Đồng Tiền Lên Ngôi - Chương 01
Chương 1 NHỮNG GIẤC MỘNG THAM LAM
Hãy tưởng tượng một thế giới không có tiền. Trong hơn một trăm năm qua, những người theo chế độ công hữu và những người vô chính phủ - đó là chưa kể bọn phản động cực đoan, những người theo tôn giáo cực đoan cùng những tay hippy - đã mơ mộng một thế giới như thế. Theo Friedrich Engels và Karl Marx, tiền chỉ là công cụ cho sự bóc lột tư bản, nó thay thế tất cả mối quan hệ của con người, ngay cả quan hệ trong gia đình, bằng "quan hệ đồng tiền" tàn nhẫn. Như Marx sau đó tìm cách chứng minh trong cuốn Tư bản, tiền là lao động được biến thành hàng hóa, là giá trị thặng dư do lao động trung thực tạo ra, bị tước đoạt rồi "vật chất hóa" nhằm thỏa mãn ước vọng tích lũy vô độ của giai cấp tư sản. Những quan điểm như vậy không dễ gì mất đi. Cho tới tận thập kỷ 1970, một số người cộng sản ở châu Âu vẫn ao ước một thế giới không có tiền tệ, như được mô tả đầy hứng khởi theo kiểu không tưởng trên tờ Socialist Standard (Ngọn cờ xã hội chủ nghĩa):
Tiền tệ sẽ mất đi... Vàng có thể được dự trữ như Lenin mong muốn, để xây dựng các nhà vệ sinh công cộng... Trong các xã hội cộng sản, hàng hóa sẽ luôn có sẵn và miễn phí. Tổ chức xã hội cho tới tận gốc rễ sẽ không dùng tiền... Ham muốn điên rồ và loạn óc về tiêu dùng và tích lũy sẽ biến mất. Việc tích lũy sẽ trở thành ngớ ngẩn: sẽ không còn có tiền để mà để dành hay người làm công để mà thuê mướn... Những con người mới sẽ giống như những tổ tiên đi săn bắt và hái lượm của họ, tin tưởng thế giới tự nhiên sẽ cung cấp cho họ miễn phí và thừa mứa những gì họ cần để sống, và họ sẽ không còn phải lo lắng cho tương lai...[19]
Thế nhưng không có nhà nước cộng sản nào - thậm chí cả Bắc Triều Tiên - nhận thấy việc bãi bỏ tiền tệ là thực tế. [20] Chỉ cần xem xét qua các xã hội săn bắt-hái lượm cũng đủ thấy cuộc sống không có tiền tệ sẽ có những bất lợi đáng kể.
Năm năm trước đây, các thành viên của bộ lạc Nukak-Makú bất ngờ đi lang thang ra khỏi rừng mưa Amazon gần San Jose del Guaviare ở Colombia. Người Nukak là một bộ lạc bị thời gian lãng quên, bị tách rời khỏi phần còn lại của nhân loại cho tới khi họ xuất hiện đột ngột lần đó. Họ sinh sống hoàn toàn dựa vào những con khỉ săn được và những trái cây lượm được mà không có khái niệm gì về tiền. Họ cũng không có cả khái niệm về tương lai. Ngày nay, họ sống ở một khoảng rừng thưa gần thành phố, nhờ vào trợ cấp của chính quyền. Khi được hỏi họ có nhớ rừng không, họ cười. Sau nhiều đời lê bước cả ngày tìm kiếm cái ăn, họ ngạc nhiên khi giờ đây có những người hoàn toàn xa lạ cung cấp cho họ tất cả những gì họ cần và không đòi hỏi thứ gì từ họ cả. [21]
Cuộc sống của một người săn bắt-hái lượm thực sự "đơn độc, nghèo khổ, dơ dáy, thô lỗ và ngắn ngủi", giống như mô tả của Thomas Hobbes về thế giới tự nhiên. Tất nhiên là ở một số khía cạnh nhất định, lang thang trong rừng giết khỉ có thể dễ chịu hơn là lao động vất vả trong một nền nông nghiệp tự cấp tự túc. Nhưng các nhà nhân chủng học đã chỉ ra rằng, các bộ lạc săn bắt-hái lượm còn sống sót đến thời hiện đại thường không hiền hòa như người Nukak. Chẳng hạn, với người Jivaro ở Ecuador, gần 60% cái chết của đàn ông là do bạo lực. Con số này với người Yanomamo ở Brazil là gần 40%. Khi hai nhóm người nguyên thủy tình cờ gặp nhau, có nhiều khả năng họ sẽ đánh nhau để tranh giành nguồn lực khan hiếm (lương thực và phụ nữ có khả năng sinh đẻ) hơn là trao đổi thương mại với nhau. Những người săn bắt-hái lượm không buôn bán. Họ cướp đoạt. Họ cũng không để dành mà tiêu thụ thức ăn ngay khi họ tìm thấy chúng. Do đó, họ không cần tới tiền.
Núi tiền
Cũng đã có những xã hội tân tiến hơn người Nukak không dùng tới tiền, điều này có thật. Năm trăm năm trước đây, xã hội tân tiến nhất Nam Mỹ, Đế quốc Inca, là một xã hội phi tiền tệ. Người Inca đánh giá cao những đặc tính thẩm mỹ của các kim loại quý hiếm. Vàng là "mồ hồi của mặt trời", bạc là "nước mắt của mặt trăng". Lao động là đơn vị tính giá trị trong Đế quốc Inca, cũng như sau này nó được giả định trong xã hội cộng sản. Và cũng giống như trong xã hội cộng sản, nền kinh tế của Đế quốc Inca phụ thuộc vào việc lên kế hoạch tập trung, thường là cứng nhắc, và lao động bắt buộc. Thế nhưng vào năm 1532, Đế quốc Inca lụn bại bởi một người, mà cũng như Christopher Columbus, đến Tân Thế giới để tìm kiếm và biến thứ kim loại quý giá kia thành tiền tệ. [22]
Francisco Pizarro, con trai ngoài giá thú của một viên đại tá Tây Ban Nha, đã vượt Đại Tây Dương để tìm kiếm của cải vào năm 1502. [23] Là một trong những người Âu đầu tiên vượt eo đất Panama để tới Thái Bình Dương, ông dẫn đầu chuyến đầu tiên trong ba chuyến viễn chinh tới Peru năm 1524. Địa hình rất khó khăn, thực phẩm khan hiếm và những người bản xứ đầu tiên họ gặp tỏ ra thù địch. Thế nhưng, việc đoàn viễn chinh thứ hai của họ được chào đón tại vùng Tumbes, nơi các cư dân bản xứ chào họ là "những đứa con của mặt trời", đã thuyết phục Pizarro và các đồng sự của ông ta tiếp tục thám hiểm. Trở lại Tây Ban Nha để nhận sự phê chuẩn của triều đình cho kế hoạch "mở rộng đế quốc Castile" [24] và trở thành "Thống đốc Peru", Pizarro đã huy động được 3 tàu, 27 con ngựa và 180 người, được trang bị vũ khí mới nhất của châu Âu: súng và nỏ tự động. [25] Đoàn viễn chinh thứ ba căng buồm rời Panama ngày 27/12/1530. Những người chinh phục chỉ mất chưa đến hai năm để đạt được mục tiêu của mình: một trận đối đầu với Atahuallpa, một trong hai người con đang tranh giành nhau của hoàng đế Inca Huayna Capac mới qua đời. Sau khi bác bỏ đề nghị tuân phục sự cai trị Kitô giáo từ thầy dòng Vincente Valverd và ném Kinh Thánh xuống đất một cách khinh bỉ, Atahuallpa chỉ có thể đứng nhìn người Tây Ban Nha, chủ yếu dựa vào nỗi khiếp hãi mà những con ngựa của họ gây ra (loài vật người Inca chưa hề biết đến), tiêu diệt quân đội của mình. Bởi người Tây Ban Nha ít quân hơn hẳn người Inca, đây thực sự là một kết quả đảo lộn đáng kinh ngạc. [26] Atahuallpa nhanh chóng nhận ra mục đích tìm kiếm của Pizarro và tìm cách mua tự do cho mình bằng đề nghị chất đầy căn phòng nơi ông ta đang bị giam giữ bằng vàng (một lần) và bạc (hai lần). Tính toàn bộ, trong những tháng sau đó người Inca đã thu thập 13.420 pound (6.087 kg) vàng 22 carat và 26.000 pound (11.793 kg) bạc nguyên chất. [27] Dẫu vậy, Pizarro vẫn quyết định xử tử tù nhân của mình và Atahuallpa bị thắt cổ công khai vào tháng 8 năm 1533. [28] Với sự sụp đổ của thành phố Cuzco, Đế quốc Inca bị xé nát trong một trận cướp bóc thả cửa của người Tây Ban Nha. Bất chấp cuộc nổi dậy của Manco Capac, kẻ bị coi là bù nhìn của Pizarro vào năm 1536, ách thống trị của Tây Ban Nha đã được thiết lập vững chắc và được biểu tượng hóa bằng việc xây dựng một kinh đô mới là Lima. Đế quốc Inca chính thức bị giải thể vào năm 1572.
Bản thân Pizarro cũng chết bằng bạo lực như khi ông ta sống. Ông ta bị đâm tới chết tại Lima năm 1541 sau khi cãi nhau với một người đi chinh phục như mình. Nhưng di sản ông ta để lại cho hoàng gia Tây Ban Nha thậm chí còn vượt xa cả mơ ước của chính ông. Những người Tây Ban Nha đi chinh phục bị hấp dẫn bởi huyền thoại về El Dorado, một vị vua người da đỏ mà theo đồn đại thì che phủ thân mình bằng bụi vàng vào những dịp lễ lạt. Tại nơi mà quân của Pizarro gọi là Thượng Peru, một vùng đất hoang vu toàn núi và sương mù mà những ai không quen với độ cao sẽ phải thở gấp, họ tìm thấy một thứ quý giá ngang thế. Tại đỉnh núi cao 4.824 mét so với mực nước biển, đỉnh Cerro Rico - cái tên có nghĩa là "đồi giàu có" - đối xứng tới mức kỳ lạ, họ tìm thấy hiện thân tối thượng của những gì linh nghiệm nhất trong mọi ý tưởng về tiền tệ: một ngọn núi chứa toàn quặng bạc rắn. Khi một người da đỏ tên là Diego Gualpa phát hiện ra năm vỉa bạc lớn ở nơi đây năm 1545, anh ta đã làm thay đổi lịch sử kinh tế thế giới. [29]
Người Inca không thể hiểu được nỗi khao khát vô độ đối với vàng và bạc luôn chi phối người châu Âu. 'Thậm chí nếu tất cả tuyết trên dãy Andes biến thành vàng, họ vẫn không thỏa mãn," Manco Capac đã than phiền như thế. [30] Người Inca không hiểu rằng, đối với Pizarro và người của ông ta, bạc không chỉ là một thứ kim loại trang trí, sáng lấp lánh. Nó có thể biến thành tiền: một đơn vị kế toán, vật trữ giá trị - thứ quyền lực có thể mang theo người.
Để khai thác mỏ, người Tây Ban Nha trước tiên dựa vào việc trả lương cho dân cư sống ở các làng gần đấy. Nhưng các điều kiện khắc nghiệt tới nỗi kể từ cuối thế kỷ 16, họ đã phải thiết lập hệ thống lao động cưỡng bức (la mita), trong đó đàn ông tuổi từ 18 tới 50 ở mười sáu tỉnh cao nguyên phải đi phu lao động mười bảy tuần mỗi năm. [31] Tỷ lệ tử vong đối với các thợ mỏ thật khủng khiếp, một phần lớn là bởi tiếp xúc thường xuyên với khói thủy ngân do quy trình tinh chế ngoài trời, khi quặng bạc đào lên được nghiền nát vụn thành một hỗn hợp cùng với thủy ngân, sau đó được rửa và đun nóng để thủy ngân bốc hơi. [32] Không khí dưới hầm mỏ thời đó (và cả bây giờ) rất độc hại, thợ mỏ phải xuống các giếng sâu 700 bộ (213 mét) trên những bậc thang sơ sài, rồi leo lên lại sau nhiều giờ đào xới với các bao tải chứa quặng đeo trên lưng. Các vụ đá rơi đã giết chết và làm bị thương hàng trăm người. Theo lời của Domingo de Santo Tomás, thành phố Potosí với con sốt khai thác bạc mới xuất hiện là "miệng của địa ngục, nơi có vô số người bước vào mỗi năm và bị lòng tham lam của người Tây Ban Nha đem hiến sinh cho 'vị thần' của họ". Rodrigo de Loaisa gọi các mỏ này là các "hố địa ngục" và nhận xét "nếu hai mươi người da đỏ khỏe mạnh bước vào đấy hôm thứ Hai, một nửa sẽ đi ra què cụt vào ngày thứ Bảy". [33] Thầy tu Fray Antonio de la Calancha dòng Augustine viết năm 1638: "Mỗi đồng peso được đúc ở Potosí lấy đi mạng sống của mười người da đỏ vùi xác sâu dưới những hầm mỏ." Khi lực lượng lao động bản xứ kiệt quệ, hàng nghìn nô lệ châu Phi được mang đến để thay thế vị trí của họ như những "con la người". Thậm chí ngày nay vẫn còn có cái gì đó giống như địa ngục trong những giếng lò và đường hầm ngột ngạt ở Cerro Rico.
Đỉnh Cerro Rico Ở Potosí: núi tiền của Đế quốc Tây Ban Nha
Tuy là nơi chết chóc cho những người bị bắt buộc làm việc tại đây nhưng Potosí lại là mỏ của cải cho Tây Ban Nha. Từ năm 1556 tới năm 1783, "đồi giàu có" này đã cung cấp 45.000 tấn bạc nguyên chất. Số bạc này được chuyển thành các thanh bạc và tiền xu tại Casa de Moneda (xưởng đúc tiền) rồi được vận chuyển tới Seville. Bất chấp không khí loãng và khí hậu khắc nghiệt, Potosí nhanh chóng trở thành một trong những thành phố chính của Đế quốc Tây Ban Nha, với dân số ở thời đỉnh cao vào khoảng từ 160.000 tới 200.000 người, đông hơn hầu hết các thành phố châu Âu vào thời gian đó. Valer un potosí, "đáng giá một potosí" hiện nay vẫn là thành ngữ trong tiếng Tây Ban Nha ý nói đáng giá một kho của. Có vẻ như cuộc chinh phục của Pizarro đã khiến cho vương triều Tây Ban Nha giàu có vượt cả những giấc mộng tham lam.
Người ta thường cho rằng tiền là một phương tiện trao đổi, có ưu điểm khắc phục tính thiếu hiệu quả trong giao dịch hàng đổi hàng; là đơn vị kế toán, tạo điều kiện cho việc định giá và tính toán; là vật trữ giá trị, cho phép các giao dịch kinh tế được diễn ra trong những khoảng thời gian dài cũng như vượt qua những khoảng cách địa lý. Để thực hiện tất cả các chức năng này một cách tốt nhất, tiền cần phải có mặt ở mọi nơi, dễ dàng có được, bền chắc, có thể thay thế, có thể mang đi và đáng tin cậy. Vì thỏa mãn được gần như tất cả các tiêu chí này, những kim loại như vàng, bạc và đồng được xem là những nguyên liệu tiền tệ lý tưởng. Những đồng xu đầu tiên được biết đến xuất hiện từ khoảng năm 600 TCN và được các nhà khảo cổ học tìm thấy tại đền thờ Artemis ở Ephesus (gần Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay). Những đồng tiền xứ Lydia hình trứng này được làm từ hợp kim của vàng và bạc (electrum) và được khắc hình đầu sư tử. Chúng là tiền thân của đồng tetradrachm (đồng 4 drachm) của thành Athens, loại đồng xu bạc được tiêu chuẩn hóa mang hình đầu nữ thần Athena ở một mặt và hình con cú (gắn với nữ thần Athena bởi trí khôn của nó) ở mặt bên kia. Đến thời La Mã, người ta đúc tiền xu bằng ba loại kim loại: aureus (vàng), denarius (bạc) và sestertius (đồng). Các đồng xu này được xếp thứ tự như trên căn cứ vào mức độ hiếm của các kim loại, nhưng tất cả đều mang hình đầu của hoàng đế đang trị vì ở mặt này, và hai nhân vật truyền thuyết Romulus và Remus [34] ở mặt bên kia. Đồng xu không chỉ là sản phẩm của riêng vùng Địa Trung Hải cổ đại nhưng rõ ràng chúng xuất hiện đầu tiên ở nơi này. Mãi cho tới năm 221 TCN, tiền xu bằng đồng được tiêu chuẩn hóa mới xuất hiện ở Trung Quốc dưới triều đại của vị Hoàng đế đầu tiên: Tần Thủy Hoàng. Trong mỗi trường hợp, tiền xu làm từ kim loại quý đều được gắn với những vị vua hùng mạnh, những người giữ độc quyền đúc tiền với mục đích một phần là khai thác nó như một nguồn thu.
Hệ thống tiền xu của La Mã còn thọ hơn cả bản thân đế chế La Mã. Giá cả vẫn được tính bằng các đồng denarius bạc dưới thời Charlemagne, vua của người Frank từ năm 768 tới 814. Nhưng vào thời điểm Charlemagne được phong danh hiệu Hoàng đế (Imperator Augustus) vào năm 800 thì xảy ra tình trạng thiếu hụt kinh niên kim loại bạc ở Tây Âu. Nhu cầu tiền lớn hơn ở các trung tâm thương mại phát triển cao hơn trong Đế quốc Hồi giáo đang thống trị Nam Địa Trung Hải và Cận Đông khiến cho thứ kim loại quý hiếm này có xu hướng chảy ra khỏi khu vực châu Âu chậm phát triển. Tiền denarius khan hiếm dưới thời Charlemagne tới mức chỉ cần hai mươi tư đồng bạc này là đủ để mua được một con bò dưới triều đại Carolingian. Ở một số vùng của châu Âu, người ta dùng hồ tiêu và da sóc để thay thế tiền tệ; ở những vùng khác, pecunia [35] chuyển nghĩa là ruộng đất chứ không còn là đồng tiền. Để khắc phục khó khăn này, người châu Âu có một trong hai cách. Họ có thể xuất khẩu lao động và hàng hóa, trao đổi nô lệ và gỗ để lấy bạc ở Baghdad hay lấy vàng châu Phi ở Cordoba và Cairo. Hoặc họ có thể cướp đoạt các kim loại quý giá này bằng cách tiến hành chiến tranh với thế giới Hồi giáo. Trong các cuộc Thập tự chinh, cũng như những cuộc chinh phục sau đó, mục đích khắc phục khó khăn tiền tệ của châu Âu cũng quan trọng không kém gì việc biến những kẻ dị giáo thành người Kitô giáo. [36]
Thập tự chinh là công việc tốn kém mà lợi ích ròng lại khiêm tốn. Để giải quyết những khó khăn tiền tệ của mình, các chính quyền thời trung đại và cận đại đã thất bại trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề mà các nhà kinh tế gọi là vấn đề lớn về tiền lẻ: đó là khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ ổn định giữa các loại tiền được làm từ kim loại khác nhau. Điều này có nghĩa là những đồng tiền có mệnh giá nhỏ dễ bị rơi vào tình trạng thiếu hụt kinh niên, nhưng cũng lại dễ bị mất giá và làm giả. [37] Tại Potosí và những nơi khác ở Tân Thế giới, nơi họ tìm thấy lượng bạc dồi dào (đáng chú ý là Zacatecas ở Mexico), những kẻ chinh phục người Tây Ban Nha dường như đã phá vỡ được sự hạn chế trong nhiều thế kỷ. Người được hưởng lợi đầu tiên tất nhiên là vương triều Castile, kẻ bảo trợ cho những cuộc chinh phục này. Các đoàn tàu vận chuyển, có lúc lên tới 100 tàu, đã đưa 170 tấn bạc mỗi năm vượt qua Đại Tây Dương để cập bến ở Seville. Một phần năm tất cả những gì làm ra thuộc về hoàng gia, và số tiền này chiếm tới 44% tổng chi phí của hoàng gia vào thời điểm kỷ lục ở giai đoạn cuối thế kỷ 16. [38] Nhưng cách người Tây Ban Nha tiêu tiền cũng đảm bảo rằng của cải mới tìm thấy của Tây Ban Nha sẽ khiến cho toàn bộ lục địa châu Âu nhận được sự kích thích tiền tệ. "Đồng tám" của Tây Ban Nha được làm ra dựa vào đồng thaler của Đức (là gốc của chữ dollar - "đô la" sau này) và trở thành đồng tiền toàn cầu đầu tiên trên thế giới. Nó không chỉ được chi cho những cuộc chiến tranh kéo dài của Tây Ban Nha ở châu Âu mà còn cho quan hệ thương mại đang phát triển nhanh chóng giữa châu Âu với châu Á.
Dẫu thế, tất cả bạc ở Tân Thế giới không thể khiến nước Cộng hòa Hà Lan bất trị phải quỳ gối, không thể khiến nước Anh phải quy phục vương triều Tây Ban Nha, cũng không thể cứu Tây Ban Nha khỏi sự suy thoái không thể tránh khỏi của nền kinh tế và của cả đế quốc. Cũng như vua Midas, các vị vua Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 là Charles V và Philip II nhận ra rằng việc dư thừa thứ kim loại quý báu không chỉ là ân sủng mà còn là tai họa. Lý do là gì? Họ đã đào quá nhiều bạc để chi trả cho những cuộc chiến tranh chinh phục của mình, khiến cho thứ kim loại này sụt giảm giá trị nghiêm trọng dựa trên cơ sở tương quan sức mua với các hàng hóa khác. Trong cuộc "cách mạng giá cả" ảnh hưởng đến toàn châu Âu từ những năm 1540 tới 1640, giá thực phẩm - từng không có xu hướng tăng trong ba trăm năm trước đó - đã tăng mạnh. Tại Anh (nước mà chúng tôi có số liệu về giá đầy đủ nhất), chi phí sống đã tăng bảy lần trong khoảng thời gian này. So với tiêu chuẩn hiện nay thì đây không phải là mức lạm phát cao (trung bình khoảng 2% mỗi năm), nhưng đây là mức tăng khá cao giá bánh mì theo tiêu chuẩn thời Trung Cổ. Trong lòng Tây Ban Nha, việc dư thừa bạc cũng là một "tai ương tài nguyên" giống như việc dư thừa dầu hỏa ở bán đảo Ả Rập, Nigeria, Ba Tư, Nga và Venezuela trong thời hiện đại. Nó làm suy giảm động cơ của hoạt động kinh tế sản xuất, trong khi củng cố sức mạnh của những nhà độc tài thu lợi nhờ vào phí tổn của các hội đồng đại diện cho người dân (trong trường hợp Tây Ban Nha là Cortes tức nghị viện). [39]
Người Tây Ban Nha đã không hiểu rằng giá trị của thứ kim loại quý giá không phải là tuyệt đối. Tiền chỉ có giá trị bằng cái mà người khác sẵn lòng trao cho bạn để đổi lấy nó. Gia tăng lượng cung tiền không làm xã hội giàu hơn, cho dù việc đó có thể làm giàu cho một chính phủ nắm độc quyền sản xuất tiền. Với điều kiện những thứ khác không đổi, mở rộng lượng cung tiền sẽ chỉ khiến giá cả gia tăng.
Quả thực không có lý do nào ngoài sự tình cờ của lịch sử khiến cho trong thời gian rất lâu trong tâm trí người phương Tây, tiền tệ đồng nghĩa với kim loại. Ở Lưỡng Hà thời cổ đại, từ khoảng 5.000 năm trước, người ta đã sử dụng các vật tượng trưng bằng đất sét để ghi nhận các giao dịch liên quan tới nông sản như lúa mạch hay len, hoặc dùng các kim loại như bạc. Nhẫn bạc, bạc khối hay bạc miếng hẳn đã từng đóng vai trò như tiền mặt (và cả thóc cũng vậy), nhưng các tấm đất sét cũng quan trọng như thế, và có thể còn quan trọng hơn. Ngày nay vẫn có rất nhiều tấm còn nguyên vẹn và chúng nhắc nhở rằng vào lúc con người bắt đầu ghi chép lại các hoạt động của mình, họ làm như vậy không phải để viết lịch sử, thi ca hay triết học mà để làm ăn. [40] Chúng ta không thể không kinh ngạc khi cầm lấy những công cụ tài chính cổ xưa ấy. Mặc dù chỉ được làm bằng đất thô sơ, chúng vẫn tồn tại lâu hơn nhiều so với những đồng bạc được đúc ở Potosí. Một tấm đất sét được bảo quản hết sức tốt từ thành phố Sippar (ngày nay là Tell Abu Habbah ở Iraq) có niên đại từ thời trị vì của vua Ammi-ditana (1683-1647 TCN), trên đó viết rằng người cầm tấm đất sét sẽ nhận được một lượng lúa mạch nhất định vào mùa thu hoạch. Một tấm khác, được khắc dưới thời trị vì của nhà vua kế vị, vua Ammi-saduqa, ra lệnh rằng người mang nó sẽ được nhận một lượng bạc nhất định vào cuối cuộc hành trình. [41]
Một tấm đất sét từ thiên niên kỷ 2 TCN ở Lưỡng Hà, mặt trước (ảnh trên) và mặt sau (ảnh trang bên). Chữ khắc trên đó viết rằng Amil-mirra sẽ trả 330 đơn vị lúa mạch cho người mang tấm đất sét này vào mùa thu hoạch.
Nếu các khái niệm cơ bản đó đều có vẻ quen thuộc với chúng ta, thì phần nào là bởi tờ giấy bạc ngân hàng (banknote) hiện đại cũng có chức năng tương tự. Hãy nhìn vào những dòng chữ mầu nhiệm trên bất cứ tờ tiền giấy nào của Ngân hàng Anh: "Tôi hứa sẽ trả cho người mang giấy này theo yêu cầu số tiền là..." ("I promise to pay the bearer on demand the sum of...") Giấy bạc ngân hàng (bắt nguồn từ Trung Quốc vào thế kỷ 7) là những mẩu giấy gần như không có giá trị tự thân. Chúng chỉ là các lời hứa chi trả (và do đó tên gọi ban đầu của nó ở phương Tây là "hứa phiếu" - promissory note [42] ), tương tự các tấm đất sét của Babylon cổ đại vào bốn thiên niên kỷ trước đó. Ở mặt sau đồng 10 đô la có dòng chữ "Chúng ta tin vào Thượng đế", nhưng người mà bạn thực sự tin khi nhận một tờ tiền như vậy là người kế tục công việc của người đàn ông ở mặt trước tờ bạc (Alexander Hamilton, Bộ trưởng Ngân khố đầu tiên của Hoa Kỳ). Vào thời điểm viết cuốn sách này thì nhân vật đó là Henry M. Paulson Con, người tiền nhiệm của Lloyd Blankfein trong vị trí giám đốc điều hành ngân hàng Goldman Sachs. Khi một người Mỹ trao đổi hàng hóa hay lao động của mình để lấy một "nắm" đô la, anh ta thực ra đang tin tưởng rằng "Hank" Paulson (và cả Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernake nữa) sẽ không lặp lại sai lầm của Tây Ban Nha trong việc sản xuất quá nhiều tiền giấy, khiến cuối cùng chúng không có giá trị gì nhiều hơn giá trị của mảnh giấy mà chúng được in trên đó.
Ngày nay, bất chấp thực tế là sức mua của đồng đô la đã giảm sút đáng kể trong năm mươi năm qua, chúng ta vẫn khá hài lòng với tiền giấy, không kể tới tiền xu là thứ trên thực tế được làm từ đồ đồng nát. Chúng không phải là những vật trữ giá trị. Ngạc nhiên hơn nữa, chúng ta hài lòng với những thứ tiền mà chúng ta thậm chí không nhìn thấy. Ngày nay, tiền điện tử có thể rời khỏi người thuê mướn chúng ta, đến tài khoản ngân hàng của chúng ta, đến các cửa hàng bán lẻ yêu thích của chúng ta mà có khi chẳng cần phải hiện hữu bằng vật chất. Chính loại tiền "ảo" này hiện đang thống trị cái mà các nhà kinh tế gọi là cung tiền. Tiền mặt mà những người Mỹ bình thường giữ chỉ chiếm 11% tổng lượng cung tiền được gọi là M2. Tính chất phi vật chất của hầu hết tiền tệ ngày nay có lẽ là bằng chứng tốt nhất cho bản chất thực sự của nó. Những người đi chinh phục đã không hiểu được rằng tiền là vấn đề của niềm tin, thậm chí là đức tin: tin vào người chi trả; tin vào người phát hành tiền hay vào tổ chức sẽ chấp nhận tờ séc hoặc các khoản chuyển khoản của người chi trả. Tiền không nhất thiết phải là kim loại. Nó là sự tín nhiệm được ghi dấu. Và việc ghi dấu vào đâu không quá quan trọng: có thể vào đất sét, vào giấy, vào một màn hình tinh thể lỏng. Bất cứ cái gì cũng có thể trở thành tiền tệ, từ vỏ những con ốc sứ trên quần đảo Maldives tới những chiếc đĩa bằng đá khổng lồ trên quần đảo Yap ở Thái Bình Dương [43]. Và ngày nay, trong thời đại điện tử thì dường như một thứ vô hình cũng có thể trở thành tiền tệ.
Mối quan hệ trung tâm kết tinh trong tiền tệ là quan hệ giữa người cho vay và người đi vay. Hãy nhìn lại những tấm đất sét ở Lưỡng Hà. Các giao dịch được ghi lại trên đó là việc trả nợ những hàng hóa đã cho vay; những tấm này hiển nhiên được người cho vay ghi lên và giữ lại (thường chúng được đặt trong những bình đất sét được niêm phong) để lưu lại số nợ và ngày trả nợ. Hệ thống cho vay của Babylon cổ đại rõ ràng đã khá phức tạp. Các khoản nợ có thể được chuyển nhượng, vì thế người ta viết "trả cho người mang" chứ không phải cho một chủ nợ có tên tuổi rõ ràng. Các phiếu chứng nhận bằng đất sét hay hối phiếu (draft) được phát cho những người gửi ngũ cốc hay các hàng hóa khác tại cung điện hay đền đài. Người cho vay phải trả lãi (khái niệm này có lê bắt nguồn từ sự gia tăng tự nhiên đàn gia súc) với mức lãi suất thường lên tới 20%. Các bài tập toán từ thời trị vì của Hammurabi (1792-1750 TCN) cho thấy người ta có thể đã áp dụng lãi suất kép với các khoản cho vay dài hạn. Nhưng nền tảng của tất cả những điều này nằm ở mức độ tin cậy trong lời hứa chi trả của người đi vay. (Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh, gốc của từ "tín dụng" (credit) lại là credo, có nghĩa là "tôi tin" trong tiếng Latin.) Những người vay nợ có thể được xóa nợ theo định kỳ - trên thực tế, Luật Hammurabi quy định xóa nợ ba năm một lần - nhưng điều này có lẽ không ngăn cản việc làm ăn của những người cho vay cá nhân hay công cộng với kỳ vọng hợp lý rằng họ sẽ nhận lại được tiền của mình. [44] Trái lại, xu hướng lâu dài ở Lưỡng Hà thời cổ đại là mở rộng tài chính khu vực tư nhân. Tới thế kỷ 6 TCN, các gia đình như nhà Egibi ở Babylon đã trở thành các chủ đất và chủ nợ đầy thế lực, với các lợi ích thương mại trải dài tới Uruk cách đấy hơn 100 dặm về hướng nam và tràn vào Ba Tư về hướng đông. Hàng nghìn tấm đất sét còn tồn tại từ thời đó cho chúng ta biết số người đã trở thành con nợ của nhà Egibi vào lúc này hay lúc khác. Việc gia đình này thịnh vượng trong năm đời cho thấy nhìn chung họ đều thu lại được các khoản cho vay của mình.
Sẽ không hoàn toàn chính xác khi nói rằng tín dụng được phát minh ra ở Lưỡng Hà cổ đại. Hầu hết các khoản cho vay ở Babylon chỉ là các khoản tiền ứng trước đơn giản từ các nhà kho thuộc hoàng gia hay tôn giáo. Khi ấy vẫn chưa có tín dụng theo nghĩa hiện đại như sẽ được thảo luận ở cuối chương này. Mặc dù vậy, đây là bước khởi đầu quan trọng. Nếu thiếu đi nền tảng đi vay và cho vay thì lịch sử kinh tế thế giới sẽ khó lòng khởi sắc. Và nếu không có mạng lưới ngày càng phát triển của mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ thì kinh tế toàn cầu ngày nay sẽ bị ngừng lại. Trái ngược với bài hát nổi tiếng trong vở nhạc kịch Cabaret, tiền không làm trái đất quay tròn theo nghĩa đen. Nhưng nó khiến cho một số lượng khổng lồ những con người, hàng hóa và dịch vụ di chuyển vòng quanh thế giới.
Điều đáng ngạc nhiên là ý tưởng về tín dụng bắt rễ rất chậm chạp và lừng khừng ở chính vùng đất mà nó đã phát triển hết sức ngoạn mục.
Những kẻ cho vay nặng lãi
Bắc Italia vào đầu thế kỷ 13 là một vùng đất được chia thành nhiều thị quốc xung khắc lẫn nhau. Trong số những gì còn sót lại của Đế quốc La Mã đã mất có hệ thống chữ số (I, II, III, IV...) rất không phù hợp với các tính toán phức tạp về mặt toán học, chưa nói tới nhu cầu thương mại. Không ở đâu mà điều này lại trở thành một vấn đề như ở Pisa, nơi các thương nhân phải vất vả với bảy loại tiền xu khác nhau trong giao dịch. Qua so sánh, đời sống kinh tế tại thế giới phương Đông - trong vương triều Hồi giáo Abassid hay tại nước Trung Hoa thời nhà Tống - tiên tiến hơn nhiều so với phương Tây, tương tự như dưới thời Charlemagne trước đó. Để khám phá ra tài chính hiện đại, châu Âu cần nhập khẩu nó. Vai trò thiết yếu trong việc này thuộc về một nhà toán học trẻ tuổi tên là Leonardo thành Pisa, hay Fibonacci.
Là con trai của một viên chức thuế quan thành Pisa làm việc tại vùng đất nay là Bejaia thuộc Algeria, chàng Fibonacci trẻ tuổi từng say sưa với thứ mà anh ta gọi là "phương pháp Ấn Độ" trong toán học - một sự kết hợp giữa những hiểu biết sâu xa của người Ấn Độ và người Ả Rập. Fibonacci du nhập các ý tưởng này và tạo ra cuộc cách mạng trong cách thức người châu Âu đếm số. Ngày nay, ông được nhớ đến nhiều nhất nhờ dãy số Fibonacci (0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21...), trong đó mỗi số tiếp theo là tổng của hai số trước đó, và tỷ lệ giữa một số với số liền trước nó sẽ tiến dần tới "tỷ lệ vàng" (gần bằng 1,618). Đây là một xu hướng phản ánh nhiều đặc tính lặp lại thường thấy trong thế giới tự nhiên (ví dụ như trong hình học phân dạng [fractal] ở dương xỉ và vỏ ốc). [45] Nhưng dãy Fibonacci chỉ là một trong số nhiều ý tưởng toán học phương Đông được giới thiệu với châu Âu trong cuốn sách mở đường Liber Abaci "Sách về tính toán" được xuất bản năm 1202 của ông. Trong tác phẩm này, độc giả có thể tìm thấy các lý giải về phân số, cũng như khái niệm giá trị hiện tại (giá trị chiết khấu hiện tại của một dòng doanh thu trong tương lai). [46] Quan trọng hơn cả là việc Fibonacci giới thiệu hệ thống chữ số Hindu-Ả Rập. Ông không chỉ trao cho châu Âu hệ thập phân, có tác dụng giúp cho mọi loại tính toán trở nên dễ dàng hơn nhiều so với hệ thống chữ số La Mã; ông còn chỉ ra cách thức áp dụng hệ này trong hạch toán thương mại, quy đổi tiền tệ, và quan trọng hơn cả, trong việc tính lãi. Nhiều ví dụ trong Liber Abaci trở nên sinh động hơn nhờ được diễn giải qua các ví dụ về hàng hóa như da thuộc, hạt tiêu, pho mát, dầu và hương liệu. Đây chính là ứng dụng của toán học trong việc kiếm tiền, và đặc biệt là trong việc cho vay tiền. Một ví dụ điển hình trong cuốn sách này như sau:
Một người đặt 100 bảng tại một nhà [của thương nhân] để nhận lấy tiền lãi 4 denarius trên mỗi bảng mỗi tháng và anh ta nhận lại sau mỗi năm khoản tiền là 30 bảng. Bạn phải tính toán số vốn và lợi nhuận bị giảm hằng năm dựa trên số tiền 30 bảng nói trên. Bạn cần tính xem anh ta sẽ gửi được số tiền này trong bao nhiêu năm, tháng, ngày và giờ...
Các trung tâm thương mại của Italia như thành phố Pisa, quê hương của Fibonacci, và thành Florence đã chứng tỏ chúng là mảnh đất màu mỡ cho những hạt giống tài chính. Nhưng trên hết là Venice, nơi chịu nhiều ảnh hưởng của phương Đông hơn cả, nơi đã trở thành phòng thí nghiệm cho vay lớn nhất châu Âu. Không phải tình cờ mà người cho vay nổi tiếng nhất trong văn học phương Tây cư trú ở Venice. Câu chuyện của ông ta đã minh họa tuyệt vời cho những trở ngại trong nhiều thế kỷ từng hạn chế việc biến các lý thuyết của Fibonacci thành hoạt động tài chính hiệu quả. Những trở ngại đó không phải là các yếu tố kinh tế hay chính trị. Chúng là yếu tố văn hóa.
Vở kịch Gã lái buôn thành Venice của Shakespeare dựa trên một câu chuyện trong một cuốn sách từ thế kỷ 14 của Italia có tên là Il Pecorone ("Gã đần"), tập hợp các câu chuyện và giai thoại được Giovanni Fiorentino viết năm 1378. Một truyện trong tập này kể về một người phụ nữ giàu có cưới một chàng trai trẻ đứng đắn. Chồng cô ta cần tiền, và bạn của anh ta, vì muốn giúp đỡ, đến gặp một người cho vay tiền để hỏi vay thay cho anh chồng. Người cho vay, cũng là dân Do Thái như Shylock, đòi một pound thịt làm đảm bảo và số thịt này sẽ phải được trao nếu tiền không được trả. Như Shakespeare viết lại về sau, người Do Thái cho vay nặng lãi Shylock đồng ý cho anh chàng Bassanio thất tình vay ba ngàn ducat, với điều kiện là được bạn của Bassanio, thương nhân Antonio, bảo đảm. Như Shylock nói, Antonio là một người "tốt" - không có nghĩa là anh ta có phẩm chất đặc biệt mà nghĩa là uy tín của anh ta là "đủ". Nhưng Shylock cũng chỉ ra rằng việc cho các thương nhân (hay bạn của họ) vay là hành động nhiều rủi ro. Tàu thuyền của Antonio nằm rải rác tại nhiều nơi trên thế giới, một chiếc trên đường tới Bắc Phi, chiếc thứ hai tới Ấn Độ, chiếc thứ ba tới Mexico và chiếc thứ tư tới Anh:
... của cải của anh ta đều là giả định: anh ta có một chiếc tàu buôn trên đường tới Tripoli, chiếc khác tới Ấn Độ; tôi còn biết anh ta có chiếc thứ ba tại Mexico, chiếc thứ tư đến Anh, và nhiều của cải khác, rải rác nơi này nơi nọ. Nhưng tàu bè chỉ là ván gỗ, thủy thủ chỉ là người: có những con chuột trên bờ và những con chuột dưới nước, những tên kẻ cắp dưới nước và những tên kẻ cắp trên bờ, tôi muốn nói tới bọn cướp biển, và còn có mối nguy hiểm của sóng, gió và ghềnh nữa.
Đó chính là lý do tại sao những người cho thương nhân vay tiền, dù chỉ trong thời gian một chuyến hành trình trên biển, đều cần được bù đắp. Chúng ta thường gọi khoản bù đắp này là tiền lãi: số tiền trả cho người cho vay phải nhiều hơn tổng số tiền cho vay, tức là tiền gốc. Thương mại quốc tế như cách mà Venice phụ thuộc vào không thể diễn ra nếu những nhà tài chính không được hồi báo cho rủi ro của họ khi bỏ tiền vào ván gỗ và con người.
Nhưng tại sao Shylock lại trở thành một kẻ ác như vậy, khi thực sự đòi một pound thịt - nghĩa là Antonio phải chết - nếu như anh ta không thể thực hiện nghĩa vụ của mình? Dĩ nhiên câu trả lời là bởi vì Shylock là một trong số nhiều người cho vay trong lịch sử thuộc một cộng đồng thiểu số. Tới thời của Shakespeare, người Do Thái đã cung cấp tín dụng thương mại ở Venice trong gần một thế kỷ. Họ thực hiện công việc ấy trước cửa một tòa nhà từng được gọi là Banco Rosso, ngồi sau những chiếc bàn - gọi là tavule - và trên những chiếc ghế - gọi là banci. Nhưng Banco Rosso nằm ở một khu ghetto (khu ổ chuột của người Do Thái) chật chội cách xa trung tâm thành phố.
Có một lý do xác đáng giải thích tại sao các thương nhân Venice phải tới khu ghetto của người Do Thái nếu họ muốn vay tiền. Với người Kitô giáo, cho vay lấy lãi là một tội. Những người cho vay lấy lãi từng bị Công đồng [47] Lateran thứ Ba phạt vạ tuyệt thông năm 1179. Thậm chí việc tranh cãi rằng cho vay lấy lãi không phải là tội cũng bị Công đồng Vienna lên án là dị giáo vào những năm 1311-12. Những người Kitô giáo cho vay nặng lãi phải bồi hoàn cho Giáo hội thì mới có thể được đem chôn trên đất nhà chung. Họ bị các tu sĩ thuộc dòng Francis và dòng Dominic, thành lập vào năm 1206 và 1216 (ngay sau khi cuốn Liber Abaci của Fibonaccira đời), đặc biệt căm ghét. Không thể đánh giá thấp sức mạnh của việc cấm kỵ này, cho dù nó hẳn đã yếu đi vào thời Shakespeare. [48]
Tại Duomo (nhà thờ lớn) ở Florence, có một bức tranh tường của Domenico di Michelino vẽ cảnh nhà thơ vĩ đại người Florence, Dante Alighieri cầm cuốn sách của mình có nhan đề Thần khúc. Như Dante từng tưởng tượng trong khúc XVII của kiệt tác này, có một khu vực đặc biệt trong vòng tròn thứ bảy của Địa ngục dành riêng cho những kẻ cho vay nặng lãi:
Gương mặt họ hiện lên vẻ đau thương
Thỉnh thoảng họ lại đưa tay chống đỡ
Khi với cát nóng, khi với lửa tàn.
Không khác gì trong mùa hè, con chó
Dùng mõm, dùng chân để bảo vệ mình
Khỏi bị rận hay ruồi trâu cắn xé.
Lúc tôi đã nhìn kỹ mặt vài người
Trong số đang chịu cơn mưa lửa đó
Không nhận ra một ai, nhưng mà tôi
Thấy ở cổ mỗi người đeo một túi
Chứa đầy tiền, có màu sắc, in hình
Và mắt của họ hình như chỉ cúi. [49]
Người Do Thái cũng không được phép cho vay lấy lãi. Nhưng có một điều khoản thuận tiện trong sách Đệ nhị luật (hay Phục truyền luật lệ ký) của Cựu Ước: "Với người ngoài thì người có thể cho vay lấy lãi; còn với người anh em của người thì không được cho vay lấy lãi." Nói cách khác, người Do Thái có thể cho vay lấy lãi một cách hợp pháp nếu đi vay là người Kitô giáo, nhưng không thể làm thế với một người Do Thái khác. Cái giá của việc làm như thế sẽ là sự loại trừ về mặt xã hội.
Người Do Thái đã bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha năm 1492. Cùng với nhiều người Bồ Đào Nha đã cải đạo (converso) khác, tức là những người Do Thái bị buộc phải chấp nhận đạo Kitô theo một sắc lệnh năm 1497, họ đã tìm chốn tị nạn ở Đế quốc Ottoman. Từ Constantinople và các cảng khác của Đế quốc Ottoman, họ thiết lập các mối quan hệ buôn bán với Venice. Người Do Thái bắt đầu có mặt ở Venice từ năm 1509, khi những người Do Thái sống ở Mestre chạy nạn khỏi cuộc chiến tranh của Hội Cambrai. Ban đầu chính quyền thành phố miễn cưỡng nhận người tị nạn, nhưng ít lâu sau họ thấy rõ người Do Thái có thể là nguồn tiền có ích và nguồn dịch vụ tài chính, mà họ vừa có thể đánh thuế vừa có thể vay tiền. [50] Năm 1516, chính quyền Venice quy định một khu vực đặc biệt trong thành phố dành cho người Do Thái trên địa điểm của một xưởng đúc sắt cũ, dần dần khu vực ấy được gọi là ghetto nuovo ("khu ghetto mới", getto nghĩa đen là đúc). Đêm đến và vào những ngày lễ Kitô giáo, họ phải ở trong khu vực ấy. Những ai đã ở Venice được hơn hai tuần sẽ mang một chữ O màu vàng trên lưng hoặc một cái mũ hay khăn quấn đầu màu vàng (sau này là màu đỏ tươi). [51] Sự cư trú bị hạn chế trong thời hạn được quy định trên cơ sở condotte (giấy chứng nhận), gia hạn năm năm một lần. [52] Một cuộc thu xếp tương tự đạt được năm 1541, một số người Do Thái từ Romania được ban cho quyền sống ở một khu biệt lập khác, gọi là ghetto vecchio ("khu ghetto cũ"). Đến năm 1590 có khoảng 2.500 người Do Thái ở Venice. Các tòa nhà ở khu ghetto mọc cao đến bảy tầng để lấy chỗ ở cho những người mới đến.
Suốt cả thế kỷ 16, vị thế của người Do Thái ở Venice vẫn bị hạn chế và bấp bênh. Năm 1537, khi chiến tranh nổ ra giữa Venice và Đế quốc Ottoman, Thượng viện Venice đã ra lệnh tạm tịch biên tài sản của "người Thổ Nhĩ Kỳ, người Do Thái và các thần dân Thổ Nhĩ Kỳ khác". Một cuộc chiến tranh khác từ năm 1570 đến 1573 đã dẫn đến việc bắt giữ tất cả người Do Thái và thu giữ tài sản của họ, tuy rằng khi hòa bình lập lại họ được trả tự do và trả lại tài sản. [53] Để tránh lặp lại hiện tượng này, người Do Thái đã kiến nghị với chính quyền Venice cho phép họ được tự do trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong tương lai. Họ may mắn có được người đại diện là Daniel Rodriga, một thương nhân người Do Thái gốc Tây Ban Nha, ông này đã chứng tỏ là một nhà thương thuyết tài ba. Hiến chương mà ông đạt được năm 1589 bảo đảm cho mọi người Do Thái vị thế công dân Venice, cho phép họ tham gia buôn bán tận vùng bờ đông Địa Trung Hải - một đặc quyền quý giá - và cho phép họ thực hành tôn giáo của mình một cách công khai. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế quan trọng. Họ không được phép gia nhập phường hội hoặc tham gia bán lẻ, do đó bị hạn chế chỉ được cung cấp các dịch vụ tài chính, và những đặc quyền của họ có thể bị tước bỏ chỉ cần báo trước 18 tháng. Được làm công dân, người Do Thái giờ đây có nhiều co hội thành công hơn gã Shylock khi ra tòa án Venice. Chẳng hạn, năm 1623, Leon Voltera đã kiện Antonio dalla Donna vì anh này bảo đảm cho một hiệp sĩ vay tiền của Voltera rồi biến mất. Tuy nhiên, vào hai năm 1636-37 xảy ra một vụ bê bối liên quan đến việc mua chuộc các thẩm phán, trong đó một số người Do Thái có dính líu, khiến cho một lần nữa nguy cơ bị trục xuất lại hiển hiện. [54]
Tuy chỉ là hư cấu, nhưng câu chuyện về Shylock như vậy không hoàn toàn tách biệt khỏi hiện thực Venice. Thực tế là, vở kịch của Shakespeare minh họa hoàn toàn chính xác ba điểm quan trọng về giao dịch vay tiền thời cận đại: quyền lực của kẻ cho vay áp đặt lãi suất cao ngất ngưởng khi thị trường tín dụng đang trong thời kỳ sơ khai; tầm quan trọng của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp tài chính mà không dùng đến bạo lực; nhưng trên hết là tình trạng dễ bị công kích của những người cho vay thuộc thành phần thiểu số trước thái độ thù địch của những người đi vay thuộc sắc tộc chiếm đa số. Bởi cuối cùng thì Shylock vẫn bị ngăn trở. Mặc dù tòa án thừa nhận quyền của chủ nợ khi đòi thực hiện giao kèo - lấy một pound thịt thuộc về ông ta - luật cũng cấm ông ta làm đổ máu của Antonio. Hơn nữa, bởi vì Shylock là kẻ ngoại cư, nên luật pháp yêu cầu ông ta phải giao nộp của cải và tính mạng vì âm mưu gây ra cái chết của một người Kitô giáo. Ông ta chỉ thoát tội bằng cách chấp thuận rửa tội. Và sau đấy, tất cả mọi người đều sống vui vẻ, ngoại trừ Shylock.
Gã lái buôn thành Venice đặt ra những câu hỏi sâu sắc về kinh tế cũng như về quan điểm bài Do Thái. Tại sao các con nợ không phải lúc nào cũng quỵt nợ, nhất là khi chủ nợ thuộc về một cộng đồng thiểu số không được ưa thích? Tại sao những người như Shylock không phải lúc nào cũng thua cuộc?
Những người cho vay nặng lãi, giống như những người nghèo là nạn nhân của họ, luôn luôn tồn tại. Chẳng hạn, họ vẫn giàu lên ở Đông Phi. Nhưng không cần thiết phải đến các nước đang phát triển mới hiểu được những nguyên tắc trong hình thức cho vay thô sơ này. Theo báo cáo năm 2007 của Bộ Công thương Anh, có khoảng 165.000 hộ gia đình tại Anh dùng các khoản cho vay bất hợp pháp, vay mượn số tiền lên tới 40 triệu bảng một năm và trả lại số tiền lớn gấp ba lần số này. Để giải thích tại sao những kẻ cho vay nặng lãi luôn luôn bị ghét, bất kể họ thuộc dân tộc nào, bạn chỉ cần đến thăm Glasgow, thành phố quê hương tôi. Đã từ lâu, các khu nhà ở phía đông thành phố trở thành vùng đất màu mỡ cho những kẻ cho vay nặng lãi. Tại các quận như Shettleston, nơi ông bà tôi từng sống, có những cửa chóp bằng thép trên cửa sổ các khu chung cư cũ nát và những hình vẽ graffiti thù địch tôn giáo tại trạm chờ xe buýt. Đời sống kinh tế của Shettleston từng xoay quanh túi tiền của các công nhân làm việc tại những nhà máy thép của hãng Boyd. Ngày nay, nó xoay quanh các khoản trợ cấp thất nghiệp rót vào tài khoản của những người thất nghiệp tại bưu điện. Tuổi thọ trung bình của đàn ông ở Shettleston vào khoảng 64, thấp hơn mười ba năm so với mức trung bình ở Anh và tương đương với tuổi thọ trung bình ở Pakistan. Điều này có nghĩa là một đứa trẻ sinh ra ở Shettleston thường sẽ sống không đủ lâu để có thể nhận được tiền lương hưu của mình.
Những khu vực cùng khốn ở Glasgow là miền đất săn của những kẻ cho vay nặng lãi. Ở quận Hillington, Gerard Law là kẻ cho vay nặng lãi số một suốt hai mươi năm. Hắn lấy quán rượu Argosy tại Paisley Road West làm văn phòng, ở lì đấy hầu hết các ngày làm việc mặc dù hắn là người kiêng rượu. Hệ thống của Law rất đơn giản. Người cần tiền sẽ trao sổ trợ cấp hay thẻ rút tiền bưu điện cho hắn làm tin để vay tiền, thông tin được hắn ghi vào sổ cho vay. Khi một tấm séc trợ cấp thất nghiệp tới hạn, Law sẽ giao trả thẻ cho người nợ tiền hắn và chờ thu lãi. Cuốn sổ cho vay hết sức thô sơ: đó chỉ là một tập hợp các giao dịch được ghi lại một cách lộn xộn, tại đó có khoảng hai mươi hay ba mươi cái tên và bí danh quen thuộc xuất hiện bên cạnh các khoản tiền khác nhau: "Al Râu 15", "Ngựa chứng 100", "Bernadett 150", "Caffy Còi 1210". Mức lãi suất thông thường mà Law áp dụng cho các con nợ cao đến choáng váng, 25% mỗi tuần. Thông thường, những người như AI Râu vay 10 bảng và trả lại 12,5 bảng (tiền gốc cộng với lãi) một tuần sau đó. Tuy vậy, nhiều khách hàng của Law không thể trả nợ đúng hạn; điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người trong vùng này phải sống với số tiền ít ỏi chỉ 5,9 bảng một ngày. Vì thế họ phải vay thêm tiền. Không lâu sau, một số khách hàng sẽ nợ của Law số tiền hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bảng. Việc họ nhanh chóng bị mắc kẹt trong các khoản nợ của mình không có gì đáng ngạc nhiên. Mức 25% một tuần tương đương với lãi suất kép 11 triệu phần trăm trong một năm.
Bắt giữ kẻ cho vay nặng lãi: Gerard Law bị các cảnh sát thuộc đơn vị chống cho vay tiền bất hợp pháp của Glasgow dẫn đi.
Về dài hạn, lãi suất ở châu Âu có xu hướng giảm. Vậy tại sao một số người ở Anh ngày nay vẫn trả mức lãi lên tới tám con số cho những khoản nợ vặt vãnh? Và chắc chắn phải là người mất trí mới không quỵt các khoản nợ này. Một số khách hàng của Law quả thực là những người không bình thường lắm về tâm thần. Nhưng có những lý do rõ ràng cho thấy ngay cả những khách hàng bình thường của gã cũng nhận thấy việc bội tín với gã là không khôn ngoan, cho dù mức lãi có cắt cổ đi chăng nữa. Như tờ Scotsman viết: "nhiều nạn nhân của gã quá sợ hãi nguy cơ không trả được nợ do tiếng tăm của gã" - mặc dù người ta vẫn không biết đích xác rằng Law có thực sự dùng tới bạo lực không. [55] Sau lưng mỗi kẻ cho vay nặng lãi, như trường hợp của Shylock cho thấy, luôn tiềm tàng một mối đe dọa ngầm.
Thật dễ dàng lên án những kẻ cho vay nặng lãi là vô đạo đức và phạm tội. Gerard Law đã bị kết án mười tháng tù vì hành vi của mình. Tuy nhiên chúng ta cần cố gắng hiểu lý do kinh tế của việc hắn làm. Trước hết, hắn đã lợi dụng được việc không có tổ chức tài chính chính thức nào có thể cho những người thất nghiệp ở Shettleston vay tiền. Thứ hai, Law phải vừa tham lam vừa tàn nhẫn, bởi vì những khách hàng ít ỏi của hắn rất có thể sẽ quỵt nợ. Khó khăn cơ bản trong việc cho vay nặng lãi là hoạt động kinh doanh này có quy mô quá nhỏ và nhiều rủi ro nên không thể áp dụng các mức lãi suất thấp. Nhưng mức lãi suất cao lại khiến việc không trả được nợ dễ xảy ra hơn và chỉ có sự đe dọa mới khiến người ta tiếp tục trả nợ. Vậy làm thế nào để những người cho vay tiền vượt qua mối màu thuẫn cơ bản: nếu họ quá rộng lượng, họ sẽ không kiếm được tiền; nếu họ quá chặt chẽ, như Gerard Law, người ta rốt cuộc sẽ gọi cảnh sát?
Câu trả lời là phải lớn mạnh hơn và quyền lực hơn.
Sự ra đời của ngân hàng
Shylock còn lâu mới là người cho vay duy nhất nhận ra điểm yếu vốn có của chủ nợ, nhất là khi chủ nợ là người nước ngoài. Vào đầu thế kỷ 14, ngành tài chính ở Italia nằm dưới sự thống trị của ba gia tộc Florence: nhà Bardi, nhà Peruzzi và nhà Acciaiuoli. Cả ba gia tộc này đều bị xóa sổ trong thập niên 1340 do sự vỡ nợ của hai trong số các khách hàng chủ chốt của họ: vua Anh Edward III và vua Robert xứ Napoli. Nhưng nếu điều này minh họa điểm yếu tiềm tàng của những người cho vay thì sự đi lên của nhà Medici lại minh chứng cho điều ngược lại: quyền lực tiềm tàng của họ.
Có lẽ không gia đình nào khác có thể tạo được dấu ấn lên cả một thời đại như nhà Medici đã đặt dấu ấn của mình lên thời Phục hưng. Hai người trong dòng họ này trở thành giáo hoàng (Leo X và Clement VII); hai người trở thành hoàng hậu Pháp (Catherine và Marie); ba người trở thành công tước (các xứ Florence, Nemours và Tuscany). Chính lý thuyết gia quan trọng nhất về quyền lực chính trị là Niccolò Machiavelli đã viết về lịch sử của dòng họ này, âu cũng là điều thích đáng. Sự bảo trợ của họ đối với nghệ thuật và văn học đã nuôi dưỡng hàng loạt các thiên tài từ Michelangelo cho tới Galileo. Và những thành tựu kiến trúc đáng kinh ngạc của họ ngày nay vẫn bao quanh du khách khi đến Florence. Chỉ cần nhìn vào tòa biệt thự Cafaggiolo, tu viện San Marco, vương cung thánh đường San Lorenzo và những cung điện nguy nga mà Công tước Cosimo de’ Medici từng ở trong giai đoạn giữa thế kỷ 16: cung điện Pitti trước đây, cung điện Vecchio đã được trang trí lại và những công sở mới (Uffizi) có các sân trải dài cho tới sông Arno. [56] Nhưng đâu là nguồn gốc của những kỳ quan này? Tiền được lấy ở đâu để trả cho các kiệt tác như bức tranh lộng lẫy Sự ra đời của thần Vệ Nữ của Sandro Botticelli? Câu trả lời đơn giản là nhà Medici buôn bán ngoại tệ: họ là thành viên của Arte de Cambio (Phường hội những người đổi tiền). Họ được gọi là chủ ngân hàng (banchiere) bởi vì, cũng giống như những người Do Thái thành Venice, họ kinh doanh trên những chiếc ghế băng đằng sau bàn trên đường phố. Ngân hàng đầu tiên của nhà Medici (từ "quầy" có lẽ mô tả chính xác hơn) ở gần cung điện Cavalcanti, đoạn cắt giữa phố Porta Rossa và phố Arte della Lana ngày nay, chỉ cách chợ đồ len chính ở Florence một khoảng đi bộ ngắn.
Trước thập niên 1390, người ta có thể có lý khi cho rằng nhà Medici là những tay găngxtơ hơn là chủ ngân hàng: đó là một thị tộc nhỏ bé, có tiếng vì những hành động bạo lực thấp hèn hơn là hoạt động tài chính uy tín. Trong khoảng thời gian từ năm 1343 đến 1360, có không dưới năm người trong dòng họ Medici bị xử tử vì đã phạm tội nặng. [57] Thế rồi xuất hiện Giovanni di Bicci de' Medici. Mục tiêu của ông ta là hợp pháp hóa nhà Medici. Và nhờ làm việc chăm chỉ, sống chừng mực và tính toán kỹ lưỡng, ông đã thành công.
Một chủ ngân hàng đang ngồi trên ghế băng của mình: bức tranh Chủ ngân hàng (1514), Quentin Massys.
Năm 1385, Giovanni trở thành người quản lý chi nhánh tại Rome của ngân hàng do người bà con của ông là Vieri di Cambio de' Medici điều hành tại Florence. Tại Rome, Giovanni đã gây dựng được tiếng tăm của mình trong công việc buôn tiền. Các giáo hoàng là khách hàng lý tưởng trên nhiều khía cạnh, bởi lẽ có nhiều loại tiền khác nhau chảy ra và chảy vào két bạc của Vatican. Như chúng ta đã thấy, đó là thời kỳ đồng hành của nhiều hệ thống tiền tệ bao gồm cả vàng, bạc và kim loại thường, cho nên việc buôn bán đường dài hay trả thuế trở nên phức tạp bởi nhu cầu chuyển đổi từ đồng tiền này sang đồng tiền khác. Nhưng Giovanni đã nhìn thấy rõ các cơ hội lớn hơn tại quê hương Florence của mình, ông trở về đó vào năm 1397. Cho tới thời điểm bàn giao cơ nghiệp cho người con trai cả Cosimo vào năm 1420, ông đã thiết lập được chi nhánh ngân hàng ở Venice cũng như ở Rome; sau đấy các chi nhánh được mở ở Geneva, Pisa, London và Avignon. Giovanni cũng có phần hùn vốn trong hai nhà máy len ở Florence.
Đóng vai trò hết sức quan trọng trong công việc kinh doanh ban đầu của nhà Medici là các hối phiếu (cambium per literas), được phát triển trong thời trung đại như là một cách cấp vốn cho thương mại. [58] Nếu một thương nhân nợ một thương nhân khác số tiền không thể trả bằng tiền mặt cho tới khi kết thúc giao dịch sau đó vài tháng, thì chủ nợ có thể lấy hối phiếu của con nợ và sau đó sử dụng làm phương tiện thanh toán hoặc đổi lấy tiền mặt với mức chiết khấu nhất định từ chủ ngân hàng đóng vai trò trung gian môi giới. Trong khi việc lấy lãi bị Giáo hội lên án là cho vay nặng lãi thì không có gì ngăn cản một thương nhân khôn ngoan kiếm lợi từ những giao dịch như vậy. Đó chính là bản chất công việc kinh doanh của nhà Medici. Không cần đến séc; các chỉ dẫn đều bằng miệng và được viết trong sổ sách của ngân hàng. Không cần đến tiền lãi; những người gửi tiền được nhận một khoản discrezione - chiết khấu (tỷ lệ với lợi nhuận hằng năm của hăng) để đền bù cho rủi ro bỏ tiền ra của họ. [59]
Chi tiết từ một sổ cái kế toán của ngân hàng Medici
Libro segreto - nghĩa đen là sách bí mật [60] - của Giovanni di Bicci de' Medici soi rọi quá trình đi lên của gia đình này. [61] Phần nào, đây chỉ đơn giản là việc ghi sổ sách kế toán kỹ lưỡng. Theo tiêu chuẩn hiện đại, chắc chắn nó có những khiếm khuyết. Nhà Medici không sử dụng phương thức bút toán kép một cách có hệ thống cho dù phương thức này được biết đến ở Genoa từ những năm 1340. [62] Dẫu vậy, một nhà nghiên cứu hiện đại không thể không cảm thấy ấn tượng trước sự mạch lạc và trật tự trong các tài khoản của nhà Medici. Các tài liệu lưu trữ còn có một số bảng cân đối của nhà Medici thời kỳ đầu, với các khoản dự trữ và tiền gửi được đặt chính xác ở một bên (coi như nợ hay vostro) và các khoản vay cho khách hàng hay các hối phiếu thương mại (commercial bill) ở bên kia (là tài sản hay nostro). Nhà Medici không sáng tạo ra những kỹ thuật này, nhưng họ áp dụng chúng trên quy mô lớn hơn những gì người ta từng biết đến ở Florence. Thế nhưng chìa khóa cho sự thành công của nhà Medici không phải ở quy mô mà ở sự đa dạng hóa. Trong khi các ngân hàng ban đầu của Italia có cấu trúc đơn khối (monolithic) dễ dàng bị phá sản khi có một con nợ không trả nợ thì ngân hàng Medici trên thực tế bao gồm nhiều công ty hợp danh (partnership) có quan hệ với nhau, mỗi công ty hợp danh dựa trên một hợp đồng đặc biệt và được đàm phán lại một cách thường xuyên. Những người quản lý chi nhánh không phải người làm thuê mà là các thành viên hợp danh cấp thấp, được trả công bằng một phần lợi nhuận. Chính sự phi tập trung hóa này đã giúp cho ngân hàng Medici có lãi lớn đến thế. Với mức vốn khoảng 20.000 florin vào năm 1402 và chi phí tiền lương cho nhiều nhất là mười bảy người, ngân hàng này đã thu được lợi nhuận 151.820 florin từ năm 1397 tới 1420 - tính trung bình khoảng 6.326 florin mỗi năm, với tỷ lệ lợi tức 32%. Riêng chi nhánh Rome đã nhanh chóng có mức sinh lợi trên 30%. [63] Có thể thấy bằng chứng chứng tỏ mô hình này hoạt động hiệu quả ở trong sổ thuế thành Florence, liệt kê hết trang này sang trang khác các tài sản của Giovanni di Bicci, với tổng trị giá khoảng 91.000 florin. [64]
Khi Giovanni chết năm 1429, những lời trăng trối của ông là hối thúc những người thừa kế duy trì mức độ nhanh nhạy về tài chính như mình. Tang lễ của ông có sự tham dự của 26 người cùng mang họ Medici và tất cả đều gửi lời chào tiễn biệt tới vị capo della casa (trưởng tộc) tự lập nên sự nghiệp này. Tới khi Pius II trở thành giáo hoàng năm 1458 thì con trai của Giovanni, Cosimo de' Medici cũng chính là bang Florence trên thực tế. Như chính Giáo hoàng đã nói: "Các vấn đề chính trị được giải quyết tại nhà của ông ấy. Người mà ông ấy chọn sẽ trở thành quan chức... Chính ông ấy là người quyết định chiến tranh, hòa bình và kiểm soát luật pháp... Ông ấy là vua trên thực tế, dù không phải trên danh nghĩa." Những nhà cai trị nước ngoài được khuyên nên tiếp xúc trực tiếp với ông và không nên lãng phí thời gian gặp gỡ bất cứ ai khác ở Florence. Như nhà sử học thành Florence là Francesco Guicciardini đã nhận xét: "Ông ấy nổi tiếng tới mức, có lẽ chưa từng có công dân nào có thể so sánh được kể từ khi La Mã sụp đổ cho tới nay." Một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất của Botticelli, khắc họa một chàng trai trẻ có vẻ đẹp rung động lòng người, trên thực tế là món quà tưởng niệm một vị chủ ngân hàng đã mất. Khuôn mặt trên tấm huân chương là Cosimo de' Medici và cạnh đó là dòng chữ pater patriae: "người cha của đất nước". Tới thời điểm Lorenzo Kiệt xuất, cháu nội của Cosimo, tiếp quản ngân hàng năm 1469 thì nhà Soprano cổ xưa đã trở thành nhà Corleone và hơn thế nữa. Tất cả đều dựa vào hoạt động ngân hàng.
Nhưng hơn hết, chính họa phẩm Ba Vua ngưỡng vọng của Botticelli đã ghi nhận sự thay hình đổi dạng của ngành tài chính mà nhà Medici đã đạt được. Khi quan sát kỹ bức tranh này, chúng ta thấy cả ba nhà thông thái đều là người nhà Medici: người lớn tuổi nhất đang rửa chân cho Chúa hài đồng Jesus là Cosimo Lớn; phía dưới ông, hơi nghiêng về tay phải là hai con trai ông: Piero (mặc đồ màu đỏ) và Giovanni (mặc đồ màu trắng). Cũng trong bức tranh còn có Lorenzo (mặc áo choàng màu xanh nhạt) và đang vỗ kiếm là Giuliano. Bức tranh này được người đứng đầu Phường hội các Chủ ngân hàng đặt hàng để làm quà kỷ niệm cho gia đình Medici. Có lẽ bức tranh này gọi là Ngưỡng vọng nhà Medici thì thích hợp hơn. Từng một thời bị nguyền rủa, các chủ ngân hàng giờ đây đã gần với thần thánh.
Việc quyền lực thống trị Cộng hòa Florence rơi vào tay một trong những gia đình chủ ngân hàng siêu giàu có hiển nhiên đã gây nên sự chống đối. Từ tháng 10/1433 tới tháng 9/1434, Cosimo và nhiều người ủng hộ ông bị trục xuất khỏi Florence và phải sang Venice lưu vong. Năm 1478, em trai của Lorenzo là Giuliano bị gia đình Pazzi giết chết trong một âm mưu tàn bạo nhằm chấm dứt sự cai trị của nhà Medici. Bản thân ngân hàng này cũng chịu thiệt hại do Lorenzo sao nhãng việc kinh doanh vì quá để tâm tới chính trị. Các trưởng chi nhánh như Francesco Sassetti ở Avignon hay Tommaso Portinari ở Bruges trở nên nhiều quyền lực hơn và ít chịu sự giám sát chặt chẽ. Ngân hàng ngày càng phụ thuộc vào việc huy động tiền gửi, trong khi thu nhập từ hoạt động thương mại và trao đổi ngoại hối có nhiều biến động. Những sai lầm gây tốn kém bắt đầu xuất hiện, như các khoản vay của chi nhánh tại Bruges cho Charles Can đảm, Công tước xứ Burgundy, hay của chi nhánh London cho vua Edward IV, các khoản vay này không bao giờ được hoàn trả đầy đủ. Để giúp cho ngân hàng tiếp tục tồn tại, Lorenzo buộc phải đột kích quỹ Monte delle Dote của thành phố (một loại quỹ tương hỗ giúp trả các khoản tiền hồi môn của các cô gái). [65] Cuối cùng, vào năm 1494, trong cảnh hỗn loạn khi nước Pháp xâm lược, gia đình Medici bị trục xuất, toàn bộ gia sản của họ bị tịch thu và thanh lý. Buộc tội gia đình Medici gây ra những bất hạnh của thành phố, thầy tu dòng Dominic Girolamo Savonarola đã kêu gọi tiến hành một cuộc thanh tẩy "Lửa thiêu những phù hoa" [66]. Lời kêu gọi này được đáp ứng khi một đám đông chiếm dinh cơ nhà Medici và đốt hầu hết sổ sách của ngân hàng này. (Các dấu đuốc màu đen vẫn còn lưu trên những giấy tờ còn sót lại.) Như chính Lorenzo đã viết trong một bài hát mà ông ta soạn trong thập niên 1470: "Nếu bạn vui được hôm nay, xin cứ / Nào có gì chắc chắn ngày mai."
Thế nhưng khi giới tinh hoa giàu có của Florence suy ngẫm về việc kẻ xúi giục Savonarola và đám đông bình dân lên thay thế cho sự cai trị của nhà Medici, họ bắt đầu cảm thấy nuối tiếc gia đình huy hoàng này. Năm 1537, khi mới 17 tuổi, Cosimo de' Medici (Trẻ) được triệu hồi trở lại Florence và năm 1569 trở thành Đại Công tước xứ Tuscany. Dòng họ này nối đời làm công tước trong hơn hai trăm năm, cho tới tận năm 1743. Những palle (hình viên tròn) giống đồng tiền xu ở trên gia huy của nhà Medici là sự nhắc nhở thường xuyên tới nguồn gốc của gia đình này.
Mặc dù đã có nhiều người thử nghiệm trước họ, gia tộc Medici là những chủ ngân hàng đầu tiên thực hiện được quá trình chuyển dịch từ thành công tài chính tới vị thế và quyền lực cha truyền con nối. Họ đạt được điều này nhờ học được một bài học quan trọng: trong tài chính, hiếm khi nào nhỏ lại đẹp [67]. Bằng cách làm cho ngân hàng của họ lớn hơn và đa dạng hóa hơn bất kỳ tổ chức tài chính nào trước đây, họ đã tìm ra cách san đều rủi ro. Và nhờ vào việc tham gia buôn bán tiền tệ cũng như cho vay, họ giảm được rủi ro khách hàng không trả nợ.
Hệ thống ngân hàng của Italia trở thành mô hình cho các quốc gia Bắc Âu để các nước này đạt được thành công thương mại rực rỡ nhất trong những thế kỷ sau, trong đó đáng chú ý nhất là người Hà Lan và người Anh, nhưng ngoài ra còn có cả người Thụy Điển nữa. Chính ở Amsterdam, London và Stockholm đã xảy ra làn sóng đổi mới tài chính có tính quyết định tiếp theo, và tiền thân của các ngân hàng trung ương hiện đại lần đầu tiên xuất hiện. Thế kỷ 17 chứng kiến sự thành lập ba tổ chức hoàn toàn mới, theo những cách khác nhau, được tạo ra để phục vụ các chức năng tài chính công cộng cũng như tư nhân. Ngân hàng Giao dịch Amsterdam (Wisselbank) được thành lập năm 1609 để giải quyết các vấn đề thực tế mà các thương nhân gặp phải trong quá trình lưu chuyển nhiều loại tiền tệ khác nhau ở Các tỉnh Hợp nhất [68], nơi có không ít hơn 14 loại tiền khác nhau và vô số đồng tiền của nước ngoài. Bằng cách cho phép thương nhân lập các tài khoản được định giá bằng một loại tiền tệ tiêu chuẩn, Ngân hàng Giao dịch đi đầu trong việc phát triển hệ thống séc, ghi nợ trực tiếp và chuyển tiền mà ngày nay chúng ta coi như hiển nhiên. Điều này cho phép ngày càng có nhiều giao dịch thương mại được diễn ra mà không cần tới việc sử dụng số tiền mặt trên thực tế. Một thương nhân có thể trả tiền cho người khác chỉ đơn giản bằng cách ghi nợ ở tài khoản của anh ta tại ngân hàng và ghi có cho tài khoản của đối tác. [69] Hạn chế của hệ thống này chỉ là việc Ngân hàng Giao dịch phải duy trì một tỷ lệ gần 100% giữa lượng tiền gửi trong các tài khoản và dự trữ của ngân hàng bằng kim loại và tiền đồng. Cho tới tận năm 1760, khi lượng tiền gửi trong các tài khoản gần bằng 19 triệu florin, dự trữ bằng kim loại của ngân hàng này cũng lên tới trên 16 triệu. Do đó một cuộc rút tiền gửi ồ ạt ở ngân hàng này là hầu như không thể xảy ra, bởi lẽ ngân hàng có đủ tiền để thỏa mãn hầu như toàn bộ nhu cầu tiền mặt của các chủ tiền gửi, nếu vì một lý do nào đó họ đồng loạt muốn rút tiền từ tài khoản tiền gửi của mình. Điều này hiển nhiên giúp ngân hàng trở nên an toàn, nhưng nó cũng ngăn cản việc ngân hàng thực hiện chức năng mà ngày nay được coi là đặc điểm nhận dạng của một ngân hàng, đó là tạo ra tín dụng.
Chính ở Stockholm vào gần nửa thế kỷ sau, với sự ra đời của Riksbank Thụy Điển vào năm 1656, mà trở ngại này đã được phá vỡ. Mặc dù thực hiện các chức năng tương tự như Wisselbank của Hà Lan, Riksbank cũng được thiết kế để làm một Lanebank, có nghĩa là nó tham gia cả vào việc cho vay lẫn hỗ trợ các khoản thanh toán thương mại. Bằng cách cho vay các khoản vượt quá dự trữ kim loại của nó, ngân hàng này đã đi đầu trong hình thức sau này có tên là hoạt động ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ, nhằm tận dụng tiền gửi để cho người đi vay vay tiền và sinh lợi cho ngân hàng. Bởi lẽ khó có khả năng người gửi tiền đồng loạt rút tiền, nên người ta chỉ giữ lại một tỷ lệ nào đó trong tổng số tiền gửi làm dự trữ của ngân hàng vào một thời điểm nhất định. Do đó các khoản nợ của ngân hàng bằng với tiền gửi tại đấy (mà ngân hàng phải trả lãi trên đó) cộng với dự trữ (mà nó không thu được lãi trên đó); tài sản của ngân hàng trở thành các khoản cho vay (nó có thể thu lãi trên đó).
Sáng kiến vĩ đại thứ ba của thế kỷ 17 xảy ra tại London với việc thành lập Ngân hàng Anh (Bank of England) năm 1694. Được thiết kế chủ yếu nhằm tài trợ chi phí chiến tranh cho chính phủ (bằng cách biến đổi một phần nợ của chính phủ thành cổ phần trong ngân hàng), ngân hàng này nhận được một số đặc quyền nổi bật. Từ năm 1709, nó là ngân hàng duy nhất được phép vận hành dưới hình thức công ty cổ phần (xem Chương 3); và từ năm 1742, nó thiết lập thế độc quyền một phần trong việc phát hành giấy bạc ngân hàng, một hình thức kỳ phiếu (promissory note) riêng biệt không mang lãi, nhằm hỗ trợ cho thanh toán mà không cần tới việc hai bên giao dịch phải có tài khoản lưu hành.
Để hiểu được quyền năng của ba sáng kiến này, các sinh viên MBA năm đầu tại Trường Kinh doanh Harvard tiến hành một trò chơi tiền bạc đơn giản. Trò chơi bắt đầu với việc một ngân hàng trung ương giả định, thay mặt cho chính phủ, chi trả giáo sư 100 đô la tiền công cho một công việc tư vấn không béo bở lắm. Vị giáo sư mang tiền tới một ngân hàng giả định do một trong số các sinh viên điều hành và gửi tiền vào đó, thế là ông nhận được một phiếu gửi tiền. Để đơn giản, giả sử ngân hàng này vận hành với tỷ lệ dự trữ 10% (tức là ngân hàng muốn duy trì tỷ lệ dự trữ trên tổng nợ của nó ở mức 10%), nó sẽ gửi 10 đô la cho ngân hàng trung ương và cho vay 90 đô la còn lại cho một trong các khách hàng. Trong khi khách hàng này chưa quyết định làm gì với khoản vay, ông ta gửi tiền vào một ngân hàng khác. Ngân hàng này cũng có quy định dự trữ 10%, do đó nó gửi 9 đô la tại ngân hàng trung ương và cho vay 81 đô la còn lại cho một trong các khách hàng. Sau vài vòng như vậy, giáo sư yêu cầu lớp học tính mức độ tăng trong cung tiền. Việc này cho phép ông trình bày về hai định nghĩa then chốt trong lý thuyết tiền tệ hiện đại: M0 (còn được gọi là tiền cơ sở [monetary base] hay tiền có mãnh lực [high-powered money]), bằng tổng nợ của ngân hàng trung ương, tức là bằng tiền mặt cộng với các khoản dự trữ của các ngân hàng thương mại dưới hình thức tiền gửi tại ngân hàng trung ương; và M1 (còn được gọi là tiền theo nghĩa hẹp [narrow money]), bằng tiền mặt đang lưu thông cộng với tiền gửi không kỳ hạn. Tới thời điểm tiền được gửi tại ba ngân hàng sinh viên khác nhau, M0 bằng 100 đô la nhưng M1 sẽ bằng 271 đô la (100 + 90 + 81). Ví dụ này minh họa rõ ràng, dù đã được đơn giản hóa cao độ, hoạt động ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ thời hiện đại cho phép tạo ra tín dụng và do đó tạo ra tiền.
Vị giáo sư sau đó bất ngờ đòi lấy lại 100 đô la của mình từ sinh viên thứ nhất. Sinh viên này phải rút từ dự trữ của anh ta và đòi lại tiền mà anh ta cho sinh viên thứ hai vay, tạo ra hiệu ứng domino khiến M1 co hẹp cũng nhanh chóng như khi nó mở rộng. Việc này minh họa cho nguy cơ xảy ra hiện tượng rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng. Do ngân hàng thứ nhất chỉ có một người gửi tiền, việc ông này rút tiền sẽ tạo ra một yêu cầu nhiều gấp mười lần so với dự trữ của nó. Sự sống còn của chủ ngân hàng thứ nhất rõ ràng phụ thuộc vào việc anh ta có thể đòi lại số tiền mà anh ta đã cho khách hàng của mình vay không, người này đến lượt mình lại phải rút toàn bộ tiền gửi của anh ta tại ngân hàng thứ hai, và cứ như vậy. Khi cho vay, các chủ ngân hàng cần phải suy nghĩ kỹ về mức độ dễ dàng trong việc thu hồi tiền của họ. Đây thực chất là vấn đề tính thanh khoản (liquidity) của khoản cho vay.
Cần phải thừa nhận rằng định nghĩa cung tiền có cái gì đó hơi tùy tiện. Một số cách xác định M1 bao gồm cả séc du lịch. M2 cộng thêm tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền gửi thị trường tiền tệ và giấy chứng nhận tiền gửi. M3 là khái niệm còn rộng hơn nữa, bao gồm thêm tiền gửi đô la châu Âu (eurodollar deposit) tại các thị trường nước ngoài, và các thỏa thuận mua lại (repurchase agreement) giữa các ngân hàng và các tổ chức trung gian tài chính khác. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải bận tâm với những vấn đề kỹ thuật ở đây. Điểm quan trọng cần thấy được là với việc lan rộng khắp thế giới phương Tây của: a) các giao dịch phi tiền mặt nội ngân hàng và liên ngân hàng, b) hoạt động ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ, và c) thế độc quyền phát hành tiền mặt của ngân hàng trung ương, bản chất của tiền tệ đã tiến hóa theo một cách thức hết sức quan trọng. Tiền tệ không còn được hiểu như người Tây Ban Nha từng hình dung về nó trong thế kỷ 16, là thứ kim loại quý hiếm được đào lên, nung chảy và đúc thành đồng tiền. Giờ đây, tiền tệ là tổng các khoản nợ cụ thể (tiền gửi và dự trữ) của ngân hàng. Tín dụng thì chỉ đơn giản là tổng các tài sản của ngân hàng (các khoản cho vay). Một phần trong số tiền này vẫn có thể bao gồm kim loại quý, mặc dù tỷ lệ các kim loại này được dự trữ trong kho của ngân hàng trung ương ngày càng cao. Nhưng hầu hết tiền tệ bao gồm tiền giấy và tiền xu đều được thừa nhận là tiền pháp định, cùng với thứ tiền vô hình chỉ tồn tại trong bảng báo cáo tài khoản tiền gửi. Sáng kiến mới về tài chính đã thay thế cho thứ bạc trơ ì ở Potosí và trở thành cơ sở cho hệ thống tiền tệ hiện đại, trong đó các mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ được môi giới hóa hay "trung gian" hóa bởi ngày càng nhiều các tổ chức có tên là ngân hàng. Ngày nay, chức năng cốt lõi của các tổ chức này là thu thập thông tin và quản lý rủi ro. Nguồn lợi nhuận của chúng nằm ở việc tối đa hóa sự chênh lệch giữa chi phí từ các khoản nợ và thu nhập trên tài sản của chúng, trong khi không làm giảm dự trữ tới mức độ khiến ngân hàng trở nên dễ đổ vỡ trước một cuộc rút tiền gửi ồ ạt - một sự khủng hoảng lòng tin vào khả năng đáp ứng người gửi tiền của ngân hàng khiến cho việc rút tiền ngày càng leo thang và cuối cùng dẫn tới phá sản: thực chất đó là sự đổ vỡ của ngân hàng.
Một điều quan trọng là trong khi các kỹ thuật ngân hàng Italia được cải thiện tại các trung tâm tài chính ở Bắc Âu thì có một quốc gia lại tụt hậu một cách không ngờ. Ỷ lại vào kho kim loại quý dồi dào, nước Tây Ban Nha hùng mạnh đã không phát triển được một hệ thống ngân hàng tiên tiến, thay vào đó nó dựa vào những khoản tiền mặt được ứng trước ngắn hạn từ các thương nhân ở Antwerp để đổi lấy việc giao nhận bạc trong tương lai. Quan niệm tiền tệ thực ra là tín dụng chứ không phải kim loại chưa bao giờ được tiếp thu tại Madrid. Trên thực tế, cuối cùng vương triều Tây Ban Nha đã vỡ nợ toàn bộ - hay một phần số nợ - ít nhất mười bốn lần trong giai đoạn từ năm 1557 tới 1696. Với lý lịch như thế, toàn bộ số bạc tại Potosí cũng không thể biến Tây Ban Nha thành nơi an toàn cho tín dụng. Trong thế giới hiện đại, quyền lực chuyển sang các chủ ngân hàng, chứ không phải những kẻ phá sản.
Sự tiến hóa của ngân hàng
Các sử gia về tài chính có quan điểm khác nhau về vai trò của sự phát triển hệ thống ngân hàng sau thế kỷ 17 đối với sự gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu tại Anh vào cuối thế kỷ 18, sau đó lan rộng sang Tây Âu và những thuộc địa quy mô lớn của châu Âu tại Bắc Mỹ và Á-Úc (Australasia). [70] Nhưng chắc chắn không có gì phải nghi ngờ rằng cách mạng tài chính đi trước cách mạng công nghiệp. Đúng là những đột phá quyết định trong ngành dệt và sản xuất thép, hai mũi nhọn của cuộc cách mạng công nghiệp, không phụ thuộc nhiều vào các ngân hàng trong việc cung cấp vốn. [71] Nhưng các ngân hàng đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong quá trình công nghiệp hóa ở châu Âu lục địa so với ở Anh. Trên thực tế, có thể việc tìm một mối quan hệ nhân quả đơn giản sẽ là vô ích (các tổ chức tài chính tiên tiến hơn tạo ra tăng trưởng hay tăng trưởng thúc đẩy phát triển tài chính). Hai quá trình này hoàn toàn có thể phụ thuộc lẫn nhau và củng cố cho nhau. Cả hai đều thể hiện đặc tính tiến hóa rõ rệt, với sự đột biến thường kỳ (sáng kiến kỹ thuật), sự hình thành loài (sự ra đời nhiều loại hãng mới) và cân bằng ngắt quãng (các cuộc khủng hoảng sẽ quyết định hãng nào tồn tại và hãng nào sẽ biến mất).
Nói theo lời Adam Smith, "hoạt động sáng suốt của ngân hàng, bằng cách dùng tiền giấy thay thế phần lớn... vàng và bạc... tạo ra... một đường xe ngựa băng băng." Trong một thế kỷ sau khi ông xuất bản cuốn The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia, 1776), các sáng kiến tài chính đã bùng nổ kéo theo sự xuất hiện của vô số kiểu ngân hàng khác nhau ở châu Âu và Bắc Mỹ. Loại hình được thiết lập xưa nhất là các ngân hàng chiết khấu hối phiếu, giúp tài trợ cho nội thương và ngoại thương bằng cách chiết khấu các hối phiếu do một thương nhân ký phát cho một thương nhân khác. Ngay vào thời Smith, London đã là nơi quần tụ nhiều hãng đặc biệt thành công như Barings, chuyên về dịch vụ ngân hàng thương mại vượt Đại Tây Dương (theo tên gọi sau của loại hình dịch vụ này). Vì các lý do luật định, các ngân hàng Anh thời kỳ này hầu hết đều là các hợp danh (partnership) tư nhân, một số tập trung vào việc kinh doanh trong khu City - tên gọi khu vực một dặm vuông tại London nơi tập trung các hoạt động tài chính phục vụ giới thương nhân trong nhiều thế kỷ, trong khi số khác lại chuyên phục vụ giới thượng lưu có ruộng đất. Những ngân hàng thuộc loại sau được gọi là các "ngân hàng nông thôn", và sự thăng trầm của chúng theo sát sự thăng trầm của ngành nông nghiệp ở Anh.
Sự khác biệt then chốt giữa tiến hóa trong tự nhiên và tiến hóa trong tài chính nằm ở đặc điểm có thể gọi là "thiết kế thông minh" [72] - mặc dù trong trường hợp này, người điều tiết luôn là con người chứ không phải là thần thánh. Dần dần, thông qua một quá trình thử sai kéo dài, Ngân hàng Anh đã phát triển các chức năng công cộng, để đổi lại lệnh tái xác nhận độc quyền phát hành tiền giấy của nó được ban hành năm 1826. Nó thành lập chi nhánh tại các tính và dần dần tiếp quản toàn bộ công việc phát hành tiền giấy từ tay các ngân hàng nông thôn” [73]. Ngân hàng này cũng ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong các giao dịch liên ngân hàng. Ngày càng nhiều các khoản tiền mà các ngân hàng nợ lẫn nhau được giao dịch qua các phòng giao dịch của Ngân hàng Anh tại phố Threadneedle. Với việc luật cho vay nặng lãi theo đó giới hạn mức chiết khấu trên hối phiếu thương mại bị bãi bỏ vào năm 1833, Ngân hàng Anh có thể hoàn toàn phát huy lợi thế quy mô do là ngân hàng lớn nhất trong khu City. Dần dần, tỷ lệ chiết khấu của nó được xem như mức lãi suất ngắn hạn tối thiểu trên cái gọi là thị trường tiền tệ (thị trường dành cho các khoản tín dụng ngắn hạn, chủ yếu thông qua việc chiết khấu hối phiếu thương mại).
Một câu hỏi vẫn chưa được giải đáp trong bốn mươi năm sau đó là tương quan giữa dự trữ của Ngân hàng Anh với lượng lưu thông tiền giấy của nó sẽ phải như thế nào. Trong thập niên 1840, quan điểm của Thống đốc Ngân hàng J. Horsley Palmer là mức dự trữ chủ yếu được điều tiết bởi quy mô của việc chiết khấu, miễn là một phần ba số dự trữ này bao gồm tiền vàng hay vàng thỏi. Thủ tướng Anh, Sir Robert Peel, tỏ ra ngờ vực cách làm này. Ông tin rằng việc làm như vậy chứa đựng rủi ro phát hành tiền quá mức và lạm phát. Luật Hoạt động Ngân hàng năm 1844 của Peel chia Ngân hàng Anh thành hai bộ phận: ban nghiệp vụ ngân hàng thực hiện các công việc kinh doanh thương mại của Ngân hàng Anh, và ban phát hành, được trao 14 triệu bảng tiền chứng khoán cùng một số lượng không ấn định tiền vàng và vàng thỏi, số tiền này sẽ dao động căn cứ vào cán cân thương mại giữa nước Anh và thế giới. Lượng phát hành tiền tín dụng (fiduciary note) không được vượt quá tổng giá trị của số chứng khoán và vàng nói trên. Nhưng các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau (vào các năm 1847, 1857 và 1866) cho thấy quy định này trói buộc quá chặt; ở cả ba cuộc khủng hoảng, Luật này đều bị tạm ngừng thi hành để tránh sự sụp đổ thanh khoản [74] hoàn toàn. Chỉ sau cuộc khủng hoảng cuối cùng, khi một cuộc đổ xô đi rút tiền ngoạn mục đã khiến ngân hàng Overend Gurney sụp đổ, tổng biên tập tạp chí The Economist (Nhà kinh tế) Walter Bagehot mới đưa ra một công thức mới cho vai trò phù hợp của Ngân hàng Anh trong khủng hoảng. Đó là vai trò làm "nơi bấu víu cho vay cuối cùng", cho vay thoải mái, nhưng với mức lãi phạt, nhằm chống lại các cuộc khủng hoảng thanh khoản. [75]
Nhưng cần nhấn mạnh là Bagehot không giải quyết được hoàn toàn vấn đề tiền tệ thời Victoria. Ông cũng không khá hơn những lý thuyết gia kinh tế nổi tiếng trong thế kỷ 19 để có thể thách thức nguyên tắc thiêng liêng, được thiết lập từ thời Isaac Newton làm Giám quản xưởng đúc tiền (Master of the Mint), rằng một bảng (pound sterling) sẽ được chuyển đổi thành vàng theo một tỷ lệ ấn định không đổi là 3 bảng 17 shilling và 10,5 xu tương đương 1 ounce vàng [76]. Nếu đọc các thảo luận đương thời về chế độ bản vị vàng, có thể thấy rằng người thời Victoria cũng làm nô lệ cho thứ kim loại quý này giống như những kẻ sang chinh phục châu Mỹ ba thế kỷ trước đó. "Chỉ có các Kim loại Quỹ mới là tiền," một trong những bậc quyền cao chức trọng của khu City là Nam tước Overstone đã tuyên bố. "Tiền giấy là tiền bởi vì nó là đại diện cho Tiền Kim loại. Nếu không làm được vậy, thì chúng sẽ là thứ tiền giả mạo không hơn không kém. Một người gửi có thể nhận được kim loại, nhưng không phải người gửi nào cũng có thể, do đó tiền gửi không phải là tiền thực sự." [77] Nếu như nguyên tắc này được tuân thủ, và nếu như lượng cung tiền của nền kinh tế Anh thực sự bám vào số tiền vàng và vàng thỏi có trong dự trữ của Ngân hàng Anh, thì sự tăng trưởng của nền kinh tế Anh đã bị dừng lại, kể cả khi tính tới hiệu ứng mở rộng nền kinh tế nhờ số vàng mới được phát hiện trong thế kỷ 19. Việc phát hành tiền của Ngân hàng Anh hạn chế tới mức dự trữ vàng thỏi của nó thậm chí còn nhiều hơn giá trị tiền mặt lưu hành từ giữa thập kỷ 1890 cho tới Thế chiến thứ nhất. Chỉ có sự ra đời của hàng loạt các loại ngân hàng mới, đặc biệt là các ngân hàng nhận tiền gửi, mới giúp cho quá trình mở rộng tiền tệ diễn ra. Sau năm 1858, các hạn chế đối với ngân hàng cổ phần bị dỡ bỏ, mở đường cho sự ra đời của một số ngân hàng thương mại lớn: London & Westminster (thành lập năm 1833), National Provincial (1834), Birmingham & Midland (1836), Lloyds (1884) và Barclays (1896). Hình thức ngân hàng đầu tư công nghiệp từng thành công ở Bỉ (Société Générale), ở Pháp (Crédit Mobilier) và Đức (Ngân hàng Darmstädter) thì lại không thành công lắm tại Anh sau thất bại của Overend Gurney. Nhu cầu thiết yếu không phải ở chỗ các ngân hàng mua lượng lớn cổ phần của các công ty công nghiệp mà là ở chỗ các tổ chức thu hút tiền gửi của người tiết kiệm, tạo ra cơ sở liên tục mở rộng cho những khoản cho vay mới ở phía bên kia bảng cân đối.
Trong quá trình này có vai trò hết sức quan trọng của các ngân hàng tiết kiệm mới ra đời, đã sinh sôi nảy nở vào đầu thế kỷ 20. Cho tới năm 1913, số tiền gửi tại các ngân hàng tiết kiệm Anh đã lên tới 256 triệu bảng, xấp xỉ một phần tư tổng tiền gửi tại Anh. Tài sản của các ngân hàng tiết kiệm Đức lớn gấp 2,5 lần tài sản của các ''đại ngân hàng" mà nhiều người biết như Darmstädter, Deutsche, Dresdner và Disconto-Gesellschaft. Cho tới khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, giá trị tiền gửi của người dân tại các ngân hàng Anh đã đạt gần 1,2 tỷ bảng, trong khi tổng tiền mặt lưu hành chỉ là 45,5 triệu bảng. Giờ đây tiền đã chủ yếu nằm trong các ngân hàng và người ta không nhìn thấy chúng, dù rằng không lúc nào không nghĩ tới chúng.
Mặc dù có khác biệt nhưng hầu hết các nền kinh tế phát triển đều theo chân nước Anh trong việc điều tiết thông qua một ngân hàng trung ương độc quyền, hoạt động theo chế độ bản vị vàng, và tập trung việc nhận tiền tiết kiệm tại một số tương đối ít các tổ chức tài chính lớn. Ngân hàng Pháp (Banque de France) được thành lập năm 1800 và Reichsbank của Đức được thành lập năm 1875, Ngân hàng Nhật Bản vào năm 1882 và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ vào năm 1907. Tại Anh, cũng như tại châu Âu lục địa, có các xu hướng rõ rệt tiến tới tập trung hóa, được thể hiện bằng sự sụt giảm số lượng các ngân hàng nông thôn từ mức cao nhất là 755 vào năm 1809 xuống chỉ còn 17 vào năm 1913.
Quá trình tiến hóa của ngành tài chính tại Mỹ lại rất khác. Tại đây, các nhà lập pháp có vẻ dị ứng với ý tưởng để cho một số nhà tài chính có quyền lực quá lớn. Họ đã hai lần hủy bỏ một ngân hàng trung ương từ khi còn trứng nước (Ngân hàng Hoa Kỳ thứ nhất và thứ hai), và chỉ tới năm 1913 mới thông qua luật cho phép thành lập Hệ thống Dự trữ Liên bang. Cho tới thời điểm này, nước Mỹ trên thực tế đã tham gia một thí nghiệm tự nhiên với hệ thống ngân hàng hoàn toàn tự do. Đạo luật Ngân hàng Quốc gia năm 1864 giảm đáng kể các rào cản cho việc thành lập ngân hàng sở hữu tư nhân, và quy định mức vốn thấp so với tiêu chuẩn châu Âu. Cùng lúc đó, lại có những cản trở trong việc thành lập loại ngân hàng hoạt động xuyên qua ranh giới các bang. Ảnh hưởng kết hợp của các quy định này là sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các ngân hàng toàn quốc và ngân hàng bang từ cuối thế kỷ 19 cho tới đầu thế kỷ 20, từ chưa đến 12.000 ngân hàng vào năm 1899 lên tới đỉnh cao là 30.000 ngân hàng vào năm 1922. Một số lượng lớn các ngân hàng có vốn quá ít chính là tiền đề cho sự thiếu ổn định tài chính và các cơn hoảng loạn, là đặc điểm thường thấy trong đời sống kinh tế Mỹ - ngoạn mục nhất là Đại Suy thoái, khi một cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn bị làm cho trầm trọng hơn thay vì được giảm nhẹ trong tay một cơ quan tiền tệ mới có hơn mười lăm năm kinh nghiệm hoạt động. Sự ra đời của bảo hiểm tiền gửi vào năm 1933 đã góp phần lớn làm giảm bớt sự dễ đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ trước những cuộc rút tiền ồ ạt. Tuy vậy, khu vực ngân hàng vẫn hết sức manh mún cho tới tận năm 1976, khi Maine trở thành bang đầu tiên hợp thức hóa hoạt động ngân hàng xuyên bang (interstate banking). Mãi cho tới tận năm 1993, sau cuộc khủng hoảng của các ngân hàng tiết kiệm và cho vay (xem Chương 5), số lượng các ngân hàng toàn quốc ở Mỹ mới lần đầu tiên trong gần một thế kỷ giảm xuống dưới con số 3.600.
Năm 1924, John Maynard Keynes từng lớn tiếng bác bỏ chế độ bản vị vàng, xem nó là "di tích thời dã man". Nhưng sự giải phóng tiền tệ do ngân hàng tạo ra, thoát khỏi sự neo giữ của kim loại quý, đã diễn ra chậm chạp. Hiển nhiên chế độ bản vị vàng có những lợi thế của nó. Tính ổn định của tỷ giá cho phép dự đoán giá trong thương mại và giảm chi phí giao dịch, trong khi sự ổn định lâu dài của giá cả đóng vai trò neo giữ các kỳ vọng về lạm phát. Chi phí vay mượn cũng có thể đã giảm xuống trong chế độ bám giữ vào vàng, do các chính phủ phải cam kết theo đuổi những chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng. Khó khăn trong việc neo giữ tiền tệ vào chế độ bản vị dựa trên một hàng hóa duy nhất, hay trên thực tế là neo giữ loại tiền tệ này vào loại tiền tệ khác, chính là việc các nhà hoạch định chính sách bắt buộc phải lựa chọn giữa di chuyển vốn tự do và chính sách tiền tệ quốc gia độc lập. Họ không thể đồng thời có cả hai. Neo giữ tiền tệ cũng có thể làm cho lãi suất ngắn hạn biến động cao hơn, do ngân hàng trung ương muốn giữ giá của đồng tiền ổn định theo tỷ giá cố định so với vàng. Điều này có nghĩa là giảm phát sẽ xảy ra nếu lượng cung của hàng hóa làm neo bị hạn chế (như trường hợp lượng cung của vàng so với nhu cầu về vàng trong hai thập kỷ 1870 và 1880). Và điều này có thể đưa đến các cuộc khủng hoảng tài chính (như đã xảy ra trong thời kỳ tái thiết lập bản vị vàng sau năm 1929). Trái lại, một hệ thống tiền tệ dựa chủ yếu vào các khoản tiền gửi ngân hàng và tỷ giá hối đoái thả nổi sẽ không chịu những hạn chế này. Chế độ bản vị vàng mất rất nhiều thời gian mới chết hẳn, nhưng không có nhiều người nuối tiếc khi vết tích cuối cùng của nó được dỡ bỏ ngày 15/8/1971, ngày Tổng thống Richard Nixon đóng cửa cái gọi là "cửa sổ" vàng, mà qua đó, trong những điều kiện hạn chế nhất định, đồng đô la vẫn còn có thể được hoán đổi thành vàng. Từ ngày đó trở đi, mối liên hệ kéo dài nhiều thế kỷ giữa tiền tệ và kim loại quý đã bị phá vỡ.
Quốc gia phá sản
Thành phố Memphis, bang Tennessee (Hoa Kỳ), nổi tiếng với những chiếc giày da màu xanh da trời, các bữa liên hoan ngoài trời và những vụ phá sản. Nếu bạn muốn hiểu cách thức các chủ nhà băng ngày nay - những người kế tục dòng họ Medici - đối phó với vấn đề rủi ro tín dụng do những người đi vay không đáng tin cậy tạo ra, thì Memphis nhất định là nơi thích hợp cho bạn.
Tính trung bình, có khoảng từ một tới hai triệu vụ phá sản hằng năm tại Mỹ, gần như toàn bộ đều hên quan tới các cá nhân lựa chọn phá sản thay vì thực hiện các nghĩa vụ mà họ không đáp ứng được. Một tỷ lệ lớn đến ngạc nhiên các vụ phá sản xảy ra ở bang Tennessee. Điều đáng chú ý là quá trình này dường như không đau đớn lắm, nếu so sánh với chuyện tương tự xảy ra tại Venice vào thế kỷ 16 hay một số khu vực tại Glasgow ngày nay. Hầu hết người đi vay lâm vào tình cảnh khó khăn tại Memphis có thể thoát khỏi hay ít nhất cũng giảm được số nợ của mình, mà không bị coi đó là vết nhơ và vẫn an toàn về mặt thân thể. Một trong những câu hỏi lớn nhất là làm thế nào nền kinh tế tư bản thành công nhất thế giới lại có thể được xây dựng trên nền tảng các đổ vỡ kinh tế dễ dàng như thế.
Khi tới thăm Memphis lần đầu vào đầu mùa hè năm 2007, tôi bị cuốn hút bởi sự có mặt khắp nơi và dày đặc của cả tín dụng dễ dãi và sự phá sản dễ dàng. Tất cả những gì tôi phải làm là đi bộ dọc một con phố gần trung tâm thành phố. Đầu tiên sẽ là các trung tâm mua sắm và cửa hàng đồ ăn nhanh, đó là những nơi người Tennessee tiêu dùng đáng kể. Ngay cạnh đó là văn phòng "tư vấn thuế" sẵn sàng giúp những ai thiếu tiền mặt đòi khoản khấu trừ thuế (tax credit) cho người có thu nhập thấp. Tôi thấy một cửa hiệu cho vay tiền lấy ô tô làm thế chấp, bên cạnh đó là một công ty cho vay thế chấp nhà lần hai, và một cửa hàng đổi séc lấy tiền mặt đồng thời ứng trước tiền dựa vào lương cho khách hàng (với lãi suất 200%). Đó là chưa kể tới một hiệu cầm đồ có quy mô bằng cả cửa hàng bách hóa. Ở vị trí tiện lợi cho những người đã thế chấp tất cả tài sản của mình là một trung tâm cho thuê những đồ nội thất rẻ tiền và ti vi. Và kế bên đó? Trung tâm Plasma, trả 55 đô la một lần cho những người hiến máu. Thành phố Memphis hiện đại đã trao cho thành ngữ "vắt kiệt máu" một ý nghĩa hoàn toàn mới. Một cốc máu có thể không khó mất đi như một pound thịt nhưng ý tưởng chung lại giống nhau đến đáng buồn.
Thế nhưng hậu quả của việc phá sản tại Memphis ít nghiêm trọng hơn nhiều so với rủi ro chết chóc mà Antonio gặp phải tại Venice. Ngay sau Trung tâm Plasma, tôi dừng chân tại văn phòng của George Stevenson, một trong các luật sư kiếm sống bằng cách tư vấn cho các vụ phá sản tại Tòa Phá sản Hoa Kỳ khu vực Tây Tennessee. Vào thời gian tôi tới Tennessee, số các đơn xin phá sản tại riêng khu vực Memphis đã vào khoảng 10.000, và tôi không ngạc nhiên khi thấy Tòa Phá sản đông kín người. Hệ thống này có vẻ hoạt động rất trơn tru. Từng người một, các cá nhân và cặp vợ chồng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán ngồi cùng với một luật sư, người sẽ đứng ra thay mặt họ để đàm phán với các chủ nợ. Thậm chí còn có một lối tắt riêng cho những người muốn phá sản nhanh chóng - mặc dù tính trung bình, chỉ có ba trên năm vụ phá sản là được dàn xếp (nghĩa là đạt được thỏa thuận với chủ nợ).
Khả năng rũ bỏ món nợ không thể duy trì và bắt đầu lại từ đầu là một trong những đặc trưng kỳ khôi của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Vào đầu thế kỷ 19, chưa hề có các nhà tù cho con nợ ở Mỹ, trong khi cùng thời gian đó, các con nợ Anh sẽ phải mòn mỏi lê thân trong tù hàng năm trời. Từ năm 1898, mỗi người Mỹ đều có quyền xin thực hiện Chương VII (thanh lý tài sản) hay Chương XIII (tự nguyện tái tổ chức cá nhân) trong Luật Phá sản Mỹ. Dù giàu hay nghèo, người dân Mỹ dường như coi phá sản là "quyền không thể tách rời", gần như tương đương với quyền "sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc". Lý lẽ cho thực tế này là quan điểm rằng luật ở Mỹ tồn tại nhằm khuyến khích tính thần kinh doanh, tức là tạo điều kiện cho sự hình thành các doanh nghiệp mới.
Và điều này có nghĩa là cho người ta được dung thứ nếu các kế hoạch của họ thất bại, kể cả khi chuyện đó xảy ra lần thứ hai, và theo đó cho phép những người ưa rủi ro bẩm sinh học hỏi từ các thử nghiệm và thất bại của mình, cho tới khi cuối cùng, họ cũng tìm ra cách kiếm tiền triệu. Suy cho cùng, những người phá sản hôm nay rất có thể là các chủ doanh nghiệp thành đạt của ngày mai.
Thoạt nhìn, có vẻ như lý thuyết này thực sự hiệu quả. Nhiều doanh nhân thành công nhất nước Mỹ đã thất bại trong những nỗ lực ban đầu của mình, bao gồm cả ông vua xốt cà chua John Henry Heinz, ông trùm ngành xiếc Phineas Barnum và đại gia xe hơi Henry Ford. Tất cả những người này cuối cùng đều giàu kinh khủng, và một lý do không nhỏ là họ có được cơ hội để thử, để thất bại và để làm lại. Nhưng nếu quan sát kỹ những gì xảy ra ở Tennessee thì vấn đề lại khác. Những người có mặt tại Tòa Phá sản Memphis không phải là các doanh nhân sắp phá sản. Họ chỉ là những cá nhân bình thường không thể trả được các hóa đơn của mình - thường là các hóa đơn y tế lớn mà người Mỹ đột nhiên phải đối mặt nếu như họ không được bảo hiểm y tế cá nhân chi trả. Việc phá sản có lẽ ban đầu là để giúp các doanh nhân và doanh nghiệp của họ, nhưng ngày nay có tới 98% hồ sơ phá sản được xác định là không thuộc kinh doanh. Nguyên nhân chính dẫn tới phá sản không phải là máu kinh doanh mà là tình trạng nợ nần. Trong năm 2007, nợ tiêu dùng của Mỹ đạt tới mức kỷ lục 2,5 nghìn tỷ đô la. Vào năm 1959, nợ tiêu dùng tương đương 16% thu nhập cá nhân khả dụng. Hiện nay, con số này là 24%. [78] Một trong những thách thức mà bất kỳ nhà sử học tài chính hiện đại nào cũng gặp phải là làm sao hiểu được nguyên nhân xảy ra sự bùng nổ nợ nần của hộ gia đình, và ước tính các hậu quả có thể sẽ xảy ra nếu như - và điều này dường như là không tránh khỏi - có sự gia tăng tỷ lệ phá sản tại các bang như Tennessee.
Trước khi có thể trả lời được các câu hỏi này một cách đầy đủ, chúng ta cần xem xét các thành phần then chốt khác của hệ thống tài chính: thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản và quá trình toàn cầu hóa phi thường này đã diễn ra trong vòng hai mươi năm qua trên tất cả các thị trường. Nhưng nguyên nhân sâu xa chắc chắn nằm trong việc tiến hóa của tiền tệ và các ngân hàng, với nợ là thành phần chủ chốt. Một thực tế không thể né tránh là quyết định phá vỡ mối liên hệ giữa việc tạo ra tiền và dùng kim loại neo giữ đã đưa đến sự mở rộng tiền tệ chưa từng có - và cùng với nó là sự bùng nổ tín dụng mà thế giới chưa bao giờ được chứng kiến. Bằng cách đo tính thanh khoản như là tỷ lệ tiền theo nghĩa rộng trên sản lượng [79] trong một trăm năm qua, chúng ta thấy rõ rằng xu hướng kể từ thập kỷ 1970 là tỷ lệ này tăng lên - ở những nước lớn phát triển, tỷ lệ này tăng từ khoảng 70% giai đoạn trước khi đóng cửa "cửa sổ vàng" tới hơn 100% vào năm 2005. [80] Trong khu vực đồng euro, tỷ lệ này tăng rất nhanh, từ mức chỉ hơn 60% vào năm 1990 lên tới gần 90% ngày nay. Trong khi đó, tỷ lệ vốn thích đáng (capital adequacy) của các ngân hàng tại các nước phát triển đang giảm chậm chạp nhưng đều đặn. Tại châu Âu, vốn ngân hàng hiện nay chưa bằng 10% tài sản, so với con số khoảng 25% vào đầu thế kỷ 20. [81] Nói cách khác, các ngân hàng không chỉ nhận thêm tiền gửi; họ còn cho vay một tỷ lệ lớn hơn của số tiền gửi này và giảm thiểu vốn cơ sở của mình. Ngày nay, tài sản của ngân hàng (tức là các khoản cho vay) tại các nền kinh tế lớn trên thế giới tương đương 150% tổng GDP của các nước này. [82] Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlement), tổng tài sản ngân hàng quốc tế vào tháng 12/2006 tương đương 29 nghìn tỷ đô la, xấp xỉ 63% GDP toàn thế giới. [83]
Giá đóng cửa của vàng trên thị trường New York (đô la trên ounce, theo thang logarit), 1908-2008.
Như vậy liệu có đáng ngạc nhiên khi tiền tệ không còn giữ nguyên được giá trị như thời bản vị vàng? Tờ bạc đô la ngày nay có thiết kế như bây giờ kể từ năm 1957. Từ đó, sức mua của nó, trong tương quan với chỉ số giá tiêu dùng, đã giảm đi một cách đáng kinh ngạc mất 87%. Lạm phát trung bình hằng năm trong giai đoạn này vượt quá 4%, cao gấp hai lần mức lạm phát mà châu Âu từng chứng kiến trong cuộc cách mạng giá cả do việc khai thác bạc ở Potosí mang lại. Một người đổi 1.000 đô la tiền tiết kiệm lấy vàng vào năm 1970, thời điểm mà cửa sổ vàng vẫn còn có hiệu lực, sẽ nhận được hơn 26,6 ounce một chút thứ kim loại quý này. Vào thời điểm viết cuốn sách này, với mức giá vàng đạt gần 1.000 đô la cho một ounce, ông ta có thể bán số vàng lấy số tiền 26.596 đô la.
Một thế giới không có tiền sẽ tồi tệ hơn, tồi tệ hơn nhiều, so với thế giới hiện nay. Thật là sai lầm khi cho rằng (như nhân vật Antonio của Shakespeare từng nghĩ) tất cả những người cho vay tiền chỉ là lũ đỉa, hút máu các con nợ không may mắn. Những kẻ cho vay nặng lãi có thể hành động như thế, nhưng các ngân hàng đã biến chuyển kể từ thời gia đình Medici, nhằm mục đích (như cách nói cô đọng của Huân tước Rothschild Đệ Tam) "hỗ trợ cho sự chuyển dịch tiền tệ từ điểm A, nơi hiện nó đang ở, tới điểm B, nơi người ta cần tới nó". [84] Tín dụng và nợ, nói tóm lại, nằm trong số những viên gạch thiết yếu cho phát triển kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự giàu có thịnh vượng của các quốc gia không kém gì khai khoáng, chế tạo hay điện thoại di động. Trái lại, nghèo đói hiếm khi có thể quy trực tiếp cho các mánh mung của những nhà tài chính tham lam. Nó thường xảy ra hơn là do thiếu vắng các tổ chức tài chính, các ngân hàng, chứ không phải do sự hiện diện của chúng. Chỉ khi nào người vay tiền tại những nơi như khu Đông Glasgow có thể tiếp cận được các mạng lưới tín dụng hiệu quả, họ mới có thể thoát khỏi móng vuốt của bọn cho vay nặng lãi; chỉ khi nào những người gửi tiền đưa tiền của mình vào các ngân hàng đáng tin cậy thì số tiền đó mới được chuyển dịch từ vốn nhàn rỗi tới những người chăm chỉ.
Do đó, quá trình tiến hóa của ngân hàng chính là bước đi quan trọng đầu tiên trong sự lên ngôi của đồng tiền. Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ tháng 8/2007 rất ít liên quan tới hình thức cho vay truyền thống của ngân hàng, hay thậm chí tới các vụ phá sản mà trên thực tế đã giảm trong năm 2007 (do sự thay đổi về mặt luật pháp). Nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng là sự thăng trầm của "cho vay chứng khoán hóa", nó cho phép các ngân hàng tạo ra các khoản cho vay, sau đó tái đóng gói chúng rồi đem bán lần nữa. Nhưng điều này xảy ra được chỉ là vì tiếp theo sự lên ngôi của các ngân hàng là sự lên ngôi của cột trụ lớn thứ hai trong hệ thống tài chính hiện đại: thị trường trái phiếu.