Con tầu trắng - Chương 08
Sự thể là như thế nào cho đến khi một người Bugu rất giàu, rất thực quyền quý qua đời. Ông ta có hàng nghìn nghìn con cừu, ngựa cũng hàng nghìn con, mọi người xung quanh đều là người chăn gia súc của ông ta. Các con trai ông làm ma chay linh đình. Họ mời những người quyền quý nhất ở khắp nơi trên trái đất về dự cỗ đám. Người ta dựng một nghìn một trăm nhà lều trên bờ Ixxưc-kun để đón khách. Không thể tính được bao nhiêu gia súc đã bị giết thịt, đã uống hết bao nhiêu kumưx, đã đưa ra bao nhiêu món ăn đãi khách. Các con trai của lão nhà giàu ra bộ hãnh diện: thiên hạ cần biết những người thừa kế kẻ đã khuất giàu có và hào phóng biết bao, họ tưởng nhớ, tôn kính người đã khuất như thế nào... («Này, con ạ, thật chẳng hay hớm gì khi người ta không hơn người về tài trí, mà chỉ khoe của!»)
Các ca công cưỡi những con ngựa, argamă mà bọn con trai người quá cố tặng cho họ, diện mũ lông chồn và mặc áo choàng bằng lụa (cũng là quà tặng của bọn kia), thi nhau tán dương người quá cố và những kẻ thừa kế.
- Dưới ánh nắng mặt trời còn có thể thấy ở đâu một cuộc sống sung sướng như thế, một đám cỗ tang linh đình như thế - Bọn họ hát.
- Từ thuở khai thiên lập địa đến giờ chưa từng thấy cảnh tượng nào như thế!- Kẻ thứ hai ca tụng.
- Không có ở đâu các cụ thân sinh được tôn kính như thế, không có ở đâu danh thơm của các vị được tưởng nhớ như thế, không có ở đâu tên tuổi thiêng liêng của các vị được sùng bái đến như thế. Chỉ ở vùng ta mới được như vậy. – Kẻ thứ ba hát vang.
- Này hỡi các ca công bẻm mép, làm gì mà gào tướng lên vậy! Trên đời này làm gì có lời lẽ nào xứng đáng với sự hào phóng như thế, làm gì có lời lẽ nào xứng với vinh quang của người quá cố! – Kẻ thứ tư tán tụng.
Cứ như thế , họ thi nhau hát một ngày một đêm,(«Này, con ta ơi, thật là tệ khi các ca công thi nhau hát để tán tựng, khi ấy họ không còn là ca công nữa, mà trở thành kẻ thù của tiếng hát lời ca.»)
Đám cỗ tang nổi tiếng kéo dài nhiều ngày, như một dịp hội hè. Bon con trai hợm hĩnh của tên nhà giàu rất muốn chơi trội, vượt lên trên cả thiên hạ, để tiếng tăm của chúng lan truyền khắp trái đất. Thế là chúng nảy ra ý định đặt trên mộ xây của bố chúng một cỗ sừng hươu Maran để mọi người biết rằng đây là mộ của vị tổ tiên danh tiếng của chúng thuộc dòng giống Mẹ Hươu Sừng. (« Ờ, con ta ơi, ngay thời xưa, người ta đã nói rằng giàu có thì đâm ra kiêu ngạo, mà kiêu ngạo thì rồ dại đến mất khôn»)
Bọn con trai tên nhà giàu muốn dành cho bố chúng cái vinh dự chưa từng thấy ấy cho cả vong linh người chết, và không gì ngăn chặn được chúng.
Nói là làm. Chúng sai thợ săn vào rừng, bọn này giết một con hươu Maran, chặt sừng hươu. Cổ sừng dài một xa-gien, như hai cánh của con phượng hoàng đang bay lên. Bọn con trai tên nhà giàu thích cỗ sừng hươu Maran, mỗi bên mười tám nhánh, như vậy là hươu đã mười tám tuổi. Tuyệt ! Chúng lệnh cho các tay thợ khéo đặt cỗ sừng lên phần mộ.
- Quyền gì giết hươu Maran? Kẻ nào đã táo gan ra tay sát hạ dòng dõi của Mẹ Hươu Sừng ?
Những kẻ thừa kế tên nhà giàu trả lời họ:
- Maran bị giết trên đất của chúng ta. Tất cả những gì đi, bò, bay trên địa hạt của chúng ta, từ con ruồi cho đếnh con lạc đà, đều là của chúng ta.
Chúng ta biết chùng ta phải xử trí như thế nào đối với những gì thuộc quyền chúng ta. Xéo đi.
Bọn gia nhân dùng roi đánh các cụ già, đặt các cụ lên ngựa, lưng quay ra phía trước và xua ngựa đi để làm nhục các cụ.
Mọi chuyện bắt đầu từ đó.. Tai họa lớn đổ xuống đầu con cháu của Mẹ Hươu Sừng. Hầu như ai ai cũng đi săn hươu Maran trắng trong rừng. Mỗi người Bugu đều tự coi là có bổn phận đặt những cố sừng hươu Maran lên phần mộ của tổ tiên. Bây giờ việc đó được coi là hiếu cử, là cách bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với vong linh người đã khuất. Bây giờ kẻ nào không kiếm được sừng hươu thì bị coi là kẻ hèn kém. Người ta bắt đầu buôn bán sừng hươu Maran, tích trữ sừng hươu. Có những người thuộc dòng họ Mẹ Hươu Sừng lại sống bằng nghề kiếm sừng hươu Maran và bán sừng hươu lấy tiền. (« Ồ, con ạ, ở đâu đồng tiền làm chủ, ở đấy không có chỗ cho lời nói nhân hậu, không có chỗ cho cái đẹp »)
Bắt đầu thời kì điêu linh đối với hươu Maran trong các khu rừng Ixxưc-kun. Không ai xót thương chúng. Hươu Maran chạy lên những vách đá hiểm trở, nhưng người ta vẫn lần được tới nơi. Người ta thả những đàn chó săn lùa hươu Maran vào chỗ mai phục có những tay thiện xạ chờ sẵn, họ bắn không trượt phát nào. Hươu Maran bị giết từng đàn, bị tiêu diệt cả từng bầy. Người ta ra sức kiếm cho được những cỗ sừng càng nhiều nhánh càng hay.
Không còn hươu Maran nữa. Núi rừng trở nên hoang vắng. Nửa đêm cũng như rạng sáng, không còn nghe thấy tiếng hươu Maran. Trong rừng cũng như trên những bãi trống, không còn thấy hươu Maran đi ăn cỏ, không còn thấy hươu nhảy nhót, sừng ngả xuống chấm lưng, không còn thấy hươu nhảy qua vực sâu như con chim đang bay. Đã xuất hiện những lớp người cả đời chưa từng thấy hươu Maran. Chỉ còn nghe thấy những câu chuyện cổ tích về hươu và nhìn thấy sừng hươu trên những mộ xây.
Còn Mẹ Hươu Sừng thì sao ?
Mẹ giận, rất cáu giận loài người. Nghe nói khi hươu Maran khốn khổ quá chừng vì đạn và chó săn, khi số hươu Maran chỉ còn lại có thể đếm trên đầu ngón tay, Mẹ Hươu Sừng lên đỉnh núi cao nhất vĩnh biệt Ixxưc-kun và dẫn những đứa con cuối cùng của mình sang bên kia con đèo vĩ đại, đến một xứ sở khác, một vùng núi khác. Ấy sự đời là như thế đấy. Câu chuyện cổ tích chỉ có vậy. Tin hay không thì tùy.
Khi Mẹ Hươu Sừng bỏ đi, Mẹ nói rằng không bao giờ Mẹ trở lại nữa..
5 MÙA THU LẠI ĐẾN TRONG NÚI, SAU MÙA HÈ ỒN ÀO, MỌI VẬT LẠI sẵn sàng chuyển sang nếp sống tĩnh lặng mùa thu. Khắp nơi, bụi của những đàn gia súc bị lùa đi đã lắng hẳn, những đống lửa đã tắt. Các đàn gia súc đã đi trú đông. Người cũng đi hết. Núi non cũng vắng vẻ.
Những con đại bàng đã bay riêng lẻ, thoảng buột ra một tiếng kêu. Tiếng nước sông ồ ồ nghe đã trầm nặng hơn: qua mùa hè sông đã quen với lòng chảy, bớt hăm hở, cạn dần. Cỏ ngừng mọc, héo tàn dần, dù vẫn còn nguyên gốc rễ. Lá mỏi mệt không bám vững trên cành và đây đó đã bắt đầu rụng.
Trên những chỏm cao nhất, đêm đêm tuyết trắng bạc đã nằm đọng lại. Sáng ra, những dãy núi tối thẫm ngả sang màu trắng tro, nom như ót những con cáo nâu đen.
Gió trở nên giá buốt, lùa trong các hẻm núi. Nhưng cữ này, ngày vẫn còn sáng sủa, khô ráo.
Đối diện với khu trạm gác, rừng nhanh chóng bước vào thu. Sắc thu đỏ úa như đám cháy không khói lan khắp dải rừng cây nhỏ mọc trên sườn núi dốc đứng, chạy ngược từ sát bờ sông lên tới khu rừng Thông Đen. Chói rực nhất - hừng lên một màu đỏ tía - và bền bỉ nhất, những cánh rừng liễu và rừng phong quyết leo lên thật cao: chúng lên tới tận khu rừng lớn ở độ cao có tuyết phủ, tới vương quốc tăm tối của những cây thông và cây vân sam.
Rừng thông vẫn sạch sẽ như tự bao giờ, và trang nghiêm như trong đền thờ.
Chỉ có những thân cây màu nâu cứng cỏi, chỉ có mùi nhựa cây khô khan, chỉ có những là hình kim màu hung trải kín chân rừng. Chỉ có gió lưu chuyển không tiếng động giữa những ngọn thông già.
Nhưng hôm nay, lũ quạ hoảng hốt kêu gào không ngớt trên ngọn núi.
Một đàn quạ đông đảo kêu thét dự dội, không ngừng lượn vòng trên khu rừng thông. Lũ quạ nháo nhào lên ngay khi vừa nghe tiếng rìu bổ chan chát, còn bây giờ, chúng thi nhau kêu gào như thể chúng bị cướp bóc giữa ban ngày và đuổi theo hai người đang đưa một cây thông bị đốn xuống núi.
Cây gỗ được kéo bằng ngựa và dây xích. Ôrôzơkun đi ở phái trước, cầm dây cương hàm thiếc. Mặt mày cau có, chiếc áo mưa chốc chốc lại vướng vào bụi cây, y vừa đi vừa thở hồng hộc như con bò trên luống cầy. Ông già Mômun đi sau cây gỗ, cố theo cho kịp. Lên cao như thế này,ông già cũng khó chịu, ông ngộp thở. Hai tay ông cầm cây đòn bẩy bằng gỗ phong, vừa đi vừa bênh cây gỗ lên. Cây gỗ khi thì đâm vào những gốc cây cụt, khi thì đâm vào đá. Còn ở những chỗ dốc, nó cứ cố xoay ngang ra và chỉ chực lăn xuống. Khi ấy rất dễ xảy ra tai họa: có thể bị dập thương chí mạng.
Dễ bị thương nhất là người hãm cây gỗ bằng đòn bẩy, nhưng sự đời biết đâu mà nói trước được: đã mấy lần Ôrôzơkun sợ hãi nhảy xa con ngựa kéo, và lần nào y cũng ngượng đến rát mặt khi thấy ông già vẫn liều mạng kìm giữ cây gỗ trên dốc và đợi y trở lại giữ cương ngựa. Chẳng phải cô cớ mà người ta có câu: để lấp liếm sự hổ nhục của mình, cần làm nhục kẻ khác.
- Lão làm gì thế, muốn đưa ta sang thế giới bên kia phải không- Ôrôzơkun quát bố vợ.
Xung quanh không một bóng người, chẳng ai có thể nghe thấy và chê trách Ôrôzơkun: đời thủa nhà ai lại cư xử với người già như thế kia chứ? Ông bố vợ rụt rè nói rằng chính ông cũng có thể bị cây gỗ đè, sao lại quát mắng ông như thể ông cố tình làm những chuyện đó.
Nhưng ông già nói như thế càng làm cho Ôrôzơkun cáu hơn.
- Rõ là lẩm cẩm !- Y tức tối, - Ông có bị gỗ đè chết thì chằng có gì đáng tiếc đời nữa. Ông cần gì nào? Chứ tôi mà mất mạng thì ai sẽ lấy đứa con gái tiệt đường sinh nở của ông? Ai cần đến nó, mụ đàn bà không sinh đẻ được, như cái roi của quỷ sứ ấy ?...
- Anh khó tính quá đấy, con ta ạ. Anh không tôn trọng người khác. – Mômun đáp lại.
Ôrôzơkun thậm chí dừng lại một lát, đưa mắt nhìn ông già từ đầu đến chân.
- Những ông lão tuổi tác như ông đã nằm bẹp bên bếp lò từ lâu, sưởi mông trên tro ấm. Còn ông vẫn có lương, dù thế nào cũng là đồng lương. Thế tiền lương ấy ở đâu ra? Ấy là nhờ tôi. Còn phải tôn trọng ông như thế nào nữa ?
- Ờ thôi, tôi thuận miệng thì nói vậy thôi mà,- Mômun chịu nhún.
Hai người lại đi. Vượt thêm một đoạn lên dốc nữa, họ dừng lại nghỉ trên sườn dốc. Ngựa ướt đẫm toàn thân, mồ hôi trắng xóa như bọt xà phòng.
Lũ quạ vẫn chưa chịu yên, vẫn lượn vòng suốt. Chúng đông vô kể và kêu la inh ỏi như thể chúng chủ bụng suôt ngày hôm nay chỉ có việc kêu gào - Chúng cảm thấy đã chớm vào đông. – Mô mun lên tiếng để lái sang chuyện khác và xoa dịu cơn giận của Ôrôzơkun- Đấy là chúng tụ họp để rời đi nơi khác. Chúng không thích người ta quấy rầy chung. Ông nói thêm, dường như để xin lỗi hộ những con chim dại dột.
- Thế ai làm rầy chúng ? – Ô rô zơ kun quay ngoắt lại. Y bỗng đỏ mặt tía tai. – Ông nói lăng nhăng không ra sao cả, ông già ạ. – Y khẽ thốt lên, giọng đượm vẻ hăm dọa.
« Hừ, - Y nghĩ - lão nói bóng gió đấy! Ra ý là vì những con quạ của lão mà đừng có động đến một cây thông, đừng có làm gãy lấy một cành cây chứ gì? Đừng hòng! Hiện giờ ta vẫn còn là chủ ở đây kia mà ». Y đưa mắt hằn học nhìn đàn quạ đang kêu gào : « Hừ, giá mà có khẩu súng máy thì hay biết mấy! » - và y quay đi văng câu chửi tục.
Mô-mun lặng thinh. Ông không thể quen được với thói chửi tục của con rể.
« Hắn lại khùng lên rồi. Ông già buồn rầu nghĩ thầm. – Cứ rượu vào là hắn hung lên. Sau cơn say cũng thế, khỏi phải nói. Nhưng tại sao người ta lại đâm ra như thế nhỉ?- Mô mun cản thấy buồn phiền. – Ta đối tốt với hắn, hắn lại xử tệ với ta. Mà không lấy làm hổ thẹn, không hề nghĩ lại. Dường như đấy là lẽ tất nhiên. Bao giờ cũng cho mình là phải. Miễn sao hắn thỏa lòng. Mọi người xung quanh phải chiều ý hắn. Không chịu thì hắn bắt phải theo. Còn may là cái thằng như thế ngồi ru rú trong núi, trong rừng, dưới quyền hắn chỉ có vài ba mống đếm trên đầu ngón tay. Chứ nều hắn quyền cao chức trọng hơn thì sẽ ra sao? Lạy trời đừng để xảy ra chuyện ấy.. Loại người như thế không bao giờ thiếu. Bao giờ chúng cũng giành giật lấy phần lợi hơn cho mình. Không bao giờ tránh thoát được chúng. Chúng chờ ta, lùng ta ở khắp nơi. Để hắn sống được thoải mái, kẻ như thế sẽ tìm cách làm cho ta đáng tởm kinh hồn. Còn hắn thì vẫn đúng. Phải, loại người như thế bao giờ cũng có... » - Thôi nghỉ thế đủ rồi, Ôrôzơkun cắt đứt luồng suy nghĩ của ông già- Đi đi,- Y ra lệnh.
Thế là họ lại ra đi.