Đường Bác Hồ Đi Cứu Nước - Chương 06
“Lúc ấy tôi đương ở trong nhóm tiếng Anh, gồm phần lớn là những người Ấn Độ, nhưng cũng có cả những người da màu ở các thuộc địa châu Phi và những người Ả rập ở Ai-cập và Pa-lét-tin trước kia. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc dạy nhóm tiếng Pháp, trong đó phần lớn là những người Bắc Phi và những người Đông Dương, như lúc đó người ta thường gọi. Chúng tôi đã biết rằng đồng chí là người sáng lập ra tổ chức thanh niên cách mạng ở Đông Dương và đã từng sống lâu năm ở Pháp. Là giảng viên tương đối nhiều tuổi và có kinh nghiệm nhất, nên những ý kiến của đồng chí thường có tác dụng quan trọng trong những buổi họp để bàn bạc công việc. So với các giảng viên khác, đồng chí có ưu thế lớn là hiểu được đất nước của các học viên như đất nước mình vậy. Hơn thế nữa, đồng chí đã từng tích cực tham gia phong trào công nhân Pháp trong nhiều năm và là đại biểu Đại hội Đảng xã hội Pháp ở Tua – Đại hội mà trong đó đa số đảng viên của Giăng Gio-rét[2] đã quyết định tham gia Quốc tế cộng sản.
Đối với những người trẻ tuổi như chúng tôi, khi góp ý kiến về việc gì, không bao giờ đồng chí Nguyễn Ái Quốc tỏ ra là người hơn tuổi, có nhiều kinh nghiệm hơn, và không bao giờ Đồng chí cười chúng tôi vì những quan điểm của chúng tôi, thường là ngây thơ, - đối với thế giới thứ ba. Đồng chí coi chúng tôi như những người cộng tác bình đẳng cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ chung…”[3]
Trên đường về nước qua Trung Quốc.
“… Mùa đông năm 1938, Bác trở lại Trung Quốc.
13 năm trước đây, lần đầu tiên Bác đến Trung Quốc, và lần này Bác lại đến Trung Quốc, hai hoàn cảnh khác nhau xa, về mọi mặt.
Lần trước, Bác đến Quảng Đông. Lần này Bác đến Thiểm Bắc.
Lần trước, bọn quân phiệt đang đánh nhau lung tung. Lần này, nhân dân Trung Quốc đang chiến tranh chống phát-xít Nhật.
Lần trước, Đảng cộng sản mới ra đời, lực lượng chưa có mấy. Lần này, Đảng cộng sản đã mạnh lắm và có nhiều kinh nghiệm lắm.
Cuối năm ngoái (1937), Đảng cộng sản lập lại Mặt trận thống nhất, lại hợp tác với Quốc dân đảng để cùng nhau chống giặc Nhật. Do đó, Hồng quân đổi tên là Bát lộ quân, và Tân tứ quân. Đối với vấn đề nông dân, thì chính sách của Đảng trong thời kỳ kháng chiến là thực hành giảm tô giảm tức, tạm thời không tiếp tục cải cách ruộng đất…
Hôm đầu tiên Bác đến Tây An được các lão đồng chí hoan nghênh nhiệt liệt. Mà cũng là hôm đầu tiên phải “chạy máy bay” Nhật đến ném bom.
Tây An - là một thành phố có nhiều di tích lịch sử xưa cũ hơn ba, bốn nghìn năm, và có nhiều phong cảnh xinh đẹp. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, có thời giờ đâu, có tâm trạng đâu mà đi xem ! Tuy vậy, Bác vẫn thấy được một điều lạ : rất nhiều chim quạ đen. Lúc trời gần tối có hàng chục vạn con quạ từ bốn phương bay đến, đỗ kín các mái nhà và ngọn cổ thụ trong công viên. Sáng sớm chúng xuống đỗ kín mặt đất, nhảy nhót và kêu quạc quạc ầm lên như cãi nhau, rồi từng nhóm, từng nhóm kéo nhau bay mỗi nhóm một phương trời. Trông thấy bầy quạ, Bác nhớ lại câu ca dao :
Quạ nào mà chẳng đen lông
Địa chủ nào mà tốt với bần cố nông bao giờ ?
Ở Tây An vài hôm, rồi đi Diên An, Bác cùng mấy đồng chí Trung Quốc phụ trách “hộ tống” mấy ngày chiếc xe chở vải rách (mua về để bện dép) đến Diên An. Xe này không phải là xe hơi mà cũng không phải là xe bò, vì nhiều khi phải dùng một ngựa, một lừa và một trâu cùng kéo ! Mỗi ngày chỉ đi được vài chục cây số. Tối đến, trọ ở nhà nông dân ; tiền phòng ngủ và tiền ăn (ăn miến, ăn nhiều ít tùy ý) chỉ tốn 2 hào. Đi đủng đỉnh chậm chạp như thế có hơi mệt. Nhưng lại thấy được nhiều điều thú vị.
Trên đường, gặp nhiều nhóm thanh niên, trai có, gái có, số đông là trí thức, từ các nơi lũ lượt kéo nhau đi Diên An. Phần vì không quen lao động, phần thì vì đi bộ đã nhiều ngày, lắm người mỏi mệt, hầu như phải lê từng bước. Nhưng họ hướng về Diên An trung tâm cách mạng như các tín đồ hướng về “đất thánh”. Họ quyết vượt mọi gian khổ, đi cho đến nơi. Họ chia thành từng nhóm, giúp đỡ lẫn nhau. Hai bên đường, trên gốc cây và tảng đá, thường có những khẩu hiệu viết bằng phấn hoặc bằng than : “Anh chị em ơi ! Gần đến X… rồi ! Cố gắng lên thôi !...”.
Bác có gặp một nhóm thanh niên Hoa kiều đi bộ từ Xiêm về. Bác thân mật nói chuyện và bảo họ : Lấy nước đái bóp chân cho đỡ mỏi ; vừa đi đường vừa kể chuyện hoặc ca hát cho khuây khỏa…
Từ Tây An đến Diên An có nhiều vùng “xôi đỗ”. Những huyện “trắng” thuộc Quốc dân đảng. Những huyện “đỏ” thuộc về ta. Cũng có huyện nửa trắng nửa đỏ, ở đây, vì huyện trưởng thường là “trắng”, mọi việc dân cứ tìm đến cán bộ đỏ, cho nên “quan huyện” rất nhàn hạ như câu hát :
Chiều chiều quan huyện ra câu,
Cái vo, cái chén, cài bầu sau lưng…
Thanh niên học sinh các nơi tìm vào Diên An, lúc đi qua vùng trắng, có khi bị bọn Quốc dân đảng bắt cóc làm mất tích.
Ở vùng trắng, dọc đường thường có lính Quốc dân đảng cầm súng gác. Ở các trạm vùng đỏ, do nông dân, hoặc thanh niên, phụ nữ, đôi khi các em nhi đồng cầm giáo dài ngũ đỏ canh phòng.
Một buổi trưa trời nắng, Bác đang nghỉ trong một cái quán. Khi cơm mới sôi thì chị nhà hàng hối hả mang nồi chạy ra sau vườn. Ngoài đường phố, một toán lính Quốc dân đảng đang khệnh khạng kéo đi. Sau mươi phút, bà chị lại hăm hở mang nồi cơm về. Bác hỏi : “Cơm đang sôi, sao thím mang chạy?”. Chị nhà hàng khẽ trả lời : “Các đồng chí mới đến không biết “Chúng” ăn đã không trả tiền thì chớ, “chúng” còn đánh đập người ta nữa là khác ! ”.
“Chúng” tức là bọn binh sĩ Quốc dân đảng. Dân gian ở đây có câu : “Nhất binh, nhì phỉ, vơ vét thật kỹ, nhất phỉ nhì binh”.
Cùng trên một đường phố ở thị trấn H. Bát lộ quân và Quốc dân đảng đều có đặt trạm mộ lính mới. Bên trạm “Bát lộ” thì người đến đăng ký đông kìn kịt. Bên trạm “quốc dân” thì chẳng có ai vào, tên trạm trưởng bèn nghĩ ra một diệu kế - nó trang hoàng trạm nó giống hệt như trạm “Bát lộ”. Kết quả có người vào ngay. Nhưng người vào rồi lại quay ra, ra để đi vào trạm “Bát lộ”… Hơn nữa, nhiều lính Quốc dân đảng bí mật trốn theo Bát lộ quân…
Nhìn qua những việc nhỏ bé, người ta cũng thấy rõ lòng dân hướng về ai.
Đi độ một tuần thì đến Diên An.
Diên An là một thị trấn thường, ở địa phận núi, nhà cửa không nhiều mấy, nhưng số người lại rất đông. Đại đa số ở nhà “hầm” tức là xuyên núi đất thành những tổ tò vò khổng lồ hàng chục người ở được. Nhà hầm có cái ưu điểm là mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Những dãy nhà hầm theo chân vào sườn núi. Học sinh và bộ đội ở nhà hầm, Các đồng chí lãnh tụ Đảng và Chính phủ cũng ở nhà hầm.
Bác nói : Đến Diên An, trong lòng rất phấn khởi, nhưng không khỏi bỡ ngỡ ít nhiều. Thí dụ, lúc đầu không phân biệt được ai là bộ đội, ai là học sinh, ai là chỉ huy, ai là cán bộ, thậm chí không phân biệt được ai là đàn ông, ai là đàn bà ! Thật vậy ! Vì mọi người đều ăn mặc gọn gàng và một kiểu như nhau : áo quần nhuộm màu chàm, và giầy vải. Mấy ký giả nước ngoài đã tặng đồng chí Chu Đức cái danh hiệu “ Hỏa đầu phu tướng quân”, vì Chu tổng tư lệnh cũng mặc như người nấu bếp.
Ăn thì mỗi ngày hai bữa cơm gạo mạch với cà-rốt và củ cải. Lúc đầu, Bác chưa quen, ăn không được. Nhưng vài hôm sau dần dần ăn được, ví như câu tục ngữ nói : “Đói, thì muối cũng ngon”.
Cứ cách mười hôm lại có một bữa “ca xôi” (thêm rau). Các “anh nuôi” khéo tiết kiệm. Khoảng 10 ngày cộng lại một lần, tiết kiệm được bao nhiêu đều dùng vào “ca xôi” : Cơm trắng với cá, thịt, vịt, gà… như một bữa tiệc to.
Về mặt vật chất, Diên An là một nơi cực kỳ giản đơn, chất phác, khắc khổ. Về mặt tinh thần thì Diên An là một “Trời đất tự do” cự kỳ vui vẻ, sôi nổi, phấn khởi, khẩn trương. Ai cũng tăng gia, ai cũng học tập.
Trường học to nhất là trường “Kháng đại” (Kháng Nhật quân chính đại học), trong mấy năm đã đào tạo 20 vạn cán bộ quân sự chính trị. Nhà trường trống rỗng, không ghế không bàn. Khi lên lớp, mỗi học sinh mang theo một cái ghế cỏn con để ngồi ; khi ghi chép thì học sinh kê sách lên đầu gối mà viết.
Lúc đó Diên An là nơi tổng chỉ huy của 18 vạn quân đội cách mạng và 8, 9 khu giải phóng ở Hoa Bắc và Hoa Trung. Một không khí bồng bột lạ thường bao trùm tất cả mọi người và biểu lộ ra trên nét mặt của mỗi người. Đoàn kết, phấn đấu, thắng lợi - đó là chí khí của Diên An, nó thật xứng đáng với cái tên vẻ vang mà nhân dân Trung Quốc tặng cho nó : “Thánh địa cách mạng”.
Gần Diên An có mấy di tích lịch sử nổi tiếng : lăng Hoàng đế ( Hoàng đế là tên một vị vua có công đức đối với dân, cách đây khoảng 5.000 năm) ; “Đỗ Phủ xuyên” là con suối mà đời xưa đại thi sĩ Đỗ Phủ thường đi đến ; có Bửu Tháp trên núi Gia Lăng. Khi đi gần Cam Tuyền, Bác nhớ lại câu : “Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây” trong Chinh phụ ngâm nổi tiếng.
Vội đi Hoa Nam cho gần nước ta hơn, Bác chỉ ở Diên An hai tuần, rồi trở lại Tây An. Lần này đi cùng năm chiếc xe hơi chở học sinh, cán bộ trung cấp và cao cấp. Khi đi qua vùng “trắng” X. bọn đặc vụ Quốc dân đảng bắt xe dừng lại và lục soát, rồi chúng dọa giữ xe và người lại. Đồng chí Lâm Bưu bảo chúng đại ý : “Chúng tôi đi có việc cần và rất quan trọng. Nếu muốn giữ chúng tôi lại, thì các anh phải viết giấy rõ ràng…”. Trước thái độ cứng cỏi đó, bọn đặc vụ không dám lôi thôi nữa.
Việc này lại một lần nữa phơi bày sự đê hèn của bọn Tưởng.
Đến Tây An, Bác đi Quảng Tây, vì Quảng Đông hồi đó bị giặc Nhật chiếm rồi. Cùng đi chuyến ấy có đồng chí L. là cán bộ Đảng. Để cho có vẻ, đồng chí L. ra vai quan trưởng, Bác thì làm vai lính hầu của L.
Ở Quế Lâm (tỉnh lỵ Quảng Tây) có biện sự xứ và một đơn vị nhỏ của Bát lộ quân. Bác vừa tham gia công việc Bát lộ quân, vừa tìm cách liên lạc với trong nước. Các đồng chí Trung Quốc giúp Bác nhiều trong việc này.
Khi đơn vị Bát lộ quân mới đến đóng ngoại ô Quế Lâm, nhân dân địa phương tỏ vẻ lạnh nhạt, vì họ đã bị Quốc dân đảng tuyên truyền. Nhưng ra sức thực hành khẩu hiệu “Hết lòng giúp đỡ nhân dân”, cho nên không bao lâu thì cảm tình giữa Bát lộ quân và bà con địa phương đã trở lên “Như cá với nước”.
Bác được đơn vị bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ. Câu lạc bộ vừa là một cơ quan văn hóa của đơn vị, vừa là cơ quan tuyên truyền đối với nhân dân địa phương.
Được ít lâu, Bác đi Hàm Dương với đồng chí tướng quân Diệp Kiếm Anh. Vì Bát lộ quân và Tân tứ quân khéo dùng chiến thuật du kích, luôn luôn thắng lợi trước mặt trận cũng như sau lưng địch. Ngày bắt đầu chống Nhật, hai quân đội ấy chỉ có độ 4 vạn chiến sĩ ; năm 1938 đã phát triển đến 18 vạn người, đã thu phục lại nhiều nơi bị Nhật chiếm vì quân Quốc dân đảng bỏ chạy, đã mở được nhiều khu giải phóng rộng lớn, và đương đầu với hơn 40 vạn quân Nhật. Còn quân Quốc dân đảng thì liên tiếp thua trận này đến trận khác. Thấy vậy, Tưởng Giới Thạch bèn nhờ Bát lộ quân dạy chiến thuật du kích cho một số sĩ quan của hắn. Đồng chí Diệp Kiếm Anh lãnh đạo một số đồng chí giáo quan phụ trách trường huấn luyện ấy.
Bác được bầu làm bí thư chi bộ, kiêm việc nghe đài phát thanh lấy tin tức quốc tế làm tài liệu huấn luyện thời sự cho đơn vị. Cả hai công việc đều mới lạ, nhưng cũng đều thú vị.
Trong chi bộ thì tướng có, binh có, trai có, gái có, tiếng nói đông, tây, nam, bắc đều có. Trong đơn vị thì có chiến sĩ cũ, có chiến sĩ mới, có một số không phải đảng viên, chi bộ đều phải săn sóc họ. Viện thì việc lớn việc nhỏ, từ việc ăn uống, học tập giải trí, kỷ luật cho đến việc riêng của mọi người đều tìm đến bí thư. Bác cùng hai đồng chí phó bí thư (phụ nữ) làm việc suốt ngày.
Việc nghe ra-đi-ô cũng không dễ, vì lần này là lần đầu tiên mó tay đến cái máy thu thanh, không biết đài nào phát giờ nào và làn sóng nào. Bác thức suốt năm đêm, vặn đi vặn lại tìm nghe. Đến khuya đêm thứ sáu mới nghe được đài Luân Đôn.
Trường huấn luyện du kích kết quả thế nào ? Muốn đánh du kích thì phải dựa hẳn vào lực lượng của nhân dân, phải được nhân dân yêu mến và giúp đỡ. Muốn đạt mục đích đó thì mỗi đội viên du kích phải yêu kính nhân dân, giúp đỡ nhân dân, cùng nhân dân đồng cam cộng khổ, đoàn kết thành một khối. Đằng này, quân quan Quốc dân đảng đều thuộc giai cấp bóc lột, quen thói hà hiếp nhân dân, họ không thể hành được cái họ đã học. Kết quả là “chữ thầy lại trả thầy”.
Bọn Tưởng Giới Thạch đánh Nhật thì rất nhát, chống cộng lại rất hăng. Âm mưu của chúng là mượn tay phát-xít Nhật để tiêu diệt quân đội cách mạng. Không ngờ Bát lộ quân và Tân tứ quân càng ngày càng đánh sâu vào sau lưng địch, mở rộng khu giải phóng, phát triển bộ đội mình, và thế lực ngày càng mạnh.
Âm mưu nham hiểm kia đã thất bại, cuối năm 1939, Tưởng Giới Thạch công khai mở cuộc chống cộng, phái quân đánh vào biên khu là nơi Trung ương Đảng cộng sản đóng, và đánh vào những vùng thuộc phạm vi Bát lộ quân và Tân tứ quân. Đảng cộng sản vừa phải đánh Nhật, vừa phải chống Tưởng, lại vừa phải khôn khéo giữ gìn cho Mặt trận thống nhất khỏi tan vỡ.
*
* *
Trung Quốc đang ở trong vòng binh lửa, thì lửa chiến tranh bắt đầu cháy ở châu Âu. Thế là thảm họa chiến tranh lan hầu khắp thế giới…
Từ năm 1936, Mặt trận bình dân Pháp thắng thế và lên nắm chính quyền. Do đó, ở Việt Nam ta xiềng xích thực dân cũng được nới lỏng đôi chút. Một số đồng chí bị tù đày đã được thả về và tiếp tục hoạt động. Cơ sở Đảng được dần dần khôi phục. Phong trào quần chúng dần dần lên cao.
Cuối năm 1939, vì tình hình chiến tranh, lại vì Đảng xã hội Pháp ươn hèn, chính phủ Mặt trận bình dân Pháp bị đổ, bọn phản động lên cầm quyền. Thực dân Pháp ở Việt Nam lại tung hoành như cũ. Chút đỉnh tự do mà nhân dân ta đã giành được trong mấy năm qua đều bị chúng xóa sạch. Lại khủng bố. Lại vét. Lại bắt lính, bắt phu. Đảng ta phải đi vào hoàn toàn bí mật.
Ở Pháp có phòng tuyến Ma-gi-nô chạy dọc biên giới Pháp-Đức, xây dựng ở dưới đất có 3 tầng, bằng xi măng cốt sắt. Kho đạn, kho lương, nước máy, đèn điện… các thứ đều đủ. Tại phòng tuyến này có một triệu quân. Tướng Pháp khoe khoang rằng : Địch có cánh cũng không bay qua được. Nhưng chỉ trong vài tuần, quân Đức đã bao vây kín phòng tuyến này bắt sống cả một triệu binh lính và mấy trăm ông tướng làm tù binh. Thế rồi ào ạt kéo quân chiếm lấy thủ đô Pa-ri và một nửa nước Pháp. Tháng sáu 1940, Pháp ở “nước mẹ” đầu hàng Đức. Tiếp đến thực dân Pháp ở Đông Dương cũng đầu hàng Nhật. Giặc Nhật kéo vào Việt Nam từ đó đồng bào ta bị một cổ hai tròng.
Không thể khoanh tay ngồi chịu, đồng bào ta liên tiếp khởi nghĩa ở Bắc Sơn (tháng chín 1940), ở Nam Kỳ (tháng mười một 1940), và ở Đô Lương (Nghệ An). Những tin tức sôi nổi ấy làm cho Bác càng nóng ruột.
Ở biên giới Quảng Tây không chắp được liên lạc, các đồng chí Trung Quốc giúp cho Bác đi Vân Nam. May mắn thay ! Đến Côn Minh thì gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan, và mấy đồng chí nữa. Thế nào, chuyến này cũng nhất định về nước ! Bàn định kế hoạch xong, mấy anh em cùng nhau đi trở lại Quảng Tây. Cùng đi trên thuyền có mấy Việt-kiều khác. Để giữ bí mật, Bác đóng vai một một người viết báo Trung Hoa, không biết tiếng Việt…” [4]
[1] Nguyễn Khánh Toàn, “Bác ở Liên-xô”, trong tập “Bác Hồ” Nhà xuất bản Văn học, năm 1960.
- Trước kia, những người thuộc các dân tộc Đông Dương thuộc địa học trong một ban riêng (gọi là ban đặc biệt) trong trường Đại học cộng sản của những người lao động Đông phương Sta-lin (tiếng Nga gọi tắt là “Kutv”). Đến năm 1932, Ban đặc biệt tách riêng ra thành Viện nghiên cứu của các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trực thuộc Bộ Đông phương, Quốc tế cộng sản.
- Tháng 4 năm 1931, Đảng ta được toàn thể hội nghị Ban chấp hành Quốc tế thừa nhận gia nhập vào Quốc tế, đến năm 1935 thì được Đại hội Quốc tế chuẩn y.
[2] G. Giô-rét : 1859-1914, một trong những người lãnh đạo của Đảng xã hội Pháp, người sáng lập báo Nhân đạo, (hiện nay là cơ quan Trung ương của Đảng cộng sản Pháp), người tích cực chống chủ nghĩa thực dân, ông bị bọn phản động ám sát năm 1914.
[3] Phơ-rích-xơ, Gơ-lao-ban-phi, báo Tiếng nói nhân dân, cơ quan T.Ư của Đảng cộng sản Áo (19-9-1969) in trong cuốn “Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch”, tập 3, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, năm 1971.
[4] T.Lan, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, năm 1963.
Từ Vân Nam – Tĩnh Tây về Pắc Bó
“… Thời kỳ Trung – Nhật chiến tranh, các đồng chí ta tập trung nhiều về Vân Nam. Tôi lấy tên là Trịnh Đông Hải, làm công nhân lái xe cho hãng dầu cù là Vĩnh An Đường, lấy đồng lương nuôi các đồng chí hoạt động, đồng thời ngầm mượn luôn cửa hiệu của hãng đó làm trạm liên lạc cho cách mạng. Tháng 1-1940 có đồng chí Minh về trong nước mới ra, nói Trung ương bảo đi tìm ông Trần.
Lúc đó tôi đã liên lạc được với chi bộ Đảng ta và chi bộ Đảng cộng sản Trung Quốc ở Vân Nam. Thường gặp hai đồng chí Trung Quốc, một đồng chí không biết là bí thư hay là gì, một đồng chí là đồng chí Trần Phương, lúc đó gọi là đồng chí Phùng, hiện nay phụ trách khu gang thép An Ninh ở Vân Nam. Tôi tìm gặp các đồng chí Trung Quốc, hỏi có biết ông Trần không ? Các đồng chí bảo có. Tôi rất vui mừng. Lại hỏi : hiện nay ông ở đâu, thì các đồng chí nói ở Hoa Bắc. Tôi nói : Trong nước muốn gặp ông ấy, viết thư cho ông ấy về được không ? Các đồng chí bảo là được. Tôi hỏi thêm : không biết ông ấy là Việt Nam hay là Trung Quốc, thì các đồng chí cười, nên tôi không hỏi nữa.
Viết thư đưa đi rồi, nhưng không biết bao giờ ông đó về, tôi nói với đồng chí Minh : Anh về nước thôi, chứ đợi thì biết đến bao giờ ? Đồng chí Minh nói : ông này đã gửi thư về nước, nhắn tìm ông ấy ở Long Châu, nhưng không tìm được, nên nay phải cho giao thông đi tìm.
Gửi thư đi được ít lâu, một hôm vào cuối tháng 2-1940 có một người đứng tuổi mặc âu phục, cổ cồn, cơ-ra-vát vào hiệu Vĩnh An Đường hỏi bằng tiếng Trung Quốc : Có ai là Trịnh Đông Hải ở đây không ? Tôi ra nhận. Lúc đó người ấy mới nói nhỏ bằng tiếng Việt Nam : “Tôi là Trần đây. Anh em ta đi ra công viên nói chuyện”. Lúc ở cửa hàng, tôi chưa kịp chú ý, lúc cùng đi công viên, nhận thấy ông Trần đi rất nhanh và cặp mắt sáng lạ thường. Tôi đoán chừng là một cán bộ quan trọng. Nhưng chưa nghĩ đến rằng ông đó chính là Nguyễn Ái Quốc. Chỉ biết là một người Trung ương cho đi tìm. Đúng hạn tìm hộ, đã về thì tôi tin. Ông Trần hỏi tình hình trong nước thế nào, ở đây có những ai ? Tôi nói rõ hết : ở Vân Nam còn có một cơ sở bí mật, cửa hàng này là cơ sở công khai. Vào cơ sở bí mật, các đồng chí sẽ báo cáo rõ thêm.
Ông Trần hỏi : “Đồng chí có rỗi không, nếu rỗi thì ta đi vào cơ quan bí mật”. Tôi cũng rỗi, nên cùng đi. Trong bộ phận bí mật chỉ có một mình anh Phùng Chí Kiên. Gặp anh Kiên, ông Trần chỉ nói qua loa, nhưng chúng tôi rất mừng, vì anh Kiên đã biết là Bác.
Hoạt động ở Vân Nam lúc ấy, ngoài anh Kiên và tôi, còn có anh Hoàng Văn Hoan, sau còn thêm anh Phạm Văn Đồng và anh Võ Nguyên Giáp. Nhưng anh Giáp và anh Đồng ở một nơi khác, xa khoảng vài cây số. Anh Kiên ở cơ quan bí mật, phụ trách một tờ báo nên không làm việc gì ngoài nữa. Anh Hoan đi học thợ may. Sinh hoạt của các anh Kiên, anh Đồng, anh Giáp do tôi đảm nhiệm. Tôi hỏi Bác ăn như thế nào ? Bác bảo : “Cái đó các đồng chí không phải lo cho tôi”. Bác ở một cơ sở khác, chính tôi cũng không biết ; có việc gì thì Bác đến gặp ở chỗ anh Kiên.
Nắm tình hình rồi, Bác chỉ đạo chúng tôi về công tác tuyên truyền. Ở Vân Nam lúc đó có nhiều tờ báo. Có tờ của ta chỉ lấy tên là “Đ.T” hiểu là “Đảng ta”, “Đấu tranh” hay “Đánh Tây” cũng được. Báo in bằng kính như kiểu in đá. Anh Kiên viết chữ trái. Tôi phụ trách in. Viết lên kính rồi phải phơi cho khô mới lăn mực in được. Phơi dễ bị lộ và hay nổ kính. Tôi nghĩ ra cái lò sấy điện bằng một cái hòm gỗ, trong lót kẽm. Bốn bề gài vào được tám miếng kính. Hai đầu hòm mắc hai ngọn điện 300 nến, bật lên một lúc thì khô, rất tiện lợi. Bác cũng tham gia viết bài. Bác dặn anh em viết phải làm thế nào cho mọi người hiểu được. Tôi là công nhân. Trình độ văn hóa lúc đó còn thấp, Bác thường bảo : “Các đồng chí viết rồi đem Trịnh Đông Hải đọc, Hải đọc mà hiểu thì quần chúng hiểu. Thế là được”. Một hôm Bác đưa cho “Tòa báo” một bài thơ. Bác nói đùa : “Thơ này là thơ của vợ Trịnh Đông Hải gửi ra đây”. Bài thơ đăng lên, các anh em hoạt động đều rất thích, nghe như có vợ nhắc nhủ mình thật. Bài thơ đó tôi còn nhớ :
“Ba bốn năm giời luống nhớ thương,
“Nhớ chàng lưu lạc lại tha hương,
“Tóc thề đã chấm ngang vai thiếp,
“Lụy nhớ e chưa ráo mắt chàng,
“Thù nước, thù nhà, chàng gắng trả,
“Việc nhà, việc cửa, thiếp xin đương,
“Bao giờ đuổi sạch quân thù địch,
“Ta sẽ sum vầy ở cố hương.
Có một lần gặp chúng tôi, Bác hỏi : “Báo này gửi cho những ai ? Ở đâu ? Số nhà nào ?” Bác ghi hết. Rồi tất cả báo in ra lần ấy đều gửi đến Trùng Khánh, và từ Trùng Khánh mới lại gửi về các cơ sở.
Từ khi Bác về, số báo “Đ.T” nào cũng có bài của Bác. Bác viết và tự đánh máy lấy. Bác có cái máy chữ thường đi đâu cũng mang đi. Một lần tôi xem máy, thấy bên trong có gài một cái hóa đơn của cửa hiệu bán máy cho đồng chí Phan Bôi – tức là đồng chí Hoàng Hữu Nam – thì ra tuy Bác đi xa, nhưng ở đâu Bác cũng nắm vững tình hình trong nước và luôn luôn liên lạc với phong trào trong nước. Hồi Mặt trận bình dân, Bác cũng viết nhiều bài đăng trên các báo công khai của ta. Bác ký nhiều tên. Trong nước chỉ biết có bài của một đồng chí quốc tế gửi về chứ không biết đích xác là bài của Nguyễn Ái Quốc. Cái máy chữ của Bác là ở trong nước mua gửi cho Bác hồi đó. Sau này tôi hỏi anh Phan Bôi, anh Phan Bôi cũng nói có mua một cái máy chữ cho một đồng chí quốc tế, nhưng cũng không biết gửi cho ai.
Dọc con đường xe lửa từ Vân Nam về đến Hồ Kiều đều có cơ sở ta. Tháng 4-1940, Bác đề ra ý kiến muốn đi thăm các cơ sở. Anh Phùng Chí Kiên đi theo Bác. Ở Vân Nam ta có tổ chức nhiều hội quần chúng, trong đó có “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội”. Bà Tống Khánh Linh cũng có thư chúc mừng hội này. Các nhà đương cục Trung Quốc hồi đó cũng công nhận hội. Bác bàn lấy giấy chứng nhận của hội này để đi kiểm tra công tác. Đi tới đâu thì tôi đã giới thiệu các đồng chí để bắt liên lạc. Chỉ đi các ga Nghi Lương, Khai Viễn, Mông Tự, Xì Xuyên. Bác đóng các vai rất giỏi, bình dị, tự nhiên, không ai biết là nhân vật quan trọng.
Đến Xì Xuyên, Bác ở nhà đồng chí Hoàng Quang Bình. Đồng bào được tiếp xúc với Bác rất lấy làm kính phục. Bác thường dậy rất sớm, leo núi tập thể dục, rồi xuống sông tắm. Có người đồn là có ông tiên thường xuất hiện buổi sáng, trưa thì không thấy đâu.
Bác đi xem xét tình hình quần chúng xong thì trở về Vân Nam. Về Vân Nam, Bác quyết định tổ chức một cuộc rải truyền đơn vạch mặt đế quốc Pháp câu kết với đế quốc Nhật và vận động ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật, vận động đoàn kết. Truyền đơn sẽ rải từ Hồ Khẩu đến Vân Nam trong một ngày giờ thống nhất. Giữa tháng 5-1940, truyền đơn in xong, tôi xin nghỉ ở cửa hiệu, đem đi giao cho các đồng chí ở các ga lớn, các đồng chí ở đó lại phụ trách chuyển đến các ga nhỏ. Tôi về chậm hơn kỳ hạn mất một ngày. Ở nhà, Bác rất lo, nhưng lúc gặp, Bác mừng và hỏi đùa : “Chú về chậm vì ghé lại Mông Tự phải không ?”. Thì ra, qua Mông Tự, các đồng chí ở cơ sở có báo cáo với Bác là các đồng chí định hỏi vợ cho tôi, nhưng tôi “bướng” không chịu lấy, nên Bác mới nói đùa như vậy.
Bấy giờ anh Đồng, anh Giáp ở trong nước đã ra. Tôi bố trí để hai anh gặp Bác. Anh Hoan, anh Kiên đến rủ hai anh đi chơi Tạ Quang Lâu. Tôi cùng Bác đi thuê thuyền rồi vào ngồi chờ sẵn. Khi anh Đồng, anh Giáp đến, vào thuyền đã thấy Bác ở đó rồi. Mừng không nói hết. Bác nói đùa : “Anh Đồng vẫn chưa già mấy nhỉ !”. Rồi Bác quay lại nói với anh Giáp : “Chú thì vẫn đẹp như cô con gái ấy”.
Tháng 6-1940, Bác giới thiệu anh Đồng, anh Giáp đi Thiểm Tây, bảo đến Quế Dương thì có trạm xe của Bát lộ quân. Và hai anh đi. Vài tuần sau thì Pháp mất Pa-ri. Bác triệu tập hội nghị bàn việc chuẩn bị về nước. Chủ trương Bác về nước là một việc rất lớn, có tính chất quyết định cho phong trào và cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám sau này. Các đồng chí có hỏi về việc xin vũ khí. Bác cười nói : “Cứ về nước được khắc có vũ khí”.
Bấy giờ có Trương Bội Công làm quan trong quân đội Tưởng đã lâu, đứng ra triệu tập một số người Việt Nam để hoạt động. Có ông Hồ Ngọc Lãm cùng làm quan với Tưởng để dựa vào thế lực Tưởng nuôi cách mạng. Ông nuôi mọi người có chí hướng đánh Tây, bất kể là cộng sản, Quốc dân đảng hay gì gì khác. Trương Bội Công mời ông Lãm về bàn việc. Ông Lãm viết thư cho chúng tôi nói đã có cơ hội hoạt động, mời chúng tôi cùng về. Báo cáo với Bác, Bác đồng ý là để nắm lấy cơ hội về nước. Thế là anh em kéo đi.
Đợt đi thứ nhất có anh Kiên, anh Hoan, anh Cao Hồng Lĩnh và tôi. Lại đánh điện cho anh Đồng, anh Giáp đừng đi Thiểm Tây nữa. Mọi người về cả Quế Lâm rồi đi Liễu Châu. Ở Liễu Châu tôi có quen một nhà, nhờ làm chỗ nhận thư hộ. Bác ở lại Vân Nam và có gì thì viết thư về đó.
Gặp Trương Bội Công, ta biết rõ y là gián điệp của Tưởng. Chúng tôi báo cáo để Bác biết. Bác bảo : “Thôi nên cắt, nhưng nên đưa ông Hồ Ngọc Lãm đi với mình”. Rồi Bác cũng đến Quế Lâm. Tháng 10-1940, các đồng chí cũng lại kéo cả về Quế Lâm.
Đến Quế Lâm, Bác ở một cơ sở nông thôn. Tôi làm liên lạc. Một bữa tôi đến gặp Bác, Bác giở cho xem một bản đồ Trung Quốc kháng Nhật, có những mũi tên ghi thế trận của ta và địch. Bác chỉ cho tôi chỗ đóng của Bát lộ quân và Tân tứ quân. Bác giảng giải cho tôi biết vì sao Đảng cộng sản liên hiệp với Tưởng Giới Thạch đánh Nhật. Bác bảo đó là một cơ hội giáo dục quần chúng nhân dân rất lớn. Nếu không kết hợp với Tưởng Giới Thạch thì Tưởng chẳng mấy lúc sẽ đầu hàng Nhật. Kết hợp với nó, ngoài thì ngăn được nó sớm đầu hàng, trong thì phân hóa được hàng ngũ nó. Những phần tử yêu nước trong hàng ngũ nó sẽ thấy rõ bộ mặt nó mà bỏ nó sang hàng ngũ ta. Một số tối phản động chủ trương đầu hàng sẽ xuất đầu lộ diện như Uông Tinh Vệ. Tưởng Giới Thạch thì một mặt đi với ta, một mặt lùng cán bộ ta, khủng bố ta, nhưng quần chúng nhân dân Trung Quốc đông đảo sẽ giác ngộ, lớn mạnh và kiên quyết chống đế quốc xâm lược. Bác triệu tập một hội nghị bàn việc về nước. Trước đó, ông Hồ Ngọc Lãm và anh Hoàng Văn Hoan có lập ra “Việt Nam độc lập đồng minh hội” ở Nam Kinh để hoạt động. Hội nghị bàn nên phục hồi Hội đó, mời ông Lãm làm chủ nhiệm và cử đồng chí Lâm Bá Kiệt (anh Đồng) là phó. Lập xong được Biện sự xứ thì bọn Trương Bội Công không ở Liễu Châu nữa mà đã về Tĩnh Tây. Về đấy, Trương Bội Công đón được một số thanh niên trong nước ra, trong đó có các anh Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang, Cổ Vân… Đó là những anh em thanh niên của ta, hoạt động trong nước, bị Pháp, Nhật khủng bố phải chạy. Tôi được tin ấy, gặp Bác xin ý kiến, Bác bảo anh Giáp, anh Cao Hồng Lĩnh và tôi đi tìm họ.
Cuối tháng 11-1940, chúng tôi về đến Tĩnh Tây bắt mối với các anh em thanh niên trong nước ra định tìm đường đánh thông về nước và tìm địa điểm cho Bác về. Sau khi gặp nhau rồi báo tin lên Bác. Bác liền từ Quế Lâm đi ô tô về Nam Ninh và từ Nam Ninh đi thuyền về Điền Đông. Trong thuyền đông người, chỉ có anh Đồng, anh Kiên, anh Hoan và cụ Cáp là biết Bác. Bác đóng vai trò một “Tân văn ký giả” Trung Quốc. Bác nói tiếng Pháp, anh Đồng dịch lại, ai cũng chỉ tưởng Bác là một nhà báo. Thuyền đi ngược nước, phải kéo. Bác cũng xuống kéo. Lúc ngồi thuyền ai có hỏi gì, có người dịch lại Bác mới trả lời. Có chị tên Hiền khát nước, toan uống nước sông, Bác nói tiếng Pháp, anh Đồng dịch lại bảo nên mua mía ăn, đừng uống nước lã đau bụng. Nhưng có một lần một đồng chí để rơi tàn thuốc cháy áo. Bác ngồi bên cạnh, buột miệng nhắc khẽ : “Kìa cháy ! cháy !”. Khi về, nhắc lại chuyện ai cũng cười không nhịn được.
Về đến Điền Đông, thì anh Đồng, chị Hiền cùng dăm ba người về Tĩnh Tây trước, tìm tôi bảo tôi về Điền Đông gặp Bác ngay. Trong đám thanh niên mới sang, có anh Hoàng Sâm. Tôi cùng anh Sâm đi ngược về Điền Đông. Nửa đường, anh Sâm ở lại bố trí chỗ ở. Tôi về Điền Đông khoảng hai giờ chiều. Bác bảo đi ăn cơm rồi lại bảo tôi và anh Hoan đi ngay về nơi đã bố trí. Bảy giờ mới đến nơi. Chiều hôm sau, thì Bác và các người cùng đi cũng về đến đó.
Tháng 12-1940, Bác về đến Tĩnh Tây, Bác bảo tôi về nước tìm một địa điểm. Bác dặn địa điểm cần hết sức bí mật, có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui. Tôi về tìm được vùng hang Pắc Bó. Các đồng chí còn ở lại thì đón số thanh niên đã từ bỏ Trương Bộ Công, đưa về một địa điểm huấn luyện, đợi ngày về nước.
Bác ở Tĩnh Tây được mấy tuần thì đã liên lạc được với Trung ương và các đồng chí trong nước ra gặp Bác, trong số đó có các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt.
Tôi về nước thì anh Hoàng Sâm làm liên lạc giữa Bác và anh Đồng, anh Lĩnh, với nhóm thanh niên. Tôi chuẩn bị xong địa điểm trở lại Tĩnh Tây thì Bác và các đồng chí đã đổi chỗ đi cả. Chỉ còn có anh Cao Hồng Lĩnh. Tôi được thư anh Hoàng Sâm để lại, hẹn lên Cổ Mã sẽ gặp. Tôi lên đến nơi thì có người đón về dự lớp Bác huấn luyện cho rồi kéo về nước hoạt động. Các đồng chí thanh niên quê ở đâu thì về hoạt động ở đó.
Tháng 1-1941, anh Kiên và tôi về địa điểm Pắc Bó. Anh Đồng, anh Hoan trở lại Tĩnh Tây. Anh Giáp về sau cũng ở lại Tĩnh Tây. Trong khi đó thì Trương Bội Công lập ra Việt Nam cách mạng đồng minh.
Trung ương đã gặp nhau ở Tĩnh Tây chuẩn bị hội nghị Trung ương lần thứ tám…”[1]
*
* *
“Lần đầu tiên gặp Bác, tôi không thể nào ngờ rằng Bác là một lãnh tụ vĩ đại. Bởi vì cái vĩ đại của Bác là cái hết sức giản dị, bình thường, sát với quần chúng, như quần chúng. Bác là một lãnh tụ vĩ đại kiểu mới, là lãnh tụ của quần chúng. Bác không làm ai kinh ngạc, Bác ở gần ta, trở thành người cha, người anh của ta lúc nào cũng không biết, thấm sau vào tâm hồn ta dần dần mà vững chắc, trở thành mật thiết, thành một với tâm hồn ta lúc nào cũng không hay.
Bắt đầu từ những năm 1937-1938, tôi ở Xì Xuyên tức là Chi Thôn - một ga nhỏ trên đường sắt của Công ty Việt Điền. Hồi đó tôi là bí thư chi bộ, và vẫn lấy tên là Hoàng Quang Bình như bây giờ. Công khai, tôi dọn một ngôi hàng cắt tóc, đặt tên là hiệu Bình dân, lấy chỗ đó làm cơ sở liên lạc với công nhân.
Hoạt động thời gian này rất khó, phần vì bọn quân phiệt Trung Quốc chẳng ưa gì cộng sản, phần vì suốt dọc đường sắt Vân Nam, đâu đâu cũng nhan nhản những gián điệp, mật thám Mỹ, Anh, Pháp, Nhật. Chúng cũng chẳng ưa gì ta, và tìm mọi cách phá ta. Nhưng phá ta dữ dội hơn cả là bọn Việt Nam Quốc dân đảng phản động. Nghi ai là cộng sản chúng tìm cách trừ khử. Khi thì lén lút ám sát, khi thì giết trắng trợn. Trong những khu vực Tưởng Giới Thạch thống trị, cướp bóc xảy ra hàng ngày, một mạng người có nghĩa gì đâu. Đi ra đường không mấy lúc không thấy xác chết. Vào những năm 1939-1940, bọn Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ nối gót Nguyễn Thế Nghiệp lại càng làm dữ. Quần chúng Việt kiều ở đây trước hầu hết là có liên lạc với chúng, ủng hộ chúng, vì tưởng chúng là cách mạng. Nhưng những vụ tống tiền, giết người, cướp vợ người khác, những vụ chúng tranh mồi nhau, bắn giết lẫn nhau đã làm phơi rõ bộ mặt thật thổ phỉ ghê tởm của chúng. Kiều bào ta xa dần chúng, nhưng lòng tin tưởng ở cách mạng của kiều bào cũng theo đó bị giảm sút. Tôi tuyên truyền anh Tài Đức là công nhân lái đầu máy ở Khai Viễn. Anh lắc đầu chép miệng “Cách mạng đâu chứ cách mạng Việt Nam thì khó thành công lắm anh ạ. Trừ phi có cụ Nguyễn Ái Quốc sống lại thì mới làm được”.
Thực ra anh cũng như anh chị em ở đây chưa hề được gặp cụ Nguyễn Ái Quốc. Nhưng không biết tự bao giờ ba chữ Nguyễn Ái Quốc đã thấm sâu vào lòng những người công nhân ấy, để lại trong tâm hồn họ một ngọn lửa tin le lói nhưng bất diệt, lại bùng cháy lên những khi gặp chán nản, thất vọng ở đời.
Tình hình có khó khăn, nhưng có đường lối Mác - Lên-nin của Đảng, chúng tôi vẫn cố gắng hoạt động, và hoạt động được. Các đồng chí Trịnh Đông Hải, nay là đồng chí Vũ Anh là Lý Đông Hoa nay là đồng chí Hoàng Văn Hoan đã tổ chức được cơ sở Đảng và nắm được quần chúng. Bọn Quốc dân đảng xẹp dần, không dám khủng bố trắng trợn nữa, nhưng không phải là chúng chịu hẳn. Khẩu hiệu của chúng vẫn là : thà giết nhầm người không phải là cộng sản còn hơn tha nhầm phải cộng sản.
Riêng tôi, đối với sự sống chết của cụ Nguyễn Ái Quốc lúc đó cũng bán tín bán nghi, chẳng biết sự thực thế nào. Tôi thật không ngờ chỉ mấy tháng sau tôi được ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà với Bác.
Hôm ấy, trời đã xế chiều. Tôi đang cắt tóc cho một khách hàng thì thấy bên kia đường có hai người đứng ngó sang. Mấy hôm trước tôi đã được anh Hoan báo cho biết là đồng chí Trần và đồng chí Lý về công tác. Đồng chí Lý thì tôi biết là anh Phùng Chí Kiên, nhưng chưa biết người, còn đồng chí Trần thì chưa biết là ai. Hiện đang có khách, tôi không ra được, mà các đồng chí cũng chưa tiện vào. Khi khách ra đi, đồng chí trẻ tuổi hơn trong hai người đi trước vào hỏi tôi. Nhận được nhau rồi thì biết đó là anh Kiên và đồng chí Trần thì chính là Bác. Nhưng cũng phải đợi đến khi cách mạng thành công, nghe qua đài phát thanh nhận được tiếng nói tôi mới biết cụ Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Ái Quốc với đồng chí Trần là một.
Tôi nhớ rõ hôm đó Bác mặc bộ áo ka-ki bạc màu, Bác chưa để râu. Trông Bác cũ kỹ, hiền lành như một ông già thôn quê, lại mảnh khảnh, gân guốc, nếu ai không nhìn cặp mắt rất sáng của Bác thì khó có thể chú ý đến Bác. Bác rất ít nói, chào hỏi xong thì ngồi im nghe anh Kiên và tôi nói chuyện. Tôi có cảm tưởng Bác có chút lạnh lùng, không vồ vập cởi mở như anh Kiên. Có lẽ Bác vụng về về sự giao thiệp chăng ?
Anh Kiên hỏi tôi về tình hình đường sắt, về cơ sở, hỏi tôi hoạt động như thế nào. Tôi báo cáo rõ cả, Bác nghe rất chăm chú, nhưng vẫn không nói gì. Cuối cùng, Bác mới hỏi anh em những ai hay ra đây. Tôi nói : Ở Xì Xuyên này, bọn Quốc dân đảng cũng mở một hiệu thợ cạo do anh em tên Điền, tên Mẫn cắt tóc. Chúng cắt khéo hơn tôi. Com-mi, xếp-tanh và công chức ở trong xít-tê[2] đều ra cắt ở đấy. Anh em thợ thuyền thì cắt bên này. Nghe xong Bác gật gù.
Nhà tôi, ngoài chỗ cắt tóc còn có một căn gác xép. Bác và anh Kiên, tôi và thằng con tôi là cháu Hải đều ăn ngủ trên đó. Gặp cháu Hải, Bác thân với nó ngay. Hay nói đúng hơn là nó quấn ngay lấy Bác.
Anh Kiên định chương trình làm việc. Trước hết tổ chức gặp gỡ anh em công nhân để biết tình hình cụ thể. Rồi sẽ mở một lớp huấn luyện cho chi bộ.
Anh Kiên bảo tôi mời anh em công nhân đến chơi. Anh hỏi han chuyện làm ăn , chuyện gia đình. Hỏi chuyện Tây đối đãi ra sao, đời sống anh em thế nào. Buổi nói chuyện kéo dài. Bác cũng chỉ ngồi nghe. Anh em công nhân cũng chẳng ai phân biệt ông già củ mỉ cù mì ngồi lặng im nghe chuyện đó chính là Nguyễn Ái Quốc mà họ hằng mơ ước.
Sau này còn có nhiều cuộc họp công nhân, nói chuyện về tình hình như thế. Anh Kiên vẫn nói chuyện với anh em. Anh Kiên bảo tôi khêu gợi anh em nhận xét. Anh em bảo anh Lý nói dễ hiểu, vui, anh em rất thích. Còn về ông già Trần thì anh em nói : Ông cụ ít nói quá. Thật thà và cục mịch, đúng là một ông lão ở thôn quê ta sang.
Riêng tôi cũng nghĩ Bác giản dị, kín đáo, và cũng thấy quả là Bác ít nói thật.
Nhưng Bác rất khiêm tốn, nên ít nói mà chẳng ai mếch lòng. Nhà tôi cả giường lẫn ghế chỉ có dăm bảy chỗ ngồi. Anh em công nhân đến, bao giờ Bác cũng đứng dậy để nhường chỗ. Anh em không chịu ngồi thì Bác cũng đứng luôn, không ngồi một mình bao giờ.
Nắm vững tình hình rồi, Bác và anh Kiên, mở một lớp huấn luyện cho chi bộ. Chi bộ chúng tôi chỉ có ba người, anh Đặng Tất Lạc là công nhân, anh Đặng Tất Vượng là tùy phái ở ga và tôi. Chương trình học sơ lược về chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tình hình thế giới, tình hình Đông Dương và cách mạng tư sản dân quyền. Sau lại học công tác chi bộ và lề lối làm việc của chi bộ. Khi giảng bài, Bác cũng vẫn ít nói, Bác giảng về duy vật biện chứng thường chỉ đặt vấn đề khêu gợi cho chúng tôi tìm hiểu. Bác lại hay lấy việc trước mắt, thâu lượm được trong tình hình công nhân làm dẫn chứng. Bác nói nôm na như người kể chuyện. Nói xong lại hỏi chúng tôi có hiểu không, hiểu như thế nào ? Thấy chúng tôi hiểu được chút ít, Bác lại hỏi rộng ra, lật lại vấn đề, gợi cho chúng tôi suy nghĩ.
Hàng ngày Bác dậy rất sớm. Nhà chật, gác lụp xụp, Bác vẫn tập thể dục, vươn vai, thở hút. Vận động xong thì Bác dọn dẹp trong nhà. Căn nhà tối tăm, bề bộn của một người nghèo như tôi bỗng trở nên ngăn nắp, quang quẻ, dễ thở hơn như mới có thêm ánh sáng.
Ban ngày tôi bận cắt tóc, Bác hay xuống bếp chẻ củi, thổi cơm. Anh Kiên nhặt rau. Người vợ cũ của tôi làm ăn vất vả, hóa ra khó tính, mà cũng rất hài lòng. Vợ tôi buôn gạo. Kỳ nào có gạo về Bác cũng ra vác hộ.
Một lần có gạo về tôi đang bận học, không có người khuân vác. Vợ tôi bực tức, gắt gỏng. Tôi giận quá, từ trên gác xuống, rút guốc đánh mấy cái. Vợ tôi chưa kịp bù lu bù loa thì Bác đã xuống rồi. Bác phê bình tôi : Sao anh lại làm như thế ? Rồi Bác rủ anh Kiên và tôi cùng ra vác gạo. Bác bảo : Vác gạo cũng quan trọng. Không vác gạo thì không có ăn ngay. Được nghe Bác nói, vợ tôi chừng cũng hả lòng, không mè nheo dai dẳng như mọi khi. Buổi tối, Bác lại phê bình tôi một lần nữa. Bác phân tích tại sao người đàn bà nghèo khổ phải gắt gỏng, truy đến gốc nỗi khổ của những người bị bóc lột. Bác hỏi tôi đã là một đảng viên sao còn hành động như thế ? Bác nói : về việc đoàn thể thì rất có thể chỉ vì hành động sai lầm cỏn con như thế mà lộ bí mật. Bác nói rất thấm thía. Tuyệt nhiên Bác không gắt gỏng hay bực bội, nên tôi nghe ra ngay. Bác phê bình mà thành câu chuyện tâm sự, thấu vào tận ruột, tận gan.
Nhớ lại lúc đầu gặp gỡ, Bác không vồ vập nhưng Bác đi sâu vào đời sống gia đình, giúp đỡ mọi việc thực tế, quan tâm thực sự đến đời sống vật chất và tinh thần của chúng tôi, nên Bác cảm hóa được mọi người trong nhà, gây được một nếp sống khác hẳn. Nhất là đối với cháu Hải, Bác săn sóc nó thật chu đáo, hơn cả tôi là bố nó. Nó ngủ nghẹo đầu thì Bác sắp gối, nhẹ nhàng đặt nó nằm thẳng lại. Đêm Bác dậy mấy lần đề đắp lại chăn cho nó. Bác luôn luôn lo cho nó ấm đề phòng nó sưng phổi. Bác sờ bụng nó thấy ăn no mà dải rút buộc chặt thì lại nới ra. Nhiều lần Bác tắm rửa cho nó, dặn nó phải ở sạch. Ngồi ăn cơm, tuy chúng tôi là chủ nhà, Bác vẫn giục chúng tôi gắp thức ăn. Bao giờ Bác cũng gắp thức ăn cho cháu Hải trước.
Thỉnh thoảng Bác rủ chúng tôi đi tắm suối, Bác nhân đấy hỏi han thêm về tình hình công tác, tình hình kiều bào và địa phương. Qua những nơi nào có cảnh đẹp Bác dừng lại ngắm nghía. Tính tôi xốc nổi có bận giục Bác đi mau. Bác bảo : ngắm cảnh đẹp rất tốt. Và muốn xem cảnh này giống cảnh nào trong nước mình.
Sau này biết Bác giỏi tiếng Trung Quốc, tôi rất lấy làm lạ. Suốt thời kỳ Bác ở Xì Xuyên, tuyệt đối Bác không nói một tiếng Trung Quốc nào, tiếng Pháp cũng vậy. Tôi mới học tiếng Trung Quốc và biết ít tiếng Pháp, thỉnh thoảng cũng xì xồ đôi tiếng với anh em bạn. Có lần anh em nói tiếng Pháp, hỏi tôi xem Bác là ông cụ nào ? Tôi trả lời Bác là ông cụ ở nhà quê mới sang chơi, Bác nghe chuyện vẫn im như không. Thật là một sự không ngờ. Bây giờ suy ra mới biết : Bác ít nói và không nói tiếng ngoại là công tác bí mật của Bác.
Bác rất tiết kiệm. Thuốc thơm hồi đó rất sẵn nhưng Bác chỉ hút thuốc cuốn lấy như sâu kèn. Thỉnh thoảng tôi có ít tiền, mua lẻ vài điếu thuốc thơm biếu Bác.
Bác giản dị nhưng thích mỹ thuật, yêu cái đẹp, ưa sạch sẽ. Lần đầu tiên tôi cắt tóc cho Bác. Bác bảo : “Anh nên năng giặt cái vải khoác này đi, khách sẽ vào hiệu ta đông hơn. Làm gì cũng phải làm cho tốt. Nhất là hiệu ta chỉ có anh em công nhân vào cắt tóc”.
Ở Xì Xuyên có một tên làm xếp-tanh, tính nó rất hung ác. Nó nuôi một em bé gái khoảng mười ba tuổi làm người ở.Nó thường đánh đập rất dã man. Nó mang cả kìm cặp vào đùi em bé. Em bị nó đánh vẹo cả mấy ngón tay trái. Một hôm nó hành hạ em quá, em bỏ trốn vào nhà tôi. Chúng tôi rất bực tức với thằng đó, định hè nhau choảng cho một trận. Bác hỏi han em bé quê quán ở đâu ? Cha mẹ là ai ? Em bé nói cha mẹ chết cả rồi. Người chú em đã bán em cho tên xếp-tanh kia. Bác nghe chuyện xong lặng đi một phút, rồi Bác thở dài. Bác bảo : “Có đánh thằng kia cũng chẳng diệt được cái gốc của tội ác. Vì thế nên ta phải làm cách mạng”.
Bác ở Xì Xuyên một tháng rồi Bác đi. Bác giao nhiệm vụ ở lại phải tiếp tục gây cơ sở. Đó là công việc Đảng. Gây cơ sở phải bí mật. Công khai thì phải tích cực vận động kiều bào ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật. Bác bảo ủng hộ phải thiết thực. Nên lập một cái quỹ ủng hộ Trung Quốc kháng chiến. Chúng tôi làm một cái hòm, mời chính quyền địa phương đến niêm phong. Ai ủng hộ đồng nào thì tự tay bỏ vào đấy. Bác bảo việc này nhỏ nhưng ý nghĩa to, không được coi thường. Nhân dân Trung Quốc sẽ biết rõ những người cách mạng Việt Nam chân chính.
Cuối cùng Bác bảo : “Chúng tôi ở đây lâu, nay đi, đề nghị các đồng chí nhận xét phê bình”. Tôi nói chẳng có gì để phê bình cả, chỉ thấy nhớ. Bác hỏi tôi có yêu cầu gì không ? Tôi yêu cầu được liên lạc với đồng chí Trung Quốc, và có đồng chí Trung Quốc đến cùng công tác ở đường sắt. Bác lại hỏi còn yêu cầu gì nữa không ? Tôi trả lời không. Bác bảo nghĩ kỹ xem. Tôi nghĩ kỹ cũng không thấy cần yêu cầu gì thêm. Sau Bác bảo : “Không có yêu cầu để tôi yêu cầu ra cho. Các đồng chí ở đây cần giúp đỡ các đồng chí qua lại hoạt động. Phải cần đến tiền. Tôi đưa một số tiền vào tiền ăn của chúng tôi”.
Tôi nhất định không chịu nhận, nói việc chạy tiền nuôi các đồng chí là nhiệm vụ của chúng tôi. Bác bẻ lại : “Tôi đi công tác của Đảng có tiền Đảng nuôi. Tôi đưa tiền thì đồng chí có nhiệm vụ nhận”.
Tôi chẳng còn nói thêm gì được nữa.
Suốt thời gian Bác ở, tôi thật không thể nào đánh giá Bác được đúng. Nay nghĩ Bác ở cấp này, mai nghĩ Bác ở cấp khác, càng ngày càng thấy Bác cao cả, gương mẫu, đạo đức và giỏi. Thực sự vẫn không sao biết hết cái lớn của Bác. Bác đi rồi nhà tôi như trống rỗng ra. Cả nhà nhớ Bác. Trông thấy cái gì cũng nhớ có bàn tay của Bác sắp xếp tu sửa. Nhất là cháu Hải nó tiu nghỉu mất mấy ngày.
Tôi viết thư báo việc Bác đi lên Côn Minh, và hỏi Bác đã tới chưa ? Mấy hôm sau nhận tin Bác và anh Kiên đã tới rồi tôi mới yên tâm.
Hai tháng sau Đảng triệu tập tôi lên họp. Tôi lại có sung sướng được gặp Bác lần thứ hai. Anh Hoan đến tìm tôi ở trạm, đưa đi. Giữa đường, gần chùa Cá thì gặp Bác và anh Kiên. Bác bắt tay tôi, cười hỏi tôi có khỏe không, có đánh vợ nữa không ? Rồi Bác nói : “Tôi ở nhà anh nhiều, hôm nay tôi thết anh một bữa”.
Tôi tưởng sẽ có một bữa ra trò, nhưng rốt cục chỉ là một bữa cháo hoa, ăn với chầu quẩy[3] . Bác dặn tôi đến hội nghị thì báo cáo tình hình công nhân và sự hoạt động của chi bộ cho các đại biểu trong nước biết, nhưng đừng nói là có gặp Bác. Ăn cháo xong, Bác và anh Kiên lại bắt tay tôi rồi đi.
Tới hội nghị, tôi gặp anh Đồng, anh Giáp, một chị nữa và hai đồng chí Việt Nam hoạt động trong Hồng quân. Họp xong tôi về nhà anh Kiên, thấy có treo một bức địa đồ. Anh Kiên giảng cho tôi về những biến chuyển mới trong tình hình quốc tế và trong nước. Rồi tôi về Xì Xuyên báo cáo lại với chi bộ nhiệm vụ công tác mới. Ít lâu sau thì có một đồng chí Trung Quốc đến liên lạc. Thì ra Bác vẫn nhớ yêu cầu của chúng tôi”. [4]
“…Từ Côn Minh đến Tĩnh Tây, thì gặp một nhóm thanh niên Cao Bằng, dẫn đầu là các đồng chí Quảng Ba, Hoàng Sâm… Họ sang đây tìm người lãnh đạo cách mạng và đã gặp Trương Bội Công.
Trương Bội Công là người Việt Nam sang Trung Quốc và làm việc cho Quốc dân đảng đã lâu năm. Tuy không hiểu biết gì về quân sự, nhưng y đã được Tưởng Giới Thạch phong cho hàm thiếu tướng. Nay Tưởng Giới Thạch phái y đến biên giới, nhằm lung lạc cách mạng Việt Nam. Gặp nhóm thanh niên, Trương Bội Công khoe khoang nhiều lắm, lên mặt “chí sĩ yêu nước”, “cách mạng lão thành” và sẵn sàng thu nạp đám thanh niên làm “bộ hạ” cho y.
Nhưng anh em thanh niên cũng tinh quái đáo để. Chỉ nghe cách y nói khoác lác, họ cảm thấy y không phải là người cách mạng chân chính. Họ thất vọng. Họ sắp kéo nhau trở về Cao Bằng, thì nhóm Bác vừa đến Tĩnh Tây. Các đồng chí Đồng, Giáp… tìm gặp nói chuyện với đám thanh niên hăng hái đó. Giải thích cho họ rõ bước đường cách mạng hiện nay. Bàn với họ mở ban huấn luyện v.v… Anh em thanh niên rất hoan nghênh. Nói ngay, làm ngay. Tối hôm đó, họ rời khỏi Tĩnh Tây. Sáng hôm sau, Trương thiếu tướng ngủ dậy thì không thấy “bộ hạ” của y đâu nữa ; cho người đuổi theo, thì chậm quá rồi !
Đồng chí Lê Quảng Ba dẫn Bác và nhóm thanh niên đi cả đêm, đến một làng Trung Quốc gần biên giới Việt Nam, mượn nhà người quen, mở ban huấn luyện do Bác phụ trách. Lớp huấn luyện rất sôi nổi, dân chủ và vui vẻ. Bà con Trung Quốc trong làng không hiểu chúng mình dạy cái gì, học cái gì, nhưng đều khen thanh niên Việt Nam đoàn kết, chăm học, siêng làm. Bà con trong làng nhất là những người cho mượn nhà rất mến chúng ta. Vì vò nước bao giờ cũng đầy, đống củi bao giờ cũng cao, nhà cửa bao giờ cũng sạch, trong nhà có việc gì chúng ta cũng ra tay làm giúp. Đặc biệt các em nhi đồng luôn luôn xoắn xít chung quanh anh em ta để học hát, học nhảy múa, không nghịch ngợm và đánh nhau như trước nữa. Chúng ta đã góp phần làm cho cái làng tịch mịch trong thung lũng âm u vui hẳn lên… Bác bảo các đồng chí thanh niên : “Đó là một cách dân vận thiết thực đấy”.
Vào khoảng tháng hai 1941, vừa đến Tết âm lịch thì ban huấn luyện cũng vừa kết thúc. Tối mồng một Tết, được tin chuyên viên Quốc dân đảng sắp đến kinh lý vùng này (Tin này sau hóa ra tin vịt). Sợ bị lộ, sáng mồng hai Tết, Bác cùng tất cả anh em cuốn gói chuồn, mặc dù bà con trong làng khẩn khoản mời ở lại ăn Tết đến ngày hạ nêu hẵng đi.
Hôm đó, sương mù dày đặc, ngồi giáp mặt nhau cũng không thấy rõ nhau. Mọi người cho khí hậu như thế là tốt, vì dễ giữ bí mật. Đi cách làng một thôi quá xa, ai cũng mỏi chân và đói bụng. Bác bảo : “Nơi đây kín đáo, chúng ta ngồi nghỉ một chốc…” . Nghỉ chưa đầy hai phút thì trời sáng, sương tan. Té ra ngồi nghỉ giữa cánh đồng ruộng, chẳng kín đáo chút nào ! Mọi người lại vội vàng khoác gói lên đường, bước nhanh hướng về phía Tổ quốc.
Chiều hôm đó, đồng chí Quảng Ba dẫn Bác và cả nhóm thanh niên về Pắc Bó. Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động. Từ hôm đó, cái hang Pắc Bó trở nên “địa bản doanh” của chúng ta. Hội nghị lần thứ Tám của Trung ương đã khai ở Pắc Bó. Ở đó đã tổ chức những ban huấn luyện ngắn ngày và để đào tạo cán bộ. Mở lớp dạy chiến thuật du kích, phát triển tổ chức Việt Minh và cơ sở Đảng, đặt kế hoạch chống Pháp, chống Nhật v.v…” [5]
*
* *
“…Về Pắc Bó, địa điểm ở cũng thay đổi luôn có hai vòng bảo vệ, vòng ngoài do các đồng chí Lê Quảng Ba, Cổ Vân phụ trách. Bảo vệ Bác thì có đồng chí Đức Thanh, sau này hy sinh trong Nam.
Ở Pắc Bó, sáng nào Bác cũng hỏi anh em hôm nay làm việc gì. Ai không có việc thì Bác giao việc cho. Cả những việc vặt như khâu giầy, vá áo. Bác thường làm việc cả ngày. Khi viết tài liệu, khi dịch sách, Bác chú ý đến mọi việc. Cả đến việc bếp núc, Bác thường bảo rang thịt thật mặn như muối bám xung quanh. Đi làm công tác tổ chức, Bác dặn phải bí mật. Bác lại hỏi : bí mật thì bí mật như thế nào ? Bác giảng : bí mật là không có, không thấy, không biết. Bác bảo gặp ai lại hỏi mà không nói cũng không được. Nói thì nói : không có, không thấy, không biết.
Có lần chị Trương Thị Mỹ đi giao thông cho Trung ương lên chiến khu. Trung ương dặn lên đưa thư cho ông già Thu, bí danh của Bác hồi ấy. Bác ra nhận thư và bảo chị Mỹ : Đồng chí Thu đi vắng. Tôi là giao thông của đồng chí Thu nhận thay. Chị Mỹ được ở lại chiến khu dự lớp huấn luyện. Khi lên lớp thì thấy người giảng chính trị cũng vẫn là ông giao thông của đồng chí Thu. Cách mạng có khác thật, ông giao thông giảng mà có sức hấp dẫn lạ thường. Nghe đến đâu hiểu đến đấy, giản dị mà sâu sắc, dễ nhớ, lại sáng tỏ như có đèn rọi vào tim óc. Suốt thời kỳ huấn luyện cũng chẳng thấy đồng chí Thu về. Chắc ông già còn bận công tác. Thỉnh thoảng lại được nghe anh chị em thì thầm chuyện đồng chí Nguyễn Ái Quốc say sưa một cách lạ. Dự xong lớp, chị Mỹ về, hoạt động và lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Đông. Danh sách chính phủ lâm thời được công bố. Quái lạ sao không thấy tên Nguyễn Ái Quốc hay đồng chí Thu làm chủ tịch ? Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lại là cụ Hồ Chí Minh ? Cụ Hồ Chí Minh nào nhỉ ? Chị Mỹ thắc mắc mãi. Có thêm tí hậm hực nữa. Cả đến khi đưa đoàn đại biểu của nhân dân Hà Đông ra dự lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 vẫn chưa thấy hết thắc mắc và hậm hực. Nhưng khi Chính phủ ra mắt, thì ôi chao : Chủ tịch Chính phủ cũng chính là đồng chí giao thông của ông già Thu. Từ đó chị Mỹ mới yên lòng.
Ở chiến khu, trước hội nghị Trung ương lần thứ Tám, Bác đã cho đi tổ chức nông dân, phụ nữ, thanh niên và binh lính cứu quốc. Bác nói : muốn có đội quân võ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã. Nên việc này phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị càng ngày càng đông.
Bác lấy chuyện trong lịch sử Đảng cộng sản Liên-xô kể cho chúng tôi nghe. Bác nói : Khi cách mạng tháng Hai lật đổ Nga hoàng thì Kê-răng-xki nắm chính quyền. Lê-nin chủ trương trước hết là giải thích, giải thích, giải thích.
Và Bác kết luận : Như ở ta, muốn đánh Pháp, Nhật thì ai vác súng ? Ai là người tự nguyện, tự giác vác súng ? Ta phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện vác súng thì mới thắng được.
Vì chủ trương này nên Bác phân công hầu hết số 60 thanh niên đi các nơi hoạt động, như những luồng gió thổi bùng phong trào Việt Nam chống Pháp, kháng Nhật ở các địa phương lên.
Bác rất coi trọng công tác quần chúng. Bác thường nói : Ta ở bí mật nhưng không bí mật với quần chúng được. Trái lại, phải lấy quần chúng làm cái bình phong che đậy cho mình, báo tin cho mình. Bác thường dặn chúng tôi hết sức chú ý phong tục địa phương. Nơi nào có tục ăn thề thì cán bộ phải ăn thề với đồng bào.
Bác tiết kiệm đến cực độ. Bác yếu mà không chịu ăn cơm riêng, vẫn ăn độn ngô với anh em. Tôi đi công tác về, thấy Bác vẫn ăn ngô, phải họp hội nghị ra quyết nghị Bác phải ăn cơm. Nằm, Bác cũng nằm ổ cỏ gianh như mọi người, Bác bị ghẻ. Chúng tôi phải đốt cỏ gianh đi, thay ổ mới để Bác nghỉ. Bác đề xuất vấn đề phải bán báo Việt Nam độc lập của đoàn thể. Bán một xu thôi. Quần chúng có mua mới quý tờ báo, chịu đọc báo. Hội viên cứu quốc cũng đóng nguyệt phí một xu.
Ngày Tết quần chúng trong làng lên chúc Tết đủ mặt. Các chị phụ nữ mỗi người mang một cái làn đựng thẻ hương và quả bánh, kéo từng đoàn đến lễ Tết. Bác vẽ một ảnh Phật treo trên vách đá cho quần chúng có chỗ lễ. Ai đến Bác cũng phong bao giấy đỏ cho mỗi người một xu. Bác giải thích : một xu này là của đoàn thể cho. Nó là xu nguyệt phí của các đồng chí, xu mua báo của các đồng chí. Các đồng chí cầm đồng xu, quý đồng xu không phải vì nó là tiền, mà là để nhớ đoàn thể, có trách nhiệm với đoàn thể.
Tháng 5-1941, Trung ương họp Hội nghị lần thứ Tám, có Bác, các anh Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt, hai đại biểu Trung Kỳ và tôi. Công việc của hội nghị có tính chất quyết định đến phong trào như thế nào, ta đã nói đến nhiều. Chỉ nhắc vài nét nhỏ về Bác. Trong hội nghị, Trung ương đề nghị Bác viết bài hiệu triệu đồng bào, và đem in đá ở Long Châu, một bên là chữ nho, một bên là chữ quốc ngữ. Tên Bác không in mà khắc dấu đóng sau. Đó là bài hiệu triệu của cụ Nguyễn Ái Quốc, đã làm nức lòng đồng bào suốt từ Nam chí Bắc hồi tiền khởi nghĩa.
Trong hội nghị này cũng bàn việc lập Mặt trận, Bác phát biểu : Lập Mặt trận thì đồng ý rồi, nhưng lập Mặt trận gì ? Các đồng chí nói lập Mặt trận dân tộc thống nhất. Bác bảo nên lấy tên Mặt trận gì gợi lòng yêu nước và chí căm thù của đồng bào toàn quốc. Do đó mới quyết định lấy tên là Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh.
Lập xong Mặt trận là đã có tinh thần tích cực chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, có nghị quyết rồi, làm thế nào phổ biến được nghị quyết ?
Tài liệu thì dài, lại phải phổ biến bí mật. Làm thế nào đây ? Bác giữ anh Trường Chinh và anh Hoàng Quốc Việt ở lại để cắt. Cắt xong thì đánh máy, đánh máy xong thấy còn dài, lại cắt. Lại đánh máy. Các anh phải sốt ruột lên vì cắt nhiều. Cuối cùng còn lại có mấy trang, rất cô đọng, phổ biến rất nhanh, rất tốt. Lúc đó là cuối tháng 5 năm 1941.
Hội nghị Trung ương lần thứ Tám họp xong ít ngày thì phát xít Đức tấn công Liên-xô, Bác phân tích tình hình quần chúng, địa hình và khí hậu Liên-xô, rồi kết luận : ngày xưa thời Nga hoàng, nước Nga rất yếu, mà Na-pô-lê-ông nổi danh vô địch cũng bị bại trận khi đánh Nga. Nay Liên-xô là cộng sản, tổ chức rất cao, chế độ rất tốt, quần chúng rất giác ngộ, nhất định sẽ đánh bại và tiêu diệt phát xít.
Bác vẽ cho báo Việt Nam độc lập một hình đồng chí Sta-lin đánh nhau với Hít-le, đồng chí Sta-lin vật Hít-le xuống và ngồi đè lên trên, để quần chúng hiểu mau rằng Liên-xô sẽ thắng.
Bác lại viết nhiều bài thơ ca cũng nói lên ý đó.
Cở sở trong nước lúc bấy giờ rất mạnh. Giặc Pháp ngoài việc khủng bố, còn tìm cách dụ dỗ lừa bịp quần chúng, cố gây ra một phong trào đầu thú. Bắt ép được vài ba người đầu thú, chúng không bắt bớ gì, mà lại cho vài cân muối rồi tha về. Tình hình ấy có thể nguy hại.
Tôi bàn với anh Đồng và anh Giáp đưa cán bộ xuống phân tích rõ tác hại của việc đi đầu thú, đồng thời cũng bày cách cho quần chúng, nếu bị chúng bắt đi đầu thú thì làm thế nào để khỏi vỡ cơ sở, mà vẫn lấy được muối ăn. Quần chúng làm theo, và do đó không bị thiệt hại.
Ở chiến khu, Bác vẫn mở các lớp huấn luyện cho cán bộ, và chuyên chú viết sách tuyên truyền. Bác viết các sách Tam-tư, Ngũ-tự, lại làm một quyển địa dư các tỉnh và một quyển lịch sử Việt Nam bằng thơ lục bát. Quyển sử chép từ đời Hồng Bàng cho đến thời Pháp thuộc, đằng cuối sách có mục lục ghi rõ thời kỳ nào có phong trào gì chống đế quốc Pháp. Cuối cùng Bác ghi Việt Nam độc lập năm 1945. Các đồng chí đọc sách bàn tán rất nhiều niên hiệu đó. Có đồng chí phàn nàn sao chậm thế, có đồng chí lại cho thế là sớm quá. Bác chỉ bảo : ờ ờ để rồi xem xem.
Sau đó, cơ quan rời Pắc Bó về tỉnh lỵ Cao Bằng, khi di chuyển, đi đêm, bị lạc anh em lủng củng gắt nhau. Bác cười bảo : lạc càng biết thêm nhiều đường chứ sao. Tây nó đuổi càng lắm lối chạy. Thế là mọi người lại vui. Khi về Pắc Bó, sáng nào Bác cũng tập thể dục. Bác có hòn cuội, tròn như quả quýt, luôn cầm ở tay, bóp vào lại xòe ra. Về Cao Bằng Bác vẫn mang theo. Tới cơ quan mới, Bác bắt đầu dịch từ Trung văn ra bộ lịch sử Đảng cộng sản ( Bôn-sơ-vích) Liên-xô. Bác nhìn vào sách dịch rồi đánh máy luôn ra, không có bản nháp. Cái máy chữ cũ Bác vẫn mang theo luôn bên mình. Dịch xong bộ sử đó, Bác tổ chức ăn mừng, nghĩa là bữa ăn có thịt và rau tươi.
Giặc Pháp vẫn ráo riết lùng cơ sở ta. Chúng thả mật thám như rươi. Các anh Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm thường bàn mật với nhau, có ý muốn “xịt” một vài thằng “chó”nguy hiểm. Một buổi Bác triệu tập hai anh đến học chính trị. Bác lấy lịch sử Đảng cộng sản Liên-xô ra bảo các anh nghiên cứu đoạn Lê-nin viết chống việc ám sát cá nhân. Hai anh ngẩn người, thầm thì với nhau : quái, sao mới dự định mà ông Cụ đã biết ?”[6]
*
* *