Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 08 - Phần 2

Năm ấy, triều đình lại trải qua một cơn sóng gió khác.

- Hoàng huynh, có chuyện gì không vui sao?

Viên đá rơi xuống làm mặt hồ phẳng như gương nổi sóng. Ống tay áo sắc vàng kim lại vung lên mạnh hơn nữa, hòn sỏi to như quả cau vuột khỏi tay, bay ra xa. Tư Thành không hỏi thêm nữa, chỉ lặng lẽ ngồi xuống cạnh Hoàng đế nhỏ. Bản thân cậu cũng không rõ tại sao mình lại có thể tiếp tục đối diện với Bang Cơ như thế, dường như chẳng hề thay đổi gì so với ngày trước.

- Ta… vừa giết người.

- Hoàng huynh… thế là… – Đôi mắt lặng lẽ của Tư Thành chợt xáo động.

Quẳng toàn bộ chỗ sỏi còn lại trong tay xuống mặt hồ, Bang Cơ cúi xuống tì cằm lên đầu gối, ôm lấy hai tay cánh tay mình. Mãi một lúc sau đứa bé mới khó nhọc lên tiếng:

- Mẫu hậu hạ lệnh giết Thái úy Trịnh Khả cùng con trai, giết cả Trịnh Khắc Phục. Chính anh… là người đóng dấu triện lên tờ chiếu chỉ đó.

- Sao bỗng nhiên có chuyện ấy được chứ?

- Người ta bẩm báo lại… nói Thái úy Khả kết đảng có ý mưu phản.

- Anh tin không?

Bang Cơ lắc đầu, ngẫm nghĩ một hồi rồi mới nói tiếp:

- Trong những bậc tể thần đứng đầu triều đình, người anh tin nhất chính là Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục. Ngoài mặt người ta một hai gọi anh là “quan gia” nhưng người thu vén tất cả mọi chuyện là mẫu hậu và Thái úy. Nếu không có ngài ấy, nạn tham nhũng, cửa quyền còn đến mức nào nữa? Nếu không có ngài ấy, ai sẽ đem quân đi đánh Chiêm Thành? Nói thế nào, với anh, người ấy là thầy. Trò giết thầy không rõ lý do, em nói xem, đó là chuyện chấp nhận được?

Những bậc nguyên lão đại thần trong triều khiến thiên hạ nể phục tính ra giờ cũng chẳng còn được mấy người. Những người được Tuyên Từ Hoàng thái hậu tin tưởng giao phó Hoàng đế trẻ tuổi càng ít hơn nữa. Trịnh Khả chính là một số ít ấy. Sự nghiêm cẩn thực thi luật pháp của ông, nghiêm cẩn đến mức cứng rắn, thẳng thừng không nể nang, không nhân nhượng quá nổi tiếng trong triều, được lòng quần thần ngay thẳng, được cả lòng dân chúng. Với Hoàng đế, Trịnh Khả chưa từng nịnh bợ, nói lời dễ nghe mà luôn lấy cương vị một người thầy mà uốn nắn, bảo ban, rèn giũa; với bản thân luôn sẵn sàng đứng ra tự kiểm điểm. Tuyên Từ Hoàng thái hậu đối đãi với người này thế nào, chỉ cần nhìn những chức tước được ban thưởng là quá đủ để hiểu[3]. Đùng một cái chiếu chỉ này được ban ra, thiên hạ sẽ lại được một phen náo loạn, có kẻ cả mừng cho xem.

[3] Sau khi đánh thắng Chiêm Thành, ông được trao chức Suy trung Tán trị Dương vũ Tĩnh nạn công thần, Thái Nguyên trấn Phiêu kỵ thượng tướng quân, đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty, nhập nội thiếu úy, kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự, thượng trụ quốc, ban túi kim ngư, kim phù, Quốc thượng hầu. (Theo Đại Việt thông sử – Lê Quý Đôn)

- Em nhớ có lần Thái úy bắt một vị quan trong triều cất cái lưới săn[4] đi không? Lần ấy sau giờ học, ngài ấy biết có người thưa bẩm với anh nên đã đích thân hỏi: “Thần làm vậy, quan gia nghĩ thế nào?”. Anh đã vờ bảo là mình không vừa ý… Rồi, ngài ấy thẳng thắn đáp: “Quan gia còn nhỏ tuổi, việc cần làm là dùi mài kinh sử để gánh vác giang sơn. Những chuyện ham vui, ham săn bắn nên tránh càng xa càng tốt. Chúng vừa phí thời gian, vừa chẳng tốt lành”.

[4] Lưới dùng để đi săn. Theo Đại Việt thông sử.

Ngày xưa chẳng phải phụ hoàng cũng từng là một người như vậy sao?

Nụ cười buồn lướt qua bờ môi rồi nhạt đi ngay.

- Quyền lực và tầm ảnh hưởng của Thái úy cũng là một nguy cơ với chính ngai vàng của anh. Ngài ấy có thể thao túng, lấn lướt ấu chúa. Ngài ấy cũng có thể lợi dụng sự tín nhiệm của Hoàng thái hậu để chèn ép quần thần vào một ngày nào đó.

- Anh không nghĩ vậy! Nếu muốn, Trịnh Khả đã có thể làm những chuyện ấy từ ngày xưa chứ không phải đợi đến bây giờ, càng không cần phải đổ quá nhiều tâm huyết vào giang sơn của anh đến thế!

Đó là một cách nhìn.

Không phải Bang Cơ ngốc nghếch. Là Hoàng đế luôn nhìn mọi chuyện bằng một đôi mắt thực sự bao dung, thực sự tin tưởng, thực sự lưu tình – thứ mà cả đời Lê Tư Thành không bao giờ có được. Không bao dung với người cùng huyết thống, càng không bao dung với quần thần, đến cả người con gái của mình cũng chẳng hề có. Tất cả luôn chất đầy sự tính toán bắt đầu từ ngày còn thơ bé. Cuộc đời và một bàn cờ thế với người ấy vốn chẳng mấy khác nhau.

- Hoàng huynh, em nhớ trước đây Thái úy Trịnh Khả từng dâng sớ tự hạch tội bản thân vì cho rằng sự thiếu sót của mình là lý do khiến trời làm ra hạn hán. Ngài ấy có viết, lúc tai dị giáng xuống, Hoàng huynh chưa đích thân chấp chính, nếu có lỗi thì là lỗi của quần thần, của chính Thái úy không thể giúp anh gánh vác giang sơn. Chuyện hôm nay… chẳng phải cũng như vậy sao? Anh là vua, tất cả quyền lực đều nằm trong tay, muốn sinh sát thế nào thì sẽ là như thế. Tiếc rằng bây giờ… – Cậu trầm giọng nói không nhanh, không chậm.

Câu nói bỏ lửng ấy của Tư Thành làm Bang Cơ suy nghĩ mãi.

Ngoài cửa là tiếng người nhốn nháo.

- Hôm nay là ngày xử trảm cha con Thái úy Trịnh Khả. – Tư Thành hạ thanh kiếm xuống, liếc mắt ra ngoài. Không ai nhìn ra trong đôi mắt ấy liệu có chút nào thương xót. – Bỗng nhiên Hoàng thái hậu làm vậy, ắt không thể không có lý do.

- Hoàng thái hậu đương nhiên phải bảo vệ ngai vị cho quan gia. – Nguyễn Xí dùng cả hai tay đưa chiếc khăn sạch cho đứa bé trước mặt.

- Ta muốn hỏi ngài và các hạ Đinh Liệt một chuyện.

- Xin điện hạ cứ nói.

- Là chuyện của thân mẫu với Tuyên Từ Hoàng thái hậu. – Tư Thành đáp, ánh mắt nhìn thẳng không hề né tránh, không hề xao động.

Hai người đàn ông lúc cúi đầu, lúc lại nhìn nhau khi thân vương nhỏ tuổi chầm chậm thuật lại những điều Thụy An kể cho cậu nghe. Đinh Liệt vuốt chòm râu, chăm chú nhìn đứa bé, nói:

- Điện hạ, thần mạo muội hỏi sao người đột nhiên gợi lại chuyện này?

Nhấp môi vào chén trà nhạt, Tư Thành chưa đáp vội, thong thả nhìn ngắm vườn cây trong nắng rồi mới nói:

- Ta cảm thấy tất cả mọi chuyện đều có liên quan đến nhau. Thái úy Trịnh Khả là người củng cố cơ nghiệp giúp đương kim hoàng thượng, nếu không có chuyện gì thực sự nghiêm trọng, không đời nào chiếu chỉ xử tội chết ấy lại bị ban xuống lạnh lùng như thế. Ngài ấy cũng như hai vị đều là khai quốc công thần giúp Thái Tổ dựng nên cơ đồ, đều phụng sự phụ hoàng ta, giờ lại cùng làm quan trong triều của hoàng huynh. Ta chỉ thấy hơi lạ, trong số ít những người cũng là nguyên lão, sao chỉ có ba vị vướng vào vòng lao lý với những lý do… khá mập mờ. Lần này là Trịnh Khả xui xẻo hơn nên cha con họ mới chết thảm như vậy? Mẫu thân ta có kể năm xưa bà lưu lạc trong dân gian mà vẫn có thể bình yên là nhờ vào sự che chở của cố đại nhân Nguyễn Trãi cùng hai vị. Phải chăng lần này… Thái úy Khả cũng liên quan như thế?

Những lời này hoàn toàn không phải là sự tò mò của trẻ con đơn thuần, rõ ràng là đã có cân nhắc cẩn thận, chắc chắn thì Bình Nguyên vương mới chọn cách nói trực diện, không vòng vo như vậy. Hai người đàn ông trầm ngâm suy nghĩ rất lâu, Tư Thành cũng chẳng hề tỏ vẻ vội vã. Ai không hiểu còn tưởng họ đang luận đàm một vấn đề học thuật nào đó chứ chẳng phải chuyện mưu mô chính trị chốn thâm cung.

- Điện hạ, nếu người đã biết đến vậy thì thần cũng không dám giấu nhưng… cũng chưa dám kể hết, mong điện hạ lượng thứ. Có vẻ như Ngô Tiệp dư không muốn để người biết về việc này quá sâu. – Nguyễn Xí chầm chậm nói – Thần chỉ có thể nói, năm xưa khi mẫu thân của ngài vẫn còn bị giam lỏng trong cung, trước cả khi cố đại nhân Nguyễn Trãi xin với Tiên đế cho chuyển Tiệp dư ra giam ở chùa Huy Văn, Hoàng thái hậu khi ấy còn là Thần phi đã hạ lệnh cho người đến bức tử mẫu thân của điện hạ. Người cứu thoát Ngô Tiệp dư chính là Trịnh Khả. Còn một chuyện nữa… hẳn người cũng đã biết về việc Tiên đế đột ngột băng hà tại Lệ Chi Viên. Ai cũng nói ở bên cạnh Tiên đế lúc lâm chung chỉ có Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ nên hẳn nhiên hung thủ chính là bà ấy, rồi kéo theo cả ba họ nhà Nguyễn Trãi. Nhưng sự thật là ngoài Lễ nghi học sĩ túc trực cạnh phụ hoàng của người, Trịnh Khả cũng có mặt, tự tay hầu hạ thuốc men.

- Hóa ra là vậy! – Tư Thành cười nhẹ, đôi tròng mắt tối thẫm lại. – Những chuyện còn lại ta hy vọng sẽ được hé lộ vào một ngày không xa. Mẫu thân ta là người thiện lương, vốn không thích những chuyện thị phi nên những điều chúng ta nói với nhau, người không cần phải biết. Nhưng ta thì khác. Ta muốn biết sự thật.

Ai cũng nói Thị Lộ giết vua, những lời ấy đứa bé đã nghe quá nhàm. Trịnh Khả có mặt ở đó, hẳn ông ta biết rõ cái chết của Thái Tông nhưng hơn mười năm trôi qua, vẫn chỉ có một sự im lặng. Khả không hề đứng ra làm chứng chống lại hay minh oan cho Lễ nghi học sĩ. Thiên hạ tin hay không tin, phục hay không phục thì vụ án tày đình đó vẫn khép lại với hung thủ là Nguyễn Trãi và Thị Lộ. Ngày ấy, mẹ của Tư Thành dù bị oan nhưng người đứng ra bảo vệ cũng chỉ có mình vợ chồng Hành khiển đại nhân. Những lời Thụy An nói đã được xác nhận bởi Nguyễn Xí và Định Liệt, tại thời điểm ấy, phe của Nguyễn Thị Anh đang thắng thế nên không ai dám làm mếch lòng hay ngu dại trực tiếp đối đầu. Chẳng phải đến tận bây giờ, Đinh Liệt dù không ưa cũng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì tính mạng của gia quyến hay sao? Sự im lặng của Trịnh Khả xem chừng cũng cùng một lý do như thế. Hoặc cũng có thể ông ta sợ nếu mình lên tiếng thì việc hầu hạ thuốc men kia sẽ là lý do khiến bản thân bị quàng vào thành đồng đảng với Lễ nghi học sĩ. Người ta thường chọn mạng sống của mình, thường quý mạng sống của mình, ấy cũng là một lẽ rất hiển nhiên.

- Thật may vì lần đó người theo hầu phụ hoàng ta đến Lệ Chi Viên không có hai vị đây. Biết quá nhiều cũng thật tai hại, đúng không? – Tư Thành cười, ánh mắt lấp lánh những tia nhìn kì quái mà cả hai người đàn ông trưởng thành, kinh nghiệm chiến trường, quan trường đều không thiếu nhưng lại chẳng thể hiểu nổi.

- Phụ thân… người xong việc chưa? Con đã luyện được thế võ người dạy con hôm trước rồi đấy. Người nhất định phải xem! – Đứa bé con tóc vẫn còn để chỏm quả đào len lén bước vào phòng, níu níu tay áo của Nguyễn Xí, nằng nặc kéo người đàn ông đi theo mình bằng được.

- Điện hạ, Thiếu bảo, thất lễ rồi! – Người đàn ông cười, ánh mắt chợt trở nên dịu dàng khi đưa tay xoa đầu đứa con trai lên sáu của mình. – Con xem, trong nhà còn có khách, cư xử như vậy được không?

Đến lúc này, đôi mắt đen lay láy của thằng bé mới chú ý đến những người còn lại trong gian nhà, bẽn lẽn khoanh tay nhưng lời chưa kịp nói thì đã có việc khác chen vào.

- Muộn rồi, ta xin phép! – Tư Thành đột ngột lên tiếng bằng một giọng lạnh băng rồi đi thẳng, không thèm nán lại dù chỉ là một chút.

Không khí tại dinh thự quen thuộc ấy đột nhiên trở nên ngột ngạt với cậu.

Nước sánh ra khỏi gầu khi đứa bé khom lưng kéo lên từ cái giếng, đổ ào vào cái thau đồng trước mặt. Vục hai tay vào làn nước mát, Tư Thành từ từ thấy đầu óc mình bình tĩnh trở lại.

Đinh Liệt và Nguyễn Xí là người ngoài, không phải chuyện gì cũng biết, những bất phục trong lòng xuất phát từ chỗ nghi ngờ, từ những phỏng đoán. Phàm đã là phỏng đoán, không bằng chứng, không nhân chứng thì làm được gì, xét ra cũng chẳng hơn một tin đồn là bao nhiêu. Họ hoàn toàn khác với Trịnh Khả. Bắt giam rồi thả ra, biếm chức rồi lại phục chức, thăng trầm chìm nổi một hồi hóa ra chỉ là vừa đánh vừa xoa, vừa muốn dằn mặt lại vừa phải lợi dụng. Còn Thái úy họ Trịnh kia dù lao tâm tổn trí đến mấy, một khi đã làm xong nhiệm vụ của mình, ấu chúa đã ngồi vững trên ngai, ông ta nên yên lành và bình tĩnh ôm cái bí mật động trời vào đêm ấy tại Trại Vải[5] xuống mồ. Vì đại cục trên một bàn cờ, dùng quân nào, bỏ quân nào, giăng bẫy ra sao… là một lẽ hết sức bình thường.

[5] Tên tục của Lệ Chi Viên.

Tư Thành cũng là một quân cờ như thế trên bàn cờ của Tuyên Từ Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh. Sự khoan dung, độ lượng của người đàn bà này liệu còn kéo dài đến bao giờ hoàn toàn phụ thuộc vào biểu hiện của bản thân vị thân vương trẻ con ấy. Không phải ngẫu nhiên Hạ Liên lại cung kính đến mức Tư Thành đi một bước, cô ta đã ở cách sau ba bước. Càng không phải ngẫu nhiên khi Trần Phong luôn nhăm nhăm muốn biết rõ trong đầu đứa học trò nhỏ chứa cái gì, tư chất đến đâu. Ngày trước, Bang Cơ rất vui khi kể với đứa em rằng, Ngô Tiệp dư hay vào cung nói chuyện với Hoàng thái hậu. Mẫu hậu xinh đẹp vô song của quan gia lại lặp lại lời đề nghị năm xưa, muốn rước Ngọc Dao về sống tại cung Khánh Phương. Với Hoàng đế, điều ấy chắc chắn là một tin vui bởi vị Tiệp dư kia đối xử với cậu rất tốt. Tiệp dư ở trong cung, chắc chắn Tư Thành sẽ năng vào Cung thành hơn nữa. Còn với Bình Nguyên vương, sau cái lần gặp Thụy An, cậu chẳng còn có thể lạc quan đến vậy. Một khi Hoàng thái hậu đã là lời triệu kiến, không ai có thể thoái thác. Hoàng cung không phải là chốn ai muốn đến là đến, muốn đi là đi, càng không phải nơi mà mọi chuyện tồn tại công khai trước mắt người đời.

Kẻ nắm quyền sinh sát, xoay vần thiên hạ giờ là ai, Lê Tư Thành hoàn toàn biết rõ.

Đối diện với kẻ ấy thế nào, đứa bé càng biết rõ hơn nữa. Xem ra để làm được thần tiên như Khắc Xương huynh cũng là sự ưu ái của ông trời.

***

Đất Lạng Sơn, trời thì cao mà Hoàng đế thì xa.

- Sát hại trung thần, vắt chanh bỏ vỏ. Xem ra Nguyễn Thần phi không thể dừng cái thú vui ấy lại. Năm xưa là Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, giờ là Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục. Đúng là loại đàn bà không sợ quả báo.

Người phụ nữ mới tầm ba mươi tuổi ngồi trên chiếc sập gỗ, gương mặt vẫn còn gần như nguyên vẹn dung mạo diễm lệ thuở vẫn còn phấn son, ăn sung mặc sướng trong Cung thành. Đôi mắt tinh anh liếc nhìn vừa mỉa mai vừa không giấu nổi cơn tức giận, uất ức vẫn còn sôi sùng sục. Mối hận Nguyễn Thị Anh gieo vào lòng Dương Thị Bí không phải là thứ qua năm tháng có thể nguôi ngoai.

- Mẫu thân, người lại nói về ả đàn bà đó sao?

Một cậu bé cao lớn, nước da màu đồng khỏe mạnh, đôi mày sẫm màu cương nghị đặt thanh kiếm xuống bàn, tiến lại gần. Người mang tin từ kinh thành đến biết ý bèn bước giật lùi ra ngoài rồi khẽ khàng đóng các cửa lại.

- Trời liên tiếp làm ra tai dị, ấy là điềm nói kẻ ngồi trên ngai vàng không xứng đáng, không chính danh. Ả đàn bà lăng loàn ấy dám lấy vải thưa che mắt thánh, cướp đoạt hạnh phúc, địa vị của người khác… Nghi Dân, mối hận này trong lòng mẹ già, con định sẽ thế nào?

Dương Thị Bí trừng trừng nhìn đứa con trai, gằn giọng nói. Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân năm ấy mới mười hai tuổi nhưng già dặn hơn những cậu bé cùng trang lứa rất nhiều. Những điều suốt tuổi thơ cậu được nghe không phải lời ru, không phải những câu truyện cổ tích mà là kí ức về Đông Kinh, kí ức của mẫu thân, của chính bản thân lúc còn là chủ nhân Đông cung. Thứ Nghi Dân không thể buông tay vốn không phải chỉ là ngai vị mà còn là nỗi ấm ức của người phụ nữ yêu thương cậu bằng cả tính mạng của bà, là nỗi thắc mắc những chuyện năm xưa xảy ra hoàn toàn chẳng hề mạch lạc.

- Kẻ đang ngồi trên ngai vàng… – Thị Bí hạ thấp giọng, nói từng chữ, từng chữ – không xứng đáng. Là lươn mà dám giả làm rồng. Chỉ có con, người mang dòng máu của phụ hoàng, con trưởng của người mới có đủ tư cách làm chủ giang sơn.

- Mẫu thân… chuyện này…

- Đó là con đường để con sống, để ta sống. Con nghĩ Nguyễn Thị Anh sẽ để yên cho chúng ta thêm bao nhiêu lâu nữa? – Người phụ nữ cất tiếng cười lạnh lẽo – Bất kì ai đe dọa đến ngai vàng của con trai ả, ả sẽ đều ra tay quét sạch. Năm xưa là phụ hoàng con mê đắm nhan sắc ma quỷ của con đàn bà ấy mà làm ra cái chuyện phế trưởng lập thứ, trao ngôi Đông cung cho một đứa bé hãy còn phải bế ẵm, để cho ả đàn bà kia mặc sức lũng loạn triều đình. Mẹ nói không phải vì bản thân mình. Mẹ nói là vì con, vì thiên hạ.

- Vì… thiên hạ? – Nghi Dân lặp lại.

- Phải, vì thiên hạ của Thái Tông Văn hoàng đế, vì Đại Việt – Dương Thị Bí nhìn con trai, mắt sáng rực – Từ từ từng chút một mẹ sẽ nói cho con toàn bộ sự thật. Cung thành ấy phải quét thật sạch, nhổ tận gốc rễ loại đàn bà đê tiện đó!

Đông Kinh xa mờ trong kí ức miên man…

Đông Kinh những ngày thơ bé, hạnh phúc ngắn ngủi, oán vọng triền miên. Chung quy chẳng nhẽ chỉ xoay quanh hai chữ “đàn bà”?

Vị hoàng đế kia, Lê Nghi Dân chưa từng gặp mặt.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3