Bạn Đắt Giá Bao Nhiêu? - Chương 09
Chương 32: Rốt cuộc việc khéo ăn nói quan trọng tới mức nào?
Tôi có một cô bạn học chung suốt mười mấy năm, tạm gọi cô ấy là F đi. F có nhân phẩm cực tốt, tâm địa lương thiện, chân thành trượng nghĩa với bạn bè, bình thường cũng rất hay giúp đỡ người khác, nhưng cô ấy có một khuyết điểm chí mạng: Không khéo ăn nói.
Lúc đi học trung học xa nhà, tôi bất cẩn bị trộm mất năm trăm tệ, đây là tiền sinh hoạt hơn một tháng của tôi, thời đó không thuận tiện như bây giờ là chỉ cần chuyển khoản một phút sẽ nhận được tiền ngay. Khi ấy tôi còn không có thẻ ngân hàng, nhanh nhất cũng phải hai ngày cha mẹ mới gửi được tiền cho tôi.
Tôi nói với F bằng vẻ tội nghiệp:
“Bạn thân yêu ơi, tớ gặp nạn rồi, mấy ngày này tớ phải nhờ cậy vào cậu.”
F tức giận lườm tôi:
“Đáng đời cậu, ai bảo cậu bất cẩn như thế, tớ còn thấy cậu bị trộm vậy là ít đấy, bị trộm thêm vài lần cậu mới nhớ được.”
Lúc đó tôi phiền muộn vô cùng, thời ấy năm trăm tệ với tôi là một khoản tiền cực lớn, lòng tôi đang đau tới rỉ máu, rất hi vọng cô ấy có thể an ủi tôi, nhưng F không những không an ủi mà còn xát muối lên vết thương của tôi.
Trong lúc tôi đang nằm trên bàn mà than thở, F bèn đưa cho tôi một bát mì hải sản, nói:
“Có tớ ở đây, cậu không chết đói được đâu, mau ăn đi!”
Và thế là tôi vừa băn khoăn vừa cảm kích ăn bát mì hải sản kia, nói thực bình thường chính F cũng không dám ăn món ấy đâu.
Trong những năm đi làm, có lần tôi theo lãnh đạo ra ngoài làm việc, tình cờ F ở cửa ngân hàng, tôi vội giới thiệu cho cô ấy đây là lãnh đạo của tôi, hi vọng cô ấy có thể giữ thể diện cho tôi, nhưng F chẳng hề do dự mà nói với lãnh đạo tôi:
“Ôi chao, lãnh đạo ạ, tôi rất đồng cảm với anh, lại đi tuyển Tình Tình nhà tôi vào làm việc, cậu ấy vừa cẩu thả vừa nhõng nhẽo, lại còn xấu tính nữa, sao lại tuyển cậu ấy vào làm thế?
Lãnh đạo bèn dùng ánh mắt hỏi dò tôi, ý nói:
“Đây là kẻ thù của em à?”
Tôi chỉ muốn đào lỗ mà chui vào, vội nói với lãnh đạo:
“Đúng vậy, bạn trai cậu ấy thay lòng đổi dạ chuyển sang yêu em, nên cậu ấy mới hận em như vậy.”
Sau đó nhân lúc F chưa kịp phản ứng, tôi vội đưa lãnh đạo rời khỏi hiện trường.
Những sự việc tương tự như thế diễn ra rất nhiều lần trong suốt mười mấy năm qua, nhiều lúc bực quá tôi cũng nghĩ: Sau này không chơi với cô ấy nữa, suốt ngày bị cô ấy làm cho khó xử, đúng là như tra tấn!
Nhưng khi cuốn sách đầu tiên của tôi xuất bản, F lập tức mua hai mươi cuốn tặng cho bạn bè người thân:
“Mọi người cùng ủng hộ nhé, có rảnh thì mua ủng hộ mấy cuốn.”
Thời điểm ấy, cô ấy vừa vay tiền mua nhà, mẹ lại mắc bệnh nặng, kinh tế rất túng thiếu, dù chỉ mua một quyển thì tôi cũng sẽ ghi nhận tình cảm của cô ấy. Còn có lần, tôi bất cẩn lạc đường, lại không bắt được taxi, F bèn lặn lội suốt hơn một tiếng để tới đón tôi. Bởi vậy cô ấy chính là một người khiến tôi vừa yêu vừa hận, không bao giờ giữ thể diện cho tôi, nhưng lại thật lòng đối tốt với tôi.
Tôi từng ảo tưởng vô số lần rằng, nếu F khéo ăn nói một chút thì cô ấy sẽ hoàn mỹ biết bao, quả thực là một người ai gặp cũng phải quý. Tôi cũng từng chân thành nhắc nhở cô ấy nên thay đổi cách thức nói chuyện, nhưng thường bị cô ấy mắng lại:
“Từ bé bà đây đã như thế rồi, sao hả, bây giờ đại tiểu thư ngày càng khó chiều, không chịu được nữa à? Không chịu được thì tuyệt giao đi!”
Đúng là rất nhiều lần tôi giận tới mức muốn tuyệt giao, nhưng nghĩ tới việc cô ấy từng đối xử rất tốt với tôi, tôi lại không ngừng thuyết phục bản thân:
“Ai cũng có khuyết điểm, bản thân mình cũng có khuyết điểm, F chỉ không khéo ăn nói mà thôi, dù sao cũng hơn những kẻ miệng nam mô bụng bồ dao găm, đúng không?”
Thế là chúng tôi qua lại suốt mười mấy năm, dưới tác động của cô ấy, sức chịu đựng của tôi ngày một tăng cao.
Hồi đi học, khuyết điểm này của F cũng không mang lại quá nhiều phiền phức cho cô ấy, cùng lắm là cô ấy có ít bạn mà thôi. Nhưng khi đi làm, vấn đề bắt đầu lộ rõ.
F làm việc rất chăm chỉ, nhưng vì không khéo ăn nói nên thường xuyên đắc tội đồng nghiệp, ở công ty cô ấy gần như không có bạn bè. Nhưng mấy năm trôi qua, cô ấy cũng được thăng cấp thành một quản lý nhỏ. Sau đó trong bộ phận có một nhân viên mới vừa ra trường được phân thành cấp dưới của F, cô bé đó vừa khéo nói vừa giỏi làm, được mọi người trong bộ phận hết sức quý mến, đến F cũng rất quý cô bé ấy, đích thân chỉ dạy nhiều điều.
Một năm sau,trong bộ phận có trống vị trí chủ nhiệm, F nghĩ mình là người có tư cách nhất, nhưng không ngờ từ lãnh đạo tới đồng nghiệp, ai nấy đều bỏ qua cô ấy mà ủng hộ cô bé kia ngồi vào vị trí đó.
F rất buồn phiền, cô ấy than thở với tôi mọi chuyện không như ý ở chốn văn phòng, chua xót nói với tôi:
“Tớ thiệt thòi ở khoản không khéo ăn nói, nếu không vị trí chủ nhiệm chắc chắn là của tớ. Cô ta hơn tớ ở điểm nào chứ? Chẳng qua là dẻo miệng hơn, giỏi nịnh bợ lãnh đạo hơn tớ thôi.”
Lần đầu tiên tôi nghiêm túc nói với cô ấy chuyện này:
“Thật lòng mà nói, cậu thấy cô bé ấy chỉ biết nịnh bợ mà không có năng lực gì sao?”
F miễn cưỡng đáp:
“Năng lực thì cũng có, nhưng tớ cũng đâu kém cô ta.”
“Nếu hai người có năng lực sàn sàn mà người ta lại khéo ăn nói hơn, được mọi người quý mến thì tại sao lãnh đạo không chọn cô ta mà lại chọn cậu? Nếu là cậu thì cậu có đề bạt một người thường khiến mình bực bội không?”
F phiền muộn một thời gian, rồi cũng dần chấp nhận sự thật này, thầm nghĩ dù sao mình cũng là người dẫn dắt cô bé kia, mình lại làm lâu năm hơn cô ta, có lẽ mình cũng sẽ không thiệt thòi nhiều. Nhưng F đã lầm, từ khi cô bé kia thành chủ nhiệm, thái độ với F kém xa lúc trước. Có lần F nghe thấy cô ta nói với người khác trong nhà vệ sinh:
” Đúng là chị ta đã dạy tớ vài thứ, nhưng một năm qua tớ nhẫn nhịn cũng rất cực khổ, nhiều lần tớ rất muốn cãi nhau với chị ta.”
Chuyện này khiến F khá sốc, nhưng việc khiến F thực sự cảm nhận được những thiệt thòi khi không khéo ăn nói, ấy là trong hôn nhân gia đình.
Chồng F có một anh trai sinh đôi, hai người kết hôn cùng năm nhưng mẹ chồng chỉ thích dâu cả, mà không thích F, theo lời F thì là:
“Mẹ anh ấy có chuyện tớ đều góp tiền góp công, chị ta chỉ biết nịnh nọt bà cụ, nhưng tớ làm nhiều như vậy mà bà cụ lại vờ như không thấy, gặp mặt chỉ ân cần hỏi han, trò chuyện với chị ta, chẳng để ý đến tớ.”
Tôi tin rằng F đã hi sinh rất nhiều cho mẹ chồng, nhưng tôi cũng hiểu tại sao mẹ chồng cô ấy lại quý dâu cả hơn, thử hỏi, có ai lại không thích trò chuyện với một người khéo ăn khéo nói?
Bên cạnh chúng ta luôn có nhiều ví dụ như vậy: Có người hi sinh rất nhiều nhưng lại không thể nhận lại lòng cảm kích và sự đền đáp tương xứng. Có người chỉ nói dăm ba câu mà đã được ngàn vạn yêu chiều, những người ở trường hợp đầu thấy rất khó hiểu: Sao bọn họ lại ngốc thế chứ, tôi chân thành như vậy mà bọn họ đều không nhận ra, cô ta chỉ nói vài lời xuôi tai mà bọn họ đã sung sướng vui vẻ rồi.
Thế nhưng hiện thực tàn khốc vậy đấy, trên thế giới này, người giỏi ăn nói sẽ luôn chiếm ưu thế.
Về sau F nói với tôi, cô ấy định đi học một khóa giao tiếp, học cách ứng xử của người khác. Tuy F tỉnh ngộ khá muộn nhưng cuối cùng cũng tỉnh ngộ rồi.
Có vài người luôn co rằng không khéo ăn nói là biểu hiện của sự thẳng thắn chính trực, khéo ăn nói là tiểu nhân dối trá,song thực ra đó chỉ là suy nghĩ của mình bạn mà thôi. Thức tế thì rất nhiều người khéo ăn nói đều không phải hạng tiểu nhân dối trá, bọn họ cũng thật lòng đối với bạn bè người thân, luôn cư xử với mọi người bằng sự đáng yêu và dễ mến của mình, cố gắng để mọi người tiếp xúc cùng họ đều vui vẻ và thoải mái.
Chương 33: Chẳng Ai Ngốc Hơn Ai
Trong một buổi họp mặt bạn bè, có cô gái nghe nói tôi là nhà văn viết sách về các vấn đề tình cảm, bèn hào hứng ngồi xuống bên cạnh tôi, cô ấy chia sẻ hiện đang gặp vấn đề trong hôn nhân, hi vọng tôi có thể phân tích giúp cô một chút.
Cô gái này kết hôn được ba năm, hiện có một con gái hai tuổi, vấn đề của cô ấy là thế này:
“Chồng em là người rất keo kiệt, mới kết hôn đã đề nghị em phải cùng gánh vác chi tiêu trong nhà với anh ấy, nhưng bạn bè quanh em đều được chồng nuôi, không ai bị yêu cầu phải chia sẻ kinh tế hết. Em nói chuyện này với anh ấy thì anh ấy chỉ nói: Người ta khác, mình khác. Đàn ông nhà người ta đều hào phóng, chỉ có mỗi anh ấy keo kiệt như vậy, chị nghĩ em nên làm gì bây giờ?”
Tôi hỏi cô ấy:
“Nếu em không thích đàn ông keo kiệt thì tại sao lại kết hôn với người keo kiệt?”
Cô ấy ấm ức nói:
“Lúc yêu nhau thì anh ấy đâu có như vậy, kết hôn rồi mới trở nên keo kiệt, em nghĩ nuôi gia đình là chuyện của đàn ông, tiền em kiếm được nên để em tiêu vặt thôi.”
Bỏ qua vấn đề keo kiệt hay hào phóng, tôi nói với cô ấy ý kiến của mình:
“Thực ra chị nghĩ việc anh ấy yêu cầu em cùng gánh vác chi tiêu trong nhà không có gì là không đúng, gia đình là của chung, cả hai phải cùng vun vén cho gia đình, yêu cầu này rất hợp lý.”
Cô ấy bèn hỏi vặn lại:
“Vậy nếu chồng chị cũng muốn chị gánh vác chi tiêu thì sao? Nếu anh ấy đưa ra yêu cầu này thì chị có vui vẻ chấp nhận hay không?”
Nếu hỏi ông xã tôi vấn đề này thì tôi bảo đảm là cô ấy sẽ tìm được tri âm. Theo quan niệm của ông xã tôi thì nuôi gia đình là việc của đàn ông, đàn ông càng để vợ mình sống thoải mái sung túc bao nhiêu thì người đó càng có năng lực bấy nhiêu, gánh vác chi tiêu trong nhà là trách nhiệm đương nhiên của đàn ông.
Nhưng dù anh ấy nghĩ như vậy, tôi cũng không chấp nhận nó như lẽ đương nhiên. Trước khi kết hôn, chúng tôi vừa ý một căn nhà, tôi liền chủ động lấy ra toàn bộ tiền tiết kiệm của mình, cũng không nhiều, còn chưa bằng một phần mười giá nhà, tôi nói với anh ấy:
“Em không có nhiều tiền như anh, nhưng em sẵn lòng góp sức vì gia đình chúng ta.”
Dưới sự kiên quyết của tôi, chồng tôi nhận lấy số tiền này, nhưng anh ấy kiên quyết chỉ để tên tôi trên sổ đỏ.
Anh ấy phụ trách hết toàn bộ tiền chi tiêu hàng ngày, danh ngôn của anh ấy là:
“Tiền của chồng là để vợ tiêu.”
Nhưng tôi sẽ thường chú ý đến nhu cầu của anh ấy, dùng tiền nhuận bút của mình để mua thứ mà anh ấy cần, thế nên chúng tôi chưa từng tranh cãi về vấn đề kinh tế.
Nghe tôi kể vậy, cô gái kia thở dài:
” Đúng là kẻ ăn không hết người lần chẳng ra, chị không cần chồng nuôi, chồng lại khăng khăng đòi nuôi chị, em muốn chồng nuôi gia đình, anh ấy lại một mực chi ly tính toán với em.”
Sau đó cô ấy không kìm lòng được mà hỏi tôi:
“Dù gì chồng chị cũng tự nguyện, sao chị phải khổ như vậy, cất tiền của mình đi cũng đc mà, chẳng lẽ chị còn ngại nhiều tiền nữa à?”
Tôi đáp:
“sở dĩ anh ấy sẵn lòng làm như thế là vì chị sẵn lòng gánh vác chi tiêu với anh ấy, nếu chị chỉ biết đòi hỏi thì anh ấy cũng sẽ trở nên hẹp hòi.”
Tôi nghĩ cô ấy vẫn chưa hiểu được đạo lý trong chuyện này, ông xã không muốn tôi chịu khổ, thương tiếc tôi, đó là tâm ý của anh ấy, còn việc tôi chủ động đề nghị cùng gánh vác chi tiêu, đó là thái độ của tôi. Nếu tôi tỏ thái độ “Tôi đã lấy anh rồi, anh nhất định phải chịu trách nhiệm với tôi”, chưa chắc anh ấy đã biểu hiện như bây giờ. Chỉ có thông cảm và suy nghĩ vì nhau thì hôn nhân mới bền vững dài lâu.
Cũng giống như việc chúng ta hợp tác với người khác vậy, nếu một phía muốn chiếm hết lợi ích, đẩy toàn bộ nguy hiểm và bất lợi cho đối phương, thì ai thèm hợp tác với người đó chứ?
Người chín chắn nhất định sẽ biết chừng mực để đạt được cục diện đôi bên cùng có lợi. Thực tế thì lợi ích vừa đủ không những không khiến chúng ta chịu tổn thất, mà còn giúp chúng ta thu được lợi ích to lớn hơn, bởi vậy hãy nhìn xa trông rộng một chút.
Ở phần “Năng lực của bạn đã tương xứng với các mối quan hệ hay chưa?”, tôi đã giải thích cặn kẽ về hiện tượng này. Là con người thì ai cũng muốn được đối xử công bằng, hơn nữa còn có kha khá người muốn bản thân được nhận lại nhiều hơn cho đi, rất ít người chấp nhận chịu thiệt, nếu một người tỏ ra mình muốn được lợi và để đối phương chịu thiệt, thì tôi nghĩ hầu hết chẳng ai chịu chấp nhận đâu.
Trong cuộc sống có rất nhiều hiện tượng tương tự.
Một cô gái cuối 8x viết thư cho tôi:
“Chị Vãn Tình thân mến, em rất thích bài viết ‘Lấy người giàu là sai ư?’ của chị. Cha em là một nhân viên vệ sinh, tiền lương rất thấp, đời này mẹ em phải bươn chải rất khổ cực, mới bốn năm mươi tuổi mà đã già như bà lão bảy tám mươi tuổi, bởi vậy em đã thề rằng mình nhất định phải lấy một người giàu có, cũng không để mẹ em phải sống khổ sở như thế nữa. Nhưng những người giàu mà em gặp được đều không tốt, họ đều chỉ muốn yêu chơi chút thôi, em có vài người bạn đều không xinh đẹp bằng em, nhưng đều lấy được chồng giàu, không lẽ số mệnh của em lại kém may mắn như vậy?”
Cuộc sống nghiệt ngã như thế đấy, người không mong lấy chồng giàu thì lại thành phu nhân danh giá, còn người chỉ mong lấy chồng giàu lại chẳng được như ý nguyện. Dù có lấy được chồng giàu thì thường họ cũng không được hạnh phúc, thậm chí những người đàn ông giàu có ấy còn keo kiệt hơn cả đàn ông bình thường, thế là liền có thêm một từ mới để hình dung về họ: Phu nhân nghèo. Nhiều người cho rằng đây là bởi người tính không bằng trời tính, nhưng đó có thật là sự sắp đặt của số mệnh hay không?
Tôi từng chia sẻ đoạn văn này trên blog:
“Đàn ông thường dùng vật chất để theo đuổi phụ nữ, nhưng nếu phụ nữ vì vật chất mà cắn câu thì lại không nhận được sự trân trọng từ anh ta, trong lòng anh ta, người phụ nữ này đã bị dán lên cái mác: Một phụ nữ có thể mua được bằng tiền, chỉ là một món hàng mà thôi. Phụ nữ thường dùng sắc đẹp để thu hút đàn ông, nhưng những người si mê sắc đẹp của cô ấy thường sẽ không có được cô ấy. Bởi trong lòng cô ấy đã quy loại đàn ông này thành những kẻ trăng hoa gian dối. Đây là bản tính chân thực nhất của con người, bởi vì trong thâm tâm chúng ta đều mong gặp được một người thật lòng yêu thương chúng ta.”
Tôi chỉ hồi âm cho cô gái nọ một câu: Muốn lấy người có tiền không phải là vấn đề, vấn đề là đừng lấy người ta chỉ vì tiền.
Đàn ông và phụ nữ trên thế gian này đều không có ai ngu ngốc cả, nếu phụ nữ tiếp cận đàn ông chỉ vì tiền, anh ta hoàn toàn có thể cảm nhận được, thử hỏi: Người đàn ông nào biết đối phương tiếp cận mình chỉ vì tiền mà còn chấp nhận yêu cô ấy thật lòng?
Thế nên chúng ta thường thấy những cô gái ham giàu hay bị đùa bỡn nhiều hơn người khác, là bởi nguyên nhân này đây.
Tôi có một người bạn có quan hệ với cha mẹ cực kỳ tồi tệ, có lần cậu ấy than thở với tôi:
“Cha mẹ suốt ngày bảo tớ, họ đã nuôi tớ lớn nhường này, sau này họ sẽ sống dựa vào tớ, nhưng nghe họ nói vậy tớ lại thấy rất phản cảm, bọn họ càng muốn dựa dẫm vào tớ thì tớ càng không muốn bọn họ toại nguyện. Tớ biết nhiều người sẽ nói tư tưởng này của tớ quá bất hiếu, nhưng đây thực sự là suy nghĩ trong lòng tớ.”
Tôi rất thông cảm với cậu ấy, nếu cha mẹ tôi nói với tôi, bọn họ nuôi lớn tôi không hề dễ dàng, tới già sẽ dựa cả vào tôi, tôi cũng sẽ không thoải mái. Về mặt đạo nghĩa thì họ nuôi nấng tôi nên người, tôi phụng dưỡng họ về già là chuyện thường tình. Nhưng nói là vậy, tôi vẫn sẽ nghĩ thầm trong lòng: Cha mẹ nuôi lớn con chỉ để con chăm sóc cha mẹ khi về già thôi ư?
Thế là sẽ dẫn tới sự xa cách về mặt tình cảm, tình cảm đã phai nhạt rồi thì lòng hiếu thảo có còn quan trọng không? Có lẽ tôi sẽ bảo đảm cha mẹ không lo chuyện áo cơm, nhưng quan tâm chăm sóc thì rất khó.
Song cũng có những đấng sinh thành rất vô tư, một lòng chỉ mong con cái sống hạnh phúc, khỏe mạnh là họ đã thỏa mãn rồi. Họ hết lòng dạy dỗ, ủng hộ giấc mộng của các con, sẵn sàng chịu đựng nỗi buồn thương nhớ chứ không ràng buộc bước chân của các con. Những người cha người mẹ như vậy thường được con cái tôn trọng và yêu thương hết mực.
Cha mẹ chồng tôi đúng là những người như vậy, mỗi lần chúng tôi tới thăm, hai ông bà cụ đều rất vui vẻ, nhưng luôn dặn dò:
“Nếu hai đứa bận thì không cần tới thăm cha mẹ đâu, cha mẹ vẫn khỏe lắm, làm bạn với nhau cũng không thấy buồn.”
Thấy chúng tôi mua nhiều quà tới, họ luôn vui vẻ, nhưng cũng không nỡ:
“Cha mẹ đâu có thiếu thứ gì, không cần lần nào tới cũng phải mua nhiều đồ như thế, cha mẹ già rồi không cần nhiều, nhưng các con hãy còn trẻ, đường còn dài, cứ tiết kiệm tiền mà tiêu!”
Nhưng tôi và chồng tôi sẽ càng cam tâm tình nguyện tới thăm họ, mua đủ thứ quà để họ vui vẻ, bởi vì trong lòng chúng tôi hiểu rằng: Đó là những người thực sự tốt với chúng tôi, cũng xứng đáng được chúng tôi đối xử tốt hơn nữa.
Người bình thường sẽ luôn sẵn lòng đối tốt với những người thực lòng thương yêu mình. Trên thế gian này, chỉ có những người không chịu cho đi mới trách người khác keo kiệt, nhưng chính họ lại quên mất vấn đề của bản thân.
Hãy dùng chân tình để đổi lấy chân tình, bởi chẳng có ai ngốc hơn ai đâu.
Chương 34: Bạn Không Cần Quá Biết Điều
Quanh chúng ta luôn có nhiều trường hợp như thế này: Trong khi có những cô gái dịu dàng săn sóc, hiền lành tốt bụng chẳng có ai theo đuổi; thì các cô gái tùy hứng, khó chiều lại có kha khá vệ tinh vây quanh, sẵn lòng chiều chuộng, thậm chí dùng đủ mọi cách để khiến cô ấy vui vẻ.
Nhiều người than thở rằng:
“Đàn ông đúng là đáng khinh, dịu dàng săn sóc thì không thích, lại cứ thích mua dây buộc mình.”
Song đó là suy nghĩ của phụ nữ, không phải tiếng lòng của đàn ông. Phụ nữ tưởng đó là mua dây buộc mình, nhưng đàn ông lại thấy tràn trề hứng thú.
Tôi nghe điều này từ người bạn Gia Lạc ở Vân Nam.
Hôm đó, tôi đang chọn hàng ở Thụy Lệ với bạn thì có người tới tìm cậu ấy. Người ấy chính là Gia Lạc. Vì sợ ăn mặc quá đẹp sẽ bị hét giá cao nên chúng tôi vận đồ giản dị. Bình thường tôi mặc quần áo khá nữ tính nên lần này cũng chỉ mặc bộ đồng phục thời đại học.
Lúc đi dạo qua tiệm kim hoàn, tôi thấy một chiếc nhẫn mặt ngọc trông rất đẹp, bèn yêu cầu chủ hàng cho thử. Chủ hàng thoáng liếc chúng tôi rồi nói:
“Về cầm tiền đến rồi hãy đòi đeo thử!”
Lúc đó tôi liền nổi giận, Gia Lạc động viên:
“Đừng giận, ông ta thấy cậu mặc đồng phục nên tưởng cậu là sinh viên đấy!”
Tôi bực bội nói:
“Là sinh viên thì bị kỳ thị à?”
Sau đó, tôi đi ngắm quanh mấy hàng bên cạnh, vừa hay thích một viên ngọc như ý. Sau một phen mặc cả thì quẹt thẻ tín dụng, thanh toán xong! Tôi đắc ý đi qua mặt chủ hàng kia.
Gia Lạc đi sau lưng tôi đã cười tới không thể khéo miệng được:
“Cậu không thấy vẻ mặt của ông chủ kia đâu, tớ cũng không ngờ cậu lại tùy hứng như thế.”
Tôi thưởng thức viên ngọc như ý trong tay:
“Ai bảo ông ta xem mặt mà bắt hình dong.”
Gia Lạc nói với tôi bằng giọng khẳng định:
“Chồng cậu nhất định là rất yêu chiều cậu.”
Tôi thốt lên:
“Sao cậu biết?”
Cậu ấy nói:
“Vì cậu tùy hứng mà. Có người yêu chiều thì mới tùy hứng chứ. Người tính khí thất thường mới tìm được người chiều chuộng cô ấy. Tớ đã gặp nhiều cô gái ngoan ngoãn, biết điều rồi. Họ biết điều là vì chưa có ai yêu chiều họ bao giờ, biết điều là phép tắc sinh tồn của họ.”
Tôi cười hỏi cậu ấy:
“Thế cậu thích cô gái biết điều hay cô gái tùy hứng?”
Gia Lạc trả lời cậu ấy thích những cô ấy không quá biết điều.
Tôi nhìn cậu ấy với vẻ hoài nghi:
“Sao lại thế, tớ tưởng đàn ông đều thích phụ nữ biết điều?”
Gia Lạc nói với tôi, cậu ấy chỉ mong được phụ nữ biết điều ở một số trường hợp đặc biệt là được, những lúc khác thì không cần.
Để chứng minh bản thân không phải một chàng trai khác thường, Gia Lạc nêu cho tôi rất nhiều ví dụ. Ví dụ như Diêu Mộc Lan trong Kinh Hoa Yên Vân, tài năng xuất chúng, dịu dàng hiền hậu, vun vén cho gia đình, là một phụ nữ hào phóng khéo léo. Ai lấy được cô ấy đúng là có phúc ba đời, nhưng người chồng đối xử với cô ấy thế nào?
Dù trong sách có xây dựng Diêu Mộc Lan xuất sắc tới đâu, được người ngoài kính nể ra sao, cũng không thể thay đổi được số phận hẩm hiu của cô ấy trong hôn nhân.
Trương Ái Linh cũng vậy. Vì yêu Hồ Lan Thành, Trương Ái Linh hạ thấp mình đến không thể thấp hơn, nhưng cuối cùng Hồ Lan Thành vẫn phản bội cô ta. Phượng Chí nữa, biết điều vô cùng.
Thế nhưng, trái tim của đàn ông vẫn không thuộc về những người ấy. Dù bọn họ có ngoan ngoãn, biết điều tới đâu thì những gì họ trải qua cũng đang nói cho chúng ta rằng: Phụ nữ quá biết điều sẽ không có kết cục tốt.”
Gia Lạc nói đây là bản tính con người. Bản tính con người là một thứ rất lạ lùng, không tuân theo bất cứ đạo lý gì. Cậu ấy hỏi tôi:
“Ở nhà cậu có nấu cơm không?”
Tôi đáp rằng gần như không bao giờ, thi thoảng mới nấu một bữa. Cậu ấy hỏi tôi:
“Vậy những dịp hiếm hoi cậu xuống bếp, chồng cậu có phản ứng thế nào?”
Tôi đáp:
“Vô cùng vui vẻ, khen không dứt lời.”
Gia Lạc thở dài:
“Cậu biết không? Có biết bao người vợ luôn bận rộn lo toan một ngày ba bữa cho gia đình, nhưng chẳng có ai cảm kích. Chưa kể, hôm nào không nấu hoặc nấu không ngon còn bị chỉ trích. Một việc diễn ra hàng ngày, nếu chỉ đôi lúc không làm, thì mọi nỗ lực trước kia đều là công cốc; nhưng chẳng mấy khi làm, thi thoảng làm một lần, ông xã liền vô cùng mừng rỡ.”
Tôi bỗng tỉnh ngộ. Kỳ vọng của mỗi người đều không giống nhau. Phụ nữ biết điều sẽ nâng kỳ vọng của người khác về bản thân cô ta lên rất cao, nhưng phụ nữ không biết điều sẽ hạ thấp kỳ vọng của người khác về mình xuống. Đây chính là bản tính con người.
Chồng nói tan tầm có hẹn với đồng nghiệp, không về nhà ăn cơm. Vợ thoáng liền tháng ngày trên lịch, trên đó có một vòng tròn, hôm nay là sinh nhật cô ấy. Nhưng người vợ vẫn dịu dàng nói:
“Được rồi, anh uống ít thôi nhé.”
Chồng đề nghị, hôm nay chúng ta đi xem phim nhé. Vợ vốn đi tập yoga, nhưng thấy chồng tỏ vẻ không vui, bèn vội nói, thôi chúng mình đi xem phim!
Thoạt nhìn, người phụ nữ như vậy cực kỳ ngoan ngoãn, biết điều; nhưng lâu dần, đàn ông sẽ không còn tôn trọng, cũng không quan tâm tới cô ấy nữa. Bởi vì phụ nữ quá biết điều, nên một khi gặp chuyện, đàn ông nhất định sẽ để phụ nữ chịu thiệt trước; bởi vì cô ấy đã hi sinh quen rồi, cũng không bao giờ phản kháng, dù trong lòng không vui nhưng đàn ông đâu có biết được.
Bạn hạ thấp mình như vậy mà còn mong đàn ông trân trọng mình ư? Dù sao trên thế gian này cũng ko có nhiều đàn ông chín chắn và biết trân trọng.
Nhưng tệ nhất chính là khi phụ nữ nhận ra mình đã quá biết điều. Trong lòng cô ấy cũng không vui. Chẳng qua người phụ nữ ấy kiềm chế nhu cầu của chính mình để thỏa mãn nhu cầu của đàn ông, hi vọng nhờ điều đó mà lấy được niềm vui của đàn ông.
Thế nhưng đàn ông lại coi mọi thứ như lẽ đương nhiên từ lâu. Anh ta chẳng hề cảm kích. Vốn dĩ phụ nữ biết điều với hi vọng đàn ông có thể cảm động trước tình cảm của mình, quý trọng điểm tốt này; nhưng kỳ vọng không được như mong đợi, sao họ có thể vui vẻ được đây?
Bởi thế phụ nữ tuyệt đối đừng quá biết điều, không cần chuyện gì cũng làm vì đối phương, thỏa hiệp mọi thứ vì đối phương, không làm phiền đàn ông. Phụ nữ nghĩ mình rất ngoan ngoãn nghe lời, nhưng từ góc độ của đàn ông, anh ta sẽ không tìm được cảm giác về sự tồn tại của mình, cũng sẽ không biết anh ta có tác dụng gì với bạn, bởi vì bạn có thể tự lo liệu mọi thứ cho mình.
Lúc cần được đưa đón, hãy cứ để anh ta đưa đón; lúc cần được giúp đỡ, hãy cứ để anh ta giúp đỡ.
Đương nhiên, tôi không khuyến khích gây sự vô cớ. Nếu bạn cố ý làm khó đàn ông trong một số trường hợp thì chắc là EQ của bạn quá thấp. Biết chừng mực mới là khởi nguồn để bạn tùy hứng.
Tôi không quấy rầy ông xã khi anh ấy đang làm việc, nhưng nếu anh ấy đang lướt Weixin thì tôi sẽ không tốt tính như vậy. Thường thì tôi sẽ quấn lấy anh ấy. Nếu anh ấy vừa xem di động vừa trả lời một cách qua a, tôi sẽ rầu rĩ nói:
“Anh mà không để ý đến em thì em sẽ nổi giận đấy.”
Ông xã tôi nghe vậy chắc chắn sẽ ngoan ngoãn buông điện thoại xuống, ôm lấy tôi dỗ dành:
“Đừng giận, đừng giận mà.”
Đây chính là đạo lý:
“Nhỏ thì vui vẻ, lớn thì hại thân.”
Chương 35: Đừng Mượn Danh Tình Yêu Để Trục Lợi
Gần đây bài viết: “ Đàn ông không chịu chi tiền vì bạn chứng tỏ điều gì?” được chia sẻ rất nhiều trên blog bạn bè của tôi.
Quan điểm chính của bài viết là: Một người đàn ông không chịu chi tiền vì bạn thì chắc chắn là anh ta không yêu bạn. Quan điểm này được rất nhiều chị em phụ nữ tán đồng, vô số người chia sẻ về trang cá nhân của mình.
Ý đồ chia sẻ rất rõ ràng: Một, nói với những người phụ nữ quanh mình rằng, người đàn ông không chịu chi tiền vì bạn vốn không hề yêu bạn, mau bỏ quách anh ta đi.
Hai, nói với những người đàn ông quanh mình rằng, nhất định phải chi tiền vì phụ nữ, dù sao phụ nữ thời này cũng không dễ dụ như ngày xưa đâu.
Nói thực, ban đầu tôi cũng tán thành quan điểm này, đương nhiên tới giờ tôi vẫn tán thành vì tôi đã được trải nghiệm nó trong cuộc sống thực tế rồi. Bạn bè tôi đều biết, tôi tiêu tiền không hề tiết kiệm, mỗi lần ông xã muốn tặng quà cho tôi, tôi đều không quan tâm tới giá thành mà chỉ chọn thứ mình thích, mà thường thì chúng đều rất đắt. Tôi không nghĩ mình là người ham giàu, tôi làm vậy chỉ vì muốn thấy anh ấy dám chi bao nhiêu vì tôi.
Nhưng thấy nhiều cô bạn chia sẻ bài viết ấy như vậy, tôi cũng thử đặt trường hợp của mình vào đó, lại bỗng có cảm giác như mọi thứ trở nên quá đà.
Ví dụ, không thể lấy người đàn ông để bạn phải thanh toán tiền ăn, không thể tha thứ cho người đàn ông quên ngày kỷ niệm, và đàn ông không chịu tặng quà chắc chắn là người keo kiệt.
Lý do rất đơn giản: Đi ăn mà để phụ nữ thanh toán thì không xấu hổ sao? Đến mua quà cũng tiếc tiền thì còn yêu đương gì nữa? Phụ nữ thấy đây là chuyện đương nhiên. Ai bảo anh là đàn ông? Là đàn ông thì nhất định phải hào phóng.
Thật lòng mà nói, tôi không thích đàn ông keo kiệt. Những người keo kiệt luôn khiến người khác thấy khó chịu, như thể anh ta không xứng làm đàn ông vậy. Chuyện tiêu tiền có hào phóng hay không, dường như đã trở thành một đặc điểm để xét xem một người đàn ông có khí phách của phái mạnh hay không.
Tôi quen một người đàn ông – trong mắt người đời – anh ta chắc chắn là một người keo kiệt. Mua đồ thì phải săn sale, đi siêu thị cũng phải tìm hàng giảm giá, tính toán chi li từng đồng, bình thường chẳng mấy khi mời mọc ai ăn cơm. Nhiều phụ nữ thầm rỉ tai nhau: Đừng bao giờ yêu người như vậy, keo kiệt tới phát sợ.
Nhưng một ngày nọ, trò chuyện với anh ta, tôi bỗng thấy thông cảm.
Anh ta nói với tôi: “Có lẽ mọi người đều nghĩ tôi keo kiệt, nhưng lương tháng của tôi chỉ khoảng năm ngàn tệ. Cha mẹ tôi cũng xem như có thể tự lo cho họ.
Tôi muốn sống được ở thành phố này thì phải dựa vào chính mình. Tôi còn phải mua nhà để lấy vợ sinh con, thế nên nhất định phải tính toán chi ly, đã vậy rồi thì lấy đâu ra tiền mà hào phóng nữa.”
Bởi thế, anh ta vẫn keo kiệt như trước,nhưng trong khi rất nhiều người vẫn sống chẳng ra đâu vào đâu, thì anh ta đã mua được một căn hộ nhỏ ở khu phố khá đẹp.
Tôi bỗng nhận ra, tuy người đàn ông này rất ít khi thiết đãi người khác, nhưng anh ta cũng chưa từng để ai phải thiết đãi mình. Thỉnh thoảng, mọi người họp mặt gọi đến, biết mình không thể mời lại nên anh ta rất ít khi tham gia, cũng không lợi dụng người khác.
Tuy không hào phóng với đồng nghiệp nhưng nếu có chuyện gì cần giúp đỡ, anh ta cũng giúp hết lòng hết dạ. Đôi khi, anh ta cũng mua cà phê cho người khác, còn mình thì chỉ uống nước lọc. Với tôi, một người đàn ông “keo kiệt” như vậy cũng không quá đáng ghét, phải không?
Thậm chí, tôi nghĩ anh ta còn là một người chồng không tồi trong tương lai. Chỉ cần không có nhu cầu vật chất quá lớn thì anh ta sẵn lòng sống yên ổn với vợ mình tới hết đời.
Những kẻ mà chúng ta cho là keo kiệt, hẳn là loại đàn ông sẵn sàng mua cho mình một đôi giày bốn ngàn tệ, nhưng lại không chịu mua cho vợ một chiếc váy bốn trăm tệ. Nếu anh ta hào phóng với bạn đời hơn là với bản thân, vậy thì không thể xem anh ta là một người keo kiệt.
Một cô bạn inbox hỏi tôi, cô ấy đang qua lại với một người đàn ông khá được, nhưng hình như anh ta hơi keo kiệt, bình thường toàn tặng quà nhỏ. Không lẽ anh ta không yêu cô ấy?
Tôi hỏi cô ấy quen người đàn ông này bao lâu, cô ấy đáp là một tháng. Mới qua lại một tháng, bảo có yêu hay không cũng còn quá sớm.
Có những cô gái vừa quen chưa lâu đã tìm mọi cách để đàn ông phải tặng túi, tặng xe, hơn nữa còn không thấy được rằng hành vi và yêu cầu này có chút không ổn. Họ lấy danh nghĩa rằng đây à biện pháp thử thách đàn ông trực tiếp và hữu hiệu nhất.
Tôi có một cậu bạn, quen một cô gái rất dễ thương. Cậu ấy định tìm hiểu người bạn gái này một thời gian rồi tiến tới hôn nhân. Một hôm, hai người đi dạo phố, cô gái kia thích một chiếc vòng Cartier, tỏ ý muốn cậu bạn tôi mua cho mình. Nếu không mua thì tức là không yêu cô ấy, không vượt qua thử thách của cô ấy.
Sau đó, cậu bạn nói với tôi, chỉ cần quan hệ hai người phát triển tới giai đoạn ổn định thì cậu ấy nhất định sẽ mua vòng cho cô gái kia. Nhưng lúc đó thấy cô ấy tỏ ra chuyện này là lẽ đương nhiên, cậu ấy liền lập tức bỏ qua cô gái đó.
Từ đấy, bạn tôi bắt đầu lạnh nhạt với đối phương. Đương nhiên, cô gái kia không chịu, mấy lần tới tìm gặp cậu ấy hỏi nguyên do cho bằng được.
Bạn tôi bèn nói thật, cô gái kia rất tức tối, lúc yêu thì đàn ông chi tiền là chuyện hiển nhiên, không phải sao?
Bạn tôi giận dữ vô cùng, hỏi ngược lại cô ấy: “Nếu tôi bỏ ra vật chất tiền tài thì em bỏ ra thứ gì?”
Cô gái kia lại thản nhiên đáp: “Tôi bỏ ra thanh xuân. Thanh xuân của tôi là vô giá.”
Bạn tôi thất vọng lắc đầu: “Phải rồi, thanh xuân của em là vô giá, thế nên tôi không mua nổi,em tìm người khác mua đi!”
Thanh xuân là vô giá bởi vì không thể mang nó ra để mua bán. Một khi tiến hành mua bán thì dù đồ vật có đắt tới đâu cũng sẽ có giá cả. Phụ nữ đính giá cả lên người mình, thực ra là một kiểu tự hạ thấp bản thân. Đừng nghĩ yêu đàn ông thì bạn sẽ đánh mất thanh xuân, đối phương chắc chắn phải chịu trách nhiệm với bạn. Bạn phải tự chịu trách nhiệm về thanh xuân của mình, vì dù bạn không yêu bất kỳ ai thì bạn cũng sẽ già đi. Thanh xuân trôi qua là quy luật của tự nhiên, không phải lỗi của đàn ông.
Chồng tôi từng hỏi tôi một vấn đề: “Nếu lúc trước anh không có tiền liệu em có lấy anh không?”
Tôi đáp: “Không. Nếu anh không có tiền thì sẽ không còn là kiểu người mà em thích nữa.”
Chồng tôi không nói gì, song tôi có thể nhận ra anh ấy khá mất hứng. Dù sao cũng không người đàn ông nào thích vợ mình bày tỏ rằng nếu lúc trước mình không có tiền thì cô ấy sẽ không lấy mình. Đàn ông không tiền sợ bản thân không có thứ đáng để phụ nữ thèm khát, đàn ông có tiền lại sợ phụ nữ chỉ thèm khát tiền của mình. Đây là sự kỳ diệu của bản tính con người.
“Nhưng nếu bây giờ anh không có tiền, em sẽ cùng anh gây dựng sự nghiệp, hoặc cùng anh sống tằn tiện tiết kiệm.” Tôi nghiêm túc nói với anh ấy.
Tôi từng cẩn thận nghĩ rằng, nếu chồng mình sa sút thì tôi sẽ làn thế nào? Dù con người cũng có lúc này lúc kia, lên lên xuống xuống là lẽ thường tình; nhưng liệu khi đó tôi có rời bỏ người đàn ông bên mình không? Thậm chí, tôi còn từng mơ thấy chồng tôi đột nhiên làm ăn sa sút, yêu cầu tôi rời xa anh ấy, nhưng tôi kiên quyết không đồng ý, khăng khăng muốn ở bên anh. Tuy chỉ là mơ nhưng suy nghĩ trong mơ lại cực kỳ chân thực.
Ngày xưa, nếu chồng tôi không có tiền, tôi sẽ không lấy anh ấy, bởi vì đã không yêu thì sao tôi phải làm khổ chính mình? Nhưng giờ nếu anh ấy không có tiền, tôi vẫn sẽ ở bên anh đến cuối đời, bởi chúng tôi yêu nhau tha thiết và sâu sắc, thế nên mọi vật chất đều không còn quan trọng nữa. Dù phải chịu khổ thì cũng cam tâm tình nguyện.
Đàn ông cũng vậy. Nếu vừa mới quen đã chi tiền như nước, thì hoặc là quá thừa tiền, hoặc là do anh ta còn chưa chín chắn. Đàn ông chín chắn nhất định sẽ ước lượng xem – người phụ nữ này có đáng để anh ta tiêu tiền hay không, đáng để bản thân tiêu bao nhiêu tiền, bởi vì khi đó anh ta còn chưa yêu cô ấy.
Khi một người đàn ông đã yêu một người phụ nữ tha thiết, đừng nói là tiền, thời gian, sức lực, thậm chí sinh mạng, anh ta cũng sẵn sàng hi sinh vì cô ấy. Chẳng qua có quá nhiều phụ nữ đảo lộn trình tự này, họ luôn cho rằng đàn ông sẵn lòng tiêu tiền thì mới là yêu.
Thế nhưng khi bạn có được trái tim một người đàn ông, mọi thứ của anh ta đều thuộc về bạn.
Khi đàn ông chỉ trích phụ nữ ham tiền hám của, chỉ nghĩ tới lợi ích, thì trước hết hãy ngẫm lại, vì sao cô ấy phải chịu khổ cùng anh, anh đã đủ yêu cô ấy chưa?
Khi phụ nữ chỉ trích đàn ông keo kiệt, hẹp hòi, vắt cổ chày ra nước thì cũng xin ngẫm lại, vì sao anh ta phải ném tiền qua cửa sổ vì bạn, bạn có khiến anh ta cảm thấy xứng đáng không?
Dù là đàn ông hay phụ nữ, cả hai đều phải cho đi mới mong nhận lại. Anh tặng tôi một đời phồn hoa, tôi bên anh một đời chìm nổi.