Gái Phượt - Chương 01
Chương I
Gái phượt, vì sao?
Ba trong một
Suốt nhiều năm dài tôi vẫn tự hỏi mình: Tôi là ai? Câu trả lời chính xác chắc vẫn còn ở phía trước.
Nhưng, nếu vào ngay lúc này, ngay bây giờ, quãng thời gian của năm 2016, có ai đó hỏi như vậy, tôi sẽ trả lời rằng:
Tôi là biên tập viên quèn chuyên tin lá cải câu view của một tờ báo điện tử vào ban ngày, một bà mẹ bỉm sữa đơn thân mệt mỏi cáu kỉnh vào buổi chiều tối và một người đàn bà lãng mạn, trúc trắc vào đêm khuya. Tôi là ba trong một con người.
Mỗi sáng, tôi thức dậy vào lúc 6 rưỡi, chuẩn bị mọi thứ cho mình và con gái.
8 giờ, tôi đưa con đến trường mẫu giáo, vội vã nhét nó vào tay cô giáo rồi quay đi ngay.
8 rưỡi, tôi có mặt trên tòa soạn báo, bắt đầu công việc của một biên tập viên kiêm phóng viên. Nếu ngày hôm ấy có hứng thú với công việc viết lách, tôi sẽ rất nhanh tìm ra đề tài và làm một lèo hai ba bài không nghỉ, bỏ qua cả bữa trưa. Còn nếu không có hứng, tôi sẽ ngồi cắm mặt vào màn hình xem phim hay chạy ra ngoài cà phê cả buổi bất kể nắng mưa. Công việc của người làm báo đòi hỏi luôn đều đặn và yêu nghề, mà tôi thì thấy sau 8 năm làm việc, cái lửa nghề đã ít nhiều vơi đi. Tôi không còn đam mê viết lách như trước và bắt đầu thấy mệt khi phải “mài não ra chữ” kiếm tiền.
6 giờ chiều, tôi đón con về, trở thành một bà mẹ bỉm sữa đích thực. Việc đầu tiên là bật nước nóng. Tiếp đến cắm vội nồi cơm, làm sơ qua đồ ăn cho con. Rồi tắm, tắm chung cho tiện, vừa trông con vừa tiết kiệm thời gian. Tắm xong, nếu quần áo nhiều thì sẽ đẩy hết vào máy giặt, còn ít thì vò qua tay phơi luôn. Trong lúc con gái ngồi chơi đồ chơi, tôi nấu bữa tối cho con ăn trước. Sau đó mới nấu đồ ăn cho mình. Ăn một mình nên nhiều lúc cũng lười, nồi cơm nấu một lần ăn hai hôm, thêm bát rau nhỏ, ít đồ mặn là xong. Có hôm chỉ làm một đĩa rau gì đó xào thịt bò cũng thấy đủ. Tôi bày mọi thứ đồ ăn lên chiếc bàn đồ chơi của con rồi rủ con cùng ngồi ăn thêm. Mẹ một bát, con một bát, vừa ăn cơm vừa nghe thời sự. Rửa bát, lau qua cái nhà, đổ rác, gấp quần áo… quanh ra quanh vào đến tận 8 rưỡi mới tạm xong công việc. Tôi không có nhiều thời gian chơi với con. Đến khoảng 9 rưỡi là con gái uống sữa rồi vào đi ngủ.
Khoảng 10 giờ đêm trở đi là lúc tôi được yên tĩnh, là khoảng thời gian duy nhất tôi có thể dành cho riêng mình. Tôi sẽ đọc sách, xem một bộ phim mình thích, có khi viết lách cho đến 12 giờ.
Một ngày với nhịp độ như thế nhưng không phải lúc nào cũng đều đặn như mong muốn, có đôi lúc bận quá thành việc nọ xọ việc kia. Nhưng ngày hôm sau nữa sẽ lại quay trở lại quỹ đạo ấy và tôi bận đến mức đã hơn nửa năm rồi chẳng có thời gian đi mua một chiếc áo mới, hay đôi giày bẩn bùn chưa có cái nào thay thế. Một ngày bắt đầu lúc 6 rưỡi sáng và kết thúc lúc 12 giờ đêm.
Đó là tôi của năm 2016 với mục đích rõ ràng và cụ thể: kiếm tiền nuôi con. Không ai biết, và chính tôi nhiều khi cũng quên mất mình từng là một gái phượt tung hoành trên khắp các cung đường.
Khi người ta trẻ
Đây là tôi của những năm “trẻ trâu”. Một quãng đời thanh xuân nhạt nhẽo.
5 giờ 15 sáng, chiếc đồng hồ ồn ã giục gọi tôi dậy. Tôi với tay bắt nó ngậm miệng. Nán lại thêm năm phút rồi mười phút, chiếc đồng hồ lại hối hả đổ chuông một lần nữa. Uể oải thức dậy khi trời còn chưa sáng hẳn, tôi đánh răng rửa mặt trong trạng thái mơ màng, chải tóc mà không rõ ngôi ở đâu, trang điểm theo một lối đơn điệu là kẻ lông mày và bôi chút son cho đỡ bợt bạt. Bát mì tôm chay ăn vội. Xỏ người vào chiếc áo dài màu hường. Một ngày mới lại bắt đầu như mấy năm nay vẫn thế.
Tôi đi bộ đến nơi làm việc vì nhà gần sát vách công ty. 6 giờ bắt đầu ca đầu tiên của ngày mới đến 14 giờ chiều, ca tiếp 14 giờ đến 22 giờ và 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Một ngày 3 ca và cả 3 ca tôi đều luân phiên có mặt vì là gái chưa chồng và vì ai cũng phải đều đặn một công việc như thế, một nghề dịch vụ phục vụ tất cả mọi đối tượng.
Ra trường chưa đầy một tháng, bố nhét luôn tôi vào cái khách sạn này để thế chân, cha truyền con nối. Nghề khách sạn không phải công việc tôi lựa chọn mà là một định hướng gia đình. Tôi giữ một chân lễ tân kiêm tổng đài kiêm các loại việc lặt vặt được giao. Mỗi ngày đều chằn chặn 8 tiếng trong đồng phục áo dài và nụ cười thường trực trên môi. Tôi ghét áo dài, cái bộ “quốc phục” lả lướt khó vận động, cổ cao kín bưng nóng bức, màu bóng lộn, chẳng có eo. Tôi mặc chúng, đứng lẫn vào đám đông các chị em lễ tân, luôn luôn đẫm mồ hôi vì chất liệu vải không thoát nước. Không ai nhận ra sự có mặt nhạt nhòa của một con bé làn da nhờ nhờ, tính cách lờ mờ, nhan sắc bình bình, chiều cao trung bình, học hành làng nhàng, con nhà bình dân…
Tôi làm việc như một cái máy, chẳng tích cực mà cũng chẳng bê tha, chỉ vừa đủ để không ai động đến. Vì là con em trong ngành nên tôi cứ làm mà không lo mất ghế, nhưng cả đời sẽ yên tâm ngồi vị trí nhân viên chứ chẳng mong thăng tiến. Ai giao việc gì tôi làm việc nấy. Họ chuyển tôi từ vị trí này sang vị trí khác, tôi không một lời kêu ca cũng không có dấu hiệu tích cực muốn vươn lên. Những người làm chung cũng chẳng quan tâm đến một con bé không có ý định tranh giành vị trí hay tiền bạc nên coi tôi như vô hình. Tôi thì mặc nhiên coi đây là công việc làm vừa lòng cha mẹ - những người đã vất vả nuôi tôi đến hôm nay, chứ không có đam mê hay ước vọng cao sang với nghề. Những năm tháng tuổi xuân của tôi chôn vùi trong mấy câu “A lô! Khách sạn… xin nghe”. “Anh chị cần phòng đơn hay phòng đôi?” Vốn liếng tiếng Trung bay sạch đâu hết vì chẳng dùng đến bao giờ. Tôi cũng quên béng mình từng là một cô bé lãng mạn, bay bổng, yêu văn chương. Tất cả chỉ vì hai chữ “ổn định” mà gia đình, bạn bè, xã hội luôn nhắc nhở và vì bản thân cũng cho như vậy là đúng đắn.
“Ổn định” là gì? Là có một công việc nhà nước ổn định, yêu một gã nào đó cũng có công việc ổn định, kết hôn, sinh con một trai một gái và già đi. Chấm hết. Cái quỹ đạo mà tất cả mọi người đều đi giống nhau. Tuy nhàm nhưng mà lành. Vì không muốn làm mất lòng bố mẹ hay đồng nghiệp nên thay vì xù gai, tôi làm mình tròn xoe như một trái bóng, ai đụng vào thì lăn sang góc khác.
Tuổi con ngựa nhưng tôi đã cố biến mình làm một con dê ngoan hiền, quanh quẩn quanh xó nhà, quên mất thật ra mình cần đồng cỏ, cần không gian bao la để hít hà, để phi mã, để thấy mình đang sống.
Tôi đi tìm tình yêu, tìm chồng như những gì tôi đã định, cho một cuộc sống ổn định. Mối tình đầu tiên suýt cưới là với chàng nhân viên quèn làm cùng khách sạn. Những trang nhật ký ướt đẫm.
“Khi ta 22.
Anh nghèo và không có gì cả. Nhà cũng không, xe cũng không. Chỉ có công việc làm bấp bênh với thu nhập tàm tạm đủ dùng. Chỉ có một giọng hát thật hay, một trái tim chân thành và một lòng yêu em.
Hai ta yêu nhau, chẳng biết vì đâu.
Anh yêu em, khi nhìn thấy em lần đầu, khi thấy em vẽ nguệch ngoạc những nét vẽ vụng về trên trang giấy trắng. Anh yêu em vì em hiền hiền lành lành ít nói, vì em hay cười mắt tít lại và vì em là em.
Hai ta yêu nhau vì những buổi chiều mưa tan làm ướt lướt thướt, anh chở em về. Vì chiếc ô che buổi chiều hè ta vội vàng gặp gỡ. Lời cầu hôn đầu tiên chưa kịp vui.
Rồi ta chia tay. Không lời giải thích, chẳng phải vì anh nghèo, chẳng phải vì em còn trẻ, cũng chẳng phải vì ta không còn yêu nhau, mà có lẽ cả hai đứa chưa định hình về một gia đình.”
Bố mẹ tôi bắt đầu nhấp nhổm khi thấy lũ con gái tầm tuổi tôi rào rào lên xe hoa, rào rào sinh con đẻ cái.
Hai năm sau, tôi lại có một mối tình và nghĩ đến kết hôn. Nhưng cuộc tình không kéo dài lâu. Hình như tôi không yêu mà đang cố để yêu. Tôi chờ đợi gì từ người con trai ấy, sự “ổn định” của anh hay niềm vui anh mang đến cho tôi? Tôi lại tìm kiếm và thất vọng. Không phải thế, vẫn không phải thế, trái tim bảo tôi. Đến bây giờ tôi mới hiểu rằng trong khi chính tôi còn chưa sống đúng với con người mình thì làm sao có thể tìm kiếm một người hiểu mình và khiến mình hạnh phúc? Nhưng lúc ấy tôi không biết thế. Những thất bại trong tình yêu, áp lực gia đình và những khát khao nào đó tận trong sâu thẳm khiến tôi muốn nổ bùng. Cuộc sống này, những lề lối này có cái gì đó không vừa vặn với tôi.
Đủ lắm rồi! Quá đủ rồi! Tôi muốn làm một cái gì đó để giải thoát mình khỏi những bức bối và nỗi buồn. Tôi muốn được hét ầm lên, được khóc, được quên. Chưa bao giờ mong muốn được giải tỏa căng thẳng mạnh mẽ đến như thế. Tôi không còn muốn là cô gái ngoan hiền với mái tóc dài chấm vai cùng một công việc buồn tẻ mỗi ngày nữa. Tôi muốn nổi loạn, muốn thoát ra khỏi tất cả những ám ảnh này, muốn làm một cái gì đó khác tất cả những việc đã làm. Trời ạ! Tôi muốn đập phá. Muốn điên loạn. Muốn uống say.
Yếm Đào Lẳng Lơ
Tôi cắt cụt mái tóc dài và nhuộm màu hoe đỏ. Ở trong tấm gương ấy, tôi nhìn thấy một cô gái khác, mới lạ mà quen thuộc. Mái tóc cháy ngắn ngủn để lộ ra vầng trán bướng bỉnh. Đôi mắt thảng buồn nhưng rực lửa. Nụ cười hàm tiếu đang tắt trên bờ môi dày.
Tôi bán con Cub 82 bà già chậm chạp bố đã mua tặng hồi vào đại học, thay thế nó bằng một chiếc Future đỏ chót. Bố giận, tiếc bao nhiêu công của và tình yêu thương dồn vào cái xe ấy mà bị tôi bán rẻ đi. Nhưng chiếc Cub như một con la già ì ạch không còn phù hợp với một chú ngựa lồng nữa rồi.
Tình cờ hóng được về một chuyến leo Fansipan, tôi đăng ký tham gia ngay, dù chưa từng có chút kinh nghiệm leo núi nào, và dù đi cùng một nhóm chẳng ai quen biết. Tôi leo lên đỉnh cao 3143 chót vót huyền thoại, điểm đỉnh mơ ước của giới đi bụi ấy với một trái tim tan nát. Nhưng giây phút đến đích huy hoàng đã thổi tung đi nỗi buồn của tôi. Ngày ấy tôi tròn 28.
Fansipan mở một trang mới toanh cho cuộc đời tôi. Không còn chỉ biết vật vờ với công việc, tan làm về thẳng nhà. Một chục người bạn mới nhảy xổ vào tôi, ồ ạt như một cơn lũ khiến cuộc đời buồn tẻ của tôi bỗng dưng rộn ràng như một bản nhạc dance.
Đi phượt - cái thời của tôi chưa có danh xưng nghe “nguy hiểm” kinh người ấy. Đó đơn giản là chuyến đi của những nhóm bạn cùng sở thích du lịch, đi chơi với nhau vài ngày bằng xe máy. Các nhóm phượt khởi thủy từ trang diễn đàn Trái Tim Việt Nam Online, tại box Du lịch. Những người yêu thích du lịch tụ tập vào box đấy, rồi lập thành những nhóm nhỏ rủ nhau khám phá đất nước. Khi đi về thì chia sẻ những chuyện thú vị, ảnh và kinh nghiệm. Dần dần họ tạo nên một làn sóng xê dịch náo nhiệt đầy màu sắc. Trang diễn đàn ấy làm thay đổi rất nhiều người, trong đó có tôi.
Sau Fansipan, tôi rón rén đi chuyến Mường Khương Simacai - Bắc Hà với nhóm 12 xe của hội nhà Moi’s. Đi lần đầu tiên lại còn không tham gia nhóm hội nào của TTVNOL, chẳng có bạn quen nên ngơ ngơ ngác ngác. Trong khi người ta nick nọ nick kia gọi nhau chíu chíu nghe hay điếc cả tai, nào là Lá Rụng Ven Sông, Núi Rừng, Lang Thang, Kiến Xanh, Độc Cô, HBB, Hoa Bất Tử, Thần Y… thì mình chỉ mộc mạc tên thật. Tôi được cậu Lá Rụng đèo, xế đầu tiên đưa một ôm ngờ nghệch vào đời. May mắn làm sao cậu ta là kẻ lắm lời, tôi được một phen “mở rộng nhãn quan”, biết thế nào là đi bụi, biết thế nào là ngồi sau xe máy đường trường. Hai chị em chạy con Future đỏ chót của tôi, vượt núi vượt đồi, theo đoàn 12 xe - 24 người nhũng nhẵng từ nơi này sang nơi khác. Chuyến đầu tiên với một nhóm đi đông nhất, đến nỗi lên đường trưởng đoàn phải phát cho mỗi xe một cái bản đồ, định sẵn một điểm đến và giờ đến để mọi người chờ nhau ở đó vì không thể rồng rắn lên mây 12 xe cùng đi một lèo được. Đó cũng là chuyến đi đông xe duy nhất trong suốt quãng thời gian đi bụi của tôi.
Vượt đèo khi đi ô tô thì tôi say nghiêng ngả, nhưng vượt đèo bằng xe máy trở thành một chuyến du ngoạn tuyệt vời, giống như lướt trên đôi cánh của chính mình. Cảm giác phiêu du tự do bát ngát, gió mát mặt và nắng rát mặt. Những con đường uốn lượn, những cảnh sắc bất ngờ, lúc như đang lướt trên mây, lúc ngập giữa những thung lũng lúa chín vàng hay lạc vào phiên chợ vùng cao rực rỡ, đắm mình trong ánh nắng thủy tinh và bầu không khí pha lê, và gặp những con người khiến ta chẳng muốn rời đi.
Đi xe máy đường trường không dễ dàng, lại còn đi mấy trăm cây số cho chuyến đầu tiên, vượt đèo, lội sông mà tôi vẫn vui, chẳng thấy mệt gì. Được đi chơi nên sướng quá, quên cả mệt chăng? Đã thế lại còn bô lô ba la cả chặng đường với một thằng xế mới quen mà như chơi với nhau lâu lắm rồi. Cảnh sắc thì ôi, đẹp chưa từng thấy trong đời. Đúng là vịt từ ao chuôm ra đại dương.
Tôi nhìn cuốn Bản đồ đường bộ Việt Nam của ai đó cho mượn mà hoa cả mắt. Nhiều đường thế này mà hôm nay chỉ mới vẽ được nhõn một vòng tròn nhỏ xíu xiu. Cha mẹ ơi, tôi bị cuốn sách thôi miên. Tôi mân mê sung sướng, ngốn ngấu, lật giở từng trang, nhìn từng đường viền… Tôi đã đọc bao nhiêu là sách mà lại chưa từng biết một cuốn hay như thế này. Chắc hẳn nó có ngoài hiệu sách, ủ rũ đứng ở một xó trên cao cùng hàng loạt các loại bản đồ và những cuốn cẩm nang du lịch nhạt nhẽo khác. Tôi chưa từng biết nó lại hấp dẫn đến thế, cho đến hôm nay.
Chuyến đi mở ra nhiều cái mới. Tôi có thêm rất nhiều bạn và làm quen với diễn đàn. Nhưng phải kiếm một cái nick cho bằng người ta chứ dùng tên thật quê chết. Xế Lá rất nhiệt tình chăm chút cho bà chị mới đi lần đầu, đưa ra gần hai chục nick các loại mà cậu ta vốn dùng để chém gió, cho tôi chọn, đỡ phải lập cái mới. Giữa những Loicuagio, Gianghovat, Chauchaudavoi, Doila… tôi chọn… Yemdaolanglo! Yếm Đào Lẳng Lơ! Cái tên nghe lạ lạ, hay hay, vừa duyên mà vừa lẳng, vừa ghê gớm mà cũng vừa quyến rũ. Chọn rồi thấy hợp với mình quá thể. Và từ đó chết cái tên Yếm, ai cũng thích gọi vì nghe nó kêu như chuông. Người rảnh rang thì gọi đầy đủ bốn tiếng, người vội thì gọi tắt Yếm Đào, Yếm Lẳng, thậm chí Yếm hoặc Lẳng, là xong.
Tôi lên Đinh Lễ cẩn thận ôm về một quyển Bản đồ đường bộ Việt Nam, nắn nót dùng bút vẽ một đường vòng cung đường vừa đi. Tôi sẽ đi hết những con đường lớn nhỏ dọc ngang trong cuốn sách này. Bao lâu cũng được, tôi sẽ đi hết bằng đôi chân của tôi và vẽ hết những con đường này bằng chiếc bút của tôi. Tôi bắt đầu lên cung, bắt đầu đi như chạy vì thấy mình đã quá tuổi chơi rồi. Ở tuổi này, phụ nữ đa số đã thành gái một con hết cả, ai độc thân thì đều bị coi là “ế”, thế mà tôi lại chỉ tìm cách đi chơi. Như để bù lại nỗi phí hoài tuổi thanh xuân và chữa chạy cho lỗi lầm thời trẻ, tôi lao vào các chuyến đi. Tôi đọc hết tất cả mọi thứ có được trên mạng về các chuyến đi khác rồi tự lên những cung đường cho mình và thực hiện ngay lập tức.
Tôi phát hiện ra một sự thật, với tôi, “ổn định” là dịch chuyển, là động đậy, là đi lại. Bởi chỉ có khi đi, tôi mới thấy mình yên ổn.
Phượt thời Yahoo
Yahoo đã bị xóa sổ vào tháng 7 năm 2016. Facebook, “fast and furious”, đã khiến cho Yahoo hít khói. Kể cũng có đôi chút tiếc nuối, khi Yahoo đã là một phần đời sống của lứa như tôi, một công cụ thần thánh giúp tôi kết nối với bạn phượt. Xin dành một phút mặc niệm cho Yahoo.
Tôi trở thành Yếm Đào Lẳng Lơ của giới đi phượt, chăm chỉ với các cung đường to nhỏ, nổi lềnh phềnh trên diễn đàn, náo nhiệt kết bạn giang hồ. Bạn “ảo” thành bạn thật. Mỗi tối tôi cùng lũ đi bụi lại điểm danh tại quán trà đá góc Nhà hát Lớn. Dù ban ngày bạn làm nghề gì, tối đến khi tụ tập ở đây, tất cả đều là dân đi bụi, chỉ nói chuyện về những chuyến đi, về cung đường, về những thứ sắp tới. Một đứa rồi vài đứa rồi cả hội quen nhau tất, ầm ĩ một góc. Đứa nào vừa đi cung nào về là rầm rộ lên ngay. Xạ Điêu vừa múa trong Háng Tề Chơ, cụ Du Già mới từ Lìm Mông xuống, nhóm kia vừa đi Y Tý ngắm mây về, đoàn nọ vừa chạy Hà Giang qua, nhóm Fan Love vừa leo Fan xuống… đều được sẻ chia thông tin ngay tại quán trà đá. Đó là nơi anh em gặp mặt, là nơi lên cung đường cho chuyến mới, là nơi chia sẻ kinh nghiệm, là nơi ọp ẹp trước khi lên đường và tổng kết sau khi đi về. Các nhóm chuẩn bị đi đâu đều lôi nhau ra trà đá bàn, mời người vừa đi trước đến để xin kinh nghiệm, lên cung đàng hoàng, rồi lên đường trong niềm phấn khích.
Thông tin trên mạng ít ỏi, những người đã đi và về truyền đạt trực tiếp kinh nghiệm cho người đi sau. Thế nên anh em giang hồ hầu như quen nhau hết, không biết mặt cũng biết tiếng. Có cung đường nào hay lập tức kể lại với nhau rồi anh em lại háo hức lên đường. Thời ấy giới phượt đã đi đơn giản như vậy. Thông tin gần như bằng không, đồ đạc có gì dùng nấy. Tài sản chỉ là vài bộ quần áo cũ bọc trong túi ni lông cho khỏi ướt, ít đồ cá nhân, áo mưa, mũ bảo hiểm, chút tiền giắt lưng, con dao cắt hoa quả mượn của mẹ và bản đồ. Đồ bảo hộ chỉ là một miếng dán phản quang sau mũ, đôi ủng đi mưa. Cái mũ bảo hiểm cũng là loại đi phố rởm rít đối phó công an. Phượt của thuở sơ khai chỉ có trái tim nhiệt huyết.
Sau này khi phong trào phượt trở nên rầm rộ mới nảy ra những những cửa hàng chuyên đồ cho dân phượt. Chính những người đi về, thấy thiếu đồ này đồ kia, mới đi tìm để mua, trước là mua cho mình, sau là mua cho anh em dùng, dần dần thành mối cung cấp cho những ai có nhu cầu. Những món đồ đa năng xuất hiện, từ cái bàn chải đánh răng đến cái mũ bao nửa đầu, từ bọc chân bọc gối đến giày chuyên dụng, ủng đi mưa, áo nhiều lớp hay bộ đồ pha chế cà phê, con dao gấp nhiều chức năng đến dụng cụ định vị. Mọi thứ mới mẻ phục vụ cho nhu cầu đi lại. Quán Phượt của Lộc béo, Army Box của Fav, quán Gió của Bodyparty đã ra đời như thế.
Các bạn đi phượt bấy giờ nhiều người tầm tuổi tôi, phần lớn đều đã đi làm, có chút tích lũy chứ không đi sớm như các bạn trẻ bây giờ. Bạn trẻ hiện nay có điều kiện hơn rất nhiều, kinh nghiệm của người đi trước cả rổ trên mạng, thiết bị dụng cụ tận răng: xe cộ sành điệu, quần áo bảo hộ, mũ bảo hiểm kín đầu, áo giáp, các loại bịt đầu gối, bịt ống đồng, cho đến bếp cồn chuyên dụng để đun nước trên đường, ống nhòm ngắm mây bay gió thoảng…, những thứ mà ở thời tôi chỉ nghe thôi đã thấy chóng hết cả mặt. Nhưng tôi không tin là niềm vui của chúng tôi lại ít ỏi hơn họ.
Tiếp đến là một lứa đi phượt khác. Họ tiến bước ra thế giới với những hành trình cũng rất khủng. Tay lăm lăm smartphone, đi đến đâu họ check in đến đấy. Trước khi đi họ xin tài trợ các nơi, làm truyền thông kỹ càng, vừa đi vừa tranh thủ quảng cáo cho một sản phẩm nào đó, viết bài đăng báo, và cuối cùng là một cuốn sách ra đời lúc trở về. Một cuộc đi đạt được nhiều mục đích cùng lúc. Sự chuyên nghiệp ấy khiến tôi cảm thấy mình lạc hậu quá mức, chỉ biết đi thôi chẳng biết gì!
Xe đi phượt của chúng tôi chính là con xe vẫn đi hằng ngày, những Wave, Dream, được sửa chữa, tra dầu trước và sau mỗi lần đi. Tiền nộp quỹ chung cả đoàn một đứa cầm còn tiền xăng xe, xế và ôm tự chia nhau. Mỗi nhóm đều cố gắng mang theo một bộ đồ sửa xe, xe đi chốt cầm bộ đồ ấy. Một nhóm chạy có người dẫn đoàn, đa phần là đã từng đi hoặc trưởng nhóm. Chốt cuối là người mang đồ sửa xe. Cứ thế mà chạy theo tốc độ quy định, không quá 60km/h. Gặp các ngã ba rẽ thường sẽ dừng lại đợi hoặc cử người đứng đợi các xe sau.
Dân đi bụi chúng tôi hồi ấy đã tạo ra, hoặc là sử dụng một mớ ngôn ngữ riêng biệt. Chẳng biết ai là người tạo ra một từ nào đó lần đầu tiên, khi nó được dùng nhiều, từ ấy nghiễm nhiên trở thành của chung tất cả.
Phượt: Từ chỉ những người mê xê dịch, thích khám phá thiên nhiên, đất nước, con người bằng cách rong ruổi trên xe máy. Họ tự lên cung đường, tự tìm chỗ nghỉ chân, ăn uống, vui chơi. Dân đi ban đầu dùng từ “lượt phượt” - chỉ chuyến đi lê la dài ngày, sau nói gọn thành “phượt” nghe mạnh mẽ bụi bặm rất hợp chất. Về sau từ này trở nên thông dụng, nhà nhà người người dùng, đi bộ, đi xe đạp, đi ô tô theo kiểu tự do cũng gọi là phượt hết.
Xế: Là người cầm lái chính, chủ yếu là nam giới.
Ôm: Là những người ngồi sau tay lái, chủ yếu là nữ giới.
Ọp ẹp: Sau khi hô hào giao lưu online thì sẽ có các buổi offline gặp mặt trực tiếp bàn chuyện. Nói theo kiểu tiếng Việt là ọp, rồi thành ọp ẹp.
Offroad: Là cung đường chạy xe gồ ghề đá sỏi đòi hỏi nhiều kỹ năng và bản lĩnh của người cầm lái.
Leader hay trưởng đoàn: Là người đứng đầu tổ chức chuyến đi, lên lịch trình, tuyển xế và ôm, tìm hiểu cung đường, điểm ăn-ngủ-nghỉ và ra quyết sách cho cả đoàn. Trưởng đoàn thường là người có kinh nghiệm, được mọi người trong đoàn tín nhiệm.
Dẫn đoàn: Là những người chạy đầu tiên dẫn đường, giữ nhịp tốc độ cho cả đoàn, thông báo kịp thời các vấn đề về chướng ngại vật phía trước. Tất cả các xe đều phải chạy sau người dẫn đoàn. Người dẫn đoàn thường là người có kinh nghiệm chạy xe, biết đường và luôn có bản đồ trong tay.
Chốt giữa: Là người đi giữa đoàn xe, có nhiệm vụ bao quát cả đoàn trước, sau và dừng lại chờ tại các ngã ba ngã tư để chỉ đường cho nhóm sau đi tiếp.
Chốt đoàn: Là người đi sau cùng đoàn xe, có nhiệm vụ bảo đảm số lượng các thành viên và giải quyết các vấn đề nếu có xe bị tụt lại sau. Xe chạy chốt đoàn thường là người có kinh nghiệm và luôn có một bộ đồ sửa xe với đầy đủ các dụng cụ đi cùng.
Lên cung: Tức là lên kế hoạch lịch trình cho cung đường nào đó bao gồm: quãng đường phải đi, các điểm chơi sẽ dừng lại, các điểm nghỉ chân dọc đường, ăn trưa và ăn tối, các điểm ngủ buổi tối, quãng đường đi mỗi ngày, các chú ý đặc biệt cho chuyến đi, đồ dùng cần mang theo, số thành viên, tổng tiền cần đóng, thời gian đi lại.
Đi trếch: Trekking, đi bộ để khám phá các vùng miền, làng bản nơi sâu thẳm trong rừng hay lên núi.
Tứ đại đỉnh đèo: Là 4 đỉnh đèo nổi tiếng hiểm trở bậc nhất vùng núi rừng phía Bắc bao gồm đèo Mã Pì Lèng (dài 20km, nối hai xã Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang), đèo Ô Quy Hồ (dài gần 40km, nối hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu), đèo Pha Đin (dài 32km, nối hai tỉnh Sơn La và Điện Biên) và đèo Khau Phạ (dài hơn 30km, nối giữa Tú Lệ và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái).
Tứ đại tử địa: Là 4 địa danh khó nhằn và khó chinh phục của vùng đất Yên Bái, nơi thâm sâu cùng cốc với những đoạn đường đi xuyên trong rừng gồm Tà Sì Láng, Háng Tề Chơ, Phìn Hồ và Làng Nhì.
Đi chấm: Là hành trình đi theo tọa độ định vị của GPS tìm điểm giao nhau của vĩ tuyến chẵn và kinh độ chẵn. Một hành trình thú vị với bất cứ điểm đến nào.
Đi chấm điểm: Chỉ kiểu đi hời hợt, chỉ cốt đến được nhiều điểm chứ không tìm hiểu cảm nhận thiên nhiên cuộc sống nơi đến.
“Săn mây”, “săn lúa”, “săn tuyết”: Là những cụm từ chỉ thời điểm có những đặc sản thiên nhiên vùng miền mà dân phượt thường mong chờ. Như “săn mây Y Tý”, “săn lúa Mù Cang Chải”, “săn tuyết Sapa”…
Say đường: Chỉ trạng thái của người chạy xe khi luôn muốn cầm lái chạy trên cung đường mà không muốn dừng lại.
Say nắng: Chỉ trạng thái tình cảm lướt qua của một cặp đôi xế - ôm nào đó trên đường, vì cảnh quan hữu tình, vì chung sở thích, vì chia sẻ khó khăn mà thích nhau. Những cặp đôi say nắng có thể về nhà sẽ “tỉnh” lại, nhưng có những đôi nên duyên vợ chồng.
Ảnh tặc: Là kẻ chuyên lao ra trước máy ảnh để đòi chụp trước khi nhường chỗ trống không người cho các tay máy tác nghiệp.
Người trong giang hồ: Để chỉ những người có chung sở thích xê dịch, hầu hết quen nhau, không đi cùng nhau nhưng biết tiếng biết mặt, gặp nhau lúc khó khăn trên đường sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
Đi mới thấy đất nước mình đẹp vô cùng và còn nhiều nơi hoang sơ, nghèo khó. Đi rồi thấy tiếc vì mình đến những nơi ấy mà chẳng mang gì ngoài vài chiếc kẹo ăn đường. Muốn trở lại cũng khó vì còn nhiều nơi muốn đi. Không thể mang nhiều thứ trong chiếc ba lô đi bụi, tôi phải chọn những món đồ không quá cồng kềnh và hữu ích. Bút chì, tẩy và phấn viết bảng là những món đồ hợp với túi tiền ít ỏi tôi có. Trước mỗi chuyến đi, tôi đều cố gắng chuẩn bị khoảng trăm chiếc bút chì, vài chục hộp bút màu hoặc phấn trắng, nhét vào ba lô. Dọc đường đi, gặp trường học, tôi thường để chúng vào hộc bàn cô giáo, mỗi nơi một ít. Chỉ là một món quà của miền xuôi mang cho miền ngược, chẳng nhiều nhặn gì, nhưng có tấm lòng của tôi ở đó, hy vọng các em học cái chữ được nhiều hơn một chút, có nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Mỗi lần đặt một món đồ nào đó vào lớp học trống, tôi đều tưởng tượng ra ánh mắt của lũ trẻ khi được nhận quà. Hẳn chúng sẽ vui lắm!
Tôi dành mọi thời gian của các kỳ nghỉ cho các chuyến đi, hầu như tuần nào cũng lên đường. Làm dồn ca dồn kíp, làm đêm để dồn ngày nghỉ. Tối thứ Sáu là tấp tểnh lên xe, lượn đâu đó hai ngày cuối tuần, đêm muộn Chủ nhật lại có mặt ở nhà, sáng thứ Hai đi làm bình thường. Không hiểu thời đó chúng ta đã lấy đâu ra sức lực, tinh thần để được như vậy nhỉ, Cường 1102, Chinhs, Last Walkman, Châu Phúc, Huntuibui, Lá Rụng, Núi Rừng, Độc Cô, Bác Chuột… và nhiều nhiều người khác nữa? Chúng ta đã lấy ở đâu cái tinh thần vượt mọi khó khăn ấy để đi và không hề tiếc nuối vì đã đi, đã đến và đã cảm như thế trong nhiều năm tuổi trẻ?
Gái phượt
Không có gái phượt, những chuyến đi sẽ mất phần hấp dẫn, thiếu đi sự dịu dàng, lãng mạn và cân bằng. Không có họ, các xế chỉ biết lao ầm ầm, không có ai để trò chuyện bầu bạn, để hí hí há há sau lưng hàng trăm chuyện linh tinh, không có ai để thi thoảng lại đòi đi “hái hoa” (tức là đi tè) ở một nơi phải có view thật đẹp! Không có ai để thi thoảng hỏi những câu khiến xế muốn phát điên, ơ thế sao đường này gọi là đèo mà chỗ kia lại chỉ là dốc? Ơ thế đi số 2 thì không cần phanh à? Không có ai để cắm hoa trên xe cho nó rung rinh khắp quãng đường đi. Không có ai để mỗi tối xế được mát xa cái vai nhức mỏi. Không có ai để nhờ vả khi muốn khâu cái quần bục chỉ hay xin miếng băng vệ sinh để nhét đôi giày cho khỏi ướt. Và không có họ, làm sao thành lứa thành đôi. Tôi vẫn nói đùa bảo muốn làm gái phượt phải vừa biết hát ca, vừa biết kể chuyện ma lẫn chuyện hài, vừa biết mát xa, biết may biết vá thì mới được.
Con gái đi phượt đòi hỏi nhiều sức khỏe, sự tháo vát và nhanh nhạy. Mấy nàng tôi gặp, nàng nào cũng vóc dáng khỏe mạnh, tính cách mạnh mẽ, cá tính ngời ngời và có đôi lúc cảm thấy nam tính vì các nàng ấy tự lập quá.
Nàng Black Thủy Trần tươi hơn hoa, đen giòn nhóng nhánh, nụ cười lúc nào cũng thường trực khoe hai cái lúm đồng xu duyên dáng, ánh mắt long lanh tràn đầy sức sống. Gặp nàng ấy lần nào cũng thấy vui vẻ, tươi cười. Black đi khỏe, chơi khỏe, viết cũng khỏe, tham gia nhiệt tình và là một trong các mod uy tín của Phượt.com. Nàng còn ra hẳn hai cuốn sách du ký vào cuối năm ngoái khiến tôi ghen tị quá đỗi.
Nàng Quỳnh Virgo thì đi khỏe kinh khủng, leo núi nhoay nhoáy. Tôi đi cùng nàng có một chuyến Phượng Hoàng cổ trấn năm 2009 còn nghe giai thoại về nàng thì vô cùng nhiều. Nàng nổi tiếng với kiểu đi chấm, tức cách đi dùng định vị tọa độ. Ở Việt Nam có 39 chấm, phải tìm tọa độ, đến nơi, chụp lại ảnh của GPS, ảnh quang cảnh xung quanh. Tưởng dễ mà khó vì phải trèo đèo vượt suối mới có thể tìm đến đúng tọa độ.
Linh Evil tôi chưa đi cùng bao giờ nhưng tiếng tăm thì khỏi nói, lại còn văn hay chữ tốt nữa nên có nhiều bài viết đăng báo, đọc rất sướng. Khi tôi chưa biết viết báo là gì thì đã thấy bài nàng chịu chíu trên tạp chí. Thời gian làm tờ Lửa ấm của báo Tiền Phong, tôi phụ trách mảng viết Du lịch còn nàng làm mảng Weekly me. Lúc đấy tôi lại choáng khi thấy một Linh khác, mong manh, yêu thương gia đình, dễ vỡ và tràn đầy những tình yêu nhỏ bé dành cho cuộc sống. Dáng vẻ bên ngoài đầy bụi bặm và nam tính nhưng bên trong hóa ra lại là một tâm hồn ngọt ngào đến vậy.
Nàng Lưu Hương trông tẩm ngẩm tầm ngầm mà dẻo dai, leo núi có số má, lúc đi thì quần bom giày bụi, lúc về thì yểu điệu váy bướm giày cao gót. Nàng ta văn hay chữ tốt lại còn nhiều tài lẻ, tỉ như vẽ vời, tỉ như thiết kế và may vá quần áo.
Nghỉ chân giữa chốn hoang sơ.
Hồng Rosy là mod có tiếng của box Du lịch, vừa xinh gái lại năng nổ, hoạt động hết mình cho các phong trào của giới đi bụi, được nhiều người biết tiếng. Linh Hương cùng Ngọc Sandrose, mỗi người một vẻ, đi nhiều, đều giỏi giang, năng động, kiếm tiền tốt. Còn rất rất nhiều những nữ hào kiệt khác mà tôi có vinh hạnh được quen được biết hoặc được cùng đi trong một cung nào đó. Nhiều cái tên khác, như chị Tâm Chủ tịch đến hôm nay vẫn là những người đi đường tạo cảm hứng cho lớp phượt về sau. Còn một người nữa mà tôi vô cùng ngưỡng mộ là em Vuulan với hành trình Nam Mỹ đã từng đình đám trong giới đi bụi. Tôi không thân với Vuulan, nhưng quen với những người xung quanh biết về em thì rất nhiều. Chỉ nghe chuyện thôi cũng đã đủ mê mệt.
Gái phượt vốn có tiếng là xấu như ma. Những chị em mà tôi biết có thể không đẹp quá, nhưng cũng chẳng xấu, nhan sắc nói ra thì cũng “đủ dùng”. Chỉ có điều vì đi nhiều không chăm chút bề ngoài nên mới bị te tua đi mà thôi.
Tôi nhớ có lần thấy mình thảm quá sau một chuyến đi, đã lên kế hoạch đại tu nhan sắc thế này:
1. Nước lọc ngày 8 cốc, tính cả canh và sữa tươi.
2. Sữa rửa mặt trắng da ngày 2 lần, sáng và tối, lúc nào thấy “tối” quá lại rửa.
3. Hoa quả bồi bổ lung tung.
4. Sữa chua đắp mặt và ăn 1 hộp, tránh loại hoa quả ưa thích nhưng nóng không tốt cho da.
5. Áo dài tay tránh nắng, khẩu trang, mũ kính bịt kín khi ra đường. Ra đi lúc nhá nhem, ngồi kiếm chỗ tranh tối tranh sáng.
6. Quần dài, tránh ngố, váy và loại siêu ngắn khác.
7. Tóc tai tỉa tót.
8. Ngủ đủ 8 tiếng, ăn đủ ngày 3 bữa dù là bún đậu hay KFC.
9. Không ngủ nướng quá 12h, không về khuya quá 23h, không thức khuya lướt net lúc 24h.
10. Tranh thủ xem phim tình cảm, nghe nhạc nhẹ bồi bổ tâm hồn trong lúc đắp mặt nạ hay uống sinh tố hoa quả.
11. Tránh đánh võng mặt đường, lê la quán xá, trà đá thuốc lào kẹo lạc và tán phét nhiều tối trong 1 tuần.
Chưa được bao lâu, thấy nhóm này nhóm kia í ới là tôi tặc lưỡi, thôi đi nốt chuyến này rồi về làm đẹp một thể. Nhưng đã bao nhiêu cái “đi nốt” vẫn chưa xong, kế hoạch làm đẹp cứ nằm mốc meo một chỗ.
Nhưng với tôi, nhan sắc của những cô gái đi phượt không thể hiện ở dáng vẻ bề ngoài, không phải là khuôn mặt hay vóc dáng mà toát ra từ thần thái, khí chất, tác phong. Ở họ có sự hấp dẫn mạnh mẽ thu hút người xung quanh, khiến cho họ đặc biệt hơn những cô gái khác. Họ nhanh nhẹn, quyết đoán, tính cách khảng khái, hào sảng và đầy ma lực. Tôi còn chắc họ có chút máu “điên” và nổi loạn trong người. Có điên mới dấn thân vào những cung đường khó nhằn nhất, nơi mà đến chính bọn đàn ông còn ngao ngán.
Hơn nữa, gái phượt sẽ có những dụng cụ “bá đạo” mà trai phượt không có, thi thoảng còn phải mượn để dùng. Này nhé:
Chun buộc tóc: Buộc tóc và buộc được rất nhiều thứ khác.
Dầu gội sữa tắm gói nhỏ: Gói hằng ngày tiện dụng đủ dùng cho các ngày đi chơi. Mang thừa một chút để dùng giặt đồ và cho mấy tên con trai đi cùng luôn.
Băng vệ sinh: Món đồ sử dụng trong vô khối trường hợp như làm bông băng cứu thương, lót vào trong giày để hút ẩm, và cả lọc nước… để uống.
Khăn giấy, giấy ướt: Tiện cho nhiều việc, lau tay, lau đồ, đi vệ sinh…
Bộ kim chỉ: Khi cần, chị em phụ nữ sẽ thể hiện sự đảm đang của mình ngay.
Những chiếc khăn quàng đa năng: Khăn quàng làm điệu, một chiếc khăn với màu sắc sặc sỡ sẽ giúp bạn nổi bật giữa thiên nhiên. Nhưng khăn quàng cũng có thể làm mũ, áo chống nắng, váy, thắt lưng, buồng thay đồ di động, ga giường, chăn, dây cuốn, băng y tế, túi nải… Một tỉ công dụng.
Hạnh phúc theo cách của mình
Sau hai năm đi bụi, tôi viết đơn xin nghỉ việc ở khách sạn, chấm dứt cuộc đời nhàn nhạt, trở thành một nhà báo chuyên viết về du lịch. Kể cũng ngược đời. Người ta làm báo du lịch vì viết mà đi, còn tôi vì đi mà viết. Nghề chọn người, nghề báo đã chọn tôi. Năm 2008, tôi thành một phóng viên chuyên viết về du lịch và làm nghề cho đến tận bây giờ.
10 năm đi qua, tôi vẽ gần kín hết những con đường chằng chịt trong cuốn bản đồ rồi vẽ thêm chỗ này chỗ kia, trông như cái râu con mực, nghĩa là tôi đã đi những con đường chưa được vẽ trên bản đồ. Cuốn bản đồ đã rách mép, sờn gáy, dày bịch vì những cung đường đã lên, những ghi chú sau chuyến đi, những bài đăng báo gắn vào… Nhưng không rõ tôi đã cho ai mượn và nó biến mất. Tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Không phấn son, không váy xống, không giày cao gót. Tôi trung thành tuyệt đối với giày bệt, áo phông, quần bò. Không áo chống nắng, không kem chống nắng. Tôi mang nước da đen nhóng nhánh, đen bền bỉ không đổi thay suốt bấy lâu nay. Tôi không lên một cân nào suốt mười năm, không ốm một lần nào, chỉ vớ vẩn sụt sịt rồi qua ngay. Thích nhất là không còn bị say xe nữa. Phượt cho tôi sức khỏe, sự dẻo dai, cho tôi nhiều kiến thức, cho tôi biết tôi chỉ là hạt cát nhỏ giữa đất trời bao la. Và vì thế càng muốn dấn thân, muốn đi nhiều hơn nữa.
Đi rồi viết rồi lại đi rồi viết. Cứ thế, tiền nhuận bút viết bài chuyển thành tiền đi lại, rồi đi lại về viết để có tiền. Vô sản vẫn hoàn vô sản. Tiền lép túi, kiến thức và đống dấu hộ chiếu dày lên, kín đặc hai cuốn, bài vở cũng rải khắp các mặt báo đến con số vài nghìn.
Kể từ khi tôi bỏ nghề khách sạn, chuyển sang làm báo, đi lại nhiều hơn, bố tôi không còn nói chuyện với tôi. Sự căng thẳng trong gia đình mỗi ngày một nặng nề, ngột ngạt. Tôi cũng bướng bỉnh không nói chuyện với bố. “Bố ơi, bố muốn con giống như như mảnh đất màu mỡ để cây cối có thể nảy lộc đâm chồi. Nhưng con không làm được điều đó. Con giống như mảnh đất hoang, chỉ có cỏ dại mọc trên đó mà thôi. Xin lỗi đã làm bố thất vọng!” Mẹ tôi đứng giữa hai bố con, chịu đựng. Bà là cầu nối của tôi và bố. Có chuyện gì cần nói, bố tôi chuyển lời cho mẹ và bà truyền đến cho tôi, còn tôi ngược lại cũng làm như vậy.
Mâu thuẫn và nặng nề khiến tôi có xu hướng ra đường nhiều hơn và thấy bình yên hơn. Những chuyến đi của tôi thường là không báo trước. Bất thình lình chạy đâu đó mấy ngày. Ở tuổi 30, tôi nghĩ mình đã đủ lớn để quyết định mọi việc và tự chịu trách nhiệm mọi việc. Tôi đi và không bao giờ gọi về nhà, một tin nhắn cũng không. Mẹ tôi nhiều lần nhắc tôi bằng giọng buồn rầu, nhưng tôi nói: “Chỉ khi nào mẹ thấy con trở về nhà nguyên vẹn, nghĩa là con đã về. Còn khi con đi, đủ các hang cùng ngõ hẻm, gọi về cũng chẳng nói lên điều gì.” Từ đấy mẹ không bao giờ chờ các cuộc gọi của tôi nữa, bà chỉ lẩn mẩn lên nhà, thắp hương mỗi ngày trên bàn thờ tổ tiên, cầu mong ông bà phù hộ cho đứa cháu gái đang lăn lộn ngoài kia. Và mẹ tôi còn làm một việc khác mà mãi về sau này tôi mới biết, đó là viết những mẩu giấy nhắn nhỏ, nhét vào ba lô hay ví, hay góc túi cho tôi, mỗi khi thấy tôi xếp đồ. Một hôm tôi định giặt ba lô, khi moi hết đồ đạc thì thấy một tờ lịch cũ gấp tư trong góc mới lôi ra xem. “Con đi giữ gìn sức khỏe, cẩn thận ốm. Ăn uống đầy đủ đừng bỏ bữa. Xe cộ cẩn thận. Bố mẹ già rồi. Mẹ Dung”.
Sau này tôi còn nhận được rất nhiều lời nhắn khác viết bằng đủ thứ giấy mà mẹ tôi có được trong tay, từ mẩu báo, tờ lịch, tờ giấy xé trong sổ tay, và viết bằng bút bi, bằng bút chì, thậm chí bằng bút sáp. Lần nào đọc tôi cũng cay sè sống mũi. Tôi ném chúng vào thùng rác, trốn tránh thứ cảm giác yếu mềm, nhưng tôi biết trong lòng mình không bao giờ quên được.
Năm tháng trôi qua, ai cũng phải thay đổi, cũng phải tìm bến đỗ bình yên cho mình, không thể rong ruổi mãi được. Những gái phượt đi cùng đa phần đã lập gia đình, vướng bận con cái, rơi rớt khỏi những cuộc đi, chỉ thi thoảng cuồng chân trốn con đi vài ngày, hoặc ôm cả con mà đi. Chỉ còn lại vài người vẫn miệt mài trên đường, trong đó có tôi.
Có ích kỷ không khi chỉ sống hạnh phúc cho mình, bỏ lại ánh mắt khắc khoải của mẹ cha, bỏ ngoài tai tiếng dị nghị của họ hàng làng xóm, lời chê cười của lũ bạn cùng trang lứa? Tôi đã rất nhiều lần hỏi chính bản thân mình. Và tôi tự trả lời sau nhiều đêm trăn trở: “Hãy cứ hạnh phúc theo cách của mình! Hãy sống cuộc đời của chính mình”. Khi điều ấy đã rõ ràng, không gì có thể ngăn tôi đến với hạnh phúc.
Và hạnh phúc, với tôi…
… là khi ngồi bệt xuống vệ cỏ ven đường, uống ngụm nước suối mát lành trong cái nắng cháy của mặt trời, trong mùi hương ngai ngái của cỏ dại, là khi buông tuồng xoàng xĩnh trong những áo quần bụi bặm, thoải mái tự do.
… là khi trú mình dưới một mái hiên lạ lẫm trên dặm xa, tránh cơn mưa bất chợt ập xuống, và ngắm cầu vồng bảy sắc tuyệt đẹp ẩn hiện sau cơn mưa. Là khi những áng mây đen và cơn gió thốc sầm sập đuổi sau lưng, nếm trải cái vui thích của kẻ đi trong cơn giận dữ của trời đất.
… là những buổi chiều dạo bộ trên con phố xa lạ, nghỉ chân trong một quán cà phê nhuốm sắc hoàng hôn. Những đôi giày lấm lem màu bụi đường xa, loang lổ vệt đen vệt trắng. Những bữa cơm ăn vội cho kịp giờ tàu, những buổi sáng bật dậy thật sớm để kịp chuyến bay.
… là khi được ngủ một giấc ngon lành trong làn gió mát của rừng cây, dưới những tán lá vi vu trò chuyện không ngừng và ánh nắng xiên xiên nhảy múa, hay chạy miết mải không điểm dừng trên những ngả đường tưởng như vô tận. Cuồng dại, mơ hồ, mâu thuẫn, lang thang… là tôi.
Viết cho một thời đi hoang
Năm 2014, tôi trở thành một bà mẹ đơn thân, không cô đơn nhưng phải mạnh mẽ, phải sống thật tốt với điều mình đã chọn vì một cuộc đời bé nhỏ đang rất cần được che chở.
Tôi ngồi dọn dẹp lại máy tính cá nhân, thấy một đống lộn xộn đã rất lâu rồi không dọn trên màn hình. Việc sắp xếp các dữ liệu một cách có trật tự và tử tế cũng là việc khó khăn với tôi, nó cũng giống như cuộc đời lung bung của tôi mỗi ngày vậy, chẳng có một thứ tự cụ thể nào.
Phần báo chí rải rác khắp nơi được gom vào một mục, sơ sơ ra cũng gần 5000 bài. Phần ảnh thì khủng khiếp. Tôi ngắm nghía đống “lương khô”, mười ngón tay chăm chỉ tạch tạch sản xuất những bài viết mới, thực chất là xào lại mớ thực phẩm cũ, đăng lung tung các nơi, kiếm tiền. May vẫn còn một cái nghề để mình dù ngồi nhà trông con vẫn không bị chết đói.
Một hôm tôi trốn con chạy ra ngoài cà phê và mua sách được khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Trong lúc tìm kiếm thì thấy một loạt các sách du ký ngay trước mặt. Quái quỷ, mình mới đi vắng có mấy ngày mà giờ ra lắm thế nhỉ? Hình như viết du ký đang là mốt thời thượng. Mà sách của gái phượt rất áp đảo. Tôi là một con lừa và Con đường Hồi giáo của Nguyễn Phương Mai, Xách ba lô lên và đi của Huyền Chíp, Thương nhớ Đồng Văn của Thủy Trần, Đường về nhà của Đinh Phương Linh, Quá trẻ để chết của Đinh Hằng, Ta ba lô trên đất Á của Rosie Nguyễn, Nào mình cùng đạp xe đến Paris của Nguyễn Thị Kim Ngân… Vậy là tôi rón rén nghĩ đến một cuốn du ký của chính mình.
Tôi gom các bài báo chế thành một bản thảo, chương một là đi trong nước, chương hai là đi ngoài nước, gửi đến cho Nhã Nam, cùng phần giới thiệu bản thân chi tiết và lịch sự. Ngay hôm sau tôi nhận được một lời từ chối: bản thảo của tác giả không phải là sách, chỉ là các bài báo gom lại, thiếu hấp dẫn, thiếu thuyết phục, hy vọng cộng tác lần sau… Tôi nghe mộng sách vỡ tan tành. Hôm sau nữa thì tôi nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ - Diệu Thủy, biên tập viên Nhã Nam, người đã từng đi cùng tôi một chuyến, và nhiều năm không liên lạc. “Yếm, đến gặp em đi”. Cuộc đời thật bất ngờ.
“Em là người viết thư từ chối bản thảo hôm trước của chị. Chị có nhiều thứ để viết, vấn đề là viết thế nào. Chị có quyết tâm không?” Chúng tôi cùng nhau làm việc. Dăm bảy cái đề cương đã vạch ra, hàng chục lần bản thảo sửa chữa gửi qua gửi lại. Thủy bắt tôi ngồi bới lại hết những post, những entry, status từ đời nảo đời nào để xem có gì dùng được, bắt tôi thêm nhân vật này thêm câu chuyện kia. Sau khi thực hiện xong các yêu cầu của nàng, dung lượng bản thảo lên đến gần 140 ngàn chữ. Tôi cứ tưởng thế là đã xong xuôi, thì nàng phán sắc lẹm: “Cắt, sao cho còn chừng 70 ngàn chữ! Trăm mấy chữ in ra bốn năm trăm trang sách, không ai đọc.” Trời ơi, cắt đi một nửa, “giết” tôi chắc!
Cùng chung một cách thức là gõ chữ, nhưng viết sách khác hẳn viết báo. Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Bài báo dài hai nghìn chữ thì tôi ngoáy trong khoảng hai tiếng là có thể mang đi in được luôn, nhưng viết một cuốn sách bảy tám mươi ngàn chữ thì hoảng. Không phải vì đời đi lại của mình thiếu chuyện hay mà sợ không đủ sức để viết hay, không ra được khí chất của câu chuyện, khiến tác phẩm hào hứng mấy trang đầu, trở nên dở ẹc mấy trang sau và lê thê cố kéo nốt mấy trang cuối. Tôi dành cho bản thảo nhiều thời gian, những khi tạm trống việc làm báo, những đêm khuya sau khi con gái đã ngủ say. Để cuối cùng, có Gái phượt.
Tôi không viết cuốn sách này để “truyền cảm hứng lên đường”, việc này quá nhiều cuốn sách đã làm. Tôi chỉ kể câu chuyện của cá nhân tôi, và chia sẻ rằng, phụ nữ có thể lựa chọn nhiều cách sống, miễn là họ mạnh mẽ, tự lập, và hạnh phúc với điều mình chọn lựa.
Những trang viết của tôi, đôi chỗ nhàn nhạt, đôi chỗ phô phang, đôi chỗ vui vui, đôi chỗ ngọt lịm, đôi chỗ lấy nước mắt của người khác, đôi chỗ không thể tin nổi, bởi vì nó viết theo những gì tôi đã trải qua. Cuộc đời ngắn lắm, đừng bỏ phí nó mỗi ngày - ấy là điều tôi học được sau tất cả những cái “đôi chỗ” phía trên.
Cho tôi, cho con gái và những người đã đi qua cuộc đời tôi bao năm tháng qua!