Đường Bác Hồ Đi Cứu Nước - Chương 05

… Sau một ngày biện luận, tòa án hoàng đế Anh ở Luân Đôn kết luận rằng phải thả ông Nguyễn, vì không thể kết án ông Nguyễn vào tội gì. Thứ nhất: tuyệt đối không có gì chứng rằng ông Nguyễn là một tay sai Liên-xô. Thứ hai không có chứng cớ ông Nguyễn muốn phá hoại Hương Cảng. Thứ ba: cộng sản hay quốc gia, điều đó không phải là một tội lỗi trước pháp luật Anh.

Thế là ông Nguyễn thắng lợi.

Nhưng bây giờ đi đâu? Nhất cử nhất động của ông đều bị mất thám Pháp và Tưởng theo dõi, mật thám Pháp đã thất bại trong việc vận động trục xuất ông, vì vậy chúng chỉ đợi ông ra khỏi Hương Cảng là đưa ông vào một cạm bẫy khác.

Ông Nguyễn yêu cầu đi Anh, ông Lô-dơ-bai chuyển thư yêu cầu của ông Nguyễn sang Luân Đôn.

Ông Nguyễn đáp tàu bí mật đi, không đợi chính phủ Anh trả lời.

Đến Tân-gia-ba, ông lại bị bắt và trả lại Hương Cảng. Mật thám Hương Cảng lấy cớ ông đi vào thuộc địa không có giấy phép và bắt ông một lần nữa.

Ông Lô-dơ-bai lại bênh vực ông Nguyễn, cứu ông ra khỏi nhà tù và với sự giúp đỡ của vợ và các bạn ông, ông bí mật giúp cho ông Nguyễn trốn.

Việc đi trốn được tổ chức rất chu đáo. Mật thám Pháp rình mò chung quanh nhà tù, sở cảnh sát trung ương, và nhà ông Lô-dơ-bai, mà không hay biết gì hết.

Ông Nguyễn trốn đi, đóng vai một nhà buôn to Trung Quốc. Từ Hương Cảng đến nhà một người bạn thân của ông Lô-dơ-bai ở một thành phố khác. Ở đấy ông Nguyễn sống như một nhà giàu đi nghỉ. Ông đi dạo trong rừng, đi thăm các chùa. Ông làm quen với các người văn nghệ. Ông viết bài cho những tờ báo địa phương bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, ký tên khác nhau. Ông thường tập thể dục để lấy lại sức.

Sau này khi nhắc đến chuyện cũ ở Hương Cảng, ông Nguyễn nói với các bạn:

Ông Nguyễn nhớ ơn ông Lô-dơ-bai và gia đình ông. Nếu không có người luật sư tốt này có lẽ ông đã chết rồi. Không những thế, trong suốt thời gian ông Nguyễn ở tù, ông Lô-dơ-bai và gia đình ông tìm mọi cách giảm nhẹ nỗi đau đớn tinh thần và vật chất của ông. Sau những phiên tòa kết án, ông Lô-dơ-bai cố hết sức giúp ông thoát nạn."[1]

*

"Ngày xưa, giai cấp thống trị nước Anh có truyền thống đối đãi "khoan hồng" với những người cách mạng nước ngoài. Ví dụ:

- Người thầy cộng sản của chúng ta là Các-Mác bị chính phủ Đức đuổi ra khỏi nước, rồi bị chính phủ Pháp đuổi. Nhưng đến Luân Đôn thì chính phủ Anh để ông Mác sống bình yên suốt đời.

- Sau khi công xã Pa-ri thất bại (1871) bọn phản động Pháp khủng bố dữ. Nhiều lãnh tụ Công xã lánh nạn sang Anh, chính phủ Anh cũng để họ làm ăn yên ổn.

Tháng bảy 1903, Đại hội lần thứ hai của Đảng Lê-nin (hồi đó gọi là Đảng công nhân xã hội dân chủ nước Nga) họp ở Luân Đôn. Khi Đại hội hết tiền ăn, một người tư sản Anh đã cho Đại hội mượn tiền để tiếp tục khai hội.

Ngày 6 tháng sáu 1931, Bác bị bắt ở nhà số 186, phố Tam Lung (Cửu Long). Sau đó, cảnh sát Anh bí mật bao vây dãy phố ấy suốt mấy tuần, hòng đặt "bẫy chuột" để bắt những đồng chí qua lại với Bác. Nhưng kết quả không bắt được ai. Gian nhà Bác ở thì bị chúng lật hết từng mảng tường, từng viên gạch, dùng chất hóa học nghiên cứu, để tìm tài liệu bí mật. Nhưng cũng không tìm được gì.

Những người cách mạng Trung Quốc bị bắt ở Xiêm, Mã-lai, Phi-líp-pin và các nơi khác đều bị đưa về Hương Cảng. Đối với họ cũng như đối với những người cách mạng bị bắt ở Hương Cảng, đế quốc Anh chỉ giam giữ ít lâu tra khảo lấy khẩu cung, rồi đuổi ra khỏi Cảng, chứ không phạt tù đày.

Thật là "khoan hồng"! Nhưng một khi bước chân xuống thuyền. (Hương Cảng là một hòn đảo, chung quanh là biển, muốn đi bất kỳ nơi nào khác, cũng phải đi thuyền), thì hầu hết những đồng chí được "trục xuất cảnh" đều bị bọn đặc vụ Quốc dân đảng bắt ngay.

Bác vào nhà giam vài hôm, thì đồng chí Hồ Tùng Mậu bị đưa ra nhà giam để "trục xuất cảnh". Nhân dịp đó, đồng chí Mậu báo cho luật sư Lô-dơ-bai (chủ nhiệm Công ty luật sư RUSS, của người Anh) biết tin Bác bị bắt, và nhờ ông ta giúp Bác.

Ông Lô-dơ-bai vào nhà giam gặp Bác và nói ông sẽ ra sức cãi hộ cho Bác.

Bác nói không có tiền để trả phí tồn cho công ty. Ông Lô-dơ-bai nói: "Tôi biết ngài là một lãnh tụ cách mạng Việt Nam. Tôi cãi hộ ông là vì danh dự chứ không nhất thiết chỉ vì tiền..."

Từ đó, vợ chồng ông Lô-dơ-bai hết lòng giúp đỡ Bác về đời sống trong nhà tù cũng như về vụ án kiện. Cũng do ông Lô-dơ-bai mà các đồng chí Pháp và Hội quốc tế Cứu tế đỏ biết rõ tình hình của Bác.

Được tin Bác bị bắt, thực dân Pháp ở Việt Nam vui mừng và hoạt động tợn. Chúng phái cả bầy mật thám sang chầu chực ở Hương Cảng. Chúng vận động chính phủ, tòa án và cảnh sát Anh dùng mọi cách để trao Bác cho chúng. Chúng phái tàu thủy chờ sẵn ở Cảng, nếu tòa án ký lệnh "trục xuất" là chúng tóm Bác đưa lên tàu chở về Việt Nam ngay. Chúng cho rằng lần này chúng sẽ thực hiện được lời đe dọa của quan thượng thư thuộc địa đã nói mươi năm trước đây: tức là bẻ gẫy những người cách mạng Việt Nam. Chính phủ Hương Cảng cũng muốn bí mật trao Bác cho thực dân Pháp. Nhưng luật sư Lô-dơ-bai làm cho việc Bác thành ra công khai, và đòi Tòa án tối cao phải xét xử.

Một mặt do thực dân Pháp tuyên truyền Bác là một người Bôn-sơ-vích cực kỳ nguy hiểm; mặt khác, do công an Cảng vu cáo Bác có âm mưu lật đổ chính quyền người Anh ở xứ này - thành thử dư luận cho rằng đây là một vụ án quan trọng nhất từ trước đến nay chưa từng có ở Cảng!

Từ tháng sáu đến tháng chín, tòa án họp 9 phiên. Mỗi phiên họp đều có cảnh sát vũ trang Anh và Ấn Độ gác khắp các cửa ra vào.

Trong các phiên tòa có nhiều quan chức cao cấp đến xem. Vai chính là:

- 2 vị chánh án và phó án.

- 2 vị công tố, thay mặt "Nhà vua" buộc tội.

- 2 vị luật sư cãi hộ cho Bác.

Các vị này đều mặc áo thụng đen và mang tóc giả theo lối đời xửa đời xưa. Trên bàn trước mặt mỗi vị có những chồng sách to tướng về luật lệ. Họ luôn luôn giờ sách ra đề dẫn chứng những lời họ trình bày. Thật là "nói có sách mách có chứng!"

Ông Lô-dơ-bai ngồi ở bàn và Bác ngồi trong vành móng ngựa đều không nói được gì hết. Khi muốn trao đổi ý kiến với nhau hoặc với thầy kiện, thì chỉ viết tóm tắt trên một miếng giấy nhỏ.

Lý lẽ của các thầy kiện tóm tắt là:

1. Việc bắt giam Bác là trái phép, vì Bác bị bắt giam từ hôm 6 tháng sáu 1931, nhưng đến hôm 12 tháng sáu, tổng đốc Anh mới ký lệnh chính thức cho phép bắt.

2. Người công chức lấy cung đã làm trái phép vì y đã hỏi Bác những điều ngoài khuôn khổ pháp luật đã quy định hỏi.

3. Buộc Bác phải đáp tàu Pháp đi về Đông Dương, tức là cố ý giao Bác cho Pháp để chúng giết Bác, thế là trái phép.

Hai điểm trên, chính phủ và công tố đã phải nhận sai lầm. Nhưng quan tòa và công tố vẫn quyết định đuổi Bác về Đông Dương.

Ông Lô-dơ-bai chống án lên "Hội đồng nhà vua", và nhờ luật sư Nô-oen Pơ-rít (Nowell Pritt) ở Luân Đôn cãi hộ cho Bác.

Đến tháng hai 1933, gần Tết âm lịch, "Hội đồng nhà vua" xóa án và ra lệnh: Cho phép Bác tự do đi đâu thì đi, miễn là ra khỏi Hương Cảng.

Thế là thắng lợi bước đầu! Nhưng đi đâu? Đi thế nào cho thoát? Nếu không khéo thì ra khỏi nhà giam sẽ rơi vào tay thực dân Pháp.

Bà Lô-dơ-bai nhờ một người bạn mua lại vé tàu thủy hạng nhất...

Hôm đó, một chiếc tàu nước ngoài (từ Hương Cảng qua Thượng Hải đi Nhật Bản) mới nhổ neo đi ra biển độ ba cây số thì được lệnh phải đỗ lại...

Chiếc ca-nô riêng của tổng đốc Hương Cảng đưa một vị "thân sĩ" Trung Quốc vào một phòng hạng nhất trên chiếc tàu ấy...

Tàu đến Hạ Môn thì vừa đúng 30 Tết âm lịch. Nhận lời mời của bầu bạn, "vị thân sĩ" Trung Quốc lưu lại ăn Tết ở Hạ Môn.

Sau 20 tháng gian lao nguy hiểm, một lần nữa Bác lại thoát khỏi âm mưu độc ác của thực dân Pháp và tạm thời đánh lạc hướng của chúng.

Thắng lợi này phần rất lớn là nhờ sự hết lòng giúp đỡ của ông bà Lô-dơ-bai.

Tức tối vì không bắt được Bác, giận dữ đối với người Anh, các báo thực dân Pháp bịa đặt ra tin rằng: Bác mắc bệnh lao trong nhà lao Anh, và đã chết rồi.

Các báo Anh liền quật lại, đại ý như sau:

"Các anh là những người hèn hạ, ngậm máu phun người. Các anh run sợ trước một người cách mạng Việt Nam nhưng không làm gì được. Người cách mạng đó đã được tòa án Anh tha rồi và xa chạy cao bay. Vì các người muốn bôi nhọ công lý và danh dự của người Anh, mà bịa đặt rằng người cách mạng đó chết là vì bị người Anh giam giữ. Sự thật là người Việt Nam ấy vẫn sống. Mà sự hy vọng vô lý của các anh thì chết rồi".

Các báo Anh nói thêm : Việc người cách mạng Việt Nam được trắng án là một danh dự lớn cho luật sư Lô-dơ-bai và của công lý nước Anh. Nhưng thiên hạ cũng phải nhận rằng một người Việt Nam ấy được may mắn còn biết bao nhiêu người khác không được may mắn mà bị xử oan...

Khám lớn Hương Cảng rất to rộng, gọi là ngục Vích-tô-ri-a. Vích-tô-ri-a là tên một vị vua đàn bà Anh nổi tiếng trị vì 64 năm thọ 82 tuổi (1819 - 1901).

Nhà giam Bác có ba tầng, mỗi tầng hai dãy xà lim. Cách xây dựng xà lim không xứng kích thước phổ thông chút nào! Bề cao 3 thước tây, mà bề ngang chỉ hơn 1 thước, bề dọc không đầy 2 thước, bề rộng chỉ vừa một người nằm xiên xiên. Cao chót vót trên đầu tường chỉ có một cái cửa sổ nhỏ hình nửa mặt trăng, lờ mờ, bị song sắt và lưới sắt bưng bít. Ban ngày từ cửa sổ ấy ánh sáng lọt vào xà lim một cách rụt rè, bỡ ngỡ. Cửa xà lim bằng ván gỗ dày độ một gang tay và bọc sắt, ở chỗ cao ngang đầu người có một lỗ tròn, phía trong rộng phía ngoài hẹp, như một cái loa. Chốc chốc tên lính gác ngục (người Ấn Độ, người Xíc và người Anh) ghé mắt vào lỗ, xem xét tình hình người tù trong xà lim.

Mỗi ngày, tù được ra ngoài xà lim 15 phút, đi dạo quanh một cái sân hẹp. Bốn phía sân đều là nhà giam cao ngất nghểu với những bức tường kín mít, âm u, người ta cảm thấy như đi dạo dưới đáy một cái giếng. Ngửng đầu lên thì chỉ trông thấy trời rộng bằng một chiếc khăn tay. Ở trong xà lim ngột ngạt, ra ngoài xà lim cũng ngột ngạt.

Mỗi ngày ăn hai bữa cơm gạo xay, một phần tư là thóc. Hôm nay, thức ăn bữa sáng có rau muống, bữa chiều có mắm thối hoặc cá ươn. Hôm sau, thay đổi "khẩu vị" bữa sáng có mắm thối hoặc cá ươn, bữa chiều có rau muống. Mỗi tuần được ăn một bữa tiệc: một phần cơm trắng cùng vài miếng thịt bò. Cùng giam với Bác đều là những người bị bắt vì chính trị, những người phạm tội khác bị giam riêng. Dù cực khổ và có lẽ cái chết đã treo sau ót, những người tù cách mạng không hề tỏ vẻ lo sợ, họ vẫn vui cười như thường. Tối nào, đến giờ đi ngủ, họ cũng hát vang Quốc tế ca và nhiều bài hát cách mạng khác, bất chấp bọn lính gác ngục đe dọa la lối om sòm.

Đời sống vật chất trong nhà tù, tóm tắt là như vây.

Mấy tháng về sau, vì sức yếu và nhờ có ông Lô- đơ-bai vận động. Bác được đưa vào nhà thương, điều kiện ăn ở có dễ chịu hơn.

Khi bị bắt giam, trong tâm trạng chỉ có một điều là lo. Không phải lo số phận mình sau này sẽ ra sao, vì sẵn biết rằng kết quả cuối cùng chỉ có thể: hoặc là sẽ bị bọn thực dân thủ tiêu; hoặc là sẽ thoát khỏi xiềng xích, trở lại hoạt động cách mạng. Lo là lo những công việc mình làm chưa xong, ai sẽ tiếp tục làm thay? Ít nhiều kinh nghiệm mình đã gom góp được, làm thế nào để truyền lại cho đồng chí khác. Những mối manh và những địa điểm chỉ có mình biết, từ nay ai sẽ xây dựng lại?... Đảng ta tuy mới thành lập, nhưng uy tín đã cao, đấu tranh đã mạnh, giai cấp công, nông đều trông vào sự dắt dìu của Đảng; đồng thời bọn thực dân ra tay khủng bố, nhiều đồng chí bị bắt và bị hy sinh, nhiều tồ chức bị phá vỡ, từ nay công tác cùa Đảng sẽ tiến hành ra sao? Ai sẽ hướng dẫn những chiến sĩ mới, anh dũng có thừa nhưng kinh nghiệm còn thiếu? Lo hết việc này, lại lo đến điều khác. Chỉ lo suông mãi không giải quyết được, cho nên:

"Ngổn ngang trăm mối bên lòng

Ngủ không yên giấc, ăn không ngon mồm"

Lo chán lại đặt kế hoạch. Nếu được trở lại tự do, đối với công việc Đảng ta sẽ tăng cường điểm này; cuộc vận động công nhân và nông dân ta sẽ cải tiến chỗ nọ; việc tổ chức thanh niên và phụ nữ ta phải sửa đổi chỗ kia... Biết bao nhiêu là kế hoạch chủ quan, mình tự đặt ra, rồi mình lại thảo luận, bàn cãi với mình. Nếu người ngoài nhìn thấy vậy có thể cho Bác là đãng trí, lẩm cẩm. Sự thật là một người đang hoạt động sôi nổi, bỗng nhiên bị nhốt lại một mình trong một cái xà lim âm thầm kín mít, ngày này qua tháng khác không được nói năng gì với ai, không ai được nói năng gì với mình - trong hoàn cảnh đó, muốn cho khỏi đãng trí thì chỉ có một cách đặt ra chuyện mà lo tính và tính lo cho khuây khỏa và giữ cho đầu óc cứ hoạt động như thường.

Còn một cách tiêu khiển nữa là gây chiến tranh với rệp, hoặc là xem kinh thánh Cơ-đốc. Kinh thánh Cơ- đốc là một thứ sách được khuyến khích xem trong nhà tù. Dù sao, đối với công cuộc và tương lai của cách mạng, Bác quyết không hề bi quan, luôn luôn lạc quan.

Hồi đó, ở khám lớn Vích-tô-ri-a có vài chuyện thú vị :

- Anh Lý bị án 7 năm tù (không rõ vì sao), còn 5 tháng nữa thì hết hạn. Lý được đưa vào làm (khổ sai) ở xưởng máy áo của nhà tù. Ở xưởng này có một tên cai người Anh rất hung ác, Lý nói: "Ta quyết giết chết thằng ác ôn này, đề anh em đỡ khổ với nó". Một hôm, tên cai ấy đang đánh đá túi bụi một bạn tù, thì Lý cầm một chiếc kéo to thọc nó lòi ruột. Lý lại bị đưa ra tòa án và chịu thêm 7 năm tù nữa. Từ đó bọn gác ngục không dám lại gần Lý. Còn anh em tù thì đều gọi Lý là anh hùng.

- Cũng trong thời gian đó, Trịnh Quốc Đậu, con một Hoa kiều triệu phú, vì giành nhau một cô gái nhảy mà phạm tội giết người. Bị tống vào khám Vích-tô-ri-a. Vì "công tử" không ăn được cơm gạo xay như mọi người tù khác, nó được phép nhận cơm ở nhà đưa vào. Cơm ở ngoài đưa vào thì phải kinh qua những người tù làm "coóc-vê" chuyển đến cho Đậu. Những người tù này nói với nhau: "Bồ ổ nó ăn sung mặc sướng nhiều rồi. Nhân dịp này chúng mình chia nhau chút đỉnh cho anh em tù nghèo cùng nếm". Thế là hầu hết nem, chả, vật lạ, của ngon không đến miệng Đậu. Đậu tức lắm nhưng không dám mở mồm.

- Anh em tù (đã thành án) bãi công, bãi thực để đòi cải thiện chế độ giam cầm. Chủ ngục dùng cách khủng bố, đánh đập từng người. Nhưng hễ một người tù bị đánh đập thì tất cả mọi người khác la um sùm. Khi đêm khuya thanh vắng, họ cùng nhau kêu van: "Đói lắm trời ơi! Khổ lắm trời ơi!" làm chấn động cả khu phố. Muốn đấu dịu, chính phủ Hương Cảng bảo một nhóm thân sĩ Hoa kiều vào khám lớn khuyên dỗ anh em tù... Có vị thân sĩ khi đứng đàng xa thì nói to: "Anh em nên chấm dứt cuộc bãi công, bãi thực đi. Nhà nước sẽ đáp ứng những lời yêu cầu của anh em..." Nhưng khi đến gần anh em tù, thì vị văn sĩ ấy nói khẽ: "Anh em cứ đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng..."

Những mẩu chuyện ấy cho chúng ta thấy rằng tính giai cấp và tính dân tộc ở đâu cũng có hoặc ít hoặc nhiều. Một mẩu chuyện nữa:

Khi Bác ở trong khám, nhiều "ông bà" người Anh có quyền thế dắt nhau vào xem, ý chừng họ muốn thấy mặt mũi "lạ lùng" của người Bôn-sơ-vích.

Khi Bác vào nhà thương, anh chị em nhân viên người Trung Quốc cũng đến xem, nhưng với một cách kín đáo, không sỗ sàng như người Anh.

Một hôm, cô y tá người Trung Quốc thưởng ngày chăm nom Bác, thủ thỉ hỏi Bác một cách bí mật: "Chú này! Cộng sản là thế nào? Chú làm cộng sản làm gì để bị bắt bớ khổ thân!" Cô ta biết cộng sản không phải là trộm cắp, buôn lậu, giết người; thế thì cộng sản là gì và vì sao mà bị bắt giam, điều cô ta không hiểu được!

Bác trả lời: "Nói tóm tắt, cộng sản là làm cho ai cũng sung sướng và bình đẳng, không ai bóc lột và đè nén ai. Ví dụ: cộng sản muốn làm cho chị em cô không phải mang cổ xanh suốt đời và suốt đời không bị người mang cổ đỏ sai khiến. (Cổ áo đỏ là y tá trưởng người Anh; cổ áo xanh là những nữ y tá người Trung Quốc).

Cô y tá giương to cặp mắt nhìn Bác và nói: "Thế ạ?"

Ở Hạ Môn ít lâu, Bác đi tàu thủy lên Thượng Hải.

Đến Thượng Hải hôm trước, hôm sau xem báo thì thấy tin: "Hôm qua, những tàu biển cặp bến tô giới Pháp đều bị nhà chức trách lục soát rất kỹ.."

Hú vía! Ở Thượng Hải, bọn Quốc dân đảng cũng khủng bố gắt gao. Để che mắt bọn mật thám, Bác phải tiếp tục giữ bộ điệu như một vị thân sĩ, mặc áo quần thật sang, ở khách sạn thật sang, nhưng đến tối thường khóa cửa phòng lại, rồi ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy áo quần...

Mùa thu năm 1933, được tin có một đoàn đại biểu từ châu Âu sắp sang các nước Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc. Đoàn gồm có một quý tộc Anh, một đại biểu quốc hội nước Bỉ, một nhà văn người Pháp (là đồng chí Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê). Tin tức này làm cho Bác mừng rỡ nhẹ cả người.

Bác đến Thượng Hải đã lâu mà vẫn chưa bắt được liên lạc.

Đối với người cách mạng, không gì khổ tâm bằng đã không hoạt động được, lại mất liên lạc với đoàn thể lâu ngày. Điều đó làm cho người cách mạng đêm ngày cảm thấy vô cùng cô độc linh đinh.

Đoàn đại biểu hòa bình đến Thượng Hải bị chính quyền Quốc dân đảng và tất cả người da trắng ở thành phố này tẩy chay. Khi tàu sang đến Nhật, cũng bị chính phủ Nhật cấm không cho lên bờ!

Ở Thượng Hải, bà Tống Khánh Linh (vợ hóa cụ Tôn Trung Sơn) đã bí mật tổ chức một cuộc mít-tinh cho đoàn nói chuyện.

Bác viết thư cho đồng chí Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê. Thư này bỏ vào trong một thư khác cho một người bạn, nhờ chuyển hộ.

Người bạn này (Bác chỉ quen biết sơ thôi) có uy tín lớn cho nên Quốc dân đảng và bọn đế quốc ghét lắm, nhưng chỉ phái đặc vụ bao vây dò xét, chứ không dám bắt bớ, giam cầm.

Bác ăn mặc sang, thuê một chiếc xe hơi thật sang, đi đến nhà người bạn ở trong tô giới Pháp, gõ cửa, trao bức thư, rồi đi ra ngay. Lúc trở về, thấy cảnh sát Pháp chặn các khu phố lục soát người đi đường. Người lái xe tỏ vẻ ngập ngừng... Bác bảo: "Cứ đi!". Chắc là vì chiếc xe rất sang, cho nên không bị chặn lại khám xét... Một lần nữa, hú vía!

Chiều tối hôm sau, Bác gặp đồng chí Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê ở một địa điểm kín đáo. "Muôn dặm quê người gặp bạn thân!" — Cả hai người vô cùng mừng rỡ, vừa cảm động nghẹn ngào...

Hai anh em siết chặt tay nhau mà nói chuyện.

Bác nói cho đồng chí Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê biết hoàn cảnh khó khăn của mình.

Đồng chí Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê nói cho Bác rõ tình hình phong trào cách mạng:

Ở Việt Nam từ ngày phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh anh dũng, thực dân Pháp cực kỳ hoảng sợ và thẳng tay khủng bố hết sức dã man. Nhiều làng mạc bị san phẳng. Nhiều đồng chí bị hy sinh. Nhiều tổ chức bị tan vỡ...

Tháng ba 1931, trong lúc Trung ương Đảng bí mật họp hội nghị ở Sài Gòn, Ngô Đức Trì bị bắt và phản bội. Vì nó khai mà đồng chí Trần Phú và nhiều đồng chí khác bị bắt. Suốt sáu tháng bị tra tấn dã man, tháng chín năm ấy đồng chí Trần Phú đã chết trong tù.

Tuy phong trào tạm thời bị xuống thấp, nhưng sự hy sinh oanh liệt của cán bộ và đảng viên đã làm cho ảnh hưởng và uy tín Đảng không ngừng lên cao. Tên bộ trưởng thuộc địa Pháp đã công khai nhận rằng: "Hoạt động của Đảng cộng sản nguy hiểm cho Pháp gấp mấy lần cuộc bạo động của Quốc dân đảng"...

Từ cuối năm 1931 đến nay (mùa thu 1933), do sự cố gắng phi thường của các đảng viên và lòng hăng hái của nhân dân, nhiều chi bộ Đảng và nhiều cơ sở quần chúng dần dần được tổ chức và hoạt động lại.

Tình hình thế giới thì thế này: một bên là chủ nghĩa tư bản lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đã phải đi đến con đường tối phản động là chủ nghĩa phát-xít. Một bên là giai cấp công nhân các nước đấu tranh ngày càng hăng. Nhân dân lao động Liên-xô thắt lưng buộc bụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã thu được nhiều thắng lợi lớn... Nói tóm lại, tuy cách mạng gặp khó khăn không ít, nhưng tiến bộ cũng rất nhiều...

Đã ba năm không hay không biết gì hết, hôm nay được đồng chí Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê cho biết những tin tức đó, lòng Bác bâng khuâng vừa thương xót, vừa vui mừng. Vui mừng, vì sau những cuộc thử thách cực kỳ ác liệt. Đảng ta đã tỏ ra cứng cáp về đường lối chính trị và Đảng dần dần khôi phục lại lực lượng của mình. Đồng thời phong trào cách mạng thế giới đang tiến lên, thành trì của cách mạng thế giới là Liên-xô đang xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

Thương xót, vì nhiều người con ưu tú của Đảng và của nhân dân - như đồng chí Trần Phú Và nhiều đồng chí khác - đã bị hy sinh.

Đồng chí Trần Phú là một trong những thanh niên đầu tiên sang học ở ban huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, rồi tham gia hội "Thanh niên cách mạng đồng chí", và được giới thiệu đi học ở Mát-xcơ-va một thời gian. Vào khoảng tháng tư 1930, đồng chí Trần Phú trở lại Trung Quốc gặp Bác bàn bạc công việc Đảng, rồi về nước hoạt động. Tháng mười 1930, Trung ương họp hội nghị lần thứ nhất, chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng tuy chỉ hoạt động được non một năm (từ ngày về nước đến ngày bị bắt).

Mấy hôm sau khi gặp đồng chí Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê, thì Bác chắp được liên lạc với đoàn thể. Nỗi vui mừng lúc đó không thể tả được:

Ba năm lưu lạc, linh đinh

Nay đã trở lại trong đại gia đình công nông."[2]

..."Trước khi bào chữa cho vụ của Hồ Chủ tịch, tôi được nhiều người ở Hương Cảng biết tiếng, vì hồi đó tôi có bào chữa cho một người Việt Nam bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt. Hiện nay tôi không nhớ tên người Việt Nam đó là ai. Nhà cầm quyền Hương Cảng định giao người Việt Nam này cho thực dân Pháp ở "An Nam"[3], với lý do là "An Nam" là của người Pháp. Sau khi xem lại các hiệp định ký kết giữa Pháp và nhà vua "An Nam" lúc đó, tôi thấy chỉ có một hiệp ước trong đó nhà vua "An Nam" nhận cho cố vấn người Pháp sang "An Nam". Do đó tôi chuẩn bị giấy tờ ra trước tòa án cãi rằng "An Nam" là của nhà vua "An Nam" chứ không phải của người Pháp, cho nên không thể trao trả người Việt Nam đó cho Pháp được. Sau đó người Việt Nam trên đã được thả. Nhờ vậy mà ở Hương Cảng có thêm một số người biết tôi."

. . . . . .

"Một hôm có một người Việt Nam, hiện nay tôi không nhớ rõ tên là gì nữa[4] đến gặp tôi và báo cho tôi biết nhà cầm quyền Hương Cảng mới bắt được một người Việt Nam và yêu cầu tôi giúp bào chữa cho người Việt Nam đó. Được tin này tôi đến nhà lao và gặp Tống Văn Sơ tức tên Hồ Chủ tịch lúc đó. Tống Văn Sơ kể cho tôi nghe ông bị Pháp ở Đông Dương kết án tử hình và có nhận mặt được một sĩ quan Pháp ở Hương cảng.

Lúc đó tôi mới biết bọn Pháp ở Đông Dương đã nhờ nhà cầm quyền Hương Cảng bắt Tống Văn Sơ đồng thời Tống Văn Sơ cũng nói cho tôi biết trường hợp bị bắt của mình, sau đó tôi găp hội đồng luật sư để xem cần phải làm gì và về chuẩn bị giấy tờ đến gặp chánh án...

Lần thứ hai tôi gặp Tống Văn Sơ là ở tòa án. Chánh án ngồi trên bành cao. Tôi cũng có mặt trong phiên tòa cùng với luật sư Gien-kin (Gen Kins) (hiện nay đã chết). Tống Văn Sơ đứng trước vành móng ngựa tay bị xích. Tôi nói Gien-kin cần xem tay Tống Văn Sơ. Gien-kin nói lại với chánh án xem tay Tống Văn Sơ. Tống Văn Sơ giơ tay đang bị xích lên cao. Gien-kin nói: luật pháp quy định mang bị cáo vào tòa án không được xích. Do đó chánh án phải ra lệnh tháo xích ở tay Tống Văn Sơ. Sau khi Tống Văn Sơ được tháo xích rồi Gien-kin mới đọc trước tòa án những lời bào chữa của luật sư.

Theo luật pháp của Anh hồi bấy giờ, khi bắt một người chỉ được hỏi người đó năm câu mà thôi. Năm câu đó hiện nay tôi cũng không nhớ là những gì, nhưng đại để là tên, tuổi, làm nghề gì?... Không được hỏi sang câu thứ sáu dù câu đó là câu gì. Nhưng khi bắt Tống Văn Sơ nhà cầm quyền Hương Cảng lại hỏi câu thứ sáu là: "Vì sao anh sang Nga?". Nhà cầm quyền hỏi câu thứ sáu đó trái với pháp luật nên cuối cùng tòa án phải tuyên bố phóng thích Tống Văn Sơ.

Nhưng vừa thả Tống Văn Sơ ra cảnh sát Hương Cảng lại bắt giam lần thứ hai với âm mưu cho Pháp hoặc cho ám sát. Lần này tòa án nói lần bắt giam thứ hai là hợp pháp vì Tống Văn Sơ đã bị kết án tử hình ở Đông Dương nên phải trả lại cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Sau khi tôi nghiên cứu tài liệu thì thấy rằng một người bị kết án ở Thượng Hải chẳng hạn đi sang Hương Cảng thì nhà cầm quyền Hương Cảng bắt lại và trao trả cho nhà cầm quyền Thượng Hải, nhưng điều đó chỉ áp dụng cho những người thuộc quốc tịch Anh mà thôi. Do đó tôi thấy cần phải đưa việc này lên tòa kháng án ở Luân Đôn. Tôi chuẩn bị giấy tờ xong cho in tử tế rồi gửi đi Luân Đôn cho các luật sư của tôi ở Luân Đôn.

Các luật sư ở Luân Đôn viết thư trả lời cho tôi biết họ đã nhờ luật sư Pơ-rít (Pritt). Tôi phải kiếm tiền để trả cho luật sư Pơ-rít. Còn về phía nhà cầm quyền Hương Cảng thì họ nhờ luật sư Sta-pho-ki-ríp (Staffort Cripps). Sau khi nhận được tài liệu của nhà cầm quyền Hương Cảng luật sư Sta-pho-ki-ríp đến gặp Pơ-rít, và nói với Pơ-rít rằng ông đã được nhà cầm quyền Hương Cảng giao cho làm việc này, nhưng thấy không thể đem việc này ra tòa được vì mang ra tòa thì nhà cầm quyền Hương Cảng sẽ thất bại. Cuối cùng hai luật sư đồng ý rằng phải phóng thích Tống Văn Sơ. Sta-pho-ki-ríp thay mặt nhà cầm quyền Anh hứa giúp phương tiện cho Tống Văn Sơ muốn đi đâu thì đi. Sau đó Tống Văn Sơ lại được phóng thích.

Trong thời gian Tống Văn Sơ ở nhà lao tôi có đến thăm nhiều lần, có mang theo cả bà Lô-dơ-bai và con gái đến thăm. Bà Lô-dơ-bai thường mang thức ăn đến cho Tống Văn Sơ. Lúc đó ngay cả Tô-mát Sao-tho-nơ (Tho mas Sout hon), hồi đó làm thư ký thuộc địa là người thứ hai sau công sứ Hương Cảng và vợ Sao-tho-nơ là một văn nghệ sĩ nổi tiếng (thường lấy tên là Stalla Benson) cũng đến nhà lao gặp Tống Văn Sơ. Tôi có yêu cầu nhà lao phải đối xử với Tống Văn Sơ tử tế. Từ trước tới nay chưa bao giờ có chuyện như vậy. Ai gần Tống Văn Sơ lúc đó cũng đều phải kính phục.

Sau khi ở nhà lao ra Tống Văn Sơ bị đau phải vào nhà thương nằm, chúng tôi cũng thường hay lui tới.

Hồi đó có một chuyến tàu đi Liên-xô qua Tân-gia ba. Theo ý kiến của Tống Văn Sơ tôi sắp đặt để Tống Văn Sơ đi Tân-gia-ba, những nhà cầm quyền Hương Cảng không muốn như vậy lại bí mật điện cho cảnh sát Tân-gia-ba bắt lại và đưa về Hương Cảng. Khi về đến Hương Cảng, Tống Văn Sơ có viết một bức thư nói rõ sự việc xảy ra và yêu cầu tôi can thiệp.

Tôi rất bực khi nhận được tin này, Đêm hôm đó tôi ngồi suy nghĩ suốt từ tám giờ đến mười hai giờ đêm xem nên làm như thế nào. Sáng hôm sau tôi quyết định đến gặp công sứ Hương Cảng lúc đó là Uy- liam Pin (Wi liam Peel) nói: "Nhà cầm quyền Hương Cảng đã không giữ lời hứa và đề nghị để cho Tống Văn Sơ đi Hạ Môn bằng một chuyến tàu tôi đã chọn trước". Sau công sứ Hương Cảng có gửi thư riêng cho tôi nói nếu đưa Tống Văn Sơ xuống tàu ở bến thì khi cảnh sát khám xét tàu trước khi nhổ neo có thể nhận ra Tống Văn Sơ và bắt giữ lại, vì vậy phải lấy một chiếc thuyền riêng đưa Tống Văn Sơ ra ngoài khơi rồi hãy lên tàu. Tôi cho anh thư ký riêng người Trung Hoa[5] của tôi tên là Loóng, hiện nay vẫn còn làm việc với lôi, đưa Tống Văn Sơ ra ngoài khơi hẹn chiếc tàu sau khi đã khám xét xong sẽ đậu lại để đưa Tống Văn Sơ lên đi Hạ Môn (hồi đó cụ Lô-dơ-bai có hai người thư ký Trung Hoa, một người tên là Loóng, một người tên là Vong (đã chết).

Suốt trong thời gian khi ở Tân-gia-ba về Hương Cảng đến khi đi Hạ Môn gia đình chúng tôi có chú ý giúp đỡ Tống Văn Sơ. Để tránh cho bọn mật thám khỏi theo dõi, tôi đã đưa Tống Văn Sơ vào ở trong ký túc xá của Hội Thanh niên thiên chúa giáo Trung hoa (Chinese Young men christiars association). Hội này có hệ thống từ bên Anh. Ký túc xá của hội này gồm những nhân viên, thanh niên, học sinh, sinh viên) giáo sư phần lớn chưa có gia đình đến ở với giá rẻ.

Ban ngày Tống Văn Sơ ở trong nhà. Bà Lô-dơ-bai thường mang thức ăn đến. Tống Văn Sơ có đưa cho bà một sợi dây trên có đánh dấu bằng từng nút chiều đo của vai, tay, cổ ... đề bà cụ mang về cho Tống Văn Sơ một bộ quần áo dài Trung Hoa giả làm một giáo sư người Trung Hoa vẫn ở trong ký túc xá của Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa. Lúc đó Tống Văn Sơ cũng để râu mép để giả dạng. Tối đến tôi hẹn Tống Văn Sơ và đợi ở một chỗ vắng gần ký túc xá của Hội thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa, vì xung quanh ký túc xá có một bãi rộng. Tôi đến giả làm một kiến trúc sư người Âu, còn Tống Văn Sơ giả làm một nhà thầu khoán đi xem đất xây nhà, rồi đem Tống Văn Sơ về nhà ăn cơm chiều. Tôi không nhớ chuyện này xảy ra vào tháng mấy, nhưng chỉ nhớ lúc đó trong nhà phài có lò sưởi và bộ quần áo may cho Tống Văn Sơ là bộ quần áo mặc rét.

Trong khi ăn cơm bà Lô-dơ-bai cũng rất cẩn thận, không để cho người làm nhận ra Tống Văn Sơ. Trong phòng ăn ở nhà tôi hồi đó có một cái tủ, trên tủ có một tấm gương to. Bà Lô-dơ-bai thường xếp Tống Văn Sơ ngồi quay lưng về phía gương để người đứng sau không thể nhìn được mặt Tống Văn Sơ trong gương. Sau khi ăn cơm chiều xong, ngồi nói chuyện ở lò sưởi một lúc, rồi tôi lại lái xe đưa Tống Văn Sơ về, nhưng trước khi đến chỗ để Tống Văn Sơ xuống tôi cũng cho xe chạy lung tung để đánh lạc hướng người theo dõi. Ở nhà tôi hồi đó cũng có nhiều người bạn Trung Hoa đến chơi, nên người nhà cũng cho Tống Văn Sơ là một người bạn Trung Hoa quen của gia đình tôi mà thôi.

Sau khi Tống Văn Sơ đi Hạ Môn rồi tôi không được tin tức gì nữa. Mãi đến sau này tôi mới được hai bức thư ký tên là New-man [6] của Tống Văn Sơ và nói tôi viết thư trả lời. Nhưng tôi sợ bọn cầm quyền tìm ra được địa chỉ cùa Tống Văn Sơ nên tôi không viết thư trả lời..."¨.

[1] Trần Dân Tiên, "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, năm 1975

[2] T. Lan, "Vừa đi đường vừa kể chuyện". Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, năm 1963.

[3] Tức là đất nước Việt Nam

[4] Đó là đồng chí Hồ Tùng Mậu (BT)

[5] Đó là luật sư, thư ký và là người giữ hồ sơ cho luật sư Lô-dơ-bal (BT).

[6] Người mới

¨ Trích trong "Câu chuyện của Phơ-răng-xít Hăng-ri Lô-dơ-bai kể lại về vụ bào chữa cho Hồ Chủ tịch năm 1931. Nhân dịp hai ông bà sang thăm Việt Nam năm 1960". Tài liệu BNCLSĐTW.

Trở lại đất nước Xô viết.

“… Năm 1933, một hôm tôi có việc đến cơ quan Quốc tế cộng sản, đang ngồi trong phòng của một đồng chí thì có điện thoại báo tôi đừng về vội. Khi họ báo cho biết có thể ra về được, tôi ra đến cửa thì bỗng thấy Bác đang nói chuyện với người lái xe. Tôi nghe rõ Bác nói với người lái xe câu tiếng Nga :

- I-a sca-giu (Tôi sẽ bảo).

Tất cả đồng chí Việt Nam ở Mạc Tư Khoa lúc đó chưa ai biết là Bác đã sang. Chỉ có đồng chí nữ thư ký của nhóm Việt Nam ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa biết, vì có đồng chí phụ trách nhóm Việt Nam báo cho. Đồng chí cán bộ phụ trách nhóm Việt Nam hồi đó cũng là một nữ đồng chí và là cán bộ của Quốc tế cộng sản.

Sau đó mấy hôm, đang đi ngoài đường, tôi trông thấy Bác, nhưng cũng không đến chào hỏi vì tổ chức chưa giới thiệu chính thức.

Vài hôm sau, thì được gặp chính thức. Một đồng chí Việt Nam nữa với tôi được gọi đến Quốc tế cộng sản. Bác đợi chúng tôi ở tầng gác thứ tư, trong buồng làm việc hàng ngày của đồng chí phụ trách nhóm Việt Nam ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Nhà đó ở đường Ma-khô-va-ia ; hiện nay là chỗ tiếp khách của Chủ tịch đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao.

Thấy Bác, tôi mừng quá :

- Anh !

Bác niềm nở cười.

Người Bác rất gầy, nước da xanh sạm, đầu cúp trọc lốc. Tất cả tinh thần ở hai con mắt sáng quắc.

Hôm đó gặp Bác là để báo cáo Bác rõ tình hình trong nước những năm qua, và thảo ra một số tài liệu để gửi về nước.

Từ đó về sau, trong nội bộ, Bác là người lãnh đạo nhóm học sinh Việt Nam ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Bác vào trường Lê-nin là trường Đảng cao cấp cho các lãnh tụ các nước ngoài. Trường này có hai ban : Ban dài hạn ba năm và ban ngắn hạn sáu tháng. Bác học ở Ban ngắn hạn. Ở trường, Bác lấy tên là Li-nốp. Còn đối với nhóm học sinh Việt Nam ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, thì Bác lấy tên là Lin.

Trong khi còn học ở trường Lê-nin, Bác liên hệ với nhóm Việt Nam rất chặt chẽ. Thường thường buổi tối, Bác đến nói chuyện về kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, nhất là Bác chú ý bồi dưỡng cho anh em về đạo đức cách mạng, đặc biệt là tinh thần đoàn kết. Đôi khi trong những anh em đó, có người còn ít tuổi, và cũng chưa được rèn luyện mấy trong trường đấu tranh cách mạng, có những chuyện xích mích lặt vặt có tính chất cá nhân. Bác phải phân xử cả những việc như vậy. Điều mà Bác muốn làm cho anh em thấm nhuần, là cần bỏ những tính tự cao tự đại, tự tư tự lợi, những biểu hiện vô kỷ luật, vô tổ chức, và phải luôn luôn đoàn kết, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Bác thường nói với anh em : “Nếu chúng ta ở đây, chỉ có mấy người mà không đoàn kết với nhau được thì còn nói gì đến khi về nước đoàn kết nhân dân, quần chúng để đánh thực dân, cứu nước ?”.

Học xong trường Lê-nin, thì Bác chuyển sang Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời làm việc ở Quốc tế cộng sản. Bác dạy nhóm Việt Nam về tổ chức là lịch sử Đảng.

Tuy là lãnh đạo nhóm, nhưng Bác rất hòa mình với anh em, tham gia mọi công tác như các anh em khác : viết báo tường, tham gia các tiết mục trong những buổi biểu diễn, tổ chức đi tham quan, đi chơi với các anh em, nhận phiên dịch ra tiếng Việt các tài liệu, v.v…

Trong khi nói chuyện với anh em về kinh nghiệm đấu tranh của mình, Bác thường dùng những thí dụ cụ thể, thiết thực, vì phần đông anh em trình độ còn thấp ( phần nhiều từ Pháp sang, và trước đó là bồi bếp, hoặc thủy thủ). Ví dụ nói đến đoàn kết thì Bác lấy câu chuyện bó đũa, cả nắm khó bẻ, lấy ra từng chiếc thì dễ bẻ gẫy, v.v…

Đọc báo Đảng bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh có bài nào nói đến những cuộc đấu tranh thắng lợi của quần chúng ở các nước, Bác đều dịch cho anh em nghe, một là để bồi dưỡng tinh thần quốc tế chủ nghĩa cho các đồng chí, hai là để tăng thêm sự tin tưởng của anh em ở lực lượng cách mạng.

Bác rất chú ý dạy cho anh em cách viết, qua việc duyệt các bài báo hoặc các tài liệu do anh em dịch ra tiếng Việt. Bác luôn luôn chú ý làm cho anh em viết một cách giản đơn, dễ hiểu, không dùng nhiều danh từ, và nếu dùng thì dùng cho đúng. Văn dịch hoặc văn viết, nếu Bác thấy lủng củng, khó hiểu tức thì Bác gạch đi, bảo viết lại hay dịch lại.

Vào mùa thu năm 1934, các đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai sang Liên-xô. Cùng sang với hai đồng chí có hai đồng chí ở nước ngoài và một đồng chí người Nùng quê ở Cao Bằng (tức là đồng chí Tuy, hiện làm ở Bộ Nội vụ).

Đồng chí Minh Khai và ba đồng chí kia học ở lớp đặc biệt ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Nhóm này, về Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách. Còn Bác thì phụ trách chung cả nhóm cũ và cả nhóm này. Vì điều kiện bí mật nên hai nhóm ở hai nhà riêng biệt.

Cùng đồng chí Lê Hồng Phong và Minh Khai, các đồng chí kia sang để dự Đại hội thứ 5 Quốc tế cộng sản. Đến năm 1935 thì Quốc tế cộng sản khai Đại hội và công nhận Đảng ta chính thức gia nhập Quốc tế. Đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh là Hải An) trước học ở trường Hàng không quân sự, rồi sau sang trường Đại học cộng sản Đông Phương (1929), được bầu vào Ban chấp hành mới của Quốc tế cộng sản.

Bác tuy không ở trong Ban chấp hành nhưng vẫn luôn luôn tham dự mọi công tác. Như vậy là ở Quốc tế cộng sản trước kia chưa có đại diện chính thức của Đảng ta, nay đã có.

Tuy có nhóm mới, Bác vẫn săn sóc cả hai nhóm cũ, mới như nhau. Bác tham gia mọi hoạt động của cả hai nhóm rất tích cực : biểu diễn văn nghệ, viết bích báo, kể chuyện, đi tham quan, v.v….

Sau khi thôi học ở trường Lê-nin, Bác đến ở cùng một nhà với nhóm thứ nhất. Lúc đầu Bác ở một chỗ riêng, trong ký túc xá của trường Đại học cộng sản Đông Phương, rồi sau Bác dọn hẳn đến ký túc xá của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Bác ở một gian phòng nhỏ, vừa một người ở, rất giản dị, không khác gì một anh học sinh thường.

Khi Bác mới sang Liên-xô, nghe nói Quốc tế cộng sản thấy Bác gầy yếu, có để Bác xuống nghỉ ở Xô-si, nhưng được một hai ngày, Bác đã trở về.

Người Bác gầy, nước da vẫn xanh. Có điều lạ là không bao giờ mệt, ốm, không bao giờ chịu nằm luôn mấy hôm, chỉ thỉnh thoảng ho và khạc ra huyết.

Lần này Bác ở Liên-xô lâu hơn hết. Mùa đông rất rét, có khi đến 30, 34 độ dưới không, nhưng Bác vẫn giữ được sức khỏe, là vì sinh hoạt của Bác rất đều, có giờ giấc rất nghiêm : sáng nào dậy Bác cũng tập thể dục, trong buồng có những dụng cụ tập như quả tạ, dây chun, v.v…

Khi đi chơi, hoặc đến nhà anh em bạn, Bác cũng rất điều độ, nói giờ nào đến thì đến đúng giờ ấy, nói ở chơi được bao lâu thì ngồi chơi đúng bấy nhiêu, đố ai vì một lý do gì có thể giữ Bác lại được thêm mấy phút. Không lề mề, la cà, không việc nọ sọ sang việc kia, đó là một biểu hiện của tính kỷ luật, tính tổ chức, của tinh thần tự chủ mà Bác đạt đến cao độ.

Ở Mạc Tư Khoa, ngày kỷ niệm lao động quốc tế 1-5, các đoàn đại biểu ngoại quốc đến rất đông. Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa có nhiều học sinh các thuộc địa. Để giữ bí mật, ngày đó nhà trường báo với học sinh đừng ra đường. Trong lúc ngoài phố thiên hạ nô nức, rộn rịp. Bác tổ chức cho anh em ăn tết 1-5 ở nhà một cách thoải mái, vui vẻ.

Bác rất lo lắng đến việc học hành của anh em, nhất là đối với những người còn kém, học chậm. Có hôm tôi đến chỗ Bác, thấy Bác đang viết một bài lục bát, hỏi Bác làm thơ phải không ? Bác bảo :

- Đây là bài địa lý lịch sử Việt Nam để dạy cho mấy anh em. Có người lớn tuổi, dạy thế nào cũng cứ quên, nên mình phải làm thế này để cho dễ nhớ.

Thường ở trường anh em học môn gì, sau lớp, Bác vẫn kiểm soát lại, một là để xem anh em có hiểu mục đích, yêu cầu của môn đó không, hai là để xem học có thiết thực không, có dính liền với thực tế, với đấu tranh cách mạng không, ba là những danh từ trong bài có đúng không, anh em học có hiểu nghĩa không. Do đó mà nhiều khi Bác bổ sung thêm cho bài học, làm cho anh em hiểu thêm được nhiều.

Có điều là Bác làm một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không phải quy định giờ để “kiểm soát” mà là hỏi han trong khi nói chuyện thường, thành ra không có không khí gò bó, khiến anh em phải lo phải “trả bài” cho Bác.

Thỉnh thoảng, ngày chủ nhật, trong nhóm tổ chức nấu cơm Việt Nam, có nơi các đồng chí phụ trách trường đến ăn, Bác cũng xuống bếp thổi nấu, dọn dẹp.

Sau khi các đồng chí Lê Hồng Phong, Minh Khai, v.v…. về nước (vào năm 1936, sau Đại hội Quốc tế được ít lâu) thì Bác vào học năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh Ban sử học của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Vì hoàn cảnh còn khó khăn, Bác chưa về nước được, cho nên ở lại học thêm, chứ mục đích chính không phải là học. Vì lớp học nghiên cứu phải mất ba năm đằng đẵng, Bác là người hoạt động, không thể cứ ngồi nghiền sách.

Năm 1936 là năm ở Pháp Mặt trận nhân dân thắng. Trong nước, phong trào đấu tranh của quần chúng lại lên cao, Đảng có hoàn cảnh hoạt động nửa công khai, các nơi chuẩn bị Đông Dương đại hội. Lúc đó Bác rất chú ý theo dõi tình hình trong nước. Trong phòng Bác luôn luôn có các báo Pháp, báo Việt Nam ở nhà gửi sang, Bác cắt ra thành từng mục để làm tài liệu. Bác đọc báo chí và viết rất sát tình hình Pháp và Trung Quốc, bởi vì hai nước đó, đặc biệt là Trung Quốc, có ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, Bác còn theo dõi tình hình ở các nước khác, như tình hình Đức, vì lúc đó Hít-le đang thống trị và chuẩn bị chiến tranh, và từ năm 1935, Bác rất chăm chú theo dõi hàng ngày tin tức về Tây Ban Nha, khi nổ ra nội chiến. Lúc này, nhóm Việt Nam ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa cũng lần lượt về nước, chỉ còn vài ba người, mà những học sinh mới thì không ra nữa. Đương khi trong nước và trên thế giới phong trào lên cao như vậy, làm thế nào mà Bác yên tâm ngồi học cho được ?

Bác lên đường về nước vào mùa thu năm 1938. Một buổi sáng, hồi bấy giờ, tôi còn ngủ, Bác đến chơi. Thường mọi bận, không bao giờ Bác đến sớm như vậy. Tôi tưởng là có việc gì cần, nhưng Bác chỉ nói chuyện thường rồi Bác ra về.

Hôm sau, có đồng chí phụ trách ở Quốc tế cho hay là Bác đã đi rồi. Lúc đó tôi mới hiểu là sáng ngày hôm trước, Bác có ý đến từ biệt tôi…

… Năm 1939, tôi cùng hai đồng chí học sinh rời Mạc Tư Khoa đi về Trung Quốc. Lúc đó Trung quốc đang kháng Nhật.

Đến Diên an, gặp mấy đồng chí trước quen ở Mạc Tư Khoa trong đó có đồng chí Khang Sinh, chúng tôi được biết Bác vừa ở Diên An được mấy tháng, và khi ở Diên An, Bác ở chỗ gọi là “Vườn táo”.

Bác đã đi cùng đồng chí Diệp Kiếm Anh, Tư lệnh Tân tứ quân xuống Hành Dương…”[1]

*

* *​

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3