Chiến Tranh Tiền Tệ - Phần 2 - Chương 06

Chương 6

Chính sách kinh tế mới của Hitler

CHỈ DẪN CHƯƠNG

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, sức mạnh của bộ máy quân sự Đức Quốc xã đã được cả thế giới biết đến. Hitler như một tên ác quỷ mà người dân trên khắp thế giới đều căm ghét. Tuy nhiên, ngoài những nhân sĩ trong vòng tròn học thuật, có rất ít người hiểu được hoạt động của hệ thống tiền tệ và kinh tế của Đức Quốc xã. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế càn quét thế giới vào những năm 1930, Đức là nước gánh chịu nhiều thiệt hại nhất, nền kinh tế điêu tàn, tỉ lệ thất nghiệp đạt mức chưa từng có. Việc Đức Quốc xã được bầu chọn hợp pháp thông qua bầu cử dân chủ có liên quan mật thiết đến cuộc khủng hoảng kinh tế Đức. Thời điểm đó, xã hội Đức rơi vào tình trạng bất ổn, tư tưởng của người dân thay đổi. Đức Quốc xã đã nắm bắt chính xác nhịp đập của xã hội, họ tập trung vào chiêu bài “Chính sách kinh tế mới” chủ trương cứu vãn khủng hoảng kinh tế và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Nếu Đức Quốc xã chỉ dựa vào khẩu hiệu và tuyên truyền mà không có khả năng quản lý khủng hoảng kinh tế thì họ sẽ sớm đánh mất lòng dân và cuối cùng sụp đổ tan tành như Cộng hòa Weimar.

Hitler, người vừa lên nắm quyền năm 1933, đã phải đối mặt với một mớ hỗn độn kinh tế. Từ năm 1929 đến 1932, tỉ lệ sử dụng thiết bị công nghiệp của Đức giảm xuống 36%, toàn bộ khối lượng sản xuất công nghiệp giảm 40%, ngoại thương giảm 60%, vật giá giảm 30%, sản lượng sắt thép giảm 70%, sản lượng đóng tàu giảm 80%, tỷ lệ thất nghiệp tăng 30%. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm gia tăng mâu thuẫn giữa các giai cấp trong xã hội và hơn 1.000 cuộc đình công đã nổ ra chỉ trong vòng ba năm.

Cần phải nói rằng mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Đức lớn hơn nhiều so với các nước tư bản khác ở châu Âu và Mỹ. Trong giai đoạn đầu của Đức Quốc xã, họ lập tức bắt tay vào giải cứu nền kinh tế. Bằng một loạt các biện pháp cứng rắn và thiết thực, nền kinh tế Đức phục hồi nhanh chóng và bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh. Đến năm 1938, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 1,3%. Từ năm 1933 đến 1938, sản lượng gang của Đức tăng từ 3,9 triệu tấn lên 18,6 triệu tấn, sản lượng thép tăng từ 5,6 triệu tấn lên 23,2 triệu tấn, sản lượng nhôm và ma-giê cao hơn so với Mỹ. Từ năm 1933 đến 1939, công nghiệp nặng và công nghiệp vũ khí tăng 2,1 lần, vật liệu sản xuất tăng 43% và GDP tăng hơn 100%. Đồng thời, việc xây dựng mạng lưới đường cao tốc quốc gia đã hoàn thành, cơ sở hạ tầng công nghiệp nặng được tái tổ chức, không những vậy quân đội còn được hiện đại hóa hết sức mạnh mẽ.

“Chính sách kinh tế mới Roosevelt” của Mỹ bắt đầu vào năm 1933, chỉ có tác dụng xoa dịu cuộc khủng hoảng. Nền kinh tế Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái đặc biệt. Dù có sự kích thích mạnh mẽ từ “Chính sách kinh tế mới”, tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn còn khá yếu. Từ năm 1937 đến 1938, một lần nữa Mỹ lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đến khi tham gia Thế chiến II năm 1941, nước này mới hoàn toàn thoát khỏi cuộc Đại khủng hoảng. Suốt giai đoạn thực hiện Chính sách kinh tế mới Roosevelt, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở Mỹ cao tới 18% và đến năm 1941 GDP mới trở lại mức trung bình trước năm 1929 – trước khủng hoảng. Nếu không phải vì chiến tranh bùng nổ, hơn 10 triệu thanh niên Mỹ bị gọi nhập ngũ, e là vấn đề thất nghiệp sẽ tiếp diễn trong suốt một thời gian dài.

Đức là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1930, nhưng họ lại là quốc gia đầu tiên bước ra khỏi cuộc Đại suy thoái. Rốt cuộc trong chính sách mà Đức sử dụng để giải cứu nền kinh tế, liệu có những biện pháp nào đáng để chúng ta suy ngẫm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang xảy ra hiện nay hay không?

Những tội ác mà Đức Quốc xã phạm phải đã được lịch sử đưa ra định luận, do đó tôi xin mạn phép không đề cập tới trong phạm vi của chương này. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ và kinh tế của Đức Quốc xã là một phạm trù mà ít người biết đến. Từ quan điểm này, chúng ta sẽ cùng quan sát sự tương tác giữa chính trị và tiền tệ của Đức trong giai đoạn đó.

HITLER - GÃ TRAI TRẺ THEO CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CỰC ĐOAN

Hitler và Schacht

Một ngày tháng 11 năm 1918, hạ sĩ của Quân đoàn Lục quân Liszt thuộc quân đội Đế quốc Đức – Adolf Hitler lặng lẽ nằm trên giường của bệnh viện lục quân như những người bị thương khác, gặm nhấm nỗi đau mù lòa tạm thời vì khí độc do quân Đồng minh rải xuống và tận hưởng cảm giác vinh dự khi nhận được huân chương Thập tự Sắt do Đế quốc trao tặng. Đúng lúc này, một tin tức bất ngờ ập đến khiến Hitler bật dậy trên giường bệnh, Đức tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh! Nỗi tức giận và thất vọng như một con rắn độc cắn chặt vào tâm trí của chàng thanh niên Hitler. Tất cả những điều này là sao? Lẽ nào đây là cái kết chua chát mà anh ta và vô số đồng bào, chiến sĩ khổ chiến suốt 4 năm qua phải nhận lấy ư?

Chẳng bao lâu sau, chính phủ Cộng hòa Weimar đã chính thức thừa nhận tin tức về Hiệp ước Versailles: Đức mất khoảng 1/10 lãnh thổ và 1/8 dân số, mất tất cả các thuộc địa, phi quân sự hóa vùng Rhine, để Pháp chiếm đóng vùng Saar và phải gánh một khoản bồi thường khổng lồ (phải trả trong vòng 70 năm, cho đến năm 1988).Quan trọng nhất là hiệp ước về tội ác chiến tranh: Đức bắt buộc phải chịu toàn bộ trách nhiệm của việc phát động chiến tranh.92 Giống như hầu hết người dân Đức lúc bấy giờ, Hitler cực kỳ phẫn nộ.

92 The Making of the West: Peoples and Cultures, 3rd ed, Vol. C, Boston: Bedford/St.Martin’s, 2009, 817. Cùng xem LiuDeBin, Lịch sử quan hệ quốc tế, 2003, 216-217.

Trước cuộc cách mạng tháng 11 năm 1918, tình thế của Đức tuy bất ổn nhưng vẫn chưa đến mức bại trận hoàn toàn. Ở mặt trận phía Tây, quân Đồng minh chưa hề chiếm được một tấc đất trong lãnh thổ Đức, trong khi đó quân Đức đã tiến sâu vào phía bắc nước Pháp. Từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1918, quân Đức đã phát động tổng cộng năm cuộc tấn công quy mô lớn vào mặt trận phía Tây. Cuối tháng 5 năm đó, quân Đức đã phát động cuộc tấn công thứ ba. Cuộc đột kích đã phá vỡ tuyến phòng thủ của Pháp và quân Đức lập tức xua quân đến khu vực chỉ cách thủ đô Paris 37 kilomet. Ngày 15 tháng 7, người Đức phát động cuộc tấn công thứ năm nhưng không đạt được các mục tiêu chiến lược. Khi quân đội Mỹ đến châu Âu, sức mạnh của quân Đồng minh tăng lên gấp bội. Người Đức sau đó chuyển sang thế phòng thủ ở Pháp. Ở phía Đông, sau Cách mạng Tháng 10 Nga (1917), chính quyền Xô Viết ban đầu được thiết lập, tình hình trong nước vô cùng khắc nghiệt, binh lính Nga vô cùng chán ghét chiến tranh, việc tiếp tục tham chiến là điều không thể. Lenin quyết tâm đàm phán với Đức. Tháng 3 năm 1918, Nga buộc phải ký với Đức Hòa ước Brest-Litovsk với những điều khoản cực kỳ khắc nghiệt. Theo Hòa ước, Đức sẽ giành được gần 1 triệu km2 lãnh thổ và gần 50 triệu cư dân của Nga. Không chỉ vậy, những khu vực cắt nhượng cho Đức chiếm tới 90% sản lượng than, 73% sản lượng quặng sắt, 54% sản lượng công nghiệp và 33% đường sắt của Nga. Ngoài ra, hòa ước cũng quy định chính phủ Liên Xô buộc phải cho phục viên toàn bộ binh lính, bao gồm cả Hồng quân mới thành lập.93 Ngày 27 tháng 3 cùng năm, ba hòa ước bổ sung khác giữa Liên Xô và Đức đã được ký kết tại Berlin, quy định rằng Liên Xô sẽ trả 6 tỷ mark cho Đức dưới nhiều hình thức khác nhau.

93 LiuDeBin, Lịch sử quan hệ quốc tế, 2003, 203-204.

Chiến tranh ở phía Đông đã kết thúc và người Đức sẽ có thể tập trung toàn bộ lực lượng về phía Tây. Nếu quân Đức có thể giằng co và làm tiêu hao thế tấn công của quân Đồng minh trên chiến trường Pháp ở mặt trận phía Tây, cộng với vùng đất rộng lớn và tài nguyên phong phú đã được Nga cắt nhượng, cùng số tiền bồi thường khổng lồ lên tới 6 tỷ mark thì khả năng duy trì chiến tranh của Đức sẽ được cải thiện một cách căn bản. Ngay cả khi Đức khó giành được phần thắng sau cùng thì phía quân Đồng minh cũng khó có thể kéo dài cuộc chiến do sự hao tổn quá lớn về sức người sức của và những vấn đề tranh chấp trong nội bộ. Nếu Đức chịu khó “ẩn mình chờ thời” thì họ hoàn toàn có thể kết thúc chiến tranh một cách đầy thể diện.

Rất nhiều người Đức tin rằng quân Đức sẽ không thể bị đánh bại. Nói cách khác, miễn là các đại diện của chính phủ không “bán nước cầu vinh”, và đất nước không bị sụp đổ bởi một cuộc cách mạng bất ngờ nào đó thì quân Đức chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Đối với một số người Đức, ngay cả khi phải cầu hòa, họ cũng tin rằng quân Đồng minh sẽ đối xử với Đức theo “Nguyên tắc hòa bình 14 điểm của Mỹ”. Theo lời hứa của Wilson về “quyền tự quyết quốc gia”, Đức cũng có thể sáp nhập các nước nói tiếng Đức thuộc khu vực Đế quốc Áo - Hung cũ. Việc sáp nhập Đức - Áo sẽ được thực hiện và nước Đại Đức sẽ được thành lập. Tuy nhiên, hiện thực tàn khốc đã khiến người dân Đức phải nếm trải mùi vị của việc bị lừa dối và phản bội. Ngoài sức mạnh của quân Đồng minh ra, phải chăng còn có kẻ phản bội nào đã bán nước cầu vinh? Khi ý chí người dân đạt được sự đồng nhất, họ sẽ ngay lập tức tìm ra được “vật tế thần” cho lần chiến bại này: Những phần tử nhu nhược của Đảng Dân chủ Xã hội đã chấp nhận ký vào bản Hòa ước Hòa bình Versailles và “Người Do Thái quốc tế”, họ đều bị coi là những “tội nhân tháng 11”, là những tội nhân đã phản bội lợi ích của nước Đức.

Với lòng căm thù tới tận xương tủy đối với những “tội nhân tháng 11”, chàng thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Hitler với một bộ quân phục cũ và huy chương Chữ thập Sắt đã quyết định giải ngũ. Sau khi thất nghiệp, Hitler nhanh chóng tìm được một công việc mới – đặc vụ bí mật cho bộ phận tình báo của Đảng Công nhân Đức – một chính đảng nhỏ chỉ có 55 người. Dù không tuân theo bất kỳ cơ sở lý luận nào, nhưng Hitler lại có khả năng lĩnh ngộ rất cao. Trong công tác “gián điệp”, anh ta không ngừng hấp thụ và nắm được những phần tinh hoa nhất trong lý luận của các diễn giả thuộc nhiều đảng phái khác nhau. Từ đó liên tục bổ sung vào “hệ thống lý thuyết” của chính mình, đồng thời nhanh chóng nắm bắt được những khuyết điểm chí mạng trong quan điểm của họ.

Một ngày tháng 9 năm 1919, Hitler một lần nữa tìm đến nợi tụ tập của Đảng Công nhân Đức để tìm hiểu thực hư mọi chuyện. Nội dung phát biểu của một diễn giả nhanh chóng thu hút sự quan tâm của Hitler và quan điểm của người này đã để lại ấn tượng sâu sắc với Hitler, người đó là Gottfried Feder. Trong cuốn sách Cuộc đấu tranh của tôi xuất bản năm 1924, Hitler đã đề cập một cách cụ thể: “Sau lần đầu tiên nghe bài phát biểu của Feder, ngay lập tức tôi đã nảy ra một ý tưởng trong đầu. Tôi đã phát hiện ra một nguyên tắc quan trọng của Đảng Quốc xã.” Bằng nguồn cảm hứng được lan truyền từ Feder, Hitler đã gia nhập Đảng Công nhân Đức.94

94 John Dornberg, Munich 1923, Harper & Row, NY, 1982. 344.

Rốt cuộc Feder là ai, ông ta đã giảng giải lý luận cao siêu nào để có thể khiến Hitler bừng tỉnh, từ đó tìm ra nguyên tắc xây dựng Đảng Quốc xã?

FEDER: CỐ VẤN TÀI CHÍNH CỦA HITLER

Khi Hitler gia nhập Đảng Công nhân Đức, Feder trở thành cố vấn kinh tế và tài chính của Hitler. Bằng nguồn cảm hứng từ Feder, Hitler đã dành sự quan tâm nồng hậu đến các vấn đề tài chính tiền tệ, việc làm, thương mại và khủng hoảng kinh tế.

Feder vốn không xuất thân từ lĩnh vực khoa học và tài chính. Từ năm 1917, ông bắt đầu “tự dùi mài kinh sử”, chuyên tâm nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiền bạc, kinh tế, khủng hoảng, việc làm, chiến tranh và quốc gia. Ông hoàn toàn thoát ra khỏi định hướng tư duy cứng nhắc của môi trường học viện truyền thống và đưa ra hàng loạt những kết luận gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó. Ông tin rằng nhà nước phải có quyền kiểm soát nguồn cung ứng tiền tệ, phải quốc hữu hóa ngân hàng trung ương, không được phép để các ngân hàng tư nhân nắm quyền. Bởi lẽ vấn đề lớn nhất khi các ngân hàng tư nhân kiểm soát Ngân hàng Trung ương là mọi nguồn thu nhập và các lợi ích khác mà nó tạo ra sẽ thuộc sở hữu của khu vực tư nhân chứ không mang lại lợi ích cho quốc gia và công chúng.95

95 Ian Kershaw, Hitler: A Profle in Power, 1991.

Hitler, người vốn xuất thân từ trong quân đội, không hề có khái niệm về kiến thức kinh tế và tài chính. Ông luôn nghĩ rằng sự thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất của Đức và siêu lạm phát sau đó là một vấn đề hoàn toàn liên quan đến chính trị. Sau khi được Feder chỉ bảo tận tình, ngay lập tức Hitler hiểu ra rằng tài chính mới là cốt lõi của tất cả những vấn đề này. Từ đó, ông có ấn tượng sâu sắc về sự khác biệt về bản chất giữa “tư bản công nghiệp mang tính sáng tạo” và “tư bản tài chính mang tính thực lợi”. Khi Hitler hiểu rằng tài chính và thế lực kiểm soát tài chính mới là chủ nhân thực sự của vận mệnh nước Đức. “Cảnh giới” của ông ta ngay lập tức nhảy lên một cấp độ mới, và sau đó nhìn nhận lại nhiều vấn đề trước kia đã từng khiến ông ta bối rối. Ông ta dần hình thành nên một khuôn khổ logic rõ ràng cho hoạt động tương lai của nước Đức và “các nguyên tắc quan trọng” của Đảng Quốc xã.

Năm 1920, sau khi trải qua các cuộc họp bàn, tranh luận liên tục và hết sức kịch liệt với Feder, Hitler đã đề xuất ra một hệ thống nguyên lý triết học về phong trào Đức Quốc xã. Vì là một cương lĩnh theo phạm trù triết học, Hitler tin rằng cương lĩnh này sẽ “mãi mãi không thay đổi”. Hệ tư tưởng này được quy nạp thành Cương lĩnh 25 điểm. Năm 1932, Đại hội Đảng Quốc xã ở Đức đã tái khẳng định vị thế của cương lĩnh này.96

96 John Toland, Adolf Hitler, Doubleday & Company, 1976, 94-98.

Cương lĩnh 25 điểm chứa tất cả các quan điểm và chính sách cơ bản của Đức Quốc xã. Các yêu cầu và chủ trương liên quan đến kinh tế phản ánh các tư tưởng kinh tế cốt lõi của Feder. Các điểm chính là:

Điểm 11: “Cấm thu nhập theo kiểu không làm mà hưởng, phá vỡ hệ thống nô lệ lãi suất.” Điều này phù hợp với tinh thần nhất quán của Feder trong việc bãi bỏ “chế độ nô lệ lãi suất”, phân biệt giữa “tư bản công nghiệp mang tính sáng tạo” và “tư bản tài chính mang tính thực lợi”. Ông cho rằng vốn chỉ có thể tạo ra giá trị nếu nó thực sự đi vào vòng tuần hoàn của thực thể nền kinh tế. Việc “tư bản tài chính mang tính thực lợi” chỉ chú tâm tiến hành “luân chuyển và thực lợi” trong hệ thống tài chính trên thực tế sẽ tước đoạt thành quả của những người lao động khác.

Điểm 12: “Cấm và tịch thu tất cả các lợi ích thu được một cách bất hợp pháp từ chiến tranh.“ Hitler tuyên bố rằng người Đức không thua về mặt quân sự trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nhưng những người lính ở tiền tuyến đã bị những kẻ “bán đứng lợi ích quốc gia“ – tức các chủ ngân hàng Do Thái và giai cấp đại tư sản “đâm một nhát dao sau lưng”. Nếu những kẻ này tiếp tục kiếm tiền bằng chiến tranh, điều đó đơn giản là trời không dung đất không tha.

Điểm 13: “Chúng tôi yêu cầu thực hiện quốc hữu hóa tất cả các xí nghiệp đã thành lập cho tới nay.” Feder đề nghị xây dựng các “hàng không mẫu hạm” bao gồm các xí nghiệp quốc hữu hóa, để thực hiện việc quốc gia lũng đoạn các nguồn tài nguyên chủ yếu của xã hội. Ông tin rằng các xí nghiệp được quốc hữu hóa sẽ giúp xã hội tạo ra một sự cân bằng nào đó giữa việc các chủ tư bản hưởng mức lợi nhuận hợp lý và các công nhân tìm được việc làm ổn định.

Điểm 14: “Chúng tôi yêu cầu cổ tức từ các xí nghiệp lớn.” Feder khẳng định rằng các công ty lớn phải nuôi dưỡng xã hội và chia sẻ thành quả của sự thịnh vượng kinh tế với tất cả các thành phần của xã hội.

Điểm 16: “Chúng tôi yêu cầu kiến tạo và duy trì một tầng lớp trung lưu khỏe mạnh, yêu cầu lập tức xung công tất cả các cửa hàng bách hóa lớn, cho người kinh doanh nhỏ lẻ thuê lại với giá rẻ, yêu cầu chính phủ và các bang khi tiến hành thu mua hàng hóa phải quan tâm đặc biệt tới tất cả những người kinh doanh nhỏ lẻ.” Quan điểm này phản ánh yêu cầu đối với lợi ích kinh tế của giai cấp tiểu tư sản và tầng lớp bình dân trong xã hội, nhưng đây không phải là một nguyên tắc triết học, mà là một cấp chính sách cụ thể.

Điểm 17: “Chúng tôi yêu cầu tiến hành một cuộc cải cách ruộng đất phù hợp với nhu cầu của quốc gia. Yêu cầu ban hành một nghị định tịch thu đất đai vì lợi ích của công chúng. Yêu cầu bãi bỏ tiền thuê đất, yêu cầu chấm dứt tất cả các hành vi đầu cơ đất.” Điều khiến Feder không thể chịu đựng được nhất là những hành vi “không làm mà hưởng“ và “đầu cơ lướt sóng“. Ông chỉ muốn tập trung triệt để mọi nguồn tài nguyên vào trong các hoạt động sản xuất kinh tế mang tính thực chất. Feder thực sự sống trong một thế giới trừu tượng và lý tưởng hóa mà hoàn toàn bỏ qua bản chất con người. Người Trung Quốc có câu: “Quân tử như nước, tiểu nhân như dầu.” Thường thì người ta khó sống được như người quân tử. Họ có sự bình đạm và thẳng thắn. Còn kẻ tiểu nhân nghĩ ra cách để trục lợi và gây ra rắc rối, sẽ mang tới những sự thay đổi khó lường. Vấn đề của Feder là ông đang cố gắng tách biệt giữa ngọn giáo và cái khiên, chỉ chăm chăm lấy thứ mà mình muốn.

Điểm 18: “Hình phạt tử hình được áp dụng đối với những kẻ bán nước, cho vay nặng lãi và đầu cơ.”

Ngoài ra, Feder cũng ủng hộ việc dựa vào “uy quyền của quốc gia” để thành lập “ngân hàng kinh tế kiến thiết”, phát hành chứng khoán quốc gia và huy động vốn đầu tư cho các dự án công cộng xã hội. Trước thực tế là từ lâu các chủ ngân hàng quốc tế đã hình thành nên thế độc quyền về vàng, ông đề nghị loại bỏ chế độ kim bản vị, nhà nước sẽ quyết định lượng tiền được lưu thông, sử dụng năng lực sản xuất của nền kinh tế thực thể quốc gia làm chỗ dựa cho tiền tệ, dùng hàng hóa để trao đổi với các nước khác, từ đó thoát khỏi sự khống chế của nguồn vốn nước ngoài đối với hệ thống tiền tệ và ngoại hối của nước Đức.

Hitler ủng hộ rất nhiều ý tưởng trong triết lý của Feder, nhưng với tư cách là một chính trị gia, khó có thể nói rằng ông ta có sự hứng thú đối với những lý luận đó. Với Hitler, lý luận luôn chỉ là một công cụ, khi thích hợp thì sử dụng, khi không còn thích hợp thì vứt đi. Nguyên tắc vĩnh cửu của các chính trị gia là sự quyền biến, tức sự thích nghi và thay đổi để truy cầu quyền lực, và họ sẽ sở hữu nhiều quyền lực hơn thông qua những sự thay đổi đó.

Để có được nhiều quyền lực hơn, Hitler phải hợp tác với những nhân vật nắm giữ “quyền lực thực sự“. Do đã từng tham gia quân đội nên với Hitler, cái gọi là “quyền lực thực sự” rất đơn giản, đó là “bạo lực + tài chính“, hai yếu tố này bổ trợ cho nhau và không thể thiếu một trong hai. Hitler khi đó rất nghèo, không có khả năng nhận được những khoản hỗ trợ tài chính lớn vào thời điểm đó, nhưng sự hỗ trợ bằng “bạo lực“ có phần đáng tin cậy.

CUỘC BẠO ĐỘNG QUÁN BIA: HITLER UY DANH LỪNG LẪY

Nếu Feder cung cấp cho Hitler một vũ khí lý luận cho khía cạnh kinh tế và tài chính, thì cống hiến của Rohm là cung cấp vũ khí mang tính thực tiễn: bạo lực.

Rohm gia nhập Quân đội Đế quốc vào năm 19 tuổi và bị thương ba lần trong Thế chiến I. Sau khi Đức đầu hàng, Rohm gia nhập tổ chức bán quân sự mang tên “Quân đoàn Tự do” và trở thành thuộc cấp của F. Epp. Tư lệnh của Quân đoàn Tự do khu vực Bavaria, và trở thành một trong số những quân nhân hiếm hoi được coi là có thực lực ở Munich. Thế chiến I kết thúc, một lượng lớn các sĩ quan và quân đội Đức đã trở về quê hương. Dưới sự tấn công từ “vũ khí kinh tế” của Vương quốc Anh, vật tư thiếu hụt nghiêm trọng, tìm việc làm là điều vô vọng. Những cựu binh trẻ tuổi, sức lực cường tráng này tập hợp lại với nhau một cách tự phát và thành lập một đội quân tự do dưới sự lãnh đạo của một số sĩ quan. Quân đoàn Tự do này được quân đội Đức tài trợ bí mật, cung cấp trang bị. Ban đầu, họ chịu trách nhiệm phòng thủ đường biên giới rất dài ở phía đông, nhằm giải quyết các nhu cầu cấp thiết trước mắt của Bộ Quốc phòng. Trong hệ thống của Cộng hòa Weimar, quân đội thuộc về nhà nước và không được phép tham gia chính trị trong nước. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, tình hình chính trị ở Đức trở nên hỗn loạn. Cuộc Cách mạng công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo đang nổi lên khắp nơi. Thế là Quân đoàn Tự do được các lực lượng bảo thủ của chính phủ và đại diện quân đội hết sức trọng dụng, họ đã trấn áp các cuộc bạo loạn trong biển máu.

Tháng 10 năm 1919, Hitler đã có bài phát biểu đầu tiên tại một cuộc mít tinh của Đảng Công nhân Đức. Ông ta đã thể hiện đầy đủ tài năng thực sự của mình, đó là tài hùng biện xuất chúng. Cho dù là những quan điểm lố bịch và kỳ quặc đến mức nào, lời kể ông ta, đều sẽ tạo ra hiệu ứng chấn động. Ông ta không đơn thuần là bày tỏ quan điểm, mà là đang tỏa phát ra nguồn sức mạnh không ai có thể cưỡng lại bằng sự phát tiết cảm xúc khao khát đến cháy bỏng và khả năng phân tích lý trí hết sức sắc bén và lạnh lùng. Có lẽ do người Đức bấy lâu nay bị bóc lột quá triệt để, bị hạ nhục một cách quá vô tình, bị bán đứng một cách quá trần trụi, sự cuồng dại và cực đoan vốn tồn tại trong cốt tủy của dân tộc Ottoman, sự tự ti và ngạo mạn trong tiềm thức, tất cả đã được khuấy động và kích hoạt dưới sự càn quét của “cỗ máy phun lửa chân lý” như thiêu như đốt của Hitler. Lớp vỏ bảo vệ mang tên lý trí của con người đã bị nung chảy hoàn toàn, chỉ còn lại những tín niệm điên cuồng và khao khát báo thù.

Thời điểm đó, trong đám đông khán giả đang bị mê hoặc bên dưới đó có Rohm. Rohm nhất mực tôn sùng Hitler, nhận định rằng đây là một nhân vật “tiền đồ vô lượng”, rất có tố chất để lãnh đạo một phong trào dân tộc cực đoan. Sau đó, Rohm chủ động kết giao với Hitler. Rohm không chỉ khuyến khích Hitler thực hiện tham vọng chính trị của mình, mà bản thân anh ta cũng tình nguyện gia nhập Đảng Công nhân Đức để ủng hộ cho Hitler. Mùa xuân năm 1920, Rohm chính thức giới thiệu Hitler vào nhóm các quân nhân theo phái thực lực của mình. Có được sự hỗ trợ của một tập đoàn bạo lực, Hitler dấy lên tham vọng tột cùng, và bắt đầu lên kế hoạch để hiện thực hóa lý tưởng “nước giàu, quân mạnh” của mình.

Năm 1920, với sự giúp đỡ của Feder, Hitler đã hình thành hệ thống lý luận của Cương lĩnh 25 điểm, và với sự giúp đỡ của Rohm, ông ta cũng nắm trong tay phương thức bạo lực. Vào thời điểm này, ông đổi tên Đảng Công nhân Đức thành Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa, gọi là Đảng Quốc xã. Dưới sự tác động của Rohm thì Epp – Tư lệnh của Quân đoàn Tự do khu vực Bavaria, dốc sức ủng hộ Đảng Quốc xã vẫn còn non nớt, không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn mời Hitler đến doanh trại để chiêu binh mãi mã cho Đảng Quốc xã. Hitler vui mừng khôn xiết. Theo lời ông, Quân đoàn Tự do đầy “những thanh niên trẻ tuổi hết sức khỏe mạnh, họ có tổ chức, kỷ luật và thấm nhuần tinh thần tiến thủ trong quân đội rằng trên thế giới này chẳng có việc gì khó.” Dưới sự tổ chức của Rohm, Đức Quốc xã đã thành lập lực lượng vũ trang của riêng họ – Đội Xung phong (Sturmabteilung, hay còn gọi là SA).

Năm 1921, mọi ánh mắt đổ dồn về Hitler khi ông ta trở thành người đứng đầu Đảng Quốc xã. Thời điểm này, Đảng Quốc xã có cả vũ khí về mặt tư tưởng lẫn hậu thuẫn về mặt quân sự, cùng với khả năng khích động dân chúng vô tiền khoáng hậu của Hitler. Các tổ chức cực hữu khác của Cộng hòa Weimar cũng đổ tới gia nhập, uy danh của Đức Quốc xã lừng lẫy khắp nơi, số lượng thành viên của Đảng Quốc xã đã tăng mạnh, lên đến 55.000 người vào năm 1923.

Năm 1923, cuộc siêu lạm phát vốn đã được các thế lực bên ngoài lên kế hoạch tỉ mỉ đã nổ ra ở Đức. Đồng mark lao dốc không phanh, thế giới tài chính hỗn loạn, tài sản của tầng lớp trung lưu Đức trải qua một màn tắm máu, Pháp và Bỉ lại xua quân chiếm đóng Ruhr. Tất cả những điều này đã kích động nỗi phẫn nộ tột đỉnh của người dân Đức đối với chính phủ Weimar, lòng yêu nước trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hitler tin rằng thời cơ để giành chính quyền đã đến, ông ta liên kết với cựu tổng tham mưu Đức, Ludendorff để học theo gương của Mussolini tiến quân tới thành Rome, sử dụng bạo lực để lật đổ Cộng hòa Weimar. Ngày 8 tháng 11 năm 1923, Hitler và Ludendorff đã lợi dụng lúc các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Bavaria đang tổ chức bữa tiệc trong một quán bia ở Munich đã lãnh đạo đội quân xung phong tiến hành đảo chính quân sự. Đây chính là cuộc “bạo động quán bia” nổi tiếng trong lịch sử.97

97 William L.Shirer, The Rise and Fall of the Third Reich: A History of Nazi Germany, Simon & Schuster, 1981, 312.

Hitler và nhóm của ông tập hợp bên ngoài sảnh bia. Bên trái ông là Alfred Rosenberg, được biết đến như là “lãnh tụ tư tưởng” của Đảng Quốc xã, và bên phải là trợ thủ của Hitler, Friedrich Weber. Hitler một tay chống nạnh, một tay giữ chặt chiếc mũ của mình, đôi mắt trừng trừng nhìn về phía trước.

Mặc dù các cuộc bạo loạn cuối cùng thất bại, nhưng nó đã gây ra một cú sốc cho thế giới, và mang tới cho Đảng Quốc xã một cơ hội hiếm có để công khai tuyên truyền trên trường quốc tế. Hitler đã thể hiện khả năng hùng biện đáng kinh ngạc trong phòng xử án, thao thao bất tuyệt thể hiện nỗi phẫn uất của mình. Hình ảnh này gây ra tiếng vang lớn trong lòng dân chúng Đức. Một số lượng lớn người dân đã đổ tới bên ngoài tòa án để bày tỏ sự ủng hộ cho Đức Quốc xã. Những bức ảnh về Hitler đã được đăng tải ngay trên trang nhất của các tờ báo lớn của thế giới, và thế là chỉ sau một đêm, từ vai trò “bị cáo” trong cuộc bạo động, ông ta đã trở thành “anh hùng cứu rỗi vận mệnh của nước Đức”.

Hitler muốn biến các cuộc tranh luận ở tòa thành bài diễn thuyết chính trị của mình, nhưng ông ta vẫn bị kết án năm năm tù. Ông ta đã ở tù 9 tháng và viết cuốn sách Cuộc đấu tranh của tôi. Cuốn sách đó đã vẽ nên một viễn cảnh đáng kinh ngạc của nước Đức dưới sự cai trị của Đức Quốc xã. Trong ngục tù, Hitler nhận ra rằng nền tảng của Cộng hòa Weimar vẫn rất vững chãi, và cuộc cách mạng bạo lực không còn cơ hội thành công. Lựa chọn duy nhất đó là “đoạt quyền một cách hợp pháp”. Sau khi ra tù, ông ta ngay lập tức điều chỉnh lại hệ thống tư tưởng của Đảng Quốc xã và chuẩn bị sử dụng hệ thống dân chủ nghị viện để giành chính quyền.

Các cuộc bạo động quán bia đã tạo ra một hiệu ứng bất ngờ. Hitler, bỗng chốc trở nên “nổi tiếng quốc tế” chỉ sau một đêm. Và thế là các thế lực từ khắp nơi với nhiều mục đích khác nhau, đã lũ lượt kéo đến để bàn chuyện hợp tác với Hitler. Hitler bận rộn với việc tiếp nhận và đàm phán. Sau nhiều lần như vậy, ông ta thấy đó toàn là những kẻ khoác lác lừa phỉnh, còn những đối tác thực sự có thực lực thì mãi chẳng thấy đâu.

Trên thực tế, Hitler không hề hay biết rằng mỗi đường đi nước bước của mình đều gây được sự chú ý cao độ từ một số thế lực sở hữu nguồn năng lượng khủng khiếp.

HITLER GẶP VẬN MAY

Ngay từ những năm 1920, các chủ ngân hàng quốc tế bắt đầu tìm kiếm các tác nhân chính trị có thể đảm nhận trách nhiệm lịch sử ở Đức. Họ chú ý đến các đảng phái chính trị khác nhau nổi lên sau chiến tranh ở Đức, cố gắng tìm ra “cổ phiếu siêu nguyên bản” có thể mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc. Chính đảng nhỏ bé với vỏn vẹn vài chục người của Hitler cũng lọt vào tầm mắt của họ.

Hệ thống tình báo của các ngân hàng quốc tế hoạt động rất hiệu quả. Đầu tháng 2 năm 1920, Morgan đã sắp xếp cho Donovan tới châu Âu để tiến hành gặp gỡ bí mật, trả cho Donovan 200.000 đô-la để khảo sát một cách có hệ thống tất cả các phương diện của châu Âu sau chiến tranh. Chính trong chuyến đi tới châu Âu này, Donovan đã gặp Hitler ở Berchtesgaden, Bavaria, Đức và đàm luận với Hitler suốt một đêm. Ông nghĩ rằng Hitler là một “người trò chuyện thú vị”. Donovan chính là người sáng lập Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS), người khởi tạo nên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Tất nhiên, lần tiếp xúc này chỉ mang tính chất hết sức sơ bộ. Các đảng phái chính trị ở Đức vào thời điểm đó nhiều như nấm mọc sau mưa. Công cuộc “đầu tư mạo hiểm” của Phố Wall cần phải tiến hành thêm một bước khai phá và chọn ra loại “cổ phiếu nguyên bản” thực sự có tiềm năng giữa hàng ngàn những ứng cử viên khác nhau.

Khi cơn sốt đầu cơ đồng mark Đức kết thúc vào năm 1924, cơn bão siêu lạm phát cuối cùng cũng đã tan. Sau khi Phố Wall khống chế được huyết mạch của nền kinh tế Đức, kế hoạch Dawes của Mỹ chính thức được thực thi thì một lượng vốn khổng lồ từ nước ngoài tràn vào. Nền kinh tế Đức cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, nhưng ảnh hưởng của Đức Quốc xã cũng bị thu hẹp nhanh chóng. Trên thực tế, người dân Đức cũng giống như những người dân bình thường trên thế giới, an cư lạc nghiệp, cơm no áo ấm là những truy cầu quan trọng nhất của họ.

Những sự chém giết chết chóc của thời loạn và những thăng trầm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế không phải là điều mà họ mong muốn. Một khi hòa bình, người dân Đức sẽ sớm quên đi nỗi đau và thảm họa của quá khứ. Từ năm 1924 đến 1929, các hoạt động của Đức Quốc xã rơi vào tình trạng “thủy triều thấp”, Hitler đành phải dấn thân vào trò chơi chính trị nghị viện vốn không phải là sở trường của ông ta.

Mặc dù các tổ chức cơ sở của Đức Quốc xã đã mọc lên khắp nơi ở Đức, nhưng tỷ lệ ủng hộ cử tri của Đảng Quốc xã lại khá hẩm hiu. Lý do là Đảng Quốc xã có màu sắc cực đoan và bạo lực. Thời điểm này, xã hội Đức đã dần ổn định và nền kinh tế được cải thiện. Người dân đương nhiên có tâm lý xa lánh với Đảng Quốc xã vì đường lối dân tộc cực đoan. Trong cuộc Tổng tuyển cử ở Đức được tổ chức vào tháng 5 năm 1928, Đảng Quốc xã chỉ giành được 12 ghế trong Quốc hội, với tỷ lệ bỏ phiếu ít đến mức đáng thương là 2,6%. Năm đó là liên minh cánh tả do Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Cộng sản Đức đại diện giành được 40,4% phiếu bầu, Đảng Trung ương Công giáo giành được 15% và một số đảng cánh hữu khác, như Đảng Nhân dân Đức, chia nhau 42% còn lại.

Hitler là một hình mẫu kiêu hùng thời loạn. Nếu vào lúc quốc gia đại trị, đất nước an định thì ông ta sẽ chẳng thể nào ngóc đầu lên được.

Đảng Quốc xã giống như một con cá bị mắc cạn trên bờ biển, chẳng còn sống được bao lâu nữa. Thời điểm này, cuộc khủng hoảng kinh tế càn quét thế giới năm 1929 bất thần nổ ra, nền kinh tế Đức lập tức lao dốc không phanh. Năm 1930, dân số thất nghiệp ở Đức lên tới 2 triệu người, và năm 1932 đã tăng vọt lên 6 triệu người. Đảng Quốc xã đã ngay lập tức nắm bắt cơ hội lịch sử này và cáo buộc Hòa ước Hòa bình Versailles và điều khoản bồi thường chiến tranh đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế Đức, chỉ trích sự yếu kém và bất tài của chính phủ, và đẩy người dân vào tình thế nước sôi lửa bỏng. Suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội khiến người dân Đức hoàn toàn mất niềm tin vào Cộng hòa Weimar. Những ký ức đau đớn về bảy năm trước bắt đầu xuất hiện trở lại, nhưng mức độ và thời gian của cuộc khủng hoảng này vượt xa so với năm 1923, và người Đức bắt đầu quay sang ủng hộ Đức Quốc xã. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9 năm 1930, Đảng Quốc xã đã giành được 18,3% số phiếu. Lần đầu tiên, họ vượt qua Đảng Cộng sản Đức và trở thành đảng lớn thứ hai trong Quốc hội sau Đảng Dân chủ Xã hội. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7 năm 1932, Đảng Quốc xã đã giành được 37,4% số phiếu, vượt qua 36,2% số phiếu của Đảng Dân chủ Xã hội và trở thành đảng phái lớn nhất trong Quốc hội.

Thấy đà phát triển của Đức Quốc xã, cuối cùng các chủ ngân hàng quốc tế quyết định đặt cược tài sản vào Hitler.

Tháng 11 năm 1933, một cuốn sách nhỏ bất thần xuất hiện ở Hà Lan, trong đó có một vài đoạn hội thoại giữa một chủ ngân hàng tên Sidney Warburg và Hitler, đề cập đến một số nhà công nghiệp và tài chính hàng đầu của Mỹ, bao gồm Rockefeller và Henry Ford. Sau khi Hitler lên nắm quyền, họ đã cung cấp cho ông khoản tài trợ khổng lồ lên tới 32 triệu đô-la thông qua JP Morgan và tập đoàn ngân hàng Chase Manhattan. Cuốn sách đã bị cấm vào năm 1934. Anh em nhà Warburg – những người được cho là lãnh đạo công ty IG Farben của Mỹ và Đức mà cuốn sách ám chỉ, cũng một mực phủ nhận rằng có liên quan đến nội dung cuốn sách. Nhưng các chi tiết trong cuốn sách lại hết sức phù hợp với nhiều dữ liệu trong thế giới thực, dần dần nó được cho là một minh chứng cho sự hợp tác giữa các nhà đầu tư quốc tế ở Phố Wall và Đức Quốc xã.98

98 Antony C. Sutton, Wall Street and the Rise of Hitler, GSG&Associates Pub, 1976, Chapter 10.

Một chủ ngân hàng quốc tế khác được xác nhận đã tài trợ cho Hitler là Nam tước Côte von Schroeder. Gia tộc Schroeder cũng là một trong số “17 gia tộc ngân hàng quốc tế lớn nhất thế giới”, với các chi nhánh ngân hàng ở London và New York. Schroeder và Rockefeller đã thành lập một ngân hàng liên doanh tại New York vào năm 1936, và cháu trai của John Rockefeller đã từng là phó chủ tịch và giám đốc.99

99 Richard Roberts, Schroders Merchants & Bankers, MacMillan, 1992.

Schroeder tốt nghiệp Đại học Bonn và gia nhập Lực lượng Phòng vệ Đế quốc trong Thế chiến I. Sau chiến tranh, ông gia nhập ngân hàng Stan ở Köln và trở thành đối tác của ngân hàng này. Niềm tin chính trị cánh hữu của Schroeder khiến ông luôn tỏ thái độ đồng cảm và tài trợ cho Đảng Quốc xã. Ông đã tạo điều kiện cho cuộc gặp giữa lãnh đạo Đảng Nhân dân Đức Papen và Hitler. Cuộc họp này đã giúp Hitler trở thành thủ tướng trong tương lai.

Schroeder cũng là một nhân vật quan trọng trong vòng tròn kinh tế cốt lõi của Đức Quốc xã. Vòng tròn này còn được gọi là “Vòng tròn Kepler”, người sáng lập là Wilhelm Kepler. Kepler là một doanh nhân thượng lưu điển hình, với mạng lưới quan hệ chính trị rộng khắp và khứu giác chính trị nhạy bén. “Vòng tròn Kepler” bước đầu được thành lập vào năm 1931. Hitler đã có một cuộc thảo luận sâu sắc với Kepler. Khi ông nói về sự cần thiết của việc thành lập một nhóm các doanh nhân đáng tin cậy để cung cấp những lời tư vấn sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, Hitler nói: “Hãy tìm kiếm một số nhà lãnh đạo trong giới kinh doanh, có thể bây giờ họ không phải là thành viên của Đức Quốc xã, nhưng sau khi đảng lên nắm quyền thì họ sẽ phục vụ chúng tôi.”100

100 Nuernberg Military Tribunal, Volume 6, 285.

Kepler thực sự không phụ lại sứ mệnh của mình. Những nhân vật ông tuyển để kết nạp vào vòng tròn của Hitler bao gồm:

• Fritz Kranefuss: trợ lý của Himmler;

• Karl Vincenz Krogmann: Thị trưởng Hamburg;

• August Rosterg: Tổng Giám đốc Công ty con IG Farben;

• Emil Meyer: Giám đốc Tập đoàn Điện báo và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ (ITT) và Giám đốc Công ty Điện khí Thông dụng;

• Otto Steinbrinck: Phó Chủ tịch Công ty Gang thép Liên hợp;

• Hjalma Schacht: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đế quốc;

• Emil Helffrich: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dầu mỏ Đức Mỹ trực thuộc Công ty Dầu mỏ Mobil;

• Friedrich Reinhardt: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại;

• Ewald Hecker: Chủ tịch Hội đồng Quản trị ILSEDER HUTTE;

• Graf von Bismark: Chủ tịch Điều hành Studdin.101

101 Nuernberg Military Tribunal, Volume 6, 287.

Kepler được bầu vào Quốc hội Đế quốc năm 1933 và từng có thời gian là cố vấn tài chính cho Hitler. Chỉ trong vòng vài năm, ông đã “vớ bẫm” khi kiếm được vai trò điều hành trong một vài công ty, bao gồm cả chức chủ tịch hội đồng quản trị hai công ty con của Tập đoàn IG Farben. IG Farben và Công ty Dầu mỏ Mobil có liên quan chặt chẽ với nhau. IG Farben đã có được công nghệ sản xuất xăng tổng hợp từ Công ty Dầu mỏ Mobil. Sau khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu, họ đã gấp rút chuyển nhượng hơn 2.000 bằng sáng chế nước ngoài cho Mobil.

Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1921 bởi anh em Sosthenes Behn và Hernand Behn, và được kiểm soát bởi gia tộc Morgan. Cuộc gặp đầu tiên giữa Behn và Hitler là vào tháng 8 năm 1933 tại Berchtesgaden.102 Sau đó, Behn được tuyển dụng vào “vòng tròn Kepler” và có dịp gặp gỡ Schroeder. Behn đánh giá rất cao mối quan hệ mật thiết giữa Schroeder với Hitler và Đức Quốc xã, và mời Schroeder trở thành người bảo vệ lợi ích của Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ. Schroeder đã giúp Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ đầu tư vào các xí nghiệp quân sự có thể sinh lời rất lớn ở Đức (bao gồm Focke-Wulf, nơi sản xuất máy bay chiến đấu) và nhậm chức trong hội đồng quản trị của các xí nghiệp này. Lợi nhuận của Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ lại được tái đầu tư vào các xí nghiệp này. Theo cách đó, trong Thế chiến II, Hitler đã sử dụng máy bay chiến đấu do Hoa Kỳ đầu tư sản xuất để chống lại chính Hoa Kỳ và các đồng minh. Schroeder có thể coi là một nhân vật chủ chốt. Không chỉ vậy, ông còn chuyển tiền tài trợ của Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ cho Himmler – lãnh đạo của tổ chức đặc vụ Gestapo. Số tiền quyên góp của Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ chiếm tới ¼ tổng số tiền mà các công ty Hoa Kỳ quyên góp cho Gestapo trong chiến tranh.

102 Antony C. Sutton, Wall Street and the Rise of Hitler, GSG & Associates Pub, 1976.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, hồ sơ thẩm vấn của quân Đồng minh đối với Kurt von Schroeder vào ngày 19/11/1945 đã giải thích về mối quan hệ sâu sắc giữa Schroeder, Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ và Đức Quốc xã:

HỎI:

Trong hồ sơ trước đó, anh nói rằng đã có liên hệ với một số công ty Đức liên quan đến Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ hoặc Công ty Điện khí Thông dụng. Các công ty đó có bất kỳ mối liên hệ nào với các công ty khác của Đức không?

TRẢ LỜI

Có. Công ty Lorenz nắm giữ 25% cổ phần của Focke-Wulf tại Bremen trước chiến tranh. Focke-Wulf sản xuất máy bay chiến đấu cho Không quân Đức. Tôi tin rằng sau khi Focke-Wulf hấp thụ thêm vốn do nhu cầu mở rộng, cổ phiếu do Lorentz nắm giữ đã giảm xuống chỉ còn dưới 25%.

HỎI:

Vậy điều này đã xảy ra sau khi đại tá Benni nắm giữ gần 100% cổ phần của Công ty Lorenz thông qua Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ?

TRẢ LỜI

Vâng.

HỎI:

Có phải đại tá Benni chấp thuận việc Lorentz mua cổ phần của Focke-Wulf?

TRẢ LỜI

Tôi tin chắc rằng đại tá Benni đã đồng ý trước khi người đại diện của ông ấy tại Đức chính thức phê chuẩn.

HỎI:

Lorenz mua 25% cổ phần của Focke-Wulf vào năm nào?

TRẢ LỜI

Tôi nhớ là ngay trước khi chiến tranh bùng nổ, nghĩa là trước cuộc xâm lược Ba Lan.

HỎI:

Westerick có biết tất cả các chi tiết về việc mua 25% cổ phần Focke-Wulf của Lorenz không? (Westerick hoạt động như một điệp viên Đức trong Thế chiến I và Thế chiến II.)

TRẢ LỜI

Vâng, ông ấy biết rõ hơn tôi.

HỎI:

Số tiền đầu tư của Lorentz là bao nhiêu?

TRẢ LỜI

Ban đầu là 250.000 mark và sau đó tăng thêm không ít. Tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu.

HỎI:

Có phải đại tá Benni có cơ hội chuyển hết lợi nhuận kiếm được ở Đức về Hoa Kỳ trước khi chiến tranh nổ ra?

TRẢ LỜI

Vâng. Lợi nhuận được chuyển trở lại Hoa Kỳ sẽ bị giảm bớt một chút vì chênh lệch tỷ giá hối đoái, nhưng tuyệt đại đa số khoản lợi nhuận đó sẽ quay trở lại Hoa Kỳ. Đại tá Benni đã không làm điều này và không yêu cầu tôi làm như vậy. Dường như ông ấy sẵn sàng để lại lợi nhuận để tiếp tục đầu tư vào công xưởng, thiết bị cùng các xí nghiệp quân sự khác. Công ty Haas ở Berlin là một trong số đó. Haas sản xuất các thành phần vô tuyến và radar quân sự. Tôi nhớ Lorentz đang nắm giữ 50% cổ phần của Haas.

HỎI:

Anh đã là giám đốc của Lorentz từ năm 1935. Trong thời gian này Lorentz và Focke-Wulf tham gia sản xuất thiết bị quân sự. Anh có biết hoặc nghe nói rằng đại tá Benni hoặc đại diện của ông ấy đã lên tiếng phản đối các công ty xây dựng bộ máy chiến tranh này của Đức? Điều này đã xảy ra khi đại tá Benni nắm giữ gần 100% cổ phần của Công ty Lorenz thông qua Công ty Điện tín và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ?

TRẢ LỜI

Trả lời: Không biết.

Vòng tròn Kepler ngày càng trở nên thân cận hơn với Himmler, nó cũng được gọi là “Vòng tròn Himmler”. Trong một lá thư gửi cho “đồng nhân” Emile Meyer – một nhân tố trong Vòng tròn Himmler vào ngày 25 tháng 2 năm 1936, Schroeder đã mô tả mục đích và yêu cầu của Vòng tròn Himmler, cùng với đó là mục tiêu lâu dài liên quan đến tài khoản “S” đặc biệt được mở tại Ngân hàng Stan ở Köln.

Thân gửi vòng tròn bằng hữu của lãnh tụ Đệ tam Đế chế:

Khi kết thúc chuyến đi kéo dài hai ngày tới Munich theo lời mời của lãnh tụ Đệ tam Đế chế, vòng tròn bằng hữu đã đồng ý mở một tài khoản đặc biệt mang mật danh S tại Ngân hàng Stan ở Köln dưới quyền chi phối của lãnh tụ đế quốc. Nguồn tiền trong đó được sử dụng cho các nhiệm vụ nằm ở bên ngoài lãnh thổ. Bằng cách này, lãnh tụ của đế quốc có thể nhờ cậy vào tất cả các bạn bè của mình. Tại Munich, mọi người quyết định rằng nên để người ký tên đứng ra thiết lập và xử lý tài khoản. Đồng thời, chúng tôi muốn nói với mỗi người tham gia rằng nếu người đó đại diện cho công ty hoặc vòng tròn bằng hữu để quyên góp tiền cho các nhiệm vụ của lãnh tụ đế quốc, vậy khoản tiền quyên góp đó cần được gửi vào tài khoản S đặc biệt được lập tại Ngân hàng Stan ở Köln. Đây là tài khoản mà mọi thành viên trong vòng tròn bằng hữu nhất trí sử dụng (tài khoản thanh toán đế quốc, tài khoản séc bưu chính số 1392).

Hitler muôn năm!

Kurt von Schroeder103

103 Nuernberg Military Tribunal, Volume 7, 238.

Bức thư giải thích lý do tại sao sau chiến tranh, Đại tá Lục quân Bogdan (cựu lãnh đạo Ngân hàng Schroder của New York) nghĩ trăm phương ngàn kế để chuyển hướng cuộc điều tra từ Ngân hàng Stan ở Köln sang các ngân hàng lớn dưới thời Đức Quốc xã. Bởi vì Ngân hàng Stan đang che giấu sự câu kết của các công ty đa quốc gia của Mỹ với chính quyền Đức Quốc xã trong Thế chiến II.

Do tích cực hỗ trợ cho Đức Quốc xã nên Schroeder đã được đền đáp xứng đáng sau khi Đức Quốc xã lên nắm chính quyền, Schroeder lần lượt giữ các vị trí sau:

• Đại diện của Đức của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế;

• Cố vấn trưởng cho Ngân hàng Đế quốc Đức;

• Nhà lãnh đạo cao cấp của Gestapo, Huân chương Thập tự Sắt hạng nhất, hạng nhì;

• Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Verkehrs-Kredit-Bank (do Ngân hàng Đế quốc kiểm soát);

• Tổng lãnh sự tại Thụy Điển.

Sau chiến tranh, Kurt von Schroeder đã bị tòa án Đức kết án phạm tội ác “chống lại loài người”. Cuối cùng chủ ngân hàng quốc tế nổi tiếng này chỉ bị kết án ba tháng tù giam.

Tội ác “chống lại loài người” không phải là một tội nhỏ, nhưng Schroeder – người trực tiếp tài trợ cho Hitler trong Thế chiến II và bị “bắt tận tay, day tận mặt” lại chỉ bị án tù 3 tháng mang tính tượng trưng. Trong phần sau đây, chúng ta còn được biết câu chuyện của cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Quốc xã và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Đức Quốc xã, Schacht – người chịu trách nhiệm huy động tài chính trong toàn bộ quá trình chiến tranh, đã được thả tự do ngay trong phiên tòa. Có vẻ như Schroeder vẫn có lý do để kêu oan vì đã bị phạt tù ba tháng.

Ngoài Schroeder, một trong “17 gia tộc ngân hàng quốc tế lớn nhất thế giới” thì Max Warburg, người đã tham gia tài trợ cho Hitler cũng là một nhân vật hết sức quan trọng.

KẾ HOẠCH HAAVARA

Hitler luôn nhấn mạnh rằng ông ta có hai kẻ địch và một kẻ thù truyền kiếp. Kẻ địch chính của ông ta là những người Bolshevik. Theo quan điểm của Hitler, nếu không có cuộc nổi dậy và bạo loạn của những người Bolshevik ở hậu phương thì nước Đức sẽ không bị đánh bại, điều đó chẳng khác nào một con dao đâm lén Đức từ phía sau. Kẻ địch thứ hai của ông ta là sức mạnh tài chính quốc tế của người Do Thái. Theo sự chỉ dẫn của Feder, Hitler đã nhìn thấy uy lực khủng khiếp của các thế lực tài chính. Ông ta căm ghét đến tận xương tủy đối với hành vi bán đứng lợi ích nước Đức của những kẻ như Max Warburg trong Hòa ước Versailles và sự bảo trợ tài chính của các chủ ngân hàng Do Thái đối với quân Đồng minh – những yếu tố đã khiến cho Đức bại trận. Cộng thêm với việc nền kinh tế Đức bị phá hủy bởi siêu lạm phát, Hitler đã cộng gộp tất cả các món nợ này và trút lên đầu người Do Thái. Còn kẻ thù truyền kiếp của Hitler chính là Pháp – “oan gia thế kỷ” này buộc Đức phải ký một hòa ước đầy cay đắng và sỉ nhục.

Sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, họ không thể ngay lập tức ra tay với Liên Xô và Pháp, nhưng lại chẳng có chút trở ngại nào trong việc bài trừ và tiêu diệt người Do Thái. Kế hoạch đầu tiên của ông ta là lập ra Kế hoạch Haavara nhằm chống lại người Do Thái.

“Haavara” có nghĩa là “chuyển giao” trong tiếng Hebrew. Kế hoạch Haavara là một kế hoạch khuyến khích người dân Do Thái di cư về Palestine, nó được ký kết giữa chính phủ Đức Quốc xã và tổ chức người Do Thái ở Palestine.

Đối với Đức Quốc xã, đó là một chính sách lớn lao nhằm đuổi người Do Thái ra khỏi đất Đức, nhưng xét về sức mạnh của Đức vào thời điểm đó, họ không được phép “đắc tội” quá đáng với các chủ ngân hàng quốc tế đang sở hữu những kênh tài chính khổng lồ trên khắp thế giới. Hầu hết những người này là các chủ ngân hàng Do Thái, và nhiều người là người Do Thái Đức. Chủ nghĩa bài trừ Do Thái của Hitler nhanh chóng vấp phải sự phản đối trên trường quốc tế. Các cuộc biểu tình quy mô lớn của người Do Thái châu Âu và Mỹ nhằm tẩy chay các sản phẩm của Đức đã giáng một đòn nặng nề vào lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của Đức. Lúc này, việc không kích thích quá mức làn sóng phản đối của thế lực Do Thái trên trường quốc tế hoàn toàn phù hợp với lợi ích của chính phủ Đức Quốc xã mới nắm quyền chưa lâu và vây cánh còn non. Thế là chính sách bài trừ và trục xuất ban đầu đã thay hình đổi dạng thành chính sách “khuyến khích di dân ra khỏi lãnh thổ”.

Các khoản bồi thường khổng lồ mà Đức phải gánh sau Thế chiến I đều được kết toán bằng đô-la và bảng Anh, vì vậy chính phủ Đức áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với ngoại hối và lưu thông vàng ra nước ngoài. Năm 1931, việc chuyển vốn từ Đức ra nước ngoài sẽ phải chịu mức thuế lên tới 25%. Sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, việc kiểm soát dòng vốn chảy ra nước ngoài còn nghiêm ngặt hơn. Tất cả những điều này đã biến việc chuyển tiền ra nước ngoài thành một trong những vấn đề lớn nhất đối với người nhập cư Do Thái ở hải ngoại. Thời điểm này, Max Warburg là một trong những “gã khổng lồ tài chính” quan trọng nhất ở Đức. Ông ta có một mạng lưới quan hệ khổng lồ tại các thị trường tài chính ở London, Paris và New York. Việc huy động tài chính để giúp cho Kế hoạch Haavara có thể tiến hành thuận lợi đã trở thành một trách nhiệm mà Max Warburg không thể thoái thác.

Sau nhiều lần đàm phán giữa Max, tổ chức Do Thái ở Palestine và Đức Quốc xã, một mô thức có lợi cho cả ba bên cuối cùng đã được hình thành. Theo chương trình này, người Do Thái chuẩn bị di cư sẽ giao nộp toàn bộ tiền mark và bất động sản ở Đức cho chính phủ Đức Quốc xã. Một năm sau khi đã chuyển đến Palestine, họ sẽ nhận được số tiền được quy đổi bằng đồng bảng Anh theo tỷ giá tương đương, với điều kiện những người nhập cư Do Thái sẽ không được đụng đến khoản tiền này. Tất cả số tiền sẽ được sử dụng để mua các sản phẩm công nghiệp của Đức như máy móc thiết bị, đường ống, phân bón, v.v... đến khi những sản phẩm này được tiêu thụ hoàn toàn ở Palestine thì số tiền thu lại sẽ trao trả cho người nhập cư Do Thái. Trên thực tế, chính phủ Đức Quốc xã đã không thực sự chi trả bằng đồng bảng Anh. Tiền được điều chuyển qua lại giữa gia tộc Warburg và các chủ ngân hàng quốc tế khác. Cuối cùng, thông qua việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, chính phủ Đức Quốc xã đã thu được những nguồn tiền bằng đồng “bảng Anh” hết sức quý giá này.

Đây thực sự là biện pháp tối ưu cho cả ba bên. Đối với người theo Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái mà nói, việc một số lượng lớn người Do Thái mới nhập cư và nguồn vốn hùng hậu mà họ mang theo sẽ đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng Do Thái địa phương và tạo nền tảng vững chắc cho nguồn nhân lực và vật chất để thành lập một nhà nước Do Thái. Đối với chính phủ Đức Quốc xã, một mặt họ đã mở rộng được việc xuất khẩu các sản phẩm của Đức, tạo cơ hội việc làm ở Đức và thu được loại tiền tệ quốc tế có giá trị là đồng bảng Anh. Mặt khác, họ chưa cần sử dụng đến một xu nào của chính phủ mà vẫn thực hiện được mục tiêu chiến lược là xua đuổi người Do Thái. Đồng thời, họ cũng thể hiện thiện chí với các chủ ngân hàng Do Thái quốc tế và giảm nhẹ các hoạt động tẩy chay những sản phẩm xuất nhập khẩu của Đức mà họ đang phát động trên toàn thế giới. Đối với các chủ ngân hàng quốc tế, đây cũng là một cơ hội tốt để phát tài. Để giám sát việc thực hiện kế hoạch, người Do Thái Đức đã thành lập công ty tín thác Palestine. 3/4 tổng số tiền cần thiết cho Kế hoạch Haavara và những khoản tín dụng cung cấp cho các sản phẩm xuất khẩu của Đức không ngừng chảy qua các kênh của gia tộc Warburg và các gia tộc ngân hàng quốc tế khác để đến với vùng lãnh thổ Palestine. Phía Palestine, Ngân hàng Anglo-Palestine được thành lập để tiếp nhận nguồn vốn. Trước khi Thế chiến II bùng nổ từ 1933 đến 1939, 52.000 người Do Thái Đức (chủ yếu là người giàu có) di cư thành công tới Palestine. Tổng số tiền trị giá tới 140 triệu mark được chuyển đến Đức thông qua kênh này. Gia tộc Warburg thu về vô số khoản “phí dịch vụ” tài chính khác nhau khi đảm nhận vai trò trung gian.104

104 Ron Chernow, The Warbugs.

Nói một cách đơn giản, kế hoạch này là Đức Quốc xã trả tiền cho bất động sản của người Do Thái ở Đức cùng chi phí an cư lạc nghiệp khi di cư đến Palestine bằng các sản phẩm công nghiệp, chính phủ Đức sẽ nhận được một lượng ngoại tệ bằng đồng bảng Anh, đồng thời vẫn cho phép một lượng vốn chảy ra khỏi Đức.

Kế hoạch này không phù hợp với nguyên tắc của Đức Quốc xã, nhưng lại phù hợp với thuật quyền biến của Hitler với tư cách là một chính trị gia.

Ngoài việc trực tiếp nhúng tay vào hệ thống tài chính của Đức, các chủ ngân hàng quốc tế cũng đã nuôi dưỡng một tác nhân quan trọng, đó là Schacht.

SCHACHT: NGƯỜI TRUNG GIAN CỦA CÁC CHỦ NGÂN HÀNG QUỐC TẾ

Horace Greeley Hjalmar Schacht sinh vào tháng 1 năm 1877 tại Teinlev (trước đây thuộc Đức, nay thuộc Đan Mạch). Cha William Schacht là công dân Mỹ gốc Đức, mẹ Constance von Egers là một nữ nam tước quốc tịch Đan Mạch. William sống một cuộc đời lang bạt phiêu tán, từng làm giáo viên làng, biên tập báo chí, kế toán, và cuối cùng làm việc cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Hoa Kỳ. William khá hứng thú với nền dân chủ và chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ. Chính trị gia đáng ngưỡng mộ nhất của ông là chính trị gia theo chủ nghĩa tự do và chống chủ nghĩa nô lệ của New York, nhà báo Horace Glitch. Để tưởng nhớ chính trị gia tự do này, William đặt tên cho cậu con trai Hjalmar theo tiếng Mỹ là Horace Greely, qua đó có thể thấy mối quan hệ mật thiết giữa gia tộc Schacht và Mỹ.105

105 John. Weitz, Hitler’s Banker, Little Brown & Co, First Edition edition, October 1, 1997, 2000, 6–7.

Cậu bé Schacht hết sức thông minh và siêng năng. Anh nghiên cứu lần lượt qua các lĩnh vực như văn học, báo chí, xã hội học, triết học và khoa học chính trị. Anh được trao danh hiệu tiến sĩ triết học khi mới 22 tuổi, và sau đó phát triển sang lĩnh vực tài chính và gia nhập Ngân hàng Dresden. Schacht sở hữu khả năng trực quan về bản chất của tài chính, và khả năng làm việc xuất sắc của Schacht nhanh chóng khiến anh trở thành một nhân vật tinh hoa, được mọi người trong giới tài chính chú ý. Năm 1923, Schacht được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Đế quốc để cứu đồng mark Đức trong cơn thảm họa. Năm 1930, do những vấn đề liên quan đến việc sửa đổi kế hoạch Yang, Schacht rời khỏi Ngân hàng Đế quốc.

Từ năm 1931, Schacht bắt đầu tích cực làm việc cho Đức Quốc xã. Tháng 3 năm 1933, sau khi Hitler lên nắm quyền, ông ta đã bổ nhiệm Schacht làm Chủ tịch Ngân hàng Đế quốc và văn bản bổ nhiệm được ký bởi cả Hitler lẫn Tổng thống Hindenburg. Những chữ ký khác cũng xuất hiện trên tài liệu này thuộc về 8 thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Đế quốc, bao gồm ba chủ ngân hàng Do Thái: Mendelssohn, Vasman và Warburg.

Trên thực tế, Schacht và Warburg là những nhân vật chủ chốt trong việc liên lạc giữa các tập đoàn tài chính Phố Wall và vòng tròn cốt lõi của Đức Quốc xã. Tháng 7 năm 1933, Hitler đã thành lập Ủy ban Các Vấn đề Kinh tế và bắt đầu lên kế hoạch cho sự hồi sinh của nền kinh tế Đức. 17 thành viên của ủy ban đều là những nhà đại tư bản và chủ ngân hàng lớn, bao gồm Krupp, Siemens, Bosch, Tyson, Schroeder, v.v… Người đứng đầu ủy ban là Schroeder – người được nhóm các nhà lãnh đạo tư bản tiến cử.

Tháng 8 năm 1933, Schacht thay mặt cho Chính phủ Đức Quốc xã tiến hành đàm phán với Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ về vấn đề liên quan đến các khoản vay. Phố Wall vui vẻ đồng ý với sự chậm thanh toán các khoản vay của Đức, ngoài ra còn đảm bảo rằng toàn bộ nguồn vốn và thu nhập Mỹ có được thông qua đầu tư công nghiệp ở Đức sẽ chỉ được sử dụng trong phạm vi nước Đức. Số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng ngành công nghiệp vũ khí mới, hoặc mở rộng quy mô của các xí nghiệp sản xuất vũ khí hiện có.

Trong một cuộc họp vào tháng 7 năm 1934, Hitler hỏi Schacht nếu được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế Đức thì ông có ý tưởng gì. Schacht trầm ngâm hồi lâu, rồi thận trọng hỏi rằng Hitler muốn ông đối phó với vấn đề Do Thái như thế nào. Hitler trả lời, về các vấn đề kinh tế, người Do Thái có thể tiếp tục thực hiện tất cả các hoạt động kinh doanh thông thường mà họ đã làm cho đến nay. Câu hỏi của Schacht tất nhiên không phải hướng đến những người Do Thái thông thường, mà ông muốn xem thái độ của Hitler với Warburg và những người khác như thế nào. Thời điểm đó, Hitler rõ ràng không thể đụng tới Warburg, vì vậy ông ta đã trả lời mập mờ như vậy. Xét từ một góc độ nhất định, Warburg thực sự là một điệp viên mà Phố Wall cài bên cạnh Hitler để giám sát chính sách tài chính của ông ta.

Mùng 2 tháng 8 năm 1934 là ngày Tổng thống Hindenburg qua đời, đó cũng là ngày mà Hitler nắm được đại quyền trong tay, Schacht chính thức được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế.106

106 John. Weitz, Hitler’s Banker, Little Brown & Co, First Edition edition, October 1, 1997, 2000, 173–176.

Mối quan hệ giữa Schacht và Warburg hết sức sâu sắc, có thể nói là có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu. Một mặt, Schacht đã khéo léo bảo vệ Warburg trước Hitler. Mặt khác, Warburg là một viên “đá thử vàng” để các chủ ngân hàng quốc tế khảo sát Hitler. Nếu Hitler nảy sinh ý đồ gì khác thì việc tài trợ của Phố Wall cho Đức có thể ngay lập tức bị gián đoạn. Đối với Hitler – người vừa mới lên nắm chính quyền và đang đau đầu nhức óc đối mặt với khủng hoảng kinh tế thì hậu quả của việc này sẽ mang tính chí mạng. Ngoài ra, nếu không có sự hỗ trợ của Phố Wall, toàn bộ sự chuẩn bị quân sự của Hitler cũng sẽ gặp phải những khó khăn nghiêm trọng.

Tục ngữ có câu: “Chuyện nhỏ không nhẫn nhịn sẽ làm hỏng chuyện lớn.” Hitler cũng hiểu rõ điều này. Ông ta đã lợi dụng tài năng tài chính của Schacht để vỗ về ổn thỏa Warburg – đại diện tới từ Phố Wall. Từ năm 1933 đến 1939, trong sáu năm chuẩn bị cho Thế chiến II ở Đức, ông ta tận dụng tối đa các doanh nghiệp nằm dưới sự kiểm soát của Phố Wall như Công ty Hóa học và Tài chính quốc tế DuPont, Tập đoàn Tài chính Rockefeller và Công ty Dầu mỏ Mobil, Tập đoàn Morgan và Công ty Điện báo và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ thuộc quyền kiểm soát của nó, Công ty Xe hơi Ford, để treo những chiếc bánh lớn của các đơn đặt hàng vũ khí khổng lồ từ Đức, dụ dỗ những gã tài phiệt tham lam kéo tới tranh giành.

Marx từng nói: “Nếu tỷ suất lợi nhuận lên đến 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm.” Câu nói này thực sự tuyệt diệu! Henry Ford, ông vua xe hơi Mỹ, đã được trao tặng Thập tự Sắt vì sự hợp tác với Đức Quốc xã. Người cũng có vinh dự đặc biệt này là Thomas D Watson, Tổng giám đốc IBM kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Chỉ với một dự án máy bay, trong tám tháng của năm 1934, số lượng sản phẩm của Hoa Kỳ xuất khẩu sang Đức đã tăng hơn năm lần so với năm 1933. Trong hệ thống công nghiệp vũ khí của Đức Quốc xã, có tới hơn 60 công ty của Mỹ. Ngoài việc bán các sản phẩm quân sự hiện đại, Hoa Kỳ còn hào phóng chuyển giao nhiều công nghệ quân sự tiên tiến cho Đức. DuPont bán công nghệ cao su tổng hợp (Neoprene) và dung dịch chống nổ dành cho máy bay cho Đức thông qua Công ty IG Farben. Công ty Dầu mỏ Mobil thì tích cực tiếp thị công nghệ dầu bôi trơn xe tăng. Nguồn cung xăng dầu dành cho máy bay của Không quân Đức do nhà máy nhiên liệu hàng không của Mobil ở Đức cung cấp. Công ty Điện báo và Điện thoại Quốc tế Hoa Kỳ tham gia phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới của Đức. Sau chiến tranh, ngay cả Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ cũng thừa nhận rằng Hoa Kỳ đã cung cấp cho Hitler những động cơ máy bay tiên tiến nhất. Không có sự giúp sức của Schacht và Warburg, chỉ e công cuộc chuẩn bị chiến tranh của Hitler còn lâu mới được thuận lợi như vậy.

Chính vì lý do này mà đến năm 1936, tức ba năm sau khi Hitler lên nắm quyền, ngân hàng gia tộc của Warburg ở Hamburg, Đức vẫn có lãi. Họ vẫn trả lãi và cổ tức cho các trái chủ và cổ đông khác như thường lệ. Về cơ bản các hoạt động kinh doanh của ngân hàng gia tộc Warburg không bị Đức Quốc xã quấy rối. Thậm chí cho đến năm 1938, Ngân hàng Warburg vẫn làm ăn có lãi.

Ngoài việc tận dụng mối liên hệ chặt chẽ giữa Warburg và Công ty Kuhn Loeb của Phố Wall, từ cuộc đời của Schacht chúng ta có thể thấy, bản thân ông cũng có mối liên hệ rất sâu sắc với cộng đồng tài chính Anh - Mỹ. Ngay từ năm 1905, khi đi cùng Hội đồng Quản trị Ngân hàng Dresden đến thăm Hoa Kỳ, ông đã có dịp gặp mặt Morgan. Năm 1923, việc đầu tiên ông làm sau khi trở thành Chủ tịch Ngân hàng Hoàng gia Đức là tới London để gặp Thống đốc Ngân hàng Anh, Norman. Từ đó ông thiết lập tình bạn trọn đời với Norman, thậm chí ông này còn trở thành cha đỡ đầu cho một cháu trai của Schacht. Schacht thông thạo tiếng Đức hơn cả tiếng Anh. Trong phiên tòa ở Nürnberg xét xử tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã, chỉ có ba bị cáo mà hành vi phạm tội của họ không được thành lập, được tuyên phóng thích ngay tại tòa. Đại diện Liên Xô cáo buộc gay gắt rằng “các nhà tư bản sẽ không bao giờ bị trừng phạt”.

Với việc thực hiện toàn diện “Chính sách kinh tế mới” của Hitler, nền kinh tế Đức ngày càng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp đang giảm mạnh, và sức mạnh quân sự nhanh chóng trở nên đáng gờm. Đặc biệt là Thế vận hội Olympic diễn ra tại Berlin, Đức đã được tổ chức thành công vào năm 1936, đưa người dân Đức với tới trung tâm của thế giới, Hitler giờ đây đã thực sự đủ lông đủ cánh.

Sau Thế vận hội Đức, Schacht bắt đầu cảm thấy tình hình không ổn, không chỉ nền kinh tế quá thiên về sản xuất quân sự dẫn đến sự mất cân bằng trong cấu trúc, mà ông lo lắng rằng mục tiêu cuối cùng của Hitler có vẻ “không đơn giản”. Cùng lúc đó Hitler bắt đầu âm thầm phân hóa đại quyền kiểm soát kinh tế của mình.

Mùa thu năm 1936, Hitler bổ nhiệm Goering làm người thực hiện “Kế hoạch bốn năm“ phục hưng nền kinh tế Đức và thành lập một cơ quan chính phủ mới chịu trách nhiệm thực hiện. Rõ ràng, việc thành lập tổ chức mới này đã có sự chồng chéo nghiêm trọng về chức năng với Bộ Kinh tế Đế quốc của Schacht, và cuối cùng chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc đấu tranh quyền lực giữa Schacht và Goering.

Với tư cách là “chưởng môn” của phe học thuyết chủ nghĩa tự do Đức, về mặt lý thuyết, Schacht không hề bị bối rối bởi kế hoạch kinh tế của tất thảy các quốc gia. Ông cũng thấy rằng kế hoạch này đang trực tiếp làm suy yếu quyền lực của mình và đương nhiên hết mực căm ghét cái gọi là Kế hoạch bốn năm. Ông lập tức hành động để tiến hành phản kháng. Tuy nhiên Hitler lại liên tục chơi trò đưa đẩy theo kiểu “Thái cực quyền” giữa Schacht và Goering. Thấy một số lượng lớn các đơn đặt hàng công nghiệp và vũ khí liên tục đổ về phía Goering, trong khi phe của mình thì ngày càng thưa thớt, Schacht dần hiểu rằng ông đã bị Hitler chơi một vố.

Thế là tháng 8 năm 1937, Schacht đệ đơn từ chức lên Hitler. Sau ba tháng “phủ dụ ngon ngọt”, Hitler chính thức bãi nhiệm Bộ trưởng Kinh tế của Schacht vào tháng 11. Schacht không cam tâm thừa nhận thất bại này. Ông vẫn là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức và muốn sử dụng quyền phân phối tiền tệ để thực hiện cuộc quyết chiến cuối cùng. Từ năm 1938, Schacht từ chối tái chiết khấu “hối phiếu công ăn việc làm”, khiến cho cuộc xung đột của ông với Hitler càng trở nên gay gắt. Thời điểm này, Hitler đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc quốc hữu hóa Ngân hàng Trung ương. Tháng 1 năm 1939, Schacht bị miễn nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Mặc dù ông vẫn giữ danh xưng là thành viên nội các, nhưng trên thực tế Hitler đã gạt ông ra khỏi vòng tròn trung tâm quyền lực của Đức. Tin tức về việc Schacht rời Ngân hàng Trung ương bị che giấu trong hơn 5 tháng, cho đến giây phút cuối cùng trước khi chiến tranh bùng nổ. Trận chiến giữa quyền thuật chính trị của Hitler và chiến lược tài chính của Schacht có thể coi là một màn “cao thủ đọ sức”, nhưng rốt cuộc chính trị vẫn đè bẹp tài chính.

Năm 1944, Schacht bị nghi ngờ có dính líu đến vụ mưu sát Hitler trong sự kiện Steinburg và bị đưa đến trại tập trung Dachau.[26] Schacht không chỉ không hoàn thành nhiệm vụ nặng nề là giám sát Hitler mà còn bị Hitler dắt mũi mà không hề hay biết, do đó việc ông nảy sinh ý định trả thù cũng là điều dễ hiểu.

VÁN CỜ LỚN

Khi Hitler bước lên đỉnh cao quyền lực của Đức với sự hỗ trợ của các chủ ngân hàng quốc tế vào năm 1933, một số nhóm quyền lực quan trọng trên thế giới đã có những tính toán của riêng họ.

Giới cầm quyền của Đế quốc Anh luôn một mực tin rằng chế độ của Anh là hình thức tổ chức xã hội hoàn hảo nhất trong lịch sử thế giới. Nó không chỉ nên được thực hiện trong lãnh thổ của Đế quốc Anh hiện tại, mà còn nên được áp dụng rộng rãi ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Lợi ích cốt lõi của nó là củng cố và tăng cường hệ thống bá quyền toàn cầu của Đế quốc Anh. Thời điểm ấy, Đế quốc Anh có phạm vi ảnh hưởng chưa từng có trong lịch sử. Theo Hòa ước Versailles, tiềm năng kinh tế và tiềm năng quân sự của Đức về căn bản đã bị triệt tiêu, Đức coi như đại bại. Pháp – kẻ thù truyền kiếp của Đức ở phía Tây đã bị người Anh buộc chặt vào cỗ chiến xa của họ. Tổn thất cực lớn bởi chiến tranh và mối đe dọa tiềm tàng của Đức khiến Pháp phải dựa vào Anh để sống sót.

Ở châu Phi, phạm vi ảnh hưởng của Vương quốc Anh bao trùm hầu hết lục địa này. Có tới 21 quốc gia thuần phục Đế quốc Anh, một lượng lớn nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên được Vương quốc Anh tùy ý sử dụng. Ở Trung Đông, nguồn dầu mỏ nằm trong tầm kiểm soát. Ở châu Á, Vương quốc Anh thống trị các khu vực rộng lớn từ Ấn Độ, Malaysia đến Myanmar và Hồng Kông, Trung Quốc. Nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và các con đường chiến lược rộng lớn đều nằm dưới quyền kiểm soát của Vương quốc Anh. Ở châu Đại Dương thì có Úc, New Zealand và các nước Khối Thịnh vượng Chung hậu thuẫn bằng nguồn nguyên liệu thô công nghiệp. Ở châu Mỹ có Canada, Guyana, Jamaica, Bahamas, v.v… sẽ mang tới cho Đế quốc Anh một nguồn cung tài nguyên chiến lược vô hạn từ các căn cứ hải quân cho đến tài nguyên thiên nhiên.

Vương quốc Anh còn có sức mạnh hải quân mạnh nhất thế giới, kiểm soát tất cả các tuyến đường thủy quan trọng trên thế giới. Đầu những năm 1930 Đế quốc Anh thực sự vô cùng hùng mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng khắp thế giới.

Tất nhiên, Vương quốc Anh cũng có một số mối lo lắng tiềm ẩn, chẳng hạn như tiềm năng công nghiệp đáng kinh ngạc của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong thói quen suy nghĩ của giới cầm quyền Anh, Hoa Kỳ vẫn là thuộc địa của Anh và họ thiếu một chiến lược mang tính toàn cầu. Trung tâm tài chính vừa mới chập chững những bước đi đầu tiên, nạn đầu cơ rất nghiêm trọng, sự giám sát hỗn loạn, năng lực sản xuất xảy ra tình trạng thặng dư quá mức, khiến cho thị trường trong nước không thể hấp thụ hết, và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thị trường toàn cầu dưới sự kiểm soát của Anh. Chưa kể Mỹ có rất ít thuộc địa ở nước ngoài, không có quyền định giá tài nguyên; quân đội Mỹ khi đó vẫn đang trong giai đoạn nghiệp dư, thiếu những căn cứ quân sự trên toàn cầu.

Vì lẽ đó, phương thức mà Vương quốc Anh dùng để kiểm soát Hoa Kỳ rất đơn giản: quyết định chi phí vốn của thế giới, độc quyền giá cả tài nguyên trên thế giới, kiểm soát lưu lượng đơn hàng toàn cầu, phân chia nhu cầu thị trường thế giới và bảo vệ kênh vận chuyển thương mại. Năm cao điểm chiến lược này đã siết chặt cổ họng của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ luôn chỉ là công xưởng sản xuất toàn cầu của Đế quốc Anh, và các cổ đông kiểm soát công xưởng này là chính là nguồn vốn của người Anh. Nói một cách dễ hiểu, Vương quốc Anh đã định vị bản thân là nhà tổ chức của thị trường toàn cầu, trong khi Hoa Kỳ chỉ là nhà sản xuất. Chừng nào không xuất hiện một cuộc chiến tranh quy mô lớn đủ sức lập lại trật tự trên toàn thế giới, Anh không phải lo lắng về việc Hoa Kỳ có âm mưu “soán quyền“.

Điều duy nhất khiến người Anh thực sự lo lắng là tiềm năng của Liên Xô. Đầu những năm 1930 Liên Xô thở phào nhẹ nhõm vì thoát khỏi tình cảnh hỗn loạn của chiến tranh. Tất cả các lĩnh vực vẫn còn trong tình trạng hoang tàn. Liên Xô gây nên những căng thẳng cực độ cho Đế quốc Anh. Nếu mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa có thể giúp Liên Xô thực hiện được tiến trình công nghiệp hóa mà không cần mở rộng ảnh hưởng, đồng thời xây dựng được một lực lượng vũ trang hùng mạnh thì điều này sẽ không chỉ tạo ra một thách thức quân sự nghiêm trọng, mà nguy hiểm hơn là mô hình Liên Xô sẽ làm thay đổi nhận thức tư tưởng của thế giới. Nếu Liên Xô tự lực cánh sinh đạt được mục tiêu củng cố đất nước và củng cố quân đội, thì mô hình thực dân của Anh sẽ trở nên thật xấu xí trong sự tương phản đó. Do đó họ sẽ không thể duy trì trật tự hợp pháp và hợp lý của mình. Vì lẽ đó, Liên Xô đã bị Anh coi là kẻ thù nguy hiểm nhất.

Trong mắt của Vương quốc Anh, sự trỗi dậy của Đức Quốc xã có lợi và cũng có hại. Có hại là việc xây dựng quân đội hùng mạnh của Đức tạo ra một mối đe dọa đối với Vương quốc Anh. Có lợi là Anh sẽ có một “tay đấm” mạnh mẽ để đối phó với Liên Xô. Vương quốc Anh không quá để tâm đến Đức Quốc xã. Điều này bắt nguồn từ ưu thế mạnh mẽ về mặt tâm lý. Nền kinh tế Đức vốn rất suy sụp dưới sự tác động của Hòa ước Versailles. Các chủ ngân hàng quốc tế kiểm soát hoàn toàn hệ thống tài chính, Ngân hàng Trung ương Đức và huyết mạch của ngành công nghiệp. Hitler chỉ là một con rối đứng trước sân khấu mà thôi. Chỉ cần kiểm soát huyết mạch của Đức Quốc xã thì người Anh sẽ không sợ họ phản lại. Nếu có thể chỉ đường dẫn lối cho nước Đức sau khi trở nên hùng mạnh sẽ chĩa mũi dùi về phía Liên Xô, vậy thì đó thực sự là một điều quá tuyệt vời đối với Vương quốc Anh. Do đó, nội bộ giới cầm quyền Anh đã chia thành hai phe về vấn đề Đức Quốc xã. Một phe có xu hướng thân Đức, người đại diện là “Công tước xứ Windsor” nổi tiếng, phe còn lại gồm những người vẫn mang di chứng tâm lý sợ hãi nước Đức, họ kiên quyết phản đối bất kỳ sự trỗi dậy nào của Đức, đại diện của phe này là Churchill – người sau này trở thành thủ tướng Anh.

Các nhóm quyền lực tài chính mới nổi ở Hoa Kỳ có những cân nhắc chiến lược riêng. Ngay khi Chiến tranh thế giới Thứ nhất bùng nổ, với sự phát triển vũ bão của ngành công nghiệp trong nước, giới cầm quyền Mỹ bắt đầu lên kế hoạch thay thế Đế quốc Anh và trở thành bá chủ mới của thế giới. Xét cho cùng thực lực quyết định tâm lý, tâm lý quyết định tầm nhìn, tầm nhìn quyết định chiến lược!

Trong mắt của Hoa Kỳ, sức mạnh lớn nhất của Anh cũng là điểm yếu lớn nhất ở Anh. Vấn đề mang tính cốt lõi nhất trong việc phân công sản xuất, tài nguyên và thị trường toàn cầu của Vương quốc Anh là công nghiệp nội địa của Vương quốc Anh đang ở trong tình cảnh “rỗng ruột”. Trong khi đó trung tâm tài chính mà bấy lâu nay Anh luôn dương dương tự đắc, nếu bị tách biệt khỏi một thực thể kinh tế vững chắc, chỉ dựa vào một thể thống nhất với những lợi ích lỏng lẻo trong phân công trên toàn cầu thì một khi thế giới xảy ra biến cố gì đó, thể chế của người Anh sẽ lập tức suy yếu cực độ và sụp đổ tan tành.

Do đó, trong một cuộc chiến tranh quy mô lớn, Hoa Kỳ vừa có thể nhận được nguồn lợi chiến tranh rất lớn, vừa có thể làm suy yếu đáng kể vị thế thống trị của Anh và tạo ra cơ hội thay đổi vận mệnh của chính mình. Điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích chiến lược của các nhóm quyền lực tài chính mới nổi của Hoa Kỳ.

Trong khi các lực lượng tài chính Do Thái quốc tế hợp tác với các nhóm quyền lực tài chính mới nổi của Hoa Kỳ trong tư duy chiến lược đánh bại hệ thống thuộc địa của Anh và đoạt lại vùng đất Palestine để xây dựng lại nhà nước Israel, hai nhóm quyền lực lớn này ở Phố Wall đã hình thành nên nhận thức chung cao độ, cùng hỗ trợ lẫn nhau mưu đồ nghiệp lớn.

Vào thời điểm này, ở châu Âu bắt đầu xuất hiện một cục diện kịch tính. Vương quốc Anh đã xác định kẻ thù chính là Liên Xô. Mục tiêu của thế lực tài chính mới nổi của Hoa Kỳ là thay thế Vương quốc Anh.

Các lực lượng tài chính Do Thái thì tập trung vào việc khôi phục Israel. Để phục vụ cho những mục đích khác nhau đó, các thế lực này đều hy vọng sẽ kiểm soát được nước Đức hùng mạnh, qua đó biến Đức trở thành “họng súng” của mình.

Hitler hiểu rằng các phe phái khác nhau đang lợi dụng mình để đạt được các mục tiêu của riêng họ, nhưng ông ta cũng có tính toán của riêng mình. Ông ta hoàn toàn không chấp nhận việc bị kẻ khác chi phối và kiểm soát, và đang âm mưu “phản lợi dụng” tất cả các bên để đạt được mục tiêu chiến lược của riêng mình. Hitler quyết tâm nắm giữ được vai trò chủ đạo trong trò chơi chiến lược quốc tế hết sức phức tạp này.

NỀN TẢNG SỨC MẠNH XÃ HỘI CỦA ĐỨC QUỐC XÃ

Nhiều người lầm tưởng rằng chế độ Đức Quốc xã là một chế độ độc tài, nắm trong tay quyền khống chế tất cả các hoạt động của xã hội. Nó có thể tùy ý chi phối tất cả các nguồn lực xã hội, và Hitler có thể quyết định số phận của tất cả người dân. Trên thực tế, Hitler, với tư cách là một chính trị gia, phải dựa vào sự phối hợp của bốn nền tảng quyền lực của xã hội Đức mới có thể vận hành chính phủ.

Trước khi Thế chiến I bùng nổ, vị trí đầu tiên trong nền tảng sức mạnh xã hội của Đức là quân đội, thứ hai là giai cấp địa chủ Junker, thứ ba là giai cấp quan liêu, và cuối cùng là giai cấp tư bản công nghiệp. Trong thời kỳ đế chế, quyền lực quan trọng nhất là quyền lực của triều đình, trong đó hoàng đế sẽ đại diện cho bốn hệ thống quyền lực để điều hành chính quyền. Còn trước và sau giai đoạn Cộng hòa Weimar và Đức Quốc xã lên nắm quyền, mặc dù quyền lực đế quốc bị sụp đổ, nhưng cơ sở quyền lực xã hội về cơ bản vẫn không bị ảnh hưởng, chỉ có trật tự quyền lực xuất hiện sự thay đổi. Tầng lớp tư bản công nghiệp giờ đã đứng đầu, quân đội rút về hàng thứ hai, tầng lớp quan liêu vẫn đứng thứ ba, và tầng lớp địa chủ Junker rơi xuống cuối cùng. Có thể nói, tầng lớp địa chủ Junker trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất của hệ thống quyền lực Đức sau Thế chiến I.

Sự suy tàn của tầng lớp địa chủ Junker ở Đức bắt đầu vào năm 1880. Do các yếu tố như sự phát triển của công nghiệp, sự dịch chuyển lao động nông nghiệp, thiên tai và thay đổi trong bảo hộ thuế quan vào năm 1895, nông nghiệp Đức đã bước vào thời kỳ suy thoái trong lịch sử. Thời điểm này, tầng lớp địa chủ Junker đã dần rơi vào tình cảnh phá sản, và sự suy giảm về địa vị kinh tế của họ chắc chắn sẽ làm suy giảm ảnh hưởng chính trị của họ.

Sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, quyền kiểm soát nông nghiệp nằm trong tay chính phủ và Đảng Quốc xã. Chìa khóa cho cái gọi là “khả năng kiểm soát” chính là nắm được quyền định giá. Ai có thể kiểm soát quyền định giá của một lĩnh vực nhất định thì người đó sẽ có quyền kiểm soát tương ứng đối với lĩnh vực đó. Khi tầng lớp địa chủ Junker đánh mất quyền định giá trong lĩnh vực nông nghiệp, đương nhiên họ cũng sẽ đánh mất quyền lực chính trị tương ứng. Vì thế lực quân đội với nòng cốt là các sĩ quan quân đội Phổ có mối quan hệ hết sức sâu sắc với tầng lớp địa chủ Junker, thế nên Hitler phải duy trì lợi ích của tầng lớp địa chủ Junker để hòng duy trì sự ủng hộ của quân đội đối với Đức Quốc xã. Do đó, Hitler bất đắc dĩ phải bảo vệ lợi ích của tầng lớp địa chủ Junker. Do vậy, Đảng Quốc xã đã đưa ra những bù đắp tương ứng về mặt kinh tế cho tầng lớp địa chủ Junker, cho họ nhận được một số món hời về mặt kinh tế.

Mục đích chính của nhiều dự án nông nghiệp ở Đức vào thời điểm đó là cung cấp một hệ thống giá thị trường nông sản tương đối ổn định cho tầng lớp địa chủ Junker. Các sản phẩm của tầng lớp địa chủ Junker sẽ được bảo hộ trong thị trường này. Đồng thời, do sự kiểm soát chặt chẽ của Đức Quốc xã đối với toàn xã hội, nền tảng của tình trạng bất ổn xã hội do chủ nghĩa tự do đã bị loại bỏ, và toàn bộ thị trường đã loại trừ được sự bất ổn và biến động giá cả do bất ổn chính trị gây ra. Chính phủ Đức Quốc xã cũng áp đặt các biện pháp kiểm soát giá đối với các sản phẩm nông nghiệp, cố định giá thành ở một mức không quá cao nhưng có thể đảm bảo đủ lợi nhuận cho giới địa chủ Junker. Ngoài ra, Đức Quốc xã cũng dành cho giới địa chủ Junker một sự đối xử hào phóng và những đặc quyền tương ứng. Về lợi nhuận kinh tế, giới địa chủ Junker sẽ được hưởng giá nông sản chỉ cao hơn 3% so với năm 1933 năm 1937. Chính phủ cũng cung cấp cho họ sự bảo lãnh và các chính sách ưu đãi khác nhau, như không cho phép các hiệp hội nông nghiệp được thành lập, không cho phép công nhân nông nghiệp đình công và không cho phép các công nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đòi tăng lương. Trên thực tế, chính phủ Đức Quốc xã đã cung cấp một mức thu nhập và lợi nhuận tương đối ổn định cho địa chủ Junker bằng cách kiểm soát các công đoàn, kiểm soát các cuộc đình công và điều chỉnh tăng lương. Ngoài ra, Đức Quốc xã đã giảm lãi và thuế đối với khoản vay của giới địa chủ Junker. Từ năm 1933 đến 1936, chi phí lãi vay của các khoản vay khác nhau của tầng lớp địa chủ Junker giảm từ 950 triệu mark xuống còn 630 triệu mark. Lãi suất cho vay nông nghiệp của giới địa chủ Junker giảm 320 triệu mark và doanh thu thuế giảm từ 740 triệu mark xuống còn 460 triệu mark. Điều này cho thấy gánh nặng kinh tế đối với tầng lớp địa chủ Junker đã giảm đi rất nhiều.

Ngoài ra, tầng lớp địa chủ Junker được miễn hoàn toàn nghĩa vụ trả bảo hiểm thất nghiệp cho chính phủ và nhà nước. Hệ thống bảo hiểm thất nghiệp được thành lập tại Đức vào thời điểm đó là hệ thống phúc lợi xã hội sớm nhất trên thế giới, nhưng tầng lớp địa chủ Junker đã được miễn khỏi gánh nặng này. Từ năm 1932 đến 1933, tầng lớp địa chủ Junker hưởng lợi tổng cộng 19 triệu mark từ việc không phải nộp bảo hiểm thất nghiệp. Vấn đề lớn nhất từ lâu đã quấy nhiễu và đe dọa tầng lớp địa chủ Junker là tình trạng phá sản vì nhiều lý do khác nhau. Mối đe dọa phá sản này lại tiếp tục được chính phủ Đức Quốc xã xóa bỏ một cách đầy “chu đáo”. Cho dù là chính phủ hay người cho vay tư nhân đều không được phép đòi nợ từ giới địa chủ Junker, tránh việc khiến cho Junker rơi vào tình cảnh phá sản.

Chính sách nông nghiệp mà Đức Quốc xã theo đuổi có lợi cho các chủ nông trại lớn hơn là các chủ nông trại nhỏ, lợi ích của giới địa chủ Junker thu được càng lớn, sự ủng hộ của họ đối với Đức Quốc xã càng cao, thông qua hàng loạt các chính sách này để củng cố sự ủng hộ của giai cấp Junker đối với Đức Quốc xã.

Một trong những mục đích chính của việc Hitler lôi kéo tầng lớp địa chủ là hòng giành được sự ủng hộ của quân đội. Thành phần tinh hoa của giới sĩ quan quân đội Phổ đều là giai cấp địa chủ Junker. Tất cả các tướng lĩnh trong quân đội Đức có tên đệm “von” (von) đều là hậu duệ của các gia tộc Junker. Junker và quân đội cùng chung một hơi thở, môi hở răng lạnh.

Các sĩ quan quân đội Phổ, với tư cách là nòng cốt và tinh hoa của quân đội Đức lại chịu ảnh hưởng bởi Đức Quốc xã nhiều hơn so với Cộng hòa Weimar. Trong kỷ nguyên của Cộng hòa Weimar, các sĩ quan quân đội sẽ không bao giờ tham gia vào vụ mưu sát một vị tướng, nhưng trong thời đại của Hitler, chuyện này lại xảy ra thường xuyên. Điều này thể hiện rằng lực lượng quân sự đang dần dần suy yếu, nhưng sự suy giảm này không liên quan đến Đảng Quốc xã, mà liên quan đến mối quan hệ với nhà nước.

Trên thực tế, Đảng Quốc xã không hoàn toàn kiểm soát quân đội. Trong giai đoạn của Đệ tam Đế quốc, quân đội Đức chủ yếu do chính phủ kiểm soát và Đảng Quốc xã không trực tiếp kiểm soát quân đội. Đó là bởi Đức Quốc xã không thể trực tiếp kiểm soát quân đội Đức, mà họ đã thành lập quân đội của riêng mình lấy tên là Đảng Vệ quân (SS), giữa SS và quân đội chính quy của Đức luôn tồn tại xích mích. Nói cách khác, phần lớn quân đội Đức không chịu sự kiểm soát hoàn toàn của Hitler.

Thời điểm đó, luật pháp Đức tuyên bố rõ rằng các thành viên vũ trang của quân đội không thể đồng thời là thành viên của Đảng Quốc xã. Vì quân đội Đức có truyền thống mãi mãi tuân theo nguyên thủ quốc gia, nên khi Hitler trở thành nguyên thủ quốc gia, ông ta đã khéo léo sử dụng cơ hội này để yêu cầu quân đội thề trung thành với mình. Lý do khiến quân đội cho phép hành vi như vậy xảy ra là vì về cơ bản họ đã đồng ý với các chính sách được thúc đẩy bởi Đảng Quốc xã. Từ năm 1938 đến 1939, hầu như không có tướng quân đội nào của Đức phản đối Hitler vì họ chẳng có lý do gì để phản đối cả. Kết quả của việc Hitler thực hiện các nguyên tắc và chính sách của mình cũng chính xác là những gì các tướng lĩnh quân đội cấp cao này hy vọng đạt được. Nhưng từ sau năm 1939, một số tướng lĩnh của quân đội bắt đầu đặt câu hỏi về các quyết định của Hitler và nghi ngờ khả năng phán đoán của ông ta. Tuy nhiên, những tướng lĩnh cấp cao của các lực lượng vũ trang này không thể tạo thành một mặt trận thống nhất và họ không đủ sức tạo nên một ảnh hưởng quyết định nhằm chống lại Hitler.

Đánh giá về tình hình của giai cấp quan liêu, về tổng thể mà nói, quyền lực của họ bị suy yếu rất nhiều. Rất nhiều người Do Thái và những người có tư tưởng chống phát xít làm việc trong chính phủ được yêu cầu nghỉ hưu sớm. Hệ thống phân tầng quan liêu của Đế quốc Đức cũ bao gồm hai dạng quan liêu: nền tảng học thuật và nền tảng phi học thuật. Các quan chức có nền tảng học thuật thuộc về cấp trung và cấp trên của tầng lớp quan liêu. Những người này đã được chứng nhận về khả năng học thuật, thế nên chính quyền Đức Quốc xã ít tác động đến họ. Tuy nhiên, bộ máy quan liêu cấp thấp hơn bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là một số quan chức cấp thấp không có kỹ năng đặc biệt, rất nhiều người trong số này đã được thay thế bằng các thành viên của Đảng Quốc xã. Đến năm 1939, có 1,5 triệu công chức ở Đức, trong đó 282.000 người là thành viên của Đảng Quốc xã.

Chính sách bài trừ những người không thuộc chủng tộc Aryan và sự bất ổn chính trị của Đức Quốc xã năm 1933 chỉ ảnh hưởng đến 1,1% số công chức thuộc thượng tầng. Còn các quan chức cấp dưới, đặc biệt là các nhân viên mới được tuyển dụng, chủ yếu đều là các đảng viên của Đức Quốc xã. Năm 1937, Luật Công chức Đức không yêu cầu rõ ràng công chức phải trở thành thành viên của Đảng Quốc xã, nhưng họ được yêu cầu bắt buộc phải trung thành với tư tưởng của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, trong tầng lớp công chức này, công việc hằng ngày của họ không bị hạn chế bởi Hiến pháp của Đảng Quốc xã, mà bị hạn chế bởi Luật Công vụ, vốn có quyền ưu tiên cao hơn trong hệ thống quan liêu. Xét về tổng thể, các công chức cấp thấp chịu nhiều ảnh hưởng từ Đảng Quốc xã hơn, trong khi các công chức cấp trên về cơ bản vẫn duy trì các trạng thái làm việc và phương pháp làm việc trước đây của họ.

Xét từ góc độ của các nhà tư bản Đức, phần lớn trong số họ không bị Đức Quốc xã ảnh hưởng và can thiệp. Giai cấp tư bản chủ yếu duy trì mô thức tự kiểm soát, không bị Đức Quốc xã quản chế. Nhìn chung, ngành công nghiệp và thương mại Đức vào thời điểm đó sở hữu một địa vị không hề tầm thường. Đầu tiên, các nhà tư bản công nghiệp và tư bản thương mại là những giai cấp đã đạt được quyền lực đáng kể sau khi Đức Quốc xã nắm quyền. Thứ hai, những nhân sĩ trong giai cấp tư bản công nghiệp và tư bản thương mại đã không được tổ chức lại với quy mô lớn, họ cũng không bị kiểm soát và hạn chế theo nguyên tắc trung thành với một nhà lãnh đạo. Chính phủ Đức Quốc xã về cơ bản không can thiệp vào hoạt động tự do của công nghiệp và thương mại, và Đảng Quốc xã không có quyền kiểm soát đối với các nhà tư bản công nghiệp nói chung, trừ phi xảy ra tình trạng chiến tranh.

Quan điểm truyền thống cho rằng, Đức Quốc xã đã thực thi một hệ thống chính trị của chủ nghĩa tư bản nhà nước và chế độ độc tài hoàn toàn. Trên thực tế, cách hiểu này là không chính xác, bởi vì Đức không thực sự thiết lập một mô hình tổ chức như vậy. Cần phải nói rằng hệ thống của Đức Quốc xã là một kiểu chủ nghĩa tư bản độc tài, nhưng nó không phải là chủ nghĩa tư bản độc đoán. Đặc điểm chính của nó là tổ chức hiệu quả của toàn xã hội. Để đáp ứng mục đích của chủ nghĩa tư bản trong việc theo đuổi lợi nhuận.

HỆ THỐNG KINH TẾ CỦA ĐỨC QUỐC XÃ

Nếu chủ nghĩa tư bản truyền thống là một hệ thống kinh tế tập trung vào lợi nhuận, vậy thì những vấn đề cốt lõi mà hệ thống này quan tâm không phải là sản xuất, tiêu dùng, thịnh vượng, tạo công ăn việc làm, phúc lợi nhà nước, hoặc bất cứ điều gì khác. Toàn bộ tiêu điểm của nó chỉ tập trung vào lợi nhuận mà thôi. Phương thức chỉ cân nhắc đến yếu tố lợi nhuận mà bỏ qua các yếu tố khác như vậy chắc chắn sẽ xâm phạm đến tất cả các lĩnh vực của xã hội, dẫn đến sự phản kháng từ các giai cấp quyền lực khác. Khi các nền tảng quyền lực xã hội khác chung tay với nhau để đối phó với hệ thống lợi nhuận, cuối cùng chúng sẽ làm tổn thương đến hệ thống lợi nhuận của giai cấp tư sản.

Thiết kế hệ thống kinh tế của Đức Quốc xã phải được xây dựng dựa trên bốn nền tảng quyền lực của xã hội Đức, nhằm mục đích cân bằng lợi ích của hệ thống coi lợi nhuận là trung tâm với lợi ích của những kẻ thù mà nó đã tạo ra. Một mặt, Đức Quốc xã đàn áp xu hướng “tự cực đoan” của hệ thống lợi nhuận để giảm bớt sự phản kháng của các lực lượng đối đầu khác trong xã hội. Mặt khác, Đức Quốc xã cũng đàn áp các yếu tố tiềm tàng có thể đe dọa đến hệ thống lợi nhuận này, nhằm duy trì hoạt động của hệ thống lợi nhuận.

Khi đánh giá chính sách cầm quyền của Đức Quốc xã, chúng ta có thể thấy họ chủ yếu ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng của hệ thống lợi nhuận từ sáu khía cạnh: thứ nhất là đàn áp mối đe dọa của chính phủ đối với hệ thống lợi nhuận; thứ hai là đàn áp lao động có tổ chức; thứ ba là đàn áp sự cạnh tranh; thứ tư là né tránh các cuộc khủng hoảng kinh tế; thứ năm là tránh thất bại trong thương mại; thứ sáu là ngăn chặn sự phát triển của các mô hình kinh tế khác tập trung vào sản xuất hoặc phi lợi nhuận trong các hoạt động kinh tế.

Vì bản thân các hành vi của chính phủ không hướng đến lợi nhuận, thế nên các hành vi của chính phủ sẽ gây ra mối đe dọa đáng kể cho hệ thống lợi nhuận. Nhưng ở Đức Quốc xã, mối đe dọa của chính phủ đã bị loại bỏ vì các nhà tư bản công nghiệp ủng hộ và kiểm soát Đức Quốc xã, trong khi Đức Quốc xã lại điều hành chính phủ, và trên thực tế Đức Quốc xã đã trở thành người đại diện của các nhà tư bản công nghiệp, giúp cho họ gián tiếp kiểm soát chính phủ.

Trên thực tế, các tổ chức lao động không trực tiếp gây ra mối đe dọa cho hệ thống lợi nhuận, vì bản thân lợi ích của người lao động đã có liên quan mật thiết đến hệ thống lợi nhuận. Tuy nhiên, lao động có tổ chức (đặc biệt là các tổ chức lao động có niềm tin chính trị) sẽ đe dọa trực tiếp đến hệ thống lợi nhuận tư bản. Do đó, nếu Đảng Quốc xã muốn kiểm soát ảnh hưởng của tổ chức lao động đối với hệ thống lợi nhuận, thì họ phải kiểm soát tư tưởng của người dân và các đoàn thể lao động. Sự kiểm soát này có thể được thể hiện bằng cách khống chế thời gian tự do và phương thức giải trí của người lao động. Khi một người có rất nhiều thời gian rảnh rỗi thì họ thường sẽ nghĩ ngợi mông lung, từ đó sẽ nảy sinh ra nhiều “tạp niệm”. Cách tiếp cận của Đức Quốc xã không phải là bãi bỏ công đoàn, mà là tiến hành giám sát và quản lý đối với tất cả các cơ cấu công đoàn hoạt động có tổ chức. Dưới cơ chế này của Đức Quốc xã, trên thực tế tiền lương và các điều kiện sống khác của công nhân đang dần dần xấu đi. Tuy nhiên, đối với việc người lao động bị bóc lột như vậy, Đức Quốc xã cũng đã thực hiện một số bồi thường theo những cách khác.

Các phương thức bồi thường được Đức Quốc xã áp dụng chủ yếu bao gồm: cấm các nhà tư bản công nghiệp sa thải nhân viên và đảm bảo rằng người lao động không bị thất nghiệp. Xét theo số liệu việc làm ở Đức, số người có việc làm năm 1929 là 17,8 triệu. Năm 1932, khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ, cũng là năm trước khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, số người có việc làm chỉ là 12,7 triệu. Tuy nhiên, đến năm 1939, Đức Quốc xã lên nắm quyền được 6 năm, dân số có việc làm lên tới 20 triệu người và đây là thời điểm tỷ lệ thất nghiệp ở các quốc gia khác ở khu vực Âu - Mỹ vẫn còn khá cao.

Từ quan điểm đàn áp cạnh tranh thương mại, Đức Quốc xã chủ yếu áp dụng việc đàn áp cạnh tranh giá cả. Hoạt động của các doanh nghiệp luôn tồn tại sự cạnh tranh về giá trong các yếu tố liên quan đến thị trường như vốn, nguyên liệu, máy móc thiết bị, bằng sáng chế công nghệ, lao động... Cạnh tranh là một yếu tố không xác định, có thể gây khó khăn cho kế hoạch sản xuất, sự vận hành ổn định của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhìn chung, các doanh nghiệp thường có xu hướng thỏa thuận với các đối thủ cạnh tranh để đạt được sự thống nhất về giá cả và sau đó cùng áp đặt mức phí với người tiêu dùng. Đức Quốc xã chủ yếu thực hiện đàn áp cạnh tranh thông qua các thỏa thuận thể chế khác nhau, trước hết là hiệp hội ngành nghề mang tính độc quyền, tiếp theo là hiệp hội thương mại và hiệp hội người sử dụng lao động, sử dụng ba hiệp hội cốt lõi này để điều phối lợi ích giữa các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiệp hội ngành nghề mang tính độc quyền sẽ đứng ra để quy định mức giá, sắp xếp sản xuất và phân chia thị trường. Hiệp hội thương mại chủ yếu đóng vai trò như một đoàn thể chính trị, tiến hành tổ chức một cách có hiệu quả đối với các hoạt động kinh doanh và nông nghiệp. Hiệp hội người sử dụng lao động sẽ tiến hành kiểm soát đối với người lao động. Do thực hiện một quy trình kiểm soát xã hội một cách triệt để, thế nên lĩnh vực chi phí vốn đã có những chuyển biến hết sức mạnh mẽ, các yếu tố cạnh tranh thương mại mang tính đối kháng trong xã hội như giá nguyên liệu tăng giảm liên tục, công nhân đình công… đều được kiểm soát một cách hiệu quả. Trong môi trường kinh doanh như vậy, tình trạng các doanh nghiệp gặp thất bại ngày càng trở nên hiếm hoi, và các mô thức kinh doanh có thể thay thế cho hệ thống lợi nhuận cũng chẳng thể tồn tại.

Sau khi loại bỏ các mối đe dọa này, hoạt động xã hội của Đức đã cố gắng tiến vào một quỹ đạo mà có thể tránh khỏi khủng hoảng một cách triệt để. Tuy nhiên, loại hệ thống quản lý sản xuất xã hội này sẽ mang tới một mối nguy lớn hơn, đó là toàn bộ hệ thống xã hội không được xoay quanh yếu tố lợi nhuận, và sự phát triển của một hệ thống như vậy có khả năng diễn tiến thành một sự biến dạng nghiêm trọng hơn.

Trên thực tế, xét theo phương thức hoạt động của Đức Quốc xã, bản thân Đức Quốc xã buộc phải gắn liền với bốn nền tảng quyền lực trong xã hội Đức, và dựa trên nền tảng đó để phát triển nên một hệ thống lợi nhuận mang tính cân bằng và được điều tiết. Dù hệ thống đó có hoạt động hiệu quả hay không, nếu Đức Quốc xã rời khỏi các nền tảng quyền lực và hệ thống điều hành kinh tế này, nó chẳng những không thể phát triển, mà còn không thể tồn tại.

“CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI” CỦA HITLER

Năm 1933, Hitler vừa lên nắm quyền đã phải đối mặt với một mớ hỗn độn về kinh tế. Từ năm 1929 đến 1932, tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghiệp ở Đức giảm xuống 36%, sản xuất công nghiệp giảm 40%, ngoại thương giảm 60%, vật giá giảm 30%, sản lượng sắt giảm 70% và sản lượng đóng tàu giảm 80%. Cuộc khủng hoảng công nghiệp còn dẫn đến khủng hoảng tài chính. Tháng 7 năm 1931, Ngân hàng Damsdart Đức phá sản, gây ra một làn sóng rút tiền gửi. Dự trữ vàng của Đức giảm từ 2,39 tỷ mark xuống còn 1,36 tỷ mark, 9 ngân hàng lớn nhất ở Berlin đã giảm xuống còn 4. Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, đạt gần 30% năm 1932, cộng với lượng người bán thất nghiệp nữa thì đã chiếm tới một nửa tổng số lao động. Cuộc khủng hoảng kinh tế làm gia tăng mâu thuẫn giai cấp xã hội. Chỉ trong ba năm đã có tới hơn 1.000 cuộc đình công diễn ra.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế do Đức gây ra lớn hơn nhiều so với các nước tư bản khác ở châu Âu và châu Mỹ. Khi Hitler lên nắm quyền, ông ta lập tức bắt tay vào công cuộc giải cứu nền kinh tế bằng “Chính sách kinh tế mới”. Cùng với hàng loạt các biện pháp kinh tế mạnh mẽ, nền kinh tế Đức phát triển nhanh chóng và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh. Năm 1938, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 1,3%. Từ năm 1932 đến 1938, sản lượng gang của Đức tăng từ 3,9 triệu tấn lên 18,6 triệu tấn, sản xuất thép tăng từ 5,6 triệu tấn lên 23,2 triệu tấn, và sản lượng nhôm, magiê và máy tiện cao hơn Hoa Kỳ. Từ năm 1933 đến 1939, sản xuất công nghiệp nặng và công nghiệp vũ khí tăng 2,1 lần, sản xuất dữ liệu tiêu thụ cũng tăng 43% và GDP tăng hơn 100%. Đồng thời, hoàn thiện xây dựng mạng lưới đường cao tốc quốc gia và tái tổ chức hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp nặng, không những vậy quân đội còn được hiện đại hóa mạnh mẽ.

Nếu bạn từng xem bộ phim Olympia (Chiến thắng của ý chí) nổi tiếng của Leni Riefenstahl, bạn sẽ bị ấn tượng sâu sắc bởi sức mạnh toàn diện và tinh thần của dân tộc Đức vào năm 1936. Những tiếng reo hò vang dội, một rừng cánh tay hướng về một phía, kiến trúc hùng vĩ và vận động viên rạng rỡ tráng kiện, tất cả đều cho thấy thực lực và khí thế khao khát xưng bá thế giới. Uy tín cá nhân của Hitler cũng vươn tới đỉnh điểm. Thậm chí giờ đây ông ta không còn cần phải bộc lộ tài năng phát ngôn đầy đam mê và nhiệt huyết của mình giống như năm xưa nữa. Ông chỉ cần lộ diện trước công chúng, và hàng ngàn khán giả ở dưới sẽ tự động lắng nghe một cách say sưa. Sự ủng hộ của người dân Đức đối với Đức Quốc xã không chỉ dựa trên việc tẩy não và tuyên truyền. Những thành tích nổi bật của Đức Quốc xã trong việc giải cứu đất nước khỏi khủng hoảng kinh tế và lợi ích kinh tế thiết thực người dân Đức được hưởng còn có sức thuyết phục hơn cả sự tuyên truyền của chính quyền Đức Quốc xã.

So với Đức, “Chính sách kinh tế mới Roosevelt” năm 1933 chỉ làm dịu bớt cuộc khủng hoảng. Nền kinh tế Mỹ bước vào thời kỳ khủng hoảng đặc biệt. Mặc dù cố gắng áp dụng chính sách kinh tế mới và các biện pháp khác để giảm bớt khủng hoảng, nhưng tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn còn yếu. Năm 1937, Mỹ một lần nữa rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Mãi đến Thế chiến II năm 1941, Mỹ mới hoàn toàn thoát khỏi cuộc Đại suy thoái. Suốt giai đoạn “Chính sách kinh tế mới Roosevelt”, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở Hoa Kỳ cao tới 18% và GDP mãi đến năm 1941 mới trở lại mức của năm 1929 – thời điểm trước cuộc khủng hoảng.

“Chính sách kinh tế mới” của Hitler thì lại tạo ra một phép màu kinh tế. Mặc dù phép màu này vẫn ẩn chứa những khiếm khuyết nội tại, nhưng nó đã thực sự có hiệu quả trong việc giải cứu cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ngày nay, thế giới một lần nữa phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng tương tự như năm 1933, việc tiến hành phân tích cẩn thận về công-tội, được-mất trong “Chính sách kinh tế mới” của Hitler sẽ mang lại cho chúng ta những ý nghĩa rất hiện thực.

“CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI” CỦA HITLER: QUỐC HỮU HÓA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG

Ngay từ tháng 9 năm 1919, trong lần đầu tiên được nghe bài diễn giảng của Feder về tiền tệ tài chính, Hitler đã vô cùng xúc động. Và chính bài phát biểu này đã thúc đẩy Hitler tham gia Đảng Công nhân Đức.

Hitler không có bất kỳ nền tảng lý luận có tính hệ thống nào về vấn đề tài chính. Nói một cách chính xác, có thể coi ông ta là một người mù tài chính. Tuy nhiên, khả năng lĩnh hội của Hitler lại vô cùng cao, dù không có kiến thức hệ thống, nhưng ông ta có thể nắm bắt được bản chất của vấn đề ngay lập tức. Những người như vậy luôn biết cách học hỏi trong các cuộc trò chuyện, tư duy trong các câu hỏi và lĩnh hội trong các cuộc tranh luận. Giống như tất cả các nhà lãnh đạo khác, Hitler không cần phải là một chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng ông ta có khả năng phân biệt sắc sảo và hiểu biết sâu sắc để nắm bắt một cách chính xác những vấn đề cốt lõi giữa vô vàn thông tin hỗn tạp trong các cuộc ngôn luận.

Trong cuộc thảo luận với Feder, Hitler nhận ra rằng ngân hàng trung ương tư nhân đã thu lợi rất lớn bằng cách kiểm soát phân phối tiền tệ của đất nước, tạo điều kiện cho sự kiểm soát và khai thác của họ đối với toàn bộ người dân trong xã hội. Lý thuyết của Feder rõ ràng là một nghịch lý lệch lạc mà các học giả chính thống không thể chấp nhận được. Nó cố gắng giải thích hiện tượng này từ góc độ tranh giành lợi ích giữa người với người, và nhà lý luận chỉ thảo luận về sự thật khách quan liên quan đến bản chất “thất tình lục dục” của con người. Schacht đi ngược lại với quan điểm của Feder, đặc biệt là khi nhắc đến vấn đề nguyên tắc “cực kỳ thị phi” trong hệ thống ngân hàng trung ương. Trên thực tế, quan điểm của Schacht có mối liên hệ không tách rời với bối cảnh thực tế là quan hệ mật thiết giữa ông và Phố Wall, điểm mấu chốt ở đây vẫn là vấn đề lợi ích.

Khi lắng nghe những cuộc tranh luận gay gắt giữa hai bên, tâm trí của Hitler như thể một tấm gương. Ông ta chấp nhận quan điểm của Feder từ tận đáy lòng và đưa nó vào thực tiễn, nhưng ngoài mặt ông ta lại trọng dụng Schacht và xa lánh Feder. Feder – người đặt nền móng cho tư tưởng kinh tế trong thời kỳ đầu của Đức Quốc xã, nhưng đến khi Hitler lên nắm quyền, ông lại bị đẩy đến trường đại học để giảng dạy. Lý do rất đơn giản: Các nhà công nghiệp lớn và các chủ ngân hàng lớn không thích lý luận của Feder, nhưng họ lại nhiệt tình ủng hộ Schacht, và những nhóm quyền lực này lại là chỗ dựa để đảng Quốc xã của Hitler có thể tồn tại. Hitler căm ghét đến tận xương tủy đám “Tội nhân tháng 11” này, nhưng lại buộc phải lựa cách chung sống với họ. Bởi vì ông ta là một chính trị gia, ông ta chỉ có thể tuân thủ các quy tắc của trò chơi lợi ích, tuyệt đối không được đặt cảm xúc yêu ghét cá nhân lên trên quy tắc của trò chơi.

Tuy nhiên, Hitler đã không thỏa hiệp với Schacht và những người khác về những nguyên tắc quan trọng trong việc quốc hữu hóa Ngân hàng Trung ương. Năm 1933, khi lên nắm chính quyền, ngay lập tức Hitler tiến hành sửa đổi Luật Ngân hàng, quy định rằng: bãi bỏ sự độc lập của hội đồng quản trị Ngân hàng Đế quốc, quyền bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Đế quốc và thành viên hội đồng quản trị sẽ thuộc về người đứng đầu nhà nước; cấp quyền cho Ngân hàng Đế quốc thực hiện các chính sách thị trường công khai, nhưng lại rất ít sử dụng nó; Ngân hàng Đế quốc có thể tiến hành chiết khấu đối với loại “hối phiếu công ăn việc làm” để huy động nguồn vốn cho chính phủ nhằm tạo ra cơ hội công ăn việc làm cho người dân. Loại “hối phiếu công ăn việc làm” này chính là loại “tiền tệ Feder” mà trước kia Feder từng đề xuất, sau này chính nó đã góp sức rất lớn trong kỳ tích “Chính sách kinh tế mới” của Hitler.

Tất nhiên, hành động nêu trên của chính phủ Đức Quốc xã đã bị các thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Đế quốc phản đối quyết liệt, tuy nhiên họ không thể ngăn chặn được. Trước những tiếng phản đối của các chủ ngân hàng, Hitler tiếp tục kiên trì với chính sách của mình, sự độc lập của Ngân hàng Đế quốc dần dần bị suy yếu. Tháng 2 năm 1937, “Luật trật tự mới của Ngân hàng Đế quốc” được ban hành, quy định rằng hội đồng quản trị của Ngân hàng Đế quốc sẽ do người đứng đầu nhà nước trực tiếp điều hành, vậy là sự độc lập của Ngân hàng Đế quốc đã bị tước bỏ hoàn toàn. Đến năm 1939, hội đồng quản trị của Ngân hàng Đế quốc đã bị giải tán. Cùng năm đó, chính phủ Đức Quốc xã ban hành Luật Ngân hàng Đế quốc, trong đó quy định: Ngừng trao đổi vàng thành tiền giấy, việc chuẩn bị phát hành 40% vàng và ngoại hối có thể được thay thế bằng hối phiếu công ăn việc làm, chi phiếu, tín phiếu kho bạc ngắn hạn, trái phiếu tài chính đế quốc và các loại trái phiếu tương tự khác; Hạn mức khoản vay mà Ngân hàng Trung ương cung cấp cho Ngân hàng Đế quốc sẽ được quyết định bởi “lãnh tụ và người đứng đầu đế chế”. Điều này trên thực tế có nghĩa là trong hệ thống tiền tệ, Đức đã giành được quyền tự do và thoát khỏi “giá thập tự bằng vàng” của Rothschild. Tại thời điểm này, chính phủ Đức Quốc xã cuối cùng đã hoàn thành việc quốc hữu hóa cả về mặt pháp lý lẫn chính trị của Ngân hàng Trung ương.

Để tránh làm hỏng đại sự trước những phản ứng mạnh mẽ của các chủ ngân hàng quốc tế, Hitler đành phải thực hiện theo chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, mất ròng rã 6 năm trời mới nắm được Ngân hàng Trung ương vào lòng bàn tay mình.

“TIỀN FEDER”: TIỀN XANH LINCOLN Ở ĐỨC

Lý thuyết mà Feder luôn kiên trì theo đuổi là lý thuyết giá trị danh nghĩa của tiền của Georg Friedrich Knapp. Cuốn sách Lý thuyết về tiền tệ nhà nước của ông có nói, tiền tệ là một loại sản vật của pháp luật. Do đó, khi nghiên cứu lý luận về tiền tệ thì chúng ta phải nghiên cứu về lịch sử của pháp luật. Một cột mốc quan trọng trong phát triển xã hội là hợp pháp hóa các công cụ thanh toán. Đánh giá thế nào là tiền, đâu là tiền thì chỉ có một tiêu chí, đó là liệu loại tiền tệ này có thể được sử dụng như một phương tiện thanh toán được chính phủ chấp nhận hay không. Trong lý luận này, chính phủ có quyền định nghĩa tiền tệ và không còn phụ thuộc vào vàng vốn bị kiểm soát bởi bàn tay của các chủ ngân hàng quốc tế. Miễn là chính phủ chấp nhận, họ có thể tự ý chỉ định một hòn đá hoặc một cây gậy làm một loại tiền tệ pháp định, dùng để nộp thuế cho chính phủ. Nói cách khác, tiền sẽ chẳng bao giờ được coi là có tính khan hiếm, và cũng không được lưu trữ như của cải. Nó chỉ đơn giản là một biểu tượng lưu thông được sử dụng trong quá trình giao dịch và không yêu cầu bất kỳ giá trị nội tại nào.

Năm 1932, Cương lĩnh kinh tế khẩn cấp của Đảng Quốc xã đã giải thích chính sách hóa đối với lý luận này, nó bác bỏ quan điểm “lý thuyết về sự thiếu hụt nguồn vốn“ đang khá phổ biến lúc bấy giờ. Nếu tiền chỉ được sử dụng như một biểu tượng giao dịch thì chắc chắn sẽ không tồn tại vấn đề về “sự khan hiếm“. Cương lĩnh nêu rõ: “Vấn đề kinh tế của chúng ta không phải do thiếu phương tiện sản xuất, mà thực tế là do các phương tiện sản xuất hiện tại không được sử dụng đầy đủ. Muốn giảm bớt thất nghiệp, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là sử dụng triệt để các tư liệu sản xuất đang trong tình trạng nhàn rỗi. Hồi sinh thị trường nội bộ thông qua một số chương trình lao động công cộng, như khai khẩn đất hoang, cải tạo thổ nhưỡng, xây dựng đường cao tốc và kênh rạch, xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Để huy động vốn cho những chương trình này thì cần phải sử dụng rộng rãi các khoản vay mang tính sản xuất. 20% đến 30% loại hình cho vay này có thể được thực hiện thông qua việc gây quỹ, và phần còn lại có thể huy động được thông qua việc tiết kiệm trợ cấp thất nghiệp và tăng thuế.”

Tiền dùng cho “các khoản vay mang tính sản xuất” tới từ đâu? Quan điểm của Feder là, hoàn toàn bỏ qua những hạn chế của lý thuyết tiền tệ truyền thống và thoát khỏi những hạn chế của dự trữ vàng và dự trữ ngoại hối, chính phủ có thể tạo ra một hình thức tiền tệ mới tên là “hối phiếu tạo công ăn việc làm” để cung cấp các khoản vay mang tính sản xuất. Ý tưởng của Feder mang màu sắc “phi chính quy” hết sức mạnh mẽ. Theo quan điểm của ông, một bên là rất nhiều “tư liệu sản xuất nhàn rỗi” và sức lao động, một bên là “lý thuyết về sự thiếu hụt nguồn vốn”, trong khi các nhà lý thuyết chính thống nhấn mạnh rằng, do thiếu hụt tiền tệ nên mới xảy ra tình trạng nhàn rỗi của tư liệu sản xuất và sức lao động. Sách vở của họ nói rằng tiền phải được cung cấp bởi các chủ ngân hàng “có trách nhiệm”, trong khi đó hiện tại thì các chủ ngân hàng không muốn cung cấp, vì vậy khủng hoảng kinh tế rất khó khắc phục. Feder thì tin rằng logic này hoàn toàn vô lý. Một người đang sống sờ sờ há có thể chết vì bí tiểu? Nếu các chủ ngân hàng không muốn cung cấp tiền, thì chính phủ có thể trực tiếp tạo ra tiền tệ. Một khi loại “tiền tệ mới để tạo ra công ăn việc làm” này được rót vào nền kinh tế thực thể thì nó sẽ ngay lập tức tận dụng được các tư liệu sản xuất và lao động nhàn rỗi, từ đó tạo ra của cải và cơ hội việc làm.

Schacht, người xuất thân từ trường lớp chính quy đã có một cuộc tranh cãi qua lại với Feder về phương án “tiền tệ mới” của Keith. Schacht, người đại diện cho lợi ích của các chủ ngân hàng, đã vô cùng phẫn nộ với cách chính phủ dự định bỏ qua hệ thống ngân hàng và trực tiếp tạo ra tiền tệ. Ông thậm chí chỉ trích kiến nghị của Feder là “một ý tưởng điên rồ và cực đoan bắt nguồn từ các nhóm lợi ích, với mục đích là lật đổ hoàn toàn hệ thống tiền tệ và ngân hàng của chúng ta.” Schacht đã thuyết phục Hitler không nên “đưa ý tưởng ngu ngốc, lố bịch và nguy hiểm này vào thực tế. Những ý tưởng ngu ngốc này thường xuất phát từ những hiểu biết hết sức ngu ngốc về ngân hàng và tiền tệ trong nội bộ Đảng Quốc xã”.

Hitler, một nhân vật “lão mưu thâm toán” đã hiểu rõ về lý luận của Feder và cũng hiểu được lập trường của Schacht. Do vừa mới nắm quyền nên Hitler không muốn đắc tội với Schacht và các thế lực tài chính đằng sau ông ta. Do đó, một mặt ông ta “mời” Feder – người đặt nền móng cho lý thuyết kinh tế của Đức Quốc xã và cũng là vị “nguyên lão” góp công xây dựng Đảng đảm nhận một chức vụ “hư danh” trong chính phủ, mặt khác để Schacht đảm nhận chức Bộ trưởng Kinh tế, để thể hiện thái độ khiêm tốn và “nghe lời” của mình đối với nhóm quyền lực tài chính. Tuy nhiên, Hitler đã hạ quyết tâm, nhất định phải triển khai “hối phiếu công ăn việc làm” vào thực tiễn, hạ lệnh Schacht đưa ra một bản kế hoạch càng sớm càng tốt.

Schacht không thể gánh vác được trọng trách mà Hitler giao cho, vì vậy ông đã đưa ra một loạt các phương án thực hiện. Schacht đề xuất thành lập một công ty ma tên là MEFO (Metallurgische Forschungsgesellschaft) với số vốn đăng ký chỉ 1 triệu mark. Có thể lý giải công ty này là đại diện của chính phủ Đức, MEFO sẽ “thu mua” các sản phẩm và dịch vụ từ những công ty có khả năng tạo ra công ăn việc làm, phương thức thanh toán là sử dụng “hối phiếu công ăn việc làm”, đây là một loại hối phiếu ngắn hạn với lãi suất 4,5% và thời hạn 3 tháng, trước khi hết hạn có thể tiến hành gia hạn liên tục, thời hạn tối đa là không quá 5 năm.

Khi chủ doanh nghiệp nhận được “hối phiếu công ăn việc làm”, họ có thể đến bất kỳ ngân hàng nào của Đức để tiến hành “chiết khấu”, lấy tiền mặt bằng đồng mark của Đức, sau đó thuê công nhân, mua nguyên liệu thô và tổ chức sản xuất. Các ngân hàng sau khi nhận được “hối phiếu công ăn việc làm” thì có thể tự giữ lại lượng hối phiếu này, hoặc có thể gửi chúng đến Ngân hàng Trung ương để “tái chiết khấu” và nhận về tiền mặt.

“Hối phiếu công ăn việc làm” thuộc một dạng “cải cách tài chính” tương đối mang tính phòng vệ của Đức Quốc xã, và hiệu quả nó mang đến rất rõ ràng. Nó được thiết kế để giải quyết hàng loạt những thách thức quan trọng.

Đầu tiên, các quốc gia đồng minh, đặc biệt là Pháp, đặt ra hạn mức pháp lý 100 triệu mark để Ngân hàng Trung ương Đức trực tiếp phát hành tín dụng cho chính phủ Đức. Họ lấy cớ là để ngăn chặn sự tái xuất hiện của tình trạng siêu lạm phát, nhưng thực tế nó hạn chế nghiêm ngặt khả năng chi tiêu của chính phủ Đức, dùng biện pháp tài chính để ngăn ngừa việc Đức tăng cường sức mạnh quân đội với quy mô lớn. Thiết kế của “hối phiếu công ăn việc làm” sẽ bỏ qua được hạn chế pháp lý này và giúp chính phủ Đức có thêm tín dụng từ Ngân hàng Trung ương.

Thứ hai, do “hối phiếu công ăn việc làm” được chính phủ Đức Quốc xã trả trực tiếp cho các công ty có thể tạo ra công ăn việc làm thông qua MEFO, nên nó đã thực hiện một chức năng giống như tiền tệ. Xét theo ý nghĩa này, “hối phiếu công ăn việc làm” cũng tương đương với loại tiền xanh Lincoln do chính phủ Lincoln phát hành trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, “hối phiếu công ăn việc làm” được sử dụng để tạo ra công ăn việc làm, còn tiền xanh Lincoln thì được dùng để đầu tư trực tiếp vào cuộc chiến. Bản chất của nó là chính phủ đã lấy lại quyền phát hành tiền tệ.

Thứ ba, “hối phiếu công ăn việc làm” được chính phủ dùng để trả trực tiếp cho các doanh nghiệp có thể tạo ra cơ hội việc làm, từ đó chính phủ có thể quán triệt được chính sách kinh tế với trọng tâm là cố gắng “tạo ra việc làm” trong xã hội, tránh được tình trạng các ngân hàng thương mại trong quá trình cho vay có khuynh hướng “chạy theo lợi nhuận” – trong thời kỳ suy thoái chắc chắn sẽ dẫn đến khuynh hướng tiếc nợ và vấn đề giảm phát; không những vậy còn đảm bảo được rằng loại tiền tệ mới sẽ trực tiếp được rót vào vòng tuần hoàn của thực thể kinh tế, tổ chức lại những nguồn tư liệu sản xuất và nhân công nhàn rỗi để tiến hành sản xuất, từ đó tạo ra nhiều của cải hơn nữa để ứng phó với vấn đề tín dụng trên đà mở rộng.

Thứ tư, do sự thiếu hụt nghiêm trọng dự trữ vàng và ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Đức, từ năm 1929 đến 1933, từ 2,6 tỷ mark đã giảm mạnh xuống còn 409 triệu mark. Đến năm 1934, chỉ còn 83 triệu mark và lượng cung tiền thiếu hụt nghiêm trọng. Nếu chiểu theo lý thuyết tiền tệ cổ điển truyền thống thì Đức đang trên bờ vực phá sản, năng lực sản xuất mạnh mẽ của nó đang bị chết đói bởi tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng. Sự đổi mới tài chính mang tên “hối phiếu công ăn việc làm” đã ngay lập tức giúp người Đức thoát ly khỏi những hạn chế của vàng và ngoại hối. Người Đức đã chứng minh bằng thực tiễn rằng cái gọi là lý thuyết tiền tệ cổ điển hoàn toàn không đáng tin cậy.

Thứ năm, “hối phiếu công ăn việc làm” đã thực hiện được vai trò quan trọng trong việc giúp chính phủ Đức Quốc xã bí mật tăng cường xây dựng quân đội mà thế giới bên ngoài không hề hay biết.

Thứ sáu, “hối phiếu công ăn việc làm” với mức lãi suất hàng năm là 4,5% đã cung cấp cho các doanh nghiệp một phương thức tài chính thuận tiện và chi phí thấp.

Mặc dù người thực hiện thực tế của “hối phiếu công ăn việc làm” là Schacht, nhưng tư tưởng và linh hồn của nó đến từ Feder.

ĐỔI MỚI TÀI CHÍNH ĐÃ CỨU NỀN KINH TẾ ĐỨC

Ngày 31 tháng 5 năm 1933, chính phủ Đức đã tuyên bố phát hành “hối phiếu công ăn việc làm” trị giá 1 tỷ mark, mục đích để chi trả cho các dự án công trình kỹ thuật đặc biệt. Loại hối phiếu (có thể gia hạn nhiều lần) này đã được chính phủ trả cho các chủ sử dụng lao động. Chủ lao động sẽ thực hiện các dự án quy mô lớn và sử dụng một số lượng lớn công nhân, như vậy từ chủ doanh nghiệp cho đến gia đình bình thường đều có thể hưởng lợi từ “hối phiếu công ăn việc làm”. Khi lượng hối phiếu này chảy vào hệ thống ngân hàng, chúng sẽ tiếp tục tạo ra hiệu ứng phóng đại và lượng hối phiếu đó có thể được tái chiết khấu tại Ngân hàng Trung ương Đức, điều đó có nghĩa là “hối phiếu công ăn việc làm” cùng với vàng, ngoại hối và nợ quốc gia dài hạn tạo thành nền tảng cung ứng tiền tệ cho nước Đức.

Hầu hết “hối phiếu công ăn việc làm” trong giai đoạn đầu đã không bao giờ được tiến hành tái chiết khấu tại Ngân hàng Trung ương Đức. Một trong những lý do chính là lãi suất 4,5% của nó khá hấp dẫn, và một số lượng lớn các ngân hàng và các tổ chức khác đã quyết định giữ lại lượng hối phiếu này thay vì tái chiết khấu. Theo số liệu thống kê, từ năm 1933 đến 1938, lượng phát hành “hối phiếu công ăn việc làm” tăng đều qua từng năm. Đến năm 1938, lượng dư đạt mức 12 tỷ mark, chiếm 85% tổng chi phí thâm hụt của chính phủ. Khoảng một nửa trong số đó được sử dụng để huy động vốn cho các công ty trực tiếp tạo ra cơ hội việc làm, và nửa còn lại được sử dụng để mở rộng các dự án quân sự bí mật của Đức.

Một lợi thế lớn của “hối phiếu công ăn việc làm” là nó đặt sức mua thực sự vào tay những người lao động mới được tuyển dụng ở Đức. Cùng với đà lưu thông gia tăng của loại hối phiếu này, việc tận dụng các nguồn tài nguyên nhàn rỗi cũng tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhanh chóng.

Trong lĩnh vực công trình công cộng, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở cho tầng lớp trung lưu mới nổi, “hối phiếu công ăn việc làm” đóng một vai trò hết sức quan trọng. Năm 1932, có khoảng 141.000 ngôi nhà ở Đức và đến năm 1934, có khoảng 284.000 ngôi nhà được xây dựng. Rõ ràng, chỉ trong vòng hai năm, “hối phiếu công ăn việc làm” đã làm tăng gấp đôi diện tích nhà ở dân cư đang xây dựng ở Đức. Đồng thời, lượng tiền này cũng được sử dụng để xây dựng hệ thống đường quốc lộ của Đức. Những con đường được xây dựng từ nguồn “hối phiếu công ăn việc làm” đã lên tới hàng ngàn kilomet, tạo thành một mạng lưới đường cao tốc bao phủ mọi hướng.

Chính sách kinh tế của Hitler tạo ra sự bảo đảm mạnh mẽ cho tầng lớp trung lưu và người nghèo Đức, cũng có sự bất mãn mạnh mẽ và sự quan tâm đặc biệt từ các chủ ngân hàng nước ngoài. Hối phiếu công ăn việc làm có giá trị tương tự như tiền tệ do Chính phủ Đức trực tiếp phát hành đã giúp nền kinh tế thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của các chủ ngân hàng quốc tế. Một số nhà kinh tế tin rằng một trong những nguyên nhân sâu xa của Thế chiến II là Chính phủ Đức dựa vào tiền tệ của mình để hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát của Anh và Mỹ. Do thiếu hụt ngoại hối và vàng, Đức buộc phải vay từ các chủ ngân hàng quốc tế của Anh và Mỹ. Món nợ này khiến chính trị, kinh tế, chính sách và các lợi ích quan trọng của Đức bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi các chủ ngân hàng quốc tế. Nếu như dẹp bỏ được sự liên kết này, Hitler sẽ có quyền quyết định sự phát triển của nền kinh tế Đức.

Trong giai đoạn đầu Hitler nắm quyền, ông ta đã có được sự công nhận từ xã hội và sự ủng hộ lớn từ người dân. Ông xây dựng lại nền kinh tế Đức bằng cách giải phóng sự phát triển kinh tế khỏi lý thuyết kinh tế chính thống của Anh và Hoa Kỳ. Có thể nói các chủ ngân hàng quốc tế rõ ràng đã phạm sai lầm khi đặt cược vào Hitler. Hitler không bao giờ cam tâm trở thành con rối của người khác.

Quan điểm của Schacht đối với “hối phiếu công ăn việc làm” khá mâu thuẫn. Lần đầu tranh cãi với Feder, ông từng cho rằng đây là một ý tưởng hết sức ngu ngốc, nhưng rồi ông cũng phải nuốt lại nhận định của mình. Vài thập kỷ sau, nhiều người liên tục hỏi ông rằng loại “hối phiếu công ăn việc làm” này có phải là một thiết kế thành công hay không? Bất cứ khi nào xảy ra thiếu hụt vốn đều có thể dùng tín dụng của Ngân hàng Trung ương để thay thế nguồn vốn tích lũy này không? Về lý thuyết, Schacht thừa nhận hiệu quả của “hối phiếu công ăn việc làm”, nhưng ông vẫn đưa ra một loạt các hạn chế, nghĩa là biện pháp này chỉ có thể phát huy hiệu quả trong một số trường hợp nhất định. Thời điểm đó, ở Đức không có bất cứ kho chứa nguyên liệu thô nào, công xưởng nhà máy hoàn toàn trống rỗng, máy móc thiết bị nhàn rỗi và hơn 6 triệu người ở trong tình trạng thất nghiệp – chỉ trong trường hợp này, khi nguồn vốn tín dụng cấp cho các chủ doanh nghiệp để sử dụng lại nhà máy công xưởng, nguyên liệu thô và máy móc để sản xuất, một liều thuốc như vậy mới có thể cứu vãn sự sống của nguồn vốn.

Tuy nhiên, từ sâu trong tâm trí Schacht vẫn tỏ ra bất mãn với cách làm này, kỳ thực việc ông bị ép rời khỏi chính trường cũng có mối liên quan trực tiếp với việc từ chối tiến hành “tái chiết khấu” đối với “hối phiếu công ăn việc làm”. Theo tiết lộ của riêng ông, tháng 1 năm 1939, Ngân hàng Trung ương Đức đã gửi một bản ghi nhớ cho Hitler, từ chối cấp thêm tín dụng cho chính phủ Đức, và hậu quả của bản ghi nhớ hết sức nghiêm trọng. Ngày 19 tháng 1, Schacht đã bị chính phủ sa thải. Ngày hôm sau, Hitler ra lệnh cho Ngân hàng Trung ương Đức phải cấp cho chính phủ tất cả nguồn tín dụng, miễn là chính phủ cần thì Ngân hàng Trung ương Đức bắt buộc phải cấp.

Sau khi Schacht bị sa thải, chính phủ Đức đã giữ bí mật với công chúng suốt hơn 5 tháng cho đến trước khi Chiến tranh thế giới Thứ hai nổ ra vào tháng 7 năm 1939. Việc ông từ chối cung cấp thêm tín dụng cho chính phủ Đức có thể là một lý do quan trọng cho việc ông thoát khỏi cửa tử trong phiên tòa ở Nichberg sau này.

Năm 1948, sau khi chiến tranh kết thúc, một nhóm các giáo sư người Mỹ đã thiết kế lại chương trình cải cách tiền tệ cho nước Đức: Ban đầu mỗi người sẽ nhận một khoản tiền trị giá 40 mark, các nhân viên xí nghiệp nhận 60 mark. Các ban ngành của chính phủ nhận được một lượng tiền mark tương ứng với mức lương trong một tháng. Nhưng tất cả các loại tiền mark của đế quốc, cho dù đó là tài khoản tiết kiệm hay tiền nợ, đều giảm xuống còn 10% so với mệnh giá. Mặt khác, cổ phiếu, tài sản và các tài sản hữu hình khác vẫn duy trì trạng thái không bị mất giá. Đây là một hành vi “vặt lông cừu” chưa từng thấy, bởi vì của cải của người nghèo tồn tại trong tài khoản tiết kiệm, trong khi sự giàu có của người giàu chủ yếu là ở tài sản. Sự mất giá tiền tệ theo kiểu “nổ mìn định hướng” này trên thực tế đã hình thành nên một quá trình chuyển dịch tài sản khổng lồ, dẫn đến một sự thay đổi nghiêm trọng và thậm chí tàn khốc trong cấu trúc xã hội. Theo một nghĩa nào đó, mức độ nghiêm trọng và tác động rộng lớn của nó không kém gì siêu lạm phát năm 1923.

ROTHSCHILD VÀ HITLER

Ngày 12 tháng 3 năm 1938, quân đội của Hitler tiến vào Áo. Hitler giữ trong tay một bản danh sách các công dân Áo quan trọng cần phải bắt giữ. Danh sách này có tên của Nam tước Louis Rothschild, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng Rothschild của Áo. Trong số các thành viên của gia tộc, Victor – người sau này tiếng tăm lừng lẫy ở chi nhánh ngân hàng Rothschild ở London, luôn hết lời ca ngợi Louis Rothschild.

Ba tiếng đồng hồ sau khi Hitler xua quân vào Áo, sĩ quan Đức Quốc xã đã lái xe đến trước dinh thự của gia tộc Rothschild ở Áo để chuẩn bị cho việc bắt giữ Rothschild. Sau khi nhấn chuông một lúc, người hầu của gia tộc Rothschild xuất hiện và mở cửa không chút e dè, sợ sệt. Sĩ quan Đức Quốc xã yêu cầu được gặp Nam tước, nhưng người hầu yêu cầu họ đợi ngoài cửa và đi vào trong thông báo. Các sĩ quan Đức Quốc xã đành ngoan ngoãn đợi ở cửa. Sau một thời gian dài, người hầu trở lại và nói rằng Nam tước Rothschild đang ăn tối và không muốn bị quấy rầy. Sau đó người hầu lấy ra một chiếc bút, nói một cách lịch sự: “Nếu muốn gặp Nam tước thì các anh phải hẹn trước.” Các sĩ quan Đức Quốc xã bối rối chẳng biết làm sao, đành ủ rũ bỏ đi.

Qua đó có thể thấy, cuộc đàn áp của Đức Quốc xã đối với các chủ ngân hàng Do Thái đã không bắt đầu vào năm 1938. Thái độ của Đức Quốc xã đối với các chủ ngân hàng Do Thái trên danh nghĩa chỉ là hò hét phản đối, nhưng thực tế là muốn lợi dụng, bởi lẽ ai cũng biết rõ Hitler muốn tiến hành chiến tranh thì phải cần tiền. Do đó, gia tộc Rothschild hoàn toàn chẳng thèm để ý đến hành động của Hitler.

Nếu Hitler quyết định “trở mặt” với các chủ ngân hàng quốc tế tại thời điểm này, ông ta đừng mơ nhận được thêm xu nào từ thị trường tài chính. Hitler không định tỏ thái độ quyết liệt vào lúc này, ít nhất là vào năm 1938, ông ta vẫn chưa sẵn sàng. Ngày hôm sau, Victor gọi từ Anh và yêu cầu Louis rời Áo càng sớm càng tốt. Louis đồng ý, ung dung đóng gói đồ đạc và dành nửa ngày để các thành viên trong ngân hàng của mình sắp xếp hành trang. Nhưng đám sĩ quan Đức Quốc xã trước đó lại ghé tới và họ đã “không hẹn trước” mà tóm được Louis.

Victor và các thành viên khác trong gia tộc bắt đầu gây áp lực với chính phủ Đức Quốc xã yêu cầu thả Louis càng sớm càng tốt. Chính phủ Đức Quốc xã, đề xuất điều kiện nếu muốn thả người thì trước tiên họ sẽ tịch thu toàn bộ tài sản của Louis ở Áo. Đức Quốc xã đặc biệt thèm khát số lượng lớn các mỏ quặng sắt thuộc sở hữu của gia tộc Rothschild ở Tiệp Khắc và các khu vực Trung Âu khác. Đức Quốc xã đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn, và cần phải tận dụng các cơ sở nguyên liệu thô làm nguồn cung cho ngành công nghiệp vũ khí Đức. Các mật thám của gia tộc Rothschild ở Vienna và những nơi khác ngay lập tức chuyển tin nhắn cho Louis Rothschild trong tù.

Sau khi nhận được thông tin, Louis Rothschild lập tức hành động, chuyển giao toàn bộ tài sản quặng than và quặng sắt ở Cộng hòa Séc và Áo cho chi nhánh gia tộc Rothschild ở Anh. Louis tuy ở trong tù nhưng vẫn nắm bắt được thông tin như thường, cuộc “đại dịch chuyển càn khôn” tài sản này được tiến hành một cách gấp rút, toàn bộ bộ tài liệu pháp lý cần thiết đã được hoàn thành và quyền kiểm soát tài sản được chuyển giao cho Công ty Bảo hiểm Liên hợp của Vương quốc Anh một cách thuận lợi, và công ty này cũng là do gia tộc Rothschild đứng tên.

Sau khi toàn bộ bộ tài liệu pháp lý bí mật được các cấp thẩm quyền ở Vienna và Bồ Đào Nha chính thức công nhận, trong tình huống mà không ai hay biết, việc ký kết đã được hoàn tất. Sau khi tất cả các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng tài sản có hiệu lực, Đức Quốc xã phát hiện ra khối tài sản của gia tộc Rothschild ở Áo mà họ tưởng chừng đã nắm được trong tay giờ bỗng thuộc về gia tộc Rothschild của Anh, và họ đã để vuột mất khối tài sản khổng lồ. Khi hay tin, Hitler nổi cơn thịnh nộ, chỉ thị cho chính phủ Đức Quốc xã đe dọa Louis rằng nếu không bàn giao tài sản, ông sẽ bị giam giữ trong một thời gian dài.

Louis bình tĩnh nói với các sĩ quan Đức Quốc xã rằng những tài sản này không còn là của riêng ông, mà thuộc về gia tộc Rothschild ở Anh. Nếu Đức Quốc xã muốn mua những tài sản này, họ nên liên hệ trực tiếp với phía London. Chính phủ Đức Quốc xã bất lực và phải đề xuất một cuộc trao đổi. Nếu Louis muốn được tự do, ông cần phải làm một số việc cho họ. Louis chẳng buồn nghĩ ngợi gì nhiều, thẳng thừng từ chối yêu cầu của chính phủ Đức Quốc xã một cách khinh miệt. Ông nói với Hitler rằng nếu Đức Quốc xã muốn sở hữu những tài sản này, họ chỉ có thể đàm phán thông qua gia tộc Rothschild của Anh. Lúc này, Hitler không muốn có một cuộc đối đầu trực tiếp với phía Anh, thế nên đành phải hạ giá, đề xuất rằng miễn Louis giao nộp 2 triệu bảng thì ông có thể rời đi.

Nghe điều kiện ấy, phía Anh lập tức trả 2 triệu bảng. Hitler ký lệnh phóng thích sau khi nhận đủ tiền. Hôm đó, Louis vừa ăn tối xong và đang nghỉ ngơi, các sĩ quan Đức Quốc xã bỗng nhiên bước vào để thả ông ra. Louis uể oải đứng dậy và nói với sĩ quan Đức Quốc xã rằng giờ đã quá muộn, ông quyết định sẽ ở tù thêm một đêm nữa rồi hôm sau sẽ đi. Nói xong ông lên giường đi ngủ. Các sĩ quan Đức Quốc xã không có lựa chọn nào khác, đành chờ Louis ngủ dậy rồi mới thả đi.

QUYỀN THUẬT CỦA HITLER

Từ cách Hitler lên nắm quyền và giải cứu cuộc khủng hoảng kinh tế cho thấy ông ta không phải là một kẻ điên và phi lý như mọi người thường nghĩ. Ngược lại, với tư cách là một chính trị gia, Hitler có quyền thuật chính trị khá cao.

Ông ta coi trọng tư tưởng của Feder và công nhận một cách chân thành những lý thuyết này, nhưng cuối cùng lại chọn Schacht, người không cùng chung chí hướng với mình làm Bộ trưởng Kinh tế, đó là bởi Hitler hiểu Schacht là người có ”hậu thuẫn phía sau”. Giai đoạn đầu Hitler lên nắm quyền, nền kinh tế điêu tàn, thất nghiệp trầm trọng, xã hội bất ổn và chính quyền rối loạn. Lúc này, ông ta phải nắm bắt lấy thế lực của các chủ ngân hàng quốc tế, không để lộ mục tiêu chiến lược thực sự của mình quá sớm, để tránh rơi vào tình cảnh “chưa đến chợ đã tiêu hết tiền”. Hitler sử dụng tài năng tài chính của Schacht, nhưng vẫn luôn giữ tâm lý cảnh giác với ông.

Mặc dù khi mới lên nắm quyền, Hitler đã sử dụng chủ nghĩa bài Do Thái làm khẩu hiệu chính trị, nhưng trong hoạt động thực tế của chính sách, việc trao đổi lợi ích vẫn thường xuyên được tiến hành. Kế hoạch Haavara diễn ra như vậy, việc đối xử với Louis ở Áo cũng diễn ra như vậy, việc tiếp xúc bí mật với Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái mà tôi đề cập đến trong chương sau cũng diễn ra như vậy.

Gia tộc Warburg, với tư cách là người Do Thái, đáng lẽ đã bị Đức Quốc xã bức hại, nhưng ngân hàng gia tộc của Warburg ở Đức vẫn hoạt động như thường lệ vào năm 1938 – 5 năm sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, và cũng thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Không chỉ vậy, Max Warburg còn là Giám đốc của Ngân hàng Trung ương Đức dưới trướng Hitler và là Giám đốc của tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Đức – IG Farben, và mãi đến năm 1938 ông mới di cư sang Hoa Kỳ. Hitler không muốn đánh rắn động cỏ, phơi bày dã tâm của mình quá sớm để khiến các chủ ngân hàng quốc tế cảnh giác, vì vậy ông ta chưa từng đụng đến Max.

Cho đến khi Hitler kiểm soát được cuộc khủng hoảng kinh tế, thực lực của Đảng Quốc xã trở nên vững vàng và chuẩn bị phát động một cuộc chiến tranh ở châu Âu, ông ta mới bắt tay vào thanh toán thế lực của các chủ ngân hàng quốc tế. Ông ta đuổi Max đến Hoa Kỳ năm 1938, sang năm 1939 thì miễn nhiệm Schacht và giải tán hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Đức.

Hitler biết rằng mình đang bị các chủ ngân hàng quốc tế lợi dụng, nên đã tương kế tựu kế. Trong lúc khiến cho đối phương cảm thấy rằng mình rất ngoan ngoãn, ông ta sẽ tranh thủ thời gian và điều kiện âm thầm thực hiện kế hoạch của mình. Trong quá trình thiết lập cỗ máy chiến tranh hùng mạnh của Đức, để tung hỏa mù với giới cầm quyền Anh, ông ta luôn miệng rêu rao rằng không đội trời chung với Liên Xô, do đó đã nhận được “chính sách xoa dịu” của Chamberlain, ngay cả khi ông ta xua quân tấn công Ba Lan vào tháng 9 năm 1939, lực lượng liên quân Anh - Pháp ở mặt trận phía Tây vẫn còn đang lặng lẽ chờ Hitler sau khi xâm chiếm Ba Lan sẽ tiếp tục tấn công Liên Xô. Nào ngờ Đức và Liên Xô lại cùng nhau chia cắt lãnh thổ Ba Lan, sau đó bất ngờ tung đòn hồi mã thương, đột kích thẳng về phía Tây, vây chặt 330.000 quân Anh và Pháp tại bãi biển Dunkirk, trong thời khắc quan trọng trước khi hạ lệnh tận diệt liên quân Anh - Pháp đang không có lối thoát, Hitler bất ngờ ra lệnh cho quân đội tiền tuyến ngừng phát động cuộc tấn công cuối cùng, cho lực lượng Anh Pháp một con đường sống. Đây là một trong những nghi án lớn nhất trong Thế chiến II. Nhiều nhà sử học quân sự tin rằng Hitler đã phạm phải một sai lầm quân sự nghiêm trọng. Thực tế, Hitler đã phạm phải căn bệnh ngây thơ chính trị.

Từ sâu trong tâm khảm, Hitler là một người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ. Mục đích của việc đánh quỵ quân Pháp là để trả mối thù của Hòa ước Versailles. Ông ta không muốn và không thể tỏ ra quyết liệt với các chủ ngân hàng quốc tế, vì vậy đã cho liên quân Anh - Pháp một con đường sống, đồng thời cấp một vùng đất nhỏ ở phía Nam nước Pháp cho “Chính phủ Vichy”. Ý tưởng của Hitler là vừa báo thù vừa cho mình một đường lùi, sau đó tiến quân về phía Đông để tiêu diệt Liên Xô, kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên rộng lớn của Liên Xô ở phía Tây, sau đó đọ sức với liên quân Anh - Mỹ. Ném bom nước Anh không gì khác hơn là một hành vi uy hiếp mang tính côn đồ, cố gắng nâng cao vị thế đàm phán chia chác của Đức với đế chế thực dân cũ. Do đó, vào trước thời điểm diễn ra cuộc chiến chống Liên Xô, Hitler đã gửi phó nguyên thủ quốc gia của Đảng Quốc xã – Rudolf Hess tới Anh để bí mật đàm phán hòa bình. Các điều kiện được Hitler đưa ra là trả lại lãnh thổ của tất cả các nước Tây Âu bị chiếm đóng và bù đắp chi phí xây dựng lại các quốc gia này. Đức sẽ chỉ phái lực lượng cảnh sát đến các quốc gia này và ký hiệp ước hòa bình với Vương quốc Anh. Sau đó tấn công Liên Xô, yêu cầu Vương quốc Anh đảm bảo duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ. Khi Hess ngồi trên chiếc máy bay chiến đấu mới nhất để nhảy dù ở khu vực Scotland của Anh, ông ta đã bị dân quân địa phương bắt giữ. Sự tình bại lộ và dư luận Anh phản đối kịch liệt.

Tính toán của Hitler là không tồi, nhưng ông ta đã phạm phải một “đại kỵ trên giang hồ”. Trong mắt các chủ ngân hàng quốc tế, Hitler đã hoàn toàn mất kiểm soát vào thời điểm này. Một lực lượng quân sự mạnh mẽ đến như vậy và phong cách làm việc không có điểm dừng trở thành mối lo ngại lớn đối với họ, thậm chí còn nguy hiểm hơn so với Liên Xô, thế nên bắt buộc phải hợp sức để tiêu diệt Hitler.

Kết quả, Hess bị giám định là một kẻ điên mắc chứng hoang tưởng ở Anh, và Churchill gọi điều kiện đình chiến của Hess là một buổi học về nghiên cứu tâm thần. “Bệnh nhân tâm thần” này đã bị cơ quan tình báo Anh giám sát nghiêm ngặt và không người ngoài nào được phép đến thăm. Trong phiên tòa xét xử ở Đức sau chiến tranh, Hess bị kết án phạm tội ác “chống lại hòa bình”, nhưng không phạm phải “tội ác chiến tranh” và “tội ác chống lại loài người”, tuy nhiên ông ta vẫn bị kết án tù chung thân, thậm chí đến những năm 70 của thế kỷ XX, sau khi hầu hết tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã được phóng thích trước thời hạn, Hess vẫn bị giam giữ trong tù. Mãi đến năm 1987, cụ già Hess khi ấy 93 tuổi đã leo lên chỗ cao, dùng một sợi dây điện để tiến hành một màn “tự sát” có độ khó cao. Và thế là, Hess – viên thư ký thân cận nhất đã theo sát Hitler trong toàn bộ quá trình từ khi Hitler viết cuốn sách Cuộc đấu tranh của tôi trong ngục tù cho đến khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, đã nhắm mắt mãi mãi.
 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3