộn xộn của tôi nhưng thực tế là vậy. Mỗi chuyến đi đều phải sắp xếp thời gian, thu vén tiền nong, tìm bạn đường, chuẩn bị xe cộ, tìm hiểu nơi đến, lên lịch trình rõ ràng cho từng chặng thời gian, điểm đến, khoản tiền… Có đôi khi rẽ ngang rẽ tắt nhưng vẫn nằm trong một cái khung nhất định. Tôi dù đi lại nhiều, và nhảy việc tứ tung nhưng vẫn phải sắp xếp để có một thu nhập thường xuyên, tuyệt nhiên không dùng tiền của bố mẹ hay ai khác cho niềm đam mê của mình.

Không sợ khó không sợ khổ, bình tĩnh trước mọi tình huống xấu, nỗ lực kiên trì tìm cách giải quyết, tâm lý vững vàng, độ chấp nhận cao. Cái này thì chắc chắn rồi. Những cung đường khó, thời tiết bất lợi, các sự cố hỏng xe, không có chỗ ngủ, đói, ốm đau… họ đều trải qua, không than vãn khóc lóc, hết sức phối hợp với nhóm để xử lý vấn đề. Trong cuộc sống cũng vậy, nếu không giàu tinh thần chấp nhận thì người ta lúc nào cũng dằn vặt đau khổ, khiến những người xung quanh cũng mệt mỏi theo.

Khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Không khỏe sao các nàng có thể ngồi mấy ngày trên xe, đi vào những nơi thâm sơn cùng cốc, thời tiết khắc nghiệt, ăn uống khổ sở. Cứ kết hôn và có con cái đi, bạn mới biết thế nào là giá trị của một cô vợ khỏe mạnh, thay vì một nàng mong manh nay hắt hơi mai sổ mũi.

Yêu thiên nhiên và luôn muốn gần gũi thiên nhiên. Đây cũng là một phẩm chất sao? Tôi nghĩ đúng là như vậy. Thiên nhiên là người mẹ vĩ đại, gần mẹ cho ta sự cân bằng và bình yên. Còn gì tuyệt vời hơn một người phụ nữ vững vàng, tự giải quyết được những bức bối nội tâm, thay vì luôn đòi bạn an ủi, dỗ dành, phân tích, giảng giải…, mà chắc gì bạn đã giỏi những việc đó.

Nói chung, tôi thấy những cô gái phượt đều có thể sẵn sàng trở thành một người phụ nữ của gia đình, một người mẹ của những đứa con tuyệt vời. Tất nhiên, bạn cũng phải chịu được những điểm này của cô ấy:

- Thẳng thắn quá mức. Vì đã quen với việc giải quyết vấn đề nhanh, bỏ qua những thứ lặt vặt mất thì giờ để đến đúng trọng tâm, họ sẽ thường thẳng thắn. Và những lời nói thẳng tất nhiên không phải lúc nào cũng dễ nghe.

- Đôi khi cô ấy mạnh mẽ khiến bạn cảm thấy cô ấy không cần mình. Nhưng không phải vậy đâu, cô ấy vẫn là phụ nữ, và luôn muốn được thấu hiểu, sẻ chia.

- Đôi khi đơn giản quá mức, tủ quần áo chỉ có áo phông quần bò, giày vải.

- Đôi khi phát sốt vì mùa vé máy bay giảm giá.

Tôi từng hỏi mấy gã phượt thủ quen biết xem họ nghĩ gì về gái phượt. Nam Chấy (Nguyễn Chí Nam) tỏ ra hào hứng: “Vote! Họ quá hấp dẫn! Khỏe mạnh, chủ động, không bánh bèo. Tâm hồn đồng cảm cái đẹp, cái mới, thích khám phá.” Còn Hachi8 (Ngô Huy Hòa), tác giả cuốn Bước chân Việt Nam - 4 cực 1 đỉnh cũng nhận xét: “Các cô gái đi phượt cá tính, lãng mạn và thơ mộng hơn.”

Tất nhiên, những điều tôi nhận xét ở trên về gái phượt chỉ ở trong phạm vi những gì tôi quan sát được. Con người sẽ phức tạp hơn mấy cái gạch đầu dòng trên kia. Nhưng thôi, hãy cứ đi và hãy cứ yêu, biết đâu người bạn đường một ngày nào đó sẽ trở thành người bạn đời của bạn.

Lãng du hay ở nhà tỉa móng chân.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3