Con tầu trắng - Chương 10
Ông già thậm chí còn lấy làm thích về chuyện đó: như vậy là thằng này chịu học. Vậy mà lúc này cháu ông đang đứgn trên đường, hay tay đầy vết mực, cầm chiếc cặp yêu mến mua dạo mùa hè năm nay. Chắc nó chờ đợi đã mệt nhoài rồi và đang lo lắng, chốc chốc lại ngóng nhìn và lắng nghe xem có phải ông cưỡi ngựa ló ra trên ngọn đồi hay không. Thì trước nay bao giò ông cũng đến kịp giờ mà. Hễ thằng bé ra khỏi trường là ông đã xuống ngựa chờ nó cách đấy một quang. Bọn trẻ tản về nhà, còn thằng bé chạy đến với ông. “Ông kia rồi. Ta chạy đi” – thằng bé nói với cái cặp. Chạy tới nơi, nó bối rối muốn nhảy bỏ đến ôm lấy ông, úp mặt vào bụng ông, ngửi cái mùi quen thuộc của áo quần ông và mùi cỏ khô mùa hè: trong những ngày này, ông dùng ngựa thồ cỏ khô từ bờ bên kia về, mua đông tuyết ngập sâu không thể sang được bờ bên kia, tốt hơn hết là chuyên chở từ mùa thu. Và một thời gian lâu sau đó, người ông toả ra mùi phấn cỏ đăng đắng.
Ông đặt cháu ngồi lên mông ngựa ở phía sau, và hai ông cháu đi về nhà, ngựa khi thì phi nước kiệu đường trường, khi thì bước một, hai ông cháu khi thì im lặng, khi thì nói với nhau một chuyện gì không đâu, và về tới nơi lúc nào không hay. Qua cái đèo yên ngựa giữa những trái núi nhỏ, hai ông cháu xuống hẻm Xantasơ về nhà mình.
Thằng bé say mê trường học quá đỗi khiến cho bà nó tức tối. Vừa thức giấc là nó mau chóng mặc quần áo và xếp sách vở vào cặp. Bà lão còn cáu về việc ban đêm nó đặt chiếc cặp bên mình. “Sao mà mày gắn bó với cái cặp khốn kiếp ấy thế? Mong sao nó thành vợ mày thì tốt, chúng tao khỏi tốn tiền dẫn cưới…” Thằng bé bỏ ngoài tai những lời của bà, vả chăng nó cũng chẳng hiểu rõ lắm bà nói thế là ý làm sao. Đối với nó, điều quan trọng nhất là đừng đi học muộn. Nó chạy ra sân giục ông. Chỉ khi nào trông thấy ngôi trường, nó mới yên tâm.
Thế mà có lần hai ông cháu vẫn đến muộn. Tuần trước, tảng sáng ông già Mômun cưỡi ngựa sang bên kia sông. Ông định chuyên chở một chuyến cỏ khô từ sáng. Mọi việc lẽ ra sẽ ổn cả, nhưng giữa đường bó cỏ xổ ra, cỏ rơi tung toé. Phải bó lại tất cả, lại buộc lên lưng ngựa. Vì làm vội, bó cỏ lại xổ tung ra ở ngay bờ sông.
Thằng bé cháu đã chờ ở bờ bên này. Nó đúng trên tảng đá sứt sẹo, vung chiếc cặp và gào lên câu gì không rõ, gọi ông. Ông già cuống quít, dây từng bị rối, thắt núi không gỡ ra được. Thằng bé vẫn la hét, và ông già hiểu rằng nó đã khóc. Thế là ông vứt ráo cả, cả cỏ và dây thừng, nhảy lên ngựa, nhanh chóng vượt qua chỗ sông cạn đến với cháu.
Trong lúc ông vượt qua sông thì thời gian cũng trôi đi: không thể nhảy qua chỗ sông cạn như mọi khi được, nước khá sâu, dòng chảy xiết. Mùa thu thì không đáng sợ lắm, chứ mùa hè thì ngựa sẽ bị quật ngã, thế là toi mạng.
Khi Mômun rút cuộc đã qua được sông và đến gần cháu thì thằng cháu đã khóc rưng rức. Nó không nhìn ông, chỉ khóc và nói lẩm nhẩm: “Muộn học rồi, muộn học rồi…” Ông già thõng người xuống từ trên lưng ngựa, bế thằng bé lên yên và phóng đi. Giá như trường ở gần nhà thì thằng bé sẽ chạy đi một mình là xong. Lần ấy suốt dọc đường nó cứ khóc hoài và ông già không làm cách nào cho nó yên lòng được, cứ như thế, ông đưa thằng bé khóc sướt mướt đến trường. Đã vào học rồi. Ông dẫn thẳng nó vào lớp.
Mômun cứ xin lỗi cô giáo mãi, hứa lần sau không để xảy ra chuyện như thế.
Nhưng điều làm ông lão bàng hoàng nhất là thằng cháu khóc ghê quá, nó khổ tâm lắm vì đã đi học muộn. “Cầu trời cho cháu luôn luôn ham thích đến trường như vậy”, - Ông nghĩ. Nhưng tại sao thằng bé khóc dữ đến như vậy nhỉ? Vậy là trong lòng nó có điều gì tủi hờn, một nỗi tủi hờn riêng không nói ra…
Và bây giờ, đi cạnh cây gỗ, khi thì ở phía bên này, khi thì chạy sang phía bên kia, dùng cây đòn bẩy, kích, đệm để nó khỏi mắc vào bất cứ chỗ nào, để nó trượt nhanh xuống dốc, Mômun luôn luôn nghĩ: cháu mình ở đấy như thế nào đây?
Ôrôzơkun thì không hề vội vã. Y dắt ngựa. Vả lại ở đây cũng không thể vội được: đoạn đường này dài, rất dốc, phải đi chéo xiên trên sườn núi. Nhưng chẳng lẽ không thể tôn trọng lời cầu xin của ông ư: tạm để cây gỗ ở đây, rồi sẽ quay lại lấy sau? Ôi chao, nếu có đủ sức, ông sẽ vác cây gỗ lên vai, bước một bước qua sông, quẳng nó ở cái chỗ ô-tô sẽ chở nó đi cho xong chuyện!
Này, nhận lấy cây gỗ của các người, và hãy để tôi yên. Rồi ông sẽ đâm bổ đến với cháu ngay.
Nhưng đừng mơ tưởng hão! Còn phải chầy chật mới đến được bờ sông, bước trên đá tảng, đá sỏi, rồi cho ngựa kéo cây gỗ qua chỗ sông cạn sang bờ bên kia. Mà ngựa đã kiệt sức rồi, nó đã lên dốc xuống dỗc bao nhiêu lần trên núi… Nếu mọi việc trót lọt cả thì còn là may, chứ nếu cây gỗ bị mắc vào đá ở giữa sông hay ngựa trượt chân ngã thì sẽ ra sao?
Khi họ đã lội trong nước, ông Mômun cầu khấn: “Mẹ Hươu sừng, xin mẹ độ trì cho chúng con, sao cho cây gỗ đừng mắc lại, sao cho ngựa đừng trượt ngã!” Ông cởi đôi ủng, vắt qua vai, xắn quần cao quá gối, hay tay cầm cây đòn, hối hả theo cho kịp cây gỗ đang trôi. Họ kéo cây gỗ ngược dòng theo đường chéo xiên. Nước sông trong vắt, lạnh buốt. Nước mùa thu.
Ông già gắng chịu đựng, chân chẳng rụng đâu mà lo, miễn là mau mau đưa được cây gỗ qua sông. Thế nhưng, như cố tình trêu người, cây gỗ vẫn bị mắc, nằm rịt trên đá ở chỗ nước chảy xiết nhất. Gặp lúc như thế này, cần cho ngựa nghỉ một lát, rồi thúc ngựa thật lực, giật mạnh một cái thì có thể lôi cây gỗ ra khỏi chỗ mắc trên đá. Nhưng Ôrôzơkun ngồi trên yên, vung roi thẳng cánh quất con ngựa đã yếu sức, mệt lả. Con vật khuỵu chân sau xuống, trượt chân, vấp móng, nhưng cây gỗ không nhích khỏi chỗ. Hai chân ông già tê dại, mắt tôi sầm lại. Đầu óc choáng váng. Cái bờ dốc đứng, khu rừng trên bờ dốc, những đám mây trên trời nghiêng đi, rơi xuống sông, trôi theo dòng nước chảy nhanh và quay trở lại. Ông già Mômun rất khổ tâm.
Cây gỗ đáng nguyền rủa! Giá như nó khô, đốn lâu rồi thì lại khác, gỗ khô tự nó trôi trên mặt nước, chỉ cần kìm giữ nó thôi. Cây gỗ này vừa mới cưa và kéo ngay qua sông. Ai lại làm như thế kia chứ! Bởi vậy mới nên nông nỗi này. Việc làm mờ ám thì kết cục không ra gì. Ôrôzơkun không dám để cây gỗ mắc ở đấy: ngộ nhỡ nhân viên kiểm tra ập tới, lập biên bản về việc đốn gỗ quí trong rừng cấm thì nguy. Bởi vậy cưa xong là mau mau lôi cây gỗ đi cho khuất mắt.
Ôrôzơkun dùng gót giầy thúc ngựa, quất roi, đánh vào đầu ngựa, chửi tục, quát mắng ông già, như thể bao nhiêu tội lỗi là tại ông cả, nhưng cây gỗ vẫn không chịu thua, nó càng nằm ì ra, mắc kẹt vào đá. Ông già mất kiên nhẫn. Lần đầu tiên trong cả đời, ông giận dữ gắt lên.
- Xuống ngựa! – Ông kiên quyết tới gần Ôrôzơkun, lôi y khỏi yên ngựa. – Anh không thấy ngựa không kéo nổi nữa sao? Xuống ngay!
Ôrôzơkun ngạc nhiên, lẳng lặng tuân theo. Chân mang ủng, y nhảy thẳng từ trên yên xuống nước. Từ phút ấy, y dường như đần người ra, tai choáng ù, mê mụ đi.
- Nào! Góp sức vào! Ta cùng làm!
Theo lệnh của Mômun, cả hai người đè lên thanh đòn, bênh cây gỗ lên, cốt giải thoát nó khỏi mắc nghẽn vào đá.
Ngựa là con vật tinh khôn biết bao! Nó lao mạnh đi một cái đúng vào lúc đó, và cố bước một cách chầy chật, chân trượt trên đá, kéo căng những sợi dây chằng. Nhưng cây gỗ nhích khỏi chỗ một chút, bắt đầu trượt đi rồi lại mắc kẹt. Con ngựa lao mạnh cái nữa và không trụ nổi, ngã vật xuống nước, giãy giụa, vướng víu trong bộ dây thừng.
- Con ngựa! Nâng con ngựa dậy! – Mômun đẩy Ôrôzơkun.
Hai người hợp lực, phải vất vả mới giúp con ngựa đứng được lên. Con ngựa rét run cầm cập, đứng không vững trong nước.
- Tháo ngựa ra!
- Để làm gì?
- Tháo ra, bảo mà. Rồi ta sẽ lại đóng nó vào. Tháo dây thắng ra.
Ôrôzơkun lại lẳng lặng tuân lời. Khi ngựa đã được tháo ra, Mômun cầm cương dắt nó đi.
- Bây giờ ta đi thôi, - Ông nói. – Ta sẽ trở lại sau. Cho nó nghỉ đã.
- Dừng lại! – Ôrôzơkun giằng lấy giây cương khỏi tay ông già. Dường như y chợt tỉnh giấc. Đột nhiên y lại trở thành con người thực của y. – Ông định lỡm ai vậy? Ông không được đi đâu hết. Ta chuyển cây gỗ đi ngay bây giờ.
Chiều tối người ta sẽ đến lấy. Đóng ngựa vào, không nói đi nói lại gì hết, nghe chưa!
Mômun lẳng lặng quay đi, và bước khập khễnh bằng đôi chân tê dại, ông lội qua chỗ sông cạn đi về phía bờ bên kia.
- Đi đâu, ông già? Đi đâu, tôi hỏi mà?
- Đi đâu! Đi đâu! Đến trường. Cháu nó đợi từ trưa rồi.
- Trở lại đi nào! Trở lại ngay!
Ông già không nghe lời. Ôrôzơkun bỏ con ngựa ở giữa sông và đuổi kịp ông già ở ngay gần bờ, trên bãi sỏi, y túm lấy một bên vai ông, xoay người ông về phía y.
Hai người đứng đối mặt với nhau.
Bằng một động tác nhanh gọn, Ôrôzơkun giật lấy đôi ủng giả da cũ kĩ vắt trên vai ông già Mômun và vung lên, thẳng cánh quậthai lần vào đầu và vào mặt bố vợ.
- Đi đi! Nào! – Ôrôzơkun nói bằng giọng khàn khàn, lẳng đôi ủng đi.
Ông già tới nhặt đôi ủng trên cát ướt và khi ông đứng thẳng lên, máu ứa ra trên môi ông.
- Thằng đểu cáng! – Ông Mômun vừa nói vừa nhổ máu trong miệng và lại vắt đôi ủng qua vai.
Tiếng ấy thốt ra từ miệng ông già Mômun nhanh nhảu, người chưa bao giờ lăng mạ ai, tiếng ấy thốt ra từ miệng ông già nhỏ bé đáng thương đang tím tái lại vì rét, với đôi ủng cũ kĩ vắt qua vai, máu phùi bọt trên môi.
- Đi đi!
Ôrôzơkun lôi ông theo. Nhưng Mômun vùng mạnh ra và lẳng lặng bỏ đi, không ngoái lại.
- Được, thằng già ngu xuẩn, giờ thì liệu hồn đấy. Ta sẽ cho biết tay! – Ôrôzơkun huơ nắm đấm, hét với theo.
Ông già không ngoái lại. Ra tới con đường mòn cạnh tảng đá “Lạc đà nằm”, ông ngồi xuống, đi ủng rồi rảo bước về nhà. Không lần chần ở đâu cả, ông đi thẳng vào chuồng ngựa. Ông dắt trong chuồng ra con ngựa xám Alabas. Đây là con ngựa Ôrôzơkun dành riêng để cưỡi khi đi đây đi đó, không ai được dùng đến của y, y không cho ai cưỡi nó hoặc dùng nó làm ngựa kéo, để khỏi làm hỏng dáng phi của nó. Như đi chữa cháy, Mômun cưỡi con ngựa không yên, không bàn đạp phóng ra khỏi sân. Khi ông phóng ngựa qua trước các cửa sổ, qua bên chiếc ấm xamôva còn bốc khói, mấy người đàn bà chạy xổ ra ngoài – bà lão Mômun, Bêkây con gái ông, chị Gungiaman trẻ tuổi. Họ hiểu ngay rằng có chuyện gì đã xảy đến với ông già. Chưa bao giờ ông cưỡi lên lưng con Alabas, chưa bao giờ ông phóng ngựa thục mạng như thế trong sân. Họ vẫn chưa biết rằng đó là sự khởi loạn của Mômun nhanh nhảu. Họ cũng chưa biết ông sẽ phải trả một giá như thế nào cho cuộc nổi loạn đó vào lúc tuổi già này…