Đồng Tiền Lên Ngôi - Chương 04
Chương 4 SỰ TRỞ LẠI CỦA RỦI RO
Động lực tài chính cơ bản nhất luôn là tiết kiệm cho tương lai, bởi vì tương lai không dự đoán trước được. Thế giới này là một nơi nguy hiểm. Không mấy người trong chúng ta sống cả cuộc đời mà không gặp phải chút xui xẻo nào đó. Một số người trong chúng ta rốt cuộc gặp phải rất nhiều. Thường thường, đó chỉ là vấn đề bị rơi đúng vào một vị trí bất lợi tại một thời điểm bất lợi - ví dụ như vùng châu thổ sông Mississippi vào tuần cuối tháng 8/2005, khi cơn bão Katrina tàn phá không phải một mà hai lần. Đầu tiên là trận gió gào rú với tốc độ 225 km một giờ đã thổi bay sạch những ngôi nhà gỗ khỏi nền bê tông. Rồi hai giờ sau đó, một cơn bão gây những đợt sóng cao chín mét đã phá vỡ ba trong số những con đê chắn giữa New Orleans với hồ Pontchartrain và sông Mississippi, trút hàng triệu khối nước vào thành phố này. Vị trí bất lợi, thời điểm bất lợi. Như Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11/9/2001. Hay Baghdad vào gần như bất cứ ngày nào kể từ cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003. Hay San Francisco khi một ngày nào đó, hầu như chắc chắn, sẽ có một trận động đất cực lớn xảy ra dọc theo đường đứt gãy San Andreas.
Chuyện thường mà, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld nhận xét một cách vô tâm sau khi cuộc lật đổ Saddam Hussein đã mở đường cho sự điên cuồng cướp bóc ở thủ đô Iraq. Một số người lập luận rằng những chuyện như vậy hiện thời dễ xảy ra hơn so với trong quá khứ, dù là do biến đổi khí hậu, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố hay hậu quả của những sai lầm trong chính sách đối ngoại Mỹ. Câu hỏi là, chúng ta sẽ đối phó với các rủi ro và bất định của tương lai như thế nào đây? Liệu trách nhiệm có rơi vào mỗi cá nhân phải bảo hiểm chống lại rủi ro? Liệu chúng ta có nên dựa vào lòng nhân từ tự nguyện của đồng loại khi mọi việc trở nên tồi tệ ghê gớm? Hay liệu chúng ta cần được bảo đảm có thể dựa vào nhà nước - nói cách khác là dựa vào sự đóng góp bắt buộc của những người đóng thuế khác - để giải cứu chúng ta khi cơn lũ tràn đến?
Lịch sử quản trị rủi ro là một cuộc đấu tranh lâu dài giữa niềm ao ước vô ích của chúng ta là được an toàn về tài chính - chẳng hạn được an toàn như một góa phụ Scotland - và thực tế khắc nghiệt là chẳng hề tồn tại một "tương lai" đơn lẻ. Mà chỉ có rất nhiều tương lai, không đoán trước được, không bao giờ mất khả năng làm chúng ta sửng sốt.
Sự phiền toái lớn
Trong các bộ phim cao bồi miền Tây mà tôi đã xem khi còn nhỏ, tôi bị mê hoặc bởi những thị trấn ma, những khu dân cư chỉ tồn tại rất ngắn, bị bỏ lại phía sau bởi nhịp độ thay đổi nhanh chóng bên đường biên giới Mỹ. Cho tận tới khi đến New Orleans ngay sau cơn bão Katrina, tôi mới đối mặt với cái hoàn toàn có thể trở thành thành phố ma đầu tiên của nước Mỹ.
Tôi đã có những ký ức hạnh phúc dù là mơ hồ về "Niềm dễ chịu lớn" [307]. Khi còn là một thiếu niên ở giai đoạn bản lề giữa trường trung học và đại học đang nhấm nháp hương vị tự do đầu tiên trong đời, tôi đã khám phá ra đó có lẽ là nơi duy nhất ở nước Mỹ mà tôi có thể gọi bia mặc dù còn chưa đến tuổi, chắc chắn đã khiến cho thứ nhạc jazz mà các nhạc công già chơi ở Preservation Hall nghe thật êm tai. Hai mươi lăm năm sau, gần hai năm sau khi bị trận bão ghê gớm tàn phá, thành phố này chỉ còn là cái bóng hoang tàn của chính nó trước đây. Giáo xứ Saint Bernard là một trong những quận bị cơn bão tàn phá ghê gớm nhất. Chỉ có năm trong số gần 26.000 ngôi nhà là không bị ngập. Tổng cộng có 1.836 người Mỹ đã thiệt mạng do cơn bão Katrina, trong đó tuyệt đại đa số là từ bang Louisiana. Chỉ riêng ở quận Saint Bernard, số người chết là 47. Bạn vẫn còn nhận thấy ký hiệu trên cửa các ngôi nhà bị bỏ hoang cho thấy người ta đã tìm thấy xác người bên trong hay chưa. Người ta không khỏi so sánh với nước Anh Trung Cổ vào thời của Cái Chết Đen [308].
Khi tôi trở lại thăm New Orleans vào tháng 6/2007, ông ủy viên Hội đồng thành phố Joey DiFatta và toàn bộ chính quyền thành phố Saint Bernard còn đang làm việc trong những toa xe kéo ở phía sau ngôi nhà trụ sở cũ đã bị trận lụt phá hủy. DiFatta vẫn ở lại cạnh bàn làm việc trong thời gian cơn bão, đến cuối ngày cũng phải rút lên nóc nhà do nước tiếp tục dâng cao. Từ nơi đó, ông và các đồng nghiệp chỉ có thể theo dõi một cách bất lực khu vực sinh sống đã gắn bó với mình biến mất dưới dòng nước đục ngầu bẩn thỉu. Tức giận bởi cái mà họ xem là sự kém cỏi của Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA), họ đã quyết tâm khôi phục lại những gì đã mất. Kể từ đó, họ làm việc không mệt mỏi nhằm tìm cách xây dựng lại nơi từng là một cộng đồng chặt chẽ (nhiều người trong số đó, như chính DiFatta, là con cháu của những người định cư đã từ quần đảo Canary đến Louisiana). Song việc thuyết phục hàng nghìn người đã đi di tản quay trở lại Saint Bernard chắc chắn là một điều không hề dễ dàng; hai năm sau khi thảm họa xảy ra, khu vực này chỉ có một phần ba dân cư so với thời kỳ trước cơn bão Katrina. Phần lớn nguyên nhân của vấn đề này nằm ở bảo hiểm. Ngày nay, mua bảo hiểm một ngôi nhà ở Saint Bernard và các khu vực nằm ở vùng đất thấp của New Orleans là điều hầu như không thể thực hiện được. Và không có bảo hiểm nhà thì hầu như không thể nào vay thế chấp mua nhà được.
Gần như toàn bộ những ai sống sót qua cơn bão Katrina đều bị mất nhà cửa trong thảm họa này, bởi vì gần ba phần tư tổng số nhà cửa của thành phố đã bị hủy hoại. Có không dưới 1,75 triệu yêu cầu bồi thường về bất động sản và thiệt hại, với tổng số tổn thất bảo hiểm được ước tính là vượt quá 41 tỷ đô la, biến Katrina thành thảm họa đắt giá nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. [309]
Song Katrina không chỉ nhấn chìm New Orleans. Thảm họa này còn vạch trần những khuyết tật của một hệ thống bảo hiểm phân chia trách nhiệm giữa một bên là các công ty bảo hiểm tư nhân cung cấp bảo hiểm thiệt hại do gió và bên kia là chính phủ liên bang cung cấp bảo hiểm lụt lội, theo một nguyên tắc được đưa ra kể từ sau trận bão Betsy năm 1965. Liền sau thảm họa 2005 đó, hàng nghìn nhân viên định giá tài sản của các công ty bảo hiểm đã tỏa ra khắp nơi dọc theo đường ven biển Louisiana và Mississippi. Theo nhiều cư dân địa phương, nhiệm vụ của những người này không phải là để giúp những người mua bảo hiểm đang lâm vào cảnh khốn cùng, mà là để tìm cách tránh chi trả bằng cách khẳng định rằng thiệt hại nhà cửa của họ là do lụt lội chứ không phải do gió. [310] Các công ty bảo hiểm đã không tính tới một trong những người mua hợp đồng bảo hiểm của họ là cựu phi công Hải quân Mỹ và luật sư nổi tiếng Richard F. Scruggs, người đã từng được ca tụng là ông vua đòi bồi thường thiệt hại (King of Torts).
New Orleans sau trận bão Katrina: nơi bảo hiểm thất bại
"Dickie" Scruggs lần đầu tiên vang danh báo chí vào thập niên 1980, khi ông đại diện cho các công nhân đóng tàu bị hủy hoại phổi đến mức nguy kịch do hít phải bụi amiăng, và đã đạt được vụ dàn xếp trị giá 50 triệu đô la. Song đó chỉ là một đồng xu nhỏ so với con số mà sau này ông đã buộc các công ty thuốc lá phải trả: trên 200 tỷ đô la cho Mississippi và 45 bang khác để bồi hoàn chi phí hỗ trợ y tế cho các bệnh liên quan đến thuốc lá. Vụ kiện này (được lưu danh muôn thuở trong bộ phim The Insider [Người trong cuộc]) đã biến Scruggs thành một người giàu có. Tiền trả cho ông trong vụ kiện tập thể về thuốc lá nghe đồn lên tới 1,4 tỷ đô la, tức là 22.500 đô la cho mỗi giờ làm việc của công ty luật của ông. Đó chính là tiền mà ông đã sử dụng để mua ngôi nhà sát mép nước trên đại lộ Beach ở Pascagoula, chỉ cách một quãng đường ngắn (bằng máy bay phản lực riêng, tất nhiên rồi) tính từ văn phòng của ông ở Oxford, Mississippi. Tất cả những gì còn lại của ngôi nhà đó sau Katrina là một cái nền bê tông cộng với vài bức tường bị phá hỏng nặng nề đến mức buộc phải ủi đi. Mặc dù ông đã được công ty bảo hiểm của mình bồi thường (quyết định khôn ngoan), song Scruggs đã tức giận khi nghe về cách đối xử với những người mua hợp đồng bảo hiểm khác. Trong số những người mà ông đề nghị được đại diện có anh rể ông là Trent Lott, cựu lãnh tụ phe đa số của đảng Cộng hòa ở Thượng viện, và bạn ông là thượng nghị sĩ Gene Taylor; cả hai người này đều bị mất nhà do Katrina và đã bị các nhà bảo hiểm của họ bỏ mặc. [311] Trong một loạt vụ kiện thay mặt cho những người mua hợp đồng bảo hiểm, Scruggs đã lập luận rằng các hãng bảo hiểm (mà chủ yếu là State Farm và All State) đang tìm cách nuốt lời hứa đối với trách nhiệm pháp lý của họ. [312] Ông và "Nhóm Scruggs Katrina" của mình đã tiến hành một nghiên cứu chi tiết về khí tượng học để cho thấy là hầu như tất cả thiệt hại ở các khu vực như Pascagoula đều gây ra bởi gió, nhiều giờ đồng hồ trước khi nước lụt tràn đến. Scruggs cũng được hai nhân viên tính toán bảo hiểm tiếp cận, tiết lộ rằng công ty mà họ làm việc đã sửa đổi các báo cáo nhằm đổ hư hại cho lụt thay vì cho gió. Lợi nhuận kỷ lục của các công ty bảo hiểm trong năm 2005 và 2006 chỉ càng kích thích thêm ham muốn đòi báo ứng của Scruggs. [313] Ông đã nói với tôi khi chúng tôi gặp nhau ở trên mảnh đất hoang tàn vốn là ngôi nhà của ông trước kia: "Thành phố này là nhà của tôi đã năm mươi năm nơi tôi gây dựng gia đình mình nơi khiến tôi luôn tự hào. Tôi thấy đau lòng khi nhìn cảnh tượng này." Đến lúc đó hãng State Farm đã dàn xếp ngoài tòa 640 vụ kiện của Scruggs thay mặt cho các khách hàng có yêu cầu bồi thường bị bác bỏ lúc đầu, với số tiền chi trả là 80 triệu đô la; và hãng này cũng đồng ý xét lại 36.000 yêu cầu khác. [314] Tưởng chừng như các nhà bảo hiểm đã bắt đầu lùi bước. Tuy nhiên, chiến dịch của Scruggs đương đầu với các công ty này đã sụp đổ vào tháng 11/2007, khi ông cùng con trai Zachary và ba cộng sự bị cáo buộc là tìm cách hối lộ một vị thẩm phán của tòa án bang trong vụ kiện xuất phát từ một tranh chấp về các chi phí kiện tụng liên quan đến Katrina. [315] Scruggs hiện phải đối diện với một bản án tù tối đa là năm năm. [316]
Sự việc này nghe có vẻ giống như một câu chuyện thông thường về thói mập mờ đạo đức của miền Nam, hay là thêm một bằng chứng nữa cho thấy những ai sống bằng đòi bồi thường thì cũng chết bởi đòi bồi thường. Song bất chấp sự tụt dốc của Scruggs từ một người hảo tâm thành một kẻ phạm trọng tội, thực tế vẫn còn đó là cả State Farm và All State đều đã tuyên bố một phần lớn vùng Vịnh Mexico là khu vực "không bảo hiểm". Việc gì phải mạo hiểm ký lại các hợp đồng bảo hiểm ở đây, nơi mà thảm họa thiên nhiên xảy ra quá ư thường xuyên, và sau mỗi thảm họa các công ty lại phải đương đầu với những người như Dickie Scruggs? Hàm ý mạnh mẽ nhất có lẽ là việc cung cấp bảo hiểm cho những cư dân sống ở các vùng như Pascagoula và Saint Bernard là điều mà khu vực tư nhân không muốn làm nữa. Song vẫn hoàn toàn chưa rõ liệu các nhà lập pháp Mỹ có sẵn sàng lãnh trách nhiệm pháp lý do tiếp tục mở rộng bảo hiểm của nhà nước hay không. Tổng số thiệt hại không được bảo hiểm gây ra bởi các cơn bão trong năm 2005 ước chừng sẽ làm chính phủ liên bang tốn ít nhất là 109 tỷ đô la hỗ trợ sau thảm họa và 8 tỷ đô la tiền miễn giảm thuế, gần gấp ba lần thiệt hại của bảo hiểm được ước tính. [317] Theo Naomi Klein, đây là triệu chứng của "Phức cảm chủ nghĩa tư bản thảm họa" hoạt động vô hiệu quả, tạo ra lợi nhuận cá nhân cho một số người trong khi bắt những người đóng thuế phải thanh toán chi phí thực sự của thảm họa. [318] Đứng trước những hóa đơn tai hại như vậy, đâu là cách ứng xử đúng đắn? Khi mà bảo hiểm thất bại, liệu rằng việc quốc hữu hóa tất cả các thảm họa thiên nhiên - tức là tạo ra trách nhiệm khổng lồ không hạn chế đối với chính phủ - có phải là giải pháp thay thế duy nhất không?
Tất nhiên, cuộc sống luôn đầy rẫy hiểm nguy. Từ trước tới nay vẫn luôn có bão, cũng như luôn có chiến tranh, dịch bệnh và nghèo đói. Và các thảm họa thiên nhiên có thể là những vụ việc cá nhân nhỏ nhặt, cũng có thể là những vấn đề lớn của công chúng. Mỗi một ngày, đều có những người đàn ông và đàn bà bị ốm hoặc bị thương, và đột ngột không thể làm việc được nữa. Tất cả chúng ta đều sẽ già và không còn sức lực để kiếm miếng ăn hằng ngày cho mình. Một số người kém may mắn sinh ra đã không có khả năng tự lo liệu cho mình. Và sớm hay muộn thì tất cả chúng ta rồi sẽ chết, thường là để lại sau một hay nhiều người sống phụ thuộc vào mình. Điểm mấu chốt là ở chỗ rất ít trong số các tai ương đó là sự kiện ngẫu nhiên. Bão cũng xảy ra theo xác suất nhất định, giống như dịch bệnh và chết chóc. Trong mỗi thập niên kể từ 1850, nước Mỹ đều phải chịu từ một đến mười cơn bão lớn (được định nghĩa là bão có tốc độ gió trên 170 cây số một giờ và sóng dâng trên hai mét rưỡi). Hiện còn chưa rõ là thập niên hiện tại liệu có phá kỷ lục của thập niên 1940 với mười cơn bão như vậy. [319] Bởi chúng ta có số liệu từ một thế kỷ rưỡi vừa qua, chúng ta có thể tính xác suất xảy ra và quy mô của các trận bão. Công binh Quân đội Mỹ đã mô tả bão Katrina là trận bão 1/396, tức là có xác suất 0,25% một cơn bão lớn như vậy tàn phá nước Mỹ trong bất kỳ năm nào. [320] Một quan điểm hơi khác được Công ty Giải pháp Quản lý Rủi ro nêu ra chỉ vài tuần trước khi cơn bão này tràn đến, đánh giá cơn bão cỡ như Katrina là một sự kiện xảy ra 40 năm một lần. [321] Các đánh giá khác nhau đó cho thấy là, cũng giống như động đất và chiến tranh, các trận bão có lẽ thuộc lĩnh vực bất định chứ không phải là thứ rủi ro đã được hiểu đầy đủ. [322] Xác suất có thể được tính toán với độ chính xác cao hơn đối với hầu hết các rủi ro khác mà con người phải đối mặt, chủ yếu là bởi vì chúng xảy ra thường xuyên hơn, do vậy các quy luật thống kê có thể dễ dàng được nhận thấy hơn. Rủi ro bị chết trong toàn bộ cuộc đời của một người Mỹ trung bình do phải đối diện với các sức mạnh của tự nhiên, kể cả các loại thảm họa thiên nhiên, được ước tính là 1/3.288. Con số tương ứng đối với cái chết do hỏa hoạn trong tòa nhà là 1/1.358. Xác suất một người Mỹ trung bình bị bắn chết là 1/314. Song anh hoặc chị ta thậm chí còn có nhiều khả năng hơn là sẽ tự tử (1/114); sẽ chết trong một tai nạn giao thông chí tử (1/78); và nhiều khả năng nhất là chết do ung thư (1/5). [323]
Trong các xã hội nông nghiệp tiền hiện đại, hầu như bất kỳ người nào cũng chịu nguy cơ lớn sẽ chết sớm do thiếu dinh dưỡng hoặc bệnh tật, đấy là chưa nói đến chiến tranh. Con người vào thời đó chỉ có thể làm được rất ít so với các thế hệ sau này trong việc phòng bệnh. Họ chủ yếu tìm cách làm nguôi giận các vị thần hoặc Thượng đế, những người mà họ cho là quyết định sự đói kém, dịch bệnh và xâm lược. Phải lâu lắm con người mới đánh giá đúng tầm quan trọng của tính quy luật đo lường được trong thời tiết, hay sản lượng thu hoạch và bệnh truyền nhiễm. Phải đến mãi sau này - vào thế kỷ 18 và 19 - con người mới bắt đầu ghi chép một cách hệ thống lượng mưa, sản lượng thu hoạch và số người chết theo phương pháp giúp tính được xác suất. Song từ trước khi con người làm được như vậy, họ đã hiểu được tiết kiệm là khôn ngoan: để dành tiền cho một ngày mưa cực lớn theo nghĩa bóng (và trong các xã hội nông nghiệp thì là nghĩa đen). Các xã hội nguyên thủy ít nhất đã tìm cách tích trữ lương thực và thực phẩm để giúp họ khắc phục những thời kỳ khốn khó. Và con người thời bộ lạc đã hiểu một cách trực giác từ thuở ban đầu rằng cần thiết phải tập hợp các nguồn lực lại, bởi làm thế sẽ có được sự an toàn thật sự nhờ số lượng lớn. Cũng thích đáng, do tính dễ tổn thương kinh niên của tổ tiên chúng ta, là các hình thức bảo hiểm xuất hiện sớm nhất có lẽ là các hội mai táng, là tổ chức để dành nguồn lực nhằm đảm bảo cho các thành viên của bộ lạc được mai táng tươm tất. (Các hội như vậy hiện nay vẫn là hình thức tổ chức tài chính duy nhất ở một số vùng nghèo nhất của Đông Phi.) Tiết kiệm trước khi những điều bất lợi có thể xảy ra trong tương lai vẫn luôn là nguyên tắc nền tảng của bảo hiểm, dù là để đề phòng cái chết, ảnh hưởng của tuổi già, ốm đau hay tai nạn. Bí quyết là ở chỗ biết được cần tiết kiệm bao nhiêu và phải làm gì với số tiền tiết kiệm để đảm bảo rằng, không như ở New Orleans sau Katrina, vẫn còn đủ tiền trong số vốn góp để trang trải chi phí cho hiểm họa sau khi nó ập đến. Song để làm được điều đó bạn phải thận trọng trên mức bình thường. Và điều này cung cấp cho chúng ta một manh mối quan trọng để tìm hiểu đâu là nơi mà bảo hiểm bắt đầu. Còn đâu nữa ngoài xứ Scotland tươi đẹp và dè sẻn?
Nhận sự che chở
Người ta nói dân Scotland chúng tôi là những kẻ bi quan. Có thể điều đó là do thời tiết - toàn những ngày mưa gió ảm đạm. Có thể là do những năm tháng vô tận không ngẩng đầu lên được về thể thao. Hay có thể là do thuyết Calvin mà những người ở vùng Lowland như gia đình tôi đã hưởng ứng vào thời Cải cách. Thuyết thiên định không phải là một tín điều hoan hỉ, mặc dù cũng logic khi giả định là Đức Chúa Trời toàn tri đã biết ai trong số chúng ta ("Người được chọn") sẽ lên thiên đường, và ai trong chúng ta (một số lớn hơn nhiều những kẻ tội lỗi vô vọng) sẽ xuống địa ngục. Dù là nguyên nhân gì đi nữa, hai vị mục sư của Giáo hội Scotland xứng đáng được ghi nhận là đã phát minh ra quỹ bảo hiểm đầu tiên từ hơn 250 năm trước, vào năm 1744.
Đúng là các công ty bảo hiểm đã tồn tại từ trước đó. Bảo hiểm thân tàu buôn là nơi mà bảo hiểm đã khởi nguồn với tư cách là một nhánh kinh doanh. Một số người cho rằng các hợp đồng bảo hiểm đầu tiên có từ đầu thế kỷ 14 ở Ý, khi việc chi trả cho securita (sự đảm bảo) bắt đầu xuất hiện trong các giấy tờ kinh doanh. Song những ví dụ đầu trong các dàn xếp đó mang tính chất các khoản vay có điều kiện dành cho các nhà buôn (như ở Babylon cổ đại), và có thể bị hủy bỏ nếu gặp phải rủi ro, chứ không phải các hợp đồng bảo hiểm theo nghĩa hiện đại. [324] Trong Gã lái buôn thành Venice, các "con tàu" của Antonio rõ ràng là không được bảo hiểm, khiến cho anh bị đẩy vào tình thế hiểm nguy do ý định giết người của Shylock. Cho đến thập niên 1350, các hợp đồng bảo hiểm thực sự mới bắt đầu xuất hiện, với mức phí bảo hiểm dao động từ 15% đến 20% tổng số tài sản được bảo hiểm, đến thế kỷ 15 tụt xuống dưới 10%. Một hợp đồng bảo hiểm điển hình trong thư khố của thương gia Francesco Datini (1335-1410) quy định rằng các nhà bảo hiểm đồng ý chấp nhận các rủi ro "từ Chúa, từ biển, từ tàu chiến, từ lửa, từ việc vứt bỏ hàng khi gặp nguy, từ sự giam giữ bởi các lãnh chúa, bởi các thị dân hay bởi bất kỳ người nào khác, từ việc trả thù, bị bắt giữ, từ bất kỳ thiệt hại, nguy hiểm, rủi ro, trở ngại hoặc tai họa nào có thể xảy ra, ngoại trừ khâu đóng hàng và hải quan" cho tới khi hàng hóa đã có bảo hiểm được dỡ an toàn tại đích đến của chúng. [325] Dần dần các hợp đồng như vậy đã được tiêu chuẩn hóa - một tiêu chuẩn có thể tồn tại hàng thế kỷ sau khi nó được đưa vào lex mercatoria (luật thương mại). Tuy nhiên, các nhà bảo hiểm đó không phải là các chuyên gia, mà họ chỉ là các thương gia vẫn tham gia kinh doanh bằng tiền riêng của họ.
Bắt đầu vào cuối thế kỷ 17, một cái gì đó giống thị trường bảo hiểm chuyên dụng hơn mới bắt đầu hình thành ở London. Chắc hẳn mọi người đã tỉnh ra sau vụ Đại Hỏa hoạn năm 1666 thiêu hủy hơn 13.000 ngôi nhà [326]. Mười bốn năm sau đó, Nicholas Barbon thành lập công ty bảo hiểm hỏa hoạn đầu tiên. Cũng khoảng cùng quãng thời gian đó, một thị trường bảo hiểm hàng hải chuyên biệt bắt đầu kết tinh tại quán cà phê của Edward Lloyd trên phố Tower (sau này chuyển sang phố Lombard) của London. Trong khoảng từ thập niên 1730 đến thập niên 1760, thông lệ trao đổi thông tin tại quán cà phê Lloyd's dần dà trở thành một thủ tục quen thuộc, cho đến năm 1774 khi Hiệp hội Lloyd's được hình thành tại Sàn Giao dịch Hoàng gia, lúc đầu có 79 thành viên suốt đời, mỗi người trong số đó đóng 15 bảng tiền hội phí. So với các công ty kinh doanh độc quyền trước đó, Lloyd's là một thực thể khá sơ đẳng, thực chất chỉ là một hiệp hội không mang tư cách pháp nhân liên kết những người tham gia thị trường. Trách nhiệm của những người ký nhận trách nhiệm thanh toán bảo hiểm (những người ghi tên mình vào hợp đồng bảo hiểm theo đúng nghĩa đen, và do vậy còn được biết đến như là "những người đứng tên" của Lloyd's) là không giới hạn. Và các dàn xếp tài chính thuộc loại mà ngày nay gọi là thu đâu trả đấy (pay as you go), nhằm thu đủ số phí bảo hiểm trong một năm bất kỳ để trang trải cho các chi trả của năm đó và để lại một khoản chênh lệch lợi nhuận. Trách nhiệm hữu hạn đến với ngành kinh doanh bảo hiểm cùng với sự thành lập Văn phòng Bảo hiểm Sun (năm 1710), một công ty chuyên bảo hiểm hỏa hoạn, và mười năm sau đó (vào đỉnh cao của Bong bóng South Sea) là Tập đoàn Bảo hiểm Giao dịch Hoàng gia và Công ty Bảo hiểm London, là các công ty tập trung vào bảo hiểm nhân thọ và hàng hải. Tuy nhiên, cả ba công ty này vẫn còn làm việc theo nguyên tắc thu đâu trả đấy. Số liệu từ Công ty Bảo hiểm London cho thấy lợi nhuận từ phí bảo hiểm thường là - song không phải luôn luôn - vượt mức chi trả, đồng thời cho thấy các giai đoạn chiến tranh với Pháp đã tạo ra các đỉnh cao vút đối với cả hai mức này. (Một phần lý do quan trọng là vì trước năm 1793, các nhà bảo hiểm Anh vẫn thường bán bảo hiểm cho các thương gia Pháp. [327] Trong thời bình thông lệ này lại được tiếp tục. Do vậy khi nổ ra Thế chiến thứ nhất thì hầu hết đội tàu buôn Đức được bảo hiểm bởi Lloyd's. [328])
Bảo hiểm nhân thọ cũng đã tồn tại từ thời Trung Cổ. Các sổ sách kế toán của thương gia Bernardo Cambi ở Florence có đề cập đến các khoản bảo hiểm nhân thọ của Giáo hoàng (Nicholas V), của Tổng trấn Venice (Francesco Foscari) và Vua xứ Aragon (Alfonso V). Tuy nhiên, tất cả những món bảo hiểm đó chẳng mấy hơn những vụ cá cược mà Cambi thực hiện tại các cuộc đua ngựa. [329] Thực sự thì tất cả các dạng bảo hiểm đó - thậm chí kể cả bảo hiểm tàu biển phức tạp nhất - đều là một dạng đánh bạc. Vẫn còn chưa tồn tại một cơ sở lý thuyết thích hợp để đánh giá những rủi ro được đưa ra bảo hiểm. Sau đó, trong một cuộc canh tân tri thức mạnh mẽ, bắt đầu vào khoảng năm 1660, cơ sở lý thuyết mới được tạo lập. Thực chất, có sáu điểm đột phá trọng yếu:
1. Xác suất. Nhà toán học Pháp Blaise Pascal trong cuốn Ars Cogitandi (Nghệ thuật tư duy) dẫn lời một tu sĩ Port Royal rất thâm thúy rằng "nỗi lo sợ bị tổn hại không chỉ cần tỷ lệ thuận với tính chất nghiêm trọng của tổn hại, mà còn với xác suất xảy ra sự kiện". Pascal và bạn của ông, Pierre de Fermat, đã săm soi các bài toán xác suất trong nhiều năm, song đối với sự phát triển của bảo hiểm, đây là một điểm cực kỳ quan trọng.
2. Tuổi thọ trung bình. Trong cùng năm cuốn sách Ars Cogitandi của Pascal xuất hiện (1662), John Graunt đã công bố "Các quan sát tự nhiên và chính trị... dựa trên bản thống kê số người chết" của mình, nhằm ước tính xác suất chết theo từng lý do cụ thể nào đó dựa trên thống kê chính thức tỷ lệ người chết của London. Tuy nhiên, số liệu của Graunt không bao gồm tuổi khi chết, do vậy giới hạn kết quả có thể được luận ra một cách hợp lý từ dữ kiện đó. Một thành viên của Hội Hoàng gia như ông, Edmund Halley, đã tạo ra bước đột phá quan trọng bằng cách sử dụng số liệu mà Hội được cung cấp từ thị trấn Breslau nước Phổ (nay là Wroclaw của Ba Lan). Bảng tuổi thọ của Halley dựa trên 1.238 ca sinh và 1.174 ca chết được ghi chép đã cho thấy tỷ lệ khả năng không chết trong một năm nhất định: "Xác suất là 100/1 để một người tuổi 20 sẽ không chết trong vòng một năm nữa, và là 38/1 đối với một người ở tuổi 50..." Đây chính là một trong những hòn đá đặt nền móng cho môn toán bảo hiểm. [330]
3. Độ chắc chắn. Jacob Bernoulli đã nêu ra năm 1705 rằng, "Trong những điều kiện tương tự nhau, việc xảy ra (hoặc không xảy ra) một sự kiện trong tương lai sẽ tuân theo cùng một quy luật như quan sát được trong quá khứ." Luật số lớn (Law of large numbers) của ông đã nêu rằng có thể suy luận tương đối chắc chắn, chẳng hạn, về tổng số viên bi trong một lọ chứa đầy hai loại bi dựa trên cơ sở mẫu. Điều này tạo cơ sở cho khái niệm ý nghĩa thống kê và các công thức xác suất hiện đại với những khoảng tin cậy cho trước (chẳng hạn, tuyên bố rằng 40% số viên bi trong lọ là màu trắng với khoảng tin cậy là 95% tức muốn nói rằng giá trị chính xác nằm ở đâu đó trong khoảng từ 35% đến 45%, tức là 40% cộng trừ 5%).
4. Phân phối chuẩn. Chính Abraham de Moivre là người đã chứng minh rằng các kết quả của bất kỳ một quá trình lặp đi lặp lại nào cũng có thể được phân bố theo một đường cong dựa theo phương sai của chúng xung quanh giá trị trung bình, hoặc độ lệch chuẩn. "Ngẫu nhiên tạo ra các giá trị bất quy luật," Moivre viết năm 1733, "song Xác suất sẽ vô cùng lớn, tức là theo Thời gian, các giá trị bất quy luật đó sẽ không tạo ra ảnh hưởng tới sự lặp lại của Trật tự được tạo ra một cách tự nhiên từ Thiết kế ban đầu." Đường cong hình quả chuông mà chúng ta đã gặp ở Chương 3 thể hiện phân phối chuẩn, trong đó 68,2% kết quả nằm trong dải một độ lệch chuẩn (cộng hoặc trừ) so với giá trị trung bình.
5. Độ thỏa dụng. Năm 1738, nhà toán học Thụy Sĩ Daniel Bernoulli đã nêu lên rằng, "Giá trị của một vật nào đó không thể dựa trên giá tiền của nó, mà dựa trên tính thỏa dụng mà nó mang lại," và rằng "tính thỏa dụng khi tài sản gia tăng ít sẽ tỷ lệ nghịch với số lượng hàng hóa sở hữu trước đó" - nói cách khác, 100 đô la có giá trị lớn hơn đối với một người nào đó nằm ở thu nhập trung vị, hơn là đối với một nhà quản lý quỹ bảo hiểm.
6. Phép suy luận Bayes. Trong "Luận về giải một bài toán trong học thuyết xác suất", được xuất bản sau khi ông mất năm 1764, Thomas Bayes đã đặt ra bài toán sau đây: "Cho biết số lần thành công và thất bại của một sự kiện bất kỳ. Tính toán để xác suất thành công trong một lần thử nằm giữa hai xác suất cho trước." Lời giải ông đưa ra, "Xác suất của một sự kiện bất kỳ là tỷ số giữa hai giá trị, một là kỳ vọng phụ thuộc vào sự kiện đó và hai là giá trị của điều được kỳ vọng sau khi sự kiện đó diễn ra." Đây là nguồn gốc của một công thức hiện đại, rằng độ thỏa dụng kỳ vọng là xác suất của một sự kiện nhân với khoản lợi nhận được trong trường hợp xảy ra sự kiện đó [331].
Tóm lại, không phải các thương gia mà chính các nhà toán học đã khởi xướng ngành bảo hiểm hiện đại. Song vẫn phải có các thầy dòng để chuyển lý thuyết thành thực hành.
Nghĩa địa ở nhà thờ Greyfriars, trên một ngọn đồi nằm chính giữa trung tâm khu phố cổ của Edinburgh, ngày nay nổi tiếng nhất nhờ tượng Greyfriars Bobby, chú chó Skye trung thành không chịu rời bỏ mộ chủ của mình, và còn nổi tiếng với những kẻ chuyên ăn trộm mộ - cũng gọi là "Những kẻ khai mộ" - đến đây vào đầu thế kỷ 19 để cung cấp các xác chết cho khoa y của Đại học Tổng hợp Edinburgh mổ xẻ. Song tầm quan trọng của các thầy dòng Áo Nâu (dòng Francis) trong lịch sử tài chính là ở công trình toán học từ rất sớm của mục sư Robert Wallace và bạn ông là Alexander Webster, mục sư của Tolbooth. Cùng với Colin Maclaurin, giáo sư toán học tại Đại học Edinburgh, họ đã thành công trong việc tạo ra một quỹ bảo hiểm hiện đại đầu tiên dựa trên các nguyên tắc thống kê bảo hiểm và tài chính chuẩn xác hơn là dựa trên sự đánh cược vụ lợi.
Sống ở Auld Reekie, biệt danh đặt cho thủ đô đặc biệt hôi hám của Scotland vào hồi đó, Wallace và Webster ý thức rất rõ về sự mong manh của thân phận con người. Bản thân họ cũng sống đến tuổi cao lão: 74 và 75, song Maclaurin thì chết ở tuổi mới 48 khi ngã ngựa và bị chấn thương trong lúc tìm cách chạy trốn khỏi sự truy lùng của những người ủng hộ James Đệ Nhị trong cuộc nổi dậy năm 1745. Cuộc xâm lăng của những người vùng cao nguyên Scotland ủng hộ Giáo hoàng chỉ là một trong những mối nguy hiểm mà người dân Edinburgh phải đối mặt vào giữa thế kỷ 18. Tuổi thọ trung bình ở đây có lẽ không khá gì hơn so với ở nước Anh, vốn chỉ là 37 cho đến những năm 1800. Thậm chí nó có thể còn tệ ngang London, nơi có tuổi thọ trung bình chỉ là 23 vào cuối thế kỷ 18 - có khi còn tồi tệ hơn, do điều kiện vệ sinh cực kỳ khủng khiếp ở thủ đô Scotland. [332] Đối với Wallace và Webster, có một nhóm người đặc biệt dễ lâm vào hoạn nạn do hậu quả của việc chết yểu. Theo Đạo luật Ann (1672), vợ góa và con côi của một mục sư Giáo hội Scotland qua đời chỉ nhận được thù lao nửa năm của ông ta trong năm mục sư đó chết. Sau đó, họ phải đối mặt với tình cảnh cơ hàn. Một phương sách bổ sung đã được Tổng Giám mục Edinburgh đưa ra năm 1711, nhưng dựa trên cơ sở thu đâu trả đấy truyền thống. Wallace và Webster biết rằng như vậy là không thỏa đáng.
Tinh thần bảo hiểm: Alexander Webster đang giảng đạo ở Edinburgh
Chúng ta thường hay coi các mục sư Scotland như những ví dụ điển hình về tính khôn ngoan và tiết kiệm, được tạo nên bởi tâm lý đề phòng những sự trừng phạt của thánh thần luôn đe dọa họ trước mỗi một vi phạm dù nhỏ nhất. Trên thực tế Robert Wallace vừa là một kẻ nghiện rượu vừa là một thiên tài toán học, thường rất thích cạn chén với các bạn rượu của mình ở Câu lạc bộ Ranken, một nhóm thường hội họp ở nơi trước đây từng là Quán rượu Ranken. [333] Biệt hiệu của Alexander Webster là Bonum Magnum; người ta nói rằng "sức mạnh của rượu khó có thể tác động đến trí tuệ hay thân thể của Tiến sĩ Webster". Không ai có thể tỉnh táo hơn ông khi đụng đến các tính toán về tuổi thọ trung bình. Phương thức mà Webster và Wallace đưa ra thật tài tình, phản ánh một thực tế rằng các ông là sản phẩm của cả thời kỳ Khai sáng ở Scotland thế kỷ 18 và phong trào Cải cách theo thuyết Calvin đã diễn ra trước đó. Thay vì chỉ buộc các mục sư phải đóng tiền bảo hiểm hằng năm để chăm nom các bà vợ góa con côi khi họ chết, các ông đã lập luận rằng số tiền bảo hiểm cần được sử dụng để tạo ra một quỹ có thể đem đầu tư có lãi. Các bà vợ góa con côi sẽ được chi trả từ lợi nhuận của món đầu tư, chứ không phải từ chính số tiền bảo hiểm. Tất cả những gì cần thiết để phương thức này hoạt động được là dự đoán chính xác số người được hưởng lợi nhuận trong tương lai và số tiền sẽ được tạo ra để hỗ trợ họ. Các nhà thống kê ngày nay vẫn còn kinh ngạc trước độ chính xác mà Webster và Wallace đã thực hiện các tính toán của mình. [334] "Chỉ có kinh nghiệm và sự tính toán chuẩn xác mới xác định được tổng số tiền tương ứng mà một bà vợ góa sẽ nhận được sau khi chồng chết," Wallace đã viết trong một bản thảo ban đầu, "song có thể khởi đầu bằng cách cho phép nhân gấp ba lần tổng số tiền mà người chồng đã đóng [hằng năm] trong đời mình..." Wallace sau đó đã đưa ra bằng chứng mà ông và Webster đã thu thập được từ tất cả các giáo xứ ở khắp Scotland. Dường như trung bình có tất cả "930 mục sư hiện diện trên đời ở mọi thời điểm":
... lấy trung bình hai mươi năm về trước, ta có 27 (trong số 930) mục sư chết mỗi năm, trong số đó 18 người để lại vợ góa, 5 người để lại con nhưng không để lại vợ, 2 người để lại vợ đồng thời để lại con dưới 16 tuổi từ cuộc hôn nhân trước; và khi toàn bộ số bà vợ góa được tính, có ba người hưởng trợ cấp năm sẽ chết, hoặc lập gia đình, và để lại con dưới tuổi 16.
Wallace ban đầu ước tính con số lớn nhất các bà vợ góa sống tại bất kỳ thời điểm nào là 279; song Maclaurin đã chỉnh lại khi chỉ ra sai lầm là giả định một tỷ lệ chết không đổi đối với các bà vợ góa, bởi vì họ không có cùng tuổi. Để có một con số chính xác cao hơn, ông đã sử dụng các bảng tuổi thọ của Halley. [335]
Thời gian là phép kiểm định cho tính toán của họ. Theo phiên bản cuối cùng của phương án này, mỗi mục sư phải đóng một khoản phí bảo hiểm năm là từ 2 bảng 12 shilling 6 xu đến 6 bảng 11 shilling 3 xu (có bốn mức bảo hiểm cho phép lựa chọn). Số tiền thu được sau đó đưa vào một quỹ có thể được mang đi đầu tư có lãi (ban đầu là bằng cách cho các mục sư trẻ hơn vay) tạo ra lợi nhuận đủ để chi trả tiền trợ cấp hằng năm từ 10 bảng đến 25 bảng cho các bà vợ góa mới, phụ thuộc vào mức phí bảo hiểm đã đóng, và để trang trải chi phí quản lý quỹ. Nói cách khác, "Quỹ dành cho góa phụ và cô nhi của các mục sư Giáo hội Scotland" là một quỹ bảo hiểm đầu tiên hoạt động trên nguyên tắc tối đa, tức là vốn được tích lũy cho đến khi tiền lãi và tiền đóng góp đủ để chi trả số tiền trợ cấp hằng năm và chi phí có thể phát sinh tối đa. Nếu dự đoán không đúng, quỹ có thể cao quá mức, hoặc gay go hơn, thấp hơn số tiền cần thiết. Sau ít nhất năm lần thử ước lượng tốc độ tăng trưởng của quỹ, Wallace và Webster đã thống nhất con số dự kiến tăng từ 18.620 bảng vào lúc ban đầu năm 1748 lên 58.348 bảng vào năm 1765. Họ chỉ tính sai có đúng một bảng. Số vốn thực tế của quỹ năm 1765 là 58.347 bảng. Cả Wallace và Webster đều đã sống đến ngày chứng kiến các tính toán của mình là chính xác.
Bảng tính toán ban đầu cho Quỹ Góa phụ Mục sư Scotland (I)
Bảng tính toán ban đầu cho Quỹ Góa phụ Mục sư Scotland (II)
Năm 1930, chuyên gia bảo hiểm Đức Alfred Manes đã định nghĩa bảo hiểm một cách súc tích như sau:
Một tổ chức kinh tế dựa trên nguyên tắc cùng có lợi, được thành lập nhằm mục đích cung cấp một quỹ mà nhu cầu có nó xuất hiện từ sự cố có khả năng xảy ra với xác suất có thể ước tính được. [336]
Quỹ Góa phụ Mục sư Scotland là quỹ đầu tiên hiểu như vậy, và việc thành lập quỹ này thực sự là một mốc quan trọng trong lịch sử ngành tài chính. Nó tạo ra một mô hình không chỉ cho các mục sư Scotland, mà còn cho bất kỳ ai mong muốn cung cấp một quỹ bảo hiểm phòng cái chết bất ngờ. Thậm chí ngay cả trước khi quỹ đi vào hoạt động chính thức, các trường đại học Edinburgh, Glasgow và St Andrews đã đăng ký xin gia nhập. Trong vòng 20 năm tiếp theo, các quỹ tương tự đã cùng nở rộ theo mô hình đó trên khắp thế giới nói tiếng Anh, trong đó có Quỹ Mục sư Giáo hội Trưởng lão ở Philadelphia (năm 1761), Công ty Công bằng Anh (năm 1762), cũng như Liên đoàn Thống nhất Nhà thờ St Mary (năm 1768) cấp bảo hiểm cho vợ góa của các thợ thủ công Scotland. Đến năm 1815, nguyên tắc bảo hiểm đã trở nên phổ biến đến nỗi nó được sử dụng cho cả những người đã hy sinh khi chiến đấu chống lại Napoléon. Xác suất một người lính tử trận ở Waterloo là khoảng 1 trên 4. Song nếu được bảo hiểm, anh ta có được niềm an ủi khi biết rằng ngay cả nếu anh ta chết trên chiến trường thì vợ và con anh sẽ không bị ném ra ngoài đường (điều này đã tạo ra ý nghĩa hoàn toàn mới cho cụm từ "nhận sự che chở"). Đến giữa thế kỷ 19, được bảo hiểm cũng là biểu hiện của tư cách đáng trọng giống như đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật vậy. Thậm chí cả những nhà viết tiểu thuyết, thường không có tiếng về sự thận trọng tài chính, cũng đã gia nhập. Sir Walter Scott [337] đã mua một hợp đồng bảo hiểm năm 1826 để đảm bảo với các chủ nợ là họ vẫn có thể lấy lại tiền của mình trong trường hợp ông chết. [338] Một quỹ ban đầu được dự định hỗ trợ cho các góa phụ của vài trăm mục sư đã dần dần phát triển lên thành một quỹ bảo hiểm và lương hưu mà ngày nay chúng ta biết dưới tên hãng Scottish Widows. Mặc dù ngày nay đó chỉ là một trong số nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính, và đã bị Ngân hàng Lloyds thâu tóm năm 1999, Scottish Widows hiện vẫn được xem như một ví dụ mẫu mực về các lợi ích của tính tằn tiện rao giảng trong thuyết Calvin, một phần không nhỏ nhờ vào một trong những chiến dịch quảng cáo thành công nhất lịch sử ngành tài chính. [339]
Điều mà không ai vào những năm 1740 có thể dự đoán được là, do số người đóng tiền bảo hiểm không ngừng tăng lên, các công ty bảo hiểm và họ hàng gần của chúng là các quỹ lương hưu đã vươn lên trở thành một số trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, cái gọi là các tổ chức đầu tư mà ngày nay thống lĩnh thị trường tài chính toàn cầu. Sau Thế chiến thứ hai, khi các công ty bảo hiểm được phép đầu tư vào thị trường chứng khoán, chúng đã nhanh chóng giành được những miếng bánh to của nền kinh tế Anh, sở hữu khoảng một phần ba các công ty lớn của Anh vào giữa thập niên 1950. [340] Ngày nay, chỉ riêng Scottish Widows đã có trên 100 tỷ bảng nằm dưới sự quản lý của mình. Phí bảo hiểm tăng một cách đều đặn xét theo tỷ lệ so với tổng sản phẩm quốc nội tại các nước phát triển, từ khoảng 2% trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất lên gần 10% như hiện nay.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Sir Walter Scott
Như Robert Wallace đã nhận thức được từ 250 năm trước, trong bảo hiểm thì quy mô có vai trò quan trọng, bởi vì càng có nhiều người đóng bảo hiểm thì theo định luật về số trung bình, càng dễ dự đoán là mỗi năm cần phải chi trả bao nhiêu. Mặc dù ngày chết của từng người không thể biết trước được, các chuyên gia thống kê có thể tính toán tuổi thọ trung bình của một nhóm lớn người với độ chính xác đáng kinh ngạc bằng cách sử dụng các nguyên tắc được áp dụng đầu tiên bởi Wallace, Webster và Maclaurin. Bên cạnh vấn đề những người mua hợp đồng bảo hiểm có khả năng sống được bao lâu, các công ty bảo hiểm cũng cần biết là đầu tư từ các quỹ của họ sẽ mang lại cái gì. Họ cần phải mua gì bằng số tiền bảo hiểm mà những người mua hợp đồng bảo hiểm đã đóng? Các trái phiếu tương đối an toàn chăng, như khuyến nghị của các nhà chức trách thời Victoria, chẳng hạn A. H. Bailey, trưởng bộ phận thống kê của Tập đoàn Bảo hiểm London? Hay là cổ phiếu, rủi ro hơn nhưng có thể có lợi nhuận cao hơn? Nói cách khác, bảo hiểm là nơi giao nhau giữa các rủi ro và bất định trong cuộc sống hằng ngày với các rủi ro và bất định của ngành tài chính. Thực ra mà nói thì khoa học thống kê đã tạo cho các công ty bảo hiểm một lợi thế sẵn có so với những người mua hợp đồng bảo hiểm. Trước khi xuất hiện lý thuyết xác suất hiện đại, các công ty bảo hiểm là người đánh bạc; ngày nay thì họ là sòng bạc. Có thể lập luận như Dickie Scruggs trước khi ông bị gục ngã, là thế bất lợi đã bị đẩy một cách bất công sang phía những người đánh cược, tức người mua hợp đồng bảo hiểm. Song như nhà kinh tế học Kenneth Arrow đã chỉ ra từ rất lâu, hầu hết chúng ta đều thích một canh bạc với 100% xác suất là thua nhỏ (khoản phí bảo hiểm hằng năm của chúng ta) và một xác suất nhỏ là thắng lớn (công ty bảo hiểm chi trả sau thảm họa), hơn là một canh bạc với 100% xác suất là thắng nhỏ (không đóng phí bảo hiểm) song xác suất thua to thì chưa rõ (không được chi trả sau thảm họa). Đó chính là lý do tại sao nghệ sĩ đàn ghita Keith Richards đã bảo hiểm các ngón tay của mình còn ca sĩ Tina Turner thì bảo hiểm đôi chân của cô. Chỉ khi nào các công ty bảo hiểm không chi trả một cách hệ thống cho những ai đã đặt cược vào họ thì danh tiếng nhiều năm về sự khôn ngoan kiểu Scotland mới trở thành tiếng xấu vì tính keo kiệt và thiếu đạo đức.
Song ở đây vẫn còn một câu hỏi hóc búa. Có vẻ dễ hiểu là đã sáng lập ra ngành bảo hiểm hiện đại, người Anh cũng là những người được bảo hiểm nhiều nhất thế giới khi họ chi đến hơn 12% GDP để đóng phí bảo hiểm, nhiều hơn một phần ba số tiền người Mỹ chi cho bảo hiểm, và gần gấp đôi số tiền người Đức chi. [341] Chỉ một chút suy nghĩ cũng làm nảy ra câu hỏi là tại sao lại phải như vậy? Không giống như nước Mỹ, Anh ít khi chịu những sự kiện thời tiết quá mức khắc nghiệt; thứ giống nhất với một cơn bão lốc trong đời tôi là trận dông bão tháng 10/1987. Không có thành phố nào của Anh nằm trên đường đứt gãy địa chất giống như San Francisco. Và so với nước Đức thì lịch sử nước Anh kể từ khi Scottish Widows được lập ra có tính ổn định chính trị đến mức gần như kỳ diệu. Vậy thì tại sao người Anh lại mua nhiều bảo hiểm đến như vậy?
Câu trả lời nằm ở sự thăng trầm của một dạng bảo hộ chống lại rủi ro khác: nhà nước phúc lợi.
Từ chiến tranh đến phúc lợi
Bất luận có bao nhiêu quỹ tư nhân kiểu như Scottish Widows được lập ra thì vẫn luôn luôn có những người nằm ngoài tầm với của bảo hiểm, đó là những người hoặc quá nghèo hoặc quá tắc trách không thể dành dụm phòng ngày mưa gió. Số phận của họ khó khăn đến nghiệt ngã: phụ thuộc vào lòng từ thiện tư nhân hoặc chế độ khổ hạnh trong trại tế bần. Tại Nhà tế bần Marylebone lớn trên phố Northumberland ở London, số người "nghèo do già yếu bất lực hoặc mù lòa" lên đến 1.900 vào những thời kỳ gian khó. Khi thời tiết khắc nghiệt, việc làm hiếm hoặc thực phẩm đắt đỏ, những người đàn ông và đàn bà lang thang nhận cứu tế phải chịu một chế độ giống như trong nhà tù. Như tờ Tin tức London kèm minh họa đã mô tả điều này năm 1867:
Họ được tắm rửa bằng đẫy nước nóng, nước lạnh với xà phòng, và nhận hai lạng bánh mì cùng nửa lít cháo suông để ăn tối; sau đó, người ta mang quần áo của họ đi giặt và xông khói, đưa cho họ áo ngủ bằng len ấm và cho đi ngủ. Những người đọc Kinh Thánh cho người nghèo sẽ cầu nguyện; trật tự gắt gao và bầu im lặng được duy trì suốt đêm trong khu cư xá... Giường ngủ gồm có đệm bằng xơ dừa, gối nhồi len phế phẩm, và một đôi chăn. Vào sáu giờ sáng mùa hè và bảy giờ sáng mùa đông, người ta đánh thức họ dậy và ra lệnh cho họ làm việc. Phụ nữ được yêu cầu dọn dẹp các buồng hoặc nhặt xơ dây thừng cũ, nam giới được yêu cầu đập đá, song không ai bị giữ lại quá bốn tiếng đồng hồ sau bữa ăn sáng có cùng khẩu phần như bữa tối. Quần áo của họ sau khi tẩy uế và làm sạch chấy rận, được đưa lại cho họ vào buổi sáng. Những ai muốn khâu vá lại quần áo rách rưới của mình thì được cấp kim chỉ và các vụn vải. Nếu ai đó ốm thì có nhân viên y tế chăm sóc, nếu ốm quá nặng không thể đi tiếp thì được đưa vào nhà thương.
Tác giả của bài báo đã kết luận rằng, "Một người ‘lang thang nghiệp dư’ chắc hẳn không có gì phải than phiền... Hội những người làm phúc chắc cũng chẳng thể làm được gì hơn." [342] Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, người ta bắt đầu cảm thấy rằng những người thiệt thòi trong cuộc sống xứng đáng được hưởng điều tốt đẹp hơn thế. Các hạt giống bắt đầu được gieo xuống để tạo một phương thức mới giải quyết vấn đề rủi ro - các hạt giống mà cuối cùng sẽ mọc lên thành nhà nước phúc lợi. Các hệ thống bảo hiểm nhà nước đó được thiết kế để khai thác tối đa lợi thế kinh tế do quy mô, bằng cách bảo hiểm cho hầu như tất cả các công dân từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi.
Hai cảnh từ một nhà tế bần ở London năm 1902: nhặt dây thừng cũ là gỡ sợi từ những dây thừng gai để sử dụng lại trong ngành đóng tàu
Chúng ta thường hay nghĩ về nhà nước phúc lợi như một phát kiến của nước Anh. Chúng ta cũng thường hay nghĩ về nhà nước phúc lợi như một phát kiến của chủ nghĩa xã hội hay ít nhất là của chủ nghĩa tự do. Thật ra, hệ thống bảo hiểm y tế nhà nước và lương hưu bắt buộc đầu tiên được đưa ra không phải ở Anh mà ở Đức, và đó là một tấm gương mà người Anh đã phải mất hơn 20 năm mới đi theo. Đó cũng không phải là sáng tạo của cánh tả, mà có lẽ ngược lại. Mục đích của chế định về bảo hiểm xã hội của Otto von Bismarck, như chính ông đã nêu năm 1880, là "tạo ra trong một số lượng lớn những người không có tài sản một tâm lý bảo thủ xuất phát từ cảm giác về quyền có lương hưu". Theo quan điểm của Bismarck, "Một người có lương hưu cho tuổi già... thì dễ dàng xử lý hơn nhiều so với một người không có triển vọng đó." Điều gây ngạc nhiên cho các đối thủ bên phái tự do của ông là Bismarck đã công khai thừa nhận rằng đây là "một ý tưởng kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa! Số đông phải góp sức giúp đỡ những người không có tài sản." Song động cơ của ông thì hoàn toàn không phải từ lòng vị tha. "Bất kỳ ai ủng hộ ý tưởng này," ông kết luận, "đều sẽ đạt đến quyền lực." [343] Cho mãi đến năm 1908, nước Anh mới đi theo mô hình của Bismarck, khi Bộ trưởng Tài chính thuộc đảng Tự do là David Lloyd George đưa ra một quỹ lương hưu nhà nước khiêm tốn dành cho những người khó khăn trên 70 tuổi. Một Đạo luật Bảo hiểm y tế Quốc gia đã ra đời sau đó vào năm 1911. Mặc dù là người thuộc cánh tả, Lloyd George đã chia sẻ quan điểm của Bismarck rằng những biện pháp như vậy sẽ giúp giành phiếu bầu trong một hệ thống mà quyền bầu cử ngày càng mở rộng nhanh chóng. Số người nghèo đông hơn số người giàu. Khi Lloyd George tăng thuế trực thu để chi trả cho món lương hưu nhà nước, ông rất vui lòng trước cái mác gán cho ngân sách năm 1909 của mình: "Ngân sách Nhân dân".
Người ngồi ăn trong nhà tế bần ở St Marylebone. Sự công bằng và lòng tốt của Chúa có lẽ không phải là điều hiển nhiên đối với những người trong nhà tế bần.
Tuy nhiên, nếu như nhà nước phúc lợi mới chỉ manh nha trong chính trị, thì nó được phát triển hoàn thiện trong chiến tranh. Thế chiến thứ nhất đã mở rộng phạm vi hoạt động của chính phủ trong hầu hết mọi lĩnh vực. Với việc tàu ngầm của Đức đã nhấn chìm tổng cộng không dưới 7.759.000 tấn hàng hóa đường biển xuống đáy đại dương, rõ ràng không có cách nào để các hãng bảo hiểm hàng hải tư nhân đền bù các rủi ro của chiến tranh. Thật ra, chính sách bảo hiểm chuẩn tắc của Lloyd đã được điều chỉnh (vào năm 1898) để loại trừ "hậu quả của các hoạt động thù địch hoặc hoạt động liên quan đến chiến tranh" (gọi là điều khoản "không liên quan đến bắt giữ hoặc chiếm giữ" tức f.c.s - "free of capture and seizure"). Song thậm chí ngay cả những điều khoản bảo hiểm đã được sửa đổi để bỏ điều khoản loại trừ đó cũng bị hủy bỏ khi chiến tranh nổ ra. [344] Nhà nước nhảy vào, thậm chí hầu như đã quốc hữu hóa ngành vận tải thương mại đường biển trong trường hợp nước Mỹ [345] và (điều này có thể dự đoán được) tạo lý do cho các công ty bảo hiểm tuyên bố rằng bất kỳ thiệt hại nào đối với tàu vận tải trong thời gian từ năm 1914 đến năm 1918 đều là do hậu quả của chiến tranh. [346] Khi hòa bình lập lại, các nhà chính trị Anh cũng đã vội vã làm nhẹ bớt tác động của việc giải ngũ đối với thị trường lao động bằng cách đưa ra Kế hoạch Bảo hiểm Thất nghiệp vào năm 1920. [347] Quá trình này lặp lại trong và sau Thế chiến thứ hai. Phiên bản kiểu Anh của bảo hiểm xã hội đã được mở rộng mạnh mẽ theo các điều khoản trong Báo cáo năm 1942 của ủy ban Liên Bộ về Bảo hiểm Xã hội và các Dịch vụ Liên quan do nhà kinh tế học William Beveridge đứng đầu. Ủy ban này đã kiến nghị một cuộc đột kích rộng lớn vào "Bần hàn, Bệnh tật, Dốt nát, Bẩn thỉu và Nhàn rỗi" thông qua một loạt chính sách nhà nước. Trong một buổi phát thanh vào tháng 3/1943, Churchill đã tóm tắt các kế hoạch này gồm các điểm: "bảo hiểm bắt buộc trên cả nước dành cho tất cả tầng lớp và phục vụ mọi mục đích từ khi chào đời đến lúc nhắm mắt"; xóa bỏ thất nghiệp bằng các chính sách của chính phủ nhằm "thực thi ảnh hưởng cân bằng đối với sự phát triển, thúc đẩy hoặc kìm hãm nó tùy theo tình hình đòi hỏi"; "một khu vực mở rộng dần cho công hữu và các doanh nghiệp nhà nước"; nhiều nhà ở do nhà nước cung cấp hơn; cải cách nền giáo dục công, các dịch vụ y tế và phúc lợi ngày càng được mở rộng. [348]
Các luận điểm ủng hộ bảo hiểm của nhà nước vượt ra ngoài cả phạm vi công bằng xã hội. Thứ nhất, bảo hiểm nhà nước có thể can thiệp vào bất cứ nơi nào mà các nhà bảo hiểm tư nhân sợ không dám bước vào. Thứ hai, tư cách thành viên cho tất cả mọi người và đôi khi là bắt buộc sẽ loại bỏ nhu cầu quảng cáo và kinh doanh tốn kém. Thứ ba, như một chuyên gia hàng đầu đã nhận xét vào những năm 1930, "kích thước mẫu số liệu càng lớn, thì giá trị trung bình càng ổn định, cho việc thống kê" [349]. Nói cách khác, bảo hiểm nhà nước khai thác được lợi thế kinh tế do quy mô mang lại; vậy thì tại sao lại không làm nó càng phổ biến càng tốt? Sự ủng hộ nhiệt tình dành cho Báo cáo Beveridge không chỉ ở nước Anh mà trên khắp thế giới giúp giải thích vì sao nhà nước phúc lợi vẫn được coi là có dấu "Sản xuất tại Anh quốc". Tuy nhiên, siêu cường phúc lợi đầu tiên trên thế giới áp dụng triệt để và thành công nhất nguyên lý này lại không phải nước Anh mà là Nhật Bản. Không gì có thể minh họa rõ hơn bằng kinh nghiệm của Nhật Bản về mối liên hệ mật thiết giữa nhà nước phúc lợi và nhà nước chiến tranh.
Thảm họa không ngừng tàn phá Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ 20. Ngày 1/9/1923, một trận động đất lowsn (7,9 độ Richter) đã xảy ra ở khu vực Kantou, tàn phá các thành phố Yokohama và Tokyo. Hơn 128.000 ngôi nhà đã sụp đổ hoàn toàn, cũng ngần ấy ngôi nhà sụp đổ một phần, 900 ngôi nhà bị nước biển cuốn trôi và gần 450.000 ngôi nhà bị thiêu rụi do hỏa hoạn xảy ra hầu như ngay sau động đất. [350] Người Nhật đã được bảo hiểm; từ năm 1879 đến 1914, ngành công nghiệp bảo hiểm của Nhật Bản đã tăng trưởng từ con số không thành một khu vực năng động của nền kinh tế, sinh ra bảo hiểm nhằm đối phó với mất mát ở biển, thiệt mạng, hỏa hoạn, tòng quân, tai nạn giao thông, trộm cắp - đấy mới chỉ nêu một vài trong số mười ba hình thức bảo hiểm khác nhau do hơn ba mươi công ty bảo hiểm cung cấp. Chẳng hạn, trong năm xảy ra trận động đất, các công dân Nhật đã mua 699.634.000 yên (328 triệu đô la) bảo hiểm nhân thọ mới cho năm 1923, trung bình một hợp đồng bảo hiểm là 1.280 yên (600 đô la). [351] Song tổng thiệt hại gây ra bởi động đất là xấp xỉ 4,6 tỷ đô la. Sáu năm sau đó, cuộc Đại Suy thoái đã xảy ra, đẩy một số khu vực nông thôn đến bờ vực chết đói (vào thời điểm đó, 70% dân số tham gia vào nông nghiệp, 70% trong đó chỉ có trung bình một mẫu rưỡi đất). [352] Năm 1937, đất nước này tiến hành một cuộc chiến tranh tốn kém và vô ích nhằm xâm chiếm Trung Quốc. Sau đó, vào tháng 12/1941, Nhật Bản tiến hành chiến tranh với người khổng lồ của kinh tế thế giới là Mỹ và cuối cùng đã phải trả giá đắt ở Hiroshima và Nagasaki. Ngoài việc mất gần ba triệu sinh mạng trong cuộc chạy đua giành sự kiểm soát hoàn toàn với một kết cục bi đát, ở thời điểm thua trận năm 1945, trị giá toàn bộ dung lượng vốn của Nhật Bản hầu như đã bị đưa về số không bởi các máy bay ném bom của Mỹ. Tổng hợp lại, theo như Khảo sát Ném bom Chiến lược của Mỹ, ít nhất 40% các khu vực mới mọc ở hơn sáu mươi thành phố đã bị hủy diệt; 2,5 triệu hộ mất nhà, khiến cho 8,3 triệu người không có nhà ở. [353] Hầu như chỉ còn một thành phố duy nhất nguyên vẹn (mặc dù không phải hoàn toàn không có vết tích) là Kyoto, cố đô của đế chế trước đây - một thành phố hiện vẫn mang nét đặc trưng của nước Nhật thời tiền hiện đại, do đây là một trong những nơi cuối cùng mà những ngôi nhà gỗ gọi là machiya vẫn còn tồn tại. Chỉ cần nhìn những công trình dài và hẹp này, với các cánh cửa trượt, các màn che bằng giấy, các cây cột được đánh bóng và thảm bằng rơm cũng có thể thấy rõ vì sao các thành phố của Nhật Bản lại dễ cháy đến như vậy.
Ở Nhật Bản, cũng như ở hầu hết các nước tham chiến, bài học rút ra rất rõ ràng: thế giới là một nơi quá nguy hiểm cho các thị trường bảo hiểm tư nhân. (Ngay cả ở nước Mỹ, chính phủ liên bang cũng gánh trên 90% rủi ro về chiến tranh thông qua Tập đoàn Thiệt hại Chiến tranh, một trong những đơn vị có lợi nhuận cao nhất của khu vực công trong lịch sử, do một nguyên nhân rất hiển nhiên là không có một thiệt hại chiến tranh nào từng xảy ra trên lục địa nước Mỹ). [354] Dù với quyết tâm mạnh mẽ nhất trên thế giới, các cá nhân cũng không thể tự bảo hiểm cho mình trước Lực lượng Không quân Mỹ. Câu trả lời được chấp nhận gần như ở mọi nơi là chính phủ sẽ nhận trách nhiệm, về thực chất là quốc hữu hóa rủi ro. Khi người Nhật thiết kế ra hệ thống phúc lợi toàn dân năm 1949, Hội đồng Tư vấn An sinh xã hội của họ đã thừa nhận mang nợ mẫu hình của nước Anh. Dưới con mắt của Bunji Kondo, một người tin tưởng tuyệt đối vào bảo hiểm phúc lợi toàn dân, đã tới lúc cần có bebariji no nihonhan - Beveridge cho người Nhật. [355] Song họ còn đưa ý tưởng đi xa hơn những gì Beveridge đã mong muốn. Mục đích, như Hội đồng Tư vấn đã nêu, là tạo ra
một hệ thống trong đó các biện pháp được đưa ra nhằm bảo đảm về kinh tế trước ốm đau, thương tật, sinh con, khuyết tật, chết, tuổi già, thất nghiệp, gia đình đông con và các nguyên nhân khác gây ra nghèo đói, thông qua... việc chi trả của chính phủ... [và] trong đó những người nghèo túng sẽ được đảm bảo một mức sống tối thiểu bằng sự hỗ trợ ở tầm quốc gia. [356]
Kể từ đó, nhà nước phúc lợi sẽ bảo hiểm cho mọi người trước tất cả những thay đổi thất thường của cuộc sống hiện đại. Nếu họ sinh ra đã ốm yếu, nhà nước sẽ chi trả. Nếu họ không đủ khả năng để đi học, nhà nước sẽ chi trả. Nếu họ quá đau ốm không thể làm việc được, nhà nước sẽ chi trả. Khi họ nghỉ hưu, nhà nước sẽ chi trả. Và cuối cùng là khi họ chết, nhà nước sẽ trợ cấp cho những người phụ thuộc vào họ. Điều này rõ ràng là phù hợp với một trong những mục đích của việc Mỹ chiếm đóng sau chiến tranh: "thay thế nền kinh tế phong kiến bằng nền kinh tế phúc lợi". [357] Song sẽ là sai lầm khi giả định (như một số nhà bình luận sau chiến tranh) rằng nhà nước phúc lợi Nhật Bản "đã bị áp đặt cả gói bởi một cường quốc bên ngoài". [358] Trên thực tế, người Nhật đã thiết lập nhà nước phúc lợi của riêng họ - và họ đã bắt đầu làm điều đó từ rất lâu trước khi chiến tranh kết thúc. Chính ham muốn vô độ của nhà nước giữa thế kỷ 20 đối với các binh sĩ và công nhân trẻ sung sức mới là động lực thực sự, chứ không phải chủ nghĩa vị tha về xã hội. Như nhà khoa học chính trị Mỹ Harold D. Lasswell đã trình bày khá rõ điều này, Nhật Bản trong thập niên 1930 đã trở thành một nhà nước trại lính. [359] Song đó là một nhà nước đã mang trong nó lời hứa về một "nhà nước chiến tranh-phúc lợi", đưa ra an sinh xã hội để đổi lấy sự hy sinh trong quân đội.
Ở Nhật Bản trước thập niên 1930 đã có một mức độ bảo hiểm xã hội cơ bản nào đó: bảo hiểm tai nạn xí nghiệp và bảo hiểm y tế (dành cho các công nhân xí nghiệp năm 1927). Song dạng bảo hiểm này chỉ dành cho dưới hai phần năm lực lượng lao động công nghiệp. [360] Đặc biệt, kế hoạch lập một Bộ Phúc lợi Nhật Bản (Kōseishō) đã được chính phủ Nhật hoàng thông qua ngày 9/7/1937, chỉ hai tháng sau khi nổ ra chiến tranh với Trung Quốc. [361] Bước đầu tiên trong đó là đưa ra một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân bổ sung cho chương trình hiện có dành cho những người làm việc trong ngành công nghiệp. Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1938 đến cuối 1944, số công dân được bảo hiểm theo phương thức này đã tăng lên gần 100 lần, từ khoảng 500.000 lên trên 40 triệu người. Mục đích rất rõ ràng: dân số khỏe mạnh hơn sẽ đảm bảo nguồn tân binh khỏe mạnh cho lực lượng vũ trang của Hoàng đế. Khẩu hiệu của thời chiến "Toàn dân là chiến sĩ" (kokumin kai hei) đã được điều chỉnh thành "Toàn dân cần được bảo hiểm" (kokumin kai hoken). Và để đảm bảo sự bảo hiểm toàn dân, ngành y tế và ngành công nghiệp dược phẩm về thực chất được đặt dưới quyền quyết định của nhà nước. [362] Những năm chiến tranh cũng chứng kiến sự ra đời kế hoạch bảo hiểm bắt buộc đối với thủy thủ và công nhân, trong đó nhà nước chịu 10% chi phí, chủ lao động và người lao động mỗi bên chịu 5,5% tiền lương của người lao động. Những bước đầu tiến tới việc cung cấp nhà ở của nhà nước trên quy mô lớn cũng đã được thực hiện. Như vậy tình hình sau chiến tranh ở Nhật Bản chẳng qua chỉ là sự mở rộng trên quy mô lớn của nhà nước chiến tranh-phúc lợi. Giờ đây "toàn dân phải có lương hưu", kokumin kai nenkin. Giờ đây phải có bảo hiểm thất nghiệp, thay vì thông lệ mang tính che chở trước đây là luôn giữ công nhân trên bảng lương kể cả thời kỳ xuống dốc. Chẳng có gì lạ là một số người Nhật hay nghĩ về phúc lợi theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa, một kiểu bành trướng quốc gia theo cách hòa bình. Bản báo cáo năm 1950 với những khuyến nghị kiểu Anh thực tế đã bị chính phủ bác bỏ. Chỉ đến năm 1961, rất lâu sau khi sự kiểm soát của Mỹ chấm dứt, thì hầu hết các khuyến nghị đó mới được chấp thuận. Cho đến cuối thập niên 1970, một chính trị gia Nhật Bản, ông Nakagawa Yatsuhiro, đã có thể tuyên bố được rằng Nhật Bản đã trở thành một "cường quốc phúc lợi" (fukushi chōdaikoku), chính là bởi vì hệ thống của nước này khác (và ưu việt hơn) các mô hình của phương Tây. [363]
Thật ra, tất nhiên không có sự khác thường nào về thể chế trong hệ thống của Nhật Bản. Hầu hết các nhà nước phúc lợi đều nhắm vào bảo hiểm toàn dân, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Song nhà nước phúc lợi Nhật Bản có lẽ là một điều kỳ diệu về tính hiệu quả. Xét về tuổi thọ trung bình, đất nước này đứng đầu thế giới. Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy, Nhật cũng đứng ở hàng đầu. Khoảng 90% dân số đã tốt nghiệp phổ thông trung học vào giữa thập niên 1970, so với chỉ có 32% ở Anh. [364] Nhật Bản còn là một xã hội công bằng hơn bất cứ một xã hội nào ở phương Tây, có lẽ chỉ trừ Thụy Điển. Và Nhật Bản có một quỹ lương hưu lớn nhất trên thế giới, do vậy mỗi một người Nhật khi nghỉ hưu có thể an tâm về khoản tiền thưởng hậu hĩnh cũng như thu nhập đều đặn trong suốt những năm nghỉ ngơi (mà thường là khá dài) xứng đáng của mình. Cường quốc phúc lợi cũng đồng thời là một điều kỳ diệu về sự chi li. Năm 1975, chỉ có 9% thu nhập quốc dân được dành cho an sinh xã hội, so với 31% ở Thụy Điển. [365] Gánh nặng về thuế khóa và phúc lợi xã hội chỉ xấp xỉ một nửa của Anh. Được vận hành trên cơ sở đó, nhà nước phúc lợi dường như là một lựa chọn có lý tuyệt vời. Nhật Bản đã đạt được an sinh cho tất cả mọi người - loại bỏ mọi rủi ro - đồng thời nền kinh tế của nước này đã tăng trưởng nhanh đến mức tới năm 1968 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một năm trước đó, Herman Kahn đã dự đoán rằng thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản sẽ vượt Mỹ vào năm 2000. Thậm chí, Nakagawa Yatsuhiro đã lập luận rằng nếu tính cả những phúc lợi phụ, "thu nhập thực tế của một công nhân Nhật Bản đã gấp ít nhất là 3 lần so với một công nhân Mỹ". [366] Chiến tranh đã thất bại trong việc biến Nhật Bản thành quốc gia hàng đầu, song phúc lợi lại thành công trong việc này. Chiếc chìa khóa hóa ra không phải là một đế chế hướng ngoại, mà là mạng lưới an sinh trong nước. [367]
Song ở đây có một cái bẫy, một lỗi chết người trong thiết kế của nhà nước phúc lợi sau chiến tranh. Nhà nước phúc lợi có thể hoạt động ổn thỏa ở nước Nhật thập niên 1970. Song ta không thể nói điều tương tự với các nước khác ở thế giới phương Tây. Mặc dù có sự giống nhau về mặt địa hình và lịch sử (đều là các quần đảo nằm bên ngoài châu lục Á-Âu, quá khứ đế chế, hành vi dè dặt khi tỉnh táo), người Nhật và người Anh có văn hóa khá khác nhau. Nhìn bề ngoài, hệ thống phúc lợi của họ trông có vẻ tương tự: lương hưu của nhà nước được tạo ra từ thuế theo mô hình cũ là làm đâu trả đấy; tuổi nghỉ hưu được chuẩn hóa; bảo hiểm y tế toàn dân; trợ cấp thất nghiệp; trợ giá cho nông dân; thị trường lao động bị giới hạn nghiêm ngặt. Song các thiết chế đó lại hoạt động theo những cách tương đối khác nhau ở hai đất nước này. Ở Nhật Bản, chủ nghĩa bình quân là mục tiêu ưu tiên của chính sách, trong khi đó văn hóa đề cao tuân thủ xã hội khuyến khích việc chấp hành các quy định. Ngược lại, chủ nghĩa cá nhân của người Anh khiến cho người ta tìm cách lợi dụng hệ thống một cách bất cần đạo lý. Ở Nhật Bản, gia đình và công ty tiếp tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ hệ thống phúc lợi. Các chủ lao động đưa ra các trợ cấp bổ sung và thường không muốn sa thải công nhân. Cho tới gần đây vào thập niên 1990, hai phần ba số người Nhật tuổi trên 64 vẫn sống với con cái của họ. [368] Ngược lại, các chủ lao động ở Anh không do dự cắt xén ngay bảng lương vào thời buổi khó khăn, còn mọi người thì thường phó mặc cha mẹ già của mình cho lòng nhân hậu của Cơ quan Y tế Quốc gia. Nhà nước phúc lợi có thể làm Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế, song trong thập niên 1970 nó dường như có tác động ngược lại ở nước Anh.
Theo những người Anh thủ cựu, cái ban đầu là hệ thống bảo hiểm quốc gia đã thoái hóa thành một hệ thống bố thí và áp đặt thuế sung công, bóp méo một cách thậm tệ các động lực kinh tế. Trong thời gian từ năm 1930 đến 1980, các khoản chi cho xã hội ở Anh đã tăng từ chỉ 2,2% GDP lên 10% năm 1960,13% năm 1970 và gần 17% năm 1980, cao hơn so với Nhật Bản quá 6%. [369] Chăm sóc sức khỏe, dịch vụ và an sinh xã hội đã tiêu tốn hơn gần ba lần so với quốc phòng tính theo tỷ lệ trong tổng chi tiêu có quản lý của chính phủ. Song kết quả thật đáng thất vọng. Chi phí ngày càng tăng dần cho phúc lợi ở Anh đi kèm theo mức tăng trưởng thấp và lạm phát trên mức trung bình của các nước phát triển. Một vấn đề đặc biệt là tốc độ tăng năng suất lao động rất thấp diễn ra liên tục (GDP thực tế trên đầu người chỉ tăng có 8% trong thời gian từ năm 1960 đến 1979, so với 8,1% ở Nhật), [370] ấy là điều dường như có liên quan mật thiết với các kỹ thuật mặc cả sát sao của các nghiệp đoàn Anh (lãn công thường là phương cách được ưa thích hơn so với bãi công trực diện). Trong khi đó, suất thuế biên vượt quá 100% đánh vào thu nhập cao và lãi trên vốn đã ngăn cản các hình thức tiết kiệm và đầu tư truyền thống. Có vẻ như nhà nước phúc lợi Anh đã làm mất đi các động lực mà không có chúng thì một nền kinh tế tư bản không thể hoạt động được: củ cà rốt là đồng tiền thực sự cho những ai nỗ lực hết mình, cây gậy là nỗi gian khổ cho những ai làm việc uể oải. Kết quả là "trì trệ kèm lạm phát" (stagflation): tăng trưởng một cách trì trệ cộng với mức lạm phát cao. Các vấn đề tương tự cùng lúc đó cũng gây hại cho nền kinh tế Mỹ, nơi mà chi tiêu 'cho sức khỏe, chăm sóc y tế, bảo đảm về thu nhập và an sinh xã hội đã tăng từ 4% GDP năm 1959 lên 9% năm 1975, lần đầu tiên vượt qua chi tiêu quốc phòng. Và ở Mỹ cũng vậy, năng suất lao động hầu như không tăng, tình trạng trì trệ kèm lạm phát không kiềm chế nổi. Cần phải làm gì đây?
Có một người, và các học trò của ông, cho rằng họ biết được lời giải đáp. Nhờ chủ yếu vào ảnh hưởng của họ mà một trong những khuynh hướng kinh tế rõ rệt nhất trong 25 năm gần đây là nhà nước phúc lợi phương Tây đang được bãi bỏ, ném người dân trở lại với con quái vật không thể dự đoán trước được mà người ta tưởng rằng đã thoát: sự rủi ro.
Cơn lạnh trầm kha
Năm 1976, một vị giáo sư nhỏ thó làm việc tại trường Đại học Chicago đã giành được giải thưởng Nobel về kinh tế. Danh tiếng của Milton Friedman với tư cách là một nhà kinh tế học phần lớn dựa vào việc ông đã phục hồi lại ý tưởng rằng lạm phát xảy ra bởi sự tăng quá mức của cung tiền. Như chúng ta đã thấy, ông là đồng tác giả của một cuốn sách có lẽ là quan trọng nhất trong mọi thời đại về chính sách tiền tệ của Mỹ, trong đó đưa ra lời buộc tội mạnh mẽ rằng các sai lầm của Cục Dự trữ Liên bang đã gây ra cuộc Đại Suy thoái. [371] Song một câu hỏi đã ám ảnh ông vào giữa thập niên 1970 là: nhà nước phúc lợi đã lầm lạc ở điểm nào? Tháng 3/1975, Friedman đã bay từ Chicago đến Chile để trả lời câu hỏi này.
Milton Friedman
Mới chỉ 18 tháng trước đó, vào tháng 9/1973, xích xe tăng đã nghiến trên đường phố thủ đô Santiago để lật đổ chính phủ của vị Tổng thống Marxist Salvador Allende, mà kế hoạch biến Chile thành một nhà nước cộng sản của ông ta đã dẫn đến sự hỗn loạn toàn diện về kinh tế và Nghị viện đã phải yêu cầu giới quân sự nắm quyền. Các máy bay phản lực của không quân đã giội bom Dinh Moneda, và những người chống đối Allende vừa quan sát từ ban công của khách sạn Carera ở gần đó vừa mở rượu sâm panh ăn mừng. Bên trong dinh, bản thân Tổng thống đang chiến đấu một cách vô vọng bằng một khẩu súng AK47 - quà tặng của Fidel Castro, người mà ông tích cực noi gương. Khi xe tăng ầm ầm lao về phía ông, Allende nhận ra mọi sự thế là đã kết thúc; bị dồn vào chân tường trong phần còn lại của trụ sở, ông đã tự sát.
Cuộc đảo chính này là hình ảnh thu nhỏ của cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới về nhà nước phúc lợi sau chiến tranh và đưa ra sự lựa chọn khắc nghiệt giữa các hệ thống kinh tế đối nghịch. Với nền sản xuất suy sụp và lạm phát vọt lên, hệ thống trợ cấp toàn dân và lương hưu nhà nước của Chile về thực chất là đã phá sản. Đối với Allende, câu trả lời đã từng là chủ nghĩa Marx toàn lực, một sự kiểm soát hoàn toàn theo kiểu Liên Xô mà nhà nước áp đặt lên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế. Các tướng lĩnh quân đội và những người ủng hộ biết rằng mình chống lại điều đó. Song điều họ thực sự cần là gì, khi mà tình trạng hiện tại rõ ràng không thể tiếp tục kéo dài? Milton Friedman vào cuộc. Giữa các bài giảng và thảo luận của mình, ông đã dành ba phần tư giờ gặp vị tổng thống mới, tướng Pinochet, sau đó viết cho ông ta bản đánh giá tình trạng kinh tế của Chile và thuyết phục ông ta giảm mức thâm hụt của chính phủ mà ông xem như nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát cao ngút của nước này với tỷ lệ hằng năm lúc đó lên đến 900%. [372] Một tháng sau chuyến thăm của Friedman, chế độ độc tài quân sự Chile tuyên bố rằng lạm phát sẽ được chặn lại "bằng bất kỳ giá nào". Chế độ này đã cắt giảm 27% chi tiêu chính phủ và đốt đi hàng đống tiền giấy. Song Friedman không chỉ đề xuất liệu pháp sốc tiền tệ là món tủ của ông. Trong một bức thư gửi Pinochet được viết sau khi ông quay về Chicago, ông đã lập luận rằng "vấn đề về lạm phát" này xuất hiện "từ các xu hướng thiên về chủ nghĩa xã hội đã bắt đầu từ bốn mươi năm trước đây, đã lên đến đỉnh điểm một cách logic -và đáng sợ - dưới chế độ của Allende". Như ông đã nhớ lại sau này, "Quan điểm tổng quát mà tôi đã nêu ra... là các khó khăn hiện tại của họ hầu như hoàn toàn bị gây ra bởi xu hướng kéo dài 40 năm tiến về chủ nghĩa tập thể hóa, chủ nghĩa xã hội và nhà nước phúc lợi..." [373] Và ông đã thuyết phục Pinochet: "Việc chấm dứt lạm phát sẽ dẫn đến sự mở rộng nhanh chóng thị trường tư bản, tạo điều kiện mạnh mẽ cho việc chuyển giao các doanh nghiệp và hoạt động hiện vẫn nằm trong tay chính phủ sang tư nhân. [374]
Do đưa ra lời tư vấn này mà bản thân Friedman đã bị chính báo chí Mỹ lên án. Bất luận thế nào thì ông cũng đang hành động với tư cách là người tư vấn cho một nhà độc tài quân sự đã hành quyết trên 2.000 người cộng sản thực thụ hoặc bị nghi ngờ là cộng sản, và tra tấn trên 30.000 người khác. Như tờ New York Times đã đặt câu hỏi: "... nếu lý thuyết kinh tế trường phái Chicago chỉ có thể thực hiện được ở Chile nhờ cái giá là sự đàn áp, thì liệu các tác giả của nó có cảm thấy phải chịu một phần trách nhiệm không?" [375]
Vai trò của trường Chicago đối với chế độ mới không chỉ chấm dứt một chuyến viếng thăm của Milton Friedman. Kể từ thập niên 1950, luôn đều đặn có một lớp các nhà kinh tế học trẻ tuổi tài năng của Chile tới học ở Chicago theo một chương trình trao đổi với Đại học Católica ở Santiago, và họ đã trở về với niềm tin cần phải cân bằng ngân sách, thắt chặt cung tiền và tự do hóa thương mại. [376] Đó là Các chàng trai Chicago (Chicago Boys), những người lính của Friedman: Jorge Cauas, bộ trưởng Tài chính và sau đó là "siêu bộ trưởng" Kinh tế của Pinochet; Sergio de Castro, người kế nhiệm ông làm bộ trưởng Tài chính; Miguel Kast, bộ trưởng Lao động và sau đó giám đốc ngân hàng trung ương, và ít nhất tám người khác nữa đã học ở Chicago và sau đó phục vụ trong chính phủ. Thậm chí trước cả khi Allende sụp đổ, họ đã vạch ra một chương trình cải cách chi tiết dưới tên gọi El Ladrillo (viên gạch) do độ dày của bản thảo. Tuy nhiên, biện pháp triệt để nhất có lẽ là đến từ một sinh viên đại học Thiên Chúa giáo đã chọn học tại Harvard chứ không phải Chicago. Dự định của anh ta là thách thức sâu sắc nhất đối với nhà nước phúc lợi trong suốt một thế hệ. Thatcher và Reagan sau này mới bàn đến. Sự chống đối nhà nước phúc lợi đã bắt đầu ở Chile.
Đối với José Piñera, mới chỉ 24 tuổi khi Pinochet nắm quyền lực, lời mời quay trở về Chile từ Harvard là một tình huống khó xử đến giày vò. Anh không hề có ảo tưởng nào về bản chất của chế độ Pinochet. Song anh tín rằng hiện đang có một cơ hội để đưa vào thực tiễn những ý tưởng đã được hình thành trong tâm trí anh kể từ lúc đến New England. Điều mấu chốt, theo như anh nhìn nhận, không phải là chỉ giảm mức lạm phát. Điều cũng quan trọng không kém là tăng cường mối quan hệ giữa các quyền sở hữu và quyền chính trị, điều kiện chính làm nên sự thành công của thực nghiệm Bắc Mỹ về nền dân chủ tư bản. Piñera tin rằng không có con đường chắc chắn nào để làm điều đó hơn là việc đại tu lại nhà nước phúc lợi, bắt đầu từ hệ thống làm đâu trả đấy của quỹ lương hưu nhà nước và các trợ cấp khác. Theo cách nhìn nhận của anh:
Cái ban đầu là một hệ thống bảo hiểm quy mô lớn đã biến thành một hệ thống đánh thuế, trong đó các khoản đóng góp của hôm nay được sử dụng để chi trả cho các khoản trợ cấp của chính hôm nay, thay vì tích lũy một quỹ để sử dụng cho tương lai. Phương pháp "làm đâu trả đấy" này đã thay thế nguyên tắc tiết kiệm bằng thói quen hưởng thụ... [Song phương pháp này] có gốc rễ sâu xa từ sự hiểu sai về cách con người hành xử. Nó phá hủy, ở cấp độ từng cá nhân, mối liên hệ giữa đóng góp và thụ hưởng. Nói cách khác, giữa nỗ lực và phần thưởng. Ở bất cứ nơi nào, nếu điều này xảy ra trên quy mô lớn và trong một thời gian dài thì kết quả cuối cùng đều là thảm họa. [377]
Trong thời gian từ năm 1979 đến 1981, với tư cách là bộ trưởng Lao động (và sau đó là bộ trưởng Khai mỏ), Piñera đã tạo ra một hệ thống lương hưu mới hoàn toàn cho Chile, cho phép mỗi công nhân có cơ hội lựa chọn không tham gia hệ thống lương hưu nhà nước. Thay vì đóng khoản thuế từ lương, họ có thể đưa ra một khoản tương đương (10% mức lương của họ) vào một Tài khoản Lương hưu Cá nhân do các công ty tư nhân cạnh tranh lẫn nhau (được biết đến dưới tên gọi Administrador de Fondos de Pensiones - Cơ quan Quản lý Quỹ lương hưu, AFP) quản lý. [378] Khi đến tuổi nghỉ hưu, người tham dự sẽ rút tiền của mình ra và dùng để mua niên kim; hoặc nếu muốn thì người công nhân có thể tiếp tục làm việc và đóng tiền. Ngoài lương hưu, hệ thống này còn bao gồm cả phí bảo hiểm nhân thọ và tàn tật. Ý tưởng là nhằm tạo cho công nhân Chile cảm giác rằng số tiền để dành thực sự là vốn riêng của anh ta. Theo lời của Hernán Büchi (người đã giúp Piñera soạn thảo đạo luật an sinh xã hội và sau đó thực hiện cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe), "Các chương trình xã hội cần phải bao gồm một số cách khuyến khích nỗ lực cá nhân và để cho mọi người dần dần chịu trách nhiệm về số phận của chính họ. Không có gì tồi tệ hơn các chương trình xã hội mà lại khuyến khích sự ăn bám xã hội." [379]
Piñera đã đánh cược. Ông đưa cho các công nhân một sự lựa chọn: vẫn bám lấy hệ thống cũ làm đâu trả đấy, hay là lựa chọn các Tài khoản Lương hưu Cá nhân. Ông thường xuyên xuất hiện trên truyền hình để đảm bảo với các công nhân rằng "Sẽ không ai lấy đi tấm séc của bà nội anh" (từ hệ thống cũ của nhà nước). Ông đã bác bỏ một cách mỉa mai đề xuất rằng các công đoàn trong nước, chứ không phải từng công nhân, sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn Cơ quan Quản lý Quỹ lương hưu cho các thành viên công đoàn. Cuối cùng, ngày 4/11/1980, cải cách đã được thông qua, và có hiệu lực, theo đề xuất ranh mãnh của Piñera, vào ngày 1/5, ngày Quốc tế Lao động năm tiếp theo đó. [380] Phản ứng của công chúng là phấn khởi. Đến năm 1990 hơn 70% công nhân đã chuyển sang hệ thống cá nhân. [381] Mỗi người nhận cuốn sổ mới sáng bóng trong đó ghi chép các khoản đóng góp và các khoản lãi từ đầu tư. Cho đến cuối năm 2006, khoảng 7,7 triệu người Chile đã có tài khoản hưu cá nhân, 2,7 triệu cũng được bảo hiểm bởi các hợp đồng y tế tư nhân, trong khuôn khổ của cái gọi là hệ thống ISAPRE cho phép công nhân được lựa chọn không tham gia hệ thống bảo hiểm y tế của nhà nước mà lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân. Điều này nghe có vẻ không giống lắm, song - cùng với các cải cách khác theo trường phái Chicago được thực hiện dưới thời Pinochet - đây cũng là một cuộc cách mạng lớn không thua bất kỳ điều gì mà nhà Marxist Allende đã hoạch định hồi năm 1973. Hơn thế nữa, cải cách này đã bị đưa ra tại thời điểm kinh tế bất ổn nghiêm trọng, hậu quả của một quyết định khờ dại neo giữ đồng tiền của Chile theo đô la Mỹ năm 1979, khi mà con chằn tinh lạm phát dường như đã bị xẻ thịt. Khi lãi suất tiết kiệm Mỹ tăng không bao lâu sau đó, áp lực giảm phát lại nhấn Chile vào một cuộc suy thoái đe dọa làm trật ray cả đoàn tàu tốc hành Chicago-Harvard. Nền kinh tế sụt giảm 13% trong năm 1982, dường như đã chứng minh những lời phê phán của cánh tả đối với "liệu pháp sốc" của Friedman. Chỉ đến cuối năm 1985, cuộc khủng hoảng mới được xem như đã kết thúc. Đến năm 1990 thấy rõ là cải cách đã thành công: các cuộc cải cách hệ thống phúc lợi đã đóng góp tới một nửa vào việc giảm chi tiêu chính phủ từ 34% GDP xuống còn 22%.
Liệu điều đó có bõ công không? Liệu điều đó có xứng đáng với canh bạc đạo lý to lớn mà các chàng trai Chicago và Harvard đã thực hiện khi ngồi cùng thuyền với nhà độc tài quân sự thích giết người và tra tấn? Câu trả lời phụ thuộc việc bạn có cho rằng cải cách kinh tế đó giúp mở đường quay lại nền dân chủ bền vững ở Chile hay không. Năm 1980, chỉ bảy năm sau cuộc đảo chính, Pinochet đã thừa nhận một bản hiến pháp mới xác lập giai đoạn quá độ mười năm trở về nền dân chủ bền vững. Năm 1990, do thua cuộc trưng cầu dân ý về quyền lãnh đạo của mình, ông ta đã từ chức tổng thống (mặc dù vẫn ở lại lãnh đạo quân đội thêm tám năm nữa). Nền dân chủ được phục hồi, vào lúc đó điều kỳ diệu về kinh tế đã bắt đầu và giúp đảm bảo sự sống sót của nền dân chủ. Bởi vì cải cách lương hưu không chỉ tạo ra một giai cấp mới sở hữu tài sản, mỗi người trong đó có một ổ trứng hưu của riêng mình; nó còn tạo cho nền kinh tế Chile một liều thuốc bổ lớn, bởi kết quả là làm tăng đáng kể tỷ lệ tiết kiệm (lên 30% GDP vào năm 1989, mức cao nhất ở Mỹ Latin). Ban đầu, một giới hạn được áp đặt để ngăn không cho AFP đầu tư trên 6% (sau đó là 12%) quỹ lương hưu mới ra ngoài Chile. [382] Tác động của việc này là lượng tiền tiết kiệm mới được bơm vào sự phát triển kinh tế của chính quốc gia này. Tháng 1/2008, tôi đến thăm Santiago và xem các nhà môi giới tại Banco de Chile (Ngân hàng Chile) đang bận rộn đầu tư các khoản đóng góp cho quỹ hưu của các công nhân Chile vào thị trường chứng khoán riêng của họ. Kết quả thật ấn tượng. Tỷ lệ lợi nhuận hằng năm của các tài khoản hưu cá nhân là trên 10%, phản ánh hiệu quả tăng vọt của thị trường chứng khoán Chile: tăng gấp 18 lần kể từ năm 1987.
Song hệ thống này cũng có mặt trái, hẳn vậy. Chi phí hành chính và tài chính của hệ thống đôi khi bị phàn nàn là quá cao. [383] Do không phải mọi người trong nền kinh tế này đều có một việc làm toàn thời gian ổn định, nên không phải ai cũng tham gia vào hệ thống đó. Những người lao động tự do không có nghĩa vụ phải đóng góp vào tài khoản hưu cá nhân, những người không có công việc cố định cũng vậy. Điều đó khiến một tỷ lệ khá lớn dân chúng hoàn toàn không có bảo hiểm lương hưu, trong đó có nhiều người sống ở La Victoria, đã từng là nơi tập trung những người phản kháng lại chế độ Pinochet - và hiện vẫn là một trong những nơi mà khuôn mặt Che Guevara được sơn xịt đầy trên các bức tường. Mặt khác, chính phủ sẵn sàng bù đắp cho những người mà tiền tiết kiệm không đủ để đóng khoản lương hưu tối thiểu, với điều kiện họ đã làm việc được ít nhất là hai mươi năm. Và cũng còn có một khoản lương hưu Đoàn kết Cơ bản cho những ai không đạt được tiêu chuẩn đó. [384] Quan trọng hơn cả, sự cải thiện tình hình kinh tế của Chile kể từ sau những cải cách của Các chàng trai Chicago thật khó có thể bác bỏ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong mười lăm năm trước chuyến viếng thăm của Friedman là 0,17%. Trong mười lăm năm tiếp sau chuyến viếng thăm đó, tốc độ là 3,28%, tức là gấp gần hai mươi lần. Tỷ lệ nghèo khổ đã giảm mạnh xuống chỉ còn 15%, so với 40% tại phần còn lại của châu Mỹ Latin. [385] Santiago ngày nay là một thành phố sáng ngời trên dãy Andes, có lẽ là thành phố thịnh vượng và hấp dẫn nhất lục địa.
Một dấu hiệu thành công của Chile là cải cách lương hưu của quốc gia này đã được noi theo ở khắp nơi trong khu vực, và thực ra là trên khắp thế giới. Bolivia, El Salvador và Mexico đã sao chép mô hình của Chile đến từng chi tiết. Peru và Colombia đưa ra quỹ lương hưu tư nhân như một phương án lựa chọn bên cạnh hệ thống của nhà nước. [386] Kazakhstan cũng đã noi theo tấm gương của Chile. Thậm chí các nghị sĩ quốc hội Anh cũng đi nhẵn con đường từ Westminster (trụ sở Nghị viện Anh) đến cửa nhà Piñera. Sự trớ trêu là ở chỗ cải cách của Chile còn triệt để hơn bất kỳ điều nào đã được thử nghiệm ở Mỹ, trung tâm kinh tế học về thị trường tự do. Song cải cách phúc lợi đang trên đường đến Bắc Mỹ, bất kể là ai đó muốn điều đó hay không.
Khi bão Katrina tràn vào New Orleans, nó đã lột trần một số thực trạng về hệ thống của Mỹ mà nhiều người đã tìm cách bỏ qua. Đúng, nước Mỹ đã có một nhà nước phúc lợi. Song nhà nước phúc lợi đó đã không làm tròn nhiệm vụ. Các chính quyền Reagan và Clinton dường như đã thực hiện nhiều cải cách phúc lợi mạnh mẽ, giảm trợ cấp thất nghiệp và khoảng thời gian mà người lao động có thể đòi trợ cấp. Song không cải cách nào có thể bảo vệ hệ thống này khỏi sự lão hóa dân số Mỹ và chi phí tăng vọt của việc chăm sóc sức khỏe tư nhân.
Nước Mỹ có một hệ thống phúc lợi khác thường. Chương trình An sinh xã hội cung cấp lương hưu nhà nước tối thiểu cho mọi người về hưu, trong khi đồng thời hệ thống Chăm sóc y tế [387] trang trải tất cả chi phí y tế cho người già và người tàn tật. Trợ cấp thu nhập và các chi phí y tế khác đã đẩy tổng chi phí của các chương trình phúc lợi liên bang lên 11% GDP. Tuy nhiên, ngành chăm sóc sức khỏe của Mỹ lại nằm trong tay khu vực tư nhân hầu như toàn bộ. Điều tốt ở đây là một hệ thống tối tân, nhưng mặt trái là nó không hề rẻ. Và nếu như bạn muốn điều trị trước khi nghỉ hưu, bạn cần phải có một hợp đồng bảo hiểm tư nhân - cái mà khoảng 47 triệu người Mỹ không có được, bởi vì các hợp đồng bảo hiểm như vậy thường chỉ có được nếu người ta có việc làm thường xuyên, chính thức. Kết quả là một hệ thống phúc lợi không mang tính toàn diện, còn tính tái phân phối thì kém xa hệ thống của châu Âu mặc dù vô cùng đắt đỏ. Kể từ năm 1993, chi phí An sinh xã hội đã trở nên tốn kém hơn quốc phòng. Chi phí nhà nước cho giáo dục tính theo phần trăm GDP là 5,9%, cao hơn ở Anh, Đức và Nhật Bản. Chi phí chăm sóc y tế của nhà nước tương đương với 7% GDP, bằng của Anh; song chi phí chăm sóc y tế tư nhân thì cao hơn (8,5% so với chỉ có 1,1% ở Anh). [388]
Một hệ thống phúc lợi như vậy không đủ khả năng đáp ứng với sự tăng lên nhanh chóng số lượng những người được hưởng. Song đó chính là điều người Mỹ đang phải đối mặt khi mà những người thuộc thế hệ "Bùng nổ sinh sản" (Baby Boomer), được sinh ra sau Thế chiến thứ hai, bắt đầu đến tuổi về hưu. [389] Theo Liên Hiệp Quốc, từ nay đến năm 2050, tuổi thọ trung bình của nam giới ở Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng từ 75 lên 80. Trong vòng bốn mươi năm tiếp sau đó, tỷ lệ dân số Mỹ từ 65 tuổi trở lên được dự báo là sẽ tăng từ 12% lên gần 21%. Không may, nhiều người trong số những người chuẩn bị nghỉ hưu đã không chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Theo cuộc Điều tra Lòng tin Về hưu năm 2006, sáu trong số mười công nhân Mỹ nói rằng họ đã tiết kiệm cho nghỉ hưu và chỉ có bốn trong mười người nói rằng họ có thực sự tính toán xem cần phải tiết kiệm bao nhiêu. Nhiều người trong số những người không có đủ tiền tiết kiệm cho rằng họ sẽ bù đắp bằng cách làm việc lâu hơn. Trung bình một công nhân có kế hoạch làm việc cho đến tuổi 65. Song hóa ra ông ta hay bà ta thực sự nghỉ hưu ở tuổi 62; thực vậy, khoảng bốn trong số mười công nhân Mỹ rốt cuộc rời bỏ lực lượng lao động sớm hơn dự định. [390] Điều này mang lại những hệ lụy nghiêm trọng đối với ngân sách liên bang, bởi người nào tính toán nhầm thường rốt cuộc sẽ trở thành gánh nặng cho những người đóng thuế bằng cách này hay cách khác. Ngày nay, trung bình một người nghỉ hưu nhận được trợ cấp từ chính sách An sinh xã hội, Chăm sóc y tế và Hỗ trợ y tế [391] tổng cộng là 21.000 đô la một năm. Nhân con số này với tổng số 36 triệu người cao tuổi hiện nay thì bạn sẽ thấy tại sao các chương trình đó lại tiêu tốn một tỷ lệ lớn đến vậy trong tổng ngân sách liên bang. Và tỷ lệ này chắc chắn sẽ tăng lên, không chỉ bởi vì số người nghỉ hưu đang tăng lên mà còn vì các chi phí trợ cấp như Chăm sóc y tế không còn kiểm soát được nữa khi chúng tăng nhanh gấp đôi tốc độ tăng của lạm phát. Sự mở rộng chương trình Chăm sóc y tế vào năm 2003 để trang trải cả thuốc kê theo đơn bác sĩ chỉ càng làm cho tình hình thêm tồi tệ. Theo một dự báo do một ủy viên Quỹ ủy thác Chăm sóc Y tế có cái tên rất phù hợp là Thomas R. Saving, chỉ riêng chi phí của quỹ Chăm sóc y tế sẽ ngốn hết 24% toàn bộ thuế thu nhập của liên bang vào năm 2019. Các số liệu hiện tại cũng cho thấy là chính phủ liên bang đang có những khoản trách nhiệm tài chính chưa có nguồn chi trả lớn hơn nhiều so với con số chính thức. Theo ước tính gần đây nhất của Văn phòng Kế toán Chính phủ, các khoản "chi phí" ngầm xuất phát từ các trợ cấp An sinh xã hội và Chăm sóc y tế trong tương lai là 34 tỷ đô la, chưa có nguồn nào để trả. [392] Con số này gần gấp bốn lần tổng số nợ chính phủ của liên bang.
Trớ trêu thay, chỉ có duy nhất một quốc gia mà vấn đề dân số lão hóa có các hệ quả kinh tế nghiêm trọng hơn Mỹ, đó là Nhật Bản. "Siêu cường phúc lợi" Nhật Bản đã thành công tới mức, vào thập niên 1970, tuổi thọ trung bình ở Nhật Bản trở thành cao nhất thế giới. Song điều đó, kết với tỷ lệ sinh đẻ giảm, đã tạo ra một xã hội già nhất thế giới, với trên 21% dân số hiện ở tuổi trên 65. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Nakamae, dân số già sẽ bằng dân số lao động vào năm 2044. [393] Kết quả là hiện nay Nhật Bản đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng sâu sắc mang tính cấu trúc của hệ thống phúc lợi, một hệ thống không được thiết kế để đương đầu với cái mà người Nhật Bản gọi là xã hội trường thọ (chōju shakai). [394] Mặc dù đã nâng tuổi được nghỉ hưu lên, chính phủ hiện vẫn chưa giải quyết được các vấn đề của hệ thống lương hưu nhà nước. (Tình hình không được cải thiện thêm bởi một thực tế là nhiều người làm tư và sinh viên ấy là chưa kể một số chính khách nổi tiếng - đã không đóng phí bảo hiểm xã hội cần thiết.) Trong khi đó, các công ty bảo hiểm y tế nhà nước ngày càng thâm hụt kể từ đầu thập niên 1990. [395] Ngân sách phúc lợi của Nhật Bản hiện nay bằng ba phần tư số tiền thuế thu được. Khoản nợ từ phúc lợi đã vượt quá một triệu tỷ yên, bằng khoảng 170% GDP. [396] Song các tổ chức thuộc khu vực tư nhân cũng đang trong tình trạng không khá gì hơn. Các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn đang vật lộn kể từ khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1990; ba công ty bảo hiểm lớn đã phá sản trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2000. Các quỹ lương hưu cũng đang trong tình trạng gay go như vậy. Trong tình trạng hầu hết các nước trong thế giới phát triển đang tiến theo cùng một hướng, điều này đã tạo thêm ý nghĩa mới cho bài hát nhạc pop cũ của thập niên 1980 về "biến thành người Nhật" (turning Japanese). Tài sản tại các quỹ lương hưu lớn nhất thế giới (gồm cả quỹ của chính phủ Nhật Bản, bản sao Hà Lan của họ và Quỹ Công chức California) hiện đã vượt quá 10 nghìn tỷ đô la, tăng thêm 60% từ năm 2004 đến 2007. [397] Song liệu mai đây những quỹ này có tăng đến mức mà có lẽ ngay cả những số tiền khổng lồ như vậy cũng sẽ không đủ chi trả?
Biểu đồ nhân khẩu học của cuộc khủng hoảng phúc lợi: Nhật Bản, 1950-2050 (tỷ lệ phần trăm của dân số phân theo nhóm tuổi)
Sống lâu hơn sẽ là một tin tốt lành đối với mỗi cá nhân, song đó là một tin tồi tệ đối với một nhà nước phúc lợi và đối với các chính khách nào phải thuyết phục cử tri là cần cải cách hệ thống nhà nước phúc lợi. Một tin còn tồi tệ hơn thế nữa là trong lúc dân số thế giới trở nên già đi, thì bản thân thế giới cũng đang trở nên nguy ngập hơn. [398]
Người được phòng hộ và không được phòng hộ
Điều gì sẽ xảy ra nếu các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động thường xuyên hơn và/hoặc tàn bạo hơn, còn Al Qaeda tiếp tục theo đuổi các vũ khí giết người hàng loạt? Trên thực tế, đúng là có lý do xác đáng để lo sợ về điều đó. Trước tác động tương đối hạn chế của các cuộc tấn công năm 2001, Al Qaeda có động cơ mạnh mẽ để thực hiện một "ngày 11/9 bằng hạt nhân". [399] Những người phát ngôn của tổ chức này không hề phủ nhận điều đó; ngược lại, chúng công khai bộc lộ tham vọng của mình là sẽ "giết chết 4 triệu người Mỹ - trong đó có 2 triệu trẻ em - và làm mất nhà cửa gấp đôi số đó, làm thương vong và què quặt hàng trăm nghìn người khác". [400] Điều này không nên chỉ xem là những lời lẽ khoa trương. Theo Graham Allison từ Trung tâm Belfer của Đại học Harvard, "nếu như Mỹ và các chính phủ khác vẫn tiếp tục làm những gì họ đang làm hiện nay thì một cuộc tấn công khủng bố hạt nhân vào một thành phố lớn sẽ có nhiều khả năng xảy ra vào khoảng năm 2014." Theo quan điểm của Richard Garwin, một trong những người thiết kế bom khinh khí, hiện nay đã có "xác suất 20% mỗi năm xảy ra một vụ nổ hạt nhân nếu tính cả các thành phố của Mỹ và châu Âu". Một ước tính khác, do đồng nghiệp của Allison là Matthew Bunn đưa ra, cho rằng xác suất xảy ra một cuộc tấn công khủng bố hạt nhân trong giai đoạn mười năm là 29%. [401] Thậm chí một quả bom hạt nhân nhỏ cỡ 12,5 kiloton cũng có thể giết chết 80.000 người nếu phát nổ ở một thành phố cỡ trung bình ở Mỹ; một quả bom khinh khí 1,0 megaton có thể giết chết tới 1,9 triệu người. Một cuộc tấn công sinh học thành công có sử dụng các mầm bệnh than cũng có thể có mức độ gây chết người gần như vậy. [402]
Điều gì sẽ xảy ra nếu như hiện tượng trái đất đang nóng lên làm tăng xác suất xảy ra các thảm họa tự nhiên? Ở đây cũng có cơ sở để chúng ta phải lo ngại. Theo các chuyên gia khoa học trong ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), thì "tần suất xảy ra các trận mưa dữ dội đã tăng lên tại hầu hết các khu vực", hậu quả của việc trái đất nóng lên do con người gây ra. Ngoài ra còn có "bằng chứng biểu kiến cho thấy sự gia tăng hoạt động của bão nhiệt đới ở Bắc Đại Tây Dương kể từ khoảng năm 1970". Mực nước biển dâng lên theo IPCC dự báo chắc chắn sẽ làm gia tăng thiệt hại do lũ lụt gây bởi những trận bão tương tự Katrina. [403] Không phải tất cả các nhà khoa học đều chấp nhận ý kiến cho rằng hoạt động của bão dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ đang gia tăng (như khẳng định của Al Gore trong phim An Inconvenient Truth (Sự thật chua chát) của ông). Song hẳn sẽ là một sai lầm khi điềm nhiên giả định rằng điều đó là không đúng, đặc biệt là nếu xét tới việc xây cất nhà tăng liên tục ở các bang dễ bị bão tấn công. Đối với các chính phủ đã lung lay dưới gánh nặng của các cam kết về phúc lợi đang tăng cao không ngừng, thì sự gia tăng tần suất hoặc quy mô của các thảm họa có thể trở thành đòn chí tử về mặt tài chính. Các thiệt hại về bảo hiểm (và tái bảo hiểm) gây bởi các cuộc tấn công ngày 11/9 nằm trong khoảng từ 30 đến 58 tỷ đô la, gần bằng thiệt hại về bảo hiểm mà cơn bão Katrina gây ra. [404] Trong cả hai trường hợp đó, chính phủ Liên bang Mỹ đều phải nhảy vào để giúp các công ty bảo hiểm tư nhân đảm bảo được cam kết của mình, bằng cách cung cấp bảo hiểm khủng bố khẩn cấp của liên bang ngay sau vụ 11/9, đồng thời gánh phần lớn chi phí cứu trợ và xây dựng lại dọc theo vịnh Mexico. Nói cách khác, cũng như đã từng xảy ra trong hai cuộc chiến tranh thế giới, nhà nước phúc lợi phải nhảy vào khi các công ty bảo hiểm điêu đứng. Song điều này có một hậu quả tai hại trong trường hợp các thảm họa thiên nhiên. Thực sự là những người đóng thuế sống ở các khu vực tương đối an toàn của đất nước đang phải bao cấp cho những ai đã lựa chọn sống tại những khu vực hay xảy ra bão tố. Một cách khả dĩ để điều chỉnh sự mất cân bằng này là tạo ra một chương trình tái bảo hiểm liên bang để bảo hiểm cho những thảm họa siêu cấp. Thay vì trông chờ những người đóng thuế thanh toán hóa đơn cho những thảm họa lớn, các công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu đóng một khoản phí bảo hiểm chênh lệch (cao hơn đối với những ai sống càng gần khu vực hay xảy ra bão tố), như vậy loại bỏ rủi ro một Katrina khác bằng cách tái bảo hiểm rủi ro đó thông qua chính phủ. [405] Song còn có một cách khác nữa.
Bảo hiểm và phúc lợi không phải là cách duy nhất để mua sự bảo vệ trước các cú sốc trong tương lai. Cách thông minh để làm điều đó là tìm sự phòng hộ. Ngày nay, bất kỳ ai cũng được nghe nói về các quỹ phòng hộ như Citadel của Kenneth C. Griffin đóng trụ sở tại Chicago. Với tư cách là người sáng lập Tập đoàn Đầu tư Citadel, hiện là một trong hai mươi quỹ phòng hộ lớn nhất trên thế giới, Griffin hiện đang quản lý khoảng 16 tỷ đô la tài sản. Trong số đó có rất nhiều cái gọi là tài sản tịch biên mà Griffin thu nhặt từ các công ty phá sản như Enron với giá thấp tối đa. Có lẽ không quá nếu nói rằng Ken Griffin ưa thích mạo hiểm. Ông sống và hít thở với sự bất định. Kể từ khi bắt đầu kinh doanh các trái phiếu chuyển đổi được (convertible bond) từ căn phòng ở ký túc xá Harvard, ông đã ăn đậm trên những cái "đuôi béo". Vốn đầu tư chính ra nước ngoài của Citadel đã mang lại tỷ suất lợi nhuận hằng năm là 21% kể từ năm 1998. [406] Năm 2007, trong khi các tổ chức hành chính khác mất hàng tỷ đô la trong vụ sụp đổ tín dụng, ông đã kiếm cho cá nhân mình được trên 1 tỷ đô la. Trong số các tác phẩm nghệ thuật tô điểm cho căn hộ tầng thượng xa xỉ của ông trên đại lộ North Michigan có bức tranh False Start (Khởi đầu lầm lỗi) của Jasper Johns mà ông đã mua với giá 80 triệu đô la và một bức của Cézanne với giá 60 triệu đô la. Khi Griffin cưới vợ, đám cưới được tổ chức ở Versailles (cung điện Pháp, chứ không phải là một thị trấn nhỏ ở bang Illinois có cùng tên). [407] Phòng hộ rõ ràng là một công việc kinh doanh tốt trong một thế giới đầy rủi ro. Song thực sự điều đó có nghĩa là gì, và nó đến từ đâu?
Khởi nguồn của phòng hộ (hedge - nghĩa đen là hàng giậu), cũng hợp lý thôi, là từ nông nghiệp. Đối với một chủ trang trại đang gieo trồng thì không có điều gì quan trọng hơn là việc bán được giá sau khi thu hoạch và mang ra thị trường. Song giá đó có thể thấp hơn hoặc cao hơn so với ông ta kỳ vọng. Một hợp đồng tương lai sẽ cho phép ông ta phòng hộ cho bản thân mình bằng cách để một thương gia cam kết sẽ mua lượng thu hoạch của ông khi nó ra thị trường với giá đã được thỏa thuận ngay từ khi gieo hạt. Nếu như giá thị trường vào ngày giao sản phẩm thấp hơn so với kỳ vọng thì chủ trang trại đã được phòng hộ; người thương gia bán hợp đồng tương lai cho chủ trang trại tất nhiên hy vọng là giá sẽ cao hơn, để có lợi nhuận. Khi các thảo nguyên của nước Mỹ được cày xới để gieo trồng, và các tuyến đường thủy, đường sắt nối chúng với các thành phố lớn vùng công nghiệp Đông Bắc, thì chúng đã trở thành cái giỏ đựng bánh mì của quốc gia. Song cung và cầu, và do vậy giá cả nữa, thường dao động một cách điên loạn. Trong khoảng thời gian từ tháng 1/1858 đến 5/1867, một phần do hậu quả của cuộc Nội chiến, giá lúa mì đã nhảy vọt từ 55 xu lên 2,88 đô la một giạ (~ 36 lít), trước khi nó tụt trở lại còn 77 xu vào tháng 3/1870. Các hình thức phòng hộ đầu tiên đối với chủ trang trại ra đời dưới dạng các hợp đồng kỳ hạn (forward contract), đó đơn giản là các bản thỏa thuận song phương giữa người bán và người mua. Tuy nhiên hợp đồng tương lai thực thụ là một công cụ tiêu chuẩn hóa được phát hành bởi một sở giao dịch hợp đồng tương lai, và do vậy có thể đem ra buôn bán. Với việc phát triển một hợp đồng tương lai theo kỳ hạn (to-arrive), cùng với một bộ quy tắc để chế tài thỏa thuận, và cuối cùng là một trung tâm giao hoán (clearinghouse) hiệu quả, thị trường hợp đồng tương lai thực thụ đầu tiên đã ra đời. Nơi khai sinh của nó là Thành Phố Đầy Gió: Chicago. Một sở giao dịch dành riêng cho hợp đồng tương lai ra đời vào năm 1874 - Sở Giao dịch Nông sản Chicago, tiền thân của Sở Giao dịch Thương mại Chicago ngày nay - đã tạo nên một mái nhà cho "phòng hộ" trên thị trường hàng hóa Mỹ. [408]
Một hợp đồng phòng hộ thuần túy sẽ hoàn toàn loại bỏ rủi ro về giá. Nó cần có một người đầu cơ làm bên đối tác chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, trong thực tế thì hầu hết những người mua phòng hộ đều có xu hướng tham gia vào một số dạng hoạt động đầu cơ nào đó nhằm tìm cách kiếm lời từ những thay đổi của giá cả trong tương lai. Một phần là bởi công chúng không thích điều đó - có cảm giác rằng các thị trường hợp đồng tương lai cũng chẳng hơn mấy các sòng bạc - nên cho đến tận thập niên 1970 mới xuất hiện các hợp đồng tương lai dành cho tiền tệ và lãi suất, và đến năm 1982 thì các hợp đồng tương lai mới xuất hiện trên thị trường chứng khoán.
Tại Citadel, Griffin đã tập hợp các nhà toán học, vật lý, kỹ sư, các nhà phân tích đầu tư và công nghệ máy tính tiên tiến. Một số điều họ làm trong tài chính thực sự mang tính cách mạng không thua gì khoa học tên lửa. Song các nguyên tắc cơ bản thì rất đơn giản. Do tất cả các hợp đồng đó đều phụ thuộc vào giá trị tài sản làm bảo đảm, tất cả các hợp đồng tương lai đều là các hình thức "phái sinh". Liên quan mật thiết, song khác về bản chất với hợp đồng tương lai, là loại hợp đồng tài chính được gọi là hợp đồng quyền chọn (option), về thực chất, người mua một quyền chọn mua (call option) có quyền, song không có nghĩa vụ, mua một số lượng thỏa thuận của một loại hàng hóa hoặc tài sản tài chính cụ thể từ người bán (người ký phát hay "writer") tại một thời điểm nhất định (ngày đến hạn) với một giá xác định được gọi là giá thực hiện (strike price). Rõ ràng là người mua quyền chọn mua có kỳ vọng là giá của hàng hóa hay công cụ làm bảo đảm sẽ lên trong tương lai. Khi giá ấy vượt qua mức giá thực hiện đã được thỏa thuận, hợp đồng đó được gọi là quyền chọn mua trong giá (in-the-money option) - và kẻ khôn ngoan đã mua hợp đồng này cũng đã "mua trong giá". Một quyền chọn bán (put option) thì ngược lại: người mua có quyền, song không có nghĩa vụ, bán một số lượng đã thỏa thuận một hàng hóa hoặc công cụ tài chính cho người bán hợp đồng này. Hình thức phái sinh thứ ba là hợp đồng hoán đổi (swap), thực chất là một sự đánh cược giữa hai bên, chẳng hạn là về diễn biến tương lai của lãi suất. Một hợp đồng hoán đổi lãi suất thuần túy cho phép hai bên đang tiếp nhận lãi tiền gửi có thể trao đổi lãi đó với nhau, như vậy cho phép một người nào đó đang nhận lãi suất biến đổi có thể đổi nó lấy lãi suất cố định, trong trường hợp lãi suất giảm. Trong khi đó, một hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (credit default swap) đem lại phòng hộ trong trường hợp công ty đó không thanh toán được các trái phiếu. Tuy nhiên, có lẽ hình thức phái sinh hấp dẫn nhất là phái sinh thời tiết, như trái phiếu thảm họa thiên nhiên cho phép các công ty bảo hiểm và các công ty khác được đền bù thiệt hại từ nhiệt độ cực điểm hoặc thảm họa thiên nhiên bằng cách bán cái gọi là rủi ro đuôi (tail risk) cho các quỹ phòng hộ như Fermat Capital. Thực ra mà nói, người mua một "trái phiếu thảm họa" đang bán bảo hiểm; nếu thảm họa nêu trong trái phiếu xảy ra, người mua sẽ phải chi trả một lượng tiền đã được thỏa thuận trước hoặc phải trả tiền gốc của mình. Đổi lại, người bán trả một mức lãi suất hấp dẫn. Năm 2006, giá trị danh nghĩa tổng cộng của các công cụ phái sinh rủi ro thời tiết là khoảng 45 tỷ đô la.
Đã có thời kỳ mà hầu hết các hình thức phái sinh như vậy là các công cụ tiêu chuẩn hóa được đưa ra bởi các sở giao dịch như Sở Giao dịch Thương mại Chicago, nơi đã tiên phong mở thị trường công cụ phái sinh thời tiết. Tuy nhiên, ngày nay một tỷ lệ lớn các công cụ phái sinh được thiết kế theo yêu cầu riêng của khách hàng và được bán trên thị trường không chính thức (OTC), thường là các ngân hàng tính giá hoa hồng hấp dẫn cho dịch vụ của mình. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng số tiền chưa chi trả danh nghĩa của các hợp đồng phái sinh OTC - được thỏa thuận trên cơ sở sắp đặt trước giữa hai bên - đã đạt tới con số đáng kinh ngạc là 596 nghìn tỷ đô la vào tháng 12/2007, với tổng giá trị thị trường trên 14,5 nghìn tỷ đô la. [409] Mặc dù các hợp đồng phái sinh đó được gọi một cách rất hay ho là các vũ khí hủy diệt hàng loạt tài chính bởi những nhà đầu tư truyền thống như Warren Buffett (tuy ông vẫn dùng đến chúng), trường phái Chicago vẫn cho rằng hệ thống kinh tế thế giới chưa bao giờ được bảo vệ tốt trước những bất ngờ như hiện nay.
Mặc dù vậy, thực tế là cuộc cách mạng tài chính này đã thực sự phân chia thế giới thành hai bộ phận: những người được (hoặc có thể được) phòng hộ và những người không được (hoặc không thể được) phòng hộ. Bạn cần tiền của mình được phòng hộ. Các quỹ phòng hộ thông thường sẽ yêu cầu một khoản đầu tư sáu hoặc bảy con số và đòi hỏi một khoản phí quản lý ít nhất là 2% số tiền của bạn (Citadel đòi hỏi mức phí gấp bốn lần mức đó) và 20% lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là hầu hết các tập đoàn lớn có đủ khả năng để được bảo vệ khi có sự tăng ngoài dự kiến của lãi suất, tỷ giá hoặc giá hàng hóa. Nếu muốn thì họ còn có thể phòng hộ trước các cơn bão tương lai hoặc các cuộc tấn công khủng bố bằng cách bán các trái phiếu thảm họa và công cụ phái sinh khác. Trong khi đó, hầu hết các gia đình bình thường hoàn toàn không đủ khả năng phòng hộ và có lẽ cũng không biết phòng hộ thế nào, kể cả nếu như họ có đủ khả năng. Chúng ta, những kẻ trần thế hiện vẫn phải dựa vào cái công cụ khá thô thiển và thường rất tốn kém là các hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ mình trước những điều bất ngờ tệ hại của cuộc đời; hoặc là hy vọng rằng nhà nước phúc lợi sẽ lao đến cứu ta.
Tất nhiên, còn có một chiến lược thứ ba đơn giản hơn nhiều: một chiến lược đã có từ lâu là tiết kiệm tiền để đề phòng ngày mưa gió. Hoặc, hơi khác đôi chút, là vay tiền để mua các tài sản với giả định sự tăng giá trị của chúng trong tương lai sẽ cho phép chúng ta có một cái đệm đề phòng các tai họa. Trong những năm gần đây, đối với nhiều gia đình, việc tạo ra một khoản dự phòng đối với tương lai bất định được thực hiện dưới hình thức đơn giản là đầu tư (thông thường là bằng đòn bẩy, tức là bằng vay nợ) vào một ngôi nhà mà giá trị của nó dự kiến là sẽ tăng đều đặn cho đến ngày những người trụ cột của gia đình đến tuổi về hưu. Nếu lương hưu không đủ, đừng lo. Nếu bạn sử dụng hết cả bảo hiểm y tế, đừng hoảng, vẫn luôn có một ngôi nhà, ngôi nhà thân thương.
Tuy nhiên, xét với tư cách bảo hiểm hoặc kế hoạch lương hưu thì chiến lược này có một khiếm khuyết rõ rệt. Đó là nó dựa vào sự đánh cược một chiều và hoàn toàn không được phòng hộ trên một thị trường: thị trường bất động sản. Không may, như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, sự đánh cược dựa vào gạch ngói và vôi vữa còn lâu mới đạt được sự an toàn như ngôi nhà. Và bạn cũng chẳng cần phải sống ở New Orleans để thấy được điều này qua kinh nghiệm cay đắng.