Anna Karenina (Tập 1) - Phần 1 - Chương 11
24
“Ừ, trong con người mình có cái gì gớm ghiếc, Levin nghĩ vậy khi ở nhà Serbatxki bước ra để đi bộ về nhà ông anh. Ai nấy đều không ưa mình. Người ta bảo tại mình kiêu căng. Thế nhưng mình có kiêu căng đâu. Nếu kiêu căng, mình đã chẳng lâm vào tình thế này.” Và chàng hình dung thấy Vronxki sung sướng, hồn hậu, thông minh và bình thản, con người chắc chắn không bao giờ lâm vào cái thế khủng khiếp như chàng tối nay. “Đúng, nàng chọn anh ta là phải. Điều đó là tất yếu, và mình chả nên phàn nàn về điều gì hoặc về ai cả. Chính mình là kẻ có lỗi. Mình lấy quyền gì mà cho rằng nàng ưng gắn bó cuộc đời với mình? Mình là ai? Mình là gì? Một anh chàng không đáng kể, không cần thiết cho ai hết.” Chàng nghĩ đến ông anh Nicolai và vui mừng vì đã nhớ đến anh. “Anh ấy đã chẳng có lý khi nói tất cả mọi thứ trên trái đất này đều xấu xa, bỉ ổi đó sao? Có lẽ ta đã không công bằng khi phê phán anh Nicolai. Tất nhiên, theo quan điểm Procov, chỉ thấy anh ấy say rượu với chiếc áo choàng lông rách bươm trên mình, thì anh ấy là kẻ đáng khinh; nhưng mình, mình lại nhìn anh ấy khác. Mình hiểu tâm hồn anh ấy và biết hai anh em mình giống nhau. Thế mà đáng lẽ đi tìm anh ấy, mình lại đi ăn hiệu và mò đến đây!” Levin lại gần một cột đèn lồng để đọc địa chỉ ông anh vẫn để trong ví, và gọi xe ngựa. Trên chặng đường khá dài, chàng ôn lại rõ ràng tất cả những biến cố chàng được biết trong cuộc đời Nicolai. Chàng nhớ lại khi ở Đại học và suốt năm sau đó, anh ấy đã sống như thầy tu, tuân theo từng li từng tí mọi luật lệ tôn giáo, mặc cho bạn bè chế giễu: đi lễ, ăn chay, xa lánh các thú vui và nhất là đàn bà; thế rồi bỗng nhiên, anh ấy bỏ tất, giao du với những kẻ hèn hạ nhất và lao mình vào cuộc trác táng đáng hổ thẹn. Rồi chàng lại nhớ đến chuyện thằng bé anh ấy đưa từ nông thôn ra để nuôi dạy nhưng lại đánh nó tàn nhẫn trong một cơn giận dữ, đến nỗi bị kiện về tội ngược đãi. Tiếp đến thời kỳ lừa đảo, anh ta đã đưa cho ai đấy một lá hối phiếu để trả nợ thua bạc, rồi lại đệ đơn kiện họ về tội lường gạt (chính Xergei Ivanovitr vừa phải trả món tiền ấy). Anh ta đã phải nhốt một đêm ở bót vì tội nửa đêm làm ầm ĩ. Anh ta phát đơn kiện kết tội ông anh Xergei Ivanovitr là đã chiếm đoạt phần gia tài do mẹ để lại cho mình. Cuối cùng, anh ta xin được một chỗ làm ở một tỉnh miền Tây và bị truy tố vì tội đánh thượng cấp... Tất cả chuyện ấy thật bỉ ổi, tuy nhiên Levin thấy nó không đến nỗi xấu xa như đối với những ai không hiểu Nicolai, không hiểu thấy đáy lòng và không rõ hết chuyện anh ta.
Levin nhớ lại khi Nicolai còn đang ở thời kỳ sùng đạo ăn chay, hay lui tới nhà thờ, tu viện và tìm trong tôn giáo một sức kiềm chế dục vọng, chẳng những không ai ủng hộ anh ta mà trái lại, mọi người và ngay cả chàng đều chế giễu. Người ta trêu chọc, gọi anh ta là Nôê(30), “thầy tu”; và khi anh sa ngã thì không ai cứu vớt, mọi người đều quay mặt đi một cách kinh sợ và ghê tởm. Levin cảm thấy ông anh Nicolai của mình, mặc dầu đã sống không xứng đáng, trong tâm hồn sâu kín vẫn không lầm lỗi gì hơn những kẻ đã khinh ghét ông. Đâu phải lỗi tại ông nếu ông sinh ra với tính nết bất trị và trí tuệ nông cạn. Ông ta bao giờ cũng mong thành người tốt. “Mình sẽ nói với anh ấy tất cả những điều chứa chất trong lòng, mình sẽ bắt anh ấy phải thổ lộ hết với mình, và mình sẽ tỏ cho anh ấy biết mình yêu anh ấy, và, do đó, hiểu rõ anh ấy.” Levin quyết định như thế. Vào hồi mười một giờ đêm, chàng tới trước cửa khách sạn ghi trong địa chỉ.
(30) Nôê: tên một tộc trưởng trong Kinh thánh. Theo lệnh Chúa, Nôê đã đóng một chiếc thuyền để cứu gia đình qua thời kỳ Đại hồng thủy. Ông đưa lên thuyền tất cả những gia súc còn sống, chở đến đỉnh núi Arara và ở đó, sản sinh ra nòi giống mới.
- Ở trên gác, số buồng 12 và 13, - người gác cổng trả lời.
- Ông ấy có nhà không?
- Có lẽ có. - Cửa buồng số 12 hé mở, và từ trong bay ra một làn khói dày đặc của thứ thuốc lá rẻ tiền; một giọng nói không quen vang lên nhưng Levin biết ngay anh chàng có nhà: chàng vừa nghe thấy ông ta ho. Khi chàng bước vào, tiếng người lạ nói:
- Mọi chuyện còn tùy ở chỗ ta điều khiển công việc có nghiêm túc hay không.
Conxtantin Levin liếc nhìn vào buồng và thấy người đang nói là một chàng trai trẻ mặc áo gi lê kiểu nông dân, đầu đội mũ vải to tướng; một thiếu phụ mặt rỗ hoa, mặc áo dài len không có cổ, không có tay, đang ngồi trên đi văng. Không thấy anh chàng đâu. Lòng Conxtantin se lại khi nghĩ tới cái môi trường kỳ quái trong đó anh mình đang sống. Không ai nghe thấy chàng vào, và Conxtantin vừa tháo giày cao su, vừa lắng nghe người mặc áo gi lê nói.
Anh ta đang bàn công việc.
- Quỷ bắt những tầng lớp có đặc quyền đặc lợi đi! - có tiếng anh trai chàng nói, khi ho xong. - Masa, kiếm cho chúng tôi cái gì ăn và xem có rượu thì lấy ra; nếu không thì đi mua.
Người đàn bà đứng dậy, đi qua sau vách ngăn và thấy Conxtantin.
- Có khách đấy, Nicolai Dimitrievitr ạ, - chị ta nói.
- Ông hỏi ai đấy? - tiếng Nicolai bực bội hỏi.
- Tôi đây, - Conxtantin Levin đáp và bước ra khỏi chỗ khuất.
- Tôi là ai? - tiếng Nicolai nhắc lại, giận dữ hơn. Chàng nghe thấy ông ta bám vào cái gì đó, đứng phắt dậy và Levin trông thấy trước mặt, trong khung cửa, cái bóng cao lớn thân thuộc của anh trai: gầy gò, lưng còng, đôi mắt to nhớn nhác, cái vẻ kỳ lạ và ốm yếu của ông đập ngay vào mắt. Ông ta gầy thêm kể từ khi Conxtantin Levin gặp ông lần cuối cùng ba năm trước. Ông mặc áo choàng ngắn. Hai bàn tay và vóc người như rộng thêm ra. Tóc có thưa đi, nhưng vẫn bộ ria mép cũ lòng thòng trên môi và vẫn cặp mắt nhìn chằm chằm người mới đến một cách lạ lùng và ngờ nghệch.
- À, Coxtia, - ông chợt nói khi nhận ra em, và đôi mắt sáng lên vui thích. Nhưng cùng lúc đó, ông liếc nhìn chàng thanh niên kia, ngoẹo cả đầu lẫn cổ, một động tác rất quen thuộc với Levin, kiểu như bị cravat làm vướng víu; rồi một vẻ khác hẳn: đau đớn, cáu kỉnh và dữ tợn, hiện trên bộ mặt gầy rộc của ông.
- Tôi đã viết thư cho chú và ông Xergei Ivanovitr, nói rằng tôi không biết và không muốn biết các người là ai kia mà. Chú muốn gì? Chú cần cái gì? Ông hoàn toàn không giống như Conxtantin tưởng tượng. Khi nghĩ đến anh, Levin quên bẵng cái khía cạnh khó chịu nhất của tính nết ông, điều đã gây rất nhiều khó khăn trong quan hệ giữa hai người. Giờ đây khi thấy nét mặt và nhất là cái ngoẹo đầu cáu kỉnh của anh, chàng mới nhớ lại tất cả cái đó.
- Tôi không cần gì cả, - chàng rụt rè đáp. - Tôi chỉ đến thăm anh thôi. - Sự rụt rè của người em rõ ràng đã làm Nicolai dịu đi; ông mím môi.
- À! Được, - ông ta nói. - Vậy thì mời chú vào ngồi xuống đây. Chú có muốn ăn không? Masa, lấy ba suất nhé. Nhưng hãy đợi đã. Chú có biết ai đây không? - Ông ta quay lại phía em trai và chỉ vào người đàn ông mặc gi lê: - đây là Kritxki, một anh bạn thân ở Kiep, một người rất xuất sắc. Đang bị cảnh sát săn đuổi, tất nhiên rồi, vì anh ta không phải là một tên khốn kiếp. - Và theo thói quen, Nicolai nhìn mọi người chung quanh. Thấy thiếu phụ đứng trên ngưỡng cửa quay người sắp bước ra, ông quát ngậu lên: “Anh đã bảo em đợi đã mà!” Rồi với cái vẻ thiếu tự tin, cái cách diễn đạt khó khăn mà Conxtantin biết rất rõ, ông bắt đầu kể cho em trai nghe hết câu chuyện Kritxki vừa kể và đưa mắt nhìn hết người này sang người kia: anh chàng bị đuổi khỏi trường Đại học vì đã sáng lập ra hội cứu tế sinh viên nghèo và tổ chức những lớp học ngày chủ nhật; sau đó, anh ta làm giáo viên trong một trường tiểu học, bị đuổi một lần nữa và bây giờ đang bị theo dõi vì một lẽ khác.
- Ông ở trường Đại học Kiep à? - Conxtantin hỏi Kritxki, để phá tan sự yên lặng nặng nề.
- Vâng, trước kia tôi ở đó, - Kritxki nhíu mày, cau cảu đáp.
- Còn người đàn bà này, - Nicolai Levin ngắt lời và chỉ thiếu phụ, - là bạn đời của tôi, tên là Maria Nicolaievna. Tôi chuộc cô ấy ở nhà chứa ra (ông ta ngoẹo cổ khi nói tới đấy). Nhưng tôi yêu và kính trọng cô ấy, và tất cả những ai muốn giao thiệp với tôi, tôi yêu cầu họ cũng yêu mến và kính trọng cô, - ông ta cao giọng nói tiếp và nhăn mặt lại.
- Tôi hoàn toàn coi cô ta như vợ. Như vậy là chú đã rõ chú đang giao thiệp với ai rồi. Và nếu chú tưởng như thế là tự hạ mình xuống, thì xin mời chú ra khỏi cửa!
Và ông ta nhìn mọi người xung quanh, vẻ dò hỏi.
- Tại sao thế lại là tự hạ mình nhỉ? Tôi không hiểu.
- Vậy thì cho đem thức ăn lên đây, Masa: ba suất, vôtka, rượu vang... không, khoan đã... Thôi, không cần... đi đi em...
25
- Chú
thấy đấy, - Nicolai Levin nói tiếp, lông mày nhíu lại và mặt nhăn nhó, gắng
gượng. Rõ ràng mỗi cử chỉ mỗi lời nói đều khó nhọc đối với ông. - Chú thấy
đấy... (ông chỉ vào những thanh sắt buộc dây thừng trong góc phòng). Chú nhìn
thấy cái ấy không? Đó là bước đầu của một công trình mới mà chúng tôi đang tiến
hành. Đó là một hợp tác xã sản xuất... - Conxtantin lơ đãng nghe. Chàng mải
ngắm khuôn mặt ốm yếu của người ho lao đó, và càng cảm thấy thương hại anh hơn,
thành thử không biết ông ta nói những gì về hợp tác xã. Chàng thấy tổ chức này
chỉ là chỗ bấu víu cuối cùng để ông ta tránh khỏi tự khinh mình mà thôi.
Nicolai Levin nói tiếp:
- Chú
cũng biết tư bản chà đạp lên công nhân. Ở nước ta, thợ thuyền, dân cày đều phải
làm việc nặng nhọc và đều ở trong một hoàn cảnh dù có cố gắng đến đâu cũng
không sao thoát khỏi phận con vật kéo cày. Mọi khoản lời lãi thu được mà họ có
thể dùng để cải thiện đời sống, tạo nên những giờ phút an nhàn và do đó, học
hỏi thêm, đều bị bọn tư bản nẫng mất. Và xã hội đã được xây dựng theo kiểu họ
càng lao động bao nhiêu, thì bọn con buôn và bọn chủ lại càng làm giàu bấy
nhiêu, còn họ thì vẫn mãi mãi là con vật kéo cày. Cái tình trạng này cần thay
đổi, - người anh kết luận và nhìn em ra vẻ dò hỏi.
- Phải,
tất nhiên rồi, - Conxtantin nói, và nhìn vào đôi gò má anh ửng đỏ.
- Cho
nên chúng tôi tổ chức ra cái hợp tác những người thợ khóa, trong đó sản xuất,
lợi tức và các công cụ lao động chủ yếu là của chung cả.
- Cái
hợp tác đó sẽ ở đâu? - Conxtantin Levin hỏi.
- Ở làng Vordrema, tỉnh Kazan.
- Tại
sao lại ở trong làng? Tôi thấy hình như nông thôn thiếu gì việc làm. Tại sao
lại đặt hợp tác thợ khóa ở làng?
- Bởi
vì nông dân vẫn nô lệ như xưa, và chính vì vậy cho nên cả chú lẫn Xergei
Ivanovitr đều bực tức khi thấy người ta muốn kéo họ ra khỏi kiếp nô lệ, -
Nicolai Levin nói, tức tối vì lời nhận xét trên.
Conxtantin
thở dài và đưa mắt nhìn quanh căn phòng bẩn thỉu, tối tăm. Tiếng thở dài đó như
càng làm Nicolai tức tối thêm.
- Tôi
thừa biết những định kiến quý tộc của chú và của Xergei Ivanovitr rồi. Tôi biết
anh ta đang dùng tất cả trí thông minh để biện hộ cho cái xấu đang tồn tại.
- Nhưng
tại sao anh lại nhắc đến Xergei Ivanovitr với tôi? - Levin cười hỏi.
- Nhắc
đến Xergei Ivanovitr ấy à? Bởi vì thế này, - Nicolai Levin bỗng gầm lên khi
nghe đến tên ông anh. - Nguyên là thế này... Nhưng nói làm quái gì? Chỉ cần chú
nói cho tôi biết chú đến gặp tôi vì chuyện gì? Chú khinh bỉ chuyện này à, được
lắm, quỷ bắt mày đi! Cút đi! - ông ta đứng dậy và thét lên. - Cút đi! Cút đi!
- Tôi
không khinh gì hết, - Conxtantin Levin nhẹ nhàng nói. - Thậm chí tôi không hề
tranh cãi nữa kia.
Giữa
lúc ấy, Maria Nicolaievna trở lại. Nicolai Levin giận dữ nhìn chị ta. Chị thoăn
thoắt lại gần và nói thầm mấy câu với ông.
- Tôi đang
ốm, tôi đâm ra bẳn tính, thế mà chú lại đến nói với tôi về Xergei Ivanovitr và
bài báo của anh ta, - Nicolai đã nguôi nguôi, vừa nói vừa thở nặng nề. - Đó là
những chuyện phi lý, dối trá, ảo tưởng quá! Một người không hiểu gì về công lý
thì nói sao được chuyện công lý. Anh đã đọc bài báo của anh ta chưa? - Nicolai
quay sang phía Kritxki hỏi, ngồi xuống cạnh bàn và dọn cái mặt bàn đầy những
điếu thuốc nhồi có một nửa.
- Chưa,
- Kritxki nói, vẻ mặt lầm lầm, rõ ràng không muốn bắt chuyện.
- Tại
sao? - Nicolai Levin hỏi, giọng khó chịu.
- Vì
tôi cho rằng không nên mất thời giờ vô ích vào những chuyện ấy.
- Xin
lỗi, nhưng tại sao anh biết là mất thời giờ? Bài báo này nhiều người không hiểu
nổi, nó vượt quá trình độ họ. Tôi thì khác, tôi bóc trần cái ý của nó, và tôi
biết vì sao nó yếu.
Mọi
người nín lặng. Kritxki chậm rãi đứng dậy và cầm lấy mũ.
- Anh
không muốn ăn à? Thôi được, chào anh. Ngày mai cùng đến với anh thợ khóa nhé. -
Kritxki vừa ra khỏi, Nicolai Levin đã nháy mắt và mỉm cười.
- Cả
thằng cha này nữa, cũng không ra gì đâu, - ông nói. - Tôi thấy rõ điều đó
lắm... - Nhưng giữa lúc đó, Kritxki gọi ông ta từ ngoài cửa.
- Anh
còn cần gì nữa đấy? - Nicolai Levin hỏi và ra hành lang gặp y. Còn lại một mình
với Maria Nicolaievna, Levin hỏi chuyện chị:
- Chị
sống với anh tôi đã lâu chưa? - chàng hỏi.
- Sắp
được hai năm rồi. Anh ấy ốm yếu mà uống rượu nhiều quá, - chị ta nói.
- Sao,
anh ấy uống rượu à?
- Uống
vốtka, nó làm hại anh ấy.
- Uống
nhiều lắm à? - Levin khẽ hỏi.
- Vâng,
- chị ta đáp và rụt rè nhìn ra cửa; Nicolai Levin đang trở vào.
- Các
người nói chuyện gì thế? - ông cau mày và lo ngại nhìn hết người này đến người
kia. - Nói chuyện gì?
- Có
chuyện gì đâu, - Conxtantin bối rối đáp.
- Các
người không muốn nói ra với tôi thì tùy các người thôi. Nhưng chú nói chuyện
với nó làm gì kia chứ. Nó là con gái điếm, còn chú, chú là một ông lớn, - ông
ta vừa nói vừa ngoẹo cổ. - Tôi thấy là chú đã hiểu hết, chú đã có nhận định rồi
và chú thương hại những lầm lẫn của tôi, - ông cao giọng nói tiếp.
-
Nicolai Dimitrievitr, Nicolai Dimitrievitr, - Maria Nicolaievna lại gần ông và
khẽ van vỉ.
- Thôi
được, thôi được... Nhưng này, bao giờ thì được ăn đấy? À! Đây rồi! - ông nói khi thấy gã người làm
bưng mâm lên. - Đây, đặt xuống đây, - ông cáu kỉnh nói và cầm ngay lấy chai
rượu vôtka, rót một ly nhỏ và nốc thẳng một hơi. - Chú có dùng không? - ông hỏi
em. Ông đã vui hơn lên. - Thôi, nói về Xergei Ivanovitr như vậy đủ rồi. Dù sao
tôi cũng lấy làm bằng lòng được gặp chú. Muốn nói sao thì nói, chúng ta cũng
không phải là người dưng nước lã. Này, uống đi chú. Hãy kể cho tôi biết chú
đang làm gì nào, - ông nói tiếp, vừa nhai nhồm nhoàm miếng bánh mì và rót thêm
ly rượu thứ hai. - Chú sống ra sao?
- Tôi
sống một mình ở nông thôn, như ngày xưa, trông nom trại ấp, - Conxtantin
đáp, vừa sợ hãi nhìn anh ăn uống một cách thèm khát và cố giấu không tỏ vẻ gì
cho anh biết.
- Tại
sao chú không lấy vợ?
- Tôi
chưa có hoàn cảnh, - Conxtantin đỏ mặt đáp.
- Tại
sao thế? Còn tôi... thế là hết rồi. Tôi đã làm hỏng đời tôi. Trước đây tôi đã
nói và nay vẫn nhắc lại rằng nếu tôi được phần gia tài thuộc về tôi, đúng lúc
tôi cần, thì đời tôi chắc khác hẳn rồi.
Conxtantin
vội vã lái sang chuyện khác.
- Anh
có biết thằng Vaninska của anh hiện đang làm cho tôi ở Pocrovxcoie không? -
chàng hỏi. Nicolai ngoẹo cổ và trở nên tư lự.
- Ừ
phải đấy, chú kể cho anh nghe những chuyện xảy ra ở Pocrovxcoie đi. Ngôi nhà
vẫn vững chãi như cũ chứ? Còn rặng bạch dương ra sao? Và phòng học của chúng
ta? Bác gác vườn Filip vẫn còn sống chứ? Sao mà anh nhớ cái vòm cây, và cái
đivăng thế!... Chú hãy nghe anh, đừng thay đổi gì trong nhà cả, nhưng chú nên
lấy vợ càng sớm càng tốt và tổ chức lại cuộc sống như ngày xưa ấy. Lúc ấy, anh
sẽ đến thăm chú, nếu thím ấy tốt bụng.
- Anh
đến ngay bây giờ đi, - Levin nói. - Chúng ta sẽ sống sung sướng biết mấy!
- Anh
sẽ về ngay, nếu biết chắc không gặp Xergei Ivanovitr ở đấy.
- Anh
sẽ không gặp anh ấy đâu. Tôi sống hoàn toàn độc lập.
- Phải,
nhưng, muốn nói sao thì nói, giữa anh ấy và tôi, chú phải chọn lấy một, - ông
nói và rụt rè nhìn vào mắt em. Vẻ rụt rè đó làm Conxtantin cảm động.
- Nếu
anh muốn tôi phải thú thật về mặt này, thì xin nói trong vụ xích mích giữa anh
với Xergei Ivanovitr, tôi chẳng đứng về phía nào cả. Cả hai anh đều sai. Anh
thì sai ở bề ngoài, còn anh ấy sai về bên trong.
- Ha,
ha! Chú cũng hiểu thế đấy, chú cũng hiểu ra thế đấy! - Nicolai kêu lên vui
vẻ.
-
Nhưng, nếu anh muốn biết, thì tôi vẫn quý anh hơn, bởi vì...
- Tại
sao? Tại sao? - Conxtantin không thể nói chàng quý Nicolai hơn vì ông khổ sở và
cần được yêu thương. Nhưng Nicolai hiểu chàng muốn nói đến chính điều đó, và
cau mày lại, ông tiếp tục uống.
- Đã
rồi đấy, Nicolai Dimitrievitr ạ! - Maria Nicolaievna nói, bàn tay hum húp chìa
về phía chai rượu.
- Để
yên! Đừng làm tôi bực mình mà tôi đánh cho đấy! - ông thét lên!
Maria
Nicolaievna cười, vẻ đôn hậu khiến Nicolai hết cáu, rồi chị cầm lấy chai.
- Chú
tưởng nó không biết gì chắc? - Nicolai nói. - Nó hiểu mọi chuyện hơn bọn ta. Có
phải trong nó có cái gì đôn hậu, đáng yêu không?
- Chị
chưa đến Moxcva bao giờ à? - Conxtantin hỏi cho có chuyện.
- Đừng
gọi nó là chị đi chú. Gọi
thế nó sợ đấy. Chưa ai gọi nó là chị bao
giờ, trừ viên thẩm phán hòa giải, trong phiên xử cho nó thoát khỏi nhà chứa.
Trời ơi, dưới trần này, cái gì cũng vô lý quá! - đột nhiên ông kêu lên. - Những
tổ chức mới, những thẩm phán hòa giải, những hội đồng địa phương, mọi thứ đó
giống cái gì nhỉ?
Và ông
bắt đầu kể lể mối bất đồng của ông với các tổ chức mới.
Conxtantin
Levin nghe anh nói, và việc chỉ trích mọi tổ chức xã hội, mà chính chàng cũng
nói tới luôn, bỗng trở nên chướng tai khi thốt ra từ miệng ông ta.
- Chúng
ta sẽ hiểu mọi chuyện đó khi sang thế giới bên kia, chàng pha trò.
- Thế
giới bên kia à? Ồ!
Tôi không thích cái thế giới ấy đâu! Tôi không thích nó đâu, - ông nói, đôi mắt
sợ hãi nhìn chằm chằm vào mặt em. - Tuy nhiên, thoát được khỏi tất cả những cái
đê tiện và hỗn loạn này thì khoái biết bao. Nhưng tôi vẫn sợ chết, tôi sợ chết
ghê gớm, - ông ta rùng mình. - Chú hãy uống chút gì đi, uống sâm banh nhá? Hay
ta ra phố, đồng ý không? Đến quán bọn Digan đi! Chú có biết không, bây giờ tôi
rất thích người Digan và những bài hát Nga. Lưỡi líu lại, ông nhảy từ chuyện
này sang chuyện khác. Cùng với Masa, Conxtantin thuyết phục được anh mình không
đi đâu cả; họ đặt ông vào giường khi ông đã say mềm.
Masa
hứa sẽ viết thư cho Levin khi cần và sẽ cố đưa ông anh về ở với chàng.
26
Sáng
hôm sau, Conxtantôn Levin rời Moxcva và đến tối thì về tới nhà. Dọc đường,
chàng nói chuyện với những bạn đồng hành về chính trị, về những đường sắt mới
làm, và cũng như ở Moxcva, nỗi bất mãn với chính mình, sự hổ thẹn vẫn hành hạ
chàng. Nhưng khi chàng xuống ga, nhận ra gã xà ích chột mắt Ignat với cổ áo
chàng lật cao, khi thoáng thấy, qua ánh đèn yếu ớt từ cửa sổ nhà ga hắt ra, cỗ
xe trượt phủ thảm của mình, đàn ngựa đuôi buộc vắt dưới bộ thắng đai đầy vòng
và dây tua, khi gã Ignat vừa xếp chàng ngồi lên xe vừa kể những tin tức mới:
nào viên thầu khoán đã tới, nào con bò Pava đã đẻ, chàng bỗng cảm thấy những ý
nghĩ mơ hồ tan đi và sự hổ thẹn, điều bất mãn với mình cũng mất dần. Chỉ vừa
trông thấy Ignat và đàn ngựa, chàng đã cảm thấy như vậy. Nhưng khi xỏ tay vào
áo choàng lông cừu do người nhà đem tới, và mình ủ kín, ngồi vào cỗ xe vừa khởi
hành, chàng liền nghĩ lại ngắm con ngựa trắng ở càng xe, con ngựa cưỡi của
chàng trước kia (một con ngựa ở sông Đông, chạy nhanh, nhưng nay đã yếu sức),
và nhìn nhận mọi việc xảy ra với con mắt hoàn toàn khác trước. Chàng thấy mình
chính là mình và không ước ao đổi khác nữa. Chàng chỉ muốn mình sẽ tốt hơn
trước. Đầu tiên, chàng quyết định bắt đầu từ hôm nay, chàng sẽ không mơ ước nữa
cái hạnh phúc viển vông mà hôn nhân có thể đem lại, và do đó, chàng cũng không
coi rẻ hiện tại đến thế. Sau nữa, chàng sẽ không bao giờ để cho những dục vọng
thấp hèn cám dỗ, như cái dục vọng đã giày vò chàng trước khi hỏi vợ. Nhớ tới
ông anh Nicolai, chàng quyết định sẽ luôn luôn theo dõi để có thể sẵn sàng giúp
đỡ anh trong bước khó khăn. Và chàng cảm thấy việc này không thể chậm trễ.
Những câu chuyện của anh về chủ nghĩa cộng sản mà trước đó chàng rất coi nhẹ,
bây giờ lại khiến chàng suy nghĩ. Chàng coi ý định cải cách những điều kiện
kinh tế như chuyện khờ dại; nhưng chàng vẫn luôn cảm thấy bất công khi mình
được sung sướng thừa thãi trong lúc nhân dân còn lầm than. Và để lương tâm được
yên ổn, mặc dầu chàng vẫn làm việc rất nhiều và sống rất giản dị, chàng tự hứa
sẽ làm việc nhiều hơn nữa và chỉ cho phép mình hưởng êm ấm ít hơn nữa so với
thời gian đã qua. Và chàng thấy như tất cả những chuyện ấy có thể đạt được dễ
dàng, đến nỗi trên chặng đường còn lại, chàng đắm mình trong những giấc mơ thú
vị nhất. Đến chín giờ tối, chàng dừng lại trước cửa nhà, lòng tràn ngập nghị
lực và hi vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Ánh đèn ở cửa sổ buồng Agafia Mikhailovna, bà vú
già giữ nhiệm vụ quản gia, chiếu sáng thềm cửa đầy tuyết. Bà ta vẫn chưa ngủ.
Gã Kuzma bị bà gọi giật dậy, cứ chân đất chạy ra thềm, mắt còn ngái ngủ. Laxca,
con chó săn cái cũng nhảy bổ ra ngoài, suýt nữa làm ngã ngửa Kuzma, và vừa cọ mình vào bắp
chân Levin vừa mừng rỡ sủa, rồi đứng thẳng bằng hai chân sau định đặt hai chân
trước lên ngực chủ nhưng không dám.
- Cậu
về sớm nhỉ, cậu chủ, - Agafia Mikhailovna nói.
- Tôi
nhớ nhà, Agafia Mikhailovna ạ. Ở nhà người khác cũng tốt đấy, nhưng nhà mình
vẫn hơn, - chàng đáp và vào phòng làm việc.
Phòng
làm việc sáng dần lên dưới ánh nến. Những chi tiết quen thuộc hiện ra khỏi bóng
tối: gạc hươu, giá sách, gương soi, cái bếp lò mà những ống khói đáng lẽ phải
chữa từ lâu, cái đi văng của cha chàng, cái bàn lớn; trên mặt bàn, một quyển
sách để mở, cái gạt tàn đã vỡ, một quyển vở đầy chữ chàng viết. Nhìn tất cả
những thứ ấy, trong một lúc, chàng đâm ngờ vực khả năng có thể thay đổi lối
sống, như chàng đã mơ mộng khi đi đường. Tất cả những vết tích đời sống đã qua
như bủa vây lấy chàng và nói: “Không, anh sẽ không bỏ chúng tôi. Anh sẽ không
thay đổi, anh sẽ là anh y nguyên như cũ, với những ngờ vực, với nỗi tự bất mãn
muôn thuở của anh, với những mưu toan vùng lên vô ích, những vấp ngã và chờ đợi
thường xuyên một thứ hạnh phúc không tài nào đạt tới vì nó ngoài tầm với của
anh.” Nhưng đồ vật chỉ nói những lời như thế; còn một tiếng nói khác, từ trong
thâm tâm, nhủ chàng: không thể nô lệ dĩ vãng và ta có thể tự buộc mình làm mọi
điều theo ý muốn. Tuân theo tiếng nói đó, chàng đến góc phòng, nơi để hai quả tạ
một pút; chàng lấy thế, lên gân nhấc bổng tạ, cố đứng thật chắc. Có tiếng bước
chân sau cánh cửa làm mặt sàn kêu cót két. Chàng vội đặt tạ xuống. Đó là viên
quản lý; hắn nói nhờ Chúa mọi việc đều tốt cả, duy có món lúa mì đen bị quá lửa
trong lò sấy mới. Tin này làm Levin bực tức. Cái lò sấy mới này là do chàng xây
và một phần do chàng sáng chế. Viên quản lý vẫn phản đối việc xây lò sấy đó và
bây giờ, hắn báo cái tin lúa mì đen bị quá lửa bằng một vẻ đắc thắng khiêm tốn.
Còn Levin, chàng vẫn tin chắc sở dĩ lúa mì bị cháy là vì người ta không thực
hiện những biện pháp chàng đã dặn hàng trăm lần. Chàng nổi nóng mắng cho viên
quản lý một trận. Nhưng tiếp đến là một sự kiện đáng mừng và quan trọng: Pava,
con bò cái đẹp nhất và quý nhất chàng mua ở hội chợ, đã đẻ.
- Kuzma
đâu, đưa tôi cái áo lông. Còn anh, bảo lấy đèn lồng để tôi đi thăm bò, - chàng
nói với viên quản lý.
Chuồng
bò quý ở sát ngay đằng sau nhà. Chàng đi qua sân giữa những đống tuyết gần rặng
tử đinh hương và bước vào chuồng bò. Mùi phân nóng bốc lên khi cánh cửa phủ đầy
tuyết mở ra, và đàn bò sửng sốt trước ánh sáng bất thường của cây đèn lồng, đua
nhau cựa quậy trên ổ rơm mới. Cái mông lớn nhẵn thín của con bò Hà Lan có bộ lông lốm đốm
trắng đen, hiện ra dưới ánh sáng. Bexkut, con bò đực đang nằm với cái vòng ở
mũi; nó định đứng dậy, song lại thôi và chỉ thở phì phì hai ba cái khi mọi
người đi ngang qua. Pava, con bò đẹp nhất trong số bò đẹp, to béo như con trâu
nước, quay mông lại những người vừa tới, che chở cho chú bê con mà nó đang ngửi
từ đầu đến đuôi. Levin bước vào khoang xem xét Pava và nhấc bổng con bê đốm
trắng, đỏ đang ngật ngưỡng trên những cẳng chân lêu nghêu. Pava hốt hoảng định
kêu lên, nhưng yên tâm ngay khi Levin trả con cho nó, và thở phì phì, nó thè
cái lưỡi ráp liếm cho con. Chú bê con dũi mõm dưới sườn mẹ và vẫy đuôi.
- Soi
vào đây, Fedor, mang đèn lại gần đây, - Levin vừa nói vừa xem xét con bê. - Con
này giống mẹ đây, mặc dầu lông giống bố. Đẹp lắm. Nhỏ nhắn và thon thả. Nó đẹp
đấy chứ phải không, Vaxili Fedorovitr? - Chàng nói và quay lại phía viên quản
lý, quên mất cả chuyện lúa mì đen bị cháy, vì đang vui thích với con bê mới
đẻ.
- Nòi
nào giống ấy mà! Sau hôm ông đi, bác thầu khoán Xemion đến nhà ta. Phải thỏa
thuận với bác ta thôi, ông Conxtantin Dimitrievitr ạ, - viên quản lý nói. - Tôi
đã thưa chuyện với ông về cái máy rồi đấy. - Chỉ một vấn đề đó cũng đủ khiến
Levin nhớ lại mọi chi tiết của việc quản trị phức tạp trong trại ấp rộng lớn.
Từ chuồng bò, chàng về thẳng bàn giấy và sau khi nói chuyện với viên quản lý
cùng bác thầu khoán Xemion, chàng trở vào nhà và lên phòng khách.