Dám Làm Giàu - Chương 05

Chương V

Tự do tài chính và giàu có bền vững

1. bạn có thể trở nên giàu có và duy trì được sự giàu có không?

Khi ra đảo Phú Quốc, tôi nghe được nhiều câu chuyện giống nhau thế này: do những kế hoạch phát triển Phú Quốc ngày càng nóng, giá đất ở Phú Quốc đã tăng lên chóng mặt. Người dân nghèo ở Phú Quốc từ chỗ chỉ biết trồng cây, làm vườn trên mảnh đất của họ, chợt nhận ra họ đang ngồi trên một núi tiền, vì rất nhiều người đến hỏi mua đất với giá cao. Thế rồi, một loạt tỷ phú Phú Quốc đã xuất hiện sau khi bán đất. Chỉ có điều sau ba năm khi tôi quay trở lại, các tỷ phú tại Phú Quốc đã trở về tay trắng như cũ. Họ không còn tiền cũng không còn đất. Tại sao lại như vậy?

Một nghiên cứu của Marshall Sylver – một diễn giả, tác giả cuốn sách bán chạy Passion, Profit & Power (Đam mê, Lợi nhuận và Sức mạnh ) và nhà thôi miên nổi tiếng nước Mỹ - đã chỉ ra rằng: Chỉ 1% số người kiểm soát 50% số tiền lưu hành trên toàn thế giới. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng có 5% người kiểm soát 90% tiền lưu hành trên toàn thế giới.

Nếu ta chia đều tất cả số tiền có sẵn trên thế giới, mỗi người sẽ nhận được 2.400.000 đô la Mỹ (hoặc xấp xỉ 50 tỷ đồng Việt Nam theo tỷ giá năm 2016). Song chuyện gì xảy ra năm năm sau đó? Theo dự đoán của Marshall Sylver, sau năm năm, tỷ lệ các thành phần sở hữu của số tiền này sẽ quay trở về mức ban đầu: 5% số người sẽ kiểm soát 90% số tiền lưu hành lần nữa.

Vậy, điều gì xảy ra khiến cho con số tỷ lệ quay trở về ban đầu?

Câu trả lời nằm ở trong phần tiếp theo đây…

Nhưng trước hết, bạn hãy cùng tôi trả lời trung thực các câu hỏi trong bảng bên dưới. Những câu trả lời này sẽ quyết định bạn có thể tự do tài chính và giàu có, hay sẽ mãi nằm trong 95% dân số sở hữu 10% tổng tài sản thế giới.

* * *

Hãy trung thực với suy nghĩ của bạn và đánh dấu vào câu trả lời dưới đây.

Câu 1: Nếu bằng cách nào đó, bạn có ba tỷ đồng trong tay, bạn sẽ dùng tiền để làm gì?

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………………….

Đây là một số câu trả lời có thế gặp.

a. Mua một ngôi nhà cho thuê.

b. Mua ô tô BMW/Jaguar mới hoặc một ngôi nhà sang trọng.

c. Trả các khoản nợ vì tôi đang nợ nhiều quá và tôi không thích nợ.

d. Mời mọi người đến liên hoan và gửi tặng cho anh em, bố mẹ và người thân của tôi.

e. ….

Câu 2: Người nào sau đây là an toàn về tài chính?

a. Nhân viên làm thuê

b. Công chức nhà nước

c. Thương gia

d. Một người đã giàu sẵn

e. Phương án khác:....................................................

* * *

Với câu hỏi số 1, chắc nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc ”Mua gì với số tiền này?”, thì đó chính là những người nằm trong số 95% số người kiểm soát 10% tiền lưu hành trên toàn thế giới.

Vâng! Thật không bất ngờ gì nếu câu trả lời ở những người trung lưu sẽ là: Mua một chiếc Jaguar, một chiếc BMW, một chiếc Mercy S Class, một ngôi nhà sang trọng,…

Mặt khác, số người trong nhóm 1% hay 5% kiểm soát 90% số tiền lưu hành sẽ tự hỏi: Tôi nên làm gì để nhân số tiền này lên?

Không có gì bất ngờ khi nhóm người này sẽ gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư bằng cách mua nhà để cho thuê, xây nhà để nuôi yến, khai thác gỗ, hoặc mở công ty kinh doanh,…

Vấn đề đặt ra là, chẳng nhẽ những người nhiều tiền không được mua những thứ sang trọng? Chắc chắn họ vẫn mua được. Tuy nhiên, thay vì mua những thứ sang trọng bằng số tiền đó, họ sẽ mua bằng số tiền đến từ kết quả kinh doanh hoặc số tiền sinh ra từ khoản tiền 3 tỷ đồng đó.

Với câu hỏi thứ 2: "Người nào sau đây là an toàn về tài chính?". Thật sự không có người nào an toàn cả. Thời gian và công nghệ đang thay đổi rất nhanh. Các chính sách luật và tình hình chính trị cũng đang biến đổi rất nhanh, và tất cả những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến chúng ta, dù ở vị trí nào trong xã hội.

Đã bao nhiêu lần bạn đọc được tin tức rằng ngành ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, đang cắt giảm biên chế?

Đây là câu chuyện của vợ tôi. Trước khi vợ tôi đi Úc đầu năm 2008, cô ấy làm trong một trung tâm đào tạo của một tập đoàn bảo hiểm lớn ở Việt Nam. Đó là một môi trường làm việc hoàn hảo: mọi người quan tâm tới nhau, hài hòa, không ganh ghét đố kỵ (hoặc rất ít) và lương thưởng tốt. Mọi người đều hài lòng và nghĩ sẽ gắn bó với công việc này mãi mãi. Vậy mà năm 2009 khi cô ấy về, hầu hết cán bộ trung tâm đào tạo bị sa thải hoặc luân chuyển vị trí và chỉ một số ít người được ở lại. Không ai ngờ và không ai muốn cả, nhưng vẫn phải chấp nhận lệnh cấp trên, mặc dù đó là công ty nhà nước vốn được cho là mang tính ổn định cao.

Ngay cả những nhân viên có năng lực nhất cũng không được an toàn, vì cũng có khả năng là những nhân viên có năng lực nhất lại là người đầu tiên bị sa thải. Đơn giản vì có thể sếp không muốn một người giỏi hơn họ, hay vì lý do gì đó họ không ưa bạn.

Nếu kinh doanh từ con số 0, bạn có an toàn không? Môi trường kinh doanh, và sự phát triển của công nghệ chưa bao giờ thay đổi nhanh như bây giờ. Luôn luôn có đối thủ muốn tìm cách hạ bệ, thâu tóm hoặc bắt chước bạn. Và nhiều khi người đi sau lại có nhiều lợi thế người đi trước là bạn. Vì vậy, bản thân bạn và công việc kinh doanh của bạn luôn nằm trong thách thức, và nếu không nhận thức được điều đó, bạn sẽ bị “ăn tươi nuốt sống” bất cứ lúc nào. Hơn nữa, khách hàng luôn có thể “từ bỏ” bạn nếu bạn không thỏa mãn nhu cầu của họ. Nếu doanh nghiệp của bạn chuyên làm với các khách hàng doanh nghiệp, thì có thể có một ngày họ thay người quản lý mua hàng, và người mới đó không mua hàng của chúng ta nữa. Vậy là chúng ta đã bị ảnh hưởng về doanh thu.

Bạn có thể nói, “Đúng là thế, nhưng nó chỉ áp dụng cho các công ty lớn, phải không? Còn tôi chỉ kinh doanh một gian hàng thực phẩm quy mô nhỏ. Miễn là gian hàng thực phẩm của tôi phục vụ các món ăn ngon, sạch sẽ, và rẻ tiền, thì chắc chắn việc buôn bán sẽ tốt.”

Có thật như vậy không?

Giả sử có một biển “CẤM ĐẬU XE” bất ngờ được đặt ngay phía trước cửa hàng thực phẩm của bạn, thì liệu thu nhập của bạn có còn như trước nữa không? Hoặc giả sử có ai đó ghen tị với thành công của bạn và đưa ra tin đồn rằng thực phẩm của bạn ngon rẻ vì bạn đang sử dụng thịt… chuột cống, thế thì rất có khả năng công việc kinh doanh của bạn sẽ “sa sút” ngay lập tức, phải không?

Làm chính trị gia có an toàn không? Câu chuyện thường nghe về chính trị là: một vị trí mà rất nhiều người muốn thì luôn có sự cạnh tranh cao độ. Khi một người ở vị trí cao được thay mới (thủ tướng, bộ trưởng …), bạn sẽ thấy toàn bộ hệ thống nhân sự dưới rất nhiều thay đổi. Có lẽ tôi không cần đi quá sâu, bạn cũng hiểu vấn đề này nếu đọc thêm những báo chí về chính trị. Kinh doanh theo hệ thống đa cấp (MLM) có an toàn không? Trong môi trường nhiều biến động chính sách như Việt Nam, rất nhiều người mất 3 - 5 năm xây dựng hệ thống, rồi lại phải bắt đầu xây dựng một hệ thống khác, do công ty cũ bị rút giấy phép hoạt động. Thu nhập vì thế mà không còn như trước.

Làm quản lý cho các công ty liệu có an toàn? Một khi hội đồng quản trị thay đổi, thì chiếc ghế của bạn cũng có khả năng lung lay. Hoặc khi bạn không làm được như ý của ban lãnh đạo, thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Tôi có một anh bạn, làm việc cho một công ty lớn có trụ sở ở Hà Nội, sau 10 năm nỗ lực anh đã được đưa về Hà Nội làm Tổng giám đốc công ty. Khi lên chức, anh được đưa đón đi làm bằng xe sang, có phòng làm việc vô cùng sang trọng. Khi nói chuyện với anh, tôi thấy sự tự hào trong mắt anh. Rồi một ngày, tôi đến công ty thì không thấy anh nữa. Anh đã không còn được giữ vị trí đó vì đã có những quyết định theo ý cá nhân chứ không theo ý muốn của hội đồng quản trị. Và anh đã bị sa thải.

Ngoài ra còn có rất nhiều người nghĩ rằng nếu đã giàu có, họ sẽ không thể nào bị phá sản được. Tuy nhiên, các minh chứng thực tế lại rất khác! Robert T. Kiyosaki trong cuốn sách Cha Giàu, Cha Nghèo (Rich Dad, Poor Dad) cũng thảo luận về một số doanh nhân vô cùng giàu có, nhưng đã bị phá sản. Ông đề cập đến những tên sau:

Hai mươi lăm năm sau, cả thế giới đã phải sửng sốt khi nhìn lại những người giàu này: Bốn người trong số họ đã chết trong nghèo đói và không để lại cho người thừa kế một xu nào. Một số khác đã phải trải qua những năm cuối cùng của cuộc đời mình với những khoản nợ. Trong năm năm cuối cuộc đời, Charles Schwab đã sống trong nợ nần chồng chất. Hai người khác chết vì tự tử, hai người bị kết án tù, và một người vào bệnh viện tâm thần.

Giống như cuộc khủng hoảng lớn tại Mỹ năm 1929, đó là một cuộc suy thoái khác thường, đã mang đến đau khổ cho rất nhiều người. Tuy nhiên, trong mọi suy thoái kinh tế luôn có một số người giàu vẫn tồn tại và sẽ có một số người giàu mới.

Vậy, sự khác biệt giữa những người giàu có thể tồn tại bất chấp suy thoái kinh tế và những người đã bị phá sản là gì? Điều gì giúp phân biệt họ với những người trước đây từng giàu có nhưng đã bị phá sản do suy thoái kinh tế? Nếu bạn đã từng giàu có trong quá khứ, điều gì đã thực sự xảy ra với bạn?

Câu trả lời rất đơn giản: Người giàu có thể duy trì sự giàu có của họ, và những người bình thường có thể trở nên vô cùng giàu có là vì họ luôn được chuẩn bị.

Họ luôn chuẩn bị cho bản thân một tâm trí cởi mở để tiếp tục học hỏi và hành động bằng cách làm theo hoặc thậm chí dẫn đầu các xu hướng và biết cách phân bổ tài sản. Họ luôn học cách để có các nguồn thu nhập khác nhau.

2. Kiếm tiền khác giữ tiền

Mike Tyson là một võ sĩ quyền anh nổi tiếng nhất thế giới. Trong suốt 20 năm sự nghiệp, ông kiếm được hơn 400 triệu đô la. Tuy nhiên, đến năm 2004, trước sinh nhật năm 39 tuổi, cỗ máy kiếm tiền tuyệt vời này đã nợ nần chồng chất, con số lên đến 38 triệu đô. Lý do rất đơn giản, ông từng thuê tới 200 người để phục vụ cuộc sống của mình, bao gồm bảo vệ, lái xe, đầu bếp và làm vườn. Ông chi gần 4,5 triệu đô cho ô tô và xe mô tô, 3,4 triệu đô cho quần áo và trang sức, 7,8 triệu đô cho “chi phí cá nhân”, 140.000 đô cho 2 con hổ trắng Bengal, và 125.000 đô mỗi năm cho người huấn luyện chúng, 2 triệu đô cho bồn tắm của vợ ông - diễn viên Robin Givens, 410.000 đô cho tiệc sinh nhật, 230.000 đô cho điện thoại và máy nhắn tin trong suốt 2 năm, từ 1995 đến 1997. Kết quả, toàn bộ 400 triệu đô ra đi và ông còn gánh thêm một cục nợ 38 triệu đô.

Mẹ tôi là một phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ và đầy năng lượng. Bà có độ “chai lì” cao độ với tất cả mọi trở ngại. Bà sẵn sàng ngồi cả ngày ở nhà một người bạn thành công và giàu có để được họ giúp đỡ, dù vợ ông ấy có khó chịu hay ghen tuông cỡ nào. Bà kiếm được hàng chục triệu đô, lên hàng “soái” khi ở Nga vào những năm 1990(*). Nhưng khi có tiền, bà không có kế hoạch quản lý số tiền đó. Tôi vẫn nhớ hình ảnh khi mẹ tôi kiếm được rất nhiều tiền, có rất nhiều người đến xu nịnh mẹ. Và vì họ nói những lời ngọt ngào, mẹ tôi đều vung tiền cho họ không cần biết đưa bao nhiêu. Còn những người thân, vì không nói những câu ngọt ngào với mẹ tôi, bà không gửi cho ai hết, kể cả bà ngoại tôi. Mẹ tôi mua nhà, mua xe và sắm những gì sang trọng mà bà thích. Bà thích làm đẹp và yêu bản thân vô bờ bến. Mẹ tôi không hề có chút ý tưởng gì về việc sẽ để tiền vào đâu, tiết kiệm hay giữ tiền như thế nào. Mẹ tôi để hàng xấp tiền đô Mỹ dày cộp trên bàn, dù cho có khách khứa đến thăm.

(*) Trong lịch sử mở ốp, mở chợ của cộng đồng người Việt Nam ở Liên Bang Nga, những người đứng đầu bà con quen gọi là “soái”.

Vì tiền không được bảo vệ an toàn, một ngày xã hội đen Nga đã tìm cách lừa của mẹ tôi toàn bộ số tiền bà đang giữ. Khoản đầu tư duy nhất mẹ tôi có là mua một miếng đất rất lớn trên đường Hoàng Quốc Việt ở Hà Nội (theo trị giá hiện nay là hơn một trăm tỷ đồng). Vì giấy tờ không chặt chẽ, bà bị chủ cũ lừa lấy lại. Tay trắng, bà bị bệnh tâm thần. Và cuối cùng, không chỉ bà bị mất mát vì những tổn thất này, mà ngay cả gia đình, tôi và chị gái tôi bị ảnh hưởng và tổn thương rất nhiều.

Vì vậy, hãy nhớ rằng kiếm tiền là một chuyện, giữ tiền là một chuyện hoàn toàn khác. Nếu không muốn tất cả những gì bạn kiếm được đều tiêu tan, hãy học cách giữ và quản lý tiền chặt, và khiến những đồng tiền đó làm việc cho bạn. Công thức cũ rích nhưng vẫn hiệu quả để giàu có là: kiếm nhiều tiền hơn và chi tiêu ít hơn.

Để làm được điều đó, bạn cần có một bản cân đối tài chính cho cá nhân bạn. Bản cân đối tài chính thể hiện thu nhập và chi tiêu của bạn. Dòng tiền đi vào và dòng tiền đi ra như thế nào.

Với tài chính cá nhân, nếu có thể, bạn nên có một người quản lý và bảo vệ chúng cho bạn. Bạn sẽ rất dễ chi tiêu quá tay (tiền mặt hay thẻ tín dụng) hoặc rủi ro thất thoát hoặc mất tài sản nếu bạn không có người quản lý giúp. Dù thuê hay tự mình quản lý tài chính, thì bạn phải hiểu rằng việc này rất quan trọng cho sự giàu có của bạn.

Với bản thân mình, tôi luôn có một kế toán quản lý tài chính cho chính mình. Nhớ tách riêng tài chính công ty và tài chính gia đình. Nếu gộp vào, bạn sẽ không tài nào quản lý tách bạch được chi phí của cá nhân và của công ty bạn.

Tôi rất áp lực mỗi khi phải nhìn vào bảng báo cáo tài chính, báo cáo chi phí hàng ngày của công ty cũng như cá nhân. Nhưng thực sự điều đó giúp tôi luôn đứng ở mặt đất, biết dòng tiền của mình đang ở đâu, mình đang có những chi phí như thế nào. Và mỗi lần có những khoản chi phí không hợp lý, tôi lập tức nhận ra ngay và các bản báo cáo tài chính cũng phản ánh điều đó. Kế toán thường là người chỉ ra cho tôi những khoản chi phí đáng báo động, những nguồn tiền nên tập trung. Nhiệm vụ của họ là phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo không an toàn về tài chính và tư vấn cho tôi cách phân bổ nguồn tài chính cho phù hợp.

Tôi có nhiều thẻ tín dụng vì tôi là khách VIP của nhiều ngân hàng. Các thẻ tín dụng của tôi có số dư dao động từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc hơn và tôi đều đưa chúng cho kế toán quản lý. Trong túi của tôi chỉ có duy nhất một thẻ debit, và thẻ này mang tên kế toán của tôi. Mỗi lần tôi chi tiền, kế toán của tôi đều biết. Và trước khi tôi định chi bất cứ khoản gì, tôi phải gọi điện cho kế toán để chuyển tiền vào. Và bạn biết không, mỗi khi cầm điện thoại lên để gọi cho kế toán, tôi lại phải suy nghĩ lần thứ 2 là có nên chi khoản đó không? Và tôi biết chính xác hôm nay tôi đã chi bao nhiêu, có vượt quá kế hoạch ngân quỹ chi tiêu không.

Tại sao tôi lại làm như vậy? Vì nếu chúng ta cầm thẻ tín dụng và không ai quản lý chúng ta, chúng ta rất dễ trở thành con nợ của ngân hàng. Thay vì mua tài sản, thì chúng ta bắt đầu trở thành tài sản của ngân hàng. Ở phương Tây, việc sử dụng thẻ tín dụng rất phổ biến. Và ở Việt Nam, xu hướng dùng thẻ tín dụng sẽ ngày càng nhiều. Hàng triệu người Việt Nam sớm hay muộn sẽ trở thành tài sản của ngân hàng, nếu không biết dùng thẻ tín dụng đúng cách. Chúng được gắn cho những từ mỹ miều như thẻ Platinum, thẻ VIP, và ngân hàng sẽ cho chúng ta những khoản tín chấp cực hấp dẫn. Chúng ta không phải thế chấp bất cứ tài sản nào cả. Trong khi đó, bạn đi ra ngoài đường với không biết có bao nhiêu cám dỗ chi tiêu ngoài đó. Tay bạn mới chỉ đang ngập ngừng đưa thẻ ra, là 10 triệu hay 50 triệu đồng đã bay ra khỏi tài khoản tín dụng của bạn. Bạn đã trở thành con nợ của ngân hàng nhanh đến nỗi bạn gần như không nhận thức kịp. Và sau đó, bạn sẽ phải trả lãi suất từ 2% đến 3% một tháng cho ngân hàng. Các bạn muốn tích lũy tài sản cho mình và trở nên giàu có, hay trở thành tài sản của ngân hàng?

Hãy cẩn thận với tâm lý “tôi kiếm nhiều hơn, nên tôi có thể chi nhiều hơn”, đó là cái bẫy tâm lý mà bạn cực kỳ dễ sa vào. Khi ở trong một đà tiết kiệm, bạn sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn. Và để cài đặt cái đà tâm lý đó, bạn đã phải kỷ luật với mình. Khi ở trong một đà tâm lý “tôi có thể chi tiêu nhiều hơn", bạn sẽ thấy bạn có xu hướng ngày càng chi nhiều hơn. Bạn vừa kiếm được thêm một khoản tiền, lập tức bạn đổi từ sống tiêu chuẩn khách sạn 1 sao lên tiêu chuẩn khách sạn 5 sao ngay lập tức. Đó là tâm lý phá sản. Cho đến một ngày, khi tiền không còn, chúng ta mới nhận ra mình đã chi ra nhiều hơn số tiền mình kiếm được.

3. Tiêu sản vs tài sản

Nếu muốn xây dựng sự giàu có và tự do tài chính, bạn phải nắm được khái niệm vô cùng quan trọng là Tiêu sản và Tài sản.

Theo Robert Kiyosaki, TIÊU SẢN là những gì lấy tiền ra khỏi túi của bạn. TÀI SẢN là những gì mang tiền vào túi cho bạn.

Ví dụ về Tiêu sản:

- Một chiếc ô tô bạn đang đi sẽ mất giá dần theo thời gian bạn sử dụng

- Một ngôi nhà để không và bạn phải trả tiền bảo trì hàng tháng

- Một ngôi nhà bạn đang ở, bạn vẫn phải trả chi phí điện nước hàng tháng

- Một chiếc thuyền đẹp

- Một ti vi đẹp

- ...

Ví dụ về Tài sản:

- Một ngôi nhà bạn cho thuê, mang lại cho bạn dòng tiền ổn định hàng tháng

- Một ô tô bạn cho thuê, tạo ra dòng tiền cho bạn hàng tháng

- Cổ phần mang lại cho bạn cổ tức hàng tháng

- ...

Từ các ví dụ trên, bạn cũng thấy rõ rằng với cùng một thứ, ví dụ như một ngôi nhà có thể là tài sản, cũng có thể là tiêu sản. Ngôi nhà sẽ là tài sản nếu chúng mang lại tiền cho chúng ta hàng tháng, và sẽ là tiêu sản nếu nó lấy tiền của chúng ta đi hàng tháng.

Để tự do tài chính và giàu có, bạn cần tích lũy tài sản và giảm tiêu sản. Tức là tìm ra những gì mang lại tiền vào túi bạn, và bỏ đi những gì lấy tiền ra khỏi túi của bạn.

Người giàu mua tài sản, người nghèo mua tiêu sản.

Có nhiều người khi có tiền, việc đầu tiên họ nghĩ đến là mua ngay một tiêu sản. Sinh viên khi có tiền thì các bạn sẽ mua ngay một cái điện thoại mới hoặc máy tính mới. Nhân viên mới đi làm thì nghĩ ngay mua một chiếc Vespa hoặc SH. Khi lập gia đình, bạn muốn mua một cái nhà đẹp để ở và xe hơi để đi. Bạn liền vay ngân hàng để mua. Và khi có con, bạn lại muốn mua nhà to hơn. Nhưng những cái đó đều là tiêu sản. Đó là thói quen của đa số người nghèo và trung lưu.

Nhiều người thu nhập cao hơn, họ kiếm được nhiều tiền. Và khi có tiền, họ mua một chiếc ô tô hạng sang, một chiếc BMW, Mercedes mui trần hoặc Porsche,... Họ mua một biệt thự sang trọng để ở. Họ chi tiêu vào trang trí nhà cửa, mua đồ nội thất sang trọng dát vàng…

Và về bản chất, xe ô tô hạng sang mất giá qua từng năm. Nếu bạn bán lại, thường giá xe giảm từ ít nhất 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Chỉ qua 1 năm, dù bạn chẳng đi thêm km nào, xe bán vẫn mất giá. Đó là một “tiêu sản lớn”. Còn biệt thự là loại bất động sản khó bán (giá trị lớn, thanh khoản thấp và dễ bị giảm giá) và cho thuê rất khó, và họ lại ở trong biệt thự đó, thì họ đang tích lũy một “tiêu sản vĩ đại”. Trong khi họ chưa có nền tảng tài sản gì cả.

Và tệ hơn nữa, nếu họ đang phải vay ngân hàng để mua biệt thự và xe sang, và đang phải trả lãi ngân hàng hàng tháng. Họ đều tưởng là họ đang mua tài sản, nhưng bản chất nó lại là tiêu sản. Dù họ đang ở trong một ngôi nhà rất đẹp, đi một chiếc xe rất sang, thì tôi rất chắc chắn rằng không lúc nào họ không lo lắng về tiền cả. Bạn trông thấy họ thật long lanh nhưng bản thân họ lại luôn nơm nớp lo lắng về tài chính. Có những người thì không cảm thấy lo lắng gì cả cho đến khi họ phải đau đớn, khổ sở phải bán xe sang, bán nhà vì nguồn thu nhập của họ không còn như cũ nữa.

Một người bạn của tôi sống ở Singapore, cách đây 10 năm, anh làm kinh doanh và kiếm được khá nhiều tiền. Thế rồi lập tức anh vay ngân hàng mua một căn hộ tại đường Orchid, con đường đắt nhất nằm trong trung tâm thành phố Singapore. Anh mua một chiếc BMW, và thậm chí một máy bay cá nhân vô cùng đẹp. Tất cả đều là các khoản vay ngân hàng 20 hoặc 30 năm. Và 2 năm trở lại đây, dù rất cố gắng, anh không thể kiếm nhiều tiền như trước nữa, thu nhập ngày càng giảm. Nếu trước đây, một tháng anh có thể kiếm được 50.000 đô Singapore thì hiện tại chỉ có thể kiếm được 3.000 đến 5.000. Năm năm trước, tôi thấy anh có vẻ hài lòng với cuộc sống, còn giờ đây lần nào gặp tôi, anh cũng tỏ ra vô cùng lo lắng, khó chịu với mọi người xung quanh vì những vấn đề tài chính bản thân. Anh tìm mọi cách để kiếm tiền, rồi lại kiếm tiền, mà tiền vẫn chẳng thấy đâu. Tôi chứng kiến có lần anh phải van xin khách hàng để mua hàng. Áp lực tài chính ngày càng nặng.

Tôi gọi đó là GIÀU ẢO (giàu fake). Họ không thể nào được xếp vào tầng lớp người giàu có thực sự được. Sự “giàu có” của họ là nhà xây không móng, có thể đổ bất cứ lúc nào, nhà càng cao càng dễ đổ, trong khi nhà đẹp và xe sang lại quá cám dỗ cho hầu hết mọi người. Nếu bạn không nhận thức rõ sự khác biệt này, bất cứ ai cũng sẽ bị cuốn vào đó và khi đã bị cuốn vào rồi, bị cuốn càng sâu càng khó rút ra. Bạn sẽ mãi mãi là nô lệ của đồng tiền và chết vì đồng tiền.

Chìa khóa dẫn đến sự giàu có là: Trì hoãn sự khoái cảm vật chất nhất thời. Không phải chúng ta không có quyền mua những thứ sang trọng, đắt tiền cho mình để hưởng thụ cuộc sống, mà chúng ta tạm thời trì hoãn lại, tập trung vào tài sản trước và mua những tiêu sản bằng thu nhập tạo ra từ những tài sản đó.

Hãy trì hoãn lại sự hưởng thụ và tập trung vào tài sản trước, nếu bạn không muốn chết là nô lệ của đồng tiền.

Lưu ý :

Khái niệm tiêu sản và tài sản vô cùng quan trọng, và bạn cần phải chắc chắn hiểu và áp dụng được nó nếu bạn muốn tự do tài chính và giàu có. Bạn phải biết sự khác nhau giữa tiêu sản và tài sản.

Nguyên tắc cơ bản để giàu có: Mua tài sản.

Không chỉ mua thêm tài sản. Nguyên tắc trên cũng đặt ra vấn đề tiếp theo là:

Làm thế nào để biến càng nhiều thứ bạn ĐANG CÓ, song chưa phải là tài sản, trở thành tài sản?

Làm thế nào bỏ đi những tiêu sản bạn ĐANG CÓ, hoặc tốt hơn, biến nó thành những tài sản?

Đây là những câu hỏi vô cùng quan trọng cho chúng ta.

Ví dụ 1:

Tôi có một người bác mua được 2 căn nhà tại Hà Nội. Vì công việc và nhiều lý do khác, bác chưa thể chuyển về đây sống. Bác tôi để không 2 căn nhà này trong 5 năm. Khi tôi đến thăm căn nhà đó, tôi thấy rõ là hoàn toàn có thể tạo được dòng tiền ít nhất 5 triệu/tháng từ mỗi căn. Nhưng vì bác tôi là người không hề biết về kiến thức tài chính, nên bác tôi không cho thuê căn nhà, bỏ lãng phí suốt 5 năm trời.

Nếu đang đọc cuốn sách này, bạn sẽ biết ngay phải làm gì với ngôi nhà bỏ không bạn đang có, giống như tôi nhìn thấy.

Ví dụ 2:

Bạn có một chiếc ô tô. Nhu cầu đi lại của bạn cũng vừa phải. Bình thường bạn phải chi cho xe ô tô một tháng như sau:

- Phí gửi xe tháng: 1,2 triệu đồng

- Phí gửi xe các nơi đỗ xe: khoảng 300.000 đồng

- Xăng xe: ít nhất 1 triệu đồng

Tổng một tháng bạn phải trả ít nhất 2,5 triệu đồng cho xe ô tô bạn đang đi. Nếu bạn thuê lái xe thì chi phí tổng là khoảng 8,5 triệu đồng/tháng. Chưa kể nếu bạn vay ngân hàng để mua xe thì chi phí hàng tháng còn tăng lên. Rõ ràng, ô tô là tiêu sản của bạn. Vậy làm thế nào để biến ô tô không còn là tiêu sản nữa, hoặc thậm chí trở thành tài sản?

Một khách hàng của tôi có một chiếc xe Mercedes C250. Tuy nhiên, nhu cầu của anh đi lại vừa phải. Vậy anh đã biến xe từ tiêu sản thành tài sản như thế nào? Anh cho lái xe của mình đăng ký dịch vụ Uber. Cứ khi nào anh cần đi họp, gặp khách hàng hoặc công chuyện thì lái xe sẽ đưa anh đi. Còn khi xe rảnh (hầu hết thời gian xe rảnh trong 8 tiếng làm việc), lái xe của anh sẽ chạy dịch vụ Uber. Doanh thu chạy Uber sẽ chia 7/3, chủ xe nhận 70% lái xe nhận 30%. Và bất ngờ là, số tiền thu được từ đó trả được chi phí hàng tháng 8,5 triệu đồng cho chiếc xe. Nếu anh cho lái xe chạy Uber thêm buổi tối, anh kiếm thêm được một khoản thu nhập nhỏ từ đây. Người lái xe rất sẵn sàng làm vì thu nhập tăng rõ rệt. Ngoài lương cứng 6 triệu đồng/tháng, anh lái xe nhận thêm 30% doanh thu từ chạy Uber.

Ví dụ 3:

Một nhân viên của tôi, tên Chris, làm việc tại văn phòng Myanmar. Cậu mới 18 tuổi, là người Myanmar gốc Hoa. Tại thành phố Yangon, Myanmar, chỉ có ba hình thức đi lại cơ bản trong thành phố: xe buýt, ô tô riêng và đi bộ. Bố của Chris mua cho cậu một chiếc xe ô tô cũ để cậu tiện đi lại, vì ô tô cũ tại Myanmar khá rẻ. Bạn biết cậu làm gì không? Vì cậu hiểu rất rõ khái niệm tài sản và tiêu sản, cậu cho một người khác thuê chiếc xe đó để chạy taxi, còn cậu vẫn đi xe buýt đi làm. Thay vì giữ xe ô tô tự lái đi làm và có một cái tiêu sản đầu tiên trong đời, Chris đã biến nó thành tài sản đầu tiên.

Ví dụ 4:

Một bạn sinh viên từ quê lên Hà Nội học và được bố mẹ mua một căn nhà để ở. Và bạn sinh viên đó đã cho thuê toàn bộ ngôi nhà đó được 10 triệu/tháng, còn bản thân thì đi thuê một phòng nhỏ 2,5 triệu đồng để sống. Vậy là bạn đã biến căn nhà của mình trở thành tài sản, và tạo ra được thu nhập thụ động 10 triệu/tháng, sau khi trừ tiền thuê nhà, bạn còn 7,5 triệu để chi tiêu thoải mái mà không cần phải hỏi xin bố mẹ đồng nào. Bạn sinh viên đó đã sớm thông minh về tài chính.

Ở đây, tôi nhấn mạnh lại thông điệp vô cùng quan trọng: Nếu bạn muốn giàu có, hãy nhìn lại những gì bạn đang có, rồi tự hỏi bản thân:

- Đó có phải tài sản không? Nếu chưa, có thể biến nó thành tài sản không?

- Cái gì là tiêu sản bạn đang có? Có thể bỏ được không? Có thể biến nó thành tài sản không?

Bản thân tôi và vợ tôi đã hình thành thói quen tư duy này nhiều năm. Vậy nên mọi thứ xung quanh khi nhìn vào, chúng tôi đều lập tức tự động xuất hiện những câu hỏi này trong đầu. Chúng tôi nhìn ngay được đâu là tài sản hoặc tiềm năng trở thành tài sản. Ngay cả một mối quan hệ với ai đó xung quanh, dưới góc độ tài chính, chúng tôi cũng đánh giá xem là một tài sản hay tiêu sản, và làm thế nào biến mối quan hệ đó thành tài sản? Khái niệm tiêu sản - tài sản mở rộng trong mọi mặt của cuộc sống.

Khi bạn đang có một tài sản, tìm mọi cách giữ tài sản đó, hoặc chuyển sang một tài sản khác lớn hơn. Tuyệt đối không bao giờ bán tài sản để mua tiêu sản. Tại sao nhiều người ngày càng nghèo đi? Vì họ không hiểu đâu là tài sản, và tầm quan trọng của tài sản với sự giàu có và an toàn tài chính của họ. Họ thiếu tiền tiêu, họ bán tài sản. Họ chỉ biết công thức đó, và họ càng ngày càng nghèo đi, cho đến khi họ chẳng còn tài sản gì hết.

Và khi thấy rằng mình đang có một tiêu sản, chúng tôi báo động nhau ngay lập tức. Tìm cách cắt giảm tiêu sản đó càng nhanh càng tốt, hoặc tìm một dòng tiền thu nhập thụ động để trả cho tiêu sản đó. Ví dụ, nếu vay tiền ngân hàng mua xe, thì phải có dòng tiền thụ động để trả cho lãi vay ngân hàng hàng tháng.

Để nắm rõ khái niệm này và hiểu rõ thêm về kế toán cùng những con số, tôi khuyến khích bạn chơi game Cashflow do Robert Kiyosaki tạo ra - một trò chơi giáo dục tài chính tuyệt vời dành cho tất cả mọi người.

Mỗi lần chơi trò chơi này, tôi lại nhận ra một điều mới, và nhận ra nhiều điều về hành vi quản lý tài chính của mình. Vì trò chơi này phản ánh chính xác suy nghĩ về tiền bạc của bạn tại thời điểm chơi, và đồng thời cũng phản ánh chính xác suy nghĩ của những người đang chơi cùng bạn. Một điều thú vị là nếu những người chơi cùng bạn không biết quản lý tiền, không kiếm được nhiều tiền, thì bạn cũng khó trở thành giàu có trong khi chơi vì không kiếm được những khoản tiền lớn. Nó thể hiện chính xác một nguyên lý trong cuộc sống thực tế: Những người “chơi” cùng bạn là ai.

4. Sự khác biệt giữa tự do tài chính và giàu có

Theo Robert Kiyosaki, có hai loại thu nhập chính:

- Thu nhập chủ động: là thu nhập tạo ra do bạn làm việc

- Thu nhập thụ động: là thu nhập tạo ra dù bạn không làm gì cả, thường từ bất động sản, quyền sáng chế, tài sản trí tuệ,... Kể cả khi bạn ngủ, bạn vẫn có những thu nhập đó.

Vậy, thế nào gọi là Tự Do Tài Chính? Theo Robert Kiyosaki, Tự Do Tài Chính là khi thu nhập thụ động lớn hơn chi phí hàng tháng của bạn. Tức là dù cho bạn không làm việc, bạn vẫn có thể có thu nhập đủ để chi trả cho các chi phí hàng ngày hàng tháng của bạn. Bạn không còn phải lo lắng về tiền nữa.

Hầu hết mọi người thường nghĩ rằng giàu có tương đương với tự do tài chính. Nhưng thực tế, Tự Do Tài Chính và Giàu Có là hai khái niệm rất khác biệt nhau. Con đường tới tự do tài chính khác với con đường làm giàu, và chiến lược dùng cho mỗi con đường cũng khác nhau. Đó là vấn đề lớn nhất mà những người nhầm lẫn giữa giàu có và tự do tài chính không hiểu được.

Tự Do Tài Chính như định nghĩa trên là bạn không cần phải làm việc cho đồng tiền nữa, nghĩa là thu nhập thụ động lớn hơn chi phí hàng tháng của bạn. Nếu phải trả chi phí 20 triệu đồng/ tháng, thì chỉ cần tạo ra 240 triệu đồng/ năm thu nhập thụ động là bạn đã tự do tài chính. Thực tế, để trở thành giàu có, bạn phải có ít nhất 100 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng trở lên (tương đương với tầm 5 triệu đô đến 25 triệu đô la Mỹ theo tỷ giá 2016). Con đường để tạo ra 100 tỷ đồng và 240 triệu đồng rõ ràng là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Có thể nói rằng, tự do tài chính đơn giản hơn, cần ít thời gian và công sức hơn với việc làm giàu.

Không phải ai cũng kiếm được 100 tỷ đồng trở lên, nhưng bạn không cần phải giàu có mới có thể tự do tài chính. Đó là điều mà tôi muốn chia sẻ, và cũng là sứ mệnh chính của cuốn sách này.

Rất nhiều người nghĩ rằng chúng ta phải trở thành rất giàu có, thì chúng ta mới tự do tài chính. Không phải như vậy. Nhiều người trở nên rất giàu có, nhưng họ không tự do tài chính. Họ phải làm việc rất chăm chỉ để duy trì sự giàu có của họ. Công việc kinh doanh của họ không được hệ thống hóa để tự vận hành mà không cần có họ, và họ không tập trung vào tạo thu nhập thụ động.

Một ví dụ khác về tự do tài chính là như thế này. Khu vực Chùa Láng Hà Nội, nơi gia đình họ nội tôi sống, có rất nhiều người thu nhập không cao vì họ chỉ buôn bán nhỏ lẻ ở chợ xung quanh. Nhưng với ba trường đại học xung quanh, phần lớn họ đều tự do tài chính bằng cách xây nhà cho sinh viên thuê, thu nhập từ thuê nhà giúp họ có thể trả được chi phí hàng tháng. Với dòng tiền thu nhập hàng tháng tầm 30 triệu đến 60 triệu đồng/tháng, họ không thể được coi là người giàu được, nhưng họ không cần đi làm thêm gì và cũng chẳng bao giờ lo lắng vì tiền nữa.

Vậy điều tôi khuyên các bạn là: Hãy tự do tài chính trước, rồi sau đó giàu có. Để tự do tài chính bạn sẽ cần ít tiền hơn và bởi vậy cần ít thời gian hơn.

Trung bình tại Việt Nam hiện nay, để tự do tài chính từ bàn tay trắng, nếu nhanh chúng ta chỉ cần mất 3 năm, trung bình là 6 năm, còn nếu lâu nữa là 10 năm. Nếu bạn bắt đầu cuộc sống lúc 25 tuổi, thì nhanh là đến 28 tuổi bạn đã có thể tự do tài chính, còn trung bình thì đến 31 tuổi, hoặc 35 tuổi nếu bạn phải tốn đến 10 năm. Tóm lại khi bạn đạt tự do tài chính vào năm 35 tuổi hoặc sớm hơn thì bạn đã nằm trong số 1% những người rất thành công. Có đến 95% người không tự do tài chính cho đến tuổi 65.

Tự do tài chính có thể chỉ cần thời gian rất ngắn, nếu bạn biết bạn đang làm gì.

Tại Sao Chúng Ta Cần Tự Do Tài Chính?

Vì điều đó giúp chúng ta:

Không bao giờ lo lắng về tiền nữa

Bạn hãy tưởng tượng một ngày vì lý do sức khỏe, bạn không thể tiếp tục làm việc được nữa. Vậy bạn và gia đình bạn sẽ sống bằng cách nào nếu toàn bộ chi phí của gia đình phụ thuộc vào thu nhập của bạn? Con cái bạn sẽ ra sao?

Hãy tưởng tượng một ngày bạn đã làm việc quá chăm chỉ vất vả và muốn được nghỉ ngơi, đi du lịch.… Vậy nếu bạn nghỉ làm việc, thu nhập ở đâu có thể giúp bạn vẫn có thể làm những điều mình muốn, được đi du lịch,…?

Đa số chúng ta đều nghĩ rằng, tôi kiếm nhiều tiền hơn thì tôi sẽ không còn lo về tài chính nữa. Thế là, họ lao vào làm việc chăm chỉ ngày đêm để tăng thêm thu nhập. Họ đánh đổi thời gian công sức để kiếm thêm tiền. Và mặc dù thu nhập của họ tăng lên, nhưng lúc nào họ cũng lo lắng. Nếu một ngày họ bị tai nạn, bệnh tật thì thu nhập nào sẽ chi trả cho các chi phí hàng tháng của họ? Nếu một ngày họ đi du lịch, hoặc mất việc trong một thời gian, thu nhập nào sẽ nuôi họ và gia đình họ?

Tự do tài chính là trạng thái mà khi chúng ta không cần làm việc, chúng ta vẫn có nguồn thu nhập ổn định chi trả cho các chi phí hàng tháng của chúng ta. Thông thường khi bạn chưa có gia đình hoặc không có gánh nặng tài chính nhiều, bạn sẽ chưa cảm nhận được vai trò quan trọng của tự do tài chính. Cho đến khi thấy được gánh nặng tài chính, nhiều người chỉ nghĩ đến việc kiếm nhiều tiền hơn nữa với suy nghĩ rằng kiếm nhiều tiền hơn sẽ chi trả hết cho các khoản chi phí, và bị cuốn trong vòng quay luẩn quẩn của cơm áo gạo tiền. Ít tiền cũng chi hết, nhiều tiền hơn cũng vẫn chi hết. Đó là cách suy nghĩ của 95% dân số nghèo và trung lưu.

Có thời gian để theo đuổi những đam mê và mong muốn

Chúng ta ai cũng có những ước mơ, đam mê của mình, song vì bận rộn cuộc sống kiếm tiền hàng ngày, chúng ta chưa thể thực hiện được. Khi không còn phải lo lắng về tiền nữa, chúng ta mới được tự do về thời gian và tâm trí để theo đuổi những đam mê và ước mơ đó của chúng ta.

Nếu bạn đam mê công việc, thì khi đó bạn làm việc không phải hoàn toàn vì tiền nữa. Điều kỳ diệu là, khi bạn làm việc chỉ vì đam mê chứ không phải vì tiền thì tiền lại đến càng nhiều hơn.

Nếu bạn đam mê những điều khác ngoài công việc hiện tại, thì tự do tài chính giúp bạn có thời gian tập trung cho đam mê đó, để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp của cá nhân và gia đình bạn. Bạn muốn thường xuyên đi nghỉ ở resort? Hay bạn muốn đi du lịch nước ngoài trong 2 tháng để khám phá vẻ đẹp của thế giới? Bạn muốn đến Tây Tạng trong 3 tháng và được đắm chìm trong không gian Phật giáo và đi tìm bản ngã tâm linh của mình? Bạn muốn đi làm từ thiện trong 2 tuần, để kết nối yêu thương và cho đi nhiều hơn nữa? Bạn muốn viết một cuốn sách mà chưa bao giờ bạn có đủ thời gian để viết? Bạn muốn có những bữa cơm đầm ấm bên gia đình, không còn phải lo đi làm thêm ca tối? Bạn muốn có thời gian nhiều hơn cho gia đình và con cái mình, và cảm nhận cuộc sống gia đình hạnh phúc?

Tự do tài chính cho chúng ta tự do về thời gian và tự do về tâm trí để làm những gì chúng ta muốn, bằng đam mê chứ không phải vì tiền. Chúng ta không còn là nô lệ của tiền nữa. Đó là khi cuộc sống của chúng ta thực sự viên mãn.

Có thời gian để tìm kiếm cơ hội giàu có hơn nữa

Tự do tài chính lại giúp chúng ta giàu có hơn? Chính xác là như vậy. Tự do tài chính là tự do về tiền bạc và giúp chúng ta tự do về thời gian. Thời gian không chỉ để chúng ta làm những gì mình muốn, mà quan trọng hơn để tìm kiếm những cơ hội để trở thành giàu có hơn.

Tiền bạc hay thời gian quan trọng hơn? Người nghèo thì đánh đổi thời gian để kiếm tiền. Người giàu thì đánh đổi tiền để lấy thời gian. Thời gian là tất cả. Bạn có tiền nhưng không có thời gian, bạn không thể trở thành cực kỳ giàu có được.

Tại sao hầu hết mọi người không trở nên giàu có, vì họ không có thời gian đi tìm kiếm cơ hội để trở thành giàu có. Đó là lý do cơ bản. Vì họ đánh đổi thời gian lấy tiền. Chúng ta chỉ có 24 giờ mỗi ngày, và để kiếm nhiều tiền hơn, họ phải làm việc chăm chỉ hơn. Đó là công thức mà 95% dân số biết. Hiện nay, tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội kiếm tiền từ bất động sản. Nhưng nhiều người không thể thấy bất cứ cơ hội nào để giàu hơn, vì họ phải dành 8 đến 12 tiếng làm việc.

Tự do thời gian để bạn đi tìm kiếm cơ hội làm giàu và tìm ra nơi giúp nhân tiền của chúng ta nhanh hơn. Người giàu ngày càng giàu hơn vì họ có tiền và họ có thời gian để tìm hiểu những cơ hội kiếm nhiều tiền hơn nữa, và họ cũng có thời gian xây dựng những mối quan hệ tạo ra nhiều tiền hơn trong tương lai.

5. hai bước để đạt được tự do tài chính

Có hai bước bạn cần làm để đạt tự do tài chính:

- Xác định chi phí hàng tháng của cá nhân và gia đình, từ đó xác định được thu nhập thụ động bạn cần có để tự do tài chính.

- Tìm các phương thức để xây dựng nguồn thu nhập thụ động đó.

Tôi sẽ hướng dẫn bạn cụ thể từng bước chúng ta cần làm gì.

Bước 1: Xác định rõ chi phí cá nhân và gia đình

Từ định nghĩa tự do tài chính là khi thu nhập thụ động lớn hơn chi phí hàng tháng của chúng ta, thì trước khi xác định được thu nhập thụ động cần có, bạn phải xác định chính xác mức chi phí hàng tháng của bạn (hoặc gia đình bạn). Điều này rất quan trọng, não chúng ta làm việc bằng mệnh lệnh và con số cụ thể. Nếu bạn đưa cho não một con số cụ thể: tôi cần có thu nhập thụ động là…..đồng, chúng sẽ giúp bạn đạt được chính xác con số đó. Còn nếu bạn không có con số cụ thể, tiềm thức của chúng ta không biết làm gì để giúp ta đạt đến mục đích.

Bài tập: Xác định chi phí hàng tháng của bạn

Hãy nghiêm túc lấy ra một tờ giấy, liệt kê ra toàn bộ những chi phí của bạn trong một tháng một cách trung thực. Chú ý là mỗi người có nhu cầu chi tiêu hoàn toàn khác nhau.

Vậy, tổng chi phí hàng tháng của cá nhân bạn là 7.500.000 đồng. Bạn sẽ cần tạo ra ít nhất 7,5 triệu đồng tiền thu nhập thụ động hàng tháng.

Bài tập: Xác định chi phí hàng tháng của gia đình

Hãy lấy giấy và bút ra, liệt kê tất cả chi phí hàng tháng của gia đình bạn. Ví dụ dưới đây là mức chi tiêu thoải mái của một gia đình trung lưu hiện nay ở Việt Nam.

Như vậy, tổng chi phí của một gia đình này ở Hà Nội hiện nay là 62.500.000 đồng. Vậy họ phải có thu nhập thụ động từ ít nhất 63.000.000 đồng trở lên để tự do tài chính.

BÀI TẬP HÀNH ĐỘNG

Sau khi đã định mức chi phí hàng tháng của bạn/gia đình bạn. Hãy ghi ra dòng chữ cụ thể như sau và đọc to 50 lần.

Tôi sẽ tạo ra thu nhập thụ động là…… đồng vào ngày..….. (ghi ngày tháng năm cụ thể).

Hàng ngày, hãy đọc lại 5 lần dòng tuyên bố này vào mỗi buổi sáng và buổi tối.

Bước 2: Tìm phương thức xây dựng nguồn thu nhập thụ động

Sau khi xác định được chi phí hàng tháng của cá nhân và gia đình, giờ là lúc chúng ta dùng đến Quỹ Tự Do Tài Chính chúng ta đã tạo ra như đã nói ở Chương III. Quỹ Tự Do Tài Chính này không được dùng để mua tiêu sản, mà chỉ để đầu tư tạo ra những cỗ máy kiếm tiền 24 giờ và mang lại lợi nhuận cho bạn - thu nhập thụ động. Đó là điều quan trọng nhất.

Làm thế nào để tạo ra những cỗ máy kiếm tiền 24 giờ cho bạn?

Có nhiều phương án khác nhau. Tuy nhiên, có 4 phương thức chính mà tôi muốn chia sẻ sau đây vì khả năng áp dụng thực tế cao tại Việt Nam:

- Công việc kinh doanh tự động

- Bất động sản cho thuê

- Đầu tư tài chính

- Gửi tiết kiệm ngắn hạn

Một số người hỏi tôi vàng, bạc có phải là phương án để tự do tài chính không? Mua vàng, bạc không được coi là phương án để tự do tài chính, vì không tạo ra thu nhập thụ động. Bạn chỉ có gia tăng giá trị tài sản khi vàng tăng giá, nhưng khó có thể tạo ra thu nhập gì thêm từ vàng. Ngân hàng thường chỉ nhận giữ hộ vàng cho bạn với lãi suất bằng không. Mua vàng, bạc chỉ có thể coi là phương án tích lũy trong khi xây dựng Quỹ Tự Do Tài Chính, để chờ đến lúc Quỹ Tự Do Tài Chính của bạn đủ lớn cho đầu tư vào các phương pháp tạo ra thu nhập thụ động.

Chi tiết về các phương thức xây dựng thu nhập thụ động như sau:

Công việc kinh doanh tự động

Thường thì để xây dựng Quỹ Tự Do Tài Chính lớn nhanh nhất, một trong những cách phổ biến là chúng ta xây dựng một công việc kinh doanh giống như tôi đã bàn trong chương IV.

Nếu vì lý do nào đó, bạn không thể phát triển một công việc kinh doanh riêng giống như Chương IV tôi đã chia sẻ, và Quỹ Tự Do Tài Chính của bạn tầm từ 0 đến 500 triệu, thì bạn có thể xây dựng một công việc kinh doanh tự động. Đó là công việc kinh doanh đơn giản, dễ quản lý, mà thậm chí bạn có thể để người khác quản lý hộ bạn trong thời gian bạn đang làm một công việc khác. Những công việc này thường là:

- Xây dựng công việc kinh doanh tự động trên Internet. Bạn có thể xây dựng một trang có các thông tin hữu ích về chủ đề hấp dẫn nào đó, làm tăng lượng truy cập và có thể hưởng tiền quảng cáo đều đặn trên trang web đó. Chú ý chọn chủ đề nội dung có tính sử dụng lâu dài với người đọc. Như vậy, bạn sẽ bớt việc phải cập nhật nội dung hàng ngày. Hoặc khi tìm được chủ đề phù hợp, bạn có thể thuê một người cập nhật nội dung trang. Và bạn sẽ tạo được thu nhập đều đặn khi xây dựng được một trang hữu ích.

- Mua một nhượng quyền. Tôi từng biết có một cửa hàng nhượng quyền Papparoti từ Malaysia rất tốt. Tôi cho rằng việc mở cửa hàng bằng nhượng quyền này có thể mang lại cho chúng ta thu nhập tối thiểu 10 - 20 triệu đồng/tháng.

- Mở một quán phở hoặc cà phê với quy trình chuẩn, và để người khác điều hành hay quản lý quán phở và cà phê đó.

- Nếu có xe hơi, bạn có thể cho thuê xe để chạy Uber, hoặc thuê lái xe chạy Uber cho bạn. Tôi biết có lái xe Uber, ban đầu họ bỏ ra 380 triệu đồng mua xe. Sau đó, họ thuê lái xe chạy Uber, thì doanh thu sau khi trừ đi các chi phí đã tạo ra thu nhập thụ động cho họ.

- ….

Đó đều là những công việc kinh doanh tự động đơn giản giúp tạo ra dòng tiền 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng một tháng mà bạn không cần phải làm việc.

Nếu bạn đầu tư góp vốn vào một công việc kinh doanh nào đó, và thỏa thuận được nhận cổ tức từ vốn góp, đó cũng là một hình thức mang lại thu nhập thụ động. Nếu công việc kinh doanh đó tốt, khả năng bạn sẽ được chia cổ tức tốt, giá trị cổ phần tăng lên. Tuy nhiên hãy tìm hiểu kỹ đối tác mà mình định góp vốn để chọn đúng người, đúng hệ thống.

Đầu tư tài chính

Chúng ta có thể đầu tư mua cổ phiếu của một số công ty để nhận được cổ tức hàng năm. Các công ty có thể trả cổ tức từ 5% đến 15% hoặc cao hơn nữa. Mức cổ tức như vậy cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện nay (khoảng 5% đến 6%).

Cổ tức chính là thu nhập thụ động giúp bạn không phải làm việc vẫn có khoản thu nhập ổn định. Ưu điểm của phương án đầu tư tài chính này là bạn chỉ cần một khoản vốn nhỏ đã có thể bắt đầu, không cần vốn quá lớn như bất động sản. Hãy lựa chọn cổ phiếu của công ty có uy tín để đảm bảo an toàn vốn cho bạn.

Hoặc chúng ta có thể mua các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, với lợi tức từ 5% đến 18%. Đây là các sản phẩm vừa mang tính bảo hiểm, vừa mang tính đầu từ. Trong đó, các công ty bảo hiểm lập ra các quỹ đầu tư, thay chúng ta đầu tư và thu cổ tức. Với hình thức này, hãy lựa chọn công ty bảo hiểm uy tín để đảm bảo an toàn nguồn vốn cho bạn.

Gửi tiết kiệm ngắn hạn

Phương pháp đơn giản nhất, ít phải suy nghĩ nhất để tạo ra thu nhập thụ động là gửi tiết kiệm ngân hàng. Bạn chỉ cần mang số tiền bạn tích lũy được ra lập một sổ tiết kiệm để nhận lãi hàng tháng. Lãi suất ngân hàng hiện nay là trung bình từ 5% đến 6%/năm (năm 2016).

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là bạn chỉ nên gửi tiết kiệm ngắn hạn, trong khi cố gắng tìm ra các phương án khác tạo thu nhập thụ động tốt hơn. Vì hai lý do: Một là, lãi suất ngân hàng thường thấp; và hai là, số tiền bạn gửi trong ngân hàng sẽ ngày càng mất giá. Nguyên nhân một phần là do lạm phát và việc in tiền của chính phủ.

Câu chuyện về ông Lê Minh Toán, gửi số tiền tiết kiệm cách đây 20 năm là một minh chứng cho việc bạn chỉ nên gửi tiết kiệm ngắn hạn. 20 năm trước, ông Toán gửi số tiền 4.100 đồng vào sổ tiết kiệm. Thời đó, số tiền này có thể mua được một ngôi nhà. Đến nay, sau khi nhận lãi và gốc, ông nhận được 109.778 đồng, bằng giá ba tô phở. Đây là câu chuyện rõ ràng nhất về việc tại sao không nên gửi tiền tiết kiệm dài hạn.

Câu chuyện cũng cho chúng ta một bài học thứ hai: hãy có trách nhiệm với những đồng tiền của mình và phải học cách quản lý chúng. Ông Toán suốt 20 năm không bao giờ đến ngân hàng để hỏi về số tiền của mình. Ngay cả khi Nhà nước có quyết định đổi tiền, ông cũng cho rằng “càng để tiền thì tiền càng sinh lời” mà không tìm hiểu xem mình đang nắm giữ bao nhiêu tiền. Nếu có thái độ đó với đồng tiền, chúng ta không thể giàu có được.

Bất động sản cho thuê

Phương pháp tạo ra thu nhập thụ động ổn định và lâu dài nhất, trong khi vẫn đảm bảo được nguồn vốn tăng theo thời gian, đó là bất động sản cho thuê.

Với dân số ngày càng đông đúc, nhu cầu thuê nhà ở hoặc kinh doanh ngày càng nhiều hơn. Trong khi đó, giá bất động sản hầu như đều có xu hướng tăng theo thời gian. Bất động sản cho thuê sẽ mang lại cho chúng ta dòng tiền ổn định và tự do tài chính lâu dài.

Với kinh nghiệm thực tế của tôi, nếu bạn có một khoản tiền tương đối trong tay, tầm từ 1 tỷ đồng trở lên với thị trường năm 2016, để Tự Do Tài Chính vững chắc, tôi khuyên bạn nên bắt đầu bằng: MUA MỘT BẤT ĐỘNG SẢN CÓ THỂ CHO THUÊ, VÀ CÓ THỂ MUA TRẢ GÓP!

Nếu cần thu nhập thụ động 7.500.000 đồng/tháng, bạn cần ít nhất một bất động sản có thể tạo ra dòng tiền 7.500.000 đồng/ tháng. Và hãy tìm cách tăng thêm các tài sản này, để tăng thêm thu nhập thụ động cho cuộc sống gia đình của bạn trong tương lai.

Bạn phải mua một bất động sản có khả năng cho thuê, để tạo thu nhập thụ động hàng tháng. Đó là điều kiện đầu tiên cho sự tự do tài chính của bạn. Có nhiều loại hình bất động sản khác nhau. Có những loại hình bất động sản chỉ có thể chờ tăng giá chứ không thể cho thuê vì xa cụm dân cư. Chúng ta cần chọn những loại hình bất động sản gần các khu vực dân cư hoặc các cụm doanh nghiệp công ty, khu công nghiệp, khu nghỉ mát du lịch… tóm lại là phải có tiềm năng cho thuê. Khi xem một bất động sản, câu hỏi đầu tiên bạn cần hỏi là: Bất động sản này có cho thuê được không?

Hai yếu tố quan trọng cần quan tâm: Bất động sản có tăng giá không? Và ROI là bao nhiêu?

Bạn cần chú ý đến tỷ lệ ROI (Return on Investment), tức tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận ròng từ tiền cho thuê bất động sản trên chi phí đầu tư mua bất động sản ban đầu của bạn.

Ví dụ: Bạn bỏ tiền mặt ra mua bất động sản 1,5 tỷ đồng. Các chi phí phát sinh khác (sửa chữa, thuế,...) để mua bất động sản đó là 150 triệu đồng. Vậy tổng chi phí đầu tư cho bất động sản là 1,65 tỷ đồng. Nếu bạn có thể thu được tiền thuê là 10 triệu đồng/tháng, vậy trong 1 năm, bạn có 120 triệu đồng tiền thuê. Sau khi trừ đi thuế và chi phí khác nếu có tầm 1 triệu đồng, bạn còn lại 9 triệu đồng/tháng. Vậy, bạn kiếm được 108 triệu đồng/năm thu nhập ròng.

Lúc này ROI của bất động sản đó là:

108.000.000 đ/1.650.000.000 đ x 100% = 6,55%

Hiện tại ở Việt Nam, tỷ lệ ROI trung bình là 4% đến 5% /năm. Tỷ lệ ROI này năm 2016 theo nghiên cứu của tôi là cao hơn Singapore và ngang bằng với Úc. Nếu bạn chịu khó tìm tòi, bạn có thể tìm được cơ hội cho dòng tiền 7%/năm đến 15%/năm.

Hãy nhớ khi bạn đi tìm mua một bất động sản, nhìn vào con số chứ đừng để cảm xúc chi phối. Cái bạn cần xem xét là: Bất động sản này tăng giá trong tương lai không hay sẽ giảm giá? Có những bất động sản nhìn rất hấp dẫn, khiến bạn xiêu lòng muốn mua ngay, nhưng chưa chắc đã mang lại cho bạn dòng tiền tốt. Có những bất động sản nhìn khá tệ, vị trí không trung tâm, nhưng lại có khả năng tăng giá và cho thuê với tỉ lệ ROI tốt. Vì vậy, hãy đầu tư bằng cái đầu chứ không phải bằng cảm xúc.

Nếu mua nhà dự án, hãy mua ngay lần mở bán đầu tiên để được giá tốt. Thường lần mở bán đầu tiên, chủ đầu tư sẽ đưa ra mức giá bán hấp dẫn nhất. Khi bạn mua ngay giai đoạn đầu tiên, sẽ có lợi cho bạn về giá và phương thức thanh toán. Không nên mua khi chủ đầu tư đã mở bán ở những giai đoạn cuối.

Nếu tiền mặt của bạn hiện tại chưa nhiều, bạn nên mua bất động sản trả góp. Năm 2013, tôi gặp một người chị là một chủ các dự án bất động sản lớn tại Sài Gòn. Trong những bữa ăn, chị kể lại cho tôi giai đoạn chị bắt đầu lập nghiệp. Chị có nói với tôi rằng, “ Sơn ạ, em phải mua trả góp ”. Đó là sức mạnh của sự cộng dồn, và chị đã kiếm những khoản tiền lớn đầu tiên nhờ mua trả góp. Tôi suy nghĩ mãi về câu nói này, và tôi đã áp dụng vào việc đầu tư của tôi.

Kết quả là, dù kinh doanh có lúc lên lúc xuống và còn các khoản đầu tư khác, trong 2 năm tôi vẫn mua được 2 căn nhà, chỉ bằng cách mua trả góp. Sau khi hoàn tất các thủ tục nhận sổ đỏ, các bất động sản này đều tăng giá và tạo ra dòng tiền cho thuê tốt. Một căn hộ chung cư Golden Palace Mỹ Đình Hà Nội, tôi mua trả góp 3 năm, đến năm 2015 tôi nhận nhà. Tôi mua với giá lúc đó chỉ có 2,3 tỷ đồng với tiến độ thanh toán trong 3 năm. Và năm 2015, khi nhận nhà chúng tôi có thể cho thuê 14 triệu đồng/tháng, vậy ROI là 7% (sau khi trừ các chi phí phát sinh). Hiện tại, căn nhà này trị giá 3 tỷ đồng. Các bạn môi giới gọi điện liên tục cho chúng tôi để hỏi cho thuê nhà và hỏi mua nhà. Như vậy, đây là cơ hội khá tốt.

Và tôi áp dụng triệt để kể cả trong việc mua đất dự án. Khi nguồn vốn đã tương đối lớn, tôi có thể mua bất động sản trả toàn bộ nếu thấy thực sự tiềm năng. Nhưng ban đầu hãy bắt đầu bằng mua nhà trả góp. Hãy bắt đầu từ cái nhỏ, chỉ bỏ một ít tiền vào. Đó là khi Quỹ Tự Do Tài Chính của bạn phát huy tác dụng. Khi đã có được bất động sản đầu tiên, hãy tìm cách tạo ra dòng tiền bằng cách cho thuê càng nhanh càng tốt.

Một cách khác để vừa tạo ra dòng tiền, ROI cao, vừa có thể tăng giá trị tài sản, với chi phí đầu tư ban đầu thấp là mua bất động sản vùng ven - nơi có các khu công nghiệp hoặc cụm dân cư đông đúc.

Một khách hàng lâu năm của Babylons đã rất thành công theo mô hình này. Anh đã bỏ ra khoản tiền trên dưới một tỷ đồng để mua lô đất Quận 9, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Anh xây dãy nhà cho thuê với nhiều phòng. Anh để người thân họ hàng ở quê lên, ở đó quản lý giúp. Hiện tại mỗi lô như vậy mang lại cho anh thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Vậy với chi phí ban đầu rất thấp, anh đã tạo ra ROI rất cao, tối thiểu 20%. Và điều tuyệt vời là giá đất vẫn tăng. Hiện tại, bên cạnh việc phát triển công việc kinh doanh chính của mình, anh vẫn đang tiếp tục mở rộng mô hình này ra, tài chính của anh hiện tại rất vững.

Một người khác, anh chỉ là người lao động bình thường ở Đồng Nai. Anh có dáng người lam lũ và đi một chiếc xe máy xấu nhất mà tôi từng thấy. Nhưng tôi biết, anh mua một khu đất tại Nhơn Trạch – Đồng Nai với giá 1 tỷ đồng. Sau đó anh xây lên được 20 căn phòng trọ, với chi phí xây dựng khoảng 600 triệu đồng. Và anh cho thuê được với giá 800.000 đồng/căn/tháng. Tổng tiền thuê là 16 triệu đồng/tháng, ROI của anh được 12%/năm.

Điểm tốt của mô hình này là vừa đảm bảo giá trị tài sản tăng đều đặn vừa có dòng tiền cho thuê tốt. Với lượng cung căn hộ chung cư nhiều như hiện nay, mua đất về lâu dài có giá trị tốt hơn. Mặc dù bạn sẽ phải vất vả hơn và thách thức hơn trong việc xây dựng và quản lý cho thuê ban đầu, nhưng hiệu quả lâu dài vô cùng tốt.

Hãy ưu tiên mua bất động sản gần nơi bạn sống, cách chỉ một giờ lái xe. Như vậy, bạn mới có thể cho thuê và quản lý dễ dàng. Và khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra, bạn đều có thể đến xử lý nhanh chóng. Hơn nữa, bạn dễ dàng tìm hiểu được giá cả tăng lên xuống của bất động sản tại khu vực đó và dễ tìm được cơ hội tốt.

Khi mua bất động sản, đừng bao giờ đợi có đủ tiền mặt trong tay mới xem và mua. Với bất động sản, thường khi bạn có nhiều tiền hơn để mua thì giá đã tăng cao hơn hoặc cơ hội đã qua mất rồi. Hầu hết khi mua bất động sản, bạn phải cố gắng chịu thiếu hụt tiền mặt, sẵn sàng vay tiền và sử dụng tiền của người khác để nắm được cơ hội tốt.

Khi bạn có nhiều tiền hơn. Bạn có thể mua đất hoặc nhà để cho thuê làm khách sạn, mua nhà phố để cho thuê cửa hàng, văn phòng,... nhằm tạo ra dòng tiền thu nhập thụ động lớn hơn.

Bạn hoàn toàn chắc chắn có thể tự do tài chính với số tiền từ 1 tỷ đồng trong tay.

Tuy nhiên, hãy chú ý rằng mọi thứ đều luôn thay đổi. Chúng ta chỉ có thể liên tục cập nhật thị trường và phương thức đầu tư phù hợp để tích lũy tài sản. Một người bạn của tôi mua một biệt thự căn góc trị giá 100 tỷ đồng tại khu đô thị Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội. Trước đây giá cho thuê là 6.500 USD/tháng, ROI 1,77%, nhưng hiện nay chỉ còn được 4.200 USD/tháng, ROI 1,14%. Tuy nhiên một căn nhà phố hiện nay giá trị 100 tỷ đồng có thể cho dòng tiền thu nhập thụ động tốt hơn thế. Trong khi giá trị của căn biệt thự khu vực này cũng không hề tăng nhiều so với một căn nhà phố. Vì vậy, chúng ta hãy luôn cập nhật sự thay đổi để đảm bảo duy trì mọi tài sản luôn là tài sản tốt. Hãy luôn quan sát và quản lý tài sản của bạn.

BÀI TẬP HÀNH ĐỘNG

Liệt kê tài sản và tiêu sản mà bạn đang có.

Liệt kê chi phí hàng tháng của bạn.

Xác định mục tiêu thu nhập thụ động ban cần có để tự do tài chính. Ghi ra một tờ giấy: Tôi sẽ có thu nhập … đồng vào ngày… và tôi sẽ tự do tài chính.

Chơi Game Cashflow và hoàn thành báo cáo tài chính của bạn.

Công thức làm giàu 7

Tích lũy tài sản và tạo thu nhập thụ động

Lời kết

Muốn nhiều hơn nữa? đây là 6 điều bạn phải làm

1. Tìm Một Người Thầy/ Người Ngưỡng Mộ/ Người Hùng Của Bạn

Để bạn giàu có nhiều hơn nữa, có lẽ một trong những cách hiệu quả nhất là tìm một kiểu mẫu mà bạn thực sự ngưỡng mộ, một người hùng của bạn.

Đối với tôi, người tôi ngưỡng mộ là bà Trương Mỹ Lan, anh Phạm Nhật Vượng, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hùng và chị Nguyễn Thị Phương Thảo. Và tôi đã được gặp mặt một trong số họ và học hỏi từ họ rất nhiều.

Họ cũng sẽ cho bạn thấy con đường phía trước như thế nào và bạn sẽ gặp những gì trong lĩnh vực của bạn vì mỗi lĩnh vực đều có những đường đi khác nhau. Ví dụ nếu kinh doanh khách sạn, bạn cần tìm những người đã kinh doanh khách sạn thành công. Nếu kinh doanh bất động sản, bạn cần gặp những người đã kinh doanh bất động sản thành công. Bạn sẽ học được những điều khôn ngoan nhất từ họ để giúp cho thành công của riêng mình. Hơn nữa, họ còn cho bạn niềm tin rằng những điều họ đã làm được, bạn hoàn toàn có thể làm được.

Nếu không biết được ai, bạn có thể tìm một cuốn sách được viết bởi những người đã trở thành giàu có theo cách bạn muốn. Bạn có thể tham dự các hội thảo, nghe băng, xem video từ họ. Nếu có thể, hãy đi gặp họ trực tiếp. Bạn sẽ học được nhiều hơn nữa khi gặp họ trực tiếp. Đừng tiếc bất cứ cái gì để đổi lấy việc gặp trực tiếp người hùng của bạn, có những bài học sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Bất cứ người nào mà tôi cảm thấy họ là hình mẫu tôi muốn hướng tới để trở nên giàu có hơn, tôi đều sẵn sàng bỏ thời gian và chi phí để học từ họ, tìm mọi cách để được học từ họ.

Gương mặt những doanh nhân thành công trên thế giới

2. Đọc sách tài chính kinh doanh mỗi ngày và tham dự các hội thảo/ Khóa học

Bạn có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn đọc và càng không thể nhịn học.

Đầu tư vào giáo dục cho chính bạn là yêu cầu đầu tiên. Không có tiền không phải là lý do để bạn không học. Thực tế, nếu bạn không có tiền, tài sản duy nhất bạn có là tâm trí của bạn, công cụ mạnh mẽ nhất có thể biến tất cả những gì chúng ta muốn trở thành sự thật. Có điều, bạn phải rèn luyện và nâng cấp tâm trí của mình, để chúng thực sự có sức mạnh đó.

Chúng ta được quyền lựa chọn sẽ đưa cái gì vào tâm trí của chúng ta. Bạn có thể lựa chọn xem ti vi, đọc báo hay đọc sách và học về tài chính, đầu tư. Tất cả là lựa chọn của bạn. Nhưng đừng phung phí trí não của bạn vào những thứ vô bổ, tiêu cực có thể làm giảm hoặc giết chết ước mơ của bạn. Nhiều người thích đi đầu tư hơn là học làm thế nào để đầu tư và điều đó có thể khiến bạn trả giá khá lớn, lớn hơn học phí của một khóa học rất nhiều.

Vì vậy, hãy đọc sách về tài chính và kinh doanh ít nhất 30 phút một ngày. Hãy tham dự các chương trình khóa học phù hợp về kinh doanh và tài chính, phù hợp với lĩnh vực của bạn. Ngay từ khi bắt đầu con đường làm giàu, tôi đã tham gia các hội thảo khóa học, và bây giờ vẫn vậy. Giờ đây, tôi đi học từ những người thầy tốt nhất thế giới, gặp trực tiếp các tỷ phú và triệu phú. Các chương trình hội thảo, các khóa học giúp chúng ta học được những góc nhìn khác nhau của những người thành công khác nhau về vấn đề tài chính, kinh doanh và làm giàu. Đồng thời cũng kết nối chúng ta với những người thành công và giàu có xung quanh. Tôi có những người bạn không bao giờ tham gia các khóa học và họ nói với tôi rằng học như thế thật phí thời gian. Nhưng đến giờ, họ vẫn làm một công việc và tài chính chẳng có gì thay đổi cả.

3. Hành Động Điên Cuồng

Hãy luôn đi về hướng bạn muốn, nếu sai, hãy sửa và đi tiếp. Cách này không được, hãy thử cách khác. Đôi khi chúng ta mệt, nản chí, có thể dừng lại nghỉ một chút nhưng rồi hãy đi tiếp. Đừng bỏ cuộc. Vì sự giàu có cũng giống như bất cứ thành tựu thành công nào trên cuộc đời, cần sự kiên trì nhẫn nại.

Hãy hành động điên cuồng để đi đến điều bạn muốn. Chúng ta ai cũng chỉ có 24 giờ. Hãy tận dụng thời gian của bạn. Có những việc, có những bài học đằng nào cũng phải làm, phải học để trở thành giàu có, thì hãy làm và học nhanh, càng nhanh càng tốt. Những người hành động điên cuồng, dù có vấp ngã nhiều lần, thì cũng sẽ đến đích nhanh hơn.

4. Gần Gũi Là Sức Mạnh

Tôi muốn lặp lại nguyên tắc này lần nữa: Muốn giàu có, gần gũi là sức mạnh.

Hãy tìm những người thành công và giàu có hơn bạn, trở thành bạn của họ. Nói chuyện với họ hàng ngày và những điều kỳ diệu sẽ xảy đến và bạn sẽ ngày càng giàu có hơn. Vì tất cả những người bạn mà họ biết, kinh nghiệm cuộc sống và những hiểu biết sâu sắc mà họ có sẽ luôn có ích cho bạn. Warren Buffett và Bill Gates thường đến ngủ qua đêm và ăn sáng ở nhà nhau. Tim Cook, CEO Apple, là bạn của vợ chồng nhà Bill Clinton. Khi Tim Cook cần suy nghĩ về mức cổ tức trả cho cổ đông Apple, ông gọi cho Warren Buffett và Bill Clinton. Về cuộc điều trần liên quan đến việc thực thi thuế của Apple vào năm 2013, ông gọi cho Lloyd Blankfein (CEO Goldman Sachs) và gọi cho Bill Clinton.

Hãy nhớ rằng, những thành công lớn lao không bao giờ có thể đến một mình, chúng ta cần những người bạn cùng chung năng lực và chí hướng, những người dẫn đường luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn.

5. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày

Bạn muốn có thời gian để trở nên giàu có và tận hưởng sự giàu có, bạn cần khỏe mạnh.

Cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp cho chúng ta vào trong trạng thái đầy năng lượng. Và trạng thái này thúc đẩy chúng ta hành động nhiều hơn. Nếu cơ thể ốm yếu, bạn sẽ chẳng muốn hành động hay làm gì khác, bạn cũng chẳng muốn gặp gỡ ai để tìm cơ hội gì mới. Đồng thời, với cơ thể ốm yếu, bạn sẽ thường dễ rơi vào trạng thái tư duy tiêu cực, thiếu năng lượng và không thể nghĩ lớn được.

Hãy tập thể dục ít nhất 30 phút một ngày, và trong lúc đó hãy nghĩ đến những điều tuyệt vời trong tương lai bạn xứng đáng được hưởng.

6. Cho Đi

Cho đi là một cách để bạn chia sẻ tấm lòng, cảm nhận sự dư dả của bản thân, sự yên bình về tinh thần và tâm linh. Nhiều người không muốn cho đi, vì họ luôn cảm thấy thiếu thốn (tiền bạc, nguồn lực, tình thương,...) nhưng khi bạn cho đi, là bạn đang gieo những hạt giống của sự dư dả (tiền bạc, nguồn lực, yêu thương,...) trong tâm trí bạn, và vì thế sẽ tạo ra sự dư dả trong cuộc sống của bạn.

Cách cho đi tốt nhất là giúp đỡ những người sẵn sàng giúp chính bản thân họ. Cho đi tiền và thức ăn cho những người nghèo một cách không xem xét kỹ, không biết người nhận là ai cũng không hẳn là một cách hay. Nhưng tìm ra và giúp đỡ thầm lặng những người đang đấu tranh với những khó khăn cho bản thân họ là một điều tuyệt vời. Nhưng hãy cho họ thực phẩm, đồ ăn và những gì cần thiết, vì chỉ cầu nguyện cho họ không thì cũng chẳng giải quyết được gì cả. Và hãy cho đi từ trái tim.

Tôi đã biết nhà thờ trên đường Đê La Thành - Hà Nội từ rất lâu. Năm 2013, khi đi qua đó, tôi thấy họ đang sửa chữa xây dựng lại nhà thờ. Rất nhiều xe đạp dựng ngoài. Nhiều người đến vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Dù không theo đạo, tôi quyết định đóng góp cho nhà thờ một số tiền vào việc xây sửa. Đó là một chút tấm lòng của tôi.

Hàng tháng, tôi dành ra một khoản tiền quyên góp đều đặn cho các quỹ từ thiện mà tôi đã biết từ lâu. Dù bạn kiếm nhiều hay ít tiền, bạn đều nên bỏ ra một số tiền trong thu nhập của mình để cho đi. Quan trọng không phải cho đi bao nhiêu, mà là tạo dựng thói quen.

Một điều tốt của việc giàu có là bạn có thể cho đi và giúp người khác nhiều hơn. Khi nghèo, bạn chỉ có thể giúp người khác một bữa ăn, tấm áo; khi giàu, bạn có thể xây cả một cây cầu, một ngôi nhà cho người khác.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3