Bông Sen Vàng - Chương 7
7.
Chị cử Sắc sửa soạn lên đèn. Chị nghiêng đầu ghé miệng thổi vào con cúi rơm ủ lửa; lửa cháy bùng ngọn cao quá gang tay. Chị châm vào đèn, cả gian nhà sáng bừng. Chị lại vùi con cúi rơm vào tro, lửa âm ỉ cháy. Chị vừa quét dọn vừa thầm đuổi theo những điều nghĩ ngợi không mạch lạc: ở nhà các quan to, các nhà hoàng tộc có những đồ dùng thật lạ mắt do đám quan Tây biếu nhân ngày đại khánh nước Pháp, ngày Tết, ngày lễ thọ tiết. Lạ nhất là cái hộp đựng lửa mà không hề có lửa trong đó. Cái hộp vuông vuông nho nhỏ như một thỏi vàng vó, trong đựng những que tăm có đầu nụ màu nâu sẫm. Mỗi lần lấy lửa chỉ cầm cái tăm ấy quẹt vào một bên cái hộp là xòe lửa lên, tiện lợi vô cùng. Đi gần đi xa đều đem theo dễ dàng; lúc đêm hôm để cái hộp lửa ấy bên người, trong túi áo không sợ hỏng, sợ cháy chi cả! Lại còn cả cái món giống như khối bánh đúc mà lại giặt sạch, giặt trắng quần áo, không cần phải dùng bồ hòn, bồ kết hay lá đu đủ. Họ gọi bằng cái tên rất lạ "xa vông" hay là "xà vồng" hoặc "xà bông", "xà phòng" chi đó.
- Nhà ơi! Anh cử Sắc gọi vợ (chị cử Sắc thưa một cách thảng thốt vì còn mơ mơ màng màng) - Anh nho mời mình lên nói chuyện ở ngoài quê, mình ạ.
Chị cử Sắc lên nhà, cầm theo cái đĩa đèn, đặt vào đế trên cái cọc đèn ba chạng. Chị ngồi xuống chiếc ghế thấp, gần cửa, nói:
- Từ lúc anh nho đến, tôi mừng quá nhưng còn bận tối mắt. Anh xá lỗi cho nhá.
- Chị cử lại coi tôi là khách rồi. Anh chị lo liệu việc cúng giỗ thầy mà tôi lại chẳng giúp được chi. Đó mới là điêu tôi có lỗi với anh chị.
- Ấy chết. Anh nho đừng nghĩ rứa. Anh đến với vợ chồng tôi lại trùng hợp với ngày giỗ cha còn có chi quý hơn sự hạnh ngộ ni, hả anh. Thiên lý tha hương ngộ cố tri - Anh nho San, anh cử Sắc cười vui vẻ.
- Nhà tôi - anh cử Sắc tiếp lời vợ - Nghe tin anh vô Kinh, nhà tôi giục tôi đi tìm gặp anh bằng được. Cháu khiêm, cháu Côn cũng mừng rối rít giụccha đi đón chú nho San.
- Hai cháu đi mô rồi chị? - Phan Bội Châu hỏi.
- Dạ, tôi sai hai cháu đi qua bên xóm có chút việc ạ. Có lẽ các cháu cũng sắp về, anh ạ.
- Tôi mừng cho anh chị, các cháu ngoan lắm. Mới vài ba năm xa, gặp lại mà thấy các cháu lớn hẳn ra. Tôi từng nói với anh cử: Cháu Côn là đứa có thiên tư đặc biệt từ năm cháu lên ba, sau khi thầy của chúng ta từ trần. Nay gặp lại cháu, tôi càng tin sự tiên cảm ấy hoàn toàn đúng. Mới ban trưa nay, lúc các bạn học của cháu chưa đến, tôi ngồi trò chuyện với cháu càng thấy sự thông sáng, tinh anh của cháu mà giật mình! Vì năm lên bốn, lên năm, tôi đã được mẹ dạy thuộc khá nhiều câu, nhiều đoạn trong sách Luận Ngữ, Kinh Thi... Lên sáu tuổi tôi chỉ học có ba hôm là thuộc làu cả quyển Tam Tự Kinh. Thấy lạ, cha tôi liền cho học sách Luận Ngữ ngay. Nên chi, bảy tuổi, cái tuổi nhìn trời bằng vung tôi đã viết "Phan tiên sinh Luận ngữ".
Nay thấy cháu Nguyễn Sinh Côn đang ở cái tuổi của tôi ngày ấy mà cháu còn thông mẫn...
Anh Sắc nói:
- Ngày ông ngoại cháu còn sống cũng thường căn dặn tôi, nếu cần không nhận dạy cho bất kỳ một lớp nào để chuyên tâm cho việc dạy cháu Côn học với trọng trách: dưỡng tinh súc nhuệ.
Chị cử Sắc nói đượm vẻ vui về con vừa lo cho con:
- Nói giấu có anh nho, cháu Côn của chú nó sáng dạ, lanh ý, mau biết đến cả việc mà người lớn lắm khi chưa kịp nghĩ tới, tôi cũng lo, anh ạ.
- Mỗi lần tôi sang làng Chùa thăm bà, lần nào bà cũng nhắc đến chuyện nhớ cháu Côn trước nhất. Bà cũng hay nghĩ ngợi, lo lắng: "Những đứa trẻ khôn trước tuổi thường khó nuôi hơn là những đứa con ăn no ngủ kỹ chẳng nghĩ lo chi..."
- Của đáng tội, vì việc học hành của cháu mà mẹ tôi phải đứt ruột để cháu Côn vô Kinh với vợ chồng tôi. Ngày còn ở nhà, bà chẳng rời cháu lấy nửa bước, anh ạ.
- Con cá lớn phải vùng vẫy nơi biển cả chứ không thể nhốt trong lòng sông được - Anh cử Sắc nói.
- Đúng. Anh chị sớm nhận ra điều ấy. Đến nay tôi vẫn chưa mở đươc cho mình một cái cửa đi ra biển. Tôi vô Kinh lần ni cũng là chuyến đi...
Chị cử Sắc thở dài:
- Tôi đã nghe nhà tôi nói việc anh bị nạn trong thi cử!. Thật là, "học tài thi phận!".
Phan Bội Châu nhíu cặp lông mày lưỡi mác, bàn tay đỏ son đỡ lấy cái cằm vuông râu dày hớt bằng, mắt nhìn chị cử Sắc, giọng nói thanh thản, tự tin:
- Con người có số phận nhưng còn có "nhân định thắng thiên" chị cử ạ.
Thôi, chuyện cái án "Hòa hiệp văn tự, chung thân bất ứng thí" của tôi rồi sẽ bàn định với anh cử và một số bằng hữu hiện ở kinh đô. Để thì giờ tôi thưa chuyện với anh chị về tin quê nhà. Tôi có ý định để dành nói với anh chị tin vui lúc ấm cúng như lúc nầy.
Anh cử Sắc nhìn vợ cười ý nhị, nói:
- Mình thấy chưa, cứ băn khoăn anh nho San vô mà mẹ lại không nhắn gửi chi, cái Thanh, dì An cũng lặng bặt hẳn?
Chị cử Sắc cười trừ:
- Nhà phải khen tôi nghĩ đúng chứ. Anh nho rất ý nhị đã dành cho chúng ta một niềm vui tưởng như không có, thì càng vui hơn gấp bội.
- Chị cử sâu sắc lắm. Chả thế mà chị em phường vải ở quê vẫn tiếc không có chị ở nhà để "bẻ chuyện" cho họ hát ví. Từ ngày chị vô Kinh, làng Chùa vẫn chưa có ai bẻ chuyện suông lời dễ hát và thâm thúy bằng chị.
- Dì An nó cũng đối đáp mau lắm chứ anh nho.
- Sao bằng chị được.
Phan Bội Châu lấy cái khăn gói trên bàn kê sát phía vách. Anh mở khăn, bưng cái tráp gỗ sơn đen nho nhỏ lớn hơn chiếc gối mây. Anh cầm trên taygần một gang những đồng bạc trắng, nói:
- Bà gửi cho anh chị.
Vợ chồng anh cử Sắc bồi hồi, cả hai người môi rung rung cố nén xúc động. Anh cử Sắc nói tiếng trầm lắng:
- Sống gần trọn đời, mẹ tôi nhịn miệng cho chồng, rồi cho con, lai nhịn miệng nuôi cháu.
Chị cử Sắc tiếp lời chồng:
- Mùa màng vừa rồi khá không mà cụ gửi cho chúng tôi nhiều ri, anh nho?
- Bà nói với tôi là anh cử lại sắp thi Hội, cần có tiền để chi dùng. Vụ mía năm rồi rất tốt, bà kéo được những năm chum mật. Cánh nhà buôn dưới Vinh lên mua sỉ làm bánh kẹo bán Tết nên bà có được món tiền kha khá. Bà rất khỏe. Bà dặn anh chị đừng nghĩ ngợi chi việc ở quê nhà, cốt lo việc đèn sách thi cử của anh và việc đèn sách của hai cháu. Bà vẫn dặn đừng để cháu Côn học quá sức của nó mà sinh ốm về sau dưỡng không lại. Bà cứ thở dài mỗi lần nhắc đến cháu Côn.
Chị cử Sắc rơm rớm nước mắt. Anh cử Sắc rót thêm chén rượu vào chén, cầm lên tay đặt vào tay Phan Bội Châu. Anh cũng nâng chén lên nhấp một tý rượu. Phan Bội Châu giọng vui hơn:
- Cô An lớn hẳn lên, đẹp nhất làng Chùa rồi. Tôi nói trêu: O rồi sẽ đẹp bằng chị Loan đó.
O ấy lắc đầu ngoay ngoảy: "Em chỉ bằng cái gót chân chị Loan của em thôi".
Chị cử Sắc đỡ lời:
- Cái con nhỏ ấy chỉ ... nói...
Anh cử Sắc hỏi vui:
- Đã có đám mô nhìn ngó em nó chưa anh nho?
- Nghe bà mách đã có tới bảy tám nơi đến xin chạm ngõ. Nhưng bà đợi ý kiến của anh chị đó. Còn bé Thanh của anh chị thì... ra dáng một o thiếu nữrồi. Nó quấn quít với tôi dặn đi dặn lại: Chú vô thưa dùm với cha mẹ cháu là kỳ thi Hội tới cha cháu chiếm được bảng vàng hay lại học tài thi phận thì cha mẹ cũng trở về quê thôi. Cháu nhớ cha mẹ, nhớ hai em, nhiều đêm nỏ ngủ được... Nghe bé Thanh nói vây, bà mắng luôn: Cháu chớ nói dại. Việc học hành thi cử của cha cháu là chuyện hệ trọng, bà cháu mình mắt thịt người trần biết mô mà bàn hả cháu - Cả ba người cười cởi mở.
- Tội nghiệp - Chị cử Sắc nói - Cháu nó nhớ quá vì vắng cha mẹ, xa hai em đã ba năm chứ ngắn ngủi chi.
Có tiếng đàn môi từ ngõ - Anh Sắc nhìn vợ nói:
- Có lẽ bé Khiêm đã về đó mình - Chị cử Sắc khẽ gật đầu, đứng dậy nói với Phan Bội Châu:
- Anh nho cứ an tọa nhá. Nhà tôi hầu chuyện anh sáng đêm được. Tôi xin phép xuống nhà xem các cháu đi công việc về chưa.
- Đa tạ chị cử. Chị cứ tự nhiên, đừng coi tôi như khách. Chị cứ đi - Phan Bội Châu giọng tha thiết bâng khuâng:
"Nghệ An bằng hữu lai vấn án, nhất phiến đan tâm ký thác tâm".
Chị cử Sắc chắp tay trước ngực, hơi cúi chào Phan Bội Châu:
- Dạ. Thưa anh, trong hoạn nạn mới rõ bạn đá vàng ạ.
Chị cử Sắc cầm đèn ra sân. Khiêm đã về đang rửa chân mò trong tối. Chị cử Sắc soi đèn ra cái vại nước. Khiêm múc thêm một gáo nữa dội tiếp vào đôi guốc mỏ cong cuốn xỏ quai mây. Chị cử Sắc hỏi con:
- Em nó về chưa hả con?
- Dà ạ. Chưa mẹ ạ. Vừa lúc Khiêm trả lời mẹ thì Côn núp trong bóng tối chạy ra "vồ" vào lưng mẹ, "hù" một tiếng! Chị cử Sắc hơi giật mình. Côn cười sằng sặc. Chị cử Sắc mắng yêu con:
- Các con lừa mẹ kiểu ni có ngày mẹ ngã lăn ra thì có mà khóc ráo nước mắt, nghe không.
- Bé Côn nó bày ra cái trò ấy đó mẹ ạ.
- Mẹ cũng thừa biết là Côn rồi.
- Con - giọng Côn nũng nịu - con... con biết mẹ cứng bóng vía thì con mới chơi cái trò "rình vồ".
- Các con rửa chân tay rồi lên nhà học bài. Nhớ để ý khi cha sai bảo gì nghe không. Mẹ đi nằm nghỉ lưng một lát đây.
- Cả ngày ni mẹ chưa ăn chưa nghỉ chi cả! - Côn nói, nhìn theo mẹ đi vào buồng, vẻ lo lắng đọng trong đôi mắt trẻ thơ!
Chị cử Sắc đặt lưng xuống giường êm ái mà lòng nặng trĩu nỗi nhớ mẹ già, nhớ con gái, nhớ cô em út, ba mẹ con bà cháu đang sống trong cảnh heo hút không tiếng đàn ông. Hình ảnh mẹ, bà Hoàng Xuân Đường tóc ngả màu sương đứng bên gốc cây thị trước ngõ nhìn ra cánh đồng xa tít mắt ngóng đợi tin con... Đàn gà ríu ra ríu rít kiếm ăn dưới các gốc cây trong vườn... Mái nhà tranh như hai cánh chim ấp ủ dưới bóng tre dìu dịu lam xanh. Đứa con gái bé, Nguyễn Thị Thanh, tuổi mười bốn mười lăm, ngồi trong chiếc thuyền thúng đủng đỉnh hái sen trên ao vắng lặng... Đứa em gái, Hoàng Thị An, xấp xỉ đôi mươi, ngồi bên cửa sổ đầy ánh trăng suông mà một thời tuổi hoa chị thường ngồi dệt vải thâu canh... Rồi từ xa thẳm của tâm hồn chị dậy lên những câu thơ Kiều in sâu trong trí nhớ: "... Đoái trông muôn dặm tử phần... Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa... Xót thay Huyên cõi Xuân già... Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi...!".
Khiêm và Côn vào chào Phan Bội Châu và được cha cho ngồi bên cạnh hầu rượu. Khiêm ngồi hơi khuất sau Phan Bội Châu. Côn ngồi lùi xuống thấp hơn vị trí cha và bạn của cha.
Phan Bội Châu nhìn cử chỉ lễ phép, có ý tứ của Côn và Khiêm liền chìa tay về phía chỗ trống:
- Cha các cháu cho phép các cháu rồi, chú mời cả hai anh em ngồi lên trên ni cho ấm cúng.
- Chú miễn cho, các con ngồi lên đây. Khiêm đứng khoanh tay thưa:
- Dạ, thưa cha, thưa chú, con bị váng đầu từ chiều. Con xin phép cha, xin phép chú cho con được đi nghỉ sớm ạ.
- Chắc con bị cảm, do dầm nước từ sáng sớm, lại chạy ra chạy vô dưới nắng.
Phan Bội Châu cầm tay Khiêm xem mạch, sờ trán... - Cháu bị cảm thời khí, anh cử ạ, nhưng nhẹ thôi - Phan Bội Châu nói. Ông mở luôn cái tráp đặt bên canh lấy gói thuốc viên ra đưa cho Khiêm một gói nhỏ, nói:
- Tôi hoàn tán mấy thứ thuốc mang đi đường, anh cử ạ.
- Ngày nọ, vợ chồng tôi vô đây cũng phải mang đủ các loại thuốc phòng.
Lại còn phải lo cả những thứ thuốc bệnh ấu nhi, vì ngày đó cháu Khiêm mới lên bảy, cháu Côn lên năm. Hiện trong nhà có sẵn thuốc cả anh ạ.
Phan Bội Châu giọng rất vui với Khiêm:
- Cha cháu là một ông thầy thông y, bác vật và cũng có sẵn thuốc trong nhà. Nhưng cháu uống mấy viên thuốc cảm thời khí ni của chú để lấy "khước", nghe không cháu... Nhớ uống với nước chè âm ấm, cháu ạ.
- Dạ, cảm tạ chú - Khiêm đáp rồi đi vào nhà trong.
Côn đỡ lời anh:
- Chúng cháu được lấy cái "khước" (lấy may mắn) của chú thì thích quá.
Chú nổi tiếng "vua" chữ, "vua" thơ phú, "vua" bẻ chuyện hát ghẹo (ví) rồi vua... - Côn ngập ngừng - Vua... vua...
Phan Bội Châu gạn hỏi: - Cháu định nói vua chi nữa?
Côn cười hồn nhiên, thưa:
-... Chú có nhiều thứ vua cháu không nhớ hết được ạ.
- Ai nói chú có nhiều thứ vua với cháu?
- Dạ thưa chú, bà ngoại cháu, mẹ cháu, cha cháu, dì An cháu, rồi cả quan lớn, quan nhỏ người Nghệ Tĩnh đến đàm đạo với cha cháu đều nhắc đến tài hay chữ của chú và nhiều thứ tài khác như cháu vừa kể. Cháu cũng thích tôn chú là Vua. Tiếng Vua là của cháu, chú ạ.
- Bà ngoại cháu, cha mẹ cháu và nhiều người thương mến chú mà dành cho chú những danh hiệu đẹp ấy. Thực tình chú không có nhiều điều "hay"
như cháu vừa kể ra đâu, cháu ạ. Cháu cũng vì quá yêu quý chú, tôn chú là"vua" của bao nhiêu thứ. Trái lại chú đang sống dở, chết dở do sự "ngông", sự "cứng đầu" của mình.
- Cháu nó chẳng những nghe lời người lớn nói mà tự thân biết, anh ạ Anh cử Sắc nói.
- Đúng. Cháu Côn có thiên tư: Lãnh noãn tư tri.
Anh cử Sắc nhìn con trìu mến nói:
- Con xin phép chú, đi học bài. Cần con giúp việc chi, cha sẽ gọi.
Côn lễ phép nói:
- Thưa chú, cháu xin phép chú, cháu đi học bài ạ.
Phan Bội Châu đặt bàn tay nhẹ nhàng lên vai Côn và hai mắt nhân từ của ông in vào đôi mắt tinh anh của Côn:
- Chú cháu ta khác nhau về tuổi tác, nhưng đều cùng trong một thời Tổ Quốc suy vong, anh hùng mạt lộ. Chú cũng đang học, cha cháu cũng đang học, cháu đang học, còn phải học. Chúng ta học rồi phải làm sao đây rửa cho được cái nhục mất nước! Nói chuyện với cháu, chú biết cháu đã thuộc khá nhiều sách và hóa trong đầu cháu nhiều điều thông sáng. Chú mừng lắm. Chú nghe cha cháu nói, cháu đã học đến thuộc lòng bài "Ái Quốc", "Ái quần" chỉ trong vòng nhai tàn miếng trầu. Ôi! chú không ham thích các thứ "vua" như cháu kể ra ban nãy. "Túc dạ bất vong duy trúc bạch, lập thân tối hạ thị văn chương". Thực tình chú đeo đuổi việc thi cử để có được cái "bảng Hổ", "bảng Rồng", không vì danh lợi mà vì một mục đích khác cháu ạ. Nếu chú không có được "cái bảng" ấy thì liệu được mấy người nghe lời chú nói, theo việc chú làm? Chú nói thật lòng với cháu rằng, chú có một ham muốn vô độ, đó là: Cứu nước. Sống cho nước. Chết vì nước.
- Thưa chú, cha cháu cũng dạy cho cháu: "Thề cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh". Lẽ nào lại ham sống "sinh vi nô lệ sinh do tử, tử hữu tinh thần tử nhược sinh". Chú Hồ Tá Bang đã nói với cha cháu cái lời ấy.
Phan Bội Châu ôm choàng Côn vào lòng:
- Cháu... cháu... cháu của chú được lắm! Sống nô lệ là coi như đã chết.
Có tinh thần chết vì nghĩa lớn thì vẫn như còn sống mãi. Ngày chú còn đang tuổi vị thành niên, Tây chiếm xứ Bắc kỳ của chúng ta, chú ngồi trước đèn viết hịch"Bình Tây thu Bắc" cũng với một tinh thần như ngôn chí của cháu bây giờ.
Phan Bội Châu quay sang nói với anh cử Sắc:
- Ngôn vi tâm thanh, anh cử ạ! (lời nói tỏ bày ý chí trong lòng).
Anh cử Sắc cười:
- Cháu có triển vọng "ngôn hành tương cố" (nói đi đôi với làm). Tôi đặt nhiều hy vọng vào nó.
Anh quay lại nói với Côn:
- Con đến học bài đi.
Côn rót tiếp vào hai chén một tuần rượu nữa rồi đến bàn học.
Đêm tĩnh mịch.
Côn ngồi một mình trước đèn, mắt soi trên trang sách, thu hút từng chữ vào tâm trí. Phan Bội Châu vẫn còn nói chuyện với Nguyễn Sinh Sắc:
- Điều đáng quý ở cháu Côn, vừa thông minh đĩnh ngộ, vừa biểu lộ sớm cái đức tính "kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân"... Qua cử chỉ và lời nói của cháu trong việc cúng giỗ ông ngoại, đối với khách của bố mẹ, đối với bạn đồng môn, đồng lứa, thấy rất rõ cái đưc tính của cháu. Tôi đã kinh lịch qua những gia đình thuộc các giòng họ lớn, có tiếng anh thư thế phiệt, nhưng chưa gặp một cháu nào hội tụ những manh nha hứa hẹn như cháu Côn của anh chị. Anh chị đưa cháu vô đây ăn học là đúng sách rồi.
- Vâng, đất Thần kinh mà. Ở đây cháu nó được nghe nhiều điều mà cũng thấy được tận mặt nhiều việc. Chỉ riêng cái việc nước Pháp cai trị nước mình, áp đặt dân mình thì ở đây mặt quan Tây lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật. Còn ở quê mình thì đám quan Tây núp đằng sau đám quan nha, lý dịch của Nam triều nên khó thấy tội ác từ cái đầu chủ mưu đến bàn tay đẫm máu của chúng. Mới đây, Toàn quyên Đông Dương bãi bỏ chính phủ Namtriều và nhập vào Tòa khâm sứ Trung kỳ! Vua hoàn toàn làm bù nhìn rồi.
Dụ, chỉ, chiếu... của vua ban chỉ là tờ giấy ma, còn nghị định của Tòa khâm của Toàn quyền mới là dao kéo xẻo thịt dân mình. Thuế thân, thuế ruộng, thuế đất, thuế muối, thuế rượu, thuế hàng bán sỉ, hàng bán lẻ, thuế môn bài, thuế hàng chuyến đều do Tây đặt ra và định mức.
- Chúng còn cho mở sòng bạc, tiệm đĩ, tiệm thuốc phiện để thu thuế anh ạ. Phố Vinh ở quê ta đã có dụ vua và nghị định Toàn quyền thành lập thị xã và cho mở các thứ tiệm. Giọng Phan Bội Châu buồn buồn - Bên cạnh chợ Vinh và gần cổng Chốt đã mọc lên "tiệm bình khang" anh ơi!
Hai người ngồi yên lặng, nhìn vào đêm tối mờ mịt. Côn rời khỏi bàn, đi rón rén đến rót tiếp rượu vào hai chén. Phan Bội Châu quay lại nhìn Côn, nói:
- Cảm tạ cháu.
- Bổn phận của cháu ạ.
Côn lại ngồi trước đèn tiếp tục học. Anh cử Sắc sửa lại thế ngồi, tựa cánh tay trên mặt gối, đầu kê gần Phan Bội Châu nói chậm rãi:
- Việc gỡ cái án "chung thân bất đắc ứng thí", có thể yên tâm được đó anh. Bữa nay, nhân chén rượu giỗ thầy chúng ta, anh làm quen được với cụ Thượng Tấn, các quan viện Đô sát, Quốc sử quán... người đồng châu với chúng ta, đó là điều rất thuận lợi. Vì tôi đã nói rõ sự việc của anh trước khi các cụ gặp anh. Đằng anh đốc Đặng đã giới thiệu kỹ về anh với quan Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh và quan Biên tu Nguyễn Thượng Hiền.
Phan Bội Châu vẫn ngồi yên lặng như pho tượng, mặt trĩu xuống, ánh mắt lấp lánh nỗi đau! Anh cử Sắc nói tiếp, giọng ấm, trầm lắng:
- Khi nói về anh, tôi thấy không một ai có gợn chút nghi ngờ tài đức của anh. Và người nào cũng biết tiếng anh một tài hoa phóng bút. Nên chi bất lợi trong việc thi cử của anh. Một bạn đồng khoa cảm phục tài văn anh, biết rõ cái "ngông" của anh nên mới chuyền bài sang lều cho anh, làm anh phải liên lụy, chịu can án cả đời không được thi cử nữa. Vậy thì, mọi người có hoàn cảnh, có điều kiện đều góp công góp sức vào gỡ cái án ấy cho anh. Gỡra cho anh là vì tấm lòng trong sáng của anh, vì mục đích cao cả của anh.
Như vậy, tất cả đều vì nghĩa lớn mà làm...
Phan Bội Châu xòe bàn tay đỡ lấy cằm râu, mắt long lanh nhìn vào ngọn đèn:
- Đa tạ anh cử đã cởi được những sợi dây vô hình nó trói chặt lấy tôi từ bấy lâu nay. Anh đốc Đặng cũng sẽ giúp đỡ tôi hết lòng về việc này. Ngài Nguyễn Thượng Hiền, ngài Khiếu Năng Tĩnh tôi đã yết kiến. Trong những ngày ở lại kinh đô, tôi đã xếp được một chỗ ngồi dạy học ở An Hòa. Vậy là chắc chân để lo cái việc hệ trọng đó. Tôi hiện còn ngại ngùng một chút về cụ Thượng Tấn. Một trọng thần. Đành rằng, khi cụ ngồi Tổng đốc ở tỉnh ta nổi tiếng thanh liêm, thương dân, dám làm phên dậu ngầm cho cuộc nổi dậy chống Tây của cụ Phan Đình Phùng... Hiện tại, cụ là Thượng thư bộ Hình và nghe nói cụ sắp ra Nghệ An ngồi ghế Tổng đốc An Tịnh lần thứ hai. Cụ ủng hộ việc xóa án "chung thân bất đắc ứng thí" thì ổn mọi bề, nếu cụ không thuận thì trở ngại lớn? - Phan Bội Châu gieo từng tiếng bâng khuâng - Thượng ... thư... bộ...Hình... Tổng đốc... An... Tịnh.
Nguyễn Sinh Sắc nói với Phan Bội Châu với khí sắc hào hứng và tự tin:
- Anh San ạ. Là người bạn vong niên của Đào Tấn, tôi nhận chân về cụ, một Đào Tấn Tổng đốc, Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hình, lại còn một Đào Tấn thi nhân, Đào Tấn nghệ sĩ tuồng, tác giả tuồng pho... Chúng ta hoàn toàn tin cậy quan Đào Tấn, một loại ông quan "tọa nha hành thiện".
Phan Bội Châu nhấp tí rượu, gật đầu, sửa lại vành khăn nói giọng rất sáng:
- Anh xét trên từng diện mạo về một con người. Đúng! Nhìn lại cuộc đời làm quan của cụ Đào Tấn, cụ ngồi ghế quan trường để làm việc thiện. Có thể tin được lắm!
Nguyễn Sinh Sắc nhấn từng tiếng:
- Tôi nói Đào Tấn thi nhân, không vì Đào Tấn làm được nhiều bài thơ, bút danh Mộng Mai, chép thành tập: Mộng Mai ngâm thảo. Mà vì thơ ông là tiếng lòng ông, tiếng lòng của những người chịu bao số phận ngang tráivà có cả tiếng thở dài của đất nước nữa! Chứ đời nay không ít kẻ ngồi ghế đầu triều làm thơ tán tụng mình, mị chuộc kẻ dưới, nhưng mắt người đời không dễ gì che kín hết được, anh ạ.
Phan Bội Châu nhấp hai tợp rượu liền, gật đầu tay đỡ lấy cằm râu:
- Rất... rất đúng. Ngụy bất yểm chân (cái giả dối không bao giờ che lấp được cái thật). Anh đã giúp tôi hiểu thêm cụ Thượng Tấn.
Nguyễn Sinh Sắc nói tiếp:
- Khi nhận định Đào Tấn tác giả tuồng, không vì cụ viết được nhiều vở tuồng đã dựng diễn ở nhiều nơi. Anh còn lạ gì Hoàng Cao Khải cũng viết tuồng, nghe nói tên Lê Hoan, Lê Đức nào đó cũng viết tuồng. Họ cậy thế quan to, bắt chép các vở tuồng của họ đưa về các nơi giao cho các trùm phường phải dựng diễn.
Phan Bội Châu nói tiếp luôn:
- Họ viết tuồng để bào chữa tội ác làm tai sai cho giặc, che giấu những âm mưu bẩn thỉu, đen tối của họ. Nghĩa là để xuyên tạc lịch sử.
- Còn Đào Tấn - Anh Sắc nói tiếp - Viết những vở tuồng lấy từ những tích truyện cổ của ta, của Tàu để làm sáng tỏ các tấm gương trung liệt, nghĩa khí, vạch tội bọn gian thần. Cụ chỉ dựa tích truyện cũ để nói gì với đời này, nhắc người đời nay phải làm gì đối với hiện tình đất nước - Anh cử Sắc nhấp tí rượu, giọng nói càng thêm tâm tình - Tôi có được nghe chuyện Vua Thành Thái xem tuồng: "Tiết Cương tế thiết khâu phần" của quan Đào Tấn, cụ Hường Ích, quan Thị lang bộ Lễ nói với tôi trong một dịp cụ xin tôi câu đối Tết.
- Cụ Hường Ích cũng biết tiếng anh có chữ thần, bút hoa à?
- Cũng là do cụ Thượng Tấn đó, anh ạ. Cụ Hường Ích rất chuộng chữ đại triện, lại ưa cả chữ lệ và cả chữ thảo. Cụ Thượng Tấn giới thiệu tôi với các đồng liêu. Cho nên, nhiều ông trọng thần đưa con đến nhờ tôi dạy. Tết năm nào tôi cũng gò lưng tôm vì cái nạn viết câu đối Tết. Hôm uống rượu khai bút tại tư dinh quan Thị lang Hường Ích, cụ kể nhiều chuyện hậu cung bí sử với tôi. Thấy chủ, khách giao hoan tâm đắc, cụ kể luôn chuyện cu Đào Tấnviết vở tuồng "Tiết Cương tế thiết khâu phần". Năm đó cụ Đào đang ngồi ghế Án sát tỉnh Bình Định. Cụ viết tuồng này với ý tưởng ngợi ca những bậc trung thần và người tiết nghĩa; lên án bọn gian thần xiêm nịnh dựa vào ông vua ngu dốt có máu hôn quân để hãm hại những tôi hiền. Tâm trạng cụ Đào lúc sáng tác vở tuồng này là sự giằng xé giữa nhân vật của nghê thuật sân khấu với những tên quan lại làm mật thám cho Tây, lộng quyền, mưu thuật, đang đầy rẫy chung quanh ông, ngồi trên đầu ông mà Trương Như Cương là tên hiểm độc số một, nhưng làm thế nào quất được roi tuồng vào giữa mặt hắn là một việc rất khó, rất nguy hiểm. Hắn là phụ chánh đại thần kiêm thượng thư bộ Lại vừa là cậu ruột của vua Thành Thái. Cụ Đào rất tài tình đã khéo chọn nhân vật lịch sử, một người tiết nghĩa, tên là Tiết Cương.
Ca ngợi Tiết Cương để đông đảo người xem thu lượm được bài học làm người. Nhưng cụ Đào lại dùng tên nhân vật Cương để mắng vào mặt tên hiện ngồi sau lưng Vua mà làm mật thám cho Tòa Khâm sứ Tây.
Phan Bội Châu cười, Nguyễn Sinh Sắc càng vui câu chuyện:
- Anh và tôi, chúng ta đều hiểu chuyện Tiết Nhân Quý là cha Tiết Đinh Sơn, cả hai cha con đều làm quan to, thuộc bậc trung hầu nhà Đường.
Nhưng bọn gian thần ghen ghét Tiết Đinh Sơn, dựng chuyện Tiết Đinh Sơn mưu phản nhà vua. Vua Đường liền bắt Tiết Đinh Sơn và vợ là Phàn Lê Hoa, khép tội "tru di tam tộc" (như Nguyễn Trãi dưới triều hậu Lê của ta Phan Bội Châu nói xen). Tiết Cương là con Tiết Đinh Sơn trốn thoát được, đã lên núi lâp một đảng, kiểu anh hùng Lương Sơn Bạc, chống lại nhà Đường. Sau khi giết vợ chồng Tiết Đinh Sơn, vua Đường còn gia tội: "thiết khâu phần". Tiết Cương từ trên núi đã đưa đồng đảng về phá "thiết khâu phân", giải thoát cho linh hồn cha mẹ mình. Cụ Đào chọn cái điểm này, điểm góc cạnh của câu chuyện để nói cái ý tứ của mình. Cụ đã dựng một cảnh đang đêm, tên lính hốt hoảng chạy vào báo với Tiết An, viên quan trấn thủ "Cấp báo... cấp báo... tên Cương về phá thiết khâu phần". Viên quan trấn thủ liên hỏi: "Thằng ... Cương... nào...?". Tên lính luống cuống thưa: "Dạ... Một... thằng... Cương... đó... đã làm khổ... thiên... hạ... rồi...
Quan... còn... muốn... mấy... thằng... Cương... nữa...?" Chi tiết này khôngăn nhập với nội dung vở tuồng, lại được đay nhân trong đối thoại, lại nói bốc trần ra, không chút màu mè văn vẻ gì.
Phan Bội Châu tấm tắc:
- Tuyệt. Rất tuyệt! Đường roi của tác giả trong vở tuồng rất rõ mà vẫn khép kín được.
Hai người lại nhấp tí rượu. Côn lại rót tiếp đầy hai chén bạch định. Phan Bội Châu hơi băn khoăn nói với Côn:
- Khuya rồi mà cháu cứ thức đuổi theo chén rượu của cha và chú à?
- Thưa chú, dễ chi có được một dịp cha cháu hầu chuyện chú để cháu cũng được hầu rượu ạ.
- Trẻ thơ như cháu mà "đôn hậu dĩ sùng lễ" (Bề dày của phúc là trọng điều lễ).
Nguyễn Sinh Sắc nói chậm rãi:
- Có sẵn gánh tuồng trong tay. Đào Tấn cho diễn liên tiếp vở "Tiết Cương tế thiết khâu phần" tại Bình Định. Tiềng vang của vở tuồng vang khắp Bình Định và mau chóng truyền rộng cả xứ Quảng. Chi tiết "Một thằng Cương đó đã làm khổ thiên hạ rồi... còn muốn mấy thằng Cương nữa?" được bàn tán sôi nổi trong giới quan trường. Tiếng gian ác của Trương Như Cương tại triều đình Huế bấy lâu chỉ rỉ tai trong một số các quan thanh liêm. Lần nầy, Trương Như Cương bị đông đảo khán giả của vở tuồng "Tiết Cương tế thiết khâu phần" dị nghị. Nhiều người hả dạ, thầm cảm tạ quan Đào Tấn đã nói hộ cho mình. Những tên mọt dân, những tên cõng rắn cắn gà nhà rất muốn kiếm chác nhân chuyện vở tuồng này, nhưng chưa tìm được cơ hội để thỉnh vào tai Trương Như Cương. Nhưng, ngôn dực trường phi (lời nói có cánh bay xa) tiếng tăm vở tuồng "Tiết Cương tế thiết khâu phần" đã thấu tai vua Thành Thái. Dĩ nhiên cũng đến cả tai Trương Như Cương. Thành Thái liền triệu Án sát Đào Tấn về triều với cả gánh tuồng, vở diễn "Tiết Cương tế thiết khâu phần". Những người thân của Đào Tấn, bằng hữu của Đào Tấn, các đồng liêu của Đào Tấn đều lo chosố phận Đào Tấn trong chuyến về Kinh bệ kiến này! Đào Tấn cũng lo, nhưng cụ lo lập ngôn tự ngã để giữ cho được kẻ sĩ trước uy vũ.
- Hay lắm - Phan Bội Châu nói - "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Là kẻ sĩ thì phải làm như vậy!
Nguyễn Sinh Sắc tiếp:
- Các đào, kép trong gánh tuồng lo lắm. Nhưng họ cũng tin theo người thầy tuồng của mình. Họ cùng cam kết: Thuyền đắm cùng cứu lấy thuyền hoặc cùng chết theo thuyền. Cụ Đào Tấn và gánh tuồng của mình về Kinh hôm trước, hôm sau quan Thị lang bộ Lễ đã báo ngày, giờ vào Duyệt Thị Đường (nhà hát của Vua) diễn tuồng "Tiết Cương tế thiết khâu phần", vua Thành Thái sẽ ngự lãm và các quan đại thần xem. Giờ khắc này vẫn còn có một số bạn đồng liêu của quan Đào Tấn khuyên với cụ nên bỏ câu hỏi "Thằng Cương nào?". Đào Tấn bình thản trả lời: "Tôi đã viết ra nhân vật, tôi có bổn phận với nhân vật của tôi. Và, gánh hát của tôi đã diễn trước dân chúng xem thế nào thì lại cũng diễn trước Vua như vậy".
Hai kép hát đóng vai quan trấn thủ địa phương và vai lính cấp bao có tên Cương về "phá thiết khâu phần" sắp đến lúc diễn lại còn hỏi cụ Đào Tấn:
"Thưa thầy, chúng con vẫn cứ lôi thẳng "thằng Cương" ra trước mặt tên Cương tại sân khấu cung đình ni chứ thầy?".
Đào Tấn cười, căn dặn họ: "Chúng ta là phận con hát, vì sự mua vui của mọi người. Anh em cứ bình tâm làm trò xứng với vai trò của mình".
Nhà hát Duyệt Thị Đường quan khách ngồi kín chỗ theo thứ tự phẩm tước. Vua Thành Thái ngự ngai, cầm roi chầu. Trương Như Cương ngồi ghế bành voi bên cạnh Vua. Tác giả Đào Tấn ngồi hàng ghế phía sau, gần cuối cùng. Không khí buổi diễn quá trang nghiêm càng gây sự hồi hộp, thấp thỏm cho tác giả và các kép hát. Đây là lần đầu tiên cả thầy, cả trò trong gánh hát tỉnh lẻ đặt chân lên cái sàn diễn trong cung cấm này. Tất cả các quan trong triều ngồi xem đều nghe tiếng nội dung vở tuồng Tiết Cương của Đào Tấn "có chuyện động trời" nên Vua Thành Thái đích thân cầm roi chầu để "thưởng phạt"!
Vở diễn càng gần đến phần Tiết Cương xuất hiện, sự hồi hộp trong người xem càng tăng. Đào Tấn thấy hàng trăm con mắt ở các phía nhìn mình. Vai Tiết An quan trấn thủ địa phương ra sân khấu. Tiếng trống chầu chào của Vua điểm, Đào Tấn gần như nín thở. Quan khách đều ngẩng đầu cao lên.
Vua Thành Thái đang ngồi tự tại, Trương Như Cương tựa tay lên thành ghế, đỡ lấy cằm, đầu xáp gần phía Vua. Từ sau màn, tên lính chạy ra sân khấu, một chân co, một chân quỳ, chắp tay bẩm báo giọng hơi run:
- Cấp báo... cấp báo có tên Cương về phá thiết khâu phân.
Quan trấn thủ cũng hơi run:
- Thằng Cương nào?
- Dạ bẩm! Một thằng Cương đó đã làm khổ thiên hạ. Quan còn muốn có mấy thằng Cương nữa?
Vua Thành Thái gõ vào tang trống ba dùi "cắc, cắc, cắc!" Trương Như Cương nhấc đầu ra khỏi bàn tay hắn và ngồi ngây người, mặt thẳng cán tàn.
Quan khách càng bồi hồi. Đào Tấn cảm thấy như hàng trăm mũi gai châm khắp người. Ba tiếng "cắc" là biểu thị của Vua nghe chưa thật rõ. Phải hát lại. Anh kép sắm vai lính đã mạnh dạn hơn lên, rống to:
- Cấp... báo... cấp... báo... có tên... Cương... về... phá... thiết khâu phần.
- Thằng... Cương... nào?
- Dạ... bẩm...một... thằng... Cương... Cương... đó... đã... làm... khổ...
thiên... hạ... Quan... còn... muốn... có... mấy... thằng... Cương... nữa!
Quan khách, kép hát, tác giả nén hơi thở căng bỏng! Trương Như Cương run bần bật, toàn thân như con vật thui trên lửa. Vua Thành Thái nâng dùi trống lên nhìn chếch sang Trương Như Cương đánh liền ba tiếng chầu khen ngợi! Tiếng cười tán thưởng và hả dạ đổ rào rào như trận mưa giông đầu xuân.
- Tài tình lắm! Thành Thái tài tình lắm! - Phan Bội Châu giọng sang khoái, vừa nói vừa nâng chén rượu ngang mày - chúng ta cạn chén rượu nầy mừng thầy tuồng Đào Tấn và các đào kép gánh hát của cụ. Chúng ta tỏ lòng kính bái một hành chỉ cao thượng của Đức vua Thành Thái!
Hai người trầm ngâm soi mắt vào đĩa đèn đã sắp cạn dầu, ngắn bấc. Côn lễ phép khoanh tay trước cha và Phan Bội Châu:
- Thưa cha, con đã trải chiếu, đặt gối xong, con mời cha, mời chú... - Côn chưa nói hết câu, Phan Bội Châu vì quá cảm kích trả lời ngay:
- Chú khen cháu, hay nói đa tạ cháu... đều vô nghĩa cả. Cháu đáng lẽ "kim nhật cát ngũ thành", chắc chắn sẽ là "minh nhật cát thập thành" (hôm nay thành năm, ngày mai thành mười).
Anh Sắc nhìn con ấu yếm:
- Con đi ngủ được rồi. Cha sẽ mời chú San lên giường nghỉ ngay bây giờ đây.
Phan Bội Châu cởi khăn, cởi áo dài khoác lên cái móc hình con bướm đính trên cột nhỏ. Anh cử Sắc khơi to ngọn đèn rọi ánh sáng cho Phan Bội Châu đi vào giường nghỉ, anh nói thêm với bạn:
- Đức Thành Thái là một ông vua có học vấn và yêu thích nghệ thuật tuồng của triều Nguyễn. Việc Đức vua ngự lãm cầm trống chầu để rồi khen vở tuồng Tiết Cương của Đào Tấn, ngầm nhắc cậu mình "phải vừa vừa chứ cháu cũng không bênh nổi cậu đâu". Đó là nhân cách của một kẻ sĩ, đâu phải sự ban thưởng của ông Vua. Phải không anh?
- Phải. Thành Thái xem tuồng với tư cách một thức giả chứ không hẳn là một hoàng đế, anh cử ạ.
- Quả sau lần diễn tuồng Tiết Cương ở Duyệt Thị Đường cụ Đào Tấn được phong từ Án sát lên Bố chánh. Cụ còn được vời về Kinh bổ nhiệm chức Hiệu thư, chuyên biên soạn các vở tuồng, sau đó không lâu, cụ được thăng Tổng đốc...
Phan Bội Châu, Nguyên Sinh Sắc cùng buột ra một tiếng thở dài giữa đêm trường!