Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 12

Tôi không thể ra vẻ không có chuyện gì xảy ra khi gặp lại Sâm ở quán. Nếu tôi im lặng thì câu chuyện vẫn còn nguyên đó - trong tâm trí của hai đứa tôi, thậm chí còn sống động hơn là khi tôi nói ra. Cuộc chạm mặt bất ngờ giữa tôi và Sâm trước cổng nhà nhỏ Tịnh mấy hôm trước rất giống một màn kịch éo le. Đến mức khi tấm màn nhung đã khép lại thì dư âm của nó vẫn còn theo tôi về đến tận nhà, âm ỉ tận những ngày sau.

- Hôm đó anh ở chơi nhà Tịnh lâu không? - Tôi hỏi Sâm, cố giữ giọng bình thản - theo cái cách người ta vẫn hỏi nhau “Hôm đó trời có mưa không?”.

- Tôi chỉ đến thăm mẹ cô ấy chút thôi rồi về ngay.

Sâm đáp, cũng với một thái độ tự nhiên giống như đang nói “Hôm đó trời chỉ mưa lắc rắc”.

Sâm xuống tận vùng quê xa lăng lắc để thăm mẹ Tịnh, lại ngay trong lúc lẽ ra anh phải trông coi việc sửa sang quán xá, là chuyện khá đặc biệt. Nhưng vẻ mặt của Sâm như muốn khẳng định chuyện đó quá bình thường khiến những câu hỏi trong đầu tôi bị đóng băng mất một lúc. Tự nhiên tôi thấy mình kỳ cục. Tôi đã dứt khoát rời bỏ mối quan hệ này. Tôi đã quyết chuyển hướng tình cảm của mình bằng cách sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của ba mẹ tôi về chuyện hôn nhân. Thế mà khi đối diện với Sâm, lòng tôi vẫn đầy xáo trộn. Sự bực tức khó chịu mỗi lúc một phồng lên trong tôi như quả bóng bơm căng.

Tôi bỏ đi tìm Lương trước khi quả bóng phát nổ.

- Có chuyện gì hay hả chị? - Lương dòm lom lom vào mặt tôi, vui vẻ hỏi.

- Hôm trước anh Sâm xuống quê chị.

- Tuyệt quá! - Lương nói như reo - Vậy là chuyện tình của chị đã tiến một bước dài rồi.

Tôi buồn bã:

- Ảnh đi thăm nhỏ Tịnh chứ không phải thăm chị.

- Cái gì? - Lương há hốc miệng như bị một quả chanh chèn ngang họng.

- Ờ. Vậy đó!

- Sao anh Sâm có thể…

- Mẹ Tịnh bị ốm, ảnh đi thăm. - Tôi giải thích bằng giọng uể oải, không rõ mình đang bào chữa hay kết án Sâm.

- Xì! - Lương bĩu môi - Anh mới quen nhỏ Tịnh đây mà. Có cần phải nhiệt tình như vậy không!

Thấy tôi không nói gì, Lương quay đầu nhìn đi chỗ khác, nhè nhẹ thở ra:

- Vậy chuyện hai người đó thích nhau không còn là nghi ngờ nữa rồi.

Rồi nó ngân nga theo thói quen:

Tôi nhớ một người không nhớ tôi

Tôi yêu một kẻ hết yêu rồi.

Tôi hừ mũi:

- Hết yêu cái gì! Anh Sâm chưa bao giờ yêu chị.

Trước đây nếu tôi nói vậy, thế nào Lương cũng gân cổ cãi lại cho bằng được. Nhưng lần này, có vẻ như sự thật đó đã hạ gục cả tôi lẫn nó.

Lương không phản bác, chỉ rủ:

- Tối nay chị em mình đi ăn đi. Em mời.

Tôi và Lương thỉnh thoảng vẫn đi ăn với nhau mỗi khi có dịp. Đây là một dịp như thế. Tôi đang cần người để tâm sự. Tôi đang cần một giá đỡ tinh thần có thể nâng tôi dậy, giúp tôi đứng thẳng người trong bão táp - cơn bão tôi tưởng đã qua đi nhưng hóa ra vẫn đang vần vũ và không ngừng dày xéo lòng tôi. Vai trò đó không ai thích hợp hơn Lương, một cô gái vô tư, lanh lợi, hài hước, đặc biệt lúc nào cũng yêu đời. Tôi từng nhủ, nếu phải chọn một người bạn duy nhất để đem theo trong cuộc đời mình, tôi sẽ chọn Lương. Với tôi, Lương là một thứ thuốc hiền, một liều vitamin tâm hồn, ít ra cũng là một miếng băng gạc có thể giúp vết thương lòng tôi mau lành miệng.

***

Lương chọn chỗ ngồi trên tầng hai, sát lan can để có thể nhìn ra đường. Bọn tôi ngồi đối diện qua một chiếc bàn nhỏ dành cho hai người.

Lương giới thiệu:

- Quán này chỉ bán đồ nướng.

- Tại sao em không chọn quán bình dân hơn? Quán này có vẻ sang quá.

- Em thích các món ăn ở đây.

Lương chọn món ăn trong thực đơn, kêu nhân viên quán nướng giùm. Còn dặn với:

- Cho em mấy chai bia nữa nha, anh.

Tôi nhướn mắt:

- Uống bia á?

- Em muốn uống.

Tôi không cản Lương, vì tôi cũng muốn uống một chút gì đó trong lúc này.

- Chị này. - Lương nói, khi món ăn đã bày ra bàn.

- Gì?

- Anh Sâm không có tình cảm đặc biệt gì với chị thật à?

- Ờ.

- Thế mà em cứ tưởng…

Tôi tặc lưỡi:

- Không chỉ mình em.

Tự nhiên tôi phát khùng:

- Một người con trai không có tình ý gì với một người con gái nhưng lại quan tâm đến người con gái đó một cách quá mức thì đó là một tội ác.

Lương đặt ly bia xuống bàn, phụ họa:

- Bọn con trai là vậy. Chuyên đi gây tội ác.

Tôi nhìn mái tóc học trò của Lương, vừa cảm động vừa buồn cười. Tôi cảm giác nó đang cố gồng người lên để làm vui lòng tôi.

Tôi đưa mắt nhìn xuống phố, ngắm hai dòng xe xuôi ngược. Ngoài kia người ta đang hối hả sống. Xe lên đèn vàng. Xe xuống đèn đỏ. Ở giữa là dải phân cách. Đầu óc tôi bỗng chốc miên man. Tôi mường tượng tôi và Sâm là hai chiếc xe trong dòng người tất bật đó. Đó là hai chiếc xe nào, và dài phân cách nào đang chắn giữa chúng tôi?

Tôi và Lương lặng thinh ăn và im lìm uống, sau khi nhiệt tình lên án bọn con trai. Dưới phố, đèn cao áp vẫn tỏa những chùm màu vàng rực rỡ, đèn nê-ông vẫn tưng bừng hắt ra thứ ánh sáng trắng lóa từ các cửa hiệu bên đường và hai dòng xe vẫn rầm rập đuổi bắt nhau. Không ai trong số họ biết tôi đang ngồi đây, muộn phiền, bơ vơ, tách lìa khỏi thế giới, thấy mình nhỏ nhoi và vô dụng.

- Chắc là chị sẽ đi lấy chồng. - Tôi nói, khi hơi men đã ngà ngà.

- Lấy ai vậy chị?

Lương hỏi, tò mò và thận trọng, răng trên cắn vào môi dưới, khác hẳn bản tính thích bông đùa của nó - có lẽ nó biết tôi đang nghiêm túc.

- Một người bạn thời tiểu học.

Lương chau mày:

- Chị chưa từng kể em nghe chuyện này.

- Chẳng có gì để kể. Hơn mười năm rồi chị chưa gặp lại anh chàng đó.

Lượng ngoẹo đầu ngó tôi:

- Hôn nhân không tình yêu hả chị?

- Ờ. - Tôi nhún vai - Không kịp yêu.

- Mà vẫn lấy?

Tôi cười méo xẹo:

- Lấy trước rồi yêu sau. Ba chị bảo vậy.

Tôi tưởng Lương sẽ phản đối. Nào ngờ, nó gật gù:

- Ba chị nói đúng đó. Yêu đương mất thì giờ. Mà con gái tụi mình thì không có nhiều thì giờ để mất.

Tôi cay đắng:

- Ồ, chớp mắt một cái tụi mình đã biến thành những bà già.

Tôi uống một hơi nửa ly bia rồi dằn ly xuống bàn:

- Nhưng chị vẫn muốn yêu một ai đó, em à. Chỉ tại tình yêu không ngó ngàng đến chị.

- Nếu nó ngó đến chị thì sẽ đến một ngày nó ngó sang người khác. Lúc đó chị càng khổ hơn. Chẳng thà nó không nhìn mặt chị ngay từ đầu.

Lương thở ra giọng yếm thế, và nâng ly bia trước mặt uống một mạch. Nó đã uống đến chai thứ năm.

Hai đứa bắt đầu lè nhè, và khi chuyển qua phê phán tình yêu, giọng càng lè nhè hơn.

Thơ Lương cũng xỉn theo nó:

Vắt chân lên ghế Lương ngồi

Ly bia bên đó đĩa mồi bên đây

Đĩa buồn, đĩa đắng, đĩa cay

Lấy mình ra nhậu suốt ngày đi Lương!

Lương vừa đọc thơ vừa xoay người duỗi chân lên chiếc ghế trống bên cạnh. Trông nó như một thằng bợm. Chắc nó đã say lắm. Tôi từng uống bia với Lương trong những dịp vui nhưng chưa bao giờ thấy nó uống quá hai chai. Hôm nay giống như nó không uống mà nó nhúng cả người vào thứ chất lỏng này.

Tôi nhăn mặt:

- Bỏ chân xuống đi em.

Lương bướng:

- Không.

- Lịch sự chút đi. Người ta nhìn kìa.

- Kệ người ta.

- Chị đi về trước à.

Nghe tôi dọa, Lương chậm chạp bỏ chân khỏi ghế. Rồi trước ánh mắt ngơ ngác của tôi, nó bổng òa ra khóc.

Lương khóc nức nở làm tôi phát hoảng. Tôi thò tay qua bàn nắm tay nó:

- Nín đi em.

Nghe tôi dỗ, Lương càng khóc lớn hơn. Tôi thấp thỏm liếc mắt nhìn quanh, tim đập rộn khi thấy nhiều cái đầu ở bàn bên cạnh đang hiếu kỳ ngoảnh về phía bọn tôi.

Tôi cố khuyên giải:

- Chuyện buồn của chị, chị không khóc thì thôi, việc gì em phải khóc cho chị?

Lương úp hai tay lên mặt:

- Em khóc cho em mà… hu hu…

- Khóc cho em? - Tôi ngớ người - Là sao?

- Thằng đó nó bỏ rơi em.

- Thằng nào?

- Thằng người yêu em.

- Người yêu em sao em gọi bằng “thằng”?

Tôi chợt nhớ tôi vẫn gọi Sẹo bằng “thằng” và có lần bị Sâm bắt bẻ “Sao cô gọi chồng cô bằng ‘thằng’?”.

“Nhưng em không thích lấy thằng đó”. Lập luận của Lương còn thù địch hơn:

- Hồi trước em vẫn gọi nó là “người yêu” đàng hoàng. Từ khi nó đá em, em thêm chữ “thằng” vào đằng trước.

- Trả thù hả?

- Dạ, một cách trả thù ngu ngốc. Tại nó đâu có biết em gọi nó là “thằng”, chữ “thằng” kia đâm vào tim em chứ đâu có đâm vào tim nó. Giống như em cố đá vào gốc cây rồi ngồi chờ cho nó gãy giò.

Nói tới đây, như động lòng, Lương bưng mặt khóc tiếp. Bây giờ tôi mới biết Lương cũng lắm nỗi niềm. Đằng sau vẻ tươi tỉnh, lém lỉnh hằng ngày của nó hóa ra là một khối sâu bi. Hèn gì nãy giờ nó dè bỉu tình yêu và công kích bọn con trai không tiếc lời. Cũng như tôi, Lương đang mắc kẹt trong vở kịch mà vai diễn của nó bị trúng đạn ngay từ những màn đầu. Toàn bộ phân cảnh còn lại nó không chịu chết một cách êm ái, mà cố ngắc ngoải sống để trả thù tên sát nhân bằng cách bắn vào tim mình. Tội nghiệp cô bạn khờ khạo của tôi!

Tôi chợt nhớ những câu thơ của Lương: “Trong hồn tôi hoa trái rụng âm thầm. Khu vườn cũ ong thôi về làm tổ”. Thì ra nó không hề “nhìn người khác yêu và tưởng tượng ra” như nó vờ thú nhận. Đó chính là tâm trạng của nó. Cây lá trong hồn nó đã héo, hoa trái đã rụng, ong bướm cũng thôi bay. chỉ còn sót lại những vần thơ trách phận: “Có người ngủ suốt mùa mưa. Tỉnh ra mới biết mình chưa có gì”. Câu thơ mới nhất của Lương sáng nay “Tôi nhớ một người không nhớ tôi. Tôi yêu một kẻ hết yêu rồi” cũng là nó viết cho nó đó thôi.

Tự nhiên tôi muốn nói với Lương:

- Về thôi em. Đừng đem đời mình ra làm mồi nhậu nữa! Thằng đó không đáng cho em phải tiêu phí đời mình nhiều đến thế đâu.

Nhưng tôi đã không có dịp nói với nó. Lương đã gục xuống bàn, ngủ thiếp.

Ngoài kia, cuộc sống vẫn nhộn nhịp, réo sôi. Xe lên đèn vàng. Xe xuống đèn đỏ.

***

Sáng hôm sau gặp tôi, Lương tỉnh bơ:

- Hôm qua đi uống vui quá hả chị?

- Vui con khỉ! Em ghé quán lấy xe chưa?

Lương cười hì hì:

- Dạ rồi.

Hôm qua tôi phải kêu taxi chở Lương về nhà trọ, xong quay lại lấy xe. Chiếc Sirius của Lương đành nhờ bảo vệ quán giữ qua đêm.

Tôi cứ tưởng hôm nay tôi sẽ gặp một bộ mặt u sầu với đôi mắt đỏ hoe. Nhưng Lương khiến tôi ngẩn ngơ. Nó chẳng giống chút gì với cô gái ngồi khóc tồ tồ bên bàn ăn tối hôm trước. Mặt nó rạng rỡ như vừa được tăng lương, lại may mắn trứng thưởng một cặp vé đi du lịch Đà Lạt; đã thế chó nhà nó vừa đẻ mười chú cún xinh xắn, bụ bẫm.

Dáng điệu tươi tỉnh của Lương khiến tôi cứ thấy là lạ. Con bé này, nó luôn làm tôi ngạc nhiên. Tôi không biết Lương có nhớ những gì xảy ra tối hôm trước hay không. Sáng nay nó ghé lấy xe, chắc chắn là nó biết hôm qua nó say lắm. Nhưng nó nói gì, làm gì trong cơn say, cả trò khóc lóc om sòm giữa đám đông nữa, những hình ảnh khó coi đó không biết có còn neo trong đầu nó không, chỉ thấy gặp tôi, nó toét miệng ra cười như thể tôi mới chính là đứa làm ầm ĩ trong quán.

Tôi ngậm cả mớ câu hỏi trong miệng nhưng chưa kịp hỏi Lương thì Sâm đã kêu tôi đi công chuyện.

Sạp cá biển của chị Ký ở chợ Hoàng Hoa Thám hôm nay bất ngờ nghỉ bán. Trước đó một ngày, chồng chị bị xe đụng, rất may không nguy hiểm đến tính mạng. Anh Ký chỉ gãy chân, bó bột nằm nhà. Lâu nay, hằng ngày cứ khoáng sáu, bảy giờ tối là anh chở vợ qua chợ đầu mối Bình Điền bên quận 8 đợi xe tải về đề lấy cá. Chợ Bình Điền hoạt động suốt đêm, từ bảy giờ tối đến bốn giờ sáng, phân phối hàng nghìn tấn nông, thủy, hải sản mỗi ngày, giá rẻ hơn các chợ nhỏ. Có lần tôi thắc mắc với Sâm “Sao mình không mua cá ở chợ Bình Điền cho rẻ hả anh?”. “Đây là chợ bán sỉ, phải mua số lượng lớn mới được”.

Anh Ký bị tai nạn, không có người chở đi lấy hàng sạp cá của chị Ký lâm nạn theo. Lúc tôi ghé, chị ngồi bó gối sau chiếc quầy trống trơn, mặt buồn thiu.

- Anh bị ai tông vậy chị? - Tôi hỏi sau khi biết lý do chị đóng cửa quầy.

- Một ông xe ôm chạy ngược chiều.

- Ẩu quá vậy! Ổng có bồi thường gì không?

- Ổng để nghị trả tiền bệnh viện và thuốc men nhưng chị không nhận. - Chị Ký thở ra - Mấy người chạy xe ôm họ có dư dả gì đâu. Thôi, coi như mình xui đi, em.

Chị Ký nghỉ bán, Sâm buộc phải tìm người cung cấp mới. Anh dắt chiếc Wave ra, ngó tôi:

- Để tôi chở cô đi!

Tôi nhún vai:

- Em chạy xe em được rồi.

Tôi từ chối, ngạc nhiên về sự từ chối của mình, ngạc nhiên nhất là tôi thấy mình vọt miệng nhanh đến mức có cảm giác lời từ chối đã nằm sẵn ở đó, ngay trên đầu lưỡi, như mũi tên đã được lắp sẵn vào dây cung, chỉ đợi Sâm rủ là nó bắn ra. Trước đây, tôi từng ngồi trên chiếc Wave của Sâm một lần, lúc dì Ba Được quyết định bỏ nghề sau cơn đột quy. Lần đó Sâm chở tôi đi lòng vòng các chợ trong thành phố, cuối cùng chọn chị Ký ở chợ Hoàng Hoa Thám. Ngay từ lần đó, tôi đã thấy không thật thoải mái khi ngồi sau lưng Sâm. Cứ nghĩ đến chuyện anh thường xuyên gọi điện thoại cho Tịnh, cứ vài ba bữa lại rủ Tịnh đi ăn, tôi cảm thấy thật là khó chịu nếu vờ tỏ ra vui vẻ khi ngồi chung xe với Sâm. Lần này mọi thứ còn tệ hơn: tận mắt nhìn Sâm bỏ bê công việc để xuống tận nhà Tịnh ở dưới quê, tình cảnh đó đẩy tôi vào tâm trạng nặng nề y như tâm trạng của kẻ đang dự đám tang của chính mình, cho dù lúc bắt gặp Sâm thập thò trước cổng nhà Tịnh, tôi đã cố ghìm mình, không để cơn ghen tức bùng lên. Tôi đã cố tin tôi đã bỏ được những rối rắm tình cảm lại sau lưng. Tôi cố tỏ ra mạnh mẽ. Tôi tự thuyết phục tôi rằng giữa tôi và Sâm không hề tồn tại cuộc tình nào, vì một cuộc tình thực sự thì không thể tạo ra từ một phía, cũng như một nụ hôn không thể được thực hiện chỉ bởi một người.

Lý trí bao giờ cũng thông thái và lạnh lùng. Nhờ lý trí, lúc đó tôi đủ điềm tĩnh đưa giỏ cam nhờ Sâm chuyển cho bà Mười Thái. Tôi không xem chuyện chạm mặt Sâm trước cổng nhà Tịnh nghiêm trọng đến mức tôi phải trừng mắt lên với cuộc đời. Nhưng những ngày sau, khi trái tim lên cơn sốt thì lý trí tìm cớ đi vắng. Tôi trở lại là tôi - kẻ suốt đời bất hòa với bản thân. Trái tim tôi đùng đùng phản ứng “Em chạy xe em được rồi”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3