Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 37
Trên đường về, tôi giống như người đang bay. Bánh xe Wave hình như mọc cánh, chắc vậy, nếu không tại sao người tôi cứ bồng bềnh, bồng bềnh.
Có lúc tôi thấy tôi hóa thành một đám mây, nhẹ tênh lướt qua những cửa hiệu, những cột đèn, những góc phố, những ánh đèn xe chớp nháy ngược xuôi. Tôi vẫn vô tự hỏi nếu người tôi bơm đầy niềm vui, có khi nào tôi sẽ hóa thành quả bóng bay bay tuốt lên trời. Ý nghĩ đó làm tôi bất giác sợ hãi. Ở trên trời, không có Khuê bên cạnh, chắc nước mắt tôi sẽ hóa thành mưa dầm mười hai tháng và trái đất sẽ ngập lụt quanh năm.
Dĩ nhiên là tôi không bay lên trời như nỗi sợ trẻ con đó. Nhưng khi tôi lơ lửng quẹo vào con hẻm nhỏ để về nhà thì một tiếng kêu kéo tôi về mặt đất:
- Sẹo!
Thằng Quyền! Bụng tôi quặn lại khi tôi biết chỉ có nó mới gọi tôi bằng cái tên ngày xưa. Điều kinh khủng nhất là nó đã lần ra chỗ ở của cha con tôi. Như bị ai tạt nước vào mặt, niềm hân hoan trong lòng tôi đột ngột tắt ngấm. Tôi đã thoáng có ý nghĩ rồ máy chạy luôn nhưng tôi kịp nhận ra đó là một hành động vô ích. Quyền đã đến tận đây rồi, nó có thể xộc vào nhà tôi bất cứ lúc nào.
Tôi ngừng xe, chống chân nhìn vào quán nước ngay đầu hẻm.
Đúng là Quyền. Thấy tôi quay đầu nhìn, nó đưa tay ngoắt:
- Vào uống nước đi, Sâm.
Quyền bất ngờ đổi cách gọi khiến tôi thêm cảnh giác. Tôi bước vào quán, kéo ghế ngồi đối diện với Quyền.
- Sao mày biết tao ở đây? - Tôi nhìn nó, dò xét.
- Tôi biết ông ở đây lâu rồi.
Hóa ra gần một năm nay Quyền hay gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe và tình hình sinh hoạt của Tịnh. Qua vài lần trò chuyện, Quyền phát hiện em gái nó đang ở chung với Khuê, cô bạn học ngày nào cùng là người từng từ chối mình. Thế là nó bí mật đến trước dãy phòng trọ theo dõi Khuê. Quyền thú nhận nó chẳng biết nó theo dõi Khuê để làm gì vì lúc này nó đã có bạn gái rồi. Nó bảo có lẽ là do tò mò vì quá lâu rồi nó không gặp Khuê.
- Thế là ông theo Khuê đến chỗ làm và nhìn thấy tôi ở đó? - Tôi hỏi, chuyển qua xưng “ông - tôi” theo cách của Quyền, thấy dù sao cũng đỡ có cảm giác thù địch hơn kiểu gọi “mày - tao”.
- Đúng vậy. Cũng giống như ông, tôi đến quán với nón sụp, thêm cặp mắt kiếng đen to bản để ông và Khuê không nhận ra tôi.
Phần sau thì không cần Quyền kể tôi vẫn đoán ra: nó âm thầm bám theo tôi về nhà và nhanh chóng biết được chỗ ở của hai cha con tôi.
- Ba tôi dạo này khỏe không?
Lần đầu tiên tôi nghe Quyền gọi ba ruột của mình là “ba tôi” nên tôi hơi ngớ ra.
- Ba tôi vẫn khỏe. - Tôi đáp sau thoáng ngạc nhiên, hơi buồn cười khi nhận ra cả tôi lẫn Quyền đều gọi ba tôi là “ba tôi”.
Tôi nhìn thẳng vào mặt Quyền, sửa lại cách xưng hô cho phù hợp với câu chuyện:
- Ông có biết là ba ông rất nhớ ông không?
- Tôi biết. Tôi cũng rất nhớ ba tôi.
- Vậy tại sao lâu nay ông không ghé thăm ba?
Tôi hỏi, một câu hỏi hết sức bình thường nhưng đối với Quyền câu hỏi đó có vẻ sắp chôn vùi nó. Quyền gục đầu xuống bàn, trán suýt va vào cán muỗng cắm trong ly nước trước mặt. Và từ chỗ nào đó lơ lửng giữa cằm và ngực vẳng ra một tiếng thở dài:
- Tôi chưa đủ can đảm đối diện với ba tôi. Tôi có lỗi với ông nhiều quá.
Quyền tiếp tục với giọng rầu rầu, rằng nó đã đến đây nhiều lần, ngồi ngay tại quán nước này đợi ba nó chạy xe ngang qua chỉ để được nhìn thấy ông thấp thoáng sau cửa kiếng. Không ít lần nó đánh bạo đến trước cửa nhà, đứng bên ngoài nhìn vào và lặng lẽ khóc khi chỉ cách ba nó vài mét nhưng cảm thấy như cách một đại dương.
Câu chuyện của Quyền làm tôi không khỏi bùi ngùi. Ba nó nhớ con, cũng đã nhiều lần về quê lén nhìn nó từ một chỗ nấp bí mật vì sợ nó bỏ chạy khi gặp mình. Hóa ra Quyền cũng nhớ ba nó, cũng khao khát được gặp người sinh ra mình nhưng vét hết can đảm cũng chỉ dám lê bước đến trước cửa nhà âm thầm đứng nhìn vào. Cứ nghĩ đến tình cảnh hai cha con đều nhớ nhau nhưng không dám gặp nhau, đi xa hàng trăm cây số chỉ để nhìn nhau vụng trộm, tự nhiên tôi nghe bụng mình quặn đau như có ai vò.
- Tôi là một đứa chẳng ra gì. - Giọng Quyền ngập tràn ân hận - Chỉ khi lên cấp ba, bắt đầu lớn khôn, tôi mới nhận ra những hành động xuẩn ngốc của mình. Ba mẹ tôi lúc nào cũng giục tôi đi gặp ba tôi nhưng tôi cứ lần lữa. Chỉ vì tôi xấu hổ. Chỉ vì sai lầm của tôi quá khủng khiếp. Tôi lấy lý do là tôi không biết ba tôi ở đâu, cũng không có số phone của ông. Thật ra, tôi biết tôi chỉ cần gặp chú Sáu Có là tôi có thể gặp ba tôi.
Quyền ngước nhìn tôi, mắt đỏ hoe:
- Ngay cả ông, tôi cũng không dám gặp lại.
Tôi nhún vai:
- Ông đã tìm gặp tôi và đánh nhau với tôi cách đây mấy ngày rồi còn gì.
Quyền nặn ra một nụ cười méo mó:
- Hôm đó tôi cố tình khiêu khích để ông điên lên đánh tôi đó thôi. Tôi có quyết đánh trả đâu!
Quyền làm tôi chưng hửng. Cảnh đánh nhau cạnh nhà bưu điện huyện chợt hiện về trong tâm trí tôi. Đúng là hôm đó gần như chỉ có tôi đánh Quyền. Nó đỡ đòn và đánh trả một cách hời hợt, chỉ có miệng mồm là bai bải.
Trán tôi nhăn tít:
- Tại sao ông làm thế?
- Hồi tiểu học, tôi toàn đánh ông. Bây giờ tôi muốn trả lại.
Lý do của Quyền khiến tôi bật ngửa. Tôi chà tay lên chóp mũi, không biết nên cười hay nên khóc:
- Ông thật là trẻ con.
- Tôi không nghĩ ra cách nào ít trẻ con hơn. Tôi đã đánh cắp cuộc đời ông. Bây giờ chịu vài cú đấm cũng chỉ giúp tôi nhẹ lòng hơn chút thôi. Chứ tôi còn nợ ông nhiều lắm.
Tôi nhớ tôi chưa từng ghét ai trong đời, trừ Quyền. Bao nhiêu năm qua, Quyền vẫn hiện diện như một khối u ác tính trong đời sống tinh thần của tôi khiến tôi không thể sống trọn vẹn cuộc sống của mình. Mặc dù tôi biết tâm hồn tôi sẽ chẳng có chút xíu thanh thản nào nếu tôi dùng toàn bộ cuộc đời mình để căm ghét một người nhưng tôi không thể đánh lừa cảm xúc của tôi bằng cách vờ tỏ ra độ lượng với một đứa như Quyền.
Sự căm ghét như một cây cọc nhọn mà định mệnh đã đóng xuyên qua cuộc đời tôi và tôi nghĩ nó sẽ mãi mãi ghim chặt ở đó. Lâu nay tôi vẫn đinh ninh tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sống chung với nó, thậm chí nuôi nấng nó đến mãn đời, hoàn toàn bất đắc dĩ, như con lạc đà nuôi cái bướu trên lưng mình.
Nhưng hôm nay tất cả đã bất ngờ thay đổi. Tôi không còn thấy ghét Quyền nữa. Tôi từng trải qua cảm giác có lỗi với ba mẹ ruột của mình khi bỏ đi không lời từ biệt, đã từng quay về đứng lặng trước cổng nhà như một con thú hoang không dám trở về hang. Vì vậy tôi hiểu được Quyền nghĩ gì, nó từng trăn trở ra sao và đau đớn như thế nào. Có thể có một biến cố nào đó làm thay đổi toàn bộ con người nó, khiến nó như được sinh ra lần nữa. Cũng có thể đó là một sự thay đổi tự nhiên. Con người ta tới một lúc nào đó cũng phải trưởng thành. Tất nhiên tùy vào hoàn cảnh mà có người trưởng thành một cách hồn nhiên, có người chấp nhận rớm máu để lớn lên - như qua một ca phẫu thuật hiểm nghèo.
Tôi muốn đặt tay lên vai Quyền nhưng bị ngăn bởi chiếc bàn nước.
- Sống trên đời không phải lúc nào chúng ta cũng cư xử đúng, nhất là khi chúng ta còn là trẻ con. - Tôi nói giọng tư lự - Hơn nữa, điều quan trọng không phải là mọi thứ bắt đầu như thế nào mà là kết thúc như thế nào. Ông biết không, hôm nay tôi rất vui. Chưa bao giờ tôi vui như vậy.
Tôi nói một câu dài, và còn định nói dài hơn mặc dù giọng điệu đã ra chiều ủy mị.
Một người đàn ông chạy xe gắn máy ngang qua cắt ngang cuộc trò chuyện của hai đứa tôi.
- Ủa, Quyền hả con? - Ông kêu lên khi nhác thấy Quyền ngồi trong quán.
- Dạ, bác Tám. Bác đi đâu đây? /
Người đàn ông dừng xe:
- Tao tính ghé ba mày nhắc ổng đem xe đi bảo trì.
- Bác gọi điện nhắc ba con là được mà.
- Cái thằng này! Gọi điện thì làm sao tao lai rai với ổng vài ly được.
Người đàn ông đưa tay chỉnh chiếc nón bảo hiểm đang lệch một bên, cao giọng:
- Xe chạy tốt không con?
- Dạ tốt, bác.
- Tao hỏi vậy thôi chứ xe tốt mà. Chiếc này mới chạy khoảng ba chục ngàn cây số à.
Tôi nhận ngay ra bác Tám vì ông thỉnh thoảng ghé nhà chén chú chén anh với ba tôi. Nhưng ông không nhận ra tôi vì tôi ngồi nghiêng mặt sang một bên, kín đáo quan sát ông qua khóe mắt.
Khi bác Tám rồ ga chạy đi, tôi quay sang Quyền, vờ hỏi:
- Ai vậy?
- Bác này bán xe cho ba tôi.
Vừa buột miệng, Quyền đã lộ vẻ để phòng:
- Ông chắc biết bác Tám mà?
Tôi không trả lời Quyền. Mà hỏi tiếp, giọng đầy ngờ vực:
- Sao bác này biết ông? Lại còn biết mối quan hệ của hai cha con ông nữa?
Tôi cau mày:
- Mà ông thì dính dáng gì vào chuyện mua xe của ba ông?
- À, à…
- “À, à” cái gì! - Tôi quắc mắt - Chiếc Toyota này của ông phải không?
Quyền bối rối ngó lơ chỗ khác:
- Bác Tám bán chiếc xe này cho ba tôi thật mà.
- Ông đừng hòng gạt tôi. Chính ông mua chiếc xe của bác Tám rồi giả vờ kêu bác bán rẻ cho ba, đúng không?
Tôi khụt khịt mũi:
- Ngay từ khi nghe ba kể chuyện mua xe, tôi đã thấy lạ rồi. Xe giá bốn trăm triệu tuy khá rẻ nhưng cũng có thể chấp nhận được, nhưng tiền trả trước chỉ năm mươi triệu thì tôi chưa từng nghe nói. Tiền trả góp sáu triệu mỗi tháng càng khó tin hơn nữa.
Tôi lắc đầu:
- Chỉ có điều bác Tám quá kín miệng nên tôi không moi ra được gì. Hai ông già nhậu nhẹt với nhau hơn nửa năm trời mà bác Tám không để lộ chuyện thì đúng là quá giỏi!
Tôi liếc dáng ngồi chịu trận của Quyền, hất cằm hỏi:
- Ông khách trước đây thuê xe đi Bình Dương cốt để tìm cách bắt chuyện với ba cũng là người của ông phải không?
Quyền đưa tay gãi gáy:
- Ông cũng biết rồi. Đó là việc nhỏ nhặt nhất mà tôi có thể làm cho ba tôi.
Dù đã lờ mờ đoán ra, lời thú nhận của Quyền vẫn khiến tôi nghe cay cay nơi sống mũi. Tôi ngồi thừ ra một hồi lâu trước ly nước uống dở. Cái cách Quyền lao tâm khổ tứ nghĩ cách giúp đỡ ba mình làm cổ tôi nghẹn lại, không nói nên lời. Mà có lẽ tôi cũng chẳng cần nói gì thêm vì bất cứ câu nào tôi thốt ra lúc này cũng trở thành sáo rỗng.
Tôi bâng khuâng đưa mắt nhìn ra con hẻm. Khu phố tôi ở toàn dân lao động buôn gánh bán bưng. Sát bức tường ố vàng phía đối diện là xe nước mía cũ kỹ với thùng nước đá màu đỏ nằm tênh hênh cạnh đống xác mía. Cách đó một quãng là dãy ghế nhựa đặt quanh những chiếc bàn thấp của một quán nhậu bình dân lác đác khách. Bao nhiêu năm nay hai cha con tôi thuộc về nơi này, sống cuộc sống tằn tiện như các gia đình chung quanh, chỉ tiêu thứ gì cũng phải cân đong đo đếm. Từ khi ba tôi mua được chiếc Toyota, cuộc sống mới bắt đầu khá lên.
- Thật ra tôi muốn giúp đỡ ba tôi sớm hơn. - Giọng Quyền đầy tâm tư, có lúc tôi tưởng như nó đang độc thoại - Nhưng tôi không muốn đụng đến tiền của ba mẹ tôi. Chỉ khi bắt tay vào kinh doanh, tự mình kiếm ra tiền, tôi mới có thể thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu nay.
Không muốn Quyền cứ mãi đắm chìm trong nỗi bứt rứt, tôi lái câu chuyện qua chỗ khác bằng cách đề nghị:
- Bây giờ ông vào thăm ba được rồi đó.
- Thôi, để tối mốt tôi ghé. - Quyền cắn môi - Hôm nay tôi chưa chuẩn bị tinh thần.
- Vậy ngày mốt tôi sẽ nói ba về sớm.
Tôi nói và ngoảnh đầu kêu chủ quán tính tiền.
Nhưng chúng tôi chưa chia tay ngay. Lúc đã ngồi lên xe và đưa tay bật công-tắc, tôi chồm về phía Quyền. Để hỏi nốt một câu tôi không thể không hỏi:
- Làm sao ông biết được ngày tổ chức lễ coi mắt của tôi và Khuê? Ông ở tuốt ngoài Đà Nẵng kia mà!
Một nụ cười thấp thoáng trôi qua hàng ria mép lún phún của Quyền:
- Ông nhớ thằng Triều học chung với mình không?
- Nhớ chứ. Nhớ nhất là cảnh mẹ nó vờ đánh nó khi nó làm rách áo thằng Bích.
- Bây giờ Triều làm ở ngân hàng tỉnh, là đệ tử ruột của chú Sáu Có. Chuyện nhà chú Sáu nó rành còn hơn chuyện nhà nó.
Tôi vỡ lẽ:
- Chính nó gọi điện báo cho ông?
- Ờ. Cả thằng Bích nữa. Bích hiện đang làm cho vựa trái cây của ba mẹ tôi.
Tiết lộ của Quyền khiến tôi phì cười:
- Thì ra ông cài “gián điệp” khắp nơi!