Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 16
Buổi sáng tôi đi mộ vòng các chợ.
- Ngày mại con nghỉ, anh Sâm sẽ đi lấy thịt heo giùm con nghe, có Mười.
- Mai em về quê, chị Điệp. Cá trầu chị cứ để đó, anh Sâm sẽ ghé lấy.
Chị Dần chọc tôi:
- Về quê lấy chồng hả em?
Tôi cười:
- Chắc vậy đó, chị.
Tối, tôi tạm biệt Tịnh:
- Mai chị đi sớm, vài bữa chị lên.
Tịnh nhắc:
- Chị nhớ lên sớm. Còn đi thử việc nữa.
Tôi quên mất chuyện đó. Cách đây vài hôm tại khoe Tịnh thử tiếp nhận thử việc của một công ty ở khu chế xuất Tân Thuận. Họ muốn nhận tôi làm kế toán kho bài theo dõi hàng. Đây là lá thư tôi chờ đợi từ lâu và không nghĩ sẽ có ngày tôi nhận được nó. Nhưng khi cầm lá thư trên tay, lòng tôi lại chẳng gợn chút vui mừng. Nếu thư hồi âm đến cách đây vài tháng, hẳn tôi đã nhảy cẫng lên và hét vang nhà. Nhưng từ lúc tôi nộp đơn đến khi nhận được giấy báo, thời gian trôi quá lâu đã bào mòn nỗi háo hức trong tôi.
Đã thế, thư đến ngay vào lúc tôi không muốn rời bỏ chỗ làm hiện nay. Cứ mỗi ngày trôi qua, cái công việc ngỡ chỉ là tạm thời càng hấp dẫn tôi và tôi tin nếu đứng để chuyện tình cảm rối rắm xen vào thì tôi thật sự yêu thích công việc này. “Ẩm thực không chỉ là nhu cầu tự nhiên, còn là nghệ thuật, thậm chí là văn hóa. Người ta vẫn gọi văn hóa ẩm thực đó thôi”. Có lần Sam nói với tôi như vậy và tôi ngờ rằng anh cố tình đề cao chuyện ăn uống bằng cách nói quá lên. Gần đây tôi đọc được bài viết của giáo sư Trần Văn Khê, đại ý “Người Việt thường ăn bằng cả ngũ quan: thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác, thính giác. Đã ăn thì mắt phải nhìn thấy màu sắc món ăn, răng phải chạm vào món ăn, mũi phải ngửi được mùi vị hấp dẫn, lưỡi phải cảm nhận được, tai phải nghe được tiếng nhai thức ăn”. Ông còn bảo “Người Việt ăn một cách dân chủ. Tất cả món ăn đều dọn sẵn lên bàn cùng một lúc. Các thực khách quây quần bên mâm cơm, ai thích ăn gì gắp nấy, muốn an ít hay nhiều tùy ý, không bị ép phải ăn món mình không thích. Nó khác với kiểu bưng lên từng món như ở các nước khác”. Từ khi tình cờ đọc được những nhận xét thú vị này, tôi bắt đầu nghĩ ngợi một cách nghiêm túc về những điều Sâm nói. Sâm không chỉ nói. Một ngày, anh bảo tôi “Tuần sau cô không cần đi chợ nữa. Cô sẽ làm việc trong nhà bếp”. Tôi ngơ ngác “Em có sai sót gì hả anh?. Sâm lắc đầu “Không, cô làm rất tốt. Chỉ là tôi muốn cô biết thêm một công đoạn khác trong nghề này”. Sâm nói thêm “Tôi còn muốn cô lần lượt làm tiếp viên, điều phối viên, thu ngân, thậm chí quét dọn, rửa chén bát. Cô có phản đối không?”. Tôi háo hức “Dạ không, em thích lắm”. Sâm gật gù “Sự phân công đó sẽ giúp cô có cái nhìn toàn diện về cách thức tổ chức và kinh doanh một quán ăn”. Tuy Sâm không nói rõ, tôi vẫn có cảm giác qua cách sắp xếp này, anh muốn giữ tôi lại lâu dài.
Nhưng cho dù ý định của tôi và Sâm khá trùng hợp và hai đứa tôi rất có thể sẽ tiếp tục gắn bó với nhau trong những ngày tháng tới, tôi vẫn phải đi lấy chồng. Hôm xin phép anh về quê, tôi nhớ đến câu nói của Scarlett O’Hara ở cuối phim Cuốn theo chiều gió: “Ngày mai sẽ là một ngày khác”. Cuốn phim tình cảm của tôi cũng đã đến hồi kết, dù đó là hồi kết tôi không mong muốn. Cuộc đời tôi rồi sẽ rẽ sang một lối khác. Lối đi đó không có Sâm đi cùng. Sâm có thể vẫn ở bên tôi nhưng mãi mãi chỉ là người quản lý tốt bụng và thạo việc.
Mẹ tôi không giấu vẻ mừng rỡ khi tôi bước vào nhà Thậm chí bà ân cần một cách quá mức khi sốt sắng giúp tôi tháo ba lô trên vai.
- Mẹ để con. Tự con làm được.
- Từ sáng đến giờ mẹ cứ sợ con không về.
- Con đã hứa rồi mà.
- Thì mẹ cứ lo lo trong bụng. Cái tính bướng bỉnh của mày, mẹ còn lạ gì.
Ba tôi lo theo kiểu khác:
- Ngày mai gặp người ta, con nhớ nhu mì hiền thục chút nha con.
Tôi tự ái:
- Nhu mì hiền thục là sao, ba?
- Là trò chuyện phải lễ phép. Đừng có hở ra câu nào là cãi câu đó như xưa nay chứ sao.
So với ba mẹ, dĩ nhiên tôi là người lo nhất. Nhưng tôi không thể nói ra nỗi lo của mình. Điều kinh khủng nhất với một người con gái là sắp gặp lại người con trai chung lớp sau mười ba năm xa cách, không biết mặt mũi anh ta thế nào, tính tình anh ta thay đổi ra sao, đã buộc phải đưa ra đáp án: lấy hay không lấy? Đã thế, hình ảnh Sẹo trong đầu tôi quá đỗi mù mờ. Tôi chỉ nhớ những vết sẹo trên đầu nó, những trò vật nhau và những màn sai vặt bất tận. Trong ký ức của tôi, Sẹo giống như một đứa trẻ được sinh ra cho cuộc đời bắt nạt.
Đứa trẻ bị số phận bạc đãi đó sắp trở thành chồng tôi?
Tự nhiên tôi thấy cuộc gặp mặt ngày mai giống như chuyện điên rồ.