Bông Sen Vàng - Chương 6

6.

Từ ngày vào kinh đô Huế ở, lần đầu tiên cậu bé Nguyễn Sinh Côn thấy cha mẹ làm mâm cỗ khá to cúng giỗ ông ngoại. Buổi tối ngồi học bài, Côn nghe lõm bõm cha mẹ bàn bạc:

- Mình nhớ công ơn cha từ nghĩa cả: Sinh thành và dưỡng dục. Với tôi, cha là người nuôi dưỡng, người tạo dựng cơ đồ cho, người thầy học dạy tôi từ lúc còn bập bẹ cho đến ngày tôi đứng vào hàng lều chõng.

Côn cảm thấy vui vui nghe mẹ cười nói với cha:

- Nhà lại phạm vào cái sách "trọng nam khinh nữ". Tôi là học trò của cha mà nhà lại chỉ nhận cho riêng mình được nhớ ơn nghĩa thầy là cái lý chi?

- Ờ nhỉ! Xin lỗi mình nhá. Mình là học trò của cha cho đến ngày có mang bé Thanh mới xếp bút nghiên. Vậy mà tôi đinh ninh chỉ có riêng tôi là thờ nhạc phụ với nghĩa thờ thầy nữa!

- Đàn bà... là đàn bà, dầu giỏi chữ mấy vẫn là phận đàn bà. Ở quê mình biết bao bà mẹ giỏi chữ, có công dạy cho con học từ sách "Đồng Ấu Ngũ ngôn thi" cho tới Tứ Thư rồi mới đi học tiếp với các thầy khác. Nhưng chẳng ai nhắc đến công người mẹ dạy chữ mà có nhắc đến thì cũng chỉ nhắc lấy lệ như sách Chinh Phụ Ngâm: "Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân". Rất may cho bà Đoàn Thị Điểm dịch sách của Đặng Trần Côn, bà huyện Thanh Quan có thơ đèo Ngang, bà Hồ Xuân Hương có thơ nhạo đời mới biết các bà là những đàn bà biết chữ, đàn bà có học!...

Anh cử Sắc vừa cười vừa nói:

- Chà! Mình bữa nay "luận tội" sự bất công ở đời khiến tôi cũng chột dạ đó.

Chị cử Sắc cười tủm tỉm. Rồi chị bàn bạc cụ thể với chồng việc cúng giỗ cha ngày mai.

Côn đến trước cha mẹ khoanh tay:

- Thưa cha mẹ, con đã học xong bài. Anh cử Sắc gật đầu nói:

- Cha mẹ cho phép con được đi ngủ.

Khiêm vẫn ngồi học cho tới lúc cha mẹ bàn xong việc giỗ chạp mới thuộc hết bài.

* Vừa tảng sáng, chú phó Tràng đã oang oang từ ngoài ngõ vào sân nhà:

- Em cứ ngỡ đến sớm ri bác cử chưa dậy. Té ra, em lại là người "trời sáng tưởng trăng mai".

- Mẹ con tôi cũng vừa mới dậy, chưa mần chi mô, chú ạ - Chị cử Sắc đáp.

- Bác đã có nước sôi chưa để em cắt huyết gà?

- Chưa chú ạ. Chú lên nhà uống trà với nhà tôi đã.

Anh cử Sắc ở nhà trên nói vọng ra:

- Mời chú vô đây uống trà nóng.

- Em tạ thầy cử - phó Tràng vừa sải mấy bước chân đã thấy bé Côn từ trong nhà chạy ra đon đả:

- Cha cháu mời chú vô uống nước. Mời chú vô nhà đi... Cha cháu đang đợi chú...

Vì tối qua học bài khuya Khiêm còn ngái ngủ đã chạy vội xuống bếp với mẹ.

Anh cử Sắc rót ba chén nước. Anh đưa Côn một chén:

- Con bưng xuống mời mẹ - Anh bưng tiếp chén nước thứ hai mời phó Tràng - Chú uống trà ạ.

- Thưa thầy cử - phó Tràng đón chén trà trên tay anh cử Sắc - Đời thợ của em ăn cơm uống nước từ trong cung cấm ra tới chủ tiệm tạp hóa chợ Đông Ba. Tay thợ em đóng ngai vàng, đóng ngăn, đóng hộp cho hàng xén, đóng cả cái ghế cho bà bán nước chè tươi ở quán bên đường. Nhưng em vẫn như một con chim bay sắp rã cánh mà chưa tìm được đất lành để đậu.

Lòng người bạc lắm. Sự đời lắt léo quá. Đường đời hiểm hóc và chông gai không một ai lường hết được - Chú uống nước kẻo nguội - Anh cử Sắc mời- Phó Tràng ngấp từng ngụm nhỏ như uống rượu. Anh vẫn giữ cái chén trong lòng bàn tay. Anh cử Sắc nâng cái ấm sành lên, phó Tràng liền chìa chiếc chén màu da lươn đón dòng nước tỏa hương chè sen thơm ngon.

Phó Tràng nhấp trà, nói một giọng trầm trầm khác hẳn thường ngày:

Tui nói ra, có điều chi sai, xin thầy xá quở cho.

- Đâu dám. Chú cứ tự nhiên - Anh cử Sắc đỡ lời.

- Từ ngay gia đình thầy cử vô đây, tui đươc làm người láng giềng, chạy đi chạy lại với ông bà, với hai cậu nhỏ, chừ lại được phép gọi các cậu là cháu, thân mật hiếm có lắm. Hiếm có thiệt tình. Có người biểu với tui:

Thầy cử là người Nghệ nên nhiều chữ và giàu nhân đức. Tui không hoàn toàn tin theo các quan niệm ấy. Tui hỏi họ rằng: Ở trong triều hiện còn có ông cử nhân người Nghệ lên đến chức Phụ chánh đại thần, Duyên Mậu quận công, suýt nữa là được phó vương trấn ở Bắc Kỳ do có công trung thành với Tây, giết dân chúng, đàn áp quân khởi nghĩa của quan Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật. Tui là người đất Thần kinh ni, đã nhìn thấy rõ mặt những ông quan, ông vua. Thật hay giả, thiện hay ác. Tui ra đời lúc Tây đánh chiếm cửa Hàn (Đà Nẵng). Ngày kinh đô thất thủ tui đã hăm sáu hăm bảy tuổi rồi. Gốc tổ của tôi ở Đà Nẵng, thầy cử ạ.

Anh cử Sắc đỡ lời ngay:

- Chúng tôi biết chữ, lẽ ra chúng tôi và hai cháu phải gọi chú bằng bác mới phải đạo.

- Không hề chi việc gọi chú hay bác, thưa thầy. Điều cốt tủy là cách đối xử giữa người với người, thầy cử ạ. Như tui vừa thưa chuyện với thầy đó.

Lòng người bạc lắm, hiểm lắm. Tui đã thấy, mắt tui đã nhìn rõ giữa thanh thiên bạch nhật chứ nỏ phải nghe ai kể. Đúng cái buổi sáng 23 tháng 5 năm Ất Dậu, quan tướng thân thần hộ giá Vua Hàm Nghi ra khỏi hoàng cung.

Kinh đô chìm ngập trong khói lửa. Tui cũng chạy loạn như mọi người.

Nhưng trong khi chạy, có những tiếng kêu cứu thất thanh giữa đám cháy.

Có người nhảy vô lửa cứu người. Tui không thể chạy dài thoát thân được đã nối gót những người đang cứu người bị nạn, tui lao qua một đống lửa,chui vô ngôi nhà đang cháy dở, cõng được một em bé gái, xốc nách kéo lê được một cụ già gần bảy mươi tuổi ra khỏi đám cháy. Bọn tui chạy ra khỏi cửa Thành. Trời vừa sáng bảnh, tui chợt nhìn ở đầu góc đường Hàng Bè có một người con trai trạc tuổi tui đang quỳ lạy một tên giơ gươm chém. Tui nép vô sát hè phố. Nghe rất rõ lời nạn nhân van xin: "Mình với ông là bạn thân, là Phấn Nghĩa quân của quan tướng! chớ giết mình! Mình đang còn một vợ, hai con. Ông về đầu thú Tây thì mặc. Mình nỏ khai ông với Tây mô. Mình mần ăn để nuôi con thôi"... Nhưng tên kia vẫn đâm, chém hàng chục nhát rồi bỏ chạy. Hắn chạy ngay qua mặt tui. Đến chừ tui vẫn còn nhận được mặt tên giết người ngày ấy. Tui nỏ dám vạch mặt hắn vì hiện chừ hắn đóng lon đội khố xanh giữ cửa cho sứ Tây bên tê sông. Người ta quen gọi hắn là đội Xuân!

Tên đội Xuân thường dắt Tây về các làng, các chợ nhà quê vây ráp, ức hiếp dân chúng. Người ta còn đồn rằng, hắn và một số tên nữa định cướp tài sản của ai liền ném bả rượu vô vườn người đó rồi đưa Tây về bắt "quả tang". Rứa là sạt nghiệp với hắn.

Anh cử Sắc ấp cái ấm trà nong nóng vào lòng bàn tay, mắt nhìn vào khoảng trống. Bé Côn đang quét dọn bàn thờ cũng dừng tay lại. Anh cử Sắc để cái ấm xuống, hai bàn tay anh đặt lên hai vai phó Tràng:

- Cùng một buổi sáng chạy loạn, một tên thì: sát bằng hữu thoát thân.

Còn chú thì lại: Sát thân thành nhân.

- Thầy cử ạ. Tui nghe tởm lòng dạ con người từ cái ngày đó. Tui lại trộm nghĩ: Cái hạng con tốt đen mà lòng nham hiểm đáng kinh tởm. Còn kinh tởm hơn là kẻ có tâm địa đen tối mà lại ngự trên ngôi thiên tử, hay ngồi trên ghế quan triều thì khổ cho muôn dân! Tui - anh đặt tay vào ngực mình Chính tui nghiệm thấy cái điều đó. Cha tui cùng với tui vô Nội, đục, đẽo, bào, gọt, chạm trổ ra cái ngai. Cái ngai bằng gỗ trăm phần trăm. Rồi mấy ông thợ sơn, phết sơn son lên, thếp vàng lên. Người ta phong cho nó cái tên: "Ngai vàng của Thiên tử". Rứa là cả trăm họ cúi đầu trước cái giá gỗ do tay cha con tui đóng. Cái tuồng đời phải vậy thì cứ coi là được đi. Vì người ngự trên cái ngai gỗ ấy là một hiền tài thật sự, dân đỡ khổ. Đằng ni,một tên vô lại được mang danh: hoàng tử lên ngôi do một tên ở Cơ mật viện sắp xếp thì là một đại họa cho giang sơn, cho nòi giống. Tui là người thợ mộc, tui có cách suy nghĩ của tui chứ. Ưng Lịch lên ngự trên cái giá của cha con tui đóng, xưng: Hoàng đế Hàm Nghi. Tui chưa vội nhận là đấng minh quân. Phải đợi cái đức sáng của Vua qua việc làm trước muôn dân, không thể tin ở các tờ dụ, tờ chiếu của Vua được. Đến lúc Vua Hàm Nghi cùng với quan thân thần, với các anh hùng hào kiệt và dân chúng cả nước quyết kháng chiến đuổi giặc Tây thì cái bụng tui sung sướng vô cùng.

Cho đến lúc Vua bị bắt đày đi biệt xứ, tui vẫn thờ Vua Hàm Nghi trong bụng của tui chứ đâu chỉ thờ Vua ở trên cái ngai gỗ tui đã đóng ra! Tui lại buồn tủi cho cái ngai của tui là Ưng Đăng lên ngôi hoàng đế Đồng Khánh.

Nếu cái ngai nó cũng nghe được như tui thì nó càng đau lòng khi ông chủ trị vị thiên hạ cầm bút "ngự phê những lời vàng sang nước mẹ Đại Pháp".

Và ông ta từ trên cái ngai này ban xuống:"Muôn dân hãy tin ở Trẫm. Trẫm sẽ ban những ân thưởng cho trăm họ. Trăm họ sẽ yên vui tọa lạc dưới bóng cây đại lộc của trẫm." Hỡi ôi! Ông vua nói khoác đã chết. Cái ngai tui đóng còn đó. Lời nói khoác và văn tự bán nước của vua sẽ còn lưu lại với hậu thế!

- Trong lịch sử có nhiều vua đã chết ngay khi đương kim hoàng đế. Lúc "băng hà" chẳng qua là để vùi cái xác vô đất mà thôi. Cho nên, những ông vua nói khoác chết cùng lúc với lời khoác lác khi đã lọt vao tai dân chúng.

Câu chuyện chú nói sáng nay, tôi càng yêu quý chú nhiều. Tôi chỉ dặn chú một điều nhỏ: nên giữ miệng. "Cảm nộ bất cảm ngôn" chú ạ.

Bé Khiêm từ dưới bếp chạy lên:

- Thưa chú, xôi chín rồi. Đã có nước sôi làm gà chú ạ.

- Rứa à cháu. Chú xuống ngay đây - Anh phó Tràng đứng lên xoa xoa hai bàn tay: Xin cáo lỗi thầy. Tui xuống nhà dưới đã ạ.

- Vợ chồng tôi vô đây nhờ cậy chú nhiều lắm.

- Ấy! Có đáng chi mô thầy. Tui được làm người thân tín của gia đình thầy mà cứ ngỡ mình nằm mơ vậy!...

Anh cử Sắc toan nói thêm một điều gì đó với phó Tràng, nhưng anh ta đã sải bước ra sân, khuất sau cánh cửa.

Côn quét dọn bàn thờ xong, xuống bếp. Thấy mẹ đang chăm chú dỡ xôi ra rá, hơi từ nồi chõ bốc mù mịt qua đầu mẹ. Côn đi rón rén đến sau lưng mẹ, hai bàn tay nhè nhẹ bịt mắt mẹ.

Chị cử Sắc nhoẻn cười:

- Côn, con tưởng mẹ nỏ nhận ra con à? Mẹ bận tối mắt, con còn bịt mắt mẹ cho tối thêm hả!

Côn cười trừ:

- Sao mẹ lại không nghĩ là anh Khiêm quấy rầy mà mẹ lại đoán ra con, hả mẹ?

- Làm mẹ thì phải biết tính biết nết từng đứa con chứ.

Đang hồn nhiên chơi trò "bịt mắt đố mẹ", Côn đột ngột gọi mẹ giọng buồn buồn:

- Mẹ ơi!

- Chi đó con?

- Hôm nay giỗ ông ngoại. Cha mẹ, anh Khiêm và con ở cả đây. Bà ngoại ở ngoài quê chỉ có dì An, chị Thanh, bà buồn nhớ lắm đó. Lúc ngủ dậy con nghĩ vậy, mẹ ạ.

- Ừ - Chị cử Sắc cũng đượm vẻ bâng khuâng - Bà ngoại của các con khi mô cũng nhớ con nhớ cháu cả. Những ngày giỗ chạp thì bà càng nhớ các con cháu đi xa vắng nhà.

- Ước chi con "hóa phép" một cái là bay về quê ở với bà, với dì và chị Thanh vài hôm; con lại hóa phép bay trở vô đây, mẹ nhể?

Chị cử Sắc cười:

- Con chưa hóa được phép để về thăm bà ngoại, thăm dì và chị Thanh của con mà biết nhớ đến là đáng khen rồi.

- Con hỏi mẹ một chuyện nhá!

- Con ra sau hè bê thêm củi vô cho mẹ rồi con hãy hỏi nhá.

Côn vác hai chuyến củi đã chẻ nhỏ đặt cạnh bếp đun cho mẹ. Côn định ngồi vào chỗ cũ, chị cử Sắc lại sai tiếp con:

- Côn ra múc một thau ni nước, bê vô đây cho mẹ đã.

Côn nhìn mẹ cười:

- Mẹ biểu con bê củi vô thì được hỏi chuyện mẹ kia mà.

- Chưa hết việc thì con còn phải giúp mẹ một tay đã chứ.

Côn cầm thau chạy ra vại nước. Chiếc thau đồng to, Côn phải khuỳnh hai cánh tay bưng khệ nệ vào đặt cạnh mẹ, vừa thở vừa hỏi.

- Còn việc chi nữa mẹ biểu con làm nốt để con ngồi bên mẹ được lâu, mẹ ạ.

- Còn nhiều việc nữa con ạ. Nhưng chưa cần làm ngay. Con định hỏi mẹ chuyện chi nào?

- Con... - Côn chớp chớp mắt - Con hỏi mẹ là: Ông ngoại lúc còn sống đã có lần nào vào kinh đô chưa, hả mẹ?

- Ông ngoại của các con mơ ước được trẩy Kinh một chuyến mà nỏ thành. Vì ông thi Hương hai lần không đỗ được cử nhân.

- Vậy ông có biết đường vào đây ăn cỗ cúng của con cháu không hả mẹ?

- Con có nhớ thương ông ngoại không?

- Con rất thương nhớ ông, mẹ ạ.

- Con rất thương nhớ ông. Anh Khiêm của con rất thương nhớ ông. Cha mẹ của các con đều rất thương nhớ ông, đó là con đường ông ngoại vô Kinh, con ạ.

- À!... giờ con mới hiểu ra những lần bà ngoại thường nói, mẹ ạ.

- Bà ngoại nói mần răng?

- Bà biểu, con cái ở đâu vong linh ông bà, tổ tiên ở đó.

- Rứa là con đã hiểu được đôi chút về đường liên lạc giữa người sống vơi người đã khuất. Giờ mẹ hỏi con nhá?

- Dạ, mẹ đố con à?

- Gọi là đố cũng được. Mẹ đố con là ông ngoại mất năm mô?

Côn nghiêng nghiêng đầu, mắt chớp chớp:

- Dạ... ông ngoại mất năm - Côn tính trên đốt ngón tay - năm Tỵ mẹ ạ.

- Giỏi, nhưng là chi Tỵ?

- Dạ, năm Quý Ty ạ.

- Con mẹ giỏi lắm. Con thử tính coi năm Quý Tỵ là niên hiệu chi?

Côn lại nghiêng nghiêng đầu, mắt chớp liên miên:

- Có phải... như cha con kể Vua Thành Thái lên ngôi năm Kỷ Sửu (1) không hả mẹ?

- Phải đó con.

- Vậy thì - Côn tính trên các đốt ngón tay - Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ...

Vậy là Thành Thái ngũ niên, phải không hả mẹ?

- Phải rồi. Ở ngoài quê ta, con biết không, các bà, các ông chẳng mấy người biết chữ. Rứa mà họ nhớ rành rọt ngày giỗ của hàng chục người thân.

Họ nhớ giờ sinh tháng đẻ của từng đứa con. Đến như loài chim còn biết nhớ đàn, nhớ tổ. Là người thì lẽ nào lại quên cả tổ tông, ông bà của mình?

Các con thường nghe cha nhắc về họ Hồng Bàng, về mười tám đời Hùng Vương, là nhắc các con phải biết nguồn gốc người mình, nước mình. Nòi giống ta là Tiên Rồng chứ mô phải từ cục đất, hòn đá hở con.

- Vậy giỗ các Vua Hùng ngày mồng Mười tháng Ba cả nước cúng, hả mẹ?

- Cả nước ai cũng nhớ ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Ai có lòng, thuận tiện việc đi lại, có tiền lưng gạo bị thì trẩy hội về đền Hùng. "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba". Ông cha đã đặt thành câu ca ấy để mọi người dễ nhớ, con ạ.

- Cha biểu đền Hùng ở đất Phong Châu, ngoài Bắc Kỳ, chắc là xa lắm lắm, mẹ nhể?

- Mẹ cũng chưa được đi tới đó con ạ! Chắc đường đất xa xôi lắm.

- Cha nói có người đến chùa lễ Phật, người đi đạo Công giáo đến nhà thờ cầu Chúa, mà ở nhà họ lại chẳng có bàn thờ cúng giỗ ông bà, cha mẹ. Cha biểu những người đó chẳng khác chi những kẻ miệng nói thương nòi giống, thương dân chúng cần lao đến cắt ruột, ăn không ngon, ngủ không yên, nhưng họ lai đuổi bố mẹ già ra ở xó bếp, chuồng trâu để họ ngủ trên sập chân quỳ, đệm gấm được ngon giấc.

Chị cử Sắc hơi đâm chiêu, giọng nặng trĩu:

- Những kẻ ăn ở không có đạo lý với cả người ruột thịt khi còn sống cũng như lúc hóa người thiên cổ rứa là họ đã suy, đã hư từ gốc con ạ. Phụ bất từ, thì tử bất hiếu; tử bất hiếu, tôn ắt vô luân, thôi con!

Phó Tràng từ nãy ngồi làm thịt gà với Khiêm, nhưng chăm chú nghe hai mẹ con chị cử Sắc trò chuyện. Tính phó Tràng nhạy như lửa. Chuyện gì bắt bén tình cảm liền cháy bùng:

- Bác cử ạ.

- Chú phó hỏi tôi hả?

- Dà...ạ.

- Việc chi rứa chú?

- Cái phận của tui là tay đục tay cưa nên chi "dùi đục chấm nước mắm"

bác xá cho.

- Mô dám - Có chuyện chi vậy chú?

- Từ nãy tới chừ, tai nghe bác nói với cháu Côn mà ngẫm học được vô vàn điều hay, lẽ phải.

- Chú quá khen đó nghe. Mẹ con tôi nói với nhau chuyện vặt vãnh ấy mà chú.

- Thiệt tình. Tui nói thiệt tình. Trăm lần thiệt cả trăm. Tui được đi lại nhà hai bác và các cháu là coi như được đi đến trường học. Nếu hai bác là người bá hộ thì tôi nỏ bén chân tới cổng mô. Hai bác giàu chữ lại giàu cả nhân đức nữa. Khối chi nhà nhiều chữ, sách chất cao quá đầu, hàng kho như đụn thóc mà lại nghèo nhân đức, thiếu cả nhân cách. Nói bác tha lỗicho - "Nỏ dám" - chị cử Sắc đỡ lời - Đã học mót lại hay nói chữ. Thánh hiền dạy chí phải: "Triêu văn đạo, tịch tử khả hy" (buổi sáng được nghe điều sáng tỏ đạo lý, chiều có phải chết cũng thấy thỏa).

- Mọi sự phải lấy đạo làm gốc, chú ạ.

- Chính rứa đó bác. Hôm nọ tôi sang sửa lại cái cọc xà quay sợi, nghe thầy cử giảng cho các nho sinh lớp lớn tuổi, tui thuộc được hai câu, đêm đêm đặt tay lên trán ngẫm nghĩ, thấm thía lắm bác cử ạ.

- Hai câu ở sách chi, hả chú?

- Tui nỏ nhớ sách. Tui chỉ biết thầy cử Sắc giảng là nghe lọt vô tận tâm can.

- Chú đọc cho nghe, chú.

- Câu thứ nhất: Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như khấu thù. Ở trong câu ni tui muốn thay một chữ bác cử ạ.

- Chú nói thử nghe coi chú.

- Thay chữ "dân" thì rộng ý nghĩa hơn là để chữ "thần". Này nhá: Nếu vua coi dân như chó ngựa thì dân ắt phải đối với vua như giặc thù. Bác nghe có ổn không?

- Được chú ạ. Thần tức là những bầy tôi của vua trong đó bao gồm cả muôn dân. Vua đã coi thần như chó ngựa thì vua còn coi dân ra cái giống chi nữa?

- Cháu Khiêm, cháu Côn, nghe chú nói rứa liệu có được không? - Phó Tràng hỏi.

Khiêm nhìn chú phó Tràng cười, đáp gọn một tiếng: "Được, chú ạ". Côn thì gật đầu nói:

- Thưa chú, cháu còn nhớ một câu cha cháu giảng là: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Rõ ràng dân là quý hàng đầu rồi mới đến quốc gia, còn vua thì không đáng kể. Vậy mà vua lại coi dân như chó ngựa thì dân phải trừ khử ngay cái thứ vua đó, chú ạ.

- Ồ, ồ! Cháu Côn đã nói ra cái điều ni nữa, chú càng tỏ rạng câu của thầy cử giảng mà chú thuộc bữa nọ: "Tru bạo quốc chi quân nhược tru độc phu".

Theo ngụ ý của chú thì giết tên vua tàn bạo của một nước là cứu được tai họa cho muôn dân còn có ý nghĩa lớn lao hơn việc trừ được những tên hung ác khác.

Bé Khiêm dừng tay vặt lông gà, nhìn phó Tràng trìu mến:

- Giá chú học được nhiều chữ thì chú thông nghĩa và hóa rộng ra còn giỏi tuyệt trần!

- Đầu óc chú đặc như cán mai, có ăn nhằm chi mô cháu!

Côn đỡ lời luôn:

- Cháu cũng nghĩ về chú như anh Khiêm cháu nói đó chú ạ.

- Các cháu nó thường nói về chú, đúng rứa đó chú ạ. Nhà tôi cũng hay nhắc với học trò về sự sáng dạ và sự chịu thương chịu khó của chú lặt từng chữ rơi vãi ở nơi ni, ở nơi tê góp thành cái vốn hiểu biết cho mình.

Phó Tràng bưng cái rổ đựng những con gà đã làm xong vừa đi vào bếp vừa nói:

- Chỉ có thầy cử, rồi bác, rồi hai cháu ở đây là những người hiểu được tui. Còn nữa, họ khinh tui là hạng "học mót" bác cử ạ.

- Tránh đâu cho hết được miệng người đời, hả chú!... Chị quay ra nhắc hai con:- Các con lên nhà coi cha có sai bảo chi không. Ở dưới ni coi như xong các việc vặt rồi...

Khiêm và Côn chạy ra vườn nhìn theo hai con chim sẻ tha rác làm tổ.

Hai anh em lại chạy vào nhà với cha. Anh cử Sắc phân công ngay cho con:

- Giờ này chú nho San sắp đến rồi. Khiêm đi mời các môn sinh cấp huynh, Côn mời các môn sinh cấp đệ. Hẹn đến đúng giờ Ngọ, nghe không.

- Dạ, thưa cha đã mời từ hôm kia, hôm qua cả rồi ạ.

- Mời lần thứ nhất còn là tiếng chào cao hơn mâm cỗ. Mời lần này, đúng ngày cúng mới là dọn cỗ đón khách.

Khiêm bước ra khỏi cửa vừa đi vừa nhảy nhót, Côn thì ngắm hàng cây hai bên đường lắng nghe những tiếng chim xa vời vợi...

* Anh cử Sắc hành lễ tưởng nhớ người cha đỡ đầu, người thầy học, người bố vợ xong lúc quá giờ Tỵ sang Ngọ. Anh nho San (Phan Bội Châu) được vợ chồng anh cử Sắc mời đến sớm hơn các bạn bè khác. Anh nho San thành kính lễ cụ Hoàng Xuân Đường trước bàn thờ nghi ngút hương hài.

Vợ chồng anh cử Sắc tiếp đãi những người học trò rất thịnh soạn, thân mật như thết bạn. Mâm cỗ gồm những món ăn đậm đà hương vị Nghệ An.

Đám học trò bồi hồi nghĩ về tấm gương thầy, gương gia đình thầy phản chiếu vào tâm hồn sáng ngời. Mỗi lứa tuổi nghĩ về thầy một vẻ. Những nho sinh lớn tuổi đã từng học với các thầy đồ nổi tiếng dạy giỏi, nổi tiếng hay chữ, nhưng cũng nổi tiếng mắng học trò. Còn thầy cử Nguyễn Sinh Sắc thì khác hẳn. Thầy luôn luôn uốn nắn học trò theo khuôn phép: "Tiên học lễ, hậu học văn". Nhưng thầy không hề nói miệt thị một lời, không đánh một roi những học trò phạm lỗi hoặc chậm lĩnh hội, chậm thuộc bài.

Tiễn khách học trò ra về, vợ chồng anh cử Sắc tiếp các bạn thanh khí, các bạn cùng học Quốc Tử Giám. Vợ chồng anh không đãi bạn bằng mâm cao cỗ đầy mà chỉ là một dịp gặp gỡ các bạn đồng tâm đồng chí giải sầu qua chén rượu, qua câu văn bình, qua tiếng thở than về vận nước...

Nắng tàn trên sân. Trong nhà hết khách. Còn lại anh nho San với anh cử Sắc. Chú phó Tràng ngà ngà rượu đã về nhà mang theo vào giấc ngủ những khuôn mặt khôi ngô tuấn tú đượm vẻ đau buồn thất chí của bạn bè anh cử Sắc.

Chị cử Sắc và hai con đã dọn dẹp gọn gàng từ ngoài sân tới trong nhà.

Chị bưng từ gác chạng xuống cái mâm sắp sẵn mấy phần đem đi biếu...

Chị dặn bé Khiêm:

- Bà con quanh xóm mẹ đã biếu đủ cả rồi. Của ít lòng nhiều, mỗi nhà một tý gọi là ngày nhà mình cúng giỗ ông. Còn hai nhà nữa, hơi xa mẹ chưa đi biếu được. Hai anh em con đi thay mẹ nghe không. Đây, con bưngsang biếu bác Tiếu, nhưng con phải nói là mẹ cháu xin lỗi hai bác không sang được, cho cháu sang biếu bác cơi trầu nhân ngày kỵ giỗ ông, chứ không được nói đến xôi thịt chi mô nhá.

Chị quay sang Côn:

- Con đi biếu dì hai ngoài xóm chợ cho mẹ nghe. Con cũng nói như mẹ vừa dặn anh con.

Côn nhìn mẹ vẻ lưỡng lự:

- Mẹ ơi, con đi ra nhà dì Hai lúc quay về chắc tối mịt rồi mẹ nhể?

- Ừ! Nhưng con đi mau bước hơn cả mẹ thì về chưa đến nỗi tối lắm đâu.

- Con nghe bọn nhỏ ngã tư "âm hồn" biểu: trên ngọn cây cao nhất ở góc đường có con ma, ban đêm hay xuống bắt nạt trẻ con, trêu ghẹo người lớn, mẹ ạ.

- Con cũng tin cái chuyện nhảm nhí của đám nhỏ chúng hù dọa nhau à?

- Dạ. Con còn hỏi mẹ đã. Con đâu có tin ngay ạ.

- Mẹ biểu đó là chuyện bịa nhảm. Con đã thật tin lời mẹ chưa nào?

- Dạ, con chỉ ngờ ngợ chút xíu lúc đầu mới nghe thôi mẹ ạ.

Côn bưng lấy cái rá đậy kín bước ra cửa, chị cử Sắc nhắc với theo:

- Con chạy ù rồi về nghe chú nho San nói chuyện ngoài quê ta với cha mẹ, con ạ. Khiêm cũng vậy, đi mau về con nhá!

Khiêm từ nãy mở cửa chạn, lật tìm từng chỗ mẹ hay cất thức ăn vẫn không thấy mẹ dành lại một chút phần mẹ. Khiêm hỏi mẹ, giọng nói khẽ khang, từ tốn:

- Em Côn nói nhỏ với con là từ sáng đến giờ, mẹ chưa ăn một chút chi cả.

- Lo chi việc ăn uống của mẹ, hả con. Mẹ hiểu các con băn khoăn, sợ mẹ mệt, mẹ đói. Em Côn của con nó thấy mẹ chưa ăn nó cũng chẳng dám ăn, chỉ ngồi với các bạn cho vui lòng bạn.

- Mẹ bớt các mâm một tý, bớt các phần biếu xén thì đâu có thiếu?...

Chị cử Sắc biết con còn thơ dại, ăn chưa biết no, lo chưa tới việc, chị dặn dò ngay:

- Con phải nhớ câu: "Nhịn miệng thết khách". Không ai lại làm cái việc: "đãi khách nhẹ đầu tăm, mình ăn gắp nặng đua". Những kẻ vô tâm mới cắm đầu ăn cho no bụng mình chẳng nghĩ đến phần ai. Nhà mình tuy ít của nhưng biết có miếng ăn chia cho đều, có cái tình thì thương cho khắp. Của ăn thì hết, của cho thì còn. Con nhớ kỹ cái điều ấy...

Khiêm nhận ra sự nghĩ non dại của mình, thấm thía lời mẹ dạy. Khiêm nhìn mẹ với cử chỉ vừa biết lỗi vừa trìu mến lúc bưng cái rá đậy kín ra đi.

Trời chạng vạng phập phồng sương mỏng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3